Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 2

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

5.


Mùa xuân năm Mùi ấy, tôi bước vào tuổi 16 thần tiên. Điều đó có nghĩa, từ cậu bé, tôi đang trở thành một người lớn. Thành một người lớn thực sự. Tôi đã thành “chàng” rồi.

Rất vui vì đó cũng là năm đầu tiên, quê tôi, một làng nhỏ, vừa nằm bên bờ đê sông Hồng, con sông lúc nào cũng đỏ lựng phù sa, vừa nằm sát quốc lộ số 10, con đường làm cho quê tôi có được những chiếc ô tô và nhờ đó mà “văn minh” hơn nhiều nơi khác, vừa được giải phóng. Đây cũng là lần đầu tiên quê tôi, kể từ ngày tôi được sinh ra đến nay, được biết thế nào là thanh bình, yên ả.



Còn trước đó toàn là bom đạn liên miên, là tận mắt thấy từng cái chết. Ba tuổi, chứng kiến cảnh máy bay Mỹ ném bom xuống chiếc tầu chiến của Nhật đang hùng hổ chạy trên sông Hồng. Năm tuổi, đem bát cơm nguội ra ngõ định đưa cho đứa bé lúc nãy còn run tay giơ ra xin ăn thì bây giờ đã thấy nó chết gục ngay giữa lối đi, rãi rớt đầy mặt. Sáu tuổi, nghe tiếng đại bác của Pháp chiếm thành Nam Định. Bảy tuổi, Pháp tấn công sang, bắn chết của nhà tôi con bò mộng cùng tuổi với tôi. Mười tuổi, sáng sớm theo người đi chợ Thông, đã thấy ông Cảm, nghe nói có âm mưu lăm le theo giặc, bị đội Thái Hùng cắt đứt cổ rồi xẻ thịt thành hai mảnh bày lên tấm phản gỗ bóng nhẫy ông đồ tể Toạ vẫn dùng bán thịt lợn hàng ngày.


Mười một tuổi, giặc càn vào làng, gây ra vụ thảm sát Quang Thẩm, bắt đi hầu hết những thanh niên trai tráng, trói khít họ lại với nhau rồi đem ra bãi sông Hồng, bắt đứng thành hàng, xả súng bắn chết cả loạt như ngả rạ. Cái đêm các chú tôi đi lượm xác con cháu về, còn nhỏ quá tôi không được đi theo nhưng sáng hôm sau thì được thấy người chết nào bụng cũng to kềnh, trắng ởn như con lợn chết trôi trương phềnh. Nhưng cái đập vào mắt tôi mạnh nhất là những lỗ đạn bắn. Lỗ nào cũng đã se miệng, tròn xoe xám xịt như lỗ mũi bò.



Tóm lại suốt cả tuổi thơ, tôi luôn phải thắt tim, sởn óc trong khói súng, trong âm thanh hãi hùng phát ra từ gót giầy đinh của bọn lính lê dương, linh bảo hoàng nện cồm cộp xuống đường làng, xuống mảnh sân gạch nhỏ trước cửa nhà, sau những giây phút yên ắng đến rợn người, khi đạn đại bác nã vào làng dọn đường cho bọn bộ binh vừa chấm dứt.

Vậy mà nay quê tôi được hoà bình…



Cho mãi mãi sau này, tôi vẫn không giải thích được vì sao cái hương vị của mùa xuân năm ấy lại rạo rực trong tôi đến thế. Cảnh vật thì vẫn là cảnh vật từ ngàn xưa. Vẫn những cây xoan, mùa đông rụng hết lá, chìa lên bầu trời xám như chì những cành nhánh sù sì, gân guốc, đầu tù ra như những khúc chân chó . Vẫn những bụi tầm xuân gai góc kín đáo giấu mình trong bụi rậm để bất ngờ nở tung ra những chùm hoa phơn phớt hồng làm sáng rực cả một không gian. Đó cũng vẫn là những rãnh đất, vạt vườn lâu nay khô cằn, xơ xác vì nắng hanh gió bấc, nay bỗng đồng loạt đội lên nào bí nào bầu, nào mận, nào đào…những mầm cây non nớt e ấp mang hai bên hai mảnh lá con con như hai bàn tay tí hon giơ lên che gió và nắng. Đó còn là những chồi non nghe tiếng gọi của mùa xuân đã như những con chim ngủ đông rủ nhau đồng loạt chìa mỏ chui ra.



Mùa xuân năm Mùi ấy gây ấn tượng mạnh cho tôi còn vì đó là mùa xuân đầu tiên trong đời tôi được gặp lại Én trong kiểu dáng một cô gái tuổi dậy thì. Tôi nhớ mãi, buổi chiều xuân ấy, trời se se lạnh, có mưa bụi bay lay phay và những đám mây thấp ngang đầu, bay là là trên mặt đất tràn ngập màu xanh. Tôi vừa giắt được từ trong nhà ra con bê sắp vực mà bố mẹ tôi mới tậu được trong phiên chợ Thông ra cánh đồng cho nó gặm cỏ dọc theo các bờ ruộng cỏ xuân non tơ đang lên mơn mởn. Bất ngờ tôi nhìn thấy Én. Mới ngày nào cô bé này còn còi cọc như que củi, tóc đỏ như râu ngô, vậy mà chỉ mấy năm xa làng, lên thị xã học, nay trở về làng đã thấy phổng phao lớn bổng hẳn lên.


Năm ấy, Én 18, hơn tôi hai tuổi. Én là con gái ông Khán Vĩnh, người thời trẻ từng làm canh điền rồi kéo xe tay cho ông nội tôi, bây giờ về già sống bằng nghề mùa xuân thì bẫy chim, mùa đông thì bốc mộ. Ông Khán Vĩnh có cách bẫy chim rất lạ. Trên mảnh đất trống trước nhà, ông cho cắm chi chít những chiếc que nhựa mít. Một con cú mèo bị buộc chân cho đậu trên một cành cây cắm giữa sân. Ong chọc cho con chim cú mèo kêu lên mấy tiếng. Và thế là, chỉ một lúc sau, không biết từ đâu, các loại chim thi nhau kéo đến, sà xuống gây chiến với cú mèo. Chúng bị dính nhựa mít, không bay lên được. (Không biết vì lý do gì mà các loài chim đều ghét cú mèo đến thế).


Rồi cứ thế ông ra gỡ từng con chim cho vào lồng. Nghe nói có buổi ông kiếm được hàng chục con. Với nghề bẫy chim ông độc đáo thì với nghề bốc mộ ông cũng ghê gớm chẳng kém . Ông từng tỉ mẩn gỡ từng miếng thịt, sợi gân chưa tiêu hết trong những chiếc quan tài vừa được đào lên rồi trưa hôm đó lại nắm xôi ăn bình thường, sau khi rửa tay qua loa bằng vài chén rượu. Ông Khán Vĩnh có hai người con. VÌ mê chim nên ông đều lấy tên chim ra đặt tên con. Người con trai đầu năm ấy 26 tuổi mang tên Kền (chim kền kền), trong kháng chiến chống Pháp từng là du kích xã, người thứ hai là En.Vợ ông chết đói năm At Dậu, nhưng vì hoàn cảnh nhà quá nghèo nên ông không dám lấy vợ lần nữa.



Cũng như nhiều cô gái nông thôn ở thời kỳ này, Én nghèo lắm. Cái áo cô mặc trên người rách vá tứ tung không sao che hết được những phần đáng ra phải kín đáo trên cơ thể người con gái mới lớn. Đơn giản nhất là nhiều khi chiếc nút chiếc khuy cài chẳng đủ, Én phải buộc nó lại bằng những cọng rơm, làm hôm ấy, tim tôi nhảy ra ngoài khi cô bất ngờ cúi xuống cắt cỏ, để lồ lộ bên trong vạt áo hai bầu vú non tơ căng cứng, như cặp bánh dầy vừa nặn, chết người, hình ảnh sau này tôi chỉ nhìn thấy ở tượng thần Vệ nữ. En khổ thế đấy, cái áo lót tân thời, gọi là xu chiêng hay coocsê, mà lúc này bắt đầu trở thành quen thuộc với các cô thôn nữ quê tôi, Én cũng không có được.



Mơ ước được gặp Én là những điều thường trực trong tôi những ngày sau đó và đó cũng là nguyên nhân tôi thường tìm cớ để được gặp nàng. Khi thì trên đường đi học, tôi liều lĩnh bỏ bạn bè đang cùng đi trên đường, rẽ vào con ngõ nhỏ trước nhà nàng và gặp nàng đang làm một việc gì dó. Khi thì tôi thấy nàng vác cuốc đi sau ông bố ra đồng trong nắng ban mai rực rỡ và những giọt sương long lanh như sao sáng treo trên lá cỏ bên bước chân nàng. Nàng đâu có biết lúc đó tôi đang biến thành tượng đá ngay sau lưng nàng.



Tóm lại, tôi mê Én lắm, mê đến nỗi không lúc nào tôi không nghĩ đến nàng, đến nỗi, đi đâu, đứng đâu, ngồi đâu, bao giờ tôi cũng luôn tự hỏi: chỗ này nàng đã đến chưa, cái cây đa gốc rễ xù xì kia, cây gạo đỏ như một ngọn lửa khổng lồ kia, đã bao giờ lọt vào đôi mắt đẹp đến mê hồn của nàng. Rồi tôi cứ lẩn thẩn phát ghen với mọi người, từ cha mẹ nàng đến bà hàng xóm kề bên. Những người ấy, họ sung sướng, hạnh phúc hơn tôi vì họ thường xuyên được gặp nàng, được trò chuyện với nàng.



Cuối cùng sau một đêm mất ngủ, tôi quyết tâm phải tỏ tình với nàng. Tôi bỏ sẵn trong túi một bức thư viết rất ngắn gọn, có thế mới xoáy sâu, mới đánh trúng tim nàng được. Tôi viết rằng: “Én ơi, tôi yêu Én lắm”. Hôm sau tôi lại đi chăn bê. Lúc này tôi đang học cấp 2 trường huyện, cách nhà 5,6 cây số, sáng đi trưa về, buổi chiều phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, học bài làm bài, dồn hết buổi tối. May sao, chiều ấy, như thường lệ, Én lại ra đồng cắt cỏ. Nhìn qua nhìn lại thấy cánh đồng vắng vẻ, tôi liều mình, mặc kệ tim đập như trống đồng thiếu nhi, cột con bê lại rồi đi thẳng đến chỗ Én. Nhanh như đại bác bắn, tôi dúi mạnh vào túi áo Én lá thư của tôi rồi chạy biến đến chỗ chăn bê của mình. Cả buổi chiều hôm ấy tôi cứ thẩn thơ, thơ thẩn. Cứ như tự đốt cháy mình!



Mấy hôm sau, tôi lại lựa thời cơ như lần trước, khi không thấy ai để ý đến mình, tôi dắt con bê lướt qua chỗ Én đang cắt cỏ rồi hỏi nhỏ: “Đọc thư tôi chưa”. Én trố mắt nhìn tôi, mãi sau mới nói được: “Chết, không thể được cậu ạ. Gia đình cậu khác với gia dình tôi lắm”. Én gánh cỏ chạy như bay ra khỏi chỗ tôi đang đứng.


Vậy mà tôi vẫn không sao từ bỏ tình yêu vừa nhen lên trong tôi. Tôi lại lập kế mới. Nhân chị gái tôi, hơn Én mấy tuổi, lấy chồng ở xa về chơi, hôm trở lại nhà chồng đã bỏ quên lại chiếc áo gụ còn mới. Tôi chôm luôn chiếc áo ấy, giấu kín trong người chờ đến tối đem đi tặng Én. Không khó khăn lắm để làm việc này vì với gia đình ông Khán Vĩnh việc chúng tôi thận hành đến nhà xưa nay vẫn được coi là một niềm vui với gia đình họ. Ông Khán Vĩnh cứ rối rít hết đưa bát nước mời tận tay tôi lại đưa cái điếu cầy đã tra thuốc vào nõ bật lửa cho tôi hút. Ông đâu biết làm thế chỉ khổ tôi vì lòng tôi lúc này đang nóng như lửa đốt. Lại thêm tội giấu cồm cộm trong người chiếc áo quà tặng ấy nữa. May sao vừa lúc có người đứng ngoài ngõ gọi với vào rằng xóm trong có người thắt cổ cần nhờ ông Khán đến tháo dây hạ xuống. Ông Khán Vĩnh tất tưởi xuống bếp cầm cái bùi nhùi rơm vừa đi vừa thổi lửa, ánh sáng bập bùng như ma trơi . Còn lại mình tôi và Én đang nhấp nhổm có ý muốn đi theo bố, tôi nắm tay En kéo lại. Én mở to hai con mắt nhìn tôi, sợ hãi.



Tôi thì chả sợ. Mà nhà này, lúc này có còn ai đâu. Anh Kền, lấy vợ và ở rể ở xóm trên có mấy khi về. Còn với ông Khán Vĩnh, giả sử ông có nhìn thấy tôi đang ôm Én chắc ông cũng chẳng nói gì. Đũa mốc đã chòi được mâm son mà. Én buộc lòng phải theo tôi ra sau nhà. Trên mảnh vườn nhỏ, ánh trăng thượng tuần sáng mờ mờ nhưng cũng đủ soi rõ những luống ngô đang bồng con, xoã tóc bay phất phơ trong gió. Gió đem từ cánh đồng ngoài xa về mùi đất nồng nồng ngai ngái và tiếng ếch nhái kêu gọi nhau hội hè rộn rã. Tôi dẫn Én đến bên gốc một cây ổi để Én dựa lưng vào đấy còn tôi đứng đối diện. Tôi nhìn vào mắt Én trong khi Én nhìn ra ngoài ánh trăng. Trăng ngoài trời và trăng trong mắt Én cùng sáng một màu, màu gì tôi không định nghĩa nổi. Chờ cho Én hết hồi hộp, cho khuôn ngực thanh xuân của nàng bớt phập phồng, tôi mới rút trong người ra chiếc áo cũ ấy. “Tặng Én cái này”- “Gì thế cậu”- “Cái áo!”. Én vùng vằng: “Em chả dám đâu!”. Vừa nói Én vừa có ý muốn bỏ chạy. Và rồi Én bỏ chạy thật. Nàng tuột khỏi tay tôi. Không còn cách nào tôi chỉ còn biết nhanh như con sóc nắm lấy tà áo của Én kéo lại. Thế là, xoạc một cái, áo và người bị phân ly để phần chạy đi là tấm thân trần nõn nà, căng tràn sức sống, phần còn lại trong tay tôi là mảnh áo rách của Én. Thế là Én buộc lòng phải quay lại với tôi. Tôi lấy cái áo cũ của chị tôi khoác hờ lên cơ thể Én. Khuôn ngực thanh xuân lồ lộ đưới ánh trăng. Oi tạo hoá ơi, người thật vĩ đại, thật tài hoa khi tạo ra cho loài người báu vật này.


Tình yêu rồi cả dục vọng nữa thôi thúc tôi phải nhanh chóng chiếm lĩnh lấy kỳ quan ấy. Nhưng tôi đâu dám. Đúng hơn, tôi chỉ dám sau khi khoác chiếc áo lên người của Én thì cài nút lại cho nàng, thì vuốt ve cho nó phẳng, cho nó bó sát các đường cong. Một lần nữa bàn tay tôi lại chạm vào làn da thịt ấy. Chắc Én mới tắm xong, tắm trước khi gặp tôi mấy phút. Bởi rõ ràng vẫn còn đó những mụn gai ốc li ti nổi lên trên vồng ngực, làm tê dại hết cả mấy ngón tay tôi. Bất giác tôi ôm chặt lấy Én và đặt lên khắp da thịt nàng những cái hôn. Rồi tôi ra về. Sung sướng và hãi hùng. Lo sợ và yên tâm. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là con gái và da thịt con gái. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là tình yêu và nhục cảm.

Một hôm, không kìm hãm nổi lòng mình, đánh liều tôi hỏi mẹ tôi về Én.

Không ngờ lại bị mẹ tôi hỏi ngược lại:

- Mày thích nó phải không?

Tôi đỏ bừng mặt, công nhận:

- Vâng, thế thì sao hả bu?

- Thì anh ra khỏi cái nhà này ngay !

Tôi bối rối:

- Sao vậy ?

- Còn sao với giăng gì nữa. Bố nó, ông Khán Vĩnh, thời trẻ là canh điền, là phu kéo xe cho ông nội mày đấy.

- Nếu thế thì đã sao?

Mẹ tôi trừng mắt nhìn tôi:

- Thì không được. Là họ nhà tôm lộn cứt lên đầu.

Mẹ tôi nói vậy nhưng tôi đâu có nản. Tình yêu mà! Tôi nhớ trong thời kỳ này, có một đêm mưa phùn gió bấc, đến rủ Tường, thằng bạn học nối khố đi xuống làng Sáo Đền, cách làng tôi một cánh đồng để xem phim. Vừa mở bức mành mành, tôi đã giật mình vì En đã có mặt ở đấy từ trước. Chỉ có thế thôi, đúng là chỉ có thế thôi mà đêm ấy tôi trằn trọc không sao ngủ được. Tôi cứ tưởng chuyện này chỉ có riêng tôi biết nào ngờ ở giừơng bên mẹ tôi phát hiện ra. Bà hỏi, tôi chống chế: “Tại chập tối con uống nước chè đặc ở nhà thằng Tường!”. Mẹ tôi cười thành tiếng: “ Anh gặp con Én phải không?”. Tôi chịu mẹ tôi tinh ý .



Rồi tôi phải lên Búng trọ học. Sau cái đêm tình cờ gặp Én, tâm trạng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Tôi chỉ nghĩ đến Én. An nghĩ. Ngủ nghĩ. Đi đường cũng nghĩ. Gặp ai hoặc ngồi với ai tôi cũng chỉ muốn nói về Én. Mẹ tôi không khó khăn gì để không nhận ra điều ấy. Vì thế đã có một buổi trưa thứ bảy khá lạ lùng của đời tôi. Trong bữa cơm tôi vừa mới gắp miếng thức ăn (rau bí ngô xào - mãi mãi sau này, tôi không thể nào quên được món ăn dân giã ấy) định đưa lên miệng thì bị mẹ tôi trừng mắt, hỏi :

- Mày phải lòng con Én phải không?

Tôi chưa kịp thanh minh và cũng không biết nên thanh minh thế nào thì mẹ tôi đã dồn tiếp:

- Thằng Phổng nó đang đe giết mày đấy.

Phổng là người đang ngấp nghé Én.

- Để bảo đảm tính mạng cho mày, từ mai tao cấm mày về nhà, cứ ở yên trên đó, hết gạo tao gánh lên.

Về sau tôi mới biết đây là câu mẹ tôi doạ tôi. Bà vẫn kiên quyết không cho tôi yêu En, mà bà cho là không môn đăng hộ đối. Biết tính mẹ tôi nghiêm khắc, đã nói con cái phải nghe, từ hôm đó tôi không dám về làng nữa. Càng không được về làng, tôi càng nhớ Én hơn. Tôi chỉ buồn là không nói được cho En rõ về cái sự cố khiến mẹ tôi cấm, không cho tôi chủ nhật được về làng. Tôi đâu có ngờ Én biết và nàng đã chủ động viết thư cho tôi. Lá thư đầu tiên.



Thư được gửi qua một “hòm thư đặc biệt”. Buổi sáng sớm, tôi đang ngồi ôn bài trước cửa nhà trọ thì có người con gái vốn là bạn của Én gánh gạo đi qua. Hồi này các cô gái làng tôi thường nhận thóc của kho nhà nước đem về xay thành gạo để lấy cám và tiền công.

Người bạn gái của Én dúi vào tay tôi cái phong bì nhỏ, nói thật nhanh như sợ có ai nghe thấy: “Cái Én gửi anh” . Tôi nhận thư, toàn thân lại run lên lần nữa. Oi, vậy ra nàng vẫn còn nghĩ đến tôi. Sợ bạn bè biết, tôi lén đem thư ra sau nhà để đọc. Chữ nàng xấu hay đẹp, câu cú thế nào tôi không để ý đến, chỉ thấy có cái gì linh thiêng đến ma quái trong mỗi dòng chữ của bức thư. Tôi cứ đọc đi đọc lại, đọc xong lại giơ ra ngắm. Tôi nghe rõ trong thư có giọng nói, có hơi thở của nàng. Nàng viết rằng nàng rất buồn khi nghe tin tôi vì nàng mà từ nay chủ nhật không được về nhà. Nàng trách yêu nhau đã mấy tháng rồi, chưa đủ gan góc để chống chọi với mọi biến cố hay sao mà còn nhát thế…

- Chết nhá, đọc thư tình, tôi bắt quả tang.

Thằng bạn trọ cùng nhà thét tướng lên làm tôi giật nẩy người, tim muốn rơi khỏi lồng ngực. Hoá ra cậu ta rình tôi từ lúc nào không hay.

Tôi không thể tiếp tục đọc thư nàng được nữa. Buồn và bực. Nếu không vì những cảm xúc lâng lâng do lá thư nàng đem lại chắc tôi đã đánh nhau với thằng bạn rồi. Tôi cuộn nhỏ lá thư nhét sâu vào trong túi áo rồi cắp sách đi học, lòng đầy nuối tiếc.

Tối hôm ấy, nhớ thư nàng quá, tôi lại tìm cách đọc lại. Để tránh sự rình mò của thằng bạn, tôi thắp đèn rồi đem thư ra cầu tiêu để đọc. Có hiểu sự bẩn thỉu, khai thối đến rợn người, lợm giọng của những chiếc hố tiêu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ thời kỳ này mới thấy sự bất chấp, sự mê muội đến mụ người trước ma lực của tình yêu trong tuổi mới lớn của tôi mạnh mẽ đến chừng nào.


Nhưng đấy là chuyện của mấy tháng đầu năm At Mùi, 1955. Còn sau đó, chỉ mấy ngày thôi, tình hình đã đổi khác hoàn toàn. Ông biến thành thằng. Thằng đổi thành ông. Quay ngoắt đi 180 độ. Chuyện bắt đầu từ giây phút những ông Đội đeo ba lô về làng tôi và cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất bắt đầu.



6.

Một hôm, có một người đàn ông, mặc bộ quần áo màu gụ, thứ y phục quen thuộc của những cán bộ Việt Minh lúc bấy giờ, đeo cái túi dết bằng vải ka ki tự khâu, chân đi đôi dép cao su mà sau này gọi là dép lốp, đến nhà tôi. Tôi nhận ra đó là ông Hứa, cán bộ ngành lương thực, từng ăn dầm ở dề nhà tôi cả mấy tháng trời để vừa thu mua thóc cho chính phủ vừa lo đục tường, phá cửa biến ngôi nhà gỗ lim hướng tây của gia đình tôi thành kho chứa thóc cho nhà nước. Việc biến cái riêng thành cái chung này hoàn toàn là sự tự nguyện của bố mẹ tôi, muốn được đóng góp chút công sức và tài sản cho cách mạng vào thời kỳ đầu miền Bắc mới được giải phóng, còn biết bao khó khăn chồng chất.


Từ đấy toàn bộ sinh hoạt của gia đình tôi gói gọn trong căn nhà ba gian lợp rạ, chật hẹp, dựng tạm trên cái nền của cái nhà 7 gian cũ trước đây bị bọn Pháp rỡ mang lên bốt La Uyên làm nhà ở cho vợ con binh lính . Chật chội lắm. Nhưng cả nhà tôi lại lấy đó làm vui. Bởi nghĩ rằng mình được phục vụ xã, phục vụ cách mạng, như thế là hạnh phúc lắm rồi. Với lại, khó khăn bây giờ nhằm nhò gì với nỗi kinh hoàng khi bọn giặc Pháp còn chiếm đóng ở đây. Cứ nhìn ngay xuống cái nền nhà này thì rõ. Vết tích tội ác của chúng vẫn còn rành rành kia. Đó là một buổi trưa hè, năm 1953, khi cả nhà tôi đang quây quần bên mâm cơm thì bỗng nghe từ phía thị xã, tiếng nổ đánh “ục”, “đầu vào” của một quả đạn đại bác. Cũng như mọi khi, nghe thấy tiếng “nổ” ấy, chúng tôi đều im lặng lắng tai dự đoán xem lần này chúng bắn về đâu. Bởi nếu đó là tiếng “oành” thì đạn nổ hơi xa. Còn nếu là “oàng” là đã quá gần, có khi ở ngay nhà bên cạnh. Nhưng hôm nay chẳng “oành” cũng chẳng “oàng”, chỉ thấy cộc một tiếng, cái đầu đạn to như bắp chuối, xuyên thủng mái nhà, rơi thẳng xuống đất, nằm chềnh ềnh ngay bên cạnh mâm cơm chúng tôi đang ăn. Hoá ra viên đạn ấy bị câm. Cả nhà tôi bàng hoàng, nếu nó không như thế, chắc chả còn ai sống sót.

Cho nên thực lòng mà nói được đóng góp chút gì cho cách mạng đối với gia đình chúng tôi là một niềm vui không gì so sánh được.

Vậy mà bây giờ cái niềm vui ấy đang có nguy cơ bị cướp mất khi ông cán bộ Hứa nói thẳng:

- Chúng tôi sẽ cho chuyển hết số thóc trong kho này đi ! Kho thóc của chính phủ từ nay sẽ không đặt ở nhà ông bà nữa.

Bố tôi cứ ngớ người ra. Còn tôi thì bàng hoàng. Bố tôi run giọng hỏi lại:

- Vì sao vậy ông?

- Vì … vì… Thôi cái này ông hỏi cấp trên sẽ rõ.

Bố tôi thiếu điều muốn khóc. Thấy vậy, mãi sau ông Hứa mới đáp nửa kín nửa hở:

- Nghe đâu sắp có cuộc Cải cách ruộng đất gì đấy…

- Cải cách thì liên quan gì đến chuyện này?

- Có đấy, vì hình như gia đình ông thuộc vào diện…Thôi, tôi không nói nữa. Chỗ thân tình tôi đưa ông tập sách này, ông đọc thì sẽ rõ.

Ong rút trong túi dết ra tập tài liệu mỏng đưa cho bố tôi rồi lùi lũi bỏ đi, chẳng để lại một lời cảm ơn.

Tôi cầm tập tài liệu ấy lên tay. Nó chỉ to bằng bàn tay, giấy đen, đầy những cọng rơm. Dòng chữ trang đầu đập ngay vào mắt: “LUẬT CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT” và con số ghi niên hiệu năm tập sách ra đời: 1953. Sau này, tôi mới được biết, đó là năm Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua trong khoá họp lần thứ 3 ngày 4 tháng 12 năm 1953, tại căn cứ kháng chiến Việt Bắc .

Ngay chiều hôm ấy có tới hàng trăm thanh niên quang thúng lỉnh kỉnh, cười nói bỗ bã, nói tục chửi thề không hề biết bẩn miệng đã tề tựu om xòm trong mảnh sân gạch nhà tôi. Họ chuyển thóc từ nhà tôi sang kho mới đặt ở từ đường ông Thoại, cùng xóm .

Trong số những thanh niên này, dù biết chắc rằng sẽ có Én, vậy mà khi nhìn thấy nàng hai má đỏ bừng mặc cái áo tôi tặng hôm trước, từ ngoài ngõ quẩy đôi quang thúng bước vào sân , tôi vẫn cứ bối rối. Đứng sau cánh cửa nhìn nàng, lòng tôi buồn rười rượi. Én ơi, tình hình mới sắp đảo lộn rồi, liệu chúng ta còn có nhau không.

Không bao lâu sau, toàn bộ số thóc mấy nghìn thùng chất cao đến tận nóc nhà đã bị chuyển đi sạch sành sanh, kể cả bộ khung gỗ và những tấm liếp đan bằng tre luồng. Xẩm tối, kéo nhau lên thăm lại căn nhà cũ, bố con tôi nhìn mà ngao ngán. Tất cả lạnh tanh, trống trải. Cứ như một phòng giam. Nhận lại nhà đáng lẽ chúng tôi phải vui, đằng này lại buồn nẫu ruột.

Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, cách mạng hay chính xác hơn, chính quyền xã này đã từ chối gia đình tôi, loại chúng tôi ra khỏi cộng đồng. Chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cái gì không bình thường đây.

Bố tôi bảo:

- Họ chê thế này có nghĩa là cuộc cải cách ruộng đất sắp tới nhà mình bị quy là địa chủ rồi. Dứt khoát là thế.

Mẹ tôi bảo:

- Thầy mày cứ lo hão. Nhà mình xưa nay có giầu có hơn ai.

Tôi nói:

- Thầy đưa quyển sách lúc nãy cho con.

Bố tôi lật đầu giừơng lấy sách định đưa, sau nghĩ thế nào lại bảo:

- Để đấy đã.

Tôi không hiểu bố tôi định làm gì. Nhìn theo thì thấy ông đi đến chỗ chiếc máy khâu, hiệu Minato, phương tiện lâu nay bố tôi vẫn dùng để kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ tôi. Ong đạp máy, may lại tập sách. Hình như bố tôi sợ cái ghim sắt dỉ sét, mỏng mảnh kia không giữ cho cuốn sách được vẹn toàn… Cũng có nghĩa ông sợ chỗ dựa tinh thần duy nhất của gia đình tôi lúc này bị xộc xệch, lung lay!



Tứ đấy và những ngày sau, bố mẹ tôi và tôi chỉ xoáy vào từng điểm của cuốn Luật để hỏi nhau và dằn vặt nhau. Theo đó đã gọi là địa chủ thì phải có ruộng đất mà ruộng đất phải nhiều và phải bóc lột địa tô. Hôm ấy quẫn trí quá, tôi đã như quan toà truy hỏi bị cáo là mẹ tôi, vì lâu nay trong gia đình tôi mẹ tôi gần như giữ quyền quản lý.

Quan toà: Số ruộng đất nhà này là bao nhiêu.

Bị cáo: 6 mẫu! (Hơn 3 mẫu mới được một ha. Tính ra ruộng đất của nhà tôi chưa được 2 hecta)

Quan toà: Nguồn gốc.

Bị cáo: Mua. Tích luỹ mấy năm trời từ tiền đi buôn của vợ, tiền làm máy khâu của chồng.

Quan toà: Có bóc lột địa tô.

Bị cáo: 30 cân, không nhiều hơn so với quy định của chính phủ trong Luật.

Như vậy thì gia đình này có đội đít mà nâng lên cũng không thể nào thành địa chủ được. Mẹ tôi nói thế. Nhưng tôi biết theo luật thì thế chứ khi vận dụng vào thực tế thì đâu như thế. Nhiều khi còn là nhân thân, là nguồn gốc xuất thân.



Tôi lại làm quan toà lần nữa và lần này thì mẹ tôi cho tôi biết nhân thân của bà. Thì ra tuy là con quan huyện thật đấy (ông thân sinh ra mẹ tôi là Nguyễn Quýnh, sau khi đỗ Cử nhân đã được bổ làm tri huyện huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá vào năm 1884. Gần đây tôi được biết điều này là do được đọc cuốn “Ong Nghè ông Cống, triều Nguyễn”) nhưng là con vợ ba, mà vợ ba ngày trước chỉ là nàng hầu nên mẹ tôi phải vất vả khổ sở từ thuở bé. Đã vậy sau khi sinh mẹ tôi, ông ngoại tôi lại về hưu, quyền hành chẳng còn nên bổng lộc cũng không. Đến năm mẹ tôi mười tuổi thì bà ngoại tôi chết. Chôn cất bà ngoại xong, ngoài dì Sót do còn quá nhỏ nên được đưa về quê ngoại để nuôi, còn mẹ tôi và dì Khuê lập tức phải dời bỏ quê hương theo người lớn về Hà Nội để làm con ở. Mới 10 tuổi đầu, mà ngày nào, 3, 4 giờ sáng, mẹ tôi cũng bị đánh thức bằng đấm, bằng đạp, bằng cả trò đập tã lót ướt sũng nước đái trẻ con vào mặt để lo làm việc nhà. Như vậy sao bảo mẹ tôi là người không lao động được. Lại đóng vai quan toà, tôi hỏi mẹ lần nữa.

- Nhưng đó là thời trẻ. Còn sau này !

- Thì vẫn là lao động, là đi buôn đi bán khắp chợ cùng quê, rạc cả gấu váy, rồi bố mày nữa, ngày đêm còng lưng ra đạp máy khâu, có được đồng nào tích cóp lại, thuê người cày bừa, cấy hái, như vậy mà bảo chúng tao bóc lột à? Là sự đổi công chứ…

- Vậy còn thầy .

- Thì cũng vất vả kém gì bu đâu. Tuy là con cụ Hàn nhưng là cụ Hàn mua danh bán tước, cụ Hàn bị phá sản vì có bao nhiêu ruộng đất, tài sản phải bán hết, trắng tay sau vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu đất đai với đám Hàn Phụ Hàn Bồng về cái ấp ở Thiện Tùng dưới huyện miền biển.



Nhờ mẹ tôi nói tôi mới biết trước đây, ông nội tôi có bỏ ra khá nhiều tiền của trâu bò thóc gạo ra giúp hàng trăm hộ nông dân ở cái ấp này phục hồi sản xuất sau khi một trận sóng thần khủng khiếp xảy ra vào năm 1904, quét sạch ra biển toàn bộ nhà cửa, cây cối, hoa màu ra biển cả mênh mông. Biết tiếng ông nội tôi xưa nay hay làm việc thiện, bà con nông dân ở ấp này đã cử đại diện lên quê tôi, cách ấp Thiện Tùng gần 30 cây số, để xin ông nội tôi “ra tay cứu giúp” cho bà con phục hồi sản xuất.


Ông nội tôi đã dốc toàn bộ thóc lúa, trâu bò, tiền bạc ra giúp bà con. Nhờ thế mà ấp Thiện Tùng lại được trở về trạng thái cũ. Nhà cửa lại cất lên. Cây cối lại tươi tốt. Lúa ngô lại xanh mướt cánh đồng. Thôn ấp lại vang rộn tiếng hát, tiếng cười, tiếng trẻ học bài. Dân ấp Thiện Tùng biết ơn ông nội tôi, đã tôn cụ làm thành hoàng ngay khi cụ còn sống. Các triều vua Thành Thái, Khải Định lần lượt xuống chỉ sắc phong cho đình thờ thành hoàng này. Sau đấy không lâu, cánh Hàn Phụ, Hàn Bồng ở bên kia sông Hồng, nghe tin đã đâm đơn kiện ông nội tôi với lý do, cái ấp này nguyên là của nhà họ, ông nội tôi đã lấn chiếm. Họ là dân có con cháu Tây học, thành thạo pháp lý pháp luật nên đã thắng ông nội tôi trong vụ kiện này. Kết qủa ông nội tôi không chỉ mất trắng cái ấp Thiện Tùng mà còn phải đóng án phí đền bù thiệt hại cho bên nguyên đơn, với một số tiền khá lớn, đến nỗi, ông nội tôi phải bán đi gần hết số ruộng hiện có mới thoát khỏi tù đầy.



Do đó mà bố tôi cùng các ông chú bà cô, đúng là tiếng cả nhà thanh, mang tiếng con nhà giầu nhưng ruộng đất, tài sản còn lại chẳng đáng là bao. Các ông lại không được học hành đến nơi đến chốn, do ông nội tôi ghét Tây xâm lược không cho con cái học cái chữ mà cụ bảo loằng ngoằng như cái xích chó, trong khi chữ nho đã mạt vận. Kỳ thi cuối cùng của thứ chữ thánh hiền này xảy ra đúng vào lúc bố tôi và các chú đang tuổi học hành.

Thế là, vào đời, học vấn không co, bố tôi và một số chú buộc phải lặn lội vào Nam kỳ và Campuchia làm phu cao su trong các đồn điền của người Pháp.

- Vậy sao bảo thầy mày bóc với lột được!



Càng nghe mẹ tôi nói đầu óc tôi càng sáng ra. Tôi giở lại tập Luật cải cách ruộng đất ra xem một lần nữa. Điều 12,mục 5 ghi rõ: “Những người có ít ruộng đất, nhưng vì tham gia công tác kháng chiến, vì thiếu sức lao động,vì bận làm nghề khác mà phải phát canh thu tô hoặc thuê người làm, thì không coi là địa chủ. Không đụng đến ruộng đất và tài sản của họ”. Gia đình tôi rõ ràng là rơi vào điều vào mục này rồi. “Vì thiếu sức lao động!”. Đúng rồi còn gì. “ Bận việc làm”. Thì cũng đúng nốt. Từ nhỏ đến lớn gần như tôi không thấy mấy khi mẹ tôi có mặt ở nhà. Bà đi hết chợ Thông đến chợ Búng, chợ Sóc, có chợ cách nhà cả hai mươi cây số. Mà toàn là gánh nặng và đi bộ, phải thức dậy từ ba bốn giờ sáng mới kịp. Còn bố tôi thì sau khi hết công-tra, về quê, cưới mẹ tôi, học thêm nghề thợ may, từ đấy ông bị cột chặt vào chiếc máy khâu, hết tháng này năm khác, “đít dầy như chiếc mo nang”, bố tôi thường bảo thế. Ông còn sợ cái nghề này như sợ một định mệnh, đến nỗi mỗi lần tôi trèo lên chiếc ghế may đều bị ông đuổi xuống. “Một mình đời thầy đã khổ rồi, chẳng lẽ lại truyền đến đời con”. Như vậy những điều quy định trong Luật đã rõ ràng như ban ngày, chả còn điều gì khó hiểu u ám nữa. Gia đình tôi dứt khoát không phải là địa chủ rồi! “Dứt khoát không phải là địa chủ rồi!” Sung sướng quá…Tôi hét to lên. Tôi reo lên như một thằng điên. Rồi tôi hát “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa này hoa nở…”. Tôi hát thế vì vừa nghe trên cây nhãn ngoài bờ ao nhà tôi người phụ trách thông tin tuyên truyền xóm phát thanh qua cái loa bằng sắt tây rằng: “Hôm nay là kỷ niệm một năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ…”



Hát rồi reo to không đủ. Tôi phải chạy ngay ra nhà Én. Nhưng Én không có nhà. Nàng đi họp thanh niên chuẩn bị cho buổi lễ chào mừng Đội Cải cách ra mắt dân làng rồi. Nhìn vẻ mặt lạnh tanh của Kền, tự dưng tôi thấy lo sợ. Hình như sắp có chuyện không hay xảy ra rồi. Tôi nen nét quay về nhà.


*

No comments: