NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)
45.
Lập đông năm ấy khi cây quýt trước cửa nhà tôi vàng rực một màu quả chín và lúa mùa cũng đã chín vàng đồng thì cũng là lúc các ông Đội rút khỏi làng tôi, kết thúc cuộc cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt.
Mảnh sân gạch trước cửa nhà tôi, nơi mà lúc này chi họ Nguyễn Hàn Bằng xây tháp lưu niệm, lâu lắm rồi nay mới có thóc đem phơi.
Hôm ấy có một người con gái bỗng dưng đến nhà tôi. nàng vấn trên đầu giải khăn màu nâu non. Tôi nghe nàng nói với mẹ tôi: “Bà có việc gì cho con làm với, chứ con đói quá. Mẹ tôi bảo: “Có việc rê thóc đấy, cô làm đi!”. Nàng bắt tay vào làm ngay. Nhanh nhẹn và khỏe mạnh.
- Cô bao nhiêu tuổi rồi?
Mẹ tôi hỏi. Cô trả lời:
- Cháu mười tám !
- Vậy là cô lớn hơn thằng con trai tôi hai tuổi.
Mẹ tôi chỉ nói có thế, vậy mà hôm sau, bà Ký Lục, người ở xóm Cầu cũng thuộc thành phần địa chủ như nhà tôi, đã đến nói với mẹ tôi và tôi nghe được.
- Ông bà Bá Ngợi có ý muốn gả cô Luyến cho cậu cả nhà ta đấy. Thời buổi khó khăn này, ông bà Ngợi bảo chả cần cưới xin cũng được. Cứ để cho cháu về làm dâu từ ngày mai để nhà ta vừa có người làm ngay, kẻo một mình bà vất vả quá, lại vừa cho cháu có bát cơm ăn qua ngày, chứ ở bên ấy đói lắm.
Tối hôm ấy, mẹ tôi hỏi ý kiến tôi. Tôi nói với mẹ:
- Mười sáu tuổi có ai lấy vợ bao giờ?
Tôi từ chối vì tôi chỉ nghĩ đến Én, mặc dù đến lúc này, nàng hoàn toàn xa lạ với tôi, thành người của giai cấp đối nghịch.
Và cũng vì thế phải thêm một thời gian nữa tôi mới được biết tin sau cái hôm xử bắn bố tôi, En đã bỏ nhà ra đi, không một lới nhắn lại. Hỏi ông Khán Vĩnh thì ông bảo En chết rồi. Hỏi vì sao chết thì ông không nói. Kền thì bảo, cái Én vào Thanh Hoá với gia đình Đội Khoảnh, vì nó lỡ dại với anh ấy, không tiện cưới xin linh đình. Nhà trai chỉ làm mâm cỗ lạt cúng gia tiên thôi. Còn ai muốn hỏi đội Khoảnh thì đúng là”bắc thang lên hỏi ông trời” vì Đội Khoảnh cũng đã tếch khỏi làng ra đi. Người thì bảo ông ta xong nhiệm vụ nên đã trở về địa phương. Người thì bảo ông ta bị kỷ luật vì xử tử địa chủ một cách quá dã man không đúng luật Cải cách ruộng đất quy định. Phụ hoạ với lới ông Khán Vĩnh có người còn nói rằng, do En không chịu nhận lời lấy Đội Khoảnh nên đã nhảy xuống sông Hồng tự tử. Người ta đã nhặt được gói quần áo bên trong có tờ giấy thông hành cuả En để ở trên bờ như ngầm báo tin cái chết của mình với mọi người. Tôi không tin ở điều này. Nhưng lại tin En về quê lão đội Khoảnh để sông với lão. Vì lão thì luôn như con nhện giăng lưới khắp nơi trong khi En cứ nhởn nhơ vô tư như con bươm bướm.
46.
Chả hiểu vì lý do gì ở quê tôi, người ta rất kiêng kỵ việc đào mồ đào mả lúc ban ngày, thành ra việc khổ ải này cứ phải làm trước lúc mặt trời mọc. Bởi thế hôm ấy, mới 4 giờ, trời còn tối như mực, rét tháng chạp còn buốt đến tận xương, tôi đã phải thức dậy, gánh ra bãi tha ma chiếc tiểu sành da lươn, mẹ tôi mới nhờ người mua từ thành phố Nam Định cách đò cách giang. Để cân bằng trọng lượng với chiếc tiểu sành, tôi phải tạo thêm đối trọng bên kia quang gánh một khúc thân cây chuối. Mấy ông trong họ đã ra mả Vần đào mộ từ trước. Hôm ấy, thật không may cho tôi, vô ý thế nào, lại bị vấp ngã, làm chiếc tiểu sành văng ra vỡ làm 3 mảnh. Tôi sợ quá, tay run như cầy sấy, vừa rét vừa sợ, ngồi ghép lại một cách vô vọng các mảnh vỡ đó cho nó liền lại với nhau. Thật không ngờ, mắt tôi lại chạm phải dòng chữ ấy viết bên thành tiểu. Lại chữ LÂN, tên bố tôi, viết bằng phấn trắng. Mùa này là mùa cải táng, nhiều gửi mua nên người buôn tiểu phải đánh dấu thế cho khỏi lẫn lộn ngừoi nọ sang người kia. Nhìn chữ Lân “mới” tôi lại chua xót nhớ đến chữ Lân “cũ”, trên tấm ván thiên của cỗ quan tài dành cho bố tôi năm nào. Cái số bố tôi lận đận thì thế nào cũng không tránh khỏi sự lận đận. Bây giờ biết tính sao đây? Mộ thì đào lên rồi. Tiểu thì vỡ. Muốn mua cái khác thì phải đi xa lại đò giang cách trở, mang về được đến nhà thì cũng phải quá trưa. Mà giờ ấy ai còn cải táng nữa.Tôi sợ quá, đành bỏ mặc cô em gái lúc nãy cầm đèn soi đường cho tôi, ở lại khóc một mình. Tôi về nhà, lăn vào ổ rơm, bịt chặt hai lỗ tai, trùm chăn kín đầu để khỏi phải nghe, khỏi phải thấy những gì đang sắp sửa xảy ra. Nhưng tôi đâu có trốn tránh được. Một tiếng mở mành đánh phạch một cái. Tôi thấy từ ngoài cửa bố tôi, đầu vỡ toang, óc phọt ra như bã đậu, ngực đầy máu, đỏ lòm đến mở chiếc chăn bông tôi đang đắp ra, nhìn trừng trừng vào mặt tôi. Rồi bố lại đi ra, im lặng, không nói nửa lời. Tôi hét lên: “Không phải tại con. Tại trời tối quá và ngõ đi lại gập ghềnh!”. Mẹ tôi từ trong buồng hấp tấp chạy ra, đập tay mạnh vào người tôi. Tôi đáp: “Con không nằm mơ đâu. Con còn tỉnh mà. Con vừa nhìn thấy bố vào nhà”.
Rất may, sau đó mọi chuyện đâu vào đấy cả. Những người trong dòng họ cho là cái số bố tôi như thế thì tất nó phải thế nên đã vui vẻ đặt hài cốt bố tôi vào chiếc tiểu sành vỡ đó rồi mai táng bình thường như không hề có chuyện gì xảy ra.
Đó là chuyện của hơn 40 năm về trước.
Đến kỳ này, khi ngôi tháp lưu niệm hoàn thành, anh em chúng tôi lại tính đến chuyện những ngôi mộ. Khó khăn lớn nhất với chúng tôi lúc này là chú Sáu, người trực tiếp đứng ra cải táng ngôi mộ ngày ấy nay đã về chầu tiên tổ nên những cái gì liên quan đến việc cải táng ngày ấy đều bị chôn vùi theo. Rất may là tôi còn nhớ được rành rành câu chuyện trên, với cái tiểu sành vỡ làm ba mảnh. Tôi đề nghị mọi người trong chi họ hãy dùng chi tiết ấy làm căn cứ để phân biệt hài cốt người nọ với người kia và nhờ thế, tôi dám đưa ra quyết định cuối cùng : Xây xong tháp lưu niệm dứt khoát phải tôn tạo khu lăng mộ chi họ.
Sở dĩ có chuyện lấn cấn này vì tâm lý chung trong đám anh em chúng tôi là không muốn khai quật động mồ động mả làm gì. Kính chẳng bõ phiền, trong đám mộ chí chôn liên chi hồ điệp, liền lù một khối như luống khoai kia, lại im thin thít không có bia mộ gì cả, biết đâu là mộ của ai mà đào lên lấp xuống. Không khéo râu ông nọ cắm cầm bà kia, “mồ cha không khóc đi khóc đống mối”, thì thật lôi thôi to.
Người có lỗi lớn trong chuyện này là chú Sáu tôi. Khi còn sống, sau khi được chứng nhận là “cải tạo tốt” và được hạ thành phần từ địa chủ xuống trung nông, cậy có chút chữ nghĩa, hay xem báo xem sách, ông đã giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách hơi cực đoan. Theo ông, thì đã là cộng sản thì có nghĩa là không còn có gì gọi là riêng tư, cá nhân nữa, kể cả phần hài cốt, mộ chí. Ông bảo sống đã làm chung trong một hợp tác xã, cư trú trong một khu tập thể, một chung cư thì chết cũng phải chung mộ, chung huyệt, thậm chí chung cả quan tài. Ông phê phán câu “sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ” là chủ nghĩa cục bộ, cần phải xoá bỏ. Chính vì thế, bước vào những năm 1960, khi nông thôn miền Bắc dấy lên một phong trào khá rầm rộ gọi là “dồn điền đổi thửa”, phá bờ ngăn, biến những mảnh ruộng bao đời nay côi cút, manh mún thành những cánh bao la, máy cày chạy vài vòng đã phải dừng lại châm dầu. Theo đó những xóm trại lô nhô nằm rải rác giữa cánh đồng phải dọn cả vào làng và những ngôi mộ lẻ loi phải về nằm chung một nghĩa trang. Việc làm này là hay, là tốt. Các dòng họ khác trong làng trong xã người ta thực hiện chủ trương này bình thường suôn sẻ, không có chuyện gì phải bàn. Chỉ khi công việc đến tay chú Sáu nó mới nảy ra những hành động kỳ quặc và quái đản như thế. Khổ nỗi lúc này trong chi họ tôi, bậc cha chú duy nhất sống đến lúc này chỉ còn chú Sáu. Thành ra quyết định của chú mọi người cứ phải tuân theo.
Với tư cách là cháu đích tôn, trưởng chi họ, tôi quyết định cứ cho đào mả lên, sắp xếp vị trí lại. Tạm thời hãy lấy cái tiểu sành có ba mảnh vỡ của bố tôi làm căn cứ, làm kim chỉ nam.
Trong anh em có người phản bác cho rằng căn cứ như thế là không khoa học, vì ngộ nhỡ, ngày di chuyển mộ, chú Sáu cho thay chiếc tiểu khác thì sao. Tôi cũng bị ngớ ra vì câu nhận định này, song sau đó, tôi lại đưa thêm ra một căn cứ khác. Là, lại dựa vào đặc điểm, hài cốt nào hộp sọ bị vỡ làm nhiều mảnh thì đích thị của bố tôi. Lại có ý kiến phản bác. Thế anh Nghiệm, anh ruột tôi thì sao, chả cũng bị Tây bắn vỡ sọ ở trận càn Quang Thẩm là gì.
Tranh cãi mãi rồi cuối cùng cũng đâu vào đấy, ngôi mộ tập thể của dòng họ tôi vẫn cứ được đào lên. Đến đây lại nảy sinh một vấn đề mới là làm thế nào nhận dạng được từng ngôi mộ, từng hài cốt còn lại. Cuối cùng, chúng tôi thấy cách tốt nhất là dựa theo vai vế, thứ bậc trong họ. Ví du, đứng trước (theo lối xếp hàng dọc) bố tôi phải là ông bà nội, trên nữa là cụ nội (sẽ căn cứ vào tấm bia vẫn còn chôn chìm dưới đất, vì sợ trẻ trâu phá hoặc người lớn đào trộm nung vôi). Còn sau bố tôi phải là các người chú, các thím. Trừ 3 người chết mất xác trong Nam khi đi phu cao su, còn lại tiếp đến phải là chú Tư, mất năm 1961. Sau chú Tư, tất nhiên phải là chú Năm. Còn chú Sáu, tác giả của ngôi mộ tập thể gây tranh cãi này, do mãi đến 1977 mới mất, mộ chí, bi ký đàng hoàng, đâu vào đó nên không có điều gì phải băn khoăn cả. Cứ khai quật lên, chắc chắn đó là chú ấy.
Còn đến hàng cháu, tức là bề vai với tôi, đến nay còn sống nhiều, chưa mấy người phải vào nằm ở đây, song với những ai “đến trước” thì cũng không khó nhận diện lắm. Ngoài anh Nghiệm bị vỡ sọ như đã nói ở trên, còn có cô Quyến, con chú Năm, thắt cổ chết năm Cải cách, vì buồn chuyện bị nhà chồng được Đội vinh danh là trung nông đã quay lại nhiếc móc, khinh bỉ vợ và gia đình nhà vợ, người mà cách đấy ít lâu cầu cạnh mãi họ mới được làm thông gia. Người chết vì thắt cổ, chắc chắn đốt xương cổ bị tổn thương. Cứ lấy đó mà xác định.
Tôi muốn nói thêm về chú Tư và cái chết của chú ấy.
Cũng như bố tôi và những người anh em ruột thịt khác, sau khi ông nội tôi bị phá sản, chú Tư cũng rơi vào cảnh “tiếng cả nhà thanh”, có tiếng không có miếng. Song, khác với những người trên, trước Cách mạng tháng 8.1945, chú ít nhiều cũng bị dính dáng với chính quyền phong kiến, qua cái chức rất “hữu danh vô thực” là phó lý, (vị trí thứ hai trong làng, sau lý trưởng), một thứ tay sai của bọn quan huyện, quan tỉnh, đầu chầy đít thớt. Vậy mà đâu có được yên. Nhậm cái chức bèo bọt này chưa đầy nửa năm chú đã phải bỏ làng, bỏ vợ con, trốn chui trốn lủi vào tận miền nam chỉ để tránh cái tội “che giấu cộng sản” mà bọn Pháp chụp lên đầu chú. Thực ra chú đâu có làm được chuyện này. Mà chỉ vì tai bay vạ gió thôi. Ngày ấy, hàng xóm nhà chú, có gia đình ông bà binh Toàn, giác ngộ cách mạng, luôn nuôi giấu trong nhà một cán bộ cộng sản vừa vượt ngục Sơn La về hoạt động trong vùng. Vào những ngày mùa đông rét mướt, bà Binh Toàn thường sang nhà chú Tư mượn chiếc nồi 12 bảo là để “nấu cám lợn” nhưng thực ra là để nấu nước nóng cho ông cộng sản ấy tắm. Chú Tư biết chuyện này nhưng giả bộ như mình không biết. Chỉ đến khi có kẻ phát giác, ông cán bộ cộng sản thì trốn thoát được nhưng chú Tư lại bị quy tội, tội che giấu tù cộng sản.
Mãi sau Cách mạng thành công, chú mới dám về quê. Cải cách ruộng đất chú cũng bị quy là địa chủ và cũng bị bắt và bị giam trong từ đường họ Đặng như mẹ tôi và những địa chủ hoặc những Đảng viên Quốc dân Đảng khác. Chú cũng bị đấu tố nhưng nhẹ hơn bố tôi. Chú Tư có một người con trai đầu lòng, bằng tuổi tôi, tên là Khôi. Không như tôi, phải bỏ học giữa chừng rồi mấy năm sau mới tiếp tục học lại, Khôi ngay sau Cải cách đã nhịn đói nhịn khát, một buổi đi học, một buổi làm phu hồ, quyết tâm học một lèo hết cấp hai rồi cấp ba và hy vọng học tiếp lên nữa. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như vào cuối năm lớp 10, Khôi không phải làm hồ sơ lý lịch để thi vào Đại học. Khổ cho Khôi và những người có chung một hoàn cảnh ấy, ngày ấy cái gọi là “thi” chẳng qua chỉ là một cuộc xét duyệt lý lịch. Ai có lý lịch kêu như chuông, sáng như ánh nắng chiếu vào mái nhà giột, người đó sẽ đỗ. Chả có vây mà, mới vào đầu năm học, trong khi tốt nghiệp chưa thi thì đã có những học sinh được báo làm hồ sơ để đi học ở nước ngoài (Liên xô và các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa) còn học lực thì không cần phải biết tới . Chú Tư, bố của Khôi, thấy vậy, rất buồn. Vì thế có lần chú đã hỏi thật Khôi: “Nếu bây giờ thầy chết, lý lịch của con có nhẹ bớt đi không”. Cứ nghĩ đấy là câu hỏi vu vơ của một người nghĩ quẩn, chứ ai ngờ, đó là lời nói thật lòng của chú.
Lời nói này được trở thành sự thật khi tháng 3 năm ấy (1961) Khôi làm lý lịch dự thi. Khốn khổ thay đây cũng là lúc chú Tư bị cảm sốt thương hàn. Mấy ngày liền chú không ăn không uống gì, ngoài chút nước cháo loãng. Lúc này không biết có phải vì chú muốn quyết tâm tìm đến cái chết, để hy vọng giảm nhẹ phần nào lý lịch cho cậu trai sắp thi vào đại học hay không mà chú cương quyết từ chối mọi thứ thuốc thang do vợ con, họ hàng đem tới. Vậy mà, nhờ thời gian, bệnh tình của chú cũng có cơ qua khỏi. Thấy thế ai cũng mừng, nghĩ trời có mắt biết thương người hiền lành, tử tế. Vậy mà nào ngơ, chỉ hai hôm sau bệnh của chú lại tái phát, lần này nặng hơn lần trước.
Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này bắt đầu từ một buổi sáng, sau khi Khôi ra Uy bàn nhân dân xã về buồn bã nói với chú rằng đến giờ này mà ông chủ tịch Biển vẫn không chịu chứng nhận vào bản lý lịch Khôi, dù rằng bản lý lịch ấy đã được Khôi sửa đi sửa lại nhiều lần theo ý của ông Biển và mặc dù, hôm ấy đã gần đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ. Cái lý do để ông Biển không chứng nhận lý lịch cho Khôi chỉ là nghi vấn rằng trong thời gian làm phó lý chú Tư hẳn là có mật báo với bọn Pháp thì cơ sở nuôi chứa cách mạng của ông Binh Tỏan mới bị bại lộ. Chú Tư thề “không”, ông Biển bảo “có” thế mới nên chuyện giằng co.
Hôm ấy nghe con trai phát khóc vì uất ức, chú Tư không nói gì, chỉ giục con tiếp tục đi học, việc chứng lý lịch đành phải chờ vào một cơ may khác. Chú lại hỏi Khôi, cái câu chú từng hỏi : “Nếu bây giờ thầy chết, lý lịch của con có nhẹ bớt đi không”. Khôi vẫn tưởng đó là câu hỏi để hỏi. Nào ngờ nửa đêm hôm ấy, trong Khôi và cả nhà đang ngủ, chú Tư ở giường bên bỗng chồm dậy hét lên rất to và cười lên khành khạch làm ai cũng sợ. “ Oi, bà ơi, ối các con ơi ! Tôi sắp chết rồi, sắp được sung sướng rồi. Bao nhiêu năm nay tôi khổ vì cái lý lịch của con tôi. Giá ngày Cải cách ấy, các ông Đội Khoảnh cứ bắn chết tôi hoặc giết tôi bằng lưỡi cuốc như ông Kền đã giết anh tôi thì có phải đỡ khổ cho tôi không. Các ông ấy, cho tôi sống làm gì để sau đấy cứ giầy vò tôi, giầy vò con cái tôi vì cái lý lịch khốn nạn này. Khôi ơi, thế là chỉ vì thầy, chỉ vì lý lịch đen tối của gia đình ta mà con không được thi vào đại học , không được học hành đến nơi đến chốn đúng như cái tên của con mà ngày trước thầy nhờ ông giáo Rĩnh đặt cho nữa rồi. Thầy sắp chết đây. Thầy chỉ mong sao trong lý lịch của con bên cạnh tên thầy, từ nay con chỉ phải ghi vẻn vẹn có chữ “chết” thôi. Thế là nhẹ gánh cho con lắm rồi, thầy mãn nguyện rồi!”
Chú Tư nằm vật xuống giuờng và tắt thở.
Mãi sau đó mọi người mới được biết về nguyên nhân sự trở bệnh của chú. Hoá ra, chiều hôm ấy trong lúc Khôi và các em đi học, thím Tư ra đồng xới lúa, ở nhà chú Tư đã lục lọi khắp mọi chỗ để cố tìm một thứ thức ăn gì đó, để chú ăn cho…chết. Và chú đã tìm được củ sắn dây luộc giấu kín ở một góc chạn bát. Đây là món quà, người em gái thím Tư đi chợ về gửi cho lũ em của Khôi nhưng chúng nó mải đi học nên còn để nguyên lại. Người ta nói, bệnh nhân thương hàn ở giai đoạn sắp khỏi, thành ruột bị bào rất mỏng nên rất dễ bị thủng, bị vỡ, gây tử vong một khi bệnh nhân ăn phải thức ăn khô cứng.
Trong trường hợp này, chắc chắn sắn dây luộc phải là loại thức ăn như thế!
Đó là tháng 3 năm 1961. Tính đến năm đó đã là 6 năm rồi, vậy mà cơn bão năm Mùi (1955) vẫn cứ còn thổi gió dữ dội vào các gia đình có số phận không bình thường như gia đình chú Tư tôi.
Trước cái chết tức tưởi của chú Tư, mấy hôm sau, ông Biển, chủ tịch xã buộc phải xác nhận lý lịch cho Khôi với những dòng chữ chung chung hiểu sao cũng được. Như là “cần phải chấp hành chính sách tốt hơn”. Như là “cần tích cực cải tạo hơn”. Nhờ đó, đúng hơn là nhờ vào cái chết bất đắc kỳ tử của chú Tư mà Khôi có được bản lý lịch nộp đúng hạn cho nhà trường để dự thi vào trường đại học. Để chắc ăn, để được chiếu cố, Khôi khôn ngoan có ý chọn một trường ít học sinh dự thi nhất để dự thi . Đó là Học viện thủy lợi. Một thằng bạn tỏ vẻ am hiểu tình hình chửi thảng vào mặt Khôi: “Mày ngu lắm! Cho mày theo ngành thuỷ lợi để mày đặt mìn phá đê gây lũ lụt à! Địa chủ mà không biết thân biết phận”.
Khôi cho biết, theo thông báo, trường này tuyển 60 thí sinh, mà đến giáp ngày thi, toàn khu tả ngạn sông Hồng mới có 12 người đăng ký. Từ ngày nạp đơn đến ngày thi thời gian còn những 4 tháng. Khôi học đêm học ngày, quên ăn quên ngủ. Và trời đã chiều lòng Khôi. Các môn thi Khôi đều hoàn thành trọn vẹn, có thể gọi là xuất sắc. Những tưởng phen này Khôi sẽ có tên trong danh sách học sinh trúng tuyển. Nhưng thực ra chỉ có trời chiều lòng Khôi thôi, còn con người thì không bao giờ. Họ kiên quyết đánh trượt. Hôm xem danh sách những học sinh trúng tuyển đại học dán ở cổng ty Giáo dục, một lần nữa Khôi rũ xuống như con gàbị cắt tiết. Cả trường cấp ba Khôi học hơn 200 học sinh dự thi, chỉ có 4 người bị trượt, trong đó có Khôi.
Vài năm sau Khôi đi lao động tại một công trường thuỷ điện, rồi vào bộ đội. Trước khi đi, Khôi lên Hà Nội và vào trường đại học để xin lại bộ hồ sơ dự thi ngày trước. Lần ấy, mở bản lý lịch ra xem, dù biết trước, Khôi vẫn bàng hoàng. Người ta đã gạch đi gạch lại bằng bút chì đỏ dưới chân hàng chữ “thành phần địa chủ” đến cả chục lần, như muốn xé rách trang giấy. Thế này thì dù có giỏi như Einstein, như Niwton cũng khó mà lọt vào được trường đại học của Việt Nam, nói chi là Khôi, một học sinh hết sức bình thường.
Năm 1973, Khôi hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Ứơc nguyện vào đại học vĩnh viễn tan trong bùn đất. Như vậy cái chết của chú Tư chỉ có thể giúp Khôi được thi chứ không giúp được đỗ vào đại học.
Ít lâu sau, khu lăng mộ của chúng tôi hoàn thành. Sự chính xác trong việc nhận diện chủ nhân các ngôi mộ này ngay sau đó đã được xác nhận khi chúng tôi mời được cô H., nhà ngoại cảm nổi tiếng, người có khả năng nói chuyện được với người cõi âm về tận khu lăng mộ để thẩm tra.
Như vậy, cùng với tháp lưu niệm, khu lăng mộ này , trở thành biểu tượng văn hoá lịch sử của dòng họ Nguyễn Đức Hàn Bằng chúng tôi.
No comments:
Post a Comment