Wednesday, November 11, 2009

VIII. VƯƠNG LÃO SƯ

***



Tại kinh đô Thăng Long có Vương lão sư, tên thật là Vương Hồng Phát, tổ tiên vốn người Hoa, sang phố Hiến nước Việt lập nghiệp. Cha mẹ tiên sinh giàu có, cho tiên sinh du học kinh đô Thăng Long. Mặc dầu tiên sinh không thi đỗ tiến sĩ, cử nhân hay tú tài, tiên sinh cũng có tài văn chương, nên đã trúng tuyển cuộc thi lại viên của triều Mạc, được bổ làm lại viên (thư ký) cho một cơ quan nhỏ ở kinh đô. Sau vì tiên sinh có tài chọn kim cương, ngọc thạch cho các bà chúa họ Mạc, tiên sinh được vua Mạc phong làm Phó Chưởng Quản thư viện của viện Bảo Tàng. Vì gia đình có tiền của cho nên tiên sinh không bận sinh kế . Cái lương bổng của tiên sinh cũng chỉ dùng vào việc vui chơi chốn tửu điếm, trà đình cùng bạn trang lứa. Tiên sinh là người có máu văn nghệ, đa tài và nhiều đam mê. Cái tài hoa thứ nhất là tài văn chương. Tiên sinh có giọng văn quyến rủ, duyên dáng đặc biệt. Tiên sinh viết truyện cổ, truyện kim, truyện mình, truyện người đều tuyệt, nay còn lưu các sách: Tôi Mê Đào Nương, Một Đời Hư Hỏng, Thăng Long Năm Xưa,, Nghệ Thuật Chơi Cổ Ngoạn. . .



Ngôi nhà của Vương lão sư


Tiên sinh có ba cái đam mê và cũng là ba cái tài hoa của tiên sinh. Cái đam mê thứ nhất là thích sưu tầm sách. Sách xưa đã quý mà sách mới xuất bản cũng được tiên sinh yêu thích. Bất cứ sách nào mới xuất bản tiên sinh đều mua ba quyển, một quyển để xem, một quyển để vào thư viện gia đình, và một quyển để cho bạn bè mượn. Đam mê thứ hai là mê ca vũ nhạc. Và đam mê thứ ba là sưu tập đổ cổ.



Nước ta vốn nghèo, việc ấn loát sách khó khăn, và đắt đỏ, nên ít người mua. Lại nữa, thời buổi chiến tranh, sách mất mát, thư viện hoàng gia cũng chẳng thu thập được bao nhiêu. Vì tiên sinh có nhiều sách cổ và quý nên một số văn quan trong trường Quốc tử giám đã mời tiên sinh vào dạy tại đây để việc giao du và trao đổi giữa hai bên thêm bền chặt. Tiên sinh được giao dạy môn Văn Học Ngoại Biên và tiên sinh chọn đề tài “Thú tiêu khiển ” để giảng dạy các sinh viên. Tiên sinh không có tác phong nghiêm trang, đạo mạo của một giáo sư. Phong thái độc đáo của tiên sinh là phong thái của một nghệ sĩ, một tay chơi thượng hạng, và của một nghệ nhân kể truyện trong các trà đình tửu điếm ngày xưa bên Trung Quốc. Những buổi giảng dạy của tiên sinh không giống như những buổi giảng dạy của các giáo sư khác. Tiên sinh kể truyện cho sinh viên nghe. Tiên sinh không bao giờ cầm sách hay soạn giáo án gì cả. Buổi giảng dạy của tiên sinh chỉ là những buổi kể chuyện rất thích thú. Tiên sinh cười nói vui vẻ coi các sinh viên là những thính giả hay những bạn đồng trang lứa, và các sinh viên cũng rất thích thú vì những điều tiên sinh nói ra đối với đa số sinh viên là rất xa lạ. Tiên sinh kể về thú đá dế, chọi gà, chọi cá lia thia . .


Tiên sinh cũng nói về thú mê hát của tiên sinh thuở trẻ. Tiên sinh kể rằng lúc bấy giờ tiên sinh mê cô đào Phùng Hoa. Cô này nổi tiếng về tuồng hát bội, cô thường thủ vai Quan Công, Triệu tử Long rất xuất sắc. Cô đào này to lớn, vạm vỡ, giọng hát thanh tao cho nên khi cô thủ vai Quan Công, Triệu Tử Long hay Lữ Bố thì rất oai phong lẫm liệt. Khi cô xuất hiện trong những vai này thì các vương tôn, công tử Hà thành hoa lệ thảy đều đắm say. Cô này có một điểm đặc biệt là trước khi diễn tuồng phải có cái mục “đệ tam khoái” để kích thích và gây cảm xúc thì mới diễn xuất hay. Việc này thì cũng thông thường và cũng khá đặc biệt trong hàng văn nghệ sĩ .

Trong đời sống riêng tư, con người có những sắc thái đặc biệt. Nhiều văn nghệ sĩ đã tìm nguồn trợ hứng trong rượu, nha phiến hay cà phê, trà. Có cô họa sĩ khi vẽ phải khỏa thân hoàn toàn thì mới vẽ được. Lẽ tất nhiên đoàn hát phải lo đầy đủ phương tiện cho bậc danh nghệ này để đạt nghệ thuật cao, vì cô là đệ nhất danh ca, là con gà đẻ trứng vàng của gánh hát, nhờ tài nghệ cô mà gánh hát thu bộn tiền. Tiên sinh cũng đã gặp cô đào này. Tiên sinh không nói rõ tiên sinh là kép của cô đào này hay chỉ là một khách hàng xa lạ. Đêm chung chăn với người đẹp thì biến cố xảy ra. Mấy cắc bạc trong túi tiên sinh rớt ra ngoài và đi xuống gậm giường. Tiên sinh phải tìm hộp quẹt đánh diêm soi khắp nơi, làm cho giai nhân tỉnh giấc nồng. Người đẹp bực mình hỏi:
-Anh làm gì mà cứ lục đục hoài vậy?
Tiên sinh phải thú thực:
-Anh tìm mấy cắc bạc rớt xuống gậm giường.
Người đẹp liền lấy hai ba tờ giấy bạc, không rõ là tờ một đồng hay tờ năm, mười đồng đốt lên để tìm mấy cắc bạc cho tiên sinh! (Nên nhớ rằng lúc này một đồng bạc có giá trị lắm, quyển sách ba xu hay năm xu, lương quan huyện khoảng một trăm đồng ).
Tiên sinh dạy được một hai khóa rồi nghỉ dạy nghe đâu trong trường có người phê bình sao đó.


Tiên sinh là một người say mê cổ ngoạn. Tiên sinh có một kho tàng bảo vật trong nhà do công phu một đời sưu tập. Những nhà chơi cổ ngoạn hay những danh gia vọng tộc muốn mua hay bán đồ cổ thường đến hỏi ý kiến tiên sinh, nhờ tiên sinh thẩm định giá trị và giá cả. Vì vậy, trong nhà tiên sinh lúc nào cũng đầy khách khứa vào ra.


Lúc bấy giờ quân nhà Lê đã tấn công kinh đô Thăng Long nhiều lần và nhà Lê đã chiếm thượng phong. Những kẻ giàu sang đã mang của cải chạy sang Trung Quốc, Nhật Bản hay Cao Ly. Cũng có người tính chạy theo họ Mạc lên Cao Bằng, Lạng Sơn. Một số tướng quân nhà Lê cho người vào kinh đô Thăng Long vận động các nhà giàu ở lại . Họ nói đi ra xứ lạ quê người khổ lắm. Làm người vô tổ quốc là làm thân lưu đày. Hơn nữa, đi ra nước ngoài, không biết tiếng tàu, tiếng tây, tiếng u, không có nghề nghiệp, không có thân thích giúp đỡ chỉ làm nô lệ cho người. Họ hát khúc Không nơi nào đẹp bằng quê hương ta, hoặc Ta về ta tắm ao ta!


Vương lão sư cũng được các tay dân vận và trí vận của nhà Lê chiêu dụ. Họ bảo họ rất quý trọng tiên sinh. Khi nào nhà Lê chiếm được Thăng Long, đánh tan nhà Mạc thì họ sẽ mời Vương tiên sinh làm thượng thư hoặc tể tướng đứng đầu triều. Cũng có điệp viên họ Lê giả làm phú thương đến mua đồ cổ ngoạn để dóm ngó, kiểm kê kho tàng của tiên sinh. Hết người này đến người kia bao vây tiên sinh, không cho tiên sinh được gặp quan lại họ Mạc. Thực ra, từ khi được quan lại nhà Lê hứa hẹn nhiều điều, nhất là thấy quân nhà Lê hùng mạnh, lòng tiên sinh đã chán cha con họ Mạc, vì vậy tiên sinh đã quyết định ở lại Thăng Long. Tiên sinh cũng đã tính tới tính lui. Tiên sinh chỉ là một nho gia, một viên thư lại, không giữ chức vụ quan trong trong triều Mạc, cũng không gây thù oán với ai.


Người hiền lương như tiên sinh thì sống triều đại nào cũng được an an bình bình. Lại nữa, đi ra nước ngoài thì làm sao chở hết kho tàng của tiên sinh? Còn ngôi nhà tiên sinh là ngôi nhà đẹp nhất, cổ nhất ở Bắc Ninh, tiên sinh đã tốn ngàn lượng vàng để mua về dựng lại tại khu vườn nhà ỡ Thăng Long. Bây giờ bỏ đi sao đành! Yêu Thăng Long diễm lệ, yêu kho tàng quý báu, và yêu ngôi nhà cổ kính , tiên sinh ở lại, không bao giờ tiên sinh có ý nghĩ rời xa những kỷ vật thân yêu đó.



Cuối cùng, quân vua Lê đã vào Thăng Long và quân nhà Mạc đã tháo chạy lên Cao Bằng. Vua Lê lên ngôi nhưng binh quyền nằm trong tay cha con họ Trịnh. Trịnh Tùng ngày càng kiêu hãnh, coi thuờng vua Lê và luật pháp quốc gia. Trịnh Tùng phong em là Trịnh Thọ làm Ngũ môn Đô Thống, quản lĩnh quân đội trong kinh thành. Các quan văn võ dưới quyền Trịnh Thọ cho người liên tiếp đến nhà Vương tiên sinh thăm viếng và hỏi han về cổ ngoạn. Vì sợ oai hùm và cũng do đầu óc ưa khoe khoang của con người, tiên sinh phải dẫn họ đi xem kho báu của tiên sinh. Hết phái đoàn Bảo tàng viện, đến phái đoàn Sử học, phái đoàn Khảo cổ, đến viện Văn hóa, Nghệ thuật, ngày nào cũng tấp nập đến nhà tiên sinh. Nếu có khách đến thăm, thấy nhà tiên sinh khách khứa ồn ào, xe cộ tấp nập thì tự động ra về.


Cũng có kẻ hiếu sự, cố ngồi chờ hoặc hỏi han kia nọ, thì có người trả lời:
-Tiên sinh bận tiếp khách, xin mời hôm khác trở lại!
Họ Trịnh cũng đã tỏ lòng quý mến tiên sinh thật sự. Anh em họ Trịnh cũng đã có kẻ tới thăm tiên sinh. Họ khen ngợi tiên sinh. Sở Văn hóa mời tiên sinh đăng đàn diễn thuyết. Hội Nghệ thuật xin in mấy quyển sách của tiên sinh và trả tác quyền khá hậu hỉ.
Sau mấy tháng giao lưu, Viện Khào cổ, rồi sở Văn hóa ngỏ ý mượn đồ quý của tiên sinh đi triển lãm thì tiên sinh thẳng cánh từ chối theo nguyên tắc “ vật bất ly thân”. Nhưng anh em họ Trịnh không lùi bước!


Lúc bấy giờ tiên sinh tuổi gần bát tuần, có một vợ và một trai. Đời tình ái của tiên sinh khá trắc trở cho nên sau vài lần đứt gánh giữa đường, tiên sinh chắp nối với nữ danh ca Hồng Ngọc, và hai người đang sống yên vui trong cảnh già nua tuổi tác. Tiên sinh hiếm muộn chỉ được một cậu trai tên là Hồng Bảo. It lâu sau người ta bắt giam Hồng Bảo về tội mắc nợ. Không hiểu cậu mắc nợ ai, nợ bao nhiêu và vì sao mà mắc nợ đến nỗi phải bị tù tội? Gia tài tiên sinh thiếu gì vàng bạc. Nếu tiên sinh bán đi một vài cái lọ Khang Hy thì cũng bộn tiền, cần gì mà phải mắc nợ. Chắc là quan quân họ Trịnh tìm cớ gây áp lực với tiên sinh, bắt Hồng Bảo để đe dọa tiên sinh. Nhưng tiên sinh vẫn không lùi bước. Tiên sinh thà chết chứ không đầu hàng bạo quyền. Rồi thì cuối cùng tiên sinh cũng phải chết, không vì lý do này thì cũng lý do khác. Họ Trịnh cho quân tiến vào chiếm nhà tiên sinh và họ bảo tiên sinh đã hiến nhà cho chúa Trịnh. Họ Trịnh đưa ra một chứng từ do ông thầy thuốc Nam tên lả Nguyễn Văn Nhiều ở cạnh nhà tiên sinh viết như sau:
Tôi là Nguyễn Văn Nhiều, đông y sĩ. Bạn tôi là Vương Hồng Phát để di ngôn cho tôi là cống hiến toàn bộ gia sản cho chúa Trịnh v. v. . .




Những người mê tín, dị đoan cho rằng các bảo vật thường là đồ bất tường, ai mang bảo vật là mang tai họa vào thân. Người ta nói rằng các cổ vật quý báu thường có những lịch sử đầy máu và nước mắt. Những bảo vật này đã có những chủ nhân giàu sang quyền quý một thời. Họ đã có những ngày tháng vui vẻ hả hê khi được báu vật. Họ khoe với mọi người hoặc cất giấu kín đáo, thỉnh thoảng lấy ra chiêm ngưỡng, sờ mó và hôn hít, ôm ấp. Rồi ngày tháng trôi qua, họ làm ăn thất bại, phải bán vàng ngọc và đồ cổ ngoạn để mua gạo thóc hoặc để trả nợ nần. Cũng có kẻ mang bảo vật thì mang họa, bị cướp hay quan quân vào nhà, giết con cái và đoạt tài vật. Những kẻ này tiếc của thương khóc hay uất hận mà chết, vong hồn không đi đầu thai mà cứ lẩn quẩn bên những báu vật đó, ngày càng đông và oán khí ngày càng dầy. Một cái dĩa đời Đường, một bức tranh đời Tống, một cái đôn sứ của vua Lý Thái Tổ qua bao nhiêu chủ là tập trung mấy vong linh u uất và đau khổ như hồn những con ma trành bên con hổ ăn thịt người. Nếu điều này là đúng thi vong hồn tiên sinh đã nhập vào đám vong linh uất hận ngàn đời không tan vì bạo quyền coi khinh pháp luật, ngang nhiên cướp đoạt tài sản của tiên sinh.



**

No comments: