Wednesday, November 11, 2009

VII. DÂN KHỔ KÊU THAN

***



Khoảng năm bính thìn, tỉnh Quảng Nam hạn hán rồi lại lụt lội, dân chúng mất mùa, không lương thực, lại trôi nhà cửa, mất vợ con, nỗi khổ của dân chúng đã lên cao tột đỉnh. Quá khốn khổ, một số lưu dân đã bỏ quê hương mà ra Thừa Thiên tìm kế sinh sống. Tùng Thiện Vương có bài thơ cảm tác.





















LƯU DÂN THÁN
Nhất nhân chi thân bán sinh tử,
Dục hành bất hành, chỉ bất chỉ,
Phụ mẫu bất hoạch dưỡng,
Hà huống thê dữ tử,
Phù tỉ, bồ doanh, diệc phục tận,
Thập bách thành quần viễn lưu tỷ.
Cố hương, hữu điền tao thủy hạn.
Biên địa thanh thanh hóa vi bỉ.
Quan thương vị túc hướng quân nhu.
Diệu chân tuy tần cánh vô kỷ.
Việt quan thượng kinh tương nhị tuần.
Bệnh hình như hạc, ý huyền thuần.
Một giả bát khí, trầm kinh tráng,
Tồn giả bồ bặc, giao ngâm thân.
Ai tai Quảng Nam tứ huyện dân,
Ngưỡng thiên hồ thiên tô dân khổ.
Lôi thanh điền điền chấn thiên cổ,
Hắc vân mạn không đạo trung vũ.

LỜI THAN CỦA LƯU DÂN
Thân người đã chết nửa rồi,
Muốn đi chẳng được, muốn ngồi chẳng xong.
Chẳng nuôi cha mẹ no lòng,
Vợ con ngày tháng sống trong mỏi mòn.
Rau lang, củ chuối không còn.
Bỏ làng, bỏ xóm, từng đàn ra đi.
Khắp nơi lụt, hạn rất ghê,
Ruộng đồng chỉ thấy xanh rì cỏ lau.
Kho tàng chẳng thấm vào đâu,
Đem ra phát chẩn chẳng sao cho vừa.
Hai tuần dân đến kinh đô,
Tả tơi quần áo, xác xơ thân hình.
Kẻ chết thành nấm mộ xanh,
Người sống rên xiết bò quanh, bò quàng.
Bốn huyện xứ Quảng điêu tàn,
Nỗi niềm đau khổ kêu vang thấu trời.
Tiếng sấm vang dậy khắp nơi,
Mây đen u ám, bỗng trời đổ mưa!

Khi nghe tin cấp báo, vua Tự Đức đã hội quần thần bàn phương sách cứu trợ. Vua ra lệnh quan Tuần phủ Quảng Nam đứng ra chủ trương việc cứu tế, và tri phủ, tri huyện trong tỉnh Quảng Nam mở kho phát chẩn. Một mặt vua sai bộ Hộ mở kho và chia hai đường thủy và bộ mang gạo vào Quảng Nam cứu tế. Quan Tuần phủ Quảng Nam ra lệnh quan Tổng binh đem quân yểm trợ công cuộc phát chẩn.

Công cuộc cứu trợ được khởi đầu tại phủ Thăng Hoa . Tại đây, có một đảng cướp rất mạnh do Bảy Hổ cầm đầu. Bảy Hổ cho bộ hạ theo dõi hành trình đoàn xe chở gạo. Khi đoàn tiến xe vào đến phủ Thăng Hoa, y cho bộ hạ loan truyền dân chúng đến phủ đường lãnh gạo. Khi tri phủ Thăng Hoa bắt đầu phát chẩn thì bọn cướp trà trộn trong dân chúng, đẩy dân vào trước, rồi nhân lúc quan quân thiếu cảnh giác, chúng dùng đao kiếm giết quan quân. Quan tri phủ ra lệnh binh sĩ bảo vệ kho hàng, chống trả bọn cướp. Kết quả kho hàng bị mất sạch, quân binh thiệt hại hai mươi người, còn bọn cướp bỏ lại năm mươi xác chết. Trước khi rút lui, bọn cướp sát hại một số dân lành vì chúng sợ họ tố cáo danh tánh của họ với quan quân. Đã thế , chúng còn vận động dân chúng biểu tình vu khống quan phủ giết dân. Nội vụ trình lên triều đình, vua ra lệnh cách chức tri phủ và phạt tiền quân hiệu lực.


Cuộc cứu tế thứ hai theo kế hoạch sẽ được thực hiện tại phủ Điện Bàn. Vì phủ Điện Bàn gần biển nên triều đình mang gạo từ Thừa Thiên vào đây cứu đói. Khi ghe chở gạo vào cửa Đà Nẳng và cửa Đại Chiêm thì bị hàng trăm chiếc thuyền của bọn cướp giả dạng dân đánh cá xúm lại cướp sạch. Quan quân chỉ có vài chục người không chống lại được hàng trăm tên cướp võ nghệ tinh thông. Kết quả tri phủ Điện Bàn , và viên quan bộ Hộ, bộ Binh phụ trách việc chở gạo bị cách chức.


Qua những thất bại trước, quan Tuần phủ Quảng Nam thay đổi chiến lược. Ngài cấm các thuộc hạ tiết lộ tin tức việc vận chuyển lương thực. Ngài bắt các phủ huyện lập sổ gia đình. Ngài lập ngũ gia bảo, cứ năm gia đình thành một bảo tức là một tổ, có tổ trưởng trông coi việc an ninh trong xóm. Gia đình nào có người đi vắng hoặc người lạ đến trú ngụ phải khai báo với lý trưởng. Ngài tuyển mộ thêm binh sĩ và huy động các xã lập các đội tuần đinh ngày đêm tuần phòng trộm cướp. Ngài đem binh sĩ hộ tống lương thảo về các xã, và phát gạo tại các xã. Số gạo được phát theo số nhân khẩu trong gia đình. Lần lượt xã này qua xã khác. Vì vậy mà bọn cướp không xâm nhập được, và việc phát chẩn được an toàn.


Trước khi gạo được chở về huyện, viên tri huyện Quế Sơn đã cùng vài thủ hạ thân tín họp mật. Ngài ra lệnh không được tiết lộ tin tức gì về số lượng gạo và ngày giờ gạo chở về huyện. Ngài cũng hạ lệnh cho nhân viên thông báo các xã lập danh sách các hộ nghèo để cứu trợ. Khi gạo về đến huyện, Ngài đặt nhật trình cho từng xã thôn đến huyện nhận gạo để đem về phát cho dân. Các xã thôn đều có tráng đinh cầm gươm dáo canh phòng cẩn mật. Tất cả người lạ đều không được đến địa phương trong khi phát chẩn. Một số dân chúng huyện Quế Sơn đã được phát chẩn. Quan tri huyện Quế Sơn làm phúc trình lên phủ và tỉnh báo cáo công cuộc cứu trợ đã hoàn tất, dân chúng đã được nhận lãnh đầy đủ thóc gạo mà triều đình ban phát.


Sau khi đóng cửa kho, quan tri huyện tính sổ sách thì kho gạo còn 500 tạ gạo. Mấy tuần sau, nhờ sự vận động của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, các phú gia ở kinh đô và các chùa chiền ở Thừa Thiên và Quảng Ngãi đã mở cuộc phát chẩn tại chỗ, đồng thời gửi thực phẩm, thuốc men và quần áo đến Quảng Nam cứu trợ, do đó các huyện cũng được nhận phần. Lão lại viên già trong huyện ra ngoài liên lạc với các nhà buôn bán gạo, và vải vóc, y phục. Và sáng kiến của viên lại già đã được viên tri phủ đồng ý là bán các vật liệu cứu trợ cho các thương gia. Kết quả vụ bão lụt, quan huyện và các lại viên hưởng được một mớ bổng lộc béo bở.





**

No comments: