Tuesday, September 17, 2013

LỊCH SỬ 50 NĂM QUA II

MINH VÕ *  LỊCH SỬ 50 NĂM QUA IIChương 13
Đỗ Mậu:

 (Đối với Đỗ Mậu ngàn trang sách của ông phải là ngàn lời nguyền rủa ông Diệm. Lỗi ông Diệm theo ông Đỗ Mậu tre toàn tỉnh Quảng Bình không ghi hết.
Tội của ông Diệm, ông Đỗ Mậu cho rằng, nước sông Hương rửa không sạch…)

Thiếu Tướng Hoành Linh Đỗ Mậu là ngưòi có số “Sinh vi quân, tử vi thần,” như chính ông, với tư cách một người hâm mộ và nghiên cứu tử vi, đã bấm độn cho ông. Ông cũng tự cho mình là người đã cộng tác với Việt Minh rồi lại chống Việt Minh, đã là đội khố xanh của Pháp rồi quay lại chống Pháp, đã từng tôn Ngô Đình Diệm như lãnh tụ rồi hăng say lật ông Diệm và cho đến nay vẫn không ngớt thóa mạ ông Diệm hơn bất cứ ai khác..
Có thể thêm là ông cũng đã là ủy viên chính trị của “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, rồi quay ra chỉ trích hội đồng này. Và khi tướng Nguyễn Khánh làm “chỉnh lý”, lên làm thủ tướng, ông lại giữ chức phó thủ tướng đặc trách văn hóa xã hội, để rồi sau đó cũng chỉ trích nặng nề chính phủ Nguyễn Khánh. Ông đã kết giao với tướng Kỳ trong cuộc đảo chính lật ông Diệm, nhưng rồi sau đó, ông lại chửi bới ông Kỳ không tiếc lời.

Từ ngày sang Mỹ ông không ngớt đả kích Cần Lao. Thì ra chính ông lại là Cần Lao gộc hạng nhất. Ông viết rằng chính ôạng Nhu đã muốn ông đứng đầu “quân ủy” Cần Lao (1) mà ông không nhận, chỉ nhận chức ủy viên trung ương “quân ủy.” Hình như Thiếu Tướng Đỗ Mậu bị ám ảnh bởi cái gốc Cần Lao của mình, cũng gần giống như Hitler ngày xưa bị ám ảnh bởi nguồn gốc Do Thái của ông ta. Do đó giống như Hitler nhìn đâu cũng thấy Do Thái và tìm diệt cho bằng được, ông Đỗ Mậu nhìn đâu cũng thấy Cần Lao. Cứ hễ ai lên tiếng bênh vực hay khen ông Diệm là bị ông Đỗ Mậu chụp cho mũ “Cần Lao” to tướng. Đôi chỗ ông thêm Cần Lao Công Giáo, có lẽ để được tự tách mình ra xa một chút chăng.
Không rõ hai nữ văn sĩ và ký giả Ellen Hammer và Marguerite Higgins có được ông liệt vào đảng Cần Lao không mà cũng bị ông bêu riếu đến buồn cười. Hay vì ông đại tá giám đốc an ninh quân đội hồi nào thường được Tổng Thống Ngô Đình Diệm gọi vào dinh— không phải vì công vụ mà để tâm sự, lúc đêm đã về khuya, như chính ông khoe— ghen với hai người đàn bà ngoại quốc rất kính trọng và chắc chắn cũng mến yêu vị Tổng Thống độc thân? Nếu chuyện này đến tai nhà văn Mỹ Gay Talese có thể tướng Đỗ Mậu sẽ được đem ra so sánh với Rudolf Hess của Hitler.


Cuốn hồi ký của ông, không biết có phải do chính ông viết không, mang tựa đề rất kêu “Việt Nam máu lửa quê hương tôi”, xuất bản năm 1986, tái bản năm 1987 và tái bản lần nữa vào năm 1993, nhưng đã được in đi in lại tới chín, mười lần, theo nhà xuất bản Văn Nghệ cho biết (2). Cuốn sách dầy trên ngàn trang này chứa đựng nhiều sử liệu quan trọng và được trình bày một cách chi tiết với sự việc cụ thể hấp dẫn, khiến độc giả, nếu đọc nhanh như đọc tiểu thuyết thì thấy rất hay. Nhưng nếu đọc kỹ từng trang, đối chiếu đoạn trên với đọan dưới và kiểm chứng lại với các tài liệu khác thì thấy nó chứa đầy dẫy những sai lầm, mâu thuẫn. Vì cuốn sách ngàn trang là ngàn lời nguyền rủa. Những sai lầm, mâu thuẫn lại quá nhiều, nếu trưng dẫn một cách tóm lược ra đây thì cũng phải cần đến hàng trăm trang. Vì vậy tôi chỉ xin nói tóm tắt rằng đối với ông Đỗ Mậu thì cả nhà ông Diệm đều đắc tội với dân với nước. 

Chính ông Diệm cũng là con người xấu xa, từ cái tướng đi, cặp mắt nhìn cho đến tính gian dâm lén lút, có con riêng, đến sự vô ơn bội nghĩa với những đồng chí cũ của mình, có lẽ cả với ông Đỗ Mậu nữa, cho đến hành động thân Pháp, thân Nhựt, làm tay sai cho Mỹ, phản bội quyền lợi dân tộc, và sau cùng rắp tâm bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Cái tội nặng nhất của ông Diệm, đối với ông Đỗ Mậu là tội kỳ thị, đàn áp và bách hại Phật Giáo. Chính cha ông Diệm là Ngô Đình Khả, mà ông Đỗ Mậu đã thường cùng với ông Ngô Đình Cẩn, đến viếng mộ vào những ngày Tết trước khi ông Diệm cầm quyền, (”trong khi ông Diệm, ông Nhu ở Saigon không thèm về giỗ bố” như ông viết), cũng bị ông Đỗ Mậu gọi là tay sai cao cấp của thực dân Pháp ….(3). Chưa kể đến những tội của các anh em ông Diệm còn nặng hơn nữa. Đúng là không bút nào tả xiết, “không nước sông nào rửa sạch.” Vì vậy xin bạn đọc tự tìm đọc thẳng cuốn sách ngàn trang này để tiện bề xét đoán trực tiếp. Nhưng đối với bạn trẻ, tôi đề nghị là hãy đọc chầm chậm với suy nghĩ cẩn trọng, đừng để bị lời văn lôi kéo.


Tôi cũng không có ý góp lời bàn ở đây vì cũng đã có nhiều sách phê bình tác phẩm này rồi. Một vài trang ở đây không nói được hết ý. Nếu tò mò muốn biết bạn đọc có thể tìm đọc cuốn ”Việt Nam chính sử” cuả ông Nguyễn Văn Chức để so sánh đối chiếu với những gì ông Đỗ Mậu viết trong hồi ký ngàn trang của ông. Và cũng đừng quên ông Nguyễn Văn Chức chỉ chú trọng đến một số điểm quan trọng đối với ông ấy thôi.
Ngoài việc kể tội nhà Ngô và chỉ trích những người mà ông gán cho cái tội Cần Lao, ông Đỗ Mậu đã nói về thành tích và công trạng cũng như tài cán của mình hơi nhiều. Ông lại chê tất cả những người lãnh đạo Việt Nam từ 1945 cho đến 1975, từ Hồ Chí Minh, Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu.


Điều đó khiến người đọc phải nghĩ chỉ có ông Đỗ Mậu đáng làm Vua (sinh vi Quân), hay Tổng Thống , hay quốc trưởng, hay chủ tịch, hay tổng bí thư, như các ông Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, hay ít nhất cũng thủ tướng như Phan Văn Khải mới xứng đáng và chỉ có thế mới làm cho nước giầu dân mạnh được.
Nhưng ông cũng đã chẳng từng làm phó thủ tướng và ủy viên chính trị trong hội đồng quân nhân cách mạng, cũng có ảnh hưởng lớn nhất trong hội đồng vì nắm toàn bộ các vấn đề chính trị đó hay sao? Người đọc tự hỏi: Với “tài trí” của ông và “hậu thuẫn” của cả khối Phật Giáo chiếm tới 80% dân số Việt Nam, như phe ông thường nói (chưa kể ông Hilsman ở bộ Ngoại Giao Mỹ thời ấy, chắc cũng cùng phe với ông, còn nói trên 90%), đứng sau lưng anh hùng TT TTQuang, tại sao ông không cùng với vị thượng tọa đầy quyền uy và thế lực đó lợi dụng tình hình sau đảo chính nắm luôn chính quyền, làm quốc trưởng, chủ tịch luôn? Cái số đã là “sinh vi quân” cơ mà?


Khi viết hồi ký ông Đỗ Mậu đã lôi đúng 100 người, trong số đó cũng có những người có tên tuổi, từ các ông Võ Văn Ái, Tăng Xuân An (vần A) đến các ông Vân Xưa, Phan Xứng, Hùynh Minh Ý (vần Y) ra làm chứng cho những điều ông nói xấu về ông Diệm. Ông trích cả thư riêng của một số vị như các ông Lê Tá, Lê Văn Thái (tức Thái trắng), Hoàng Đồng Tiếu, Tôn Thất Tuế, Võ Như Nguyện, Huỳnh Minh Ý gửi cho ông hay bạn ông. Dường như ông chẳng những muốn chứng minh rằng hàng trăm người cũng đồng ý với ông, mà còn muốn lôi những vị này đứng hẳn vào phe ông, dứt khoát phải ủng hộ ông, dù có nhiều vị trong số đó chắc chắn là không muốn, nhưng “miệng đã mắc quai.” Những ai không dám lên tiếng phản đối hay cải chính, hoặc đã chết không còn cơ hội cải chính nữa, thì được ông coi là đồng minh rồi. Và ông còn có thể dựa vào con số đông đó để lôi kéo thêm nhiều người khác. Đây là một tiểu xảo chính trị, không lấy gì làm tốt đẹp.

Nếu bạn đọc có cơ hội thử hỏi riêng một vài vị trong số đó như ông Lê Văn Thái ở San Diego hay ông Võ Như Nguyện ở Pau (Pháp) chẳng hạn xem các ông ấy có lấy làm hân hạnh khi thấy thư riêng của mình được ông Đỗ Mậu lợi dụng vào việc gây uy tín riêng cho ông ta không. Trừ phi các ông ấy muốn có một chức tổng bộ trưởng hay tổng giám đốc trong cái chính phủ tương lai nào đó của ông Đỗ Mậu, thiết tưởng chẳng ai thích thư riêng của mình được đăng lên sách báo. Dầu sao nếu có dịp bạn đọc thử đọc hết các bức thư hay tài liệu của một trăm vị đó xem họ viết gì, và những lời thư hay tài liệu đó chứng minh cho lập luận của ông Đỗ Mậu đến mức độ nào.


Để kết thúc chương này tôi cảm thấy bất đắc dĩ phải đặt câu hỏi về tính liêm sỉ, không phải đối với Thiếu Tướng Đỗ Mậu mà đối với một nhà tiểu trí thức, một nhà văn là ông Đoàn Thêm. Ông này được ông Đỗ Mậu nhắc đến và trưng dẫn trong hồi ký của ông đến 15 lần, có lẽ chỉ thua Karnow, Sheehan và Halberstam là những tác giả thiên cộng hay thiên tả coi toàn bộ phe quốc gia chẳng ra gì so với phe Cộng Sản, là những tác giả được trưng dẫn nhiều nhất trong “VNMLQHT.”
Đã làm đến chức đổng lý văn phòng của ông Diệm, ông Đoàn Thêm được coi như người trong bộ tham mưu cao cấp nhất của ông Diệm. (Về mặt hành chánh, những người giữ các chức đổng lý văn phòng, chánh văn Phòng, như ông Võ Văn Hải, hay chức bí thư, công cán ủy viên thường là những người thuộc ê-kíp của người đứng đầu cơ quan như bộ, phủ và khi người đứng đầu rời nhiệm sở thì đương nhiên đoàn tùy tùng này cũng ra đi, trừ phi người kế vị muốn giữ lại với sự đồng ý của đương sự.) Nếu thấy ông Diệm làm sai sao ông Đoàn Thêm không can ngăn. Nếu thấy ông Diệm cố chấp không can ngăn được và còn xấu xa, như ông viết, thì tại sao ông không từ chức trước, hay ít nhất cũng từ chức vào lúc nguy kịch cuối cùng của ông Diệm, giống như ông Vũ Văn Mẫu chẳng hạn, để vớt vát chút danh dự, mà lại cứ ngồi lỳ ở đó hưởng bổng lộc. Rồi sau khi ông Diệm chết mới lên tiếng chê bai và lên án ông Diệm?

Chú thích:
(1) Từ “Quân ủy” mà ông Đỗ Mậu dùng đây, theo chỗ soạn giả được biết qua những người thân cận với Trung Tá Nguyễn Văn Châu, là do ông Đỗ Mậu nói theo từ của Cộng Sản. Chứ đảng Cần Lao Nhân vị của ông Nhu không có từ đó. Ông Châu có một thời giữ vai trò “Trưởng ban V (năm)”, mà ông Đỗ Mậu nói là “Chủ tịch Quân Ủy” ngụ ý là đảng Cần Lao cũng giống như đảng Cộng Sản. Thực tế hoàn toàn khác. Đảng Cộng Sản, với danh xưng “Đảng Lao Động” miền Bắc lúc ấy, là đảng lãnh đạo. Lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo nhân dân. Thành viên chính phủ là đảng viên. Dân biểu quốc hội là đảng viên. Chủ tịch quân ủy trung ương là ủy viên bộ chính trị của đảng. Quân ủy trung ương là một bộ phận chính thức đầu não của quân đội, mà chủ tịch có lúc là tổng tư lệnh quân đội.
Trái lại đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Nhu không hề có một địa vị và tầm quan trọng như thế trong chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bằng chứng là hầu hết bộ trưởng không phải đảng viên Cần Lao. Chính ông Ngô đình Nhu là tổng bí thư cũng không giữ chức vụ gì chính thức trong chính phủ, trừ trường hợp sau này với sự ra đời của quốc sách Ấp Chiến Lược, ông được cử giữ chức vụ phối hợp các bộ, một thứ chủ tịch ủy ban liên bộ về quốc sách Ấp Chiến Lược.
Về phía quân đội, Trung Tá Châu chỉ là giám đốc một nha trong số nhiều nha và trên nha còn có các tổng nha thuộc bộ Quốc Phòng. Việc ông Nhu, với tư cách lãnh đạo đảng, chọn, hay tổ chức bầu (?) ông Châu, hay ông Đỗ Mậu, như chính ông này viết trong hồi ký của ông, không phải để lãnh đạo quân đội như Võ nguyên Giáp của đảng Cộng Sản. Ông Châu thực ra, ngoài chức vụ chính thức là giám đốc một nha dưới quyền bộ trưởng quốc phòng, chỉ có một nhiệm vụ rất khiêm tốn và hạn chế đối với riêng ông Nhu mà thôi. Với chức trưởng ban V, ông Châu không có chút quyền hành gì với các cấp chỉ huy trong quân đội, ngoài một số sĩ quan trực tiếp dưới quyền ông thuộc nha Chiến Tranh Tâm Lý.


Như vậy dùng từ “quân ủy” để gọi thay cho danh xưng chính thức của nó là hoàn toàn sai, khiến gây ngộ nhận vô cùng tai hại. Nếu thời đó có một vài ông tướng, tá nể sợ ông Châu hay bợ đỡ ông ta, là vì họ hy vọng được ông này báo cáo tốt với ông Nhu hay ông Diệm. Chứ về mặt pháp lý và tổ chức họ không có bất cứ lý do gì phải khúm núm, sợ sệt trước ông Châu, cũng như sau này người kế vị ông ta, khi ông ta đã bị hạ tầng công tác, vì Tổng Thống Diệm hay biết được là có những vị tướng bợ đỡ ông ta, làm hại uy danh quân đội.

(2) Một nhà thơ sang Mỹ định cư năm 1997, ông Thái Thủy, cho biết ở Saigon ông đã được đọc tác phẩm này do nhà xuất bản “Công An Nhân Dân” phát hành với một số thay đổi nhỏ cho hợp với luận điệu của đảng hơn.


(3) Người dân Huế ít có ai lại không biết câu phong dao “Đầy vua không Khả, Đào mả không Bài” được truyền tụng vào tiền bán thế kỷ 20 nói về sự can đảm của hai vị đại thần của Nhà Nguyễn, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài, đã dám chống lại quyết định của thực dân Pháp đầy vua Thành Thái và đào lăng vua Tự Đức để lấy châu báu. Nhà văn Cộng Sản Vũ Thư Hiên trong “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị” nhan đề Đêm Giữa Ban Ngày có thuật lại việc ông Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu phong dao nói trên như là cái cớ để hạ lệnh phóng thích ông Ngô Đình Diệm. Vì theo ông Hồ người dân Huế có lòng kính trọng cha ông Diệm đến thế thì cũng nên vì người cha mà thả người con. Xin xem sách đã dẫn (nhà xuất bản Paris, 1988) trang 226-227, có trích đăng trong phần phụ lục soạn phẩm này.
ttba
Chương 14
Dương Văn Minh: “Diệm được kính trọng quá trong đám người đơn sơ chất phác dễ bị lừa, đặc biệt là người Công giáo và dân di cư”.

”Tổng Thống một ngày” Dương Văn Minh, thường được gọi là “Minh Sún”, “Minh Cồ” hay “Big Minh” (++) là một trong những tướng Việt Nam được Tổng Thống Ngô Đình Diệm phong lên hàng tướng lãnh của Đệ Nhất Cộng Hoà sớm nhất. Nhưng vốn tính lè phè ham chơi tennis và lan cảnh, nên không được trao những chức vụ đòi hỏi sự năng nổ xông xáo và chú tâm suy nghĩ như tổng tham mưu trưởng, tư lệnh quân đoàn v.v… mà ông mơ ứơc. Vì vậy ông là một trong những người bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm. Ông cũng cho rằng ông Diệm quên ơn ông ủng hộ trong những ngày hăng say chống phiến loạn Bình Xuyên hồi 1955, nên ông càng bất mãn hơn.


Người Mỹ đã cấu kết với tướng Trần Văn Đôn (qua đại sứ Cabot Lodge và CIA Lou Conein) chọn ông Minh cầm đầu các tướng lãnh đảo chính lật Tổng Thống Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963. Nhiều người, trong số đó có Trung Tướng Trần Văn Đôn, khẳng định rằng chính ông Dương Văn Minh đã ra lệnh giết ông Diệm (1). Ông Đỗ Mậu cũng xác quyết như vậy trong hồi Ký của ông (2).
Ông Colby trong hồi ký “Honorable men” (các trang 214 và 215) viết rằng ông Dương Văn Minh đã từng đề nghị giết hai ông Nhu và Cẩn, nhưng bị ông giám đốc CIA lúc bấy giờ là McCone gạt đi. Ông Colby cũng nói đã từ lâu ông nghi ông Minh muốn giết ông Diệm và sự nghi ngờ đó đã thực sự xảy ra trong ngày đảo chính.
Công việc đầu tiên ông làm sau khi hạ ông Diệm là hủy bỏ chính sách “Ấp Chiến Lược”, vì cho rằng nó làm mất lòng dân. Nhưng hậu quả của việc này là mất luôn cả dân lẫn đất vào tay Cộng quân, khiến chiến tranh lan rộng và tình hình miền Nam trở nên rối bời, Hoa Kỳ phải đem quân tác chiến ồ ạt vào mới giữ được miền Nam. Chính phủ của ông chỉ tồn tại được 90 ngày vì bị tướng Nguyễn Khánh lật với danh nghĩa một cuộc chỉnh lý vào ngày 30 tháng 1 năm 1964…Nhưng ông lại được tướng Khánh mời giữ hư vị quốc trưởng cho đến ngày 26 tháng 10 mới bị trao quyền lại cho ông Phan Khắc Sửu. Từ đây vai trò của ông Minh phai mờ dần rồi ông bị cho đi an trí ở Thái Lan từ tháng 2 năm 1965 cho đến năm 1970.
Năm 1971 trong cuộc bầu cử Tổng Thống có tin ông ra ứng cử nhưng rồi bỏ cuộc lấy lý do không có tiền tranh cử. Nhưng trong cuốn “Hồi ký của một Việt Cộng”, Trương Như Tảng viết rằng chính bọn ông (có ý nói Việt Cộng) đã tìm cách ngăn không để ông Minh tranh cử hầu biến cuộc bầu cử trở thành lố bịch vì màn độc diễn của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (3), làm lợi cho phía Cộng Sản. Ông Dương Văn Minh được nổi tiếng nhất là vị “Tổng Thống một ngày” đứng ra đầu hàng Cộng quân vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhiều người cho rằng ông Minh bị Cộng Sản giật giây qua người em của ông là thiếu tá Cộng Sản Dương Văn (hay Thành?) Nhựt, bí danh Mười Ty. Cũng có người đem bằng chứng để nói rằng ông Minh đích thực có hoạt động cho Bắc Việt (4). Còn ông Đỗ Mậu thì ca tụng ông Minh là người yêu nước, và về nhiều phương diện hơn hẳn ông Diệm và ông Nhu.(5)
Nhà báo Trương Tử Phòng trong tác phẩm “Những bí ẩn về cái chết của Việt Nam”, ký tên thật Phạm Kim Vinh cho ông Minh là “một trong những kẻ chủ trương kỳ thị Nam, Bắc một cách cuồng tín và cũng là kẻ ngây thơ nhất về chính trị” (5bis)
Nhà văn Duyên Anh, Vũ Mộng Long, thì viết:
”Dương Văn Minh đã có cơ hội duy nhất đi vào lịch sử nhưng ông ta tình nguyện khước từ. Từ một tên lính của thực dân Pháp, nhờ sự chuyển mùa của đất nước khan hiếm tài năng, ông ta trở thành tướng lãnh của chế độ Ngô Đình Diệm, trở thành người anh hùng của các chiến dịch tiễu trừ loạn quân Bình Xuyên, Hòa Hảo… Tên lính Xuân tóc đỏ của quân đội, đáng lẽ đứng ở đó là đẹp rồi. Ông ta không chịu. Ông ta nhúc nhích, vì nghĩ mình là Nasser. Ông ta bị dìu vào tội ác thoán nghịch. Và Dương Văn Minh thỏa chí quốc trưởng. Triều đình của Dương Văn Minh thật phù du. Tên vũ biền không thích truy nã thân phận mình, ông ta tưởng ông ta có… đế mạng. Bị tước đoạt quyền bính, bị đuổi khỏi đất nước, Dương Văn Minh cựa quậy quay về giành bằng được tước vị Tổng Thống . Ông ta thỏa mãn. Thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ. Thánh nhân đãi thêm đứa ngu dốt. Đất nước phải có đến thứ Dương Văn Minh gánh vác, kể như đất nước tàn tạ.”(5ter)


Tướng Maxwell Taylor khi còn là chủ tịch ban tham mưu liên quân Mỹ đã tới Nam Việt Nam vào tháng 10 năm 1961 để nhận định về tình hình. Ông đã gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm và một số tướng lãnh khác trong đó có Đại Tướng Lê Văn Tỵ và Trung Tướng Dương Văn Minh. Trong cuốn hồi ký “Swords and Plowshares” (thanh gươm và lưỡi cầy), ông đã có nhận xét về hai vị tướng này. Tướng Tỵ thì chỉ bàn về các vấn đề quân sự thuần túy. Còn tướng Minh thì vừa gặp ông đã đem Tổng Thống của mình ra nói xấu. Và tướng Taylor phải lấy làm ngạc nhiên tự hỏi sao lại có người đem chuyện xấu của chủ mình nói với một người lạ mới gặp lần đầu tiên, chưa kịp giới thiệu nhau, như thế này. (6)


Trong cuốn “No more Vietnams” Tổng Thống Nixon có thuật lại lời tướng Minh Cồ nói về cái chết của ông Diệm như sau:
“Không thể để ông Diệm sống được, vì ông ta quá được kính trọng bởi những người đơn sơ chất phác dễ bị lừa, đặc biệt là người Công giáo và dân di cư”.(7)
Cách đây mấy tháng Francis X. Winters đã công bố lá thư riêng của thứ trưởng ngoại giao Harriman lúc đó gửi cho đại sứ Cabot Lodge chỉ 3 ngày trước khi tướng Minh bị tướng Khánh lật. Winters đã tìm thấy nó trong khu thủ bản thuộc thư viện Quốc Hội, ngăn 484. Bức thư đề ngày 27-1-1964 có đoạn ông Harriman khen ông Lodge biết cách dậy người “học trò” Dương Văn Minh về chính trị. Và còn chúc ông Lodge thêm quyền lực (ở Việt Nam). Đây nguyên văn đoạn thư đó:
“Cabot thân, tôi rất lấy làm thích thú theo rõi điều anh khuyên nhủ Minh Cồ về cách vận động chính trị và lấy làm sung sướng được xem tấm hình trên báo cho thấy học trò của anh đang theo học một ông thầy đích thực…
”…Chúc anh thêm quyền hành.”(8)
Từ ngày sang Pháp sống lưu vong năm 1982, ông Minh thường giữ im lặng, cũng không viết hồi ký để tự đề cao hay tự biện minh như các ông Trần Văn Đôn, Đỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi v..v…. Nhưng năm 1997, trong khi có tin đồn nhà cầm quyền Cộng Sản đang cho sửa sang “dinh Hoa Lan” của ông để chuẩn bị đón ông về nước với một sứ mạng hay chức vị gì đó, ông bỗng lên tiếng với báo chí ở Pháp và phủ nhận là ông không đầu hàng mà chỉ trao quyền. Lời tuyên bố của ông đã bị tờ Diễn Đàn Phụ Nữ loan tải và châm chích mỉa mai. (9)
Hai năm gần đây tờ Diễn Đàn Phụ Nữ (do ký giả chuyên nghiệp Chử Bá Anh sáng lập,) đã ba, bốn lần đem cuộc đời và hoạt động ngấm ngầm của tướng Dương Văn Minh ra mổ xẻ và khẳng định ông là tay sai nếu không hữu ý thì cũng vô tình cho Cộng Sản. Số 154 tháng 2 năm 1997, trang 54 ghi: ” ….tướng Dương Văn Minh, một nhân vật đã từng hai lần đóng vai tuồng lãnh đạo miền Nam. Lần nào cũng ngắn ngủi. Nhưng mỗi lần đều mang đến tai biến thảm khốc vô lường cho nhân dân miền Nam.” Chỉ nửa năm sau cũng tờ nguyệt san nói trên đã trích lời của nhà báo Cộng Sản Hồ Văn Quang thuật lại lời tướng Nguyễn Hữu Có viết trong tù Cộng Sản ở Hà Tây như sau :
“Thực sự hôm nay ở trong tù tôi nghĩ lại mà thấy tội nghiệp cho Minh Cồ, thích làm Tổng Thống mà khả năng quá hạn chế, do đó bị Thích Trí Quang điều khiển đủ mọi chuyện… Ngày lịch sử trong đời làm chính trị của Minh Cồ không phải là ngày nhậm chức Tổng Thống mà chính là ngày 29 tháng 4 năm 1975, vì ngày này từ 8 giờ đến 12 giờ khuya Minh Cồ và tôi phải đến “hoàng cung Ấn Quang” 5 lần và lần nào cũng với nội dung là “thầy” cũng hứa hẹn một cách chắc chắn không thể sai lệch là sắp xong. Bên kia chậm lắm là tối 29-4-75 hay sáng 30-4-75 sẽ bàn thảo việc thành lập chính phủ liên hiệp…” (D.Đ.P.N. số 160, tháng 7, 1997, trang 66.)

Chú thích:
(++) Nhà báo Đặng Văn Nhâm còn thêm “Minh Ngu”. “Minh Bự” (Diễn Đàn Phụ Nữ số 154, trang 53.) Và nhà báo Trương tử Phòng gọi “Minh Khờ”, hay “Quốc trưởng phù du”, “Tổng Thống 48 giờ” (”Cái chết của Nam Việt Nam”, n.x.b. Xuân Thu, Los Alamitos, 1988, chương 9, trang 356.) Cũng có người gọi là “Tổng Thống một ngày” hay 24 giờ. Nếu nói chính xác thì là 42 giờ. Vì tuy theo chương trình thì tướng Duơng Văn Minh đọc diễn văn nhậm chức lúc 9 giờ sáng ngày 28, nhưng thực tế mãi đến 5 giờ 30 ông mới đọc do có khó khăn trong việc chọn thành viên chính phủ. Và đến trưa ngày 30 ông đã tuyên bố đầu hàng. Như vậy gọi là Tổng Thống một ngày hay hai ngày đều có thể đúng. Về phía Mỹ ông Dương Văn Minh thường được gọi là “Big Minh.” Nhưng ông đại sứ Nolting và tướng Harkins còn cho ông Minh thêm một hỗn danh nữa là “General Belly-ache” (”Tướng đau bụng”, From Trust to tragedy, trang 132)
(1) Xin xem lại chương 6, Trần Văn Đôn.


(2) “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của Hoành Linh Đỗ Mậu, nxb. Văn Nghệ, 1993, trang 476.
(3) “A Viet Cong Memoir”, Trương Như Tảng, trang 203: “Để lợi dụng tình hình, chúng tôi chỉ thị cho các điệp viên của chúng tôi nằm trong đám bộ hạ của Minh khuyên ông ta đừng ra ứng cử….” Nguyên văn bản Anh ngữ: “To capitalize the situation, we gave directions to our agents within Minh’s entourage to dissuade him from running.”
(4) Diễn Đàn Phụ Nữ số 154 từ trang 53 đến trang 59. ++ Ông Lê Tùng Minh ở Massachusetts còn viết trong cùng tờ báo, cùng số 154 (trang 10) rằng Hồ Chí Minh hứa: “Nếu cách mạng giải phóng miền Nam thành công sẽ dành cho Dương Văn Minh chức phó chủ tịch nước.”
(5) S.Đ.D. trang 476.
(5bis) S.Đ.D. Nhà xuất bản Người Việt, 1977. Trang 75.
(5ter) Saigon ngày dài nhất, Duyên Anh, N.X.B.Xuân Thu, California, 1988. trang 309.
(6) Swords and Plowshares, by Waxwell D. Taylor trang 234. Nguyên văn: Minh and I had scarcely exchanged greetings when Minh began to unburden himself of his grievances against Diemà but I was somewhat startled by his willingness to criticize his president to a foreign like me.” Tạm dịch: “Minh và tôi chưa kịp chào nhau xong thì Minh đã bắt đầu trút những sự bất bình của ông ta đối với Diệm… nhưng tôi có phần nào sửng sốt về sự sẵn sàng chỉ trích vị Tổng Thống của ông ta với một người ngoại quốc như tôi.”
(7) No more Vietnams, R.Nixon, trang 70.
(8) “The year of the hare”, (Năm Con Mèo), đại học Georgia Press. 1997. Trang 120. Nguyên văn: “Dear Cabot, I followed with interest the advice you have been giving to Big Minh on campaigning and was delighted to see the news-photo which shows that your pupil is learning from a real master… More power to you.”
(9) Xin xem Diễn Đàn Phụ Nữ số 160, tháng 7, năm 1997, từ trang 60 đến trang 67.
ttba
Chương 15
John M. Newman: Ông Diệm quá tự tin vào khả năng vô địch của mình nên trở thành chuyên quyền và gia đình trị

John M. Newman là giáo sư về các vấn đề Cộng Sản Liên Sô, Trung Hoa và chiến tranh Việt Nam. Ông đã từng chiến đấu ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Nhật và Trung quốc. Năm 1992 ông đã đích thân xuất bản cuốn sách dầy 500 trang của ông nhan đề: “JFK and Vietnam”, được ông Trần Ngọc Dũng dịch ra tiếng Việt với tựa đề “John F. Kennedy và chiến tranh Việt Nam” (n.x.b. Thế Giới, San Jose, 1993). (1)
Để viết cuốn “JFK and Vietnam” tác giả đã đọc 15 ngàn trang tài liệu, tham khảo và phỏng vấn trên dưới 100 tác giả và nhân vật, trong số đó có các tướng đảo chính Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ và ông Bùi Diễm, và những người Mỹ có ác cảm với ông Diệm trong bộ ngoại giao Mỹ như Averell Harriman, Roger Hilsman… những nhà báo đã từng đả kích ông Diệm trước khi ông bị lật đổ, như David Halberstam, Neil Sheehan v.v… nhưng tiếc rằng không thấy tác phẩm và tiếng nói của những người bênh vực ông Diệm như ký giả Marguerite Higgins hay Tổng Thống Nixon chẳng hạn. Dĩ nhiên không có những tác phẩm bằng Việt Ngữ có lẽ vì tác giả không đọc được tiếng Việt, tác phẩm “Le Dragon d’Annam” của cựu hoàng Bảo Đại bằng Pháp ngữ, trong đó có nói nhiều đến ông Diệm và vụ Phật giáo, cũng không, phải chăng vì tác giả không đọc được tiếng Pháp? Phần nhiều những điều tác giả nói xấu về ông Diệm đều do các nguồn tin báo chí, nhất là của Neil Sheehan và Stanley Karnow. Ông không đọc Nixon và Higgins có lẽ vì ông không muốn nghe những tiếng chuông chói tai thiên kiến của ông hoặc vì những gì hai người này viết cải chính tất cả các nhận xét vào đảo lộn lập luận của ông.


Sau khi bất đắc dĩ phải trưng lời Tổng Thống Eisenhower ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm,(2) tác giả viết:
“Ông Diệm cực kỳ tin tưởng ở khả năng bất bại của mình đã để cho chính phủ của ông trở thành tập đoàn chuyên chính, gia đình trị quá khích, gồm anh em họ hàng và một số ít địa chủ giầu có, làm phật ý hoàn toàn giới trung lưu có học ở đô thị,”(3)
Vì cùng tham khảo những nguồn tin giống nhau như Sheehan chẳng hạn, nên Newman cũng như Karnow đều cho rằng ông Diệm không muốn đánh Cộng quân, mà chỉ muốn tránh thương vong. Ông cho rằng các tướng Huỳnh Văn Cao, Bùi Đình Đạm sợ đụng với Cộng quân gây thương vong cho binh sĩ thì sẽ bị Tổng Thống khiển trách và có thể mất chức. Thậm chí ông còn dẫn chứng Trung Tá Vann, cố vấn sư đoàn 7, nói rằng Tổng Thống Diệm đã có khẩu lệnh mật cấm tướng lãnh mở những cuộc tấn công có thể gây thương vong.
Ông viết:
“Tướng Cao luôn luôn từ chối không chịu cho quân trừ bị vào trận và hoàn thành cuộc bao vây địch quân. Lý do, Sheehan giải thích, là thế này: Việt Cộng, một khi sa bẫy sẽ đánh và Cao cũng lãnh thương vong; rồi sẽ ”bị rắc rối” với ông Diệm, không được thăng cấp và có thể bị bãi chức nữa.” (4)
Và:
“Trung tá Vann đã khám phá ra rằng ông Diệm đã hạ khẩu lệnh mật cho các tư lệnh của ông không được mở các cuộc hành quân tấn công đưa đến kết quả thương vong nặng.”
Nhân vụ này tác giả còn viết rằng ông Diệm đã nói dối. Ông viết tiếp:
“Trung tá Vann báo cáo với đại tá Porter và tướng Harkins, rồi tướng Harkins đến gặp ông Diệm. Ông Diệm chỉ nói dối. Sheehan giải thích: Ông Diệm bảo “Điều đó không đúng”(5)
Đến cuối sách tác giả còn nhắc lại lời buộc tội của ông đối với ông Diệm, tuy bằng những lời lẽ luôn luôn có cân nhắc, dè dặt. Sau khi ca tụng các quân nhân Mỹ hoạt động và chiến đấu tại Việt Nam là những anh hùng, ông viết về quân đội Việt Nam và ông Diệm như sau nơi trang 455:
“Quân đội Nam Việt Nam quá nhỏ bé và ông Diệm thì vẫn miễn cưỡng, không muốn họ chiến đấu”(6)
Xin mời bạn đọc xem Newman nhận xét về quốc sách Ấp Chiến Lược thời ông Diệm:
“Đây chính là khía cạnh của chương trình Ấp Chiến Lược được thực hiện sau đó—bắt ép dân quê rời bỏ vùng đất của tổ tiên họ đi vào những cái trại, nơi mà cơ cấu xã hội của họ bị tan rã— điều này đã đóng góp phần lớn vào thất bại cuối cùng của nó.”(7)


Về biến cố Phật giáo năm 1963, Newman đã dùng một từ tương đối nhẹ là kỳ thị tôn giáo để nhắc lại. Nhưng sau đó đã tường thuật một cách chi tiết và rất bất lợi cho uy tín của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông viết:
“Khi Phật tử vẫn cứ treo cờ của họ, và tụ tập để mừng lễ Phật Đản và rồi bất chấp lời yêu cầu giải tán, phó tỉnh trưởng Công Giáo bèn ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền bắn vào đám đông (ngày mồng 8 tháng 5). Khi khói đã tan vào sáng hôm sau, lãnh sự Mỹ tại Huế, John Hebble, báo cáo có 7 người chết, kể cả hai trẻ em bị các xe bọc thép cán nát, và 15 người bị thương. Chính quyền Ngô Đình Diệm nói dối rằng một tên Việt cộng đã liệng lựu đạn vào đám đông, và các nạn nhân đã bị dày xéo lên nhau mà chết trong cuộc chạy tán loạn. Và những lời điêu ngoa bịa đặt đó đã được phổ biến thành thông báo chính thức làm cho Nolting (đại sứ Mỹ Frederick Nolting) bị mắc lừa và cho đến ngày nay ông ta vẫn còn nói rằng nó “khách quan, chính xác và công bình” (8).
Newman còn khẳng định có phóng viên trung lập (sic) chụp được hình lính ông Diệm đang bắn vào đám đông.
Về cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Diệm, tác giả không dám khẳng định là ông Roger Hilsman là người chủ trương kịch liệt nhất nhưng đã trưng dẫn lời một thiếu tá Benedict nào đó nói rằng chính Roger Hilsman, hồi 1960 còn là trưởng phòng tình báo sưu tầm của bộ ngoại giao, đã cố thúc đẩy thực hiện trong năm đó cũng vào lúc ngoại trưởng đi vắng (9). Đến năm 1963, vào hạ tuần tháng 8 lại cũng Roger Hilsman và Harriman chọn đúng lúc Tổng Thống Kennedy, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng và giám đốc trung ương tình báo đi nghỉ để thảo công điện gủi sang Saigon thúc đẩy đảo chính.
Newman cũng trưng dẫn nhà báo David Halberstam nói về phái đoàn Mcnamara, Taylor sang Saigon nhận định tình hình để cho Tổng Thống Kennedy có đủ yếu tố quyết định thái độ dứt khoát với ông Diệm: khi ông McNamara tới phi trường, đại sứ Lodge đã chỉ định hai nhân viên tòa đại sứ đứng cản, không cho tướng Harkins gặp trước ông bộ trưởng, để cho ông Lodge được gặp trước, vì sợ ông bộ trưởng nghe tướng Harkins sẽ có thiện cảm với ông Diệm. Thái độ của các ông Harriman và Hilsman cũng như ông Cabot Lodge thật không thể hiểu nổi, nếu không phải là cố tình làm mọi cách để Tổng Thống Kennedy phải chấp thuận kế hoạch lật ông Diệm của các ông ấy. Khi Tổng Thống Kennedy quyết định gửi hai ông McNamara và Maxwell Taylor sang Việt Nam, những người chống ông Diệm ở bộ ngoại giao rất lo lắng vì chỉ sợ những báo cáo khách quan của hai ông này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Tổng Thống Kennedy, khiến âm mưu lật ông Diệm của họ không thực hiện được (10).

Chú thích:
(1) Chú thích và trích dẫn theo nguyên tác “JFK and Vietnam”, NXB. A Time Warner Co. 1992.
(2) Xin xem lại chương 7.
(3) Sách đã dẫn trang 26. Nguyên văn: “Supremely confident in his own invincibility, Diem allowed his government to turn into a complete oligarchy in which the rampant nepotism of his brothers, relatives, and a few wealthy landowners completely alienated the educated urban middle class.”
(4) S.Đ.D. tr. 289. Nguyên văn: “Cao always refused to commit his reserve and complete the encirclement of the enemy. The reason, Sheehan explains, was this: once trapped, the Vietcong would fight, and Cao would take casualties too; then he would get “into trouble” with Diem, not be promoted, and might even be dismissed.”
(5)S.Đ.D. tr. 299. Nguyên văn: “Vann discovered Diem had issued a secret verbal order to his commanders not to conduct offensive operations that resulted in serious casualties. Vann told colonel Porter and general Harkins, and Harkins confronted Diem. Diem simply lied; Sheehan explains: It was not true, Diem said.”
(6) S.Đ.D. trang 455. Nguyên văn: “The South Vietnamese Army was too small and Diêm was reluctant to let them fight anyway.”
(7) S.Đ.D. tr. 181. Nguyên văn: “It was precisely this aspect of the subsequent Strategic Hamlet Program —forcing peasants off of their ancestral lands and into camps where their social fabric desintegrateđ- that contributed in a major way to its ultimate failure.” Các nhà báo và sử gia Mỹ chưa bao giờ được nếm mùi Cộng Sản, mùi xã hội chủ nghĩa, và cũng không đọc kỹ lịch sử, cho nên bảo chương trình Ấp Chiến Lược của ông Diệm làm tan rã cơ cấu xã hội Việt Nam.
Nếu các ông đó cẩn thận hơn và so sánh chương trình này với chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh hồi 1947, chính sách đấu tố trong những năm 1953-1956 tại miền Bắc, rồi tìm hiểu lý do tại sao 1 triệu người đành rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn miền Bắc để đi vào Nam với hai bàn tay trắng vào năm 1954, và tại sao hai triệu người bỏ mồ mả cha ông: “những vùng đất của tổ tiên” để liều chết chạy ra biển cả để gần triệu người làm mồi cho cá.. thì chắc hẳn đã hiểu rõ mục tiêu và cốt lõi của chính sách Ấp Chiến Lược. Người dân lương thiện thà bỏ nơi “vùng đất của tổ tiên” vào sống trong những vùng được chính quyền Ngô Đình Diệm bảo vệ còn hơn phải sống với Cộng Sản. Các ông giáo sư, sử gia ngồi trong phòng, đọc những báo cáo của những người thiển cận, thiên vị, không sao có đuợc những tin tức chính xác của phe “xã hội chủ nghĩa” ở miền Bắc Việt Nam (vì nó có bao giờ đem bí mật quốc gia trình cho các ông biết, như chính quyền Mỹ thường đem những công việc đại sự trình với quốc hội, với quần chúng qua báo chí?), cứ tưởng nó hay hơn chế độ miền Nam. Điều đó thật dễ hiểu và cũng dễ tha thứ. Nhưng cố chấp không chịu nhìn thẳng vào sự thực, sau khi mọi khía cạnh của sự thực đã được phơi bày sau hai thập kỷ, tưởng không thể nào tha thứ được. Ông Newman có lẽ không biết rằng chỉ sau khi ông Diệm bị lật quốc sách Ấp Chiến Lược mới đổ theo, vì ông Dương Văn Minh, người đứng đầu cuộc đảo chính lật ông Diệm, chủ trương phá nó, dẹp bỏ nó. (Khiến Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng của Cộng Sản phải reo lên vì quá mừng rỡ.) Nhưng sau này những người đi sau ông Minh đã phải cho lập lại, dù rằng dưới cái tên khác “Ấp Đời Mới”, “Ấp Tân Sinh.”
Ông Newman chỉ chú tâm vào giai đoạn chính quyền Kennedy, nên đã không am tường những sự việc sau đó. Một sử gia chân chính sẽ dè dặt hơn khi phê bình ông Diệm về quốc sách Ấp Chiến Lược. So với Bernard Fall hay Stanley Karnow là những người cũng chỉ trích ông Diệm không kém, ông Newman không biết nhiều về con người Ngô Đình Diệm.
(8) S.Đ.D. trang 332. Nguyên văn: “When the Buddhists flew their flags anyway, held a rally to commemorate Buddha ‘s Birthday, and then defied a request to disperse, the Catholic deputy province chief ordered his troops to fire on the crowd (on May 8.) When the smoke cleared the next morning, the U.S. Consul in Hue, John Helble, reported 7 dead, including two children crushed by armored vehicles, and fifteen injured. The Diem’s government’s lies that a Viet công had thrown a grenade into the crowd and that the victims had been crushed in a stampede were issued as an official report, which fooled Nolting, who, to this day, says it was objective, accurate and fair.”
(9) S.Đ.D. trang 33-34.
(10) S.Đ.D. tr. 385.
ttba
Chương 16
Richard Nixon: Tổng Thống Ngô Đình Diệm ví như tảng đá đỉnh vòm

Richard Milhous Nixon (Jan 9, 1913 to Apr 22, 1994) là Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ (từ 1969 đến 1974). Ông là chính khách lỗi lạc của đảng Cộng Hòa đã từng đứng chung liên danh với Tổng Thống Eisenhower, làm phó Tổng Thống từ 1953 đến 1960. Thừa hưởng di sản đổ nát của đảng Dân Chủ, do việc chính quyền Kennedy lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm gây ra, ông Nixon đã một mặt tăng gia các cuộc hành quân rộng lớn trên chiến trường Việt Nam, một mặt đi những đường ngoại giao can đảm và đầy sáng tạo với Trung Quốc Cộng Sản và Liên Sô nhằm mục đích rút quân đội Mỹ ra khỏi vũng lầy cuộc chiến Việt Nam. 

Thành quả của những sáng kiến ngọai giao này có ảnh hưởng đến sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu 17, 18 năm sau. Ông đã đại thắng khi tái ứng cử vào tháng 11 năm 1972. Mục tiêu này ông đã đạt được để vớt vát danh dự cho Hoa Kỳ, và đã sớm đưa con em của đồng bào ông về nước. Nhưng bên cạnh đó, vì việc này, ông cũng đã làm mất lòng và làm điêu đứng đồng minh bé nhỏ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay các người quốc gia Việt Nam rất hận ông Nixon và nhất là người phụ tá an ninh thông minh xảo quyệt của ông là Henry Kissinger (1). Nhưng cố Tổng Thống Nixon đã cố biện minh với dư luận, và có lẽ riêng với người Việt Nam chúng ta, rằng vì quốc hội Mỹ không chấp thuận tài khoản và trói tay chính phủ không cho can thiệp thêm để ngăn chặn và trừng phạt Cộng quân, mặc dù họ cố tình vi phạm hiệp định Paris, và hơn nữa vì vụ Watergate khiến ông phải từ nhiệm (Tổng Thống Mỹ đầu tiên bị từ nhiệm) cho nên ông không hoàn thành được những điều đã hứa với chính quyền và nhân dân Nam Việt Nam. Trong cuốn “No more Vietnams” (2 ông đã đưa ra nhiều luận cứ khả dĩ biện minh cho ông phần nào.

Tuy vụ tai tiếng “Watergate” đã khiến ông phải từ chức một cách tai hại, làm gián đoạn sự nghiệp chính trị của ông trong một thời gian, nhưng những thành quả và ảnh hưởng lâu dài của các vận động chính trị khéo léo của ông trong năm 1972 đối với Liên Sô và Trung Cộng càng ngày càng khiến dư luận chính trường Mỹ nhìn lại khả năng chính trị, ngoại giao hiếm có của ông một cách trân trọng, và các chính quyền Reagan, Bush của đảng Cộng Hòa, cũng như chính quyền Clinton của đảng Dân Chủ đều đã phải nhờ tới tài trí ông trong khi giải quyết các vấn đề khó khăn về Liên Sô và Liên Bang Nga sau này.
Trong cuốn “Đừng Việt Nam nào nữa” ông đã lên án việc chính quyền Kennedy đồng lõa trong việc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà ông ví như tảng đá đỉnh vòm của một tòa nhà vòm, chỉ khi nào lấy nó đi mới thấy nó quan trọng đến mức độ nào. Đây, ông viết:
“Tổng Thống Ngô Đình Diệm ổn định miền Nam Việt Nam, ví như ĐÁ ĐỈNH VÒM giữ vòm nhà đứng vững. Các thế lực chính trị từ mọi phía quy vào ông mà chống, nhưng bằng cách thăng bằng các thế lực, cho cái nọ chống cái kia, ông đã đóng chốt tất cả lại. Chỉ khi nào đá đỉnh vòm được lấy đi, người ta mới thấy là nó quan trọng. Thì cũng y hệt như vậy, chỉ khi nào ông Diệm chết rồi, toàn thể hệ thống chính trị miền Nam Việt Nam sụp đổ tan tành, người ta mới nhận rõ vai trò sinh tử của ông ta”


“Điều mà những kẻ chủ trương ủng hộ cuộc đảo chính thuộc chính quyền Kennedy lúc đó đáng lẽ đã phải biết thì nay đã hiện rõ một cách đau đớn: Sự lựa chọn ở Nam Việt Nam lúc ấy không phải là lựa chọn giữa ông Diệm và một kẻ nào đó tốt hơn, mà là giữa ông ta và một kẻ nào đó tệ hơn.”
“Dù ông Diệm có lỗi gì chăng nữa thì ông ấy cũng có một căn bản pháp lý đáng kể. Ông Diệm là một lãnh tụ kiên cường của một dân tộc đang vô cùng cần một nhà lãnh đạo cương quyết. Ông ta mất rồi, chính quyền ở Nam Việt Nam trở thành cái mà ai cũng chộp giật được. Những viên chức chính quyền (Kennedy) đã từng nôn nóng ngấm ngầm mưu đồ chống ông Diệm đã sớm khám phá ra rằng những cộng tác viên của mình ở Nam Việt Nam chỉ là những người lãnh đạo tồi đến vô vọng. Cái tài cần có để lật đổ một chính phủ không đắc dụng để điều hành một chính phủ. Lãnh đạo một cuộc đảo chính và lãnh đạo một nước là hai công việc hoàn toàn khác nhau. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo đến hỗn loạn sau đó ở miền Nam Việt Nam là hậu quả trực tiếp của việc lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm.” (3)

Về việc lật đổ này Nixon chỉ trích và kết án nặng nề chính quyền Kennedy, nhưng cũng chê ông Diệm là bé cái lầm, cứ tưởng bở. Đây, những hàng chữ đanh thép của một lãnh tụ đảng Cộng Hòa Mỹ:
“Chúng ta đã phạm lỗi lầm nguy kịch thứ 3 tại Nam Việt Nam vào năm 1963. Chính quyền Kennedy càng ngày càng thất vọng về Tổng Thống Diệm, đã khuyến khích và ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ ông. Tấn tuồng bỉ ổi này đã kết thúc bằng việc sát hại ông Diệm, khai mào một thời kỳ hỗn mang về chính trị tại miền Nam Việt Nam, khiến chúng ta phải gửi quân vào tham chiến.
“Đứng đầu một nước trong thế giới thứ ba thường có nghĩa là tạo nên kẻ thù. Ông Diệm cũng thế thôi, không khác được. Ông ta là một người có những quyết định táo bạo, khởi xướng những chương trình rộng lớn nhằm cải thiện xứ sở ông, và thường hay làm phật ý những kẻ ủng hộ một kế hoạch khác, hoặc những kẻ thấy cuộc cải cách của ông đe dọa những quyền lợi mà họ có thể tiếp tục được hưởng, nếu giữ nguyên trạng.
“Cũng như mọi nhà lãnh đạo, ông Diệm có một vài quyết định tồi. Ông ta đã thay thế tập tục thôn xã tự trị bằng một hệ thống trung ương tập quyền, bổ nhiệm tỉnh trưởng, xã trưởng v.v.. và vì vậy làm hại sáng kiến địa phương là cơ sở của nền dân chủ. Ông ta đã làm mất lòng nhiều nhà lãnh đạo dân sự và quân sự sau cuộc đảo chính 1960. Ông ta dựa quá nhiều vào các thành viên gia đình để trị nước. Khi mà nền tảng chính trị vững chãi của ông bắt đầu bị xói mòn, thì ông ta càng trở nên độc đoán hơn.
“Ông Diệm cố giữ sự độc lập của mình, thường hay bác bỏ hay làm ngơ lời khuyên của các cố vấn Mỹ. Dầu sao ông ta cũng là một người quốc gia tự hào, không muốn nhận lệnh người Mỹ cũng như trước kia đã từng không chịu nhận lệnh của người Pháp. Có lần ông đã nói với một phóng viên:”Nước Mỹ có một nền kinh tế huy hoàng và nhiều ưu điểm. Nhưng sức mạnh của qúi vị ở Mỹ có tất nhiên có nghĩa rằng Hoa Kỳ có tư cách để chỉ huy mọi việc ở đây, tại Việt Nam này là nơi đang trải qua một cuộc chiến mà qúi vị chưa hề trải qua không? “
“Ông Diệm cho rằng mặc dầu ông có những ý kiến đôi khi khác với các kế hoạch gia Mỹ, nhưng Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh cuối cùng có thể tin cậy được. Ông cũng nghĩ rằng Hoa Kỳ không thấy ai có thể lãnh đạo thay ông. CẢ HAI ĐIỀU TRÊN ÔNG TA ĐỀU ĐÃ LẦM.”
“Trong khi Kennedy và các cố vấn của ông càng ngày càng trở nên bực bội với người bạn đồng minh cương nghị này, họ đã bắt đầu mờ mắt không còn nhìn rõ sự thể là vấn đề lúc ấy không phải là Nam Việt Nam có thể phát triển được một nền dân chủ hiến định hoàn hảo không, mà là nó có được một chính phủ có khả năng chống lại sự bành trướng của Cộng Sản nó (là chế độ) sẽ tiêu diệt hoàn toàn nền dân chủ không?” (4)
Người đọc không lấy làm lạ là Tổng Thống Nixon đã không cáo buộc Tổng Thống Diệm là bách hại hay kỳ thị tôn giáo. Ông khẳng định ở ngay chương đầu ( tr.10) rằng lập luận cho rằng những cuộc biểu tình của Phật tử chống ông Diệm năm 1963 do ông này đàn áp tôn giáo là hoàn toàn sai (false), và ở chương 3 ông đã dành ra 8 trang để chứng minh điều đó và kết luận (tr.65):
“Vấn đề đàn áp tôn giáo là hoàn toàn bịa đặt… Chính trị, chứ không phải tôn giáo đã ở trong đầu những kẻ núp đàng sau cuộc khủng hoảng.” (5)

Chú thích:
(1)Nhưng theo thiển kiến, người Việt Nam nên hận chính quyền Kennedy, mà tiêu biểu là bộ ngọai giao với những Harriman và Hilsman đầy thành kiến và óc tự tôn đã bằng mánh lới xảo quyệt và quyết tâm, muốn biến Việt Nam thành một nước bảo hộ mà không được, đã lật đổ nhà ái quốc Ngô Đình Diệm, gây nên một lỗ hổng chính trị khiến phòng tuyến chống cộng của thế giới tự do ở Đông Nam Á sụp đổ, buộc ông Johnson phải đem quân tác chiến vào miền Nam, biến cuộc chiến trở thành phi nghĩa vì có sự hiện diện của quân tác chiến Mỹ, mà không do một hiệp ước song phương nào, và cũng chẳng có lời tuyên chiến nào của quốc hội Mỹ.


Chính cái phi nghĩa đó đã khiến một siêu cường như Mỹ phải thất bại nhục nhã. Ông Nixon chỉ là nạn nhân phải đổ đống rác lớn của các chính quyền Dân Chủ. Nhưng những thành phần phản chiến Mỹ đã lên án ông nặng nề, cho ông là diều hâu số một tàn phá đất nước và tàn sát nhân dân Việt Nam với những cuộc dội bom “trải thảm” khủng khiếp. Còn ông và đảng Cộng Hòa thì cho rằng không dùng võ lực tối đa thì không thể nào bắt Cộng Sản Bắc Việt hội đàm nghiêm chỉnh để có thể ký một hiệp định đình chiến vớt vát danh dự cho Mỹ. Và việc để Miền Nam Việt Nam sau này lọt vào tay Cộng Sản là lỗi của quốc hội do đảng Dân Chủ nắm đa số, và cũng do áp lực của quần chúng Mỹ được các nhà báo phản chiến lèo lái. Cũng vẫn theo thiển kiến thì tất cả đều do một số lớn chính khách, giới trí thức, và nhất là nhà báo không nắm được tinh nghĩa của một cuộc chiến lúc đó, nó chẳng có gì giống những cuộc chiến tranh thế giới hay chiến tranh Triều Tiên trước kia.

(2) “Đừng Việt Nam nào nữa” có ý nói: “Đừng bao giờ vấp phải những lỗi lầm như trong cuộc chiến tranh Việt Nam nữa” Ông chỉ viết vẻn vẹn có 3 chữ vắn mà chúng tôi phải dùng tới 16 chữ để diễn nghĩa, mà cũng mới chỉ diễn được một nửa. Bởi vì ba tiếng đó đã từng được các đối thủ của ông dùng theo một nghĩa khác:” Đừng bao giờ can thiệp vào một nước nào khác nữa, giống như các chính quyền Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon đã can thiệp vào Việt Nam. “Ông Nixon, khi dùng ba từ “No more Vietnams” (”Đừng Việt Nam nào nữa”) làm nhan đề cuốn sách, đã dùng chúng với cả hai nghĩa nói trên.
(3) S.Đ.D. trang 70. Nguyên văn: “President Diem stabilized South Vietnam as a keystone holds up a dome. Political forces converge on him from all directions, but by balancing one against another, he locked all of them into place. And just as a keystone ‘s importance is not apparent unless it is removed, Diem’s vital role became clear only after his demise, when the entire South Vietnamese political system came crashing down,”
“What the coup supporters in the Kennedy administration should have known all along now became painfully clear: The choice in South Vietnam had been not between Diem and somebody better but between Diem and somebody worse.
“Whatever his faults, Diem possessed a significant measure of legitimacy. He was a strong leader of a nation that desperately needed strong leadership. With him gone, power in South Vietnam was up for grabs. The administration officials who had so eagerly hatched the plots against Diem soon discovered that their South Vietnamese collaborators were hopelessly bad leaders. Skills needed to overthrow a government are not useful for running one. Leading a coup and leading a country are two entirely different jobs. The chaotic leadership crisis that followed in South Vietnam was a direct consequence of the overthrow of president Ngô Đình Diệm.” Chúng tôi muốn nhấn mạnh mấy từ “chaotic leadership crisis” (cuộc khủng hoảng lãnh đạo đến hỗn loạn) ở đây. Trong hồi ký của tướng Nguyễn Cao Kỳ tác giả đã nói đến một năm với 7 lần thay đổi chính phủ. Và Phạm Kim Vinh trong “Cái chết của Nam Việt Nam” (trang 66) thì đếm 9 lần trong 18 tháng.


(4) S.Đ.D. Trang 62, 63. Nguyên văn: “We made our third critical mistake in South Vietnam in 1963. The Kennedy administration, increasingly frustrated with president Diem, encouraged and suppoted a military coup against his government. This shameful episode ended with Diem’s murder and began a period of political chaos in South Vietnam that forced us to send our own troops into the war. à.Being a ruler of a Third World country usually means making enemies. Diem was no exception. He was a bold decision-maker, initiating vast programs for the betterment of his country. Often he alienated those who supported a different plan or who saw his reform as a threat to their interests in preserving the status quo.
“Like all leaders, Diem made some poor decisions. He replaced the old custom of village self-government with a centralized system of appointed leaders, thereby undermining the local initiative on which democracy depends. He alienated many important civilian and military leaders in the aftermath of an attempted coup against him in 1960. He started to rely to heavily for his rule on members of his own family. As his strong political base began to erode, he became more authoritarian.
“Diem jealously guarded his independence, often rejecting or ignoring the advice of his American advisers. After all he was a proud Vietnamese nationalist who would not take order from Americans any more than he had from the French. “America has a magnificient economy and many good points,” he once told a reporter. “But does your strength at home automatically mean that the United States is entitled to dictate everything here in Vietnam, which is undergoing a type of war that your country has never experienced?”
“Diem assumed that despite his occasional difference of opinion with American policymakers, the United States was an ally he could depend on in the end. He also assumed that the United States saw no alternative to his leadership. He was WRONG ON BOTH COUNTS.”
“As Kennedy and his advisers grew increasingly unhappy with their strong-willed ally, they began to lose sight of the fact that the issue was not whether South Vietnam would develop a perfect constitutional democracy but whether it would have a government capable of resisting an expansion of Communist control that would destroy all democracy.”
(5) S.Đ.D. trang 10 và 65. Nguyên văn: “The issue of religious repression was a complete fabrication.”
“Politics, not religion, was in the minds of those behind the crisis.”
ttba
Chương 17
Frederick Nolting: Ngô Đình Diệm là con người bướng bỉnh.

Frederick Nolting (1911-1989), giáo sư danh dự đại học Virginia, năm 1957 là phó trưởng đoàn Hoa Kỳ trong tổ chức Hiệp Ứơc Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ Chức Hợp Tác Kinh Tế Âu Châu. Ông đến Saigon nhậm chức Đại sứ Hoa Kỳ cạnh chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 5 năm 1961, chỉ vài ngày trước khi phó Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson tới thăm viếng Nam Việt Nam. Ông là một trong số rất ít người trong bộ ngoại giao Mỹ kính trọng ông Diệm và quyết liệt binh vực lập trường giữ chủ quyền quốc gia của ông này trước chính phủ Mỹ, mặc dầu ông nhận thấy ông Diệm là người hết sức bướng bỉnh và rất khó thương luợng. 

Theo chương trình đã hoạch định sẵn từ trước, ông và gia đình đã rời Saigon đi nghỉ mát ở Âu Châu đúng vào thời gian xảy ra vụ khủng hoảng Phật Giáo, và chỉ trở lại Saigon ít ngày sau khi chính phủ Mỹ đã quyết định thay ông bằng đại sứ Henry Cabot Lodge. Ông rất ân hận là đã không có mặt vào thời gian đó để giúp chính phủ Việt Nam dàn xếp ổn thỏa cuộc khủng hoảng. Nhưng lại có người như ngọai trưởng Mỹ Dean Rusk cáo buộc ông là đã trốn tránh khó khăn, khiến ông phải lên tiếng tự bào chữa. Trong thư tự bào chữa này, cũng như trong tác phẩm “Từ tín nhiệm đến thảm kịch”(1) xuất bản năm 1988, ông đã “lấy làm tiếc và rất buồn” phải nói lên sự thật là bộ ngoại giao Mỹ đã phạm lỗi lầm ngớ ngẩn nghiêm trọng trong việc cổ võ cho cuộc đảo chính 1963 lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

 Ông đã trưng dẫn khẩu hiệu “Diệm must go” (2) mà ông nói có bằng chứng rằng ông Averell Harriman đã phát biểu và trở thành một thứ mệnh lệnh, một thứ danh xưng của nhóm chống ông Diệm: nhóm “Diệm must go”.) Ông Harriman lúc ấy là thứ trưởng ngoại giao dưới quyền ngoại trưởng Dean Rusk. Còn chính ngoại trưởng thì sau này lại phủ nhận: “Việc lật đổ ông Diệm không phải là chính sách, chủ trương của chính quyền Kennedy.” Nhưng ông Nolting đã trưng dẫn tài liệu Ngũ Giác Đài cho biết chính ông Rusk, với tư cách là ngoại trưởng đã đồng ý công điện do các ông Harriman và Hilsman soạn thảo gửi cho đại sứ Lodge nguyên văn như sau: “Chính phủ Hoa Kỳ sẽ ủng hộ cuộc đảo chính có cơ thành công, nhưng không tính để quân lực Mỹ dính líu trực tiếp” và đại sứ Henry Cabot Lodge đã điện cho bộ ngoại giao cũng nguyên văn như sau:


“Chúng ta đã dấn sâu vào con đường không có lối quay đầu trở lại mà không mất mặt: sự lật đổ chính quyền Diệm.”
Ông Nolting hỏi vặn ông Rusk:
“Nếu đại sứ Lodge không nói nhân danh chính phủ Kennedy thì tại sao không bị Tổng Thống Kennedy ngăn cản hay triệu hồi?” (3)
Có thể là chính ông Rusk không chủ trương lật ông Diệm, nhưng đã bị thứ trưởng Harriman và phụ tá ngoại trương Hilsman qua mặt và Tổng Thống Kennedy đã ký công điện khi đinh ninh rằng thủ trưởng của hai ông này đã duyệt khán trước. Nhưng đàng nào thì cũng “tội quy vu trưởng.” Ông Rusk không tránh né được.


Sau khi đã rời hẳn Saigon về Mỹ ông Nolting vẫn thường được Tổng Thống Kennedy tín nhiệm mời tới dự các phiên họp của hội đồng chính phủ có liên hệ đến Việt Nam. Nhưng tiếng nói của ông không được tiếp thu đúng mức. (Tuy vậy còn khá hơn phó Tổng Thống Johnson là người thổ lộ với Nolting rằng ông không lên tiếng vì Tổng Thống Kennedy bảo dự để biết mà theo rõi thôi.) Vì vậy sau khi ông Diệm bị lật đổ, ông Nolting lấy cớ không đồng ý với cách hành xử của bộ ngoại giao, từ chức về hưu. Trong thư riêng gửi Tổng Thống Johnson ngày 25 tháng 2 năm 1964, trình bày lý do từ chức của ông có đoạn:

“Tôi không chối là quyết định xin nghỉ của tôi đã bị ảnh hưởng bởi sự bất đồng thuận mạnh mẽ của tôi đối với một số hành động (của chính phủ) đã được tiến hành vào mùa thu vừa qua, với những hậu quả bất lợi có thể tiên đoán được.”
Tóm lại Nolting chủ trương nên ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa trong tinh thần tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam, không xen vào nội bộ của nước này, đồng thời cố gắng và kiên nhẫn góp ý, hỗ trợ cho chính quyền càng ngày càng trở nên dân chủ và được lòng dân hơn. Như vậy lập trường của ông trái ngược hẳn với nhóm “Diệm must go” chủ trương xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xen vào nội bộ của nước bạn. Ông đã thất bại trong chủ trương của ông mà ông cho là đúng đắn nên ông từ chức.


Theo ông Nolting thì Tổng Thống Kennedy bổ nhậm ông làm đại sứ tại Việt Nam là để hàn gắn sự sứt mẻ tín nhiệm với Tổng Thống Diệm do vị tiền nhiệm của ông là cựu đại sứ Elbridge Durbrow gây ra. Ông này đã khuyến cáo quá quyệt liệt Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải đưa ông Ngô Đình Nhu đi khỏi Saigon làm đại sứ cho một quốc gia nào đó, mà ông Diệm không bằng lòng. Và một phần cũng do vụ đảo chính hụt 1960 đã gây nghi ngờ có bàn tay của nhân viên sứ quán Mỹ.
Ông cũng cho biết: đối với hầu hết mọi người Mỹ ông Diệm là một sự kỳ bí, mặc dù đã sau 7 năm chung đụng trong vấn đề hợp tác viện trợ. Nhưng riêng đối với ông thì “những ai hiểu ông Diệm nhất xem ra là người kính trọng ông ta nhất.”(4)


Ở chương 10 bạn đọc đã thấy các ông Newman và Karnow thuật lại lời phó Tổng Thống Johnson ví ông Diệm với thủ tướng Churchill của Anh. Trong tác phẩm “From Trust to Tragegy” ông Nolting nói ông Johnson trong một bữa tiệc khác còn so sánh ông Diệm với 2 vị Tổng Thống nổi tiếng của Mỹ là Andrew Jackson và Woodrow Wilson (5). Còn chính Nolting thì sau khi được ông Diệm cho xem họa đồ kiến trúc trường Võ Bị Quốc Gia Dalat mà chính ông Diệm vẽ, đã bảo có lẽ phó Tổng Thống Mỹ nên thêm tên Tổng Thống Thomas Jefferson (6), kiến trúc sư, vào danh sách các Tổng Thống Mỹ nêu trên. Và ông Nolting nhận thấy ánh mắt ông Diệm có vẻ vui, mặc dầu ông Diệm bảo phó Tổng Thống Johnson quá lời. Còn lời của vị đại sứ chắc ông Diệm hiểu đó chỉ là câu nói đùa.


Vì đã được vị tiền nhiệm cho biết trước nên lần đầu tiên hội kiến với Tổng Thống Diệm tại Dalat, ông Nolting đã sẵn sàng để chấp nhận một cuộc độc thoại liên tu bất tận. Nhưng sau này ông đã viết:
“Cuộc hội đàm của chúng tôi kéo dài 6 giờ. Thực sự, xem ra không thấy lâu mấy, vì tôi thấy những đề tài mà chúng tôi thảo luận vô cùng hấp dẫn. Ông (Diệm) khởi sự bằng việc giải thích lịch sử Việt Nam, từ thời quá khứ xa xăm qua các cuộc chiến tranh với Trung Hoa, cuộc chiếm đóng của quân Pháp, quân Nhật, và thời kỳ hỗn loạn sau thế chiến 2. Những tài liệu nghiên cứu phong phú về dân tộc Việt Nam, về nguồn gốc, văn hóa, và vận mệnh của dân tộc đó bắt đầu trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, chấm dứt, không phải trong hiện tại, mà mãi nhiều thế kỷ trong tương lai. Những điều đó được trình bày bởi một người rõ ràng bị ám ảnh bởi nhu cầu giải thích cho tôi, —và qua tôi cho chính phủ của tôi— biết rõ lẽ sống của ông, chính là cứu nước ông một lần nữa thoát khỏi nền văn hóa ngoại lai, lần này (nền văn hóa ngoại lai đó) khoác bộ áo Cộng Sản.


“Tôi đã có đọc lịch sử Việt Nam, và đã biết các cuộc chiến tranh giành độc lập của xứ sở này, và cũng đã biết là ông Diệm hiểu biết tường tận, thấu đáo vấn đề. May mắn là tôi cũng đã có một căn bản hiểu biết đáng kể về triết học và khoa tôn giáo đối chiếu. Nhưng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị để nghe những điều như thế này. Càng nghe tôi càng thích thú. Tôi đặt những câu hỏi. Mỗi câu hỏi lại mở ra một chương mới, và sau một thời gian tôi nhận ra sự dấn thân tận hiến và lòng say mê của con người này, là người đã hiến trọn đời mình để giữ cho bằng được căn cước lịch sử của dân tộc của ông ta và ông ta hiểu nó, yêu thích nó.” (7)
Ông Nolting ghi nhận là Tổng Thống Diệm tuy ghét những phương pháp và triết lý của ông Hồ Chí Minh, nhưng kính trọng sự quyết tâm giành độc lập của ông này. Và theo ông Nolting có lẽ vì vậy ông Diệm cố tranh đua với ông Hồ về phương diện giữ chủ quyền của Việt Nam không muốn để mang tiếng làm theo lệnh Mỹ. Muốn thực lòng giúp Việt Nam trong việc chống Cộng Sản thì phải hiểu cái tâm lý đó của ông Diệm. Không nhận ra điều đó thì thực sự thấy ông Diệm là con người kỳ bí. Ông viết ở đầu chương 4 S.Đ.D. như sau:


“Cho đến lúc này cáo buộc quan trọng nhất của ông ta là ngườì Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ông ta không muốn người Mỹ đoạt lấy trách nhiệm của Việt Nam. Ông ta không muốn quân lực Mỹ chiến đấu cho nền độc lập và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Ông bảo tôi: (8)“Nếu chúng tôi không tự mình thắng cuộc chiến này với sự viện trợ vô giá của qúy quốc thì như vậy chúng tôi sẽ thua và thua là đáng đời”. Ông ta vô cùng cương quyết trong vấn đề này vì ông ta cảm thấy rằng nếu chính phủ Nam Việt Nam trở nên lệ thưộc vào Hoa Kỳ thì như vậy chứng tỏ luận cứ của Việt Cộng là đúng. Việt Cộng thường nói rằng: “Nếu các anh cúi đầu thần phục Hoa Kỳ thì các anh sẽ thấy các anh đúng chỉ là thuộc địa của Mỹ cũng như 75 năm về trước Việt Nam đã từng là thuộc địa của Pháp.” Về điểm tế nhị này tôi đã có thể trấn an ông ta, vì toàn bộ ý niệm của những khuyến cáo cho toán đặc nhiệm cũng như những huấn thị cho tôi do Tổng Thống Kennedy ban hành, là phải giúp Nam Việt Nam tự bảo vệ nền độc lập tự do của họ cho chính họ.”


Ở một đọan khác ông Nolting nhắc lại và nhấn mạnh cả 2 vị Tổng Thống Việt Nam và Hoa Kỳ đều không muốn có quân tác chiến tại Nam Việt Nam. Coi như đó là một trong ba nguyên tắc căn bản của viện trợ Mỹ nhằm bình định miền Nam Việt Nam chống chiến tranh khuynh đảo và phá hoại của Cộng Sản. Một nguyên tắc nữa cũng quan trọng không kém là không can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ông viết:
“Việc đưa quân tác chiến vào Nam Việt Nam được loại bỏ. Tổng Thống Diệm không muốn có chúng. Tổng Thống Kennedy không muốn gửi chúng sang. Nguyên tắc thứ ba là Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào nội bộ Nam Việt Nam, không tìm cách tiếm quyền của chính phủ Nam Việt Nam hay tìm cách kiểm soát sự điều khiển chiến tranh. “ (9)


Ông Nolting đã thành công trong việc xin chính quyền Mỹ xác nhận bằng công điện những điều đó, khiến ông Diệm hoàn toàn vừa ý. Nhưng theo ông Nolting thì báo chí Mỹ, được đại diện bởi một số rất ít phóng viên trẻ không nắm đầy đủ ý nghĩa của những nguyên tắc căn bản đó, và cả một số lớn giới chức cao cấp trong bộ ngoại giao cũng không thấu đáo hoàn cảnh Việt Nam, hoặc có mặc cảm tự tôn đối với chính quyền của ông Diệm cho nên mới có những chuyện ép Tổng Thống Diệm phải làm điều nọ, áp dụng biện pháp kia, kể cả việc loại trừ người em của Tổng Thống Diệm v.v…, nghĩa là vi phạm trắng trợn những điều đã cam kết, can thiệp ngang nhiên vào công việc nội bộ của một chính quyền hợp hiến, được nhân dân bầu lên. Trong số những người này ông đã nêu đích danh nhà báo David Halberstam, thứ trưởng ngoại giao Averell Harriman và đại sứ Cabot Lodge, người kế vị ông.


Về thứ trưởng ngoại giao Harriman, ông đã thuật lại cuộc hội kiến gay go của ông này với Tổng Thống Ngô Đình Diệm về vấn đề Ai Lao, đặc biệt là về thỏa ước trung lập hóa Ai Lao mà thoạt tiên Tổng Thống Diệm không chịu ký. Ông Harriman có lẽ có ác cảm với Tổng Thống Diệm từ đó. Ông đã lợi dụng lúc ngoại trưởng Dean Rusk và Tổng Thống Kennedy bận tâm về nhiều vấn đề khác quan trọng hơn như cuộc khủng hoảng Bá Linh chẳng hạn, (gần như khoán trắng vấn đề Việt Nam cho ông Harriman, như có lần ông Nolting xin ý kiến ngoại trưởng Dean Rusk để giải quyết một vấn đề Việt Nam, ông Rusk đã bảo hỏi ông Harriman và nói “Averell (tên gọi của Harriman) is handling it”), để cùng với các ông Roger Hillsman và Michael Forrestal, nhân lúc các vị Tổng Thống, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng ngoại giao, Giám đốc CIA vắng mặt, thảo công điện khẩn gửi cho đại sứ Lodge bật đèn xanh cho nhóm tướng lãnh bất mãn tiến hành cuộc đảo chính.


Ông Nolting không đả động gì đến số tiền triệu mà Trung Tướng Trần Văn Đôn đã nói đến trong “Việt Nam nhân chứng” của ông, là món tiền CIA Lou Conein dùng để “thù lao” cho các tướng tá đảo chính. Có lẽ vì ông không được biết hay biết mà không nỡ nói ra vì nó quá dơ bẩn, chẳng những sỉ nhục các tướng lãnh Việt Nam mà còn làm mất danh dự của đại sứ Cabot Lodge, là đại diện của nước ông. Nhưng ông đã nêu tài liệu của Ngũ Giác Đài chứng minh đại sứ Lodge và bộ ngoại giao Mỹ có nhúng tay vào cuộc đảo chính này như chúng tôi đã trưng dẫn ở trên.
Nếu đại sứ Nolting là người cố giữ nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ Việt Nam và cố chỉ dùng ngoại giao và giao tế cá nhân cùng với phương pháp thuyết phục để giúp chính phủ Ngô Đình Diệm cải tiến, thì trái lại, người kế vị ông là đại sứ Henry Cabot Lodge (1902-1985) lại dùng thái độ kẻ cả, bất thân thiện, thậm chí miệt thị để làm áp lực với chính quyền Diệm. Và khi thấy không thành công đã giúp các phe phái chống đối khuynh đảo, rồi tiến hành đảo chính lật chính phủ hợp hiến được nhân dân bầu lên.
Tuy vậy sau này thấy hậu quả tai hại của việc lật ông Diệm, ông Lodge đã cố tự bào chữa là ông chỉ làm theo lệnh của bộ ngoại giao muốn Tổng Thống Diệm phải đưa ông Nhu đi nước ngoài, chứ không hề có ý định giúp phe chống đối lật ông Diệm. Ông Lodge còn dè dặt khen ông Diệm về một vài điểm. Chẳng hạn, trong cuốn “Bão có nhiều tâm” (”The storm has many eyes”, W.W. Norton Company Inc., New York, 1973) ông Lodge viết:
“Tôi nhận huấn thị nêu (với ông Diệm) vấn đề đưa ông Nhu ra ngoại quốc.”
“Nhưng ông ta (Diệm) cũng có mặt hết sức hấp dẫn. Ông ta là người tiếp khách thanh lịch, như vợ chồng tôi đã nhận thấy khi ông ta —trước khi chết một tuần—đưa chúng tôi đi thăm vùng cao nguyên trong cuộc hành trình dài bằng máy bay thường, máy bay trực thăng, và xe hơi cuối ngày thì tới thành phố Dalat với đồi núi rất ngọan mục. Ông ta là con người can đảm và yêu quê hương ông ta. Mặc dầu chỉ mới quen biết ông ta vài tuần lễ, tôi cũng đau buồn một cách sâu xa về cái chết của ông ta và ghê tởm về cách thức gây nên cái chết đó.” (10)


Ngoài những lời khen dè dặt nhắm vào cá nhân ông Diệm nêu trên, ông Lodge giữ ý không khen mà cũng không chê những gì ông Diệm đã làm với tư cách người lãnh đạo chính phủ. Ông chỉ nói một cách hết sức tóm tắt và cân nhắc rằng tuy ông Diệm trong quá khứ đã là một nhà lãnh đạo có khả năng, nhưng chính quyền ông đã bước sang giai đoạn kết thúc (11).
Để bào chữa cho việc lật đổ ông Diệm, xen vào nội bộ Việt Nam, ông Lodge đã đưa ra những luận cứ lúng túng, thiếu tính thuyết phục như sau:


“Ngày 25 tháng 8 tôi nhận công điện, thường công bố, từ Hoa Thịnh Đốn nói rằng Hoa Kỳ phải “đối phó với khả năng loại trừ ngay cả Diệm.” Công điện nói rằng “Hoa Kỳ không thể chấp nhận tình trạng quyền hành nằm trong tay Nhu”—khi nói về em ông Diệm—và chỉ thị cho tôi làm một kế hoạch chi tiết xem bằng cách nào chúng ta có thể thực hiện việc thay thế Diệm.”
“Thoạt tiên kế hoạch của tôi là trực tiếp, hay qua trung gian, tiếp xúc với các tướng lãnh mà chúng tôi tin là thích lật Tổng Thống Diệm, để biết ý định của họ, tìm biết chi tiết về các cuộc điều động quân sĩ, là điều thường có tính cách quyết định, rồi sau đó xem có thể làm được gì, nếu có gì có thể làm được. Hơn nữa tôi còn được phép bảo cho các tư lệnh thiÔch hợp biết chúng ta sẽ trực tiếp ủng hộ trong bất cứ thời kỳ chuyển tiếp nào nếu thất bại.”
“Tôi đã làm hết sức mình để thực thi huấn thị đã nhận, mà không biết rằng vào lúc đó các huấn thị đó chưa đựợc thông qua bởi các giới chức cao cấp nhất.
“Ngày 25 tháng 8 tôi đề nghị cho các tướng mà chúng tôi tin rằng thù nghịch ông Diệm biết rằng Hoa Kỳ ủng hộ ông Diệm, nhưng có sự dè dặt nghiêm trọng đối với ông bà ông Nhu.
“Ngày 28 tháng 8 bộ ngoại giao bảo tôi họ chấp thuận điều đó, nhưng vẫn tin rằng Nhu phải đi và “một cuộc đảo chính là cần thiết.”
“Rất có thể những từ này đã là cơ sở cho người ta cáo buộc rằng cuộc đảo chính lật ông Diệm, theo tài liệu Ngũ Giác Đài được trích dẫn, đã được Hoa Kỳ cho phép, chấp thuận và khuyến khích bằng những cách khác nhau.
“Ngày 30 tháng 8 công điện ngày 25 và công điện ngày 28 tháng 8 được hủy bỏ. Sự hủy bỏ này thực sự đã gạt bỏ cơ sở để cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ, dưới quyền Tổng Thống Kennedy đã “cho phép, chuẩn y và khuyến khích cuộc đảo chính.” (12)
Ở đây ông Lodge chỉ nói đến âm mưu đảo chính, bất thành vì nhiều lý do, được toan tính vào hạ tuần tháng 8. Mà không nói gì đến cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11. Dựa vào sự hủy bỏ một công điện để nói rằng không có công điện đó là một cách biện bạch không có tính thuyết phục. Vì có thể là ý đồ đảo chính gặp trở ngại nên bất đắc dĩ phải (tạm thời) hủy bỏ lệnh thực hiện, để rồi 3 tháng sau thực hiện. Dù sao thì ý định thực hiện đã có thực. Hơn nữa những tài liệu sau đã cho thấy rõ bàn tay của chính quyền Kennedy trong cuộc đảo chính khiến ngay cả Karnow cũng phải công nhận, như đã thấy trong chương 11. Trong số những tác giả được trích dẫn trong soạn phẩm này Schlesinger, Cabot Lodge, Nguyễn Chánh Thi là những người cực lực phủ nhận không hề có bàn tay của Mỹ.


Có một số sự việc cho thấy Ông Cabot Lodge là người xảo quyệt. Ông tích cực nhất, nếu không nói là trụ cột trong việc lật và cả giết ông Diệm nữa, nhưng lại không phê bình hay chê trách ông Diệm mà còn khen, như đã nói, mặc dầu lời khen đó khác tất cả những lời khen của những người ngưỡng mộ ông Diệm. Thấy nhiều người, kể cả Hồ Chí Minh, khen ông Diệm là người yêu nước, thì ông cũng miễn cưỡng viết: “ông ta yêu xứ sở của ông ta” (he loved his country), chứ không dùng những từ “nationalist, hay patriot”.

Ông Nolting cho biết khi gặp nhau ở Honolulu hai người xem ra đồng ý với nhau là không nên xen vào nội bộ của Việt Nam và ông Lodge có vẻ sẵn sàng tiếp tục đường lối của ông Nolting. Nhưng khi đến Saigon ông đã làm ngược hẳn lại. Chỉ một thời gian vắn sau ngày trình ủy nhiệm thư, ông không thèm gặp ông Diệm và ngay cả đại tướng Harkins là người có cùng quan điểm chính trị với ông Nolting.


Trong thời gian có vụ khủng hoảng Phật giáo, ông Lodge đã cho thượng tọa Trí Quang trốn ngay trong tòa đại sứ Mỹ. Nhưng đã không làm gì để bảo đảm an toàn tính mệnh cho hai ông Diệm Nhu lúc bị lật. Thế mà trong hồi ký “Bão có nhiều tâm” ông lại nói là rất đau lòng và kinh tởm về hình thức cái chết của ông Diệm. Sử gia Hoàng Ngọc Thành đã gọi thái độ này là nước mắt của kẻ sát nhân khóc nạn nhân của y.

Ông McNamara trong phúc trình gửi Tổng Thống Johnson cuối năm 1963, 2 tháng sau khi ông Diệm bị lật đổ, đã viết rằng ông Cabot Lodge suốt đời luôn hành động thui thủi một mình, chẳng màng đến ai, (tài liệu Ngũ Giác Đài trang 272) có ý nói ông không chịu tham khảo ý kiến của các cơ quan bạn hay chính quyền nước bạn. Việt Nam ta có câu: “Ao rậm mà lắm cá trê, những người lẩm ngẩm mà ghê tinh thần”.

Luật sư Lâm Lễ Trinh gần đây có nhận xét trên tờ nguyệt san Diễn Đàn Phụ Nữ cuối năm 1997, đại ý tiếc rằng lòng tự ái quá cao của hai ông Lodge và Diệm đã dẫn đến cái chết bi thảm của ông này. Tuy không hoàn toàn đồng ý với vị cựu bộ trưởng Tư Pháp Đệ Nhất Cộng Hoà, tôi cũng có ý nghĩ ông Lodge là con người đầy lòng tự tôn, vì tự ái cá nhân cũng có mà vì tự ái dân tộc cũng có, ông muốn Tổng Thống của nước bạn phải khuất phục trước cường lực của một siêu cường mà không được, nên thà hy sinh ông Diệm chứ không để mang tiếng khuất phục ông Diệm. Khi gần chết ông đã phải thú nhận ông sai lôi theo cái sai và sự thất bại của nước Mỹ. (13)


Ngoài ông Cabot Lodge, Nolting cũng nói đến một người khác tại bộ ngọai giao có trách nhiệm lớn trong việc lật ông Diệm là thứ trưởng ngoại giao Averell Harriman (thăng chức thứ trưởng ngày 4 -4-1963), mà ông cho là con người nóng nảy, bướng bỉnh, hành động theo cảm tính hơn là theo lý trí. Có lần ông Harriman đã quát tháo bảo ông “Hãy im cái mồm. Tôi đã nghe ông nói điều đó rồi.” Về tính ương ngạnh, bướng bỉnh, Nolting cho rằng Harriman, Ngô Đình Diệm hai người một bên tám lạng một bên cũng nửa cân. Nhưng lý do của sự bướng bỉnh thì lại khác.

 Ông viết:
“ÔNG DIỆM LÀ CON NGƯỜI BƯỚNG BỈNH. Ông Harriman cũng vậy. Điều khác biệt, theo thiển kiến, là một người thì có những lý do thông minh để giữ lập trường của mình, còn một người thì không. Họ đã đụng nhau kịch liệt lần đầu tiên về vấn đề hiệp ước 1962 về Ai Lao.”(14)
Tác phẩm “From Trust To Tragedy” chỉ dài 130 trang, không kể phần hình ảnh, ghi chú. Nhưng đó là 130 chứng cứ hùng hồn về lòng yêu nước của ông Diệm, con người quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đến chết. Ông Nolting đã không ngần ngại tố giác, lên án những người đồng hương của ông để chứng minh lòng yêu nước của ông Diệm. Vì vậy mà không thiếu người Mỹ ghét ông. Nhưng ông đã can đảm, noi gương Ngô Đình Diệm giữ tiết tháo của mình để nói lên sự thực.

Chú thích:
(1) Nguyên tác “From Trust To Tragedy”, nxb Praeger, N.Y. 1988.
(2)Tạm dịch “Diệm phải xuống”
(3) S.Đ.D. trang 143. Nguyên văn những đọan trích dẫn trong ngoặc kép: “It was not the policy of the Kennedy administration to overthrow President Diem.” The Pentagon Papers, to the contrary, state that you as secretary of State cabled the Embassy in Saigon: “The U.S. government will support a coup which has a good chance of succeeding but plans no direct involvement of U.S. armed forces.” “We are launched on a course from which there is no respectable turning back: the overthrow of Diem government.” If Ambassador Lodge was not speaking for the Kennedy administration, why was he not restrained or recalled by the President?”
(4) S.Đ.D. trang 16, nguyên văn: “for even then, after seven years of Diem’s leadership of South Vietnam and of American aid and moral support to his country, he was an enigma to most Americans… Regarding president Diem himself, I noted that those who knew him best seemed to respect him most.”
(5) Hai vị Tổng Thống thứ 7 và thứ 28. Ông này được giải thưởng Nobel về hòa bình, sau đệ nhất thế chiến.
(6) Thomas Jefferson (1743-1826) là Tổng Thống thứ 3 của Hoa Kỳ, người đã soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập năm 1776. Người Mỹ không ai không biết tên vị Tổng Thống này, cũng như Abraham Lincoln và George Washington.


(7) S.Đ.D. trang 22-23. Nguyên văn: “Our first conversation last six hours. Actually, it did not seem nearly so long, for I found the subjects we discussed fascinating. Diem led off with his interpretation of Vietnamese history, from the ancient past, through the Chinese wars, the French occupation, the Japanese conquest, and the confused aftermath of World War II. His richly documented survey of the Vietnamese people, their origins, their culture, and their destiny started before the Christian era and ended, not in the present, but several centuries in the future. It was presented by a man obviously obsessed by the need to explain to me—and through me to my government—his raison d’être, which was nothing less than to save his country once again from an alien culture, coming this time in a garb of Communism. I had read some Vietnamese history, I knew about its wars for independence, and I had heard of Diem’s depth of penetration into a subject. Fortunately I had a considerable background of philosophy and comparative religion. But I was not prepared for anything like this. I listened with growing interest. I asked questions. Each question opened up a new chapter, and after a while I began to realize the dedication and passion of this man, who had devoted his life to the preservation of his people’s historic identity, and understood and loved it.”


(8) S.D.D. trang 33-34. Nguyên văn: “By far the most important were his charges of American interference in Vietnamese internal affairs. He did not want South Vietnam’s responsibilities taken over by the United States. He did not want the American forces to fight the battle for South Vietnamese independence and selfđetermination. “If we can not win this struggle ourselves,” he told me, “with the invaluable help you are giving, then we deserve to lose, and will lose.” He was adamant about this because he felt that if the government of South Vietnam become dependent on the United States, it would merely prove the Vietcong argument that “if you bow down to the United States, then you are going to find yourselves an American colony.” On this sensitive point I was able to reassure him, since the whole idea behind the Task Force recommendations and my instructions from President Kennedy was that we were going to help the South Vietnamese maintain their freedom themselves, for themselves.”


(9) S.Đ.D. trang 39, nguyên văn: “The introduction of U.S. combat forces was ruled out. President Diem did not want them. President Kennedy did not want to send them. Three, there would be no interference by the United States in South Vietnam internal affairs—no attempt to usurp the powers of South Vietnamese government or to take control of the conduct of the struggle.”
(10) S.Đ.D. tr. 207 và 208. Nguyên văn: “I also was instructed to bring up especially the idea of having Nhu leave the country. ” và ”But he had a most attractive side as well. He was a very gracious host, as my wife and I found when he took us—a week before his death—on an airplane- helicopter- automobile trip to the high plateau, ending the day at the charming hill town of Dalat. He was courageous and loved his country. Although I had only known him for a few weeks, I was deeply grieved by his death and horrified at the form it took.”
(11) S.Đ.D. tr. 207, nguyên văn: “Although President Diem had been an effective leader in the past, his rule was clearly entering its terminal phase”

(12) S.Đ.D. tr. 208 và 209, nguyên văn: “On August 25 I received the oft-published cable from Washington saying that the United States must “face the possibility that Diem himself cannot be preserved.” The cable said that “the United States cannot tolerate a situation in which the power lies in Nhu ‘s hands” —referring to Diem’s brother— and instructed me to “make detailed plans as to how we might bring about Diem’s replacement.” My plans initially involved getting in touch, in person or through others, with the generals believed to be interested in overthrowing President Diem so as to learn of their intentions, to get details on the specific troop movements which are often so crucial, and then to see what, if anything, we should do. I was further “authorized to tell the appropriate commanders that we would give direct support in any interim period of breakdown.” I did my best to carry out my instructions, not realizing at the time that they had not been cleared at the highest levels. On August 25 I suggested that we tell the generals believed to be hostile to Diem that the United States supported Diem, but had grave reservations about Diem’s brother and sister-in-law. On August 28, the State Department told me that it approved of this but it continued to believe that Nhu must go and “coup will be needed.” Presumably, these are the words on which was based the accusation, subsequently made so often, that the coup against Diem was, to quote the Pentagon Papers, “variously authorized, sanctioned and encouraged” by the United States. On August 30 the telegrams of August 25 and August 28 were canceled. This cancellation in effect removed the basis for the charge that the United States government, under the administration of President Kennedy, had “variously authorized, sanctioned and encouraged a coup.”


(13) “From Trust To Tragedy” trang 136. Nolting viết: “Trước khi qua đời vào năm 1985, đại sứ Cabot Lodge đã gửi thư cho người bạn cũ là Corliss Lamont, mà ông đã bất đồng quan điểm về chính sách Việt Nam trong thời gian lâu. Bức thư này đã được công bố trên “tập san Harvard tháng 11 năm 1985. Nguyên văn bức thư: “Dear Corliss, Regarding your open letter of November 1, 1965, concerning me—you were right—We were wrong and we faileđ-I should have resigned sooner. Thank you for your most interesting book which I am reading with avidity. Best wishes always, Cabot. August 2, 1984.” Tạm dịch: “Corliss thân. Về bức thư ngỏ của anh đề ngày 1 tháng 11 năm 1965 liên quan đến tôi—anh nói đúng—Chúng ta đã lầm và đã thất bại. Đáng lẽ tôi đã phải từ chức sớm hơn. Cám ơn anh về cuốn sách hay nhất của anh mà tôi đang đọc với sự thèm khát.
(14) S.Đ.D. trang 81. Nguyên văn: “Ngô Đình Diệm was a stubborn man. So was Harriman. The difference, it seemed to me, was that the one had intelligent reasons for his position and the other did not. They clashed first over the Laos treaty of 1962.” Đây là hiệp ước nhằm trung lập hóa Ai Lao mà Harriman có thể được coi như tác giả chính. Hiệp ước này là lỗi lầm lớn về chiến lược của Hoa Kỳ mà Harriman đại diện, Harriman một cựu đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa từ nhiều năm trước, người tự phụ am tường chiến luợc Cộng Sản, đặc biệt tin tưởng một cách ngây ngô rằng mình nắm chắc phía Liên Sô không đời nào để đàn em Bắc Việt vi phạm; nhưng thực tế Bắc Việt đã luôn luôn vi phạm mà Liên Sô chẳng bao giờ có hành động gì như lòng mong mỏi của Harriman. Ông Diệm đã cảnh cáo trước mà Harriman không tin, nhất định dùng áp lực “Cúp viện trợ” để ép ông Diệm. Nhờ tài thuyết phục của ông Nolting, như ông này đã viết, chứ không vì áp lực thô bạo của Harriman, ông Diệm đã nín nhịn và chịu ký để bám lấy viện trợ Mỹ mà chống chọi với Cộng quân mà ông nhìn thấy tỏ tường đang được tăng cường càng ngày càng nhiều do cái hiệp ước ngu xuẩn này.
ttba
Chương 18
Arthur M. Schlesinger, Jr: Diệm là người hết sức câu nệ truyền thống. Ông ta thi hành một chính sách gia đình trị theo kiểu Đông Phương.

Arthur M. Schlesinger (15-10-1917) là sử gia đã từng được giải thưởng Pulitzer về lịch sử và cũng đã từng là giáo sư sử, trường đại học nổi tiếng Harvard. Ông được Tổng Thống John F. Kennedy chọn làm phụ tá đặc biệt, có một văn phòng làm việc ngay tại tòa Bạch Ốc. Vì vậy ông đã có thể quan sát, theo rõi mọi hoạt động không những của riêng Tổng Thống mà còn của chính phủ, đồng thời gián tiếp theo rõi tình hình các quốc gia có liên hệ với Hoa Kỳ trong thời gian Tổng Thống Kennedy tại chức, trong đó có Việt Nam. Năm 1965, tức 2 năm sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Schlesinger cho ra đời cuốn “Môt nghìn ngày” (1) nói về gần ba năm cầm quyền của Tổng Thống Kennedy.(2) Trong tác phẩm trên 1000 trang này ông đã để ra hai chương XX và XXXVII, tổng cộng 65 trang để nói về hoạt động của Tổng Thống Kennedy tại Nam Việt Nam và mối tương quan giữa hai vị Tổng Thống Hoa Kỳ và Việt Nam, nhất là về những quyết định quan trọng của tòa Bạch Ốc trước khi hai vị Tổng Thống này bị sát hại chỉ cách nhau 3 tuần lễ dẫn đến thảm kịch cho cả hai quốc gia.

Có lẽ để bênh vực Tổng Thống Kennedy, hoặc không được đọc những điện tín mật trao đổi giữa đại sứ Cabot Lodge và các giới chức bộ ngoại giao, cũng như giữa Tổng Thống Kennedy và ông Lodge, nên sử gia Schlesinger là một trong những người kịch liệt phủ nhận tin có bàn tay người Mỹ trong cuộc đảo chính 1963 tại Saigon. (3) Ông viết:
“Điều quan trọng cần nói cho rõ là cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, hoàn tòan được hoạch định và thi hành bởi người Việt Nam. Tòa đại sứ Mỹ cũng như CIA không có liên hệ trong việc xúi bẩy hay thi hành.”(4)


Để một lần nữa quyết liệt bênh vực cho Tổng Thống Kennedy tác giả còn nói chính Tổng Thống bảo nếu đại sứ Lodge đồng ý thì chúng ta nên chỉ thị cho ông ấy ngăn cản cuộc đảo chính (5). Có lẽ tác giả muốn nói Tổng Thống không muốn lật ông Diệm, nhưng vì áp lực của bộ ngoại giao và tòa đại sứ? Nhưng tác giả lại cũng bênh vực cả đại sứ Lodge bằng cách trưng dẫn sự việc chính ông Lodge dẫn đô đốc Felt tới thăm ông Diệm vào trưa ngày đảo chính để chứng minh rằng ông Lodge chẳng biết gì cả. Nhưng nếu đã đọc ông Trần Văn Đôn và Newman, thì lại thấy sự có mặt của ông Lodge tại dinh Tổng Thống Việt Nam vào giờ đó là nhằm cầm chân ông Diệm để ông ta khỏi đi Dalạt thình lình mà hỏng kế hoạch (6).
Cũng để gián tiếp chứng minh Tổng Thống Kennedy không muốn lật hay ít nhất không muốn ông Diệm chết, tác giả đã thuật lại thái độ của Tổng Thống Kennedy khi nghe tin ông Diệm chết và được các tướng chủ trương đảo chính tuyên bố ông Diệm tự sát như sau:
“Tôi gặp Tổng Thống chẳng bao lâu sau khi ông nghe tin Diệm, Nhu đã chết. Ông rầu rĩ, xao xuyến. Từ sau vụ Vịnh Con Heo đến giờ tôi chưa thấy ông phiền muộn đến thế. Các tướng Saigon cho rằng ông Diệm tự tử; nhưng Tổng Thống Kennedy lắc đầu, không tin là một người Công Giáo như ông lại có thể tìm cái chết theo kiểu đó. Ông cũng nói rằng ông Diệm “đã chiến đấu cho xứ sở ông suốt 20 năm ròng và không thể để sự việc kết thúc như thế này được.” (7)

Vì gần Tổng Thống Kennedy nên ông nhận thấy rõ có hai phe chống đối nhau trong chính quyền về vấn đề tình hình an ninh và thực chất chế độ miền Nam Việt Nam lúc ấy. Theo ông thì các tướng McGarr, Harkins và đại sứ Nolting ủng hộ ông Diệm và báo cáo tốt về chính phủ của ông. Còn các ông Harriman, Hilsman ở bộ ngoại giao và nhất là các phóng viên của các thống tấn và những tờ báo lớn ở Mỹ, nhất là ở miền Đông Bắc thì cho rằng không thể thắng nếu còn để ông Diệm. Và tác giả đứng về phe này. Bằng chứng là ông khen ngợi những ký giả cỡ Neil Sheehan, David Halberstam và Malcolm Browne. Ông đã trưng lại nguyên văn của David Halberstam viết về Đại sứ Nolting gọi ông này là tay sai của ông Diệm. (8) Vì vậy ông đã phê bình Tổng Thống Ngô Đình Diệm một cách gay gắt như sau:
“Ông Diệm, con người hết sức câu nệ truyền thống, đã thực thi một chính sách gia đình trị theo kiểu đông phương. Ông ta nắm trọn quyền hành trong tay, coi đối lập như phản bội, biểu lộ sự khinh miệt các cơ chế nông cạn, hời hợt của nền dân chủ tây phương và nhắm tới việc khôi phục nền đạo lý An Nam cổ xưa.”
Ông cũng phê bình phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã thiếu khôn ngoan khi ca ngợi ông Diệm là Churchill “của miền Nam” (9)


Một ông phụ tá đặc biệt của Tổng Thống phê bình ông phó Tổng Thống là không khôn ngoan (imprudent) thì cũng được đi. Nhưng một nhà báo nổi tiếng gọi vị đại diện cho siêu cường Mỹ là tay sai của ông Diệm, đang bị dư luận báo chí và nhân dân Mỹ—do báo chí hướng dẫn—khinh ghét, thì có đáng cho vị phụ tá đặc biệt thích thú mà đề cao hay không mà đem trưng dẫn ở đây? Theo tinh thần tôn trọng lễ nghĩa của người Đông Phương, thiết tưởng chỉ có trẻ con mới ăn nói xằng bậy như David Halberstam. Có lẽ trong tinh thần tự do báo chí tuyệt đối với phong cách luôn cởi mở của nhân dân Mỹ, Ông phụ tá Schlesinger cho rằng nói như vậy không phải là sỉ nhục cả nước Mỹ có người đại diện đi làm tay sai cho một người không ra gì, và ngược lại cũng chẳng gián tiếp đề cao quá lố một vị Tổng Thống có đại diện siêu cường Hoa Kỳ làm tay sai. Nên nhớ là việc bổ nhiệm đại sứ phải được quốc hội chấp thuận và phải tuyên thệ khi nhậm chức.


Nói chung, tuy có thiên về phe chống ông Diệm nhưng tác giả “Một nghìn ngày” cũng có chỗ khen ông Diệm một cách dè dặt. Ông viết:
“Dĩ nhiên mức sống người dân đã lên cao mau lẹ tại miền Nam hơn miền Bắc là nơi ông Hồ chí Minh tập trung vào đầu tư hơn là tiêu thụ. Và chính ông Diệm có vẻ là người ngay thẳng và cương quyết, tận tâm và liêm khiết.” (10)
Đọc mấy hàng “Ông Hồ Chí Minh tập trung vào đầu tư hơn là tiêu thụ”, người đọc thấy tác giả “Một nghìn ngày” rõ ràng có ý biện bạch cho ông Hồ về sự nghèo túng cực khổ của nhân dân miền Bắc dưới quyền của ông Hồ. Nếu ông Hồ có đầu tư chăng là đầu tư vào chiến tranh, chuẩn bị để khuynh đảo và xâm chiếm miền Nam. Hơn nữa đúng ra trong những năm 1955 và 1956, khi mà ở miền Nam ông Diệm bắt đầu kiến thiết và chăm lo cho đời sống dân quê trong các chương trình định cư, dinh điền, khu trù mật v.v… thì ở miền Bắc ông Hồ giao cho hai ông Trường Chinh và Hồ Viết Thắng theo lệnh Trung Quốc phát động cuộc cải cách ruộng đất với những cuộc đấu tố long trời lở đất dưới sự cố vấn chỉ đạo trực tiếp của các cố vấn Tầu có mặt tại hiện trường.


Các ông Bùi Tín và Hoàng Hữu Quýnh, những cán bộ Cộng Sản tương đối cao, trong hồi ký đã nói khá nhiều về những cuộc đấu tố rùng rợn này mà tiêu chuẩn phải là mỗi xã tìm cho ra bằng được 5 “địa chủ” hay “cường hào ác bá” để hành quyết khiến hàng vạn người trong đó có hàng ngàn đảng viên bị chết oan. Và sau cải cách đẫm máu là sửa sai bịp bợm, được dùng như cái bẫy, cái rọ để đảng lùa những nhà văn, nhà trí thức ngay tình hay ngây ngô chui vào cho đảng bắt bỏ tù hay cho đi an trí, kể cả nhà đại trí thức đã cúc cung phục vụ đảng trong những ngày khó khăn là luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà đại trí thức số một thời đó.

Nhưng tại sao một giáo sư, một sử gia như Shlesinger không biết điều đó? Là bởi vì các nhà báo như Halberstam, Sheehan, Browne… mà ông trưng dẫn ở trên không biết hay biết rất ít mà không nói vì thiên vị. Thực ra những gì xảy ra trong khối Cộng Sản thường được hàng rào tre, hàng rào sắt bưng bít hết. Báo chí của Cộng Sản không giống báo chí Tây Phương. Họ chỉ là công cụ của đảng, chỉ nói những gì đảng cho phép nói. Các nhà báo Tây phương lúc ấy không thể ngờ được. Vì vậy kể ra lúc đó thì cũng không đáng trách lắm. Nhưng khi đã có hàng ngàn, hàng trăm ngàn người chứng kiến những sự thực đó di cư vào Nam hay chạy ra nước ngòai thuật lại những điều họ được mắt thấy tai nghe mà các nhà báo hay sử gia vẫn khư khư giữ thành kiến hay thiên kiến cũ mới thực đáng trách.


Chú thích:
(1) Nguyên tác “A thousand days”, the Riverside Press, Cambridge. 1965.
(2) Tổng Thống Kennedy tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 1961 và bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963, đúng 3 tuần sau khi ông Diệm bị sát hại.
(3) Các tướng Đỗ Mậu và Nguyễn Chánh Thi, có lẽ đã đọc tác phẩm này trước khi in hồi ký, cũng quyết liệt phủ nhận như vậy để chạy tội làm tay sai cho Mỹ sát hại một lãnh tụ quốc gia đã từng được các ông đó coi như lãnh tụ của chính mình.
(4) S.Đ.D. trang 997. Nguyên văn: “It is important to state clearly that the coup of November 1, 1963, was entirely planned and carried out by the Vietnamese. Neither the American Embassy nor the CIA were involved in instigation or execution.”
(5) Ibid. Nguyên văn: “If Lodge agreed, the president said, we should instruct him to discourage the coup.” Mấy tiếng “nếu ông Lodge đồng ý” ( If Lodge agreed) nghe thật lạ tai và khó hiểu. Tại sao lại phải có cái điều kiện là ông Lodge đồng ý?
(6) Ibid.
(7) S.Đ.D. trang 998, nguyên văn: “I saw the president soon after he heard that Diem and Nhu were dead. He was somber and shaken. I had not seen him so depressed since the Bay of Pigs… The Saigon generals were claiming that he killed himself; but the president, shaking his head, doubted that, as a Catholic, he would have taken this way out. He said that Diem had fought for his country for twenty years and that it should not have ended like this.”


Theo tiến sĩ Ellen Hammer viết trong tác phẩm “A Death in November”, thì khi một người bạn cố an ủi Tổng Thống Kennedy bằng cách nói dầu sao thì hai ông Diệm Nhu cũng chỉ là “những tên bạo chúa” (không đáng cho Tổng Thống âu sầu), ông Kennedy đã nói: “Không. Các ông ấy đã ở vào một vị thế khó khăn. Và đã làm điều tốt nhất có thể làm được cho quê hương mình.” Nguyên văn: “A friend try to rally his spirits by saying Diem and Nhu after all had been tyrants. “No,” he said. They were in a difficult position. They did their best they could for their country.” (SĐD trang 301)
(8) S.Đ.D. trang 984: Nguyên văn: “The US Embassy,” David Halberstam wrote in a characteristic outburst, “turned into the adjunct of a dictatorship. In trying to protect Diem from criticism, the Ambassador became Diem’s agent.”
(9) S.Đ.D. trang 541.
(10) S.Đ.D. tr. 538, nguyên văn: “Living standards, indeed, had risen faster in South than in North Vietnam, where Ho Chi Minh concentrated on investment rather than consumption. And Diem himself seemed a man of rectitude and purpose, devoted and incorruptible.
ttba
Chương 19
Neil Sheehan: Diệm là người xảo quyệt, gian trá là tên phản-động cuồng nhiệt,
muốn tái lập triều đại nhà Ngô.

Neil Sheehan (sinh tháng 10 năm 1936) là phóng viên chiến trường của hãng Thông Tấn UPI và nhật báo New York Times, đáo nhậm nhiệm sở ở Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1962, một tháng trước khi trung tá John Paul Vann đến Mỹ Tho, Định Tường làm cố vấn cho tư lệnh sư đoàn 7 lúc ấy là đại tá Huỳnh Văn Cao. Nhờ có được những tài liệu mật mà Trung Tá Vann cung cấp, Neil Sheehan đã để ra 16 năm viết một cuốn sách trên 800 trang (thuộc loại “Best Seller”) về hoạt động của vị trung tá hăng say chống Cộng này suốt trong hai nhiệm kỳ của ông tại miền Nam Việt Nam. Cuốn sách nhan đề: “A bright shining lie” (tạm dịch: “Điều dối trá rực rỡ sáng lạn”), (1) mở đầu bằng một tang lễ long trọng dành cho một anh hùng của Mỹ đã hy sinh khi thi hành nhiệm vụ tại Việt Nam, đó chính là John Paul Vann. Thi hài của Vann được chôn tại nghĩa trang Arlington. Sau tang lễ trưởng nam của Vann được cùng với gia đình đến gặp Tổng Thống Nixon nhận huân chương Tự Do của Tổng Thống là huân chương cao qúy bậc nhì của Mỹ ban tặỳng người cha quá cố của anh. Tác giả đã cố ý đưa những hình ảnh thật vĩ đại và cảm động với nhiều tình tiết hấp dẫn vào đoạn mở đầu này để gây ấn tượng mạnh nơi độc giả, khiến người đọc không khỏi khâm phục người quá cố, để rồi trong những đoạn sau sẽ được đọc những lời của vị trung tá “anh hùng” này, do tác giả thuật lại, lên án chính quyền và cá nhân Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và ở những đọan kế tiếp lên án và sỉ nhục tất cả những chính quyền sau ông Diệm ở miền Nam. Phần thư mục ở cuối sách cho thấy tác giả đã tham khảo trên dưới 300 tác phẩm. Nhưng phần chính vẫn là những tài liệu mật mà tác giả nhận được hoặc trực tiếp của Trung Tá Vann, hoặc do bà vợ đã ly dị của ông trao lại.


Đọc 250 trang đầu, người đọc không khỏi cảm phục vị trung tá cố vấn Mỹ coi cuộc chiến chống Cộng của miền Nam như của chính ông, coi nhân dân Việt Nam như chính đồng bào của ông. Ông không từ nan một việc gì mà không làm để mau chiến thắng Cộng Sản, kể cả việc nịnh và bốc thơm ông tư lệnh Việt Nam Hùynh Văn Cao để ông này làm theo những kế hoặch của ông hầu có thể mau đi đến thành công, và kể cả việc cố thuyết phục cấp trên của mình là Đại Tướng Harkins về những kế hoạch mà ông cho rằng chỉ có thế mới thành công.


Qua các hành động và trở ngại khó khăn của Trung Tá Vann, tác giả đã dẫn người đọc đến chỗ phải kết án tướng Harkins, Đại Tá Cao và đích thân Tổng Thống Diệm là những người “coi thường sinh mạng dân quê”, không hiểu gì về chiến tranh du kích, chiến tranh khuynh đảo và chỉ lo giữ địa vị của mình để lãnh viện trợ, ỷ vào viện trợ, ỷ vào sức mạnh của không quân Mỹ, chứ không muốn quân sĩ Việt Nam duới quyền chiến đấu chống Cộng. Những gì hai ông Karnow (chương 11) và Newman (chương 16) đã nói về một khẩu lệnh mật nào đó của Tổng Thống Diệm cấm các tư lệnh không được để cho quân sĩ mở những cuộc hành quân gây thương vong lớn đều đã được viết theo hoặc trích dẫn Sheehan, và ông này cũng chỉ trích dẫn Trung Tá Vann.


Nhưng ngoài cái chết trong khi thi hành nhiệm vụ, và thiện chí chiến đấu chống du kích quân Cộng Sản của Trung Tá Vann, tác giả còn cho thấy tính tình và lối sống bất thường gần như thác loạn của vị trung tá này ở chương 7, khiến người đọc phải đặt dấu hỏi về những nhận định của chính vị trung tá này. Theo Sheehan thì Vann có cha thất nghiệp vì mắc bệnh cao áp huyết, có mẹ nát rượu, chết cô đơn trong trường hợp say rượu vì đã ly dị chồng, các em không chứa chấp nổi vì luôn say sưa, thổ mửa ra nhà họ. Vann thường chỉ ngủ mỗi đêm hai giờ. Đêm nào ở Saigon cũng làm tình với hai, ba cô gái trẻ, mà không hề bị suy kiệt, trái lại còn thêm cường tráng(?) (++) Sheehan thuật lại một cách thán phục mối tình của Trung Tá Vann với hai người đàn bà Việt Nam, một cô tên là Lee nào đó (tác giả đổi tên để tránh tiếng cho gia đình cô gái) có cha từng là bộ trưởng mà Vann đã dùng mánh lới rất tầm thường của một tên tán gái chuyên nghiệp để đưa vào bẫy, và người con gái thì lấy làm thích thú được sa vào cái bẫy đó. Sheehan cũng nói là Vann đã có vợ con (ông không mang sang Việt Nam hay Thái Lan hoặc Phi Luật Tân như các sĩ quan cao cấp khác mà để lại Mỹ, tiểu bang Colorado) nhưng đã nói dối là độc thân, tự rút đi cả chục tuổi để đánh lừa cô Lee. v.v…

 Còn cô Lee thì làm như không để ý đến chiếc nhẫn cưới mà Vann đeo hôm trước đã biến mất vào ngày hôm sau… Cũng vẫn theo Sheehan thì trong khi cặp kè với Lee, Vann còn dụ dỗ được một nữ sinh 17 tuổi, xin nhắc lại 17 tuổi, tên là Annie (đã được tác giả đổi tên), con một nhà trí thức ở Dalạt, cho cô ấy một cái bầu, rồi ép cô ta phá thai. Cô Lee cũng phải phá thai hai lần. Nghĩa là Vann đã tài tình lừa dối cả hai cô. Chẳng cô nào biết chuyện giữa cô kia với Vann, cũng như vợ chàng ở Colorado chẳng hay biết gì về những cô Lee, cô Annie, hay cô nào khác… Câu chuyện tình hờ kéo dài nhiều năm qua nhiều trang sách (từ trang 599 đến trang 606.)


Ở chương I, sau khi thuật chuyện Trung Tá Vann một mình lái xe jeep từ Saigon đi Mỹ Tho an toàn trên chặng đường 50 dặm vào ngày 21 tháng 5 năm 1962 (trang 46), tác giả cho rằng Cộng quân hạn chế khủng bố đối với người Mỹ trong những năm đầu này để gây cảm tình với nhân dân Mỹ, (trang 48), chứ không chịu nhận rằng cho tới thời gian đó, (tháng 5 năm 1962) chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn còn giữ được an ninh tuyệt đối trên những trục lộ chính ở miền Nam.
Cựu đại sứ F. Nolting, nhậm chức vào tháng 5 năm trước, cũng đã viết trong cuốn “Từ Tin Cậy Đến Thảm Kịch” rằng vào cuối năm 1962 ông và gia đình ông có thể đi Vũng Tầu và Đà-Lạt mà không cần có hộ tống vũ trang. (+) Ngoài ra cũng trong năm đó vợ con ông Colby (xem chương 3) còn có thể đi xe qua Đèo Hải Vân giữa Huế và Đà Nẵng chỉ với một sĩ quan dưới quyền ông một cách an tòan.


Và tình hình đó sẽ chỉ thay đổi nhanh chóng khi người Mỹ âm mưu bằng mọi cách lật ông Diệm và hỗ trợ cho các cuộc gây rối của phe Phật Giáo Ấn Quang do T.T.Thích Trí Quang lãnh đạo vào mấy tháng sau. Cuối cùng đã trở nên hết sức tồi tệ sau khi ông Diệm đổ, hơn một năm sau.(2)
Cũng trong đoạn 1 tác giả chế diễu đại tá Hùynh Văn Cao có một ông vua “xảo quyệt chuyên gian lận để thủ thắng” như sau:
“Khi nói về lòng sùng kính của mình đối với Diệm, Cao bảo ông ấy là “vua của tôi”. Vua của Cao là CON NGƯỜI XẢO QUYỆT có nhiều mánh lới gian lận để tránh thất bại” (3)
Sang đoạn II, Sheehan viết:
“DIỆM LÀ TÊN PHẢN ĐỘNG NĂNG NỔ muốn sáng lập một triều đại mới cho dòng họ Ngô tại một xứ sở mà hầu hết những người biết nghĩ đều cho rằng triều đại là thứ lỗi thời rồi. Ngày xưa, hồi thế kỷ thứ 10 đã từng có lần có một triều đại nhà Ngô, tồn tại chẳng bao lâu.” (4)
Về những thành quả mà ông Diệm thâu đạt được trong hai năm đầu, tác giả gán cho mưu mẹo và tài trí của Đại Tá Lansdale, là người mà ông gọi là kẻ khai sáng ra Việt Nam Cộng Hòa. Ông cho rằng nếu không có Lansdale thì ông Diệm đã bị loại rồi. Về cuộc đón tiếp thân tình và nồng nhiệt mà dân chúng Tuy Hòa dành cho ông Diệm khi ông đến thăm lần đầu tiên, (tuôn đến quanh ông, giẫm cả lên chân “làm lấm giầy ông”), tác giả cũng nói đó là vì dân hiếu kỳ, và đã quen mồm hoan hô các cán bộ Cộng Sản trước kia rồi, nên khi nghe những dấu hiệu của những cò mồi mà ông Nhu phái ra trước để chuẩn bị, bắt chước giống như cán bộ Cộng Sản đã làm trước kia, thì bèn cũng hoan hô, và vỗ tay theo như cái máy, chứ chẳng phải thực lòng, vì họ có biết ông Diệm là ai đâu. (5) Sheehan viết:
“Nam Việt Nam, có thể nói thực, đó là công trình sáng tạo của Edward Lansdale” (6)
Và:
“Trong một phút sáng trí lâu sau đó, Bumgardner bất chợt hiểu ra mình đã lầm lắm khi diễn tả cuộc nghênh đón ông Diệm tại Tuy Hòa vào cái ngày hôm đó của năm 1955. Anh ta nhớ ra rằng cái đám đông ở sân banh không có vẻ gì là chú ý đến những điều ông Diệm nói khi họ reo mừng và vỗ tay. Mặt họ tươi cười, miệng họ hò hét, nhưng cặp mắt của họ lơ đãng, trống không. Anh đã tìm ra chân lý. Đám đông đã không chú ý nghe ông Diệmà Lúc ấy ông ta không được thường dân Việt Nam biết mấy và những người dân quê hay thị dân ở tỉnh nhỏ này đã không thể nào biết ông ta là ai.”(7)
Đã rõ đối với Sheehan, ông Diệm chỉ đáng nguyền rủa, chứ không thể đáng được hoan hô. Vì vậy nếu có ai hoan hô ông thì Sheehan phải tìm đủ mọi cách ngụy biện để chứng minh rằng những người hoan hô ông chẳng biết việc họ làm, vì họ có biết ông Diệm là ai đâu. Thủ tướng của một nước tới thăm, lại đã được ông Nhu phái người đi chuẩn bị trước như chính Sheehan viết, thế mà người dân sở tại lại không biết ông ta là ai!


Thực ra Sheehan chẳng biết gì về ông Diệm thì đúng hơn. Anh ta chỉ biết có một người mê gái sống cuộc đời phóng đãng là John Vann thôi, nên đã dầy công sưu tầm lý lịch và đi sâu vào đời tư của nhân vật “anh hùng của Mỹ” này. Còn đối với ông Diệm thì anh ta viết như sau:
“CIA đã vận động để Bảo Đại ban chức thủ tướng cho Diệm vào tháng 6 năm 1954àViệc bổ nhiệm Diệm được loan báo ngày ông này đáp xuống Saigon vào ngày 7 tháng 7 năm 1954”(8)
Không cần phải sử gia hay ký giả nổi tiếng tham khảo đến hơn 300 quyển sách cũng biết ngày 7 tháng 7 năm 1954 là ngày ông Diệm nhậm chức thủ tướng. Còn ngày ông Diệm về đến Saigon là ngày 26 tháng 6 năm 1954 chứ không phải là ngày 7 tháng 7. Viết cẩu thả như vậy chứng tỏ tác giả không tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh về thân thế sự nghiệp con người mà ông phê bình. Còn việc ông Bảo Đại mời ông Diệm, đây có phải lần đầu đâu và tại sao ông ấy lại cần đến ông Diệm thì đọc chương 1, chắc bạn đọc đã rõ.
Sau đây còn một sai lầm khác về danh tính của ông Diệm. Sheehan bảo ông Diệm có cái tên Pháp là “Jean Baptiste”, cũng giống như các người Công Giáo Việt Nam khác (9). Đó là một sai lầm nghiêm trọng, nếu không phải là một sự xuyên tạc đầy ác ý đối với đạo Công Giáo nói chung. Trước hết Jean Baptiste là phiên âm theo tiếng Pháp (cũng như John the Baptist là phiên âm theo tiếng Mỹ, Gioan Bao-Ti-Xi-Ta là phiên âm theo tiếng Việt Nam v.v…) của tên một nhân vật Do Thái, nói theo sử, hoặc tên một vị thánh, nói theo Thánh Kinh. Người Công Giáo khi chịu phép rửa tội, đều lấy một tên thánh để xin vị thánh đó phù hộ cho mình trong suốt cuộc đời và cố sống theo gương vị thánh đó. Nói ông Diệm mang một tên Pháp là hàm ý ông là tay sai của Pháp. Ở đây Sheehan, bắt chước giọng điệu của một số sử gia Cộng Sản. Còn muốn nói tất cả những người theo đạo Công Giáo đều mang tên Pháp, coi nước Pháp như tổ quốc của mình. Nếu đó đích thực là chủ ý của tác giả, thì khỏi bàn đến các vấn đề khác nêu trong tác phẩm gần ngàn trang của ông.


Nơi trang 177 Sheehan viết:
“Ông ta (ông Diệm) thương lượng với người Nhật, nhưng bất thành, để được chức thủ tướng trong cái chính thể bù nhìn do họ dựng lên dưới quyền Bảo Đại” (10)
Ở chương 1 và chương 8 bạn đọc đã thấy Bảo Đại nói gì và Bernard B. Fall nói gì về việc này, mặc dù hai ông không có bất cứ lý do gì để bênh ông Diệm. Chẳng những thế, ngay đến một tác giả người Anh, ông Dennis J. Duncanson, trong cuốn “Government and revolution in Vietnam” thường chê ông Diệm độc tài và dốt về hành chánh, cũng viết rằng ông Diệm đã “khôn ngoan không nhận” chức thủ tướng nên mới đến lượt sử gia Trần Trọng Kim. (10bis)


Đến trang 179 Sheehan lại viết rằng những đảng viên Cần Lao khi làm lễ tuyên thệ đã phải quỳ gối, hôn ảnh ông Diệm (11) . Không rõ những vị Cần Lao gộc cỡ các ông Dương Văn Minh, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Huỳnh Văn Cao… nghĩ sao về lời của Sheehan, nhất là hai vị sau này, vì thứ nhất, ông Đỗ Mậu đã trưng dẫn Sheehan và suy nghĩ giống hệt Sheehan về ông Diệm trong cuốn hồi ký trên ngàn trang của ông, mà theo một nhà văn Quân Đội thì từ đầu tới cuối đó là ngàn lời chửi rủa không ngơi. Và, thứ hai, ông Hùynh Văn Cao, tuy bị chửi trong sách của Sheehan, nhưng lại cũng đã được Sheehan giúp đỡ để được Cộng Sản chấp thuận cho đi định cư sớm tại Mỹ.


Thưa thiếu tướng phó thủ tướng, đặc trách Văn Hóa Xã Hội, và Trung Tướng tư lệnh, hai vị có phải đảng viên Cần Lao không? Theo Sheehan và một số cây viết chống ông Diệm thì tướng tá thời ông Diệm muốn thăng cấp thăng chức bó buộc phải vào Đảng Cần Lao. Nếu hai vị đã vào đảng Cần Lao thì có đúng là hai vị phải quỳ gối hôn ảnh ông Diệm khi được kết nạp không? Và nếu đúng như lời Sheehan, người bạn tốt của hai vị, thì sau khi đã quỳ gối hôn ảnh của một người rồi ít lâu sau đó lại câu kết với nhau để lật đổ và giết hại người đó, như thiếu tướng phó thủ tướng đặc trách văn hóa xã hội đã làm (ở đây xin bạn đọc tạm quên hai ông Dương Văn Minh và Tôn Thất Đính cùng những tướng lãnh khác từng tham gia các cuộc đảo chính lật ông Diệm đi), thì tư cách và đạo làm người của thiếu tướng nó ra sao, đáng gọi là gì? Hoặc giả thiếu tướng cho rằng đã làm cách mạng lại có cái mạng “Sinh vi quân, tử vi thần” thì không cần tư cách và đạo đức? Bằng không, nếu đã biết điều nói trên của Sheehan là bịa đặt, thì tại sao thiếu tướng tổng ủy viên còn trích dẫn ông ta và viết theo luận điệu của ông ta?


Đáng lẽ thiếu tướng phải dùng tên tuổi và chức vị của thiếu tướng để vạch rõ cái sai, cái bịa đặt, cái xuyên tạc của nhà báo nọ mới phải chứ. Nhất là, như thiếu tướng đã biết, ở rất nhiều trang sách, Sheehan đã ca ngợi Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta và còn ngụ ý trách các vị Tổng Thống Mỹ như Roosevelt, Truman, Eisenhower đã không ủng hộ Hồ chí Minh là người quốc gia thực sự (các trang 145-150 và rải rác ở 18 trang sau) mà lại đi ủng hộ một người thân Pháp đã từng đàn áp các cuộc nổi dậy của nông dân khi làm tuần vũ cho nên sau này nước Mỹ của Sheehan mới bị ông Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta đánh cho tơi bời.
Thái độ của tác giả “Điều dối trá rực rỡ sán lạn” là thái độ phù thịnh: tâng bốc kẻ chiến thắng; đánh kẻ ngã ngựa: mạt sát kẻ chiến bại; tự bào chữa cho những sai lầm của mình khi làm nhiệm vụ phóng viên 25, 26 năm về trước. Trong chương 17 bạn đọc đã thấy Tổng Thống Nixon đã coi những phóng viên lọai này có trách nhiệm trong việc Mỹ thất trận ở Việt Nam. Võ Nguyên Giáp cũng đã từng coi họ như những đồng minh đắc lực.
Vì sẵn có thành kiến nên Sheehan nhiều khi mâu thuẫn trong lập luận của mình. Ví dụ ông bảo Lansdale cũng như ông Diệm chẳng biết gì về thực tại chính trị, xã hội Việt Nam (9) nhưng lại cho rằng Miền Nam Việt Nam là công trình sáng tạo của Lansdale (6).
Nhân câu chuyện một nhân viên CIA chẳng biết gì về Việt Nam mà lại có thể sáng tạo hay tạo dựng miền Nam Việt Nam của Sheehan, tôi mạn phép hỏi nhà báo năng nổ này một câu: Nếu quả thật một CIA tầm thường mà còn tạo nổi một Miền Nam Việt Nam, thì toàn bộ hệ thống CIA với kỹ thuật tân kỳ và kỳ diệu của khoa tình báo có thể tạo nên một vụ Phật Giáo để lấy cớ thúc đẩy cho quân dân miền Nam lật ông Diệm không? Câu hỏi này xem ra lố bịch và trái khoáy trước khi có những tài liệu mật cho biết chính quyền Kennedy chủ mưu vụ đảo chính 1-11-1963. Nhưng đến nay thì đáng lẽ nhà báo nổi tiếng Sheehan phải có lúc tự hỏi chứ.
Và nếu CIA Mỹ nhẫn tâm hãm hại một lãnh tụ Việt Nam như ông Diệm, thì liệu họ có nương tay hay chùn tay trong việc tàn sát 9 nạn nhân trước đài phát thanh Huế để đạt mục tiêu chính trị lâu dài của mình không? Dĩ nhiên đây không phải lời khẳng định buộc tội ai. Nhưng chỉ gợi ý cho một câu hỏi có thể nảy ra trong đầu những nhà báo từng theo rõi những hoạt động chính trị của nhiều chính quyền Mỹ cũng như Việt Nam. Nhất là Sheehan, người đã khẳng định một CIA mù tịt về xã hội Việt Nam lại có thể tạo nên miền Nam Việt Nam, như đã nêu trên.(12)

Chú thích:
(1) Nhà xuất bản Random 1988. Cũng có người dịch tựa sách là “Sự lừa dối hào nhoáng”, cnn (bút hiệu của Nguyễn Ngọc Chấn), khi điểm cuốn phim truyền hình cùng tên dựa trên cốt chuyện của Sheehan, đã dịch là Chuyện Ba Xạo Hào Nhoáng.
(++) S.đ.d. tr. 599. Nguyên văn: “Ellsberg was not alone among Vann’s friends in noticing that when Vann was in Saigon he often made love to two or three different young women a day. This repeated sexual jousting that would have exhausted most men seemed to invigorate Vann”. Tạm dịch: “Ellsberg không phải là người duy nhất trong số bạn bè của Vann nhận thấy rằng khi ở Saigon, mỗi ngày Vann năng làm tình với hai hay ba phụ nữ trẻ. Những cuộc làm tình liên tục như dũng sĩ đấu thương thế này đáng lý phải làm cho hầu hết mọi người mệt lả và kiệt sức, nhưng xem ra càng làm cho Vann thêm cường tráng.”


(+) Nguyên tác “From Trust To Tragedy”, Praeger, New York 1988. Trang 56. Nguyên văn: “By the end of 1962 my family and I could drive to Cap St. Jacques or Dalat without armed escort.
(++) “Honorable men” trang 179, nguyên văn: “…letting Barbara (bà Colby, chú thích của soạn giả.) and Catherine (con) drive over the Hai Vân pass between Hue and Danang with one of the officers leading our northern operations, and taking the family for a final call on President Diem, where they watched and listened while he explained his satisfaction with how things were going.”


(2) Cũng như trước đó 10 tháng khi phó Tổng Thống L.B.Johnson sang Việt Nam không sợ nguy hiểm len lỏi vào giữa đám đông ở Saigon, các nhà báo Mỹ cũng phê bình ông là liều mạng một cách vô lối chứ không dám nhận rằng dù có bị chống đối gì đi nữa, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng giữ được an ninh tuyệt đối cho nhân dân ở thủ đô. Và phó Tổng Thống Johnson, tin tưởng nơi báo cáo trung thực của các tướng cố vấn Mỹ và nhất là của đại sứ Nolting, người đi sát với ông Diệm và tin tưởng vào đức độ và khả năng của ông Diệm, chứ không phải vì ông liều mạng một cách vô lối như các phóng viên Mỹ cáo buộc.
+++ Ngoài ra cũng cần lưu ý là tình hình an ninh vào những tháng cuối 1962 trở nên xấu một phần lớn còn là hậu quả của chính sách của chính quyền Kennedy về Ai Lao, mà người trụ cột thực hiện chính sách này là Averell Harriman, nhằm trung lập hóa nước có vị trí chiến lược này, đưa đến mất Ai Lao vào tay Cộng Sản Bắc Việt, khiến Cộng Sản có thể tải quân và vũ khí vào miền Nam một cách ồ ạt qua đường mòn Hồ Chí Minh. Ông Diệm đã biết rõ diễn tiến và hậu quả của việc trung lập hóa Ai Lao, nên đã nêu vấn đề với phó Tổng Thống Johnson và tướng Maxwell Taylor, lúc ấy là chủ tịch ban tham mưu liên quân Mỹ đến thăm Việt Nam vào năm trước. Và Tổng Thống Diệm cũng đã nghĩ đến việc ký khẩn cấp với Hoa Kỳ một hiệp ước song phương để cho Hoa Kỳ đem quân vào với điều kiện Mỹ chỉ đóng quân ở vùng giới tuyến, hầu chặn sự xâm nhập ồ ạt của Cộng quân, sửa chữa phần nào lỗi lầm cực kỳ quan trọng của Harriman về chiến lược. Ông Diệm cũng như Tổng Thống Eisenhower là những người am hiểu chiến lược, chẳng những không được các nhà ngoại giao trong chính quyền Kennedy nghe, mà họ còn chống lại và làm ngược lại. Chính Tổng Thống Eisenhower một ngày trước khi rời nhiệm sở đã cẩn thận căn dặn vị Tổng Thống đắc cử Kennedy là phải chú trọng đặc biệt vấn đề Ai Lao, vì với tư cách là một thống soái, một chiến lược gia ông nhìn Ai Lao còn quan trọng hơn Nam Việt Nam, trong thế chiến lược Đông Nam Á.
(3) S.Đ.D. trang 78. Nguyên văn: “He is my king” Cao would say when he spoke of his devotion to Diem. Cao’s king was a wily man who had rigged numerous fail-safe devices.”
(4) S.Đ.D. trang 144. Nguyên văn: “Diêm was a fervent reactionary, intent on founding a new family dynasty in a country where most other thinking people thought that dynasties were anachronism. There had once been a Ngo dynasty, a brief one, in the tenth century.”
(5) Xin xem lại chương 6, ông Trần Văn Đôn đã mô tả ra sao về thái độ của người dân khi được tiếp xúc với ông Diệm vào dịp này, để so sánh.


(6) S.Đ.D. trang 138. Nguyên văn: “South Vietnam, it can truly be said, was the creation of Edward Lansdale.” Xin xem lại chương 3 để đối chiếu nhận định của Colby về vấn đề này.
(7) S.ĐD. trang 141. Nguyên văn: “During a moment of clarity long afterward, Bumgardner suddenly understood how erroneously they had interpreted the reception at Tuy Hoa that day in 1955. He remembered that the crowd at the soccer field did not to be paying attention to what Diem was saying when they cheered and applauded. The faces smiled, the voices shouted, the eyes were vacant. The truth came to him. The crowd had not been listening to Diem.. Diem was not well known to ordinary Vietnamese then, and these peasants and provincial townsfolk could not have had the faintest idea who he was.”
(8) S.Đ.D. trang 134. Nguyên văn: “The CIA maneuvered Bao Dai into offering the prime ministership to Diem that June of 1954.. Diêm’s appointment was announced the day he landed in Saigon, July 7, 1954…” Trang 174 Sheehan nhắc lại điều sai lầm này một lần nữa. Xin coi chú thích số (9).
(9) S.Đ.D. trang 174. Nguyên văn: “Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (Vietnamese Catholics often gave their children a French name as well as their Vietnamese one) was fifty-three years old and almost as ignorant as Lansdale of the political and social realities of his country when he returned to Vietnam on July 7, 1954, after nearly four years of exile.” Tạm dịch: “Gio-An Bao-Ti-Xi-Ta Ngô Đình Diệm (Người Công Giáo Việt Nam thường cho con cái họ một cái tên Pháp cũng như cái tên Việt của chúng) lúc ấy 53 tuổi và cũng như Lansdale, hầu như chẳng biết tý gì về những thực tại chính trị và xã hội của xứ sở của ông ta khi ông ta trở về Việt Nam vào ngày mồng 7 tháng 7 năm 1954, sau gần 4 năm lưu vong.”
(10) S.Đ.D. tr.177. Nguyên văn: ”He negotiated unsuccessfully with the Japanese for the premiership of the puppet regime they set up under Bao Dai”
(10 bis) S.Đ.D. (1968, Oxford University Press) trang 155.
(11) S.Đ.D. tr.179. Nguyên văn: “During the secret initiating ceremony, new members knelt and kissed a portrait of Diem.” Tạm dịch: “Trong buổi lễ bí mật gia nhập đảng, những đảng viên mới quỳ gối và hôn ảnh Diệm.”
(12) . Ông Nguyễn Ngọc Chấn (Bút hiệu tắt cnn) trong tờ tuần san Tình Thương số 452 ngày 5 tháng 6 năm 1998 đã điểm cuốn phim truyền hình “A Bright Shining Lie” mà ông dịch là “Chuyện ba xạo hào nhoáng” mới được sản xuất vào cuối tháng 5 năm 1998 với phí tổn trên 14 triệu Mỹ Kim để mang đến tận nhà cho khán thính giả qua hệ thống Cable TV, HBO. Ông Chấn nói rằng cuốn phim dựa vào cuốn tiểu thuyết của Neil Sheehan. Thực ra tác phẩm của Neil Sheehan thuộc loại sử thì đúng hơn, chứ không phải tiểu thuyết hay hư cấu. Dĩ nhiên cuốn phim đã tiểu thuyết hóa và biến chất theo nhu cầu “câu khách” và cũng theo óc tưởng tượng và quan niệm chính trị, nghệ thuật của đạo diễn. Nhưng dù sao thì cuốn phim cũng có tác dụng xấu giống như tác phẩm của Neil Sheehan. Xin xem bài điểm phim của cnn nơi phần phụ lục.
ttba
Chương 20
Trương Như Tảng: Ngô Đình Diệm, một sự bí ẩn, một con người huyền bí

Trương Như Tảng, cựu bộ trưởng tư pháp trong cái gọi là “Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam”, xuất thân từ một gia đình giầu có mà các anh em ông đều là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư tốt nghiệp tại Pháp. Cha ông cũng là một trí thức hấp thụ nền văn hóa Pháp và cũng đã hợp tác với Pháp. Theo Ông thì mỗi chủ nhật ông nội ông đều dậy các cháu đạo Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của Khổng giáo.
Ông đã kể lại trong cuốn “Hồi ký của một Việt Cộng” (1) cuộc gặp gỡ của ông với ông Hồ Chí Minh ngay khi mới chân ướt chân ráo đến Pháp để du học, đúng vào dịp ông Hồ sang Pháp để thương thuyết với Sainteny ở Fontainebleau. Được chọn để được cùng với một nữ sinh viên cũng người miền Nam gặp riêng ông Hồ cả một buổi chiều tại phòng làm việc của phái đoàn thương thuyết, ông Tảng rất hãnh diện và cảm động. Những lời nói và thái độ của “chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” dành cho hai sinh viên người miền Nam trong một cuộc nói chuyện thân mật, mà ông Hồ luôn bắt hai người phải gọi ông bằng Bác, chứ không được dùng tiếng chủ tịch hay Hồ chủ tịch (2), đã để lại trong tâm trí nguời sinh viên trẻ tuổi những ấn tượng tốt đẹp sâu đậm. Những ấn tượng này đã ảnh hưởng quyết định đến việc Trương Như Tảng chọn Hồ Chí Minh, chứ không chọn Ngô Đình Diệm, khi ông Tảng về nước năm 1954 theo lời yêu cầu của gia đình và được tiếp xúc bởi những người bạn quốc gia chung quanh ông Diệm cỡ Võ Văn Hải, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Hữu Thế. Ông Tảng cho rằng lúc ấy ông Hồ đã được nhân dân hai miền coi như vị anh hùng, còn ông Diệm thì chả có mấy người biết (3). Vẫn theo cuốn hồi ký thì sở dĩ ông bí mật hoạt động cho Mặt Trận Giải Phóng (để rồi ít lâu sau, sau khi ông Diệm đã bị lật đổ, ra bưng làm bộ trưởng tư pháp (cũng trong bưng), chính vì thấy ông Diệm độc tài chuyên chế, không khoan nhượng với các phần tử trước kia đã từng hợp tác với Pháp như cha ông chẳng hạn.
Tuy nhiên trước đó, khi để tâm phân tích vai trò của ông Diệm và ảnh hưởng của người Mỹ đối với ông Diệm, cùng tìm hiểu những toan tính của ông này đối với đất nước và chính thể mà ông ta đang xây dựng, rồi so sánh đối chiếu với những hành động chống Pháp trước kia của ông ta, rồi lại so sánh với hoàn cảnh của ông Hồ Chí Minh đối với Trung Cộng và Liên Sô… ông Tảng cho rằng ông Diệm là con người khó hiểu:
“Nếu bấy nhiêu đã sáng tỏ, thì rất ít cái khác sáng tỏ, và CÁI BÍ ẨN TRƯỚC TIÊN LÀ CHÍNH CON NGƯỜI ÔNG DIỆM”
và ở trang sau ông Tảng đã nhắc lại ý tưởng đó bằng một từ khác: “ÔNG TA LÀ MỘT CON NGƯỜI HUYỀN BÍ.” (4)
Còn vài lý do khác khiến ông Tảng không chọn ông Diệm mà chọn ông Hồ, theo ông viết là: Thứ nhất: Người Mỹ đã không ủng hộ nền độc lập Việt Nam khi viện trợ cho Pháp trước 1954, mà ông Diệm thì có liên hệ quá chặt chẽ với những người Mỹ như hồng y giáo chủ Francis Spellman. Thứ hai: Những tin tức về sự tàn bạo của Việt Minh Cộng Sản trong chính sách tiêu diệt các đảng phái quốc gia (1945,1946), tiêu thổ kháng chiến (1947-1948), giảm tô và cải cách ruộng đất đợt đầu (1953) đẫm máu tại miền Bắc, ông Tảng nghĩ không đáng tin vì cho rằng chúng chỉ được những người di cư Công Giáo sẵn có thành kiến đối với Cộng Sản kể lại. (5)
Ông Tảng cho rằng Ông Diệm chẳng có công lao, thành tích gì trong công cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân, chỉ được cái tiếng suông là nguời yêu nước. Nhưng lại đối xử tệ với những người cựu kháng chiến. Cũng như hầu hết các ký giả Mỹ và các tướng lãnh chủ trương đảo chính, ông Tảng không tiếc lời lên án ông Diệm đàn áp trí thức đối lập, độc tài và kỳ thị Phật giáo.
Dĩ nhiên ông cũng chê các chính quyền sau ông Diệm đều bất lực và thối nát. Cuối cùng ông bất mãn với cả chính quyền Cộng Sản và đành rời bỏ tổ quốc thân yêu của ông mà ông đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để chiến đấu cho nó được “độc lập tự do.”
Nhà trí thức họ Trương vỡ mộng vì đâu? Còn biết bao người như Trương Như Tảng cũng vỡ mộng như vậy? Chắc ông ta biết rõ hơn ai hết. Vì đâu? Nhìn vào tình hình Việt Nam ngày nay và so sánh với tình hình kinh tế chính trị miền Nam Việt Nam thời ông Diệm, như trong năm 1958, cũng là năm, theo ông viết, ông bắt đầu đi theo ông Hồ (6), ông có nuối tiếc rằng đã không cùng các ông Võ Văn Hải, Ngô Khắc Tỉnh, Trần Hữu Thế, ủng hộ ông Diệm và lôi kéo thêm nhiều nhà trí thức miền Nam khác cùng xây dựng và bảo vệ cái chế độ mà lúc ấy ông cho là bất công thối nát, nhưng rút cục, lúc này nhìn lại nó còn tốt hơn chế độ Cộng Sản ngày nay bội phần không? (Xin xem lại các chương 6 và 12.) Nếu ông chưa nhận ra được điều đó và không có cái niềm hối hận đó, thì người ta có thể nghi ngờ rằng ông bỏ nước ra đi không phải vì những lý do đơn giản như ông viết đâu.
Ông Tảng không theo ông Diệm, chẳng những không khen mà còn chê, chống và lên án ông Diệm vì ông đọc, nghe và tin những gì các cán bộ hàng đầu của Cộng Sản Hà Nội viết và nói lúc ấy. Ông đã trưng dẫn Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, để bào chữa cho thái độ và hành động của ông khi chống ông Diệm. Vì ông tưởng những người đó thành thực muốn cho miền Nam có một nền tự trị, dân chủ theo đường hướng quốc gia, còn ông Diệm thì chủ trương độc tài, kỳ thị người miền Nam. Xin mời độc giả theo rõi những nhận định có dẫn chứng của nhà trí thức họ Trương:
“Lập trường của Ủy Ban Trung Ương luôn gắn bó với những gì đã được chủ tịch Tôn Đức Thắng tuyên bố tại Đại Hội kỳ III ngay từ tháng 9 năm 1960 là: “Do sự khác biệt tình hình giữa hai miền Đất Nước (Nam và Bắc), miền Nam phải thực hiện một chương trình phù hợp với tình hình trong miền, trong khi vẫn theo đúng đường lối chung của Mặt Trận Tổ Quốc. Miền Nam đang thực hiện cách mạng dân chủ dân tộc, còn miền Bắc thì thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.” Những tình cảm này dĩ nhiên đã lại được nhấn mạnh hơn nữa cho người Tây Phương. Phạm Văn Đồng đã nói với nhiều vị khách nước ngoài:”Làm sao chúng tôi lại có cái ý tưởng ngu xuẩn, tội lỗi là muốn thôn tính Miền Nam?” Lê Đức Thọ thì tuyên bố với báo chí quốc tế tại Paris:”Chúng tôi không ước mong bắt miền Nam phải theo chế độ Cộng Sản.” (7)
Chúng tôi xin lỗi và xin phép độc giả được dành những hàng sau đây cho riêng nhà trí thức miền Nam Việt Nam Trương Như Tảng và những nhà trí thức khác đã nuôi mộng, ôm mộng, dệt mộng và vỡ mộng với ông Hồ chí Minh và đảng Cộng Sản của ông. Có lẽ mãi cho tới những năm 1976, 1977 các nhà trí thức trong “Mặt Trận Giải Phóng miền Nam” mới thấy những lời trên của các ông Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ là láo khoét. Nhưng có một người chẳng phải trí thức, không bao giờ dám có tham vọng chính trị, vì cũng không có chút khả năng nào về mặt đó nhưng lại đã nhìn thấy rõ âm mưu và ý đồ đen tối của các ông lãnh tụ Cộng Sản nói trên ngay khi các nhà trí thức như các ông còn ngây thơ soạn thảo và ban hành cái gọi là cương lĩnh của mật trận của các ông, nghĩa là vào những năm 1960-1962. Chỉ vì người đó xuất thân từ bần nông và đã được chung đụng và trở thành nạn nhân của Cộng Sản ở miền Bắc trước 1954.
Không giống ông Tảng cho ông Diệm là một huyền bí, bí ẩn, con người xuất thân từ bần nông đó và chưa hề bao giờ có nột văn bằng đại học lại rất hiểu ông Diệm, vì anh ta nằm trong tim ông Diệm. Xin quý vị trí thức cứ đọc lại những chương 6, 9 và 12 về các nhân chứng Trần Văn Đôn, Marguerite Higgins và Hồ Sĩ Khuê, rồi chờ xem chương 25 về nhân chứng Đỗ Thọ, thì sẽ hiểu tại sao con người xuất thân từ bần nông đó lại nằm trong tim ông Diệm. Vì vậy anh ta hiểu được con người mà một đại trí thức như ông Tảng lại coi như kỳ bí. Những người đã trực diện với thực tế Cộng Sản, từng là nạn nhân Cộng Sản, khi phục vụ trong chính quyền lãnh đạo bởi một người cũng hiểu Cộng Sản, cũng đã từng là nạn nhân Cộng Sản, lại có lòng thương dân nghèo, nông dân, thì đương nhiên ủng hộ người đó, mặc dù chẳng có khả năng tài chính, trí tuệ hay quyền lực gì, chỉ có sự cảm thông và ủng hộ tinh thần. Vì từng là nạn nhân Cộng Sản, anh ta tìm hiểu thêm về Cộng Sản và muốn những người khác cũng hiểu biết hơn về Cộng Sản, rồi để tâm nghiên cứu và do việc nghiên cứu đó, người “nông dân” đã nhìn rõ hơn các vị trí thức đầy tham vọng và ôm ảo vọng. Để chứng minh điều nói trên, xin ông Tảng hãy xem lại— Tôi chắc thời gian ông còn nằm vùng kín mít ở Gò Vấp chắc cũng có dịp đọc rồi, mà coi thường không tin hay không muốn bận tâm về những kiến thức tầm thường của một tác giả vô danh— cuốn “Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản” của Minh Võ, xuất bản lần thứ nhất năm 1963 và lần thứ hai 1970, từ trang 134 đến trang 143. Các thư viện đại học Cornell, Nữu Ước và thư viện Quốc Hội Mỹ còn giữ mỗi nơi một ấn bản (8). Đó chỉ là một trong nhiều tác phẩm cùng loại của nhiều cây viết trong chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà, kết quả của phong trào học tập về Cộng Sản để chống Cộng Sản, do chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương.
Về việc tác giả “Sách lược xâm lăng của Cộng Sản” nhìn rõ Mặt Trận Giải Phóng chỉ là công cụ của đảng Cộng Sản miền Bắc nhiều năm trước một số nhà trí thức như họ Trương, điều đó chẳng có gì đáng lấy làm ngạc nhiên hay tự hào. Vì như gần đây nhà văn Vũ Thư Hiên (con ông Vũ Đình Huỳnh, một trong những tay chân thân tín nhất của ông Hồ Chí Minh sau này đã bị thất sủng và bị thanh trừng không nương tay) đã viết trong cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày” rằng điều ấy trẻ con ở miền Bắc cũng rõ. (9)

Chú thích:
(1) Bản Anh Ngữ với tựa đề: “A Viet Cong Memoir” với hai đồng tác giả David Chanoff và Đoàn Văn Toại. N.x.b. Harcourt Brace Jovanovich, San Diego 1985. Nguyên tác Pháp văn: “Le memoir d’un Viet Cong”. Những trích dẫn đều theo bản Anh Ngữ.
(2) S.Đ.D. Trang 13-15.
(3) S.Đ.D. trang 32.
(4) S.Đ.D. trang 34. Nguyên văn: “But if that much was clear, very little else was, and the foremost enigma was Diem himself.” Và trang 35: “HE WAS A MYSTERY.”
(5) Hai lý do này kể ra đối với một nhà trí thức quá trẻ miền Nam lúc ấy có thể thông cảm được, vì còn thiếu kinh nghiệm, và chưa đủ sâu sắc về mặt lý luận. Và đó cũng là tâm lý phần đông người miền Nam vốn hồn nhiên chất phác, thích an nhàn, và không thích nghĩ đến những gì xa xôi. Chính cái tâm lý này ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh miền Nam về sau. Trong hồi ký “Trong nanh vuốt lịch sử” ông Bùi Diễm có thuật lại chuyện ông làm điện ảnh và bị thất bại nặng nề, mặc dầu kỹ thuật, nghệ thuật không phải dở. Ông lấy làm lạ và không hiểu tại sao. Chính người đọc lấy làm lạ tại sao một người có kinh nghiệm Cộng Sản như ông mà lại không hiểu lý do thất bại đó. Chỉ vì ông đã nói lên một sự thật mà người miền Nam nhất định không tin là thật: Những cảnh đấu tố rùng rợn trong các chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất hồi 1953-1956 tại miền Bắc. Ông Tảng không biết hồi ấy có xem hay nghe nói về cuốn phim “chúng tôi muốn sống” của nhà trí thức lánh nạn Cộng Sản miền Bắc (không phải là tín đồ Công Giáo), ông Bùi Diễm, không? Ai cũng phải công nhận kỹ thuật, nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản là tinh xảo. Nó có tác dụng hóa giải những luận điệu tuyên truyền của đối phương khiến đối tượng chỉ tin những gì Cộng Sản nói, dù là nói dối, còn những gì người chống Cộng nói thì dù là nói thật vẫn bị coi là bịa đặt. Chắc hẳn ông Tảng đã sớm nhận ra sự giả dối của Cộng Sản, nên chẳng bao lâu sau khi miền Nam được (hay bị?) giải phóng ông đã tìm cách vượt biên để khỏi phải thấy tận mắt những điều giả dối đã từng mê hoặc ông trong suốt 20 năm trời.


(6) S.Đ.D. trang 66. Năm 1958 là năm ông nhập bọn với nhóm Huỳnh Tấn Phát, kiến trúc sư (đảng viên Cộng Sản từ 1940); Nguyễn Văn Hiếu, giáo sư (đảng viên c.s. từ 1951); Ưng Ngọc Kỷ, giáo sư (đảng viên c.s. từ 1951); Trần Bửu Kiếm (đảng viên c.s. từ 1951); Dương Quỳnh Hoa, bác sĩ (gia nhập đảng Cộng Sản từ khi còn là sinh viên ở Pháp); Trịnh Đình Thảo, luật sư; Phùng Văn Cung, bác sĩ; Nguyễn Long v.v… để lập lên một tổ chức chống chính quyền miền Nam, và đã phái Nguyễn Văn Hiếu ra Hà nội xin viện trợ. (ông không dám thú thực, — hay không biết— rằng là để xin chỉ thị.) Đó chính là hạt nhân cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng sẽ ra đời ngày 20 tháng 12 năm 1960, biến một số trí thức miền Nam thành bung xung hay bù nhìn, con rối của Hà nội với số phận hẩm hiu, (như ông đã mô tả trong hồi ký của một tên Việt Cộng) mà lúc ấy cứ tưởng bở!
(7) S.Đ.D. trang 283 và 284. Nguyên văn: “The Central Committee’s position had consistently been what Tôn Đức Thắng had announced it to be at the Third Party Congress back in September 1960: “Owing to the differences in the situation in the two zones of the country (South and North), the South must work out the program that, while in accord with the general program of the Fatherland Front, is suitable to its own situation. The South is carrying out the people’s national democratic revolution, the North the socialist revolution. “These sentiments were of-course reemphasized for Western consumption. “How could we have the stupid, criminal idea of annexing the South?” said Pham Văn Đồng to various foreign visitors. “We have no wish to impose communism on the South,” said Lê Đức Thọ to the international press in Paris.”
(8) Xin ông Trương Như Tảng hãy xem S.Đ.D. Phần III “Đảng Cộng Sản Việt Nam mọc mầm giữa những mâu thuẫn và mâu thuẫn”, chương (4): “Trường Chinh đặt tên và Xuân Thủy công nhận “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” từ trang 134 đến 143. Theo ngày tháng ghi ở phần mở đầu sách lần xuất bản hai, (trang 4) thì sách viết xong vào dịp lễ Quốc Khánh Đệ Nhất Cộng Hoà, 26 tháng 10 năm 1961. Thời gian đó tác giả đã nói đến ngày chủ nghĩa Cộng Sản sẽ biến tan, và thần tượng Lê-nin sẽ bị triệt hạ (trang 185 và 49.)
(9) Đêm giữa ban ngày, Vũ Thư Hiên, Văn Nghệ, California năm 1997. Trang 469. Nguyên văn: “MTGP miền Nam Việt Nam mà một đứa trẻ cũng hiểu do miền Bắc dựng nên vu cho đối phương vi phạm thỏa hiệp ngưng bắn nhân dịp tết Nguyên Đán để làm một vi phạm lớn hơn—mở một cuộc tổng tiến công trên toàn cõi”
Đến chương 26, lời bàn chung, chúng tôi sẽ lại dẫn chứng Vũ Thư Hiên để giải thích tại sao ở miền Bắc “trẻ con” cũng biết mà các nhà trí thức miền Nam Việt Nam và một số nhà báo tốt nghiệp đại học lúc ấy lại không biết.
ttba
Chương 21
Maxwell D. Taylor: Tổng Thống Ngô Đình Diệm ví như nắp hộp Pandora.

Đại tướng Maxwell D. Taylor (1901-1987) nổi danh là anh hùng thế chiến II khi chỉ huy sư đoàn Không Kỵ 101 đổ bộ xuống Arnhem, Hòa Lan. Sau thế chiến ông làm tư lệnh quân đội Mỹ tại Bá Linh, rồi tư lệnh đệ bát lộ quân ở Triều Tiên. Đến thời Tổng Thống Eisenhower ông làm tham mưu trưởng Lục Quân. Năm 1961 Tổng Thống Kennedy bổ nhiệm ông vào chức vụ chủ tịch ban tham mưu liên quân, Trong chức vụ này ông đã đến Việt Nam với sứ mạng nhận định tình hình và xét khả năng viện trợ thêm cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Năm 1965, sau khi đã về hưu ông lại sang Saigon làm đại sứ dưới thời tướng Nguyễn Khánh. Năm 1972 ông cho ra đời cuốn hồi ký “Thanh gươm và lưỡi cầy” (1) . Đọc cuốn hồi ký này ta thấy ông là một nhà quân sự chuyên nghiệp tài giỏi, nhưng không phải là một nhà ngoại giao tế nhị. Tính ông bộc trực và thẳng thắn, không ngần ngại nói lên những sở đoản của mình. Ví dụ khi nghe tướng Lansdale, một chuyên viên về chống chiến tranh khuynh đảo của Cộng Sản, trình bày về tác dụng của lời tuyên bố thành lập “Mặt Trận Giải Phóng” của Cộng Sản đối với miền Nam Việt Nam, tướng Taylor đã bảo đó là lần đầu tiên ông được biết về ý đồ của Cộng Sản vận dụng chiêu bài giải phóng ra sao để nhằm đánh đổ chính phủ miền Nam. Ông viết:
“Báo cáo của ông ta (Lansdale) về hiệu quả lời tuyên bố của Hà-nội năm 1959 loan báo mở cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc” đã làm cho tôi lần đầu tiên nhận ra được ý nghĩa trọn vẹn của nhóm từ này trong từ ngữ Cộng Sản, được dùng để mô tả việc sử dụng chiến tranh du kích mà họ bí mật hỗ trợ từợ bên ngoài biên giới của một nước không Cộng Sản nhằm lật đổ chính phủ của nước này.” (2)
Câu trên chẳng những chứng tỏ tác giả là người ngay thẳng và khiêm nhường không che giấu sở đoản của mình, mà còn cho thấy một sự thực đáng suy nghĩ: Một vị tướng lãnh tổng tham mưu trưởng, đồng thời còn là cố vấn của Tổng Thống Mỹ, mà còn lấy làm lạ về chiến pháp của Cộng Sản, thì không lạ gì mà đa số người Mỹ, nhất là những phóng viên trẻ măng như David Halberstam, Neil Sheehan không nhận ra rằng cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam thời đó chỉ là sản phẩm của Hànội tạo ra để đánh lừa thế giới; chứ thực chất của nó không phải là một tổ chức bộc phát của nhân dân miền Nam chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Càng không lấy làm lạ là những nhà trí thức con nhà giầu như Trương Như Tảng đã mắc bẫy của Cộng Sản.
Trong các người mà tướng Taylor đã gặp trong chuyến công tác này, ngoài đại sứ Nolting, tướng McGarr và các sĩ quan cùng giới chức Mỹ khác, về phía Việt Nam có bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, Trung Tướng Dương Văn Minh, đại tướng Lê Văn Tỵ và Tổng Thống Ngô Đình Diệm (3) . Trước khi sang Việt Nam tướng Taylor đã được nghe nói nhiều về những lời phàn nàn chê trách ông Diệm. Nhưng sau khi điều tra tại chỗ ông có vẻ bênh ông Diệm. Ông viết:
“Tôi có cảm tưởng có lẽ ông ta đã nhận được nhiều lời khuyên hơi ngây ngô về chính trị từ nhiều năm do những nhân viên sứ quán trẻ, ít kinh nghiệm cố nói theo những huấn thị của bộ ngọai giao. Ông ấy rất có lý để nghi ngờ sự phán đoán cao siêu của những người Mỹ, chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn, liên quan đến khả năng và uy tín của những người đã cộng tác với ông ta hầu suốt đời. Ông ta cũng biết số người có khả năng lãnh đạo chưa được dùng và có thể mời tham gia để tăng cường cho chính phủ của ông ta, (số người này) rất giới hạn ra sao.” (4)
Tướng Taylor cũng xác nhận là hai nhân vật cao cấp nhất của Mỹ ở Việt Nam lúc ấy là đại sứ Frederic Nolting và tướng McGarr hoàn toàn ủng hộ ông Diệm (5) . Sau đây là một vài nét về con người ông Diệm mà tướng Taylor còn nhớ và đã ghi lại trong hồi ký của ông:
“Ông Diệm là một người Việt Nam thấp, dáng dấp hơi bè bè, tuy đã 60 tuổi nhưng mái tóc đen nhánh của ông chưa có dấu hiệu hoa râm. Ông có một bộ mặt nghiêm nghị nhưng dễ mến với cặp mắt mơ màng của con người huyền bí và vẻ uy nghiêm trầm lặng của một vị thượng quan đã được rèn luyện để cầm quyền. Ông cử động và nói năng một cách cân nhắc, chín chắn và rất có tài lái câu chuyện theo hướng mà ông muốn nó phải đi tới. Ông cũng khéo tránh né những câu hỏi mà ông chưa sẵn có câu trả lời.”(6)


Về lập trường và tư thế của ông Diệm trong vấn đề viện trợ của Hoa Kỳ, tướng Taylor thuật lại như sau:
“Trong khi dứt khoát về nhu cầu cần được hạm đội 7 của ta giúp kiểm soát sự xâm nhập bằng đường biển (của địch), ông ta cho thấy rõ ràng là vào lúc này đây ông ta không mong muốn xin viện quân của ngoại quốc. Tuy nhiên ông rất muốn có một kế hoạch phối hợp về nơi đóng quân và cách sử dụng quân ngoại quốc, nếu có lúc cần phải đem quân ngoại quốc vào. Ông giải thích rằng cho đến nay ông vẫn hy vọng có thể đối phó với tình hình mà không cần tới viện quân, nhưng tình hình ở Ai Lao và sự gia tăng quân số Việt Cộng đang ép ông phải xét lại lập trường của ông. Điều quan trọng nhất đối với ông là, nếu có bao giờ quân Mỹ cần vào Việt Nam, thì phải vào với một cam kết là sẽ ở lại và bảo vệ miền Nam Việt Nam, chứ không được muốn cấp tốc rút lúc nào thì rút bằng một đạo luật của quốc hội.” (7)


Trong chương 34: “Những bài học từ Việt Nam” vị thống soái dầy kinh nghiệm chiến trường do đã từng chỉ huy nhiều đại đơn vị tác chiến, với kiến thức chuyên môn của ông, đã cho rằng khuyết điểm lớn và cũng là nguyên nhân chính của sự thất trận là do không có đủ hay coi thường những thông tin tình báo về miền Nam cũng như miền Bắc Việt Nam. Cũng như Tổng Thống Nixon, ông cho rằng sự lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một trong những nguyên nhân thất bại. Ông đã dùng một hình ảnh của thần thoại Hy Lạp để ví von như sau:
“Điều chúng ta không biết là cuộc đảo chính được Mỹ ủng hộ nhằm lật đổ ông Diệm, đã lật cùng với ông cái nắp đậy hộp chính trị Pandora trong đó ông Diệm đã nhốt các thần hỗn loạn chính trị. Khi những thần dữ này được tự do tung hoành chúng đã xé nát Nam Việt Nam trong những năm 1964 và 1965 đặt chúng ta trước một loạt những vấn đề chính trị hoàn toàn khác lạ.” (8)
Chỉ trước ngày đảo chính hơn một tháng, theo lệnh của Tổng Thống Kennedy ông đã cùng với ông McNamara, bộ trưởng quốc phòng tới Việt Nam để nhận định tình hình. Hai ông đã báo cáo là tình hình quân sự ở miền Nam Việt Nam lúc ấy khả quan và có thể rút một ngàn cố vấn vào cuối năm 1963, mặc dù hai ông đều đồng ý là các cuộc xáo trộn về chính trị sẽ có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh ở thôn quê. Tưởng cũng nên thêm là chính ông Cabot Lodge, liền ngay sau cuộc đảo chính cũng báo cáo về Hoa Thịnh Đốn là tình hình an ninh tại thôn quê là tốt. Nhưng chỉ vài tuần sau tình hình đó đã trở nên tồi tệ do việc bãi bỏ quốc sách Ấp Chiến Lược.
Trong cuốn “Năm con mèo” tác giả Francis X. Winters đã trưng dẫn từ biên bản phiên họp ủy ban ngoại giao thượng viện Mỹ ngày 8 tháng 10 năm 1963, được triệu tập vội vã, lời của tướng Taylor nói về sự độc đoán của ông Diệm mà ông tán thành và so sánh với Tổng Thống Lincoln của Mỹ như sau:
“Chúng ta cần có một nhà độc tài trong thời chiến và chúng ta đã có”. Tướng Taylor so sánh những biện pháp đàn áp của ông Diệm với việc Tổng Thống Lincoln bãi bỏ những quyền hiến định trong thời gian nội chiến của Mỹ đã từng gây tranh cãi.”(9)
Trong phiên họp đó ông McNamara, lúc ấy là bộ trưởng quốc phòng, cũng bênh vực ông Diệm như tướng Taylor, đánh giá đúng mức sự hữu hiệu và thành công của ông trong thời gian 9 năm qua, mặc dầu sau này khi in cuốn “In Retrospect” quan điểm của ông có hơi thay đổi.

Chú thích:
(1) “Swords and plowshares”, W.W.Norton & Company, Inc. New York. 1972.
(2) S.Đ.D. trang 221. Nguyên văn: “His account of the effects of Hanoís declaration of a war of National Liberation in 1959 revealed to me for the first time the full significance of this term of communist jargon used to describe the use of guerrilla warfare clandestinely supported from without the boundaries of a non-Communist state to overthrow its government.”
(3) Về tướng Dương Văn Minh xin xem chương 15. Về tướng Lê Văn Tỵ ông viết: “Sau khi gặp tướng Minh tôi tới thăm đại tướng Lê Văn Tỵ, vị tướng lãnh cao cấp nhất của quân lực Việt Nam; tôi nhận thấy ông không quan tâm đến chính trị trong nước và tác phong của Tổng Thống Diệm cho bằng các vấn đề quân sự: vũ khí và huấn luyện…. Ông không nói một lời nào về ông Diệm và những lỗi lầm của ông Diệm.” Nguyên văn: “After my call on Minh I went to see Lieutenant General Lê Văn Tỵ, the senior officer of the Vietnamese armed forces, whom I found much less interested in domestic politics and president behavior than in military matters of equipment and training… But there was not a word said about Diem and his misdeeds.”
(4) S.Đ.D. trang 235. Nguyên văn: “I got the impression that he must have received a lot of rather naive political advice over the years from young and inexperienced Embassy officers attempting to comply with State Department directives. He had considerable reason to doubt the superior judgement of transient Americans concerning the ability and reliability of men with whom he had spent most of his life. Also he knew how limited was the untapped Vietnamese leadership available to reinforce his government.”
(5) S.Đ.D. trang 236. Ngoài ra nơi trang 221 ông viết về thái độ của tướng McGarr như sau: “But notwithstanding the obvious retrogression in Vietnam, McGarr had confidence in Diem, whom he regarded as one of the most effective anti-Communist leaders in the world.” Tạm dịch: “Nhưng mặc dầu tình hình có xấu đi một cách rõ rệt, McGarr vẫn tin tưởng ở ông Diệm mà ông coi như một trong những nhà lãnh đạo chống Cộng hữu hiệu nhất thế giới.” Nơi trang 223 ông viết về nhận xét của đại sứ Nolting: “Ambassador Frederick E. Nolting, Jr had strong praise for Diem’s objectives and phylosophy of government. Far from being a dictator relishing power for its own sake, in Nolting’s eyes he was a dedicated patriot of high principles who would have preferred to be a monk rather than a political leader. Diem’s strong convictions were to some extent a source of weakness in that they caused him to reserve too much responsibility to himself to the detriment of governmental efficiency and to increase of his personal vulnerability as a political target.” Tạm dịch: “Đại sứ Frederick E. Nolting Jr rất ca ngợi các mục tiêu và triết lý chính quyền của ông Diệm. Dưới mắt Nolting ông Diệm chẳng những không ham quyền bính vì quyền bính mà còn là nhà ái quốc tận hiến cho những nguyên lý cao cả, thích được làm một nhà tu hơn làm một lãnh tụ chính trị. Niềm tin mãnh liệt của ông, tới một mức độ nào đó, đã là nguồn gốc nhược điểm vì nó khiến ông giữ quá nhiều trách nhiệm cho chính mình làm hại đến sự công hiệu của chính phủ và cũng làm tăng khả năng bị chống đối của ông như một mục tiêu chính trị.”
(6) S.Đ.D. trang 229. Nguyên văn: “Diem was a short, rather stocky Vietnamese, sixty years of age but with no sign of gray in his jet-black hair. He had a grave but pleasant face with the dreamy eyes of a mystic and quiet dignity of a mandarin trained to rule. He moved and spoke deliberately and was highly skilled in steering a conversation in the direction he wished it to go and in avoiding questions which he was not ready to answer.”
(7) S.Đ.D. trang 232, nguyên văn: “While he was definite about needing the help of our 7th Fleet to control the seaward approaches to Vietnam, he indicated that he did not wish to ask for foreign troops at this time. However he did want an agreed joint plan as to where they would be located and how used, if they had to be introduced. He explained that, up to now, he had hoped to be able to cope with the situation without foreign troops, but the situation in Laos and the increasing strength of the Viet cong were forcing him to reexamine his position. He considered it most important that, if the US troops ever came into the country, they should come with a commitment to stay and defend South Vietnam and not be subject to precipitate withdrawal by an act of the American Congress.”
(8) S.Đ.D. trang 401, nguyên văn: “What we could not know was that an American-supported coup in 1963 would remove Diem, and with him the lid from the political Pandorás box in which Diem had confined the genies of political turbulence. When freed, these forces tore South Vietnam apart in 1964 and 1965 and presented us with a completely different set of political problems.”
(9) “The year of the hare”, University of Georgia Press, 1997. Trang 93. Nguyên văn: “We need a dictator in time of war and we have one.” Taylor compared Diem’s repressive measures to Lincoln’s controversial abrogations of con-stitutional rights during America’s civil war.”
ttba
Chương 22
Hoàng Ngọc Thành: Dù có lỗi lầm gì đi nữa, Ngô Đình Diệm là người thực sự có thái độ quyết liệt trong việc bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Ông Hoàng Ngọc Thành sinh năm 1926, cựu học sinh trưòng Quốc Học Huế, tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1948 đến 1954. Trước khi du học Mỹ quốc để lấy bằng tiến sĩ sử học vào năm 1968, ông đã từng là giáo sư của nhiều trường trung và đại học Việt Nam kể cả trưòng Bồ Đề, đại học Vạn Hạnh, đại học Hòa Hảo, đại học Cao Đài… và cao đẳng Quốc phòng. Ông bắt đầu tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về cuộc đời ông Ngô Đình Diệm, nhất là về nguyên nhân sự sụp đổ của chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà và cái chết của hai ông Diệm, Nhu ngay từ ngày mồng 2 tháng 11 năm 1963. Nghĩa là liền ngay khi được tin hai ông bị sát hại. Ông đã cho độc giả biết điều đó ngay ở đầu cuốn “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” mà ông viết chung với bà vợ là Thân Thị Nhân Đức. Xuất bản tại San Jose, California năm 1994. Giáo sư Tôn Thất Thiện gần đây đã trịnh trọng giới thiệu tác phẩm của hai nhà sử học này trên một bài báo ở Canada (hồi tháng 10, 1997) rồi kết luận rằng:
“Quyển “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” là một quyển sách mà mỗi người Việt Nam đều phải có trong thư viện tư của mình, nếu họ ưu tư về xứ sở, và thành tâm muốn tìm hiểu một cách khách quan, tường tận, chính xác và công bình những gì đã thực sự xảy ra và các nhân vật đã được nhắc đến trong giai đoạn 1945 – 1975 thực sự là người thế nào.”
Trong tác phẩm dầy trên 600 trang này 2 tác giả nói đến cả những cái hay và cái dở, những công lao và lỗi lầm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Về mặt tiêu cực ông bà Thành viết:
“Làm Thủ Tướng rồi Tổng Thống , ông Ngô Đình Diệm lòng đầy nhiệt huyết phục vụ quyền lợi của dân tộc. Ông làm việc suốt ngày và 7 ngày một tuần, cả năm hầu như không nghỉ. Ông muốn làm tất cả mọi việc chính trị, quân sự, kinh tế, ngọai giao v.v… từ việc lớn đến việc nhỏ. Kết quả là ông ôm đồm quá nhiều, lo đến những việc mà nên để cấp dứơi phụ trách, thay vì nguyên thủ một nước phải chú trọng. Như thế có sự ứ đọng trong bộ máy chính quyền vì không được giải quyết kịp thời.” (1)
Và đây, một nhược điểm khác của ông Diệm được phân tích một cách tế nhị:
“Ông Diệm quên mất “phép nước không kể tình thân” và quá nể nang anh em. Ông đã để người anh là Tổng Giám Mục Thục và người em là cố vấn Nhu ảnh hưởng, hay có thể nói, chi phối ông trong vấn đề Phật Giáo. Tùy viên Đỗ Thọ đã trách cứ Tổng Giám Mục Thục về sự sụp đổ của chế độ và cái chết của Tổng Thống Diệm trong “Nhật Ký Đỗ Thọ”.(2)
Về ông Nhu, tác giả chê: quá tự kiêu và sống trong ảo tưởng.
Ông Thành cũng chê ông Diệm về cách dùng người trong gần ba trang sách, phân tích khá tỉ mỉ. Sau đây là một đoạn vắn:
“Ông đã từ quan chống Pháp, nhưng lại đã sử dụng lâu dài những kẻ đã phục vụ đắc lựỳc cho thực dân Pháp từ Nguyễn Ngọc Thơ, trong chức vụ phó Tổng Thống cho đến các tướng lãnh nào là Đôn, Kim, Minh, Khiêm, Khánh, Lễ, Oai v.v…. đều là những người đi lính cho Pháp thực dân chống dân tộc Việt Nam. Hầu hết những người này đều là cơ hội hay xu thời, hoặc động cơ quyền lợi hay tham vọng cá nhân thúc đẩy họ.” (3)
Ông Thành đã so sánh một cách hết sức tế nhị và kín đáo người yêu nước Ngô Đình Diệm với những người lãnh đạo quốc gia sau ông như sau:
“Lằn ranh giới giữa ngưới yêu nước thực sự và tên tay sai là người yêu nước tìm đủ mọi cách để bảo vệ chủ quyền của xứ sở, đến tận cùng, dù phải hy sinh tính mạng, phú qúy của cá nhân và dòng họ, còn tên tay sai dù có phản đối nhưng rút cục cũng buông xuôi theo thực dân để khỏi tổn thương đến tính mạng, phú qúy của cá nhân và gia đình.
“Dù lỗi lầm gì đi nữa, người yêu nước thực sự NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ THÁI ĐỘ QUYẾT LIỆT TRONG SỰ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM. Thái độ này làm chính quyền Mỹ John F. Kennedy mưu đồ đảo chính và sát hại ông. Và biến miền Nam thành một “xứ bảo hộ ” của Hoa Kỳ” (4)
Mục tiêu chính của tác phẩm là chứng minh bằng những tài liệu chính xác, trong số đó có những tài liệu mới được giải mật gần đây nhất, rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị chính quyền Kennedy dùng một số tướng tá tay sai để lật đổ. Lý do là vì người Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam thành một xứ đô hộ của Mỹ, mà ông Diệm nhất định không chịu, cố gắng giữ chủ quyền của Việt Nam. Như vậy cái chết của ông Diệm mang một ý nghĩa trọng đại vì ông chết cho đại nghĩa.
Chính vì vậy tác giả đã ca ngợi ông Diệm bằng những lời thật cảm động ở cuối sách như sau:
“Trước cảnh tượng các tướng cầm quyền chỉ làm tay sai cho ngoại bang, hết Pháp rồi đến Mỹ, với mặt trái của Cộng Sản Hà-nội và con người cá nhân ông Hồ Chí Minh được phơi bày, hình ảnh Tổng Thống Diệm là con người yêu nước, chống cả Cộng Sản và thực dân, dù Pháp hay Hoa Kỳ, hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền, với nếp sống đạo đức cá nhân, đã trở nên đáng kính hơn bất cứ nhân vật hiện đại nào từ 1945 đến nayà.
“Đời sống của Tổng Thống Ngô Đình Diện không được dài lâu và ông không được hưởng lạc thú trên đời. Nhưng dân tộc Việt Nam sẽ nhớ lâu dài đến người yêu nước Ngô Đình Diệm. Tài liệu này có lẽ là kỳ đài lịch sử đầu tiên cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Rồi đây khi đất nước Việt Nam thanh bình và vắng bóng quân thù, sẽ có những kỳ đài khác, những trường học và đại lộ mang tên ông. Vĩnh biệt Tổng Thống Ngô Đình Diệm.” (Hết).(5)

Chú thích:
(1) “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” trang 425.
(2) Tr.426.
(3) Tr.427.
(4) Tr.228.
(5) Tr. 620, 621.
ttba
Chương 23
Nguyễn Chánh Thi: Ngô Đình Diệm chỉ là một kẻ bất tài.

Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà mang cấp bậc đại tá, chỉ huy lực luợng nhảy dù là binh chủng ưu tú lúc ấy. Đầu tháng 11 năm 1960, vì nhẹ dạ (1) , hay miễn cưỡng mắc mưu Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông, ông tham gia cuộc đảo chính bất thành và đã phải cùng một số sĩ quan chủ mưu lánh nạn sang Nam Vang, thủ đô Cam Bốt. Sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963 ông trở về nước, rồi gần hai năm sau nắm quyền tư lệnh quân đoàn I kiêm tư lệnh vùng I chiến thuật.
Nơi chương 6 chúng tôi đã trích dẫn lời Trung Tướng Trần Văn Đôn nói rằng trong hàng tướng lãnh, thượng tọa Thích Trí Quang tin Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi nhất. Có lẽ vì sự tin cẩn đó và có lẽ Trung Tướng cũng đáp lại lòng tin cẩn của thượng tọa sao đó, cho nên khi Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, thẳng tay dẹp loạn do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo ở vùng I, thì Trung Tướng Thi cũng bị liên lụy hay nghi ngờ và được cho xuất ngọai “chữa bệnh thối mũi” không có ngày về.
Trong thời gian chữa bệnh (?) tại Mỹ, sau này ông Thi đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm “Việt Nam một trời tâm sự” là cuốn hồi ký đắc ý của ông (2) . Trong cuốn hồi ký này có nhiều đoạn lên án nặng nề Đệ Nhất Cộng Hoà và nhất là Tổng Thống Diệm mà ông mô tả như kẻ bất tài vô đức.
“Ông Diệm cũng chỉ là một KẺ BẤT TÀI, quá tự kiêu và nuôi quá nhiều tham vọng, đến khi nhờ thời cuộc xoay vần, đưa đẩy, những tham vọng kia biến thành sự thực, ông ta tỏ ra bất lực, không nắm vững tình thế…”
“Về cá nhân ông Diệm, nếu muốn bảo đó là một người tốt thì cũng đúng. Ông là người tốt nhất trong số 5 anh em nhà Ngô, nắm trong tay trọn quyền sanh sát của 14 triệu dân Việt Nam. Ông đáng xem là người tốt nhất vì trong số này ông kém tinh khôn, sâu sắc và gian ác nhất.” (3)
Người đọc tất phải hiểu ông Diệm là kẻ gian ác, chỉ gian ác không bằng các anh em khác của ông thôi. Sau đây chúng tôi xin cống hiến bạn đọc vài đoạn vắn mà ông Thi đã dùng để chứng minh sự “gian ác” của Tổng Thống Diệm:
“Vì có sẵn trong lòng dự định cải tạo tình thế, nên từ đó về sau tôi luôn luôn để tâm tìm hiểu bộ mặt thật của chế độ quái gở gọi là “Cộng Hòa Nhân Vị”, “Cộng Đồng Đồng Tiến”. Thế rồi càng ngày tôi càng khám phá thêm những sự việc gian trá tồi tệ…”
“Đại khái các việc mà tôi biết đích xác như sau:
“Vụ đấu thầu của cơ cấu kiến thiết ở Quy Nhơn mà chính ông Diệm đã đích thân ra lệnh cho một người quen của tôi hồi đó làm tỉnh trưởng ở đấy phải để cho người của họ Ngô được trúng thầu.”
“Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của Ngô Đình Diệm, đã gửi sang Thụy Sĩ và Pháp vô số tiền bạc…”
“Thật ra thì không thể nào kể hết những hành động thối nát của gia đình họ Ngô và bọn quần thần, những kẻ luôn luôn vỗ ngực tự xưng “vì dân, vì nước”. (4)
Có lẽ vì không biết có một số tài liệu mật của chính quyền Kennedy đã dược giải mật cho thấy đích thực người Mỹ có nhúng tay vào trong các cuộc đảo chính 1960 và 1963, cho nên tướng Thi viết một cách quả quyết như sau:
“Tuyệt nhiên không có sự nhúng tay của ngọai quốc, dù xa dù gần, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù vật chất hay tinh thần.”(5)
Có lẽ ông Thi muốn cho độc giả hiểu: Vì ông Diệm thối nát xấu xa quá cho nên chẳng cần có người Mỹ hay Pháp nhúng tay vào, chỉ nhân dân đủ đánh đổ rồi.
Như ai nấy đều biết hai người chủ xướng cuộc đảo chính 1960 là Nguyễn Triệu Hồng và Vương Văn Đông. Ông Nguyễn Chánh Thi chỉ tham dự vì bị trúng kế của hai người trên. Nhưng trong hồi ký ông Thi thuật lại y như ông là người chủ xướng và là tổng chỉ huy (6). Tuy nhiên cuối cùng ông cũng tự lộ tẩy. Vì nơi trang 131 ông viết:
“Nhưng sau đó trung úy Lưu Danh Rạng lại nhận điện tín khẩn của trung tá Vương Văn Đông bảo cho tôi “Lệnh trên không cho phép bắn, vì sợ đổ vỡ cuộc thương thuyết…”
Lệnh trên là lệnh của ai? Nguyễn Triệu Hồng (đã chết)? Hoàng Cơ Thụy? Phan Quang Đán (tức Phan Huy Đán)? Hay một ông Mỹ ông Pháp nào? Chứ nhất định không phải Nguyễn Chánh Thi.(7)
Đọc “Việt Nam một trời tâm sự” của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi người ta thấy rõ một điều: Đối với ông Thi không phải chỉ có một ông Diệm là độc tài, thối nát, mà tất cả mọi tướng lãnh và chính phủ sau đó đều bị ông sỉ vả, lăng nhục không tiếc lời, kể cả những người được ông Thi hợp tác, ủng hộ, và coi là bạn như Vương Văn Đông, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh…. Như vậy phải đi đến một kết luận rất logic là, theo ông Thi, chỉ có một mình ông trong sạch và có khả năng lãnh đạo miền Nam chống Cộng. Bằng không thì phải hiểu: Tất cả các lãnh tụ miền Nam, theo ông Thi, đều là đồ bỏ, kể cả chính ông, chỉ có những Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười v.v… ở miền Bắc là tốt, là hay. Nhất là nếu người đọc nhìn một thực trạng đáng buồn khác là: Những sách báo ở Hải ngọai trong hai thập kỷ nay đầy rẫy những lời của các chính khách đả kích lẫn nhau, chứ ít, rất it thấy những sách phê bình các người lãnh đạo Cộng Sản. Tại sao lại cứ để cho những người đã lật ông Diệm đả kích, lên án ông Diệm không ngớt, để gián tiếp tự bào chữa cho cái tội tầy trời của họ? Những tiếng nói của những người đó gián tiếp làm lợi cho tuyên truyền của Cộng Sản không ít. Nếu những người như ông Thi chẳng hạn ý thức được điều đó thì chắc không nỡ cứ người phe mình mà đả kích, trong khi để yên cho các nhà báo thân Cộng của Mỹ ca tụng ông Hồ và đảng Cộng Sản.(8)

Chú thích :
(1) Chính ông thú nhận là đã lầm nghe theo Trung Tá Vương Văn Đông, mà sau này ông không ngớt nguyền rủa, cũng như về sau lại tin Nguyễn Khánh đến nỗi lại bị Nguyễn Khánh phản. Tôi dùng chữ nhẹ dạ ở đây là vì thế.
(2) Việt Nam Một Trời Tâm Sự, tác giả Nguyễn Chánh Thi, nhà x.b. Xuân Thu, Los Alamitos, CA, năm 1987.
(3) S.Đ.D. trang 78.
(4) S.Đ.D. trang 79.
(5) S.Đ.D. trang 69,70. Theo ông Đỗ Mậu thì ông Thi bất bình về việc tướng Nguyễn Khánh để tướng Nguyễn Văn Vỹ và trung tá Vương Văn Đông về nước vì ông Thi cho rằng “Vương Văn Đông là người của Pháp và có liên hệ với (trung tá) Trần Đình Lan, một thứ con Tây đang làm gián điệp cho Pháp”. (Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, trang 677). Như vậy gián tiếp và vô ý ông Đỗ Mậu đã tố cáo ông Thi, bạn của ông, khi tham gia cuộc đảo chính 11-11-1960 với Vương Văn Đông cũng có liên hệ với gián điệp Pháp?
(6) S.Đ.D. trang 123. Ông Nguyễn Cao Kỳ, người bạn, sau trở thành thù, của ông Thi nói ngược hẳn. Đầu chương 4 trong hồi ký “Hai mươi năm và hai mươi ngày” (trang 31) ông Kỳ đã viết: “CIA ủng hộ cuộc đảo chính của chúng tôi”. Ng.v.: “The CIA backs our coup.” Và chính ông Thi chỉ một trăm trang sau đã tự mâu thuẫn khi viết: “Những tướng lãnh làm đảo chính 1.11.1963 hầu hết là manh động theo lệnh ngoại bang.” (s.đ.d. tr.220)
(7) S.Đ.D. trang 125, 126.
(8)Trong hồi ký của mình, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi nặng lời chê trách nhóm Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông và —nói chung— cái gọi là Hội Đồng Cách Mạng của họ (mà ông gọi là “ngây ngô, nham nhở” (đầu trang 151)), trong đó có luật sư Hoàng Cơ Thụy (lúc ấy ông Thụy có liên lạc nhiều với tòa đại sứ Mỹ, nên về sau vị đại sứ này—ông Durbrow— đã bị Tổng Thống Kennedy triệu hồi về Mỹ, vì Tổng Thống Ngô Đình Diệm nghi ngờ ông có yểm trợ nhóm đảo chính. Mật vụ phủ Tổng Thống có nắm được một số tang chứng.) Xem ra ông Thi không thuộc bài học 1960, nên sau này, 1965, ông lại tin tướng Nguyễn Khánh làm chuyện hồ đồ khác. Rồi lại bị ông tướng này đì, nên lại nặng lời chỉ trích tướng Khánh. (các trang 222-227.)
Nguyệt San Diễn Đàn Phụ nữ số 151, tháng 11 năm 1996, trang 47-54, cho biết ông Thi khi làm tư lệnh quân đoàn I có liên lạc với một cán bộ Cộng Sản tên Huỳnh Liễu và chứa chấp một cán bộ cao cấp khác, cấp bậc thiếu tướng tình báo Cộng Sản, tên là Bùi Văn Sắc, thường được gọi là Sáu Già. Theo tác giả bài báo thì cái tin động trời này do chính bạn ông Thi là cựu đại tá Phạm Văn Liễu tiết lộ. Trong hồi ký “Hai muơi năm, hai mươi ngày” (trang 89), tướng Nguyễn Cao Kỳ cho biết ông Thi còn có một cô nhân tình là Cộng Sản. Có lẽ ông Kỳ muốn nói đến cô Trang nào đó mà ông Thi quen khi lánh nạn ở Nam Vang từ 1960 đến 1963.
Trong số 155 Diễn Đàn Phụ Nữ, tháng 3 năm 1997, ông Thi đã lên tiếng phủ nhận tin trên, nói là ông không quen biết Hùynh Liễu. Ông nói nếu có liên hệ, thư từ qua lại thì hai ông Nguyễn Mộng Hùng và Nguyễn Hữu Nghiêm thường đọc thư của tư lệnh ắt phải biết. Nhưng ông Thi nhận là có cho Bùi Văn Sắc ở nhà ông mà không biết y là Cộng Sản. Ông không đả kích ông bạn Phạm Văn Liễu thậm tệ như đã đả kích Vương Văn Đông, Nguyễn Khánh, nhưng ngụ ý tố ngược lại là chính ông Phạm Văn Liễu đã biết mà không cho ông hay để đề phòng, rồi nay lại còn vu cáo ông. Cuối cùng ông Thi kết luận một cách mơ hồ: “Tôi nghĩ cái kim giấu mãi trong túi áo, có ngày nó sẽ lòi ra, làm sao qua mặt được thiên hạ.”
Đọc hồi ký V.N.M.T.T.S. và lời phân trần của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi trên D.Đ.P.N. số 155 rồi đối chiếu với những gì được tiết lộ qua bài “Tướng N.C.Thi bị Cộng Sản Việt Nam cài điệp viên sát nách, hay bị vu cáo?” đăng ở D.Đ.P.N. số 151 người ta có cảm tưởng tướng Thi là một người nóng nảy,nhẹ dạ, quá dễ bị lừa và bị phản: Hết ông Diệm rồi đến Vương Văn Đông, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Khánh và cả bạn thân là Phạm Văn Liễu. Các ông này (trừ ông Phạm Văn Liễu) đều bị ông Thi sỉ vả không tiếc lời. Do đó người đọc có thể nghĩ cuốn hồi ký của ông không phải ông viết, mà do một bàn tay nào đó cũng có dụng tâm lừa ông, hại ông. Nhất là nếu được nghe một người từng ngồi ăn cùng bàn với ông Thi ở San Jose cho biết ông Thi đã nghiêm khắc lên án những kẻ sát hại Tổng Thống Diệm mà ông—theo lời người kể lại—gọi một cách kính cẩn là lãnh tụ của ông.
ttba
Chương 24
Đỗ Thọ: Lịch sử sẽ viết rằng Hoa Kỳ đã mượn tay tướng lãnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm …Mai hậu công lao của Tổng Thống Diệm to tát được người người ca tụng như Tổng Thống Lincoln của người Hoa Kỳ.

Đỗ Thọ là trung úy không quân, một trong 4 sĩ quan tùy viên của Tổng Thống Diệm, người duy nhất đi theo và xách chiếc cặp đựng giấy tờ quan trọng của Tổng Thống cho đến lúc ông và ông Nhu leo lên xe bọc sắt để rồi bị giết trên đó sáng mồng 2 tháng 11 năm 1963. Chẳng những Đỗ Thọ không phải là tín đồ Công Giáo (những kẻ có ác ý thường cho rằng ông Diệm chỉ tin dùng người trong gia đình hay người theo đạo Công Giáo) mà còn là một Phật tử, cháu ruột Đại Tá Đỗ Mậu, một người rất năng nổ trong việc lật đổ Tổng Thống Diệm.
Ngay sau cuộc đảo chính, ông Thọ, quá xúc động vì thương tiếc Tổng Thống mà ông kính yêu như cha đẻ, đã viết nhật ký (1) kể lại những gì ông được mắt thấy tai nghe trong mấy năm làm tùy viên, theo sát bên Tổng Thống , lúc làm việc hay khi ngủ nghỉ trong dinh Độc Lập, cũng như trong các cuộc kinh lý, và cả trong những dịp lễ, giỗ ở Phú Cam, Huế, khi Tổng Thống về họp mặt với gia quyến và thăm mẹ già. Ông Đỗ Thọ đã bộc lộ tất cả sự kính phục và thương mến của mình đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nhất là mối xúc động sâu xa mãnh liệt trước cái chết bi thảm của hai ông Diệm, Nhu. Có lẽ vì mối xúc động không nguôi khi cầm bút, nên ông viết như người nói, đơn sơ, mộc mạc, có chỗ luộm thuộm, nhưng vì chân thực nên lại thành ra sâu sắc lạ lùng. Ví dụ, sau khi ông Diệm chết, bộ ngoại giao Mỹ, các phóng viên Mỹà đều quả quyết đây là một việc thuộc nội bộ Việt Nam, người Mỹ không hề có nhúng tay vào. Các tướng lãnh đảo chính đều tự hào nói rằng đó là công việc tự mình lo lấy từ đầu tới cuối (2). Nhưng Đỗ Thọ, ngay trong thời gian đó đã dám khẳng định ngược hẳn lại dư luận chung rằng:
“Lịch sử sẽ viết rằng Hoa Kỳ đã mượn tay tướng lãnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm.”
Đó là một lời tiên tri rõ ràng. Sau đó tác giả “Nhật Ký Đỗ Thọ” còn tiên đoán mạnh hơn khi viết:
“Mai hậu công lao của Tổng Thống Diệm to tát được người người ca tụng như Tổng Thống Lincoln của người Hoa Kỳ.” (3)
Đến nay thì phần trên của nhận định ấy đúng là lời tiên tri đã được thực hiện. Chính Tổng Thống Richard Nixon, 21 năm sau (1985, khi hồ sơ mật liên quan đến vụ đảo chính vẫn chưa được giải mật), cũng phải nhận như vậy trong “No more Vietnams” như chúng ta đã thấy ở chương 17, tuy rằng khi ông Nixon viết cuốn sách đó các văn kiện mật của bộ ngoại giao và quốc phòng Mỹ chưa được giải mật để có bằng chứng trên giấy trắng mực đen như sử gia Hoàng Ngọc Thành đã có vào năm 1992, khi ông này viết “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”. Còn phần dưới thì, nếu ý kiến của sử gia Hoàng Ngọc Thành được tán thành (4), chẳng bao lâu cũng sẽ thành sự thực.
Những lời mà Đỗ Thọ dùng để ca ngợi vị Tổng Thống mà ông kính yêu nhan nhản trong cuốn Nhật Ký 360 trang của ông, đôi chỗ nói đi nói lại một cách vụng về, nói lên mối xúc động luôn luôn tồn tại trong trái tim. Sau đây chúng tôi chỉ xin trích một vài đoạn vắn.
“Quả thật Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đứng về phía quần chúng. (5)
” Thật sự giờ này tôi đang viết thư từ nơi cõi sống về nơi cõi chết. Tôi viết để thương kính vị Tổng Thống mà tôi đã theo chân trong những giây phút sóng gió đầy nước mắt, từ dinh Gia Long”…
“Tôi thương yêu, kính trọng Tổng Thống với tình cảm thiêng liêng, giữa một tùy viên, một con người, và có lẽ còn nhiều hơn nữa, các thứ ấy chồng chất không thể nào cắt nghiã được. ..” (6)
“Cái chết của Tổng Thống Diệm chẳng đem lại một đổi thay tình hình mà còn làm cho bi đát hơn thì đúng hơn.”…
“Tôi là một sĩ quan tầm thường.. Nếu tôi là một chính trị gia, tôi sẽ tiên đoán rằng, dù trong tương lai xa xôi, Tổng Thống Diệm vẫn là bất diệt. (7)
“Khi Tổng Thống chết rồi, tôi bắt gặp một số lớn đồng bào vẫn treo ảnh Tổng Thống trong nhà. Tôi cảm động lắm. Cảm động đến buồn tủi mà không nói ra. Còn riêng tôi, khung ảnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm thật lớn, choán khung tường rộng trong phòng ngủ tôi. Tôi sẽ treo ở đó mãi mãi mà không sợ sệt.”
“Tôi cũng xúc động khi gặp một số đồng bào không tin Tổng Thống đã chết. Họ cho rằng Tổng Thống đã xuất ngoại hoặc ẩn ở một vùng nào đó. Thi hài của hai người trên xe M113 là giả. Tôi xác nhận Tổng Thống đã chết thật. Nhưng họ vẫn hoài nghi, dù tin tưởng ở tôi. “ (8)
Nhắc lại sự bình tĩnh lạ lùng của Tổng Thống Diệm, vào những giờ phút cuối cùng tại nhà ông Mã Tuyên trong Chợ Lớn, Đỗ Thọ viết:
“…Nhưng lạ lùng thay Tổng Thống Diệm thản nhiên ngồi uống trà, phải chăng Tổng Thống đang nghĩ tới cuộc đời tiên thánh ở thế giới bên kia, xứng đáng là một Tổng Thống Ngô Đình Diệm bất diệt ngàn đời.” (9)
Thái độ thanh thản của ông Diệm trong lúc nguy nan, kề cận cái chết đối với vị trung úy trẻ chưa vợ con lúc ấy đáng lấy làm “lạ lùng.” Nhưng ông sẽ không ngạc nhiên, nếu biết được rằng Tổng Thống Diệm, tuy có thể nhìn thấy trước là sau ông sẽ là “đại hồng thủy” (10) và “phe quốc gia sẽ thua” (11), nhưng vốn sống bằng đức tin Thiên Chúa Giáo, ông hiểu và đặt “Thánh Ý Chúa” lên trên hết. Ông cũng thấm nhuần triết lý Nho Giáo nên cũng hiểu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Và ông cũng không phải không biết cái “vô thường” và “sắc sắc, không không” của nhà Phật. Còn đối với cái chết, ông biết hơn ai hết con người ai cũng phải chết và nhiều vĩ nhân trước ông đã chết bất đắc kỳ tử, như bạn ông, Ramon Magsaysay, như thánh Gandhi, như Abraham Lincoln, và đệ nhất vĩ nhân, siêu nhân, “thần- nhân” Jesus Christ còn chết một cách ô nhục trần truồng trên thập tự giá nữa kia. Vậy thì nếu ông có bị chết vào tay người Mỹ, vào tay những bầy tôi của ông thì có gì đáng làm ông thảng thốt mà chẳng bình tĩnh ngồi uống trà như không có gì xảy ra?
Ta hãy đọc tiếp nhật ký Đỗ Thọ.
“Tổng Thống Diệm đã đem đến cho tôi nhiều ưu tư thương mến. Tổng Thống còn cho tôi hiểu rõ được tính vị tha của một kẻ bị phản bội mà tâm hồn vẫn cao thượng. (12)
“Trong giây phút đang viết dòng chữ này, lòng tôi dâng lên tràn ngập. Nước mắt tôi chảy dài trên má. Tôi đau đớn về cái chết, cái buồn tủi, cái cô quạnh…”(13)
“Tổng Thống Ngô Đình Diệm được coi là người dựng cơ đồ lớn lao. Người đã bình định miền Nam được ổn định trong một tình thế thật rối reng của 1954… Nhưng rồi trong hai vụ binh biến Tổng Thống Ngô Đình Diệm lại bị những người ông hằng thương yêu rắp tâm hạ bệ và giết chết. Như thế cuộc đời này có nghĩa gì đâu.”
Trung úy Đỗ Thọ trẻ tuổi, chưa vợ con, cuộc đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng ông đã kết thúc nhật ký của mình bằng một nhận xét triết lý đầy ý nghĩa như trên. Phải chăng Đỗ Thọ đã linh cảm thấy mình chẳng còn sống được mấy ngày nữa, hay vì câu kết thúc bi quan này, mà ông đã đi tìm cái chết qua tiềm thức. Bởi vì chẳng bao lâu sau đó Đỗ Thọ đã tử nạn trong một phi vụ gần Đà Nẵng.

Chú thích:
(1) “Nhật Ký Đỗ Thọ” nhật báo Hòa Bình xuất bản năm 1970.
(2) Xin xem chương 24 ở trên, lời khẳng định của Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi.
(3) Nhật Ký Đỗ Thọ, trang 294.
(4)Xin xem “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, trang 621.
(5) Nhật ký Đỗ Thọ, trang 312,
(6) S.Đ.D. trang 322.
(7) S.Đ.D. trang 323.
(8) S.Đ.D. trang 328.
(9) S.Đ.D. trang 335.
(10) Xin xem cuối chương 26: Phạn Kim Vinh.
(11)Xin xem đầu chương 27. Karnow đã thuật lại lời Tổng Thống Diệm tiên tri là “Cộng Sản sẽ đánh bại chúng ta (phe quốc gia).” trong cuốn “Vietnam, a history”, trang 231-232, nguyên văn: “Summing up the experience, Diem made a prophetic comment at the time: “The communists will defeat us, not by virtue of their strength, but because of our weakness. They will win by default.”
(12) Nhật Ký Đỗ Thọ trang 349.
(13) Ibid.
ttba
Chương 25
Phạm Kim Vinh: Ngô Đình Diệm còn vượt xa hơn cả Hồ Chí Minh.

Phạm Kim Vinh là cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, 14 năm quân vụ. Ông cũng là luật sư hội viên Luật Sư Đoàn Toà Thượng Thẩm Saigon. Độc giả các báo Chính Luận, Diều Hâu, Phát triển, Cao Đẳng Quốc Phòng…trước tháng 4 năm 1975 thường biết ông qua bút hiệu Trương Tử Phòng. Sang Mỹ từ 1975, ông được quyền giảng dậy chính thức tại các trường đại học ở tiểu bang California về báo chí, chính trị, luật pháp. Ngoài ra ông còn làm chủ nhiệm chủ bút nhiều tờ báo và điều khiển những trung tâm chính trị xã hội. Trong vòng 12 năm, từ 1976 đến năm 1988 là năm Xuân Thu cho xuất bản cuốn “Cái chết của Việt Nam, những trận đánh cuối cùng” của ông, tính ra ông đã viết tổng cộng 23 tác phẩm trong đó có 6 cuốn bằng Anh ngữ. Tháng tư năm 1997 độc giả ở Úc đã thấy bầy bán cuốn “Còn cơ hội nào cho người quốc gia”, tác giả Phạm Kim Vinh.
Cuốn ”The politics of selfishness: Vietnam. The past as prologue” được chính tác giả dịch ra Việt Ngữ với tựa đề: “Những bí ẩn về cái chết của Việt Nam, Kissinger trong bẫy sập” và do nhà xuất bản Người Việt xuất bản năm 1977 (chỉ 2 năm sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam.) Trong tác phẩm hơn 200 trang này tác giả đã nói lên những sai lầm của phe quốc gia và nhất là của báo chí Mỹ có trách nhiệm lớn trong việc làm mất Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản, đồng thời cũng chứng minh tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mặc dầu sách của Phạm Kim Vinh ra đời trước cuốn “No more Vietnams” của Tổng Thống Nixon và cuốn hồi ký “Swords and plowshares” của tướng M. Taylor nhiều năm, nhưng ông cũng cùng nhận định như hai chính khách này là thất bại một phần do việc lật đổ ông Diệm. Sau đây là một vài đoạn vắn trích từ bản Việt Ngữ tác phẩm nói trên:
“Nhưng lợi điểm lớn nhất của miền Nam Việt Nam năm 1954 là có được một lãnh tụ có khả năng và đạo đức tương đương để chọi lại huyền thoại Hồ Chí Minh: Ngô Đình Diệm
“Về thành tích chống Pháp, chống Nhật, Ông Ngô Đình Diệm còn vượt xa hơn cả Hồ Chí Minh.” (1)
“Critchfield viết rằng năm 1963, khi hay tin ông Diệm bị hạ sát, giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam rất vui mừng nhưng chưa dám tin. Có kẻ còn kêu rằng: “Chuyện ấy tốt quá nên chưa chắc đã là thật.” (2)
“Người ngoại quốc không thể hiểu nổi rằng cái chết của ông Diệm là một mất mát lớn lao đến như thế nào đối với uy tín của miền Nam tự do…”
“Cabot Lodge: “Việt Nam có dư người để lãnh đạo. Chúng tôi không cần ông Diệm.” Thế rồi sau này cũng những người được ông Lodge trả lời như thế lại được nghe Cabot Lodge nói khác: “Thế mà bây giờ chúng tôi lại phải nắm lấy Nguyễn Cao Kỳ”…
“Chưa hết. Cái chết của ông Diệm còn là cái chết của Việt Nam tự do sau này.”
“Ngay từ cuối năm 1962 ông Diệm đã than với cố vấn bình định của ông là Sir Robert Thompson rằng: “Nếu xứ này mất thì đó là tại báo chí Mỹ.”
“Tháng 9 năm 1963, khi thấy đã hết hy vọng, ông Diệm nói với Thompson: (Ông Diệm mượn lời của vua Louis XV của Pháp) “Sau tôi sẽ là trận hồng thủy” (Après moi le deluge).(3)
“Đối với Hồ Chí Minh cần trừ ông Diệm thì mới thắng được miền Nam. Mỹ và các nước tự do và hàng ngũ người Việt quốc gia dần dần rơi vào cạm bẫy của Hà-nội…. Thật là một thảm kịch của miền Nam sau năm 1954, khi cả hai tôn giáo lớn (Phật Giáo và Công Giáo) đều có phần trách nhiệm nặng trong việc làm sụp đổ chế độ của ông Diệm. Công Giáo ủng hộ quá. Phật Giáo chống dữ quá.” (4)
Trong cuốn “Cái chết của Nam Việt Nam. Những trận đánh cuối cùng” (5), chương 11, kết luận, ông không những không đả kích chế độ Ngô Đình Diệm là độc tài, mà còn nghĩ chưa độc tài đúng mức:
“Còn nhớ rằng khi miền Nam V.N. sống dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, có những kẻ vì lý do riêng tư, kể cả lý do bị Cộng Sản đầu độc và thúc đẩy, đã than thở với đám báo chí Mỹ là chính quyền Diệm “độc tài”. Và thế giới Tây phương lại có hiện tượng kỳ quặc là cứ lăm le chỉ trích các chính quyền chống Cộng tại thế giới đệ tam là độc tài. Trong khi thế giới ấy (Tây Phương) không bao giờ dám mạnh dạn lên án chính sách phi nhân cùng cực của các chính quyền Cộng Sản. Một chính quyền chống Cộng tại một nước chậm tiến bắt buộc phải hạn chế sự tự do cá nhân ở một mức nào đó, khi chính quyền hợp pháp của xứ ấy đang bị Cộng Sản mưu tìm sự lật đổ bằng chiến tranh khuynh đảo…”(6)

Chú thích:
(1) S.Đ.D. trang 73. Dĩ nhiên tác giả không có ý nói chống Pháp bằng võ lực, bằng chiến thuật biển người như trong trận Điện Biên Phủ là điều ông Diệm thua ông Hồ rất xa.
(2) S.Đ.D. trang 75.
(3) S.Đ.Đ. trang 76-77.
(4) S.Đ.D. trang 81-82. Tác giả nói nhiều và lên án thượng tọa T.T.Quang là người lãnh đạo các cuộc tự thiêu và xuống đường gây rối của một số Phật tử trong “cuộc khủng hoảng Phật Giáo” ở những trang 83 và 84.
(5) Nhà X.B. Xuân Thu, 1988.
(6) Id trang 407.
ttba
Chương 26
LỜI BÀN CHUNG

Qua những lời khen tiếng chê của 25 nhân vật thuộc nhiều thành phần và xu hướng khác nhau hy vọng bạn đọc đã có một hình ảnh khái quát về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy không đầy đủ nhưng khá rõ nét. Với những lời mạn bàn vắn tắt, kèm theo một số thông tin giới hạn liên quan đến con người, lập trường và hành động của các tác giả nêu trên, được trình bày trong một số chương, bạn đọc cũng đã có một ý niệm về các tác giả đó và có thể tự đánh giá những lời khen tiếng chê của họ đối với ông Diệm.
Ngoài ra, kèm theo những lời khen tiếng chê dành cho người lãnh đạo quốc gia lúc ấy, cũng có một số thông tin cục bộ về tình hình đất nước ta trong giai đoạn lịch sử từ 1954 đến 1963. Với những thông tin giới hạn đó bạn đọc hẳn cũng thấy đựơc phần nào bối cảnh lịch sử trong đó những lời khen tiếng chê dành cho ông Diệm được đưa ra. Trong chương này, căn cứ vào ý kiến của 26 tác giả nói trên, tôi xin trình bày một cách tổng quát một vài ý nghĩ riêng về 3 điểm:
1. Con người ông Ngô Đình Diệm.
2. Những người khen và những người chê ông Diệm.
3. Tình hình tổng quát trong, trước và sau thời gian ông Diệm cầm quyền.
Thứ nhất: Về ông Ngô Đình Diệm:
Nói chung, phần đông những người chê ông Diệm cũng phải công nhận ông là người ngay thẳng, can đảm, yêu nước, trừ các ông Đỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi và Sheehan. Nhưng họ cho rằng ông thiếu khả năng hành chính, ôm đồm không chịu ủy quyền cho thuộc cấp, quá lệ thuộc vào gia đình, biến chính quyền của ông thành chế độ gia đình trị, độc tài, chuyên quyền, đàn áp đối lập, kỳ thị tôn giáo và thậm chí các ông Đỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi, Sheehan còn kết tội ông Diệm bách hại Phật Giáo. Trong số những người chê cũng có người như ông Bernard Fall, Stanley Karnow, Hồ Sĩ Khuê và Trung Tướng Trần Văn Đôn khen ông Diệm thông minh chịu tìm hiểu sâu xa về đất nước. Ba ông trên đều dùng đến những từ tiên tri, tiên liệu, thấy trước, nói trước để nói về sự sáng suốt của ông trong khi nhìn thời cuộc(1) . Ông Hồ Sĩ Khuê và Trung Tướng Trần Văn Đôn còn nêu những thành tích to lớn mà ông Diệm đạt được ở nông thôn, và ông được lòng dân như thế nào. Về phía người Mỹ có đại sứ Cabot Lodge, các ông Newman và Schlesinger tuy đứng về phía chê nhưng cũng có những lời khen dè dặt. Ông Bùi Diễm đánh giá ông Diệm như là chính khách sắc xảo tinh khôn. Ông Trương Như Tảng coi ông Diệm như điều bí ẩn, con người huyền bí. (1bis)
Tất cả những người khen ông Diệm đều cho ông Diệm là người tài trí, đức độ, yêu nước chân thành, cương quyết chống lệ thuộc ngoại bang. Đối với những người này ông Diệm là người chống Cộng Sản hữu hiệu nhất, có những chương trình cải tiến rộng lớn khiến đất nước phát triển thuận lợi. Về những thành tích trong những năm đầu hầu hết, kể cả những người chê, đều coi ông Diệm như vị cứu tinh của đất nước. Có một điểm mà nhiều người khen ông Diệm cũng phê bình ông là quá nặng tình cảm gia đình để cho anh em làm hỏng việc lớn của ông. Những người khen ông Diệm đều bác bỏ hoàn toàn luận điệu của những người chê cho rằng ông đàn áp Phật Giáo. Theo họ những xáo trộn chính trị mùa hè năm 1963, được mệnh danh là cuộc khủng hoảng Phật Giáo —phát xuất từ một lầm lỗi nhỏ của phủ Tổng Thống liên quan đến vấn đề treo cờ tôn giáo và thể thức treo cờ tôn giáo nói chung— là do mưu đồ chính trị hoàn toàn chứ không phải vấn đề tôn giáo.
Qua các chương 6, 12, 15, 17,18, bạn đọc hẳn đã thấy ông Diệm được dân quê thương mến. Chính những người chỉ trích ông Diệm như Trần Văn Đôn, Hồ Sĩ Khuê, Dương Văn Minh lại là những người không thể phủ nhận dân quê kính trọng ông Diệm. Mà dân quê là đa số, tuyệt đại đa số, vì 85 phần trăm người Việt Nam thời đó sống ở nông thôn. Cũng vì vậy ông Diệm chú trọng đặc biệt tới các chương trình “khu trù mật”, “dinh điền” và Ấp Chiến Lược. Trong tác phẩm “When Heaven and Earth changed places” (2) tác giả Le Ly Hayslip, một cựu cán bộ giao liên Việt Cộng, cũng phải nói đến những người lính quốc gia khả ái, ban ngày thì đi làm ruộng giúp dân, ban đêm thì thức canh cho dân ngủ bình yên không bị Cộng Sản khuấy nhiễu. Bà cũng thuật lại việc bà Ngô Đình Nhu đích thân đến một ấp gần Đà Nẵng để tổ chức thiếu nữ và phụ nữ cộng hòa nhằm bảo vệ xóm làng khỏi sự khủng bố của Cộng Sản. Hai việc trên gián tiếp chứng minh chính quyền Ngô Đình Diệm thực lòng lo cho dân quê. Cho nên người dân nào không bị Cộng Sản tuyên truyền lừa bịp ắt thương ông Diệm. Nhưng những sự việc đó không được báo chí Mỹ quảng bá. (2 bis)
Một số nhà báo, sử gia và chính khách ngoại quốc gọi ông Diệm là ông quan. Có người, như đại sứ Nolting, thích cái tính quan cách của ông Diệm, vì thấy trong con người ông có những đức tính cao qúy của một nhà nho đã được rèn luyện để cầm quyền. Bà Marguerite Higgins thì gọi ông Diệm là ông quan bị hiểu lầm, cũng ngụ ý ông Diệm là một nhà cầm quyền theo đạo lý của nhà Nho, và còn nhận xét ông là một nhà Nho hơn là một tín đồ Công Giáo. Có người, như nhà báo trở thành sử gia Karnow, khi gọi ông Diệm là ông quan là ngụ ý quan lại, thư lại, thiếu sáng kiến, thiếu tính cách mạng cần thiết trong cuộc chiến tranh chống Cộng. Cũng có người như sử gia Úc Denis Warner gọi ông Diệm là “Nhà Nho Cuối Cùng”, cho rằng ông thấm nhuần tinh thần Nho Giáo (tức Khổng Giáo), lấy Đức trị dân.
Cũng có người lên án ông Diệm là bất trung, đã là nhà Nho mà không giữ câu “Trung thần bất sự nhị quân” theo đạo Tam Cương (Quân thần, Phu phụ, Phụ tử), Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín), lật ông Bảo Đại (trong cuộc trưng cầu dân ý 1955). Nhưng những người hiểu Nho Giáo hơn thì cho rằng Mạnh Tử đã dậy “Dân vi qúy, xã tắc thứ nhi, quân vi khinh”, thì nếu ông Diệm vì dân vì nước mà lật ông Bảo Đại thì không đáng trách. Có lẽ chính ông Bảo Đại, đã từng là một quân vương, và cũng đã đọc kỹ Mạnh Tử, cũng thông cảm cho ông Diệm, nên mới có thái độ và lời nói như đã trình bày ở cuối chương 1. Vả lại lúc ấy ông Bảo Đại không còn là vua nữa, sau khi tuyên bố: “thà làm dân một nước độc lập” ngày 25 tháng 8 năm 1945.
Để đánh giá những lời khen tiếng chê một người tưởng cũng nên đưa ra một tiêu chuẩn luân lý cơ bản là trên đời này không ai hoàn toàn cả (nhân vô thập toàn). Một vị lãnh đạo quốc gia càng không thể hoàn toàn. Như ông Nixon đã nói: “Mọi lãnh tụ đều phạm lỗi lầm.” Vì vậy khen mà bảo cái gì ông Diệm làm cũng tốt cả là không đúng. Thời xưa có người nói “vào một làng mà nghe ai cũng khen ông trưởng làng thì phải xét lại. Vào một làng khác thấy ai cũng chê ông trưởng làng, cũng phải xét lại. Ông trưởng làng nào có người khen mà cũng có người chê đó là ông trưởng làng tốt.” Điều đó chứng tỏ không ai có thể làm vừa lòng mọi người.(2ter)
Tốt là tương đối với cái không tốt bằng, hay với cái xấu hơn. Một lãnh tụ quốc gia khi còn tại chức trong nhân dân có người cho là tốt, có người cho là xấu. Nhưng khi ông ta chết rồi, so sánh với những người kế vị thấy những người sau này xấu hơn mới nhận ra người trước là tốt. Một điều khác cũng quan trọng để đánh giá lời khen tiếng chê đó là tư cách của người khen hay chê, quan niệm của họ về những vấn đề liên hệ và lý do, hoàn cảnh trong đó phát xuất lờợi khen, tiếng chê. Ví dụ một người không biết gì về hội họa mà chê một tác phẩm hội họa thì dĩ nhiên lời chê không đáng tin bằng của một người trong nghề hay am tường về hội họa. Phê bình một thủ lãnh chống Cộng mà không hiểu bản chất Cộng Sản, không am tường các phương pháp đấu tranh của Cộng Sản thì làm sao khỏi lầm. Hơn nữa tính lương thiện, lòng tự ái, thái độ và mục đích chạy tội v.v… của một số tác giả đều có ảnh hưởng đến lời khen hay tiếng chê của các vị đó. Vì vậy cũng cần xét về con người và hoàn cảnh cũng như lý do của những lời khen tiếng chê nữa. Đôi khi qua tiếng chê của một người ta còn có thể đánh giá con người đó.
Thứ hai: Về tác giả những lời khen tiếng chê.
A. Trong số những người khen Tổng Thống Diệm, trước hết có nhà cách mạng Phan Bội Châu. Lời khen của ông: “Ngô Đình Diệm là chí sĩ, vĩ nhân” được nói lên nhân lúc thấy ông Diệm không màng danh lợi chức tước, không sợ nguy hiểm, từ chức để tỏ thái độ không hợp tác, chống đối chính quyền thực dân. Lời khen đó cũng chỉ có giá trị lúc ấy và trong hoàn cảnh ấy. Tiếc rằng chí sĩ Phan Bội Châu không sống thêm hơn hai chục năm nữa để phê phán việc ông Diệm làm trong những năm ông cầm quyền và cử chỉ không khuất phục của ông Diệm trước ngưòi Mỹ.
Thứ đến là ông Bảo Đại, người đã mời ông Diệm làm thủ tướng, rồi bị truất phế trong thời gian ông Diệm cầm quyền, mà nhiều người cho rằng ông Diệm đã phản bội đích thân tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để truất phế quốc trưởng của mình mà mình đã thề trung thành phục vụ. Ai cũng nghĩ chắc ông Bảo Đại phải thù ghét hay khinh miệt ông Diệm. Nhưng trái lại, 17 năm sau khi ông Diệm mất, ông Bảo Đại vẫn giữ sự qúy mến dành cho ông Diệm từ trước. Vẫn gọi ông Diệm là người “thông minh liêm khiết”, và là “người yêu nước, chết trong khi thi hành nhiệm vụ” bảo vệ tổ quốc. Ông cũng xác nhận ông Diệm không thề với ông, cũng không thề trung thành đối với ông. Mà là thề trước tượng Chúa, thề trung thành với tổ quốc. Vì vậy, dù có bị truất phế bởi ông Diệm chăng nữa, nếu việc truất phế đó sau này chứng tỏ là đúng đắn thì ông đành chấp nhận. Ngay thời gian đó có thể là khó chấp nhận. Nhưng sau này, sau bao nhiêu biến cố xảy ra, nếu có chút lòng thương dân ắt phải nhận ra rằng bị truất phế để cho một người khác có khả năng và hoàn cảnh thuận lợi hơn lo việc nước thì càng tốt. Đó là thái độ của một người yêu nước, của một người độ lượng, của một người quân tử. Tuy ở vào hoàn cảnh khó khăn, ông không làm được gì nhiều cho dân cho nước như ông mong muốn. Nhưng ông đã sống và hành động với tấm lòng quảng đại. Nên tuy không phải là một minh quân, nhưng cũng không ai nỡ gọi ông là hôn quân. Tuy ông không cứu được nước nhưng cũng không ai bảo ông bán nước.
Các ông Cao Thế Dung, Phạm Kim Vinh là hai nhà báo, nhà giáo, và sử gia, tuy không có ý bênh vực nhà Ngô, vì trong các tác phẩm của các ông cũng có những lời phê bình chế độ Ngô Đình Diệm, nhưng cũng đã khen ông Diệm ở nhiều điểm.
Sau hết trong số các tác giả người Việt khen ông Diệm nhiều nhất và quả quyết với bằng chứng rằng ông Diệm đã chết vì bảo vệ chủ quyền Việt Nam là Trung Úy Đỗ Thọ và tiến sĩ sử gia Hoàng Ngọc Thành. Các chương 21, 23 đã nói rõ điều đó.
Về phía người Mỹ 3 vị Tổng Thống đã khen ông Diệm. Ông Eisenhower và ông Johnson khen ông Diệm lúc ông này đang thành công. Có người cho rằng nếu biết trước ông Diệm về sau thất bại như vậy chắc hai ông không khen mạnh đến thế. Nhưng như hồi ký của Tổng Thống Johnson và đại sứ Nolting cho biết thì lâu sau khi ông Diệm chết, hai vị Tổng Thống này, nếu không thương tiếc vì cảm mến ông Diệm, thì cũng lấy làm tiếc và tự trách chính phủ Mỹ đã nhúng tay vào cuộc đảo chính và cái chết của ông Diệm, lôi theo sự thất bại của một đại cường chưa bao giờ biết bại là gì. Còn ông Nixon chỉ gặp ông Diệm một lần trong khi làm phó cho Tổng Thống Eisenhower, nhưng cũng tỏ ra qúy trọng ông Diệm. Và sau khi ông Diệm chết rồi, thất bại rồi, vẫn khen ông không tiếc lời. Tuy ông Nixon cũng có chê ông Diệm nhưng trong cái chê đó có ngụ ý chê chính phủ Mỹ nhiều hơn. Ông bảo ông Diệm quá tin tưởng ở đồng minh của mình, và tưởng không ai thay thế mình được. Lại có người sẽ bảo ông Nixon người đảng Cộng Hòa, nên bênh ông Diệm để hạ uy tín đảng Dân Chủ. Nhưng nếu ông Diệm là người tầm thường thì việc gì một Tổng Thống đại cường lại phải hạ mình bênh vực để làm mất uy tín của dân tộc mình, khi ông Diệm đã chết rồi và lúc ấy đang bị nhiều người chỉ trích, lên án.
Ngoài 3 vị Tổng Thống ra, trong số người Mỹ khen ông Diệm còn phải kể đến tướng Maxwell Taylor và đại sứ Frederick Nolting. Tướng Taylor tuy chỉ gặp Tổng Thống Diệm vài lần nhưng cũng nhận thấy ông Diệm là nhà lãnh đạo tài ba và cương quyết. Hình ảnh cái nắp hộp Pandora theo thần thoại Hy Lạp được ông dùng để so sánh với ông Diệm đã nói lên hết sự cảm phục của ông.
Còn đại sứ Nolting thì là người đã có rất nhiều dịp gần ông Diệm trong các cuộc hội đàm, thương thuyết, và trong các chuyến đi kinh lý, đã hiểu được phần nào con người, tính tình ông Diệm và nhất là lập trường của ông Diệm, ý nghĩa của từng chính sách ông Diệm thực hiện tại nông thôn nhắm nâng cao mức sống người dân quê là thành phần chiếm 85 phần trăm dân số lúc ấy. Cho nên mặc dù thấy ông Diệm là người khó thuyết phục và khó thương thuyết có lợi cho phía Hoa Kỳ, vẫn phải nhận rằng ông Diệm có lý và hành động đúng, nếu chưa thành công là vì trở ngại, khó khăn quá lớn, chứ không phải vì chính sách sai hay vì không biết làm việc. Chỉ vài tháng sau khi ông Diệm bị hạ và bị sát hại, ông Nolting đã từ chức để nói lên sự bất đồng ý của ông đối với chính sách của chính phủ Mỹ đối với chính quyền của Tổng Thống Diệm. Ngoài ra, một phần cũng vì ông đã tiên liệu được những gì còn tai hại hơn gấp bội sẽ xảy ra sau này.
Sau hết còn hai người nữa cũng hoàn toàn khen và bênh vực ông Diệm là ông Colby và nữ ký giả Marguerite Higgins. Ông Colby tuy không có dịp gần ông Diệm nhiều như ông Nolting nhưng nhìn rõ thực trạng miền Nam Việt Nam và có vẻ cũng thông cảm với lập trường và cách thức làm việc của ông Diệm, nên đã nhìn nhận ông Diệm là nhà độc tài nhưng cho là đó là thứ độc tài chấp nhận được vì là một thứ độc tài có hảo ý, và đành phải chấp nhận do tình trạng chiến tranh đang xảy ra thực sự giữa hai phe quốc gia và Cộng Sản. Tình trạng chiến tranh đó, có hiểu được Cộng Sản và các phương pháp cùng chủ trương chiến tranh tòan bộ của Cộng Sản thì mới thấy nó thực sự đang diễn ra và diễn ra một cách nguy kịch như thế nào.
Trong khi đảo chính diễn ra một nhân viên CIA là trung tá Lou Conein luôn có mặt tại phòng họp của các tướng chủ mưu khiến nhiều người trách Colby sao để đàn em dính líu vào việc lật đổ ông Diệm. Vì vậy ông đã phải cố gắng trưng dẫn nhiều bằng chứng và lý lẽ để chứng minh rằng theo chính sách của Tòa Bạch Ốc lúc ấy các nhân viên CIA ở Nam Việt Nam đã được đặt hoàn toàn dưới sự điều động trức tiếp của đại sứ Cabot Lodge. Tiếc rằng lúc đó người kế nhiệm ông Colby ở Saigon là John Richardson rất có thế lực và am hiểu tình hình Việt Nam lại nhiệt thành ủng hộ ông Diệm đã bị ông Lodge tìm cách thuyên chuyển về Hoa Thịnh Đốn.
Nữ ký giả Mỹ Marguerite Higgins cũng bênh vực lập trường của ông Diệm. Bà đã nhiều lần đến Việt Nam (cho tới 1963 là 7 lần), lại được tiếp xúc nhiều với ông Diệm và dân chúng, nhất là nông dân, và trong tháng tám là tháng các cuộc rối loạn xảy ra trầm trọng nhất lại chính là lúc bà sang Việt Nam với nhiệm vụ tìm hiểu về thực chất của những vụ chống đối chế độ, và ở lại cả tháng trời đi khắp nơi, chứng kiến tận mắt những hoạt động của phe chống đối do một số thượng tọa, đại đức lãnh đạo. Vì vậy bà hiểu được rằng những cuộc chống đối đó không do ông Diệm đàn áp Phật giáo, mà đích thực chúng có mục đích chính trị. Ông Đỗ Mậu cho rằng rất có thể bà bị nhà Ngô mua chuộc và “tiêm cho những tài liệu thất thiệt” để bà viết. Nhưng đã không trưng được bằng chứng về sự mua chuộc đó. Ông Đỗ Mậu cũng bảo bà rất đẹp và khêu gợi đã từng là tình nhân của nhiều tướng lãnh khác, hàm ý rằng các tướng Harkins và Krulak, là hai tướng rất ủng hộ ông Diệm, đã bị bà ảnh hưởng sao đó. Đỗ Mậu có chỗ bảo ông ta không thèm trả lời những người đem đời tư ông ra phê bình. Có lẽ bà Higgins, chết từ hồi 1966, cũng không thèm đối đáp với ông Đỗ Mậu làm chi.
B. Về phía chê, trước hết phải kể hai tướng Đỗ Mậu và Nguyễn Chánh Thi là hai người chẳng những chê mà còn lên án, kết tội nặng nề ông Diệm, không thiếu tội gì. Rồi đến các tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, và ông Bùi Diễm, là ba người tuy có chê nhưng cũng có khen, nhất là ông Đôn khen có lẽ nhiều hơn chê. Cả 5 vị này đều tham gia đảo chính lật ông Diệm. Ông Thi tham gia đảo chính hụt. Như đã thấy ở các chương trên liên quan tới từng người, mỗi người có một cách phê bình hay kết tội ông Diệm khác nhau. Nhưng tựu trung những người đã trót tiếp tay ngoại bang lật ông Diệm thì không thể nào lại nói ông Diệm không có tội được.
Khi đọc các lời chê trách của 5 vị trên kết tội ông Diệm để chạy tội của mình, tôi có nhận xét như thế này: 3 ông: Kỳ, Đôn, Diễm lúng túng; ông Thi hốt hoảng; còn ông Đỗ Mậu thì cuống cuồng, y hệt người quẫn trí vừa la hét vừa đấm ngực thình thình.
Bạn đọc nếu có thì giờ thử đọc thật kỹ tác phẩm của ông Đỗ Mậu rồi so sánh đối chiếu từng trang từng đọan với nhau và với các tài liệu khác xem có cảm nghĩ giống tôi không. Nhất là hãy lưu ý đến những đoạn ông Đổ Mậu cố biện minh cho TT TTQuang, đến nỗi phải đả kích cả hòa thượng Thích Tâm Châu (một giới chức Phật Giáo cao cấp, nổi danh chẳng những trong nước mà còn cả thế giới nữa.)
Điều khiến người đọc phải ngạc nhiên là ở một vài chỗ, chính trong khi ngụy biện để bênh vực thượng tọa Thích Trí Quang, ông đã hớ hênh và vụng về gián tiếp kết án chính vị thượng tọa mà ông đề cao như thần tượng này. Ông chỉ trích các nhóm sinh viên quá khích ở Huế và các nhóm Lập Trường, hội đồng Nhân Dân Cứu Quốc mà ông bảo là TT TTQuang phát động và điều khiển nhưng “đã không nắm vững” để cho họ “vọng động, xuẩn động.” Đọc kỹ các trang 702, 703 và 704 bạn đọc sẽ thấy rõ điều đó.
Ông cũng chẳng những đả kích Giáo Hoàng La Mã là người mà các lãnh tụ Đông Tây, Tự Do hay Cộng Sản đều phải kính nể, mà còn điên cuồng đả kích toàn thể giáo hội Thiên Chúa Giáo hoàn vũ, một tập thể tuy không có sức mạnh quân sự, nhưng có một sức mạnh tinh thần vô song dựa trên niềm tin của cả tỷ người được tổ chức chặt chẽ.
Khi ông lên án hay chê trách hội đồng quân nhân cách mạng hay chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ và chính phủ Nguyễn Khánh chính là lúc ông đấm vào ngực ông, vì chính ông cũng nắm trọng trách trong hội đồng và chính phủ đó. Đấm ngực cũng là một hình thức ăn năn hối lỗi. “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng.” Ước mong có lúc ông Đỗ Mậu cũng viết được mấy hàng ăn năn trước khi chết giống cựu đại sứ Cabot Lodge, như đã nói ở chương 18.
Đại tướng Dương Văn Minh, người đứng đầu các tướng đảo chính, cho đến nay vẫn im lặng. Dĩ nhiên ông có lý của ông khi chủ trương lật ông Diệm. Nhưng câu nói của ông mà Tổng Thống Nixon, bộ trưởng quốc phòng McNamara và ông Trần Văn Hương nhắc lại chứng tỏ ông ghét nhưng rất sợ ông Diệm. Trong cuốn “In Retrospect” (3) ông McNamara, bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Dân Chủ Kennedy và Johnson viết:
“Khi tướng Đôn, một trong những thủ lãnh đảo chính hỏi Minh: “tại sao hai ông ấy chết?” thì Minh đáp: “Thì đã sao?” Mấy tháng sau Minh bảo một người Mỹ: “Chúng tôi không có cách nào khác. Họ phải chết. Không thể để Diệm sống được, vì ông ta được những dân quê bình thường, khờ dại ở thôn quê quá kính phục.”
Trong số những người chê về phía Việt Nam còn hai ông Hồ Sĩ Khuê và Trương Như Tảng. Có lẽ cả hai ông đều nhận thấy ông Diệm là người khó hiểu. Ông Tảng thì đã hai lần nói lên điều đó một cách minh thị. Còn ông Khuê thì gián tiếp nói lên cảm nhận của mình cũng tương tự như của ông Tảng, khi ông lúng túng và mâu thuẫn trong lập luận của ông về ông Diệm, điển hình là câu “Ông Diệm yêu nước… nhưng không yêu dân, mà chỉ bắt dân phải yêu ông.” Có lẽ ông Diệm đối với ông Khuê quá phức tạp, nên trong những lời chê ông Diệm lại hàm ý khen và trong khi chê ông lại xen vào những câu khen đứt lưỡi như đã được dẫn chứng ở chương 12.
Về phía Mỹ có 4 người chê ông Diệm, trong đó nhà báo Sheehan là chê nặng nhất. Còn Karnow tuy chê nhiều nhưng vẫn có phần dè dặt và cũng phải nhận ông Diệm là người yêu nước, can đảm và ngay thẳng; và có chỗ khen ông tiên tri được là “phe quốc gia sẽ thua”(4). Một lời tiên tri bất hạnh cho cả dân tộc Việt Nam.
Sử gia Newman, dựa vào tài liệu của các nhà báo ghét ông Diệm là chính nên cũng chê ông Diệm, nhưng không nhiều và gắt gao như Sheehan. Ông cũng trung thực thuật lại những gì các ông Cabot Lodge, Hilsman và Harriman làm trong những tháng 8 và tháng 10 năm 1963 liên quan đến âm mưu của bộ ngoại giao Mỹ nhầm lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, khiến từ đó có thể thấy được bằng chứng là cuộc đảo chính do chính quyền Kennedy chủ xướng và bật đèn xanh cho các tướng lãnh bất mãn thi hành.
Cuối cùng là ông Shlesinger phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Kennedy chê ông Diệm một cách dè dặt bằng cách thuật lại những sự việc xảy ra trong những năm 1962 và 1963 tại Việt Nam theo luận điệu của báo chí lúc ấy phần lớn do những nhà báo trẻ không hiểu nhiều về chính trị cũng như cuộc chiến tranh chống Cộng. Tuy nhiên ông cũng khen một cách dè dặt là ông Diệm “có vẻ là người ngay thẳng và cương quyết, tận tâm và liêm khiết.”
Thứ ba: Về tình hình thế giới và tình hình Việt Nam trong, trước và sau thời gian ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, xin tóm lược những điểm chính.
Khi thế chiến II kết thúc vào tháng 8 năm 1945 với hai quả bom nguyên tử thả xuống Nagasaki và Hiroshima, chính là lúc khởi sự thế chiến III (theo quan niệm chiến tranh toàn bộ, toàn diện và chủ trương “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” (4 bis) của Mao Trạch Đông).
Liên Sô dưới quyền độc tài sắt máu của Stalin, trong thế chiến II đã cùng với phe Đồng Minh đánh Đức Quốc Xã, bỗng trở thành địch thủ của Đồng Minh và thế giới Tự Do sau khi thế chiến II kết thúc.
Trong khi nhân dân các nước đồng minh không thể ngờ được là chiến tranh đang xảy ra, Liên Sô, không tuyên chiến, đã dần dần thôn tính các nước lân bang từ Estonia, Lithuania, Latvia, rồi Modalvia, Mongolia, Albania, Poland, Bulgaria, Romania, Czechoslovak, Hungary, Đông Đức, Trung Quốc, Bắc Triều Tiênà phần lớn không phải bằng súng đạn mà bằng các nhóm đối lập, các đảng Cộng Sản, với phương tiện và hình thức chiến tranh nhân dân, chiến tranh giải phóng, chiến tranh toàn bộ (23), nghĩa là bằng tất cả các hình thức khuynh đảo: tuyên truyền, vận động, tình báo, phá hoại, chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm lý, chiến tranh ngoại giao v.v…
Cuộc đại chiến là có thực, trong đó “mỗi ngòi bút là một sư đoàn” hoàn toàn phải tuân lệnh vị tư lệnh là đảng Cộng Sản. Phần nhiều người ta gọi cuộc chiến tranh đó là chiến tranh lạnh, vì hầu như không có đổ máu. Và vì gọi nó là lạnh nên phía đồng minh và thế giới tự do không thấy được sự tai hại của nó. Quần chúng nhân dân và các cơ quan truyền thông trong thế giới tự do không cảm thấy và không tin là thực sự có chiến tranh giữa hai khối Đông và Tây, hay chính xác hơn giữa Cộng Sản, tự mệnh danh là phe “Xã Hội Chủ Nghĩa”, và thế giới tự do mà Cộng Sản gọi là phe “đế quốc tư bản.” Trong khi Liên Sô chủ trương một cuộc chiến tranh toàn bộ mà họ mệnh danh là chiến tranh giải phóng, chiến tranh nhân dân, họ tư duy, hành động, vận động, quảng bá trong bối cảnh chiến tranh thực sự và toàn bộ, toàn diện, để đạt được mục tiêu thấy “ngọn cờ đỏ bay phấp phới khắp 5 châu”, như Khrutshchev tuyên bố vào đầu thập niên 1960, dưới chiêu bài giải phóng các dân tộc.
Ngày nay sau khi khối Cộng Sản Đông Âu cùng với Liên Sô tan rã, chiến tranh lạnh coi như đã kết thúc, nhắc lại “thế chiến III”, có người cho là tưởng tượng. Nhưng nếu ta tự đặt mình vào địa vị các nhà lãnh đạo thế giới tự do trong những năm đầu liền sau khi thế chiến II kết thúc và nhìn kỹ vào bản đồ thế giới trong đó càng ngày thế lực của Liên Sô càng mở rộng, cứ một vài năm hay mấy tháng lại có một quốc gia rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Sô (cho đến cuối thập kỷ 50 một phần ba thế giới đã thuộc về khối cộng và năm 1957 Liên Sô đã đi trước Mỹ phóng được vệ tinh đầu tiên của nhân lọai lên không gian, vệ tinh Sputnik,) thì ắt phải nhìn ra hiểm họa của siêu cường này đối với nhân lọai.
Vì Liên Sô chủ trương chuyên chính vô sản, dưới chiêu bài quốc gia, dân tộc, chiêu bài giải phóng giai cấp bị trị, giai cấp bị bóc lột, cho nên đại đa số nhân dân trên thế giới là người nghèo, người bị trị, có khi còn bị bóc lột nữa, dễ hưởng ứng.
Mà không cứ dân nghèo, dân ít học. Ngay những lớp thanh niên trí thức đầy nhiệt huyết cũng tán thành, ủng hộ chủ trương “giải phóng” của Liên Sô, như Allen Dulles, giám đốc CIA dưới thời Tổng Thống Eisenhower đã biểu lộ sự lo lắng trong bài “Muốn thắng Cộng Sản trước hết phải hiểu Cộng Sản” phổ biến vào đầu năm 1961 (5). Những chính trị gia và các nhà ngoại giao tinh tế của Hoa Kỳ như Roosevelt, Truman, Eisenhower, hay Marshall, Acheson, Foster Dulles nhờ những tin tức tình báo được phân tích, tổng hợp một cách khoa học dưới sự điều khiển của những thiên tài tình báo như Allen Dulles đã sớm khám phá ra âm mưu bá chủ của Liên Sô.
Với chính sách tàn bạo của Stalin, và chủ trương độc tài, chuyên chính, với nguyên lý “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cùng những phương pháp hành động tàn bạo, dã man như được thực hiện ở Liên Sô vào thời gian đó, nhân loại sẽ ra sao nếu Liên Sô bá chủ hoàn cầu? Hiểm họa của một Hitler vưà qua thì hiểm hoạ của một Stalin đã ập tới. Các chương trình viện trợ, kế hoạch Marshall, những hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiệp ước phòng thủ Đông Nam Á (SEATO), hiệp ước phòng thủ Trung Đông (CENTO)… đều nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng đỏ.
Mỹ can thiệp vào Việt Nam trong những năm 50 cũng vì lý do đó và trong bối cảnh đó. Mỹ không có ý định xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa giống Pháp, như Cộng Sản Việt Nam thường tuyên truyền trong đám dân quê để bắt họ hy sinh chiến đấu chống chế độ miền Nam trong những năm 50 và đầu thập niên 60.
Chẳng những thế trong những năm đầu thập niên 40 người Mỹ đã từng có lúc tìm cách giúp Việt Nam thoát ách đô hộ của người Pháp. Nếu ông Hồ không quá lệ thuộc vào Liên Sô, hay nếu ông ấy qua mặt được Mỹ, thì có thể đã được Mỹ ủng hộ. Trung tá Lou Conein (nhân viên CIA đại diện cho đại sứ Lodge luôn luôn ở bên cạnh các tướng lãnh đảo chính ở ngay bộ tổng tham mưu trong ngày đảo chính 1963), đã từng là một trong những người Mỹ trong tổ chức OSS, tiền thân của CIA, tiếp xúc với nhóm ông Hồ Chí Minh để giúp đỡ, tìm hiểu và khai thác các tin tức về quân Nhật lúc ấy đang chiếm đóng Việt Nam.
Nhưng khi đã rõ căn cước và lý lịch của ông Hồ và đồng đảng, người Mỹ đã lánh xa ông ta và quay sang giúp phe quốc gia dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại chống lại ông Hồ và đảng của ông.
Tiếc rằng phe quốc gia lúc ấy quá yếu, phải dựa hoàn toàn vào Pháp. Pháp thì hãy còn ngoan cố, tham lam, không chịu trao trả độc lập cho phe quốc gia. Bởi thế những người đứng trong hàng ngũ phe quốc gia lúc ấy bị mang tiếng là tay sai của Pháp. Mỹ lại viện trợ cho phe quốc gia qua Pháp, cho nên cũng bị ghép tội ủng hộ thực dân Pháp. Chính quyền Bảo Đại lúc ấy ngoài những nhân vật thân Pháp hay đã từng được đào tạo bởi Pháp còn gồm cả những đảng viên Đại Việt, Việt Quốc và Việt Cách.
Thành phần này đã mất nhiều uy tín do việc nghe lệnh các tướng Tầu như Tiêu Văn, Lư Hán tham gia chính phủ liên hiệp của ông Hồ Chí Minh và nhận ngồi vào một số ghế không do dân bầu trong quốc hội đầu tiên (6). Các ông Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần và Nguyễn Tường Tam tham gia chính phủ Liên Hiệp cũng chứng tỏ sự thiếu thận trọng và cả nghe của những người đại diện cho phe quốc gia lúc ấy. Chỉ có ông Diệm thoát, như ông Hồ Sĩ Khuê đã phải công nhận và nói thái độ của ông Diệm lúc ấy chứng tỏ là người can đảm, dầy kinh nghiệm chính trị, hơn hẳn cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Những người chống đối cho rằng ông Diệm không có công gì trong công cuộc kháng chiến dành độc lập, không thể so sánh với ông Hồ. Họ còn bảo “ông Diệm được Mỹ bồng lên đặt vào ghế thủ tướng hồi 1954.” Nhưng nếu xét kỹ mục tiêu và hình thức tranh đấu và hiểu rõ cái lợi cái hại của hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, thì phải nhận rằng không cần dùng tới võ lực mà đạt được mục tiêu chính trị thì vẫn hơn chứ. Tại sao trong vòng 15 năm từ 1945 đến 1960 hơn 3 chục nước Á, Phi, từ Ấn Độ, Phi Luật Tân, Miến Điện, Nam Dương, Mãi Lai đến Lybia, Ghana, Madagascar v.v… không phải đổ máu, hay chỉ phải tranh đấu trong một thời gian ngắn cũng dành được độc lập, trong khi ông Hồ lôi toàn dân vào một cuộc chiến không cần thiết ròng rã 30 năm trời với 2 triệu người chết?
Hành động rũ áo từ quan của ông Diệm năm 1933 cũng là một hình thức đấu tranh đòi phải có lòng dũng cảm. Hành động từ chối lời mời của Nhật và Bảo Đại tham gia chính phủ Trần Trọng Kim cũng là một hình thức đấu tranh chính trị. Và sự khước từ có tính cách thách đố trước lời mời của ông Hồ cũng là một cách bày tỏ thái độ đấu tranh.
Không phải ông Diệm chỉ có những hành động đấu tranh tiêu cực như vừa kể. Sau khi rũ áo từ quan ông đã tiếp tục sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu, lợi dụng thế lực của người Nhật đang lên tìm cách đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để về nước thay thế vua Bảo Đại lập lên một chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng người Nhật chỉ muốn trao độc lập cho vua Bảo Đại để dễ bề chi phối và mời ông Diệm tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Dĩ nhiên ông không nhận, mặc dù biết rằng làm thế cũng là một hình thức thách đố người Nhật.
Trong khi ông Bảo Đại và các đảng phái quốc gia dựa vào đoàn quân viễn chinh Pháp để chiến đấu chống Cộng thì ông Diệm đi tìm một thế đứng khác. Chọn lựa của ông Diệm không chỉ vì những nguyên lý đạo đức mà, quan trọng hơn, còn vì lý do chiến lược.
Phần đông những tác giả trưng dẫn ở các chương trên đều cho rằng ông Diệm là người thông minh, ham học hỏi, cái gì cũng muốn hiểu biết đến nơi đến chốn, lại có được những người phụ tá uyên bác làm việc có phương pháp cùng với ông nghiên cứu và trình cho ông những dữ kiện để ông quyết định, như chính ông Hồ Sĩ Khuê công nhận và cũng đã từng là một người trong số đó. Vì vậy ông nhìn thời cuộc rất chính xác và tiên đoán được những gì sẽ xảy ra.
Ông không đi theo lá bài Bảo Đại, không phải chỉ vì sự hiện diện của đoàn quân viễn chinh Pháp tàn sát đồng bào ông, mà chủ yếu là vì, khi đi tìm cái thế chiến lược cho mình, ông nhìn thấy trước sau gì người Pháp cũng phải trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, và lúc đó những người quốc gia như ông mới có chính nghĩa để đấu tranh chống Cộng Sản.
Không phải chỉ vì thấy Cộng Sản độc ác, tàn sát người quốc gia, giết anh, giết cháu ông mà ông không hợp tác với ông Hồ.
Ông không hợp tác với ông Hồ còn vì nhìn thấy trước sẽ bị ông Hồ lợi dụng để mang họa cho dân tộc. Và nhất là vì thấy trước vào một lúc nào đó, tình hình nước Pháp và tình hình thế giới nói chung sẽ đưa đẩy siêu cường Mỹ vào thay thế thực dân Pháp để chống Cộng Sản một cách hữu hiệu hơn.
Ông Hồ đã đứng về phe Liên Sô, đã bị ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa quốc tế, của các phương pháp và phương tiện chiến tranh tàn bạo theo kiểu Stalin và đã, đang và sẽ được Liên Sô viện trợ để diệt phe quốc gia. Vì vậy ông Diệm thấy tổ quốc của ông, một nước nhỏ và nghèo, không thể tự cứu khỏi sự khống chế của cả một khối Cộng Sản thế giới. Ông cần sự giúp đỡ của người Mỹ.
Ông đã sang Mỹ và vận động với những nhân vật có thế lực trong chính phủ, quốc hội và nhân dân Mỹ. Người ta thấy dường như ông chỉ sống như nhà tu, tạm trú trong các nhà dòng Công Giáo ở tiểu bang New Jersey. Nhưng đó chính là lúc ông suy nghĩ, làm việc một cách âm thầm để sẵn sàng bước vào chính trường một cách công khai. Ông đã tạo được cái thế. Không phải chỉ ông cần người Mỹ. Lúc đó chính siêu cường quốc nguyên tử này cũng cần một người như ông để đương đầu với Liên Sô đang dùng ông Hồ Chí Minh để lấn chiếm ở Đông Nam Á. (7)
Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, người Pháp nản chí, muốn buông xuôi hầu có thể giải quyết những vấn đề ở Algerie, đã trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam và ký kết hiệp định Genève tạm thời chia đôi Việt Nam ở sông Bến Hải, vĩ tuyến 17. Bảo Đại cần đến ông Diệm để giữ phần đất miền Nam khỏi rơi nốt vào tay ông Hồ. Người Mỹ cần một người như ông Diệm, để lập phòng tuyến ngăn chặn làn sóng đỏ ở Đông Nam Á.
Ai cũng bảo chỉ có ngu ông Diệm mới nhảy ra vào lúc ấy. Vì với thanh thế của ông Hồ sau trận Điện Biên Phủ, miền Nam coi như chỉ còn chờ ngày rơi vào tay Cộng Sản.
Nhưng ông Diệm đã dám ngang nhiên đối đầu với ông Hồ và các cường quốc ký kết hiệp định Genève. Ông tố cáo ông Hồ phản bội quyền lợi dân tộc ký một hiệp ước chia đôi tổ quốc theo chỉ thị và sự dàn xếp của các nước lớn. Ông không ký và không thừa nhận hiệp định Geneve. Mỹ là nước lớn duy nhất không ký hiệp định đó, cũng phải ủng hộ lập trường của ông. Lập trường của ông Diệm cũng được đa số nhân dân ủng hộ. Vì vậy ông đã vượt qua được mọi khó khăn trong hai năm đầu khiến nhiều quan sát viên quốc tế coi như những phép lạ về chính trị. Người Mỹ chỉ hoàn toàn ủng hộ ông sau khi thấy ông thành công ở bước đầu này.
Với sự thành công của ông Diệm, Cộng quân đã không chiếm được miền Nam. Chẳng những thế cuộc tuyển cử được hiệp ước Genève quy định cũng không xảy ra như ông Hồ muốn. Việt Nam trở thành hai quốc gia: Một bên là Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (Bắc. Một bên là Việt Nam Cộng Hòa (Nam). Bên nào cũng cho là mình có chính nghĩa. Nhưng miền Nam được nhiều nước trên thế giới công nhận hơn (7bis). Mức sống của người dân miền Nam được nâng cao nhanh và vượt xa miền Bắc. Trong khi miền Bắc tan hoang vì các chiến dịch “tiêu thổ kháng chiến”, “giảm tô”, “cải cách ruộng đất” với các vụ đấu tố man dại dưới sự cố vấn chỉ đạo của cán bộ Trung Cộng (7ter) thì miền Nam phát triển tốt đẹp về mọi mặt kinh tế, xã hội với các chính sách “dinh điền”, “khu trù mật” và “cải cách điền địa” một cách ôn hòa có bồi hoàn cho địa chủ.
Tình trạng mất thăng bằng kinh tế, chính trị này đương nhiên đẩy miền Bắc vào cái thế một mất một còn với miền Nam. Nếu cứ tiếp tục chấp nhận tình trạng chia đôi thì sớm muộn gì cũng đến lúc miền Bắc của ông Hồ sẽ thua.
Có người tự hỏi: tại sao ông Hồ không chấp nhận thực tế hai quốc gia, đừng quấy phá miền Nam và cùng ông Diệm thi đua phát triển trong hòa bình, mỗi bên nhận viện trợ của một cường quốc, để cùng phát triển kinh tế văn hóa, như vậy có lợi cho nhân dân? Nhưng ông Hồ có nhiều khó khăn và nhiều mối lo, nhiều thua thiệt. Viện trợ của Liên Sô, về mặt vật chất không thể hơn Mỹ. Tài nguyên thiên nhiên miền Bắc tuy có ưu thế về khoáng sản, nhưng rất thua kém miền Nam về nông sản là nhu cầu thiết yếu của một dân tộc mà trên 85% sống bằng nông nghiệp.
Hơn nữa người dân bắt đầu mất tin tưởng ở chủ trương thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử đáng lý được tổ chức vào năm 1956. Ông Hồ đã hứa rằng lúc đó những thân nhân bị xa cách từ ngày di cư, từ ngày tập kết sẽ được sum họp. Biết bao cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nay hoang mang giao động. Nhiều hiện tượng bất mãn chống đối đã xảy ra. Và đặc biệt là các đồng chí của ông trong nước cũng như ở ngoại quốc trung thành với chủ nghĩa vô sản quốc tế không bao giờ chấp nhận tình trạng đất nước Việt Nam chia đôi ở trong cái thế bất lợi cho họ như thế. Và chính ông với tư cách là đảng viên cao cấp của quốc tế Cộng Sản cũng không thể chấp nhận.
Đó là những nguyên nhân đưa đến các cuộc quấy rối, phá hoại, khủng bố, thủ tiêu, ám sát tại nông thôn miền Nam càng ngày càng tăng, nhất là từ năm 1959 là năm chính quyền miền Nam ban hành luật 10/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.
Cùng với tình hình an ninh mỗi ngày thêm xấu đi, số cố vấn Mỹ càng ngày càng tăng, từ con số vài trăm vào những năm đầu lên đến nhiều ngàn vào thời gian này. Và sự hiện diện của cố vấn quân sự Mỹ trong các cuộc hành quân đã giúp Cộng Sản tuyên truyền rằng miền Nam lệ thuộc Mỹ cũng giống như trước kia lệ thuộc Pháp.
Đối với những nhà chính trị hay ký giả hiểu biết thì luận điệu tuyên truyền này là trò trẻ. Vì họ biết rõ cố vấn Mỹ hiện diện ở miền Nam cũng giống như cố vấn Liên Sô và Trung Quốc có mặt tại miền Bắc. Và người Mỹ chỉ cố vấn chứ không như người Pháp trực tiếp chỉ huy và hành quân giết người Việt trong những năm dưới chính quyền Quốc Trưởng Bảo Đại.
Nhưng quần chúng nông thôn đơn sơ, chất phác, thiếu thông tin chính xác, dễ bị lừa. Biết được lợi thế đó, Cộng Sản ghép luôn hai từ Mỹ Diệm (8) vào với nhau để …(thiếu vài chữ).
Chính vì điều đó mà ông Diệm rất áy náy về sự hiện diện của người Mỹ càng ngày càng tăng. Chưa nói đến một số cố vấn Mỹ như Trung Tá Vann — vì nóng lòng và không tin tưởng ở tài trí và kinh nghiệm của vị tư lệnh mà ông cố vấn — còn có xu hướng muốn vượt quyền hạn của một cố vấn, gián tiếp nắm quyền chỉ huy, là điều ông Diệm bằng mọi cách chống đối.
Nhưng nước yếu, dân nghèo, bất đắc dĩ phải dựa vào viện trợ ngoại quốc mà tồn tại và chống Cộng; ông Diệm thực sự ở vào cái thế kẹt. Người Mỹ nắm hầu bao luôn luôn muốn kiểm soát xem tiền họ chi ra có được dùng đúng theo ý muốn của họ không. Mà ý muốn của họ nhiều khi không trùng với kế hoạch của các nhà lãnh đạo Việt Nam, đôi khi còn trái ngược với quyền lợi của nhân dân Việt Nam. Những người Mỹ ở Saigon lúc ấy biết đặt quyền lợi chung của thế giới tự do bên trên quyền lợi và tự ái dân tộc của một siêu cường, như đại sứ Nolting sau này, thật rất hiếm.
Khi dân quê có thân nhân trước kia theo Cộng Sản hay kháng chiến chống Pháp dưới sự chỉ huy của Cộng quân đã tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve ngả về phe Cộng Sản, chứa chấp, nuôi dưỡng và tiếp tay cho Cộng quân trong các cuộc phục kích hay đột kích, thì quân đội quốc gia gặp trở ngại rất lớn. Trong rất nhiều trường hợp người dân không thích Cộng Sản nhưng do bị ép buộc phải đi theo chúng, hoặc vì sợ bị trả thù, không dám báo cho quân đội quốc gia khi chúng lẻn về vào đêm khuya tuyên truyền, khủng bố, bắt trai tráng trong làng vào trong chiến khu để được huấn luyện thành du kích quân.
Tình hình đó là lý do thành hình chính sách “Ấp chiến lược” với mục đích giữ an ninh thôn xóm, bảo vệ dân làng khỏi sự quấy nhiễu, khủng bố của Cộng quân. Vì thôn xóm, làng xã miền Nam không đồng nhất giống như miền Trung hay miền Bắc và nhiều gia đình làm nhà lưa thưa rải rác ở giữa cánh đồng, nên muốn tổ chức rào làng bắt buộc phải rời đi một số gia đình, gom vào một nơi. Dĩ nhiên chỉ có một thiểu số ở vào trường hợp đó. Nhưng dầu sao thì việc rời bỏ nới chốn cũ đến một địa điểm tập trung mới đã gây bất mãn cho một số ít gia đình. Nếu những gia đình đó lại thuộc loại thân Cộng đang có thân nhân đi theo Việt Cộng, tình nguyện hay bất đắc dĩ, thì sự bất bình bất mãn đó sẽ được phóng đại thêm. Khi việc rào làng để tự vệ trở thành quốc sách và được thực hiện rầm rộ trên khắp bốn chục tỉnh miền Nam, không khỏi có một vài tỉnh trưởng, quận trưởng, vì quá hăng say, hoặc vì muốn tâng công với cấp trên, đã phạm phải những lỗi lầm mà một chính sách rộng lớn rầm rộ khó tránh khỏi.
Việt Cộng coi Ấp Chiến Lược (tạm viết tắt là A.C.L.) là mối nguy lớn nhất cho chúng. Với chính sách này, chúng sẽ trở thành những con cá sống trên cạn chờ chết. Cố nhiên phản ứng của chúng phải quyết liệt. Bằng mọi cách chúng phải phá cho bằng được.
Trong khi đó một số người Mỹ, kể cả người đặc trách về viện trợ Mỹ cho chương trình A.C.L. là Rufus Phillips cũng chỉ trích chương trình A.C.L.. Một phần có lẽ cũng vì kế hoạch này không phải là sáng kiến của người Mỹ mà lại là của ông Nhu, em ông Diệm, đang bị họ ghét và ông này đã dùng một cố vấn người Anh là ông Robert Thompson, cựu bộ trưởng trong chính phủ Mã Lai Á, người đã thành công trong việc tiễu trừ Cộng quân ở Mã Lai.
Điều khiến một số người Mỹ ghét cay ghét đắng A.C.L. là vì quốc sách này chủ trương đưa nhân dân Việt Nam vào con đường tự cường, tự lực cánh sinh để dần dần thoát khỏi lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Nếu mục tiêu đó đạt được, những người Mỹ có óc thực dân sẽ không còn chi phối, sai khiến, hay làm áp lực với chính quyền ông Diệm được nữa.
Ông Nguyễn Văn Châu trong luận án cao học về lịch sử “Ngô Đình Diệm en 1963: Une autre paix manquée” đã cho biết có lần ông đã nghe ông Diệm nói: “Không gì qúy hơn nồi cơm của mình” và “đã đến lúc “ta về ta tắm ao ta” để liên hệ với chính sách tự túc của chương trình A.C.L.
Tôi xin mở một dấu ngoặc về câu nói của ông Diệm “Không gì qúy hơn nồi cơm của mình.” Câu này khiến người ta liên tưởng đến mục tiêu kinh tế của ông khi mới về nước “Mỗi gia đình một căn nhà và một cái vườn”. Đồng thời nó cũng khiến người nghe liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của ông Hồ Chí Minh: “Không gì qúy hơn độc lập tự do.” Thì ra con người theo chủ nghĩa duy vật như ông Hồ lại nói lời duy linh. Còn con người theo chủ nghĩa duy linh như ông Diệm lại nói lời sặc mùi duy vật. Đúng là “Có thực mới vực được đạo.”
Trở lại chương trình A.C.L, và việc di dân vào ấp. Một số nhà báo Mỹ, hòa điệu với tuyên truyền của Việt Cộng, tố cáo “chính phủ Diệm bắt dân bỏ mồ mả tổ tiên tập trung vào một nơi như trại tập trung, mà vẫn không bảo đảm dược an ninh cho dân chúng.”
Sau này khi ông Diệm đã chết có những người trong chính quyền ông như Thiếu Tướng Đỗ Mậu, chỉ nửa năm trước còn thuyết trình trước tướng lãnh Mỹ ở Hoa Kỳ mô tả A.C.L. như là một thành công lớn của ông Diệm, cũng quay ra phê bình chỉ trích hùa theo luận điệu của các phóng viên thiên tả của Mỹ. Chính “hội đồng quân nhân cách mạng” của các tướng đảo chính, trong đó ông Đỗ Mậu là ủy viên chính trị, đã cho đình chỉ việc xây dựng A.C.L. ngay sau ngày đảo chính. Đó là một trong những nguyên nhân thất bại của nhóm tướng lãnh, dẫn đến thất bại cuối cùng là mất miền Nam.
Như chương 18 đã trình bày, do sự sơ xuất và tự phụ của Averell Harriman nước láng riềng Ai Lao “trung lập” đã trở thành lãnh thổ của Cộng quân, chúng tha hồ sử dụng để làm cửa ngõ chuyển vũ khí quân trang và chiến binh vào Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Đọc hồi ký của Bùi Tín và nhất là của nhà văn Cộng Sản hồi chánh Xuân Vũ người ta đã thấy ông Hồ vô cùng quyết liệt trong việc chuyển quân trong những điều kiện cực kỳ gian lao khiến hàng vạn người bỏ thây dọc đường, nhưng không làm sờn lòng những nhà lãnh đạo Cộng Sản chỉ huy bằng bàn tay sắt (8bis). Bởi vì đó là vấn đề sinh tử, không chuyển quân vào để phá kế hoạch A.C.L. thì sẽ thua là cái chắc.
Các cuộc oanh kích còn rời rạc và giới hạn của không lực Việt Nam Cộng hòa đã hoàn toàn thất bại trong việc phá hủy con đường mòn hiểm hóc mà một phần lớn nằm trên lãnh thổ nước láng riềng này. Cộng quân từ Bắc vào còn được chuyển theo ngả duyên hải Việt Nam và qua hải cảng Sihanoukville của Cambốt.
Ông hoàng Sihanouk quốc trưởng Cambốt là người lá mặt lá trái, thay đổi lập trường như chong chóng, lúc ấy lại thiên Cộng, sẵn sàng cho Cộng quân sử dụng lãnh thổ ông làm mật khu an toàn, từ đó Cộng quân xuất phát những cuộc hành quân chống phá miền Nam. Các cán bộ đầu não từ Bắc vào Nam điều khiển chiến tranh du kích thường ẩn núp trong những mật khu trên đất Cam bốt và cái gọi là Mặt trận Giải Phóng của Cộng Sản ra đời ngày 20 tháng 12 năm 1960, rồi “chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam” cũng đóng trong các khu an toàn do ông hoàng Sihanouk dành cho.
Khi quân sĩ và vũ khí đạn dược chuyển từ Bắc vào đã đủ, Cộng quân liền mở trận Ấp Bắc vào đầu năm 1963. Đó là một trận đầu có quy mô cấp tiểu đoàn mà theo cố vấn Mỹ Trung Tá Vann thì sư đoàn 7 do đại tá Bùi Đình Đạm chỉ huy với quân số đông hơn Cộng quân gấp bội, đáng lý ra, nếu theo sự cố vấn của ông thì đã tiêu diệt được một lực lượng hùng hậu của Việt Cộng. Nhưng vì “hèn nhát” nên đã để thất trận. Theo đại sứ Mỹ Nolting thì không thể bảo đây là một thất bại, nếu tính theo số thương vong của đôi bên. Còn Đô đốc Felt thì nói quân đội Việt Nam đã chiến thắng vì đã đuổi được quân địch.
Nhưng vị cố vấn Mỹ của sư đoàn, ức vì ông Đạm không nghe lời ông, nên chẳng những không tiêu diệt được địch mà còn làm cho 5 trực thăng bị hạ và 3 người Mỹ tử thương. Những lời tuyên bố sau đó của vị cố vấn Mỹ này với báo chí đã được cây bút trẻ David Halberstam của tờ New York Times triệt để khai thác và thổi phồng lên, khiến dư luận Mỹ cho rằng quân đội miền Nam hèn nhát và ngay cả “Tổng Thống Diệm cũng không muốn đánh Cộng Sản, chỉ muốn cuộc chiến cứ kéo dài để ăn viện trợ Mỹ”.
Đại sứ Nolting cho rằng những lời tuyên bố của ông Vann, được các phóng viên trẻ triệt để khai thác, rất tai hại cho công cuộc chống Cộng.
Không may cho ông Diệm là chỉ năm tháng sau trận Ấp Bắc gây dư luận không tốt đẹp trong dư luận Mỹ, một chỉ thị của chính ông ban hành không đúng lúc về trường hợp và thể thức treo cờ tôn giáo (nói chung chứ không phải chỉ nhắm riêng Phật giáo) đã được nhóm Phật giáo Ấn Quang của thượng tọa Thích Trí Quang dùng làm cớ để phát động một cuộc biểu tình chống đối trước đài Phát thanh Huế.
Những người biểu tình dẫn cả trẻ con đến trước đài khiêu khích, như muốn ăn tươi nuốt sống ông quản đốc và các nhân viên của đài, khiến ông phải kêu cứu với tòa tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng chỉ thị cho phó tỉnh trưởng nội an là thiếu tá Đặng Sĩ đem lính có vũ trang đi trên xe bọc sắt đến bảo vệ đài và yêu cầu những người biểu tình giải tán. Nhưng không thành công. Xô xát xảy ra. Có tiếng nổ khủng khiếp và nhiều tiếng súng.
Các tin tức và báo cáo sau này cho biết có 9 người chết. Stanley Karnow trong cuốn “Vietnam, a history” (9), nói đó là một người đàn bà và 8 trẻ em (9bis). Thông cáo chính thức của chính quyền thì cho rằng người chết do lựu đạn và chất nổ của Cộng Sản. Ký giả Mỹ thì quả quyết là do binh sĩ chính phủ bắn và do xe thiết giáp cán.
Nhà báo Cao Thế Dung sau này, trong cuốn “Làm thế nào để giết một Tổng Thống ”, thì nói tiếng nổ kinh thiên động địa lúc đó làm chết người là do chất nổ cực mạnh mà lúc ấy chỉ có CIA Mỹ có, do một người MỸ có tên là đại úy Scott cung cấp. Sách của ông không bị kiểm duyệt. CIA chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận. Lúc ông xuất bản tác phẩm của ông (10) là lúc một số đông những tướng lãnh làm đảo chính lật ông Diệm đang nắm quyền chính đầy thế lực (như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm…) hay có mặt trong quốc hội (như các ông Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn).
Theo ông Trần Văn Đôn trong “Cuộc chiến bất tận của chúng tôi” thì sau khi nghe báo cáo của ông, chính ông Diệm và cả ông Nhu đều đồng ý tìm ngay giải pháp thương lượng hoà giải (11). Như vậy chứng tỏ chính quyền không cố chấp và không chủ trương đàn áp Phật Giáo. Chỉ cho đến khi các cuộc thương lượng không đem lại kết quả, do sự cố chấp và lươn lẹo của phe Phật Giáo Ấn Quang cứ lấn lướt, luôn tìm cách dồn chính quyền vào chỗ bí, với chủ đích lật đổ chính quyền, quân đội mới ban hành lệnh giới nghiêm và mới có vụ kiểm soát một số chùa vào ngày 21 tháng tám, nhằm mục đích bắt giữ người chủ mưu hầu dập tắt các cuộc quấy rối, xuống đường, bạo động.
Người Mỹ khẳng định ông Nhu làm việc này vào đúng lúc tân đại sứ Cabot Lodge sắp tới Saigon trình ủy nhiệm thư, là cố tình dằn mặt vị tân đại sứ. Bộ ngoại giao Mỹ đã chỉ thị ông Lodge khuyến cáo ông Diệm phải thay thế ông Nhu và đem ra ngoại quốc. Ông Diệm coi đó là hành động can thiệp trắng trợn vào nội bộ một nước có chủ quyền, do một Tổng Thống lãnh đạo và được toàn dân bầu lên một cách hợp hiến, hợp pháp. Dĩ nhiên ông không thể để bị áp lực ngọai bang chi phối, nếu ông không muốn đối phương kết tội ông là tay sai hay con cờ của người Mỹ. Hơn nữa đối với ông Diệm ông Nhu chẳng những là người em tốt mà còn là một cố vấn đắc lực.
Không khuất phục được ông Diệm, người Mỹ quyết định triệt hạ ông. Những ông Averell Harriman, Roger Hilsman ở bộ ngoại giao và Michael Forrestal phụ tá của Tổng Thống Kennedy đã lợi dụng lúc Tổng Thống, ngoại trưởng Dean Rusk, bộ trưởng quốc phòng McNamara, giám đốc CIA McCone… đi nghỉ cuối tuần tự ý thảo công điện, rồi bằng những mưu mẹo lắt léo thuyết phục Tổng Thống chấp thuận cho gửi đi. Đó là những công điện ngày 25 và 28 tháng 8 năm 1963, minh thị bảo ông Lodge phải lập kế hoạch thay thế ông Diệm. Sau này các ông Mcnamara và McCone rất bất bình với bộ ngọai giao về việc này.
Nhưng những cuộc đảo chính hoạch định vào tháng 8 và ngày 26 tháng 10 đã không thực hiện được và phải đình hoãn cho đến ngày 1 tháng 11. Ông Diệm và ông Nhu đã quá tin vào bề tôi của ông là tướng Tôn Thất Đính và Đại Tá Đỗ Mậu, nên khi phe đảo chính móc nối được hai ông này thì không còn cách nào cứu vãn được nữa.
Sự hiện diện của trung tá Mỹ Lou Conein tại văn phòng các tướng đảo chính với số tiền “thù lao” to lớn (12), cộng thêm sự hiện diện của thượng tọa Thích Trí Quang tại tòa đại sứ Mỹ trong thời gian đó, khiến người ta liên hệ cuộc đảo chính với cuộc khủng hoảng Phật Giáo.
Trang 109 “Our endless war” ông Đôn đã thuật lại là liền sau khi đảo chính thành công tướng Dương Văn Minh đã cử ông và tướng Lê Văn Kim đến gặp ông Lodge ở tòa đại sứ để nhận lời khen vào lúc 4 giờ ngày mồng 2 tháng 11, nghĩa là chỉ vài giờ sau khi ông Diệm và ông Nhu bị sát hại. Đặc biệt ông còn thuật cả việc chính ông Lodge dẫn các ông xuống tầng dưới ra mắt thượng tọa Thích Trí Quang. Và như vậy một câu hỏi được đặt ra: Trong vụ Phật Giáo có bàn tay Mỹ cũng giống như trong cuộc đảo chính không?
Về cái chết của ông Diệm, như đã nói ông Dương Văn Minh đã thú thật là phải giết không để sống được. Vì ông Minh đứng đầu nên ông không chối được trách nhiệm. Nhưng không thể bảo chỉ một mình ông Minh có trách nhiệm trong cái chết này, mặc dù cả ông Đôn lẫn ông Đỗ Mậu đều chối bai bải. Đọc Hoàng Ngọc Thành sẽ thấy tại sao các tướng lãnh đều có trách nhiệm như nhau. Và đây là lời của ông Trần Văn Hương, được ông McNamara thuật lại: (13)
“Một dân chính, ông Trần Văn Hương, người đã từng chỉ trích ông Diệm, từng vào tù vì chống chế độ, đã nói : “Những tướng lãnh hàng đầu đã quyết định giết anh em ông Diệm sợ hãi đến chết được. Họ biết rất rõ họ là những kẻ chẳng có tài cán, đức độ hay hậu thuẫn chính trị gì, dù một chút cũng không có, nếu để Tổng Thống và ông Nhu sống, hai ông sẽ trở lại cầm quyền một cách ngoạn mục mà họ không có cách gì ngăn cản được.”
Qua các công điện trao đổi giữa bộ ngoại giao Mỹ và ông Cabot Lodge đã nêu, và qua lời trình bày của các ông Newman, Karnow, Nixon, Nolting, Taylor, và bà Marguerite Higgins đã rõ có bàn tay Mỹ trong cuộc đảo chính lật ông Diệm.
ttba
PHỤ LỤC

1. Về việc ông Diệm bị Việt Minh bắt, giam và được thả.
(Theo Vũ Thư Hiên, tác giả Đêm Giữa Ban Ngày.)
“Nhân chuyện thống nhất đất nước, tôi xin nói tới một mẩu lịch sử ít người biết. Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ông Ngô Đình Diệm bị bắt. Tại Hà Nội ông Diệm bị giam không phải ở Hỏa Lò mà ngay trong Bắc Bộ Phủ. Theo ông Chu Đình Xướng, nguyên giám đốc sở Liêm Phóng Hà Nội, thì việc Ngô Đình Diệm bị giam tại Bắc Bộ Phủ là do ông Hồ Chí Minh quyết định.”
“Tại sao ông Hồ lại có quyết định đó thì ông Chu Đình Xướng không hiểu. Rất có thể do những giây mơ rễ má nào đó giữa gia đình ông Hồ với các quan lại triều Nguyễn trong quá khứ mà ông Hồ Chí Minh lo cho số phận của Ngô Đình Diệm, không muốn để mặc tính mạng con người nổi tiếng chống Cộng này nằm trong tay những đồng chí nóng tính. Cha tôi là người giữ chìa khóa phòng giam. Đến bữa cảnh vệ lên lấy chìa khóa, cho Ngô Đình Diệm ăn xong thì nộp lại.”
“Một hôm ông Hồ bảo cha tôi: “Chú Huỳnh ạ, tôi tính nên thả ông Diệm. Mình làm ân cho người ta tốt hơn là làm oán”. Cha tôi bàn với ông Lê Giản. Hai ông cho rằng để ngăn ngừa những hành động chống Cách Mạng của ông Diệm cách tốt nhất là để cho ông ta được hưởng chế độ câu lưu tại Việt Bắc. Ông ta sẽ sống như dân thường, chỉ bị hạn chế tự do đi lại mà thôi.”
“Ông Hồ Chí Minh bỏ ngoài tai ý kiến phản bác. Ông ta đã định thả là ông ta thả: “Các chú không ở Huế không biết, chớ dân Huế có câu “Đầy vua không Khả, đào mả không Bài”, là nói về cụ thân sinh ông Diệm đấy. Vị người cha thả người con là điều nên làm lắm chứ. Các chú không nên hẹp hòi!”
“Nhiều người nhận xét khi ở cương vị Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ông Ngô Đình Diệm không bao giờ có những lời khiếm nhã đối với chủ tịch Hồ Chí Minh.”
“Một trong những nguyên nhân, theo tôi nghĩ, có thể là do ông Diệm không quên ơn ông Hồ đã tha mạng mình, là điều không phải khó hiểu. ” SĐD trang 226 và 227.

2. Ý kiến của các ông Ngô Đình Nhu, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, đại sứ Pháp Lalouette, đại sứ Ý D’Orlandi, đại sứ Ấn Độ Goburdhun, luật sư Maneli trưởng đoàn Balan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, Phụ tá ngoại trưởng Mỹ Roger Hilsman, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara… liên quan đến các cuộc tiếp xúc mật giữa hai miền Nam Bắc trong những năm 1962, 1963, do nhà báo nổi tiếng nữ tiến sĩ Ellen Hammer thuật lại trong tác phẩm A Death in November. E. P. Dutton, N.Y. 1987 (chương 8, trang 220-262):
“Khi Mieczyslaw Maneli, trưởng đoàn Balan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC) đã từ Hà Nội trở lại Saigon vào mùa xuân năm đó, thì một số nhà ngọai giao Tây Phương đã có quyết định là ông ta phải gặp Ngô Đình Nhu. Họ đang tìm kiếm một cơ hội thuận tiện để cho hai người gặp nhau thì vụ Phật Giáo bùng nổ, bắt buộc họ phải đình hoãn cuộc gặp này, vì vậy mãi cho đến tuần lễ cuối cùng của tháng 8, khi Cabot Lodge đang cố gắng tổ chức cuộc đảo chính ở Saigon, Maneli và bào đệ của Tổng Thống Diệm mới gặp nhau.”
“Họ gặp nhau trong buổi tiếp tân ngoại giao đoàn đầu tiên của tân quyền ngoại trưởng Trương Công Cừu, mà ông Lodge cũng có mặt. Tân đại sứ Mỹ là trung tâm điểm chú ý khi ông ta trò truyện với các đồng nghiệp trong ngọai giao đoàn dường như không màng gì đến những căng thẳng bên ngoài căn phòng rực sáng. Nhưng những người Mỹ khác hiện diện thì không giấu nỗi quan ngại của họ….”
“Tại một nơi khác trong căn phòng rộng, Đức Cha Asta, khâm mạng Tòa Thánh, đang nói chuyện với Maneli, không cho thấy có dấu hiệu nào bất thường trước sự hiện diện của người Balan này, một nhà ngoại giao của một nước Cộng Sản lần đầu tiên được mời tới dự tiếp tân ở Saigon bởi ngoại trưởng Miền Nam Việt Nam.”
“Đức cha Asta quay sang ông Ngô Đình Nhu và giới thiệu Maneli. Như thể có người làm hiệu, các nhà ngoại giao khác tiến về phía họ, có vẻ như để nhập chuyện một cách ngẫu nhiên, không có gì là chuẩn bị trước, nhưng thực sự thì họ đã mỗi người bằng một cách riêng rẽ cố thúc đẩy ông Nhu tiến tới cuộc gặp gỡ này. Đó là các ông Lalouette, đại sứ Pháp; Goburdhun, đại sứ Ấn, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế; và d’Orlandi. Đại sứ Ý.
“Tôi đã nghe các bạn của chúng ta nói nhiều về ông.” Ông Nhu nói với Maneli.
Ông ta tiếp:
“Nhân dân Việt Nam có một sự nhậy cảm và không tin cậy chẳng những đối với người Trung Hoa mà với tất cả những nước thực dân hay chiếm đóng, tất cả. Maneli tự hỏi phải chăng Nhu có ý nói Hoa Kỳ, và có lẽ ông ta không phải là người duy nhất trong số những nhà ngoại giao nghe chuyện có sự suy đoán về điều đó. “
“Rồi ông Nhu lại nói: “Lúc này đây, chúng tôi đang quan tâm tới hoà bình và chỉ quan tâm tới hòa bình mà thôi. Tôi tin rằng Ủy Hội Quốc Tế có thể và nên đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại hòa bình cho Việt Nam.”
“Maneli trả lời rằng ông ta sẵn sàng giữ “vai trò tích cực nhất và xây dựng nhất “ trong UHQT để tái lập hòa bình và thống nhất cho Việt Nam.”
“Ông Nhu nói: “Chính phủ Việt Nam ước mong hành động trong khuôn khổ tinh thần hiệp định Giơ-ne-vơ.”
“Ít lâu sau cuộc gặp gỡ này, Maneli nhận được lời mời tới thăm ông Nhu tại dinh Gia Long.”
“Cuộc tiếp kiến được ấn định vào ngày mồng 2 tháng 9, và các ông Goburdhun, đặc biệt là Lalouette rất hy vọng nó sẽ thành công. Khi ông Goburdhun đi Hà Nội với tư cách chủ tịch UHQT, ông ta đã khám phá ra rằng chính phủ Miền Bắc không có vẻ gì coi cuộc chiến tại miền Nam là lý do để từ chối xét việc giao thương với chế độ Saigon. Hồ Chí Minh đã bảo Goburdhun rằng Ngô Đình Diệm là “người yêu nước theo cách của ông ta” Trước kia ông ta cũng đã từng có lần nhận xét với thiện cảm rằng ông Diệm với cá tính độc lập của mình chắc phải gặp khó khăn trong việc xử trí với người Mỹ là những kẻ muốn kiểm soát mọi thứ. Ông Hồ bảo Goburdhun: “Hãy bắt tay ông ta cho tôi nếu gặp…”
“Khi Maneli đến Hà Nội vào mùa xuân 1963, ông ta thấy thành phố này buồn rầu, bi quan dưới một chế độ tàn bạo như thời Stalin ở Liên Sô. Ông ta chuyển thông điệp của Lalouette rằng ông Diệm sẽ đáp ứng nếu Hà Nội đi bước trước, vì ông ấy muốn giảm thiểu áp lực của người Mỹ đối với chế độ của mình.”
“Hà Nội đáp: “Cứ để ông ta chứng tỏ thiện chí đi. Ông ta có thể dần dần mở liên lạc bưu chính với miền Bắc và nhận than đá của miền Bắc đổi gạo của miền Nam. Miền Bắc sẵn sàng chấp nhận một nền dân chủ kiểu Tây Phương ở miền Nam và sẽ không thúc ép phải mau chóng thống nhất”….
“Ông Hồ đã đưa ra lời kêu gọi công khai về một thỏa hiệp đình chiến ở miền Nam vào mùa hè năm đó. Đây không phải lần đầu mà một lời kêu gọi như thế được đưa ra để ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng trong cuộc đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng không giống những người đứng trong tổ chức Mặt Trận đang tranh đấu nhằm loại ông Diệm khỏi chính quyền, các nhà lãnh đạo miền Bắc khẩn thiết lo chặn đứng sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Việt Nam, dường như đã sẵn sàng đi tới một thỏa thuận với ông Diệm để làm việc đó.”
“Người Bắc nhìn thấy những mối lợi trong việc thương luợng với ông Nhu trong giai đoạn này. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: Dầu sao ông Nhu chắc chắn có khả năng tư duy một cách lo-gích; ông ta đã tốt nghiệp đại học “Ecole des Chartes” (trường đào tạo các chuyên viên văn khố ở Paris). Maneli hỏi nên làm gì nếu được mời đến gặp ông Nhu, thì ông Đồng nói: “Cứ đến và nghe cho thật kỹ. Có một điều chắc chắn: người Mỹ phải rời khỏi Việt Nam. Trên căn bản chính trị đó chúng tôi có thể thƯơng lượng về mọi việc. Mọi việc. Chúng tôi thực lòng mong muốn chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình và thống nhất trên cơ sở hoàn toàn thực tiễn. Chúng tôi rất là thực tiễn”…..
“Khi Lalouette nghe phong thanh về cuộc đảo chính mà người Mỹ đang cố làm tới trong tuần đó ở Saigon, ông ta sợ rằng chính sách ngoại giao kiên trì của ông ta trở thành công dã tràng. Một buổi tối ông ta bảo Maneli nếu mà ông Diệm bị lật đổ thì cơ may nhỏ về hòa bình ở Việt Nam sẽ tiêu tan. Bất cứ kẻ nào được người Mỹ chọn để thay thế ông ta sẽ lệ thuộc vào Mỹ hơn. Chỉ một mình ông Diệm có can đảm giữ độc lập để làm việc cho hòa bình. Maneli lập tức gửi báo báo về câu chuyện này về thủ đô Ba Lan và gửi bản sao cho chính phủ Bắc Việt và tòa đại sứ Liên Sô ở Hà Nội.”
“Nỗi lo ngại của Lalouette hơi quá sớm; H.C.Lodge đang bận giải quyết một vài khó khăn ở Saigon và Maneli đã có thể giữ hẹn với ông Nhu tại dinh Gia Long vào ngày 2 tháng 9. Bào đệ của Tổng Thống bảo Maneli ông ta không chống thương lượng và hợp tác với miền Bắc. Người Việt Nam không bao giờ quên ai là người ngọai quốc, ai là người Việt, ngay cả trong khi hai bên đang giao tranh với nhau khốc liệt nhất. Ông Nhu nói: nếu chúng tôi có thể khởi sự một cuộc đối thọai thì chúng tôi sẽ có thể đạt được một thỏa thuận. Và UHQT và chính Maneli sẽ có thể đóng một vai trò tích cực: Trong tương lai gần tôi không thấy trước được là có gì sẽ có thể dẫn tới những cuộc hội đàm trực tiếp nhưng điều này chẳng bao lâu nữa có thể sẽ được sáng tỏ.”
“Maneli hỏi ông Nhu về những tin đồn liên tiếp ở Saigon và Hà Nội rằng cuộc đối thoại giữa hai miền đã khởi sự rồi.”
“Ông có thích những tin đồn đó không?” Ông Nhu hỏi lại có vẻ bông đùa. Trước đó ông Phạm Văn Đồng cũng đã dùng ngôn từ tương tự để trả lời Maneli, khi ông này hỏi cùng câu hỏi đó: “Đồng chí có tin điều đó không?”
“Đại sứ Pháp vô cùng thất vọng khi nghe Maneli thuật lại cuộc gặp gỡ của ông ta với em Tổng Thống . Lalouette thấy dường như ông Nhu đang tháo lui. Ông ta đã rất thận trọng, thận trọng quá. Ông ta đã tự đánh lừa khi cho rằng mình có thể đạt được một sự hiểu biết với ông Lodge và ông ta không muốn đốt cây cầu ở phía sau. Lalouette bảo Maneli:
“Nếu ông ta không dứt được những ảo tưởng đó, ông ta sẽ tiêu mất. Thực là một lỗi lầm bi thảm.”…
“…Ông Nhu nói (với ông Lodge) về các cuộc tiếp xúc với phía bên kia và bảo những cuộc tiếp xúc mà ông ta phủ nhận với Maneli thực ra đang tiếp diễn. Đại sứ Ý D’Orlandi, có mặt trong cuộc hội kiến, đã ghi lại trong nhật ký cuả ông bản báo cáo những lời của ông Nhu, không chỉ giới hạn trong những điều chung chung như ông Lodge tường trình về Washington. D’Orlandi, chứ không phải Lodge, đã là nguồn gốc tin tức về lời tuyên bố của ông Nhu, đã trưng dẫn ở trên, và rằng “Tôi bây giờ là môi giới được Việt Cộng chấp nhận để họ đối thoại”. Và D’Orlandi đã tường trình về lời giải thích của ông Nhu. Ông Nhu nói rằng sở dĩ phía bên kia đã đưa ra đề nghị hòa bình chẳng những vì chính sách Ấp Chiến Lược thành công, mà còn vì họ bất mãn về cái ách mà người Tầu đặt lên miền Bắc, và họ nhận ra rằng tái lập giao thương giữa Bắc Nam sẽ có lợi cho cả đôi bên. Theo d’Orlandi, chứ không phải Lodge, ông Nhu đã nói Cộng Sản thậm chí đã không đòi trung lập hóa miền Nam, vì họ thỏa mãn về việc khi chiến tranh chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ sẽ ít còn cần thiết cho chế độ Saigon.”
“Nếu ông Nhu đã không định thảo luận với Maneli về những cuộc tiếp xúc của ông ta với Việt Cộng, thì ông ta lại có nhiều lý do để nhấn mạnh với người Mỹ về sự quan trọng của những cuộc tiếp xúc đó. Ông ta đang phải phấn đấu cho sự sống còn chính trị của mình và sự tồn tại của chính quyền Ngô Đình Diệm..”
“Đại sứ Lalouette cố thuyết phục đại sứ Mỹ nên để ông Diệm tại chức và nói với ông ta về báo cáo của ông Goburdhun rằng Phạm Văn Đồng sẵn sàng trao đổi than đá của miền Bắc để lấy gạo của miền Nam. “Tôi thúc đẩy Lodge đừng làm đảo chính”, nhiều năm sau ông ta đã nhắc lại cho soạn giả như vậy. Trong thời gian đó ông ta đã tin tưởng chắc chắn rằng không có gì ông ta có thể nói trong tháng 9 năm đó sẽ có thể làm ông Lodge đổi ý. Cuối cùng ông ta bó buộc phải tin rằng người Mỹ này đã được phái tới Việt Nam với mệnh lệnh là phải sớm loại bỏ ông Diệm cho bằng được.”
…Tại Washington, Roger Hilsman trong giác thư ngày 16 tháng 9 đã định nghĩa cái mà ông ta tin là mục tiêu tối thiểu của ông Nhu: “giảm thiểu rõ rệt sự có mặt của người Mỹ tại những vị trí có ý nghĩa chính trị ở các tỉnh và trong chương trình Ấp Chiến Lược.” Còn mục tiêu tối đa của ông ta là: “thương lượng với miền Bắc để ngưng chiến, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của người Mỹ, và một miền Nam Việt Nam trung lập, hay theo kiểu Tito, nhưng vẫn biệt lập.” Hilsman kết luận. Và đây là lý do ông ta đưa ra nhằm bác bỏ “đường lối hòa hoãn “ – ngoại giao và thuyết phục để đối phó với một chính quyền Diệm được cải tổ- để dùng chính sách làm áp lực mạnh chống chế độ Diệm.
“Khi đại sứ Lalouette nhìn lại cái năm định mệnh 1963 và toan tính táo bạo của ông nhằm thực hiện một giải pháp chính trị cho Việt Nam và nó đã thất bại ra sao, ông ta thấy dường như “việc ông Nhu yêu cầu rút cố vấn Mỹ (mục tiêu tối thiểu theo Hilsman) nêu lên vào tháng tư là lý do chính khiến người Mỹ quyết định lật đổ ông Diệm. Thêm vào đó là dường lối càng ngày càng thân Pháp của chính phủ Saigon.”
“Chính sách áp lực mà Hilsman đề nghị và hội đồng an ninh quốc gia chấp thuận ngày 17 tháng 9 đã trở thành căn bản của phúc trình McNamara-Taylor đem từ Saigon về vào đầu tháng 10.”
“Phái đoàn McNamara-Taylor đã không thể tìm thấy sự kiện rõ rệt nào về điều ông Nhu toan tính. Nhưng hai ông đã nghe nói đủ để viết trong phúc trình như sau: Việc ông Nhu ve vãn ý nghĩ thương lượng (với miền Bắc) – cho dù nó có nghiêm chỉnh hay không vào lúc này đây- cho thấy là về cơ bản nó không phù hợp với các mục tiêu của Hoa Kỳ.” (A Death In November. Trang 220-232)

3. Một chuyện được tiết lộ lần đầu mới đây.
Nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong số 623 (từ 1 đến 15-1-2002) có công bố một tài liệu do tác giả Nguyễn Văn Minh đăng trên Việt Báo điện tử ngày mồng 2 tháng 5 năm 2001 như sau:
“Năm 1959, sau khi đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 – 3 ngày sau khi có kết quả bầu cử – Tổng Thống Diệm gọi sĩ quan tùy viên Đại Úy Lê Châu Lộc và sĩ quan cận vệ, đại úy Nguyễn Bằng đi theo đến các chùa trong khu vực nội và ngoại thành Saigon để cám ơn khối Phật giáo đã ủng hộ Tổng Thống . Tại một ngôi chùa nọ, khi tiếp đón Tổng Thống , thượng tọa trụ trì đã trách Tổng Thống rằng: “Tổng Thống có chuyện vui mà không cho anh em chúng tôi biết để chúng tôi cùng được chung vui với Tổng Thống”.
- Có chuyện chi vui mà giấu các Thầy mô?
- Dạ thưa Tổng Thống , qua tăng đoàn Tích Lan, chúng tôi được biết Tổng Thống đã tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma một số tiền lớn.
Nghe vậy, Tổng Thống ngồi lặng thinh một lúc rồi nói:
- Vì là một việc tế nhị, tôi không muốn cho ai biết chứ không phải tôi giấu các Thầy. Tôi có nhận được giải thưỏng “Leadership Magsaysay 15,000 đô la. Tôi thì không có nhu cầu chi. Gặp lúc này, Đức Đạt Lai Lạt Ma, tượng trưng cho sự tranh đấu bất khuất để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tôn giáo của dân tộc Ngài, đang gặp hoạn nạn, phải sống lưu vong, cần nhiều sự giúp đỡ. Tôi thấy mình có bổn phận phải giúp Ngài nên tôi nhờ thủ tướng Nerhu chuyển số tiền này cho ngài, nhưng ông khước từ. Có lẽ ông ngại mất lòng Trung Cộng. Tôi đã phải tìm đường khác chuyển số tiền cho Ngài. Các thầy đã biết mình đang phải chống lại một chủ thuyết vô thần rất tàn bạo. Nên chỉ có niềm tin tôn giáo mới có đủ sức mạnh chống lại được với chủ nghĩa tai hại này…”
Đọc mấy hàng trên, tôi có tìm xem “Đại Úy Lê Châu Lộc” nào đó mà bài báo nhắc tới là ai và có còn sống không, vì tôi coi ông là một nhân chứng quan trọng. Tôi liền hỏi một người bạn hàng xóm khi còn ở Việt Nam cũng từng là tùy viên của Tổng Thống Diệm, thì được biết đại úy Lê Châu Lộc, trong thời đệ nhị Cộng Hòa đã từng là nghị sĩ trong liên danh “Bông Huệ” do luật sư nổi tiếng miền Nam Nguyễn Văn Huyền thụ ủy. Ông bạn này đã cho tôi số điện thoại và tôi đã đích thân nói chuyện với ông Lê Châu Lộc gần một tiếng đồng hồ. Ông xác nhận chuyện đó có thật, và còn nói, ông không phải là nhân chứng duy nhất đâu, vì chuyện này ngoài vị thượng tọa chủ trì ngôi chùa nói trên, còn có nhiều thượng tọa, đại đức khác, trong đó có một vị mà ông Lộc còn nhớ tên là đại đức Thích Quảng Liên. Sở dĩ ông nhớ tên vị đại đức này là vì vị đại đức đã được Tổng Thống Diệm cho đi du học và khi về nước đã được gặp Tổng Thống trong dịp này và Tổng Thống có hỏi ông: Thầy về khi mô?….Sau đó đại đức T.Q.Liên đã nhờ Đại Úy Lộc xin Tổng Thống tiếp kiến. Ông Lộc cũng nói việc chuyển ngân thế nào cũng qua ông Hùynh Văn Lang, lúc ấy là tổng giám đốc viện hối đoái. Nên chắc ông Lang còn nhớ. Hơn nữa chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng còn sống.
Ông Lộc còn cho biết nhiều chi tiết khác về chuyện này mà chưa sách báo nào nói. Ví dụ, ông nói Tổng Thống thường thức dậy rất sớm. Hôm ấy mới 4 giờ rưỡi ông đã bảo ông Lộc chuẩn bị để ra ngoài thăm viếng mấy ngôi chùa khi trời chưa sáng. Lại không muốn có tiền hô hậu ủng gì cả. Nhưng bổn phận của ông Lộc là giữ an ninh cho Tổng Thống nên cũng bảo Đại Úy Bằng đi theo và báo cho mấy giới chức địa phương kín đáo bảo vệ Tổng Thống . Khi ông Lộc báo cho ngôi chùa mà Tổng Thống muốn thăm đầu tiên thì các Thầy xin cho được có thì giờ chuẩn bị để đón tiếp. Nhưng họ cũng chỉ có được nửa giờ sửa soạn.
Nhân chuyện này, ông Lộc còn cho người viết được nghe về nhiều việc làm của Tổng Thống để giúp đỡ Phật giáo. Theo Tổng Thống việc chấn hưng tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, là một bổn phận của ông như một nguyên thủ quốc gia. Ông không muốn và không mong đợi ai biết để nhớ ơn cả. Vì thế mà khi biến cố Phật giáo xảy ra, trong khi nhiều ký giả ngoại quốc, và một vài trí thức và “nhà tu” bịa chuyện Tổng Thống đàn áp Phật giáo, thì bốn vị Phật tử trí thức rất đạo đức chung quanh Tổng Thống lúc ấy là các ông Quách Tòng Đức (đổng lý văn phòng), Nguyễn Thành Cung (tổng thư ký), Võ Văn Hải (chánh văn phòng đặc biệt) và Trần Sử (bí thư) đã xin yết kiến riêng Tổng Thống (dĩ nhiên ông Lộc cũng có mặt). Ông quách Tòng Đức đại diện và nhân danh bộ tham mưu bốn người toàn là Phật tử này để xin phép Tổng Thống được công bố những việc làm và những ngân khoản mà phủ Tổng Thống và chính phủ đã chi ra để chấn hưng Phật Giáo v.v… Nhưng Tổng Thống không bằng lòng. Ông coi việc đó như kể công về những việc mà ông đã làm chỉ vì bổn phận đối với đất nước..
Một tài liệu khác của thượng viện Mỹ
Sau đây là một đoạn trích dịch bức thư của thượng nghị sĩ Thomas Dodd, gửi thượng nghị sĩ James O. Eastland, chủ tịch, tiểu ban Nội An của thượng viện Mỹ ngày 17 tháng 2 năm 1964 liên quan đến bản phúc trình của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tới Saigon để điều tra về sự tố cáo chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà đàn áp Phật giáo. Bản phúc trình này đã bị chính quyền cuả đảng Dân Chủ năm đó ém nhẹm đi, mãi gần đây mới được công bố.
“Thưa ông chủ tịch, Vào đầu tháng 9 năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng Phật giáo đạt cao điểm, 16 chính phủ chuyển đến đại hội đồng LHQ một tuyên bố nói rằng chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Đáp lại, chính quyền Ngô Đình Diệm mời LHQ gởi phái đoàn đến điều tra và cam kết hợp tác hoàn toàn. Ngày 11-10, một phái đoàn được thành lập gồm đại diện Afghanistan, Brasil, Costa Rica, Dahomey, Morocco, Ceylon và Nepal.
(…phúc trình này chỉ được phố biến rất hạn chế….)
Về điểm này tôi xin lưu ý đến cuộc phỏng vấn của đại sứ Fernando Volio Jimenez của Costa Rica với hãng thông tấn NCWC ngày 20-12 (1963). Chính đại sứ là người đã đưa ra đề nghị lập phái đoàn điều tra LHQ và là thành viên của phái đoàn. Tôi xin trích lời của ông:
“Cảm tưởng của riêng tôi là không có chính sách kỳ thị, áp bức hay khủng bố đối với Phật giáo. Những lời khai về việc này thường là “nghe nói”, và được trình bày một cách mơ hồ, chung chung. Mỗi khi có một nhân chứng cố gắng tìm một bằng chứng cụ thể nào đó để trình phái đoàn thì đó cũng là hành vi lẻ tẻ hay cá nhân. Căn cứ trên bằng chứng thì chính quyền không có chủ trương chống Phật giáo vì lý do tôn giáo.”
Được đích thân đọc bản phúc trình của LHQ, lời tuyên bố trên làm tôi xúc động, khiến tôi phải gọi đại sứ Volio để thảo luận về chi tiết. Đại sứ Volio nói, căn cứ trên tường thuật mà ông đọc trong báo ông đã sẵn sàng bỏ phiếu lên án chế độ Diệm, nhưng khi Diệm mời LHQ phái quan sát viên sang VN, ông thấy rằng phải nhận lời mời này, trước khi LHQ có thái độ.
Đại sứ Volio nói rằng sau hai tuần điều tra ráo riết tại VN, ông đi đến kết luận là những lời buộc tội chế độ Diệm tại LHQ là vô căn cứ, không thể chấp nhận được. Ông nghĩ rằng vô số bằng chứng không cho thấy rằng có sự kỳ thị về tôn giáo hay vi phạm tự do tôn giáo.
(….) Phái đoàn nói rõ rằng họ đã được phỏng vấn một số lãnh đạo và thanh niên Phật giáo mà người ta báo cáo là đã bị giết. Phái đoàn không tìm thấy bằng chứng nào xác nhận những báo cáo đã được công bố rằng có những vị sư đã bị ném từ tầng lầu xuống trong vụ chùa Xá Lợi bị đột kích.
Tóm tắt theo ý tôi, một lần nữa, nhân dân Hoa Kỳ đã bị báo chí lừa dối nặng về tình hình đối ngoại có tính cốt tử.
Chúng ta đã được báo cáo rằng chính phủ Diệm khủng bố tôn giáo một cách tàn nhẫn, khiến những sư vô tội bị dồn vào chỗ phải tự tử để phản đối. Nhưng nay ta thấy sự thực không hề có khủng bố, hay chỉ có thổi phồng quá mức, và cuộc náo loạn chủ yếu mang tính chất chinh trị”
Lá thư còn khá dài. Và bản phúc trình của phái đoàn LHQ thì hàng trăm trang. Hy vọng những tài liệu này sẽ được dịch ra và phổ biến một ngày gần đây.

4. Ý kiến của một số nhân vật Việt Mỹ liên quan đến trách nhiệm và vụ án của Đặng Sỹ, do nữ ký giả Ellen Hammer thuật lại trong tác phẩm “A Death In November”.
“Tại phiên tòa người ta đã được biết những lựu đạn có sức ép mạnh của Mỹ, mà thiếu tá Đặng Sỹ dùng (được mô tả trong sách huấn luyện về vũ khí của bộ Lục Quân Mỹ, mục “lựu đạn và thuốc pháo”) là những lựu đạn không bao giờ có sức giết người, vì khả năng tối đa của lựu đạn MK III là gây sức ép, làm rách màng tai và gây “sốc”. “Người ta cũng làm áp lực bắt Đặng Sỹ khai trước tòa là tổng giám mục Ngô Đình Thục, lúc ấy đang sống lưu vong, đã đích thân ra lệnh cho ông ta bắn vào đám đông. Nhưng ông ta đã từ chối không lôi vị giám mục liên can vào vụ án.”
“Đặng Sỹ bị kết án khổ sai chung thân và phải bồi thường cho các gia đình nạn nhân. Luật sư của ông đã nhấn mạnh đến sự kiện vợ ông xuất thân từ một gia đình Phật Tử và chồng bà đã hành động theo lệnh trên. Khi vụ xử xong rồi, luật sư bị can cho biết tòa đã không xác định được tính chất và nguồn gốc của những tiếng nổ chết người. Một thành viên của tòa cũng lý luận rằng bằng chứng không đủ để tuyên một bản án nặng như vậy. Tướng Trần Thiện Khiêm, lúc ấy là tổng trưởng quốc phòng, sau này đã nói rằng cần phải kết án Đặng Sỹ để làm nguôi giận thượng tọa Thích Trí Quang. “Đó là cái giá mà Nguyễn Khánh cảm thấy phải trả để lấy lòng thượng tọa Trí Quang.”
“Tờ “Kinh Tế Gia” ở Luân Đôn đã gọi bản án là một sự “lăng nhục (công lý)… một phiên tòa gian lận bỉ ổi. Ông (Đặng Sỹ) đã nhận lệnh của những cấp có thẩm quyền và đã thận trọng cho sử dụng lựu đạn gây sức ép ở bên lề đám đông do Trí Quang lùa tới. Sau đó ông đã bị cáo buộc là có trách nhiệm về những cái chết hãy còn chưa giải thích được tại sao của 8 người biểu tình trong những vụ bom nổ do plastic.”
“George A. Carver, khi đã trở thành viên chức cao cấp trong tổ chức CIA, vào năm 1965 đã viết rằng “tia lửa châm ngòi thuốc nổ ở Huế ngày mồng 8 tháng 5 năm 1963, đã được phát động dưới những hoàn cảnh mà chi tiết của chúng có lẽ sẽ mãi mãi là những vấn đề tranh cãi….” Khi còn hoạt động với vỏ bọc của một sĩ quan trẻ ở Saigon năm 1960, Carver đã học được thói chê ghét chế độ Ngô Đình Diệm và đã bị bó buộc rời Việt Nam khi bị lộ vì tiếp xúc với những người đứng đầu cuộc đảo chính trong năm đó. Sau này ông ta đã trở thành phụ tá đặc biệt về các vấn đề Việt Nam của giám đốc Trung Ương Tình Báo.” (Trích dịch từ A Death in November, Ellen Hammer, E.P. Duton, 1987, trang 115.)

5. Trích bài phát biểu của soạn giả trong buổi ra mắt sách ngày 10 tháng 5 năm 1998:
“…Trong số hàng chục lá thư và cuộc điện đàm trong hai tuần qua, tôi xin phép quí vị chỉ được nêu lên tiếng nói của một người bạn ở miền Đông. Ông là một trong số ít người Việt sống ở Mỹ đã gần nửa thế kỷ, chưa từng bao giờ trở lại quê hương. Trong thời gian Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền những thông tin mà ông nhận được liên quan đến tình hình Việt Nam có lẽ phần lớn là do những nguồn tin của Mỹ lúc đó rất bất lợi cho ông Diệm. Phải chăng vì vậy mà khi tôi loan báo sẽ tặng ông một cuốn sách về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông liền hỏi tại sao lại chọn cái đề tài đó? Ai mà thèm đọc. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên sau đó là chỉ hai ngày sau khi nhận được cuốn sách “Ngô Đình Diệm Lời Khen, Tiếng Chê” ông đã gọi điện thoại cho biết ông đã đọc đến trang 248, đúng chỗ có mấy hàng khiến ông phải lên tiếng. Ông bảo cuốn sách viết cũng được, có nhiều dữ kiện mới đối với ông. “Nhưng anh Minh ạ, ông nói, anh đã không thoát được cái tật của phần đông nhà văn, nhà báo Việt Nam ở đây là đả kích, mạt sát những người không đồng quan điểm với mình. Cho dù ông Đỗ Mậu viết gì đi chăng nữa anh cũng không nên bảo ông ta đập đầu vào đá. Viết như thế là thiếu vô tư, là đặt nặng cảm tính vào trong một công cuộc sưu tầm công phu có tính khoa học.”
Tôi hoàn toàn bất ngờ, vì vẫn đinh ninh mình đã làm hết sức để giữ sự khách quan, vô tư, nên không biết trả lời ra sao. Chỉ nghĩ: Nếu ông đọc kỹ những hàng tiếp theo thì sẽ thấy tôi có trưng bằng chứng tại sao ông Đỗ Mậu đập đầu vào đá chứ không phải tôi đả kích vô tội vạ.
Nhưng hôm nay, sau khi đã có thời gian để suy nghĩ về lời phê bình của ông bạn ở Virginia, trước quý vị tôi thành thực nhận khuyết điểm. Quả thực tôi đã thiếu vô tư. Trong khi viết đối tượng của tôi là những con người sinh động có “hỷ nộ ai cụ ái ố dục”, là lãnh tụ của một nước, là những tướng lãnh, là nhân dân Việt Nam đã hàng chục năm đau khổ triền miên vì chiến tranh, một cuộc chiến tàn khốc mà, theo ý tôi, nếu người ta không lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm có lẽ tình hình sẽ không đến nỗi bi đát như thế, không đến nỗi trên hai triệu người chết, chưa kể gần một triệu người vừa bỏ thây trong tù ngục, hay làm mồi cho cá biển. Cho nên quả thực sau khi đọc những lời mạt sát của những vị như thiếu tướng Đỗ Mậu, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi hay nhà báo Neil Sheehan, nhắm vào Tổng Thống Diệm, và tập thể các cấp lãnh đạo quốc gia, thì dường như có một luồng nộ khí dâng lên trong tôi mà ý chí muốn khách quan, vô tư của tôi không kìm hãm nổi. Tôi đã không còn giữ được cái vô tư của một nhà khoa học như ông bạn của tôi, là người đã đỗ bằng tiến sĩ vật lý cách đây ba chục năm và suốt đời say mê đối tượng vật lý: những phân tử, nguyên tử, trung hòa tử, lượng tử…vân vân…với không gian vô tận và những con số với số mũ khổng lồ, chứ không phải những Khổng tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tôn Tử… hay Phật Tử v.v. với những tư duy vĩ đại và tài đức sáng ngời là đối tượng của những nhà xã hội học hay sử gia. Qúy vị đã rõ những “cái tử” của nhà vật lý ở trên là những đối tượng vô tình, vô hồn, vô cảm. Vì vậy mà nhà vật lý học dễ vô tư – và có thể hoàn toàn vô tư- hơn một nhà sử học hay xã hội học.”
“Dầu sao tôi cũng khâm phục tinh thần khoa học tuyệt đối của ông bạn ở Virginia và cảm ơn sự chân thành thẳng thắn của ông….”
Sách báo trích dẫn:
Bảo Đại. Con rồng Việt Nam, bản dịch của Nguyễn Phước Tộc từ nguyên tác ” Le dragon d’Annam”. California 1990. Nguyên tác do Ed. Plon xuất bản tại Paris năm 1980
Nguyễn Văn Châu. Ngô Đình Diệm và nỗ lực hòa bình dang dở. Xuân Thu. 1989. Do Nguyễn Vy Khanh dịch từ nguyên tác Pháp văn: “Ngô Đình Diệm en 1963: Une autre paix manquée”, luận án sử học, trường đại học Paris VII, 1982.
Phan Bội Châu. Phan Bội Châu Niên Biểu. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, Saigon. 1971.
Nguyễn Văn Chức. Việt Nam Chính Sử hay là những sai lầm trong “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” và gian trá của Đỗ Mậu. 1992.

William E. Colby and Peter Forbath. Honorable men / My life in the CIA. Simon and Schuster. New York 1978.
Bùi Diễm. With David Chanoff. In the jaws of history. Houghton Mifflin Co. Boston 1987.
Dennis J. Duncanson. Government and revolution in Vietnam. Oxford University Press. 1966 (?)…
Cao Thế Dung. Việt Nam ba mươi năm máu lửa. Alfa. Falls Church. Va 1991.
Cao Thế Dung và Lương Khải Minh. Làm thế nào để giết một Tổng Thống . Hòa Bình. Saigon. 1970.
Duyên Anh. Saigon Ngày Dài Nhất. Xuân Thu, USA,1988.
Trần Văn Đôn. Our endless war. Presidio Press, 1987.
Bernard B. Fall. The two Vietnams. Frederick A. Praeger. USA, 1967.
Ellen Hammer. A death in November: America in Vietnam, 1963. E.P.Dutton. 1987.
Le Ly Hayslip. When heaven and earth change places. Double Day, New York, May,1989.
Vũ Thư Hiên. Đêm giữa ban ngày. Văn Nghệ, USA. 1997.
Marguerite Higgins. Our Vietnam nightmare. Harper & Row. 1965.
Robert Strausz-Hupé. Protracted Conflict. Harper & brothers. New York, 1959.
Lyndon Baines Johnson. The vantage point. Holt Rinehart & Winston. New York, 1971.
Stanley Karnow. Vietnam, a history. Pinguin Group. New York, 1991.
Hồ Sĩ Khuê. Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng. Văn Nghệ, California, 1992.
Nguyễn Cao Kỳ. Twenty years and twenty days. Stein and day, New York. 1976.
Henry Cabot Lodge. The storm has many eyes. W.W. Norton Inc. New York. 1973.
Robert McNamara. In Retrospect: Tragedy and lessons from Vietnam. Random House Inc. New York. 1995.
Mieczyslaw Maneli. War of the vanquished. Bản dịch Anh ngữ của Maria de Gorgey. Harper & Row. 1971.
Đỗ Mậu. Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi. Văn Nghệ. California 1993.
Minh Võ. Sách lược xâm lăng của Cộng Sản. Tác giả xuất bản. Saigon. 1963.
John M. Newman. JFK and Vietnam. A Time Warner Co. 1992.
Richard Milhouse Nixon. No more Vietnams. 1985.
Frederick Nolting. From Trust To Tragedy. Praeger. New York. 1988.
Hoàng Hữu Quýnh. Tôi bỏ đảng. Paris. 1989.
Arthur M. Schlesinger, Jr. A thousand days. The Riverside press. Cambridge 1965.
Robert Kennedy and his time, Roughton Mifflin Company, Boston, 1978.
Neil Sheehan. A bright shining lie. Random. 1988.
Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên. Đại Nam, Saigon, 1972.
Trương Như Tảng, with David Chanoff and Đoàn Văn Tọai. A Viet Cong Memoir. Harcourt Brace Jovanovich, San Diego 1985.
Maxwell D. Taylor. Swords and plowshares. W.W. Norton & Company Inc New York 1972.
Hoàng Ngọc Thành. Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ca. 1994
Nguyễn Chánh Thi. Việt Nam một trời tâm sự. Xuân Thu. California 1987.
Đỗ Thọ. Nhật ký Đỗ Thọ. Hòa Bình. Saigon 1970.
Bùi Tín. Hoa Xuyên Tuyết. Nhân Quyền. Paris. 1991.
Phạm Kim Vinh. Những bí ẩn về cái chết của Việt Nam, Kissinger trong bẫy sập. Người Việt. California.1977.
Cái chết của Nam Việt Nam. Những trận đánh cuối cùng. Xuân Thu. 1988.
“Việt Nam Tự do, từ Ngô Đình Diệm đến lưu vong”, tác giả xuất bản 1987.
Francis X. Winters. The year of the hare. University Georgia Press. Athens. 1997.
Xuân Vũ. Đường đi không đến tập III: Mạng người lá rụng. Xuân Thu. 1990.
Diễn Đàn Phụ Nữ. Orange County, California. 1992-1998
Newsweek Mar 6,1967.
Reader’s Digest. 1960-1961.
Time Magazine Jan 14, 1966.
US News & World Report Aug 10, 1998.
Washington Post Nov 11, 1995.
ttba
Responses
Anh Hùng, on 09/02/2011 at 3:03 am said:

Bài tìm thấy trong internet:

ĐÂY LÀ SỰ THẬT
Tác giả: Trương Phú Thứ
Cách đây chừng vài tháng, trang nhà Đàn Chim Việt có bài “Ba Giờ Nghe Một Nhân Chứng” của tác giả Minh Võ. Bài viết của cụ Võ sau đó đã được đăng tải và phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông. Nhận thấy có những điểm sau đây cần phải được làm sáng tỏ nên tôi mạo muội viết mấy hàng như là một lá thư gửi đến tác giả Minh Võ.
Trước hết là tôi rất cảm kích về trí nhớ tuyệt vời của cụ Võ. Bài báo tôi viết góp ý với cụ Tôn Thất Thiện về tác phẩm Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê đăng trên bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong cả hơn chục năm nay rồi mà cụ Võ xem chừng vẫn còn thích thú với lời than phiền của tôi: mang khối vàng ròng (TT Ngô Đình Diệm) để cạnh bãi CỨT. (Đỗ Mậu, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm, Mai Hữu Xuân, Trần văn Đôn, Lê văn Kim…). Nhiều độc giả đã rất “đồng tình” với lời ta thán của tôi đấy cụ ạ. Như vậy thì cụ Võ cũng có nhiều “đồng chí” lắm. Bởi vậy cuốn [Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê] đã được in lại mấy lần và nghe đâu đã được dịch sang Anh ngữ. Cụ đã cho tôi một cuốn với lời đề tặng rất ưu ái nhưng đến khi tôi tìm lại để gửi cho Bà Ngô Đình Nhu đọc thì lại không thấy đâu. Chắc là có vị khách nào đến nhà chơi đã “nẫng” đi mà quên không hoàn lại cho khổ chủ!
Tôi đã có dịp thăm viếng và chuyện trò với Bà Ngô Đình Nhu đến hơn sáu tiếng đồng hồ. Tôi đã viết một bài tường trình về cuộc thăm viếng này với nhan đề “Chuyện trò với Bà Ngô Đình Nhu” đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong. Sau đó thì rất nhiều tờ báo ở hải ngọai và cả ở trong nước đã in lại bài báo này. Nhiều đài phát thanh ở hải ngọai cũng đọc đi đọc lại trong một thời gian dài. Một vị làm báo lâu năm ở miền nam Cali phát biểu rằng đó là một bài báo đặc biệt làm xôn xao dư luận nhiều nhất trong vòng hơn ba chục năm qua. Nhân tiện đây tôi cũng xin biểu dương nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn về lương tâm và tính cách chuyên nghiệp của ông (bà) chủ nhiệm. Sau khi đăng tải bài báo của tôi, nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn đã liên lạc với cựu Đại tá Nguyễn Hữu Duệ lấy địa chỉ của tôi và gửi cho tôi mấy tờ báo và một chi phiếu năm mươi Mỹ kim. Tình trạng tài chánh của cá nhân tôi không sống chết với cái chi phiếu này nhưng tôi cảm phục về tình giao hảo rất đáng đề cao. Trong khi đó thì các báo khác lại không có đến một lời thăm hỏi và một lần ngồi ở trong tiệm ăn ở miền nam Cali, lúc chờ đợi đồ ăn thức uống tôi thấy một tờ báo đăng tải bài báo này và nhân lúc rảnh rỗi tôi đã dùng điện thọai di động của người bạn hỏi ông chủ nhiệm vì sao đăng bài của tôi mà lại không hỏi tôi một tiếng. Tôi đã được nghe câu trả lời của bọn đầu đường xó chợ rất côn đồ : “Đ. M. đăng cho là may rồi còn hỏi gì nữa.” Đầu giây bên kia là một đứa cô hồn các đảng thì còn biết nói gì đây.
Sau đây tôi xin đóng góp những dữ liệu cần được đề cập tới:
1- Hồi Ký của Bà Ngô Đình Nhu: Rất nhiều người mong đợi cuốn sách này. Sự thật là bà Nhu có viết một cuốn sách khá dầy. Bà viết bằng tiếng Pháp và tự dịch sang tiếng Anh và Ý. Một vị linh mục cao tuổi người Việt ở Paris được bà Nhu nhờ dịch sang tiếng Việt nhưng vị linh mục này đã qua đời khi vừa bắt tay vào công tác dịch thuật. Do vậy đến nay bản tiếng Việt vẫn chưa hoàn tất. Điều cần nói tới là cuốn sách mà nhiều người đang mong đợi không phải là một cuốn hồi ký. Cả cuốn sách không hề có một chi tiết lớn nhỏ nào về các nhân vật cũng như diễn biến chính trị của thời Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Đó là một cuốn sách đạo nói về đời sống tâm linh của con người và sự hằng hữu của đấng Tạo Hóa. Bây giờ bà Nhu sống như một người tu hành. Bà đi nhà thờ mỗi buổi sáng và ngày Chúa nhật sau thánh lễ bà ở lại dậy giáo lý cho các trẻ nhỏ. Tôi không nghĩ là bà có ý định in và phát hành cuốn sách này vì khi tôi muốn giới thiệu cụ Vân Trình Nguyễn Văn Lượng là cựu dân biểu đồng viện với bà Nhu và rất tinh thông tiếng Pháp dịch cuốn sách này sang tiếng Việt thì không thấy bà Nhu trả lời hay nói tới nữa. Còn nói rằng các con bà Nhu sẽ phát hành cuốn sách sau khi bà tạ thế thì lại càng không có một lý lẽ gì cả. Trước hết đó là một cuốn sách chỉ nói về đạo mà thôi nên in và phát hành lúc bà Nhu còn sống hay sau khi chết không phải là một vấn đề phải cân nhắc. Sau nữa các con bà Nhu cũng không biết và chẳng thiết tha gì đến công việc này. Con trai lớn là Ngô Đình Trác thì bận bịu với gia đình và công việc trồng trọt. Con trai nhỏ là Ngô Đình Quỳnh thì sống như một ông thầy tu khổ hạnh. Con gái út Ngô Đình Lệ Quyên cũng rất bận rộn với gia đình và công việc giảng dậy cũng như các công tác xã hội từ thiện. Tất cả đều có một cuộc sống kín đáo như bà mẹ nên rất ít tin tức về họ được nói đến. Một cơ sở làm đĩa nhạc đã cố gắng tìm cách tiếp xúc với Lệ Quyên để làm một đĩa nhạc về phụ nữ Việt Nam nhưng đã không thành công.
Tôi nghe phong phanh rằng một người nào đó huyênh hoang có cuốn “hồi ký” của bà Nhu trong tay và sẽ tung ra công luận một ngày gần đây. Tôi xin quả quyết đó chỉ là một lừa bịp trắng trợn để thủ lợi thôi chứ sự thật thì không có gì cả. Sau khi đi thăm bà Nhu về, tôi có hầu chuyện với cụ Cao Xuân Vỹ và thưa rõ đầu đuôi câu chuyện về cuốn sách vẫn được đồn thổi là “Hồi ký Bà Nhu”. Do vậy cụ Võ đã thấy lý do vì sao cụ Cao Xuân Vỹ và cụ Tôn Thất Thiện đã “coi thường” không nói và không để ý gì đến cuốn “hồi ký” của bà Nhu.
Nhân tiện đây tôi cũng có một phân bua để quý vị độc giả phán xét về con người của bà Nhu. Rất nhiều người nghe lời đồn đại và tin rằng bà Nhu rất ghét và khinh khi ông Ngô Đình Cẩn, vì ông Cẩn quê mùa và thất học. Đó là một đồn đại quá ác độc. Sự thật không phải như vậy. Bà Nhu đã nhờ tôi tìm kiếm một bức chân dung của ông Cẩn. May mắn thay là tôi đã liên lạc được với cựu Trung tá Nguyễn Văn Minh là người đã có chín năm làm việc cận kề với ông Cẩn và xin cho bà Nhu một tấm hình chân dung ông Cẩn. Nếu bà Nhu ghét và khinh khi ông Cẩn thì cố công đi tìm cho được bức chân dung ông Cẩn làm gì?! Mồm mép con người có thể nói ra những lời yêu thương chân thật nhưng đến ngày hôm nay vẫn còn những “sử gia chân chính” viết rằng bà Nhu có mười bẩy tỷ Mỹ kim, mấy cái thương xá và rạp hát ở Paris, vài cái đồn điền ở Ba Tây. Gia tài của bà Nhu như tôi đã thấy chỉ có một cái TV mầu 13 inches mà ở Mỹ ném ra bãi rác chắc chắn không ai nhặt. Bà Nhu giữ lễ nghĩa và coi trọng tình cảm gia đình chứ không phải là người bị phê phán và công kích của một vài “sử gia chân chính” cả đời chỉ bất mãn và hận thù.
2- Tuyệt phẩm chánh trị của ông Ngô Đình Nhu: Đó là cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM mà ông Nhu viết bằng tiếng Pháp và được ông Lê Văn Đồng, một vị cựu bộ trưởng thời Đệ Nhất Cộng Hòa dịch sang tiếng Việt (?). Cách đây có đến ba chục năm, cuốn sách này đã được in lại khỏang một trăm bản ở miền nam Cali nhưng đến nay kể như đã tuyệt bản. Tôi có hỏi cụ Cao Xuân Vỹ thì được trả lời rằng : “có một bản mà không biết chừ ở mô”. Tất nhiên không ai biết bản chính bằng tiếng Pháp với chữ viết tay của ông Nhu bây giờ thất lạc nơi đâu.
Ba năm trước đây một người cư ngụ ở Seattle, tạm gọi là ông X, còn may mắn có được cuốn sách này. Tôi đã mượn và nghiền ngẫm mấy ngày đêm nên không có gì ngạc nhiên khi ông X coi như cuốn sách gối đầu giường và rất trân quý. Đó là một tuyệt phẩm chính trị mà theo tôi thì giá trị của cuốn sách này đứng trên cả các danh tác chính trị như “The Prince của Machiavel” hay “The New Class của Milovan Djilas”, đặc biệt là đối với người Việt Nam và hoàn cảnh của nước Việt Nam. Ông Nhu là một học giả uyên bác và cũng là một chính trị gia thượng thặng nên cuốn sách chứa đựng một hệ thống lập luận và diễn giải dựa trên những diễn biến lịch sử, vị thế của Việt Nam trên thế giới và nhất là những hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Trong nhiều trang giấy người đọc có nhận xét ông Nhu còn là một tiên tri. Những hoạch định và tiên liệu của ông Nhu đã thực sự xẩy ra. Điều này cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì chỉ với một cây viết trong tay mà ông Nhu đã hoạch định ra Ấp Chiến Lược phá tan đoàn quân Cộng Sản xâm lăng từ miền bắc và cả bọn nằm vùng tay sai ở miền nam. Cuốn sách này thực sự là một kim chỉ nam cho những người còn muốn thấy một nước Việt Nam thống nhất độc lập và người Việt Nam được sống trong thanh bình no ấm.
Ông X cho tôi coi một bản thỏa thuận của bà quả phụ Lê Văn Đồng, mà ông Đồng là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Việt với bút hiệu Tùng Phong, cho phép được hoàn toàn xử dụng cuốn sách, nghĩa là có thể sửa chữa và sau đó phát hành rộng rãi. Tôi đọc cuốn sách mà phải “đánh vần” từng chữ vì cách dịch thuật rất tối nghĩa và lối hành văn nặng nề lại quá khập khiễng làm cho người đọc thật vất vả mới hiểu được.
Ông X muốn tôi giúp một tay để phổ biến đến cộng đồng người Việt. Tôi ưng thuận ghé vai chung sức với điều kiện phải đề tên tác giả là ông Ngô Đình Nhu, người dịch Tùng Phong và tôi là người hiệu đính vì tôi sẽ phải gọt dũa lại từng chữ từng câu và nhiều khi còn phải viết thêm những ghi chú ở cuối trang sách. Nhiều câu quá sức tối nghĩa mà không có bản chính bằng tiếng Pháp để đối chiếu nên tôi đã thỉnh ý cụ Cao Xuân Vỹ xem ông Nhu hàm ý muốn nói hay diễn tả gì. Ông Ngô Đình Nhu viết những trang tài liệu này khi dân số Trung Cộng chỉ có tám trăm triệu người. Ngày nay khối dân khổng lồ đó đã lên tới một tỷ ba trăm triệu người thì chẳng những không chỉ Trung Cộng có những thay đổi to lớn mà cục diện thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Những điều kiện tôi đòi hỏi đều được chấp nhận. Tôi đang viết truyện dài “Đất Mới” đăng nhiều kỳ trên Văn Nghệ Tiền Phong nhưng cũng phải cáo lỗi độc giả xin tạm ngừng trong mấy tháng để có giờ lo cho cuốn sách này. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp êm ả và tôi đã có thông báo trên báo chí rằng cuốn sách sắp được đưa vào nhà in và sẽ trình làng nay mai. Nhiều người nôn nóng chờ đợi.
Một buổi sáng, ông X đến nhà tôi đòi lại cuốn sách và nói rằng bà quả phụ Lê Văn Đồng “ra lệnh” không được sửa chữa gì dù một dấu phẩy và rằng đó là công trình tim óc của ông Lê Văn Đồng chứ ông Ngô Đình Nhu không có dính dáng gì đến cuốn sách này cả. Tôi như bị một nhát búa bổ vào đầu, chóang váng và tức giận. Rất nhiều người như cụ Cao Xuân Vỹ, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ… biết một cách chắc chắn thật rành rẽ cuốn sách đó là do ông Nhu viết và là tài liệu học tập cho các đảng viên Cần Lao cao cấp thời đó. Do vậy nói rằng ông Lê Văn Đồng là người đã dịch tài liệu này từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thật sự là một câu hỏi to lớn. Tôi làm việc với tinh thần tự nguyện mà nay lại gặp cảnh trớ trêu như vậy nên đành buông xuôi. Hiện tại trong ổ cứng máy vi tính của tôi chỉ có nửa phần đầu cuốn sách. Vậy vị độc giả nào có cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM thì xin vui lòng cho tôi mượn để hoàn tất công việc như tâm nguyện.
Kính mời quý vị đọc vài trang đầu của cuốn sách để có một khái niệm về một tuyệt phẩm chính trị mà rất nhiều người hằng mong ước sẽ có dịp được đọc:

Trích nguyên văn:
[ Nước Việt nam là một nước nhỏ, nhỏ về dân số, nhỏ về lãnh thổ, nhỏ về kinh tế kém phát triển và nhỏ về sự đóng góp của chúng ta vào nền văn minh của nhân loại.
Cho đến ngày hôm nay, trong suốt các giai đoạn lịch sử nhân loại, số phận của các quốc gia nhỏ từ xưa vẫn không thay đổi. Lúc nào các quốc gia nhỏ cũng bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra và liên tục bị những cuộc ngoại xâm đe doạ.
Từ ngày lập quốc, hơn môt ngàn năm lịch sử đã chứng minh rằng nước Việt Nam không thoát ra ngoài vận mạng thông thường đó. Hết phải chống Bắc rồi phải chống Tây, rồi lại phải chống Bắc. Liên tục, và lúc này hơn lúc nào hết, nạn ngoại xâm vẫn đe doạ dân tộc Việt Nam.
Để duy trì ách thống trị, cường quốc xâm lăng thường áp dụng đối với các dân tộc bị trị nhiều biện pháp khác nhau nhưng chung quy vẫn thuộc hai loại chính:
- Ngăn ngừa không để cho các quyền lợi kinh tế vào tay người bản xứ.
- Kềm hãm không để cho dân trí phát triển.
Các biện pháp thứ nhất nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các phương tiện vật chất của người bị trị.
Các biện pháp thứ hai nhằm tiêu diệt những người có khả năng xử dụng các phương tiện vật chất trên, nghĩa là những nhà lãnh đạo xứng đáng.
Đối với các dân tộc bị trị thì hai biện pháp trên đều có những hậu quả vô cùng thảm khốc. Tuy nhiên nếu không có phương tiện thì có thể tìm phương tiện nơi khác, chớ nếu không có người lãnh đạo thì cho dù có phương tiện cũng không xử dụng được.
Vì vậy cho nên đối với một quốc gia mà nền độc lập bị đe dọa hay đã mất thì phương pháp hữu hiệu và điều kiện thiết yếu nhất để chống lại ngoại xâm là đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo.
Trong thực tế đào tạo, nuôi dưỡng và phát triển sự lãnh đạo có nghĩa là tạo hoàn cảnh thuận lợi để cho tinh túy của tập thể hun đúc nên thiểu số lãnh đạo xứng danh.
Thế nào là thiểu số lãnh đạo xứng danh?
Thiểu số lãnh đạo và sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng.
Trong toàn bộ của cộng đồng, gồm có thiểu số lãnh đạo và đại đa số chịu sự lãnh đạo. Một cộng đồng lành mạnh là một tập đoàn có sự hợp tác giữa thiểu số lãnh đạo và đa số chịu sự lãnh đạo dẫn đến những phối hợp hữu hiệu trong mọi hoạt động và công tác của cộng đồng.
Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người có đạo đức, nghĩa là có “nhân” theo quan niệm cổ truyền. Những người lãnh đạo xứng danh là những người có sức khoẻ sung mãn, lý trí và tinh thần trong sáng để ứng phó với mọi tình thế, nghĩa là có “dũng” và có “lược”
Thiểu số lãnh đạo xứng danh phải gồm những người thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của tập thể, nghĩa là có “trí”. Sinh hoạt của một cộng đồng cũng như đời sống của một cá nhân có thể chia ra nhiều thời kỳ. Thời kỳ trung bình của một đời sống cá nhân là mười năm, mỗi cá nhân phải đương đầu với một số vấn đề chính và đặc biệt của thời kỳ đó. Thời kỳ của một cộng đồng có thể kéo dài đến một, vài thế kỷ và mỗi cộng đồng phải giải quyết những vấn đề thiết yếu của cộng đồng.
Thiểu số lãnh đạo chính danh phải thấu triệt đến chi tiết của từng vấn đề để hướng dẫn cộng đồng trên đường tiến hoá cho thích nghi với chẳng những với khung cảnh hiện tại mà còn với đời sống lâu dài của cộng đồng.
Các đức tính “nhân”, “dũng”, lược” phát sinh từ một căn bản thiên phú, nếu được hoàn cảnh bên ngoài xã hội và cố gắng bên trong cá nhân nuôi dưỡng và rèn luyện thì sẽ phát triển đúng mức. Nhưng nếu không gặp được cơ hội rèn luyện và phát triển thì các đức tính thiên phú trên vẫn tồn tại trong bản chất. Do đó những đức tính “nhân”, “dũng”, “lược” là những điều kiện chủ quan. “Trí” nghĩa là thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng, là một điều kiện khách quan. Bởi vì sự thấu triệt vấn đề chỉ có thể thực hiện bằng cách sưu tầm, khảo cứu, phân tích, lĩnh hội, quan sát và tổng kết những dữ kiện và tài liệu bên ngoài liên quan đến vấn đề. Không có dữ kiện và tài liệu bên ngoài thì một bộ óc dù thông minh xuất chúng cũng không thể nào hiểu được vấn đề.
Các đức tính trên đều cần thiết cho một nhà lãnh đạo xứng danh. Tuy nhiên sự khiếm khuyết một trong các đức tính này cũng sẽ mang đến những mục đích dù cho phải can qua trên con đường xây dựng và thực hiện.
Một sự lãnh đạo có đủ “nhân”, “dũng” và “lược” nhưng không thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng không thể đưa con thuyền cộng đồng đến chiến thắng. Một sự lãnh đạo dù thiếu “nhân”, “dũng” và “lược” nhưng lại thấu triệt vấn đề của cộng đồng vẫn có hy vọng thắng lợi, dù rằng thắng lợi đó phải trải qua nhiều gian khổ.
Chúng ta có thể ví trường hợp thứ nhất của một người có xe và đánh xe rất tài. Phát tốc độ, kềm cương, phóng ngựa tới, kéo ngựa lui, quanh phải quanh trái vừa mau lẹ vừa khoan thai không ai bì kịp nhưng lại không biết lộ trình. Như thế dù xe có phóng nước đại vượt ngàn dặm cũng không đưa hành khách được đến nơi phải đến vì chính người đánh xe cũng không biết đang ở chỗ nào và phải đi đến nơi đâu.
Trường hợp thứ hai là trường hợp của người không có xe và cũng không biết đánh xe nhưng lại thấu triệt lộ trình. Những người đồng hành với người này có ngày rồi cũng đến được nơi phải đến, tuy biết rằng cuộc hành trình đầy gian lao và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn.
Suy luận như trên đây không có nghĩa là “nhân”, “dũng” và “lược” không thiết yếu cho sự lãnh đạo nhưng phản ảnh rằng “trí” là sự thấu triệt vấn đề của cộng đồng đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Như thế thì chúng ta phải phân tích và làm sáng tỏ ba điểm:
1- Việt Nam là một nước nhỏ và yếu lúc nào cũng bị nạn ngoại xâm đe doạ.
2- Trong công cuộc chống ngoại xâm thì khí giới hữu hiệu nhất là phát triển lãnh đạo.
3- Trong công cuộc phát triển lãnh đạo thì điều kiện thiết yếu là thiểu số lãnh đạo phải thấu triệt vấn đề cần phải giải quyết của cộng đồng.
Trên đây chỉ là những sự thật chứ không phải huyền thọai mà tôi cảm thấy có trách vụ và bổn phận phải thông báo đến quý vị độc giả. Chắc chắn sau này sẽ còn nhiều dịp trở lại đế tài này với nhiều chi tiết và đề tài sôi nổi hơn. ]
hết trích
This is a "lo-fi" version of our main content. To view the full version with more information, formatting and images, please click here.
Invis
.

No comments: