Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI 13

**

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

42.

Tôi nhận lấy từ tay ông hàng kính ba đồng rưỡi tiền bán chiếc bút máy và chiếc kính râm. Cầm được tiền rồi tôi hối hả chạy thẳng đến cửa hàng mậu dịch bên chợ Bo mua một cân rưỡi gạo nếp, rối vào chợ mua thêm nải chuối tiêu chín, gói hoa ngâu, mấy thẻ hương và một xấp giấy tiền. Cho tất cả vào chiếc bị cói, ba chân bốn cẳng tôi chạy về làng. Cứ nghĩ đến cảnh chiều nay mẹ tôi được rửa lại cái chõ bị bỏ mốc meo từ ngày Đội về đến giờ để đồ xôi, anh em được bày lại mâm cỗ cúng và được một tay chim chim nắm xôi, một tay tống vào ngập miệng miếng chuối tiêu trứng cuốc là tôi thấy chả còn gì vui hơn là được về làng. Với lại vui nhất là ngày hôm nay, tàn bạo như Diêm vương còn nghĩ đến chuyện ân xá cho tội đồ, nữa là với cán bộ cách mạng như những ông Đội.

Cây cầu Thẫm, bắc qua con sông đào vào làng tôi đã hiện ra trứoc mặt. Tôi vui vẻ bước lên cầu. Không ngờ từ xa chạy lại hai cô du kích, áo bà ba, dây da thắt ngang bụng, từ xa vác súng trường chạy tới.
- Trong làng có đấu trường, không được đi lối này mà phải vòng theo lối mả Vần kia!

Tôi nhìn về phía chợ Thông, đầu làng tôi. Đỏ rực một rừng cờ, rừng băng biển, khẩu hiệu và đen sì một biển người, cơ man là người, đông hơn cả phiên chợ ngày giáp tết.

Họ “thiết quân luật” thế này, chắc là có xử bắn, xử chém gì đây. A, đúng là thế rồi, nếu không sao hôm nay Đội lại cấm gia đình tôi ra khỏi nhà. Nghĩ thế chân tay tôi cứ rủn cả ra.

Mấy hôm nay các xã liên tục diễn ra các cuộc hành hình địa chủ. Mới hôm kia là tràng tiếng súng nổ khô đanh vọng lại từ xã Minh Quang, chung cánh đồng với xã tôi. Người ta bảo đó là tiếng súng xử tử ông Cửu Giảng. Ông Cửu Giảng tính tình hiền lành, nho nhã. Mẹ tôi vẫn thường bảo, cái tước “Cửu”ấy, chẳng qua chỉ là sự mua danh bán tước thời trước. Mà có được cái đấy để ra oai với làng nước, ông đã phải bán đi cả 6 mẫu khoai lang nên nhiều người ở vùng tôi cứ gọi đểu ông là ông Cửu Khoai.

Khổ thân ông, ngày xưa, ông sang trọng với cái hư danh ấy thế nào không mấy ai biết nhưng giờ đây ông khổ vì nó thì nhiều người chứng kiến.

Xử tử ông Cửu Giảng hôm trước, hôm sau có một người ở Mỹ Bổng xuống cánh đồng làng tôi bẫy chim xâm giun, thấy vắng vẻ, đã ghé tai lúc tôi đang xới lúa giữa đồng, nói nhỏ:
- Ông Hàn Lơn bị bắn chiều hôm qua rồi. Khổ, già rụng hết răng mà còn bị tố là phạm tội hiếp dâm.

Cụ Hàn Lơn là thân phụ người vợ trước của bố tôi. Mẹ tôi là vợ kế, bố tôi cưới, sau khi bà trước mất đã đựơc ba năm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn gọi cụ bằng ông (ông ngoại) và cụ cũng coi chúng tôi như những đứa cháu ruột thịt. Cũng như ông nội tôi, như ông Cửu Giảng, “Hàn” chẳng qua cũng chỉ là trò mua danh bán tước.

Nếu được nói tóm lược một câu về người ông ngoại bất đắc dĩ này của tôi, tôi xin nêu: đây là một trong những con người khổ nhất trần gian.

Bởi lẽ ở đời có hai cái thuộc hàng sung sướng cũa mỗi con người, là cái ăn, cái ngủ. Thì, đây cái ăn, như bố tôi thường kể, dù trong nhà có ba bốn cái ao, xây gạch quanh bờ, cá dầy đặc như rươi chỉ cần rắc vài hạt cơm là có thể xúc lên cả rổ. Vậy mà chỉ khi nào cá chết (do mật độ dầy quá) nổi trắng, trương phềnh… bản thân cụ và đám con cháu, người làm mới được vớt lên ăn. Còn cơm. Cũng thế. Toàn thứ gạo mục chất trong kho hàng chục năm liền. Đưa bát cơm lên miệng, mùi mốc xực vào mũi, chỉ nhắm mắt mới nuốt nổi.

Và đây, cái ngủ. Bố tôi kể, cụ không bao giờ dám ngủ nằm. Mà là ngủ ngồi, dựa lưng vào tường mà ngủ, cái áo bađờxuy trùm người, bất kể mùa đông hay mùa hè, lạnh hay nóng. Hẳn là cả đời lo lắng, tính toán cho sự làm giàu, và tâm lý cảnh giác đề phòng mất của… đã tạo nên cho cụ thói quen kỳ quặc ấy.

Ngoài những nét vẽ kỳ dị tướng về cụ Hàn Lơn, bố tôi lần đầu còn hé mở cho tôi biết một bí mật về cụ mà đến lúc ấy chưa ai hay biết. Bố tôi biết được vì ngày xưa ông là con rể cưng được bố vợ tin tưởng chuyện gì cũng cho biết, việc gì cũng nhờ làm.

Thì ra trước ngày Cách mạng tháng 8 thành công, trong một lần lên Hà Nội chơi, tí tửng thế nào, cụ lại sa vào nhà chứa để rồi mắc phải cái bệnh bệnh lậu quái quỷ mà hồi đó, tuy mở bất cứ tờ báo nào cũng gặp những lời quảng cáo thuốc đặc trị nhưng kết cục cụ vẫn cứ phải bán đi hẳn nửa gia sản mà vẫn không sao thoát khỏi lưỡi dao oan nghiệt của bác sĩ, khi cực chẳng đã, phải cắt phéng đi gần hết cái của quý đó, để cuối cùng cụ trở thành người xạ thủ có đạn mà không có súng.

Vậy mà nay người ta lại khép cụ vào cái tội mà dù có muốn cụ không thể nào thực hiện nổi. Đã vậy người ta còn lấy đó làm cái cớ để xử tử cụ. Thật vô lý! Hết sức vô lý.

43.

Vậy rất có thể hôm nay người ta mở đấu trường xử án bố tôi.


Cách đây gần một tháng bố tôi đang xách hòm dao kéo đi cắt tóc rong cho đám trẻ con ở ấp Thiện Tùng, ven biển, thì bị một thanh niên với tinh thần cảnh giác cao độ ‘mỗi người dân là một người công an” đang ngồi uống nước với đám bạn bè thấy người lạ, liền xông đến hỏi giấy tờ, bố tôi có tật giật mình, đã thật thà khai báo nơi tạm trú của mình, một gia đình trước đó mấy chục năm đã được ông nội tôi cưu mang cấp đỡ tiến bạc. Gia đình này cũng đang bị địa phương chụp mũ là quốc dân đảng nên khi nghe nói thế đã sợ quá khai hết lai lịch của bố tôi với xã sở tại. Đội của sở này lập tức thông báo về quê tôi. Hôm sau Đội Khoảnh đã cử lão Kền đi xuống Tiền Hải bắt giải bố tôi vế. Hôm hắn cùng hai du kích xã dẫn giải bố tôi về làng, khốn khổ làm sao tôi lại phải chứng kiến.

Chiều hôm đó, tôi đi chăn bò. Cái điếm đất đầu làng vẫn làm nơi cho du kích ngủ canh đêm vừa bị bão đổ sập, úp chụp cái mái tranh xuống vệ cỏ, thành chỗ tránh nắng đám trẻ chăn bò. Tôi nhớ mãi lúc ấy đuổi được con bò vào sâu trong mả Vần, tôi nằm dài trên cỏ đọc nghiến ngấu cuốn sách nhỏ vừa bằng bàn tay, giấy đen sì, đầy cọng rơm, có tên ngòai bìa là “Hồ chủ tịch của chúng ta” của tác giả Nam Mộc mà tôi chẳng biết là ai.


Hình như đó là cuốn sách tôi mua được bằng tiền bán lá chè rụng tôi gom trong vườn mất mấy ngày mới có được. Mua ở hiệu sách của anh Thuỳ, lèo tèo dăm ba quyển.

Cuốn sách này và cuốn Luật cải cách ruộng đất như đã nói, là hai cuốn sách có được trong nhà tôi lúc ấy. Một cuốn cho tôi soi vào hiện tại, một cuốn cho tôi nghĩ tới tương lai.

Một cuốn buồn, một cuốn vui. Cuốn buồn vì thấy những dòng chữ ghi trong đó chẳng gì giống với hiện tại, là nói một đằng làm một nẻo, là nói rằng với với những gì hiện có thì gia đình tôi không thể nào là địa chủ được, vậy mà thực tế, đã là địa chủ, thậm chí địa chủ đầu sỏ. Cuốn vui vì tìm thấy trong đó một hướng đi và một nghị lực.

Đọc xong cuốn sách tôi thấy phấn chấn lạ thường. Tôi chui ra khỏi căn lều đổ chật hẹp và hôi thối . Nhưng chui ra rồi lại chui vào. Những câu khẩu hiệu kêu gọi phải tiêu diệt tận gốc cái giai cấp địa chủ mà gia đình tôi bị khoác vào đầu một cách oan uổng và vẻ mặt lạnh tanh đằng đằng sát khí của những người nông dân đang đi ngang qua trước mặt tôi kia, làm tôi mất hết cảm hứng, làm lan toả trong huyết quản tôi một nỗi chán chường vô hạn.

Tôi phải làm sao thoát khỏi hoàn cảnh này? Làm sao thoát khỏi cái làng Thông nhỏ bé này? Nhưng thoát để làm gì? Để chống lại cái tôi yêu mến, tôn thờ hay sao? Không, không bao giờ muốn làm thế, thậm chí tôi còn sẵn sàng chống lại đến cùng nếu ai xúi giục tôi làm điều ấy. Nghịch lý là ở chỗ ấy. Trớ trêu là với những người đang coi tôi là kẻ đối nghịch kia, tôi lại đang muốn được đứng trong hàng ngũ của họ. Khốn khổ cho tôi là trong khi tôi muốn đi với họ, đi cùng với họ đến tận cùng thì họ lại cứ lăm lăm tìm cách lánh xa tôi, đánh đuổi tôi.
- Ôi rắc rối quá!

Tôi lại chui vào lều đọc sách. Rồi lại bỏ sách xuống và lại buồn bã chui ra. Bỗng tôi nhìn thấy một đoàn người từ trong làng đang rầm rập rồng rắn chạy phía cầu Thẫm như chạy vỡ đê. Thấy lạ, tôi vội vã chạy theo. Tôi bước lên cầu đúng lúc có một người nhảy qua lan can định nhảy xuống con sông nước đang chảy cuồn cuộn. Bị dây thừng trói tay kéo lại người nhảy cầu treo lơ lửng tòong teng trong không gian như con ngoé bị mắc vào sơi dây câu. Đám du kích đi theo kẻ nhảy xuống sông, người xúm lại hò reo kéo “con ngóe” lên thành cầu. Và con ngóe ấy đã được lôi lên. Bấy giờtôi mới nhận ra người vừa định nhảy sống tự tử ấy chính là bố tôi. Ông vừa bị giải từ Tiền Hải về.

Ngay sau đấy bố tôi tiếp tục bị giải về làng. Hai cánh tay vẫn bị trói chặt ra sau lưng bằng sợi thừng bò và thực sự bố tôi cũng đã biến thành bò khi người du kích áp giải cứ giật giật sợi dây thừng, điều khiển muốn ông đi nhanh hoặc chậm. Bố tôi vẫn mặc nguyên bộ quần áo gụ thường ngày. Tôi vẫn còn nhìn thấy “con trai” úp vỏ chặt bên trái cổ, cái khối u vẫn được dân làng đồn là: “Con trai ấy là báu vật trời cho của lão. Con trai càng to lão càng giầu”. Giầu đâu chả thấy chỉ thấy hôm nay đám trai làng hiếu kỳ cứ nhắm chỗ ấy mà đá, mà đạp, mỗi lần đá lại thêm một tràng cười: “ Này, báu vật trời cho này. Tao phải đập cho nó nát ra để chúng mày cùng nghèo cùng khổ như chúng tao!”. Mỗi lần họ đấm đá, bố tôi chỉ còn biết co rúm người lại như con sâu.

Một lúc sau tôi thấy ông nằm đuỗn đuồn như một xác chết.
- Nó giả vờ đấy !

Tôi không dám nhìn bố tôi nhưng cái bụng trắng ởn, trương phềnh, to kềnh như bụng con lợn rọ của ông cứ đập vào mắt như buộc tôi phải chấp nhận sự trói buộc của số phận. Cái bụng ấy đang phồng lên xẹp xuống từng nhịp, từng nhịp.

Đúng lúc ấy, vâng đúng lúc ấy, tôi lại nhìn thấy Én ma ám của lòng tôi. Đã lâu lắm rồi hôm nay tôi mới lại thấy mặt nàng. Hình như nàng cũng tham gia đội du kích áp giải bố tôi về làng. Tim tôi nghẹn lại.

44.

Theo chỉ dẫn của cô du kích, tôi men theo cái lối mòn cỏ mọc um tùm hai bên đi đến đằng sau cái miếu có tên mà bọn trẻ chúng tôi rất sợ: miếu Am Hồn, ngôi miếu ẩn mình giữa mênh mông hai cánh mả là mả Vần và mả Cao, với hàng nghìn ngôi mộ nằm sát bên nhau lúc nào cũng như đang nằm im phục sẵn để chờ hễ có ai đi qua thì bật dậy quật ngã xuống mồ.

Không khí liêu trai đã ghê rợn. Càng ghê rợn hơn khi trước mắt tôi là một hình ảnh, đúng hơn một vật dụng mà trong đời con người không ai mong nó xuất hiện. Vật dụng ấy là… cỗ quan tài, gỗ còn rất mới và chắc chắn còn thơm nguyên mùi nhựa cây. Tôi bật người run bắn lên khi nhìn thấy một chữ viết bằng phấn trắng trên mặt tấm ván thiên. Chữ LÂN, tên bố tôi.

Đó cũng là lúc từ “đấu trường” chợ Thông xoáy lên qua loa sắt tây giọng nói khàn khàn vịt đực của lão đội Khoảnh: “Đã đến giờ khai mạc phiên toà, đề nghị đồng bào trật tự!”. Tiếp đến là những tiếng hô rúng động trời xanh: “Hoan nghênh toà án nhân đặc biệt huyện …!”. “Hoan nghênh ! Hoan nghênh !’. Mãi về sau, tôi mới hiểu thì ra, “đặc biệt” là như thế. Là chưa xử đã biết kết quả phiên toà. Chưa tuyên án mà đã để sẵn quan tài ngoài kia chờ mai táng bị cáo. Là, toà chỉ có buộc tội chứ bị cáo không có quyền cãi lại. Đặc biệt nữa là, ngồi ghế chánh án và xét xử là bà Đề, ông Kền, ông Tủng, ông Cấp, ông Nữu… toàn những người mù chữ, đi chợ vẫn còn phải lội bùn, vậy mà lại đứng ra dùng điều nọ, luật kia để buộc tội người khác.

Từ miếu Am Hồn tôi phải đi tắt qua mả Vần mới đến được chợ Thông. Tôi lại bàng hoàng khi nhìn thấy bên cạnh lối đi là một lỗ huyệt đã đào sẵn nông choèn choèn, màu hoàng thổ mới quật lên còn vàng tươi nhẽo nhoẹt như đất vừa chảy rỉ nước vàng từ vết thương trong lòng đất.

Tôi lẻn vào bãi đất trống trong chợ, nơi buổi sáng dùng làm nơi mua bán gà lợn, tìm chỗ khuất để ngồi. Không ai nhìn thấy tôi nhưng tôi thì nhìn thấy tất cả. Tôi nhìn thấy cuối bãi sừng sững một ngôi kỳ đài, kết bằng tre, bằng chuối, lá móc, lá đùng đình, ba bề bốn bên phấp phới, phần phật tung bay phông màn, cờ, khẩu hiệu những vị ngồi ghế xét xử, uy nghiêm, cứng đơ, ngu ngơ như những cục đá. Đau lòng nhất là tôi lại bị nhìn thấy bố tôi đang bị nhốt trong cái lồng đan bằng tre tươi, như cái trỗng lợn, đang run rẩy, sợ sệt như một con vật sắp bị đem cắt tiết.

Còn chung quanh tôi tất nhiên là một biển người, một rừng cờ đang im phăng phắc như thời tiết lúc đất trời đang sắp sửa nổi cơn giông. Tôi cố gắng tìm xem trong cái biển người này có En của tôi không. Đã mấy tháng nay, sau cái lần nhìn thấy En trong đám áp giải bố tôi, tôi không thấy nàng lần nào nữa. Tôi nhìn mãi mà không thấy nàng đâu.

Loa sắt tây lại vang lên tiếng nói. Tôi ở xa quá và sân chợ rộng quá nên không nghe được ai đang nói gì. Chỉ thấy trên cái sân khấu lộ thiên kia, người ta đang thi nhau diễn kịch câm, hết giơ nắm đấm lên trời lại vỗ hai tay vào nhau, để bên dưới, cứ theo từng động tác hình thể ấy, khán giả đồng loạt khi thì gân cổ lên hô “đả đảo, đả đảo”, khi lại vỗ tay gào lên “hoan hô, hoan hô”.

Bằng cách truyền khẩu người trước cho người sau, tôi biết đây lúc ông bà nông dân đang lần lượt lên vạch mặt tố khổ bố tôi. Tôi lủi dần lên phía trên để nghe cho rõ hơn. Lúc đầu tôi vẫn phải nghe những câu giáo trò cho các “bài” tố khổ đang trở thành nhàm chán. Nào vẫn là: “Mày cúi mặt xuống, mày vểnh tai lên”, vẫn là: “Mày có biết tao là ai không?” và các động tác kèm theo như ấn đầu, véo tai, dí trán, hất cằm …. Tiếp nữa là những điệp khúc từng du dương trong những cuộc tố khổ cấp xóm, cấp thôn như khóc, như gào, như muốn thấu tận trời xanh.

Tôi dửng dưng trước mọi câu tố khổ kiểu này. Vì nó bịa đặt, vu khống, bắt chước nhau, là lời nói của những con vẹt. Vì nó là những bài học thuộc lòng được các ông Đội dạy cho từ mấy hôm trước. Tuy vậy cũng không thể coi thường. Nó vô cảm nhưng lại có khả năng giết người. Trong số những lời tố khổ này, tôi đặc biệt chú ý đến lời tố của mấy người sau đây. Của ông Uẩn, một nông dân cùng xóm với tôi.
- Lân, mày còn nhớ không, ngày trước có lần mày dụ tao vào Đảng, cái Đảng có lá cờ đỏ mang hình búa liềm ấy, chứ không phải cờ nửa xanh nửa đỏ của cái đảng Dân chủ gì đó, tao vẫn thường thấy ở nhà thằng Sáu em mày đâu. Đảng ấy là đảng gì, mày khai ra trước toà đi!

Trên ghế quan toà, tôi thấy đội Khoảnh ngó ngó nghiêng nghiêng tỏ ra lúng túng. Chắc hẳn ông ta không ngờ trong đám học trò của mình có người lại trả bài lạc đề đến vậy. Đội Khoảnh luống cuống đập tay xuống bàn định không cho lão Uẩn tố tiếp nữa, nhưng do lão điếc lại đang đà cao hứng nên cứ phớt lờ, càng hét to hơn :
- Nói, cái Đảng ấy là Đảng gì? Ngoan cố hả?

Lão Uẩn giơ tay định táng mạnh vào mặt bố tôi nhưng bố tôi đã kịp né được. Bố tôi thản nhiên thủng thẳng trả lời:
- Thưa đó là đảng Cộng sản, nay là đảng Lao động Việt Nam ạ, không tin ông hỏi các ông đội ạ!.

Cả quảng trường, người hiểu chuyện thì cười ồ lên, người không hiểu thì cứ ngơ ngơ ngác ngác như nghe chuyện trên cung trăng. Đội Khoảnh phải vỗ hai tay vào nhau dẹp trật tự. Bố tôi là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Ong bị gián đọan với tổ chức Đảng vào cuối năm 1951, khi ông theo gợi ý của cấp trên, muốn để bà con yên ổn làm ăn, tránh những cuộc vây ráp, càn quét của giặc, đã đứng ra làm xã uỷ trong cái hội tề “ấm ớ”, ban ngày ra trụ sở làm giấy căn cước cho bà con đi lại dễ dàng, ban đêm về họp với các cán bộ Việt Minh và sau đó không lâu đã bị bọn phòng nhì của Pháp tống giam vì tội hoạt động hai mang.

Một lời của lão Kền:
- Lân! Mày có nhớ cái đợt giặc càn vào làng hồi đầu năm 1951 không. Mày lên đê giả vờ đánh rơi mũ để làm ám hiệu cho máy bay giặc đến ném bom làm chết một lúc mấy người dân vô tội, mày có nhớ không.
- Dạ, nhớ ạ!

Bố tôi chỉ gật đầu, chứ khônglắc hoặc cãi lại nửa lời.
Tôi đã bắt đầu cảm thấy buồn chán, đang không muốn nghe nữa thì đúng lúc có một thanh niên hùng dũng bước lên. A thì ra Tuý, con chú Hai tôi. Như trên đã nói, Tuý có may mắn hơn tôi là khi lớn lên, toàn bộ gia sản nhà anh được ông nội chia cho đã bị chú tôi thua cờ thua bạc đem bán sạch sành sanh nên bây giờ hắn ta mới được hạnh phúc trở thành bần nông. Tôi lắng nghe xem Túy sẽ tố bố tôi và cũng là bác ruột của Tuý những gì. Không biết, liệu có ăn phải bả của đứa con bất hiếu ở xã bên khi anh ta kéo ngược mặt bố lên mà quát hỏi” “Mày có biết tao là ai không?”-“Dạ, thưa con biết ạ. Ong là con của con, do vợ con ngủ với con mà sinh ra ạ.”- “Mày có nhớ ngày còn bé, tao chuyên trốn học đi chơi, mày đánh tao, bắt tao đi học không?”- “Dạ có” – “Do đó, tao mới thành người có học và có việc làm, để tao không bị nghèo khổ và để bây giờ tao không được trở thành bần cố nông như mọi người. Mày có biết không?”.

Chắc Tuý không thể nào táng tận lương tâm như thế được, tôi nghĩ. Vì dù sao chú ấy cũng người hiền lành, tử tế, lại có học, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Vậy mà lạ thay Tuý đã sáng tác ra câu tố phải nói là “bất hủ”, câu nói sau đó trở thành nổi tiếng ở làng tôi: “Cả Lân mày có nhớ không. Hồi mẹ mày ốm nặng, ăn lắm ỉa nhiều. Sáng nào mày cũng bắt đám cháu chắt chúng tao phải mang giành cứt của mẹ mày đi đổ, thối ơi là thối, thối không chịu được!”.

Mẹ mày, tức là cụ bà Hàn Bằng, bà nội của tôi và cũng là bà nội của chú ấy.

Phần tố khổ đã xong, tiếp đến là phần tuyên án. Cả bãi chợ rầm rầm đứng dậy và im lặng đợi chờ.

Cho đến nay, do thời gian qua đi đã lâu và cũng vì lúc đó tai tôi ù, mắt tôi hoa lên, không còn nhớ được hết bản án hôm ấy, chỉ nhớ được câu cuối cùng, do phó chánh án Phạm Văn Khoảnh, tức Đội Khoảnh đọc: “Như vậy, với 2 tội danh không thể tha thứ được, một là, bao chiếm đất đai, bóc lột địa tô, địa tức, hai là phản động, theo giặc lên bốt làm tề, giết hại nhân dân…Toà án nhân dân đặc biệt huyện…tuyên án tử hình tên Nguyễn Đức Lân. Bản án sẽ được thi hành ngay sau khi tuyên án”, tôi kinh hoàng như vừa nghe thấy phát đạn vừa bắn trúng vào đầu mình.

Lại một lần nữa bãi chợ nổ bùng như động đất, tràn đầy tiếng hò reo, tiếng hô đả đảo và tiếng trống ếch hoan hỉ dậy trời.

Ông bố khốn khổ của tôi bị bịt mắt bằng giải băng đen rồi được dẫn đi ngay. Đám đông lại háo hức đổ xô chạy theo để xem như xem một trò vui. Tôi đứng sững tại chỗ, định chờ lát nữa người ta đi hết thì lẻn về nhà. Nhưng thấy không thể đứng trơ trọi một mình giữa bãi, lại cũng vì muốn được nhìn mặt bố tôi lần cuối nên tôi cũng ùa theo mọi người ra chỗ xử bắn. Cái bị cói, đựng đồ cúng cô hồn mà tôi mới mua ở thị xã về bị người ta xô rơi xuống đất, tôi cúi xuống chưa kịp nhặt lên đã bị ai đá một cú thật mạnh, gạo, chuối, hương hoa, giấy tiền rơi bắn tung tóe.

Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi cũng đã có mặt bên cọc bắn. Bố tôi bị trói chặt vào cây cột (bằng gỗ hay bằng tre, tôi không biết nữa) đã dựng sẵn bên mé chợ, sát cạnh khu mả Vần. Bố tôi đứng thẳng, rất thẳng là khác, lưng dựa sát vào thân cột vẻ mặt thản nhiên, thậm chí cái miệng hơi mỉm cười, như coi thường chuyện sắp xảy ra.

Ba người du kích với sáu khẩu súng trường đã được lệnh quỳ xuống. Trong số này, tôi biết có anh chàng Phổng, cố nông, lâu nay rất yêu En và muốn hỏi En làm vợ nhưng không được En đáp lại, tuy vậy anh ta vẫn không lấy đó làm điều buồn giận, trái lại vẫn luôn tìm cách gần gũi En hơn, thậm chí còn tìm mọi cách để lấy lòng Én. Tiếng lên quy lát đạn lách cách nghe ghê rợn. Tôi lẩn thẩn nghĩ: Không biết trong giây phút này bố tôi nghĩ gì? Có sợ không nhỉ? Chắc là sợ lắm. Mà sợ nhất, chắc không phải là bản thân cái chết mà là sự chờ đón nó đến.

Có lẽ lúc này tôi sợ hơn bố tôi . Để bớt sợ tôi chỉ còn cách lấy hai ngón tay cái bịt chặt hai lỗ tai lại. Nhưng sao mà bớt sợ được khi tai tôi vẫn còn nghe được rõ mấy tiếng nổ lục bục, lục bục. Tôi bỏ tay ra khỏi tai, mở to mắt nhìn. Tôi không tin ở mắt mình khi thấy bố tôi vẫn hiên ngang sừng sững bên cọc bắn. Rõ ràng bố tôi không chết. Rõ ràng bố tôi còn sống. Thậm chí ông còn khẽ nhếch miệng mỉm cười nữa kìa. Lão Đội Khoảnh luống cuống, la hét um xùm. Lão gọi Kền đến chửi như té nước vào mặt: “Đồ vô tích sự! Thế mà cũng đòi làm chỉ huy đội bắn! Anh có biết anh cần phải làm gì lúc này không!”Lão Kền mặt xanh lợt như người sốt rét, chân tay run lẩy bẩy. Tôi thấy lão lấm lét nhìn trước nhìn sau rồi lảo đảo chạy về đám thanh niên đang tay cuốc tay mai, chuẩn bị chôn cất bố tôi. Lão hồng hộc chạy đi rồi hồng hộc chạy lại. Lúc chạy lại tôi còn kịp nhìn thấy lão xách theo một cái cuốc. Đến trước mặt bố tôi, lão thẳng tay giơ cao lưỡi cuốc lên… Anh nắng buổi chiều mùa hè loé lên loang loáng. Tôi choáng váng. Mắt nổ hoa cải xanh đỏ tím vàng. Tôi ngã vật xuống đất chợ. Bất tỉnh.

Sau này tôi được nghe kể lại, bị nhát cuốc đầu tiên bổ vào đầu, bố tôi vẫn còn sống, vẫn còn vươn được hai cánh tay đưa lên đầu chống đỡ và chắc chắn ông sẽ còn giơ mãi hai cánh tay ấy như giơ cái dấu hỏi lên không trung cho đất trời thấu hiểu nỗi oan khốc của ông, nếu như lão Kền không phải bổ đến nhát cuốc thứ hai. Lúc này, bố tôi mới chịu ngã và từ từ duỗi thẳng hai chân, hai tay ra, cứng đơ như con gà vừa bị cắt tiết. Còn mắt ông thì lại vẫn mở trừng trừng.

Những người chứng kiến còn kể khi bố tôi thực sự chết rồi, lão Kền mới dám đến bên xác ông, rụt rè thò tay móc vào túi áo. Mọi người nín thở căng mắt theo dõi. Sẽ là cái gì trong túi áo ấy? Một tập tài liệu phản động chăng? Hay một mớ truyền đơn phản đối cuộc xử tử bất công, vô lý mà ông dự định sẽ tung ra trước khi bị hành hình. Hay là…vàng. Nói đến địa chủ là người ta thường nói đến vàng mà.

Cái vật cồm cộm giấu trong túi áo bố tôi được lôi ra. Mọi người chưng hửng. Oi, hoá ra đó lại là nắm cơm bọc lá chuối.
- A, xôi gấc!

Một người nào đó ở xa kêu lên. Rồi cũng vẫn tiếng nói đó:
- Mẹ kiếp, địa chủ có khác , chết đến đít rồi mà vẫn còn được ăn xôi gấc.

Lão Kền nghe thấy thế, tức vì từ sáng đến giờ nhịn đói không có gì độn bụng, đã chạy đến giật lấy nắm cơm giơ lên cao, chửi đổng:
- Xôi, cái con c… Cơm nhuộm máu thì có.

Hôm ấy tôi không nhìn thấy nắm cơm này. Nhưng nhiều năm về sau, tôi liên tục nhìn thấy nó trong những bữa ăn, bữa cỗ có xôi gấc hoặc thứ thức ăn gì đó có màu hồng, màu đỏ. Đến nỗi từ đó tôi không dám ăn xôi gấc nữa.

Bố tôi chết tức tưởi như thế đó. Ông đâu có ngờ rằng sau đấu tố sẽ bị xử tử ngay. Chắc ông dù có giỏi tưởng tượng cũng chỉ có thể nghĩ rằng làm xong việc này, giống như sau mỗi lần họp phê bình kiểm điểm thường kỳ, ông có quyền được nghỉ ngơi, được ăn uống, được tự nhiên bóc gói lá chuối, lấy nắm cơm ra mà ăn, ăn ngon lành, vì từ sáng đến giờ, ông đã có cái gì trong bụng đâu! Với lại, hôm nay lại là ngày rằm tháng 7 âm lịch, đến các tội đồ dưới âm phủ còn được xá tội nữa là với con người. Lại nữa, chắc chắn khi bước đến đây bố tôi không thể nào biết được ông mắc phải tội gì và tội ấy, làm gì mà phải bị phạt bằng cái chết .

Ngay sau đó mấy người du kích nắm chân bố tôi xềnh xệch lôi ra chỗ đặt quan tài. Máu rỉ ra nhuộm ướt đầm đìa lớp lá cỏ trên đường đi. Bao nhiêu năm sau ai qua đây cũng thấy rợn người. Tôi để ý thấy nhiều ngày sau, đám bò thả rong trong mả Vần cứ ăn cỏ gần đến chỗ đó là chúng phì phò hít hà hai lỗ mũi rồi cong đuôi chạy lồng lên như bị ong đốt đít. Chúng sợ máu đến thế là cùng.

No comments: