Tuesday, September 17, 2013

CỘNG SẢN LUẬN * CÁC CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


  CHƯƠNG 1
CÁC CHỦ NGHĨA XÃ HỘI


I. NGUỒN GỐC CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA

 
Từ lâu, con người đã nhận thấy trong xã hội có sự bất bình đẳng. Có người quá giàu, kẻ quá nghèo, và đó là nguyên nhân tạo nên bất bình đẳng trong xã hội. Và đó là nỗi khổ của những người nghèo hèn trước sự giàu sang, quyền thế của kẻ khác. Đó cũng là nỗi băn khoăn của những triết gia nhân đạo, muốn cải tạo xã hội, muốn cứu vớt, giúp đỡ người nghèo và cô thế. Triết gia thì có nhiều loại nhưng triết gia nào có tư tưởng cải tạo xã hội thì thuộc phái xã hội. Aristote, Khổng Tử là những triết gia có tư tưởng xã hội.

Ở đây chúng ta cần phân biệt tư tưởng xã hội và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng xã hội là một tư tưởng nhân đạo, nhằm thương yêu mọi người, đặc biệt là cứu giúp những người cùng khổ và bị bóc lột hoặc bị cướp đoạt, hành hạ. .. Tư tưởng xã hội còn nhắm cải tạo xã hội, quốc gia để dân giàu, nước mạnh, mọi người ai cũng ấm no, hạnh phúc. Tư tưởng xã hội đã thể hiện rõ rệt trong văn học Việt Nam qua các truyện cổ tích như Cây tre trăm đốt, Tấm Cám. . .
Trong ca dao:
+Trời ơi! Trời ở không cân,
Kẻ ăn không hết, ngưòi mần không ra!
Qua thơ ca:
+Thương người như thể thương thân"
+Thấy ai đói rách thì thương,
Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn".(Nguyễn Trãi)

Khi một tư tưởng xã hội khởi xuớng và được nhiều người theo thì đã thành một chủ nghĩa, một trường phái. Chủ nghĩa xã hội thì có nhiều loại. Người cộng sản cũng xưng là chủ nghĩa xã hội, và họ cho rằng chủ nghĩa xã hội của họ cao hơn, thực tế hơn các tư tưởng xã hội khác. Lenin gọi chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa xã hội khoa học.
Có rất nhiều tư tưởng và phong trào được gọi, hay tự gọi, là theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng từ thế kỷ 19 đến nay, những người theo chủ nghĩa xã hội tự chia họ ra nhiều nhánh khác nhau và nhiều khi đối nghịch nhau, nhất là giữa những người theo nhánh chủ nghĩa xã hội cải cách và những người theo chủ nghĩa cộng sản.
Kể từ thế kỷ 19 những người theo chủ nghĩa xã hội đã có những lối nhìn khác nhau cho chủ nghĩa này dưới góc độ của một hệ thống về cách tổ chức kinh tế. Một số người muốn quốc hữu hóa hoàn toàn các phương tiện sản xuất, trong khi những người dân chủ xã hội đề nghị chỉ quốc hữu hóa một số kỹ nghệ chính trong phạm vi của một nền kinh tế hỗn hợp giữa thị trường và nhà nước. Những người theo chủ nghĩa Stalin, kể cả những người có ấn tượng về mô hình phát triển kinh tế của Liên Xô, đã kêu gọi cho một nền kinh tế tập trung được chỉ định bởi một nhà nước nắm tất cả quyền sản xuất. Những người khác, trong đó có nhiều người tự gọi mình là Cộng sản tại Nam Tư và Hungary trong thập niên 1980 và thập niên 1990, nhiều người Cộng sản Trung Quốc sau thời kỳ cải cách và một số nhà kinh tế học phương Tây, đã đề nghị nhiều dạng của chủ nghĩa xã hội thị trường nhằm mục đích tìm được hòa giải giữa hai lợi thế của quốc hữu hóa và của sức mạnh thị trường.

Trong khi đó, nhiều người trong công đoàn không tin tưởng vào hình thức chính phủ (chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ - anarcho-syndicalism; anarchy = vô chính phủ, syndicate = công đoàn), các người theo chủ nghĩa Luxemburg như Đảng Xã hội Hoa Kỳ (Socialist Party USA) cũng như nhiều thành phần của phong trào "New Left" (Cánh tả Mới) của Mỹ lại muốn phân quyền của các sở hữu cộng đồng tại trung ương để trao cho các hợp tác xã hay các hội đồng của các nhóm lao động. Vì các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản hay sử dụng các từ "xã hội chủ nghĩa" và "chủ nghĩa xã hội" để tự gọi họ nên đã có nhiều nhầm lẫn. Sự khác biệt giữa hai chủ nghĩa là: chủ nghĩa xã hội nằm giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa này tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh xã hội thay vì kinh tế tập thể bắt buộc như chế độ cộng sản
(Wikipedia).

Như đã trình bày ở trên, chủ nghĩa Marx cũng là một trong các chủ nghĩa xã hội, nhưng ông cho đường lối của ông tích cực nhất, hiệu quả nhất và khoa học nhất cho nên tự xưng là cộng sản cho khác với các chủ trương xã hội khác, mặc dầu trước ông đã có phe xưng là cộng sản ,và Trong Tuyên ngôn Cộng sản, ông gọi họ họ là " cộng sản không tưởng ". Trong Tuyên ngôn đảng Cộng sản, Marx và Engels cho rằng chủ nghĩa xã hội của hai ông là tốt nhất, còn các loại khác là phản động, không hiệu quả, là tay sai của phong kiến, và tư bản .Sau Stalin lại chia ra xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu của cộng sản chủ nghĩa.

1. Chủ nghĩa xã hội phản động
Theo Marx và Engels gồm:
+Chủ nghĩa xã hội phong kiến
+Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản.
+Chủ nghĩa xã hội ĐứcÔng cho các triết gia Anh Pháp là phản động, và các triết gia Đức là "những nhà triết học nửa mùa". Công việc độc nhất của các nhà văn Đức là điều hoà những tư tưởng mới của Pháp với ý thức triết học của mình, hay nói cho đúng hơn, là lĩnh hội những tư tưởng của Pháp bằng cách xuất phát từ quan điểm triết học của mình . . . Chủ nghĩa xã hội ấy đã đem cái lối giả nhân giả nghĩa đường mật của nó bổ xung cho roi vọt và súng đạn mà những chính phủ ấy đã dùng để chấn áp những cuộc khởi nghĩa của công nhân Đức.(Tuyên ngôn đảng Cộng sản, phần 3)

2. Chủ nghĩa xã hội bảo thủ hay chủ nghĩa xã hội tư sản . Ông phê phán như sau:"Trong hạng này, có những nhà kinh tế học, những nhà bác ái, những nhà nhân đạo chủ nghĩa, những người chăm lo cuộc cải thiện đời sống cho giai cấp lao động, tổ chức việc từ thiện, bảo vệ súc vật, lập ra những hội bài trừ nạn nghiện rượu, nói tóm lại là đủ loại những nhà cải lương hèn kém nhất.

3. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không tưởng

Ông phê phán Prudhon, Saint-Simon, Fourier, Owen. . .vì những người này chủ trương cải tạo xã hội bằng đường lối hòa bình , không như cộng sản chủ trương sắt máu. Ông viết : " họ cự tuyệt mọi hành động chính trị và nhất là mọi hành động cách mạng, họ tìm cách đạt mục đích của họ bằng những phương pháp hoà bình, và thử mở một con đường đi tới một kinh Phúc âm xã hội mới bằng hiệu lực của sự nêu gương, bằng những thí nghiệm nhỏ, cố nhiên những thí nghiệm này luôn luôn thất bại.(Tuyên ngôn đảng Cộng sản, phần 3)


Như đã trình bày ở trên, người cộng sản cũng xưng là chủ nghĩa xã hội hay xã hội chủ nghĩa cho nên có sự làm lẫn. Sự khác biệt giữa hai chủ nghĩa là: chủ nghĩa xã hội nằm giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội vẫn chấp nhận đa nguyên về kinh tế và chính trị. Chủ nghĩa này tạo ra sự bình đẳng xã hội bằng chính sách thuế và an sinh xã hội thay vì kinh tế tập thể bắt buộc như chế độ cộng sản. Nói cách khác ,chủ nghĩa xã hội của thế giới tự do là hòa bình còn xã hội chủ nghĩa của cộng sản là sắt máu.


II. CÁC TRIẾT GIA XÃ HỘI

Trước Marx và Engels, nhiều triết gia đã nghĩ đến việc xây dựng một xã hội ấm no và bình đẳng và đó là chủ trương xã hội nhân đạo, khác với chủ nghĩa cộng sản độc tài.

II.1. Thích Ca Mâu Ni (563 -483 tr.TL)
Ngàì là một nhà xã hội vĩ đại vì Ngài đã chỉ trích việc kỳ thị giai cấp ở Ấn Độ, và Ngài cho rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng.

II.2. Khổng Tử ( 551- 478 tr. Tây lịch).Trong Kinh Lễ, Đức Khổng Tử nói về thế giới đại đồng như sau:
"Ở thời đại đạo thực hành thì thiên hạ là của chung, người ta chọn kẻ hiền năng, giảng điều xác thực, thực hiện trên thuận dưới hòa. Cho nên, người ta không chỉ thương kính riêng cha mẹ mình, không riêng yêu con mình. Kẻ già được nuôi dưỡng trọn đời, người trẻ được sử dụng, trẻ con được săn sóc đến trưởng thành, người ta thương kẻ góa, con côi, người già cô độc, người tàn tật được châu cấp, con trai có chức phận, con gái có chồng con. Người ta ghét thấy của cải bỏ phí trên đất mà lượm lên, chứ không chủ ý giấu giếm trong mình, ghét sự không dùng sức mình (tức không chịu ngồi không) nên làm việc chứ không chủ ý lo lợi riêng cho mình. Vì vậy mà cơ mưu phải bế tắc, kẻ trộm cắp, người làm loạn làm giặc không nổi lên, cho nên cửa ngõ không cần đóng. Đó là thời đại đồng.

Nay đại đạo đã bỏ, người ta lấy thiên hạ làm của riêng, ai nấy đều riêng thân cha mẹ mình, đều riêng yêu con mình, cho của cải và sức lực là riêng của mình, vua quan thì cha truyền con nối, quốc gia thì lấy thành quách hào trì mà giữ vững, lấy lễ nghĩa làm kỷ cương, làm cho chính cái nghĩa vua tôi, hậu cái tình cha con, thuận cái tình anh em, hòa cái đạo vợ chồng, đặt chế độ, lập điền lý, tôn trọng kẻ trí dũng, lập công khởi sự riêng cho mình. Cho nên, sự dùng mưu chước mới sanh ra việc chiến tranh do đó khởi lên. Vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Võ, Thành Vương, Chu Công, bởi đó mà được chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ. Lễ là để làm cho rõ cái nghĩa, thành điều tín, rõ người có lỗi, lấy nhân làm phép, giảng điều tôn nhượng, bảo dân theo phép thường. Nhưng có ai không theo những điều ấy, thì dẫu có thế vị, chúng nhân cho là họa ác, bắt tội mà truất bỏ đi. Ấy là đời Tiểu khang ( Trần Trọng Kim dịch. Nho Giáo I, 158 )."[1]


II.3. Plato (427-347 BCE)

Ông là học trò của Socrate và thầy của Aristote. Plato cho rằng tư hữu là nguồn gốc bất công xã hội cho nên ông chủ trương bãi bỏ tư hữu. Trong các phẩm Luật Pháp (Laws) , Platon còn dự báo một xã hội không tư hữu, riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống, những thứ về bản chất là riêng, thí dụ như mắt và tay cũng trở thành của chung và ở mức độ nào đó người ta cùng nhìn, cùng nghe và cùng hành động, tất cả mọi người cùng ca tụng hay cùng lên án, cùng vui cùng buồn vì cùng những lí do như nhau. [2] Trong tác phẩm Cộng Hòa (Republics), ông đã chỉ cho ta thấy thế giới loài người sẽ có nhiều chế độ chính trị. Một ngày kia, người nghèo sẽ nổi dậy gíết người giàu, lập một chế độ sở hữu chung. [3]


II.4. Thomas More (1478- 1535)

Ông là một luật sư, tác gia và chính trị gia Anh quốc. Tác phẩm Utopia (1516) được viết bằng Latin, là một tiểu thuyết. Utopia có nghĩa là không tưởng.Thực ra Utopia là một lối chơi chữ. Theo ngôn ngữ Hy Lạp, Utopia nghe như Ou-topos( no place) nghĩa là không nơi nào cả , và cũng nghe như eu-topos ( good place) nghĩa là nơi tốt đẹp. Nội dung tác phẩm mô tả thành phố Amaurote là một thành phố giá trị nhất và có phẩm giá nhất ("Of them all this is the worthiest and of most dignity").

Thành phố này sống theo chế độ tập thể, tất cả đều là của chung, không có tư hữu. Nam nữ bình đẳng, mọi người có học vấn như nhau, mọi người đều thương yêu nhau. Các tiểu thuyết viết ra là do nhu cầu kỷ luật và trật tự xã hội, chứ không phải là viết tùy hứng. Tất cả công dân phải theo đạo, người ta không chấp nhận kẻ vô thần.

Utopia là một giấc mơ về một xã hội tương lai mà tác giả cho là hoàn hảo. Utopia là kết hợp tư tưởng xã hội của Plato, Aristote. Utopia đã mở đường cho một số tiểu thuyết và tư tưởng xã hội như sau:
+ Edward Bellamy's Looking Backward.
+ William Morris' News from Nowhere
+ Eric Frank Russell's book The Great Explosion (1963)
+ Robert A. Heinlein's The Moon Is a Harsh Mistress . . .

Ngoài những tác giả và tác phẩm kể trên, khắp thế giới cũng đã có những khuynh hướng xã hội hay khuynh hướng cộng sản. Theo Wikipedia, phong trào Mazdak trong thế kỷ thứ 5, diễn ra ở vùng mà bây giờ là Iran, đã được tả là "có tính chất cộng sản" do đã thách thức nhiều quyền lợi của tầng lớp quý tộc và tăng lữ, đồng thời đấu tranh cho một xã hội quân bình. William Morris cho rằng John Ball, một trong những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa nông dân ở Anh vào năm 1381, là người theo chủ nghĩa xã hội đầu tiên. John Ball được công nhận là đã nói câu nói nổi tiếng sau đây:"When Adam delved and Eve span, Who was then the gentleman?" (Khi Adam đào đất, và Eve quay sợi, Thì ai là chủ họ phải trả tiền cho đây?

Trong cuộc Nội chiến Anh vào giữa thế kỷ 17, các phong trào được mô tả là có dáng dấp xã hội chủ nghĩa gồm Phong trào san bằng (Levellers) và Phong trào đào sâu (Diggers), phong trào sau tin rằng đất đai nên được giữ chung. (to level = san bằng; to dig = đào; có nghĩa là Diggers chú trọng là phải đào sâu hơn, hay san bằng nhiều hơn Levellers.) Suốt thời kỳ Khai sáng trong thế kỷ 18, sự phê bình về bất bình đẳng đã xuất hiện trong tác phẩm của những nhà lý luận như Jean Jacques Rousseau ở Pháp, tác phẩm Du contrat social (Hợp đồng xã hội) của ông bắt đầu với "Con người được sinh ra tự do, và đâu đâu anh ta cũng ở trong xiềng xích" Sau Cách mạng Pháp năm 1789, François Noël Babeuf ủng hộ mục tiêu quyền sở hữu chung về đất đai và sự bình đẳng toàn diện về kinh tế và chính trị giữa các công dân ( Chủ nghĩa xã hội).


III. CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA

III.1. KHÁI NIỆM

 Xã hội ngày nay có ba chế độ chính là quân chủ, tư bản và cộng sản. Chế độ quân chủ là do vua đứng đầu, cha truyền con nối. Chế độ tư bản là do các nhà tư bản điều hành kinh tế quốc gia. Tuy nhiên chế độ quân chủ cũng là chế độ tư bản, phối hợp với đường lối dân chủ tạo thành chế độ dân chủ đại nghị hay dân chủ lập hiến như Anh, Nhật, Thái Lan. Tư bản thường là chế độ dân chủ. đa đảng. Còn chế độ cộng sản lấy danh nghĩa bảo vệ quyền lợi vô sản mà tiêu diệt giai cấp tư bản nhưng thực chất là phản dân, hại nước. Chủ nghĩa công sản theo đường lối vô sản chuyên chính nghĩa là cai trị bằng bàn tay sắt máu, độc tài và độc đảng.

Có nhiều quan điểm khác nhau về chủ nghĩa cộng sản. Tự điển Wikipedia đinh nghĩa như sau:
Chủ nghĩa cộng sản là một cấu trúc kinh tế xã hội và hệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập một xã hội phi nhà nước, không giai cấp, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất và tài sản nói chung. Karl Marx cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người, đạt được qua một cuộc cách mạng vô sản. "Chủ nghĩa cộng sản thuần túy" theo thuyết của Marx nói đến một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước và không có áp bức, mà trong đó các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế.
 Trong vai trò một hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cộng sản thường được xem là một nhánh của chủ nghĩa xã hội; một nhóm lớn học truyết triết học về chính trị và kinh tế được rút ra từ nhiều phong trào chính trị và tri thức với nguồn gốc từ các tác phẩm của các nhà lý thuyết của Cách mạng Công nghiệp và Cách mạng Pháp. Chủ nghĩa cộng sản cố gắng đưa ra một giải pháp khác cho các vấn đề của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và di sản của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc. Marx khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết các vấn đề này là tầng lớp lao động (vô sản), những người mà theo Marx là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và là những người bị tầng lớp tư bản (tư sản) bóc lột, đứng lên làm tầng lớp cầm quyền thay cho giới tư bản để thiết lập một xã hội tự do, không phân biệt giai cấp hay chủng tộc. Những hình thức nổi bật của chủ nghĩa cộng sản, chẳng hạn như Chủ nghĩa Lenin, Chủ nghĩa Stalin, Chủ nghĩa Mao và Chủ nghĩa Trosky, đều có nền tảng là Chủ nghĩa Marx.

Tuy nhiên, chủ nghĩa cộng sản cũng có những phiên bản khác không liên quan đến chủ nghĩa Marx, chẳng hạn Chủ nghĩa cộng sản Thiên chúa giáo và Chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ (anarcho-communism). Karl Marx chưa bao giờ miêu tả chi tiết về việc chủ nghĩa cộng sản sẽ vận hành như thế nào trong vai trò một hệ thống kinh tế, nhưng người ta hiểu rằng một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa sẽ bao gồm sự sở hữu toàn dân đối với các phương tiện sản xuất, đưa lên cực điểm sự phủ nhận khái niệm về quyền tư hữu tư bản, cái được coi là phương tiện sản xuất trong thuật ngữ của chủ nghĩa Marx. Khác với chủ nghĩa xã hội - một chủ thuyết tương thích với kinh tế thị trường, một nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa được lập kế hoạch một cách dân chủ ở mức địa phương hoặc cộng đồng. Trong ngôn ngữ hiện đại, chủ nghĩa cộng sản thường được hiểu là Chủ nghĩa Bolshevik hoặc Chủ nghĩa Marx-Lenin.

Chủ nghĩa cộng sản là một khái niệm rộng cần phải được hiểu như một tổng hợp các lý luận (chính trị, kinh tế, xã hội), tư tưởng, tâm lý và thực tế thể hiện, các hình thức tồn tại... của một phong trào xã hội rộng lớn - bắt đầu từ thế kỷ 19, nở rộ và bắt đầu suy tàn trong thế kỷ 20, và chết dần trong thế kỷ 21 - nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu đối với phương tiện sản xuất, mà trong đó mọi người là bình đẳng, không có hiện tượng "người bóc lột người" và tiến tới sự xóa bỏ nhà nước trong một tương lai "thế giới đại đồng" khi người với người là bạn, thương yêu lẫn nhau và tại đó năng suất lao động tăng lên rất cao, của cải làm ra đồi dào tới mức phân phối của cải theo nguyên tắc: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Theo như lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa này thì chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, là giai đoạn chuyển tiếp đi lên chủ nghĩa cộng sản mà ở đó vẫn còn nhà nước để lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Nguyên tắc phân phối của cải trong chủ nghĩa xã hội là "Làm theo năng lực, hưởng theo lao động".


Ý tưởng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa nhân đạo, là phương tiện để giải phóng con người và xã hội. Vì lý tưởng nhân đạo của nó, chủ nghĩa này đã thu hút được sự chú ý của các tầng lớp quần chúng của thế giới trong thế kỷ 20, tạo nên một phong trào xã hội to lớn mà cuộc đấu tranh của nó là một nhân tố chủ đạo trong lịch sử loài người trong thế kỷ 20.

Mặt khác, lý thuyết lý tưởng hoá về chủ nghĩa sộng sản và chủ nghĩa xã hội là không hoàn chỉnh, rất sơ sài so với tính chất đa dạng của cuộc sống và thậm chí sai lầm nghiêm trọng nên khi ứng dụng vào cuộc sống thực tế, đã gặp những khó khăn liên tiếp khó vượt qua. Để vượt qua các khó khăn đó những người theo chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội đã đặt chủ nghĩa của mình là trên hết , bắt xã hội phải chịu các hy sinh ngày càng lớn hơn để duy trì lý tưởng. Đến lúc đó thì lý tưởng cộng sản đã biến chất từ phương tiện để trở thành mục đích tự thân và không còn tính chất nhân đạo nữa. Sự biến dạng đã phát sinh những bất công và bất bình đẳng còn ghê gớm hơn rất nhiều so với những cái xấu của chủ nghĩa tư bản mà nó muốn tránh. Đây cũng là hệ quả của những sự "chống phá" lẫn nhau của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, vì khi chủ nghĩa xã hội được hình thành thì đó cũng là sự chấm hết cho chủ nghĩa tư bản, tư hữu.

Cuộc đấu tranh giữa hai hình thái "tư bản" và "chủ nghĩa xã hội" là cuộc đấu tranh khốc liệt của nhân loại trong thế kỷ 20. Ban đầu vì sự mới mẻ của ý tưởng và vì những yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật đặc trưng của thời kỳ đó mà chủ nghĩa xã hội đã thắng thế trên phạm vi lớn trên toàn cầu. Cuộc đấu tranh của hai phe là nguyên nhân chính của các sự kiện trên thế giới. Trong quá trình phát triển của mình, chủ nghĩa tư bản đã thích nghi được với những thách thức của thời đại và đã vượt qua được đối thủ và giành được quyền tồn tại. Chủ nghĩa xã hội (và chủ nghĩa cộng sản), do những điểm yếu chí mạng không thể khắc phục được của mình [cần dẫn nguồn], đã mất hết sức quyến rũ và bị xã hội từ bỏ. Bắt đầu từ thập niên 1990 các nước xã hội chủ nghĩa đã âm thầm tạm hoãn việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản để theo một vài đường lối phát triển của chủ nghĩa tư bản, mặc dù vẫn còn danh xưng và quốc chế theo hình thức chủ nghĩa cộng sản.

Trên đây là những khái niệm về chủ nghĩa cộng sản. Thực tế từ Marx cho đến Đặng Tiểu Bình, chủ nghĩa cộng sản đã thay đổi. Cuối thế kỷ XX, chủ nghĩa cộng sản tan rã, Liên Xô và Đông Âu đã từ bỏ hung thần cộng sản, còn Trung Quốc và Việt Nam kinh tế suy đồi đã phải đổi mới và sống còn bằng đồng tiền tư bản mặc dầu họ còn duy trì danh nghĩa cộng sản, đảng cộng sản và lá cờ cộng sản. Họ mang cái vỏ cộng sản nhưng quyền lực và tham vọng của họ đã biến thành tổ chức Mafia.


III.2. SỰ HÌNH THÀNH CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN

Karl Marx nói rằng chủ nghĩa cộng sản đã có trong thời kỳ đầu tiên của nhân loại. Ông gọi cái thời mà con người còn ăn lông ở lổ là thời " cộng sản nguyên thủy". Thời kỳ đầu, con người nguyên thủy ăn chung ở chạ, đi săn muông thú, đi hái trái, sống chung với nhau bằng thiên nhiên như những đàn muông thú. Sau đó, tài nguyên khô cạn, mà con người ngày càng đông, họ sinh ra tư tưởng và hành động tư hữu. Từ đó mà có tài sản riêng, vợ con riêng. Tuy nhiên nhiều học giả không đồng ý với Marx.

Marx và Engels đã viết "Tuyên ngôn đảng cộng sản" năm 1848 , và từ đó đảng cộng sản lớn mạnh khắp hoàn cầu. Như đã trình bày, trước khi Marx ra đời, một số triết gia đã có tư tưởng xây dựng một xã hội thịnh vương, có minh quân lương tể, nhân dân các cấp, các ngành nghề được tự do, no ấm, và bình đẳng. Nói chung đó là tư tưởng từ bi, bác ái của các tôn giáo.
Ở thế kỷ 18, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đưa đến cuộc cách mạng công nghiệp. Các xí nghiệp ra đời tạo ra công ăn việc làm ở các thành thị. Nông dân bỏ ruộng đồng ra thành phố làm công nhân. Họ làm việc trong nhà máy, sống trong những khu nghèo nàn và chật hẹp, thiếu tiện nghi ở gần nhà máy hay hải cảng. Giai cấp công nhân hay giai cấp vô sản ra đời. Marx và Engels cùng những người theo họ đã chống đối giai cấp tư bản và bênh vực cho quyền lợi thợ thuyền. Sự bộc phát kỹ nghệ làm cho các chủ nhân ông trở thành giai cấp tư bản giàu có trong khi giai cấp vô sản ngày càng khốn khó. Hố sâu giữa tư bản và vô sản ngày càng sâu.
Marx viết nhiều sách tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và chống đối tư bản. Một trong những sách làm nền tảng cho chủ nghĩa Marx là quyển Tư Bản Luận.

III.3. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CÁC NHÀ TƯ TƯỞNG VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN


III.1. KARL MARX (1818- 1883)

Karl Heinrich Marx sinh ngày 5-5-1818 tại Trier, nước Đức .Cha ông, một luật sư, vốn là người Do Thái, tuy nhiên để tránh chủ nghĩa bài Do Thái, ông đã từ bỏ tín ngưỡng của mình khi Karl Marx còn nhỏ và trở thành một người theo đạo Tin Lành. Ông cũng đổi tên mình thành Heinrich.
Năm 17 tuổi, Karl Marx nhập học đại học Bonn , ngành luật. Ở đây , ông đã đính hôn với Jenny von Westphalen, con gái của Nam tước von Westphalen, một người nổi tiếng ở vùng Trier .Sau đó Marx chuyển lên học ở đại học Berlin và từ đây cuốc đời của ông đã thay đổi.

Tại Berlin , Karl Marx đã dần dần chịu ảnh hưởng của một trong những giáo sư của ông, Bruno Bauer. Brauer đã giới thiệu Marx đến với những bài viết của G. W.F Hegel, giáo sư triết học của đại học Berlin . Năm 1838, cha của Marx qua đời, Marx bắt đầu phải tự kiếm sống. Ông muốn làm một giảng viên đại học, tuy nhiên, do tham gia vào các hoạt động chống đối chính phủ cùng vị giáo sư của mình, Bruno Bauer, Marx đã không thể bước lên bục giảng. Do đó ông chuyển hướng sang ngành báo chí nhưng không ai mời ông cộng tác vì ông viết chống nhà nước.
Ông phải tìm kế sinh nhai ở khắp nơi.Tại Paris, Marx làm biên tập viên cho một tờ báo chính trị tuy nhiên nó chỉ phát hành được một số. Tại Pháp, Marx chuyên tâm vào việc tìm hiểu thêm về kinh tế chính trị và lịch sử cách mạng Pháp. Marx đã tự nhận mình là một người cộng sản và ông lập luận rằng tầng lớp lao động sẽ là người giải phóng xã hội. Cũng tại Parí, Marx đã làm quen và trở nên than thiết với Friedrich Engels, con của một thương gia giàu có. Engels có chung quan điểm với Marx và hai người nhanh chóng trở thành bạn thân.

Năm 1844, Marx viết "Bản thảo về kinh tế và chính trị" (Economic and Philosophic Manuscripts) trong đó ông bày tỏ quan điểm cộng sản của mình. Dưới sức ép của chính phủ Phổ, Marx và Engels đã bị trục xuất ra khỏi Pháp, hai người đã đến Bỉ. Được Engels chu cấp tài chính, Marx chuyên tâm vào nghiên cứu lịch sử, kinh tế và chính trị.

Năm 1848, sau khi xuất bản Tuyên ngôn cộng sản (The Communist Manifesto) Marx và Engel bị trục xuất khỏi Bỉ. Hai người đã quay trở lại Pháp, rồi Cologne, Đức nơi mà họ lập ra tờ báo The New Rhenish Gazette. Tờ báo nhanh chóng bị đóng cửa bởi chính quyền Phổ và hai người lại bị trục xuất. Họ định sang Pháp, nơi mà Marx dự đoán cách mạng sẽ nổ ra, nhưng họ nhanh chóng bị cảnh sát truy tìm và trục xuất. Chỉ còn một nơi duy nhất để cho hai người đến, đó là nước Anh.

Tại Anh, gia đình của Marx đã phải sống vô cùng nghèo khổ. Marx có 5 người con nhưng 3 người đã chết non. Engels trở về Đức để làm việc cho cha ông nhưng hai người ẫn giữ quan hệ thường xuyên. Gia đình Marx lúc này sống chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của Engels.

Năm 1852, Marx trở thành cộng tác viên của The New York Daily Tribune và được thừa kế của mẹ vợ ông, Marx đã có cuộc sống khấm khá hơn. Năm 1867, ông đã cho ra đời một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình "Tư Bản" ("Das Kapital"). Những năm sau đó, với sự ủng hộ và cộng tác của người bạn tri kỉ Engel, Max đã hoàn thành nốt hai cuốn "Tư bản 2" và "Tư bản 3", để lại cho xã hội loài người cả một thời kì phát triển lịch sử.

Ngày mùng hai tháng 12, vợ ông bà Jenny Marx qua đời, rồi tiếp đó vào tháng 1 năm 1883, con gái cả của ông cũng ra đi. Marx đã gần như hoàn toàn suy sụp. Và hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 3 năm 1883, Marx cũng đã ra đi. Ông được an táng tại nghĩa trang Highgate ở Bắc London.


III. 2. Friedrich Engels (1820 -1895)

Friedrich Engels sinh ở Barmen, Rhine Province của vương quốc Phổ (hiện nay là một phần của Wuppertal, nước Đức). Ông là con trai trưởng của một nhà tư bản chuyên ngành dệt ở Đức. Ông phải bỏ trung học để làm việc với vai trò một thư ký không công ở Bremen năm 1838. Tháng 9 năm 1838, ông đã xuất bản tác phẩm đầu tiên có tựa đề The Bedouin, trong Bremisches Conversationsblatt số. 40.
Ông cũng bận rộn với lĩnh vực văn chương khác và các tác phẩm báo chí. Năm 1841, Engels gia nhập Quân đội Phổ, trở thành một thành viên của đội Pháo binh Ngự lâm. Địa vị này đã đưa ông tới Berlin nơi ông tham gia theo dõi các bài giảng trong trường đại học, ông bắt đầu tham gia vào nhóm Hegel trẻ và xuất bản một vài bài trên Nhật báo sông Rhein.Trong thời gian này, Engels bắt đầu đọc các tác phẩm triết học của Hegel. Năm 1842, ở tuổi 22, Engels đã đựoc gửi đến Manchester, Anh để làm việc cho một công ty dệt Ermen and Engels, nơi cha của ông là một cổ đông.Cùng với Karl Marx, ông là tác giả của cuốn sách Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Engels cũng biên tập và xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư bản sau khi Marx mất.
Tác phẩm chính:
Gia đình Thần thánh (1844)
Điều kiện làm việc của giai cấp công nhân Anh năm 1844
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848)
Ngồn gốc của Gia đình, Sở hữu tư nhân, và Nhà nước (1884)

III.3. Lenin (1870- 1924)
Vladimir Ilyich Lenin tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov, còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels. Ông sinh tại làng Gorki, Simbirsk, nay là Ulyanovsk. Tên họ thật là Vladimir Ilyich Ulyanov. Lenin là người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và thành lập nhà nước Xô Viết. Trước khi mất một thời gian, ông bị tai biến mạch máu não, phải nằm liệt giường, quyền hành vào tay Stalin. Ông mất tháng 1 năm 1924, thi hài được lưu giữ trong lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, Moskva.

Trong bản Di chúc của Lenin, Lenin đã chỉ trích những nhà lãnh đạo cộng sản hàng đầu, đặc biệt là Joseph Stalin. Lenin nói rằng ông ta có "quyền lực vô hạn tập trung trong tay" và đề xuất rằng "các đồng chí nghĩ cách lật đổ Stalin ra khỏi vị trí ấy." Ngay khi Lenin qua đời, vợ ông đã gửi bản Di chúc tới ủy ban trung ương, nó được đọc trước Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản vào tháng 5 năm 1924. Tuy nhiên, dưới uy quyền của Stalin, Ủy ban trung ương làm trái lời Lenin mà cho rằng di chúc là hậu quả của tình trạng tâm thần bất ổn của Lenin trong những năm cuối đời, và vì thế, những lời phán xét cuối cùng của ông không đáng tin cậy.

III.4. Stalin (1878- 1953)
Josif Vissarionovich Stalin sinh ngày 18 tháng 12 năm 1879 theo lịch Gregory (tức ngày 6 tháng 12 năm 1878 theo lịch Julian) trong một gia đình công nhân đóng giày ở thành phố Gori của Gruzia, với tên Gruzia là Ioseb Dzhugashvili . Năm 1898, Stalin bị đuổi học về tội tuyên truyền chủ nghĩa Marx, phải chuyển vào hoạt động bí mật và từ đó trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Khi ông gia nhập đảng Bolshevik, ông lấy tên "Stalin" (Ста́лин), tức là "Ông mạnh như thép" trong tiếng Nga. Năm 1901, Stalin được bầu vào thành ủy Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga ở Tiflis (tên cũ của Tbilisi). Ông đã giữ nhiều chức vụ trong đảng và nhà nước liên bang.

Tháng 4 năm 1922, Stalin được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng và ông giữ chức vụ đó cho đến khi chết.

Để đạt được những mục tiêu của mình, Stalin sử dụng các phương pháp điều hành cứng rắn, bao gồm cả khủng bố nhà nước trong thời kỳ đại thanh trừng, theo ước tính từ tháng 08/1937 đến tháng 10/1938, chỉ riêng trong nhà tù tại Ủy ban an ninh quốc gia, chế độ Stalin đã bắn bỏ 20.760 người, trong đó có khoảng 1.000 người lãnh đạo tôn giáo.

Trong thời cải cách “Perestroika” của Michail Gorbachev, Phong trào này đã “phát hiện” đa số trong 1,7 triệu hồ sơ “những tên phản cách mạng” trong giai đoạn 1937-1938. Hơn 700 ngàn người bị giết. Các nhà sử học được các báo chí quốc tế trích dẫn lời cho rằng từ 20-40 triệu người đã bị Joseph Stalin (1879 - 1953) và bộ máy thanh trừng của nhà độc tài này giết chết trong các trại tập trung và các nhà tù thời Xô-Viết trước đây. Mà những người bị thảm sát đã được cựu Tổng thống (nay là Thủ Tướng) Nga Putin cho rằng: "Những người bị thảm sát, khủng bố là những con người ưu tú nhất, có trí tuệ cao nhất và là những người can đảm nhất của nước Nga và Liên Xô thời đó."

Tại phiên họp kín (ngày 25 tháng 2 năm 1956) của Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô, Stalin bị người kế nhiệm là Khrushchev lên án gay gắt vì lạm dụng quyền hành, sùng bái cá nhân và thiếu tôn trọng ý kiến của đảng.

III.5. Lev Davidovich Trotsky (1879- 1940)
Ông sinh tại Ukraina trong một gia đình nông dân giàu, được gửi đến Odessa học tại một trưòng của Đức. Ông là một nhà lý luận cách mạng Bolshevik và Mác xít. Ông là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga, chỉ sau Lenin. Trong những ngày đầu lịch sử Liên xô, ông làm dân uỷ ngoại giao và sau này là người thành lập và chỉ huy Hồng quân và dân uỷ chiến tranh. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ chính trị. Ông chống đối Stalin và các chính sách của Stalin nên bị đưa ra khỏi đảng Cộng sản và trục xuất khỏi Liên xô. Là một người ủng hộ Hồng quân can thiệp chống lại chủ nghĩa Phát xít ở châu Âu từ những ngày đầu tiên, Trotsky cũng phản đối các hiệp định hoà bình của Stalin với Adolf Hitler trong thập niên 1930. Với tư cách người lãnh đạo Đệ Tứ Quốc tế, cuối cùng bị ám sát tại Mexico bởi Ramón Mercader, một điệp viên Xô viết.

Các ý tưởng của Trotsky đã hình thành nên nền tảng của Chủ nghĩa Trotsky, Các ý tưởng của Trotsky vẫn là một trường phái Mác xít chính dù nó đối lập với các lý thuyết của Chủ nghĩa Stalin. Tư tưởng ông gồm hai điểm" Cách mạng thường trực, " Mặt trận thống nhất" Ông cũng là người viết về thuyết văn học vô sản.Ông là người không có lập trường vững chắc. Trong khi Lenin vắng mặt, ông đã t5ao ra cuộc cướp chính quyền nhưng lúc thì ông theo phe Dân chủ của Martov, lúc ông theo đảng của Lenin. Ông đứng sau Lenin nhưng chính Lenin lại âm thầm ủng hộ Stalin làm Tổng bí thư để sau Lenin lại hối hận.

Nhiều người cho rằng nếu Trotsky thay Lenin thì tình hình quốc tế đã đổi khác. Những tất cả những ai theo Marx, theo tuyên ngôn của Cộng sản đều phải bãi bỏ tư hữu, sát hại và cướp bóc dân lành và gán cho họ là tư sản, và phải theo chuyên chính vô sản, đánh phá thượng tầng kiến trúc xã hội cũ. Những điều đó là tội ác. Nếu không theo đúng các điều trên thì họ theo cộng sản và thờ Marx làm gì?


III. 6. Mao Trạch Đông (1893-1976)
Là con cả trong một gia đình trung nông, sinh tại làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm (湘潭縣), tỉnh Hồ Nam. Dòng tộc của ông vào thời nhà Minh đã di cư từ tỉnh Giang Tây đến đây và nhiều đời làm nghề nông. Trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), Mao đang phục vụ trong quân đội tỉnh Hồ Nam. Sau đó Mao trở về trường học. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam vào năm 1918, Mao cùng với người thầy học và là bố vợ tương lai, giáo sư Dương Xương Tế (杨昌济), lên Bắc Kinh, nơi giáo sư Dương nhận một chân giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh.

 Nhờ sự giới thiệu của giáo sư Dương, Mao được vào làm nhân viên thư viện của trường đại học (thư viện do Lý Đại Chiêu phụ trách). Đồng thời Mao học tại chức tại Đại học Bắc Kinh, nghe nhiều học giả hàng đầu như Trần Độc Tú, Hồ Thích (胡適) và Tiền Huyền Đồng (錢玄同) giảng bài. Sau này Mao kết hôn với Dương Khai Tuệ, con gái giáo sư Dương và cũng là sinh viên Đại học Bắc Kinh. (Khi Mao 14 tuổi, bố ông đã sắp xếp cho ông lấy một cô gái cùng làng là La thị [羅氏], nhưng Mao không công nhận cuộc hôn nhân ép buộc này.)


Sau phong trào Ngũ Tứ, Mao về Hồ Nam tổ chức đoàn thanh niên, ra hai tờ báo tuyên truyền cách mạng là Tương Giang bình luận và Tân Hồ Nam. Hai tờ báo này bị đóng cửa và Mao bị trục xuất khỏi Hồ Nam. Năm 1920, Mao đã tham gia tiểu tổ cộng sản ở Trường Sa (Hồ Nam). Tháng 1 năm 1924, theo chủ trương Quốc–Cộng hợp tác, Mao Trạch Đông tham dự Đại hội lần thứ nhất Quốc dân Đảng họp ở Quảng Châu và được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng.

Ông đã bị Trần Độc Tú đẩy ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản tại Đại hội 4 họp vắng mặt ông vào tháng 1 năm 1925. Tại Đại hội lần thứ hai Quốc dân Đảng (tháng 1 năm 1926), ông lại được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Quốc dân Đảng và làm quyền Trưởng ban Tuyên truyền đến tháng 5 năm 1926.

Sau khi Tưởng Giới Thạch quay sang đàn áp Đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông chủ trương đấu tranh vũ trang với Tưởng nhưng không được Trần Độc Tú chấp nhận và bị thất sủng. Năm 1927 v lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Vụ gặt Mùa thu ở Trường Sa, Hồ Nam nhưng thất bại. Tàn quân du kích chưa đầy 1.000 người của Mao tìm nơi ẩn náu ở vùng núi tỉnh Cương Sơn, nơi giáp giới giữa hai tỉnh Hồ Nam và Giang Tây. Năm 1928 đội quân này hợp nhất với quân của Chu Đức, lập ra Quân đoàn 4 công nông, do Chu Đức làm Quân đoàn trưởng. Mao đã góp phần xây dựng căn cứ, chính quyền và một quân đội tiến hành chiến tranh du kích có hiệu quả, thực hiện cải cách ruộng đất. Chính tại nơi đây từ 1931 đến 1934, nhà nước Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa được lập ra và Mao được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Trung ương lâm thời.

Vào thời kỳ này, Mao kết hôn với Hạ Tử Trân, sau khi Dương Khai Tuệ bị lực lượng Quốc dân Đảng giết chết. Khu Xô-viết này trở thành nơi trú ngụ của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản chạy trốn sự khủng bố của Tưởng Giới Thạch ở các thành phố lớn, chủ yếu là Thượng Hải. Dưới áp lực của các chiến dịch bao vây càn quét của Quốc dân Đảng, trong nội bộ Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản diễn ra cuộc tranh giành quyền lực và đấu tranh về đường lối và chiến thuật.

Phe theo đường lối chính thống của Moskva, mà đại diện là nhóm 28 người Bolshevik, đã thắng thế và Mao dần dần bị gạt ra khỏi các chức vụ quan trọng. Với quyết tâm tiêu diệt cộng sản, tháng 10 năm 1933 Tưởng Giới Thạch trực tiếp chỉ huy 50 vạn quân bao vây tấn công khu Xô-viết trung ương, buộc Hồng quân phải mở đường máu rời bỏ nơi đây, tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh cực kỳ gian khổ, vượt 9.600 km trong suốt một năm trời để đến tỉnh Thiểm Tây xây dựng căn cứ mới.

Trên đường trường chinh Mao Trạch Đông đã bước lên nắm quyền lãnh đạo từ Hội nghị Tuân Nghĩa họp vào tháng 1 năm 1935. Tại hội nghị này, Chu Ân Lai ngả về phía Mao, Tổng Bí thư Bác Cổ và cố vấn quân sự Otto Braun (tên Trung Quốc là Lý Đức) bị hạ bệ, Mao vào Ban thường vụ Bộ Chính trị, nắm quyền thực tế và năm 1943 được bầu làm Chủ tịch Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các lãnh tụ cộng sản ai cũng tự xưng là đệ tử của Marx, trung thành với Marx nhưng sự thực chẳng mấy ai theo đúng Marx. Mao tạo ra một đường lối khác Marx mà chẳng ai dám lên tiếng. Đường lối của Mao gồm những điểm chính:

(1). Marx và Lenin đề cao vô sản, giai cấp công nhân còn Mao đề cao nông dân vì Trung Quốc là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm tuyệt đại đa số. Nhưng Mao cũng dung hóa triết lý Marx đề cao công lẫn nông.

(2). Trong khi Marx, Lenin đề cao tinh thần quyốc tế vô sản, Mao chủ trọng tinh thần quốc gia.
(3). Marx và Lenin đề cao vật chất, Mao đề cao ý thức, đề cao tinh thần.
(4).Marx và Lenin chú trọng yếu tố khách quan, Mao chú trọng yếu tố chủ quan.


Mao có nhiều điểm giống Marx và Lenin trong chủ trương bạo lực. Mao cũng nhu Lenin, Stalin muốn dùng chiến tranh tiêu diệt tư bản, nhất là tiêu diệt Mỹ. Mao phản đối việc Liên Xô và Mỹ ký hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 1968 là phản bội chủ nghĩa Marx.

Mao sùng bái Stalin trong việc tàn sát nhân dân một cách tàn bạo cho nên sau khi Khrushchev hạ bệ Stalin, Mao nổi giận, đoạn tuyệt với Liên Xô, chiến tranh Trung Xô suýt xảy ra trong thời kỳ này. Xung đột Trung Xô không những là xung đột ý thức hệ mà là xung đột giữa hai đế quốc Nga và Trung quốc. Mao thể hiện tinh thần đế quốc cộng sản Trung Quốc. Xung đột Trung Xô chỉ là cuộc tranh giành bá quyền của hai con hổ trong cùng một mảnh đất. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các lãnh tụ sau Mao tiếp tục giấc mộng bá quyền của Tần Thủy hoàng để diệt Mỹ và chiếm lĩnh toàn cầu.


Từ căn cứ mới ở Diên An, Mao đã lãnh đạo những người cộng sản tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật (1937–1945) thông qua hợp tác Quốc–Cộng lần thứ hai. Tại đây, Mao đã củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản bằng cách mở cuộc vận động chỉnh phong. Tại Đại hội lần thứ 7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Diên An tháng 6 năm 1945, Mao được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Cũng tại Diên An, Mao ly thân với Hạ Tử Trân và lấy Lam Bình, một diễn viên mới tới Diên An mà sau này khuynh đảo chính trường Trung Quốc với tên gọi là Giang Thanh. Ngay sau khi Chiến tranh Trung-Nhật kết thúc, nội chiến đã diễn ra giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, kết thúc bằng thắng lợi của Đảng Cộng sản vào năm 1949.

Mao là người có công trong việc gần như thống nhất được Trung Quốc, đưa Trung Quốc thoát khỏi ách áp bức của ngoại bang kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến cuối thế kỷ 19, nhưng cũng bị phê phán về trách nhiệm của ông trong nạn đói 1959–1961 và những tai họa của cuộc tận diệt văn hóa mà Mao lại gọi bằng một cái tên rất đẹp là Cách mạng văn hóa .


IV. CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ CỘNG SẢN

Tổ chức Quốc tế cộng sản đầu tiên là Liên Minh Cộng sản do Marx và Engels lãnh đạo (Communist League 1847- 52). Tiếp theo là các tổ chức quốc tế khác:
+Hội Công nhân quốc tế ( the International Workingmen’s Association, 1864-72)
+Quốc tế Xã hội (the Socialist International, 1889-1914)
+Quốc tế cộng sản (the Communist International, 1919-28)
+Năm 1975, Quốc tế cộng sản hiện đại ra đời, gồm các tổ chức " Cách mạng Quốc tế ở Pháp "
( Revolution Internationale) , Cách mạng thế giới ở Anh ( World Revolution), Quốc tế chủ nghĩa ở Mỹ (Internationalism), Cách Mạng Thế giới ở Ý ( Rivoluzione Internazionale), Chủ Nghĩa quốc tế ở Venezuela (Internacionalismo) và Vô sản Hành Động ở Tây ban nha ( Accion Proletaria).

Từ thời Marx về sau, người cộng sản lập các tổ chức quốc tế cộng sản.

IV.1. Đệ nhất Quốc tế Cộng sản:

Năm 1864, đệ nhất quốc tế cộng sản ra đồi đó là "Hiệp hội công nhân quốc tế (the International Workingman's Association), nhưng hiệp hội này là một thứ pha trộn xã hội và quân chủ. Vì vậy quốc tế hai ra đời.

IV.2. Đệ nhị quốc tế cộng sản:

Ra đời năm 1889, xuất hiện ở Pháp, họ tham gia chính quyền tư bản. Jean Jaurès đuợc xem là lãnh tụ của nhóm "xã hội dân chủ"( social democracy) . Jules Guesde tuyên bố năm 1899:
" Măc dầu giai cấp vô sản đã lập thành đảng, có thể gọi là đảng cách mạng và đã đắc cử vào quốc hội; mặc dầu vô sản đã thâm nhập vào kinh đô của kẻ thù, nó vẫn không có quyền, mà là bắt buộc phải lập một đồn bót trong thành trì của tư bản. Nhưng thâm nhập những nơi này không do ý nguyện của giai cấp vô sản, mà là do lời mời mọc và quyền lợi của tư bản chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa đúng ra không nên vào!"
"Wherever the proletariat, organized in a class party – which is to say a party of revolution —- can penetrate an elective assembly; wherever it can penetrate an enemy citadel, it has not only the right, but the obligation to make a breach and set up a socialist garrison in the capitalist fortress! But in those places where it penetrates not by the will of the workers, not by socialist force; there where it penetrates only with the consent, on the invitation, and consequently in the interests of the capitalist class, socialism should not enter."( Jules Guesde's speech to the 1899 General Congress of French socialist organizations).
Lúc này, có hai sự kiện lớn xảy ra.

+ Cách mạng Nga 1905.
Cách mạng Nga 1905 đã có ảnh hưởng đến các đảng xã hội, và đã gây ra các cuộc đình công ở nhiều quốc gia Âu châu. Đệ nhị quốc tế cộng sản nhân đó muốn thống nhất lực lượng cộng sản quốc tế. Karl Kautsky được coi như là lãnh tụ của Marxism thế giới, là chủ bút của tạp chí Die Neue Zeit (The New Time), và lãnh tụ của đảng Dân chủ xã hội Đức ( Social Democratic Party )
Tuy nhiên, năm 1910, sự chia rẽ trong cánh tả phe Dân chủ Xã hội làm suy yếu tổ chức này. Rosa Luxemburg và Anton Pannekoek (Đức) đã chỉ trích Kautsky.Lúc này tại Nga, phe Martov (Menshevik) và phe Lenin (Bolshevik) tranh đấu cùng nhau.

+ Đệ nhất thế chiến.
Đệ nhất thế chiến đã chia rẽ các phe phái. Họ trở thành những người chủ trương quốc tế và chống phe quân nhân mà quên việc chống tư bản chủ nghĩa. Liên minh ba quốc gia (1882) liên hiệp hai đế quốc trong khi phe đồng minh do Pháp, Anh, Nga kết hợp. Bản Tuyên ngôn cộng sản ra đời trong hoàn cảnh vô tổ quốc. Marx là người Đức, ủng hộ nước Đức, và kêu gọi " vô sản thế giới đoàn kết lại" (Proletarians of all countries, unite!" ) nhưng các đảng cộng sản chỉ lo bảo vệ quốc gia mình chống quân Đức xâm lược! Trong khoảng 1915, Lenin đã chủ trương ủng hộ nước Đức, và chỉ trích những người cộng sản ủng hộ chính phủ quốc gia là bọn Sô vanh xã hội (Social-Chauvinists). Phe quốc tế cộng sản chia rẽ, và Đệ nhị Quốc tế cộng sản sụp đổ.

IV.3. Đệ tam quốc tế cộng sản.

Đệ tam quốc tế cộng sản còn được gọi là Comintern (Communist International), được thành lặp tại Moscow ( Nga ) vào tháng ba năm 1919, chủ trương lật đổ chính quyền tư bản bằng mọi phương tiện ngay cả việc dùng quân sự để thành lập chính quyền Sô Viết quốc tế để cuối cùng xóa bỏ các quốc gia" (by all available means, including armed force, for the overthrow of the international bourgeoisie and for the creation of an international Soviet republic as a transition stage to the complete abolition of the State."(MI5 History).

Đệ tam quốc tế cộng sản tổ chức bảy cuộc hội nghị toàn cầu, hội nghị đầu tiên vào tháng ba 1919 tại Moscow, và hội nghị cuối vào 1935. Hội nghị 1928 có khoảng 583, 105 đảng viên tham dự kể cả người Sô Viết. Lenin, Trotsky and Christian Rakovsky là lãnh tụ của đệ tam quốc tế.
Ban đầu, cộng sản quốc tế không tham gia thế chiến thứ hai vì cho rằng cuộc chiến này là của đế quốc thuộc giai cấp thống trị. Nhưng sau khi Nga bị xâm lược vào tháng 6-1941, Cộng sản mới ủng hộ Đồng Minh. Đệ tam quốc tế bị giải tán năm 1943.Đệ tam quốc tế là cơ quan quốc tế của đế quốc cộng sản Liên Xô,họ có người đến tại các quốc gia như là quan thái thú hay toàn quyền điều khiển mọi hoạt động của đảng cộng sản địa phương.

IV.4. Đệ tứ quốc tế cộng sản

Tổ chức này có muc đích chống tư bản và Stalin. Lãnh tụ là Leon Trotsky (1879 – 1940 ). Tổ chức này ra đời năm 1938 tại Pháp sau khi Trotsky và các đồng chí của ông bị Stalin trục xuất khỏi Liên Xô. Trong đệ nhị thế chiến, tổ chức này bị tình báo Liên Xô săn đuổi, phe Mao thù nghịch và tư bản không có cảm tình.Năm 1940, Mật vụ Liên xô ám sát Trotsky, các đồng chí và gia đình ông tại Mexico nhưng cho đến ngày nay, phong trào này vẫn tồn tại.


Chủ nghĩa cộng sản đã có một hệ tư tưởng, và một tổ chức vững mạnh và chính nó đã gây nhiều thảm họa cho nhân loại.
____

[1]."Đại đạo chi hành dã, thiên hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, cố nhân bất độc thân kỳ thân, bất độc tử kỳ tử, sử lão hữu sở chung, tráng nhi sở dụng, ấu nhi sở trưởng, quả cô độc phế tật giả, giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận , nữ hữu phụ, hóa kỳ khí ư địa dã, bất tất tàng ư kỷ, lực kỳ bất xuất ư thân dã, bất tất kỷ. Thị cố mưu bế nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc nhi bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bế thị vị đại đồng.
Kim đại đạo ký ẩn, thiên hạ vi gia, các thân kỳ thân , hóa lực vi kỷ, đại nhân thế cập dĩ vi lễ, thành quách, câu trì dĩ vi cố; lễ nghĩa dĩ vị kỷ, ; dĩ chính quan thần; dĩ đốc phụ tử, dĩ mục huynh đệ, dĩ hòa phu phụ, dĩ thiết chế độ; dĩ lập điền lý; dĩ hiền dũng; dĩ công vi kỷ.Cố mưu dụng thị tác nhi binh do thử khởi. Vũ, Thang, Văn, Võ, Thành vương, Chu công, do thử kỳ tuyển dã; thử lục quân tử dã, vị hữu bất cẩn ư lễ giả dã. Dĩ kỳ nghĩa; dĩ khảo kỳ tín, hữu quá hình nhân giảng nhượng , thị dân hữu thường. Như hữu bất do thử dã, tại thế giả khứ, chúng dĩ vi ương, thị vị tiểu khang .

大道之行也,天下為公。選賢與能,講信修睦,故人不獨親其親,不獨子其子,使老有所終,壯有所用,幼有所長,寡孤獨廢疾者,皆有所養。男有分,女有歸。貨其棄於地也,不必藏於己;力其不出於身也,不必己。是故 謀閉而不興,盜竊亂賊而不作,故外戶而不閉,是謂大同。
今 大道既隱,天下為家,各親其親,各子其子,貨力為己 大人世及以為禮。城郭溝池以為固,禮義以為紀;以正君臣,以篤父子,以睦兄弟,以和夫婦,以設制度,以立田里,以賢勇,以功為己。故 謀用是作,而兵由此起。禹、湯、文、武、成王、周公,由此其選也。此六君子者,未有不謹於禮者也。以其義,以考其信,有過,刑仁講讓,示民有常。如有不由 此者,在勢者去,眾以為殃,是謂小康 (禮經).
[2].The first and highest form of the state and of the government and of the law is that in which there prevails most widely the ancient saying, that "Friends have all things in common." Whether there is anywhere now, or will ever be, this communion of women and children and of property, in which the private and individual is altogether banished from life, and things which are by nature private, such as eyes and ears and hands, have become common, and in some way see and hear and act in common, and all men express praise and blame and feel joy and sorrow on the same occasions, and whatever laws there are unite the city to the utmost-whether all this is possible or not, I say that no man, acting upon any other principle, will ever constitute a state which will be truer or better or more exalted in virtue.
http://classics.mit.edu/Plato/laws.5.v.html

[3].They set up a new constitution in which everyone remaining has an equal share in ruling the city. They give out positions of power pretty much by lot, with no notice of who is most fit for what role. In this city the guiding priority is freedom. Everyone is free to say what they like and to arrange their life as they please. (. . .). In the perfect State wives and children are to be in common; and that all education and the pursuits of war and peace are also to be common(..). (houses) are common to all, and contain nothing private, or individual; and about their property.
http://www.ilt.columbia.edu/publications/Projects/digitexts/plato/the_republic/book08.html

No comments: