Wednesday, September 11, 2013

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN

 

                               Tác giả Mai Thái Lĩnh 


HUYỀN THOẠI VỀ MỘT NHÀ NƯỚC TỰ TIÊU VONG
BÀN VỀ LÝ THUYẾT NHÀ NƯỚC CỦA KARL MARX



Mục lục

Lời nói đầu của Mai Thái Lĩnh
Chương IQuan niệm của Marx về Nhà nước
Chương IIQuan niệm “Chuyên chính Vô sản”
Chương III Cuộc đấu tranh giữa những người xã hội chủ nghĩa
Chương IVNhững đóng góp của F. Engels
Chương VNhững nghịch lý của Chuyên chính Vô sản
Chương VICuộc đấu tranh giữa hai phái: Cải cách và Cách mạng
Chương VIIDân chủ Vô sản: Từ lý luận đến hiện thực
Chương VIIITừ Chuyên chính Vô sản đến Chuyên chính của Đảng
Chương IXPhê phán quan niệm của Marx về Nhà nước
Chương XSự tan vỡ của một huyền thoại
Chương kếtĐi tìm một định nghĩa đúng đắn về Nhà nước
Thư mục



Lời nói đầu

Ngay từ thời kỳ còn công tác tại Hội đồng Nhân dân TP Đà Lạt, tôi đã quan tâm đến vấn đề Nhà nước. Trong một số bài báo đăng trên các tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ vào cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990, tôi đã bắt đầu đề cập đến việc tách Đảng ra khỏi Nhà nước, tăng cường vai trò của các cơ quan dân cử (như Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp), cũng như việc áp dụng nguyên tắc “tam quyền phân lập” để cải tổ bộ máy Nhà nước nhằm ngăn chặn các tệ nạn lạm quyền và tham nhũng. Thái độ thờ ơ của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với các kiến nghị mang tính xây dựng nói trên cũng như những cản trở của bộ máy quan liêu trong thực tế càng thôi thúc tôi đi sâu tìm hiểu tận gốc lý thuyết về Nhà nước của Karl Marx và Lenin. Nhưng do công tác khá bận rộn, mãi đến giữa thập niên 1990, tôi mới có thể thực sự bắt tay vào việc.

Bản thảo đầu tiên của tác phẩm này mang tên Những nghịch lý của chuyên chính vô sản. Bản thảo này mới được phác thảo thì đã bị xoá theo yêu cầu của công an, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ nhất trong vụ “chiếc cặp đựng tài liệu” của Tiêu Dao Bảo Cự (cuối năm 1996). Sau đó ít lâu, tôi cố gắng khôi phục lại bản thảo để tiếp tục công trình, nhưng những gian truân, trắc trở trong cuộc sống khiến tôi không thể hoàn thành được tác phẩm. Do đó, vào cuối tháng 4 năm 2000, khi tôi bị kiểm tra máy vi tính lần thứ hai (trong cùng một “vụ án” với Hà Sĩ Phu), bản thảo này vẫn còn dang dở. Lần này thì máy vi tính không được trả lại, và bản thảo mất luôn theo nó.

Mất bản thảo lần thứ hai, tôi quyết định mở rộng đề tài: không phải chỉ nghiên cứu riêng quan niệm “chuyên chính vô sản” mà nghiên cứu toàn bộ lý thuyết Nhà nước của Marx. Mặc dù không có điều kiện thuận lợi như Marx ngày trước (được tham khảo tài liệu tại một trong những thư viện lớn nhất thế giới), tôi vẫn quyết định bắt tay vào việc bằng tất cả những gì mình có thể có được. May mắn cho tôi là vào lúc đó, bộ Bách khoa Toàn thư nổi tiếng thế giới Encyclopedia Britannica đã được in thành dĩa CD-ROM, ngoài ra hãng Microsoft còn cho ra đời bộ Encyclopedia Encarta. Cộng với những tư liệu thu thập được trong nhiều năm, tôi đã hoàn thành được cuốn sách vào khoảng đầu năm 2001. Sau khi hoàn thành tác phẩm, tôi đã dành thêm thời gian để biên tập, viết lại một số chương trước khi gửi bản thảo đến bạn bè và một số trí thức để tham khảo ý kiến.

Tập sách nhỏ mà độc giả cầm trên tay ra đời trong hoàn cảnh như thế. Nó không phải là một tác phẩm được sản sinh trong môi trường đại học hay viện nghiên cứu, do đó không thể tránh khỏi thiếu sót về mặt học thuật. Nhưng để bù lại, nó mang hơi thở của cuộc sống, mang tâm huyết của một con người “dấn thân”. Dấn thân lần đầu vào giữa lứa tuổi hai mươi, khi giã từ giảng đường đại học để lao vào cuộc đấu tranh trên đường phố, để rồi sau đó, rời bỏ cuộc sống thành thị đầy tiện nghi để vào bưng, chịu đựng gian khổ trong rừng sâu với niềm hy vọng đem lại hoà bình, dân chủ cho đất nước. Đất nước có hoà bình nhưng không có tự do dân chủ, vì vậy phải dấn thân một lần nữa vào lứa tuổi bốn mươi, lần này thì hành trình trí thức dằn vặt hơn, gian nan thử thách cũng gay gắt hơn nhiều.

Để có thể phê phán lý thuyết của một nhà tư tưởng có tầm cỡ như Karl Marx, tôi buộc phải dùng giọng văn hàn lâm với khá nhiều trích dẫn, vì vậy một số chương có thể trở nên khô khan, nặng tính chất học thuật. Riêng đối với ba chương cuối, tôi đã cố gắng viết một cách thật cô đọng, dễ hiểu, trong đó độc giả có thể tìm thấy toàn bộ kết quả nghiên cứu sau khi đã đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn.

Sẽ có người trách tôi tại sao đã một thời tin vào chủ nghĩa Marx mà nay lại phê phán Marx, tôi chỉ xin nhắc lại câu ngạn ngữ nổi tiếng thường được gán cho Aristotle: Amicus Plato, magis amica veritas! (Là bạn của Plato, nhưng trước hết phải là bạn của chân lý). Là học trò của nhà triết học Plato (Platon) lừng danh thời cổ đại, Aristotle (Aristote) đã nêu một tấm gương sáng cho hậu thế khi ông cố gắng tư duy với một tư thế độc lập, thoát ra khỏi cái bóng của thầy mình. Ngẫm lại quãng đời đã qua, tuy chưa làm được điều gì đáng kể cho quê hương đất nước, song tôi vẫn có thể tự hào vì đã luôn luôn trung thành với nguyên tắc: Tư duy bằng cái đầu của chính mình! Ai tư duy bằng cái đầu của chính mình, kẻ đó sẽ không bao giờ trở thành nô lệ!

Nhân dịp tập sách được ra mắt lần đầu, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với những người thân trong gia đình, đối với bạn bè thân hữu - những người đã giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành công trình nghiên cứu này. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tạp chí điện tử talawas đã có nhã ý công bố toàn văn tác phẩm với độc giả trong và ngoài nước.

Cuối năm 1969, nhờ sự giúp đỡ của các giáo sư Lê Thành Trị, Nguyễn Khắc Dương và Nguyễn Ngọc Lan, tôi đã ghi danh làm tiểu luận Cao học Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn; nhưng sau đó vì mải mê dấn thân vào dòng đời cuồn cuộn những biến cố và đầy dẫy những bất trắc, tôi đành bỏ dở dang, không hoàn thành được tiểu luận. Cuốn sách này có thể được xem như một tiểu luận muộn màng để bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thầy khả kính nói trên.
Đà Lạt, những ngày Tháng Tám năm 2005,
Mai Thái Lĩnh 

No comments: