NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)
Nhưng thời gian này, tôi đâu chỉ phạm tội ác với con bò. Một con chó con chưa mở mắt, con đẻ của con Đốm thân yêu của tôi cũng đã bị tôi đối xử như thế. Tất nhiên, nguyên nhân và hoàn cảnh hoàn toàn khác.
Con Đốm mẹ đã đến kỳ sinh nở. Cái số nó thế mà khổ, đúng là kiếp chó thật, sinh con lúc nào không sinh, lại sinh vào lúc này để mà chịu chung số phận với chúng tôi. Khổ nhất là Đốm chỉ đẻ được độc nhất một con, con cái, cùng “bề” với nó. Mẹ tôi vốn mê tín thấy thế thở dài liên tục: “Một con đã độc, một bề lại càng độc hơn!”.
Vậy là Đốm con vừa mới chào đời đã phải chịu nỗi bất công. Bù lại, nó có một bộ lông rất đẹp, đen tuyền, mịn như nhung. Một lần muốn để mẹ tôi đỡ buồn phiền về Đốm con, tôi đặt nó lên lòng bàn tay và khoe với mẹ cái đuôi cụt của nó, thu lú một mẩu lông. Tưởng mẹ tôi sẽ vui hơn. Nào ngờ, bà lại giẫy nẩy như đỉa phải vôi, giọng lạc đi: “Khổ, lại còn cụt đuôi nữa. Đã độc lại càng độc hơn. Phen này nhà mình gánh làm sao hết họa!”
Ít khi mẹ tôi như thế. Khủng hoảng tinh thần cao độ rồi.
*
Ba hôm sau, không hiểu vì lý do gì con Đốm Mẹ bỗng bỏ con đi mất. Đốm Con khát sữa gào khóc thảm thiết suốt đêm. Chúng tôi buồn nẫu ruột. Mẹ tôi nghe chừng còn buồn hơn. Có lẽ mẹ tôi nghĩ rằng, Đốm Mẹ bỏ đi vì nó không được cảm tình của bà. Mãi đến trưa hôm sau, điều này mới được giải toả. Có người lén cho biết Đốm Mẹ đã bị đám lão Trắm, lão Mè “bắt cóc” khi nó “trốn con” lang thang kiếm ăn ngoài ngõ. Thật tội . Cả tuần nay nó có cái gì tống vào bụng đâu, mà con nó đói sữa cứ dầy vò nhay đến nát đầu vú toàn da là da của nó.
Tôi vội vàng chạy sang nhà lão Trắm để thăm dò tình hình. Sang đến nơi nhìn qua kẽ giậu đã thấy Đốm mẹ bị trói chặt cánh khủyu, treo ngược trên cành ổi sau nhà. Bên dưới là chiếc chậu thau đồng đựng nước, chắc chắn đó là nước muối dùng để hãm tiết canh. Lão Trắm đang cầm chiếc đũa tre và con dao bầu sáng loáng, cẩn thận, tỉ mẩn lôi từ cổ con vật khốn khổ ra từng mạch máu nhỏ. Bị trói chặt mõm, Đốm mẹ chỉ còn biết rên ư ử , hai mắt mở trừng trừng láo liêng nhìn hết chỗ này đến chỗ khác, như muốn tìm sự cứu giúp. Không ngờ đúng lúc đó nó nhìn thấy tôi. Cái đuôi nó lập tức vẫy lên liên hồi kỳ trận trong và cái miệng cứ rên ư ư . Chắc nó nghĩ thời cơ thoát chết đang đến với nó. Quên cả sợ hãi, tôi thét lên:
- Dừng lại! Các ông ăn trộm chó nhà tôi.
Lão Trắm buông cái cổ Đốm mẹ xuống, chĩa thẳng mũi dao bầu về phía tôi:
- Ai bảo của nhà mày?
Nói rồi, lão Trắm đâm mạnh mũi dao vào tim Đốm mẹ. Máu tươi phun ra, toé vào thành chậu rào rào như mưa.
Đốm mẹ “đi” rồi, Đốm con khát sữa lại tiếp tục gào khóc suốt đêm, cả nhà không ai ngủ được. Mấy ngày đầu, anh em tôi còn chắt được mỗi bữa vài thìa nước cơm cho nó uống nhưng sau phải thôi vì cơm cho người còn chả có, nữa là cho chó.
Giữa lúc đó lại nảy thêm một sự cố mới. Chả biết xuất phát từ đâu, một cái lệnh được ban ra từ các ông Đội, buộc dân toàn xã tôi phải nghiêm chỉnh thi hành. Đó là lệnh “Triệt để tiêu diệt chó”, được gọi sai một cách ngô nghê (mà ai cũng răm rắp nói theo) là “triệt để chó” (!). Giải thích trước dân, Đội Khoảnh bảo làm thế là để vừa phòng dịch chó điên, vừa dễ dàng bảo mật công tác điều tra, phát hiện âm mưu phá hoại công cuộc cải cách ruộng đất của giai cấp địa chủ và bọn phản động. Y của Đội là để những tai mắt của ông bà nông dân đêm đêm dễ dàng ẩn nấp,rình mò, giám sát những hành vi của các đối tượng trong sổ đen của Đội.
Như thế thì ả Đốm Con của tôi chả còn lý do gì tồn tại trên đời nữa. Mới chỉ nghĩ thế mà tôi đã nao cả lòng nói chi đến việc lúc này tự tay chúng tôi phải tiêu diệt nó. “Thôi, các con ạ. Tìm cho nó một cách chết nhanh còn hơn để nó đói sữa chết dần chết mòn như thế này!”. Mẹ tôi an ủi chúng tôi. Vậy là không thể khác được, đành phải thủ tiêu Đốm Con thân yêu của chúng tôi đi thôi. Nhưng giết nó bằng cách nào và ai dám đứng ra làm chuyện này, lại là cả một vấn đề. Mẹ tôi và em gái tôi tất nhiên không phải làm rồi. Chỉ còn tôi. Không đùn đẩy cho ai được, tôi buộc phải làm cái việc tàn ác này, dù tôi rất sợ.
Mấy ngày trời vẩn vơ suy tính, tôi thấy chỉ có cách ném nó xuống ao sâu là vừa nhanh gọn vừa đỡ đau lòng.
Tôi bế Đốm Con ra cái ao có tên là ao Cả của nhà tôi ở đằng sau nhà. Ao rộng mênh mông. Gió mùa hè nhẹ nhàng thổi làm mặt nước lăn tăn gợn sóng. Cái ao này trước cải cách người cả xóm thường đến đây giặt giũ tắm rửa, biến nó thành cái ao chung, thành điểm vui chơi công cộng của bọn trẻ trong làng. Từ khi cải cách đến giờ, do sợ liên can, mọi người không còn đến tắm nữa, chiếc ao trở nên vắng lặng đến rợn người. Cảm giác này đã khiến tôi sờ sợ nên vừa bước chân xuống cầu ao, tôi đã thấy ngần ngại. Tôi thấy cần phải cho Đốm con được sống, dù phải sống bằng kiếp chó. Tôi ủ Đốm con vào vạt áo rồi khom người chạy về nhà. Thấy tôi về, mẹ tôi khó khăn lắm mới hỏi được câu:
- Xong rồi hả?
Nhận ra cái vật tôi giấu trong vạt áo, mẹ tôi nắm lấy tay tôi:
- Thôi con ạ. Giữ nó lại cũng không được đâu. Là chó đã khổ, làm chó trong nhà ta lúc này càng khổ hơn. Hãy hoá kiếp cho nó đi.
Lần này thì tôi không còn lý do gì để trốn tránh trách nhiệm được nữa. Tôi lại phải mang Đôm con ra ao. Vào cái giây phút trước khi phải trực tiếp làm cái việc hành hình một sinh mạng mà vạn lần tôi không mong muốn chút nào, tôi đặt nó lên lòng bàn tay vuốt ve nó thay cho một lời sám hối. Đốm con Mực thật ngây thơ. Nó tưởng tôi đang cưng nựng, mơn trớn nó nên cứ hồn nhiên thè cái lưỡi nhỏ xíu, nham nhám ra, rối rít, liếm hết mấy ngón tay tôi. Cái đuôi cụt ngủn chẳng sao vẫy được, vẫn cứ cố ve vẩy. Nước mắt tôi lại trào ra. Tôi lại sống lại cái cảm giác chua xót hôm nào, cái hôm, phần do “giận cá chém thớt”, phần do tự mình phong cho mình cái quyền được là con người ỷ thế, đánh đập con bò tội nghiệp của tôi một cách tàn tệ. Hôm nay, chả lẽ tôi lại phạm vào tội ấy một lần nữa. Nhưng biết làm sao được. Đốm con ơi, thông cảm cho tao nhé…
Và thế là…một, hai, ba…tôi nhắm mắt lại rồi bất thình lình ném con vật ra xa, ra rõ thật xa, càng xa càng tốt. Một tiếng rơi kêu đánh “tõm”, lạnh lùng, khô khốc vang đến tai tôi. Lập tức, như đang trong cơn u mê, tôi bừng tỉnh. Ngay sau đó, để nguyên cả quần áo, tôi nhảy tùm xuống nước, hùng hục bơi đi. Tôi đã kịp nhìn thấy Đốm con, sau khi bị chìm nghỉm, mất tăm dưới làn nước sâu nó đã ngóc đầu lên cố gắng bơi vào bờ một cách tuyệt vọng. Một bản năng đấu tranh sinh tồn mãnh liệt. Nếu không, sao nó biết bơi vào bờ khi hai con mắt còn chưa mở được. Cuộc sống là thế đấy.
Tôi lao vội ra chỗ Đốm con, nâng nó lên cao rồi bế thốc vào bờ.
Tôi đưa nó về nhà, ôm chặt trong tay. Tôi thề với trời đất, tôi không bao giờ giết nó nữa. Từ nay, tôi ăn gì, uống gì, nó ăn nó uống cái ấy. Mẹ tôi lúc đầu còn tỏ vẻ không vui vì bà vẫn lo sợ “cái vận cái hạn” còn có cơ hội tiếp tục giáng xuống nhà chúng tôi. Rồi mẹ tôi cũng nguôi ngoai dần khi nghe chúng tôi an ủi: “Tai hoạ đang giáng xuống nhà ta chẳng là quá lớn rồi hay sao?”.
Không bao lâu sau, Đốm con cũng chết vì suy dinh dưỡng nặng. Anh em tôi ngậm ngùi lấy cái mo cau làm chiếc quan tài rồi đem chôn trong vườn chè. Một nấm mộ nho nhỏ bằng cái vốc tay nhưng chúng tôi cũng bày lên đó mấy phẩm oản bằng đất “khảm” rất nhiều mảnh sành, mảnh sứ , đủ màu sắc, lóng lánh như xà cừ . Mỗi khi có cơn gió thổi, nấm mộ của Đốm con lại phủ trắng xoá hoa chè…
32.
Đã sang tháng 7 năm Mùi. Vậy là cơn bão qua đi đã gần một tháng nhưng chúng tôi vẫn chưa hết đói. Mẹ tôi bảo với tôi, lúc này muốn có gạo ăn chỉ còn cách lên Hà Nội đòi bà giáo Liễn số tiền quy ra vàng khoảng hai đồng cân, bà mượn từ hồi tạm chiếm. Ong giáo là chú ruột của mẹ tôi. Mẹ tôi sai tôi đi làm chuyện này. Nghe nói được đi Hà Nội, tôi mừng lắm vì từ ngày hoà bình lập lại đến giờ, tôi đã được lên Hà Nội lần nào đâu. Lần trước, vào dịp hè năm 1953, tôi cũng đã được lên đây nhưng lúc ấy Hà Nội đang bị quân Pháp chiếm đóng. Đường lên Hà Nội lúc này do giá vé ôtô quá cao nên mọi người thường đi bằng tầu thuỷ ngược sông Hồng. Có trăm cây số mà đi hết cả ngày trời.
Sáng hôm ấy, mẹ tôi đánh thức tôi từ rất sớm rồi gói cho tôi nắm cơm muối vừng. Tôi một mình đi bộ bảy cây số ra bến phà Tân Đệ, chờ tầu Nam Định chạy qua ghé màn bến.
Khoảng 10 giờ đêm hôm ấy, tàu mới cặp bến Phà Đen. Khỏi nói lòng tôi rộn ràng thế nào khi thấy Hà Nội đang hắt lên bầu trời cả một vầng ánh sáng lung linh, giát bạc vào những áng mây đen bay thấp la đà . Còn đèn trên những cánh cung cầu Long Biên thì đúng là sao sa. Tất cả tạo nên một bức tranh lung linh màu sắc mà đã hai năm nay tôi mới được dịp nhìn thấy.
Hà Nội của năm 1955, khác hẳn Hà Nội 1953. Phố xá hiền lành hơn. Nhà giầu không còn. Tất cả đều lao động và hưởng thụ tem phiếu như nhau. Tất cả đều đi bộ hoặc đi xe đạp. Không còn những chiếc xe hơi bóng lộn, đủ kiểu dáng. Không còn những tên lính Tây, lính Lê dương, lính ngụy say mèm, những cô gái điếm sực nức mùi nước hoa, õng a õng ẹo, khoác tay bọn lính mặt đỏ gay, nồng nàn mùi rượu ngang tàng đi giữa phố. Tất cả đều thay đổi, đều mới, rất mới. Tất cả đều rạo rực một điều gì khó nói nên lời. Nhà ông giáo Liễn vẫn ở chỗ cũ, phố Triệu Việt Vương.
Từ bến phà, tôi đi xích lô đến đây. Tôi nhìn số nhà rồi rụt rè gõ cửa. Cửa hé mở. Một người đàn bà ghé cổ nhìn ra. Bà Giáo ! Tôi mừng quá vừa reo lên thì người đàn bà tôi tin đó là bà Giáo đã lại đóng sập cửa lại, lạnh lùng bỏ vào nhà trong. Tiếng dép rê lẹp xẹp trên nền nhà. Không tin vào sự nhận biết của mình, tôi quay sang nhà bên cạnh để hỏi. Ong chủ nhà hồ hởi:
- Đúng nhà bà giáo Liễn đấy. Bà ấy đang ở nhà. Để tôi gọi cho.
Lần này thì bà giáo Liễn buộc phải mở cửa. Bà nhìn tôi vừa sợ sệt vừa khó chịu. Bà vội vã kéo tôi xuống nhà dưới. Vừa đi vừa hỏi:
- Chết, sao cháu lại đến nhà bà? Ơ dưới quê, nhà cháu đang bị địa chủ phải không? Nhà ông bà nghe đâu cũng đang bị người ta quy như thế, dù ông Giáo đã bỏ làng, bỏ ruộng vườn hồi cư về Hà Nội từ 7,8 năm nay. Cháu đến nhà thế này là làm khổ ông bà đấy. Giá cháu đừng đến thì hơn.
Tôi nói với bà Giáo:
- Cháu nghĩ Hà Nội xa quê cả trăm cây số, ai biết mà lo !
Bà Giáo trừng mắt:
- Sao lại không, con mắt nhân dân mà. Nhưng thôi, cháu lên đây có việc gì thì nói ngay đi.
Nghe tôi nói việc tôi lên đây, bà Giáo dãy nảy lên:
- Tiền nào? Bà không có mượn của mẹ cháu đồng nào sất…
Nói xong, bỏ mặc tôi đứng đấy với cái bụng lép kẹp vì từ sáng đến giờ chả có gì tống vào mồm ngoài nắm cơm nhỏ như quả cam, bà lạnh lùng bước lên nhà trên. Lát sau, ông Giáo đi đâu về cho người giúp việc gọi tôi lên.
Vừa nhìn thấy tôi, ông nói ngay:
- Ông cũng đang như ngồi trên đống than đây. Dưới quê người ta cũng đang tìm cách quy cho ông là địa chủ. Cháu nên rời khỏi nhà ông ngay, càng sớm càng tốt.
Tôi nghe ông nói mà rụng rời chân tay. Từ bé tôi mới ra khỏi làng lần này là lần thứ hai. Tôi có quen ai đâu. Giữa Hà Nội xa lạ thế này tôi biết trú ngụ vào đâu. Ong Giáo kịp nhận ra điều ấy nên vội vã dúi vào tay tôi mấy đồng bạc bằng kim loại (trị giá là bao nhiêu đến nay tôi cũng quên mất) rồi bảo:
- Cháu cầm lấy để mua cái bánh mì mà ăn. Còn chỗ ngủ, nói thế thôi, để ông lo.
Cái chỗ ngủ mà ông Giáo lo cho tôi đêm ấy là căn phòng chật hẹp ở một trường học nơi ông đang làm tuỳ phái. Một người cháu họ của ông dẫn tôi đến tận nơi. Mở cửa, bật đèn, ngọn đèn điện sáng chả hơn đèn dầu là mấy, chỉ cho tôi cái giường cá nhân chăn chiếu mốc meo, căn dặn tôi mấy câu rồi người dẫn tôi đến đây vội vã đi ngay.
Còn lại mình tôi với bao nhiêu cảm giác: cay đắng, sợ sệt, chán chường, tủi nhục. Tôi lơ đãng nhìn quanh khắp lượt gian phòng. Và thật bất ngờ, tim tôi đã run lên khi mắt tôi chạm vào một bức ảnh. Bức ảnh thật to, thật đẹp, in trên giấy cứng, treo trang trọng ở chính giữa bức tường, đối diện với chỗ tôi ngồi. Bức ảnh này lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Mãi mãi sau này tôi không sao quên được cảm giác phấn khích khác thường vào cái giây phút đặc biệt ấy.
Bức ảnh chụp Bác Hồ với vẻ mặt hiền từ như một người ông trong gia đình, âu yếm đặt hai tay lên vai hai đứa trẻ, một trai, một gái, lúc đó xem ra cũng chỉ ở tuổi tôi. Hai cô cậu này đã không thể giấu được niềm hạnh phúc chứa chan đang trào lên trong khóe mắt, nụ cười, trào lên cả trên mặt giấy ảnh.
Cùng với hình ảnh đầy ấn tượng ấy là câu chú thích phơi phới một niềm tin mà mới đọc qua một lần, tôi đã nhớ đến tận bây giờ: “Có Bác dẫn đường, chúng cháu tin tưởng ở tương lai tươi sáng”. Oi, Bác ơi, bao giờ thì cháu có được một sự hồn nhiên phơi phới như hai đứa trẻ cùng tuổi với cháu kia? Bao giờ thì cháu được trở thành một đứa trẻ có số phận bình thường như bao đứa trẻ khác?
Từ linh cảm và cũng từ trực giác của tuổi thơ, tôi đinh ninh rằng những điều đang xảy ra một cách vô lý ở quê tôi rồi chỉ ngày một ngày hai sẽ được Bác Hồ biết đến. Tôi tin như thế.
Với một đứa trẻ từ nhỏ đến giờ phải sống trong vùng nông thôn hẻo lánh, không có sách báo để đọc, không có loa đài để nghe, không có cán bộ am hiểu để hỏi, lại bị cô độc giữa mọi người như tôi, thì niềm tin đem đến từ bức ảnh này với câu chú thích kia, quả thật là một cánh tay vịn đỡ tôi đứng dậy, một tấm biển chỉ đường cho tôi đi … trong thời điểm ấy cũng như tất cả những năm tháng về sau. Đến nay, tôi có thể khảng định rằng, tất cả những gì tôi có được hôm nay, dù chẳng ra gì, dù không bằng ai, thành thật mà nói, đều do từ bức ảnh đẹp nhất kia và lời chú thích như một câu thần chú kia đem lại.
Giữa lúc đang đắm chìm trong suy nghĩ như thế thì bất thình lình hai cánh cửa gỗ kẹt lên một tiếng làm tôi giật mình, đồng thời xuất hiện giữa phòng, người con trai, cháu của ông bà Giáo, người dẫn tôi đến đây nghỉ lúc nãy.
Người con trai này, lớn hơn tôi mấy tuổi, mới từ quê lên Hà Nội trước tôi mấy ngày. Quê của họ, cách làng tôi độ mười cây số. Người này nói với tôi:
- Tôi lên đây là để báo cho ông bà Giáo biết, tối mai ở dưới quê, nông dân sẽ tổ chức tố khổ ông bà giáo ở sân đình Trung. Hẳn cậu biết đây là cuộc tố điêu vì nhiều năm nay ông bà Giáo có cấy ruộng đâu mà bị là phú nông hoặc địa chủ. Chúng tôi quyết định phá bằng được đám tố khổ này rồi muốn ra sao thì ra.
- Bằng cách nào?
Tôi tò mò hỏi lại. Người cháu ông bà Giáo trả lời tỉnh bơ:
- Ném đá, ném đất, thậm chí ném cả cứt…
- Ai dám đứng ra làm chuyện này?
- Tôi, cậu và những ai căm thù cuộc cải cách bất công.
- Tôi?…
Tôi run run hỏi lại vì vừa chợt nhận ra điều bất bình thường trong câu chuyện. Nhận ra điều ấy, người thanh niên này nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Bà Giáo sai tôi ra bảo cậu ngày mai cùng về với tôi, để tối mai ta tính chuyện ấy. Bà còn bảo, cậu có làm thế, bà mới trả tiền cho mẹ cậu…
- Không, tôi không làm. Đó là chống phá cách mạng đấy hiểu chưa?
Người cháu ông bà Giáo cười hề hề:
- Cậu đúng là còn trẻ con thật. Chuyện tố gian, tố điêu mà cậu bảo là cách mạng à?
- Tôi không biết. Nhưng nhất định tôi không làm chuyện ấy…
Thế là sáng sớm hôm sau, tôi phải ra chợ Hôm bán rẻ chai mỡ lợn mà hôm qua, mẹ tôi bắt tôi đem theo để biếu ông bà Giáo nhưng chưa biếu kịp và bây giờ thấy không cần phải biếu nữa, để mua cái vé ô tô Hà Nội- Nam Định. Còn từ Nam Định về quê, mười mấy cây số, tôi cuốc bộ.
33.
Một hôm đúng vào giữa trưa, lúc mấy anh em tôi nghỉ giải lao sau một buổi sáng cật lực với công việc vôi cát, có một bà cụ lưng đã hơi còng còng, tóc bạc trắng, tìm đến chỗ xây tháp. Sau khi đứng giữa trời nắng nheo nheo con mắt, chỉ trỏ nói lầm bầm điều gì đó với cô gái trẻ đi theo, bà bước đến gặp tôi, cứ nhìn tôi trừng trừng làm tôi hơi khó chịu. Bất thình lình bà cụ vỗ vai tôi hỏi lớn: “Có phải chú không. À đúng chú rồi, cái miệng cái trán kia giấu đi đâu được!” Tôi vẫn chưa biết là ai. Bà buộc lòng phải xưng tên: “Tôi là Nghiệm, chị dâu ngày xưa của chú đây! Chú không nhận ra tôi à. Cũng đúng thôi. 50 năm rồi còn gì”. Câu nói của chị làm ký ức trong tôi vỡ oà như nước tức bờ. Nắm lấy vai chị, tôi hét: “Ô vậy ra đây là chị Nghiệm. Oi sao chị thay đổi nhiều thế này”. Chị Nghiệm khóc nức nở làm tôi cũng cũng ứa nươc mắt theo. Chị chỉ vào cô gái trẻ giới thiệu: “Cháu nội chị đấy chú à!” – “Vậy ra đây con gái của cái thằng…” . Tôi định nói tiếp cho hết câu là “con trai lão đội Khoảnh”, chợt thấy chị Nghiệm véo vào tay tôi một cái rõ đau làm tôi nhận ra ngay mình đã thật thà …hơi lố.
-Vậy bố của nó đâu rồi.
Tôi vẫn không biết đứa con “hoang” của chị ngày ấy tên gì. Vì chị xấu hổ bỏ đi gần 50 năm nay mới trở về. Chị Nghiệm oà khóc:
- Chú ơi! Lá vàng còn ở trên cây- lá xanh đã rụng, trời hay chăng trời. Cháu mất năm ngoái rồi. Vì tai nạn giao thông. Con gái nó đấy, tên cháu là Nguyệt.
Rồi chị nói với Nguyệt: “Con ra ngoài cho mát đi. Để bà ở đây nói chuyện với ông”. Còn lại hai chị em vẫn cẩn thận kéo tôi ra chỗ khuất để chuyện trò. Chị nói mấy chục năm nay chị đều nói với con trai chị tên là Dũng rằng bố nó là Nghiệm, cháu nội cụ Hàn Bằng, bên kia sông. Thằng Dũng nhiều lần năn nỉ đòi về quê nhận họ hàng, tổ tiên nhưng chị cứ ừ hữ khất lần, nay cháu mất rồi chị ân hận mãi. Bây giờ đến cháu nội của chị. Nó sắp lấy chồng. Nó cần có chỗ cúng gia tiên. Chị không thể từ chối nó được. Đành phải đưa nó về đây. Mong chú và gia tộc cho phép.
Rồi mẹ con chị Nghiệm về bên kia sông Hồng. Tôi suy nghĩ mãi xung quanh việc có nên cho cháu nội lão đội Khoảnh nhận làm cháu ông Cả Lân, bố tôi không. Chắc là nên, vì có sao đâu. Đất lành chim đậu mà! Quá khứ đau thương đã lùi xa vào dĩ vãng, đau khổ thì cũng đã đau khổ rồi, chấp nhặt rồi làm tình làm tội nhau phỏng có ích gì. Tôi bàn với anh em con cháu trong chi họ. Tuy lúc đầu có người này người nọ phản đối nhưng sau đều nghe ra, đều thấy thế mới có tình người nên đều vỗ tay tán thành.
Thế là cháu nội lão Đội Khoảnh trở thành cháu nội anh Nghiệm, anh ruột tôi.
No comments:
Post a Comment