Wednesday, November 11, 2009

NƯỚC MẮT MỘT THỜI I

NƯỚC MẮT MỘT THỜI
(Tiểu thuyết của Nguyễn Khoa Đăng)

1.

Không thể ngờ được, vâng hoàn toàn không thể ngờ được, người ni sư già nua, khuôn mặt hốc hác như xác ướp Ai Cập đang thoi thóp thở ôxy trên chiếc giường trải nệm trắng muốt kia, lại là Én của tôi. Cũng không ngờ khuôn ngực lép kẹp mỏng dính như lá lúa ấy lại chính là bộ ngực thanh xuân căng cứng sau làn áo rách mà ngày ấy tôi vô tình bắt gặp cứ gây xôn xao trong tôi mấy chục năm trời. Ngày ấy nhà Én nghèo lắm. Manh áo rách chẳng sao che đủ tấm thân con gái đang ở tuổi dậy thì .

Mấy hôm trước tôi ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Một buổi trưa có một người đàn ông khoảng 30 tuổi, dáng vẻ quê mùa, ngồi sau người lái xe ôm, lần theo địa chỉ ghi trên tấm giấy anh ta cứ giữ kè kè trên tay, tìm được đến nhà tôi. Tôi không thể nhận ra được người này là ai, mãi đến khi cậu ta tự xưng là người của chùa Báo Thiên nơi ni sư Diệu Hằng đang tu hành, tôi mới phần nào đoán ra câu chuyện.

Anh thanh niên buồn buồn nói với tôi sau khi ngồi xuống ghế:

- Cháu là Tuệ, từ chùa Báo Thiên vào đây. Bác nhớ ra chưa.


Tôi ầm ào ờ ờ cho qua chuyện, chứ thực lòng, tôi không muốn nhắc đến chuyện ấy. Bốn mươi năm lăm, gần hết một đời người rồi, cái gì đã qua cho nó qua luôn, còn nhắc lại làm gì. Nhưng anh thanh niên này không để cho tôi quên. Anh ta nhìn tôi như thôi miên rồi rơm rớm nước mắt:

- Bác ơi, sư cô Diệu Hằng sắp mất rồi!


Buộc lòng tôi phải hỏi lại:

- Sư bị bệnh gì .

- Thưa, bị ung thư giai đoạn cuối. Đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Kể ra cháu cũng chẳng vào đây tìm bác làm gì, nếu như nhà sư không rất mong được gặp bác vào những giây phút cuối đời này. Bà bắt cháu phải vào đón và mua vé cho bác bay ra ngay.

- Sao anh biết địa chỉ của tôi.

- Cháu hỏi nhà báo Hải Minh ạ…

- À, mà này, tôi hỏi thật nhá. Sư cô liên quan gì đến tôi.

Anh thanh niên nhìn tôi ngượng nghịu trả lời:

- Có chứ! Nếu không, cháu nghĩ lần ấy bác chả cần phải đến chùa Báo Thiên làm gì.

Tôi hơi giật mình, tưởng anh chàng này không còn nhớ gì đến chuyện cũ nữa, vậy mà ai ngờ. Đến nước này, tôi đành phải hỏi thật:

- Vậy hôm ấy sư cô có nhận ra tôi không.

- Cháu nghĩ là có, nhưng vì lần ấy, nghe sư cô nói lại thấy bác có vẻ còn giận lắm nên bà không muốn liên hệ tiếp nữa. Chỉ đến lần này thấy không còn cơ hội nào khác bà mới bảo cháu vào đây. Nghĩa tử là nghĩa tận. Cháu nghĩ bác không nên từ chối.

Tôi vội vã cùng Tuệ ra sân bay Tân Sơn Nhất mua vé bay ra Hà Nội ngay buổi trưa hôm đó.



2.

Ba năm trước, một hôm đang ngồi làm việc ở toà soạn một tờ báo mà tôi ký hợp đồng làm việc ngắn hạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được điện thoại của Hải Minh, bạn thân của tôi, một đạo diễn phim tài liệu truyền hình

nổi tiếng từ Hà Nội gọi vào bảo tôi bay ra gấp vì có một việc rất cần. Thế là tôi thu xếp đi ngay. Ra đến nơi mới được biết Hải Minh đang cần tôi viết gấp cho anh một kịch bản về 22 nhà sư nữ hiện đang tu hành ở 22 ngôi chùa trong tỉnh X, đều có chung một quá khứ là thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Khi hết chiến tranh, tuổi xuân qua đi, các chị không có cơ hội lập gia đình nên đã rủ nhau vào chùa xuống tóc quy y nương nhờ cửa phật. Trong số này, Hải Minh đặc biệt lưu ý tôi một ni sư pháp danh là Diệu Hằng, vừa là cựu thanh niên xung phong, vừa là thương binh, thương tích 2 trên 4, mất hẳn con mắt trái và nhiều vết thương phần mềm khác, hiện có hàng chục viên bi đang còn găm trong đầu. Theo Hải Minh, hiện nay điều khó khăn nhất cho các nhà báo nhà văn là Diệu Hằng kiên quyết không chịu hé lộ về nhân thân của mình. Ni cô có kể thì cũng chỉ kể về những thành tích chung của đơn vị mà ngày đó ni sư tham gia. Vì thế người ta mới chỉ biết quê quán của bà là tỉnh Hải Dương, còn xã nào, huyện nào thì cũng chẳng ai biết được.

- Chuyện hay đấy, ông hãy uốn ba tấc lưỡi khai thác nhân vật này xem sao. Chúng ta sẽ có được bộ phim nổi đình đám đấy!

Hải Minh bảo thế. Anh thân với tôi từ khi cả hai còn đang lớ ngớ chập chững bước vào con đường văn chương. Và sau đấy do hợp “rơ” nhau nên có đề tài nào hay hay anh cũng ới tôi, dù tôi ở thành phố Hồ Chí Minh trong khi anh ở Hà Nội cách nhau cả ngàn cây số.



Kinh nghiệm cho thấy với những nguyên mẫu nhân vật bí hiểm và độc đáo như thế này, viết về họ, sáng tác về họ, tác giả sẽ dễ thành công hơn. Thế là máu nghề nghiệp nổi lên, tôi thu xếp công việc bay ra ngay. Theo cái sơ đồ địa chỉ mà Hải Minh ghi lại đằng sau tờ lịch lốc, không khó khăn gì tôi tìm đến đúng ngôi chùa có tên Báo Thiên ấy.

Tôi ngạc nhiên khi thấy trong sân chùa sừng sững, xum xuê một cây ngâu hoa vàng có dáng mâm xôi như cây ngâu ở nhà ông Khán Vĩnh làng tôi ngày trước. Mùi thơm hoa ngâu ngập tràn không khí khiến cả khu vườn như được ướp hương. Rồi cái giậu bằng ruối cũng thế, vàng rực quả chín, lấp ló trong đám lá cây hàng trăm ngọn đèn nhỏ xíu . Lại nữa, hai bên cổng ra vào là hai dãy cây tầm xuân mùa này hoa đang nở rộ tươi tắn hồng hào, thứ hoa lúc nào cũng làm người thưởng ngoạn thấy cần có sự công bằng trong cách đánh giá. Rằng tầm xuân đẹp thua gì hoa hồng mà một bên suốt đời làm giậu, một bên chuyên sống trong chậu cảnh sang trọng.



Lần ấy, những thứ cây đặc thù này gợi cho tôi một cảm giác rằng hình như có một người nào đó đã thổi vào mảnh đất lạ này phần hồn của quê tôi, khiến ngôi chùa trở nên gần gũi thân thương.

Đang ngơ ngác chưa biết hỏi ai thì thấy có tiếng chân người bậm bịch trên mặt đất rồi một thanh niên đang làm vườn gần đó tất tưởi chạy ra. Cậu mặc y phục nhà chùa, quần nâu áo sồng, khoanh tay lễ phép: “Nam vô a di dà phật, thưa ông cần gặp ai ạ!”. Tôi nói ngay cần gặp sư nữ Diệu Hằng.



- Vậy mời ông vào trai phòng kia, chờ con vào bạch với bà ạ.

Tôi vào trai phòng ngồi lên chiếc tràng kỷ. Mùi hương trầm thơm dìu dịu ngây ngất. Trước mặt tôi là tấm bảng ghi nắn nót lịch sử ngôi nhà. Hoá ra chùa Báo Thiên tuy là chùa nhỏ không có tiếng tăm trong vùng nhưng cũng đã có tuổi trên một trăm năm nay, từ khi vùng đất này được cụ Nguyễn Công Trứ tổ chức dân chúng khai hoang lấn biển.

Đối diện với nơi tôi đang ngồi là ngôi chính điện, tuy nhỏ nhưng mọi chi tiết đều kiến trúc công phu với những nét chạm trổ tinh vi, mái cong, ngói âm dương, rồng chầu phượng múa, phảng phất những nơi thầy trò Đường Tăng thường gặp trên đường thỉnh kinh. Thoang thoảng bên tai tôi là tiếng mõ, tiếng chuông và tiếng tụng kinh lúc xa lúc gần. Khi những thanh âm đó ngừng bặt thì từ ngôi chính điện ấy bước ra một vị sư nữ già lưng đã hơi còng thùng thình trong bộ áo quần nhà phật. Đoán đây là ni sư Diệu Hằng, tôi đứng dậy chào. Nhà sư năm ấy khoảng ngoài sáu mươi tuổi, nghĩa là cũng chỉ xấp xỉ tuổi tôi nhưng bước đi đã tỏ chậm chạp khó nhọc. Do trời lạnh bà phải quấn thêm lên đầu chiếc khăn vuông nâu làm cho khuôn mặt bà đã tối lại càng u ám hơn. Đã vậy bà còn mang trên mặt cặp kính đen, chắc là muốn giấu đi con mắt không còn nguyên vẹn, tôi nghĩ thế.



Tôi liếc nhìn bà nhưng rồi phải vội quay ra hướng khác. Sao vị sư nữ này có cái gì giống En thế vậy. Cũng hai con mắt, tuy già rồi, vết rạn chân chim nhiều rồi nhưng vẫn không sao phai mờ được nét đẹp mê hồn của cô En ngày xưa. Cũng hai hàm răng tuy không sáng trắng như ngày xưa, nhưng vẫn là hàm răng đẹp, sít vào nhau, đều chằn chặn, được che bởi đôi môi giống như môi của người trong tranh. Đúng là En rồi. Tôi tự trấn tĩnh, cố gắng che giấu bớt những cảm giác không bình thường đang nổi dậy trong con người tôi. Như không dám nhìn thẳng vào mặt bà. Như không dám cất tiếng nói. Tình thế, buộc bà phải cất tiếng hỏi tôi trước: “Thưa ông cần gặp tôi có chuyện gì”.



Bây giờ thì tôi nhận ra cảm giác ban đầu của tôi là chính xác. Vì rõ ràng giọng nói ấy là của En, đích thị của En. Con người ta, thời gian có thể tàn phá tất cả nhưng chắc chắn giọng nói thì không sao biến đổi được. Trẻ thế nào già thế vậy.

Tim tôi thắt lại rồi lại nở bùng ra. Có thể là đây là duyên trời phật, người đã sắp xếp cho tôi cuộc kỳ phùng hội ngộ này. Nghĩ thế, tôi vui lắm, dợm chân định đứng dậy ôm chầm lấy En mà reo lên, ôi En của tôi, tình yêu của tôi, nỗi đau khổ tột cùng của tôi. Nhưng mảnh đất dưới chân tôi đã ghì tôi xuống và không khí như một bàn tay đã bịt miệng tôi lại. Không, đây không còn là En của thời tuổi trẻ của tôi, không còn là tình yêu của tôi nữa. Mà là lòng phản trắc, sự bội bạc. Là lòng căm thù.



Tôi lại ngồi xuống ghế. Và vẫn tuyệt nhiên không hé răng lấy nửa lời. Tôi thầm trách Hải Minh, bày vẽ làm chi để bây giờ tôi thấy khó xử.

Mấy chục năm nay, lòng tôi đã lạnh, vết thương lòng đã se da kín miệng và làng quê tôi cũng đã quên con người này rồi.

Ngày nay người trẻ thì không biết gì đến En. Người lớn tuổi thì nói Én đã chết lâu rồi. Ngày ấy, sau giây phút kinh hoàng của gia đình tôi, Én đã bí mật bỏ làng ra đi. Người làng đồn bảo Én đi theo lão Đội Khoảnh về Ninh Bình, làm vợ hai của lão rồi không chịu nổi cảnh ghen tuông quá quắt của mụ vợ cả, En đã phát điên đâm đầu vào đoàn tầu hoả mà chết không toàn thây. Nhưng lại có người bảo ngay ngày ấy, Én đã nhẩy xuống sông Hồng tự tử, mà nguyên nhân vì trót mang thai với lão đội Khoảnh nổi tiếng dâm dục rồi bị lão bỏ rơi. Tóm lại có cả hàng tá tin đồn khác nhau về En mà tin nào nghe cũng đau tai nhức óc.



Ôi, vậy thì tôi còn gặp lại con người này làm gì nữa. Quân phản phúc, kẻ bất nhân. Bất giác, tôi hé miệng cười mỉa một mình. Vậy mà cô ta còn táng tận lương tâm nhờ đến sự chở che nơi cửa phật, tìm đến tiếng chuông tiếng mõ để trốn chạy sự truy đuổi của lương tâm.

Thôi, chả nên dừng lại đây thêm một giây một phút nữa làm gì. Gần nửa thế kỷ qua, ông thần thời gian đã hiểu thấu lòng tôi, giúp tôi xoá nhoà gần như tất cả rồi, nay sao tôi lại nỡ phụ lòng ông cho sống lại làm chi. Vả lại, người xưa cũng đã nói “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng- Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Người đẹp cũng như danh tướng, không nên cho người đời thấy dung nhan lúc về già, hết cả oai phong, hết cả diễm lệ.

- Xin lỗi, tôi lại phải đi ngay vì có người cần gặp gấp!

Tôi móc trong túi quần chiếc máy điện thoại di động ra bâm bấm làm mấy động tác giả. Từ lúc gặp En đến giờ đây là câu nói đầu tiên tôi bật ra. Tôi cố nén giọng cho nó trầm xuống, lạc hẳn đi.



3.

Tôi điện thoại báo cho Hải Minh tôi buộc phải phụ lòng anh, không thể tiếp tục công việc làm phim được, do toà soạn triệu hồi về gấp. Đành phải nói như thế dù tôi không muốn.

Lòng nặng trĩu. Tôi trở lại Sài Gòn có cảm giác người, hành lý và cả cái máy bay đang ngồi nữa hình như đang bị nặng thêm. Tôi không muốn kể lại chuyện nhà sư kỳ bí kia với bất cứ ai, kể cả với Hải Minh và vợ tôi. Tôi chỉ còn biết lấy công việc làm vui, lấy sự đẩy lùi những ám ảnh nặng nề của quá khứ, của hình ảnh En và sư nữ Diệu Hằng ra khỏi tâm trí làm liều thuốc an thần.



Tôi định bụng từ nay sẽ không trở ra quê nữa, sẽ chôn vùi tất cả. Nhưng rồi sự đời đâu có chiều hết lòng người. Mấy năm sau, ngoài quê có việc gọi là “việc họ”, buộc tôi phải quay trở ra, vì tôi là cháu đích tôn nên mọi người rất cần sự có mặt của tôi. Thời gian đầu do bận công việc toà soạn tôi chưa thể ra ngay được, đành phải để vợ tôi, hiện đã nghỉ hưu, về trước thay tôi. Họ tôi lúc này có hai việc lớn. Một là chỉnh trang, tôn tạo khu lăng mộ. Hai là xây dựng ngôi từ đường, công việc mà nhiều năm qua chúng tôi chưa làm được, trong khi ở làng ở xã các dòng họ khác tiến hành việc này rất rầm rộ, như muốn làm náo động cả âm cung. Họ Nguyễn ở làng Phú Tùng của chúng tôi lớn lắm, có tới vài trăm hộ với hàng ngàn xuất đinh. Vì thế, ngoài từ đường chung cho cả dòng họ, mỗi phân chi họ, còn muốn xây dựng cho mình một từ đường riêng. Chi họ Nguyễn Đức chúng tôi đáng lẽ ra ngay từ ngày đầu cũng phải làm như thế. Bây giờ mới tính đến chuyện này, cũng đã là muộn.



4.

Gần hai giờ sau, chúng tôi có mặt ở bệnh viện tỉnh. Én được chuyển từ bệnh viện miền biển lên đây mới được mấy hôm. Không ai nỡ khắt khe với người sắp chết, tôi nghĩ thế nên định bụng kỳ này gặp Én sẽ không làm cho nàng khổ thêm về thái độ lạnh lùng quái đản của tôi như lần trước nữa. Mà sẽ cố gắng cải thiện làm cho không khí cuộc gặp gỡ dễ chịu hơn. Muốn thế hãy nói đến những chuyện vui. Biết đâu nhờ đó Én có thêm sức mạnh để chống lại bệnh tật. Trong những chuyện vui này, tôi sẽ kể cho Én nghe chuyện con sáo tôi nuôi ngày ấy. Nó rất thích ăn quả ruối chín, loại quả có rất sẵn trong cái giậu trước cửa nhà Én. Mùa xuân ruối chín vàng rực. Mà chỉ có nhà Én mới có thứ cây này. Nhờ đó mà tôi có được cái cớ để mỗi lần nhớ Én, muốn nhìn thấy Én tôi đến đó hái về cho sáo ăn, để được qua những chùm quả ruối chín vàng như những giọt mật ong, nhìn thấy Én của tôi, khuôn mặt trái xoan thanh tú, hàm răng trắng đều như hạt ngô non, hai con mắt long lanh như hai ngôi sao và bộ ngực thanh tân đẹp đến mê hồn. Rồi một hôm không may con sáo của tôi bị lăn đùng ra chết. Có lẽ nó bị bội thực do phải ăn quá nhiều quả ruối. Con sáo chết, tôi ngẩn ngơ cả tháng trời, thương nó một, tôi thương tôi mười. Tôi làm sao còn cơ hội để được gặp En nữa. Thế là tôi đánh liều nghĩ ra cách huấn luyện cho gà
ăn. Kết quả bị mẹ chửi cho một trận tơi bời.

Nhưng tôi đâu còn được kể chuyện vui với En nữa.



Người nhà của nàng hét vào máy điện thoại di động của tôi. Muộn rồi bác ơi. Sư cô đã hôn mê sâu. Giờ chỉ còn thở ôxy bình. Tôi choáng váng, run cầm cập bước vào phòng cấp cứu.

“Cách đây mấy phút nhà sư còn hỏi bác sắp ra đến đây chưa, chúng cháu bảo sắp rồi, nhà sư cười vui lắm, vậy mà không ngờ…” Mấy người làm công quả ở chùa Báo Thiên tình nguyện đi theo săn sóc sư cô Diệu Hằng nói với tôi. Tôi lặng người đi rồi bật khóc. Tuổi già hạt lệ như sương. Không ngờ tôi vẫn còn nước mắt. Tôi đến nắm lấy tay Én. 45 năm rồi hôm nay tôi mới lại được nắm lại bàn tay có mấy ngón dài búp măng ấy. Trong số này có một ngón ngày ấy tự tay tôi đã đeo vào một “chiếc nhẫn mặt vuông” bằng lá chuối bánh tẻ do tôi mầy mò cả buổi mới tết được thành. “Nhẫn cưới đây à anh! Em hạnh phúc quá!”, hôm ấy Én đã cười tươi nói với tôi như thế. Không sao cầm được nước mắt, tôi lại khóc. Người của nhà chùa kéo tôi ra một chỗ kín đáo đưa cho một chiếc hộp, bảo trước khi chìm sâu vào hôn mê, nhà sư có nhờ giao tận tay cho tôi. Người nhà chùa mở hộp lôi ra từng thứ như muốn kiểm đếm trước mặt tôi.

Đó là một cuốn băng ghi âm và chiếc máy casette nhỏ. Là chiếc mõ, và quả chuông con, những thứ gần 40 năm nay hàng ngày Én vẫn dùng để tụng kinh, niệm phật.

Ngay chiều hôm ấy, Én về với cõi Niết Bàn. Bên thi hài nàng chỉ có tôi và mấy người của chùa Báo Thiên.



*

No comments: