Sunday, October 18, 2015

LÂM HOÀNG MẠNH * BUỒN VUI ĐỜI TỴ NẠN I






 BUỒN VUI ĐỜI TỊ NẠN
LÂM HOÀNG MẠNH 


Lâm Hoàng Mạnh – Buồn vui đời tỊ NẠN (1)

09/09/2009 | 12:27 chiều | 4 phản hồi
Tác giả: Lâm Hoàng Mạnh
Vua quan ở đất nhà bay
Dù xe ngựa cưỡi đến đây cũng hèn.
Nửa đêm, thuyền chúng tôi cách Hong Kong hơn hải lý mà đã nhìn thấy rõ ánh đèn màu nê-ông rực rỡ, nhấp nháy, nhảy múa trên các toà nhà cao ngất. Hong Kong! Thương cảng thế giới! Hòn ngọc của thế giới đang sừng sững trước mắt mọi người! Sống rồi bà con ơi! Nhiều người vui quá nhẩy lên như đứa trẻ. Tôi ôm lấy nhà tôi và đàn con, giọng run run, thì thầm: Sống rồi! Hương Cảng đấy! Mình và các con thấy chưa?
Một chiếc xuồng cảnh sát Hong Kong rẽ sóng lướt tới, họ nói qua loa phóng thanh cầm tay bằng hai thứ tiếng, tiếng Quảng và tiếng Anh, yêu cầu thuyền chúng tôi tắt máy, thả neo và hai viên cảnh sát lên thuyền và làm việc với chủ thuyền, rồi họ về xuồng, quay lại bờ. Chủ thuyền báo cho bà con biết, thuyền thả neo, đợi sáng mai sẽ có tầu cảnh sát kéo vào bến.
Cả đêm chúng tôi thao thức mong đợi và hy vọng. Hy vọng gì thì cũng chưa rõ, tất cả mới chỉ là điểm bắt đầu, tương lai còn ở phía trước.
Sáng hôm sau, xuồng cảnh sát Hong Kong kéo chúng tôi vào bến Kho Đen. Trời, thuyền tị nạn Việt Nam chật bến, đó là những thuyền bỏ không, chờ tầu cảnh sát kéo ra khơi để đánh đắm. Khó khăn và vất vả lắm, thuyền chúng tôi mới ghé sát bến. Trên sân Kho Đen hàng trăm người Việt già trẻ lớn bé, nam nữ đang tranh nhau kẻ hứng nước vào xô, người cởi trần tắm, người giặt, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cãi nhau loạn xạ, tất cả tạo lên một không gian hỗn loạn xô bồ.
Kho Đen
Ai đã từng ở trại tỵ nạn Hong Kong thì không thể nào quên trại Kho Đen. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận các thuyền tỵ nạn và cũng là nơi nhiều tai tiếng nhất về sự đối xử dã man, vô nhân đạo nhất của cai ngục Hong Kong đối với thuyền nhân từ Bắc đến Nam chạy trốn cộng sản Việt Nam.
Tên thật của kho là gì có lẽ chẳng ai biết, người ta quen gọi là Kho Đen, bởi vì nó trước kia là một kho chứa hàng và sơn màu đen. Kho này gồm 5 (?) nhà kho nằm ngay sát bến, vì thế chúng tôi đều gọi là trại Kho Đen.
Thuyền chúng tôi được lên bờ và được gắn cho một tên mới đó: là số thuyền – theo thứ tự nhập cảnh – và tất cả chúng tôi đều được gọi là Zdịt-nàm-nhằn, từ giờ trở đi không có phân biệt người Hoa, người Việt, người Bắc, người Nam. Tất cả đều bình đẳng với chiếc áo mới mà cảnh sát Hong Kong khoác cho: Người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp.
Ngồi xếp hàng ngay trước sân Kho Đen, một sĩ quan cảnh sát thông báo những quy định của trại Kho Đen bằng tiếng Quảng và bằng tiếng Anh. Nội dung đại để như sau:
  1. Phải nộp tất cả những vật dụng nguy hiểm: dao, kéo, súng, chất nổ, chất cháy kể cả diêm và bật lửa;
  2. Cấm lửa trong mọi trường hợp. Điều này gây khó khăn cho các gia đình có cháu bé cần có chế độ dinh dưỡng riêng như bột, cháo… và dân nghiền thuốc lá, thuốc lào;
  3. Cấm trốn khỏi trại dưới mọi hình thức;
  4. Ngày 2 buổi được phát cơm do nhà thầu đưa đến;
  5. Có thể điểm danh bất thường ngày cũng như đêm;
  6. Cấm gây lộn xộn, cấm đánh chửi nhau.
Thuyền chúng tôi được chỉ định vào kho I sát ngay cổng chính ra vào. Sau khi tìm chỗ để đồ đạc xong, chúng tôi được lệnh ra xếp hàng ngoài sân làm thủ tục tổng vệ sinh trước khi làm thủ tục nhập cảnh bất hợp pháp.
Nhân viên y tế mặc phòng hộ che kín từ đầu đến chân, họ chia ra từng nhóm hai người, một người cầm bình xịt thuốc, một người cầm vòi nước. Họ gọi từng gia đình đến làm tổng vệ sinh. Đến lượt gia đình tôi xếp hàng ngang trước hai nhân viên y tế. Đầu tiên họ bắt chúng tôi cúi đầu xuống và nhắm mắt lại, họ vừa lầu bầu chửi quân Zdịt-nàm bẩn thỉu, đầu tóc quần áo toàn chấy rận, vừa đổ lên đầu chúng tôi một thứ dung dịch thuốc mà cảm giác như phải bỏng (phỏng), rồi ra lệnh chà xát toàn đầu. Các con tôi khóc thét lên, giẫm chân đành đạch như bị dội nước sôi, mắt cay xè, chúng tôi vừa ôm chúng vừa chà thuốc vào tóc cho thuốc ngấm vừa an ủi. Khoảng vài phút, họ xả vòi nước vào tất cả chúng tôi. Sau khi thuốc diệt chấy đã trôi đi, họ xịt một loại thuốc sát trùng màu đùng đục như sữa và mùi rất khó chịu lên toàn bộ người (không cởi quần áo). Sau đó họ xả vòi nước cho thuốc trôi đi, xong chúng tôi về kho thay quần áo. Cứ thế, hết gia đình này tiếp gia đình khác, cuộc tổng vệ sinh không tiền khoáng hậu ở Kho Đen kết thúc cũng là lúc đến giờ phát cơm bữa trưa.
Phải nói nhà thầu cơm cho trại Kho Đen đã ăn chặn cơm của chúng tôi, bởi vì số người từng thuyền khác nhau, có thuyền hơn 100 người nhưng có thuyền gần 200 như thuyền tôi 234 người, nhưng khẩu phần các thuyền na ná giống nhau: Một thùng cơm, một nồi thịt, một nồi rau. Có nghĩa là thuyền nào đông như thuyền tôi thì đói dài dài, làm gì đủ cơm mà chia theo tiêu chuẩn. Cho nên chuyện đánh nhau, tranh giành nhau từ muổng cơm đến miếng thịt, cọng rau là không thể tránh khỏi. Chính vì sự lộn xộn này, đám cai tù càng được thể chửi chúng tôi là bọn vô liêm sỉ, tranh nhau từng cuộng rau, miếng thịt. Chủ thuyền phân công, cứ 3 gia đình chịu trách nhiệm chia cơm một ngày, hết lượt thì tiếp tục quay lại. Một lần tôi tham gia với hai anh nữa, chúng tôi toàn là dân trói gà không chặt nên chuyện chia cơm là một thử thách quá lớn. Để mọi người không dị nghị, gia đình vợ con 3 chúng tôi chia sau, nhưng khi còn gần 30 chục suất cơm nữa thì thùng cơm gần hết. Chết cha rồi, làm gì còn cơm mà chia như lúc đầu. Thế là 3 thằng chúng tôi (thằng chia cơm, thằng chia thịt, thằng chia rau) bị bà con chửi té tát cho một trận vì chia không đều. Đến lượt vợ con chúng tôi thì không được đến 1/2 tiêu chuẩn, vợ tôi cằn nhằn vì đàn con đói mà lại còn bị nghe chửi. Buồn quá, may mà tôi chỉ có làm một lần nghề chia cơm bất đắc dĩ.
Được hơn tuần, họ thay đổi chế độ ăn, sáng phát cơm, chiều phát bánh mì và thịt hộp. Tiêu chuẩn 1 người 2 lát bánh mì, 5 người 1 hộp sữa đặc (condensed milk), 5 người 1 hộp dzăm-bông (ham) 400 gr, 2 người 1 quả cam. Tiêu chuẩn này, ngày nay đối với chúng tôi thì no, nhưng thời ấy quả là đói. Người lớn buổi sáng có thể hít không khí, còn trẻ con thì không thể tập thể dục để thay bữa sáng. Vì thế bữa tối, tôi và nhà tôi mỗi người ăn 1 lát bánh, để dành 2 lát và hộp sữa nước để mai cho 3 đứa có quà sáng. Hầu như gia đình có con trẻ đều phải làm như vậy. Khổ nhất là trẻ dưới 12 tháng, chúng phải có chế độ dinh dưỡng khác, nhưng đây là trại giam những người nhập cư bất hợp pháp cho nên trẻ em và người lớn bình đẳng về nuôi dưỡng. Có gia đình kế bên, bất chấp lệnh cấm, anh chị lấy bếp dầu (giấu kỹ lắm) ra quấy bột hoặc nấu cháo cho con, có lần đang nấu cảnh sát đột ngột vào kho, đành tắt lửa, hỏng cả xoong bột. Bọn buôn lậu tuồn mì ăn liền vào bán 10 gói lấy 1 chỉ vàng. Sau giá mềm hơn, 1 hộp mỳ (30 gói) 1 chỉ, ấy thế mà nhiều gia đình phải bấm bụng mua để cho con ăn!
Đến chiều, chúng tôi lại ra sân xếp hàng chờ phỏng vấn. Nghe thì oai, phỏng con mẹ gì đâu, hai bàn kê ngay giữa sân, 3 nhân viên hải quan ăn mặc chỉnh tề và một thông dịch viên, người ngồi chính giữa tay cầm bút, tay tập hồ sơ, gọi từng gia đình lên, hỏi họ tên và tuổi. Không hỏi ngày sinh tháng đẻ, không hỏi nghề nghiệp, nguyên quán… sau đó hất đầu chỉ sang bàn bên. Bàn bên là người làm nhiệm vụ chụp ảnh lấy ngay (đen trắng), chủ hộ chụp riêng, còn vợ con chung nhau một ảnh, rồi ký tên vào hồ sơ. Sau đó mỗi hộ được cấp một chiếc xô nhựa đựng nước, một chậu nhựa, mỗi người một đôi dép lê (kiểu Thái Lan). Thế là xong thủ tục nhập cảnh bất hợp pháp. Chính vì chuyện này, nhiều người khi đi định cư nước thứ ba bị hụt tuổi, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi ở Hong Kong gần 10 tháng, trước khi đi định cư ở Anh (1980), bản hồ sơ của gia đình mà tôi được giữ để trình với cơ quan hữu trách chỉ ghi năm sinh (không có ngày tháng) dựa theo khai tuổi của cuộc phỏng vấn ngày nhập cảnh từ 1979. Có nghĩa là sau 1 năm, chúng tôi là con ma vì tuổi vẫn giữ nguyên, không già đi! Cầm tờ giấy xuất cảnh mừng quá trời, hơi đâu mà cãi lý với Cục Di dân Hong Kong, vả lại có giấy tờ gốc gì đâu mà đối chứng. Sau sáu năm, xin nhập quốc tịch Anh, tôi điền vào mẫu khai giữ nguyên năm sinh như Cục Di dân Hong Kong ghi, chỉ điền thêm ngày, tháng và nơi sinh. Chúng tôi cũng không khai đi báo lại, sợ gây phiền hà, vả lại chuyện này cũng chẳng ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị cho nên cho qua luôn.
Tất cả đám cảnh sát ở Kho Đen hình như đều từ giới cai tù được đưa đến để trông coi chúng tôi thì phải. Bởi vì họ rất ác, rất tàn bạo, bất cứ chuyện gì cũng chửi mà chửi rất độc địa. Đứng đầu là tay trung úy cảnh sát béo (tôi không biết tên), mở mồm là đ. m cái l. thối con mẹ mày! Tôi nhiều lúc cố tình nhìn xem mồm thằng này ăn gì mà chửi độc địa như thế. Không những thế, hễ ai làm điều gì sai, hắn rút dùi cui tẩn liền, không kể đàn bà, người già, trẻ con. Hễ có đoàn nào đến thăm quan hắn đều bôi xấu kể tội chúng tôi tranh nhau từng xô nước, muổng cơm như bọn chết đói mấy đời. Chúng tôi căm lắm, nhưng không thể làm gì thằng chó đẻ ấy. Cuối tháng 7, có đoàn của Liên Hiệp Quốc phụ trách về tỵ nạn đến Kho Đen, tôi rất may gặp được một linh mục người Việt trong đoàn, tôi tố về sự ngược đãi của bọn cai tù này. Vị mục sư an ủi, ông bảo bọn này vô học (?), chúng coi tù đã quen, hơn nữa chúng ghen tị với chúng tôi vì một thời gian ngắn nữa chúng tôi sẽ được đi định cư ở nước thứ ba, điều mà chúng nằm mơ cũng không có! Năm 1983, tôi gặp một anh vừa từ Hong Kong sang, kể chuyện xưa và nhắc đến thằng chó đểu ấy thì anh ta bảo, thằng trung úy béo ấy bị người tỵ nạn mình đâm chết năm 1982 rồi. Tìm không ra thủ phạm.
Đầu vào thì phải có đầu ra. Đây là chuyện khủng khiếp nhất trong 31 ngày của đời tôi. Là kho cho nên làm gì có nhà vệ sinh, cảnh sát Hong Kong có sáng kiến cho nhà vệ sinh nổi. Có nghĩa là một thuyền (nhà) vệ sinh. Trời đất, cả Kho Đen có đến hai ba ngàn người mà chỉ có 20 hố vệ sinh trên thuyền. Lần đầu tiên bước chân xuống toilet boat, vừa bước xuống mấy bước đã thấy bao nhiêu “vành khăn” như những con rắn nằm dọc nằm ngang kín mít, không có chỗ đặt chân, tôi theo anh em ra ngay mạn thuyền làm chức “quận công”. Kiểu này cũng rất nguy hiểm, bởi vì mỗi lần có xuồng hay ca-nô đi qua là toilet boat lại chao đi chao lại, nghiêng hẳn, vì số người làm quận công không cân hai mạn thuyền, bám không chặt là tòm ngay xuống biển, hứng trọn của quý của chính mình hay của bạn bên vừa thải ra. Mỗi lần nghĩ đến là rùng mình, sởn cả da gà. Tôi ở sát cuối nhà kho, rất kín, nên lấy những tấm gỗ bỏ không, bìa cứng quây lại làm 1 hố xí cho vợ con. Tôi phải tìm mãi mới kiếm được chiếc gầu múc nước của thuyền cũ làm thùng đựng. Sau khi 3 đứa con lần lượt xong, cho vào xô ngụy trang, lấy giấy che kín đi ra sân trước, nhìn trước nhìn sau không thấy cảnh sát là a-lê-hấp cho xuống biển liền. Kế hoạch này chỉ giải quyết được vào ban đêm, ấy thế mà tụi trẻ nhà tôi nó chịu được để đến tối mới trút bầu tâm sự. Hỏi ra chúng bảo sợ lão cảnh sát béo nên cố nhịn! Sau này nghe tin họ đưa nhà vệ sinh di động thay thế toilet boat.
Một hôm, tôi sang kho 2, gặp một anh là giáo viên trường Trung học Trung Hoa Hà Nội, chúng tôi nói chuyện tào lao, chỗ gia đình anh ngồi rất gần tay thượng sĩ cảnh sát đứng gác. Chúng tôi thấy tay thượng sĩ này không đến nỗi nào, hỏi chuyện làm quen. Tôi hỏi gã, tại sao cảnh sát các anh lại đối xử tàn bạo với chúng tôi thế. Gã cười, trả lời, “tám tiếng chúng mày còn được nằm, được ngồi, đi đi lại lại, tụi tao cứ phải đứng tại chỗ nhìn chúng mày, hễ chuyện gì xảy ra là xếp tao nó đì, có khi bị cúp lương. Tụi mày chỉ khổ vài tháng rồi được sang Mỹ sướng như tiên. Tao nằm mơ cũng chẳng được. Nếu mà đổi được, tao đổi cho mày, mày làm cảnh sát tao xuống làm thằng tỵ nạn. Chúng mày có đồng ý không?”
Đông người, lại giữa mùa hè, ăn ở nhếch nhác, bẩn thỉu, hơn nữa sau một chặng đường dài ai ai cũng mệt mỏi, nhất là người già và trẻ em, cho nên người ốm rất nhiều. Ngay kho 2 có một buồng rộng chừng hơn 10 mét vuông (có lẽ là văn phòng cũ) được biến thành phòng khám bệnh. Trong phòng khám có hai y sĩ (một người ở đảo Trà Cổ, một ở thị xã Quảng Yên) ra làm thầy thuốc tự nguyện, khám bệnh kê đơn và một y tá (?) người Hong Kong phát thuốc kiêm đón tiếp. Tôi hỏi anh giáo viên, anh ta kể, “tội nghiệp cho hai anh này, thuyền của các anh ra trại tự do từ lâu nhưng vì không có người thay nên đành chết gí ở đây. Họ đang tìm người hình nhân thế mạng để các anh ra tự do”. Tôi hỏi, sao y tế của Hong Kong không cử người xuống khám chữa bệnh. Anh ta bảo, cái này xin chịu, biết làm sao mà trả lời. Tôi hỏi, anh ta có được trả thù lao không? Trả cái con mẹ gì, may lắm thằng a-xề béo nó cho túi cam, hộp bánh đem về cho con. Hú vía, tí nữa tôi xung phong làm thì có mà hết hơi và thật may khi phỏng vấn nó không hỏi nghề nghiệp. Lại một lần nữa “Tái ông thất mã”!
Một buổi chiều, đang nằm khàn, mấy đứa con tôi chạy đến báo tin, chúng vừa cười như nắc nẻ vừa kể. Thằng a-sề bắt được 4 chú hút thuốc lào, nó bắt quỳ xuống, khám túi lấy hết bật lửa phong thuốc và bắt nâng điếu cầy lên đầu. Cái chú cầm điếu cầy, hai tay nghiêng nghiêng dần cho nước điếu đổ xuống, không ngờ nước điếu đổ vào chú B. Chú B. mắng thì chú ấy bảo không đổ nước điếu nhỡ nó bắt uống thì chết à!
Trại Kho Đen, nhà tù không ra nhà tù, trại tỵ nạn không ra trại tỵ nạn, trại cấm không ra trại cấm, vì thế cách đối xử của nhóm người cai quản chúng tôi ở đây mang đầy đủ tính cách của bọn lưu manh, đểu cáng, chúng coi chúng tôi như những kẻ tội phạm quốc tế.
Ấy thế mà thuyền chúng tôi phải ở 31 ngày (01-8 đến 31-8) tại Kho Đen. Một quãng thời gian không dài so với cuộc đời nhưng những gì trải nghiệm ở Kho Đen chẳng bao giờ phai mờ trong ký ức.
(Còn nữa)
Kỷ niệm 30 năm ở Kho Đen 17-8-2009
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh



BUỒN VUI ĐỜI THUYỀN NHÂN II

Trại Khải Đức Đông
Chẳng qua chỉ tại Vua Hùng
Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên.
Thằng khôn nó đã vượt biên
Còn lại một lũ vừa điên vừa khùng.
(Đồng giao)
Sáng sớm 31 tháng 8, chúng tôi được lệnh chuyển trại đột ngột. Tất cả rộn ràng, nhốn nháo chuẩn bị đồ đạc mặc dù chẳng có thứ gì đáng giá. Một đoàn xe tải chở tù, màu sơn đen, thùng xe không bịt, vải bạt được cuốn lên. Chúng tôi ngồi trên hai hàng ghế băng sát thành, một số đứng, đồ đạc để dưới chân. Đoàn xe từ từ lăn bánh ra khỏi Kho Đen.
Như vậy chúng tôi đã được công nhận là người tỵ nạn cộng sản hay còn gọi là “thuyền nhân” (boat people), không còn là kẻ nhập cảnh bất hợp pháp, nay chuyển trại, chờ định cư ở nước thứ ba.
Xe đi quanh co qua những phố xá đông đúc, những dãy nhà cao tầng, những biển quảng cáo bằng điện nhấp nháy, nhảy múa, các cửa hàng bày bán la liệt đủ các mặt hàng làm chúng tôi hoa cả mắt. Lần đầu tiên mọi người nhìn thấy những sạp bán hoa quả bày từng đống táo, cam, lê, nho, mận… cao như núi. Nhìn cũng thấy sướng cả con mắt, tất cả chúng tôi ai cũng nuốt nước bọt. Có gì đâu, 25 năm dưới ‘‘chế độ XHCN tươi đẹp’’ làm gì trông thấy của ngon vật lạ mà chả thèm!
Đúng là số phận thuyền tôi hẩm hiu, đang hí hửng nghĩ đến chỉ lát nữa là người tự do, không ngờ trại Khải Đức Đông hôm ấy không làm việc. Ngày 31-8-1979 là thứ Sáu, chả biết ngày gì, văn phòng trại đóng cửa, không có người nhận bàn giao. Đoàn xe lại vòng vo tam quốc đưa chúng tôi về Kho Đen. Tất cả đều thất vọng và tự nguyền rủa số phận, đi đâu chết trâu đến đấy. Mọi thuyền thường chỉ phải ở Kho Đen 2 đến 3 tuần, thuyền tôi đúng một tháng, ấy thế mà lại “tái hồi Kim Trọng” ngoài ý muốn, làm sao chả buồn thúi ruột. Xuống xe lại chui vào kho I, bao nhiêu người kho khác xúm lại hỏi duyên cớ. Nào ai biết, chỉ biết ngày mai thứ Bảy, trại nghỉ tiếp, chúng tôi phải chờ thứ Hai tuần sau.
Buồn ơi là buồn! Ấy thế mà chiều thứ Bảy, một trận cuồng phong ập đến. Gió rít, giật từng hồi, những đợt mưa như dội nước xuống mái tôn ầm ầm như tiếng trống. Kho I run lên bần bật tưởng chừng bị gió cuốn phăng đi. Trẻ con co rúm lại túm chặt cha mẹ khi những tiếng sấm nổ vang trời, chớp ngoằn ngoèo sáng rực qua khe hở. Cả kho I bị mưa hắt và dột, nuớc chảy lênh láng, chúng tôi ai kiếm được tấm gỗ kê lên cao thì còn hy vọng cho đàn con ngả lưng, còn không đành chịu trận. Mãi đến gần 7 giờ, mưa ngớt, gió bớt giật, xe cơm của nhà thầu mới đến. Tối ấy chúng tôi được bữa thật no, vì một thuyền cùng kho đã ra tự do, nhà thầu không biết, cứ thế giao như cũ. Chúng tôi cũng tham, nhận luôn chẳng chê, được 2 thùng cơm, 4 nồi thịt và rau chứ không phát bánh mỳ thịt hộp như thường lệ. Mưa rét, lại đói nên chúng tôi ăn hết chẳng thừa chút nào. No dồn đói góp!
Sáng thứ Hai (03-9-79) chúng tôi mới được chuyển trại. Lần này xe vẫn đi vòng qua những phố xá nhưng không còn háo hức, hồi hộp như ngày 31-8 nữa. Đoàn xe vào cổng, tất cả chúng tôi tay đùm tay xách, xuống xe và được lệnh xếp hàng đợi trưởng trại. Không chỉ có thuyền tôi, nhiều thuyền khác cũng chuyển tới. Khoảng nửa giờ thêm gần chục xe vào trại.
Hóa ra ngoài trại cấm Kho Đen (detention camp) người tỵ nạn còn bị nhốt ở nhà tù Victoria, nhà tù Chi-Ma-Wan và trại cấm A-Cai-Lau-Cai. So với ba trại kia, người ở trại Kho Đen còn sướng chán. Anh Hà Quang, một người từng bị nhốt ở nhà tù Victoria (nơi ông Hồ đã ngồi tù) kể, thuyền anh vừa vào lãnh hải Hong Kong là bị xuồng cảnh sát kéo vào và tống ngay vào tù sau khi làm thủ tục nhập cảnh bất hợp pháp. Một buồng giam bé tí, họ tống 3 bố con anh và 4 người lớn rồi đóng sập cửa. Phòng bỗng nhiên tối om, hai đứa con anh sợ quá xón đái, tìm nhà cầu không có. Anh đấm cửa ầm ầm, một tên cảnh sát mở lỗ kiểm tra hình chữ nhật ở cánh cửa, quát:
“Chúng mày muốn gì?”
“Con tôi muốn đi vệ sinh nhưng không có nhà cầu.”
“Chờ đấy.”
Khoảng mấy phút sau, cửa hé ra, nó đưa vào một thùng gỗ. Tất cả không chịu, vẫn hò hét. Nó giơ dùi cui ra dọa, tuy sợ nhưng mọi người vẫn la, nhất là trẻ con khóc ầm ĩ, nó đành mở cửa.
Theo anh Hà Quang, ai ở nhà tù Victoria số phận còn may hơn ở nhà tù Chi-Ma-Wan. Trại tù này nằm trên một hòn đảo nhỏ, quản lí chặt chẽ, rất khó trốn, trốn ra cũng không thể bơi qua eo biển sang đất liền. Bị nhốt ở trại này, số phận cầm chắc về ông nội (Đại lục), bởi vì thấy người từ Việt Nam sang Hong Kong, dân Trung Quốc cũng té nước theo mưa. Người Việt gốc Hoa về “ông nội” không kham được việc nông trường, đua nhau bỏ chạy. Chính phủ Trung Quốc mắt nhắm mắt mở, làm căng, con ruồi cũng không lọt chứ đâu hàng ngàn người sang Hong Kong dễ đến thế. Anh Hà Quang cũng từ nông trường, may còn đủ giấy tờ kể cả bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân Việt Nam, nên được ra Khải Đức Đông.
Thuyền Việt Nam mũi thường nhọn, hai đầu trông giống hình vỏ trấu. Thuyền Trung Quốc phía đuôi gần như phẳng, nên cảnh sát Hong Kong nhìn là biết. Thuyền nào của Trung Quốc tống ngay vào nhà tù Chi-Ma-Wan. Bị nhốt trại này khó hy vọng ra tự do.
Từ sau ngày 16-6-1988 (hạn cuối cùng), tất cả người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp đều bị nhốt ở nhà tù này. Họ được gắn tên “tỵ nạn kinh tế”, không được hưởng quy chế tỵ nạn. Có người bị nhốt rất lâu vì Việt Nam không nhận về. Trung Quốc yêu cầu giải quyết số tỵ nạn này trước khi Hong Kong trở thành Đặc khu của Đại lục. Năm 1992, chính phủ Anh phải nhận thêm người tỵ nạn ở Hong Kong, đa số là người miền Bắc trong đó người Hải Phòng và Quảng Ninh là chính. Có dịp tôi sẽ viết riêng, vì quen người có ‘‘thâm niên 4 năm’’ ở trại tù khắc nghiệt này.
Thân phận tù đã là khổ, nhưng tù ở Việt Nam còn bị cai tù lợi dụng, ít nhất bị bóc lột sức lao động. Năm 1971, viên đại úy trưởng trại giam tỉnh tôi nhân một tháng đầy cữ con trai, mời bác sĩ Kh. và tôi đến nhà liên hoan. Chả là vợ anh đẻ bị ngôi ngang sa tay nên bác sĩ Kh. là người trực, mổ cấp cứu và tôi là trợ thủ, nay sau một tháng “mẹ tròn con vuông” anh mời chúng tôi, gọi là chút ân tình của gia đình đối với thầy thuốc.
Từ thị xã, chúng tôi đạp xe gần 7 km vào sâu bìa rừng gần trại giam. Thấy chúng tôi, anh ra tận cổng bắt tay thân mật, mời vào. Nhà anh là một nếp nhà gỗ 5 gian lợp ngói hoành tráng, tất cả các cột nhà tròn to toàn gỗ sến, táu, trai, đã lên nước bóng nổi rõ từng đường vân thật đẹp. Tủ chè, bàn ghế, giường model Hong Kong đều bằng gỗ lát hoa và lát chun, lát toàn loại quý hiếm và thuộc hàng cấm khai thác và mua bán theo văn bản của nhà nước.
Anh thân chinh bóc gói chè Hồng Đào mới nguyên, pha nước mời. Vài câu chuyện xã giao, vợ anh bế con ra chào, anh dẫn chúng tôi ra xem vườn và ao cá. Vườn anh thật đẹp, toàn cây lưu niên: cam, chanh, hồng bì, nhãn, vải, trồng theo thứ tự từng hàng thẳng tắp và chiếc ao cá đến hơn trăm mét vuông. Xung quanh là hàng tre bao bọc, cơ ngơi vài héc-ta, một kiểu nhà vườn sinh thái đầy mơ ước.
Thấy chúng tôi trầm trồ và có ý hỏi với gia cảnh chỉ có hai vợ chồng và 3 đứa con dại làm sao mà chăm sóc nổi. Anh cười, nháy mắt, nói nhỏ:
“Các cậu ấy giúp đấy.”
Chúng tôi hiểu, “các cậu ấy” nghĩa là các tù nhân làm không công cho trưởng trại, bởi vì mỗi lần lễ Tết, nhà nước đặc xá, người đưa danh sách chính là trưởng phó trại giam.
Anh chỉ sang góc bên trái, cũng một hàng tre xanh mướt bao quanh khu vườn, một nhà ngói 5 gian, anh bảo:
“Nhà cậu phó trại M. đấy.”
Ngày 31-8-1975, tôi đang ngồi chơi nhà anh bạn ở thị xã, bốn người măc áo phạm nhân đến hỏi mua lợn, chủ nhà dẫn họ ra chuồng. Người phạm nhân lớn tuổi bảo:
“Tưởng bác có lợn dái (lợn đực giống) hay lợn sề chứ lợn này chúng em chả mua.”
Anh bạn tôi cười:
“Mấy anh này lạ thật, lợn dái ăn làm sao được. Nấu xong, gắp lên khác nào đưa tất (vớ) vào mồm, hôi mù mù nuốt không trôi. Lợn sề đẻ dăm lứa dai như da trâu, nhai mỏi quai hàm ăn sao nổi. Các cậu tham rẻ hay sao, toàn hỏi những hàng ‘đặc sản’ như vậy?”
Nhìn trước nhìn sau, anh phạm nhân nói nhỏ:
“Các anh tính, cả năm có 2 dịp lễ (02-9), Tết (nguyên đán) mới được ăn tươi. Có thế tụi tôi mới có miếng mà bỏ mồm, vả lại rẻ, mua một thành hai, chứ thịt ngon các cán bộ coi tù không những ăn, còn đem về cho vợ con, chỉ còn ăn lòng, thủ và dăm miếng bèo nhèo là hết cỡ.”
Cai tù Victoria, Chi-Ma-Wan, Kho Đen ở Hương Cảng tuy đểu cáng, ma cô nhưng cũng chưa bót lột sức lao động hay tranh cả miếng thịt của người tù, còn cai tù XHCN rất sành điệu kiểu bóc lột gian manh này mà không phạm luật.
Vị trưởng trại Khải Đức Đông nói tiếng Quảng, có người thông dịch sang tiếng Việt rõ ràng mạch lạc, ai cũng hiểu. Chúng tôi được lần lượt làm thủ tục nhận vật dụng trại cấp: phiếu lĩnh cơm, số giường (hai người một giường đơn kèm chiếc chiếu), hai người một xô nhựa, một chậu nhựa, mỗi người một đôi dép lê, một bát nhựa, đĩa nhựa. Chúng tôi được xếp vào kho A12, đến đây coi như thuyền giải tán, chủ thuyền không còn là vị chỉ huy tối cao của chúng tôi. Nói thế, nhưng y vẫn lải nhải đòi tiền bà con, y bảo tiền sửa thuyền ở Bắc Hải quá nhiều, số 22 người nhận thêm vẫn chưa đủ. Thỉnh thoảng y lại triệu tập bà con để họp (họp con mẹ gì?), sau khi kể lể con cà con kê, y lại nhai nhải yêu cầu bà con đóng góp trả nốt số tiền mà y cho chịu (sao lại là chịu?). Nhiều người không họp, lý do ông chẳng là cái đinh gì có quyền bắt chúng tôi họp. Vài lần chán, y đành chửi thầm quân ăn cháo đá bát.
Sân bay Khải Đức là sân bay lớn nhất của Hương Cảng, không biết vì lý do gì nhường hẳn một phần để lập trại tỵ nạn. Đứng ngay trong sân, nhìn qua hàng rào chúng tôi trông rõ máy bay chạy trên đường băng. Đầu năm 1979, một khu nhà 4 tầng (thuộc sân bay) ngay sát đường lộ đã được trưng dụng làm trại, gọi là Pắc Dzềnh (trại Bắc), phân biệt với trại chúng tôi Tống Dzềnh (Trại Đông). Khi chúng tôi đến mới dựng xong A12, cuối năm 1979 có A25 sau đó lại chia ra Khải Tắc Đông A và Khải Tắc Đông B bằng một hàng rào dây thép.
Một nhà (gọi là A, đánh dấu sơn đỏ ngoài cửa) khá lớn, tất cả đều bằng tôn lá ghép lại, từ mái đến 4 bức tường và 2 cửa ra vào. Các cột cũng bằng sắt, nóng ơi là nóng, ngang trong lò nướng thịt. Chiều ngang kê được 4 dẫy giường 3 tầng, sát hai bên, lối đi ở giữa, khoảng 2 mét, thông hai đầu, chiều ngang chừng 10 mét. Cứ 2 giường sát nhau chừa một khoảng trống hơn một mét làm lối đi và cho người tầng trên lên xuống. Gia đình tôi được 2 giường gần ngay cửa nên đỡ nóng, rất may được ở tầng 2, tầng lý tưởng nhất. Tầng một thường dành cho người già và gia đình có cháu bé dưới 2 tuổi. Tầng này tuy tiện lợi không phải trèo, nhưng là tầng bị bọn xấu để ý, thường xuyên bị mất đồ. Tầng 3 dành cho người lớn, rất bất tiện, làm bất cứ điều gì ai cũng nhìn thấy. Chuyện riêng tư như phụ nữ thay quần áo cũng thật khó khăn. Mưa, dàn nhạc hỗn loạn gõ lên đầu, mắc bệnh khó ngủ chắc khó chợp mắt, hơn nữa gần mái tôn nên hè nóng, đông lạnh. Tầng 2 lý tưởng nhất, trèo không cao, có cột giường bốn bên, khi cần lấy vải che lại, gia đình có một khoảng tự do không bị ai nhòm ngó trong cuộc sống xô bồ hỗn loạn, chung chạ.
Sự khác biệt giữa trại Khải Đức và Kho Đen như sau:
- Chúng tôi được tự do đi lại, không bị cảnh sát nhòm ngó, chặn ngang hỏi bất chợt. Số lượng cảnh sát ít, thường đứng ở khu văn phòng, khu ra vào, đi kiểm tra quanh trại.
- Nhà tắm, nhà vệ sinh nhiều. Có khu nam nữ riêng biệt.
- Thường xuyên có đại diện của các tổ chức đến thăm, tìm hiểu, lắng nghe những ý kiến và tìm cách giúp đỡ, trong số đó có sơ (sister) Liên. Sơ có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến. Những gì đã hứa lần sau quay lại, sơ thông báo được hay không. Ra trại tự do, nhưng chưa đi làm, không có tiền mua tem, chúng tôi nhờ sơ gửi thư về Việt Nam. Chuyện này tuy nhỏ nhưng khá tốn kém, mỗi lần sơ đến, vài chục người chuẩn bị thư chờ sẵn. Nhờ lòng hảo tâm của sơ, chúng tôi đã thông tin được cho người thân. Ơn này thật lớn, chúng tôi không bao giờ quên, xin cầu phước cho bà. Cũng nhờ sơ mà bố vợ tôi, sau khi nhận được thư, lên tận UBND xã tế cho chúng một trận. Chúng tung tin tôi là gián điệp nhị trùng (Mỹ và Trung Quốc), bị đụng xe ô-tô chết ở Hải Phòng, còn vợ con tôi đi bộ sang Thái Lan (từ Hải Phòng) viết thư gửi bỏ dọc đường có người nhặt được gửi về xã. Chủ tịch xã là cháu, gọi bố vợ tôi là cậu ruột, dám làm chuyện động trời như vậy huống chi những người khác.
-  Trại có phòng chờ, phòng khám bệnh và phát thuốc do bác sĩ và y tá Hong Kong làm việc, đồng thời thuê người tỵ nạn biết tiếng Quảng và tiếng Việt làm thông ngôn.
Bữa cơm đầu tiên mà chúng tôi cảm thấy ngon miệng nhất kể cả đến nay, sau 30 năm định cư, từng dự biết bao bữa tiệc thịnh soạn ở nhà hàng, cuộc đại lễ… mà mỗi khi hỏi đàn con, bữa cơm nào ấn tượng nhất, chúng đều bảo: bữa cơm hộp đầu tiên ở Khải Tắc Đông.
Giấc ngủ ngon nhất đối với tôi là đêm 01-8-1979. Từ khi xẩy nhà ra thất nghiệp, lang bạt kỳ hồ (30-4) sau hơn 3 tháng nằm vật nằm vạ khắp nơi và lênh đênh trên biển, lúc nào cũng ngất ngư, say sóng, cả nhà năm mạng trong một khoảng rộng bằng chiếc chiếu đơn, tôi thường ngủ ngồi hoặc nằm co con tôm. Đêm 01-8 lần đầu tiên ngủ được duỗi thẳng chân, tuy vẫn còn cảm giác bồng bềnh, lắc lư say sóng.
Trưa 03-9-1979, nhà thầu đưa cơm hộp đến, từng hộ gia đình đem phiếu cơm ra nhận phần, mỗi người một suất không kể lớn bé già trẻ trai gái, món ăn lại có 5 món khác nhau. Mấy xe tải có nữ nhân viên phục vụ mặc áo đồng phục, sạch sẽ, nét mặt tươi cười, đon đả, tử tế yêu cầu mọi người xếp hàng trước xe rồi thông báo có 5 loại món ăn và tùy ý lựa chọn. Mỗi xe đưa cơm có hai cảnh sát đứng quan sát, không nói, nhưng nét mặt thân thiện khác hẳn những nét mặt hầm hầm cau có của những tên cai tù ở Kho Đen. Nhà tôi 5 suất, lấy 5 món khác nhau, không phải chia chác nhiều ít, hơn nữa chất lượng nhà thầu tốt hơn nhiều so với Kho Đen, có nghĩa là rất ngon (so với lũ chết đói chúng tôi). Suất cơm khá nhiều, người lớn ăn cũng cảm thấy no, thế mà các con tôi (đứa bé gần 4 tuổi) vét sạch không thừa một hạt nào.
Thời bấy giờ Hong Kong có rất nhiều trại tỵ nạn vì con số người tỵ nạn lên đến hàng trăm ngàn, nhưng tiêu chuẩn và chế độ ở từng trại lại rất khác nhau. Đến nay sau 30 năm tôi vẫn chưa hiểu tại sao cùng dưới sự bảo trợ của cơ quan Liên Hiệp Quốc mà mỗi một trại tỵ nạn lại có những quy chế riêng.
Sát bên trại tôi là trại Bắc Khải Đức, thuyền nhân ở đây đa số là người Quảng Ninh, đến Kho Đen từ sau Tết nguyên đán 1979. Họ ở hơn sáu tháng, ngày ngày vẫn 2 bữa cơm hộp, nhìn sang trại tôi ra vào tấp nập, người đi chợ lũ lượt tay xách nách mang nào gà, thịt, rau quả… cười đùa, họ uất lắm. Một cuộc bạo động nổ ra, đốt giường, đốt trại… loạn xì ngầu. Cảnh sát khu vực can thiệp. Cuối cùng họ được tự do.
(còn tiếp)
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh




 BUỒN VUI ĐỜI THUYỀN NHÂN III

Sau hai tuần, trại tuyên bố chúng tôi tự do đi làm, được tiền trợ cấp 2 tuần (theo số người), sau đó cắt (trừ người già, người ốm, tật nguyền). Gia đình tôi được khoảng 500 HK$, vợ tôi theo chị Sâm người cùng thuyền (biết tiếng Quảng) đi chợ mua bếp điện, 2 chiếc xoong, 1 túi gạo 5 kg, mắm muối chuẩn bị cho những ngày tự do. Tôi sang trại Tuen Mun tìm gia đình chú thím. Rất may hỏi thăm, có người biết chỉ, lên tầng 20.
Tuen Mun có 2 hai tòa nhà dành cho người tỵ nạn. Một tòa 7 tầng và tòa 21 tầng vừa xây xong, chưa hoàn tất buồng, nhưng nhà tài phiệt này đã cho người tỵ nạn ở, không lấy tiền của Liên Hiệp Quốc. Mỗi tầng có hai phòng rất to, chứa chừng chục gia đình, tất cả giải chiếu nằm ngay dưới sàn đá hoa và lấy đồ đạc vây quanh làm biên giới.
Tuen Mun chế độ khác trại tôi. Từ Kho Đen chuyển đến đây, chỉ một tuần đã được tự do kiếm việc làm nhưng vẫn được cấp tiêu chuẩn cơm. Nhiều gia đình đi làm vắng, nhưng nhà thầu vẫn sáng cơm hộp, chiều bánh mỳ, thịt hộp/cá hộp, ăn không hết có người đem ra chợ bán. Ngày Chủ nhật, ngày nghỉ họ vẫn lĩnh cơm. Suất thừa nhà thầu đem về, đưa đi đâu, bán hay cho các trại mồi côi, người tàn tật chẳng ai biết. Từ tháng 4-1979 đến 2-1980 chấm dứt khi trại Tuen Mun đóng cửa, vì ăn ở quá mất vệ sinh. Mọi người chuyển sang trại Sắm-sủi-pầu (Tâm Thủy Bộ) và trại Jubilee kế sát bên.
Nhà ông chú tôi có 6 thanh niên còn độc thân, khi tôi đến sự khá giả thể hiện rất rõ, tuy gia đình ông đi làm mới gần 3 tháng. Vì thế rất nhiều gia đình cố thủ không muốn đi định cư (có gia đình ở 4 năm), tuy công việc chỉ là tạm thời, không bảo hiểm (y tế và tai nạn) cũng như không có chế độ hưu bổng. Ngược lại, làm được đồng nào đút túi đồng ấy, nếu phải trả tiền giường và tiền điện như trại tôi thì cũng rất thấp (24 HK$/tháng) coi như có đóng góp, thấm tháp gì so với giá thuê nhà ở ngoài.
Đươc vài tháng, có người bắt đầu mua hàng gửi về Việt Nam. Thời bấy giờ nhận hàng nước ngoài bị đánh thuế 100%. Việc người tỵ nạn gửi hàng về đã khuyến khích người trong nước tìm cách vượt biên. Từ năm 1982, kinh tế Việt Nam bên bờ vực thẳm, bo bo không có mà ăn, nên có câu “Cột đèn mà biết đi cũng vượt biên.” Thuyền Việt Nam đi Hong Kong như đi hội. Đa số là người Bắc nhưng ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh là chính. Có người bị trục xuất về, vài tháng sau lại sang. Ngày nay người ta vẫn “vượt biên” dài dài theo đường du học, du lịch, thăm thân nhân, kết hôn, xuất khẩu lao động, một số theo đường dây buôn người đi qua Nga, Ba Lan, Tiệp, thậm chí thuê passport lừa hải quan.
Sáng sớm mọi người ra chầu ở cửa trại (chợ người) chờ các ông chủ. Thực ra các trại tỵ nạn đều ở Kowloon hay Tân Lãnh Địa (the New Territories) chứ không ở Hong Kong. Cửu Long có hàng ngàn xưởng lớn nhỏ làm đồ chơi cho trẻ em, lắp ráp đồ điện tử, đồng hồ rẻ tiền, may mặc, cửa hàng bán buôn bán lẻ và đóng du thuyền cho tầng lớp giàu có, thượng lưu trong và ngoài nước. Có nghĩa là họ rất cần những lao động phổ thông với đồng lương khá thấp so với người bản địa. Lương từ 25 đến 35 HK$/ngày, cuối tuần thanh toán.
Tôi chưa được đi làm thì A11 có hai người bị tai nạn lao động. Một chị hơn 40 tuổi bị máy làm dập nát bàn tay phải do ngủ gật, đưa cả bàn tay vào máy thay cho miếng kim loại. Chị bị cắt bỏ 3 ngón và bàn tay phải coi như hết khả năng lao động. Một thanh niên làm xuởng lắp đồng hồ, đáng lẽ đưa đồng hồ vào khuôn áp lực, do mệt đút ngay tay. Cả 5 ngón tay nát, đang nằm bệnh viện. Lao động tạm tuyển, chả có ký kết, khi bị tai nạn tùy thuộc vào lòng hảo tâm của chủ mà thôi. Chuyện này làm rúng động chúng tôi, người lo, người bảo có số, không làm lấy gì bỏ mồm, còn phải dành dụm chút ít khi đi định cư chứ.
Tôi gặp anh Hồ Coóng (Hà Quang) dân xế của Công ty Vận tải I Hà Nội tại bàn cờ tướng. Vừa đánh cờ vừa nói chuyện tai nạn, anh bảo:
“Chú và tôi chỉ trông mong vào hai bàn tay nuôi vợ nuôi con, nhỡ cụt mẹ nó, mai kia sang định cư nước thứ ba đi ăn mày à? Mà chắc gì người ta nhận mình về nuôi báo cô. Vì thế tớ đi làm lao công ở xưởng đóng du thuyền lương cũng 30 HK$/ngày, chả lo lắng gì, hết tuần lĩnh tiền. Tay đốc công rất tử tế, còn cho tớ làm thêm giờ. Lao công mà cũng làm thêm giờ, chú có tin được không? Lão ta bảo, từng khốn khổ khi từ ông nội sang, may có người giúp mới được như ngày nay. Chú có đi làm cùng, mai anh hỏi, nếu được, anh em mình làm cho vui. Chứ tay chú làm phẫu thuật nhỡ cụt, phí lắm.”
Tôi im lặng, rồi hỏi anh:
“Thế có phải rửa cầu tiêu và bưng nước cho đốc công không?”
“Không, có mụ già làm hết rồi. Mụ ta đun nước, quét dọn cầu tiêu, lau chùi văn phòng. Anh em mình chỉ có việc bốc tất cả các gỗ vụn, sắt vụn, quét mùn cưa, phoi bào… cho vào xe cút kít đổ ra biển. Vừa làm vừa chơi chẳng nặng nhọc gì, không lo què chân gẫy tay.”
Anh này tốt thật, nói có lý. Nghĩ vậy, tôi bảo:
“Mai anh hỏi, nếu được, tuần sau được ra tự do, em đi làm với anh.”
Anh cười vui vẻ, vỗ vai tôi:
“Vua quan ở đất nhà bay
Dù xe ngựa cưỡi đến đây cũng hèn.
Bọn mình là cái chó gì, đến đây là thằng tỵ nạn, ăn xin mà thôi. Thôi, đời mình coi như bỏ, cố cho con nên người là được.”
Hoàn cảnh anh rất éo le. Năm 1972, B52 trải thảm Hà Nội, nhà anh ở ngõ chợ Khâm Thiên. Đêm ấy anh chạy xe, bom trúng nhà, vợ anh và đứa con út chết không tìm ra xác, hai đứa lớn về bên ngoại, sống sót. Nay gần ngũ tuần, anh thương vợ, ở vậy. Nguyện vọng muốn sang Mỹ định cư, có lần tâm sự, anh bảo, nếu có mụ Mỹ đen già giàu có muốn lấy, anh lấy liền để cho hai đứa con ăn học lên người.
Tôi hỏi, sao anh thích định cư Mỹ khi vợ con anh chết vì bom Mỹ. Anh bảo, trâu bò húc nhau, mình thân phận con sâu cái kiến không may thì dính, vả lại cái số của vợ con anh chỉ được thế. Anh không oán người phi công đã thả bom nhà anh, theo anh, họ là người lính, phải làm theo lệnh chỉ huy cũng như anh đã từng lái xe đưa bộ đội, súng đạn đi B, đi C giết hại bà con miền Nam, Lào, Căm-bốt đó thôi. Có nghĩa là “chiến tranh là chiến tranh, không phải do tôi do anh (người lính ở hai chiến tuyến) gây ra”, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu nhà nước.
Hầu hết công nhân xưởng tôi (dân địa phương) ca tụng Mỹ, miền đất hứa trên thế gian này. Hễ ai nói muốn định cư nước khác hay Dzấng-coọc (Anh quốc) họ dè bỉu và nói toạc ra rằng sang Anh vỏ khoai tây cũng không có mà ăn. Có người lại còn cực đoan đến mức ghét nếu ai nói xin định cư ở Anh. Ai cũng sang Mỹ, nước Mỹ làm sao ôm trọn số tỵ nạn gần triệu người trên toàn thế giới!
Tôi chọn 4 quốc gia, Úc Đại Lợi vì khí hậu giống Việt Nam, Thụy Sĩ, Canada và Anh quốc. Đăng kí xin đi Úc, bị loại từ đầu (không gọi tiếp kiến), Thụy Sĩ tuyên bố chỉ nhận gia đình có thân nhân tàn tật. Thế là phèo, hết hy vọng. Một người quen tôi đi định cư Canada và tháng 11-1979 viết thư về kể rét thê thảm lắm. Nhiệt độ đầu tháng 11 dương lịch mà đã âm 10 độ C, anh ta còn viết thêm, giữa mùa Đông nhiệt độ có thể xuống -25 hay -30 C. Nghe mà sợ, ngang sống trong tủ đá, tôi quyết định đăng kí định cư Vương quốc Anh.
Năm 1979, Đảng Bảo thủ thắng cử, bà Margret Thatcher làm Thủ tướng, Bà Đầm Thép (Iron Lady), đã ủng hộ đề nghị của Tổng thống Mỹ Reagan. Vương quốc Anh nhận 20 ngàn người tỵ nạn Việt Nam trên toàn thế giới. Trại Khải Đức Đông thông báo sẽ có nhiều đợt tiếp kiến. Trước khi đăng ký, tôi sang trại Tâm Thủy Bộ (Sắm-sủi-pầu) trao đổi với gia đình chú thím. Các em con chú tôi vẫn thích xin định cư ở Mỹ, tôi đưa ra lý do vì sao tôi xin đi Anh.
1. Ai cũng xin định cư ở Mỹ, như vậy số đăng ký rất lớn, chính phủ Mỹ sẽ dành nhiều ưu tiên cho những sĩ quan, quân nhân, dân sự từng làm cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau đó mới đến những thành phần khác. Hy vọng được Mỹ chấp nhận là điều mong manh, người Bắc, càng ít cơ hội.
2. Muốn hay không muốn vẫn có sự mặc cảm Nam-Bắc, đó là rào cản và khó khăn lớn nhất khi định cư ở Mỹ.
3. Nước Anh không có chế độ quân dịch, đi lính cũng chỉ là một nghề nghiệp, trong khi đó gia đình chú tôi có 4 con trai đang tuổi tòng quân, gia đình tôi có 2 (tuy còn nhỏ). Đây là đất nước lý tưởng nếu như không muốn con tham gia quân đội.
4. Từ xưa đến nay, ai cũng phải nói Anh-Pháp-Mỹ, có nghĩa là đó là ba cường quốc, Hong Kong chỉ là thuộc địa mà đời sống đã cao hơn Trung Quốc và Việt Nam nhiều lần, cớ gì cuộc sống ở Anh lại tồi tệ hơn Việt Nam.
Ngày 15 tháng 1-1980, gia đình tôi được tiếp kiến. Tôi hy vọng tràn trề khi nghe tin sẽ được báo ngày đi định cư.
Ai được Mỹ chấp nhận, phải sang Phi Luật Tân học Anh ngữ. A12 có anh nhà báo miền Trung, Anh ngữ thuộc loại siêu đẳng, ấy thế gia đình anh cũng phải sang Phi. Sang được 2 tuần, anh viết thư về, than rằng chỉ sau 5 ngày vào trại, bọn trộm người Phi cắt điện, xông vào cướp sạch đồ đạc. Thế là gia đình anh trắng tay. Anh khuyên bạn bè, nếu phải sang Phi nên xin định cư nước khác, lộn xộn không thể tưởng tượng được.
Anh Hà Quang chuẩn bị lên đường đi Phi, tôi cũng chuyển sang trại khác, A-Cai-Lau-Cai 2, đi Vương quốc Anh. Chúng tôi mất liên lạc. Tôi làm lao công với anh ở Cửu Long được 5 tháng. Đây là một kỷ niệm đẹp của đời tỵ nạn, tôi và anh hợp tâm tình. Tôi biết nhiều do đọc sách, anh lại là người ham hiểu biết, vừa bốc gỗ, hốt mùn cưa, vỏ bào, tôi vừa kể chuyện Hạng Võ, Trình Giảo Kim, Tống Địch Thanh, Chiêu Quân cống Hồ, đến Tam quốc, Thủy hử. chúng tôi vui lắm.
Anh nghiện trò đỏ đen; muốn giúp anh hiểu tác hại của cờ bạc, tôi mua một cuốn sổ nhỏ, trưa không ngủ, ngồi xem, được hay thua đều bí mật ghi. Sau 1 tháng tôi cho anh xem, anh thua vài trăm. Anh hứa sẽ bỏ. Chỉ được vài buổi lại chơi, nhưng lần này anh hứa được chỉ chơi 5 HK$/một buổi.
Một xưởng đóng du thuyền chừng dưới 100 người, nghỉ trưa 2 giờ có đến 6, 7 nhóm sát phạt nhau đủ thứ xì-phé, xóc đĩa, túm tụm vòng trong vòng ngoài. Nhiều người cuối tuần lĩnh tiền trả nợ coi như trắng tay. Tôi quen ông bạn ở London, mang bài sang nhà con rể gạ đánh bạc. Tôi hỏi, sao làm thế, ông nháy mắt, ‘‘khỏi phải vay nó!’’
Tuần lương đầu tiên, tôi lĩnh hơn 200 HK$ kể cả thêm giờ. Đêm đó chúng tôi đi mua đồ. Mua cho con gái một con búp bê (doll) thật to, 25 HK$, bộ váy áo thật đẹp, còn hai thằng bé mỗi đứa một bộ quần áo in hình Mighty Mouse, mỗi đứa đôi giầy. Con tôi sung sướng lắm, lần đầu tiên trong đời được ôm búp bê, biết mở và nhắm mắt và to đến như vậy. Nhìn nó, tôi nghĩ đến hình ảnh ông già Jean Valjean mua búp bê cho bé Cosette trong Những người khốn khổ của Victor Hugo. Kỉ niệm ấy đến giờ nó vẫn nhớ. Cả nhà ăn bữa kem cốc và uống coca để mừng đồng tiền đầu tiên kiếm được dù chỉ là thằng hốt rác xưởng đóng tầu.
Sau gần 3 tháng đi làm, cuộc sống trong A tôi thay đổi. Quần áo đã tươm tất, bữa ăn cải thiện, nhiều người mua máy thu thanh (radio) 1 hay 2 cassettes làm thay đổi không khí và cũng từ đây bắt đầu trộm cắp và làm điếm ngay tại A. Một A ít nhất cũng đến 500 người, cuộc sống xô bồ, người tốt kẻ xấu khó biết. Thỉnh thoảng nửa đêm có tiếng kêu thất thanh “trộm, trộm” nổi lên, cả A bừng tỉnh, xôn xao, người đuổi, người thét, có lần kẻ xấu đành vứt bỏ lại chiếc va-ly chúng vừa trộm. Trong A đưa ra quy định đóng cửa (hai đầu), mùa hè, tường tôn, mái tôn, không quạt, đóng cửa không thể chịu nổi, vả lại “nội gián” lấy cớ đi toilet mở cửa, đồng bọn vào xoáy cũng chịu. Người ở tầng 1 hay mất đồ, tầng 2 đỡ hơn và tầng 3 hầu như an toàn. A12 của tôi trong 6 tháng có đến mười mấy vụ trộm vặt, một số chủ thuyền ra thuê nhà ngoài phố. Nhưng rất may hồi ấy chưa có kẻ nghiện và buôn bán ma túy như những năm sau.
Số người cả hai trại A và B lên đến vài ngàn, những dịch vụ nho nhỏ bắt đầu hình thành. Sáng có hàng xôi, bánh bao, riêng hàng phở đông khách nhất. Anh hàng phở người Nam Định biết vài câu tiếng Quảng ú ớ, thế mà ra dấu tay người bán thịt hiểu. Anh kể, ngày đầu tiên là khó khăn nhất. Hôm ấy anh đến cửa hàng, mua các loại xương về hầm lấy nước, tay chỉ vào tảng thịt, chỉ vào số 10 ở cái cân (ý 10 cân) nhưng anh chắp hai bàn tay đưa vào má, mắt nhắm. Đột nhiên anh làm tiếng gà gáy “ò ó o”, rồi xòe 5 ngón tay (5 giờ sáng), lấy 2 ngón tay làm dấu chân bước. Tay bán hàng cười, gật đầu. Năm giờ sáng hôm sau, anh đến, anh hàng thịt đã đóng gói sẵn. Từ đấy quen lệ, chẳng khó khăn gì. Anh cười sung sướng, sang Bỉ anh sẽ mở quán phở, chắc đông khách lắm. Không biết ước vọng nho nhỏ của anh có thành hiện thực không, bởi vì hiện nay ở Đức, Anh, Pháp rất nhiều nhà hàng có phở Việt Nam, không rõ ở Bỉ có chưa.
Một lần mua xôi, chị bán hàng tâm sự, khi nào sang Đức anh chị sẽ làm xe đẩy bán xôi rong như ở Hong Kong chắc kiếm được. Hy vọng, ngày nay chị có nhà hàng trong đó có món xôi bánh khúc gia truyền.
Ngày 20 tháng 3-1980 gia đình tôi được lệnh chuyển sang trại A-Cai-Lau-Cai 2. Số tiền kiếm được mua va ly, quần áo, radio cassette, giầy dép và để dành gần 400 HK$. Thường chỉ tối đa 4 đến 7 ngày là là bay, nhưng gia đình tôi và 11 gia đình khác chờ hơn 3 tuần.
Ngày 11-4-1980 đi U.K. Không đi làm, mấy trăm đô để dành tiêu hết, không một xu dính túi khi lên máy bay.
Thuyền nhân nhí trước ngày rời bến Tam Bạc Hải Phòng 5-1979 (ảnh của tác giả)
Thuyền nhân nhí trước ngày rời bến Tam Bạc Hải Phòng 5-1979 (ảnh của tác giả)
Hàng ngàn thuyền nhân nhí như thế này là nạn nhân của chế độ cộng sản, nhưng năm 1978, 79, 80, 90… đài phát thanh Hà Nội do Hoàng Yến và Kiên Cường đọc bản tin cứ nhai nhải chửi rủa và gọi tất cả người Việt định cư ở nước ngoài (có cả thuyền nhân nhí) là đồ lưu vong, quân phản quốc với những từ ngữ bẩn thỉu nhất.
Sau ba muơi năm học tập và lao động vất vả, cựu thuyền nhân nhí trưởng thành, nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, luật sư, doanh nhân thành đạt ở rải rác 90 quốc gia, họ là nguồn “khoáng sản” vô cùng quý báu và phong phú, cần khai thác. Họ được chính phủ Việt Nam khoác cho chiếc áo gấm “Việt kiều yêu nước”, “khúc ruột ngàn dặm”.
Nhà nước CHXHCN Việt Nam hy vọng mở đại hội Việt kiều toàn thế giới vào tháng 11-2009, kêu gọi thuyền nhân họp mặt. Nhiều cựu thuyền nhân nhí nói với tôi:
“Never, never!”
“Why should I?”
“No way!”
“Bao giờ Congo có Tết ta thì chúng cháu sẽ về Việt Nam làm việc cho cộng sản.”
9-9-2009, kỉ niệm 30 làm người viễn xứ
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh
© 2009 talawas blog



 BUỒN VUI ĐỜI THUYỀN NHÂN IV

Tokyo
Cả đêm 12 gia đình chúng tôi thao thức, hết đi ra lại đi vào, hết ngồi lại đứng, mong trời mau sáng. Bởi vì chúng tôi được giấy báo sáng sớm 11-4 lên máy bay đi U.K nhưng lại không ghi giờ xe đón.
Gần 5 giờ, cánh cổng trại A-Cai-Lau-Cai 2 từ từ mở, một đoàn xe chở tù lần lượt vào sân. Tất cả chúng tôi nhộn nhịp lấy va-ly, túi xách, thùng hàng… lủng củng đưa ra trước cửa, chờ lên xe. Viên thượng sĩ gọi tên hộ gia đình, đếm từng thành viên, lên xe. Đến gia đình tôi, anh ta bảo đợi một chút. Tưởng chuyện gì, hoá ra anh giao cho tôi hai cặp hồ sơ, bảo, tôi được chỉ định làm trưởng đoàn, chịu trách nhiệm giữ 2 cặp hồ sơ. Hồ sơ màu vàng giao cho người có tên T., đón ở phi trường Heathrow, chỉ vào hai người đứng sát ngay bên, người phải giao cho anh T.. Hồ sơ màu xanh, đến Wishaw, giao cho người phụ trách trại. Anh ta nói tiếng Anh, rõ ràng mạch lạc, tôi hiểu và hứa hết sức cố gắng.
Trời, tôi được đứng đầu gần 70 nhân mạng! Họ có nhầm không đấy? Tôi hỏi viên thượng sĩ, anh ta bảo, đây là lệnh trên vì Anh ngữ của tôi khá.
Như vậy khi phỏng vấn, anh chàng người Anh thấy trả lời lưu loát tất cả các câu hỏi, tưởng tôi Anh ngữ khá lắm. Thực ra tôi học được dăm câu tủ của lớp ban đêm ở trại Khải Đức Đông, chứ trình độ tôi xí xố vài câu là hết vở.
Sau khi chiếm trọn miền Nam, trí thức miền Bắc tự thấy trình độ quá thấp so với đồng nghiệp phía Nam, nghĩ rằng kém Anh ngữ là một thiệt thòi, phong trào học Anh ngữ bắt đầu. Năm 1977 bệnh viện tôi mở lớp Anh ngữ tại chức cho y bác sĩ. Giám đốc bệnh viện mời giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, trong đó có cụ Đặng Chấn Liêu, cựu giảng viên Anh ngữ Đại học Oxford, theo cụ Hồ về nước từ 1946, làm giáo sư danh dự. Khóa học 1 năm, tối thứ Bẩy và ngày Chủ nhật. Chả biết khỉ gì, ấy thế mà cũng được cái bằng Anh ngữ, dọa thiên hạ. Bằng trong tay, chúng tôi mắc 3 bệnh: ngọng (phát âm sai), nghễng ngãng (nghe không thủng) và mắt kém (vốn từ quá ít) hầu như chẳng tác dụng gì.
Tài sản quý báu nhất của tôi đến Kho Đen là sách học Anh ngữ, Pháp ngữ, tự điển Anh-Việt, Việt-Anh, Pháp-Việt; cũng vì những bộ sách này, chiếc valy của tôi bị rạch nát, may chúng không bị vứt xuống biển phi tang.
Khi ở trại Khải Đức Đông, có người bảo, đem cuốn tự điển đưa cho nhà xuất bản Hong Kong in lậu, kiếm bộn tiền, ít ra cũng vài ngàn đô.
Cuốn tự điển Anh-Việt, nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội, ấn hành 1975, mua với giá 20 VNĐ (?) 1977, dày 1960 trang, bìa cứng, trình bày đơn giản, trang nhã. Giấy mỏng nhưng bền, in ở Nga hay Trung Quốc, chứ Việt Nam không in nổi. Sách do tập thể giáo sư, giảng viên đại học soạn, trong đó có cụ Lê Khả Kế, Đặng Chấn Liêu và Bùi Ý hiệu đính. Chính tay cụ Đặng Chấn Liêu ký vào cuốn tôi mua khi cụ đến thăm lớp.
Tôi nghĩ lung lắm. Vài ngàn đô, số tiền tương đối lớn, nhất là vợ con tôi đang khốn khó, nhưng tôi không muốn ăn cướp công sức của người khác. Lỗ Tấn nói, “muốn viết một trang sách, phải đọc ngàn trang”. Công sức cả đời nguời ta mà mình chỉ vì thèm tiền bán cả lương tâm, danh dự sao đành. Suy nghĩ hàng tuần lễ, anh bạn thúc ghê lắm, chắc hy vọng được hoa hồng. Truyện ngắn “Sợi tóc” của Thạch Lam vụt lại trong đầu, giúp tôi không làm chuyện xấu xa, vô liêm sỉ đó. Cái xấu, cái tốt cách nhau sợi tóc, tôi đã vượt qua được sự cám dỗ, không lấn qua ranh giới. Giờ đây, cuốn tự điển đó là kỷ vật, niềm kiêu hãnh của tôi, dành con cháu sau này.
Mấy năm sau, người từ Hong Kong sang, có cuốn tự điển y chang, có kẻ đã bán linh hồn cho quỷ. Sau này (1990?) nghe tin nhà văn Duyên Anh, mãn hạn tù, định cư nước ngoài, sang Mỹ đòi tiền nhuận bút do một nhà xuất bản nào đó đã tái bản tác phẩm của ông, người ta không những không trả mà còn thuê xã hội đen làm ông thân tàn ma dại. Mãnh lực của đồng tiền ghê thật!
Chúng tôi lên xe, vẫn ngồi hàng ghế băng sát thành xe tù, nhưng lần này quần áo chỉnh tề, com-lê, cà-vạt, va-ly, túi xách mới cứng… y như đoàn du khách. Khác xa cái ngày từ Kho Đen ra trại tự do. Tuy đồ second hand, nhưng com-lê của tôi còn khá lắm, cà-vạt xanh theo màu áo vét, sơ mi trắng, trông chững chạc, dáng ra phết. Ấy thế trong túi 1 xu cũng không có!
Thủ tục check-in được cảnh sát giúp, mọi chuyện suôn sẻ, nhanh chóng. Vị thượng sĩ đưa chúng tôi đến tận cửa máy bay (chắc chắn không thiếu ai). Tôi là người cuối cùng. Anh bắt tay tôi, chúc may mắn. Tôi cũng chúc lại và cảm ơn anh nhiều.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, hai nữ tiếp viên đứng hàng ghế đầu, một người nói tiếng Anh giới thiệu phải làm gì nếu chuyến bay có sự cố, người đứng kế bên làm động tác thực hành hướng dẫn cách ứng cứu. Thấy đoàn tôi nhiều người chưa hiểu, họ yêu cầu tôi đứng lên thông dịch. Cũng may, đơn giản tôi giúp được.
Cài xong dây bảo biểm, máy bay từ từ lăn bánh, tăng tốc, thoáng rung một chút, nhìn qua cửa sổ, máy bay đã rời mặt đất, vọt lên cao rất nhanh. Tôi nhìn đàn con, lòng tràn đầy sung sướng, ứa lệ. Tôi không tưởng tượng nổi có giờ phút như thế này đến với gia đình tôi.
Sau 2 giờ bay, chiếc Airbus hạ cánh xuống phi trường Tokyo. Chúng tôi theo hành khách vào sảnh đường. Trời, người đông như kiến, sảnh đường quá rộng, sang trọng, choáng ngợp. Chúng tôi như lạc vào một thế giới mới, chưa một lần nhìn thấy. Đứng túm tụm thành một đám, ngơ ngác. Hai người Nhật com-lê, cà-vạt sang trọng đến, cúi đầu chào. Chúng tôi đáp lễ, hỏi ai là trưởng đoàn. Tôi đến, họ bắt tay, hỏi chúng tôi là ai, ở đâu đến. Tôi trình bày sự thật. Họ mời tôi vào văn phòng, xin mượn hồ sơ, ngỏ ý photocopy. Tôi nghĩ, chẳng có gì bí mật. Tôi đưa, họ phô-tô ngay tại chỗ. Họ bảo, đến 3 giờ chiều mới có chuyển máy bay 747 đi London, hành lý phi trường lo liệu chuyển, bây giờ về hotel nghỉ và dùng bữa. Tôi nói thật, chúng tôi không có tiền. Họ mỉm cười, các khoản miễn phí.
Hai chiếc coach sang trọng đợi chúng tôi ngoài thềm. Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi đến khách sạn sang trọng. Bốn dẫy bàn ăn dài trải khăn trắng muốt, mỗi bàn có bốn cô phục vụ, áo váy đồng phục, tươi cười chào chúng tôi.
Bữa  tiệc chiêu đãi miễn  phí tại Nhà hàng Tokyo 11-4-1980 (ảnh của tác giả)
Bữa tiệc chiêu đãi miễn phí tại Nhà hàng Tokyo 11-4-1980 (ảnh của tác giả)
Từng món ăn được bưng ra. Đầu tiên món khai vị, tiếp theo món hải sản, gà quay, rau… các món đều bốc hơi nghi ngút, thơm nức mũi. Chưa bao giờ gia đình tôi được ăn những món ăn cao cấp như thế này. Món này hết, món khác bưng ra. Sau cùng là món tráng miệng và hoa quả.
Họ đưa mỗi gia đình về một phòng riêng. Phòng gia đình tôi 5 giường một, ga trải giường, gối trắng tinh, thơm mùi nước hoa đắt tiền. Cả đời chưa bao giờ bước chân vào hotel, giờ đây được vào khách sạn 5 sao tại Tokyo. Nhường vợ con tắm xong, đến lượt tôi. Tôi xả nước ấm đầy bồn, nằm duỗi dài, sung sướng.
Gần hai giờ chiều, xe coach đợi ngoài, đưa chúng tôi về phi trường.
Một chuyện buồn, cháu trai gần 2 tuổi, con gia đình Móng Cái, không biết bữa ăn có món gì không hợp, cháu iả chảy, người cha không để ý, dắt bé đi dọc hàng lang hotel. Thấy có mùi hôi, tôi quay tìm, phát hiện một đoạn thảm xanh dài hơn 20 mét có dấu chân cháu dính phân. Trời! Tôi đỏ mặt. Biết nói làm sao đây. Tôi nói nhỏ với cha cháu, bế cháu đưa vào nhà vệ sinh, đừng làm thảm bẩn thêm. Anh không làm, chắc sợ bẩn bộ com-lê, anh dắt con đi nhanh về hướng toilet. Lại thêm một đoạn thảm nữa dính phân. Tôi đi thẳng ra xe. Chịu, biết nói gì. Chắc hotel phải tốn hàng ngàn Yên giặt thảm, đóng cửa vài ngày tổng vệ sinh!
Đường bay từ Tokyo đến London qua Alaska, không như ngày nay, qua Trung cộng, Nga, Đông Âu vì chiến tranh lạnh đang nóng dần. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nga Xô thời ấy, Brezhnev, lông mày như 2 con sâu róm, hiếu chiến lắm. Năm 1982, máy bay 747 của Nam Hàn lạc đường, tên lửa Xô-viết thiêu sống hơn 500 hành khách và phi đoàn trên không phận Nga, cả thế giới lên án, y phớt lờ.
15-9-2009
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh

Wishaw, Scotland
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta.
Chỉ vì cộng sản /Lê Duẩn hóa ra ăn mày.
(Ca dao mới)
Chiếc 747 từ từ hạ cánh xuống phi trường Alaska, chạy trên đường băng chậm dần rồi dừng hẳn. Chúng tôi được “giải lao” hai giờ để phi cơ tiếp nhiên vật liệu, vệ sinh,  xuống máy bay vào siêu thị phi trường Alsaka làm khách ngó. Rất nhiều quầy hàng bày toàn thứ đẹp mắt, đắt tiền, dí mũi qua từng khung kính không chán mắt. Ngay giữa sảnh đường, một chú gấu Bắc cực nhồi to tướng, cao hơn hai mét, sừng sững như chào quý khách.
Khi ở Khải Đức, ngày đi làm đêm đi học Anh ngữ hoặc làm thêm giờ, tôi ít có thời gian ngó các siêu thị. Còn tuổi thiếu thời phở hít, hàng ngó, xi-nê cửa là chuyện “thường ngày của hàng phố”, theo cách nói bây giờ, nhưng làm gì có hàng siêu cao cấp, đẹp tuyệt như thế này để ngó.
Hồi nhỏ, bọn tôi rất mê phim, không tiền tìm cách chui rào cho đã cơn nghiền. Hải Phòng có bãi chiếu bóng Nhân Dân ở ngã 5 Lạc Viên, cứ tối thứ Bẩy, hơn mươi đứa rủ nhau đi xem chạc. Từ Cầu Đất, đi bộ gần 4 cây số, không tiền mua vé (có cũng không mua), chia lượt, mỗi tuần một thằng, có lần hai, phải làm con mồi nhử. Mồi được cầm 5 xu.[1]
Đợi lúc khách thật đông, con mồi cố tình chạy vào cho bọn xé vé, canh rào nhìn thấy. Chúng hò nhau đuổi theo. Chín thằng phía sau ù té chạy thục mạng theo nhiều hướng vào bãi, lẩn vào đám đông. Mồi bị tóm, mua vé vào đàng hoàng. Năm xu, mười thằng, rẻ quá trời!
Môt lần, trèo tường nhẩy dù vào sân Lạch Tray xem trận Cảng Hải Phòng găp Thanh Niên Bắc Kinh. Không ngờ đuôi áo mắc vào dây thép gai, 5 chiếc cúc đứt hết, may mà áo còn mới, chỉ toạc một miếng gấu. Về nhà bị mắng tơi bời khói lửa.
Nông thôn lại khác. Vợ tôi kể, còn nhỏ cũng mê xi-nê, cứ 2 hoặc 3 tháng đoàn chiếu bóng lưu động huyện đem máy nổ, máy chiếu về. Thích lắm, làm gì có tiền, mỗi lần đoàn về, con trai con gái xung phong khênh máy nổ, máy chiếu, phông bạt, phim, gác cổng… nhẩy dù chỉ có con trai, con gái xấu hổ sợ bị tóm. Máy nặng, người bé khênh è cổ từ xã bên về xã nhà mấy cây số, thay nhau vẫn gần chết, ấy thế chỉ được xem 4 đêm miễn phí không thù lao gì. Hồi bé, vợ tôi chỉ ước làm cô thuyết minh, xem phim cả đời. Một lần gặp chị thuyết minh, hỏi, chị ta bảo, đi hết lượt mấy chục xã mới thay phim mới. Tính ra mỗi phim xem đi xem lại gần 200 lượt, thuộc lòng, chẳng cần bản dịch. Từ đó hết mơ thành cô thuyết minh.
Thoáng một lát đã đến giờ lên máy bay. Chiếc 747 bay tiếp hướng London. Xuống Heathrow khoảng 5 giờ sáng, 12-4-1980. Lấy hành lý xong chúng tôi đang ngơ ngác, một người Việt đến hỏi, có phải vừa từ Hong Kong sang không, muốn gặp trưởng đoàn. Anh tự giới thiệu là T. đến nhận hồ sơ và đón người về trại London, giúp chúng tôi chuyển sang Terminal 2 để bay tiếp đi Edinburgh, Scotland.
Không gì vui hơn khi gặp đồng hương ở ngay tại phi trường London, chúng tôi vui lắm, hỏi đủ thứ chuyện. Anh bảo, ai cũng phải vào trại một thời gian để kiểm tra sức khỏe, học Anh ngữ, chờ trại tìm nơi định cư, nhanh 2 đến 3 tháng, có khi nửa năm. Anh cởi mở, nhiệt tình chỉ dẫn, cái gì nên, không nên làm khi ở trại. Anh nói, hai người anh đón về đoàn tụ với chồng. Anh bảo, ở London có mấy trại, trại lớn số lượng lên đến vài trăm, đoàn tôi về trại mới mở ở Wishaw, rồi dặn, nên che thùng loa, dàn nhạc, radio cassette, hàng hoá… kẻo hải quan đánh thuế.
Hơn một giờ bay, chiếc Airbus lượn vòng trên bầu trời Edinburgh trước khi hạ cánh. Qua cửa sổ, kinh thành cổ kính ngàn năm tuổi, thật hoành tráng dưới ánh nắng vàng rực rỡ. Những bãi xe hơi đậu kín, tưởng như có phái đoàn quốc tế đến thăm, ấu trĩ như “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ” (thơ Việt Phương). Xe hơi đỗ đầy bãi là của người đi làm, của người dân, đâu phải chỉ có cán bộ cao cấp như ở Việt Nam mới có!
Lấy hành lý xong đang đứng túm tụm chưa biết phải làm gì, bỗng nhiên một đoàn nhà báo, truyền hình, nhiếp ảnh… đi nhanh về phía chúng tôi. Anh H. đi đầu, tự giới thiệu, thông dịch viên của trại Coltness House, Wishaw đến đón chúng tôi. Thấy nhà báo, phóng viên quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn… chúng tôi thật bất ngờ, vừa vui sướng vừa xấu hổ. Anh H. giới thiệu với đoàn báo chí tôi là trưởng đoàn, họ quay sang hỏi về chuyến đi, về mọi thứ. Tự nhiên bênh ngọng và nghễng ngãng của tôi tái phát. Trời, giọng địa phương xứ Scot sao khó bắt thế, nhất là với người mới thoát lớp vỡ ruột. Thấy tôi lúng túng không trả lời được, anh H. đỡ lời và giúp chúng tôi ra xe coach về trại.
Xe chạy gần hai tiếng mới đến. Xe vừa dừng, chúng tôi xuống xe đã thấy một đoàn người chờ sẵn ngay sân. Trưởng phó trại, hơn mười anh chị người Việt nam ở trại kế bên, ân cần đón tiếp, hỏi han, giúp chúng tôi chuyển đồ. Cảm động quá, mắt ai cũng thấy cay sè.
Ngày đầu đến trại Coltness House, Wishaw (Trích báo The Motherwell Time, 4-1980)
Ngày đầu đến trại Coltness House, Wishaw (Trích báo The Motherwell Time, 4-1980)
Tự giới thiệu với trưởng và phó trại cùng anh H., tôi, trưởng đoàn tạm thời do cảnh sát Hong Kong chỉ định, giữ cặp hồ sơ của 12 gia đình, nay trao tận tay cho bà phụ trách trại.
Cặp hồ sơ chính là sơ yếu lý lịch của từng gia đình mà hải quan Hong Kong “phỏng vấn” chúng tôi ngày đầu tiên vào Kho Đen và ảnh chụp bổ sung trước khi chuyển sang trại A Cai Lau Cai 2. Hồ sơ thật đơn giản, ghi họ tên, năm sinh không ghi ngày tháng, ảnh chụp cá nhân. Có 2 bản, bản cho chủ hộ và bản gồm vợ và trẻ em dưới 18 tuổi. Đây cũng chính là Giấy chứng nhận cái bang của Liên Hiệp Quốc cấp cho chúng tôi và được chính phủ và nhân dân Vương quốc Anh chấp nhận nuôi dưỡng.
Từ hôm nay, chúng tôi chính thức là kẻ ăn mày chính phủ và nhân dân quốc đảo Sư Tử. Hai bàn tay trắng, một xu không dính túi, không giấy tờ tùy thân, không bằng cấp, không nghề nghiệp, ngôn ngữ tập quán bất đồng… tất cả là con số không to tướng. Chúng tôi chỉ trông chờ lòng hảo tâm, lòng từ thiện của chính phủ và nhân Vương quốc Anh giúp chúng tôi đứng dậy, tự khẳng định lại mình, sau những ngày sa cơ, thất thế bị xua đuổi, chạy trốn cộng sản.
Coltness House, Coltness Road, Wishaw
Phía trước của lâu đài Coltness House (ảnh của tác giả 4-1980)
Phía trước của lâu đài Coltness House (ảnh của tác giả 4-1980)
Coltness House giống như một lâu đài cổ kính, thế kỷ 18 hay 19, gồm 5 tầng (kể cả tầng hầm, basement), với hàng chục buồng lớn nhỏ có toilet. Đây là một bệnh viện từ thiện của Dr. Barnardo bỏ hoang từ bao giờ cũng không rõ, nay được sửa sang, dọn dẹp thành trại tỵ nạn. Lâu đài chắc đã được trùng tu, nâng cấp nhiều lần nên trông sáng sủa và hiện đại. Theo kinh nghiệm cá nhân, bệnh viện đủ sức chứa từ 30 đến 50 giường, điều trị nội nhi, đây có thể là Cô nhi viện. Dưới tầng hầm, còn sót lại rất nhiều bô (cho đại tiện), vịt (cho tiểu tiện), dụng cụ vệ sinh, cột truyền dịch (treo thuốc), nạng gỗ, chân giả, đồ chơi trẻ em… từng đống trong kho, đầy màng nhện.
Có lẽ chủ nhân tòa lâu đài là hoàng thân quốc thích (?), vì trại Coltness House dưới sự bảo trợ của The Save the Children Fund do Princess Ann, công chúa cả của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, làm chủ tịch. Dr. Barnardo cho Quỹ Cứu trợ Trẻ Em sử dụng làm trại tỵ nạn miễn phí. Thoáng nhìn khu lâu đài ai cũng thấy sự giàu có và đầy quyền lực bởi con đường quốc lộ từ thị xã Wishaw dẫn vào có tên Coltness Road, một quán rượu cách không xa, Coltness Pub.
Toàn bộ khu Coltness House rất lớn, ít cũng hàng chục héc-ta. Xung quanh có bãi đậu xe, phía sau một khu đất rộng cỏ xanh mướt, một vài tượng đài, hòn non bộ nước chảy róc rách ngày đêm. Bên phải một khu vườn cỏ xanh mướt, hàng cây cổ thụ bao bọc khu vườn, tỏa bóng mát xuống con đường mòn dành cho người đi dạo.
Từ tay vịn cầu thang, hành lang, khung cửa gỗ… đều được trạm trổ hoa, chim, nét hoa văn, tinh xảo, ai đến trại cũng trầm trồ khen ngợi. Nhiều bức tranh sơn dầu theo trường phái cổ điển treo ở các tầng, tăng thêm sức sống của khu nhà.
Tầng 1 làm kho chứa quần áo cũ, giầy dép, đồ chơi, bàn ghế, tủ lạnh, máy giặt cũ… của các tổ chức từ thiện khuyên góp, các nhà hảo tâm cho, tặng. Một số buồng khóa kín. Phía sau tầng, hệ thống lò sưởi đun than cung cấp nước nóng và sưởi ấm vào mùa đông. Theo phó trại, Lyli, một tháng £3000 tiền than củi, số tiền này rất lớn so với thời giá 1980.
Tầng 2 gồm phòng khách khá rộng, kê nhiều bộ sô-pha cũ. Có lẽ là lớp học cũ vì trên tường còn chiếc bảng đen. Đây chính là nơi chúng tôi gặp gỡ, xem truyền hình, tán gẫu. Tầng 2 còn có nhà bếp, nhà ăn và một số buồng ngủ, toilet.
Tầng 3 và tầng 4 có rất nhiều buồng to nhỏ.
Xuống xe đã thấy trại trưởng, trại phó, đoàn nhà báo, truyền hình, nhiếp ảnh và gần mười người Việt (trại bên sang nấu cơm) ra đón và giúp chuyển đồ đạc, từng buồng có tên dán ngay cửa. Cảm động quá, chẳng biết nói gì, mắt ai cũng ngấn lệ.
Thu xếp xong, chúng tôi vào sảnh đường tầng 2, bàn ghế kê ngay ngắn, nước ngọt, bánh kẹo… bày sẵn. Trên tường có băng rôn với hàng chữ “Well come to Coltness House”. Chúng tôi yên vị, cô trưởng trại (khoảng 24 tuổi), Mandy, phó trại Lyli (nhiều người gọi nhầm Lazy) nói chuyện, anh H. thông dịch lại bằng tiếng Việt, giới thiệu về trại và well come chúng tôi, những người tỵ nạn từ Việt Nam vượt ngàn cây số đường biển đến Hong Kong.
Đoàn nhà báo, truyền hình, nhiếp ảnh tác nghiệp, họ hỏi từng gia đình, ai không biết tiếng Anh, anh H. thông dịch giúp. Chúng tôi lúng túng, chẳng biết trả lời ra sao. Hàng chục vạn người vượt biển đâu chỉ có chúng tôi. Họ bảo, rất khâm phục chúng tôi dám vượt biển bằng chiếc thuyền đánh cá cũ mèm, thách thức cả thủy thần và hàng răng cá mập. Họ hỏi, có gặp cướp biển như thuyền phía Nam không.
Sau một tuần, cuộc triển lãm ảnh “Người tỵ nạn Việt Nam” ở trại Coltness House trưng bày tại nhà thông tin Wishaw. Nhiều người trong trại xem, bảo, chúng tôi gày gò, cổ ngỏng, má hóp… trông như lũ ma đến phát khiếp. Phát khiếp là phải. Một năm lang thang, nay trại nạn này, mai trại khác, làm nhiều, nghĩ lắm, tương lai mơ hồ, giữa đường hầm mới nhìn thấy ánh sáng le lói. Từ hy vọng đến hiện thực là cả một khoảng cách dài ngắn khôn lường, ai đoán được.
Chân dung một trẻ em thuyền nhân Việt Nam. Ảnh của Douglas.
Chân dung một trẻ em thuyền nhân Việt Nam. Ảnh của Douglas.
Chính với những bức ảnh chụp chúng tôi ngày 12-4-1980, anh chàng cựu sinh viên cao đẳng nghệ thuật trẻ tuổi, Douglas, đã được giải thưởng ảnh chụp chân dung. Qua đôi mắt trong sáng, chan chứa niềm hy vọng, mảnh sáng tối tương phản đầy nghệ thuật của cháu bé trong ảnh, tài năng nghệ sĩ nhiếp ảnh của anh đã được khẳng định.
Hai tuần đầu, chúng tôi bị cấm trại, nội bất xuất ngoại bất nhập, để tổng kiểm tra sức khoẻ. Một tổ bác sĩ địa phương đến khám, lấy mẫu máu, phân, nước tiểu đưa xét nghiệm. Chuyện lấy máu căng thẳng lắm.
Đối với người miền Bắc, ai cũng sợ mất máu, chỉ lấy vài giọt xét nghiệm cũng khó. Lần này, mỗi người, bác sĩ lấy 5 ống nghiệm, mỗi ống nghiệm 5 ml, rất nhiều người phản đối, có người còn nghi ngờ bác sĩ lấy máu tỵ nạn đem bán!
Y học miền Bắc thời bấy giờ rất lạc hậu, hầu hết xét nghiệm sinh hóa không làm được bao nhiêu, nên lấy máu rất ít. Theo quy trình sinh hóa, tối thiểu 5 ml máu, quay li tâm, các tế bào (hồng, bạch cầu, tiểu cầu…) lắng xuống mới đủ một lượng huyết tương làm sinh hóa. Để kiểm tra nhiều chức năng khác nhau, người thầy thuốc phải lấy nhiều ống nghiệm. Bà con trong trại không hiểu, trưởng và phó trại nhờ tôi giải thích. Giải nhưng họ không thích, biết làm sao. Anh chàng người Móng Cái còn phát ngôn sai lệch, bảo, bọn bác sĩ lấy máu tỵ nạn đem bán! Anh làm con tính cộng trừ nhân chia, bảo, mười hai gia đình, 62 nhân mạng, mỗi người 5 (ống nghiệm) x 5 ml = 25 ml, nhân lên 62 người = 1550 ml, hơn một lít rưỡi máu, bao nhiêu tiền, đâu bỡn! Nói thế nào cũng không tin, còn vặn, xét nghiệm gì mà lấy lắm máu thế. Tôi chịu, nhường cho anh H. thông dịch viên.
Thời xưa, bệnh viện miền Bắc ngân hàng máu thiếu trầm trọng, hầu như rất ít người tình nguyện, thường người nghèo đến bán máu. Theo định giá 100 ml máu, được lĩnh 15 VNĐ, cộng thêm tem phiếu: 1 kg tem thịt, 2 kg tem đậu phụ, 500 gr đường, 1 hộp sữa đặc. Như vậy ngoài tiền ra, bán hết tem phiếu cũng thêm được một khoản xấp xỉ ½ tiền lĩnh.
Cứ thứ Hai và thứ Năm, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội kiểm tra sức khỏe người cho máu. Dịp Tết nguyên đán thường rất đông, sinh viên cuối khóa được bệnh viện cho phép khám. Một thiếu nữ khoảng 17, 18 tuổi khá xinh, hai má điểm một chút phấn hồng, môi thoa chút son, vào phòng tôi, thoang thoảng mùi thơm. Khám xong, trong lúc ký tên vào bản chứng nhận, tôi buông một câu vu vơ, “sắp Tết phải không?”, nhưng không ngửng đầu. “Có hại lắm không anh”, cô thì thầm. “Không sao”, tôi nói nhỏ.
Tan tầm, vừa ra khỏi cổng.
“Anh M. ơi! Chờ em một lát.”
Nghe thấy tiếng gọi, ngơ ngác nhìn quanh. Bên kia đường, cô gái buổi sáng đang giơ tay vẫy vẫy, dắt chiếc xe Phượng Hoàng nữ sang đường. Cô đã xem kỹ chữ ký và tên nên gọi đúng. Tôi đứng chờ. Cô nói nhỏ:
“Anh đợi em cùng về với.”
Chết thật, chuyện gì đây? Té ra lần đầu tiên theo chúng bạn đi cho máu, mua mỹ phẩm cho dịp Tết. Thấy tôi ỡm ờ buông câu đúng tim, cô muốn gặp tôi hỏi chuyện cho máu tốt hay xấu, bảo, buồn và hối hận lắm. Sao lại hối hận, tôi bảo, hiến máu là tốt, nhưng đừng vì… tôi bỏ lửng. Từ đấy, chiều thứ Bẩy nào cô cũng đến ký túc xá thăm tôi.
Có ông y tá già, gày hom hem cũng cho máu, ông bảo, xích xe (đạp) gião quá, khoa nhường suất, không bán máu thì tiền đâu ra, lương tháng nào xoẳn tháng ấy.
Thời ấy, người ta cho máu (chính xác là bán) chỉ vì nghèo, ít người nghĩ đến vì nhân đạo.
Khi lệnh cấm trại xóa, sáng Chủ nhật, một nhóm 3 người Hoa đến thăm chúng tôi. Các anh tự giới thiệu, từ Hong Kong sang làm ăn đã lâu, nay nghe tin có đồng hương Hoa kiều Việt Nam, đến thăm hỏi, giúp đỡ. Các anh còn mang cả đàn ghi-ta vừa hát vừa đàn, giúp vui. Tất cả chúng tôi mừng lắm, hỏi thăm đủ chuyện, các anh hứa sẽ giúp đỡ học Anh ngữ, mua gạo, thực phẩm khô nếu cần, sau khi ra trại. Đến tuần thứ 3, ba anh chàng này bắt đầu tuyên truyền về Chúa cứu thế, Đức mẹ Đồng trinh, Ki-tô giáo, dạy trẻ con hát bài hát nhà thờ. Tất cả chúng tôi ngỡ ngàng về chuyện “gió đổi chiều” của các chàng “hiệp sĩ” Hương Cảng.
Mười hai gia đình chúng tôi và gia đình anh chị H. đều là người đi lương (thờ tổ tiên, ông bà) không ai đi đạo Ki-tô hay Tin lành, vì thế “hiệp sĩ” Hong Kong đến tuyên truyền làm đảo lộn cuộc sống yên bình trong trại. Tôi hỏi phó trại, bà bảo, đây là đất nước tự do, kể cả tôn giáo.
Trong 12 gia đình, chỉ có gia đình tôi, gia đình bác Lâm, người Sài Gòn không ngồi nghe giảng. Bác Lâm lớn tuổi (trên 50), rất kín đáo, lấy cớ đau đầu. Các gia đình khác chịu khó ngồi hết buổi. Từ hôm ấy, mọi người bàn ra tính vào ghê gớm lắm. Từng nhóm thì thào, bàn tán, bỏ hay không bỏ thờ cúng ông bà cha mẹ. Cuối cùng họ tìm ra một lối thoát cải lương. Mười gia đình đều cải đạo, nhưng cải có ½, nghĩa là chồng đi nhà thờ thì vợ không và ngược lại. Trại tôi, có anh T., thượng uý, cựu đảng viên cộng sản, tâm sự, sang xứ người thôi đành “gió chiều nào theo chiều ấy”, em để nhà em đi, em là con trai duy nhất của các cụ, phải thờ tổ tiên chứ. Tôi bảo, bà Lyli nói, đây là đất nước tự do, kể cả tôn giáo, sao chú lại sợ bóng sợ vía mấy tay xảo-voọc (xào xáo). “Anh tính, mai kia cần đong gạo, mua đồ, xe không có, đi taxi chết tiền, nhờ họ có hơn không”. Chép miệng, chú T. bảo, đức tin ở lòng mình, đi nhà thờ, cầu kinh ê a có chết ai đâu, miễn là được việc.
Được hơn hai tháng, anh H. thông dịch, phàn nàn anh Kh. thiếu trung thực, anh Kh. bảo, tôi mới tắm (rửa tội), đâu có nói dốí anh. Tức quá, anh H. nói ngay, “cái nỉ mới đi tắm”, từ xưa “nỉ” không tắm?
Chuyện tôn giáo thật tế nhị và cũng gây không ít nỗi oan khiên bao gia đình. Năm 1951, ông T. (chú rể tôi sau này), từ quê ra Hà Nội học nghề làm giầy, gặp cô tôi. Hai người yêu nhau, ông bên Thiên chúa giáo. Bà tôi và cả họ chỉ đồng ý nếu ông không đi nhà thờ. Thời bấy giờ chuyện hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, khác xa thời nay, “con muốn đâu, cha mẹ chịu đấy”. Gia đình ông không cho lấy vợ ngoại đạo, căng thẳng lắm. Hai ông bà quyết tâm, ông hứa không đi nhà thờ. Gia đình tôi cho của hồi môn, mở xưởng làm giầy ở Quan Thánh. Bố mẹ ông tuyên bố từ. Bố ông là ông trùm nay có thằng con hư, mất chức, buồn, ốm chết. Hai ông bà về chịu tang, cả họ vác gậy đuổi đánh, đe giết. Sợ quá, bán xới về Hải Phòng 1953.
Năm 1965, chiến tranh leo thang, ông Đ. em ruột chú rể tôi, viết thư cho anh trai, mẹ già cũng đã nguôi giận, thôi cho bọn trẻ về quê, vừa an toàn vừa như tạ lỗi. Chả ai dám đưa bọn trẻ về gặp bà nội chúng. Tôi nhận. Tối thứ Bẩy, tôi đưa 4 em con cô theo ông bà Đ. về Bình Lục, chưa kịp uống chén nước, một đám đông dân làng trong đó có rất nhiều các cô gái trẻ 17, 18 theo sau vào sân, một cụ bà nói to, “xem mặt mũi cháu nhà bà Ng. ra sao mà cướp được ông T. làng này”. Tôi vội ra cửa lễ phép chào, cụ già nhìn tôi chằm chằm, “cũng cao ráo, sáng sủa, chả thế mà ông T. bỏ cả đạo theo cô anh chàng này”! Các cô gái bưng miệng cười rúc rích. Bạo miệng, tôi nói, thưa các cụ, cháu cũng như mọi người, phải không ạ. Thôi cháu xin, tụi trẻ vô tội mà.
Sau vài năm, 10 gia đình “châu về Hợp Phố”, chẳng ai đến nhà thờ cầu kinh, rửa tội. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, anh thượng uý mặt đỏ, cười trừ. Ngây thơ quá!
(Còn nữa)
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh




No comments: