Sunday, October 18, 2015

LÂM HOÀNG MẠNH * BUỒN VUI ĐỜI THUYỀN NHÂN III

bia_sach_bvdtn-lhm


Buồn vui đời thuyền nhân – Chương 11: Bước đầu định cư

Posted: 02/04/2013 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh
Lâm Hoàng Mạnh
Tặng mợ và các con.
Đã đăng: Chương [Lời nói đầu, 1a], [ 1b], [ 1c], [2], [3a], [3b], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11]
bia_sach_bvdtn-lhm
Ra định cư, Trại Cotlness phát cho mỗi gia đình một cuốn Cẩm Nang Người Định Cư, tuỳ lựa chọn bản chữ Trung hay bản chữ Việt, gồm các mục:
A-Trợ cấp Xã hội (D.H.S.S), hồi ấy Bộ Y tế chưa tách riêng
B-Công việc
C-Y tế
D-Giáo dục
E-Quản lý và an toàn nhà cửa
F-Xã hội Anh
G-Ban/nhóm bảo trợ
Mỗi mục lớn, có mục nhỏ, giải thích cặn kẽ giúp người mới định cư hiểu cơ bản quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân, có địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

bvdtn-hinh-25
Gia đình nào cũng có, chả ai đọc kỹ, bất cứ chuyện gì cũng nhờ người bảo trợ làm giúp.
Cuối đường Munro Way, có gia đình ông bà Hoóng, vắng vẻ chẳng kém gì Lindsay Way, ông Hoóng, cựu công nhân nhà máy đèn Yên Phụ từ thời Pháp thuộc, tuổi cao, ngoại thất tuần, lưng còng, tóc trắng xóa cũng bỏ tất cả, làm tỵ nạn.
Bà tuy đã ngoại 60, nhưng nhanh nhẹn tháo vát, mộ đạo Phật từ nhỏ. Khi còn ở Trại Thỏ, tuổi cao, không biết tiếng Anh, tiếng Quảng, “hiệp sĩ Hong Kong” cho qua, bà cũng không muốn cải đạo. Ra định cư bà thấy dại, sợ không có người giúp mua gạo, mua đồ Á châu.
Trên mảnh đất quốc đảo hình sư tử, nơi nào dân cư đông đúc, nơi đó có nhà thờ, rất gần, rất tiện lợi cho người mộ đạo. Khác nhiều nước, nhất là xứ Scotland, Thiên Chúa giáo không nhiều con chiên, người Scot đến Church of Scotland, người Ăng-lê cầu kinh tại Church of England, Christian Church…
Dân tỵ nạn miền Bắc hiểu rất lờ mờ về các dòng đạo Chúa Cứu thế, cứ thấy nhà thờ, người đi lễ, là người theo Công Giáo. Chúng tôi bên lương, chả hiểu gì. Vả lại khi cộng sản về, người Thiên Chúa Giáo thường bị để ý tuy nhà thờ lớn của thành phố vẫn tổ chức lễ Giáng sinh, giáo dân đổ về đón lễ, thanh niên bên lương tò mò đến xem, người đông như kiến.
Giáng sinh năm 1958, ba thằng chúng tôi rủ nhau đến Nhà thờ Lớn xem lễ, không ngờ đi qua Nhà thờ Tin lành đầu phố Trại Cau đã đổi tên là Tô Hiệu. Một đôi nam thanh nữ tú, áo quần sang trọng đứng ngay cửa nhà thờ, tha thiết mời vào dự lễ. Chúng tôi chưa bao giờ vào thánh đường, nhìn nhau, gật đầu. Giáo đường trang hoàng thật hoành tráng, lộng lẫy. Chúng tôi bước vào. Các hàng ghế trống trơn, ba thằng nhìn nhau, chót phải chét. Dại quá, lại ngồi ngay hàng ghế trên cùng, gần ban nhạc. Nhạc cử hành, cả giáo đường ngoài ba thằng có thêm khoảng mươi người ngồi phía sau. Đoàn đồng ca hát, linh mục lên giảng, nhạc cử hành. Tiếng chuông ngân vang, Chúa Giáng sinh. Ban nhạc cử hành bài hát lễ, truyền cảm, nối tiếp kéo dài, tất cả thật trang nghiêm, đến nỗi chúng tôi muốn về mà không dám, người dự lễ thưa thớt quá, đành ngồi đến phút chót.
Giáng sinh 1965, cô bạn Kim, cô gái hiến máu, dẫn đi đón lễ Nhà thờ Lớn Hà Nội. Thủ đô có khác. Vả lại Thiên Chúa Giáo đông con chiên, đèn hoa, sáng rực, thánh đường đông nghịt, con chiên khắp nơi đổ về mừng lễ Chúa giáng sinh. Gia đình Kim theo Công Giáo, gia đình cô chú tôi là một bi kịch, tôi không bao giờ muốn theo vết xe đó. Kim đẹp, ngoan, đoan trang, gia đình lễ giáo, cha nàng công chức cũ, giờ xã viên cơ khí. Mẹ Kim, mẫu người vợ và người mẹ của gia đình Hà Nội gốc.
Tôi quý và mến Kim lắm, nhưng không thể bước qua ranh giới. Tốt nghiệp, nói dối, đi B., chắc Kim buồn.
Từ đó không gặp lại. Nhiều năm sau, có dịp ghé Hà Nội, tôi vẫn đạp xe qua phố Trần Nhật Duật vào lúc 10 giờ đêm, nơi nàng sinh sống, nơi đêm thứ Bẩy in đậm dấu chân kỷ niệm, một thời thân ái.
Trong số 10 gia đình cải đạo theo Công Giáo, ai ngờ nhà Chương ra định cư, người bảo trợ dắt đi nhà thờ Tin lành, bảo, “Tin lành là Number One, theo bọn tao, mấy tay Hong Kong biết mốc xì gì.” Thôi đành “đến đây thì phải theo đây”, Chương lại cải đạo Tin Lành, chiều lòng người bảo trợ.
Khu Knightsridge nhỏ thế mà có hai thày tu, linh mục Tin Lành, cha đạo Công Giáo, tiến sĩ thần học Dr. J. McCann, chăm sóc phần hồn con chiên. Hai nhà thờ cách xa nhau, nhà thờ Công Giáo ở Ladywell, nhà thờ Tin Lành ở Dean. Hai gia đình cùng trại, Vinh và Dzùng cải đạo theo Công Giáo, quá xa Wishaw, “hiệp sĩ xảo voọc” Hong Kong chịu, không với tới, đang mừng thầm, gần một tháng, được tự do, không ngờ, hai vị chức sắc đến thăm, giúp đỡ. Anh ngữ kém, họ hỏi gì, vợ chồng Vinh cũng gật, cũng lắc, chán mớ đời.
Có hai thằng con trai, thằng 17, thằng 15, khôn ngoan nhanh nhẹn, đi học vắng, chờ cuối tuần, làm thông dịch, bảo, hai ông này mỗi người một đạo khác nhau, bá má theo ông nào. Biết theo ai? Hỏi bà Smith, không mộ đạo, bảo, không muốn thì thôi, không ai bắt ép.
Bà Hoóng theo cha đi nhà thờ, một lần gặp bà tại nhà anh Sinh, bảo, “có lẽ thím –bà vẫn xưng thím với tôi– bị Đức Phật phạt nên có nhiều vết nhám ở mặt.” Tôi bảo, “không phải đâu, tuổi cao thường có những vết nhám.” Bà thì thào, “Trên gác, thím vẫn có ban thờ Phật. Nể đức cha quá, chứ mỗi lần đi nhà thờ, sợ Phật quở, về phải thắp hương khấn lạy đức Ngài đại xá”.
Chuyện bất ngờ: Chương làm ở cửa hàng Chinese Supermarket, dẫn chủ đem xe van chở hàng đến từng khu, bán gạo, đồ khô. Chủ vui, chúng tôi mừng rơn. Hẹn mỗi tháng đem hàng đến một lần, muốn mua gì thêm đặt trước. Chuyện đi nhà thờ thế là dẹp.
Tết Nguyên Đán 1981, Chương mang hàng bu gà mái già (boiling chicken), gà thải của các trang trại, đem bán. Nhà nào cũng mua. Mừng quá, tết này có gà tươi cúng các cụ. Lần đầu tiên mua loại gà già, đâu có biết cách luộc. Cúng xong, chặt xếp lên đĩa, gà vàng ươm, đẹp mắt, gắp một miếng, chịu, nhai không nổi. Dai quá, hơn da trâu, nuốt không trôi. Cả 5 nhà gặp nhau ai cũng xỉ vả cậu Chương, đồ đểu, đồ lừa lọc, gà nuôi kiểu gì mà dai quá sức. Bà Hoóng gẫy chiếc răng hàm. Tháng sau cậu Chương theo van đến, bà té tát cho một trận tơi bời. Chương bảo, cháu đâu có biết, thằng bé nhà cháu cũng mất chiếc răng cửa. Ninh lâu, thịt mềm nhưng nhạt, nước nấu canh là tuyệt. Từ đấy, cạch, món gà tươi ế.
Khu Knightsridge nghèo, hai nhà ra trước bà con giúp chút đỉnh. Chúng tôi đến sau, uống nước đục. Không có tủ lạnh, thường xuyên phải đi siêu thị khá xa, ngó cửa kính corner shop, mua được chiếc tủ lạnh cũ, loại nhỏ, có 5 bảng. Một gia đình đem đến cho chiếc máy giặt kèm theo máy vắt. Hai chiếc máy này, bây giờ còn giữ chắc kiếm bộn tiền với tư cách đồ cổ. Máy giặt đứng, hình khối chữ nhật, cao khoảng 80 đến 90 cm, vòng quay đảo chiều, mở nắp cho thêm đồ giặt, máy vẫn ù ù như cối xay thóc. Không có đồng hồ thời gian, giặt nhanh hay lâu tùy ý, chuyển nút xả nước, lấy nước, có ống cao su đấu từ vòi xả nước vô tùy thích. Khi nào thấy sạch, lấy đồ ra chậu, đưa sang máy vắt. Máy vắt trông giống máy cán mỳ sợi, cao hơn 1 mét, có 4 lô tròn bằng gỗ, hai nấc cán, có ốc điều chỉnh. Cho từng chiếc quần áo vào, cầm quay tay, quay vòng, nấc thưa quần áo còn ướt mèm, nấc khô được quần áo, các cúc vỡ hết. Máy vắt này chắc mô phỏng từ máy cán sợi mỳ hay cán thép, không hợp cán quần áo. Báo hại cả nhà, bao nhiêu cúc áo vỡ sạch. Dẹp, cho ra vườn sau, chờ người lấy rác đưa đi giúp. Kiểu máy giặt và vắt này, ai muốn chiêm ngưỡng, xin đến bảo tàng đồ cổ ở London. Mỗi lần giặt, đem máy vào buồng tắm, giặt xong, vắt khô bằng tay, chỉ tiện không phải xát xà phòng và vò quần áo.
Một người mang đến chiếc máy khâu quay tay, mặt máy bong hết sơn, tay quay gần như rỉ sét, tôi cảm ơn nại cớ không biết may. Nhà mình đâu phải bãi rác. Tuần sau, bà Hoóng khoe, có người cho chiếc máy khâu, đến xem, hỏi, có phải bà Mary cho không, gật đầu.
Thấy nhà không có vô tuyến, ông hàng xóm Peter Chenney đưa tôi ra Livingston Shopping Centre thuê cho chiếc đen trắng. Tôi muốn thuê ti vi màu, ông bảo đắt lắm, đành nghe lời. Được vài tháng, cũng trong cửa kính corner shop, tôi mua được chiếc ti-vi màu giá 45 bảng, ai ngờ quá cũ, màu chả ra màu, xám xịt.
Thôi đành, méo mó có hơn không. Trả lại chiếc đen trắng thuê, 5 bảng/tháng, cửa hàng không chịu. Hợp đồng 12 tháng, trả lại không sao, nhưng vẫn phải đóng tiền hàng tháng. Thế là có 2 chiếc ti-vi, chiếc đen trắng đưa lên phòng ngủ.
Năm 1981, mua chiếc ti-vi màu second hand hiệu Grundig do Đức sản xuất, hình và âm thanh thật tốt. Được 8 tháng, tự nhiên màu mất. Đem sửa thợ đòi 100 bảng, thay màn hình. Trời ạ, mua 85 bảng, chữa đòi 100!
Cả nhà chỉ có chiếc vô tuyến giải trí, mấy em con chú đi làm, bảo, thiếu bao nhiêu, em cho vay, mua cái mới cho các cháu. Tôi mua cái mới cứng, nhờ ông Peter đưa ra Edinburgh đến cửa hàng Comet, 26 inch giá 300 bảng. Bảo hành 1 năm, thêm bốn năm bảo hành, 45 bảng, cho chắc.
Được gần 2 năm tủ lạnh, xịt, hỏi, phải thay hộp gas, 35 bảng. Thôi nghỉ, mua cái mới. Lại nhờ ông Peter, đi Comet mua chiếc tủ lạnh 2 tầng, 150 bảng. Tiền dành dụm chút đỉnh, đồ cũ thay nhau hỏng. Nghèo lại càng nghèo chỉ vì mua đồ phế thải.
Từ đấy, cạch, không mua đồ điện tử second hand.
Khi còn ở trại Coltness, anh em cắt tóc cho nhau, ra định cư, vợ tôi thành phó cạo. Ba bố con, tháng tháng vào nhà tắm, cúi đầu cho phó cạo học nghề. Mỗi lần nhà tôi húi đầu cho ba bố con, bao giờ cũng hát “dân ca và chèo”: Ối giời, cổ bố con ông toàn ghét, đầu toàn gầu là gầu, tắm gội không kỳ hả. Ghê cả tay!
Cái kiểu ăn nói này tôi nhớ ở thị xã Hòa Bình có tay cắt tóc rất nổi tiếng, nổi tiếng tay nghề và cũng nổi tiếng đểu. Chả biết tên thật là gì, chỉ thấy mọi người gọi theo tên cửa hàng Kim Liên. Hắn tự hào, xuất thân làng Kim Liên, làng nổi tiếng nghề cắt tóc với huyền thoại cụ Tả Ao để mả.
Theo huyền thoại, cụ Tả Ao, thầy phong thủy lừng danh xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ 19, một hôm đi qua làng Kim Liên. Các cụ bô lão, tiên chỉ nghe tin thày, vội vàng mời cụ bữa rượu thịt tươm tất. Đãi xong, thay mặt dân làng, cụ tiên chỉ xin cụ Tả Ao giúp cho dân làng khỏi cảnh bị người làng khác o ép, xin thày để cho ngôi mộ, con cháu sau này mở mặt, mở mày, đè đầu vít cổ thiên hạ. Cụ Tả Ao, vuốt râu cười. Gì chứ, các cụ chỉ mong có thế, già này xin cố giúp. Cụ Tả Ao chỉ cho ngôi mộ, hẹn ngày đẹp, giờ hoàng đạo, đem hài cốt cụ tổ táng ngôi đó, sau 3 năm sẽ ứng hiệu. Nghề cắt tóc từ đó phát triển ở làng Kim Liên. Chẳng phải nghề “vít đầu, ấn cổ” khách húi đầu là gì. Các cụ làng Kim Liên không kêu vào đâu, phục tài cụ Tả Ao như thánh sống.
Kim Liên tay kéo rất điệu nghệ, lái xe tỉnh tôi phục tài hắn lắm. Khách nghèo, nông dân nhất là người dân tộc thiểu số hắn ít khi nhận, dù ngồi không. Theo hắn, mỗi khi cầm kéo, ít ra cũng được 5 hào trở lên, cắt không gội, không sấy 3 hào chả bõ bèn. Khinh rẻ người dân tộc ở một tỉnh miền núi rất nguy hiểm đến sinh mạng chính trị. Hắn cóc sợ, dân đen, ngồi bệt, không buôn gian bán lận, không trộm cắp, không phát biểu lăng nhăng cà chớn, chẳng chửi chính phủ, phê bình ở tổ dân phố là cùng, tống tù đâu có dễ.
Ty Công An có ông phó ty người Mường, nghe bà con dân tộc phản ảnh, ông quyết đến cửa hàng tay Kim Liên xem hư thực ra sao. Tan phiên chợ chiều, ông và người cận vệ mặc quần áo Mán, đeo gùi, bước vào.
Kim Liên xua tay:
– Bận lắm, mai đến.
– Cái mình đi chợ phiên, cái mình muốn húi tóc. Làm cho cái mình đi.
– Đã bảo bận mà.
– Cái mình có thấy ai đâu. Húi cho cái mình đi.
Đuổi thế nào cũng không được, Kim Liên đành thua:
– Ngồi vào đây.
Lấy khăn quàng cổ, lật cổ áo, kêu:
– Mấy tháng chưa tắm hay sao mà cổ đầy ghét.
Phó ty thủng thẳng:
– Cái mình mới tắm Tết mà.
– Sao lười thế?
– Cái mình không có xà-phòng.
Thỉnh thoảng Kim Liên giật tông-đơ một cái.
Phó ty kêu:
– Ối, cái mình đau quá.
– Tóc gì cứng như lông bò, đau là phải, cố mà chịu.
Kim Liên bắt đầu giở trò đểu, hỏi anh chàng Mán đi cùng phó ty:
– Cái mình có cao hố không?
– Cái mình có.
– Cái mình có cao khí không?
– Cái mình có cao khí.
– Cái mình có cao văng mạng không?
– Cái mình chỉ có cao hố, cao khí, không có cao văng mạng đâu.
Người Mán đi chợ phiên thường đem chè khô, thuốc lá cây và các loại cao tự nấu và huyết lình (1) bán. Chè của người Dao toàn mùi ám khói do để gác bếp, có người giở trò gian lận, bán chè, đáy bị buộc hòn đá tăng trọng lượng, mua về thường bị thiếu. Ai mua cao hổ, cao gấu, cao khỉ, cao trăn … họ đều đưa ra một miếng cao màu hung hung đen, mùi ngái ngái, to hơn bao diêm một chút, nhìn bề ngoài rất giống nhau, chả biết cao xương gì hay cao lá cây. Người Kinh thị xã Hòa Bình nhiều lần mua phải cao giả nên xỏ xiên, gọi cao do người Mán bán ở chợ Phương Lâm là “cao văng mạng.”
Tóc cắt xong, Kim Liên gạ:
– Cái mình bôi dầu chải tóc không?
– Bôi thử cho cái mình.
Kim Liên lấy ngay mỡ xe đạp, bôi vào tay, quyệt vào đầu phó ty, lấy lược chải. Đầu phó ty bóng nhoáng. Kim Liên bảo:
– Soi gương xem, bóng chưa.
– Bao nhiêu?
– Năm hào?
– Sao năm hào? Ba hào cơ mà?
– Cắt tóc 3 hào, dầu chải 2 hào, chả năm hào còn gì.
Phó ty lần mãi trong túi áo nâu, lấy ra năm hào.
Hai người định đi, Kim Liên bảo:
– Ấy chưa đi được, chổi đây, quét đám tóc cái mình lại, dọn xong chôn vào gốc cây kia mới được đi.
Cậu cận vệ uất lắm, muốn rút còng số 8, phó ty lừ mắt. Chôn tóc xong, phó ty hỏi:
– Còn phải làm gì nữa không?
– Thôi, xong.
Hai giờ sau, đoàn xe ô-tô Ty Công An hú còi đỗ xịch trước cửa Kim Liên.
“Thằng Mán” bây giờ trong sắc phụ thiếu tá công an, cùng đại úy trưởng trại giam, “Mán cận vệ” và hai chiến sĩ cảnh sát xuống xe, đọc lệnh bắt Kim Liên.
Kim Liên sững sờ, biết mắc bẫy. Cúi đầu, chìa hai cổ tay nhận vòng số 8, không dám nói câu gì.
Ba ngày sau, vợ Kim Liên dắt 7 đứa con lít nhít đến Ty Công An tỉnh, khóc lóc mếu máo, nhà 9 miệng ăn, chồng bị giam lấy gì mà sống.
Phó ty bảo, lần này tha, lần sau mọt gông, nghe chưa? Kim Liên hứa, xin chừa.
Húi tóc tại gia, mỗi tháng tiết kiệm 15 bảng, một năm 3 bố con dành được 180 bảng. Tưởng mỗi mình nhà tôi có phó cạo, ai ngờ tất cả các bà vợ tỵ nạn đều thành phó cạo. Nghề phó cạo, nhà tôi làm đến khi hai thằng con vào đại học, “giáo sư trông xuống, bạn gái trông vào”, chúng được ra hiệu cắt, dù tay nghề nhà tôi đã thuộc loại giỏi, sau mười mấy năm hành nghề, tiết kiệm tiền nghìn. Mấy năm nay, mắt kém, tôi bị bà vợ đẩy ra Barber shop, mèng cũng 10 bảng/lần húi.
Mùa đông 1980 rét thê thảm, đi chợ trời Bathgate -Sunday Market-, mua thảm giải phòng khách và buồng ngủ tụi trẻ, loại rẻ nhất, cũng gần 200 bảng. Có ông McCann quen từ hồi ở Trại Coltness mang cho một số thảm cũ, tất cả buồng, cầu thang kín thảm. Nhà ấm hẳn lên.
Nhà anh Sinh, nhà Vinh, nhà Dzùng đều mua tủ lạnh, máy giặt… toàn đồ mới. Hóa ra họ đi làm chui từ lâu vì biết tiếng Quảng, chúng tôi, vợ đi làm, chồng đi học biết khỉ gì, vả lại tất cả giấu kín, sợ mọi người biết đến tai bà bảo trợ.
Đầu video bán trong các siêu thị từ 1979, tôi nhìn thấy ở Hong Kong, năm 1982, ba nhà kia đua nhau, ai cũng có, thuê phim Đài Loan, phim chưởng vợ con xem tối ngày. Đầu video hồi ấy các nút bấm dài ngoẵng, piano key, to, nặng, chưa có điều khiển từ xa, ấy thế giá 600 bảng/chiếc, so với lương nhà tôi đi làm (kể cả thêm giờ, Thứ Bẩy) trừ thuế, xấp xỉ 100 bảng/tuần. Đúng là thứ xa xỉ phẩm chưa dành cho người nghèo.
Thằng em con chú, đi làm về, mắt vợ sưng húp, hỏi, làm sao mà khóc, bảo, xem phim cảm động quá, không kìm được. Nó đến than, đúng là mình hại mình, sợ vợ ở nhà buồn, mua video thuê băng Đài Loan, Hong Kong, vừa xem vừa khóc, chán mớ đời. Phim Mỹ, phim Anh… nghe không thủng, ngoài súng bắn pằng pằng, ngựa phi như bay… thấy hay hay, hiểu mẹ gì đâu. Phim Đài Loan, Hong Kong tình cảm uỷ mỵ, sướt mướt, đúng tâm lý Á châu, nghe hiểu từng câu, thấm tận đáy lòng, chỉ tội phim nào kết thúc đều buồn thúi ruột, không chảy nước mắt mới là lạ.
Ông bà Hoóng có thằng con làm thêm tối Thứ Bẩy, Chủ nhật, cũng mua đầu video, cả xóm nhà ai cũng có đầu video, trừ nhà tôi. Cuối tuần tụi trẻ nhà tôi đến ông bà trẻ xem nhờ.
Sau Christmas 1983, cửa hàng khuyến mại, giảm giá nhiều, tôi mua chiếc Sanyo, có điều khiển từ xa, giá 500 bảng cho bằng chị bằng em. Cuối tuần thuê băng võ hiệp Lý Tiểu Long, Hong Kong, Cartoon cho trẻ. Mấy tháng sau, mua chiếc máy giặt mới cũng cửa hàng Comet, có đầy đủ chương trình giặt vắt, chiếc cũ cho ra bãi rác. Cuộc sống năm gia đình chúng tôi cải thiện dần dần trong quá trình hội nhập.
Mời đọc tiếp: Chương [12]
Lâm Hoàng Mạnh
Nguồn: Tác giả gửi
Ghi chú:
1- Huyết lình: Máu kinh nguyệt của khỉ khô đọng các núi đá, một số người cho rằng huyết lình chữa được nhiều bệnh.


Buồn vui đời thuyền nhân – Chương 12: Một đoạn đường

Posted: 06/04/2013 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh
Lâm Hoàng Mạnh
Tặng mợ và các con.
Đã đăng: Chương [Lời nói đầu, 1a], [ 1b], [ 1c], [2], [3a], [3b], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12]
bia_sach_bvdtn-lhm
Điều tôi quan tâm nhất là chuyện học hành của tụi trẻ. Con gái tôi vì quen các thày cô và hiệu trưởng, đi học chưa đầy 4 tuổi, đang học lớp 3/10 phải bỏ học, theo bố mẹ lang thang các trại tỵ nạn, thấm thoát gần 2 năm. Hai thằng bé, bắt đầu tuổi vỡ ruột, vì thế khi trại cho ra định cư, tôi nhận ngay, chỉ cần kịp ngày khai giảng.
Trong cuốn Cẩm Nang Người Tỵ Nạn, chúng tôi có quyền từ chối 3 lần nếu không ưng căn nhà được cấp. Khi đến thăm khu Knightsridge, thật lòng không muốn, nhưng ngày khai trường sắp đến, đành nhận.

Tôi học hành đến nơi đến chốn, nhưng gian nan, ngắt quãng nhiều lần. Năm 1945, chuẩn bị lớp vỡ ruột, Cách Mạng Tháng Tám, khí thế hừng hực, học hành gì. Chị em tôi ở nhà, ba tôi kiêm luôn chức thày giáo. Năm sau, học được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến 12-1946, nửa đêm tổ vệ quốc quân đóng gần nhà, kéo gia đình tôi chạy tản cư.
Tiền bạc, đồ quý, chưa kịp lấy, họ bảo, nhanh lên, quân Pháp sắp tấn công, khi nào im tiếng súng, quay lại lấy chưa muộn. Cả nhà bồng bế dắt díu nhau, khăn gói tay nải, mỗi người vài bộ, cứ thế theo Vệ Quốc Đoàn lùi dần, lùi dần về Chợ Hỗ. Hải Phòng rơi vào tay quân đội Pháp. Hết đường về, bà tôi bảo, thôi về quê. Tất cả về quê, xã Đại Bản, An Dương, tá túc, chờ qua cơn binh lửa. Nông dân ban ngày cày bừa, ban đêm là Việt Minh, ai hé răng tính chuyện về thành, đêm, có người bịt mặt đến thăm, ăn đạn liền. Sợ xanh mặt, chả dám ngo ngoe hay lộ ý.
Năm 1947, về Hải Phòng, tôi mới cắp sách đến trường. Cuối năm 1953, chú thứ hai đi chơi với em rể, chú Thịnh, loáng quáng thế nào, cả hai bị xe quân cảnh Pháp chặn ngang hai đầu phố, a-lê-hấp, lên xe bịt kín, tống vào trại. Nghe tin, cả họ đi tìm, gặp hai ông chú trong trại lính khố xanh Ngã Tư Lạch Tray, may-ô quần đùi, đứng trong sân có hàng rào mắt cáo. Chỉ huy sợ trốn trại, dùng độc kế, chỉ cho mặc quần đùi, áo may ô. Chịu, không thể trốn, thành lính bất đắc dĩ. Chú rể, cao to vào lính dù, về sân bay Cát Bi luyện tập. Chú thứ hai tiếng Pháp khá, lính hậu cần, bán hàng trong căng-tin của trại. Cả hai chưa kịp ra trận, chưa cầm súng bóp cò. Chiến tranh kết thúc cả hai trở thành nguỵ quân, thành phần nguy hiểm, trong danh sách sổ đen. Học tập, cải tạo mấy buổi, mang lon binh nhất, lính mới tò te, chưa nguy hiểm, nhưng hễ căng thẳng, hai ông đều phải cắp quần áo lên khu phố tập trung, nhanh một đêm, có kỳ một tuần, cơm chính phủ nuôi. Gia đình chịu, không biết tập trung (giam) ở đâu để thăm nom. Hai chú tôi bảo, ấy thế mà vui, toàn lính cũ tự nhiên được gặp nhau, bữa ăn còn có chút thịt cá, hơn cơm nhà. Từ ông chủ hiệu giầy, hiệu ảnh, chính phủ không cấp môn bài, đồ đạc bán ăn dần, xin việc chẳng ai nhận ngụy quân, đành mở quán bán nước mía, thạch găng, nước ngọt kiếm sống qua ngày. Thế mà quán bán nước cũng sập tiệm. Đơn giản là thân nhân của một công an tiểu khu ccũng mở quán. Sao một phố có những hai quán bán nước, ế là phải. Năm sau, cấp giấy phép mới, quán của ông bà dẹp.
Không thể nhìn đoàn tầu há mồm 7 đứa con đói, ông đành mua chiếc xe xích-lô làm tắc-xi chở khách. Nghề cu-ly xe chẳng thằng nào con nào ghen ăn tức ở nữa. Rồi có ông bạn quen lên chức phó chủ nhiệm hợp tác xã bánh kẹo thành phố, họp ban chủ nhiệm, đứng ra bảo lãnh tư cách thân nhân, ông được nhận làm xã viên, đóng góp chiếc xích-lô. Nhiệm vụ được giao, chuyên chở nguyên vật liệu, hàng hoá của HTX đến và đi các cơ sở. Lương bổng khoán theo sản phẩm. Tháng tháng thu nhập đều và cũng đủ “xăng” bơm mồm cả đoàn tàu 9 toa. Bà cô tôi, đàn em gái, nhân viên tổ đan len, ngày ngày cặm cụi đan đan lát lát, thêm dầu nhớt cho tàu trơn bánh. Cả nhà ông mừng, cả họ tôi mừng. Thôi, thế cũng đỡ phơi mặt ra đường, đạp xe rong, hôm nhiều hôm ít như anh thả lưới bắt cá, thu nhập bấp bênh. Đời cu-ly xe, ấy thế ông vẫn giữ được phong độ ông chủ thời Tây. Bộ com-lê màu hạt giẻ, cà-vạt, áo trắng cổ cồn, giầy da ông tự đóng, đói mấy cũng cố giữ, bà cô tôi vẫn có chiếc áo dài nhung màu huyết dụ, chuỗi ngọc trai. Ngày Tết ông bà lại thắng bộ, nhớ lại thời hoàng kim, quên phận cu ly, mỗi năm được vài ngày, ôn kỷ niệm.
Nhà ông bà khá rộng, tầng dưới cho tổ đan len thuê, nghỉ hè 1964, tôi đến thăm, vừa bước chân vào cửa, thấy mấy chục phụ nữ ngồi duỗi dài, đan len tán gẫu, nhiều cô trẻ. Tôi hoảng, không dám nhìn, nghếch mắt ngó trần nhà, bước thẳng. Chả biết cô nào tinh quái, thò ngay chân ngáng, tôi vồ ếch. Không đau, nhưng xấu hổ, cả hội cười, có lỗ nẻ, chắc chui liền. Bà cô tôi, nói, muốn làm cháu dâu phải thế nào, ai lại cho nó con ếch to thế. Từ đó tôi chỉ đến nhà ông bà vào buổi tối, ban ngày, cạch. Thanh niên thời ấy có câu “Cơm hàng cháo chợ, vợ tổ đan”, ngày nay được chuyển thành “Cơm hàng cháo chợ, vợ làm Nails”.
Năm 1966, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch thăm nơi sơ tán bệnh viện, y bác sĩ cùng lãnh đạo đưa bộ trưởng thăm cơ sở. Đến khoa dược, hơn chục nữ sinh dược tá thực tập, xếp hàng đón. Không để ý, tôi lại bị một cô ngáng chân, loạng choạng suýt vồ ếch trước mặt bộ trưởng. Cả đoàn chả ai dám cười, sợ phiền lòng bộ trưởng. Trưởng khoa dược ghé tai, “Con Minh đấy, cách tỏ tình sơn nữ, sợ gái dân tộc chưa.”
Bà tôi sợ chú thứ nhất bị bắt lính, chuyển lên Sơn Tây, nơi vợ chồng cô thứ hai đang sinh sống. Tôi lại chuyển trường.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Gènerve ký kết, tháng 6, 1955, lại quay về Hải Phòng bằng đường thủy. Tất cả vốn liếng có, mua bương, tre gỗ, nứa vừa làm bè chuyển nhà, vừa buôn gỗ luôn.
Số giàu chấm hết khi đến Cầu Bo, Thái Bình, một trận bão cấp 12 đổ trực tiếp vào vùng biển Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Mười mấy chủ bè sạch sành sanh, tay trắng. Bè tan, gỗ, tre, nứa từng đống chân Cầu Bo, còn tất cả trôi mất ráo. Đau nhất, của nả trong két sắt chìm sâu dưới lòng sông. Thuê người lặn, gần 10 ngày, chịu, coi như của đi thay người.
Tay trắng, về Hải Phòng tìm nhà cũ, người thuê nhà không trả mà còn lý sự, “Cách mạng về rồi, khác xa thời đế quốc, thực dân.” Ai ngờ ông này, Việt Minh nằm vùng, tuy là họ mạc xa, nhưng trở mặt. Thua!
Bà tôi đành lấy tình dì cháu, nói sùi bọt mép, ông ta đồng ý mua, trả giá bằng 1/2 giá thực tại. Thế là may, không trả thì làm gì ai. Bây giờ, làm bí thư đảng ủy Nhà máy Xi măng, trước kia mỗi lần từ quê ra, cho ăn cho ngủ, nay cướp nhà.
Thời thế đảo điên. Cải cách Ruộng đất đang nóng bỏng, con tố cha, vợ tố chồng, lộn tùng phèo. “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.” Tái ông thất mã. Gia đình tôi đang là doanh nhân khá giả, đột nhiên thành vô sản, giai cấp cần lao, thành phần nòng cốt, tin cậy của cách mạng.
Tất cả vốn liếng, hoa tai dây chuyền, nhẫn vàng… của cả nhà góp lại, mua nhà trong ngõ phố Trại Cau, toàn dân tứ xứ, chả ai biết tông tích. Khai hộ khẩu, dân Sơn Tây chuyển về, nơi ấy di cư vào Nam hết, không thể mò ra nguồn gốc.
Quá khứ giấu biệt. Hai ông chú, từ con đẻ biến thành con nuôi, con rể biến thành rể hờ, cô ruột biến thành cô (con) nhận. Đổi họ, thay tên, xóa mọi dấu ấn liên quan với người “xỏ nhầm giầy, theo Tây đánh Ta.” Lý lịch sạch băng, dân nghèo thành thị, mới được học trường y, lộ chuyện, bán thuốc ê, sấu dầm, bánh bao, kéo xe bò là cái chắc. Thương gia, doanh nhân thuộc thành phần xấu, lười lao động, phải cải tạo, không cho con em chúng lọt vào các trường trung cấp, đại học, cái nôi đào tạo cán bộ cho cách mạng.
Do chính sách dở hơi này, con cháu địa chủ, tư sản, ngụy quân, ngụy quyền không phải đi bộ đội, thanh niên xung phong, trong suốt thời gian chiến tranh chống Mỹ, sợ vô Nam, hồi chánh, đầu hàng Việt Nam Cộng hòa. Con em bần cố nông, con cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức… đi bộ đội, thanh niên xung phong dài dài. Con em thành phần xấu an tâm làm cu-ly, phe phẩy -buôn bán chợ đen- chẳng sứt tí da, mất giọt máu nào! Mãi đến năm 1974, lính thiếu trầm trọng, con em trí phú địa hào, ngụy quân ngụy quyền mới “được vinh dự nhập ngũ”, nhưng con cái họ hết tuổi bắt lính, lũ cháu chắt, mũi còn thò lò, chưa đủ tuổi. Con chú thứ hai và con cô, cam phận làm cu ly bốc vếch, không bị đi bộ đội. Tuy nghèo nhưng sống khỏe re, không đui què mẻ sứt, năm 1979 theo chúng tôi, chốn đi Hong Kong, định cư London và Canada.
Nền giáo dục Vương quốc Anh nói chung, Scotland nói riêng có nhiều điểm khác biệt so với nền giáo dục Việt Nam. Nhà trường xếp lớp dựa vào lứa tuổi, không dựa vào trình độ học vấn. Tuổi nào vào lớp đấy, tránh tình trạng thằng lớn to xác ngồi chung bàn với đứa bé, gây lộn xộn, bắt nạt nhau. Việt Nam lại khác, đến nay vẫn vậy, to đầu đến đâu, trình độ lớp 4 vào lớp 4. Không vậy, trò đông 50 đến 60 đứa, làm sao dạy nổi một lớp có 5, 6 trình độ học lực khác nhau. Lớp tiểu học ở Vương quốc Anh không quá 30 học sinh/ lớp, có 2 thày cô, giáo viên chính và trợ giáo. Phương pháp giáo dục là phát triển tư duy của trẻ. Học sinh Việt Nam, máy chép bài, học vẹt, chương trình lan man, thiếu trọng tâm và thực tế. Ngoài ra còn có lò đào tạo “gà nòi” chuyên đi thi đoạt giải Olympia, lòe thiên hạ, một thứ phù hoa giả dối, trang điểm lòe loẹt, che đậy thực chất yếu kém nền giáo dục lỗI thời.
Người cộng sản Việt Nam bao giờ cũng tâm đắc với câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của cụ Hồ, nhưng chẳng bao giờ thực hiện. Người lãnh đạo chính phủ Vương quốc Anh, dù Công Đảng hay Đảng Bảo Thủ cầm quyền, đều có chính sách quan tâm đặc biệt về giáo dục và đào tạo, không hề có một khẩu hiệu hay băng rôn nào quảng cáo “trồng người, trồng cây” như nhà nước cộng sản, nhưng chính sách trồng người của họ quả thật tuyệt vời. Xin giới thiệu vài nét chính:
  • Trẻ sơ sinh đến 5 tuổi con nhà nghèo được cấp phiếu sữa tươi/bột miễn phí
  • Trẻ mới sinh đến 16 tuổi, có Child Benefit, không kể gia đình giàu hay nghèo
  • Tất cả trẻ em từ 5 đến 18 tuổi đi học miễn phí
  • Cấp sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học sinh, miễn phí
  • Con nhà nghèo, bữa cơm trưa miễn phí
  • Học sinh cấp tiểu học cấp miễn phí 250ml sữa tươi. (Năm 1987 bỏ tiêu chuẩn này.)
  • Bậc đại học và cao đẳng, sinh viên con nhà nghèo miễn phí, được trợ cấp sinh hoạt phí tối thiểu
  • Trẻ em từ sơ sinh đến 16 tuổi (học sinh) miễn phí tầu xe
  • Để khuyến khích học sinh học A levels, Six form College (từ 16 đến 18) chính phủ cấp 30 bảng /tuần trợ giúp sinh hoạt
  • Khám chữa bệnh miễn phí. Trẻ em từ sơ sinh đến dưới 16, người già trên 60 và người thất nghiệp, đi khám bệnh được cấp thuốc miễn phí.
Từ năm 1993, kinh tế suy thoái, Thủ tướng Anh, John Major, cải cách chính sách giáo dục và đào tạo nhu sau:
  • Nâng các trường cao đẳng (Polytechnics) lên đại học (Universities). Mục đích thu hút học sinh nước ngoài du học. Học phí và điều kiện nhập học các trường này thấp hơn nhiều so với các trường đại học cũ. Để phân biệt, người ta gọi các trường cao đẳng mới nâng cấp là New Universities. Hầu hết sinh viên du học Việt Nam hiện nay theo học các trường Đại học ở Vương quốc Anh đều là trường Polytechnic cũ, lý do học phí thấp và điều kiện nhập học rất dễ dàng. Cách phân biệt hai loại trường này, xin gợi ý: Tất cả trường đại học cũ có đủ các khoa ngành trong đó có khoa y và dược. Trường New Universities không có bộ môn này.
  • Bỏ chế độ cấp sinh hoạt phí cho sinh nghèo, sinh viên được vay ngân hàng lãi suất 0,02%. Sau khi ra trường có việc làm mới phải trả dần, số tiền rất tượng trưng theo thu nhập trong nhiều năm.
Có nước cộng sản nào trên thế giới từ xưa đến hôm nay đã làm được “cách trồng người” như chính phủ Vương quốc Anh không? Tôi có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột là KHÔNG! Và không bao giờ xảy ra nếu chế độ cộng sản còn thống trị quốc gia đó.
Sung sướng quá, con nhà nghèo, con tỵ nạn Việt Nam có đường tiến thân trên con đường học vấn. Cơ hội trong tầm tay, không được bỏ lỡ. Cấp I, tôi kèm tụi trẻ Toán, lên cấp 2 và cấp 3 (Secondary & High School) kèm cả Lý, Hoá, chính vì thế trẻ nhà tôi lực học khá hơn trẻ cùng lớp.
Vợ tôi bảo, trồng rau mà không bón phân, tưới nước, bắt sâu nhổ cỏ, làm sao mà bội thu được. Chí lý chí tình, ngoài “bón phân, tưới nước”, tôi còn phải “bắt sâu, nhổ cỏ” có nghĩa là phải cảnh giác cao độ lối sinh hoạt, giao lưu bạn bè của tụi trẻ. Cả khi chúng đã vào đại học, không sao nhãng “bắt sâu, nhổ cỏ.” Quả trên cành, sắp chín dễ bị sâu cắn, gió lớn, mưa to vẫn rụng như thường.
Sinh nhật 18 tuổi hai thằng con, chúng mời bạn bè thân cùng lớp ở đại học, đa số con em triệu phú, tỷ phú nước ngoài, trong số đó có cháu Gerrard con tỷ phú Indonesia, đi chiếc xe Jaguar thể thao mới cứng đỗ ở cửa. Chiếc xe thời điểm 1993 trị giá 65 ngàn bảng, gần bằng tiền ngôi nhà 2 buồng ngủ, tiền bảo hiểm xe 6 ngàn. Chà, chơi sang thật dữ! Con tôi bảo, bố nó thuộc Top 10 giàu nhất nước Indonesia. Gặp gỡ, tiếp xúc, mọi chuyện thấy bình thường, riêng sức khỏe hom hem, da xanh, không thể hiện sự cường tráng của tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” như con tôi. Chắc học nhiều nên gày yếu, còn thiếu ăn làm gì có. Hỏi thằng con, nó học khá không? Cười, thường thôi. Bố mẹ nó mua căn hộ ở trung tâm London, trị giá 100 ngàn bảng từ 1990 (thời giá bây giờ là tiền triệu), có cả người giúp việc cơm bưng nước rót. Tại sao lại hom hem?
Tìm hiểu, cậu cả có bồ gái Nhật sống chung như vợ chồng mấy năm nay rồi từ khi sang London học Anh ngữ, trước khi vào đại học. Sâu đấy, phải tránh xa! Tôi khuyên thằng con và tiên đoán Gerrard sẽ lưu ban. Cuối niên khóa, quá nhiều môn thiếu điểm, anh chàng bị lưu ban, xấu hổ, đi Mỹ học.
Con gái tôi có cô bạn Ấn Độ cùng lớp, bố là bác sĩ, trường Old Palace High School for Girls, đến chơi. Tôi hỏi, con tôi bảo, nó hay nghỉ học, bà hiệu trưởng cảnh cáo nhiều lần. Tôi bảo, chấm dứt quan hệ. Kết quả, cuối năm tú tài I nó bị đuổi.
Tôi thành vị tổng tư lệnh tối cao của đàn con. Bảo không, là không, chấp hành nghiêm chỉnh, cấm cãi, cấm phản biện. Có uy lực mới dạy được con.
Tôi đã sửa rất nhiều tật xấu, trong đó bỏ hút thuốc lá từ 1984. Bố hút thuốc làm sao mà cấm con. Vừa tốn tiền, hại sức khỏe cho bản thân và cả nhà. Bỏ thuốc lá cũng gian nan, nói dễ, thực hiện khó. Tôi có ông bạn bỏ thuốc lá 10 năm, về Việt Nam 3 tháng, đến nhà thăm, ông lại phì phèo. Hỏi “Sao hút lại?”- “Hút chữa bệnh nấm da.” Hỏi thêm “Ai nói với bác”- “Mấy cậu em nhà tôi.” Bà vợ phản biện “Ông đừng đổ cho các cậu mà phải tội, ông đi bù khú lắm vào, thằng này gạ thuốc, thằng kia chê ông keo kiệt bủn xỉn không dám mua thuốc 3 số đãi, chúng nó 1 điếu, ông cũng 1 điếu, bập lại có trời can.”
Đúng thật, trời can!
Ông vẫn phì phèo, ngày 1 bao 20 điếu. Hai thằng con trai ông, hơn hẳn ông một bậc, hút cần sa và nghiền đánh bạc máy, vào trại cai nghiện vài tháng. Đời tàn, học hành dở dang, làm xảo-voọc ở cửa hàng anh rể, thỉnh thoảng chị gái dúi ít tiền chơi bạc đỡ cơn nghiền.
Khu Knightsridge có 5 gia đình, ông bà Hoóng có thằng con 16, gia đình Phan Hoa Vinh có 4 thằng con, thằng lớn 17, kết tiếp 15, 13 và 10, nhà Móng Cái, con lớn 14, kế theo 10, 7… các cháu bé học primary, hầu hết sau hai năm theo kịp trẻ địa phương. Những cháu 16 trở lên, học College, thật cố gắng và hiếu học mới vào được cao đẳng, còn không làm xảo-voọc, bồi bàn. Sau này, dành dụm mở nhà hàng, Take-away, xưởng may.
Đó là lý do vì sao sau 20 năm có nhiều nhà hàng của người Việt, xưởng may mọc lên như nấm ở Scotland, Midland, Wales, London, South England.
Nghề Nails phát triển ở Hoa Kỳ từ cuối thập niên 1980, nhập vào London năm 1995, phát triển mạnh từ 2000, thân nhân định cư bên Mỹ giúp đỡ, truyền nghề. Nghề Nails ở U.K đa số là người Việt nhập cư sau năm 1992, ngườI Hải phòng. Những gia đình nhập cư 1980, thế hệ 1 đến nay đều có tuổi; thế hệ 2 đã tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, nếu không vào đại học cũng có nhà hàng lớn nhỏ, ít ra cũng có Take-away đủ sống.
“Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy.” Đã nhập hội Cái Bang, bị gậy kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất, xin chân rửa bát, phụ bếp, lao công, quét dọn… tại các cửa hàng ăn, cửa hàng đồ khô cho người Tầu. Chưa biết tiếng Quảng, người nọ giúp người kia. Phong trào học tiếng Quảng phát triển nhanh trong cộng đồng người Việt (cựu) gốc Hoa, chẳng cần ti-vi truyền hình quảng cáo, cộng đồng Hoa kiều mở lớp dạy trẻ em và người lớn ngày Chủ nhật, lớp đông, khác hẳn lớp tiếng Việt, lèo tèo dăm mống, tôi đã tham gia dạy năm 1987 ở quận Croydon, London. Nhiều gia đình không nói tiếng Việt, vì miếng cơm manh áo, quyền lợi sát sườn, đi học tiếng Quảng đã thu hút họ như thứ nam châm cực mạnh. Cộng đồng Hoa kiều Vương quốc Anh khắp các quận phát triển nhanh, thu hút người (cựu) người Việt gốc Hoa tham gia.
Tôi ra định cư 09-9-1980, đúng dịp niên học 1980-1981 khai giảng ngày 08-9-80. Ông bà Tom & Jenny Leach, hai người thày giáo Anh ngữ, bạn quý của gia đình từ 1980 cho đến nay, giúp tôi đi đúng hướng. Bà Jenny Leach bảo, sợ nhất chúng quên tiếng Việt, phải giữ bằng được ngôn ngữ dân tộc mình. Bắt chúng nói tiếng Việt với cha mẹ, nếu không, sau vài năm, tiếng Việt trở thành ngoại ngữ của nó. Hai ông bà từng là giáo viên dạy Anh ngữ nhiều năm ở Lục địa Đen, kinh nghiệm đầy mình dạy người nước ngoài.
Cám ơn Prof Jenny Leach, bà trở thành giáo sư Đại học Cambridge năm 2000, qua đời 10-2007, vì ung thư. Nhờ bà, các con tôi rất giỏi tiếng và chữ Việt, mặc dù hai thằng bé vỡ lòng là Anh ngữ.
Prof. Elsa Davenport, giáo sư trường Stevenson College, người thày và cũng là người bạn của gia đình đã giảng giải cho tôi hiểu nền giáo dục ở Vương quốc Anh, điểm khác biệt giữa hệ thống giáo dục England và Scotland, thật quý báu, giúp tôi định hướng cho đàn con. Hàng năm, sinh nhật cháu nội ngoại của tôi, bà đều gửi quà.
Trẻ bắt đầu đi học vỡ lòng, tính theo ngày sinh, cháu nào sinh từ 03-9 bị thiệt, học muộn 1 năm so với cháu sinh 30-8. England học cấp 3 (High School) 2 năm, A levels hay Six form. Scotland, cấp 3 có 1 năm (High levels), vì thế các trường đại học Scotland học 1 năm dự bị đại học. Lấy bằng cử nhân ở đại học England có 3 năm, ở Scotland 4 năm. Trong Top 10 của các trường đại học toàn Vương quốc Anh, Scotland có 2 trường, 8 trường còn lại thuộc England.
Sau ba năm, các con tôi đã theo kịp chúng bạn, riêng đứa con gái rất xuất sắc, thường được báo cáo điển hình. Bà Jenny Leach, hồI ấy là giáo viên Anh ngữ trường Dean Secondary & Hgh School, nơi mà niên học 1984-1985 con gái tôi sẽ vào. Bà nói thật, chất lượng nhà trường thấp, nếu có điều kiện cho con thi vào trường tư thục (Private School) ở Edinburgh, đỗ điểm cao sẽ được học bổng (Scholarship), bà tin con tôi sẽ vượt qua kỳ thi sát hạch nếu nộp đơn.
Khốn nỗi, từ Knightsridge đến trường Secondary & High School ở Edinburgh xa gần 30 dặm, đổi hai xe bus xanh, chuyển 2 hay 3 xe bus đỏ, gần 12 tuổi làm sao đi học một mình được. Vợ tôi đi làm, so với lĩnh trợ cấp hơn khoảng 25 bảng /tuần, trừ tiền xe, ăn trưa, hơn đúng 15 bảng. Chủ hộ, tôi vẫn phải đi ký thất nghiệp hai tuần một lần, dù chẳng được một cắc, còn mất tiền xe bus.
Tôi hỏi, họ bảo, không ký cũng được, nhưng nếu vợ mất việc, ký lại khó lắm. Đành chịu. Muốn chuyển nhà về Edinburgh hay London ít nhất phải có một hai ngàn bảng và kiếm được việc làm, không có việc chủ nhà không cho thuê. Họ không muốn dính dáng lôi thôi với sở thất nghiệp.
Mùa đông 1980, năm đầu tiên biết thế nào cái lạnh miền hàn đới. Năm ấy, theo người địa phương, rét nhất trong 10 năm qua. Gần lễ Giáng sinh, tuyết rơi dày đặc suốt ngày đêm, lò sưởi gas bật hết cỡ, trong nhà nhiệt độ lên được 25 độ C. Sáng hôm sau, mở cửa lấy chai sữa, một đống tuyết cao ngang thắt lưng đổ thẳng vào bếp. Tuyết dày gần 1 mét, đi cầu, giật nước không chảy. Hệ thống dẫn nước đóng băng, may chưa vỡ ống dẫn. Không có nước, tôi mang xô ra cửa xúc tuyết, đun lấy nước ăn uống, rửa mặt, đổ cầu tiêu. Tuyết tan ra, thế mà thật bẩn, đáy nồi đầy cặn. Đêm ấy, nhiệt độ âm 30 độ C.
Theo dự báo thời tiết, rét còn kéo dài, vùng cao đề phòng bão tuyết. Trong khi đó nhiệt độ London ban đêm -10, ngày -3 đến -5 độ C, không có tuyết.
Sướng chưa!
Hệ thống giao công cộng tê liệt, không xe bus, không tầu hỏa. Trường học, công sở, đóng cửa. Xe không chằng xích vào lốp không thể đi được, bánh xe cứ xoay tít trong tuyết. Tôi hà hơi nhiều lần vào cửa kính, đá dính cửa mới tan, lau kỹ nhiều lần mới nhìn thấy ngoài trời. Tuyết vẫn rơi tầm tã. Cả không gian chìm trong tuyết trắng, nhà trắng, đường trắng và vắng lặng. Buồn thúi ruột. Thỉnh thoảng một vài đứa trẻ, quần áo kín mít, tay mang tất, nắm từng vốc tuyết ném nhau. Nhìn mà lo, mùa đông nào cũng thế này, tính sao đây.
Hồi ở Việt Nam, thấy tuyết trên phim ảnh sao mà đẹp thế. Những bông tuyết trắng xóa, lả tả rơi trong không gian, trong phim, lính Nga còn tắm tuyết. Cởi trần trùng trục, vốc từng đống tuyết trắng, xoa xoa vào người, da ửng đỏ. Xem phim, tôi thấy tuyết thật đẹp, chắc không quá lạnh. Ao ước được du học hay du lịch, chỉ một lần thôi được hứng từng bông tuyết trắng muốt lả tả rơi nhẹ lên bàn tay mình. Giờ đây, tuyết đang rơi tầm tã, rét kinh hoàng, tê tái, thê thảm.
Nghệ thuật và đời thực khoảng cách thật xa.
Tết Nguyên đán 1983, thật bất ngờ, vợ chồng Phan Hoa Vinh báo tin, gia đình Sinh dọn về Bathgate, anh ta cho cả địa chỉ và số điện thoại. Cuối tuần, ra telephone box gọi điện hỏi thăm, mời đến chơi.
Nhà hai tầng, 3 buồng ngủ, đẹp, khang trang.
Hơn một năm gặp lại, anh Sinh nói hết sự thật.
Cả 4 gia đình Knightsridge làm chui trong các nhà hàng Take-away của Tầu từ cuối năm 1980, gia đình anh bị bà Smith dòm ngó nhiều quá. Nếu tiếp tục làm, sợ bà bẩm báo, đành về thuê nhà “David chó” ở tạm, ấy thế cũng mất hơn 6 tháng. “Nhà này, tay chủ Take-away ở Bathgate xin cho đấy. Lão Vinh, tay Dzùng, thằng Chí con bà Hoóng đều làm ở Bathgate, muốn làm không, xin cho. Cửa hàng bây giờ đông khách, cần người phụ làm với mình. Yên tâm đi, một đêm 12 bảng. Thế nào?”
Cô vợ anh Sinh nhanh miệng, bảo, kiếm chút đỉnh, chứ thật thà như ông bà, con cái khổ, chẳng ai khen. “Thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm.” Bà đi làm, có lĩnh thất nghiệp đâu mà sợ, ông đi học. Học quái gì mà lâu thế. Bây giờ tiền trên hết. Tôi bảo, “Khổ nỗi, càng học càng thấy dốt, anh hỏi đi, tay Mằn Phúng -Văn Phong- nhận, Thứ Bẩy tôi đi làm với anh, tôi chả biết khỉ gì đâu.” “Yên tâm đi, anh em giúp nhau, có khó gì đâu. Công việc tả chạp, làm hành, làm gà… chỉ là biết liền mà.”
Từ đó, Thứ Bẩy, đón xe bus xanh đi Bathgate từ 3 giờ chiều, có hôm gần 1 giờ sáng Chủ Nhật mới hết khách. Chủ tiện đường đưa về nhà. Như vậy Take-away của Văn Phong có 3 thằng chúng tôi ở Knightsridge, anh Sinh bếp trưởng, anh Phan Hoa Vinh phụ xào và tôi phụ phẹt. Ba thằng tỵ nạn vui như Tết, vừa làm vừa tán dóc. Tính ra nó trả có 0.80 bảng/giờ. Bọn Hong Kong mắng, chúng mày ngu, trả thấp thế mà cũng làm, hại cả chúng tao. Biết làm sao, tôi mỗi tuần làm có 1 buổi, kiếm 12 bảng ky cóp dần để chạy về London.
Năm 1983, Phan Hoa Vinh lên tay nghề, sang cửa hàng khác làm bếp trưởng, tôi phụ xào, vợ tôi cũng tham gia thay chân phụ phẹt.
Trẻ con 3 đứa, ở nhà một mình. Vừa làm vừa lo ngay ngáy, mỗi khi có chuông điện thoại ở cửa hàng là giật thót. Khách mỗi ngày một đông, tôi và nhà tôi tuần 2 buổi thứ Bẩy và Chủ nhật, tính ra, một tuần kiếm được 50 bảng bỏ hòm dành cho cuộc di chuyển về London.
Giữa năm 1983, chú Thinh viết thư, nói có bạn quen ở London rủ về, “chúng em về trước, có gì anh chị về sau.” OK. Hai tháng sau, thư Thịnh viết, “Em thuê được nhà, tháng 30 bảng/buồng. Kiếm được việc làm xưởng bánh mỳ. Anh chị có định chuyển, xuống chúng em thăm thú.” Tuyệt rồi! Phải đi chứ.
Sau lễ Giáng sinh, tôi xuống thăm cô chú. Hai vợ chồng hai đứa con, lớn 5, bé 2 tuổi, thuê một buồng đôi. Tôi đến, may thằng chủ cho ngủ phòng khách. Đêm làm ngày nghỉ, chú bảo, thế mới có thời gian xin nhà, xin trợ giúp tiền nhà, vì lương thấp, chú dẫn tôi tìm nhà thuê.
Đa số đòi đặt tiền cọc tối thiểu 1000 bảng. Tiền đâu ra.
Trong tay cả hai vợ chồng hòm hòm gần ngàn, đặt cọc còn thiếu, tiền thuê van chở đồ, tiền ăn, tiền nhà hàng tuần lấy đâu ra. Cô Linh, vợ chú Thịnh bảo, “Chúng em cho vay tiền đặt cọc.” Cô chú thật chân tình, tôi không dám lợi dụng. Tôi bảo “Thôi, khi nào chú xin được nhà, tôi thế buồng chú thuê, bây giờ cố làm thêm, dành tiền.” Thế cũng được.
Năm 1983, con gái tôi, tỵ nạn Việt Nam, mới vào học 3 năm, không những theo kịp bạn bè mà còn học giỏi, xuất sắc mọi môn, nhất lớp, thường xuyên báo cáo điển hình. Chúng tôi mừng quá. Tay Văn Phong, chủ cửa hàng, có thằng con trai 15 tuổi đang học tư thục ở Edinburgh, xem report của nhà trường, bảo, sẽ giúp đưa con tôi đi học, nếu thi đỗ. Cộng đồng người Hoa rất đoàn kết và tận tình giúp nhau nơi đất khách. Cảm ơn tấm lòng thiện tình, nhưng không thể nào nhờ vả 7 năm học, chúng tôi phải đi bằng chính đôi chân của mình.
Bà Ruth Chenney, phu nhân Peter Chenney, nhạc công vĩ cầm, tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Áo,. Năm 1976, sau khi bị tai nạn xe hơi, bà làm gia sư môn vĩ cầm và dương cầm. Năm 1982, ở Ladywell có người bán chiếc dương cầm cũ, 45 bảng. Tôi hỏi về việc học nhạc, bà bảo con anh chị học thì tôi lấy nửa học phí.
bvdtn-hinh-26
Bà thân chinh đến kiểm tra chất lượng đàn, thuê xe chở về. Hàng tuần con tôi đến nhà bà học, sau 3 tháng thi Grade I đỗ hạng ưu (distinction), đó là thứ hoa lá trang trí cho đời thêm xanh, học hết grade 8, cũng là lúc hết A levels, không vào viện âm nhạc, học ngành y, nối nghề cha mẹ.
Từ khi ra định cư, ông bà Tom & Jenny giúp tôi tìm mọi cách được trở lại nghề nghiệp. Anh ngữ chưa đủ, bằng cấp của Việt Nam, nhất là ở miền Bắc không được các nước công nhận, phải làm lại từ đầu. Tuổi đã ngoại tứ tuần, đào tạo 5 năm, quá tốn kém. Tôi hiểu, mặc dù thư của Hội Y học UK trả lời động viên. Kiếm nghề khác thôi. Về London, gặp rất nhiều bác sĩ phía Nam cũng phải bỏ nghề, dù Anh ngữ rất giỏi.

Buồn vui đời thuyền nhân – Chương 13: Kỷ niệm ở rừng

Posted: 09/04/2013 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh
Lâm Hoàng Mạnh
Tặng mợ và các con.
Đã đăng: Chương [Lời nói đầu, 1a], [ 1b], [ 1c], [2], [3a], [3b], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13]
bia_sach_bvdtn-lhm
Một sáng Chủ Nhật chúng tôi đi chợ trời Bathgate, rẽ vào thăm vợ chồng Sinh. Gặp vợ chồng Phú -chị gái và anh rể Sinh đến chơi. Chúng tôi biết nhau từ dạo ở Wishaw. Sau vài câu chào hỏi xã giao, anh chị khoe sắp chuyển về London.
Tôi chưa hiểu mô tê gì, bởi vì gia đình anh được định cư ngay Wishaw. Không những thế còn sát trung tâm. Vợ anh làm thợ may một xưởng gần nhà. Thật lý tưởng, chúng tôi mơ cũng chẳng được. Sao lại chuyển?
Anh Phú bảo “Rất nhiều gia đình đã chuyển về London, chỉ có các anh không biết.” Tôi hỏi “Về London nhà đâu mà ở.”- “Xì, đúng là ngố. Vào hostel, sau đó xin nhà council hay đập nhà.” – “Lại còn thế nữa. Đập nhà?” – “Ừ, đập nhà chứ sao. Cứ chọn nhà nào của council, không có người ở, đập cửa kính, chui vào, mở cửa trước dọn tất cả đồ đạc. Thế là xong.”

Nghe Phú nói sao dễ vậy. Tôi hỏi:
– Không bị truy tố à?
– Có. Ra tòa bị phạt 25 bảng, rồi nhà nước cho ở luôn.
– Thật không?
– Sao không thật, dối làm gì. Tụi tôi đang rủ vợ chồng Sinh đây. Có muốn chuyển không?
– Anh chị nói như chuyện đùa, làm sao vào được hostel.
– London có vài chục hostel đang ế khách, người đi trước giúp người đi sau, chỉ cần báo trước một tuần nó chuẩn bị ngay. Hostel này chật, nó giới thiệu sang cái khác. Thiếu giống gì.
Vợ chồng S. cười “Chúng mình ở đây chả biết mô tê gì. Gia đình Hùng, gia đình Đức, gia đình Liên ở Trại Thỏ chạy về tháng trước rồi. Có thư gửi đây.”
Phú đưa tôi xem. Chịu không hiểu trời trăng, mô tê gì.
Anh chị Phú đưa cho xem giấy buồng thuê hostel, gồm 7 giường đơn vì gia đình bẩy người, bố mẹ già, 3 con nhỏ, tiền thuê 150 bảng/tuần. “Tiền ai trả?”- “Đã bảo Sở Xã hội trả mà.” –“Sao mỗi người một giường?”- “Ô hay, nhà trọ mỗi người một giường, có phải khách sạn đâu.”
Tôi vẫn chưa hiểu, hỏi thêm:
– Thế giường chiếu, tủ lạnh, máy giặt, bếp… của mình để đâu?
–  Có kho để tạm, khi nào ra nhà riêng chuyển đi.
– Không nấu nướng gì?
–  Làm gì có bếp. Mua thức ăn bán sẵn, rẻ mà. Cố chịu một thời gian, có nhà riêng tính sau. Các ông đúng là dân Mán, dân “Cơm đồ nhà gác…” chả hiểu gì hết.
Tất cả những gì anh chị Phú cho biết ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi Mán Mường thật. Mán là phải. Tôi đã từng ở trong làng bản với người dân tộc địa phương Hoà Bình khá lâu.
Hai lần sơ tán, gần 5 năm trong núi cao rừng thẳm, làm sao mà chẳng Mường, Mán, nơi mà dân gian có câu: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”.
Phong tục tập quán của người Mường như thế nào, xin kể sơ qua.
Sau khi nộp hồ sơ và từ chối “thiện tình của đồng chí phó bí thư Đảng ủy”, tôi được cô nhân viên trong phòng tổ chức hành chính đưa đến tá túc một gia đình người dân địa phương trong thời gian chờ bệnh viện làm xong lán trại.
Đó là căn nhà sàn của người Mường, khá rộng, lẩn trong bìa rừng. Ngày họ đi sơ tán vào rừng sâu, dựng lều ở tạm, gọi là “Truộn”, lặn mặt trời mới về. Thời bấy giờ miền xuôi còn nghèo huống chi cuộc sống của người nông dân miền núi vùng sâu vùng xa.
 Dân ở đây rất nghèo, nghèo lắm. Tháng ba, ngày tám năm nào cũng đói. Họ lũ lượt kéo vào nhau rừng đào củ mài, củ vớn, củ nâu ăn thay cơm. Củ mài rất khó tìm, đào được một gốc dăm ki-lô, cả nhà đỡ đói vài hôm. Củ mài ngon, đông dược gọi là hoài sơn. Củ vớn, củ nâu chát xít, gọt vỏ, nạo nhỏ, ngâm nước một hai ngày cho đỡ chát, đem đồ chin. Chát và khó nuốt nhưng còn hơn bụng đói.
Người Mường xóm Thá nơi bệnh viện tôi sơ tán thời bấy giờ vẫn còn mang nhiều tập tục hái lượm. Năm nào cũng đói, nhưng họ lại không trồng khoai sắn và cũng không trồng rau hay bầu bí để cải thiện đời sống dù đồi hoang rất nhiều.
Phụ nữ Mường ra khỏi nhà, bao giờ lưng cũng đeo “chỏ” -còn gọi là gùi- đeo “màm” -giỏ bắt cua- bên hông. Gặp bất cứ rau rừng, măng, mộc nhĩ, nấm… ăn được đều hái cho vào gùi. Cua đá, cá, ếch, nhái, ốc suối… bắt được bỏ vào “màm” hay “chỏ”, đem về làm “canh.”
Bữa ăn gồm cơm, canh. Canh là món ăn như thịt, cá, rau, đậu.. thậm chí còn có món canh hổ lốn nấu bằng tất cả thứ rau hái được cùng với cua, cá, ốc… trên đường lên nương, đi củi hay làm ruộng mà họ lấy được.
Một lần tôi đem cơm tập thể về, đúng bữa cơm chiều của gia đình mế Bảo. Gia chủ, mời ngồi ăn chung. Nể quá đành mang cạp-lồng đựng suất cơm góp mâm. Mế gắp miếng măng cho vào bát của tôi. Trông thật ngon lành. Cắn vào. Chao ôi, đắng hơn ký ninh! Nuốt không nổi. Lúng búng mãi, tôi đành lấy khăn mùi-xoa vờ lau mồm, nhè ra gói lại đút túi.
Tôi hỏi:
– Măng gì thế, mế?
Mế cười:
– Măng đành hanh, tuy đắng, ăn bổ và mát lắm.
Mát hay bổ cũng chịu, đắng quá. Tất cả các loại mướp đắng, hoa đu đủ đực tôi hàng vô điều kiện.
Nhà sàn người Mường nơi nào cũng giống nhau. Khác là khác sàn nhà và vách xung quanh làm bằng gỗ hay bương tre nứa.
Cột nhà thường bằng gỗ rừng. Ngâm suối từ sáu tháng đến một năm để tránh mối mọt. Chân cột kê đá. Gầm sàn cao hơn đầu người. Nhà có hai cửa lên xuống. Cửa chính cho đàn ông và cho khách. Cửa sau dành cho phụ nữ lên xuống bếp, ra sạp phơi quần áo.
Nhà giàu, cột bằng gỗ tứ thiết -trai, sến, táu, nghiến- vách và sàn bằng gỗ, ba gian hai chái. Nhà nghèo một gian hai chái, vách nứa, sàn bương. Gian giữa bếp lửa bập bùng giữ lửa ngày đêm hoặc có chiếc đèn dầu mà tim bấc vặn thật nhỏ. Đêm khuya, ai cựa mình hay đi đâu đều nghe tiếng cọt kẹt của sàn.
Dưới gầm sàn buộc trâu bò, để chuồng gà, chuồng gia súc và chứa củi khô. Đó là nhà kho tổng hợp.
Nhà khá giả, có tấm phản gỗ to bằng chiếc giường đôi đặt lên sàn sát cửa vóng để tiếp khách. Xung quanh có cửa vóng -cửa sổ. Cửa này chỉ dành cho chủ nhà là đàn ông ngồi nhìn ra ngoài. Còn vợ, con gái và con rể không được ngồi sát cửa vóng. Đêm trải chiếu lên sàn thành giường ngủ. Vợ chồng có buồng riêng ở sát cửa sau, ngăn cách bằng tấm liếp.
Nằm trên sàn, có khi nằm ngay trên lưng trâu, mùi hôi và tiếng thở phì phò dưới lưng, tìm chỗ khác thật khó. Vì không được nằm chắn ngang lối đi.
Được hai tuần, một đêm khuya tôi đang ngon giấc. Đột nhiên vang tiếng thanh la, tiếng mõ gõ liên hồi. Choàng tỉnh. Tôi hỏi cậu Bảo con gia chủ:
– Gì thế Bảo?
– Cọp về bản.
Tiếng thanh la, tiếng mõ đuổi cọp bên trại nuôi trâu bò xóm Thá vẫn vang lên liên hồi. Cả nhà tỉnh. Lửa bếp bùng sáng. Cửa trước cửa sau, cửa vóng buộc chặt, cài thêm then.
Mế Bảo chìa lưng cho tôi xem một vệt sẹo dài gần 20 cm, sâu hoắm. Mế nói:
– Cọp cào đấy.
Mế kể, lâu lắm rồi, đêm ấy cọp về bản. Hồi ấy mới đôi mươi, mế ngủ say. Cọp về bản vào tận nhà, dưới gầm sàn mà không ai biết. Cọp luồn móng qua khe sàn bương, cào qua chiếu vào lưng. Mế mất hẳn mảng thịt dài, đắp thuốc hàng tháng mới lành. Mế bảo “Mỗi lần động rừng, cọp về bản bắt trâu bò, lợn thường xuyên.”
Mế tiếp “Trước kia ở đây nhiều cọp lắm. Từ khi chính phủ làm đường 12B năm 1960, cọp sợ tiếng mìn phá đá, chạy sâu trong rừng. Bây giờ ít rồi.”
Nghe chuyện kể mà tôi thót tim, dựng tóc gáy. Từ đấy, đêm đêm tôi không dám đi đâu một mình.
Một lần, từ thị xã về bệnh viện sơ tán trong rừng. Đang đẩy xe đạp lên dốc Cun, gần đến đỉnh dốc nhìn thấy cửa rừng có biển thông báo nước sơn còn tươi, “Có cọp xuất hôm qua ở khu này. Bà con đi đường lưu ý.”
Sợ quá, tôi vội lên xe cố leo dốc. Tới đỉnh, thở không ra hơi. Trời lại nhập nhoạng tối, tôi đành ngủ nhờ anh bạn ở Hạt Giao Thông.
Thế mà hơn năm năm sống trong rừng tôi chưa gặp cọp, báo, gấu bao giờ. Mấy năm sau, sống trong rừng quen, tôi dám vác súng hai nòng, theo người địa phương đi săn đêm.
Nhà sàn có nhiều tiện lợi:
–  Sàn nhà bằng bương hay gỗ, ban đêm giải chiếu, thành giường.
–  Tránh được thú dữ, trăn, rắn… bò vào.
–  Gầm sàn thành chuồng trâu bò, lợn gà, chứa củi… Một loại kho tổng hợp mà chủ nhân có thể theo dõi quản lý dễ dàng.
– Tất cả đất cát, bụi bặm, rác trên sàn… quét ngay qua khe, đẩy xuống gầm sàn khỏi phải hốt.
Nhà sàn người Mán -Dao- khác người Mường. Người Dao ở vùng cao hơn, sống du canh du cư, nay đây mai đó, nên nhà làm sơ sài, không kiên cố.
Nhà người Thái ở Mai Châu to rộng hơn nhà người Mường. Mái tranh lợp rất dầy, 30 cm trở lên. Người Thái có hai sắc tộc: Thái Trắng và Thái Đen. Không phải vì khác nhau màu da mà khác nhau chút ít về họa tiết hoa văn váy áo nên chia ra như vậy. Người Thái Trắng ở Sơn La, Điện Biên. Thái Đen ở Mai Châu, Hòa Bình.
Văn hóa Hoà Bình nổi tiếng với điệu múa xòe. Múa Xòe nguồn gốc của người Thái. Quan lang người Mường Đinh Công Huy lập đội con gái học múa xòe của Thái rồi cải biên, dịp lễ Tết và có khách đội xòe nhà lang múa góp vui.
Người H’Mông -Mèo- ở hai xã Hang Kia và Pa-Cò ở huyện Mai Châu. Nhà người Mèo là nhà đất, rất rộng.  Mỗi thung lũng có một xóm -bản- gồm dăm nhà.
Nhà đất rất to, vách xung quanh là ván bằng gỗ lát hoa, lát chun, đẽo bằng rìu chứ không xẻ ghép lại, dưới to trên nhỏ hình nón như lều ngưòi Da Đỏ châu Mỹ. Nhà không có cửa sổ, có một cửa ra vào, trong nhà không có giường hay phản. Cột nhà bằng gỗ sến, táu, trai, lim… toàn gỗ quý hiếm, trăm năm cũng không mối mọt. Lợn, gà, bò… thả rông, chúng lẩn quẩn quanh sân. Thấy người, chúng ùa theo đòi ăn, đuổi cật lực mới có lối vào nhà.
Trong nhà tối om, mờ mịt khói bếp. Sau vài phút, quen bóng tối mới nhìn thấy rõ. Giữa nhà, bếp lửa bập bùng ngày đêm. Trên bếp có giàn rộng để phơi ngô bắp, hong thịt. Món thịt sấy khô này là món đặc sản của người H’Mông, khách quý mới lấyra đãi. Thịt khô nấu xong, gắp bỏ mồm, mùi ám khói nồng nặc, mùi thum thủm của thịt thối tiết ra, ói muốn chết. Ngày ấy người H’Mông được phép trồng cây thuốc phiện -cây anh túc- để sử dụng và bán thuốc phiện cho chính phủ. Ngô xay là món ăn chính hàng ngày. Ngô xay đồ chín gọi là mèn mén, ăn với thịt sấy và cây anh túc non làm rau. Người H’Mông ăn nhạt. Thiếu muối, họ đốt cỏ gianh, dùng thay muối vì tro cỏ gianh hơi mằn mặn.
Nhà nào cũng vài ang to -20 đến 50 lít- chứa nhựa thuốc phiện sống. Mỗi gia đình trồng vài héc-ta nương thuốc phiện trên nương rẫy. Hầu hết ông già H’Mông nghiện thuốc phiện. Có người dậy từ 3, 4 giờ sáng, hút 30 đến 40 điếu mới đã cơn thì đã là 9 hay 10 giờ sáng. Đàn ông săn bắn. Đàn bà, thanh niên lên nương làm rẫy trồng ngô hay cạo mủ quả thuốc phiện. Váy áo đều tự dệt, tự nhuộm và cắt, khâu thêu lấy.
Thời ấy, miền Bắc có hai khu tự trị, Tây Bắc và Việt Bắc. Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có chính sách ưu đãi người dân tộc, đặc biệt người Dao, Mông, thanh niên không phải đi bộ đội. Họ được trồng và hút thuốc phiện. Chỉ cần cai thuốc là được vào Đảng. Phải chăng nhà nước ưu đãi để người H’Mông Việt Nam không theo người H’Mông Lào do tướng Vàng Pao làm thủ lãnh, ngay sát biên giới Việt-Lào? Hiện nay tướng Vàng Pao định cư ở Hoa Kỳ.
Con trai H’Mông thổi khèn trong ngày hội. Giai điệu khèn cứ í lên ộ xuống, trầm bổng cao thấp như đường về bản lên đèo xuống dốc. Đàn ông mặc quần đen rộng ống, thắt dây rừng, áo hở rốn, tay áo vân hoa từng vòng từ khuỷu xuống cổ tay. Rượu ngô uống bát, không biết say. Gái H’Mông dậy thì khá sớm, mười bốn, mười lăm má đã ửng hồng, như trái đào rừng chín, mắt sắc như dao, thổi khèn lá, khèn môi tìm bạn tình mỗi khi xuống chợ phiên.
Nhà nước thu mua thuốc phiện để chế tạo thuốc cho ngành y tế. Lái xe, con buôn vào bản mua chui. Dân bản bán xong, đi tắt đường mòn qua dẫy núi đá đến huyện còn nhanh hơn xe ô tô đi đường quốc lộ, báo công an huyện bắt để lĩnh thưởng. Do bị chỉ điểm, hơn 90% con buôn và lái xe bị công an Mai Châu tóm gọn. Nhẹ tù chung thân, nặng dựa cột. Buôn thuốc phiện lãi quá lớn, mua 50 đồng/kg tại bản -thời điểm 1971. Về Hà Nội giá 2500 đồng/kg, biết chết vẫn ham.
Năm 1968 và 1971 đoàn chúng tôi đã đến khám sức khoẻ cho dân bản ở hai xã Hang Kia và Pa Cò. Hồi ấy đường vào bản rất khó khăn. Đào rừng và cây anh túc đầy hai bên đồi. Bây giờ, du khách khắp nơi đổ về. Con gái H’Mông nói tiếng Anh như gió, sử dụng điện thoại thuộc hàng độc. Trong xã xuất hiện nhiều trẻ da trắng, mắt xanh mũi lõ, tóc vàng như trong các bản ở Sa Pa theo phóng sự báo VietNamNet đưa tin.
Thời xưa, dân địa phương không có giầy dép thường đi chân đất. Khách đến nhà người Mường, trước khi lên cầu thang phải rửa chân. Gáo đựng nước bằng đoạn nứa con cưa ngắn, cán tre dài. Mỗi lần múc nước, khách khua thành ang kêu lanh canh như báo cho chủ nhà biết có khách. Chân sạch bùn đất, khách bước theo từng hòn đá sạch dẫn đường đến cầu thang cửa nhà.
Nhà mế Bảo chỉ có hai mẹ con. Cậu con trai khoảng 17 tuổi, nhanh nhẹn, vui tính. Ngày hai mẹ con vào “truộn” trốn máy bay Mỹ, đêm mới về nấu ăn, cho trâu, lợn gà ăn.
Lần đầu tiên tôi tắm suối. Con suối khá rộng ngay sát bài rừng. Nước không sâu chỉ ngang ngực, trong vắt, nhìn rõ cá bơi tung tăng, từng hòn đá to nhỏ dưới đáy.
Xin được mở đóng ngoặc nói thêm. Suối thường có con tấc -một loài vắt cực nhỏ- như sợi long bò, bám trong rêu đá. Ai vô tình vốc nước rửa mặt có nó, con tấc nhanh chân chui vào mũi, làm tổ bám ngay xương cuốn, hút máu để sống. Mỗi năm, khoa Tai Mũi Họng bệnh viện tôi gắp được vài con trong hốc mũi bệnh nhân. Có con gắp ra to bằng đỉa hẹ rất nguy hiểm.
Tìm được bụi khá kín đáo, nhìn trước nhìn sau không có ai, cời quần áo xuống tắm. Nước mát rượi, quên hết chuyện bực mình với lão phó bí thư. Từ xa tiếng líu lo, cười đùa của sơn nữ từ lối mòn ven rừng vọng xuống. Ngửng nhìn, bốn cô gái trẻ, váy áo Mường, đi lên đầu suối, cách tôi chừng 5 hay 6 mét rồi lội dần xuống. Nước đến đâu các cô nâng váy cao đến đó, rồi buộc túm lại, đội lên đầu, ngâm mình xuống dòng suối trong.
Tôi ngượng quá. Lần đầu tiên trong đời gặp sơn nữ tắm khỏa thân ngay trước mặt. Các cô thật vô tư, coi như chẳng có chuyện gì. Còn tôi vô tư sao được. Đối với người thày thuốc, ai cũng học giải phẫu cơ thể người, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân, có gì là bí mật đâu. Nhưng đây là những cô gái tuổi trăng tròn. Tất cả ngồn ngộn một tòa thiên nhiên trước mặt, làm sao mà không cảm xúc. Tôi vội trườn dần xuống phía dưới về phía bụi kín, nơi để quần áo. Không dám thay, mặc cả quần ướt đi về.
Bước ra đường cái, đã thấy ngay bốn cô đi về phía tôi. Cả bốn cô tươi cười, líu lo tiếng Mường, trong như chim hót. Thấy tôi ngơ ngác, chẳng hiểu. Bốn cô cười rũ rượi, một cô nói tiếng Kinh:
– Chào cán bộ, cán bộ mới về công tác phải không?
Đi chậm lại, chờ, tôi hỏi:
– Chào các cô. Sao các cô biết tôi mới về?
Bốn cô lại ôm nhau cười:
– Chúng em biết hết các cán bộ ở đây mà.
– Các cô đi đâu đấy?
– Chúng em họp dân quân về.
Tối hôm ấy, trăng sáng vằng vặc, tôi ra kho hợp tác, nơi “đóng quân” của các gia đình bệnh viện. Ngồi xuống bực thềm, nghe hát đối đáp của trai gái bản. Tiếng hát vang giữa đêm thanh vắng dội vào vách đá, như tiếng vọng của núi rừng.
Ti no, mả vọi mả vang
Chan đap phái đà, chan quang phái day
Thung thang nhu chung en đay,
Chang đap phái đà, chang day nao quang
(Đi đâu mà vội mà vàng,
Chân đạp phải đá, chân quàng phải dây,
Thủng thẳng như chúng em đây,
Chẳng đạp phải đá, chẳng dây nào quàng.)
Dân ca Mường
Chẳng hiểu gì, tôi vẫn ngồi đến khuya. Sáng hôm sau, chi Dục, y tá có tuổi, bảo “Cả đêm, mấy cô tỏ lời với chú, chú có hiểu không?” Hiểu sao được, các cô hát tiếng Mường, chịu. Tình sơn nữ trong sáng như thế đó. Thích ai, tỏ tình đến nơi đến chốn, chẳng vòng vo, hết ngoại thành vào phố cổ c ác cô gái Hà Thành vẫn lặng thinh.
Hễ anh cán bộ nào tán tỉnh, dính vào. Hôm sau khoe cả xóm, chạy đằng trời. Cô nào cũng thích cán bộ, người xuôi. Con trai Mường, Mán thích con gái xuôi, hỏi “Tại sao thích?” bảo “Đít nó có gân!”
Con gái xuôi mặc quần lót, đôi khi thấy rõ. À ra thế!
Mỗi gia đình người Mường đều có một dụng cụ để đồ cơm, đồ xôi, bằng gỗ thân cây mềm, khoét rỗng ruột, đáy có vỉ tre, đổ gạo không lọt, phía dưới đẽo thắt một chút, tạo dáng, nẹp tre vòng quanh hai đầu để khỏi nứt. Chõ đồ, gọi là cốp, nồi đáy bằng đồng thau, gọi là viềng. Ngày xưa nấu cơm họ đồ, không nấu như ngày nay, sợ nhão hay khô.
Người ta làm nhà cách xa suối để tránh mùa lũ, không có thùng gánh, họ cắt từng đoạn bương, dài 4 đến 5 đốt, đục xuyên ruột, một đầu cắt vát, làm ống lấy nước. Nước đầy, vác về đổ vào ang hay vại to.
Giỗ Tết, mổ lợn, họ không cạo long ho ặc cạo nhưng vẫn đốt lửa thui như thui chó. Món dồi tiết họ cho thêm đỗ xanh, như dồi chó ở miền xuôi.
Người Mường tính ngày âm lùi một ngày so với lịch âm miền xuôi. Đêm 30, giao thừa, họ bảo là 29. Nhưng họ vẫn cúng giao thừa và ngày mồng 1 Tết nhưng ười Kinh. Lý do vì sao, tôi chịu không biết.
Có phải ngày xưa người Mường có lịch riêng, nay đã thất truyền? Còn tháng tới (sớm 1 tháng) tôi không thấy làng bản nào thực hiện.
Câu ca “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui tháng tới” là như vậy.
Trở lại chuyện vợ chồng Phú. Hostel theo đúng nghĩa là thứ nhà trọ rẻ tiền, mạt hạng, dành cho những người nghèo lỡ độ đường. Khách du lịch không ai bước chân tới.
Không biết ai làm “quân sư” vạch đường đã giúp tỵ nạn Việt Nam vào tạm trú các hostel này. Chủ hostel tính đầu người, chứ không tính theo phòng. Nhà 7 người, kê 7 giường một, n ăm người kê năm giường…. Vải trải giường, gối đệm cũ rích, hôi mù, chẳng ai dám sử dụng, lấy của nhà ra dùng. Quần áo, chăn màn hàng tuần đem ra tiệm tự giặt.
Một hostel ít nhất cũng chứa được 40 chục người lớn bé, già trẻ. Tất cả “khách trọ” đem thẻ ký thất nghiệp -U40- trình báo. Chủ hostel sẽ giúp điền form, chỉ nơi đến ký tiền thất nghiệp và nộp form xin tiền trợ cấp.
Chuyện tưởng như rất phức tạp thế mà lại thật dễ dàng bởi chính sách của nhà nước Anh hồi ấy ưu đãi người thất nghiệp, kẻ vô gia cư.
Cái bất tiện ở hostel ai cũng giấu biệt. Đó là sự lộn xộn, xô bồ của một đám đông tứ xứ, vô tổ chức. Chủ hostel chỉ biết thu tiền, còn chuyện trật tự trị an mặc chúng mày tự quản. Chính vì lẽ đó, thư từ, séc (cheque) trợ cấp gửi, thường bị kẻ xấu lấy cắp, kiện cáo cãi nhau loạn xạ.
Phòng ở như nhà hoang, ra vào dễ dàng y như các trại tỵ nạn Hong Kong. Mất đồ có giời tìm. Bởi vì hầu hết người sống trong hostel có người quen ở ngoài. Đồ ăn cắp gửi nhà bạn, ma biết.
Vì thế, phòng ở chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi màu, máy thu thanh cát-sét, còn tiền và đồ trang sức giấu kỹ.
Tôi gọi điện hỏi, chú Thịnh xác nhận, thông tin của Phú đúng 100%. Dân tỵ nạn Việt nam ở Port Glasgow, Glasgow và các vùng phụ cận chạy về London từ năm 1983. Đa số vào hostel “tránh bão.” ChúThịnh bảo “Tiện mà không tiện. Hay mà không hay. Chán ở trại, bây giờ lại chui vào “trại tỵ nạn” lần nữa. Chịu sao thấu, con cái học hành ra sao. Bạn em, dân Hà Nội, trước ở gần nhà, cũng chạy về, đi làm báo thuế, thuê nhà riêng, được council giúp một phần tiền nhà, đang đợi list, khoảng 6 tháng, lâu nhất 1 năm sẽ được phân nhà.”
“Ắn cỗ đi trước, lội nước đi sau.” Vợ chồng Sinh chưa đi. Chờ xem tình hình anh chị Phú xuống hostel ra sao và xem tôi chuyển về theo hướng của Thịnh như thế nào. Hàng tuần, bỏ túi 120 bảng, vẫn lĩnh tiền trợ cấp, nhà cửa đàng hoàng, vừa mua xe hơi, tuy second hand nhưng trông còn khá lắm, máy chạy ngon ơ. Tại sao phải rủ nhau chui vào hostel xô bồ, lộn xộn hay phải đi làm báo thuế, è cổ đóng tiền nhà?
Tháng 4-1984, truyền hình BBC1 phát chương trình về người tỵ nạn Việt Nam sống trong các hostel ở London, lộn xộn, bẩn thỉu, so sánh với người tỵ nạn ở Mỹ cuộc sống khá ổn định. Khu Tiểu Sài Gòn nhiều siêu thị ra đời, làm ăn phát đạt.
Xem mà thấy ớn cuộc sống ở hostel.
Khi về London gặp những người sống trong hostel, họ vui như Tết, đâu có như phóng viên BBC đưa tin. Hàng tuần lĩnh trợ cấp, ngày làm chui ở các xưởng may, ví mỗi ngày một căng, đói mua Chinese Take-away, fish & chips, khát có Coca, Pepsi, Lager, vừa ăn vừa xem film Hong Kong, Đài Loan. Đời vui phơi phới. Con cái đi học hả? Lo gì. Chỗ nào mà chả có trường. Trường nào cũng giống nhau. Học gì lắm. Làm vương làm tướng gì ở đất này. Lĩnh trợ cấp, làm chui sướng chán. Mai kia có tiền mở xưởng may, nhà hàng. Tiền là Tiên là Phật. Có tiền có tất tần tật.
Số người đập nhà cũng khá nhiều. Đa số gia đình có bố mẹ già, đông con nhỏ mới đủ gan. Hỏi một ông, có thâm niên đập nhà, cho chính ông và hai người bạn. Sau 25, ông cười, bảo:
– Hồi ấy em ở Liverpool. Thằng bạn rủ xuống London cho ở nhờ, tìm nhà council nào bỏ hoang thi đập. Vợ chồng em đưa hai đứa bé xuống trước, đứa lớn ở lại với ông bà. Thằng bạn chỉ điểm. Đêm, kiếm hòn gạch, em choang luôn cửa sổ phòng khách. Vợ con em thuê taxi, dọn va-ly, túi xách vào ở. Hôm sau, thằng bạn gọi thợ chữa kính, thay khóa cửa, dắt lên sở xã hội xin ký thất nghiệp, khai địa chỉ nhà đập. Cụ em vẫn ở Liverpool, đề phòng khi bị đuổi, còn có chỗ về. Hơn tháng sau em phải ra tòa, bị phạt 25 bảng. Tòa cho ở vì không thể đuổi con em ra ngoài đường. Tuần sau, đón cụ xuống, bỏ luôn Liverpool.
Tôi hỏi:
– Sao anh lại đập 2 cái nữa làm gì?
– Ấy, một thằng bạn cũng ở Liverpool, xuống nhờ. Nó sợ, em đập giúp nó. Thế là xong.
– Không sợ ra tòa à?
– Ai biết mà tố cáo.  Có tố chăng nữa em chối biến. Hồi ấy, dễ ợt. Gặp anh chị, chắc em dám đập nhà hộ. Ít người đi làm và thuê nhà như anh chị. Vừa tốn kém và chờ nhà council rất lâu.
Chuyện người Việt tỵ nạn khắp nơi chuyển vào hostel và đập nhà là lý do có thể trả lời vì sao ở London có nhiều quận rất đông gia đình người Việt. Bởi vì hostel đa số ở quanh khu đó, hội đồng quận giải quyết nhà càng sớm càng đỡ gánh nặng chi trả cho hostel.
Cuối tháng 5-1984, Chú Thịnh báo tin “Được council cấp nhà, anh chị xuống gấp.”
Ngày 16-6-1984, gia đình tôi chuyển về quận Croydon, South East London, thuê lại buồng cũ của chú Thịnh.
Cuộc đời chúng tôi sang trang mới sau hơn 4 năm 2 tháng ở Scoltland.
Mời đọc tiếp: Chương [14]
Lâm Hoàng Mạnh
Nguồn: Tác giả gửi

 Chương 14
Croydon, London

Tôi dọn về căn nhà số 49 phố Drummon Road, một ngôi nhà trong dẫy phố cổ gần trung tâm quận Croydon, phía Đông Nam London. Một ngôi nhà xấp xỉ 150 năm tuổi, hơn đứt nhà cổ Hà Nội, nhưng không xập xệ, đổ nát như nhà ở Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Tạ Hiền…
Nhà 2 tầng, tầng trệt có phòng khách, phòng ăn và nhà bếp; tầng lầu, 2 buồng ngủ, đôi và một, nhà tắm vả nhà cầu. Tay chủ dùng buồng khách làm buồng ngủ, phòng ăn thành phòng khách, 2 buồng ngủ tôi thuê. Ngoài ra có 1 hầm kín, khoảng 3m x 2,5m như tất cả kiểu nhà cổ. Dẫy phố có hơn chục nhà, năm 2000 dẫy nhà này bị đập bỏ, xây chung cư 12 tầng cao cấp, hiện đại.
Chủ nhà, một thanh niên người Anh, 21 tuổi, thợ thủ công, nhanh nhẹn và láu cá. Y mua 20 ngàn bảng đầu năm 1983, đặt cọc (deposit) 2 ngàn, hàng tháng trả góp 120 bảng/tháng, gia đình chú Thịnh thuê 1 buồng £30/tuần, như vậy “mỡ nó rán nó”, nay tôi thuê 2 buồng, £45/tuần, y dư 60 bảng/tháng, đủ tiền sinh hoạt. Vợ chồng chú Thịnh bảo, “Thằng Jimmy này bủn xỉn, ma le lắm, nó chẳng bao giờ mua xà phòng, thuốc đánh răng, kể cả giấy đi vệ sinh, ăn xong vất bừa ra bồn rửa, không dọn không có chỗ. Lúc đầu chúng em nể, bây giờ, xịt. Mình đi làm bỏ mẹ, trả tiền nhà chứ có ở nhờ đâu, nuôi vợ con chưa xong, nuôi cả nó, gánh sao nổi.” Chú Thịnh bảo thêm “Tụi em bây giờ giấy toilet cũng cất trong buồng, khi nào đi mới cầm theo.” Chú che miệng, cười, “Một lần nó quen lệ, cứ tưởng có giấy như mọi khi, đi xong kêu váng trời. Cho biết mặt! Từ đấy mới thấy nó mua. Ti-vi licence nó cũng không mua, tháng trước của em hết hạn, nó bảo đóng tiền mua chung, em bảo, nhà tên mày, không mua mày bị phạt. Nó vẫn chưa mua. Nó kiệt, lợi dụng ghê lắm, anh chị đông cháu, tiền nhà cao, không chi li thiếu to.”
Cô chú Thịnh thật chân tình, dặn kỹ những chuyện bẩn thỉu của chủ nhà, biết mà đề phòng.
Tay Jimmy láu cá thật, hầu như nó chẳng mua gì, từ chè, cà-phê, bơ sữa, bánh mỳ… đều lấy của chú Thịnh tự nhiên như ruồi. Đến lượt tôi cũng vậy, ngoài đóng tiền nhà, tiền điện chia đôi, còn nuôi báo cô… Nhưng nó có phải là mề-đay (medal) mà lủng lẳng trên cổ được.
Nó có con bồ, tối nào cũng mò đến, sáng sau nhịn đói đi về, có mẹ gì đâu mà đãi. Có lần con bồ đói khát, xin cốc chè, bánh ngọt. Thương tình cho, ăn xong chuồn, tối lại mò đến làm bệ phóng miễn phí. Cô Linh vợ chú Thịnh bảo, có đêm đang khuya, thằng Jimmy đuổi như đuổi chó. Con bồ khóc rưng rức, vùng vằng sập cửa bỏ đi, mấy hôm sau lại vác mặt đến. Con gái gì mà mặt trơ trán bóng thế không biết, chả biết dơ. Thêm một chuyện này mới lạ, một tối Chủ nhật tôi ở nhà, đứa em gái đuổi con bồ thằng anh, ngủ lại trong buồng.
Chuyện loạn luân chăng? Ma biết!
Tôi thuê 2 buồng trên gác, buồng to dành cho tụi trẻ, buồng nhỏ kê vừa sát chiếc giường đôi, tất cả đồ đạc của một gia đình nay vẻn vẹn gói ghém trong hai căn buồng. Chật chội chẳng khác gì ở thuyền, gầm giường biến thành tủ, kho. Trong bếp, có bếp điện cũ, lập-là, kettle, xoong nhỏ, cũ rích, chắc đồ second hand, mấy chiếc đĩa, dao, nĩa, vài cái cốc uống nước. Đồ đạc chả có gì ngoài chiếc giường, ti vi, bộ ghế sô-pha cũ. Xem ra nó còn nghèo hơn dân tỵ nạn. Thế cũng may, có chỗ tôi để máy giặt, tủ lạnh và đồ dùng nhà bếp khỏi phải cất xuống tầng hầm.
Kê dọn gần xong, trời xẩm tối.
Cô chú Thịnh đưa David và Peter về nhà đãi cơm và dọn chỗ nghỉ, mai hai người về Scotland sớm. Mọi người vừa đi, có ngay ông khách không mời mà tới, người Việt Nam, trên dưới 50, tìm chú Thịnh. Tôi bảo, chú Thịnh chuyển rồi, tôi thuê lại. Anh ta tự giới thiệu tên X. bạn của gia đình chú Thịnh.
Đang bận mờ mắt, dọn dẹp chưa đâu vào đâu, tự nhiên có khách ám, hỏi như mật thám tra khảo lý lịch. Từ đâu mới về, sang Anh lâu chưa, Việt Nam ở tỉnh nào, làm nghề gì… Bực quá, đành nói, “Vô phép anh, tôi phải lên trên gác dọn.” Anh ta định theo lên, tôi từ chối. Biết anh ta là ai, giấy tờ, tiền bạc lộn tùng phèo, hơn nữa, với tôi, tối kỵ cho người lạ vào buồng ngủ.
Tạm xong, tối nay có chỗ ngả lưng cho cả nhà. Mệt rã rời, nhà tôi bê hộp mỳ gà xuống bếp. Ai ngờ ông khách này vẫn còn ngồi ghế sô-pha chờ. Quen thuộc gì đâu, mệt bỏ cha, cả nhà đói, nấu vài gói mỳ ăn tạm, mời một câu khách sáo, tưởng từ chối, ai ngờ nhận lời. Không những thế, ăn xong còn ngồi uống nước, hút thuốc nói chuyện tào lao, hết khen con tôi ngoan, xinh, lại khen vợ tôi trẻ đẹp.
Lộn cả ruột, tôi xin lỗi, “Hôm nay quá bận, hôm khác đến.” Nói xong, tôi chủ động bắt tay, đuổi khéo.
Hôm sau kể chuyện, chú Thịnh bảo, tay này độc thân, bầy hầy lắm. Chú đâu có bạn bè với hắn, nhưng thỉnh thoảng mò đến, lần nào cũng chờ bữa, chả nhẽ dọn cơm mà không mời, mời là ngồi luôn. Rồi trổ ngón ranh ma, khen nấu ngon, nấu khéo, khen đủ thứ, nịnh chủ nhà. Vài lần bị hố, lần sau gõ cửa, nhìn qua lỗ khóa, đúng hắn, không mở, bấm chuông chán, đành bỏ về. Tôi hỏi, sao hắn bầy hầy thế. Cờ bạc như điên, bao nhiêu tiền trợ cấp nướng vào Soho hết. Có lần, lĩnh trợ cấp và sổ của con (child benefit), đem nướng casino, hơn trăm bảng sạch, một xu dính túi không còn, nhịn đói nhịn khát đi bộ về, gần 16 dặm đâu có bỡn. Thế mà vẫn không chừa. Cô Linh còn bảo, ở đây có mấy thằng độc thân, vợ con kẹt ở Việt Nam, toàn mò nhà nào chồng đi làm đêm, hòng gạ gẫm. Bạn bè gì chúng nó, quân đểu đấy. Con Múi –Mai- ở phố M., chồng làm “sán củn” (nhà hàng), mấy tháng trước, 8 giờ tối thằng Z đến chơi, đưa cốc nước mời, nó kéo tay định ôm. Con Múi, dân Trà Cổ biết võ, xoay người, cho một cùi chỏ vào ngực, bật cổ tay, đập vào giữa mặt. Thằng khốn tối tăm mặt mày, con Múi chỉ tay, cút. Chuồn thẳng. Tôi hỏi, Múi không mách chồng? A Quay mà biết, nó đánh chết. Thằng Quay giỏi võ lắm. Tôi cười, giỏi bằng chú không, biệt động thành Sài Gòn, dăm thằng bõ bèn gì. Chú Thịnh bảo nó ngu, đâu biết dân Hoa kiều ai chả rành vài ngón. Đụng vào vợ em, em đá vỡ gan. Chú tiếp, ở Scotland chỉ có người Bắc mình, ở đây Nam Bắc đủ cả, lại còn bọn da đen, bọn chổng mông -dân Hồi giáo- nữa, phức tạp vô cùng, anh chị phải thật cẩn thận.
Học sinh Vương quốc Anh nghỉ hè cuối tháng Bảy, tụi trẻ nhà tôi vẫn phải đi học. Sáng Thứ Hai, 18-6-1984, chúng tôi đưa bọn trẻ theo cô chú Thịnh đến Oval Primary School, nơi cháu Nghĩa con cô chú đang học. Vừa gặp bà hiệu trưởng, con gái tôi “Good morning”, bà cười, bảo, “Ôi giọng Scotish dễ thương quá.” Tôi giật mình, đâu có biết sau 4 năm các con tôi đặc giọng xứ Ế-cốt, cũng may, chuyển về sớm, ngày nay mang chất giọng đặc thù vùng South East London.
Thời Pháp thuộc, ở Việt Nam trường công có chất lượng cao nhất, thi vào khó hơn hẳn trường tư thục. Nước Anh lại khác, trường tư thục có chất lượng cao hơn trường công. Cả Vương quốc Anh có hàng chục ngàn trường công và hơn 6000 tư thục. Eton College Windsor đứng đầu trong danh sách 250 trường chất lượng cao xứ England, nơi con vua cháu chúa, hoàng thân quốc thích, tỷ phú, triệu phú, học sinh ở nội trú, học phí cao ngất ngưởng. Trong danh sách 250 trường nổi tiếng, không ngờ Old Palace School for Girls, Wallington County Gramma School for Boys, hai trường mà các con tôi lọt vào được, có trong danh sách này.
Thật may mắn, nhờ Jimmy là dân chính gốc của quận Croydon nên khi nghe tôi kể với nó về lực học của con và đưa giấy giới thiệu của ông Peter Coburn, hiệu trưởng trường Knightsridge, nó bảo, ở gần đây có trường nữ sinh Old Palace School là trường tư thục, nổi tiếng nhất quận, ngay sát nhà, sẽ dẫn bố con tôi đến.
Bà hiệu trưởng, Ms. Hillton, xem xong thư, bảo, “Hàng năm nhà trường có kỳ thi tuyển sinh vào tháng Hai, con anh là trường hợp ngoại lệ, vì mới chuyển về, lại có giấy của ông Coburn, sáng thứ Hai tuần sau 25-6-1984, có cuộc thi sát hạch ngoại lệ cho cháu, nếu vượt qua kỳ thi, chúng tôi sẽ nhận.” Bà quay sang hỏi chuyện và động viên con gái tôi, giúp nó tự tin với cuộc sát hạch sắp tới. Vợ chồng tôi mừng quá, hy vọng tràn trề. Đối với tôi, con cái là của để dành, là tương lai, là tất cả những gì còn lại của đời tỵ nạn, tha phương cầu thực.
Ngày 25-6-84, thi xong, nó vui lắm, bảo, bài con làm được hết. Hai tuần sau, giấy báo nhà trường, nó đỗ với số điểm xuất sắc, con gái tôi được vào học miễn phí. Ước vọng của tôi đã thành sự thật. Bắt đầu từ niên học 1984, con tôi học Old Palace School for Girls cho đến khi vào trường đại học y khoa năm 1991.
Còn hai thằng, phải 2 năm nữa mới lên cấp 2, thời gian còn dài để tìm trường cho chúng. Năm 1986, chúng thi được vào trường Wallington County Gramma School for Boys, quận Wallington cách nhà tôi 4 dặm, năm 1993 cả hai đứa vào đại học, University College London và King’s College London, ngành I.T.
Nhà trường là cái nôi đào tạo và tu dưỡng của tuổi học trò, đời tôi thật may, các thày dạy đa số từng du học Pháp, cử nhân văn chương, cử nhân toán, chất lượng và phương pháp giảng dạy thật tuyệt vời, khác hẳn lối dạy học vẹt, nhồi nhét sau này. Trong số thày cô giáo, dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò vẫn đỏ mãi trong ký ức.
Tiết học địa lý, thày Lê Trường, bước vào, sau khi vẫy tay cho phép chúng tôi ngồi xuống, ông giơ lên hình tròn màu vàng, hỏi cả lớp:
– Cái gì đây?
Cả lớp đồng thanh mặc dù chưa biết đồng đô-la Mỹ vuông tròn thế nào:
– Đô-la! Đô-la ạ!
Thày búng đồng tiền vàng xoay tít trên bàn, cầm phấn viết lên bảng tiêu đề bài học: Nền công nghiệp Hoa Kỳ.
Hồi cấp 2, thày dạy văn Phùng Quốc Thụy có bút danh Tú Sụn đưa chúng tôi xem một bức ảnh chụp đen thui, chẳng nhìn thấy gì vì ảnh hư. Thày hỏi:
– Các anh, các chị, xem kỹ đi, ảnh chụp cái gì?
Nhìn chỉ thấy đen kịt, chẳng có hình gì, bàn ra tán vào, cả lớp chịu, chẳng ai đoán ra. Thày tủm tỉm cười:
– Có thế mà không đoán ra, ảnh ba thằng Tây đen, mặc quần áo đen đi chơi đêm Ba Mươi Tết”.
Rồi thày dõng dạc bảo:
– Hôm nay các anh, các chị làm bài văn tả cảnh đêm giao thừa.
Cấp 3, với các thày dạy văn Ngô Xuân Huy em ruột thi sĩ Xuân Diệu, Hà Thúc Chỉ bút danh Thúc Hà, mỗi khi thày giảng, chỉ biết há hốc mồm nuốt lời vàng, lời ngọc của thày, chả đứa nào chép bài. Ấy thế, tụi tôi đứa nào cũng khá môn văn và yêu văn chương. Nhờ các thày mà chúng tôi đã được gặp Thanh Tịnh, Phạm Hổ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trương Chính… những nhà văn, nhà thơ, dịch giả lừng lẫy của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, đến thăm thày, thăm lớp.
Thày Diễm dạy toán không bao giờ cầm giáo án hay sách giáo khoa, tay không vào lớp, giảng xong, bảo, bài tập số…, trang… thày thuộc lòng sách giáo khoa toán lớp 9 và 10. Kiểu dạy amateur này, ban giám hiệu và Đảng ủy nhà trường không ưa, khốn nỗi chúng tôi đứa nào cũng giỏi, thi lên lớp hay thi tốt nghiệp, môn toán đỗ 100%, điểm khá giỏi gần 70%.
Thày giỏi, trò cũng giỏi, cộng thêm có họ với quỷ sứ, nên tụi tôi cũng nhiều chiêu quái quỷ. Thằng bạn Phong cùng bàn, chúa thằn lằn nghịch và láu lỉnh, một lần tôi và nó đi qua khu tập thể nhà trường, thấy thày dạy nhạc đang xi con ị. Mấy hôm sau, thày lên lớp, hết giờ, ra cửa, nó hỏi:
– Thưa thày, trong cung nhạc có 8 nốt, thày thích nhất nốt nào?
Thày béo tai, bảo:
– Bậy, cậu định xỏ, bảo thày thích nốt Đô và La chứ gì.
Nó xuýt xoa, kêu đau:
– Dạ, không, oan cho em, em thấy thày thích nhất nốt…
– Nốt gì, nói mau.
– Dạ, nốt Xi ạ.
Thày chịu, không hiểu nó nói gì, bỏ tay không véo tai nữa. Thày đi khá xa, nó hát to:
Xi là …. xi
Tao xi sao mày không ía
Không ía,
Tao cứ Xi…
Xi là xi.
Tất cả chúng tôi lăn bò ra cười, thày quay đầu lại, mặt đỏ ửng. Từ tuần sau, cứ giờ nhạc là Phong trốn. Sau 3 tiết trốn, thày bảo tôi:
– Bảo Phong đi học, thày quên chuyện cũ lâu rồi.
Thày dạy Sinh, chúng tôi đặt tên húy, thày Phỏng vì một tiết giảng, chúng tôi đếm được từ 60 đến 70 từ “phỏng”, cứ mỗi câu nói, thày đệm thêm chữ “phỏng”.
Học sinh cấp 3 chúng tôi theo quy định phải ăn mặc nghiêm chỉnh, áo bỏ trong quần. Một lần thầy Xuân Huy gọi thằng Tính trả lời câu hỏi. Tính đứng lên, thầy chỉ tay ra hiệu “tại sao không cho áo vào trong quần” chưa kịp hỏi thì thằng Hùng ngồi ngay bên nói to:
– Thưa thày bạn ấy mặc quần “âm lịch” ạ!
Cả lớp cười, thày Huy cũng phì cười.
Thày Tám dạy sử, vui tính, thích thể thao, tập tạ, bơi, chúng tôi quý lắm. Thày đã 30, vẫn độc thân, gia đình ở quê. Chúng tôi đến nhà tập tạ, hỏi sao thày không lấy vợ, thày bảo, sợ con gái lắm, đấy các cậu xem, có bao giờ gọi con gái trả bài đâu, còn nói, con gái đứng gần, sợ đến xỉu. Đúng thật, mấy năm học, chả bao giờ thày gọi con gái trả bài cả. Tết 1959, đến chúc Tết, thày cưới Lê, cô bạn cùng lớp cũ đang học trung cấp sư phạm, xinh nhất trường. Chúng tôi lắc đầu, chịu thày, có mỗi hoa khôi, thày hái mất. Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đá chết voi.
Chú Thịnh xin cho tôi vào làm xưởng bánh mỳ.
Đêm ấy, 24-6-84, tôi bắt tay làm việc. Đổi ca cho vợ ở nhà chăm con, nội trợ, đến lượt làm cu-li đóng gói.
Xưởng bánh này làm đủ các loại, từ French Stick, đến các loại bánh ổ to nhỏ, dài ngắn khác nhau, cung cấp hầu hết cho các cửa hàng siêu thị trong quận. Chủ người Pháp, tất cả quy trình sản xuất theo hệ thống dây truyền hiện đại. Bánh được nướng qua hệ thống lò điện, nhiệm vụ của chúng tôi là xếp bánh vào hệ băng dây truyền, đóng gói ni-lông, dán nhãn, giá tiền, xếp khay, chuyển sang kho, 4 giờ sáng có xe van đưa bánh đến các cửa hàng, siêu thị. Công việc không có gì phức tạp, chỉ sau thời gian ngắn quen việc. Mùa đông thật ấm, mùa hè, thôi rồi, khỏi nói, nóng hầm hập, may ban đêm mở hết cửa, cũng đỡ chút đỉnh.
Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy làm 12 tiếng, từ 7 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau, bất cứ ai mới làm, 2, 3 giờ sáng díp mắt lại, rửa mặt liên tục cũng chỉ đỡ chút chút. Giá có lấy que tăm mà chống mí mắt cũng chẳng mở được. Tay cầm bánh, đầu gật liên tục, chả ai cười ai, vì thằng nào cũng đã qua cảnh gật này. Hầu hết là dân nước ngoài làm những nghề vất vả, nhất là da đen và da vàng, lác đác có người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, còn dân Anh tuyệt đối không. Sau 3 tháng, đêm tỉnh như sáo, hết buồn ngủ.
Làm được ba tuần, anh chàng không mời lại đến. Biết tôi đi làm bánh mỳ, anh ta hỏi xin được không. Dễ thôi, chỉ tội lương thấp, làm đêm mệt, có trụ được không. Anh ta bảo, ông làm được, tôi cũng làm được, thì đi.
Gần 5 giờ chiều hôm sau, đang dọn cơm, anh ta đến, hỏi, ăn chưa. Chưa. Thế là phải đãi cơm không hẹn trước. Anh được nhận làm ngay, xưởng thường xuyên có người mới, chẳng ai trụ được lâu. Hồi ấy tôi còn nghiện thuốc lá, mình một điếu, anh ta một điếu, đêm ấy, bao Dunhill thiếu. Thuốc lá ở Anh rất đắt do nhà nước đánh thuế rất cao, để dân bỏ. Hôm sau, anh ta lại đến đúng giờ cơm, đêm lại xin thuốc lá, bổn cũ lập lại. Chết cha, trả tiền nhà, tiền điện, nuôi 5 miệng ăn, nay cõng thêm bố già Khốt-Ta-Bít cả cơm lẫn thuốc, làm sao chịu nổi.
Ngày thứ 3, lại đến đúng giờ, tôi ăn 3.30 p.m, vợ con ăn sau, lần này nhỡ bữa. Trạm xe buýt, ngay cửa hàng bán sách báo, thuốc lá góc phố (News-agent), bảo, anh vào mua thuốc đi. Anh ta miễn cưỡng, mua xong, rút một điếu mời, tôi từ chối, vừa hút xong.
Bác sĩ lại nghiền thuốc lá, nghe kỳ không.
Kỳ thật, nhưng chuyện gì cũng có nguồn gốc của nó. Ra trường tôi đâu có hút thuốc, gia đình tôi rất nghiêm, cấm rượu chè cờ bạc, thuốc lá, vả lại tiền đâu mà hút. Thời gian đầu, tôi làm phòng khám, sáng 25 đến 30 bệnh nhân, chiều từ 20 đến 25, có nghĩa, một ngày khám 50 đến 60 người, tỷ lệ 50/50 nam; cán bộ công nhân viên chức 50/50, một ngày gặp 10 đến 15 người hút thuốc lá. Tâm lý chung, lấy lòng bác sĩ, hy vọng đơn thuốc tốt, ngày nghỉ dài hơn. Vì thế, đi khám bệnh, không hút cũng thủ một bao, khá Điện Biên, Tam Đảo, nghèo Trường Sơn, sau này có Sông Cầu = Tam Đảo; Đồ Sơn = Trường Sơn. Vào khám, chưa kịp hỏi, bệnh nhân đã rút bao thuốc, lấy một điếu mời. Nể, cầm một điếu, bệnh nhân xòe diêm gí ngay vào mặt. Có nghĩa, bác sĩ hút với em một điếu, từ chối thế nào cũng không được. Bập một hơi, ho sặc sụa, bỏ xuống gạt tàn.
Bệnh nhân ra, vứt xuống thùng rác, bệnh nhân tiếp theo, nam giới, bản cũ tiếp diễn. Một ngày bập bập chục hơi, không bập, bệnh nhân cảm thấy tủi thân, cho rằng chê thuốc không ngon.
Chỉ cần 6 tháng ngồi phòng khám, không nghiền thuốc mới là lạ. Thời bấy giờ bệnh nhân đút lót y bác sĩ điếu thuốc ấm trà, cao nhất tút thuốc, chưa được như ngày nay, phong bì tiền triệu, vòi tiền công khai, ruột người bệnh có quặn nét mặt vẫn phải cười tươi.
Một lần, sau cúm, bỏ gần 2 tháng, gặp ông bệnh nhân cũ, vào khám, rút ra bao Đồ Sơn, ngang thuốc lào, mời, tôi từ chối, lý do đã bỏ. Mắt ông ngấn lệ, bảo, bác sĩ chê em nghèo, chả có Điên Biên, Tam Đảo nên không nhận, ông lấy vạt áo chấm nước mắt. Tôi cười, “Thôi, ông mời tôi hút.” Mừng quá, ông dúi cả bao vào túi áo choàng, nếp nhăn giãn ra, mặt ông tươi hẳn, khám xong, cầm đơn hỉ hả lắm, cảm ơn tôi rối rít.
Trở lại với đời tỵ nạn với anh chàng không mời mà đến, làm đúng 2 tuần anh ta bỏ việc. Thức đêm quá vất vả, lương không bằng tiền lĩnh trợ cấp vì anh có 4 đứa con, nhưng anh có biết đâu, sau 6 tuần, lên council điền form, kèm theo 5 tuần giấy lương (wage-slips), council sẽ tính toán sự thiếu hụt giữa nhu cầu đời sống và đồng lương đi làm, sẽ được hưởng theo tiêu chuẩn “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” khi còn mài đũng quần dưới mái trường Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi đã được học.
Năm 1958, thày Sử dạy môn chính trị triết học, giảng, “quy luật duy vật lịch sử, tịnh tiến theo vòng tròn xoáy trôn ốc, nhỏ dần. Xã hội cộng sản nguyên thủy tồn tại hàng chục vạn năm, tiến lên chế độ chiếm hữu nô lệ còn vạn năm, xã hội phong kiến tồn tại vài ngàn năm, đến xã hội tư bản vài trăm năm, ngày nay thế giới đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản già cỗi, tiếp theo là Đại đồng Chủ nghĩa. Đến thời kỳ đó, con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.” Thày giải thích, giả dụ, anh là công nhân bậc 1, lương chỉ đủ nuôi 2 người, nhưng gia cảnh 4 người, nhà nước sẽ trợ cấp chênh lệch, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho 4 người.
Thày nhấn mạnh, chỉ khi nào chủ nghĩa cộng sản toàn thắng, viễn cảnh đó mới đến tầm tay người lao động. Sung sướng chưa!
Nhưng chẳng cần đến thế giới đại đồng, ngay từ tháng 11-1980, gia đình tôi đã được hưởng viễn cảnh mà thày Sử đưa ra. Lương vợ tôi xấp xỉ tiền lĩnh trợ cấp, nhưng nhà nước đã giúp tiền nhà, các con tôi được miễn phí bữa trưa, có sổ lĩnh tiền thêm, đảm bảo đời sống gia đình 5 người, đủ nhu cầu sinh hoạt cần thiết. Đúng theo nghĩa“làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” dưới chế độ “tư bản già cỗi, suy tàn”, chứ không phải, “chỉ xảy ra khi thế giới đại đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh” mà thày Sử đã từng mơ ước.

Buồn vui đời thuyền nhân – Chương 15: Một diệu kế không vui

Posted: 16/04/2013 in Hồi Ký, Lâm Hoàng Mạnh
Lâm Hoàng Mạnh
Tặng mợ và các con.
Đã đăng: Chương [Lời nói đầu, 1a], [ 1b], [ 1c], [2], [3a], [3b], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11], [12], [13], [14], [15]
bia_sach_bvdtn-lhm
Quận Croydon tỵ nạn Việt Nam ít, ở rải rác. Tôi lính mới nhập cư, chưa quen thông thổ, phải dành nhiều thời gian tìm hiểu.
Ngày nào cũng vậy, làm về chỉ ngủ 5 tiếng, tôi và chú Thịnh đi vào Job Centre tìm việc làm mới, gặp gỡ người quen, tìm hiểu đời sống, cách kiếm tiền của người Việt.
Chợ trời Brixton có quầy bán đồ điện tử, giày dép, hàng trang sức rẻ tiền của người Việt. Chợ trời Deptford, Catford, East Street (Camberwell Green) cũng có quầy bán đồ điện tử, giày, y chang chợ Brixton.
Sau nhiều năm cần cù kiếm sống, nay họ đã trở thành những ông chủ cửa hàng quần áo, chuỗi nhà hàng đồ khô, tiệm Nails… giàu có.

Một số làm trong xưởng may, đưa hàng, là (ủi) đồ, đóng khuy, vắt sổ, từ thân phận làm thuê, làm nhiều ăn ít, ky cóp, mở xưởng may. Năm 1987 trở đi, số lượng xưởng may do người Việt làm chủ bùng nổ ở Hackney, tới trăm xưởng. Từ năm 1993, nghề may London suy giảm, một số chuyển sang mở nhà hàng, tiểu siêu thị. Năm 1994 chính phủ Việt Nam mở cửa, có người nắm bắt được cơ hội, đem tiền về đầu tư mở xưởng may, liên kết với thân nhân buôn bán bất động sản, phất lên như diều.
Cô chú Thịnh có bạn từ thời ở Hà Nội, nay định cư ở Woolwich, may gia công tại nhà, vợ tôi theo cô Linh đến xem và học cách may. Nhà tôi bảo, máy to lắm, chạy điện, mô-tơ to đùng, hơn bắp chân, khác chiếc Singer đạp chân. Chỉ khẽ ấn vào bàn đạp, động cơ rít lên, vải dưới chân vịt chạy như điên. Muốn nâng chân vịt, ngay sát đầu gối có cần, gạt nhẹ, chân vịt nâng lên nâng xuống dễ dàng. Bạn cô Linh may giỏi lắm, không biết bao giờ mới may được như thế.
Cô Linh bảo, chị còn biết may sơ sơ từ hồi ở Việt Nam, chứ em chưa may vá mới khó chứ.
Quả thật vợ tôi đã biết may chút đỉnh. Từ năm 1977, đời sống ở miền Bắc mỗi ngày một tồi tệ, lương không tăng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt. Nghèo lại càng nghèo thêm. Thịt lợn theo giá tem phiếu 2 đồng 7/kg nhưng phải mua chợ đen 22 đồng/kg. Gạo mua chui 20 đồng/10 kg, trong khi giá quy theo sổ có 4 đồng/10 kg. Đời sống siêu điêu, ai cũng tìm nghề phụ, kiếm thêm bằng mồ hôi và sức lao động của chính mình. Chúng tôi thời ấy vẫn còn giữ được y đức, chưa có 1001 kiểu trấn lột, móc túi bệnh nhân một cách trơ trẽn, khốn nạn như ngày nay.
Thị xã tỉnh tôi thời ấy có 4 nghề kiếm tiền:
1. Vào rừng chặt gỗ, bương, nứa, cây chit (làm chổi quét), kiếm củi…
2. Trồng rau, nuôi lợn.
3. Đan cót.
4. Cạo nứa.
Chủ Nhật, đàn ông, thanh niên vào rừng như chảy hội. Đàn bà ở nhà lột cật nứa, bện chổi chit. Trẻ con đan cót. Ngày thường, hết giờ làm việc, cơm xong cả nhà làm cật lực cho đến khuya. Bốn nghề thật vất vả, nhưng vào rừng chặt gỗ, cạo tinh nứa, theo tôi, khốn khổ nhất.
Nứa tươi loại bánh tẻ, không non cũng không già, đặt nằm trên hàng cọc. Dao thật sắc, cạo hết tinh, sau đó cưa từng dóng, chẻ đều 5 phân, phơ khô. Chẻ không đều, bị loại, hoặc xuống loại 2. Cửa hàng ngoại thương thu mua theo ki-lô, xuất sang Nhật. Nhật mua về làm gì, chịu, chẳng ai biết và cũng khỏi cần biết. Tiếng dao cạo vào tinh nứa, két két, ghê tai, sợ lắm, răng như muốn rụng. Đàn ông phải khỏe, dai sức mới làm nổi nghề này. Người ngả về phía trước, hai tay cầm lưỡi dao nghiêng 35-40 độ, kéo cật lực về phía sau, tinh nứa mới bong ra từng phoi xanh xanh cuộn tròn rơi xuống đất. Giống hệt anh thợ bào gỗ. Mùa hè, may-ô quần đùi, “của quý” trong quần cứ lắc lư, lên xuống, ngang dọc theo nhịp kéo dao. Một anh bác sĩ, gia đình ở quê Thái-bình, lương gửi về nuôi vợ con, cũng tham gia hội cạo nứa. Trông thấy anh cạo, có người đùa, phong chức trưởng khoa “Đầu Gật Gù, Dái Lắc Lư.”
Bốn nghề trên, vợ chồng tôi đầu hàng, nhưng không thể không tham gia đội quân kiếm nghề phụ, thêm rau mắm nuôi đàn con.
Tôi quen một anh thợ may Hàng Trống, cựu lính xưởng may 10 Châu Quỳ, Hà Nội. Anh bị bệnh dạ dày kinh niên, xuất ngũ, mở tiệm may ở thị xã. Một hôm anh đến chơi, vợ tôi phàn nàn đời sống khó khăn, anh bảo, “Cô chú mua máy khâu đi, anh dạy chú cắt, chị dạy cô may, kiếm thêm nuôi tụi trẻ.”
Mừng quá, tôi lùng mua máy khâu, gặp ai cũng hỏi. Một ông bệnh nhân cho biết ở nông trường Cao-phong có người vừa mang chiếc Singer trong Nam ra, muốn bán.
Đại hạn gặp mưa rào.
Chủ Nhật, tôi và anh thợ may Tâm đến xem. Xem xong, anh bảo, được đấy, mua 1.200 đồng. Thế là làm thợ may nghiệp dư, máy kê nhà anh Tâm. Vợ tôi nghỉ phép, 2 tuần, sáng cơm nước xong, đến nhà anh, học đến chiều, miễn phí. Hết kỳ nghỉ, vợ tôi cũng biết cách may áo sơ-mi nữ, chưa biết cắt. Đến lượt tôi học cắt. Có ông Sơn, thợ may của nông trường đã về hưu, ra khám bệnh, vào chơi, biết vợ tôi học may, tôi đang tìm thày học cắt. Ông bảo vào ông, ở đấy nhiều hàng, tha hồ tập sự. Lần này đến lượt tôi “lên núi tầm sư học nghề phó may”.
Tôi nghỉ phép, ăn ở nhà ông 2 tuần, học 2 bài: áo sơ-mi nam nữ và quần nam. Giỏi toán từ thời phổ thông, ông giảng công thức đo cắt, tôi hiểu ngay. Lại khéo tay, sau vài hôm, tôi cắt đẹp, rất vừa ý các cô gái trẻ. Bác Sơn khen tôi hết lời. Bác còn chỉ cho tôi những bí quyết nhà nghề và dạy tôi may cắt quần Ấu.
Vợ chồng tôi thành phó may nghiệp dư, sau vài tháng, khách đông, trả hàng không kịp.
Tối tối, ngày Chủ Nhật, học sinh trường Trung cấp Y tế, thanh niên thị xã kéo nhau đến, vì tôi tính giá mềm, rẻ từ 3 đến 5 hào, may cẩn thận, lại không “lây ống” (ông lấy) hay “hõm bò” (bỏ hòm) mảnh vảI thừa, như thợ may khác.
Không ngờ đi tỵ nạn, đến London, nghề phó may lại có dịp trở lại. Ở đây, may gia công, ngày tối thiểu dăm chục chiếc, công may từ £0.30 đến £0.40/chiếc. Xưởng may 10 cũng may theo dây chuyền, thợ bậc 5 chỉ may nổi 20 đến 25 chiếc/ngày là hết cỡ. Mặt hàng lại đơn giản, quanh năm có 4, 5 mẫu, nhắm mắt cũng may được. London khác, bạn cô Linh bảo, tuần nào cũng có mẫu mới. Có nghĩa là phải thật giỏi, may như vợ tôi chỉ ăn cám.
Cô chú Thịnh có nhà riêng, mua chiếc máy may Brother, hệ công nghiệp. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chiếc máy may và mô-tơ to như thế. Mỗi lần cô Linh ấn bàn đạp, tiếng dzí-dzí vang lên, ngang xe máy nổ. Tôi nhìn và cảm thấy không nhanh mắt nhanh tay chắc chiếc kim kia bập luôn vào ngón tay giữ vải. Điều khiển máy còn khó, làm sao mà may được những chiếc áo, quần theo đúng mẫu chủ hàng giao. Vợ tôi hàng ngày đến nhà  cô Linh cùng cô tập may. Khốn nỗi ngày nào cũng may thẳng, vài buổi ngán, ngán nhất là chẳng ra xu nào.
Tôi khuyên khích, “kiếm hàng thật dễ, may thẳng, luyện tay nghề đã.” Ok, chí phải. Tôi theo dõi quảng cáo việc làm trên báo và thấy trời không phụ chúng tôi, vì có nơi cần thợ may túi ngân hàng. Đến xin thử tay nghề, đạt yêu cầu, thế là có việc. Chủ cho người đưa hàng đến tận nhà, 1000 túi/30 bảng. Nghe mừng rơn, cô chú Thịnh gật đầu sái cổ, tưởng bét ra 1 ngày cũng may được 500 chiếc, kiếm 15 bảng ngon ơ.
Không ngờ, hàng này xương quá, khó gặm. Vải dày, bền, cứng như vải chúc bâu nhuộm hồ của Việt Nam, đủ các màu, hình vuông, cỡ 60 x 60 cm, nhiệm vụ phải làm gồm có:
1. May hèm trước.
2. Gấp đôi lại, thành hình chữ nhật 30 x 60 cm.
3. May 2 lần chỉ 3 mặt.
4. Xếp 100 chiếc/bó dây chun.
Vải chắc, thô, chạy chậm. Ban đầu vừa sức tay nghề. Mô-tơ rít, tiếng kim vỗ vào mặt vải kêu phập phập, nền nhà rung ầm ầm. Chúng tôi đang thuê nhà Jimmy làm sao kê máy được, chịu, mình cô Linh may. Cả tuần không may xong 1000 túi, thật ngán ngẩm. Người đưa hàng, dân Hong Kong, động viên, “chịu khó, làm lâu sẽ quen, người ta kiếm tiền trăm đấy, cố lên.”
Chú Thịnh và thằng con 5 tuổi về đến nhà lăn vào gấp túi, vài tháng, tay nghề lên. Kiếm được 50 bảng/tuần cũng toát mồ hôi.
Sau 2 tháng, tôi điền form xin được trợ cấp tiền nhà, tiền ăn của tụi trẻ. Xong một khoản. Chỉ còn chờ đợi được cấp nhà, không ngờ một chuyện đột xuất xảy ra.
Thằng Jimmy sau khi cho thuê nhà hơn 1 năm, dành đủ tiền sửa chữa hệ thống nước và lò sưởi. Sáng ngày 12/11/1984 tôi đi làm về, vào nhà tắm, xả nước không có một giọt. Đi tiểu, giật nước cũng không, xuống bếp pha cốc cà-phê không nốt. Nhà tôi đưa trẻ đi học về, cho hay thằng Jimmy thuê người sửa bếp, cắt nước từ đêm. Sáng nay bốn mẹ con không nước rửa mặt, phải ra W.C công cộng đi toilet. Không có xô đựng, tôi mang nồi và ấm sang nhà bên xin nước. Tay hàng xóm nghe kể, sang xem, bảo, lên ngay council, tìm Environment Department mà báo. Tôi làm theo.
Sau khi nghe chúng tôi kể, ông phó ban Mr. John Ken theo chúng tôi về nhà. Đúng như trình bày, chủ nhà đi làm, ông không gặp được. Ông bảo hai tiếng nữa sẽ quay lại.
Đúng hẹn, ông đến. Một chiếc xe van của council được điều tới chở đồ đạc giường chiếu tủ… của gia đình tôi đến flat ở West Wickham, miễn phí. Chúng tôi thuộc diện homeless được cấp nhà khẩn cấp. Vĩnh biệt Jimmy. Vĩnh biệt cảnh ăn nhờ ở đậu. Cuộc đời chúng tôi lại sang trang mới sau 5 tháng thuê nhà.
Căn hộ chung cư có phòng khách rộng rãi, 3 buồng ngủ, hai đôi, một đơn. Từ một người ở mướn 45 bảng/tuần 2 phòng nhỏ, nay 18 bảng/tuần, 3 buồng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nhà tắm, toilet. Vui quá trời.
Nghe tin cô chú Thịnh đến thăm, mừng “tái ông thất mã”, cô Linh tính toán ngay, bảo, “nhà anh chị ở tầng 4, may sao được, ồn ào, hàng xóm bẩm báo, phiền to.” Chưa biết tính sao, sau 5 tuần bên Environment Department có người muốn trả gia đình tôi về nhà Jimmy do nhà đã chữa xong.
Mr. J. Ken phản đối, đã đi sao quay lại được. Đang tranh cãi thì đại diện South London Association Housing cho hay phường T., thuộc quận Croydon có căn nhà 4 buồng ngủ , chưa có người.
Thế là chúng tôi chuyển về căn nhà 4 buồng ngủ ngày 06/12/1984.
Hai gia đình đã có nhà riêng, bây giờ phải tìm nghề khác. Nghề bánh mỳ làm đêm tổn thọ, không trụ được lâu. Tôi bàn phải đi học nghề, có thế lương mới khá và bền. Đêm làm, sáng ngủ, chiều vào các Job Centre của quận, tìm việc và khóa học.
Chú Thịnh xin được lớp thợ hàn, học 6 tháng. Tháng 1-1985 chú Thịnh đi học, còn lại mình tôi làm ở xưởng bánh. Tháng 2-1985 có khóa sửa chữa Điện tử một năm. Nghĩ đến chiếc ti vi mua 85 bảng, chữa đòi 100. Tôi đăng ký, được giấy báo, ba tuần sau đến kiểm tra Toán và Lý trình độ A levels (tú tài).
Vào thư viện, mượn sách, mặc dù 25 năm rời ghế nhà trường, ôn lại thấy vẫn không quên kiến thức cơ bản.
Thi xong, hai tuần sau, giấy báo kết quả 72/100, được nhận học.
Mấy tháng sau, mua máy may, vợ tôi may túi, làm cật lực, 10 đến 12 tiếng/ngày, mỗi tuần chỉ kiếm được #50 bảng. Tụi trẻ đi học về, bỏ cặp sách, lăn vào gấp túi giúp mẹ. Một lần trong bữa cơm chiều, tôi hỏi, nếu có điều ước, các con ước gì. Thằng út, ước không phải gấp túi, được chơi game điện tử. Tội nghiệp con tôi!
Chúng tôi bỏ may túi chuyển qua may quần áo. Tay nghề lên dần, sau vài năm, có tuần kiếm được hai trăm bảng. Cuộc sống khấm khá dần, vốn tích lũy tăng, có tiền dành cho đàn con chi phí đại học sau này.
Năm 1987, vợ chồng Sinh điện thoại, bảo, đã chuyển về London, có nhà ở Bow.
Đến thăm, mừng rơn, thế là chúng tôi hội ngộ.
Con đường về London của cô chú Sinh khác chúng tôi. Năm 1986, dọn về ở nhờ gia đình chị gái ở Hackney.
Có quân sư bày diệu kế.
Hai gia đình cãi nhau tơi bời khói lửa, ai can cũng không xong. Hàng xóm báo cảnh sát.
Thế là được nhà khẩn cấp theo diện homeless. Đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất, người Việt mình “tiếp thu” kinh nghiệm của dân Ấn, Pakistan, Jamaica, Phi châu… và chuyện cứ xảy ra dài dài cho đến năm 1990, luật về nhà cửa thay đổi, chấm dấu hết chuyện vào hostel, đập nhà, ở nhờ người thân, diễn vở “Võ Miệng”.
Ngày 08/4/1985 tôi nghỉ việc, bước vào đời học nghề làm đời thợ sửa chữa các loại máy thu thanh, thu hình, đầu video và đầu CD.
Mời đọc tiếp: Chương [16]


No comments: