Wednesday, September 11, 2013

NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN V

 
  
Chương 9
Phê phán quan niệm của Marx về nhà nước


Khi Lenin đem quan niệm chuyên chính vô sản áp dụng vào thực tế, ông đã mở đường cho sự hình thành của một chế độ chuyên chính lớn mạnh nhất trong lịch sử hiện đại - nếu xét về quy mô và thời gian tồn tại của nó. Đế quốc “cộng sản” bành trướng từ phía đông châu Âu đến nhiều châu lục khác, đã từng là một thách đố lớn lao đối với nền dân chủ, là chỗ dựa vững chắc cho những chế độ chuyên chính dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những chế độ thần quyền Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông cho đến những chế độ chuyên chế được hình thành từ chế độ bộ lạc ở châu Phi. Khái niệm “dân chủ vô sản” do Lenin sáng tạo ra lúc đầu chỉ nhằm để biện minh cho việc áp dụng quan niệm chuyên chính vô sản, về sau trở thành lớp áo nguỵ trang, che đậy bản chất độc tài, phản dân chủ của chế độ chuyên chính vô sản.
Mặc dù thành công xét theo một phương diện nào đó, việc áp dụng quan niệm chuyên chính vô sản vào thực tế lại chứng minh tính chất sai lầm của nó, do chỗ những kết quả trong thực tế hoàn toàn ngược lại với những dự kiến về mặt lý luận. Chuyên chính vô sản không thể đem lại một nền dân chủ thật sự, lại càng không thể dẫn đến một nhà nước tự triệt tiêu. Những người mác-xít xét lại - bằng trực giác - đã thấy được tính chất sai lầm của quan niệm chuyên chính vô sản, vì vậy họ từ chối áp dụng quan niệm đó và tìm cách gắn liền chủ nghĩa xã hội với những giá trị dân chủ. Mặc dù vậy, do nhiều lý do khác nhau, họ đã không truy tìm nguồn gốc của sai lầm để phê phán tận gốc quan niệm đó về phương diện lý thuyết.
Một sự phê phán triệt để đối với quan niệm chuyên chính vô sản đòi hỏi chúng ta tìm nguyên nhân ngay trong quan niệm của Marx về nhà nước nói chung, kể cả nền tảng triết học của nó - tức là chủ nghĩa duy vật lịch sử :
Trước hết, sự tiêu vong của nhà nước là một giả thuyết, nói đúng hơn là một dự đoán, một lời tiên tri của Marx và Engels. Nhưng cho đến nay, hơn một thế kỷ rưỡi sau khi Marx và Engels công bố “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, không có dấu hiệu gì chứng minh cho sự tiêu vong của nhà nước, ngược lại có nhiều bằng chứng cho thấy nhà nước sẽ tồn tại lâu dài cùng với nhân loại:
Theo lý thuyết, một khi giai cấp bóc lột bị trấn áp, chế độ tư hữu bị xoá bỏ thì lúc đó nhà nước có đủ điều kiện để bắt đầu quá trình tự tiêu vong.
Nhưng trong thực tế, ở Liên Xô và các nước dựa theo mô hình của Lenin, khi các giai cấp bóc lột bị tiêu diệt, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được xác lập, thì nhà nước không bắt đầu tự tiêu vong mà ngược lại, bắt đầu tự bành trướng. Nhà nước ở tất cả các nước đó, không trừ một nước nào, đều cồng kềnh, kém hiệu lực và quan liêu hơn rất nhiều so với các nước “tư bản chủ nghĩa”. Điều đó chứng tỏ rằng: việc tập trung tư liệu sản xuất vào trong tay nhà nước và điều hành một nền kinh tế tập trung chỉ huy thay vì làm giảm, lại làm tăng thêm quy mô của bộ máy nhà nước. Do chỗ nhà nước không mất đi như đã dự đoán, vì thế ngoài việc quản lý người, nhà nước vô sản còn phải quản lý vật và chỉ đạo quá trình sản xuất, từ đó nhà nước buộc phải bành trướng thêm.
Như vậy, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất không đem lại sự tiêu vong của nhà nước, mà ngược lại, còn tạo ra một nhà nước tập quyền kiểu mới. Nhà nước tập quyền kiểu mới này có những nét tương tự như nhà nước quân chủ phương Đông thời trung cổ, nhưng lại được hiện đại hoá: có quân đội thường trực và bộ máy công an hùng hậu, được trang bị những phươngtiện thông tin đại chúng hiện đại và nắm trong tay một khu vực kinh tế quốc doanh rộng lớn.
Ở tất cả các nước trên thế giới, chúng ta đều thấy bộ máy hành chính ngày càng chuyên môn hoá tách rời khỏi xã hội. Xã hội có thể tìm cách khống chế nó, tham gia làm chủ nó, chứ không thể hoà tan nó vào xã hội hoặc làm cho nó biến mất được.
Ở các nước tiên tiến thường được gọi là “tư bản chủ nghĩa”, bộ máy hành chính dần dần trở thành một bộ máy chuyên môn hoá, phi chính trị, bị kiểm soát bởi các cơ quan dân cử, các phương tiện thông tin đại chúng (mass media), các tổ chức quần chúng phi-chính phủ, các đảng chính trị đối lập, v.v… Trong các nước theo mô hình mác-xít lê-nin-nít, nhà nước tìm cách hoà tan vào xã hội, nhưng không phải theo hướng tạo ra một chế độ tự quản của nhân dân như Marx đã hình dung mà lại theo hướng bao trùm, khống chế mọi sinh hoạt xã hội, nói cách khác là nhà-nước-hoá xã hội chứ không phải xã-hội-hoá nhà nước. Như vậy, phải chăng việc nhà nước hình thành như một tổ chức tách rời với xã hội là một xu hướng tất yếu, khi cộng đồng xã hội đã phát triển đến một quy mô nhất định và một trình độ nhất định, vượt quá phạm vi của quan hệ thị tộc? Việc Marx coi sự tách rời của nhà nước ra khỏi xã hội như một sự tha hoá và mơ ước xoá bỏ sự tha hoá đó để hoà tan nhà nước vào xã hội phải chăng chỉ là một ý tưởng thuần tuý xa rời thực tế, một sản phẩm của trí tưởng tượng?
Một cách lô-gích, chúng ta có thể tin rằng nhà nước sẽ không biến mất mà tồn tại mãi mãi cùng với xã hội loài người.
Về chuyên chính vô sản, như trên đã cho thấy, khái niệm này khi đưa vào áp dụng thực tế đã trở thành một chế độ phi dân chủ. Vấn đề đặt ra là tại sao chuyên chính vô sản lại tạo ra kết quả ngược như vậy?
Nguyên nhân chủ yếu là do tính chất ảo tưởng của giả thuyết “nhà nước tự tiêu vong”. Sau khi đã đập tan, phá huỷ bộ máy nhà nước cũ, trên cái khoảng trống quyền lực ấy, Lenin không thể xây dựng một nhà nước kiểu mới, một chế độ dân chủ trực tiếp theo kiểu nguyên thuỷ của thời kỳ nhân loại còn đang ở tuổi ngây thơ, hồn nhiên. Vì vậy, một bộ máy nhà nước theo kiểu cũ dần dần hình thành trở lại một cách tự phát, nhưng mang hình thức mới. Vì mỗi bộ máy nhà nước đều có một cơ quan nắm quyền lực thật sự, nên từ trong lòng các xô-viết, các cơ quan hành pháp lại mọc trở lại, và Hội đồng dân uỷ dần dần trở thành một chính phủ thật sự. Do xoá bỏ nguyên tắc phân quyền của chế độ đại nghị, các cơ quan hành pháp trở nên có quyền hành tuyệt đối, các xô-viết hoặc các tổ chức quần chúng chỉ còn mang tính chất hình thức, họp hành cũng chỉ để giơ tay biểu quyết những quyết định đã có sẵn từ trước. Và như trên đã nói, Đảng cộng sản đóng vai trò lãnh đạo, mới là tổ chức có thực quyền hơn hết. Đảng trở thành một thứ siêu – nhà nước, vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhân dân.
Nhà nước vô sản cuối cùng cũng trở thành một tổ chức đứng trên, xa lạ, và đối lập với xã hội. Đảng nắm cả nhà nước lẫn công đoàn cùng các tổ chức quần chúng khác; do đó chuyên chính vô sản trở thành một chế độ toàn trị (totalitarianism, totalitarisme) chi phối và can thiệp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chủ nghĩa Marx trở thành hệ tư tưởng chính thống với tên gọi mới là chủ nghĩa Marx-Lenin, đóng vai trò thống trị trong đời sống chính trị – văn hoá của quốc gia. Chế độ xô-viết và những chế độ xây dựng theo hình mẫu của nó về thực chất là chế độ tư tưởng trị, ý thức hệ trị. Ý thức hệ chính thống nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xã hội, buộc cả xã hội phải phục tùng kỷ luật của Đảng. Và bởi vì một chế độ pháp trị về căn bản khác hẳn một chế độ đảng trị, vì kỷ luật của Đảng không thể thay thế cho pháp luật của quốc gia cho nên xét đến cùng, không một nhà nước cộng sản nào có thể trở thành một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa.
Do những gì đã trình bày trên đây, chúng ta thấy nhà nước, xét về bản chất, không phải là công cụ đàn áp giai cấp như Marx và Engels đã tưởng. Vậy thì nhà nước là gì, do đâu có nhà nước?
Năm 1847, trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels đã cho rằng nhà nước sinh ra từ sự phân công lao động xã hội (và gắn liền với nó là chế độ tư hữu). Năm 1890, trong một lá thư gửi cho Conrad Schmidt, Engels đã giải thích thêm về điểm này như sau:
Nếu đứng trên quan điểm phân công lao động thì dễ hiểu vấn đề hơn cả. Xã hội tạo ra một số chức năng chung mà nó không thể không cần đến. Những người được đảm nhận những chức năng đó họp thành một ngành mới của phân công lao động trong lòng xã hội. Do đó họ có được những lợi ích riêng, tách rời những lợi ích của những người đã uỷ quyền cho họ; những lợi ích ấy làm cho họ trở thành độc lập đối với những người đã uỷ quyền cho họ - và thế là nhà nước xuất hiện (“Thư gửi Conrad Schmidt” ở Berlin, ngày 27.10.1890, Tuyển tập, VI, tr. 733). [2]
Trong “Lời mở đầu” viết cho lần xuất bản thứ ba bằng tiếng Đức tác phẩm Nội chiến ở Pháp (năm 1891), Engels viết:
Đặc điểm của nhà nước trước đây là gì? Lúc đầu xã hội, bằng sự phân công đơn giản trong lao động, thiết lập ra những cơ quan đặc thù để bảo vệ những lợi ích chung của mình. Nhưng với thời gian, các cơ quan ấy, mà cơ quan chủ chốt là chính quyền nhà nước, do phục vụ lợi ích riêng của mình, đã từ chỗ là tôi tớ của xã hội biến thành chủ nhân của xã hội (bài đã dẫn, Tuyển tập, VI, tr. 480).
Điều đó có nghĩa là trước khi giai cấp bóc lột thiết lập nên nhà nước, trong xã hội đã hình thành một số cơ quan đặc thù để bảo vệ lợi ích chung của xã hội; những cơ quan này phát sinh từ những chức năng cần thiết do sự phân công lao động của xã hội. Trong Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884), Engels trình bày rõ về sự chuyển hoá của những cơ quan này thành nhà nước như sau:
Những cuộc chiến tranh cướp bóc làm tăng thêm quyền lực của thủ lĩnh quân sự tối cao cũng như quyền lực của các thủ lĩnh quân sự dưới quyền người đó; tập quán lựa chọn những người kế thừa các thủ lĩnh đó trong cùng một gia đình, dần dần trở thành, - đặc biệt là từ lúc có chế độ phụ quyền, - một sự kế thừa cha truyền con nối, mà lúc đầu, người ta dung thứ; nhưng về sau người ta đòi hỏi và cuối cùng người ta tiếm đoạt; cơ sở của vương quyền cha truyền con nối và của quý tộc cha truyền con nối đã được xác lập. Như vậy là những cơ quan của thể chế thị tộc [3] đã dần dần tách khỏi cái gốc rễ của chúng trong nhân dân, trong thị tộc, bào tộc, bộ lạc; và toàn bộ thể chế thị tộc chuyển hoá thành cái đối lập với nó; từ chỗ là một tổ chức của bộ lạc nhằm giải quyết một cách tự do công việc của mình, thể chế thị tộc đã trở thành một tổ chức để cướp bóc và áp bức láng giềng; và do đó, các cơ quan của nó, lúc đầu là công cụ của ý chí của nhân dân, đã trở thành những cơ quan độc lập nhằm thống trị và áp bức chính ngay nhân dân (Tuyển tập, VI, tr. 252).
Nhà nước sinh ra chính từ cái mà Engels gọi là thể chế thị tộc (constitution gentilice), bao gồm “những cơ quan đặc thù để bảo vệ những lợi ích chung”của xã hội như: thủ lĩnh quân sự (rex, basileus, thiudans), hội đồng, đại hội nhân dân (sđd, tr.251). Như vậy, nhà nước trước hết là công cụ để bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Trong quá trình phát triển của lịch sử, có khi là một giai cấp, có khi là một tập đoàn xã hội, có khi là một dòng họ hoặc một cá nhân đã chiếm lấy nhà nước làm của riêng, nhưng nhà nước mang tính giai cấp chỉ là hiện tượng, là sự thoái hoá của nhà nước. Xét về bản chất, nhà nước chính là nhà nước công cộng; và ngay cả trong những thời kỳ bị rơi vào tay một giai cấp, một tập đoàn xã hội hay một dòng họ, nhà nước vẫn không thể không đảm nhiệm chức năng công cộng đó.
Xét cho cùng, những nhược điểm, sai lầm trong lý thuyết về nhà nước của Marx bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật lịch sử: đặt nặng yếu tố kinh tế, xem nhẹ yếu tố chính trị. Vào cuối đời, trước những sự phê phán, Engels đã tự bào chữa về nhược điểm này. Trong khi vẫn xác định nhân tố kinh tế, xét đến cùng, là nhân tố quyết định, ông viết:
Mác và tôi, một phần nào, phải chịu trách nhiệm về việc những anh em trẻ đôi khi nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế. Đối với kẻ thù, chúng tôi phải nhấn mạnh nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, và chúng tôi cũng ít khi có thì giờ, có địa điểm và cơ hội để mang lại một vị trí xứng đáng cho những nhân tố khác tham gia vào sự tác động qua lại ấy (“Thư gửi Joseph Bloch” ngày 21.9.1890, Tuyển tập, VI, tr.729).
Đối với nhân tố chính trị, Engels thừa nhận rằng nhà nước có tính độc lập tương đối của nó. Tính độc lập tương đối của nhà nước thể hiện ở những tác động ngược lại của nó đối với sản xuất:
Tác động ngược lại của quyền lực nhà nước đối với sự phát triển kinh tế có thể có ba loại: nó có thể tác động theo cùng một hướng với sự phát triển kinh tế; lúc đó, sự phát triển kinh tế sẽ nhanh hơn; nó có thể đi ngược lại hướng phát triển kinh tế, và trong trường hợp đó thì ngày nay, ở các dân tộc lớn, nó sẽ tan vỡ sau một thời gian nhất định; hay là nó có thể ngăn cản một vài xu hướng phát triển nào đấy của nền kinh tế và quy định những hướng phát triển khác. Trường hợp này rốt cuộc rồi cũng dẫn đến một trong hai trường hợp trên. Nhưng rõ ràng là trong trường hợp thứ hai và thứ ba, quyền lực chính trị có thể gây tác hại lớn cho sự phát triển kinh tế và gây ra sự lãng phí to lớn về sức lực và vật liệu (Engels, “Thư gửi Conrad Schmidt” ở Berlin, 27.10.1890; Tuyển tập, VI, tr. 734-735).
Vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta hãy lấy nhà nước ở phương Đông (như ở Trung Quốc chẳng hạn) làm ví dụ. Ngay từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, chế độ phong kiến của triều Đông Chu đã nhường chỗ cho một nhà nước quân chủ tập trung dưới quyền của Tần Thuỷ Hoàng. Kể từ đó, nhà nước quân chủ tập trung trở thành kiểu mẫu của tất cả các triều đại ở Trung Quốc.
Nhưng đẳng cấp quý tộc, chỗ dựa của nhà nước quân chủ tập trung ở Trung Quốc, lại không giống với giai cấp quý tộc phong kiến ở châu Âu. Quyền sở hữu về đất đai ở Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tay hoàng đế. Giai cấp địa chủ chủ yếu là các quan lại được nhà vua bổ nhiệm, và ruộng đất được nhà vua ban phát cho họ kèm theo sự bổ nhiệm đó; nếu bị mất chức, họ sẽ bị tước đoạt quyền sở hữu ruộng đất. Các địa chủ không phải là quan lại đóng vai trò rất khiêm tốn trong đời sống kinh tế và chính trị. Các lãnh chúa, chư hầu đã tiêu vong dần cùng với chế độ phong kiến; số còn lại rất ít ỏi, và bị nhà vua kiểm soát chặt chẽ để tránh sự thoán đoạt ngôi vua. Chế độ tuyển cử và đào tạo quan lại mở cửa cho nhân tài từ mọi tầng lớp, giai cấp trong dân cư, kể cả con cái của nông dân hay dân nghèo ở thành thị. Kẻ sĩ được coi như một nghề xếp hàng đầu trong xã hội, đứng trên các nghề khác như: nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp (sĩ, nông, công,thương). Người đi học cốt để ra làm quan, và làm quan (tức là nắm quyền lực chính trị) tất nhiên sẽ có mọi thứ khác, kể cả của cải. Đẳng cấp quý tộc ở Trung Quốc vì vậy dựa trên quyền lực chính trị là chính, chứ không phải dựa trên quyền tư hữu về đất đai như lập luận của chủ nghĩa Marx.
Lịch sử Trung Quốc qua các triều đại sau đó cho thấy quyền lực chính trị trong thực tế được cân bằng giữa dòng họ nhà vuagiới quý tộc (hoàng quyềntướng quyền) [4] . Nhà nước ở Trung Quốc vì thế mặc dù gần gũi với giai cấp địa chủ, nhưng không thể gọi đó là nhà nước của giai cấp địa chủ. Nhà nước quân chủ tập quyền ở Trung Quốc gắn bó chủ yếu với đẳng cấp quý tộc-quan lại, dựa trên yếu tố chính trị là chính; cho nên có thể nói nó độc lập, đứng trên mọi giai cấp. Hơn thế nữa, chính sách của các triều đại quân chủ ở Trung Quốc luôn luôn là trọng nông nghiệp, ức chế công và thương nghiệp, đồng thời tìm cách điều hoà giữa các giai cấp trong xã hội,tránh sự chênh lệch giàu nghèo để đề phòng biến loạn, mưu tìm sự ổn định chính trị. Chính vì vậy mà chế độ đó đã tồn tại và ổn định trong gần hai ngàn năm, mặc dù kinh tế không có sự phát triển vượt bậc. Kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước phương Đông khác cho thấy tác động to lớn của chính trị đối với kinh tế, nếu không muốn nói là quyết định. Cho nên không thể dùng cái nhìn duy vật lịch sử để giải thích lịch sử Trung Quốc.
Chính Marx và Engels cũng đã hé thấy điều này khi nghiên cứu trường hợp của Ấn Độ và các nước phương Đông. Khi nghiên cứu về trường hợp của Ấn Độ, Marx đã phát hiện ra tính chất đặc biệt của chế độ công xã nông thôn:
Cả hai tình hình đó – một mặt, nhân dân Ấn Độ, giống như nhân dân tất cả các nước phương Đông, giao cho chính phủ trung ương trông nom những công trình công cộng lớn, những công trình này là điều kiện cơ bản của nền nông nghiệp và thương nghiệp của họ, mặt khác, nhân dân Ấn Độ, rải rác trên khắp lãnh thổ của đất nước, sống tập trung trong những trung tâm nhỏ bé nhờ vào mối liên hệ có tính chất gia trưởng giữa lao động nông nghiệp và lao động thủ công nghiệp, - cả hai tình hình đó, từ những thời kỳ xa xưa nhất, đã đẻ ra một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ công xã nông thôn, chế độ này đã đem lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé đó cái tổ chức độc lập của nó và cuộc sống biệt lập của nó (Sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, Tuyển tập, II, tr. 556-557).
Đáng tiếc là thay vì tìm hiểu tác động của chính trị và tôn giáo đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, do thành kiến của chủ nghĩa duy vật lịch sử, Marx đã giải thích rằng “những công xã nông thôn” ấy “bao giờ cũng vẫn là cơ sở bền vững của chế độ chuyên chế phương Đông” (sđd, tr. 559). Tại sao không giải thích ngược lại rằng chính chế độ chuyên chế đã duy trì chế độ công xã nông thôn ấy?
Và cả Engels nữa, trong Chống Dühring, cũng phạm phải sai lầm tương tự. Ông nhận xét về các công xã nguyên thuỷ thời cổ như sau:
Các công xã cổ, ở nơi nào chúng vẫn tiếp tục tồn tại, thì từ hàng nghìn năm nay đều cấu thành cái cơ sở của hình thức nhà nước thô sơ nhất, tức là chế độ chuyên chế phương Đông, từ Ấn Độ cho đến nước Nga. Chỉ nơi nào mà các công xã đó đã tan rã, thì các dân tộc mới tự mình tiến lên xa hơn nữa, và sự tiến bộ đầu tiên của họ về kinh tế là ở chỗ nâng cao và phát triển sản xuất hơn nữa bằng lao động nô lệ (Tuyển tập, V, tr.257).
Vấn đề đặt ra là: tại sao công xã ở nông thôn ở phương Đông không tan rã hoàn toàn? Trên toàn thế giới, chỉ có ở vài nơi như Hy Lạp (và sau đó là La Mã), các công xã cổ ấy mới tan rã hoàn toàn, làm phát sinh chế độ chiếm hữu nô lệ điển hình – nguồn gốc của văn minh phương Tây. Và chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao vào thời trung cổ, lực lượng sản xuất ở các nước phương Đông không mở đường cho sự phát triển tiến lên chủ nghĩa tư bản như ở các nước phương Tây? Thật ra, sự trì trệ, kém phát triển của các xã hội phương Đông chứng minh sự tác động to lớn, nếu không muốn nói là quyết định, của chính trị đối với kinh tế chứ không phải ngược lại.
Nhìn lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng và công trình lý luận của Marx và Engels, chúng ta thấy hai ông đã ngộ nhận về bản chất của quyền lực chính trị.
Trong xã hội loài người, có hai thứ bất công: bất công về chính trị và bất công về kinh tế. Bất công về chính trị thể hiện trong mối quan hệ thống trị – bị trị, bất công về kinh tế thể hiện trong mối quan hệ làm chủ – làm thuê. Ách áp bức về chính trị cũng đem lại đau khổ cho con người, có khi còn ghê gớm hơn nạn bóc lột. Tiền có thể đem lại quyền như Marx đã trình bày, nhưng quyền cũng dễ dàng mang lại tiền như lịch sử của phần lớn nhân loại từ hàng ngàn năm nay đã chứng minh.
Nhân loại trải qua hàng ngàn năm đã phải chịu đựng những ách áp bức nặng nề về chính trị, mãi đến thế kỷ XVIII (thường được gọi là thế kỷ Ánh sáng), nhờ một số nhà tư tưởng, người ta mới tìm ra được hướng giải quyết. Nhưng chế độ dân chủ hiện đại lúc mới hình thành tất nhiên chưa thể hoàn chỉnh, và cần phải tốn nhiều công sức mới có thể trở thành một chế độ ổn định. Điều đáng tiếc là cả Marx và Engels, hai bộ óc có thể nói là thông minh, uyên bác của thế kỷ XIX, do cái nhìn thành kiến, đã chỉ nhìn thấy những bất công về kinh tế, mà không nhận thức được một cách sâu sắc những bất công về mặt chính trị. Hai ông đã viết được những chương rất hay để tố cáo nạn bóc lột dưới chế độ tư bản thế kỷ XIX, nhưng hai ông đã không đánh giá đúng những thành quả về mặt chính trị mà tiền nhân đã đạt được kể từ những thế kỷ trước đó.
Hãy lấy một ví dụ. Trong lĩnh vực chính trị, sự cám dỗ của quyền lực rất dễ đưa tới nạn lạm quyền. Vì thế John Locke (1632-1704) và Montesquieu (1689-1755) đã đề xướng thuyết phân quyền, với nội dung là tách rời các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền. Thế nhưng, trong Hệ tư tuởng Đức, Marx và Engels lại đánh giá thuyết này như sau:
Thí dụ, vào một thời kỳ và ở một nước mà thế lực của vua chúa, giai cấp quý tộc và giai cấp tư sản tranh nhau quyền thống trị, mà do đó quyền thống trị bị phân chia thì học thuyết phân quyền tỏ ra là tư tuởng thống trị, nó được người ta coi là “quy luật vĩnh cửu” (Hệ tư tưởng Đức, Tuyển tập, I, tr. 315).
Chính vì quan niệm sai về bản chất của quyền lực chính trị, không nghiên cứu kỹ trước tác của những người đi trước cho nên khi rút ra những bài học của Công xã Paris, Marx đã đề cao việc tập trung quyền lập pháp, hành pháp vào một mối, đồng thời, coi tính độc lập của ngành tư pháp chỉ là một sự che đậy giả dối. Chính vì không hiểu rõ bản chất của quyền lực chính trị cho nên ông đã đề cao việc Công xã giải tán bộ máy quan liêu (tức là bộ máy hành chính) và giải tán quân đội thường trực, đồng thời bác bỏ chế độ đại nghị. Việc Marx ca ngợi các biện pháp của Công xã, việc ông đề ra khái niệm chuyên chính vô sản chứng tỏ ông cũng chỉ là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng mang vẻ bề ngoài khoa học mà thôi. Và ngay cả Engels trong khi hết mực ca tụng những quan điểm của bạn mình, đề cao chúng như những ý tưởng thiên tài, cũng đã không nhìn thấy tính chất tưởng tượng, phi thực tế trong những giải pháp đó.
Thật ra, toàn bộ lý thuyết phức tạp của Marx về nhà nước có thể tóm lược thành một tam đoạn luận (syllogism, sylllogisme) cực kỳ đơn giản như sau:
Tiền đề 1: Chế độ tư hữu là nguồn gốc phát sinh của nhà nước;
Tiền đề 2: Trong tương lai, chế độ tư hữu tất yếu sẽ tiêu vong;
Kết luận: Do đó, nhà nước cũng sẽ tự tiêu vong.
Như Aristotle (Aristote), nhà logic học nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, đã từng cảnh giác: tam đoạn luận chỉ đúng khi các tiền đề được chứng minh là đúng. Trong tam đoạn luận nói trên, cả hai tiền đề đều không được chứng minh đầy đủ. Marx và Engels đã nêu ra những tiền đề đó như một thứ tín điều và dùng những biện luận bề ngoài có vẻ khoa học và biện chứng để thuyết phục người khác, nhưng những lập luận đó không dựa trên những bằng chứng thật sự khoa học.
Như chúng ta đã thấy ở trên, nhà nước tuy ra đời cùng một lúc với chế độ tư hữu nhưng lại có nguồn gốc phát sinh độc lập chứ không phải chỉ là sản phẩm thuần tuý của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, cho dù xoá bỏ được chế độ tư hữu thì cũng không thể dẹp bỏ được nhà nước. Nói cách khác, cho dù chưa chứng minh được tính chất sai lầm của tiền đề thứ hai (liên quan đến sự tiêu vong của chế độ tư hữu), chúng ta vẫn có thể thấy được tính chất sai lầm của tiền đề thứ nhất (liên quan đến nguồn gốc của nhà nước trong lịch sử). Kết luận “nhà nước tự tiêu vong” rõ ràng chỉ là một sự suy đoán vô căn cứ.
Sự nhầm lẫn càng lớn hơn khi người ta chứng minh tiền đề thứ hai (chế độ tư hữu bị tiêu vong) bằng cách sử dụng sức mạnh của nhà nước chuyên chính vô sản để áp đặt một chế độ sở hữu nhà nước mang danh “công hữu xã hội chủ nghĩa”. Dưới sức mạnh của quyền lực nhà nước, một nền kinh tế tập trung chỉ huy được hình thành và hoạt động dựa trên những quy luật hoàn toàn khác với nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế đó kém hiệu quả nếu xét về mặt kinh tế, nhưng tính ưu việt của nó lại được củng cố bằng những yếu tố phi - kinh tế như: mệnh lệnh chính trị, các biện pháp cưỡng chế, tác động tâm lý, v.v… Chính tiền đề thứ hai được chứng minh một cách “giả tạo” như thế đã che giấu sự sai lầm của các tiền đề cũng như của toàn bộ tam đoạn luận.
“Nhà nước tự tiêu vong” suy cho cùng chỉ là một huyền thoại (myth, mythe), nghĩa là một sản phẩm của trí tưởng tượng, nói chính xác hơn là một ước mơ của Marx. Nhưng một ước mơ có thể mãi mãi chỉ là một giấc mơ, cho dù đó là một ước mơ đẹp đẽ. Nếu giấc mơ đẹp đó được dùng để nuôi dưỡng lòng hướng thiện, tình yêu cuộc sống, ý chí phấn đấu vươn lên của con người, thì nó sẽ là một đóng góp có giá trị cho nền văn hoá của nhân loại. Điều đáng buồn là giấc mơ đó lại được dùng để ru ngủ quần chúng, lừa mị nhân dân, nhằm biện minh cho một chế độc tài, đi ngược lại xu thế tiến hoá của nhân loại. Và Marx, nhà triết học tự nhận là duy vật triệt để nhất, người có tham vọng xoá bỏ mọi tôn giáo, giải phóng trí tuệ loài người khỏi mọi ý thức hệ để đạt tới hạnh phúc tuyệt đối, chân lý tuyệt đối, cuối cùng lại trở thành người sáng lập ra một tôn giáo mới, một ý thức hệ mới - một tôn giáo không dựa trên sự thuyết phục mà dựa trên sự cưỡng bách, một ý thức hệ tự nhận là khoa học nhưng lại được xây dựng trên nền tảng của những huyền thoại chính trị thời hiện đại, những huyền thoại tuy có vẻ rất phàm tục, rất khoa học, rất gần gũi với đời thường nhưng suy cho cùng cũng vẫn chỉ là những huyền thoại.

[1]Thật ra, thuật ngữ “Social Democracy” (trong tiếng Pháp là social-démocratie) nên dịch là “dân chủ-xã hội” thì hợp lý hơn. Nhưng do sách báo trong nước lâu nay vẫn dịch là “xã hội-dân chủ” nên chúng tôi vẫn dùng thuật ngữ này để phù hợp với thói quen của độc giả trong nước.
[2]Phần lớn các trích dẫn từ các tác phẩm của Marx và Engels đều dựa trên bộ Tuyển tập Mác & Ăng-ghen do Nxb Sự Thật và Nxb Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức) cộng tác xuất bản trong những năm 1980 – 1984. Bộ này gồm 6 tập, được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Các trích dẫn từ các bản dịch khác đều có ghi rõ xuất xứ.
[3]Trong đoạn trích này, tôi sử dụng thuật ngữ “thể chế thị tộc” để thay cho thuật ngữ “tổ thức thị tộc”, nhằm làm rõ nghĩa hơn. Trong bản dịch tiếng Pháp là “constitution gentilice”. Xem: F. Engels, L’origine de la famille, de la propriété et de l’Etat, bản dịch tiếng Pháp của Bracke (A. M. Desrousseaux), Alfred Costes, Paris 1946, tr. 214-215.
[4]Phan Khoang, Trung Quốc sử lược, Văn sử học, Sài Gòn 1970, tr.189-190. 
 
 Chương 10 & Kết
Sự tan vỡ của một huyền thoại


”Nhà nước tự tiêu vong”, suy cho cùng, chỉ là một huyền thoại. Nhưng nó lại là một trong những huyền thoại căn bản của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì Marx đã dựa vào nó để xây dựng nên quan niệm “chuyên chính vô sản” cũng như toàn bộ lý thuyết về nhà nước nói chung. Chính vì tin rằng nhà nước nhất định sẽ biến mất cùng với chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất cho nên Marx và Engels đã nêu ra giải pháp chuyên chính vô sản như một hình thức nhà nước quá độ tạm thời trong khi chờ đợi một thời kỳ hoàng kim với một xã hội hoàn toàn tự quản, không cần đến nhà nước.
Sau khi hai ông mất, quan niệm chuyên chính vô sản không tìm được mảnh đất thuận lợi để phát triển. Ở các nước phương Tây, nơi các giá trị dân chủ đã thấm sâu vào đời sống văn hoá và chính trị, phong trào công nhân dần dần từ bỏ con đường chuyên chính vô sản và hội nhập vào chế độ dân chủ hiện đại. Chế độ đại nghị ngày càng được hoàn thiện, chấp nhận chỗ đứng của các đảng công nhân, của phong trào công đoàn, kể cả quyền hoạt động chính trị của các đảng cộng sản – nghĩa là những đảng mà mục tiêu chiến lược là lật đổ chính chế độ dân chủ đại nghị. Quan niệm chuyên chính vô sản mất sức sống ngay trên mảnh đất nó được sinh ra.
Chính Lenin, một nhà cách mạng xuất thân từ nước Nga - một quốc gia lạc hậu ở châu Âu, là người đã làm sống lại quan niệm chuyên chính vô sản.
Mặc dù sống lưu vong trong nhiều năm ở các nước Tây Âu, Lenin không tiếp thu được các giá trị dân chủ ở đó, và trong nhận thức vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá phong kiến lạc hậu, phi dân chủ dưới chế độ Sa hoàng. Trong khi nghiên cứu chủ nghĩa Marx, thay vì biết phê phán, chọn lọc, ông đã tiếp thu toàn bộ các khía cạnh tiêu cực của học thuyết, kể cả những khái niệm phản tiến bộ như chuyên chính vô sản. Mặt khác, trong cuộc đấu tranh tư tưởng với những người xã hội-dân chủ khác, ông không thể tự nhận mình là độc tài, chống lại các giá trị dân chủ, vì lúc đó dân chủ đã trở thành mục tiêu chung của phong trào công nhân trên khắp lục địa châu Âu. Do đó, ông tìm cách biện minh cho con đường chuyên chính vô sản bằng thủ thuật đánh tráo khái niệm: đề ra khái niệm dân chủ vô sản như một cực đối lập với cái mà ông gọi là dân chủ tư sản. Về mặt sách lược, Lenin chủ trương rằng khi chưa nắm được quyền lực tuyệt đối, những người cộng sản vẫn có thể cộng tác với các lực lượng đấu tranh cho dân chủ, coi việc đấu tranh cho các mục tiêu dân chủ trước mắt như một biện pháp cần thiết để tập hợp quần chúng xung quanh đảng cộng sản. Những lý do đó đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng Lenin là một người yêu dân chủ và có thể xây dựng được một chế độ dân chủ thật sự dựa trên lý luận của Marx và Lenin.
Marcel Liebman là một trường hợp điển hình. Mặc dù thừa nhận những khuyết điểm của chế độ chính trị xô-viết, nhà chính trị học mác-xít người Bỉ này chỉ phê phán Stalin trong khi vẫn ca ngợi quan niệm “dân chủ vô sản” của Lenin. Theo Liebman, nền dân chủ vô sản là một nền dân chủ “trực tiếp, cụ thể và mang tính nhân dân”. Đáp lại lời chỉ trích tính không tưởng của quan niệm đó, ông viết:
Nhưng đó chỉ là một sự chỉ trích tầm thường và hời hợt: không có một dự phóng cách mạng nào lại không có một lý tưởng vĩ đại làm bệ phóng cho nó và đem thắng lợi đến cho nó. Những người có đầu óc thực tế và các sử gia hoàn toàn có quyền đánh giá khoảng cách giữa cái không tưởng (utopique) với cái có thể (le possible), nhưng họ không phải là nguồn cảm hứng cho những người làm nên các công trình lịch sử vĩ đại và những nhà sáng lập nên các xã hội mới. Nền dân chủ của những người bolshevik thuộc về một quan niệm độc đáo và táo bạo – hoàn toàn đoạn tuyệt với tất cả mọi sự nhẫn nhục và mọi điều tầm thường. Họ không chỉ bằng lòng với việc biến những người nô lệ ngày hôm qua thành những người nổi dậy ngày hôm nay. Họ nhìn thấy trong những người nô lệ ấy những chủ nhân và những nhà hành chính của tương lai. [1]
Trong thực tế, nền dân chủ vô sản (một tên gọi khác của chuyên chính vô sản) chỉ là một huyền thoại, bởi lẽ nó được xây dựng dựa trên huyền thoại “nhà nước tự tiêu vong”. Xét về mặt logic, nếu nhà nước có nguồn gốc phát sinh độc lập với các nguyên nhân kinh tế thì việc xoá bỏ chế độ tư hữu không thể dẫn đến một nhà nước tự tiêu vong mà chỉ có thể dẫn đến một nhà nước tập quyền kiểu mới. Nền chuyên chính quá độ tạm thời xét về mặt lý thuyết tất yếu sẽ trở thành một nền chuyên chính ổn địnhlâu dài trong thực tế; nền chuyên chính này coi việc duy trì độc quyền chính trị như một cứu cánh, một lẽ sống còn. Sự mâu thuẫn, trật khớp giữa lý thuyết và thực tiễn đó buộc những nhà lãnh đạo cộng sản phải củng cố và nuôi dưỡng huyền thoại “dân chủ vô sản” nhằm biện minh cho chế độ chuyên chính vô sản, tạo cho nó một lớp vỏ hiện đại, dễ coi nhằm lừa mị quần chúng, đánh lừa nhân dân.
Mặc dù Lenin là người sáng tạo nên huyền thoại “dân chủ vô sản”, nhưng có thể nói chính Stalin mới là người đem lại sức sống cho huyền thoại đó, làm cho nó trở thành một trong những huyền thoại quan trọng nhất của chủ nghĩa cộng sản, có ảnh hưởng lớn lao trong thế kỷ XX. Là một nhà độc tài bẩm sinh, Stalin đã giành được vị trí cao nhất trong chế độ xô-viết chủ yếu bằng con đường bạo lực, bằng những biện pháp phản dân chủ. Nhưng hơn ai hết, ông hiểu rằng không thể duy trì được quyền lực một cách lâu bền nếu chỉ dựa vào các biện pháp đàn áp, cưỡng bức. Vì vậy, ông rất coi trọng các thủ đoạn mị dân, lừa bịp.
Khác với Marx và Lenin - vốn là những người quyết liệt chối bỏ những hình thức của chế độ đại nghị, Stalin đã tìm cách “vận dụng” một số hình thức của chế độ này nhằm mục đích che đậy thực chất của chế độ độc tài toàn trị. Vào nửa cuối thập niên 1930, song song với quá trình thanh trừng nội bộ một cách đẫm máu nhằm triệt tận gốc các “đồng chí” bolshevik cựu trào, Stalin đã tiến hành soạn thảo một bản hiến pháp mô phỏng theo hiến pháp của các nước dân chủ phương Tây. Một Uỷ ban soạn thảo hiến pháp được thành lập vào tháng 2 năm 1935, vài tháng sau khi xảy ra vụ ám sát Kirov. Bản hiến pháp được chính thức ban hành vào tháng 11 năm 1936, được giới thiệu như một bản hiến pháp “dân chủ nhất thế giới”. Nhưng cũng từ năm 1936 cho đến năm 1938, cuộc Đại Thanh Trừng (Great Purge) đẫm máu đã diễn ra, với hàng loạt vụ án công khai và bí mật. Tháng 8 năm 1936, Zinoviev và Kamenev bị truy tố về những tội hoàn toàn bịa đặt và bị xử bắn. Tháng 6 năm 1937, Nguyên soái Tukhachevsky, nhà lãnh đạo quân sự có uy tín nhất vào thời đó, đã bị lôi ra toà án quân sự về tội mưu phản và bị hành quyết cùng với một số tướng lãnh cao cấp khác. Ngay cả Bukharin và Radek, những tác giả của bản hiến pháp năm 1936 nói trên, cũng không thoát khỏi tội chết: cả hai ông đều bị kết tội tử hình vào tháng 3 năm 1938. Các vụ án mang tính chất khủng bố nói trên chứng tỏ các quyền tự do căn bản của công dân, các quyền con người được ghi vào hiến pháp chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, lừa bịp quần chúng, loè bịp phương Tây chứ không phải để thực thi. Trong các vụ án giả tạo nói trên, các nạn nhân đều bị kết án dựa trên lời nhận tội, ngoài ra không có chứng cứ nào khác được kiểm chứng bằng các thủ tục pháp lý thông thường. Trong số những người có mặt ở hàng ghế bị cáo trong các phiên toà đó, người ta có thể điểm danh tất cả các thành viên của Bộ chính trị thời Lenin, chỉ trừ chính Stalin và Trotsky (riêng ông này đã bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Liên Xô vào năm 1929 và bị ám sát tại Mexico vào tháng 8 năm 1940). Điều đó cho thấy ngay cả những người đã từng là cấp lãnh đạo cũng không được hưởng đầy đủ quyền con người và quyền công dân, nói gì đến những thường dân hoặc những người đã từng là “kẻ địch”.
Điều đáng nói hơn nữa là mặc dù áp dụng một số hình thức của chế độ đại nghị phương Tây, Stalin không bao giờ chấp nhận các nguyên tắc căn bản của chế độ ấy. Lấy lý do chế độ dân chủ vô sản khác biệt về chất so với chế độ dân chủ tư sản, ông không chấp nhận nguyên tắc tam quyền phân lập, không chấp nhận chế độ đa đảng, không chấp nhận tính đa nguyên về tư tưởng.
Như một số nhà viết tiểu sử đã lưu ý, Stalin xuất thân là một chủng sinh trong trường dòng chính thống giáo ở Tbilissi, do đó ông rất am hiểu tác dụng của các nghi lễ tôn giáo, cũng như tác dụng của các huyền thoại tôn giáo. Điều này có thể thấy rõ qua việc ông tổ chức tang lễ cho Lenin, xây dựng lăng tẩm kiểu mới ở Quảng trường Đỏ (Moskva), biến Lenin thành một vị thánh nhằm giành lấy cho mình vị trí của một á thánh. Stalin đã chỉ đạo việc biên tập cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, vẽ lại lịch sử của cách mạng bolshevik theo ý đồ riêng của mình, xoá bỏ công lao của một loạt các lãnh tụ cách mạng như: Trotsky, Kamenev, Zinoviev, Bukharin, vv… Sự cắt xén, xuyên tạc lịch sử theo kiểu Stalin đã trở thành khuôn mẫu cho tất cả các sử gia mác-xít lê-nin-nít sau này: các sự kiện lịch sử được thổi phồng hay bị bóp méo; các nhân vật lịch sử bị bỏ quên hay bôi nhọ, các “lãnh tụ” hay “anh hùng” được tô hồng, thần thánh hoá,v.v… Lịch sử được bào chế trong phòng thí nghiệm của các “sử gia” giàu tính giai cấp, dưới sự chỉ đạo của các nhà cách mạng chuyện nghiệp, trở thành vũ khí tuyên truyền cho Đảng cộng sản cầm quyền. Cộng vào đó là các tác phẩm văn học nghệ thuật mà tôn chỉ là khuôn hiện thực theo ý thức hệ mác-xít lê-nin-nít hơn là tôn trọng sự thật, phục vụ cho ý đồ chính trị nhiều hơn là các giá trị nhân bản. Những tác phẩm này đã góp phần lớn lao vào việc hình thành và nuôi dưỡng các huyền thoại cộng sản, che giấu sự thật, xoá mờ chân lý.
Tất cả đã góp phần tạo ra một nếp sống dân chủ kiểu mới rất kỳ lạ, hoàn toàn khác với nếp sống dân chủ ở các nước phương Tây. Nếp sống đó có bề ngoài rất cách mạng, dân chủ, bình đẳng nhưng nếu xem xét kỹ, chúng ta thấy bên dưới lớp vỏ hào nhoáng, hiện đại ấy lại là một chế độ quân chủ phương Đông được tái tạo với một dáng dấp mới:
Thay vì gọi Ngài, bẩm quan, người ta gọi đồng chí. Thay vì gọi Vua, người ta gọi Tổng bí thư hay Chủ tịch. Thay vì bổ nhiệm, người ta đề cử để rồi giả vờ tham khảo ý kiến của cử tri, sau đó tổ chức bầu cử một cách hết sức tốn kém, rườm rà, nhằm tạo ra cái vỏ dân cử cho những nhân vật đã được Đảng cử từ trước. Bên cạnh hệ thống nhà nước, Đảng cộng sản tạo ra một hệ thống tổ chức quần chúng mang danh nghĩa là đại diện cho các giới trong xã hội, nhưng thực chất vẫn là do những người của Đảng cử ra điều khiển. Hệ thống này đóng vai trò ông Thiện để xoa dịu quần chúng, gỡ rối cho những hành vi sai phạm của ông Ác, tức các cơ quan Nhà nước. Đảng mặc dù là siêu-nhà nước, chỉ đạo hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng luôn luôn giả vờ làm như vô can. Mỗi khi nhà nước có biểu hiện bê bối, tham nhũng, Đảng lại đứng ra làm trọng tài, giả vờ xử lý kỷ luật, trừng phạt những kẻ làm sai – nhưng thực chất là tìm cách bao che, bảo vệ quyền lợi cho địa vị thống trị của đẳng cấp cầm quyền. Cái màn kịch đó được diễn hết sức khéo léo, cốt tạo ra trong quần chúng cái ý tưởng: Đảng không bao giờ sai lầm, chỉ có một số đảng viên, cán bộ nắm quyền trong bộ máy nhà nước có thể phạm sai lầm; Đảng bao giờ cũng sáng suốt, bao giờ cũng vì quyền lợi của giai cấp, vì quyền lợi của nhân dân, chỉ có một thiểu số (nhỏ, cực kỳ nhỏ) cán bộ, đảng viên là thoái hoá, biến chất. Sai lầm, tội ác được gán cho những cán bộ cấp dưới (trong thực tế là những con dê tế thần), để bảo đảm cho các lãnh tụ anh minh được muôn đời sáng suốt, trong sạch.
Xét về mặt lịch sử, đảng cộng sản không phải là lực lượng đầu tiên và duy nhất sử dụng các huyền thoại vào mục đích chính trị, nhằm củng cố cho địa vị thống trị của mình. Trong các nền văn minh cổ đại, các dòng họ cầm quyền ở Trung Quốc, Ai Cập, Đế quốc Hittite, Polynesia, Đế quốc Inca, Ấn Độ,… đã thường xuyên viện dẫn các huyền thoại để biện minh cho địa vị thống trị của họ, chẳng hạn để giải thích rằng họ có nguồn gốc từ thần thánh. Các đẳng cấp ưu tú cũng dựa trên huyền thoại để giải thích những đặc quyền đặc lợi, để hợp lý hoá địa vị ăn trên ngồi trước của họ.
Huyền thoại dân chủ vô sản cũng nhằm mục đích biện minh cho địa vị thống trị độc quyền của Đảng cộng sản, giải thích những đặc quyền đặc lợi của đẳng cấp thư lại chính trị mà nòng cốt là các đảng viên cộng sản. Đảng cộng sản giữ địa vị lãnh đạo vì nó là đại diện của giai cấp vô sản, giai cấp tiên tiến của thời đại, một giai cấp mang sứ mệnh lịch sử giải phóng toàn thể nhân loại khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Đảng cộng sản là thực thể trung gian (tương tự như giáo hội của các tôn giáo) có nhiệm vụ và quyền hạn đóng con dấu “tiên tiến” hoặc “lạc hậu”, “phản động” lên mỗi cá nhân trong xã hội, và căn cứ vào đó mà ban phát địa vị, quyền hành và những quyền lợi vật chất kèm theo. Do đó, nếu đảng viên có địa vị chính trị cao hơn quần chúng bình thường thì đó cũng là lẽ đương nhiên, là điều tất yếu; nếu quần chúng không thông về tư tưởng thì phải tìm cách “cải tạo”, “giáo dục” tư tưởng cho họ. Mặt khác, huyền thoại đó cũng nhằm mục đích biện minh cho hệ thống đẳng cấp nội bộ nhằm duy trì quyền lực tối cao của Bộ chính trị, của Tổng bí thư hay Chủ tịch Đảng. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” vì vậy đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ các hoạt động của Đảng cầm quyền.
Sau khi Stalin mất đi, huyền thoại dân chủ vô sản được tô vẽ lại, những nét thô thiển được gọt dũa, nhiều hình thức mới học tập từ các nước dân chủ phương Tây được thêm thắt vào, tuy nhiên các nguyên tắc căn bản vẫn không hề thay đổi. Ở một số nước Đông Âu, các nhà lãnh đạo cộng sản còn “vận dụng” cả các kinh nghiệm của phương Tây để sáng tạo ra một thể chế đa đảng giả hiệu: bên cạnh đảng cộng sản còn có một số “đảng bạn” để làm chậu kiểng hay đóng vai trò đối lập “cuội”, nhằm chứng minh cho phương Tây thấy tính chất “dân chủ” của chế độ chính trị “xã hội chủ nghĩa”. Trong thực tế, các đảng này không có chút thực lực nào, và không hề xâm phạm tí nào đến vai trò độc quyền chính trị của đảng cộng sản.
Đảng sáng suốt thay cho vai trò của một đấng minh quân. Chế độ dân chủ hình thức - dân chủ giả hiệu thay thế cho chế độ quân chủ kiểu phương Đông. Đó chính là thành quả của cuộc cách mạng vô sản, cuộc cách mạng được mệnh danh là toàn diện, triệt để nhất trong lịch sử loài người. Và người dân sống trong chế độ toàn trị đó lại được ăn một cái bánh vẽ lớn và hấp dẫn cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Để nuôi dưỡng huyền thoại dân chủ vô sản cũng như các huyền thoại khác của chủ nghĩa Marx, Đảng cộng sản cầm quyền áp dụng một loạt các biện pháp như: xoá bỏ các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, v.v… Tất cả các triết học đều bị cấm chỉ, trừ triết học Marx trở thành ý thức hệ chính thống, bị bắt buộc phải học trong tất cả các nhà trường. Chủ nghĩa Marx trở thành chủ nghĩa giáo điều, được Stalin gọi tên là chủ nghĩa Marx-Lenin (Marxism-Leninism, Marxisme-Léninisme). Hệ thống trường Đảng được phát triển rộng khắp, và cùng với nó là hệ thống các viện nghiên cứu, mà mục đích chủ yếu là để củng cố, duy trì các huyền thoại của chủ nghĩa cộng sản. Các tôn giáo mặc dù vẫn được phép tồn tại nhưng bị hạn chế bằng nhiều thủ đoạn, nhằm bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của ý thức hệ Marx-Lenin như một thứ tôn giáo mới. Cả một tầng lớp trí thức mệnh danh là trí thức mới, trí thức xã hội chủ nghĩa được đoàn ngũ hoá, được đưa vào nền nếp kỷ luật để nói cùng một tiếng nói: tiếng nói của Đảng. Ai nói khác đi lập tức bị quy kết là xét lại, là phản động, là tiếp tay cho địch, v.v…
Nhưng chân lý khoa học vẫn luôn luôn mâu thuẫn với huyền thoại. Khác với huyền thoại tôn giáo, huyền thoại cộng sản là huyền thoại gắn với trần gian, với thế giới bên này (au-delà), với thế giới hiện thực trước mắt. Trong khi tôn giáo kêu gọi con người hướng về điều thiện, sống một cách đạo đức để đạt được hạnh phúc ở đời sau hoặc ở cõi khác thì chủ nghĩa cộng sản lại hứa hẹn hạnh phúc ngay trong cõi đời này, hô hào sử dụng bạo lực để xây dựng một thiên đường ngay trên hạ giới. Do đó, theo thời gian, mâu thuẫn giữa huyền thoại và thực tế không thể không bộc lộ, và người nhìn thấy rõ mâu thuẫn ấy trước hết chính là những trí thức phản tỉnh. Chế độ toàn trị hết sức nhạy cảm với tiếng nói của những trí thức ấy, do đó họ luôn tìm cách trừng trị, bịt miệng họ. Do mâu thuẫn giữa huyền thoại và thực tế là mâu thuẫn thuộc về bản chất của chế độ dân chủ vô sản, những hiện tượng phi dân chủ, phản dân chủ không ngừng phát sinh, sự phản kháng của những trí thức bất đồng chính kiến tuy có lúc tạm thời bị đè nén hay dập tắt, nhưng không ngừng bùng phát trở lại. Điều đó giải thích tại sao cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở các nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô-viết lại thường khởi đầu bằng cuộc đấu tranh của giới trí thức. Cuộc đấu tranh ấy không sinh ra từ âm mưu can thiệp của nước ngoài hay từ các thế lực đế quốc, tư bản như các đảng cộng sản cầm quyền thường rêu rao mà phát sinh từ chính thực tế phản dân chủ của các xã hội mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa”, phát sinh từ tính chất huyền thoại của chế độ dân chủ vô sản, từ sự thức tỉnh của một bộ phận trí thức tiên tiến nhìn thấy được thực chất của những huyền thoại ấy.
Nói cách khác, cuộc đấu tranh để phi huyền thoại hoá (demythologize, démythifier) dưới chế độ chuyên chính vô sản đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ quá trình dân chủ hoá các xã hội đó. Và quá trình dân chủ hoá tất yếu sẽ phá vỡ khuôn khổ của chế độ dân chủ vô sản để dẫn đến một nền dân chủ đại nghị có thực chất.
Cũng cần lưu ý rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chủ nghĩa Marx mất sức sống ngay trên mảnh đất nó sinh ra là chính là trình độ dân trí. Cuộc đấu tranh để dân chủ hoá đời sống chính trị trong các xã hội Tây Âu và Bắc Mỹ đã dẫn đến kết quả là các huyền thoại tôn giáo không thể được sử dụng vào các mục đích chính trị được nữa. Nhà nước được thế tục hoá, tôn giáo tách khỏi nhà nước. Các thế lực thống trị không thể lợi dụng các huyền thoại tôn giáo để ru ngủ, lừa mị quần chúng, biện minh cho địa vị chính trị độc quyền hoặc bào chữa cho sự áp bức, bóc lột của họ. Tôn giáo trở về với chức năng thật sự của mình, không can thiệp tuỳ tiện vào đời sống chính trị, do đó cũng hạn chế được sự tha hoá bởi quyền lực. Đạođời được phân ranh giới rõ rệt. Người dân nhìn những nhân vật lãnh đạo với con mắt thực tế hơn, không sùng bái họ như những nhân vật siêu phàm, những con người huyền thoại. Trong điều kiện ấy, các huyền thoại của chủ nghĩa Marx không thể phát huy được tác dụng, hoặc nói đúng hơn ngày càng mất tác dụng. Ngay cả đối với giai cấp công nhân, các huyền thoại của chủ nghĩa Marx không thể hấp dẫn được họ, bởi vì công nhân thường có cái nhìn thực tế, không dễ bị đánh lừa bởi những lời hô hào hoa mỹ, những lời hứa hẹn suông.
Trong khi đó, ở các nước lạc hậu, kém phát triển hơn, tức là ở các xã hội chưa vượt ra khỏi trạng thái nô lệ tinh thần của chế độ thần quyền dưới mọi hình thức, nơi mà người dân còn ngưỡng vọng vào những vị lãnh tụ “anh minh”, “sáng suốt” để cứu vớt họ khỏi cuộc sống lầm than, nơi mà các huyền thoại tôn giáo vẫn còn có tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị, nơi mà thần quyềnthế quyền ràng buộc nhập nhằng với nhau từ hàng ngàn năm trước, thì những huyền thoại của chủ nghĩa Marx vẫn còn tìm được những mảnh đất tốt để phát triển.
Nhận thức được sự yếu kém của hệ tư tưởng mác-xít trên mảnh đất Tây Âu và Bắc Mỹ, Lenin ngày càng mất hy vọng vào khả năng thắng lợi của cách mạng vô sản trên mảnh đất truyền thống ấy của phong trào công nhân. Vì vậy, ông bổ sung khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” bằng cách hướng về các dân tộc bị áp bức, tìm sức mạnh hậu thuẫn cho Đảng bolshevik Nga trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước kém phát triển. Sự khôn khéo chính trị này đã tạo nên một sức mạnh mới cho chủ nghĩa Marx. Kể từ đó, ở một số nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, các huyền thoại cộng sản đã được lồng ghép một cách khéo léo với những huyền thoại có sẵn của dân tộc, kích động lòng yêu nước của đông đảo quần chúng. Huyền thoại “dân chủ vô sản” được biến thể thành “dân chủ mới”, “dân chủ nhân dân”, tiếp tục trở thành lý lẽ biện minh cho các chế độ độc tài kiểu mới mọc lên từ đống tro tàn của các chế độ quân chủ phương Đông.
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà nòng cốt là nước Nga xô-viết, quê hương của cuộc Cách mạng tháng Mười, đánh dấu sự tan vỡ của những huyền thoại cộng sản, mà đáng kể hơn hết là huyền thoại ”dân chủ vô sản”. Khi khẩu hiệu công khai (glasnost) được Gorbachev đề ra, hàng loạt sự thật bị che giấu từ hàng chục năm được phơi bày, người ta gần cảm thấy bàng hoàng trước sự dối trá khủng khiếp đã làm nên huyền thoại ”dân chủ vô sản”. Trong thực tế, không hề có một nền dân chủ vô sản mà chỉ có một nền chuyên chính nhân danh giai cấp vô sản. Trong thực tế, không hề có một nhà nước tự tiêu vong mà chỉ có một nhà nước toàn năng, có quyền can thiệp vào bất cứ một tổ chức xã hội nào, bất cứ một cuộc sống riêng tư nào. Trong thực tế, không hề có một “nhân dân làm chủ” mà chỉ có những kẻ lạm quyền, lộng quyền đội lốt “đầy tớ của nhân dân”, nói cách khác là những kẻ nhân danh nhân dân để thống trị chính nhân dân.
Để tóm tắt một cách sâu sắc tính chất huyền thoại của chế độ dân chủ vô sản, chúng ta có thể mượn lại câu của Lenin viết về chế độ dân chủ tư sản (tất nhiên phải sửa đổi lại đôi chút cho phù hợp):
Chế độ dân chủ vô sản trước sau vẫn là một chế độ dân chủ chật hẹp, bị cắt xén, giả hiệu, giả dối; đó là một thiên đường cho những kẻ có quyền, một cạm bẫy đối với những người thấp cổ bé họng, một cái mồi giả dối đối với những người bị thống trị. [2]
Lời phê phán chua cay của Lenin đối với chế độ dân chủ mà ông gán cho cái nhãn hiệu “dân chủ tư sản”, cuối cùng lại hoàn toàn phù hợp với bản chất của chế độ dân chủ giả hiệu do chính ông khởi xướng và được Stalin hoàn thiện.
Chương kết
Đi tìm một định nghiã đúng đắn về nhà nước
Sự tan vỡ của huyền thoại “dân chủ vô sản” dẫn đến sự tan vỡ của huyền thoại “nhà nước tự-tiêu vong”, đồng thời cũng làm sụp đổ toàn bộ lý thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Marx. Điều đó buộc chúng ta phải xem xét lại định nghĩa về nhà nước của Marx.
Marx định nghĩa nhà nước là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác (“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”). Nhưng như trên đã nói, trước khi trở thành nhà nước của một giai cấp (như Marx và Engels đã chứng minh), hay nhà nước của một tập đoàn xã hội, của một nhóm người hoặc của một cá nhân thì nhà nước đã là một tổ chức bảo vệ lợi ích công cộng, một quyền lực công cộng.
Trong trường hợp đó, ta phải xác định rằng tính chất giai cấp chỉ là tính chất phụ thuộc, chứ không phải tính chất cơ bản của nhà nước. Bản chất của nhà nước là tính chất công cộng, tính chất xã hội, còn tính chất giai cấp chỉ là sự bóp méo, xuyên tạc bản chất đó; do sự chiếm dụng nhà nước bởi một giai cấp, một tầng lớp, một đẳng cấp, một tập đoàn xã hội, một nhóm người nào đó. Khôi phục lại bản chất của nhà nước, tức là dân chủ hoá, đòi hỏi phải xoá bỏ tính chất giai cấp của nhà nước để nhà nước trở thành nhà nước của toàn dân chứ không phải làm ngược lại.
Nhà nước là một hiện thực sinh ra cùng với loài người, và cùng tồn tại với loài người. Vào thời kỳ đầu của nhân loại, khi con người còn sống trong các thị tộc, mối quan hệ giữa mọi thành viên trong cộng đồng còn dựa trên quan hệ huyết thống thì nhà nước “phôi thai” chỉ là một tổ chức đơn giản, nằm trong lòng cộng đồng. Nhưng khi cộng đồng phát triển rộng lớn hơn, quan hệ thị tộc bị phá vỡ thì nhà nước buộc phải phát triển thành một tổ chức phức tạp hơn, tách rời khỏi cộng đồng. Đó là sự tách rời tất yếu, thể hiện sự trưởng thành, chứ không phải là biểu hiện của sự tha hoá như Marx đã nghĩ.
Một khi nhà nước tách rời khỏi xã hội thì quyền lực chính trị bị chiếm hữu bởi một giai cấp, một tập đoàn xã hội, một dòng họ nào đó. Và họ đã tìm cách phủ lên nhà nước một cái vỏ thần bí để hợp lý hoá sự chiếm hữu quyền lực. Ví như thuyết thiên mệnh, thiên tử ở Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng rồi đến một thời điểm trong lịch sử, nhân loại trưởng thành hơn, và người ta ý thức được vấn đề chủ quyền của nhân dân. Từ thế kỷ XVIII, ở châu Âu và Bắc Mỹ, các nhà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã mở ra một hướng đi đúng đắn cho nhân loại: đấu tranh để biến nhà nước thành nhà nước của toàn dân, nghĩa là của nhà nước của mọi người, mọi tập đoàn, mọi giai cấp trong xã hội. Chế độ dân chủ bắt đầu hình thành từ lúc đó, lúc đầu không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng theo thời gian, ngày càng được củng cố, hoàn thiện.
Sự sai lầm của Marx và Engels là ở chỗ hai ông không nhìn thấy hướng đi ấy. Đáng lẽ chủ trương nhà nước của toàn dân (dân chủ), hai ông lại nêu ra khái niệm chuyên chính vô sản, tức là nhà nước của một giai cấp (phi dân chủ). Chuyên chính vô sản là sự thay thế một nhà nước giai cấp này bằng một nhà nước giai cấp khác; mà khi đã tuyên bố nhà nước mang tính giai cấp thì con đường dân chủ khó có thể được khai thông. Một khi đã là một nhà nước giai cấp thì dù giai cấp đó là giai cấp bần cùng, bị bóc lột trong xã hội, cũng không tránh được tình trạng một tầng lớp có đặc quyền sẽ nhân danh giai cấp để nắm lấy quyền thống trị trong xã hội.
Do không nắm được bản chất của quyền lực chính trị, do quan điểm duy vật lịch sử, nên Marx và Engels không nhìn thấy một sự thật: quyền lực chính trị có khả năng làm tha hoá mọi người; và những người thuộc giai cấp bị bóc lột, một khi nắm quyền hành trong tay, không hề miễn nhiễm trước sự cám dỗ của quyền lực. Marx và Engels tỏ ra hoàn toàn ảo tưởng khi vẽ ra một giai cấp vô sản tính bản thiện, chỉ cần giác ngộ sứ mệnh lịch sử là có thể trở thành một giai cấp thánh thiện. Nếu không có ảo tưởng đó, lý thuyết của hai ông đã vạch ra được những biện pháp hữu hiệu để chế tài sự lạm dụng quyền lực, ngăn ngừa được những trường hợp như Stalin, Mao Trạch Đông,…
Như trên đã trình bày, lịch sử của phong trào công nhân thế giới đã cho thấy những môn đệ của Marx và Engels đã đi theo hai hướng khác nhau:
Sau khi Engels mất, một trong những môn đệ của ông đã phát hiện ra những sai lầm trong lý luận mác-xít chính thống và tìm cách sửa chữa; đó là Eduard Bernstein. Điều trớ trêu của lịch sử là: nếu Marx viết bộ Tư bản tại nước Anh thì cũng chính tại nước Anh, Bernstein đã tìm thấy những tư tưởng để bổ sung, sửa chữa chủ nghĩa Marx. Bernstein đã chịu nhiều ảnh hưởng của những nguồn tư tưởng phi-mác-xít, nhất là từ phái Fabian (Fabianism) - tiền thân của Đảng lao động (Labor Party) hiện nay. Chủ nghĩa xét lại (cái tên gọi một thời mang nghĩa xấu đó) lúc đầu đã bị chủ nghĩa Marx chính thống ở Tây Âu bác bỏ kịch liệt, nhưng qua thời gian đã có tác động lớn lao, làm thay đổi nội dung của lý thuyết xã hội chủ nghĩa. Một trong những điểm quan trọng nhất là việc chấp nhận dân chủ như một mục tiêu song song với mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Các đảng mác-xít ở Tây Âu dần dần từ bỏ khái niệm chuyên chính vô sản, trở thành các đảng dân chủ-xã hội, mang tính chất cải cách, tương tự như Đảng lao động Anh. Nói cách khác, khuynh hướng này chấp nhận định nghĩa nhà nước như một thiết chế bảo vệ lợi ích công cộng. Họ chấp nhận chế độ dân chủ tư sản và tìm cách đấu tranh cho quyền lợi của công nhân bằng con đường hợp pháp, và như vậy là từng bước cải biến chế độ đó thành một chế độ dân chủ thật sự, một nhà nước của toàn dân. Các đảng đó không bao giờ thành công theo nghĩa Marx và Engels từng hiểu, nghĩa là không bao giờ giành được chính quyền 100%, và không bao giờ thực hiện được chủ nghĩa xã hội (theo nghĩa công hữu hoá tư liệu sản xuất 100%). Nhưng họ lại có công đem lại sự cải thiện trong đời sống công nhân, và đồng thời đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp dân chủ hoá đời sống xã hội. Ngày nay, họ vẫn là những đảng chính trị có uy tín tại Tây Âu, Bắc Âu và nhiều nơi khác trên thế giới; và ở nhiều nước, vào nhiều thời điểm, họ trở thành đảng cầm quyền (tất nhiên là theo từng nhiệm kỳ chứ không phải là đảng cầm quyền muôn năm).
Xu hướng thứ hai là xu hướng cực đoan, mà tiêu biểu là V. I. Lê-nin. Trong vấn đề nhà nước, ông tiếp thu toàn bộ, kể cả những điểm sai lầm, phi lý nhất của lý thuyết về nhà nước do Marx và Engels để lại, nhất là quan niệm chuyên chính vô sản. Để giành được thắng lợi cho chủ nghĩa xã hội bằng bất cứ giá nào, ông thay đổi quan niệm về đảng mác-xít. Từ chối quan niệm về một đảng dân chủ-xã hội “theo kiểu câu lạc bộ”, ông chủ trương tổ chức một đảng cộng sản kiểu mới với kỷ luật sắt cả về tư tưởng và tổ chức. Chính tổ chức đảng kiểu mới này đã giúp ông giành được thắng lợi cho cách mạng vô sản tại nước Nga vào năm 1917. Nhưng lịch sử đã cho thấy sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga lại không chứng minh được tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Marx mà ngược lại, đã chứng minh những điểm sai lầm của nó, đặc biệt là trong vấn đề nhà nước.
Sự thất bại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới dựa trên mô hình xô-viết cho thấy nhà nước của toàn dân chính là xu hướng tiến bộ nhất, đúng đắn nhất của nhân loại, đồng thời cũng chứng minh rằng: dân chủ là giá trị chung của nhân loại, và chỉ có thể có một chế độ dân chủ dưới nhiều hình thức, chứ không hề có sự phân chia giữa dân chủ tư sản và dân chủ vô sản. Chế độ dân chủ, dù không thể tránh được những khuyết tật, những nhược điểm nhất định, vẫn là chế độ có tương lai nhất, vì nó có khả năng tự điều chỉnh, tự sửa chữa và có khả năng bao dung được mọi xu hướng chính trị, mọi tín ngưỡng tôn giáo, mọi chủng tộc, mọi lợi ích giai cấp. Mặc dù những người mác-xít cực đoan (như Lenin chẳng hạn) vẫn cho rằng chế độ dân chủ tư sản chỉ bảo vệ cho lợi ích của giai cấp tư sản; nhưng giai cấp công nhân ở những nước tiên tiến trên thế giới ngày càng không tin vào lập luận đó. Trong thực tế, họ đã giành được quyền tổ chức công đoàn, có quyền bãi công, biểu tình, đưa được đại biểu của mình vào Quốc hội,… nói chung là nói lên được tiếng nói của mình, có quyền đấu tranh để bảo vệ quyền lợi thiết thân của mình, từng bước cải thiện được đời sống vật chất và tinh thần. Nền dân chủ đó không thể gọi là nền dân chủ tư sản được. Còn cái gọi là chế độ dân chủ vô sản thực ra chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng, chỉ có trên lời nói và trên giấy; còn trong thực tế thì nó đã thất bại ngay từ khi mới sinh ra. Và vì Lenin đã không giải quyết triệt để những nghịch lý về mặt lý luận khi ông còn sống, cho nên sau khi ông mất đi, những môn đệ của ông chỉ loay hoay xung quanh những quan điểm do ông nêu ra, mà không tìm được giải pháp cụ thể, có hiệu quả để cải tổ chế độ chính trị đó theo đúng định hướng đúng đắn của những quy luật chính trị, xã hội.
Sự thất bại của công cuộc cải tổ ở Liên Xô dưới thời Gorbachev có nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu là những người lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô lúc đó đã không dám vượt qua tư tưởng của Lenin, nói gì đến việc xét lại chính tư tưởng của Marx và Engels.
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu cho thấy chế độ dân chủ là chế độ của tương lai. Nhà nước dưới chế độ dân chủ là một nhà nước đã bị hạn chế quyền lực, bị khống chế, kiểm soát bởi các cơ quan dân cử, bởi sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đảng phái chính trị, bởi các tổ chức phi chính phủ, bởi báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng (mass media), v.v… Nó không trở thành món đồ cổ ở bảo tàng viện như lời dự đoán mang nhiều tính chất tưởng tượng của Engels, nhưng cũng không còn là bộ máy quan liêu đứng trên, tách rời khỏi nhân dân như đã từng bị nhiều nhà tư tưởng, nhà văn phê phán; bởi vì người ta đã tìm ra nhiều biện pháp để kiểm soát, điều khiển nó.
Một lý thuyết đúng đắn về nhà nước không thể coi nhà nước là một thứ quái vật như Marx đã từng hình dung, nhưng cũng không thể thần thánh hoá nó. Nhà nước, cũng như những thực thể khác trong xã hội loài người, có mặt tốt và có mặt xấu, có khía cạnh tích cực và có khía cạnh tiêu cực. Chỉ nhìn thấy một trong hai mặt ấy, hoặc tìm cách phủ nhận bằng tư duy trừu trượng một trong hai mặt ấy, đều là bóp méo sự vật, đem lại cái nhìn phiến diện; và những giải pháp xuất phát từ những cái nhìn như thế chỉ có thể đem lại sự thất bại mà thôi.

[1]Marcel Liebman, La révolution bolchéviste, collection “Marabout université”, Ed. Gérard & C°, Verviers – Belgique, 1967, tr. 390.
[2]Nguyên văn lời nhận xét của Lenin về chế độ dân chủ tư sản : “Chế độ dân chủ tư sản, tuy là một tiến bộ lịch sử vĩ đại so với thời trung cổ, song trước sau nó vẫn là (…) một chế độ dân chủ chật hẹp, bị cắt xén, giả hiệu, giả dối, một thiên đường cho bọn giàu có, một cái cạm bẫy và một cái mồi giả dối đối với những người bị bóc lột, đối với những người nghèo. (V. I. Lê-nin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974, tr.30)

Thư mục
Phần lớn các trích dẫn từ các tác phẩm của Marx và Engels đều dựa trên bộ Tuyển tập Mác & Ăng-ghen do Nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội, và nhà xuất bản Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức) cộng tác xuất bản trong những năm 1980-1984. Bộ này gồm 6 tập, được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Các trích dẫn từ các bản dịch khác đều có ghi rõ xuất xứ.
Sách:
  • Aron, Raymond: Démocratie et totalitarisme, Gallimard, Collection “Idées”, Paris, 1965.
  • Deutscher, Isaac: Staline, Gallimard, Paris, 1964.
  • Engels, Fr.: L’origine de la famille, de la propriété et de l’Etat, traduit par Bracke(A. M. Desrousseaux), Alfred Costes, Paris, 1946.
  • Histoire de l’U.R.S.S., Editions du Progrès, Moscou, 1977.
  • Laidler, Harry W.: History of Socialism, Thomas Y. Crowell Company, New York, 1968.
  • Lenin, V .I.: Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1973.
  • Lenin, V. I.: Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974.
  • Lenin, V. I.: Lênin toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1978
  • Lenin, V. I.: Nhà nước và cách mạng, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1974.
  • Lénine, V. I. La révolution bolchéviste, Petite bibliothèque Payot, Paris, 1963.
  • Liebman, Marcel: La révolution bolchéviste, collection “Marabout université”, Ed. Gérard & C(, Verviers-Belgique, 1967.
  • Marx, K. & Engels, Fr.: Œuvres choisies, Editions du Progrès, Moscou, 1979.
  • Mác & Ăng-Ghen: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà nội, và Nxb Dietz Verlag (Berlin, Đông Đức) cộng tác xuất bản, 1980-1984, 6 tập.
  • Essential Works of Marxism, Edited by Arthur P. Mendel, Bantam Books, Bantam Matrix Edition, New York, 1965.
  • Parkinson, C. Northcote: L’évolution de la pensée politique, Gallimard, Paris, 1964, tome I.
  • Phan Khoang: Trung Quốc sử lược, Văn sử học, Sài-gòn, 1970.
  • Sassoon, Donald: One Hundred Years of Socialism, Harper Collins Publishers, Fontana Press, Paperback Edition, London, 1997.
  • Từ điển Bách khoa toàn thư điện tử:
    • Microsoft® Encarta® Encyclopedia 2001. © 1993-2000 Microsoft Corporation.
  • Encyclopædia Britannica 2000. Copyright © 1994-2000 Encyclopædia Britannica, Inc.
  • Đà Lạt 2000-2001
     
     

    No comments: