Chiến tranh Đông Dương
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Mục từ "Chiến tranh Đông Dương" dẫn đến bài này. Xin đọc về các nghĩa khác tại Chiến tranh Đông Dương (định hướng).
Chiến tranh Đông Dương
Một phần của Các cuộc chiến tranh Đông Dương
Cảm tử quân với bom ba càng tại mặt trận Hà Nội 1946
.
Thời gian
19 tháng 12 năm 1946 – 1 tháng 8 năm 1954
Địa điểm
Đông Dương thuộc Pháp, phần lớn tại Việt Nam
Kết quả
Việt Minh chiến thắngPháp rút khỏi Việt NamViệt Nam bị phân chia tạm thời tại Vĩ tuyến 17
Tham chiến
Pháp
Quốc gia Việt Nam
Việt Minh
Chỉ huy
Philippe Leclerc de Hauteclocque (1945-46)Jean-Étienne Valluy (1946-48)Roger Blaizot (1948-49)Marcel-Maurice Carpentier (1949-50)Jean de Lattre de Tassigny (1950-51)Raoul Salan (1952-53)Henri Navarre (1953-54)
Hồ Chí MinhVõ Nguyên GiápNguyễn Chí ThanhVăn Tiến DũngPhạm Văn ĐồngTrường Chinh
Lực lượng
Quân Pháp: 190.000Các đồng minh ở thuộc địa Đông Dương: 55.000Quốc gia Việt Nam: 150.000[1]
125.000 lính chính quy75.000 ở các quân khu250.000 dân quân[2]Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
166.000 quân chính quyHơn 2.000.000 du kích[3]
Thương vong
94.581 chết78.127 bị thương40.000 bị bắt
300.000 chết500.000 bị thương100.000 bị bắt
.
[hiện]
x • t • sChiến tranh Đông Dương
Chiến tranh Việt-Pháp – Chiến tranh Việt Nam – Chiến tranh biên giới Việt Nam - Campuchia – Chiến tranh Việt-Trung
Chiến tranh Đông Dương, ở Việt Nam được gọi là Kháng chiến chống Pháp, là cuộc chiến diễn ra tại Đông Dương thuộc Pháp từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 tới 1 tháng 8 năm 1954 giữa Quân đội viễn chinh Pháp và lực lượng Việt Minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng các nhóm kháng chiến khác của Lào và Campuchia. Cuộc chiến diễn ra trên khắp Việt Nam và lan ra cả các nước láng giềng Lào và Campuchia, nhưng chiến sự chính diễn ra chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam.
Cuộc Chiến tranh này ở Việt Nam còn được gọi là: (Chiến tranh chống thực dân Pháp, Kháng chiến chín năm, 9 năm kháng chiến trường kỳ, Thời 9 năm, Hồi 9 năm). Các tài liệu nghiên cứu, sách báo ở nước ngoài phần lớn gọi là Chiến tranh Việt-Pháp hoặc Chiến tranh Đông Dương.
Pháp tham gia cuộc chiến này vì ý muốn tiếp tục giữ Đông Dương là thuộc địa, sau khi người Nhật đã bại trận và mất quyền kiểm soát Đông Dương. Đây là lý do chính trị và tâm lý hơn là kinh tế[4]. Những người Pháp ủng hộ cuộc chiến cho rằng nếu Pháp để mất Đông Dương, sở hữu của Pháp hải ngoại sẽ nhanh chóng bị mất theo[5] Đa số lãnh đạo Pháp cho rằng so với một cuộc xâm chiếm thuộc địa cổ điển với việc chiếm giữ các trung tâm dân số và mở rộng dần theo kiểu "vết dầu loang" mà người Pháp đã thực hiện rất thành công ở Maroc và Algeria, cuộc chiến này sẽ chỉ có quy mô hơn một chút. Tuy nhiên, mặc dù Pháp chiếm ưu thế quân sự trong thời gian đầu, lực lượng Việt Minh đã phát triển ngày càng mạnh và kiểm soát được nhiều vùng lãnh thổ ngày càng rộng.[5]
Trong khi đó, mục tiêu của Việt Minh và các nhóm kháng chiến khác là giành độc lập cho các dân tộc mình. Cuộc chiến giữa một cường quốc trên thế giới và một đất nước nghèo nàn lạc hậu đã diễn ra gần như lời Hồ Chí Minh đã nói:
"Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi dẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Và dần dần, con voi sẽ chảy máu đến chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy." [6]
Sau Đại chiến thế giới lần thứ 2, trên lãnh thổ của Đế quốc Pháp đã bùng nổ nhiều phong trào đòi độc lập, nhưng gây thiệt hại lớn nhất cho Pháp là Chiến tranh Đông Dương.
Mục lục[ẩn]
1 Hoàn cảnh
1.1 Thời Pháp thuộc
1.2 Việt Nam tuyên bố độc lập - Pháp quay trở lại Đông Dương
1.3 Căng thẳng dẫn đến bùng nổ
2 Diễn biến cuộc chiến tranh
2.1 Thế thượng phong của Pháp và các cố gắng thương lượng của Việt Minh
2.2 Pháp sa lầy và giải pháp Bảo Đại
2.3 Chiến tranh đẩy mạnh - Việt Minh phản công
2.4 Kế hoạch Navarre và trận Điện Biên Phủ
3 Sự tham gia của Mỹ
4 Hiệp định Genève
5 Kết quả
6 Tham khảo
7 Chú thích
8 Liên kết ngoài
//
[sửa] Hoàn cảnh
[sửa] Thời Pháp thuộc
Năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ vào cảng Đà Nẵng và sau đó xâm chiếm Sài Gòn. Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng Sài Gòn và ba tỉnh lân cận cho Pháp. Năm 1869, Pháp chiếm nốt ba tỉnh kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thực dân Cochinchine (Nam kỳ). Đến năm 1885, Pháp xâm chiếm xong những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở miền Bắc. Pháp tuyên bố là họ sẽ "bảo hộ" Bắc kỳ và Trung kỳ (nơi họ tiếp tục duy trì các hoàng đế bù nhìn nhà Nguyễn).
Trong suốt thời kỳ từ khi Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa và phong trào chống Pháp do vua, quan, hoặc nông dân tổ chức, nhưng tất cả đều bị thất bại.
Quân Pháp tấn công quân Thanh ở Lạng Sơn
Năm 1927, những người Việt cấp tiến đã thành lập Việt Nam Quốc dân đảng (giống Trung Hoa Quốc dân Đảng). Đến năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Việt Nam Quốc dân đảng bị suy yếu nghiêm trọng. Cùng năm, những người Việt theo chủ nghĩa Marx-Lenin thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nhưng cũng mau chóng trở thành mục tiêu tiêu diệt của Pháp mặc dù tổ chức của họ thân thiện với Mặt trận Bình dân trong chính quyền Pháp.
Năm 1940, Nhật Bản tấn công Đông Dương và nhanh chóng thỏa thuận được với chính quyền Vichy ở Pháp để Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Thực dân Pháp chỉ tồn tại đến tháng 3 năm 1945 khi Nhật lật đổ Pháp trên toàn bộ Đông Dương. Ngay sau đó, Nhật thiết lập một chính quyền Bảo Đại bù nhìn với chính phủ do một nhà nho uy tín là Trần Trọng Kim đứng đầu.
Việt Minh (viết tắt của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) do Hồ Chí Minh thành lập năm 1941 với vai trò một mặt trận thống nhất dân tộc để giành độc lập. Tổ chức này do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, thu hút được sự tham gia và ủng hộ của nhiều người Việt Nam và ngày càng lớn mạnh. Tháng 12 năm 1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng vũ trang của Việt Minh và tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập tại Cao Bằng.
Đầu năm 1945, Việt Nam rơi vào một tình trạng hỗn loạn. Chiến tranh đã làm kiệt quệ nền kinh tế, người Nhật chiếm lấy lúa gạo và các sản phẩm khác, bắt dân phá lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh, cộng thêm thiên tai, nạn đói (Nạn đói Ất Dậu) đã xảy ra tại Bắc kỳ và Trung kỳ. Người ta ước tính rằng đã có khoảng hai triệu người chết vì nạn đói này.
[sửa] Việt Nam tuyên bố độc lập - Pháp quay trở lại Đông Dương
Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, lực lượng Việt Minh đã tổ chức thành công cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam thống nhất và độc lập với tên gọi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuy nhiên, theo hiệp ước Potsdam, lực lượng Đồng Minh gồm quân Anh và quân Trung Quốc vào Việt Nam để giải giáp vũ khí Nhật. Cả Anh và Trung Hoa Dân Quốc đều muốn hạ bệ chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Anh ủng hộ sự trở lại của Pháp tại Đông Dương, còn Trung Hoa muốn đưa lực lượng thân Trung Quốc lên nắm quyền.
Ở miền Bắc, hơn 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tiến vào với danh nghĩa giải giáp quân Nhật, nhưng mang theo kế hoạch Diệt Cộng Cầm Hồ. Đội quân ô hợp này đốt phá cướp bóc hết sức tàn hại[cần dẫn nguồn].
Ở miền Nam, chỉ 4 ngày sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, phái bộ quân sự Anh đã có mặt ở Sài Gòn, theo sau là liên quân Anh-Pháp. Quân Anh trên danh nghĩa là theo lệnh Đồng Minh vào giám sát quân Nhật đầu hàng nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho quân Pháp vào Nam Bộ. Chính phủ lâm thời của Cộng hòa Pháp muốn khôi phục lãnh thổ thuộc địa Đông Dương. Ngày 19, Pháp tuyên bố sẽ lập chính quyền tại miền Nam. Ngày 23, với sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp nổ súng chiếm quyền kiểm soát Sài Gòn (ngày này sau được Việt Nam gọi là ngày Nam Bộ Kháng chiến). Nước Việt Nam vừa giành được độc lập đã lại đứng nạn ngoại xâm.
Ngày 9 tháng 10, tướng Pháp Leclerc đến Sài Gòn, theo ông là lực lượng gồm 40.000 quân Pháp để chiếm giữ miền Nam Việt Nam và Campuchia. Từ cuối tháng 10, quân Pháp bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch phá vây, mở rộng đánh chiếm ra vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ.
Bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman kêu gọi sự ủng hộ của Mỹ
Từ cuối tháng 9 năm 1945, các đoàn quân "Nam tiến" của Vệ quốc đoàn (quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) bắt đầu lên đường vào Nam chống Pháp[7]. Các tướng lĩnh quan trọng như Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn... được cấp tốc cử vào. Trong hai tháng cuối năm 1945 và tháng 1 năm 1946, lực lượng Việt Minh tại các tỉnh Nam Bộ đã chiến đấu ngăn chặn làm chậm bước tiến của quân Pháp. Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, sau một thời gian, các lực lượng này đều phải rút ra những căn cứ đầm lầy và rừng núi, xây dựng chiến khu để bảo tồn lực lượng cho kháng chiến lâu dài.
Đoàn quân Nam tiến
Trong suốt năm 1946, mặc dù hai bên cùng chuẩn bị lực lượng cho chiến tranh, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cố gắng hết mức thương lượng với Pháp để cứu vãn hòa bình và đẩy lui thời điểm nổ ra cuộc chiến tranh.
[sửa] Căng thẳng dẫn đến bùng nổ
Xung đột quân sự đầu tiên nổ ra tại Hải Phòng. Đầu tháng 11 năm 1946, quân Pháp chiếm trụ sở hải quan tại cảng Hải Phòng. Quốc hội Việt Nam phản đối hành động này và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong việc kiểm soát tất cả các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu. Ngày 20 tháng 11, hải quân Pháp bắt giữ một thuyền buồm Trung Quốc chở xăng được cho là để giao cho Việt Minh. Trong khi tàu được kéo vào bờ, du kích địa phương trên bờ đã bắn vào quân Pháp. Quân Pháp bắn trả và chiến sự nhanh chóng lan ra toàn thành phố. Hai bên nhanh chóng đạt được ngừng bắn, nhưng hai ngày sau, Tướng Jean-Étienne Valluy, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, lệnh cho quân Pháp chiếm toàn quyền kiểm soát thành phố. Ngày 23 tháng 11, Đại tá Dèbes gửi tối hậu thư yêu cầu người Việt ra khỏi khu phố Tàu của Hải Phòng và hạ vũ khí. Khi không có phản hồi, Dèbes lệnh cho tầu chiến Pháp bắn phá thành phố, trong một buổi chiều đã giết chết hơn 6000 người dân[8] hoặc hơn 2000 người theo một nguồn khác.[9]. Sau đó, khoảng 2000 lính Pháp tràn vào thành phố trong khi pháo tiếp tục bắn phá vùng ngoại ô. Quân Pháp gặp phải hỏa lực mạnh của lực lượng Việt Minh bảo vệ thành phố. Chiến sự kéo dài cho đến khi người lính Việt Minh cuối cùng rút khỏi chiến trường vào ngày 28 tháng 11.
Sau sự kiện Hải Phòng, kế hoạch phòng thủ Hà Nội bắt đầu được chuẩn bị để chính phủ Việt Nam có thời gian sơ tán về các vùng núi lân cận. Một số ít lực lượng chính phủ đóng tại Bắc Bộ phủ và một doanh trại gần đó. Còn phần lớn lực lượng quân sự của Việt Nam trong vùng đóng tại ngoại ô của thủ đô. Bù lại, trong nội thành có gần 10000 du kích và tự vệ. Bao gồm những thanh niên đầy nhiệt tình ủng hộ cách mạng, các lực lượng này được trang bị chủ yếu bằng vũ khí tự tạo. Đối địch với họ là vài nghìn binh sĩ Lê dương Pháp, chủ yếu đóng trong Thành Hà Nội, phần còn lại đóng xen kẽ tại 45 điểm trong thành phố như Phủ Toàn quyền, ga Hà Nội, nhà băng Đông Dương, nhà thương Đồn Thủy, cầu Long Biên, và sân bay Gia Lâm.
Các cơ quan của chính phủ Việt Nam bí mật chuyển dần ra các địa điểm đã được chuẩn bị trước ở bên ngoài thành phố. Trong thành phố, quân và dân Hà Nội bắt đầu xây dựng các chiến lũy phòng thủ trên đường phố, quân Pháp cũng củng cố các vị trí phòng thủ của mình. Ngày 6 tháng 12, Hồ Chí Minh kêu gọi quân Pháp rút về các vị trí họ đã giữ từ trước ngày 20 tháng 11, nhưng ông không nhận được phản hồi. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp vào hôm sau, Hồ Chủ tịch khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam hy vọng tránh được chiến tranh - cái sẽ gây đau khổ lớn cho cả hai nước. "Nhưng nếu chúng tôi phải đối mặt với chiến tranh", ông nói, "chúng tôi sẽ chiến đấu chứ không từ bỏ quyền tự do của mình".
Ngày 12 tháng 12, Léon Brum, thủ tướng mới của Pháp tuyên bố ý định giải quyết xung đột ở Đông Dương theo cách sẽ trao lại độc lập cho Việt Nam. Ba ngày sau, Hồ Chí Minh đưa Sainteny một bức thông điệp gửi Brum với các gợi ý cụ thể về cách giải quyết xung đột. Sainteny đánh điện bức thông điệp vào Sài Gòn, yêu cầu chuyển tiếp tới Paris.
Trong khi chính phủ Pháp đang do dự về yêu cầu của Cao ủy Pháp d'Argenlieu về việc tăng quân và lập tức hành động quân sự chống lại người Việt, Valluy, người có chung quyết tâm với d'Argenlieu về việc giữ sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương, đã quyết định rằng cần phải khiêu khích Hà Nội nhằm tạo xung đột và đưa Paris vào sự đã rồi. Ngày 16 tháng 12, ông lệnh cho tướng Morlière phá các chướng ngại vật mà Việt Minh dựng trong thành phố. Khi bức điện của Hồ Chí Minh gửi Brum vào đến Sài Gòn, Vallue viết thêm bình luận của mình, cảnh báo rằng sẽ nguy hiểm nếu trì hoãn các hành động quân sự cho đến năm sau. Đến ngày 19, bức điện mới đến được Paris, khi đó đã quá muộn.
Ngày 17 tháng 12, quân Pháp với xe tăng yểm trợ vào các đường phố Hà Nội để phá các công sự mà Việt Minh dựng trong những ngày trước đó, gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún (Hà Nội), rồi dàn quân ra chốt giữ từ cổng thành Hà Nội đến tận cầu Long Biên và bao vây gây sức ép đồn Công an quận 2 của Hà Nội. Người Việt không phản ứng. Hôm sau, Pháp ra một tối hậu thư đòi chấm dứt dựng chướng ngại vật trên phố. Chiều hôm đó, Pháp ra tối hậu thư thứ hai tuyên bố rằng từ ngày 20, quân Pháp sẽ tự mình đảm nhiệm việc trị an ở Hà Nội. Đáp lại, tối hôm đó, các lực lượng Việt Minh bắt đầu chặn mọi ngả đường từ ngoại ô vào thành phố. Sáng hôm sau (ngày 19 tháng 12), Pháp ra tối hậu thư thứ ba, đòi chính phủ Việt Nam đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị chiến tranh, tước vũ khí của Tự vệ tại Hà Nội, và trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố.
Đối với người Việt, tình hình không khác với sự kiện Hải Phòng hồi tháng trước, khi Đại tá Dèbes cũng đã ra các lệnh tương tự trước khi bắn phá thành phố. Sáng ngày 18 tháng 12, Hồ Chủ tịch ra lệnh chuẩn bị cho các cuộc tấn công quân Pháp vào hôm sau. Đồng thời, sợ rằng bức điện gửi Thủ tướng Brum có thể chưa đến nơi, ông gửi một bức điện thẳng tới Paris. Sáng 19, để thể hiện thiện chí và cố gắng kéo dài hòa bình, Hồ Chủ tịch viết một bức thư ngắn và cử cố vấn ngoại giao Hoàng Minh Giám tới gặp Sainteny để đàm phán "tìm giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại". Sau khi được tin Sainteny từ chối gặp Hoàng Minh Giám, Hồ Chủ tịch triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Ðảng mở rộng tại làng Vạn Phúc, Hà Tây, và tuyên bố rằng trong tình hình hiện tại, không thể nhân nhượng thêm được nữa. Hội nghị duyệt lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến mà Hồ Chủ tịch đã viết, thông qua văn kiện "Toàn dân kháng chiến" do Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Thời điểm bắt đầu nổ súng được quyết định là 8 giờ tối cùng ngày. Chiến tranh Đông Dương bắt đầu.
[sửa] Diễn biến cuộc chiến tranh
Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, công nhân Nhà máy Ðiện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh Việt Nam từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành. Sáng ngày 20 tháng 12, lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Cứu quốc và các báo Hà Nội, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".
Cuộc Kháng chiến chống Pháp được tóm lược trong tài liệu Kháng chiến nhất định thắng lợi, một tài liệu tuyên truyền của Trường Chinh, phát hành những ngày đầu kháng chiến. Tài liệu chia kháng chiến ra 3 giai đoạn: cầm cự, phòng ngự, phản công. Diễn biến chiến tranh về sau đúng như vậy.
Cầm cự: bao gồm gian đoạn vừa đánh vừa đàm trước 19/12/1946 đến hết Chiến dịch Việt Bắc. Thời này có cuộc Nam Bộ Kháng Chiến, cầm cự miền Nam, miền Trung, Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp 6/3/1946 và Tạm ước Việt–Pháp 14/9/1946 Hà Nội 1946, nỗ lực vãn hồi hòa bình, di tản lên chiến khu. Cuối cùng là đánh bại Pháp trong Chiến dịch Việt Bắc.
Phòng ngự: sau chiến dịch Việt Bắc đến hết Chiến dịch Biên Giới. Có các chiến dịch lớn: Chiến dịch Đông Bắc, Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng, Chiến dịch Biên Giới.
Phản công: Chiến dịch Trung Du (tháng 12-1950), Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5-1951), Phòng tuyến Taxinhi,Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Tây Bắc (14/10 – 1/12/1952), Chiến dịch Hòa Bình 1952, Chiến dịch Thượng Lào (8/4 – 3/5/1953), Kế hoạch Nava, Chiến cục Đông Xuân 1953-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3 – 7/5/1954), Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương (21/7/1954)
Phương pháp tiến hành chiến tranh của quân đội Việt Minh chỉ đơn giản có hai điều, xây dựng lực lượng và đánh tiêu hao địch. Phương pháp này đã đi suốt lịch sử lớn mạnh của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.
[sửa] Thế thượng phong của Pháp và các cố gắng thương lượng của Việt Minh
Bài chi tiết: Nam Bộ Kháng Chiến và Chiến dịch Việt Bắc 1947
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các lực lượng vũ trang của Việt Minh đã nổ súng chống Pháp tại nhiều khu vực thành thị trên cả nước: Hà Nội, Nam Ðịnh, đường số 5, Vinh, Huế, Đà Nẵng..., hoàn thành nhiệm vụ bao vây kìm chân và tiêu diệt quân Pháp, tạo thời gian cần thiết để quân chủ lực tản về các căn cứ ở nông thôn và để các cơ quan, công xưởng di chuyển lên vùng chiến khu. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại Hà Nội (Xem Trận Hà Nội 1946). Tại đây, quân Pháp phải chiến đấu giành giật từng con phố và phải chịu thương vong lớn, khoảng 100 lính Pháp được coi là bị giết, 45 công dân Châu Âu thiệt mạng, 200 người mất tích[10]Trong một hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, sau 57 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố, đến đêm 17 tháng 2 năm 1947 Trung đoàn Thủ đô mới rút ra khỏi nội thành.[11] Đa số nhân dân Hà Nội và vùng ven cũng đã bỏ thành phố vượt sông Hồng tản cư lên phía Bắc, tạo thế "vườn không nhà trống".
Hồ Chí Minh vẫn chưa bỏ cuộc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, Việt Minh rải truyền đơn trên đường phố Hà Nội thông báo với "nhân dân Pháp" rằng chính phủ Việt Nam sẵn lòng tồn tại hòa bình trong Liên hiệp Pháp, rằng chiến tranh nổ ra là do "bọn thực dân phản cách mạng tìm cách chia rẽ và gây chiến", rằng chỉ cần Pháp công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam thì thái độ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc sẽ được lập tức khôi phục. Ngày hôm sau, đài Việt Minh bắt đầu định kì phát các lời kêu gọi tái đàm phán. Ngày 23 tháng 12, Hồ Chí Minh viết thư cho Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ các lãnh thổ thuộc địa, và tướng Henri Leclerc, đề nghị một cuộc họp giữa đại diện cả hai bên. Một vài ngày sau, ông chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức một cuộc hội nghị hòa bình mới tại Paris trong khuôn khổ Hiệp định sơ bộ hồi tháng 3. Nhưng tất cả đều không đem lại kết quả gì, người Pháp muốn có phản ứng quân sự mạnh trước khi tính đến chuyện đàm phán. Emile Bollaert, Cao ủy Pháp mới được bổ nhiệm từ tháng 3 năm 1947, được tướng Leclerc khuyên "đàm phán bằng mọi giá". Những người thân cận ông như Pierre Messmer và Paul Mus cũng thiên về chiều hướng đối thoại. Nhưng đã có hơn 1000 binh sĩ Pháp chết hoặc mất tích, và cộng đồng người Pháp ở Đông Dương phản đối kịch liệt việc thương lượng với Việt Minh.
Ngày 23 tháng 4, qua Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Hoàng Minh Giám, Hồ Chủ tịch lại gửi thông điệp tới Bollaert đề nghị ngừng bắn lập tức và đàm phán. Tự tin vào ưu thế quân sự, Bollaert đáp lại bằng một loạt các điều kiện đòi Việt Minh hạ vũ khí trước khi khôi phục hòa bình. Hồ Chí Minh từ chối thẳng các yêu cầu này khi Paul Mus đến chiến khu Việt Bắc gặp ông để truyền đạt thông điệp trên.
Mùa hè năm 1947, lực lượng chủ lực của Việt Minh có khoảng 60.000 người, chưa kể tự vệ và du kích địa phương. Vũ khí thiếu, chủ yếu là do tự tạo và lấy được của Pháp. Yếu về hỏa lực nhưng cơ động và có hỗ trợ lớn của nhân dân, các tiểu đoàn Việt Minh ngày càng có khả năng tránh các trận càn của Pháp và tấn công đối phương lại những nơi mình lựa chọn. Quân chủ lực chính quy của Việt Minh tổ chức như quân đội phương Tây, nhưng thừa kế nhiều kinh nghiệm chiến tranh cổ truyền của Việt Nam. Việt Minh tổ chức du kích là những chiến sĩ bán quân sự, nửa bí mật nửa công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu trong lòng địch.
Cuộc chiến tranh du kích tại đồng bằng gây khó khăn lớn cho Pháp. Ở mọi nơi, Việt Minh vẫn tự do đi lại, tuyển quân, thu thuế. Có những hội tề (chính quyền làng xã thân Pháp) được lập ra để che mắt Pháp nhưng hành động theo Việt Minh. Dân chúng gánh thóc gạo từ vùng do Pháp chiếm đóng đi nộp thuế cho Việt Minh. Các đội du kích được thành lập khắp các vùng bị chiếm quấy rối quân Pháp, Pháp phải để phần lớn quân chủ lực giữ đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù là vùng do Pháp kiểm soát, nhưng thực chất đồng bằng màu mỡ đông dân đó vẫn là nguồn cung cấp nhân lực, hàng hóa và lương thực lớn nhất cho Việt Minh. Thắng lợi duy nhất của Pháp trong mùa hè này là về chính trị, khi sách lược hà khắc của tướng Nguyễn Bình [cần dẫn nguồn], tổng chỉ huy Việt Minh tại Nam Bộ, đã làm nhiều người Việt ở Nam Bộ xa lánh [cần dẫn nguồn] và đẩy lãnh đạo của các phái Hòa Hảo, Cao Đài về phía Pháp.
Hoàn thành việc đánh rộng ra vùng đồng bằng, Pháp quyết định tiến công lên Việt Bắc để sớm kết thúc chiến tranh. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, Chiến dịch Léa, cuộc tấn công vào chiến khu Việt Bắc, bắt đầu. Quân Pháp tiến nhanh và mau chóng định vị được những nơi đóng các cơ quan đầu não của đối phương, nhưng Hồ Chí Minh và chính phủ của ông đã đi thoát, lực lượng vũ trang của Việt Minh lặng lẽ lẩn vào rừng rồi quay ra đánh quân Pháp tại những nơi mà họ chọn. Tuy Pháp không đạt được mục đích tiêu diệt căn cứ Việt Bắc, nhưng họ đã cắt được đường số 4 và kiểm soát biên giới Việt Trung tại Cao Bằng, cô lập Việt Minh với thế giới bên ngoài.
[sửa] Pháp sa lầy và giải pháp Bảo Đại
Bài chi tiết: Quốc gia Việt Nam
Sau chiến dịch Léa, xung đột lặng xuống. Thiếu phương tiện để tiếp tục các chiến dịch tấn công, quân Pháp chỉ giới hạn trong các hoạt động vừa phải ở đồng bằng. Nhưng cũng tại đồng bằng, Việt Minh tổ chức các đội du kích hoạt động bán công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu, thực hiện các hoạt động quấy rối quân Pháp. Các cán bộ Việt Minh vẫn đi lại tuyển quân, thu thuế trong vùng Pháp kiểm soát. Những vùng này vẫn tiếp tục là nơi cung cấp một số loại nhu yếu phẩm như thuốc men, lương thực, vải vóc... cho Việt Minh. Tại các chiến khu, Việt Minh củng cố căn cứ, tổ chức tự sản xuất lương thực và vũ khí để có thể tự tồn tại lâu dài.
Tại đồng bằng sông Hồng, các đội du kích được thành lập khắp các vùng bị chiếm quấy rối quân Pháp. Cuối chiến tranh, du kích cầm giữ phần lớn quân Pháp trong vùng đồng bằng. Mỗi chuyến hàng của Pháp từ Hải Phòng về Hà Nội phải tụ thành đoàn lớn, nhiều xe tăng và lính bảo vệ mới đi thoát. Các đường bộ bị đào bới ngăn cản xe cơ giới, đường sắt bóc hết gang thép làm vũ khí.
Ở miền Trung Việt Nam, Việt Minh xây dựng được một vùng giải phóng kéo dài từ Hội An đến Mũi Đại Lãnh, gần như ngăn đôi đất nước. Ở miền Nam, quân Pháp ở tình thế tốt hơn do lực lượng Việt Minh ở đây ở xa và liên lạc rất khó khăn với lực lượng ở miền Bắc. Lực lượng của tướng Nguyễn Bình bị đẩy vào vùng đầm lầy và rừng núi, họ còn gặp sự chống đối của các nhóm dân tộc chủ nghĩa [cần dẫn nguồn] khác của người Việt.
Lính người Việt trong quân đội Pháp tuần tra trong rừng
Pháp bắt đầu tìm cách xây dựng một chính quyền bản xứ người Việt để làm đối trọng với Việt Minh, và để thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương[12]. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên, chính quyền Quốc gia Việt Nam non trẻ rất yếu ớt do các quyền quan trọng về quân sự, tài chính và ngoại giao đều do người Pháp nắm giữ và quyền hành cao nhất trên thực tế là Cao ủy Pháp. Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập nhưng được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt[13]. Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính mới tuyển mộ được vào các quân đoàn viễn chinh của chính Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp.
[sửa] Chiến tranh đẩy mạnh - Việt Minh phản công
Năm 1950, Chiến tranh Đông Dương có sự thay đổi quan trọng, chuyển sang một giai đoạn mới. Về phía Pháp, chiến tranh đã vào thế sa lầy tuy họ đã dùng đến 40-45% ngân sách quân sự và 10% ngân sách quốc gia. Với sự nổ ra của Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 6 năm 1950, Mỹ thay đổi thái độ về Chiến tranh Đông Dương, coi Triều Tiên và Việt Nam là hai chiến trường phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc chiến của phương Tây chống lại chủ nghĩa cộng sản, tổng thống Mỹ Truman tuyên bố sẽ viện trợ quân sự trực tiếp cho các nỗ lực của Pháp tại Đông Dương[14]. Phía bên kia, năm 1949 ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã giành được quyền lực trên toàn quốc, họ nhanh chóng công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kể từ giờ phút này, hai khối Nga Mỹ bắt đầu gián tiếp can thiệp vào cuộc chiến. Bên Pháp có phái đoàn Mỹ từ Manila qua Sài Gòn do ông John Melby dẫn đầu. Bên Việt Minh có đại tướng Trần Canh là một trong 5 hổ tướng của Trung Hoa.[15]
Thành công của Việt Minh trong Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950 đã phá được thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông dải biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng tới Vịnh Bắc Bộ để mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ. Việt Minh bắt đầu chuyển sang thế chủ động tấn công.
Bác sĩ Pháp chăm sóc cho 1 binh sĩ Việt Minh bị thương
Không còn hy vọng tiến công hay bao vây chiến khu Việt Bắc, Pháp tổ chức Phòng tuyến Taxinhi để bảo vệ vùng đồng bằng. Từ khi chuyển sang chủ động tiến công, các chiến dịch liên tiếp của Việt Minh, Chiến dịch Trung Du, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hoà Bình, Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào đã bóc vỏ Phòng tuyến Taxinhi khỏi đồng bằng, buộc Pháp duy trì một lực lượng lớn bên trong để bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1951, Việt Minh bắt đầu thực hiện các trận chiến quy mô lớn theo kiểu kinh điển. Nhưng họ đã phải chịu thiệt hại lớn, các chiến dịch Hoàng Hoa Thám và Hà Nam Ninh bị thất bại trước quân Pháp do tướng de Lattre de Tassigny chỉ huy. Trận Hòa Bình mà de Lattre mở vào tháng 11 năm 1951 đã trở thành "cối xay thịt" đối với cả hai bên. Khi trận đánh kết thúc vào tháng 2 năm 1952, Việt Minh chịu thương vong lớn, nhưng họ đã học được cách đối phó với chiến thuật và vũ khí của Pháp, và họ đã thâm nhập được sâu hơn vào trong vòng cung phòng thủ của Pháp.
Cuối năm 1952, Việt Minh đánh sang vùng núi phía Tây Bắc Việt Nam rồi vượt sang lãnh thổ Lào[16]. Chỉ huy mới của Pháp, tướng Raoul Salan cố gắng chặn đứng cuộc tấn công này bằng cách đánh vào các tuyến hậu cần của Việt Minh, nhưng không có kết quả. Đến tháng 12, quân Việt Minh vẫn chiếm giữ vùng biên giới Việt-Lào trong khi quân Pháp đã quay trở lại bên trong tuyến phòng thủ mạnh bảo vệ đồng bằng sông Hồng. Ở miền Trung, Việt Minh đã đạt được những thành công quan trọng. Vùng kiểm soát của Pháp ở Tây Nguyên đã bị thu hẹp lại chỉ còn vài vùng ven biển hẹp ở quanh Huế, Đà Nẵng, và Nha Trang. Những khu vực duy nhất mà Pháp còn có thành công là Nam Kỳ và Campuchia.
Mùa xuân năm 1953, Việt Minh tổ chức một lực lượng lớn đánh sang Lào với sự hỗ trợ của Pathet Lào. Quân Pháp thành công trong việc ngăn không để Việt Minh chiếm được Cánh đồng Chum và đến tháng 4 thì chặn được Việt Minh. Mùa mưa đến buộc Việt Minh phải quay trở lại căn cứ.
Ở các vùng khác, Việt Minh tấn công phối hợp đồng bộ từ Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Bộ, buộc Pháp phân tán xé lẻ khối quân cơ động. Việt Minh tiến đánh Tây Bắc, Pháp không còn lực lượng cơ động để ứng cứu, hình thành Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
[sửa] Kế hoạch Navarre và trận Điện Biên Phủ
Bài chi tiết: Trận Điện Biên Phủ
Việt Minh phất cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ
Tháng 7 năm 1953, chỉ huy mới của Pháp, tướng Henri Navarre, đến Đông Dương. Được sự hứa hẹn về việc Mỹ tăng viện trợ quân sự, Navarre chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công mà báo chí Pháp và Mỹ gọi là "Kế hoạch Navarre".
Ngày 18-7-1953, Navarre mở cuộc hành quân "Con én" vào Lạng Sơn và cuộc hành binh "Camargue" vào Quảng Trị phá hủy được một số dụng cụ và máy móc của Việt Minh. Ở Lạng Sơn, Pháp diệt được hai tiểu đoàn, một số căn cứ của địch trong khu tam giác là mối hăm dọa trên quốc lộ số 1 (Trung Việt).
Liên tiếp với hai cuộc hành quân này, mồng 9-8-53 Pháp rút quân ra khỏi Na Sản bằng không vận. Trước đây, 10-52, Pháp đặt chiến lũy Na Sản để ngăn Việt Minh trên con đường tiến của họ qua xứ Lào.[17]
Cùng lúc đó, tướng Võ Nguyên Giáp đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn hơn vào Lào. Với 5 sư đoàn, ông hy vọng sẽ chiếm được toàn bộ Lào và có lẽ cả Campuchia, sau đó hội quân với lực lượng Việt Minh ở miền Nam để tấn công vào Sài Gòn trong khi 60.000 du kích và 5 sư đoàn chủ lực ở miền Bắc sẽ cầm chân Pháp tại đó. Đến tháng 12 năm 1953 và tháng 1 năm 1954, Việt Minh đã chiếm được phần lớn vùng Nam và Trung Lào. [18]
Để đối phó, Navarre thiết lập một căn cứ quân sự ở vùng Tây Bắc Việt Nam, chặn giữa tuyến đường chính của Việt Minh sang Lào. Ông xem căn cứ này vừa là một vị trí khóa chặn, vừa là một cái bẫy để nhử đối phương vào một trận đánh lớn theo kiểu kinh điển và có tính chất quyết định mà tại đó họ sẽ bị tiêu diệt bởi pháo binh và hỏa lực không quân Pháp. Navarre đã chọn Điện Biên Phủ - vùng đất nằm trong một thung lũng lớn, cách Hà Nội 200 dặm đường không trong khi Pháp chỉ có khoảng 100 máy bay - và nhường các điểm cao xung quanh cho Việt Minh, ông cho rằng khi đó Việt Minh chưa có pháo nên sẽ không có nguy hiểm gì từ các điểm cao.
Tướng Giáp quyết định vào "bẫy", nhưng ông đưa vào Điện Biên Phủ 4 sư đoàn cùng với một số lượng lớn pháo do Trung Quốc viện trợ. Những hoạt động du kích của Việt Minh khắp nơi không cho Pháp tập hợp một đội quân cơ động ứng cứu. Những Đơn vị phòng không đầu tiên của Việt Minh được huấn luyện ở Trung Quốc về nước tham chiến. Một lực lượng khổng lồ dân công làm công tác vận tải. Các đơn vị mạnh nhất của Việt Minh bao vây quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Cuộc vây hãm Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 khi quân Pháp đầu hàng. Ở Washington đã có cuộc tranh luận về việc Mỹ có nên trực tiếp can thiệp bằng quân sự, nhưng tổng thống Eisenhower đã quyết định loại bỏ khả năng này do chính quyền Anh sẽ không ủng hộ.
Cục diện chiến trường Đông Dương, tại thời điểm trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Minh (tức Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa) kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Việt Nam, nhưng chủ yếu là các vùng nông thôn và rừng núi, chưa kiểm soát được các thành phố lớn, Pháp kiểm soát một số tỉnh đồng bằng và các thành phố lớn đông dân cư, một số tỉnh đồng bằng nằm trong vùng tranh chấp.
Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất của Việt Minh trong toàn bộ chiến tranh Đông Dương. Trên phương diện quốc tế trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một quốc gia thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này ra khỏi Đông Dương. Ngày 8 tháng 5, hội nghị Geneva bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương.
[sửa] Sự tham gia của Mỹ
Sau Thế chiến 2, Anh và Pháp liên minh với nhau bảo vệ hệ thống thuộc địa cũ. Ban đầu, Mỹ ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà [cần dẫn nguồn], mặc dù điều này gây mâu thuẫn gay gắt giữa Mỹ và Anh, Pháp. [cần dẫn nguồn] Các phong trào độc lập và cách mạng ở Mỹ La tinh, Trung Quốc trước đây được Mỹ ủng hộ và có lợi cho người Mỹ, vốn kém các nước châu Âu thuộc địa.
Pháp đã mệt mỏi vì chiến tranh, họ mong muốn "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" hy vọng giảm bớt hao tổn người và tiền bạc. Một mặt, Pháp thành lập Quốc Gia Việt Nam năm 1949, phát triển quân đội người bản xứ. Một mặt, Pháp thuyết phục Mỹ rằng Pháp đang "chống cộng" chứ không phải mục đích chính là tái chiếm thuộc địa. Ở Mỹ các thế lực chống cộng cực đoan nắm quyền, Hoover thực hiện các chiến dịch khủng bố chống cộng. Người Mỹ tin Pháp [cần dẫn nguồn] và giúp tiền bạc cho Pháp.
Đến cuối chiến tranh, kinh phí chủ yếu do Mỹ cấp, lên đến 1,5 tỷ USD. Cuối chiến tranh, người Mỹ trực tiếp chở 16 ngàn quân Pháp vào Điện Biên Phủ. Nhờ điều đó mà người Pháp duy trì được cuộc chiến.
Đến nay nhiều người Mỹ vẫn không biết vì sao họ bị lôi kéo vào chiến tranh[cần dẫn nguồn]. Ít người nói đến việc nước Mỹ đã bị Pháp kéo vào cuộc. [cần dẫn nguồn]
[sửa] Hiệp định Genève
Bài chi tiết: Hiệp định Genève, 1954
Những lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội năm 1954
Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả nên từ ngày 8 tháng 5 vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận.
Do sức ép của Trung Quốc và Liên Xô, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đồng ý với một bản hiệp định mang lại cho họ ít hơn những gì họ đã giành được trên chiến trường[18]. Tuy ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam được tuyên bố độc lập, và điều quan trọng là sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được công nhận, nhưng Việt Nam bị tạm thời chia đôi thành hai khu vực quân sự để hai bên quân đội, Việt Minh và Pháp, tập kết. Quân Pháp sẽ rút dần khỏi Việt Nam. Cuộc tổng tuyển cử đi đến thống nhất Việt Nam sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm.
[sửa] Kết quả
Đại đoàn 308 tiến qua Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục về tiếp quản thủ đô năm 1954
Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất này, thương vong của Pháp là 140.992, trong đó có 75.867 chết và mất tích, 65.125 bị thương; các quân đội đồng minh ở Đông Dương chịu thương vong 31.716 người, trong đó có 18.714 chết và mất tích, 13.002 bị thương. Thương vong của Việt Minh được ước tính khoảng gấp 3 lần tổng thương vong của Pháp và đồng minh. Khoảng 25.000 dân thường Việt Nam bị thiệt mạng. [18]
Cuộc chiến đã góp phần làm nước Pháp suy sụp và phân hóa. Các chính phủ hiếu chiến bị lật đổ liên tiếp. [cần dẫn nguồn] Pháp chi phí 3.000 tỷ quan, tương đương 7 tỷ USD (trung bình 1 tỉ quan/ngày). Chính phủ Pháp thay đổi 20 lần, trung bình mỗi chính phủ chỉ tồn tại 7 tháng (có chính phủ chỉ tồn tại trong 7 ngày). 7 lần cao uỷ Pháp bị triệu hồi, 8 tổng chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau bị thua trận. [cần dẫn nguồn]
Theo kết quả của hiệp định Geneva, Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vừa giành được thắng lợi quan trọng trên chiến trường, tập kết về miền Bắc. Lực lượng Quốc gia Việt Nam, trong đó có những người mong muốn độc lập cho Việt Nam nhưng bác bỏ lý luận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của những người cộng sản [cần dẫn nguồn], theo quân đội Pháp tập kết về miền Nam. Trên 1 triệu người dân từ miền Bắc đã di cư vào Nam (trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, chiếm khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc), và 140.000 người từ miền Nam tập kết ra Bắc. [19].
Người di cư vào Nam theo chương trình Passage to Freedom (Con đường đến Tự Do) (8.1954)
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, quân Pháp chính thức rút khỏi Hà Nội, Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tiếp quản thủ đô. Thời kỳ hòa bình tại miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Ở miền Nam, quân đội Pháp dần dần rút đi và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệp định Geneva không đem lại được hòa bình cho Đông Dương. Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam không được chính quyền ở miền nam thực hiện. Việt Nam bị chia cắt thêm 20 năm nữa với chiến tranh tiếp tục nổ ra trên toàn Đông Dương với sự tham gia của Mỹ thay cho Pháp. Cuộc chiến mới có quy mô và sức tàn phá lớn hơn nhiều.
Trên phạm vi thế giới, sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương cũng đánh dấu sự sụp đổ của chế độ thuộc địa trên toàn thế giới. Chẳng bao lâu sau đó, các thuộc địa cũ của Pháp như Algérie, Tunisia và Maroc cũng theo gương Việt Nam nổi dậy.
[sửa] Tham khảo
Spencer C.Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, ABC-CLIO, 2000
William Duiker, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000
[sửa] Chú thích
^ Windrow, Martin (1998). The French Indochina War 1946-1954 (Men-At-Arms, 322), p. 11, London: Osprey Publishing. ISBN 1855327899.
^ Windrow p. 23
^ Đường tới DBP-Điểm hẹn Lịch sử
^ Đến năm 1950, chi phí quân sự của Pháp đã vượt quá tổng giá trị đầu tư của Pháp tại Việt Nam
^ a b Spencer C.Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, ABC-CLIO, 2000, tr. 188.
^ Trả lời phóng viên David Schoenbrun của báo New York Times trong cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng 9 năm 1946 tại Paris.Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 379
^ Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, Võ Nguyên Giáp với những ngày đầu chống thực dân Pháp ở miền Nam, 23/08/2007
^ Barnet, Richard J. (1968). Intervention and Revolution: The United States in the Third World, 185, World Publishing. ISBN 0529020149.
^ Prados, John (August 2007, Volume 20, Number 1). The Smaller Dragon Strikes, 50, MHQ: The Quarterly Journal of Military History. ISSN 1040-5992.
^ Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 400
^ Lãnh sự Mỹ tại Hà Nội, O'Sullivan báo về Washington rằng người Việt đã chiến đấu với "một sự ngoan cường và dũng cảm không ngờ" giống như người Nhật trong thế chiến lần thứ hai. Ông ước tính thương vong của người Việt lên đến hàng trăm.Duiker, William, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr. 400
^ William Duiker, Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, 2000, tr.412-413
^ Spencer C.Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, ABC-CLIO, 2000, tr. 474.
^ Spencer C.Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, ABC-CLIO, 2000, tr. 189.
^ p 496 Việt Sử Toàn Thư
^ Các lực lượng kháng chiến Lào thành lập Mặt trận Lào Lạt Xavông 1/1949, lập các chiến khu ở Thượng Lào, Đông Bắc Lào và Tây Lào. Đại hội toàn quốc kháng chiến Lào nhóm hợp 8/1950 thành lập chính phủ do Hoàng Thân Xuphanuvông đứng đầu. Tháng 3.1951, Liên minh Việt-Lào-Campuchia thành lập. Chiến cục Đông Xuân 1953-1954 Quân Việt Nam và Lào thực hiện các Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Trung Lào và Chiến dịch Hạ Lào, chiếm giữ hoàn toàn Atôpơ Phôngxalì, Xavanakhét, Khăm Muộn, Luông Prabăng.
^ p 497 Việt Sử Toàn Thư
^ a b c Spencer C.Tucker, Encyclopedia of the Vietnam War, ABC-CLIO, 2000, tr. 190.
^ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Flight from Indochina [1], tr. 80-81
[sửa] Liên kết ngoài
Quân Anh trong Chiến tranh Đông Dương
Documentaire: VIÊTNAM: La première Guerre 1945-1954 (1)
Documentaire: VIÊTNAM: La première Guerre 1945-1954 (2)
Chuẩn bị toàn quốc kháng chiến
http://www.avsnonline.net/library/ebooks/vn/lichsu/lsvn/lsvn_tchd/hdai.htm
http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.phantich.8112.qdnd
http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.phantich.3091.qdnd
http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.phantich.5424.qdnd
Chiến dịch Quang Trung
Người Pháp nói về chiến tranh, Chủ Lực
No comments:
Post a Comment