Monday, November 9, 2009

XVII. NGÀY VỀ QUANG VINH


Trước của hội trường, cờ đỏ, cờ xanh, cờ vàng cấm chật ních như là một ngày lễ hội. Trong hội trường tỉnh, quạt máy chạy vù vù. Hội trường tưong đối rộng , có khoảng hơn 100 ghế được bày biện ngay ngắn, lịch sự. Trên tường, trước mặt hội trường là ảnh Hồ Chủ tịch với hàng khẩu hiệu: "Bác Hồ sống Mãi Trong Sự Nghiệp của Chúng Ta ", "Quyết Tâm Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Văn Minh và Giàu Mạnh ".




Khách tham dự gồm có ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng nhân dân tỉnh, đảng ủy cấp tỉnh, công an tỉnh, tỉnh đội và các cán bộ tỉnh và huyện. Dân chúng đứng hàng trong hàng ngoài có đến vài trăm, trong đó có học sinh các trường, kể cả học sinh lớp Măng non đã đưọc huy động từ 6 giờ sáng.Các em Măng Non đeo khăn quàng đỏ, mồ hôi nhễ nhại, các cô giáo ốm o gầy gò luôn luôn che miệng ngáp.




Khoảng mười giờ các cán bộ đến rải rác. Đến mười một giờ hơn, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân đến, rồi đồng chí tỉnh ủy đến. Cán bộ càng cao thì đến càng trễ. Trong hội trường cũng như ngoài sân, công an đứng đầy, lăng xăng chạy qua chạy lại ra vẻ bận rộn và tích cực. Ngoài cổng, hai hàng bộ đội bồng súng chào rât trang trọng uy nghi như là để đón tiếp chủ tịch Hồ Chí Minh đội mồ trở về thăm tỉnh.




Ngồi trong hội trường, bên trái là đồng chí bí thư tỉnh ủy và bên phải là đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, Thìn cảm thấy mình vô cùng vinh hạnh. Hình như cái đinh hôm nay là Thìn. Dường như cả mấy trăm, mấy ngàn cặp mắt đều đổ dồn vào chàng, người Việt kiều yêu nước của tỉnh. Chàng trở thành nhân vật số một của cấp lãnh đạo tỉnh và của nhân dân tỉnh bởi vì trong mấy năm vượt biên rồi sống ở Đan Mach, chàng nay đã trở thành triệu phú. Chàng được tòa đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch tôn làm thượng khách, thường mời chàng đến đãi tiệc và trân trọng mời chàng về đầu tư. Trung ương Hà Nội và Uỷ ban Nhân dân tỉnh đều gửi thư mời chàng trở về đóng góp tài năng vào công cuộc dựng xây chủ nghĩa xã hội. Khi chàng về đến Nội Bài, chủ tịch tỉnh và bí thư tỉnh ủy cùng một lúc đưa xe con ra đón chàng và đưa chàng về tận nhà. Họ còn để xe lại cho chàng sử dụng. Họ ân cần hết sức khiến cho chàng cảm động. Ngày hôm nay là ngày lễ cách mạng tháng tám, mấy năm nay vì khó khăn kinh tế, người ta bỏ quên không tổ chức, nay chàng về, người ta tổ chức mừng chàng y cẩm hồi hương và kỷ niệm cách mạng tháng tám luôn thể. Sau phần nghi lễ chào cờ, suy tôn Hồ chủ tịch, mặc niệm chiến sĩ trận vong, viên tỉnh ủy lên đọc diễn văn, ca tụng cách mạng tháng tám và ca tụng công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng thời kêu gọi đồng bào trong nước và hải ngoại tích cực đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Tiếp tục, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân lên giời thiệu chàng là một Việt kiều yêu nước, đã tích cực hoạt động ở nước ngoài, được tòa đại sứ Việt Nam tại Đan Mach khen ngợi, và đuợc đảng ủy cấp tỉnh và hội đồng nhân dân tỉnh cấp phát văn bằng Việt kiều yêu nước hạng danh dự. Thìn cảm động hết sức, nước mắt chảy hai hàng, nghẹn ngào không nói nên lời, tay run run khi lên nhận bằng danh dự do chính tay chủ tịch tỉnh ban phát. Từ tổ tiên chàng đến cha ông, không ai được vinh dự chánh tổng đến nhà, và mời ăn uống.




"Con hơn cha là nhà có phúc". Nay thì chàng không những được huyện, mà còn tỉnh và trung ương đến thăm tận nhà, xưng hô ngọt ngào, lịch sự, mời dự tiệc khắp nơi với đủ các món sơn hào hải vị mà ngay khi ở nước ngoài chàng cũng không hề nếm qua dù chàng đã trở thành triệu phú. Chàng thấy sống ở Việt Nam là thần tiên, như là bay bổng trên chín tầng mây. Còn ở nước ngoài, dù chàng là triệu phú hay tỉ phú cũng chẳng ai biết, ai quan tâm. Tiến sĩ, kỹ sư, tỷ phú, anh thợ hồ, anh thợ mộc, anh hầu bàn đều là những con kiến trong một xã hội đông đúc và xa lạ, chẳng ai biết ai. Nay về Việt Nam, chàng đi đâu cũng được trẻ con cho đến lãnh đạo cao cấp, ai cũng trầm trồ, khen ngơị, ca tụng và chào đón rât nồng hậu!




Chàng là người lanh lợi và có số hên. Bố mẹ chàng là nông dân nghèo tại Nam Định. Nhà nghèo không áo che thân và không đủ ăn hai bữa, chàng phải ăn cắp, ăn trộm vặt để mưu sinh. Chàng bị công an tỉnh bắt đánh nhừ tử, nhốt vài ngày lại thả ra vì không có chỗ chứa và không có lương thực cho chàng. Bị công an theo dõi, hết đất làm ăn, chàng theo đám trẻ sống bụi đời, lên Hà Nội sinh sống. Chàng cũng làm nghề cũ, cộng thêm nghề xếp hàng mua gạo tổ. Giờ tan sở, các con đường Hà Nội đều nghẽn lối đi,người ta phải chờ đợi hàng giờ mới về đến nhà, nhưng với tài uốn lách của chàng, chỉ mười lăm phút hay nửa giờ là qua cầu Long Biên cái rụp. Cuối cùng chàng đã xung phong đi bộ đội lúc 16 tuổi để có cái mà sống. Trong bao nhiêu năm đi bộ đội, chàng cũng đã có cơm ăn dù không no, và áo mặc dù là chỉ hai bộ trong người. Vì trẻ cho nên chàng phải làm mọi việc lặt vặt trong quân đội, từ cấp dưỡng cho đến chiến đấu tại mặt trận. Tại đây chàng đã ăn bớt gạo, ăn cắp đường sữa bán ra ngoài lấy tiền tiêu xài. Chàng bị bọn chỉ huy ghét bỏ thường bắt giam chàng vì cái tội tham ô và hủ hóa. Họ phê trong hồ sơ chàng là vô sản lưu manh. Đơn vị chàng đồn trú tại Mông Cáy. Lúc bấy giờ Việt Nam và Trung quốc có xung đột, đảng và nhà nước đuổi Hoa kiều về nuớc. Chàng nghe nói các nước tư bản rất giàu, sang được bên đó dù đi làm cu ly vẫn no ấm chứ không như ở xã hội chủ nghĩa, lao động vinh quang suốt ngày nhưng bao tử vẫn lép kẹp. Chàng nghe thiên hạ làm giấy giả theo nạn kiều chạy sang Trung quốc. Chàng bèn lẩn vào trong đám nạn kiều và sang Trung quốc ngon lành. Một số Hoa kiều và người Việt xin ở lại Trung quốc, đuợc cho vào các nông trại . Một số xin đi sang các nước tư bản. Chàng cũng theo họ xin đi đến một quốc gia trung lập và Đan Mạch đã nhận chàng.




Sang đây, chàng gặp một thiếu nữ người Việt, con gái của một gia đình Việt Nam, nhờ làm giấy giả mạo Hoa kiều nên sang được Hồng Kông. Ở đây ít lâu, gia đình nàng đuọc Đan Mạch nhận cho cư ngụ. Hai vợ chồng sống hạnh phúc. Hai vợ chồng xin làm công nhân xưởng dệt, lương bổng cũng tương đối khá. Một hôm hai vợ chồng vào một tiệm phở người Việt, thấy khách hàng vào ra tấp nập. Hai vợ chồng bàn nhau đem số tiền dành dụm được để mở tiệm phở vì nhà nàng trước kia ở Việt Nam cũng đã mở tiệm phở. Công việc làm ăn ngày càng khấm khá. Hai vợ chồng mở thêm nhiều chi nhánh. Ngoài bán phở, hai vợ chồng anh còn làm bánh giò, chả lụa, chả quế,bánh bao. Nhưng trong các món, chả giò và phở là được người Vịệt và người ngoại quốc yêu thích nhất. Anh phải thuê hàng chục người vừa Việt nam vừa Đan Mạch làm phụ. Trong vài năm, anh trở thành triệu phú. Anh đã gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà cửa. Ngôi nhà tranh rách nát năm xưa nay thành ngôi biệt thự rất khang trang. Anh cũng đã giúp các anh chị em mỗi người một số tiền làm vốn. Và lúc này, bên nhà, chính sách mở cửa đã bắt đầu, cán bộ toà đại sứ Việt Nam đã cho người bắt liên lạc với anh, mời anh về đầu tư. Họ cho người vận động riêng với vợ anh, và cha mẹ vợ của anh nữa. Họ đưa ra bao hứa hẹn . Anh ban đầu không thích trở về Việt Nam làm ăn vì anh đã chán một nước Việt Nam nghèo khổ và đầy rẫy cường hào ác bá mà anh đã từng là nạn nhân. Nhưng vì vợ anh, và bố mẹ vợ thúc dục, cộng thêm anh em, cha mẹ bên nhà tuân theo chỉ thị của đảng, đã liên tiếp gửi thư thúc dục anh sớm về đầu tư kẻo lỡ dịp. Khi về, chính anh cũng bị chinh phục vì thái độ thưong yêu, nồng nhiệt và cởi mở của các cán bộ huyện tỉnh đối với khúc ruột thừa xa ngàn dặm quê hương!




Sau khi tham khảo ý kiến bạn bè, anh em, cha mẹ trong gia đình, cùng nghiên cứu thị trường với sự tham gia chỉ đạo của các cán bộ cao cấp của tỉnh, anh quyết định mua một miếng đất rộng lớn của tỉnh xây một nhà khách bốn tầng lầu, gồm 50 phòng với phí tổn sáu trăm ngàn mỹ kim. Anh cũng mua đất xây một cửa hàng ăn rộng rãi, có thể chưá 500 người một lúc, với phí tổn ba trăm ngàn mỹ kim. So với bên Đan Mạch, mọi thứ đều rẻ. Anh hy vọng năm du lịch Việt kiều và người ngoại quốc sẽ đổ về không chỗ ở và nhà khách của anh sẽ thu hút mọi người vì đó là một nhà khách tối tân nhất tỉnh Nam Định. Anh cũng hy vọng cửa hàng ăn của anh có thể là nơi tổ chức tiệc tùng cưới gả, hay nơi ăn uống của Việt kiều và ngoại quốc khi về Nam Định du lịch.




Vì Việt kiều không được phép kinh doanh hay mua nhà đất, cho nên anh nhờ anh Hai đứng tên mua và xây nhà khách, còn cửa hàng ăn thì nhờ anh Ba đứng tên hộ. Còn vợ chồng cô em gái thì anh giao đứng tên và trông coi cửa hàng kim khí điện máy. Theo luật nhà nước, muốn kinh doanh, các hộ phải có tiền mặt bỏ vào ngân hàng ít nhất là 50 ngàn mỹ kim. Ba cơ sở trên, anh đã bỏ tất cả gần triệu rưỡi mỹ kim chưa kể tiền biếu xén và ngoại giao trà nước. Anh thấy mình quả vĩ đại không thua gì Hồ chủ tịch vì anh đã xây những cơ sở vật chất to đẹp, tối tân cho tỉnh. Anh đã đem lại công ăn việc làm cho bà con, cho nhân dân. Dĩ nhiên bà con anh đã được thu nhận vào làm việc tại các cơ sở của anh. Ngoài ra những người của công an, ủy ban, tỉnh ủy cũng đưọc thâu nhận vào làm việc. Anh thấy anh là người nhân hậu, quảng đại vì anh đã thu nhận tất cả mọi người, bà con cũng như không bà con, nhất là những người do chính quyền giới thiệu. Anh cũng thấy anh là người có tài xã giao rộng rãi, luôn luôn làm vui lòng bà con cũng như chính quyền. Anh là niềm kiêu hãnh cho bố mẹ, anh em và họ hàng, làng xóm. Anh rất là vui vẻ vì anh thấy anh là một vị anh hùng , ít nhất là anh hùng của tỉnh vì trong tỉnh không ai giàu bằng anh và yêu nước bằng anh!




Anh đi về Đan Mạch thăm vợ con rồi trở lại Việt Nam. Đây là lần thứ ba anh trở lại thành Nam. Anh được Ban Việt Kiều trung ương mời lên Hà Nội tham dự một cuộc họp đại biểu Việt Kiều yêu nước. Anh cảm thấy vô cùng vinh dự. Tiếng tăm của anh không những vang lừng khắp tỉnh Nam mà con vang dội đến thủ đô, và có lẽ sẽ vang lừng khắp nuớc và khắp hoàn cầu. Anh nghĩ người ta cưng chiều anh cũng là phải, vì anh là người đầu tiên trở về đầu tư, họ phải kính trọng anh để lôi cuốn các Việt kiều ở Anh, Pháp, Mỹ.




Ở Hà Nội, sinh hoạt với các cán bộ trung ương độ nửa tháng, mọi chi phí đều do trung ương đài thọ. Anh được đi xem lăng Hồ chủ tịch và đi du lịch nhiều nơi như hang Pac Bó là cái nôi của cách mạng,và bải biển Đồ sơn là nơi nghỉ mát của các lãnh đạo trung ương.




Khi anh ở Hà Nội về, mọi công việc kinh doanh đã tiến hành tốt đẹp. Nhà khách, nhà ăn đều có khách ra vào, tuy chưa đông đảo như ý muốn nhưng buồi sơ khởi thế là tốt lắm rồi.




Một buổi trưa, anh ngồi làm việc tại văn phòng nhà khách thì một cô nhân viên bước vào phòng. Sau câu chào hỏi, cô ta ngồi vào lòng của anh, rồi bạt tai anh một cái như trời giáng. Anh xô cô ta ra, cô xõa tóc, tuột áo ra làm mất cả hàng nút áo, rồi kêu la ầm ĩ rằng anh ta hãm hiếp cô ta. Ngay tiếng kêu đầu tiên của cô ta, các nhân viên nhà khách và công an ập vào, làm biên bản, chụp hình. Mọi người đều nhất trí kết tội anh ta hãm hiếp công nhân nhà khách và họ tuyên bố sẵn sàng ra tòa làm chứng vụ này.Công an bắt anh lên trụ sở làm việc, rồi tống giam. Trong lúc đó, mọi người trong gia đình của anh được gọi lên công an kinh tế làm việc. Ba anh chị em của anh đều được mời lên trụ sở công an một lúc nhưng lại được ngồi ở ba văn phòng khác nhau do những công an gộc của tỉnh thẩm tra.




Khi vợ chồng anh Hai của anh bước vào, họ nghiêm nghị chỉ ghế cho anh chị của anh ngồi xuống. Họ ôn tồn nói:




- Vì gia đình anh chị thuộc diện kinh doanh cao cấp cho nên chúng tôi mời anh chị đến để bổ túc hồ sơ theo luật định. Xin anh chị thành thực trả lời để chúng tôi làm việc. Xin anh chị cho biết tên họ, dịa chỉ, số chứng minh nhân dân.




Anh thành thực trình bày, và những lời khai của anh được một ủy viên thư ký ghi chép đầy đủ.

-Xin anh cho biết xây nhà khách hết bao nhiêu ? Và tiền ở đâu mà anh có?
-Thưa cán bộ, tiền đó là do người em tên Thìn đem về để xây cất nhà khách. Phí tổn mua đất, xây nhà, và đồ trang trí nội thất hết 800 ngàn dô la Mỹ.
-Anh chị xây nhà khách, vậy có giấy phép không?
-Chúng tôi chưa xin được giấy phép nhưng tỉnh uỷ đã khuyến khích chúng tôi cứ xây, giấy phép sẽ về sau.

Viên công an đổi sắc mặt quát tháo:
-Láo! Làm nhà phải có giấy phép, không có giấy phép sao tự ý xây cất? Anh lại còn vu khống cho tỉnh ủy à?


Cuối cùng vợ chồng người anh Hai phải ký nhận vào lời khai rồi ra về trong nước mắt. Hoàn cảnh vợ chồng anh Ba và cô Út cũng không khác gì hơn. Có lẽ họ khá hơn vợ chồng anh Hai vì vợ chồng anh Hai đã rơi vào lão Ba Búa là tay hùm xám Nam Định. Còn họ đuợc viên công an già ngọt ngào thuyết phục, phải thành thực khai báo thì đuợc trọng thưởng, nhà nước rất tôn trọng Việt kiều yêu nước, và gia đình Việt kiều. Nếu kê khai rõ ràng thì sẽ đươc vĩnh viễn làm chủ mọi thứ đã được đúng tên. Những người này trước sau đều thành thực khai rằng tiền của đầu tư, mua đất, xây nhà, mua sắm máy móc là của người em là Lê Văn Thìn, Việt kiều yêu nước ở Đan Mạch về. Họ khai xong ký tên vào biên bản và ra về trong lo âu, thắc mắc, không hiểu tại sao. Cả bố mẹ Thìn cũng đưọc kêu lên làm việc. Họ hỏi:

-Tiền đâu cụ làm nhà?
-Dạ thưa cán bộ, tiền tôi làm nhà là do con tôi tên Thìn mang về.
-Khi mang tiền vào Việt Nam , anh Thìn có xin giấy phép không? Có khai báo cho tỉnh hay huyện biết không ?
-Thua cán bộ, việc đó thì tôi không đuợc rõ.

Người ta đưa bút cho hai cụ ký và cho hai cụ ra về trong cay đắng nghẹn ngào.


Tòa án tỉnh tuyên cáo anh phạm nhiều tội nhưng những tội chính là:
-Thứ nhất: chuyển tiền vào Việt nam bất hợp pháp ( không kê khai và xin phép.)

Thứ nhì: Đầu tư bất hợp pháp ( Chính phủ chưa cho anh đầu tư mà anh đã đầu tư gian lận bằng cách cho anh chị em đứng tên, đó là một hình thức gian lận, phá hoại kinh tế Xã hội chủ nghĩa. Điều này luật đầu tư đã nói rõ).

Thứ ba: Mua nhà bất hợp pháp ( chính phủ chưa cho mua nhà mà đã mua nhà, cho anh chị em đứng tên, đó là một hình thức gian lận, luật nhà đất cũng đã nói đến việc này).

Thứ tư: chiếm đất công, xây cất bất hợp pháp.
Thứ năm: trốn thuế.
Thứ sáu: cưỡng hiếp nữ công nhân.


Họ tuyên án anh hai muơi năm tù , phạt vạ hai triệu mỹ kim, tịch thu tất cả cửa hàng và tài sản do anh xây dựng, ngay cả ngôi nhà của cha mẹ anh . Còn các anh chị em vì thành thực khai báo nên mỗi người chỉ bị tù sáu tháng.


Một sáng, người ta thông báo Thìn đã tự tử . Một số bảo rằng anh uất ức mà tự tử. Một số lại xì xào bàn tán rằng Thìn đã bị người ta giết bịt miệng.

No comments: