Sunday, October 18, 2015

LÂM HOÀNG MẠNH * BUỒN VUI ĐỜI TỴ NẠN III


 BUỒN VUI ĐỜI  TỴ NẠN XI

Tôi dọn về căn nhà số 49 phố Drummon Road, đó là một ngôi nhà trong dẫy phố cổ gần trung tâm quận C. phía Đông Nam London, một ngôi nhà xấp xỉ 150 năm tuổi, hơn đứt nhà cổ Hà Nội, nhưng không xập xệ, đổ nát như nhà ở Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Tạ Hiền… Nhà 2 tầng, tầng trệt có phòng khách, phòng ăn và nhà bếp; tầng lầu, 2 buồng ngủ, đôi và một, nhà tắm vả nhà cầu. Tay chủ dùng buồng khách làm buồng ngủ, phòng ăn thành phòng khách, 2 buồng ngủ tôi thuê. Ngoài ra có 1 hầm kín, khoảng 3m x 2,5m như tất cả kiểu nhà cổ. Dẫy phố có hơn chục nhà, năm 2000 dẫy nhà này bị đập bỏ, xây chung cư năm tầng cao cấp, hiện đại.
Chủ nhà, một thanh niên người Anh, 21 tuổi, thợ thủ công (craftsman), nhanh nhẹn và láu cá, y mua 20 ngàn bảng đầu năm 1983, đặt cọc (deposit) 2 ngàn, hàng tháng trả góp 120 bảng/tháng, gia đình chú Th. thuê 1 buồng £30/tuần, như vậy “mỡ nó rán nó”, nay tôi thuê 2 buồng, £45/tuần, y dư 60 bảng/tháng, đủ tiền sinh hoạt. Vợ chồng chú Th. bảo, thằng J. này bủn xỉn, ma le lắm, nó chẳng bao giờ mua xà phòng, thuốc đánh răng, kể cả giấy đi vệ sinh, ăn xong vất bừa ra bồn rửa, không dọn không có chỗ. Lúc đầu chúng em nể, bây giờ, xịt. Mình đi làm bỏ mẹ, trả tiền nhà chứ có ở nhờ đâu, nuôi vợ con chưa xong, nuôi cả nó, gánh sao nổi. Chú Th. bảo, tụi em bây giờ giấy toilet cũng cất trong buồng, khi nào đi mới cầm theo. Chú che miệng, cười, một lần nó quen lệ, cứ tưởng có giấy như mọi khi, đi xong kêu váng trời. Cho biết mặt! Từ đấy mới thấy nó mua. Ti-vi licence nó cũng không mua, tháng trước của em hết hạn, nó bảo đóng tiền mua chung, em bảo, nhà tên mày, không mua mày bị phạt. Nó vẫn chưa mua. Nó kiệt, lợi dụng ghê lắm, anh chị đông cháu, tiền nhà cao, không chi li thì thiếu to.
Cô chú Th. thật chân tình, dặn kỹ những chuyện bẩn thỉu của chủ nhà, biết mà đề phòng. Tay J. láu cá thật, hầu như nó chẳng mua gì, từ chè, cà-phê, bơ sữa, bánh mỳ… đều lấy của chú Th. tự tiện như ruồi. Đến lượt tôi cũng vậy, ngoài đóng tiền nhà, tiền điện (chia đôi), còn nuôi báo cô, nó có phải là mề-đay (medal) mà lủng lẳng trên cổ được. Nó có con bồ, tối nào cũng mò đến, sáng sau nhịn đói đi về, có mẹ gì đâu mà đãi. Có lần con bồ đói khát, xin cốc chè, bánh ngọt, thương tình cho, ăn xong chuồn, tối lại mò đến làm bệ phóng miễn phí. Cô L. vợ chú Th. bảo, có đêm đang khuya, thằng J. đuổi như đuổi chó, khóc rưng rức, vùng vằng sập cửa bỏ đi, mấy hôm sau lại vác mặt đến. Con gái gì mà mặt trơ trán bóng thế không biết, chả biết dơ. Chuyện này mới lạ, một tối Chủ nhật tôi ở nhà, đứa em gái đuổi con bồ thằng anh, ngủ lại trong buồng. Chuyện loạn luân chăng? Ma biết.
Tôi thuê 2 buồng trên gác, buồng to dành cho tụi trẻ, buồng nhỏ kê vừa sát chiếc giường đôi, tất cả đồ đạc của một gia đình nay vẻn vẹn gói ghém trong hai căn buồng, chật chội chẳng khác gì ở thuyền, gầm giường biến thành tủ, kho. Trong bếp, có bếp điện cũ, lập-là, kettle, xoong nhỏ, cũ rích, chắc đồ second hand, mấy chiếc đĩa, dao, nĩa, vài cái cốc uống nước. Đồ đạc chả có gì ngoài chiếc giường, ti vi, bộ ghế sô-pha cũ, xem ra nó còn nghèo hơn dân tỵ nạn. Thế cũng may, có chỗ tôi để máy giặt, tủ lạnh và đồ dùng nhà bếp khỏi phải cất xuống tầng hầm.
Kê dọn gần xong, trời xẩm tối, cô chú Th. đưa David và Peter về nhà đãi cơm và dọn chỗ nghỉ, mai hai người về Scotland sớm. Mọi người vừa đi, có ngay ông khách không mời mà tới, người Việt Nam, trên dưới 50, tìm chú Th.. Tôi bảo, chú Th. chuyển rồi, tôi thuê lại. Anh ta tự giới thiệu tên X. bạn của gia đình chú Th.. Đang bận bỏ mẹ, dọn dẹp chưa đâu vào đâu, tự nhiên có khách ám, hỏi như cảnh sát hình sự tra khảo lý lịch không bằng, từ đâu mới về, sang Anh lâu chưa, Việt Nam ở tỉnh nào, làm nghề gì… Bực quá, đành bảo, vô phép anh, tôi phải lên trên gác dọn. Anh ta định theo lên, tôi từ chối. Biết anh ta là ai, giấy tờ, tiền bạc lộn tùng phèo, hơn nữa, với tôi, tối kỵ cho người lạ vào buồng ngủ. Tạm xong, tối nay có chỗ ngả lưng cho cả nhà, mệt rã rời, nhà tôi bê hộp mỳ gà xuống bếp, ai ngờ ông khách này vẫn còn ngồi ghế sô-pha chờ. Quen thuộc gì đâu, mệt bỏ cha, cả nhà đói, nấu vài gói mỳ ăn tạm, mời một câu khách sáo, tưởng từ chối, ai ngờ nhận lời. Không những thế, ăn xong còn ngồi uống nước, hút thuốc nói chuyện tào lao, hết khen con tôi ngoan, xinh, lại khen vợ tôi trẻ đẹp, lộn cả ruột, bảo, xin lỗi, hôm nay quá bận, hôm khác đến. Nói xong, tôi chủ động bắt tay, đuổi khéo.
Hôm sau kể chuyện, chú Th. bảo, tay này độc thân, bầy hầy lắm, ai bạn với nó, thỉnh thoảng mò đến, lần nào cũng chờ bữa, chả nhẽ dọn cơm mà không mời, mời là ngồi luôn. Ranh ma lắm, khen nấu ngon, nấu khéo, khen đủ thứ, nịnh chủ nhà. Vài lần bị hố, lần sau gõ cửa, nhìn qua lỗ khóa, đúng hắn, không mở, bấm chuông chán, đành bỏ về. Tôi hỏi, sao hắn bầy hầy thế. Cờ bạc như điên, bao nhiêu tiền trợ cấp nướng vào Soho hết. Có lần, lĩnh trợ cấp và sổ của con (child benefit), đem nướng casino, hơn trăm bảng sạch, một xu dính túi không còn, nhịn đói nhịn khát đi bộ về, gần 16 dặm đâu có bỡn. Thế mà vẫn không chừa. Cô L. còn bảo, ở đây có mấy thằng độc thân, vợ con kẹt ở Việt Nam, toàn mò nhà nào chồng đi làm đêm, hòng gạ gẫm. Bạn bè gì chúng nó, quân đểu đấy. Con Múi (Mai) ở phố M., chồng làm “sán củn” (nhà hàng), mấy tháng trước, thằng Z. 8 giờ tối đến chơi, đưa cốc nước mời, nó kéo tay định ôm. Con Múi, dân Trà Cổ biết võ, xoay người, cho một cùi chỏ vào ngực, bật cổ tay, đập vào giữa mặt. Thằng khốn tối tăm mặt mày, con Múi chỉ tay, cút. Chuồn thẳng. Tôi hỏi, Múi không mách chồng? A Quay mà biết, nó đánh chết. Thằng Quay giỏi võ lắm. Tôi cười, giỏi bằng chú không, biệt động thành Sài Gòn, dăm thằng bõ bèn gì. Chú Th. bảo, nó ngu, đâu biết dân Hoa kiều ai chả biết vài ngón. Đụng vào vợ em, em đá vỡ gan. Chú Th. tiếp, ở Scotland chỉ có người Bắc mình, ở đây Nam Bắc đủ cả, lại còn bọn da đen, bọn chổng mông (dân Hồi giáo) nữa, phức tạp vô cùng, anh chị phải thật cẩn thận.
Học sinh U.K nghỉ hè cuối tháng Bảy, tụi trẻ nhà tôi vẫn phải đi học. Sáng thứ Hai, 18-6-1984, chúng tôi đưa bọn trẻ theo cô chú Th. đến Oval Primary School, nơi cháu Ng. con cô chú đang học. Vừa gặp bà hiệu trưởng, con gái tôi “Good morning”, bà cười, bảo, ôi giọng Scotish dễ thương quá. Tôi giật mình, đâu có biết sau 4 năm các con tôi đặc giọng xứ Ế-cốt, cũng may, chuyển về sớm, ngày nay mang chất giọng đặc thù vùng South East London.
Thời Pháp thuộc, ở Việt Nam trường nhà nước (công) có chất lượng cao nhất, thi vào khó hơn hẳn trường tư thục. Nước Anh lại khác, trường tư thục có chất lượng cao hơn trường công. Cả U.K có hàng chục ngàn trường công và 6000 trường tư thục, Eton College Windsor đứng đầu trong danh sách 250 trường chất lượng cao xứ England, nơi con vua cháu chúa, hoàng thân quốc thích, tỷ phú, triệu phú, học sinh ở nội trú, học phí cao ngất ngưởng. Trong danh sách 250 trường nổi tiếng, không ngờ Old Palace School for Gils, Wallington County Gramma School for Boys, hai trường mà các con tôi lọt vào được, có trong danh sách này.
Thật may mắn, J. là dân chính gốc của quận C., tôi kể với nó về lực học của con tôi và đưa giấy giới thiệu của ông P. Coburn, hiệu trưởng trường Knightsridge, nó bảo, ở gần đây có trường nữ sinh Old Palace School là trường tư thục, nổi tiếng nhất quận, ngay sát nhà, sẽ dẫn bố con tôi đến.
Bà hiệu trưởng, Ms. Hillton, xem xong thư, bảo, “hàng năm nhà trường có kỳ thi tuyển sinh vào tháng Hai, con anh là trường hợp ngoại lệ, vì mới chuyển về, lại có giấy của ông Coburn, sáng thứ Hai tuần sau (25-6-1984), có cuộc thi sát hạch ngoại lệ, nếu vượt qua kỳ thi, chúng tôi sẽ nhận”. Bà quay sang hỏi chuyện và động viên con gái tôi, giúp nó tự tin với cuộc sát hạch sắp tới. Vợ chồng tôi mừng quá, hy vọng tràn trề. Đối với tôi, con cái là của để dành, là tương lai, là tất cả những gì còn lại của đời tỵ nạn, tha phương cầu thực.
Ngày 25-6-84, thi xong, nó vui lắm, bảo, bài con làm được hết. Hai tuần sau, giấy báo nhà trường, nó đỗ với số điểm xuất sắc, 92/100, con gái tôi được học bổng. Ước vọng của tôi đã thành sự thật. Bắt đầu từ niên học 1984, con tôi học Old Palace School for Gils cho đến khi vào trường đại học y khoa năm 1991.
Còn hai thằng, phải 2 năm nữa mới lên cấp 2, thời gian còn dài để tìm trường cho chúng. Năm 1986, chúng thi được vào trường Wallington County Gramma School for Boys, quận Wallington cách nhà tôi 4 dặm, năm 1993 cả hai đứa vào đại học, U.C.L và King’s College, ngành I.T.
Nhà trường là cái nôi đào tạo và tu dưỡng của tuổi học trò, đời tôi thật may, các thày dạy đa số từng du học Pháp, cử nhân văn chương, cử nhân toán, chất lượng và phương pháp giảng dạy thật tuyệt vời, khác hẳn lối dạy học vẹt, nhồi nhét sau này. Trong số thày cô giáo, dù đã hơn ½ thế kỷ, nhưng nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi học trò vẫn đỏ mãi trong ký ức.
Tiết học địa lý, thày L.T., bước vào, sau khi vẫy tay cho phép chúng tôi ngồi xuống, ông giơ lên hình tròn màu vàng, hỏi cả lớp:
“Cái gì đây?”
Cả lớp đồng thanh mặc dù chưa biết đồng Đô-la Mỹ vuông tròn thế nào:
“Đô-la! Đô-la ạ!”
Thày cầm phấn viết lên bảng tiêu đề bài học: Nền công nghiệp Hoa Kỳ.
Hồi cấp 2, thày dạy văn Phùng Quốc Thụy (bút danh Tú Sụn) đưa chúng tôi xem một bức ảnh chụp đen thui, chẳng nhìn thấy gì (ảnh hỏng), thày bảo:
“Các anh, các chị, xem kỹ đi, ảnh chụp cái gì?”
Nhìn chỉ thấy đen kịt, chẳng có hình gì, bàn ra tán vào, cả lớp chịu, chẳng ai đoán ra. Thày tủm tỉm cười, bảo:
“Có thế mà không đoán ra, ảnh ba thằng Tây đen, mặc quần áo đen đi chơi đêm Ba Mươi Tết”, rồi thày dõng dạc bảo, hôm nay các anh, các chị làm bài văn tả cảnh đêm giao thừa.
Cấp 3, thày dạy văn Ngô Xuân Huy (em ruột thi sĩ Xuân Diệu), mỗi khi thày giảng, chỉ biết há hốc mồm nuốt lời vàng, lời ngọc của thày, chả đứa nào chép bài. Ấy thế, tụi tôi đứa nào cũng khá môn văn và yêu văn chương. Nhờ các thày mà chúng tôi đã được gặp Thanh Tịnh, Phạm Hổ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Trương Chính… những nhà văn, nhà thơ, dịch giả lừng lẫy của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, đến thăm thày, thăm lớp.
Thày dạy toán không bao giờ cầm giáo án hay sách giáo khoa, tay không vào lớp, giảng xong, bảo, bài tập số…, trang… thày thuộc lòng sách giáo khoa toán lớp 9 và 10. Kiểu dạy amateur này, ban giám hiệu và Đảng ủy nhà trường không ưa, khốn nỗi chúng tôi đứa nào cũng giỏi, thi lên lớp hay thi tốt nghiệp, môn toán đỗ 100%, điểm khá giỏi gần 70%.
Thày giỏi, trò cũng giỏi, cộng thêm có họ với quỷ sứ, cho nên tụi tôi cũng nhiều chiêu quái quỷ. Thằng bạn Ph. cùng bàn, chúa thằn lằn nghịch và láu lỉnh, một lần tôi và nó đi qua khu tập thể nhà trường, thấy thày dạy nhạc đang xi con ị. Mấy hôm sau, thày lên lớp, hết giờ, ra cửa, nó hỏi:
“Thưa thày, trong cung nhạc có 8 nốt, thày thích nhất nốt gì?”
Thày béo tai, bảo:
“Bậy, cậu định xỏ, bảo thày thích nốt Đô và La chứ gì.”
Nó xuýt xoa, kêu đau:
“Dạ, không, oan cho em, em thấy thày thích nhất nốt…”
“Nốt gì, nói mau.”
“Dạ, nốt Xi ạ.”
Thày chịu, không hiểu nó nói gì, bỏ tay không véo tai nữa. Thày đi khá xa, nó hát to:
“Xi là xi
Tao xi sao mày không ía
Không ía,
Tao cứ Xi
Xi là xi.”
Tất cả chúng tôi lăn bò ra cười, thày quay đầu lại, mặt đỏ ửng. Từ tuần sau, cứ giờ nhạc là Ph. trốn. Sau 3 tiết trốn, thày bảo tôi:
“Bảo Ph. đi học, thày quên chuyện cũ lâu rồi.”
Thày H. dạy Sinh, chúng tôi đặt tên húy, thày Phỏng, một tiết giảng, chúng tôi đếm được từ 60 đến 70 từ “phỏng”,cứ mỗi câu nói, thày đệm thêm chữ “phỏng”.
Thày T. dạy sử, vui tính, thích thể thao, tập tạ, bơi, chúng tôi quý lắm. Thày đã 30, vẫn độc thân, gia đình ở quê. Chúng tôi đến nhà tập tạ, hỏi, sao thày không lấy vợ, thày bảo, sợ con gái lắm, đấy các cậu xem, có bao giờ gọi con gái trả bài đâu, còn nói, con gái đứng gần, sợ đến xỉu. Đúng thật, mấy năm học, chả bao giờ thày gọi con gái trả bài cả. Tết 1959, đến chúc Tết, thày cưới L., cô bạn cùng lớp đang học trung cấp sư phạm, xinh nhất trường. Chúng tôi lắc đầu, chịu thày, có mỗi hoa khôi, thày hái mất. Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đá chết voi.
Chú Th. xin cho tôi vào làm xưởng bánh mỳ, đêm ấy, 24-6-84, tôi bắt tay làm việc. Đổi ca cho vợ ở nhà chăm con, nội trợ, đến lượt làm cu-li đóng gói.
Xưởng bánh này làm đủ các loại, từ French Stick, đến các loại bánh ổ to nhỏ, dài ngắn khác nhau, cung cấp hầu hết cho các cửa hàng siêu thị trong quận. Chủ là người Pháp, tất cả quy trình sản xuất theo hệ thống dây truyền hiện đại. Bánh được nướng qua hệ thống lò điện, nhiệm vụ của chúng tôi là xếp bánh vào hệ băng dây truyền, đóng gói ni-lông, dán nhãn, giá tiền, xếp khay, chuyển sang kho, 4 giờ sáng có xe van đưa bánh đến các cửa hàng, siêu thị. Công việc không có gì phức tạp, chỉ sau thời gian ngắn quen việc. Mùa đông thật ấm, mùa hè, thôi rồi, khỏi nói, nóng hầm hập, may ban đêm mở hết cửa, cũng đỡ chút đỉnh.
Thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bẩy làm 12 tiếng, từ 7 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau, bất cứ ai mới làm, 2, 3 giờ sáng díp mắt lại, rửa mặt liên tục cũng chỉ đỡ chút chút. Giá có lấy que tăm mà chống mí mắt cũng chẳng mở được. Tay cầm bánh, đầu gật liên tục, chả ai cười ai, vì thằng nào cũng đã qua cảnh gật này. Hầu hết là dân nước ngoài làm những nghề vất vả, nhất là da đen và da vàng, lác đác có người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, còn dân Anh tuyệt đối không. Sau 3 tháng, đêm tỉnh như sáo, hết buồn ngủ.
Làm được ba tuần, anh chàng không mời lại đến, biết tôi đi làm bánh mỳ, bảo, xin được không. Dễ thôi, chỉ tội lương thấp, làm đêm mệt, có trụ được không. Anh ta bảo, ông làm được, tôi cũng làm được, thì đi.
Gần 5 giờ chiều hôm sau, đang dọn cơm, anh ta đến, hỏi, ăn chưa. Chưa. Thế là phải đãi cơm không hẹn trước. Anh được nhận làm ngay, xưởng thường xuyên có người mới, chẳng ai trụ được lâu. Hồi ấy tôi còn nghiện thuốc lá, mình một điếu, anh ta một điếu, đêm ấy, bao Dunhill thiếu. Thuốc lá ở Anh rất đắt, nhà nước đánh thuế rất cao, để dân bỏ. Hôm sau, anh ta lại đến đúng giờ cơm, đêm lại xin thuốc lá, bổn cũ lập lại. Chết cha, trả tiền nhà, tiền điện, nuôi 5 miệng ăn, cõng thêm bố già Khốt-Ta-Bít cả cơm lẫn thuốc, làm sao chịu nổi.
Ngày thứ 3, lại đến đúng giờ, tôi ăn 3.30 p.m, vợ con ăn sau, lần này nhỡ bữa. Trạm xe buýt, ngay cửa hàng bán sách báo, thuốc lá góc phố (News-agent), bảo, anh vào mua thuốc đi. Anh ta miễn cưỡng, mua xong, rút một điếu mời, tôi từ chối, vừa hút xong.
Bác sĩ lại nghiền thuốc lá, nghe kỳ không. Kỳ thật, nhưng chuyện gì cũng có nguồn gốc của nó. Ra trường tôi đâu có hút thuốc, gia đình tôi rất nghiêm, cấm rượu chè cờ bạc, thuốc lá, vả lại tiền đâu mà hút. Thời gian đầu, tôi làm phòng khám, sáng 25 đến 30 bệnh nhân, chiều từ 20 đến 25, có nghĩa, một ngày khám 50 đến 60 người, tỷ lệ 50/50 nam; cán bộ công nhân viên chức 50/50, một ngày gặp 10 đến 15 người hút thuốc lá. Tâm lý chung, lấy lòng bác sĩ, hy vọng đơn thuốc tốt, ngày nghỉ dài hơn. Vì thế, đi khám bệnh, không hút cũng thủ một bao, khá Điện Biên, Tam Đảo, nghèo Trường Sơn, sau này có Sông Cầu = Tam Đảo; Đồ Sơn = Trường Sơn. Vào khám, chưa kịp hỏi, bệnh nhân đã rút bao thuốc, lấy một điếu mời. Nể, cầm một điếu, bệnh nhân xòe diêm gí ngay vào mặt. Có nghĩa, bác sĩ hút với em một điếu, từ chối thế nào cũng không được. Bập một hơi, ho sặc sụa, bỏ xuống gạt tàn. Bệnh nhân ra, vứt xuống thùng rác, bệnh nhân tiếp theo, nam giới, bản cũ tiếp diễn. Một ngày bập bập chục hơi, không bập, bệnh nhân cảm thấy tủi thân, cho rằng chê thuốc không ngon. Chỉ cần sau 6 tháng ngồi phòng khám, không nghiền thuốc mới là lạ. Thời bấy giờ bệnh nhân đút lót y bác sĩ điếu thuốc ấm trà, cao nhất tút thuốc, chưa được như ngày nay, phong bì tiền triệu, vòi tiền công khai, người bệnh mặt có méo vẫn phải cười tươi.
Một lần, sau cúm, bỏ gần 2 tháng, gặp ông bệnh nhân cũ, vào khám, rút ra bao Đồ Sơn, ngang thuốc lào, mời, tôi từ chối, lý do đã bỏ, mắt ông ngấn lệ, bảo, bác sĩ chê em nghèo, chả có Điên Biên, Tam Đảo nên không nhận, ông lấy vạt áo chấm nước mắt. Tôi cười, thôi, ông mời tôi hút. Mừng quá, ông dúi cả bao vào túi áo choàng, nếp nhăn giãn ra, mặt ông tươi hẳn, khám xong, cầm đơn hỉ hả lắm, cảm ơn tôi rối rít.
Làm đúng 2 tuần anh ta bỏ việc, thức đêm quá vất vả, lương không bằng tiền lĩnh trợ cấp (anh có 4 đứa con), nhưng anh có biết đâu, sau 6 tuần, lên council điền form, kèm theo 5 tuần giấy lương (wage-slips), council sẽ tính toán sự thiếu hụt giữa nhu cầu đời sống và đồng lương đi làm, sẽ được hưởng theo tiêu chuẩn “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” khi còn mài đũng quần dưới mái trường Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôi đã được học.
Năm 1958, thày S. dạy môn chính trị triết học, giảng, “quy luật duy vật lịch sử, tịnh tiến theo vòng tròn trôn ốc, nhỏ dần. Xã hội cộng sản nguyên thủy tồn tại hàng chục vạn năm, tiến lên chế độ chiếm hữu nô lệ còn vạn năm, xã hội phong kiến tồn tại vài ngàn năm, đến xã hội tư bản vài trăm năm, ngày nay thế giới đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản già cỗi, tiếp theo là Đại đồng Chủ nghĩa. Đến thời kỳ đó, con người làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Thày giải thích, giả dụ, anh là công nhân bậc 1, lương chỉ đủ nuôi 2 người, nhưng gia cảnh 4 người, nhà nước sẽ trợ cấp chênh lệch, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu cho 4 người. Thày nhấn mạnh, chỉ khi nào chủ nghĩa cộng sản toàn thắng, viễn cảnh đó mới đến tầm tay người lao động. Sung sướng chưa!
Nhưng chẳng cần đến Thế giới Đại đồng, ngay từ tháng 11-1980, gia đình tôi đã được hưởng viễn cảnh mà thày S. đưa ra. Lương vợ tôi xấp xỉ tiền lĩnh trợ cấp, nhưng nhà nước đã giúp tiền nhà, các con tôi được miễn phí bữa trưa, có sổ lĩnh tiền thêm, đảm bảo đời sống gia đình 5 người, đủ nhu cầu sinh hoạt cần thiết. Đúng theo nghĩa “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” dưới chế độ “tư bản già cỗi, suy tàn”, chứ không phải, “chỉ xảy ra khi Thế giới Đại đồng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản quang vinh” mà thày S. đã từng mơ ước.
© 2009 Lâm Hoàng Mạnh



No comments: