NƯỚC MẮT MỘT THỜI (15)
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)
47.
Đêm ấy, tôi lại thắp lên ba nén nhang, gióng năm tiếng chuông và gõ bẩy tiếng mõ. En lại về với tôi. “Anh thân yêu! Anh đừng nghĩ rằng mấy chục năm xa anh là em quên anh, không biết gì tin tức về anh đâu. Không em vẫn nhớ và dõi theo anh từng thời gian từng quãng đường. Em được biết, sau biến cố long trời lở đất ấy, anh vẫn đứng vững, mấy năm sau anh lại đi học lại, anh ăn đói mặc rét, ngày hai lần đi bộ lên thị xã để học cấp ba nhưng sau đó anh lại không được vào đại học, do hồi đó hai chữ địa chủ còn là ấn tượng xấu đối với mọi người. Nhưng anh không nản chí, anh đi công trường gang thép, anh tự học, anh viết văn viết báo để thành nhà báo nhà văn như hiện nay, em đều biết. Em còn được đọc những bài viết của anh nữa kia. Anh có biết vì sao em biết đó là những tác phẩm của anh không. Đó là do cái bút danh đấy. Cái bút danh mà chỉ có em mới biết được nguồn gốc, bởi khi chúng ta còn trẻ và còn yêu nhau đã nhiều lần anh nói anh mơ ước sau này trở thành nhà văn với cái bút danh ấy. Đọc bài viết của anh, em sáng ra một điều là anh không hề có ấn tượng nặng nề, không hề hằn học,cay cú với cái biến cố làm gia đình anh tan nát ấy. Trái lại, anh còn tỏ ra thông cảm, độ lượng khi gọi đó “Nước mắt một thời”, “Cơn sốt vỡ da” hoặc nữa “Bão năm Mùi”. Cơ thể con người nào lớn lên, trưởng thành mà chẳng qua một lần sốt gọi là sốt vỡ da anh nhỉ. Còn chữ “Nước mắt một thời”, em đoán hình như anh muốn trân trọng nhắc tới một kỷ niệm đau buồn của dân tộc, khi Đảng và Bác Hồ phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng mà những người thực hiện cuộc Cải cách Ruộng đất đã gây ra cho đất nước mình. Trong một hội nghị bàn về công tác sửa chữa những sai lầm ấy, Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã khóc. Có phải ý anh định nói thế không!
Anh ơi, em biết về anh nhiều thế đấy nhưng em dám chắc anh chẳng biết gì nhiều về em đâu. Chính vì thế hôm nay em cũng muốn nói lại ít nhiều về những ngày qua của em để anh phần nào thông cảm, kẻo cứ còn giận hờn thì tội em quá. Trước hết em muốn nói với anh về nguyên nhân em bỏ làng ra đi và ra đi không trở lại. Tất cả là vì em thấy mình có cái tội lớn quá đối với gia đình và nhất là đối với bố anh. Vì em muốn giữ một tình yêu trọn vẹn với anh. Em xin tiết lộ một bí mật mà đến bây giờ nếu em không nói ra thì nó cũng sẽ đi theo em mà xuống mồ mất thôi. Ay là việc vì sao bố anh, ngày ấy, bị ba người du kích với ba khẩu súng chĩa vào bắn và bắn rất gần mà ông cụ không chết. Vì sao. Thưa anh, đó là vì em. Hoàn toàn vì em, anh hãy tin đi. Cũng tại do ngày đó em còn quá trẻ và lại quá ngu dốt nữa nên mới có chuyện như thế. Không biết ngày đó em nghe được từ đâu một câu chuyện sau này em mới biết là hoang đường, chứ làm gì có sự thật như thế. Chuyện rằng, từ xưa tới nay, ở nước ta cũng như ở bất cứ nước nào trên thế giới, trong các cuộc hành hình bằng cách xử bắn hoặc treo cổ, nếu tử tù vì lý do gì đó khôngchết thì người tử tù đó sẽ được ân xá, được tha bổng ngay sau đó. Em cứ nghĩ đó là câu chuyện có thật nên mấy hôm trước nghe lão dội Khoảnh nói với em (với em cái gì mà lão chả khoe) rằng sắp tới toà án nhân dân đặc biệt sẽ xử bắn bố anh, em lo quá và nảy ra ý định cứu bố anh. Để cho chắc chắn, em có hỏi lại bố em chuyện trên thì chả hiểu vì lý do gì bố em cũng lại gật đầu. Thế là trước hôm xử bắn bố anh, em có khéo léo hỏi đội Khoảnh và được biết trực tiếp cầm súng bắn bố anh là ba người. Một là Phổng, anh chàng đang si mê em như em đã nói đấy, hai là anh Thọ, người xóm Trung, ba là, anh Bân, xóm Cầu. Theo như em biết trong ba người này, chỉ có Phổng là bắn giỏi hơn cả, còn Thọ, với Bân, anh mắt kém, anh tay hay run, hôm trước đi tập bắn với em, các tướng toàn có đuổi cò. Thế là em quyết tâm tìm mọi cách vận động Phổng, để anh ta khi nhắm bắn bố anh hãy cố làm sao để viên đạn chỉ trúng từ đùi trở xuống, hoặc tốt hơn hết là bắn trượt đạn ra ngoài.
Em dụ dỗ Phổngrằng, nếu anh ta đồng ý với điều kiện em đưa ra như thế, em sẽ chính thức nhận lời lấy anh ta và làm đám cưới ngay sau đó. Em không ngờ Phổng đã vui vẻ nhận lời em và rồi đã thực hiện đúng sự cam kết. Ngoài ra, hình như Phổng cũng đã vận động hai người cùng bắn làm theo anh ta. Không biết hai người này có làm thế không, chỉ biết, kết quả cuộc xử bắn đúng như anh và mọi người đã biết.
Nhưng anh ơi, em đã làm phúc phải tội, làm ơn nên oán, để yên thì bố anh được chết một cách yên lành, chỉ “đoàng” một cái là xong, là sang thế giới bên kia một cách êm ru, đằng này chỉ vì em, ông cụ đã không được chết như thế, để cụ bị sống lại, bị đón nhận cái chết vô cùng đau đớn, vô cùng thương tâm bằng lưỡi cuốc dã man của chính bàn tay của anh em, khúc ruột trên của em.
Như thế, em còn mặt mũi nào ở lại làng để nhìn thấy anh và mọi người trong ia đình anh được nữa. Với lại, em cũng không muốn vì chuyện bắn trượt này mà em phải thực hiện đúng lời cam kết, phải lấy Phổng, gọi Phổng là chồng, trong khi trước sau như một , em chỉ yêu anh và mãi mãi yêu một mình anh. Sáng hôm sau em bỏ làng ra đí. Sau khi đánh lừa mọi người bằng gói quần áo cũ bên bờ đê, em đã ngược sông Hồng bằng tầu thuỷ lên tận Lào Cai Yên Bái, làm rẫy phát nương cho người dân tộc. Em đổi tên thành Phạm Thị Hằng, khai quê quán ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Rồi cuộc kháng chiến chống Mỹ xảy ra, em xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, phục vụ tại các tuyến đường trong Khu 4. Chiến tranh kết thúc, cùng một số chị em như nhà báo Hải Minh đã viết, em cắt tóc quy y vào chùa với pháp danh là Diệu Hằng. Có điều, em cũng cần nói với anh là suốt thời gian em ở Lào Cai, Yên Bái và cả khi em là thanh niên xung phong, khá nhiều người đàn ông tìm đến với em nhưng em đều kiên quyết từ chối. Em muốn giữ mãi với anh một tấm lòng son sắt. Anh thân yêu! Cho đến tận lúc này ở làng ta không ai hay biết gì về em cả, kể cả nhà báo Hải Minh. Chỉ có anh, ông trời dun dủi làm sao lại gặp được em. Em định bụng khi nào anh hết giận và đến với em lần thứ hai thì em sẽ xuất đầu lộ diện, sẽ về làng, sẽ quỳ gối, xin chịu tội trước bàn thờ và những người trong họ hàng gia tộc anh. Nhưng em chờ mãi không thấy anh đến. Trong khi đó căn bệnh quái ác đã đến sau lưng em rồi. Em không còn cơ hội nào khác nữa. Chào anh. Em xin được vĩnh biệt anh…”
Tôi tắt máy ghi âm. Nằm gục xuống giường. Không còn biết cảm xúc lúc này của mình là thế nào nữa.
48.
Chúng tôi quyết định đến ngày 15 tháng chạp âm lịch, ngày giỗ ông nội chúng tôi, cụ Hàn Bằng, làm ngày khánh thành tháp lưu niêm và khu lăng mộ. Do căn nhà tôi, đáng lẽ gọi là nhà cô Ngân, hẹp quá không chứa nổi mươi mười lăm người nên đành chỉ cúng lễ trên tháp thôi, còn ăn uống chuyển cả sang nhà vợ chồng Hết Sạch .
Lễ giỗ ông nội tôi đồng thời là lễ khánh thành ngôi tháp, khu lăng mộ hôm nay anh em con cháu về kha đông đủ. Hàng cha chú mất hết rồi, chả còn ai. Chỉ còn hàng con và cháu. Tất cả khoảng 30 người. Xa nhất thì có gia đình cô Quỳ, nhà tài trợ chính, từ Canađa cũng đã về kịp. Bất ngờ nhất là lại có cả chị Nghiệm lưng còng, tóc bạc phơ dẫn vợ chồng cháu Nguyệt, gọi chị bằng bà nội, sang nhận họ. Học hành, đỗ đạt cao nhất thì có 2 người con của Tuý, cả hai đều đỗ tiến sĩ, người ngành hải dương học, người ngành vật lý, còn lại là 12 kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư. Vui nữa là khi đang hành lễ tại sân tháp thì có tiếng còi ô tô ngoài cổng. Chúng tôi chạy ra đón. Lúc ấy mới được biết đó là đoàn đại biểu nhân dân xã Tiền Hưng ở vùng biển, nơi có ấp Thiện Tùng, lên dự lễ và mời chúng tôi đến rằm tháng giêng tới về xã dự lễ rước bằng công nhận di tích văn hoá cho ngôi đền thờ thành hoàng cụ Hàn Bằng, ông nội, cụ nội, ông ngoại, cụ ngoại của chúng tôi.
Trong khói hương nghi ngút, người đại diện ấp Thiện Tùng, trang nghiêm kể cho đám con cháu cụ Hàn Bàng nghe lai lịch vì sao cụ lại được dân làng dưới đó suy tôn là thành hoàng, lập đền và thờ cúng trang nghiêm, vì sao hai triều vua, Thành Thái và Khải Định đều sắc phong cho cụ, vì sao ngôi đền được sở văn hoá xếp hạng di tích.
Đúng là một cuộc đoàn viên hiếm có!
Và cũng đúng lúc mọi người đang say mê theo dõi câu chuyện thì từ phía cổng ra vào vang lên lời chào rất to của lão Kền. Chúng tôi nhìn ra thì thấy con cháu lão đang khiêng lão trên chiếc chõng tre. Lão ra hiệu cho con cháu đặt lão nằm trước mặt chính của ngôi tháp. Rồi lão vừa nằm vừa khấn. Lão khấn gì không ai nghe rõ.
- Tống cổ hắn đi cho khuất mắt!
- Cho hắn đứng trước tháp là lăng nhục tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú bác chúng ta!
Đám con cháu của dòng họ tôi không ai xui bảo mà bỗng đồng loạt phản đối tẩy chay lão Kền. Không khí căng lên tột độ. Tôi lại phải đứng lên và phải buộc nói ra những điều đáng lẽ tôi không nên nói:
- Thưa anh chị em và các cháu yêu quý. Biến cố Cải cách ruộng đất xảy ra đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Cái gì đã qua thì cho nó qua đi. Ngay ngày ấy Đảng cũng đã sớm nhận ra những sai lầm do biến cố ấy đem lại và đã có chính sách sửa sai triệt để. Với biến cố ấy, nếu gia đình chúng ta là nạn nhân thì ông Kền đây cũng là một nạn nhân không hơn không kém. Anh chị em con cháu chúng ta hãy thương lấy để ông ta được sống thanh thản những năm tháng cuối đời.
Tôi chạy lại cùng người nhà đỡ lão ngồi dậy để lão dựa lưng vào tường. Từ đó không thấy ai còn xì xào gì nữa.
Lão Kền nói trong hơi thở hổn hển: “Kính thưa các cô các cậu! Thời gian qua tôi thật có lỗi với gia đình này, với cụ Cả Lân. Tôi đã giết cụ, không chỉ một lần bằng lưỡi cuốc. Mà đã giết cụ hai lần trước đó, bằng lưỡi người, cái lưỡi thịt của tôi. Ngày ấy, khi thấy đội Khoảnh tin tưởng vào sự trung thành của tôi, ông Lung, chủ tịch Uy ban kháng chiến hành chính xã, khi biết tin cụ Cả Lân nhà ta đây bị khép oan vào cái tội theo giặc lên bốt làm xã uỷ tề, trước khi chết vì bệnh trọng, ông Lung có gửi tôi lá đơn minh oan rằng cụ nhà ta lên bốt làm tề hoàn toàn là làm theo sự chỉ đạo của tổ chức, của cách mạng nhưng vì tị hiềm cá nhân, tôi đã giấu béng đi lá đơn minh oan ấy. Lần thứ hai, tôi đã tố cụ chỉ điểm cho giặc ném bom là tôi nói sai, trong khi ngày ấy nếu không có cụ đứng ra chịu trận cứu chúng tôi, đẩy tất cả 20 người vào gầm bục thóc rồi đứng chắn bên ngoài nói chuyện bằng tiếng Pháp để đánh lạc hướng bọn giặc thì chúng tôi đã bị chúng bắt và giết hết cả rồi. Vậy mà tôi dám đổ oan cho cụ. Đã vậy gần đây tôi còn ghen tức với sự thành đạt của con cháu cụ, còn sai con cái phá phách việc xây dựng cái tháp này. Tôi thật đáng tội. Vì thế hôm nay, tôi sang đây cắn cỏ vái lạy hương hồn cụ tha tội cho tôi, các cậu các cô tha lỗi cho tôi, cho tôi được sống thanh thản những ngày cuối đời”.
Lão nằm vật xuống sân và khóc như đứa trẻ. Tôi cùng mọi người lại nâng lão ngồi dậy rồi tự tay thắp hương đưa cho lão khấn vái từ xa.
Tất cả những hình ảnh và cử chỉ sống động này hôm ấy, không ngờ và rất may cho tôi là đã được thu vào ống kính máy quay của đạo diễn Hải Minh. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về sự có mặt rất đúng lúc của anh. Hoá ra anh về quê và được người nhà cho biết hôm nay chúng tôi có làm cái lễ này nên đã tự động đến dự. Hải Minh còn cho lia ống kính quay thêm nhiều cảnh khác nữa. Chắc chắn chúng ta sẽ có được một bộ phim tài liệu hay và trên cơ sở này chúng ta sẽ có thể làm dược một phim truyện tốt. Hải Minh hào hứng nói với những người có mặt trong buổi lễ.
Tình thế lúc ấy đã buộc tôi phải nói điều tôi không định nói. Tôi kể về En và về cuốn băng ghi âm nàng gửi lại tôi. Mọi người lặng đi. Có tiếng khóc rấm rứt. Tôi xin phép mọi người được đặt cuốn băng lên bàn thờ, xin được chi họ coi đó là một thứ đồ thờ trong tháp. Trong không khí trang nghiêm, tĩnh lặng, tôi lại thắp lên 3 nén nhang và đặt vào tháp quả chuông cùng chiếc mõ nhỏ, linh hồn của En mấy chục năm nay.
Tôi cũng xin phép các cô các chú trong chi họ, cho cậu con trai tôi, một kiến trúc sư, vừa từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra, được dâng lên tháp một lễ vật mà đến lúc này chưa ai biết là gì kể cả tôi. Chỉ đến khi chiếc hộp gỗ sơn son thếp vàng theo hòm sớ ngày xưa được mở ra, mọi người mới ồ lên ngạc nhiên. Đó là bức trướng gấm hồng điều thêu những dòng chữ vàng quốc ngữ, thanh thoát trang trọng như một bức thư pháp cổ. Con trai tôi giơ bức trướng lên cao. Bất giác mọi người đồng thanh nhẩm đọc:
“…Đó là những sai lầm nghiêm trọng, trái với một số điều đã ghi trong Luật Cải cách ruộng đất mà Quốc hội đã thông qua, trái với chế độ pháp trị dân chủ của Nhà nước, với chính sách của Mặt trận Tổ Quốc.
Những sai lầm đó không những đã hạn chế những thành tích đã thu được, mà còn gây cho ta nhiều khó khăn và những hậu quả không tốt…”
(Trích Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về c6ng tác cải cách ruộng đất đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong buổi họp đêm 18 tháng 1 năm 1957).
- Đúng là hậu sinh khả úy! Sao các cháu biết được điều này.
Tiếng ai đó hỏi con trai tôi.
- Dạ chúng cháu đọc được trong sách báo và trên mạng ạ!
- Oi gía ngày đó, lớp gia cánh ta biết được điều này nhỉ.
- Ngày xưa chưa biết thì bây giờ biết . Muộn còn hơn không!
Hôm ấy, trước đông đủ con cháu cụ Hàn Bằng, trước mặt lão Kền, anh ruột của En, trước hương hồn của người đã khuất, tôi trịnh trọng gióng lên năm tiếng chuông và bẩy tiếng mõ. Tiếng chuông lan xa đưa tâm hồn mọi người vào cõi xa xăm trong khi tiếng mõ lại kéo mọi người về với thực tại. Hiện tại và quá khứ, quá khứ và hiện tại cứ xoắn quyện lấy nhau. Chập chờn hư ảo. Rồi trong khói hương nghi ngút, tôi bật đoạn đầu của cuốn băng ghi âm. Lại tiếng chuông và tiếng mõ. Sau đó xen trong tiếng mõ gõ nhịp đều đều và tiếng chuông điểm nhịp là giọng cầu kinh của En, nghe như từ trên cao vọng xuống:
“A mô di đà phật! Đệ tử chúng con xin chí thành sám hối. Xưa kia gây nên bao ác nghiệp- Đều vì vô thuỷ tham, sân, si- Bởi thân, miệng ý phát sinh ra- Hết thảy từ nay xin sám hối…”
Bỗng dưng tôi thấy hiện về, sừng sững, lung linh, En của tôi, người con gái tuổi dậy thì, rực rỡ dịu dàng như đoá hoa tầm xuân mà cụ Khán Vĩnh trồng giậu trước nhà vào mùa xuân năm Mùi xa xôi ấy.
TP Hồ Chí Minh, Tết Đinh Hợi
NKĐ
No comments:
Post a Comment