Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 4

**

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

9.

Cái năm Mùi ấy hình như mùa hè đến sớm hơn. Chưa hết tháng ba mà hoa xoan đã rụng đầy ngõ. Và nắng, nóng và muỗi, muỗi hoa xoan vừa chập tối đã bay loạn xạ như vãi trấu, tiếng kêu như sáo thổi.
Như thường lệ mọi năm, cứ đến mùa hè tôi lại đem cái võng đay đã vứt trong xó tủ suốt cả mùa đông ra mắc vào hai cái móc trên tường. Lâu thành quen đến nỗi có lẽ cả năm tôi chỉ nằm giừơng vào những ngày mùa đông rét mướt. Còn lại là võng. Mưa võng và nắng cũng võng. Nằm lên chỉ cần đu đưa mấy cái, nghe võng kêu cót két, là giấc ngủ ập đến ngay.Vậy mà ngủ say đáo để. Cái lần vào giữa trưa, bọn lính trên đồn La Uyên càn vào làng, lục soát quát tháo ầm ĩ, vậy mà tôi chẳng biết gì, cứ ngủ khì.
Vậy mà đêm nay, tôi không ngủ được. Quyên báo ảnh Việt Nam, tôi mượn được của chú Năm, do con trai chú, đi bộ đội suốt những năm kháng chiến nay mới được nghỉ phép đem về làm quà, đã ám ảnh tôi suốt. Quyển báo ảnh đã đăng rất nhiều hình ảnh về cuộc Cải cách ruộng đất vừa diễn ra ở Thái Nguyên mà tôi nhìn vào cứ thấy sợ mãi. Người ta ghi chú rằng đây là cuộc Cải cách thí điểm, được thực hiện lần đầu tiên ở nước ta. Tôi không thấy vui, đáng lẽ một thằng học sinh vừa lớn từ bé đến giờ chưa nhìn thấy ảnh màu trên báo bao giờ thì phải thấy vui, thấy hấp dẫn chứ, vậy mà chỉ thấy buồn thấy lo. Lo nhất là khi nhìn thấy ảnh một người đàn bà can “tội” là địa chủ đã bị đem ra xử bắn. Người đàn bà ấy khác gì mẹ tôi. Mẹ tôi cũng trạc tuổi bà ta.
Cũng lại còn vì chuyện khác nữa. Chập tối nay, thằng Thăng, con chú Sáu, từ mấy năm nay chuyên ngủ chung võng với tôi rù rì nói nhỏ:
-Đội về xã rồi, anh biết chưa?
Như người bị phát hiện quả tang vì một ý nghĩ vụng trộm, tôi giật mình hỏi lại Thăng:
-Đội gì . Ai bảo cậu?
-Đội cải cách. Tôi nhìn thấy mà !
-Ở đâu?
-Nhà bà Tụ…
-Mấy người?
-Hai…
-Đen hay trắng, trẻ hay già?
-Một đen một trắng. Đen nói giọng trọ trẹ khó nghe lắm. Trắng nói giọng như mình. Cả hai đều còn trẻ. Mặc quần áo gụ. Đi dép cao su. Đeo sác cốt kaki trông oai lắm.
Bà Tụ là người nghèo nhất ở xóm tôi. Chồng mới chết. Lúc nhúc một đám con bốn năm đứa. Nghèo đến cái bát ăn không có, toàn phải ăn bằng những mảnh gáo dừa. Mỗi lần cái Tý, con bà Tụ đem “bát” ra cầu ao nhà tôi rửa, tôi cứ thấy bùi ngùi, thương hại.
A, vậy là tôi biết rồi. Mấy ông đội này đến ở nhà bà Tụ là để “ba cùng”, để “xâu rễ”, “xâu chuỗi” đấy mà! Cách đây mấy ngày ở trường thầy giáo đã nói cho chúng tôi nghe việc này.
Vậy là Cải cách đến làng tôi rồi. Cái tin Thăng báo làm tôi đến gà gáy sáng mới chợp mắt ngủ được. Rồi tôi lại nằm mê. Hai ông du kích mặt đen sì sì, quấn người mẹ tôi bằng cái võng tôi đang nằm rồi đem ra mả Vần. Giống như người đàn bà ở Thái Nguyên, mẹ tôi cũng bị trói vào cột, bị bịt mắt bằng mảnh vải đen và bị sáu khẩu súng trường đen ngòm chĩa vào người. Hoảng quá, tôi phóng như tên bay tới chỗ mẹ tôi:
- Không được bắn… Thả ra. Mẹ tôi là người nghèo khổ, vất vả lắm, không sung sướng gì đâu .
Tôi hét lên, dãy dụa rồi rơi bịch xuống đất, đau tức tưởi. Cú ngã võng đột ngột ấy làm ngực tôi đau nhói như bị gãy xương sườn. Đến bây giờ đêm đến tôi vẫn còn đau âm ỉ mỗi khi trời trở lạnh.
Bố tôi rồi mẹ tôi choàng dậy hốt hoảng chạy lại đỡ tôi lên. Thằng Thăng cũng ngã theo tôi. Mắt nhắm mắt mở, tôi giật lấy cái đèn hoa kỳ rồi cứ thế soi qua soi lại khắp lượt mặt mẹ tôi làm bố mẹ tôi đều sững người lại vì sợ. Chắc ngỡ tôi bị ma làm. Mãi đến khi thấy đúng là mẹ tôi đang còn sống sờ sờ trước mặt tôi kia, tôi mới tin là mình vừa bị nằm mê. Tôi hoàn hồn leo lên võng ngủ tiếp.
Tôi đón đợi ngày Đội ra mắt dân làng với một tâm trạng như thế.

10.

Và cái ngày tôi vừa mong lại vừa không mong ấy đã đến…
Mấy ngày hôm nay cả đến những ngọn gió thổi vào làng tôi như đều như nhuộm cùng một màu. Ay là màu đỏ. Rồi chính những ngọn gió màu đỏ ấy lại nhuộm cho những mảnh vải ở khắp làng tôi rực lên thành màu của cờ, của băng biển, màu của khẩu hiệu, của cổng chào và thành màu hồng ửng trên gương mặt những cô thôn nữ đang náo nức đón những anh Đội về.
Có thể nói tất cả sinh lực của làng tôi lúc này đều đổ dồn cho khẩu hiệu. Người người khẩu hiệu. Nhà nhà khẩu hiệu. Khẩu hiệu dán lên nong, lên nia, trên thúng, trên mủng…Chỗ nào trống thì khẩu hiệu lấp vào. Chữ đẹp viết, chữ xấu, nguệch ngoạc như gà bới cũng viết, cũng kẻ. Không đủ giấy đủ mực thì lấy kim, lấy dùi nhọn tỉ mỉ đâm thủng vỏ cây, lá cây … Mặc kệ, miễn sao người nông dân tỏ được tấm lòng của mình đối với Đảng, với cuộc cách mạng long trời lở đất sắp sửa xảy ra, miễn sao chuyển tải được những điều cần bày tỏ, miễn sao được há miệng thật to để hô lên: “Hoan nghênh cuộc Cải cách ruộng đất…” - “Nhiệt liệt chào mừng các cán bộ Đội về xã nhà”- “Đả đảo giai cấp địa chủ”. Là: “Có khổ tố khổ-Nông dân vùng lên”- “Tố khổ nhiều- Đấu tranh mạnh”…vân vân. Ai nghe mà chả hừng hực căm thù . Ai nghe mà chả thấy lòng mình rạo rực, nhất tề chỉ muốn vùng lên “đạp lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp” (câu thơ của Tố Hữu mà hồi này gần như ai cũng thuộc), nói chi những người nông dân quê tôi lâu nay cứ tự cho rằng mình không được ăn, được nói.

11.

Tôi nhớ mãi không quên cái buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều mùa xuân sắc trời rạng rỡ nhưng lại u ám bậc nhất đời tôi. Đội thiếu nhi xóm, trống ếch rộn ràng, khăn quàng đỏ thắm trên vai, rồng rắn, lũ lượt len lỏi đến từng ngõ xóm, từng quãng đường làng, vừa đi vừa hát những bài ca cách mạng mà phần lớn là những bài nói về nông dân và địa chủ. Như “Anh em ơi, công ta cấy, công ta cày, mà ta không được bát đầy. Bởi vì địa chủ đêm ngày hại ta…” . Hát xong lại đồng thanh hô vang các khẩu hiệu. Vẫn cứ là “Có khổ, tố khổ - Nông dân vùng lên”…nhưng lần này đã có thêm một lời rao: “Kính mời bà con tối nay ra đình Hát để dự lễ chào mừng Đội Giảm tô- Cải cách ra mắt giai cấp nông dân xã nhà !”- “Kính mời, kính mời”. Hô xong, trống ếch lại thình thịch rộn ràng, phèng la lại đập lên xoe xóe.
Ngồi trong nhà nghe những âm thanh ấy, tôi vừa rạo rực vừa tái tê. Những ngày tới không biết số phận tôi và gia đình tôi sẽ ra sao đây? Bần nông, trung nông hay phú nông, địa chủ?
Nhìn qua hàng giậu tre gai thưa thớt, thấy bóng dáng những thiếu nhi trong thôn, đứa ôm trống cái, đứa khoác trống con … quại thật lực cái dùi vào mặt trống cho vang lên những âm thanh rộn rã, tôi bỗng thấy thèm thuồng và ước gì mình được bé lại. Đội thiếu nhi đã đi đến bờ ao, sau bếp nhà tôi.
Chưa bao giờ quê tôi lại vui, lại ồn ã như thế. Con Đốm cứ nhảy cẫng lên mà xủa. Muốn chết hả. Muốn bị “triệt để chó”hả *. Tôi quát lên, chạy ra gọi Đốm quay về. Rồi tôi đâu có ngờ ngay sau đấy tôi bị bắt mất hồn, cứ bâng khuâng lơ lửng như bay trong không trung. Tôi vừa gặp Én của tôi. Hoá ra, chỉ sau mấy ngày Đội về, Én đã có được cuộc đổi đời đầu tiên, được Đội cử làm chị phụ trách thiếu nhi thôn, thay chị Loan mới đi lấy chồng. Con tim tôi lại giở chứng. Cứ đập mạnh, rất mạnh không theo ý tôi, để mặt tôi thì tái đi, hai vành tai lại đỏ bừng lên và đầu óc rối tinh rối mò, khiến bụng tôi thì muốn nói với Én một câu nhưng cái miệng không sao cất lên nổi. Tôi chỉ còn biết quay mặt đi để rồi hối tiếc.
Đội thiếu nhi xa dần. Tiếng trống và tiếng hát cũng lặn dần cùng vừng mặt trời đỏ ối ở phía tây. Buồn bã, tôi quay về nhà, vu vơ hỏi mẹ tôi một câu:
Tối nay con có nên ra đình dự mít tinh không bu?
Mẹ tôi hỏi lại:
- Mít tinh cái gì .
- Mừng Cải cách. Mừng Đội về xã.
-Đi mừng chứ có đi chửi rủa người ta đâu mà phải sợ!
-Sợ gia đình mình địa chủ, người ta không cho dự!
-Vớ vẩn! Địa cái con khỉ!
Mẹ tôi nói nghe cũng phải. Có gì mà phải đắn đo. Được rồi, tôi đi . Tôi rủ thêm bé Ngân đi cùng cho vui nhưng nó lắc đầu. Chỉ có con Đốm lằng nhằng theo sau. Sợ vào chỗ đông người nó lạc, tôi phải dậm chân mấy lần nó mới chịu về. Tôi cứ lấy làm tiếc giá hôm ấy có nó đi theo. Chắc chắn lão khốn nạn ấy sẽ được nó dạy cho một bài học thế nào là lòng trung thành của chó.
Đêm đầu mùa hè trời trong và cao lắm. Lại đầy sao nữa. Con đường nhỏ ra đình làng, nơi tổ chức mít tinh ngoằn ngoèo như con rắn nước bơi giữa ao
đầm. Tôi cứ ngỡ rằng mình đi sớm, ai ngờ dân làng còn sớm hơn. Cơ man nào là người, là đuốc. Lửa cháy bập bùng hắt lên nền trời, lên hàng tre, hắt xuống mặt nước những bóng hình lung linh ma quái.
Đã lâu lắm rồi làng tôi mới có một đêm lửa tha hồ cháy, tha hồ sáng như đêm nay. Chả bù cho mấy năm qua, giặc đóng bốt đầu làng, ngọn đèn học của trẻ con cũng phải che bớt hoặc vặn cho thành hạt đỗ. Cũng chưa bao giờ quê tôi có một buổi tụ họp quần chúng đông vui và thoải mái đến vậy. Thật vui, náo nức hơn hội Sáo Đền cũng vào tháng này ở quê tôi.
Tôi bỗng dưng có cảm giác mình như con cá đang hoà vào dòng nước. Và cũng như nhiều người khác, tôi tự cho mình cái quyền được ngẩng cao đầu, được hùng dũng bước đi. Vui quá, hồi hộp quá, thật sung sướng cho một công dân của một miền quê vừa được giải phóng, sau hàng chục năm bị kẻ thù kìm kẹp, giam hãm trong những hàng rào dây thép gai và những họng súng. Đã bao năm rồi, từ khi tôi lớn lên, quê tôi mới có những đêm được thả sức vui chơi hát hò, cười nói oang oang trên miệng và trên loa phóng thanh thế này.
Vui quá nên tôi quên hết. Quên hết cả nỗi lo canh cánh mấy ngày nay, để bây giờ chỉ thấy náo nức, thấy trong sân đình lung linh một sân khấu bắc rất cao, phấp phới những lá cờ đỏ sao vàng, cờ lá chuối ngũ sắc.
Lòng tôi cũng muốn bay lên…
Vậy mà đúng lúc ấy, tôi bị đứng tim vì một hành động hết sức độc ác, khi mà bất thình lình, từ trong bóng tối đen kịt của bụi tre bên đường, thò ra một bàn tay lạnh lẽo, xương xẩu, như bàn tay phù thủy, chộp mạnh lấy cổ áo tôi. Tiếp theo là một tiếng quát kinh hoàng: “Đứng lại!”
-Đứng lại! Quay về!
Lại tiếng quát nữa!
Dù tim tôi run lên vì sợ nhưng tôi vẫn đủ lý trí để trả lời:
- Tôi…tôi…đi dự mít tinh !
Vẫn là tiếng của bàn tay phù thủy:
- Không được! Mày là con địa chủ. Mày không được phép họp!
- Tôi cứ vào. Ai cấm được tôi!
Lập tức một cái tát nảy đom đóm mắt trả lời tôi. Rồi bàn tay phù thủy lại đẩy tôi một cái thật mạnh. Tôi ngã sõng xoài xuống mặt đường lổn nhổn vỏ ốc, vỏ trai và mùi khai khắm nước đái bò.
Một ánh đèn pin rọi thẳng vào mặt tôi. Hoá ra bàn tay là của lão Kền, anh ruột của Én.
Kền bồi thêm cho tôi một câu nữa:
-Thằng con địa chủ kia, mày còn định đứng lại làm gì, định làm bẩn thỉu cuộc mít tinh của nông dân chúng tao phải không?
Lão này thật mau giở mặt. Mới hôm trước, còn ngọt ngào gọi tôi bằng cậu .
- Anh Kền, anh nói gì, tôi không hiểu!
Kền nói gằn từng tiếng:
- Từ nay chúng mày phải gọi chúng tao bằng ông bằng bà nghe chưa!
Lão bồi tiếp tôi quả đấm nữa vào mặt. Máu từ mồm, từ mũi tôi chảy ra mặn chát. Ưc quá, tôi đạp mạnh chân xuống đất lao trọn cả người vào cái thân hình gầy gò như cây sậy của hắn. Kền hét lên:
-Anh em ơi, thằng địa chủ con nó đánh tôi.
Những người đi dự mít tinh dừng đứng lại. Tôi sợ quá lủi vào đám đông nhưng vẫn còn nghe thấy phía sau một giọng con gái: “ Gì vậy, anh Kền?” Đó là tiếng của Én. Nàng vừa từ đâu chạy lại. Nhục quá! Thật là nhục. Bỗng dưng tôi cảm thấy xấu hổ với Én, dù biết mình chẳng có phải xấu hổ.
Lòng nặng như chì, tôi lê từng bước về nhà.
Phải chăng chế độ mới, xã hội mới gạt tôi ra rìa? Không cho tôi làm một con người theo đúng nghĩa con người! Đến một cuộc mít tinh quần chúng, như cái chợ, ai vào cũng được, ai ra cũng chẳng sao mà tôi còn bị đuổi, không biết mai sau những công việc lớn hơn, tôi có được làm!
Câu hỏi đó suốt hàng chục năm về sau cứ nhoi nhói trong tôi, đòi một lời giải đáp.

12.

Lại trở lại năm Mùi, trước ngày Đội về làng. Kể từ khi cảm thấy mình đang trở thành người lớn, tôi rất mong muốn được tham gia công tác xã hội dù chỉ là một việc rất nhỏ. Lòng tôi luôn cháy lên mơ ước sao sớm được trở thành đoàn viên Thanh niên cứu quốc. Còn nhớ hôm xã mít tinh ngoài sân đình để chào mừng hoà bình vừa lập lại, nhìn thấy bức huy hiệu Đoàn vẽ trên cái mẹt xẩy thóc, tôi mê cái hình vẽ cánh tay chắc nịch cầm cán lá cờ đỏ sao vàng đến thế, đến nỗi cứ chìa cánh tay trẻ con nhẽo nhèo chẳng gân cốt gì của mình ra so sánh rồi tự hỏi: Bao giờ tay tôi mới được thế kia, bao giờ tôi trở thành đoàn viên?
Lại mới đêm vừa rồi, tôi còn ngớ ngẩn bò đến nhà ông Khán Vĩnh xem người ta kết nạp Đoàn cho thanh niên trong xóm trong đó có Én của tôi. Đêm ấy Én đâu biết ở bên chái nhà, trong bóng tối đen kịt của đêm cuối tháng, có một gã thanh niên đứng âm thầm “dự thính” toàn bộ cuộc họp của đoàn.
“Đi lên thanh niên, có ngại ngần chi, đi lên thanh niên làm theo lời Bác, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên…”, Đó, mơ ươc một thời của tôi là thế đó.
Tôi mê trở thành một đoàn viên thanh niên như mê Én của tôi. Ứơc mơ ấy thật quá đơn giản, dễ dàng đối với mọi thanh niên Việt Nam, vậy mà tôi phấn đấu phải đến 8 năm sau, sau bao nhiêu dằn vặt đớn đau, bao nhiêu hy vọng và thất vọng, mãi đến khi đã là một giáo viên cấp hai, chủ nhiệm một lớp toàn là đoàn viên, chắc là thấy nếu tôi cứ mãi là thanh niên “trơn” thì sẽ khó làm tốt công việc “giáo dục lớp trẻ” nên Đảng mới chịu cho tôi vào Đoàn, sau khi đã bỏ ngoài tai lời phê của địa phương vào lý lịch của tôi, một lời phê rất ngớ ngẩn, sai ngữ pháp, giết người vì sự ngu đốt : “ Không thể cho vào Đòan vì gia đình địa chủ, bản thân có nhiều sâu sắc với chế độ ta”. Tôi chẳng hiểu cái ông Diệp, phụ trách thanh niên ở xã tôi phê thế là thế nào. Sâu sắc là căm thù hay yêu mến. Không biết trên đời này, ở đất nước này có bao nhiêu người bị giết chết hay bị khốn khổ một đời vì những lời phê vừa ngu ngốc vừa tàn bạo thế này. Bao nhiêu người chết vì sự dốt nát.
Từ đình Hát nơi tôi vừa bị đuổi ra khỏi cuộc mít tinh, tôi thất thểu nặng nề lê từng bước về nhà. Xóm làng im ắng rợn người. Giun dế kêu ai oán. Thật buồn không tả nổi. Tôi không muốn về nhà nữa. Tôi chỉ muốn bỏ làng ra đi. Nhưng đi đâu bây giờ và đi làm sao nổi. Gạo chẳng có, tiền cũng không, lại bần cố nông nhan nhản bủa lưới vây chặt khắp nơi thế kia, tôi sao lọt nổi ra khỏi lũy tre làng. Về đến nhà, tôi nằm vật ra bậc hè. Ngao ngán quá tôi buông ra câu trống không:
- Bị lên địa chủ rồi …
Bố tôi không nói gì, chỉ lặng lẽ tra thuốc lào vào nõ điếu, bật lửa rít một hơi dài. Rồi ông ngồi, chống hai tay ra sau, tuôn khói lên trời, mỗi khi có gì xáo trộn trong lòng ông thường như thế!
Mẹ tôi thì khác hẳn. Bà không nói gì thêm, cứ lẳng lặng ngồi tẽ ngô, những hạt ngô chắc, rắn như đá rơi rào rào xuống nia.
- Địa chủ thì đã sao! Dễ thường ngồi chơi mà thành địa chủ được đấy.
Hai ông bà cãi nhau. Lần đầu tiên tôi chứng kiến chuyện này. Bố tôi la lên. Sau ngày tôi cưới bà về, bà cứ mặc mẹ tôi nghèo khổ như hai chú em tôi đánh bài đánh bạc bán hết ruộng vườn thì có phải bây giờ tôi được là bần cố nông, được nghèo khổ, được sung sướng không chứ.
Mẹ tôi vặc lại: “Ông không là con trai cụ Hàn, danh giá nhất vùng, có tiếng mà không có miếng thì tôi cũng mặc xác ông, vất vả làm gì cho cực”. Bị thua, bố tôi lại giở sang chuyện khác. Lại bảo cứ để mặc ông di cư vào Nam có phải bây giờ ông đang vi vu ở Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” không nào. Mẹ tôi không nói nữa. Bà nhìn tôi muốn tôi trả lời giùm. Tôi nói luôn:
- Tại con !
Tôi nói to lên với bố tôi.
Mà tại tôi thật, đúng hơn tại cái xã hội mới mẻ này hấp dẫn tôi. Hồi tháng 2 At Mùi, sau tết vừa rồi, anh Thoan là cháu nội cụ Hàn Lãm (mẹ cả tôi là con gái của cụ) từ làng Mỹ Bổng xuống nhà tôi vận động bố mẹ tôi bán hết nhà cửa ruộng vườn để cùng anh di cư vào Nam “tránh hoạ cộng sản” . Anh Thoan nói sắp tới quê mình sẽ có cuộc cải cách ruộng đất, những người có ruộng vườn trâu bò như bố mẹ tôi chắc chắn sẽ bị đấu tố, đánh đập, tù đầy, thậm chí còn bị xử bắn, bị tịch thu tài sản. Anh Thoan bảo trong lúc còn tranh tối tranh sáng thế này, có cái gì hãy bán hết, biến tất cả thành vàng, rồi đi theo anh ra Hải Phòng, xuống tàu há mồm di cư vào Nam, vào Sài Gòn. Chỉ có lúc này mới đi được vì hiện nay quân Pháp còn kiểm soát 300 ngày nữa.
Bố tôi hỏi ý kiến mẹ tôi. Mẹ tôi bảo làm sao khiêng được tất cả ruộng đất của bà vào Nam thì bà mới đi. Bố tôi hỏi tôi. Tôi bảo tôi không thích cái chế độ ấy vì nó đẻ ra và dung túng những thằng lính lê dương, lính bảo hoàng trong đó có những thằng ác hơn quỷ như thằng Cai Việt ở Thuận Vy.
Bọn này ngày trước thường vào càn quét làng tôi. Chúng đồng nghĩa với nỗi khiếp sợ kinh hoàng và những tội ác nghĩ đến đã muốn sởn gai ốc. Ngày ấy, sáng ra, cứ nghe đại bác nổ nã dọn đường là y rằng một lát sau bọn lính ùa vào càn quét. Dân làng, đàn ông trai tráng, ở lại đánh trả hoặc rúc xuống hầm bí mật, con gái thì cũng phải trốn nhưng dùng nhọ nồi trát kín mặt để may ra được bọn chúng “chê” mà tránh khỏi bị hãm hiếp, còn lại bà già, trẻ con rủ nhau ngồi tập trung lại một chỗ để mà khi thấy chúng xục vào nhà cả đám cúi gầm mặt xuống, hai tay vái lạy lia lịa, miệng lầm rầm như cầu kinh “lạy quan lớn ạ”. Mà quan lớn quan bé đó có xa lạ gì với dân làng tôi đâu. Trong đám quan lớn này tôi từng nhìn thấy có những đứa cách đấy không lâu còn cởi trần đóng khố đến làng tôi đánh giậm, đun riu hoặc tay này xách cái sọt tre, tay kia cầm cái bù cào bốn răng xục xạo khắp các bờ tre bụi dứa để gắp…cứt... Cứt người và cứt chó. Ngày đó ở quê tôi gắp cứt cũng là nghề kiếm sống, nghề của quân “tưrănggơ”, nhái theo tiếng Pháp.
Bọn này giết người không biết ghê tay. Hai đứa em họ tôi, đứa lên 6, đứa lên 2, lần ấy bị Cai Việt vào tận nhà bắn nhưng phúc đức làm sao lại không chết, trong khi bốn người còn lại cùng ngồi tập trung một chỗ với em tôi người vỡ toang đầu, người nát bấy vồng ngực. Hoá ra thằng Cai Việt khát máu (nghe nói ngày nào không giết người hắn cứ bồn chồn như bị điên) trước khi rút khỏi nhà đã kê tiểu liên sau đít bóp cò rê một băng đạn. Hai em tôi không chết là do con chị bế thằng em ngồi khuất sau cánh cửa.
Trận thảm sát này gia đình ông Tụng hàng xóm nhà tôi chết hai. Thằng Ưởng, bằng tuổi tôi và mẹ nó, bà Tụng. Nhà cụ Boong chết ba: cụ và hai vợ chồng người con trai.
Vậy chả lẽ bây giờ tôi lại bỏ những anh bộ đội, những chị du kích, lúc nào nụ cười cũng tươi đỏ trên môi, hết dạy chúng tôi hát lại bày trò cho chúng tôi chơi để chạy theo đuôi những con thú mặt người mà tên cai Việt là đại diện hay sao? Không, dứt khoát không. Dứt khoát tôi không vào Nam. Vào Nam là theo giặc, là phản bội chế độ này.
Bên tai tôi vẫn còn tiếng cằn nhằn của bố tôi. Tôi buộc phải gắt lên:
-Thầy bu ở lại là đúng. Không có gì phải ân hận cả.

No comments: