HỒI KÝ CỐ VẤN TRUNG QUỐC
» Tác giả: Nhiều tác giả
» Dịch giả: Dương Danh Dy
» Thể lọai: Hồi ký
» Số lần xem: 25756
|
QUYẾT SÁCH TRỌNG ĐẠI TRUNG QUỐC VIỆN TRỢ VIỆT NAM CHỐNG PHÁP
Hồ Chí Minh bí mật thăm Trung Quốc yêu cầu viện trợ...
Một buổi chiều hạ tuần tháng 1/1950, trên đường đất gồ ghề ở huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, có một ông già, thân hình gầy gò, đầu quấn khăn mặt đi đến cửa Thủy Khẩu, Long Châu – Quảng Tây, Trung Quốc. Ông già đó chính là Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc đó gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương). Cùng đi với Hồ Chí Minh có Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách công tác hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam và năm, sáu trợ lý.
Chuyến đi này của Hồ Chí Minh hoàn toàn bí mật, ngay cả lãnh đạo Trung ương Đảng Việt Nam cũng chỉ có số ít người biết.
Hồ Chí Minh vừa chủ trì triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Đảng Cộng sản Việt Nam (*), khi phân tích tình hình đấu tranh trước mắt, toàn thể hội nghị nhất trí cho rằng : “ Thiếu quân chính quy, thiếu binh chủng và vũ khí hạng nặng công kiên, đánh thành, thiếu phương tiện thông tin nhanh, thiếu cán bộ thực sự hiểu được thao lược chỉ huy vận động chiến ” là vấn đề lớn nhất đặt ra trước mắt cuộc chiến tranh chống Pháp lúc bấy giờ. Vì vậy hội nghị nêu rõ, cần phải gấp rút đào tạo và xây dựng quân đội nhân dân, xây dựng bộ đội chủ lực thích ứng với tình hình đấu tranh mới. Mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này của Hồ Chí Minh là thông báo tình hình đấu tranh chống Pháp của Việt Nam với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc giúp xây dựng quân đội và cử nhân viên quân sự viện trợ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Hồ Chí Minh rất quen thuộc cửa Thủy Khẩu. Trước kia, Người đã nhiều lần vào ra nơi đây vì sự nghiệp cách mạng Việt Nam, bây giờ nước Trung Quốc mới đã ra đời, lại đến đây, cảm nghĩ trong lòng khác xa ngày trước.
Theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, một số đồng chí phụ trách Ban bảo vệ quân khu Quảng Tây dẫn đầu ba mươi cán bộ chiến sĩ quân giải phóng đã sớm chờ đón Hồ Chí Minh ở đây.
Hồ Chí Minh từ từ đi tới, các đồng chí Trung Quốc lập tức ùa ra đón.
Hồ Chí Minh nói : “ Cám ơn, cám ơn ! Nơi đây bây giờ là cửa khẩu biên giới hữu nghị của nhân dân hai nước Trung – Việt, trước đây mỗi lần qua đây tôi phải thăm dò cẩn thận, thấp thỏm lo sợ, còn bây giờ thì hoàn toàn khác ”. Hồ Chí Minh đầu quấn khăn mặt trắng, hóa trang thành thương binh đi bộ đến Trung Quốc. Người đi dép cỏ, mặc quần áo vải, khuôn mặt gầy, lộ vẻ mệt mỏi. Xuất phát từ Thái Nguyên, hơn mười ngày hành quân làm sao ông già 60 tuổi này không mệt ? Hồ Chí Minh nghỉ lại một đêm ở Long Châu – Quảng Tây, ngày hôm sau đến Nam Ninh, nghỉ ở khách sạn Kim Sơn, đường Dân Sinh.
Bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh Quảng Tây, Trương Vân Dật tối hôm đó mở tiệc chào mừng Hồ Chí Minh và các vị khách Việt Nam. Trương Vân Dật nói với Hồ Chí Minh : “ Hiện nay Quảng Tây vừa mới giải phóng, thổ phỉ đặc vụ hoạt động rất điên cuồng, sản xuất công nông nghiệp đang chờ khôi phục, cải cách ruộng đất chưa bắt đầu, chúng tôi nhất định nỗ lực làm việc khiến Quảng Tây trở thành hậu phương vững chắc đáu tranh chống Pháp của Việt Nam ”. Lúc bấy giờ đường sắt Quảng Tây – Hồ Nam chỉ thông xe đến Lai Tân, Đông bắc Nam Ninh, đoàn Hồ Chí Minh phải đi ôtô từ Nam Ninh đến Lai Tân, rồi từ đó đáp xe lửa đi Bắc Kinh.
Trong mấy chục năm qua, hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh nhiều lúc tiến hành ở Trung Quốc. Trên đường lên Bắc Kinh, lòng Người xúc động, suy nghĩ miên man, những chuyện cũ cứ tầng tấng lớp lớp hiện lên…
Năm 1924, Hồ Chí Minh từ Moskva đến Quảng Châu – Trung Quốc, Người ở đó cùng làm việc với những người cộng sản Trung Quốc cho đến năm 1927. “ Việt Nam cách mạng thanh niên đồng chí hội ”, tổ chức cách mạng đầu tiên lấy lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin làm chủ đạo, là do Người thành lập tại Quảng Châu.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập tại Hồng Kông. Lúc đó, Người nhiều lần từ Hồng Kông đến Thượng Hải hoạt động cách mạng. Mùa thu 1938, Hồ Chí Minh từ Liên Xô đến Diên An, tăng cường liên hệ với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó từ Diên An đến văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm, từ đó qua lại các nơi như Quý Dương, Trùng Khánh v.v..
Tháng 2/1940, Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác của Ban hải ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Minh, tháng 5 năm đó, Hồ Chí Minh gặp Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Côn Minh, theo đề nghị của Người, Ban hải ngoại nhận hai người Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp vào Đảng.
Tháng 10/1940, Hồ Chí Minh từ Côn Minh đến Quế Lâm, ở đó thành lập “ Văn phòng Việt Nam độc lập Đồng minh hội ”, chẳng bao lâu sau lại thành lập “ Hội Đồng chí công tác văn hóa Trung – Việt ”.
Tháng 8/1942, Hồ Chí Minh không may bị chính quyền địa phương Quốc dân đảng bắt tại huyện Đức Báo – Quảng Tây, giải qua nhiều nhà giam chịu mọi sự dày vò, đày đọa. Sau đó được hai đảng Trung – Việt, Hội Hoa kiều tại Việt Nam và cả nhân sĩ tiến bộ Quốc dân đảng tìm nhiều cách cứu thoát nên mới được trả tự do vào ngày 10/9/1943.
Tháng 3/1945, vào giờ phút thắng lợi của các nước đồng minh, quân Pháp ở Đông Dương buộc phải đầu hàng quân Nhật. Hồ Chí Minh từ Côn Minh về nước, nhanh chóng triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng, quyết định tổng khởi nghĩa vũ trang và đọc “ Tuyên ngôn độc lập: Tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ”.
Trong mấy năm, Hồ Chí Minh đã thành lập một lực lượng vũ trang khoảng 10 vạn người, nhưng do tố chất quân chính yếu kém, trang bị lạc hậu, khó đối phó với những cuộc tấn công của quân xâm lược đế quốc Pháp đang quay trở lại.
Lưu Thiếu Kỳ nói : “ Viện trợ Việt Nam là trách nhiệm chúng tôi, phải làm tròn ”
Cuối tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh. Lúc đó Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đang thăm Moskva, Lưu Thiếu Kỳ chủ trì công tác hằng ngày của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tối hôm đó, Lưu Thiếu Kỳ mở tiệc chào mừng long trọng tại Trung Nam Hải. Các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Đức, Đồng Tất Vũ, Lưu Bá Thừa, Nhiếp Vinh Trăn, Lý Duy Hán v.v.. đến dự. Phía Việt Nam có Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Hoan v.v...
Trong bữa tiệc, khi Lưu Thiếu Kỳ nói đến Hồ Chí Minh tổ chức lớp huấn luyện chính trị Việt Nam ở Quảng Châu năm 1925 đến năm 1926, hỏi thăm thân thiết các đồng chí dự lớp huấn luyện năm ấy hiện nay còn những ai, Hồ Chí Minh nói Hoàng Văn Hoan có mặt hôm nay là một trong số người đó, không ít đồng chí đã hy sinh trong đấu tranh cách mạng.
Lần này, Hoàng Văn Hoan sẽ tạm thời ở lại Trung Quốc, sau khi đi vòng vèo đến Trung Quốc dự hội nghị công đoàn khu vực Á – Úc. Hồ Chí Minh nhớ lại nói một cách thắm thiết : “ Lúc đó khi tổ chức lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Bành Bái, Lý Phú Xuân, Đại Anh và một số đồng chí lãnh đạo cuộc bãi công lớn của tỉnh và Hồng Kông đều lên lớp giảng bài cho chúng tôi, đồng chí Thiếu Kỳ cũng là một trong những thày giảng bài của lớp huấn luyện. Chúng tôi rất biết ơn các đồng chí Trung Quốc quan tâm và giúp đỡ sự nghiệp cách mạng Việt Nam ”.
Hoàng Văn Hoan nói : “ Tôi là học viên khóa 3 của lớp huấn luyện, lúc đó học ở phố Nhân Hưng – Quảng Châu. Thông qua giảng dạy của các đồng chí Trung Quốc, chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong cách mạng vô sản Trung Quốc ”. Nói đến đây, Hoàng Văn Hoan xúc động đứng lên nâng cốc, thay mặt các học viên lớp huấn luyện chúc rượu Lưu Thiếu Kỳ. Cốc rượu đó làm cho Hoàng Văn Hoan phấn chấn, đồng chí nói tiếp : “ Lúc đó, những người cách mạng hai đảng Trung – Việt chí đồng đạo hợp, thân như anh em. Lớp huấn luyện chính trị lúc bấy giờ không có nhà ăn, hằng ngày chúng tôi sang bên lớp tập huấn phong trào nông dân Trung Quốc ăn cơm, thường cùng các đồng chí Trung Quốc hát bài ca cách mạng 'đánh đổ đế quốc, diệt trừ quân phiệt, trừ diệt quân phiệt' v.v...”
Theo sự sắp xếp của Lưu Thiếu Kỳ, ngoài đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, còn có các đồng chí Chu Đức, Nhiếp Vinh Trăn, Lý Duy Hán, Liêu Thừa Chí v.v.. tham gia hội đàm với các đồng chí Việt Nam v.v... Hồ Chí Minh nói : “ Chúng tôi rất phấn khởi chào đón thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, thắng lợi của các đồng chí đã nâng cao niềm tin thắng lợi của chúng tôi, cung cấp rất nhiều kinh nghiệm quý báu cho chúng tôi. Chúng tôi hi vọng và yêu cầu các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ chúng tôi huấn luyện bộ đội, xây dựng một quân đội nhân dân Việt Nam có sức chiến đấu tương đối mạnh; giúp chúng tôi chỉ huy tác chiến và chi viện cho chúng tôi về vật lực ”.
Lưu Thiếu Kỳ nói : “ Tình hình quốc tế hiện nay rất có lợi cho cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam. Trung Quốc đã quyết định công nhận Việt Nam và trao đổi với Liên Xô, đề nghị họ công nhận, khiến Việt Nam có vị thế quốc tế. Đảng chúng tôi cho rằng, viện trợ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam là trách nhiệm quốc tế mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc phải làm tròn. Trung Quốc vừa mới giải phóng, mọi việc đều phải làm từ đầu, còn nhiệm vụ nặng nề như quét sạch bọn thổ phỉ đặc vụ, khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất v.v.., nhưng chúng tôi quyết tâm chi viện cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, việc này sau khi Mao Chủ tịch và đồng chí Chu Ân Lai về nước, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu nội dung và phương pháp viện trợ, chúng tôi sẽ xác định cụ thể theo yêu cầu của các đồng chí ”.
Hồ Chí Minh biết rằng, đối với việc lớn như thế này mà Lưu Thiếu Kỳ có thể xác định thái độ rõ ràng như vậy cho thấy lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sớm suy nghĩ về vấn đề này. Hồ Chí Minh còn nói với Lưu Thiếu Kỳ ông chuẩn bị sớm đi Liên Xô để gặp Trung ương Đảng Cộng sản liên Xô, gặp Stalin, yêu cầu Đảng và Chính phủ Liên Xô viện trợ. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đều ở Moskva, đến Liên Xô vào đúng lúc này có thể cùng trao đổi bàn bạc với các đồng chí đó. Hồ Chí Minh muốn Trung Quốc nhanh chóng sắp xếp liên hệ việc đồng chí đi Liên Xô”.
Lưu Thiếu Kỳ lập tức báo cáo Mao Trạch Đông về yêu cầu của Hồ Chí Minh đi Liên Xô và truyền đạt đến Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô; lãnh đạo hai nước Trung – Xô đều đồng ý Hồ Chí Minh đến Moskva.
Được biết Hồ Chí Minh sẽ đến thăm Liên Xô sớm, ngày 1-2 Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã gửi điện cho Lưu Thiếu Kỳ và yêu cầu báo cho Hồ Chí Minh : Hai nước Trung – Việt đã công nhận lẫn nhau và sắp thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên Xô đã công nhận Việt Nam, các nước dân chủ mới khác dự tính cũng có thể công nhận (công hàm của Việt Nam yêu cầu các nước công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao, Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên Xô đã chuyển đến sứ quán các nước dân chủ mới tại Liên Xô). Chúng tôi chúc mừng thắm thiết Việt Nam gia nhập đại gia đình dân chủ chống đế quốc do Liên Xô đứng đầu.
Stalin nói viện trợ Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách
Ngay tối hôm 6/2 Hồ Chí Minh đến Moskva, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô mở tiệc hoan nghênh. Stalin không đến dự. Mao Trạch Đông rất rõ tâm trạng của Stalin lúc này, Stalin lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Tito thứ hai (**). Trong một lần trao đổi với Stalin, Mao Trạch Đông kiên nhẫn nói rõ, Hồ Chí Minh là nhà cách mạng mác xít của Việt Nam rất được nhân dân Việt Nam ủng hộ và yêu mến, là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, đồng chí Stalin nên sớm gặp đồng chí Hồ Chí Minh, hỏi đồng chí ấy có yêu cầu và suy nghĩ gì không.
Stalin nói : “ Đồng chí Hồ Chí Minh yêu cầu Liên Xô trực tiếp cung cấp viện trợ cho Việt Nam, giúp họ đánh người Pháp, đối với vấn đề này, chúng tôi còn có suy nghĩ hơi khác ”. Không để cho Mao Trạch Đông nói gì thì Stalin nói tiếp : “ Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc chứng minh Trung Quốc đã trở thành trung tâm cách mạng của Châu Á, chúng tôi cho rằng, công tác chi viện và giúp đỡ Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc gánh vác thì tốt ”.
Mao Trạch Đông nói : “ Việt Nam chủ yếu cần vũ khí đạn dược, cũng cần có vật tư quân sự khác, Trung Quốc không chắc chắn thỏa mãn mọi nhu cầu của họ, tất nhiên họ hy vọng Liên Xô cũng viện trợ ”.
Stalin ngẩng đầu nhìn Mao Trạch Đông, tiếp tục nói ý kiến của mình : “ Trung Quốc và Việt Nam địa lý gần nhau, liên hệ tương đối nhiều, để Trung Quốc giúp Việt Nam tương đối thuận tiện. Viện trợ xây dựng kinh tế Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng của Liên Xô. Chúng tôi đã đánh xong chiến tranh thế giới, số lớn trang bị vũ khí không dùng hết, có thể chuyển chúng sang Trung Quốc, có những cái Việt Nam dùng được thì tất nhiên các đồng chí có thể chuyển một ít đến đó ”. Stalin lo sợ dẫn đến tranh chấp quốc tế, điều này đối với Mao Trạch Đông lãnh đạo cách mạng Trung Quốc mà nói thì đã được lãnh giáo rồi. Trước đó chẳng bao lâu, Lưu Thiếu Kỳ bí mật thăm Liên Xô, Stalin nhiều lần nhấn mạnh phải “phân công quốc tế”. Mao Trạch Đông không bày tỏ ý kiến bất đồng việc này nữa.
Một ngày thượng tuần tháng 2, Stalin cuối cùng tiếp Hồ Chí Minh ở văn phòng làm việc của mình. Malenkov, Molotov, Bunganin trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Trần Đăng Ninh – Việt Nam và Vương Gia Tường – Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô v.v... đã tham gia hội đàm lần đó. Stalin nói : “ Chúng ta là bạn bè và anh em thân thiết. Gặp các đồng chí hơi muộn, mong thông cảm ”.
“ Không dám, không dám ”, Hồ Chí Minh nói, “chúng tôi rất phấn khởi, cũng rất cảm động được đồng chí Stalin nhiệt tình đón tiếp, nghe chúng tôi hội báo tình hình”. Hồ Chí Minh theo dự kiến từ trước, trình bày tóm tắt với Stalin tình hình cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam, tình hình chiến tranh chống Pháp hiện nay và kiến nghị, yêu cầu viện trợ.
Sau khi nói xong, Hồ Chí Minh nhìn Stalin. Trong ánh mắt của Người có thể thấy rõ niềm hy vọng và chờ đợi. “ Chúng tôi rất cám ơn những giới thiệu của đồng chí Hồ Chí Minh ”. Stalin xưa nay nói chậm rãi thong thả, nhưng đã nhanh chóng đi vào nội dung thực chất. “ Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cuộc đấu tranh chống Pháp của các đồng chí. Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách thích hợp hơn ”. Stalin nói : “ Trung Quốc ở sát Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam hơn chúng tôi, kinh nghiệm đấu tranh của Trung Quốc càng có tác dụng làm gương đối với Việt Nam, giúp các đồng chí sẽ thuận tiện hơn ”.
Theo dòng suy nghĩ của mình, Stalin tiếp tục phát biểu quan điểm của đồng chí : “ Đánh bại người Pháp, chi viện của nước ngoài là cần thiết, điều quan trọng hơn vẫn là phải làm tốt công tác mọi mặt trong nước. Phát động quần chúng, thật sự động viên và tổ chức đông đảo quần chúng là điều then chốt để đánh bại người Pháp ”. Stalin hầu như rất không hài lòng : “ Phát động quần chúng, dắt dẫn quần chúng chiến thắng kẻ thù, thì cần phải mang lợi ích thực tế cho quần chúng, làm cho quần chúng phấn đấu bảo vệ lợi ích của mình. Làm tốt việc này, sẽ đẩy nhanh tiến trình đánh bại người Pháp ”.
Hồ Chí Minh nói : “ Chúng tôi đã từng suy nghĩ việc này, do nhiệm vụ đấu tranh quân sự nặng nề, chưa hạ quyết tâm làm. Xem ra điều then chốt là chúng tôi không thực sự làm rõ mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và chiến tranh chống Pháp, cũng không hoàn toàn nhận thức mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và chiến tranh chống Pháp, cũng không hoàn toàn nhận thức mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và phát động quần chúng. Đảng chúng tôi sẽ nhanh chóng nghiên cứu và bắt tay làm việc này ”.
Cuộc hội đàm giữa hai Đảng Liên Xô và Việt Nam kết thúc. Hồ Chí Minh biết, công tác viện trợ từ nay về sau sẽ chủ yếu do Trung Quốc gánh vác. Hồ Chí Minh rất tán thưởng dùng biện pháp như “ Hiệp ước tương trợ đồng minh hữu nghị Trung – Xô ” để xác định rõ và củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa các nước anh em xã hội chủ nghĩa, tin chắc đó là một nguồn sức mạnh to lớn. Hồ Chí Minh rất muốn giữa Việt Nam và Liên Xô cũng có một hiệp ước tương tự và tìm cơ hội nêu vấn đề này với Đảng Cộng sản Liên Xô.
Ngày 16/2, chính phủ Liên Xô tổ chức chiêu đãi trọng thể Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể đoàn viên đại biểu Trung Quốc tại điện Kremli. Những người phụ trách đảng chính quyền quân đội Liên Xô hầu hết đều tham gia, Hồ Chí Minh và các đồng chí Việt Nam cũng được mời đến dự. Stalin rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này, mỉm cười hỏi Stalin : “ Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ? ”. Stalin cười : “ Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà ! ”.
Hồ Chí Minh lại nói : “ Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước ! ”. Stalin nói : “ Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra ? Chúng tôi giải thích như thế nào ! ”
Hồ Chí Minh nói : “ Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao ? ”.
Stalin cười lớn nói : “ Đó quả là sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh ”.
Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên.
Mao Trạch Đông nói “ Trung Quốc chỉ có thể cử sang Việt Nam cố vấn vườn ”
Chiều 17/2, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai lên tàu hỏa về Bắc Kinh. Molotov và 1 số người lãnh đạo Liên Xô ra ga tiễn, tổ chức lễ tiễn đưa tại sân ga. Mao Trạch Đông phát biểu lời từ biệt, Hồ Chí Minh bí mật thăm Liên Xô nên yên lặng ngồi trong toa xe. Sau khi lên đường về nước, Mao Trạch Đông quyết định cứ đến mỗi ga lớn đều xuống xem xem, tìm hiểu tình hình các nơi dọc tuyến đường sắt. Hồ Chí Minh rất tán thành sắp xếp của Mao Trạch Đông.
Ở Sverdlovsk, họ tham quan một nhà máy chế tạo cơ khí và trường đại học Sverdlovsk.
Ở Omsk, sau khi dạo chợ, tham quan nhà máy chế tạo công cụ cơ khí, Mao Trạch Đông nhìn thấy một bộ phận sản phẩm của nhà máy này đang đóng thùng xuất xưởng, tiếp tục chở sang Trung Quốc.
Ở Tân Siberi, tham quan hai nhà máy quân dụng, xem đoạn phim “Hoàng từ Igor” trong vũ kịch ba lê.
Ở Krasnoyark, tham quan nhà máy sản xuất máy gặt liên hợp tự động, đi xem ca múa của Nga.
Ở Irkutsk đi xem thành phố, tham quan nhà máy đóng gói chè. Chè của nhà máy này đều nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ở Chita, tham quan vườn trẻ. Hồ Chí Minh đặc biệt yêu thích trẻ em, các cháu ca múa làm cho đồng chí rất vui sướng.
Đoàn tàu tiếp tục tiến về phương Đông, đến ga cuối cùng của Liên Xô là ga Oterbur. Hồ Chí Minh ngắm nhìn ra cửa sổ, nơi chân trời xa dãy núi chập chùng, quanh năm tuyết phủ đỉnh núi, ruộng đồng hai bên đường sát cũng có màu trắng xóa. Người nheo đôi mắt, suy ngẫm cuộc hành trình Liên Xô và những điều nghe thấy trên đường... Stalin nói, công tác viện trợ cho Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc phụ trách, nhưng Trung Quốc sẽ cung cấp viện trợ quân sự gì ? Liệu Trung Quốc có cử cố vấn quân sự cho Việt Nam không ?
Hồ Chí Minh quyết định hỏi rõ Mao Trạch Đông, nên đi đến toa xe của Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh nói ngay bằng tiếng Trung Quốc : “ Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc ”.
Mao Trạch Đông ngắm nhìn Hồ Chí Minh thân thiết và hữu nghị : “ Chúng ta là đảng anh em, lại là láng giềng ! Về vật tư quân sự, cố gắng hết sức viện trợ cho các đồng chí là điều phải làm; tất nhiên đó là ý kiến của cá nhân tôi, còn phải do Trung ương quyết định ”.
Mao Trạch Đông cảm thấy nên nói lại cho rõ tình hình của Trung Quốc : “ Tất nhiên các đồng chí cũng đã rõ, công nghiệp quân sự của Trung Quốc cực kỳ lạc hậu, lực lượng của chúng tôi rất có hạn, quân giải phóng đánh bại Tưởng Giới Thạch chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ và ủng hộ của quần chúng nhân dân. Trang bị vũ khí của quân giải phóng nhân dân tuyệt đại bộ phận là do đại đội trưởng vận tải Tưởng Giới Thạch chở đến, ngay cả một phiếu vay, chúng tôi cũng không viết cho ông ta ”.
Hồ Chí Minh nói: “Trang bị vũ khí của người Pháp rất tốt, nhưng chúng tôi thu được rất ít, từ nay về sau chúng tôi phải học tập thật tốt kinh nghiệm của các đồng chí, nhưng quân đội nhân dân chúng tôi trang bị lạc hậu, rất ít được huấn luyện, càng thiếu cán bộ chỉ huy thật sự hiểu được chiến lược, chiến thuật. Vì vậy chúng tôi còn muốn yêu cầu Trung Quốc cử cố vấn quân sự các cấp quân đoàn, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, giúp chúng tôi huấn luyện bộ đội, xây dựng bộ đội và chỉ huy tác chiến. Đồng thời, tôi còn muốn, nếu Trung Quốc còn có thể cử ....”.
Mao Trạch Đông im lặng một lát : “ Hồ Chí Minh ơi ! Có những vấn đề phải căn cứ vào tình hình mọi mặt sau này để tính kế lâu dài và suy xét, tạm thời có thể không bàn được không. Về việc cử cố vấn quân sự sang Việt Nam, cũng như viện trợ vật tư quân sự, tôi tán thành. Đồng chí bảo đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa ra phương án cụ thể. Sau khi chúng tôi về Bắc Kinh, Trung ương cũng phải nghiên cứu cụ thể để đưa ra quyết định chính thức ”. Mao Trạch Đông nói tiếp : “ Song tôi cũng phải nói rõ cán bộ chúng tôi cử sang là những cố vấn vườn ”.
Sau khi về đến Bắc Kinh, Hồ Chí Minh nêu ra với Chính phủ Trung Quốc, bổ nhiệm Hoàng Văn Hoan làm đại diện của Chính phủ và Đảng Việt Nam tại Trung Quốc (về sau đổi lại là Đại sứ), Mao Trạch Đông đồng ý.
Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc bí mật sang Việt Nam
Ngày 9/3/1950, đại diện liên lạc Đảng ta La Quý Ba, đến Việt Bắc, nơi ở của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí và lãnh đạo Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp sau khi nghiên cứu nhất trí cho rằng việc đầu tiên cần làm trước mắt là khai thông giao thông biên giới Trung – Việt, để bảo đảm vật tư viện trợ Việt Nam có thể vận chuyển sang Việt Nam thuận lợi; vì vậy, cần phải tác chiến ở vùng Cao Bằng, Lào Cai miền bắc Việt Nam. Ngày 19/3 La Quý Ba điện báo Trung ương Đảng Trung Quốc: Phía Việt Nam định tổ chức chiến đấu ở khu vực Cao Bằng, Lào Cai, tiêu diệt quân địch ở đây và yêu cầu Trung Quốc lựa chọn điều động một số cán bộ quân đoàn, đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, làm cố vấn cho quân đội Việt Nam.
Sau khi nhận được báo cáo của La Quý Ba, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ đã trao đổi rất rất nhanh, nhất trí cho rằng nên thỏa mãn yêu cầu của Việt Nam, nhanh chóng tổ chức vật tư quân sự viện trợ Việt Nam, trù tính tổ chức đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam.
Mao Trạch Đông nói tại cuộc họp : “ Chúng ta viện trợ Việt Nam là hoàn toàn không hoàn lại, không có bất cứ điều kiện gì. Tôi thấy hễ là nhu cầu thực tế của Việt Nam, chúng ta lại có thì hết sức cung cấp, phải cung cấp vật tư, cũng phải cử cố vấn quân sự ”.
Quân ủy Trung ương căn cứ vào quyết định của Trung ương, rất nhanh xác định Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn cố vấn quân sự. Lưu Thiếu Kỳ viết một bức thư, muốn Vi Quốc Thanh mang thư đi tìm lãnh đạo các Dã chiến quân, nhờ họ chọn cử cán bộ cho đoàn cố vấn quân sự.
Vi Quốc Thanh mang thư của Lưu Thiếu Kỳ tìm đến Đặng Tiểu Bình trước tiên : “ Đặng Chính ủy, Trung ương quyết định cử tôi đi Việt Nam công tác ở đoàn cố vấn quân sự, Lưu Thiếu Kỳ muốn tôi báo cáo với các đồng chí, nhờ Dã chiến quân 2 lựa chọn điều động một số cố vấn cho đoàn cố vấn ”.
Khi khởi nghĩa Bách Sắc năm ấy, Vi Quốc Thanh còn là một chàng trai trẻ, Đặng Tiểu Bình bóc thư cấp dưới của mình ra xem, mỉm cười nói : “ Thế này nhé, chúng tôi đều họp ở đây, đồng chí đi tìm từng người rất vất vả, chúng ta cùng đi gặp họ trao đổi thử xem ”.
Đặng Tiểu Bình và Vi Quốc Thanh cùng đến chỗ ở của Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình nói với Lâm Bưu : “ Trung ương quyết định cử đoàn cố vấn quân sự đi Việt Nam, Vi Quốc Thanh đến nhờ các Dã chiến quân chúng ta chọn điều động cán bộ, đồng chí Thiếu Kỳ còn có thư, chúng ta cùng đến chỗ Bành Đức Hoài bàn bạc xem sao ? ”. Lâm Bưu đồng ý, cùng đến chỗ ở của Bành Đức Hoài.
Sau khi Bành Đức Hoài và Lâm Bưu lần lượt xem thư của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài phấn khởi nói : “ Hiện nay chiến tranh trong nước cơ bản đã chấm dứt, các đồng chí cần cán bộ gì thì cung cấp cán bộ nấy, cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu, chúng tôi dốc toàn lực ủng hộ. Đồng chí cần bao nhiều người nói đi ”.
Vi Quốc Thanh nói : “ Hiện nay Việt Nam thành lập 3 đại đoàn (sư đoàn), có đại đoàn vừa mới thành lập sau khi La Quý Ba đến Việt Nam. Ý kiến của phía Việt Nam là ngoài cơ quan Bộ Tổng tham mưu ra, bước thứ nhất phải chọn cử cố vấn các cấp của ba sư sang Việt Nam ”.
Lâm Bưu cũng tỏ thái độ ngay, nói : “ Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của Trung ương, cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu, quyết không giảm bớt, mà còn phải chọn, điều động cho tốt cán bộ cử đi ”.
Đặng Tiểu Bình nói : “ Tôi thấy cố vấn của ba đại đoàn do Trung ương quyết định phân phối ! Để công tác thuận tiện, những người trong Ban chỉ huy đoàn cố vấn quân sự do Dã chiến quân số 3 của đồng chí lựa chọn điều động có được không ? ”.
Vi Quốc Thanh nói : “ Như thế cũng được, tôi báo cáo lại đồng chí Thiếu Kỳ ”.
Sáng hôm sau, Vi Quốc Thanh vội đến Trung Nam Hải báo cáo với Lưu Thiếu Kỳ.
Lưu Thiếu Kỳ nói: “ Ý kiến của đồng chí Đặng Tiểu Bình rất hay, nhân viên do Dã chiến quân 3 điều động, có 3 đại đoàn còn có cố vấn cho một trường, cần ra thông tri nói rõ sự phân phối, cho các Dã chiến quân biết ”.
Vi Quốc Thanh nói: “ Liệu có nên để các Dã chiến quân 2, 3, 4 lựa chọn điều động cố vấn các cấp cho mỗi một đại đoàn, cố vấn và giáo viên của trường quân chính do Dã chiến quân số 4 lựa chọn điều động ! ”.
Lưu Thiếu Kỳ nói : “ Như thế là được đấy. Dã chiến quân 1 ở vùng Tây Bắc, nhiệm vụ cũng rất gian khổ phức tạp, người lại ít, lần này miễn cho họ ! Đồng chí, suy nghĩ rồi báo cáo với Nhiếp Vinh Trăn, xem đồng chí ấy còn có ý kiến gì nữa không, rồi đề nghị Trung ương ra thông tri ”.
Ngày 17/4, được Mao Trạch Đông phê duyệt, Quân ủy Trung ương ra thông tri: Mỗi Dã chiến quân số 2, 3, 4 điều động cố vấn các cấp cho một sư từ đại đoàn đến tiểu đoàn, do Dã chiến quân số 3 điều động bố trí nhân viên công tác trong Ban chỉ huy đoàn cố vấn quân sự, tổ chức thành Đoàn cố vấn quân sự sang Việt Nam. Ngoài ra, do Dã chiến quân số 4 điều động bố trí toàn bộ cố vấn giáo viên cho trường cán bộ quân chính quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong “thông tri” đã quy định cụ thể sáu điều kiện cần phải có của cán bộ được lựa chọn, điều động như “ hoàn toàn trung thực vững vàng về chính trị, tư tưởng tiến bộ, tính kỷ luật cao, tác phong đứng đắn, có thể đoàn kết cán bộ ”, “ có năng lực nghiệp vụ nhất định và có tri thức xã hội nhất định ”, “ có trình độ văn hóa từ cấp 2 trở lên ”, “ tuổi dưới 40 ” v.v.., còn nhấn mạnh “ đây là một nhiệm vụ chính trị rất nặng nề ”, cần phải lựa chọn nghiêm túc, do các đồng chí phụ trách đại quân khu đích thân thẩm tra và được Trung ương thẩm tra cuối cùng, những người không đạt yêu cầu thì trả về, điều động người khác.
Trước khi Đoàn cố vấn quân sự còn chưa vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã điểm tướng, mời Trần Canh đến trước Việt Nam hỗ trợ hoạch định và tổ chức tác chiến ở vùng biên giới. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng ý yêu cầu của Hồ Chí Minh. Ngày 7/7, Trần Canh dẫn đầu nhân viên của Đoàn cố vấn do Dã chiến 2 điều động rời Côn Minh đi Việt Nam.
Sáng ngày 27/6 các lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước: Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức thân mật tiếp hơn 40 nhân viên cố vấn của Bắc Kinh tại Di Niên đường, Trung Nam Hải. Mao Trạch Đông nói : “ Không phải tôi muốn cử các đồng chí sang Việt Nam, mà là Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trung Quốc yêu cầu chúng ta. Cách mạng chúng ta thắng lợi trước, nên giúp đỡ người ta, giúp họ gọi là chủ nghĩa quốc tế ”. Mao Trạch Đông lại nói : “ Trong lịch sử Trung Quốc ức hiếp Việt Nam ”. Mao Trạch Đông kể tỉ mỉ chuyện triều Hán , Mã Viện đánh Giao Chỉ . Mao Trạch Đông nói : “ Sau khi đến Việt Nam, các đồng chí phải nói với họ, tổ tông xưa chúng tôi ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các đồng chí và một lòng một dạ giúp đỡ các đồng chí đánh bại bọn thực dân Pháp .Các đồng chí sang Việt Nam, phải ra quân là thắng lợi ”.
Sau buổi tiếp, ba người Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm bàn bạc công việc của đoàn cố vấn ở Di Niên đường. Vi Quốc Thanh nói : “ Trung ương muốn tôi nắm công việc chung của đoàn cố vấn, tôi đành phải làm theo. Tôi suy nghĩ, Bộ Tư lệnh do đồng chí Mai Gia Sinh chủ trì, đồng chí Mai Gia Sinh làm tham mưu trưởng, công tác chính trị do đồng chí Đặng Dật Phàm phụ trách, tức Chủ nhiệm Ban chính trị ”.
Sau này sang Việt Nam, Mai, Đặng đều là phó đoàn trưởng đoàn cố vấn quân sự, còn các đồng chí trong đoàn cố vấn đều gọi “Mai tham mưu trưởng”, “Đặng chủ nhiệm”. Khi ba người đang trao đổi thì Lưu Thiếu Kỳ bước vào Di Niên đường nói : “ Các đồng chí còn cần ai nữa cứ nêu ra, sau đó chúng tôi phê chuẩn là được. Các đồng chí còn có vấn đề gì khó khăn cũng có thể nêu lên ”.
Vi Quốc Thanh nói : “ Trung ương đã sắp xếp cho chúng tôi rất chu đáo, đồng ý cấp phát ngoại lệ bút, giầy da, đồng hồ cho mỗi đồng chí, còn sẵn sàng sắp xếp chu đáo cho gia đình chúng tôi, mọi người rất hài lòng ”.
Sau khi đoàn cố vấn đến Nam Ninh, Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Tây – Trương Vân Dật nhìn thấy Vi Quốc Thanh trưởng thành từ quân đoàn 7 hồng quân khi mình lãnh đạo khởi nghĩa Bách Sắc tháng 12/1929, làm trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, vô cùng phấn khởi và theo yêu cầu của Vi Quốc Thanh, đọc một bài phát biểu quan trọng trước toàn thể các đồng chí trong đoàn cố vấn quân sự, giúp Vi Quốc Thanh làm công tác động viên tư tưởng rất có tác dụng.
Trước khi đoàn cố vấn ra nước ngoài, đã chế định : “ Quy tắc công tác của đoàn cố vấn quân sự ”, làm cho mọi người có chuẩn tắc và yêu cầu rõ ràng trong công tác và hành động từ nay về sau, thành lập đảng ủy đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm Bí thư, Đặng Dật Phàm làm Phó Bí thư, Mai Gia Sinh, Mã Tây Phu, Lý Văn Nhất, Đặng Thanh Hà v.v.. làm ủy viên.
Ngày 9/8/1950, đoàn cố vấn quân sự từ Nam Ninh lên đường. Trên đường đi qua Điền Đông, Bách Sắc, Tịnh Tây, rạng sáng ngày 12/8 đến vùng Quảng Uyên tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, nơi ở Bộ chỉ huy tiền tuyến chiến dịch biên giới của quân đội nhân dân Việt Nam, được các đồng chí lãnh đạo quân đội Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong chiến tranh Việt Nam chống Pháp, Trung Quốc là nước duy nhất viện trợ số lớn quân sự không hoàn lại. Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho quân đội nhân dân Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men v.v..
Một trong những nhiệm vụ của tôi công tác ở văn phòng đoàn cố vấn quân sự lúc bấy giờ là thống kê, nắm vững tình hình giao nhận vật tư quân sự viện trợ cho Việt Nam và báo cáo với lãnh đạo đoàn cố vấn.
Tôi cảm thấy thấm thía rằng, không có viện trợ số lớn, vô tư của Trung Quốc thì thắng lợi của chiến tranh Việt Nam chống Pháp sẽ không đến nhanh như thế./.
Trương Quảng Hoa
(đăng trên Viêm Hoàng xuân thu số 5 năm 1999.Khi đưa vào cuốn sách này, tác giả có sửa chữa đôi chút.)
-----------------------------
Chú thích:
(*) Tác giả nhầm năm tháng. Đại hội đại biểu toàn quốc của ĐCSVN họp một năm sau đó, vào tháng 2 năm 1951.
(**) Đối với Stalin và Quốc tế Cộng sản, cũng như đối với ban lãnh đạo Đảng cộng sản Đông Dương (từ Trần Phú đến Hà Huy Tập), Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1930 đã có xu hướng cải lương và dân tộc chủ nghĩa. Từ năm 1941, khi về nước, Hồ Chí Minh chủ trương mặt trận dân tộc được, cũng nhờ hai yếu tố : (1) hầu hết ban lãnh dạo tả khuynh đã bị đàn áp, thủ tiêu sau cuộc phiêu lưu Nam Kì khởi nghĩa, (2) trong suốt thập niên 40, ĐCSĐD hầu như mất liên lạc với QTCS, không bị sức ép tả khuynh từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong nội bộ, xu hướng tả khuynh vẫn còn tồn tại khá mạnh. Điển hình là Trần Ngọc Danh, em trai của tổng bí thư Trần Phú. Mùa thu năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh cử Trần Ngọc Danh ở lại Pháp làm Tổng dại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp. Năm 1948, trước sức ép của chính quyền thực dân, Trần Ngọc Danh tự ý giải thể cơ quan Tổng đại diện và bí mật sang Praha (Tiệp Khắc). Tại đây, từ 1948 đến đầu năm 1950 (khi chủ tịch Hồ Chí Minh tới Moskva gặp Stalin), Trần Ngọc Danh đã gửi ít nhất 3 báo cáo và tài liệu (còn giữ trong kho lưu trữ ở Praha và Moskva) tố cáo Hổ Chi Minh. Đây là một ví dụ : « Vào thời điểm tự giải tán, ĐCSĐD đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định lớn nhất là chính cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của ĐCSĐD đưa ra năm 1941, tức là, đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương », xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh thể hiện « một sự lệch lạc, đi ngược với chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít, Stalin-nít, nên đã khiến ông ta [Hồ Chí Minh] trở thành người chống đảng và thù nghịch với Liên Xô. » (báo cáo đề ngày 10.1.1950, hồ sơ số 425 (4384-4473) Ban chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô, Moskva, dẫn theo Christopher E. Goscha, ‘Courting Diplomatic Disaster ? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945-1950)’, Journal of Vietnamese Studies, vol. 1, nos. 1-2, (2006), pp. 59-103)
No comments:
Post a Comment