Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 3

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

7.

Lần này thì tôi chưa vào Sài Gòn ngay. Là trưởng của một chi họ, tôi không thể vắng mặt trong những ngày quan trọng này. Tôi điện vào trong đó xin phép Tổng biên tập linh động cho phép tôi được ở ngoài này thêm một thời gian nữa. Tôi hứa sẽ đều đặn gửi bài vào toà soạn qua email. Rất may, tôi vừa sắm được chiếc máy vi tính xách tay. Tổng biên tập đồng ý. Thế là cái “văn phòng lưu động” nhỏ bé này đã giúp tôi đắc lực trong việc gửi bài vở và làm cầu nối cho tôi liên lạc được thường xuyên với toà soạn. Vì thế, tại ngoài quê, cứ chiều thứ hai hàng tuần, tôi “meo” bài vào Sài Gòn để toà soạn dàn trang, trình bày đưa nhà in và hai ba hôm sau ra cái sạp báo ở phố Thẫm đầu làng, tôi đã được đọc số báo có bài mình mới gửi vào mấy hôm trước. Cũng may, nhờ báo tôi là tờ báo “nguội” nên tôi mới được như thế, chứ với báo “nóng”, tin tức cần cập nhật thì chắc tôi cũng chẳng dám ở lại ngoài này lấy vài ngày. Nhờ thế mà tôi vừa yên tâm với công việc làm báo của mình, vừa chu đáo với công việc của chi họ.

Chiều hôm ấy, sau khi lễ tang, lễ hoả táng và lễ cầu siêu của En hoàn tất, một lần nữa, tôi thành kính nâng lên tay chiếc hũ sành da lươn đựng tro di hài của En, đồng thời cũng là đựng tình yêu và những kỷ niệm êm đềm của tuổi xuân của tôi, tạm biệt chùa Báo Thiên, tôi buồn bã trở về làng Phú Tùng của tôi.

Tôi kín đáo chuẩn bị bàn thờ riêng, trên đó có hương trầm nghi ngút, có bức ảnh En thời trẻ mà tôi còn lưu giữ được. Tôi cũng đặt lên đó chiếc máy caset cùng cuốn băng ghi âm của Én . Gióng lên hồi chuông và gõ lên tiếng mõ, tôi đưa cuốn băng vào máy bật lên và ngồi thiền. En hiện về qua giọng nói của tuổi 62 nhưng còn mang âm sắc của tuổi 18 năm nào. Chập chờn hư ảo. Lúc xa lúc gần. Tôi như sống lại tuổi thanh xuân tươi đẹp nhưng đầy cay đắng.

“Anh thân yêu! Lần đầu tiên, sau gần 50 năm em mới được gọi anh bằng cái tiếng bình thường nhưng rất thân thương này đấy.Trước đây nào em có được gọi thế. Anh còn nhớ không, ngày đầu em chỉ dám gọi anh bằng “cậu” thôi, mặc dù em biết anh không muốn thế! Sau đó mạnh bạo hơn em cũng chỉ được xưng “em với anh” có vài lần nữa, để rồi sau đó Đội về là cả hai chúng ta đều phải im lặng, riêng em chỉ dám gọi anh bằng ánh mắt nhìn. Tệ hơn nữa, chắc anh không ngờ đâu, có lần em phải gọi anh bằng “thằng”, khi vắng mặt anh, đấy là khi lão Kền và lão đội Khoảnh, bắt em phải như thế. Em đau đớn lắm nhưng may cho em là ngày ấy anh hiểu em, hiểu cái nguyên nhân buộc em phải làm như thế.

Anh thân yêu! Cái hôm anh bỗng dưng tìm đến chùa Báo Thiên gặp ni sư Diệu Hằng rồi anh trốn chạy em ấy, em tuy rất buồn nhưng rồi em lại thấy đó là niềm vui, vì đó lại chính là thời điểm tạo nên bước ngoặt của đời em, thời điểm của một tội đồ được thanh tản thú tội, thời điểm của một con người từ trong bóng tối được bước ra ánh sáng.

Nói thật thật với anh, hôm đó, bằng linh cảm, ngay từ lúc còn đứng ngoài xa, em đã nhận ra anh. Giấu làm sao được khuôn mặt và hai con mắt ấy. Em biết anh cũng đã nhận ra em ngay từ lúc ấy, nhưng rồi cả anh, cả em, chúng ta không ai dám nhìn thẳng vào mặt nhau. Em thì vì sợ còn anh thì vì giận. Anh ơi, em đoán là cho đến lúc này, anh vẫn chưa thể hiểu ra được vì sao em lại ra thế này anh nhỉ, vì sao từ đứa con gái quê mùa, nghèo khó, có cái tên dân dã như củ khoai hạt thóc Bùi Thị Én lại thành ni sư với cái tên Diệu Hằng sang trọng và bí ẩn. Rồi từ từ anh sẽ hiểu, nhất là với cuốn băng anh đang có trong tay này.

Anh ạ! Em bị bệnh ung thư đang ở giai đoạn cuối. Bác sĩ dự đoán em có sống lâu cũng chỉ hai năm nữa. Em đã định mang toàn bộ những bí mật của đời em xuống tuyền đài nhưng rồi em đã không làm được việc ấy, kể từ hôm em gặp lại anh. Bởi nếu em cứ tiếp tục giấu anh thì sẽ làm thương tổn đến anh, sẽ làm anh tiếp tục bị mất thăng bằng trong cuộc sống. Vì thế em quyết định bật mí với anh. Em sẽ kể với anh tất cả. Vui buồn, hỉ nộ ái ố. Chiếc máy ghi âm và cuộn băng sẽ giúp em thực hiện ý nguyện của em và chắc chắn đó là những lời trung thực nhất. Em cần phải tranh cướp thời gian để trò chuyện với anh, vì em biết từ nay đến khi em không còn có thể cất lên giọng nói được nữa thời gian không còn nhiều , vì em bị ung thư vòm họng đang ở giai đoạn cuối mà anh. Với cuốn băng ghi âm này, em sẽ trò chuyện với anh mỗi đêm, khi lòng em lắng xuống. Hiện diện cùng em trong những lúc như thế này là gương mặt hiền từ của đức phật từ bi, người đang ngự trên toà sen. Em chỉ mong anh sau này mỗi lần nghe lại tiếng nói của em, anh hãy im lặng như đang ngồi thiền. Chỉ có thế anh mới hiểu em hơn.

Anh thân yêu, em không dám đòi hỏi ở anh gì nhiều đâu. Em chỉ mong mỗi lần đến với em, anh hãy thanh thản thắp nhang lên, ba nén thôi anh nhé rồi trong khói hương nghi ngút như có sự chứng giám của lòng em, anh gióng lên năm tiếng chuông và gõ lên bẩy tiếng mõ. Khói nhang sẽ đánh thức tâm linh. Tiếng chuông sẽ đưa anh về với cõi xa xăm vì ở đó có em để em được gặp anh. Tiếng mõ sẽ đưa anh về với thực tại để anh làm tiếp những công việc còn đang dang dở trên cõi đời này. Cứ như thế anh nhé! Em chào anh!

8.

Mất cả một buổi tối nghe anh em cháu chắt bàn bạc cãi nhau ỏm tỏi, với tư cách trưởng chi họ, tôi đưa ra quyết định cuối cùng: Chỉ xây tháp lưu niệm , chứ không xây từ đường, bái đường…vì không có đắt, vì đơn gỉản mảnh dất hiện có, chỉ được 6 mét vuông, vừa đủ xây một cái tháp thờ với mảnh sân nhỏ bằng cái chiếu làm chỗ đứng thắp nhang.

Đám con cháu được huy động về xây tháp khá đông, xa nhất thì ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gần nhất tất nhiên là ở tại làng. Toàn bộ kinh phí xây dựng khoảng 3 cây vàng, do cô Quỳ, em con chú Bẩy tôi (ông nội tôi, cụ Hàn Bằng, có 7 người con trai, được gọi tên tục theo thứ tự: Cả, Hai, Ba…) hiện sống ở Canađa bao trọn gói. Vợ tôi, do nghỉ hưu rỗi rãi tình nguyện để nhà cửa lại ở Sài Gòn cho con cái trông nom, ra đây nấu ăn phục vụ công trình và quản lý chi tiêu. Tôi được chi họ cử làm tổng chỉ huy “công trình” .

Đến lúc này, đành phải nói thật, việc bày vẽ lôi thôi này không phải là ý muốn của chúng tôi. Con đâu cha mẹ đấy, lập bàn thờ ông bà cha mẹ ở nơi khác, thậm chí ở nước ngoài thì cũng đã sao. Ai dám nghĩ thế là bất hiếu. Khốn nỗi, ai sống ở nông thôn miền Bắc mấy năm qua hẳn rõ đấy. Chả biết từ đâu mà cứ như một cơn lên đồng tập thể, khắp chốn khắp nơi, người người đua nhau xây cất, tôn tạo hết từ đường này đến lăng mộ nọ. Lúc đầu còn lẻ tẻ sau thành phong trào. Mà đã là phong trào thì không lực nào ngăn cản nổi. Giá bảo phú quý sinh lễ nghĩa đã đành, đằng này nhiều người còn phải ăn đói nhịn khát vậy mà ngày giỗ chạp cỗ bàn cũng cứ phải linh đình. Nhiều người còn phải chui rúc trong căn nhà xập xệ nhưng phần mộ của người khuất, dứt khoát cứ phải đường hoàng, có mái che, rồng chầu hổ phục. Đốt vàng đốt mã cũng thế.Trần sao âm vậy. Nhưng âm nhất định phải oai hơn trần. Ngày xưa còn sống các cụ chẳng biết đi xe đạp và cũng chẳng có xe đạp mà đi, thì nay con cháu phải “xoá đói giảm nghèo” cho các cụ. Phải xe hơi đời mới . Quần áo phải sang trọng, tân thời. Còn tiền tiêu cũng thế, cứ phải là đô la, đô la, nếu không kém người ta, không chịu được. Thành ra bây giờ nhiều nơi song song tồn tại hai đô thị, người chết và người sống, mà đô thị người chết bao giờ cũng rực rỡ sắc màu hơn.

Gia đình, dòng họ chúng tôi, làm sao thoát ra ngoài quỹ đạo đó được. Có mà biệt xứ, cả đời đừng vác mặt về làng. Chả có vậy mà thời kỳ đầu, công việc chậm hơn người, nghĩa là khi thấy bãi tha ma trên cánh đồng chỗ nào cũng rực rỡ xanh xanh đỏ đỏ, đám mộ họ tôi vẫn xám xịt “xè xè nấm đất bên đường”, dân làng đã nhiều người, hoặc bóng gió, hoặc chửi thẳng vào mặt chúng tôi là đồ mất gốc, là loại người bắn súng vào quá khứ . Vân vân…Nghe rợn cả người. Miệng dân sóng bể. Không thể thanh minh giải thích hết được. Thế là chúng tôi đành phải hè nhau sửa chữa bổ sung cái sự chậm trễ đó. Đó là lý do vì sao bao nhiêu năm nay xa quê, ly tán mỗi người một nơi, nay chúng tôi lại về làng tề tựu với nhau.

Như trên đã nói, cái khó của chúng tôi lúc này không phải là kinh phí, mà là… mặt bằng. Vì chúng tôi muốn xây nơi thờ cúng tổ tiên trên mảnh đất của tổ tiên của chúng tôi.

Bài toán này thật hóc búa, vì đất đai nhà cửa của gia đình chúng tôi trước đây vào những năm 55, 56 của thế kỷ trước đã bị các ông Đội cải cách ruộng đất tịch thu sạch sành sanh rồi.

Ngày ấy Đội sau khi tịch thu toàn bộ tài sản, chỉ dành lại cho gia đình tôi vẻn vẹn một cái bếp, bốn bề đen nhẻm bồ hóng ba bốn đời tích tụ thành keo, kín min mít như cái lô cốt để làn nơi chui ra chui vào của mẹ con tôi. Phần nhà và đất còn lại gồm hai căn nhà gỗ lim lớp ngói mỗi cái bẩy gian và 5 sào chè đội chia cho gia đình lão Kền và hai gia đình nông dân khác.

Để có thể sống được trong cái lô cốt này, anh em tôi đã phải nai lưnglấy mảnh chai mảnh sành khăn ướt khăn ráo ra cạo ra chùi nhưng cũng chẳng ăn thua, vẫn cứ lem nhem, tởm lợm. Sau này mẹ tôi cho đập đi lấy gạch xây lại được căn nhà nhỏ hơn và để chừa ra được một khoảng sân chỉ rộng hơn cái chiếu một ít.

Cách đây mấy năm, sau khi mẹ tôi chết thì căn nhà nhỏ này giao lại cho cô Ngân, em gái mà lúc này là út, trông nom, thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Cô em gái tôi thuộc loại lỡ lứa. Nhưng không phải do xấu xí hoặc dốt nát. Mà là vì nhiều năm sau biến cố khủng khiếp ấy, không ai dám bén mảng đến gia đình tôi để thương yêu cô ấy cả, họ sợ liên quan, họ sợ con cháu ba đời sau nhà họ không ngóc đầu nổi, không thể làm được cán bộ, chứ đừng nói làm ông nọ bà kia, vì lý lịch của vợ nó, mẹ nó, bà nó. Mãi gần đây, khi ngọn gió đổi mới về đến quê tôi thì số phận cô em tôi mới có chút thay đổi. Nhưng con đường chồng con thì vẫn cứ bế tắc vì tuổi đã lớn, đã có tóc bạc trên đầu. Theo bước anh em chúng tôi, Ngân cũng thoát ly khỏi làng. Nhưng cô không làm gì được hơn là cái nghề giúp việc nhà. Thế là căn nhà của mẹ tôi để lại đành phải khoá cửa bỏ không. Dù vậy, cô em gái tôi chỉ đồng ý nhường lại cho chi họ mảnh sân trước cửa để xây cái tháp lưu niệm. Tôi có đề nghị chi họ cho xây tháp hoặc từ đường ở chỗ khác nhưng mọi người không chịu, cứ cho rằng đã gọi là lưu niệm thì phải đặt ở chỗ có in dấu nhiều kỷ niệm chứ đặt ở chỗ khác thì còn có ý nghĩa gì nữa. Thế là chúng tôi đành phải chấp nhận phương án cuối cùng này. Rồi mọi người cũng phân công nhau đi xem thầy, xem bà định ngày tốt, giờ tốt tiến hành khởi công.

Và cái ngày giờ ấy đã đến. Sáng hôm ấy anh em, vợ chồng, cháu chắt trong chi họ đều có mặt rất sớm và đông đủ. Cúng kiếng xong, trong khi, tôi với tư cách cháu đích tôn của chi họ vừa được “bổ nhát cuốc đầu tiên” mở đầu công trình trong tiếng vỗ tay hoan hỉ của đám cháu trai và tiếng khóc nức nở ‘ông ơi” “thầy ơi” “bác ơi” của đám đàn bà con gái thì bất thình lình từ ngoài ngõ vang lên tiếng hét rất to: “Dừng lại! Không được phép làm nữa!”

Quy nhìn ra thì thấy bốn năm đứa thanh niên choai choai, cầm gậy gộc, cuốc xẻng, sát khí đằng đăng, như chỉ chờ chúng tôi bước ra là chém, là đập. Đứng trong sân tôi nghiêm giọng hỏi: “Các anh muốn gì”. Một gã trong đám, tuổi không còn trẻ nữa, mắt trắng môi thâm da xanh mét, sau tôi mới biết đó là thằng Cò, con trai lão Kền, nhà kế bên, đáp:

- Muốn các ông không được phép xây bên cạnh nhà tôi chỗ thờ cúng lão Cả Lân, kẻ ngày trước hồi Cải cách ruộng đất đã bị ta xử tử!

Tôi đang định đứng ra nói chuyện phải trái với thằng Chí Phèo hiện đại này nhưng bị nhiều người gàn, bảo đàn cầm gảy tai trâu, nó biết gì, nói chỉ tốn nước bọt. Tôi đành thôi nhưng trong bụng rất ấm ức. Vừa lúc đó, có tiếng xe hon da và ông Hoạch, phó chủ tịch phụ trách công an xã mặt đỏ gay, hồng hộc chạy vào. Bọn thằng Cò thấy thế lủi mất. Chúng tôi xúm lại bên ông Hoạch. Người tức tối chửi thề. Người xanh mặt sợ hãi. Ông Hoạch cho biết, xã cử ông đến đây vì vừa nhận được đơn tố giác của Bùi Văn Kền và của một số người ký tên chung vào lá đơn. Những người này họ đề nghị xã can thiệp không cho chi họ chúng tôi được xây tháp lưu niệm mà họ cho là không thể để cho bọn địa chủ đã bị cách mạng và nông dân đạp xuống “bùn đen vạn kiếp” nay được ngóc đầu dậy sánh vai đi lên cùng với dân làng.

Tôi mời ông Hoạch vào nhà, trình giấy phép xây dựng cho ông xem, kèm theo cuôn sổ đỏ công nhận quyền sở hữu mảnh đất của cô em gái tôi. Ông Hoạch xem xong lắc đầu quầy quậy:

- Làm việc ở nông thôn khó thế. Chẳng có luật lệ gì cả. Các ông hãy đi hỏi lại xã và huyện xem sao.

Trước khi lên xã lên huyện, tôi có hỏi thăm một số bà con chung quanh. Hoá ra lão Kền phá hoắng. Mấy năm nay lão bị xuất huyết não rồi bị bán thân bất toại nằm một đống ở nhà, cơm chẳng có mà ăn, áo chẳng có mà mặc nên luôn nghĩ cách làm tiền bằng cách chuyên “chỉ đạo” cho thằng con trời thần chọc phá hết chỗ này đến chỗ khác, buộc đương sự muốn yên ổn làm ăn sinh sống thì phải cho hắn tiền, có thế hắn mới chịu thôi.

Nghe tôi kể lại, anh em tôi có người định dúi cho hắn một ít tiền để hắn im cái miệng đi. Tôi và nhiều người không chịu. Làm thế hoá ra mình thua hắn, rồi được đằng chân lân đằng đầu, hắn lại tiếp tục làm tình làm tội mình hơn.

Tại Uy ban huyện, Nguyễn Tiến Lộc, chủ tịch huyện, vốn quen biết tôi khi tôi còn làm báo ở quê, nghe tôi kể phá lên cười ha hả:

- Người ta không hiểu thì nhàbáo phải giúp đỡ người ta chứ!

Rồi ông đi cùng tôi về làng, đến tận hiện trường. Ông Chủ tịch cho gọi thằng Cò con lão Kền sang nghiêm giọng hỏi: “ Các anh biết gì về cuộc Cải cách ruộng đất ngày xưa mà định dính vào. Đây là chuyện lớn lao của dân tộc, của lịch sử. Khôngphải cứ cho xây dựng cái tháp kỷ niệm, cái nhà thờ dòng họ làcó thể cho phục hồi cả một giai cấp đã bị đánh đổ hay sao! Các anh đừng có làm tiền mà lại mỹ miều nói là làm cách mạng giai
cấp, hiểu chưa!”

Cò im thin thít, lủi thủi ra về.

|

No comments: