Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 11

***

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

37

Tôi lê bước về nhà. Tất cả tối om, không một ánh đèn. Đúng là có chuyện rồi. Tôi hồi hộp mở bức mành mành. Có tiếng em tôi, cái Ngân thều thào trong góc tối:
- Bu … bị bắt, giải đi rồi!
Tôi ngồi thụp xuống nền nhà:
- Bu bị bắt thật à? Họ bắt vì cớ gì?
- Không biết. Chỉ biết lúc họ đưa guồng đến tát ao, bu không đồng ý, bu nằm lăn ra bờ ao ngăn cản, hai bên dằng co nhau, thế là họ trói bu lại, dẫn đi.
Cái ao này của nhà tôi gọi là ao Cả, chả biết vì sao nó có tên là thế, chắc vì nó to nhất trong đám ao của xóm này. Bố mẹ tôi chắt bóp tậu lại của ông binh Thoan từ khi tôi còn nhỏ xíu và cũng từ đấy ao chỉ có tha cá vào chứ không tát cạn bao giờ, thành ra cá trong ao to lắm, cà mè thì hơn cái quạt mo, cá trám đêm đến quẫy đẻ như trâu đầm. Bây giờ tát cạn làm hủy hoại cái mà sau này ta gọi là môi trường sinh thái, thử hỏi, mẹ tôi, một người gần suốt đời gắn bó với đồng ruộng làm sao không bức xúc được.
- Còn cái Thân.
Tôi tức giận hỏi lại em tôi, cứ như nó là người có lỗi.
- Họ bắt đi giam cùng với bu rồi!
- Sao không giữ nó ở lại.
- Nó theo bu quá, cứ khóc gào lên,em không biết làm sao được!
Tôi muốn phát điên lên. “Trời ơi, sao khổ thế này!” .Tôi đấm tay xuống bàn. Am chén nảy cẫng lên rung cành cạch. Cái Ngân sợ quá khóc thét.
Từ hôm đó trở đi, ngày nào anh em tôi cũng phải chia nhau mang cơm đến từ đường họ Đặng, nơi giam giữ mẹ tôi. Mỗi lần đến đấy lòng tôi lại như xát muối. Vì đó cũng là lúc người nhà của các phạm nhân khác mang cơm đến. Tiếng búa gõ lách cách mở cùm, tiếng loảng xoảng tháo xiềng, tháo xích…nghe ghê rợn như âm thanh phát ra từ chín tầng địa ngục. Mấy hôm nay lại có thêm tiếng khóc của trẻ con nữa, mới đau lòng chứ. Cũng từ đó, mỗi lần tôi xới cơm vào tấm khăn ứơt để nắm là một lần cái Ngân lại khóc. Vì nắm cơm dành cho mẹ tôi nó bé quá, chỉ to hơn quả trứng gà một chút. Thức ăn lại chả có gì ngoài gói muối trộn ớt. Kham khổ thế này, mẹ tôi và em út tôi yếu ớt như cái mầm giá kia sao chịu nổi. Hôm sau, nghĩ thương em quá, tôi đánh liều xin Đội Khoảnh cho nó được “tại ngoại”, còn mẹ tôi thì vẫn cứ cả ngày lẫn đêm hai chân đút cả vào cùm.
Nhưng rồi cái Thân, em út tôi, ra tù không được bao lâu lại bị chết một cách khổ sở. Cả đời tôi cứ ân hận mãi chuyện này. Giá tôi đừng thương nó, đừng “bảo lãnh” cho nó về thì đâu nên chuyện.
Chiều hôm đó, cũng như những buổi chiều khác, đội thiếu nhi xóm tôi lại diễu hành quanh các đường ngang ngõ tắt, vừa dánh trống ếch vừa hô vang các khẩu hiệu quen thuộc đến nhàm chán. Vẫn lại “Có khổ tố khổ, nông dân vùng lên!”. Vẫn lại: “Tố khổ nhiều, đấu tranh mạnh”. Tôi đang ngồi thái khoai để mai đem phơi thì nghe thấy tiếng hô và tiếng trống ếch đã đến sau nhà. Như mọi lần, tôi cũng chẳng để ý đến làm gì, vì đó là chuyện của người ta. Nhưng rồi có một việc khiến tôi không thể ngồi yên được, buộc tôi phải bí mật xuống chuồng bò nhòm qua lỗ tò vò để nhìn xem chuyện gì vừa xảy ra. Tôi thấy lúc ấy, đám thiếu nhi đang đi theo đội ngũ chỉnh tề, bỗng phá hàng chạy nháo chạy nhào, đứa tọt vào vườn nhà tôi, đứa tạt xuống bờ ao khoai ngứa. Cứ như dòng kiến lửa đang chuyển động bỗng bị chắn ngang. Có đứa ôm đầu khóc hu hu: “Nó ném gạch trúng đầu tôi rồi”. Lại có tiếng kêu: “Nó ném cả cứt bò nữa. Đúng là quân phản động phá hoại rồi”.Tôi chưa kịp trốn ra khỏi chuồng bò, đã thấy đám thiếu nhi ập vào nhà kín cả sân. Chẳng biết vì lý do gì mà ngay lúc đó lão Kền có mặt. Lão nhảy tọt vào chuồng bò lôi tôi ra, lấy dây thừng trói tôi lại rồi dong đến giam trong buồng nhà căn nhà rách nát của bà Tụ hiện bỏ không sau khi gia đình bà được Đội Khoảnh cho dọn sang ở nhà chú Bẩy tôi. Lão Kền trói chặt tôi vào chân chiếc cột nhà bằng cây xoan chôn chặt xuống nền nhà. Suốt cả đêm hôm ấy tôi tìm mọi cách để tháo dây trói mà không sao làm được. Có lúc tôi làm cột nhà rung lên như động đất khiến mấy người du kích canh gác bên ngoài sợ quá phải chạy đến lấy roi quất tới tấp lên người tôi, tôi mới chịu yên. Tôi cứ bị trói như con chó như thế cho đến chiều hôm sau thì nghe có tiếng la thất thanh từ ngoài ngõ. Tiếng của En: “Anh Khoảnh, anh Kền đâu rồi, có thả người ta ra không. Em gái của người ta đang sắp chết kia kìa”. Nhờ đó mà tôi được tạm tha về nhà và rồi sau đó được tha bổng, do En đã điều tra ra kẻ ném đá giấu tay hôm ấy và doạ sẽ thưa lên Đoàn ủy Đoàn Cải cách ruộng đất. Đó chính là lão Kền làm theo lệnh của Đội Khoảnh. Chả biết có phải vì hắn trả thù tôi về vụ “nhòm trộm” cuộc hủ hoá của hắn với chị Nghiệm hôm nào hay vì cái vụ tôi giải thoát En ở bờ ao Đào hôm ấy. Có lẽ vì cả hai.
Tôi về đến nhà thì em út tôi, cái Thân đã mệt lắm rồi. Nó bị đói lả vì từ hôm qua đến giờ, tôi bị bắt, nhà không còn hạt gạo để nấu cháo, cái Ngân đành phải nhai khoai sống mớm cho nó. Đã vậy lại còn cho nó uống nước lã, bị ỉa chảy suốt từ sáng đến giờ, không có thuốc cầm. Rồi em tôi chết trên tay tôi. Tôi có hỏi sao không cho em ra trạm xá. Ngân trả lời: “Nó có ra mời nhưng ông Đảm, y sĩ, sợ liên quan không dám vào nhà”. Cũng vì thế nó phải đánh liều sang tìm chị En, người mà nó biết lâu nay vẫn còn chút cảm tình với gia đình tôi. Nhưng En cũng chẳng biết làm gì hơn là đến chỗ giam cầm xin cho tôi về.
Đêm ấy, mẹ tôi cũng được tạm tha nhưng Đội Khoảnh chỉ cho phép được ở nhà đến trưa hôm sau, khi đã chôn cất em tôi đâu vào đấy.
Lại cũng đêm hôm ấy, tôi phải phá cái tủ sách, vốn làm bằng thùng sữa Nestelé, để đóng cho em tôi cỗ ván nhỏ rồi lẻn sang nhà ông Khán Vĩnh nhờ ông giúp đưa em tôi ra đồng. Chúng tôi dám tổ chức đưa đám em tôi vào ban ngày, sợ bị phá đám sẽ làm tủi vong linh em tôi thêm một lần nữa.
Đêm ấy, trăng sáng mờ mờ, ông Khán Vĩnh cắp cái quan tài nhỏ xíu của em tôi đi trước, ba mẹ con tôi lẽo đẽo theo sau, lặng lẽ không dám gây thành tiếng động. Sợ ông bà nông dân biết, nghĩ chúng tôi đem vàng đi chôn giấu, rồi bắt đào mộ em tôi lên thì khổ cho nó quá. Chết rồi mà vẫn chưa được yên thân.
Chôn cất em tôi xong, mẹ tôi lại phải vào từ đường họ Đặng, để tiếp tục việc đút chân vào cùm thụ án. Còn tôi, cũng từ hôm đó buộc lòng phải nghỉ học, bỏ dở cái lớp 6 chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc, mặc dù tiếc ngơ tiếc ngẩn. Phải 3 năm sau, tôi mới trở lại trường, khi tôi lớn hơn những đứa cùng lớp tới bốn năm tuổi.
Trong suốt 2 tháng 10 ngày mẹ tôi bị giam ở từ đường họ Đặng, tôi chỉ đem cơm được khoảng 10 bữa, còn lại là em gái tôi. Tôi yếu bóng vía, mỗi khi nghe lách cách, loảng xoảng tiếng mở cùm, mở xích, tôi không chịu nổi.

38.

Em gái tôi còn phải mang cơm cho mẹ hàng tháng nữa. Công việc chỉ chấm dứt vào một buổi trưa đầu hạ, khi mưa xuân vừa tạnh, nắng mới vừa lên. Anh em tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi xỉa răng, uống nước thì bỗng thấy ngoài ngõ rộn lên mỗi lúc một gần tiếng trống ếch của đội thiếu nhi. Chúng tôi vừa chạy cả ra ngoài hè thì đã thấy lù lù tiến vào sân cùng với đội thiếu nhi mũ calô đội lệch là những ông cán bộ xóm, cán bộ xã, ông Cấp, bà Đề, lão Kền, thằng Tạo mắt lác, thằng Quýt, thằng Thao…hàng ngũ chỉnh tề đi đều một hai theo nhịp trống ếch .
Với vẻ ngoài đằng đằng sát khí, họ rầm rập bước vào sân nhà tôi. Như nước chảy đến chỗ trũng, mảnh sân gạch nhỏ nhà tôi trong nháy mắt đã đầy ắp người.
Đội Khoảnh đi thẳng đến trước mặt tôi. Trỏ một ngón tay vào mặt tôi, ông ta nói, giọng hách dịch:
- Đám con cái nhà Lân! Hôm nay toà án nhân dân đặc biệt đến đấy xét xử con mẹ của chúng mày, hiểu chưa!
Đội Khoảnh vừa nói xong và trong khi chúng tôi chưa kịp hiểu ra sự việc gì thì sau một cái hất hàm, đám thanh niên trong xóm từ ngoài sân đã chạy ùa vào nhà, khiêng ra cái bàn lâu nay vẫn làm chỗ học của anh em tôi.
Lại một lần nữa, lòng tôi hụt hẫng khi nhìn thấy Én thấp thoáng trong đám sai nha này. Rồi tôi lại tự xấu hổ với tôi khi chợt nhớ ra, trên mặt bàn còn nguyên dòng chữ tôi mới viết tối hôm qua, vào lúc lòng buồn man mác. Đấy là bài hát của nhạc sĩ nào và do ai dạy lại, tôi không biết. Tôi chỉ thấy nó hợp với lòng tôi thì tôi thích và bạ chỗ nào thấy viết được là tôi lại viết bài hát ấy ra : “Hãy trả lời lòng anh mấy câu, tình duyên với em trong kiếp nào”, rồi “Gío chiều thầm vương bao nhớ nhung, người yêu thoáng qua trong giấc mộng” .
Những câu hát này tôi đã từng hát cho En nghe trong những lần hai đứa ngồi bên nhau trước ngày Đội về xã. Tôi hát không hay, giọng không trong trẻo nhưng sao cứ mỗi lần cất lên những lời ca ấy tôi lại không nhận ra đấy là giọng của tôi, phát ra từ cổ họng của con người tôi. Mà là tiếng hát của ai đấy, từ đâu đưa lại, là tiếng hát trái tim đang đập chung một nhịp của hai đứa.
Nhưng hôm nay, đứng đấy, trong nỗi tủi nhục mà bản thân tôi đang gánh chịu, tự trong lòng tôi cứ cầu mong En đừng bao biết đến những dòng chữ tôi viết ấy, đúng hơn, Én không nên biết đến tâm trạng tôi lúc này. Bởi đó là lúc trong tôi đang giằng xé hai trạng thái: vừa muốn xa En lại vừa muốn gần, muốn quên lại muốn nhớ, muốn mất lại muốn không.
Bàn ghế và những thứ liên quan cho một phiên toà đã được bầy biện xong.
Đội Khoảnh bước lại “sân khấu” (có thể gọi như thế) vỗ hai tay vào nhau nói lớn:
-Tất cả trật tự. Ai nấy ngồi vào vị trí của mình. Riêng gia đình địa chủ Lân thì không được phép ngồi mà phải đứng cả về phía sau.
Mọi người, kể cả những đứa trẻ khóc chí choé đều ngồi bệt xuống sân gạch.
Đội Khoảnh tuyên bố lần nữa:
-Mời hội đồng xét xử ra làm việc.
Ong ta vẫy tay một cái và như phép màu của lão phù thủy, từ căn bếp nhà tôi chui ra lốc nhốc ba bốn người vừa đàn ông, đàn bà. Mặt người nào cũng thộn ra như những bị thịt. Tôi nhận ra bà Đề, ông Cấp, ông Dụng và cả lão Kền nữa…những vị thẩm phán từng ngồi tại nhiều phiên toà xét xử bọn địa chủ và bọn phản động ở quê tôi lâu nay. Ông Bùi Rính, một nhà thơ dân gian ở quê tôi đã có lần tức cảnh thành vè về cái hội đồng “chuột” này : “Ông Dụng, bà Rốt, bà Đề…Ông Tảo ngồi giữa ngứa nghề làm sao- Bà Đề lên tiếng gắt gao- Mau mau mày nói cho tao tỏ tường”.
Thấy các vị thẩm phán vừa yên vị trên mấy cái ghế xộc xệch của nhà tôi, Đội Khoảnh liền phẩy tay một cái, lại như thầy pháp điều khiển âm binh, từ gian chuồng bò bỏ không lâu nay, mẹ tôi được mấy người du kích áp giải ra.
Tôi không biết họ bí mật giam mẹ tôi vào đấy từ lúc nào. Mẹ tôi bị dẫn đến trước mặt hội đồng xử án. Cho đến mãi mãi sau này, tôi vẫn không thể nào quên được vẻ mặt của mẹ tôi hôm ấy. Trắng bủng như con tằm ốm. Nhẽo nhợt như người chết trôi. Tôi không ngờ mới có mấy chục ngày bị gia cầm mẹ tôi đã già đi nhanh thế. Trông hốc hác cứ như bà cụ tuổi bảy mươi mặc dù năm ấy mẹ tôi mới hơn bốn chục tuổi.
Mẹ tôi bị trói quặt hai tay ra sau lưng, còn hai cổ tay đằng trước thì bị còng bằng chiếc gông tre. Bà không thể nào đứng thẳng lên được nên cứ phải lom khom giữ thăng bằng cho người khỏi đổ xiêu về phía trước.
Nhìn mẹ tôi bị hành hạ, tôi chỉ muốn thét lên: “Cùng là con người với nhau mà sao các ông ác thế. Với lại các ông không biết mẹ tôi là đàn bà chân yếu tay mềm hay sao”.
Lại nhớ đến chuyện xảy ra với bố tôi hồi ông chưa bỏ nhà trốn đi. Hôm ấy, vừa lội xuống ao, định sửa lại mấy cây nứa ngáng chuồng bèo bị gió làm đứt, thì ông nghe thấy Đội Khoảnh đang tắm trên cầu đá gọi:
-Lân, lên tao bảo !
Bố tôi lên bờ . Đội Khoảnh vẫn đứng tồng ngồng dưới bậc đá, hất hàm bảo:
-Về lấy cho tao sợi dây thừng !
Nghe thấy ông ta nói thế, bố tôi sợ quá. Thừng với sợi thế này thì chỉ có là để bắt trói giải đi chứ còn làm gì nữa. Biết thế nhưng bố tôi vẫn phải vội chạy về, lôi trên gác bếp xuống bó dây thừng tre, đầy bồ hóng, đem ra. Bố tôi hồi hộp chờ xem ông Đội sẽ làm gì mình lúc này. Bắt, áp giải đi chăng. Vậy mà không, ông ta lại đưa lại cho bố tôi sợi dây thừng mà ra lệnh:
- Kỳ cho tao cái lưng.
Hoá ra ông ta không có khăn tắm.
Khổ, chỉ có thế, mà làm cả nhà tôi sợ xanh mặt, làm em gái tôi phải ôm chầm lấy bố tôi mà gào thét: “Không ai được bắt thầy tôi. Trả thầy tôi đây”, còn chúng tôi thì tới tấp chuẩn bị mọi đồ dùng cá nhân , trong đó có cả chiếc điếu cày, cho bố tôi đi tù.
Mẹ tôi được dẫn ra đứng giữa sân, được tháo còng, cởi trói. Những người trong hội đồng xử án đứng cả lên. Một cuộc đấu tố bắt đầu. Những người được bố trí từ trước thay nhau nắm tóc, kéo xụp đầu mẹ tôi xuống, con mắt của mẹ vừa nhìn thấy đất thì mặt đã bị kéo ngược lên bắt phải ngẩng lên trời. Vẫn chưa thoả, họ còn kéo tai, hết vểnh sang trái lại vênh sang phải. Sau mỗi cử chỉ là một câu quát tháo, lặp lại từ các cuộc đấu tố khác: “Mày cúi mặt xuống. Mày vểnh tai lên. Mày…mày… có nhớ không? “.
Xong phần tố khổ là đến phần luận tội và kết án. Bà Đề cầm tờ giấy lên đánh vần mãi mà chẳng đọc nên lời. Đội Khoảnh phải giật lấy đọc thay:” Toà án nhân dân đặc biệt huyện …. Hôm nay là ngày …” . Tôi không chú ý đến những điều ấy lắm, chỉ nóng lòng chờ xem người ta sẽ phạt mẹ tôi bao năm tù và tài sản nhà tôi sẽ bị tịch thu, trưng thu hay trưng mua.
Thật không ngờ,mẹ tôi bị tuyên phạt tới 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo và bị tịch thu toàn bộ tài sản.

No comments: