Chương 7
Dân chủ vô sản: từ lý luận đến hiện thực
Phần lớn những luận điểm mà Lenin nêu ra trong Nhà nước và cách mạng thực ra chỉ là giải thích lại những quan điểm của Marx và Engels. Nếu có một cái gì có thể gọi là mới, là sáng tạo của riêng Lenin thì đó chính là khái niệm dân chủ vô sản. Lúc
còn sống, Marx và Engels chưa hề nói đến dân chủ vô sản, mà chỉ nói đến
chuyên chính vô sản. Có lẽ do chỗ hai ông đều cho rằng cách mạng vô sản
chỉ có thể thành công bằng cách nổ ra đồng loạt ở những nước tiên tiến
nhất, và chuyên chính vô sản chỉ là nhà nước tạm thời nên hai ông không
xác định đó là một chế độ dân chủ, một nền dân chủ.
*
[1]Marcel Liebman, "La révolution russe", collection Marabout université, Ed. Gérard & C°, Verviers-Belgique, 1967, tr. 368.
Tiến hơn một bước so với hai nhà cách mạng tiền bối, Lenin đưa ra khái niệm dân chủ vô sản (proletarian democracy, démocratie prolétarienne) để đối lập với khái niệm dân chủ tư sản. Khi đưa ra khái niệm này, Lenin nhằm vào những khía cạnh sau đây:
Một là, Lenin muốn làm rõ việc giai cấp vô sản, sau khi đập bỏ nhà nước tư sản, đã thay thế vào đó một cái không phải là nhà nước theo đúng nghĩa của từ ấy nữa:
… chế độ
dân chủ, từ chỗ là dân chủ tư sản đã biến thành dân chủ vô sản, từ chỗ
là nhà nước (= lực lượng đặc biệt để trấn áp một giai cấp nhất định) nó
biến thành một cái gì thực ra không phải là nhà nước hiểu theo nghĩa
thật sự nữa. (Lenin, Nhà nước và cách mạng, sđd., tr. 68)
Hai là, Lenin muốn đối lập khái niệm dân chủ vô sản với khái niệm dân chủ thường dùng, mà ông gán cho cái nhãn là dân chủ tư sản. Theo ông, dân chủ vô sản là dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân, dân chủ cho người nghèo; còn dân chủ tư sản chỉ là dân chủ cho một thiểu số rất nhỏ, dân chủ cho người giàu. (Sđd, tr. 139-144)
Quan
niệm này được Lenin phát triển chẳng những nhằm để chống lại giai cấp
tư sản, mà còn nhằm để chống lại các nhà lý luận của Quốc tế II, như
Kautsky chẳng hạn. Năm 1919, ông viết:
Chế độ dân
chủ tư sản, tuy là một tiến bộ lịch sử vĩ đại so với thời trung cổ,
song trước sau nó vẫn là, - và dưới chế độ tư bản nó không thể không là -
một chế độ dân chủ chật hẹp, bị cắt xén, giả hiệu, giả dối, một thiên
đường cho bọn giàu có, một cái cạm bẫy và một cái mồi giả dối đối với
những người bị bóc lột, đối với những người nghèo. (Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, sđd, tr.30)
Ba là,
việc đưa ra khái niệm dân chủ vô sản đối lập với khái niệm dân chủ tư
sản giúp Lenin biện minh cho việc thực hiện chuyên chính đối với giai
cấp bóc lột:
Đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ – lần đầu tiên
biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân
chứ không phải cho bọn nhà giàu – chuyên chính vô sản còn thực hành một
loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn
tư bản. Chúng ta phải trấn áp bọn đó để giải phóng nhân loại khỏi chế độ
nô lệ làm thuê, phải dùng bạo lực để đập tan sự phản kháng của chúng,
và chỗ nào có trấn áp, có bạo lực, thì đương nhiên là chỗ đó không có tự
do mà cũng không có dân chủ. (Lenin, Nhà nước và cách mạng, sđd., tr. 142)
Dân chủ vô sản không dựa trên chế độ đại nghị mà dựa trên một nền dân chủ trực tiếp tương
tự như chế độ dân chủ thời nguyên thuỷ của nhân loại. Đáp lại sự phê
phán của Bernstein đối với “chủ nghĩa dân chủ nguyên thuỷ”, Lenin viết:
Cũng như tất cả bọn cơ hội chủ nghĩa, cũng như bọn Cau-xky ngày nay, Béc-stanh hoàn toàn không hiểu rằng, một là không thể nào
chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội mà không “trở về” ít
nhiều với chủ nghĩa dân chủ “nguyên thuỷ” (vì xét đến cùng, làm thế nào
khác thế được để khiến cho đa số dân chúng, hơn nữa, khiến cho toàn thể
dân chúng làm được những chức năng của nhà nước?); hai là, “chủ nghĩa
dân chủ nguyên thuỷ”, dựa trên cơ sở chủ nghĩa tư bản và văn hoá tư bản
chủ nghĩa, không phải là chủ nghĩa dân chủ nguyên thuỷ của những thời
nguyên thuỷ hoặc tiền tư bản chủ nghĩa. Văn hoá tư bản chủ nghĩa đã tạo ra nền sản xuất lớn, những công xưởng, những đường sắt, bưu chính, điện thoại,v.v…, và trên cơ sở ấy,
tối đại đa số những chức năng của “chính quyền nhà nước” cũ đã được đơn
giản hoá, và có thể biến thành những công việc vào sổ, ghi chép, kiểm
tra đơn giản đến nỗi những chức năng ấy có thể hoàn toàn hợp với sức của
hết thảy mọi người biết chữ, đến nỗi những chức năng ấy hoàn toàn có
thể làm được với một số “tiền lương công nhân” thông thường, cho nên
người ta có thể (và cần phải) tước bỏ tất cả mọi dấu vết đặc quyền, “cấp
bậc” của những chức năng ấy đi. (Lenin, Sđd, tr.70-71)
Theo
Lenin, chế độ dân chủ vô sản là chế độ dân chủ của đại đa số dân cư,
của những người lao động bị bóc lột, vì vậy nó ưu việt hơn chế độ dân
chủ tư sản:
Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền xô-viết so với nước cộng hoà tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần. (Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, sđd., tr. 39)
Với một niềm lạc quan cao độ, Lenin hoàn toàn tin tưởng rằng sau khi phá bỏ nhà nước cũ, có thể xây dựng một nhà nước kiểu mới
trong đó mọi người lao động đều có thể tham gia vào công tác hành
chính, không cần đến bộ máy quan liêu (tức là bộ máy công chức). Nhà
nước kiểu mới đó sẽ dần dần tự tiêu vong khi xã hội bước vào giai đoạn cao của xã hội cộng sản (chủ nghĩa cộng sản), tức là khi sản xuất đã phát triển đến mức có thể áp dụng nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Còn trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản (chủ nghĩa xã hội),
tức là giai đoạn áp dụng nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao
động”, thì nhà nước vô sản vẫn còn tồn tại vì còn phải trấn áp thiểu số
bóc lột, nhưng việc trấn áp này không khó khăn lắm và không đòi hỏi phải
có một bộ máy tốn kém:
Tiếp nữa, trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, sự trấn áp vẫn còn
tất yếu, nhưng nó đã là sự trấn áp của đa số bị bóc lột đối với thiểu
số bóc lột. Cơ quan đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là “nhà nước” vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là nhà nước quá độ, mà không còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa, vì việc đa số người hôm qua
là nô lệ làm thuê trấn áp thiểu số người bóc lột, là việc tương đối dễ
dàng, đơn giản, tự nhiên, nên sẽ rất ít tốn máu hơn việc trấn áp những
cuộc khởi nghĩa của nô lệ, của nông nô, của công nhân làm thuê, nên, đối
với nhân loại, sẽ ít tốn kém hơn nhiều. (…) Bọn bóc lột dĩ nhiên là
không thể trấn áp được nhân dân, nếu không có một bộ máy trấn áp rất
phức tạp để làm nhiệm vụ đó, còn nhân dân thì dầu chỉ có một “bộ máy” rất giản đơn, hầu như không cần có “bộ máy” nữa, không cần có cơ quan đặc biệt nữa, mà chỉ với tổ chức quần chúng vũ trang đơn giản (đại
loại như Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ, - đây là chúng tôi xin
nêu trước như vậy), cũng có thể trấn áp được bọn bóc lột. (Lenin, Nhà nước và cách mạng, sđd, tr.145)
Một khi các giai cấp bị bóc lột bị trấn áp xong, vẫn còn có những đối tượng cần trấn áp, đó là một số cá nhân có những hành vi thái quá, nhưng việc trấn áp những phần tử như vậy cũng không khó khăn gì, và cũng không ngăn cản quá trình tự tiêu vong của nhà nước:
Chúng ta không phải là những người không tưởng, và chúng ta nhận rằng những hành vi thái quá của một số cá nhân
là có thể có và không thể nào tránh được, chúng ta cũng không phủ nhận
sự cần thiết phải trấn áp những hành vi thái quá ấy. Nhưng, trước hết,
tuyệt nhiên không cần phải có một bộ máy đặc biệt, một bộ máy trấn áp
đặc biệt để trấn áp; nhân dân vũ trang sẽ tự mình làm việc đó một cách
cũng giản đơn, cũng dễ dàng như bất cứ một đám đông những người văn minh
nào, ngay trong xã hội hiện nay, đứng ra can những người đánh nhau hay
ngăn không cho ức hiếp phụ nữ. Thứ nữa, chúng ta biết rằng nguyên nhân
xã hội sâu xa của những hành vi thái quá vi phạm quy tắc của cuộc sống
chung trong xã hội, là sự bóc lột những quần chúng lâm vào cảnh thiếu
thốn, cùng khổ. Một khi gạt bỏ được nguyên nhân chủ yếu ấy, thì những
hành vi thái quá tất nhiên sẽ bắt đầu “tiêu vong”. Những hành vi
đó tiêu vong mau chóng như thế nào, mức độ như thế nào, thì chúng ta
không biết, nhưng chúng ta biết rằng chúng thế nào cũng sẽ tiêu vong. Và
cùng với sự tiêu vong đó, nhà nước cũng sẽ tiêu vong theo. (Sđd, tr. 146)
Nhà nước vô sản tiêu vong tức là chế độ dân chủ vô sản cũng tiêu vong, nhường chỗ cho một xã hội hoàn toàn không có nhà nước, trong xã hội đó “sự tất yếu phải tuân theo những quy tắc đơn giản và cơ bản của mỗi xã hội loài người sẽ rất mau trở thành một tập quán.”(Sđd, tr. 164).
Như vậy, khái niệm dân chủ vô sản thực
ra là một khái niệm được nêu ra nhằm đối phó với quan điểm của những
người cải cách, kể cả những người xét lại một cách triệt để như
Bernstein cũng như những người có lập trường trung dung hơn như Kautsky.
Lenin có ý muốn biện minh cho quan niệm chuyên chính vô sản, cho con đường cách mạng
(đập tan hoàn toàn bộ máy nhà nước cũ để xây dựng một bộ máy nhà nước
hoàn toàn mới). Cho nên nền tảng của của khái niệm “dân chủ vô sản”
chính là khái niệm “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính nhưng lại rất dân
chủ, chuyên chính để có đân chủ: chuyên chính đối với thiểu số để có
dân chủ đối với đa số, chuyên chính đối với giai cấp bóc lột để có dân
chủ đối với giai cấp vô sản và nhân dân lao động nói chung. Chúng ta thử
xét xem khi hai khái niệm đối nghịch này cùng được nhét chung vào một
bị thì hậu quả sẽ như thế nào?
Mặc dù Marx và Engels đề cao Công xã Paris, coi đó là nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới;
nhưng nhà nước này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (72 ngày), và
trong một hoàn cảnh đặc biệt (thù trong, giặc ngoài), cho nên không thể
coi là một nhà nước vô sản kiểu mẫu, đúng nghĩa được. Có thể nói chính
Lenin mới là người đầu tiên áp dụng chuyên chính vô sản vào thực
tế. Không chỉ đề cao khái niệm này, coi đó là tiêu chuẩn thực sự phân
biệt những người mác-xít chân chính với những người giả-mác xít, ông còn
tô vẽ cho nó một bộ mặt dân chủ, và chỉ đạo thực hiện mô hình đã vạch
ra.
Mâu thuẫn đầu tiên mà Lenin phải giải quyết sau Cách mạng tháng Mười là mâu thuẫn giữa một bên là quốc gia - dân tộc và một bên là giai cấp. Khi phải chọn giữa Quốc hội lập hiến (được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu bởi tất cả các giai cấp) và các Xô-viết (chỉ
đại biểu cho những người lao động, nghĩa là loại bỏ những tầng lớp tư
sản và quý tộc), Lenin đã kiên quyết chọn các Xô-viết, nghĩa là chọn
giai cấp thay vì quốc gia–dân tộc.
Trong
thực tế, cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra sau Cách mạng tháng Mười Nga đã
dẫn đến kết quả là Đảng bolshevik chỉ chiếm thiểu số trong Quốc hội mới.
Đảng bolshevik chỉ chiếm 175 trong tổng số 707 ghế; nếu cộng thêm 40
ghế của những người xã hội-cách mạng cánh tả (là những người ủng hộ Đảng
bolshevik) thì cũng chỉ đạt 215 ghế. Trong khi đó, chỉ riêng những
người xã hội-cách mạng cánh hữu đã chiếm đến 370 ghế, chưa kể đến những
nhóm khác không có cảm tình với Đảng bolshevik [1]
. Những người bolshevik đặt ra kế hoạch giải tán Quốc hội như sau: họ
soạn sẵn một nghị quyết lấy tên là “Tuyên ngôn về quyền của những người
lao động và bị bóc lột” trong đó xác nhận việc đặt quyền lực của Quốc
hội dưới quyền lực của các Xô-viết, nhằm buộc Quốc hội thông qua, nếu
không được thì giải tán Quốc hội.
Ngày 18
tháng 1 năm 1918 Quốc hội lập hiến nhóm họp tại lâu đài Tauride ở
Petrograd trong một bầu không khí hết sức căng thẳng. Các thuỷ thủ và vệ
binh đỏ bao vây lâu đài, các phái đoàn đến chào mừng Quốc hội đều bị
giải tán bằng những phát súng. Những người bolshevik có vũ trang tràn
ngập các khán đài. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn họp, và bầu Chernov – một
lãnh tụ xã hội - cách mạng, làm chủ tịch. Lenin đến dự phiên họp nhưng
không ngồi vào chỗ dành riêng cho ông mà nằm dài trên lối đi giữa những
hàng ghế, khi thì cuời phá lên, khi lại giả vờ ngủ; sau cùng, ông đứng
dậy và bỏ ra khỏi phòng họp, dành việc “kết thúc" phiên họp cho các cận
vệ của ông [2] .
Bản
tuyên ngôn do những người bolshevik đề nghị bị bác bỏ, do đó những đại
biểu bolshevik và các đại biểu xã hội - cách mạng ủng hộ họ rời bỏ phòng
họp. Quốc hội họp đến tận buổi tối, giữa tiếng la huyên náo của đám
đông bolshevik ngồi đầy các khán đài. Sau cùng, một thuỷ thủ lên diễn
đàn nhắc nhở chủ tịch rằng cần phải chấm dứt phiên họp vì đội cảnh vệ
“đang cần ngủ”. Quốc hội bế mạc, và không bao giờ họp trở lại được nữa.
Ngày
hôm sau Ban chấp hành Trung ương các Xô-viết đã thông qua một sắc lệnh
giải tán Quốc hội lập hiến. Marcel Liebman nhận xét:
Như vậy là chấm dứt giai đoạn đại nghị của lịch sử nước Nga. Nó chỉ kéo dài chưa đến 24 tiếng đồng hồ. (Marcel Liebman, Sđd, tr. 371)
Việc
giải tán Quốc hội lập hiến đã bị dư luận các nước phương tây đánh giá
là “một cuộc đảo chính chống lại nền dân chủ”. Nhưng nếu xét theo quan
điểm đập tan nhà nước cũ, xoá bỏ chế độ đại nghị mà Lenin đã chấp nhận trong Nhà nước và cách mạng, thì hành động này hoàn toàn hợp lôgic.
Điều
đáng nói là vấn đề này đã trở thành một lý do tranh cãi giữa những
người dân chủ - xã hội và những người cộng sản. Kautsky phê bình những
người bolshevik đã “thủ tiêu chế độ dân chủ mà nhân dân Nga đã giành
được trong cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917”. Ông cho rằng trước kia
Lenin rất hăng hái đòi hỏi triệu tập Quốc hội lập hiến; và chỉ vì những
người bolshevik chiếm thiểu số trong Quốc hội cho nên Lenin coi Xô-viết
cao hơn Quốc hội và tìm cách giải tán Quốc hội. Lenin cho đó là điều bịa
đặt, và trả lời rằng ông đã bác bỏ chế độ đại nghị tư sản ngay từ trước
Cách mạng tháng Mười Nga:
… mọi
người đều biết rằng, ngay từ ngày đầu tiên khi tôi trở về Nga, ngày 4
tháng Tư năm 1917, tôi đã đọc trước công chúng những đề cương, trong đó
tôi tuyên bố rằng một nhà nước kiểu Công xã Pa-ri ưu việt hơn là nền
cộng hoà đại nghị tư sản. (Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, sđd, tr.71)
Ông
gọi Kautsky là “một kẻ vô lại đã bán mình cho giai cấp tư sản”, và đánh
giá quan điểm của Kautsky về vấn đề Quốc hội lập hiến là một “quan điểm
hình thức”:
Trong đề
cương của tôi, tôi đã nói rõ ràng và nhắc lại nhiều lần rằng lợi ích của
cách mạng cao hơn các quyền hạn hình thức của Quốc hội lập hiến (…).
Quan điểm dân chủ thuần tuý hình thức chính là quan điểm của người dân
chủ tư sản, là kẻ không thừa nhận rằng lợi ích của giai cấp vô sản và của cuộc đấu tranh giai cấp của vô sản cao hơn hết. (Sđd, tr.76)
Để đạt thắng lợi cho giai cấp vô sản, Lenin đã bất chấp mọi quy tắc của nền dân chủ, mà ông coi là dân chủ tư sản, dân chủ thuần tuý, dân chủ hình thức; đồng thời cũng bất chấp mọi thứ luật pháp, như ông đã viết:
Chuyên chính là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả.
Chuyên
chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô
sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản, chính
quyền không bị một luật pháp nào hạn chế cả. (Sđd, tr. 18)
Đối với Lenin, các Xô-viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân chính là một nhà nước kiểu mới. Ông hy vọng qua đó tạo điều kiện cho mọi người lao động được tham gia vào việc quản lý nhà nước, và bằng cách đó nền dân chủ xô-viết sẽ trở thành dân chủ gấp triệu lần so với nền dân chủ tư sản.
Trong
thực tế, việc phá huỷ bộ máy nhà nước cũ, xây dựng nhà nước kiểu mới
không dễ dàng như Lenin đã tưởng. Vào cuối năm 1920, Lenin đã phải thừa
nhận công khai rằng nước Nga xô-viết là một “Nhà nước công nhân với sự
biến dạng quan liêu” (Marcel Liebman, Sđd, tr. 399). Tại Đại hội lần thứ XI của Đảng cộng sản (b) [3] Nga (tháng 3 năm 1922), ông đã nêu một dẫn chứng đáng kinh ngạc:
Lực lượng
kinh tế mà nhà nước vô sản Nga đang nắm trong tay hoàn toàn đủ bảo đảm
cho bước chuyển sang chủ nghĩa cộng sản. Như vậy thì thiếu cái gì? Rõ
ràng, cái còn thiếu chính là trình độ văn hoá của những người cộng sản
lãnh đạo. Nhưng nếu ta lấy Mát-xcơ-va – nghĩa là lấy 4700 đảng viên cộng
sản phụ trách – và đem đối chiếu với bộ máy quan liêu, với cái khối to
lớn ấy, thử hỏi ai lãnh đạo ai? Tôi rất không tin là có thể nói được
rằng những người cộng sản đang lãnh đạo. Nói cho đúng ra, không phải họ
lãnh đạo. Mà chính là họ bị lãnh đạo. (Lênin, "Báo cáo chính trị của Ban
chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga", Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Matxcơva 1978, tr. 114)
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao gần 5 năm sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, nghĩa là sau khi Lenin đã đập tan bộ máy nhà nước cũ, mà vẫn còn tồn tại bộ máy quan liêu? Và điều đáng nói là ở nhiều nơi, bộ máy quan liêu ấy
đã điều khiển Đảng cộng sản bolshevik chứ không phải ngược lại! Mặc dù
Lenin đưa ra lý do là những người cộng sản thiếu trình độ văn hoá, nhưng
thật ra không hẳn như vậy!
Để có thể
đánh giá đúng tầm mức nghiêm trọng của vấn đề, cần phải tìm hiểu trong
“Những bức thư và bài báo cuối cùng của Lenin” (Lê-nin, Toàn tập, tập
45, tr. 391-460), tức là những gì được viết trong thời gian ông cảm
thấy sức khoẻ suy kiệt, gần kề cái chết (từ 23.12.1922 đến 2.3.1923).
Trong Thư gửi Đại hội [4] , ông thừa nhận bộ máy nhà nước Xô-viết là “một bộ máy đang còn hết sức tồi”, là “kế thừa của chế độ cũ”:
Nếu trong
vòng năm năm mà chúng ta đã xây dựng được một kiểu nhà nước mới, trong
đó công nhân lãnh đạo nông dân đấu tranh chống giai cấp tư sản thì như
thế cũng đã tươm rồi, và trong điều kiện hoàn cảnh quốc tế thù địch thì
điều ấy cũng đã là một sự nghiệp vĩ đại. Nhưng việc nhận thức rõ điều ấy
tuyệt nhiên không thể làm cho chúng ta không nhìn thấy một điều là thực
ra chúng ta đã tiếp thu bộ máy cũ của Nga hoàng, của giai cấp tư sản,
và giờ đây, khi đã có hoà bình, những nhu cầu tối thiểu đã được bảo đảm
để thoát khỏi cảnh đói khổ, thì toàn bộ hoạt động phải được hướng vào
việc cải tiến bộ máy. (Sđd, tr. 397-398)
Trong lá thư Về vấn đề dân tộc hoặc vấn đề “tự trị hoá”
(ngày 30.12.1922), Lenin cũng thừa nhận bộ máy nhà nước Xô-viết là bộ
máy “đã vay mượn của chế độ Nga hoàng và chỉ quét lên chút ít bằng một
lớp sơn xô-viết”. Ông viết tiếp:
Còn bây
giờ chúng ta cần thành thật mà nói một điều trái lại là bộ máy mà chúng
ta gọi là của mình, thực ra vẫn còn hoàn toàn xa lạ với chúng ta, nó là
một mớ hổ lốn tư sản và Nga hoàng; cải tạo bộ máy ấy trong vòng năm năm
trong điều kiện không có sự giúp đỡ của các nước khác và trong điều kiện
chúng ta chủ yếu đang bận vào những “công việc” chiến tranh và chống
đói, - đó là điều hoàn toàn không thể làm được. (Sđd, tr. 408)
Ở
đây ta không nói đến lời bào chữa của Lenin muốn biện hộ cho cách mạng
bằng cách đổ tội cho chế độ Nga hoàng, cho chế độ tư bản,… Vấn đề đặt ra
ở đây là: sau nhiều năm hô hào đập tan bộ máy nhà nước cũ, coi
đó như điều kiện tiên quyết để tiến hành cuộc cách mạng vô sản, đến lúc
này Lenin lại thừa nhận bộ máy nhà nước mới là bộ máy được tiếp thu
từ bộ máy cũ của Nga hoàng, của giai cấp tư sản, chỉ có cái vỏ ngoài là
mới (lớp sơn xô-viết) và đã đến lúc phải tìm cách cải tiến nó. Như vậy là ông gián tiếp thừa nhận sự thất bại trong việc xoá bỏ bộ máy quan liêu, một trong hai thành tích của Công xã mà Marx đã từng ca ngợi.
Thành tích thứ hai của Công xã (giải tán quân đội thường trực),
khi đem áp dụng vào thực tế cũng đem lại kết quả tương tự. Năm 1917,
Lenin nhận định rằng “nhân dân thì dầu chỉ có một “bộ máy” rất giản đơn,
hầu như không cần có “bộ máy” nữa, không cần có cơ quan đặc biệt nữa,
mà chỉ với tổ chức quần chúng vũ trang đơn giản (…) cũng có thể trấn áp
được bọn bóc lột” (Lenin, Nhà nước và cách mạng, sđd, tr.145).
Trong thực tế, nhân dân tự vũ trang chỉ có thể giúp những người
bolshevik thành công trong khởi nghĩa, chứ không thể bảo đảm chống lại
được các lực lượng phản cách mạng trong nội chiến; vì thế, mùa hè năm
1918, quân đội thường trực được thành lập. Sắc lệnh đặc biệt về việc tổ
chức Hồng quân đánh giá rằng “cần phải thành lập quân đội đó dựa trên
khoa học quân sự, bằng cách tận dụng kinh nghiệm và kiến thức của những
chuyên gia quân sự của quân đội cũ”. [5]
Có lẽ vào lúc này, Lenin đã thấm thía tính chất không tưởng
của những ý tưởng của Marx và Engels, nhưng lại không có đủ can đảm
thừa nhận điều đó, vì thừa nhận có nghĩa là chấp nhận lập trường của
phái cải cách, nghĩa là đặt vấn đề xét lại ngay chính những bài học kinh
điển của Marx và Engels. Là một môn đệ quá trung thành, quá tin tưởng
vào Marx và Engels cho nên ông không bao giờ dám nghĩ rằng những người
thầy của mình lại có thể sai. Mặt khác, là một người rất tự cao, ông
không thể nào thừa nhận sự sai lầm của mình trước các đối thủ mà ông đã
chửi rủa một cách thậm tệ như Kautsky, Vandervelde,...
Việc
không dám nhìn thẳng vào sự thật đó khiến cho Lenin lúng túng về mặt lý
luận. Điều này bộc lộ ngay trong đề án mà ông dồn hết tâm huyết và sức
lực cuối cùng để gửi Đại hội Đảng lần thứ XII, được trình bày qua hai
bài viết cuối cùng: Chúng ta phải cải tổ Bộ dân uỷ Thanh tra Công nông như thế nào? (23.1.1923) và Thà ít mà tốt (2.3.1923) (Lenin, Toàn tập, tập 45, sđd, tr.435-460).
Trong
hai bài viết nói trên, Lenin đề nghị “mở một cuộc thi soạn hai cuốn
sách giáo khoa, hoặc nhiều hơn nữa, viết về tổ chức công tác nói chung,
và đặc biệt là về công tác quản lý”. Ông nêu ví dụ về hai cuốn sách của
Ec-man-xki và Kéc-gien-txép, là những cuốn sách nói về phương pháp
Taylor, với hy vọng sử dụng những kinh nghiệm đó của chủ nghĩa tư bản để
cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước. Ông còn đề nghị “cử
một vài người có năng lực và tận tâm sang Đức hay sang Anh để sưu tầm
tài liệu và nghiên cứu vấn đề”, thậm chí “sang Mỹ hay Canada”.
Nhưng
điều khó khăn hơn hết là ở chỗ: chính quyền xô-viết, xét về bản chất
vẫn là bộ máy nhà nước kiểu cũ, nhưng nó lại được lãnh đạo bởi Đảng cộng
sản bolshevik Nga. Có thể nói nó là một sự hỗn hợp giữa bộ máy quan liêu của Nga hoàng, của Kerensky với bộ máy của Đảng cộng sản bolshevik Nga, và được hướng dẫn về lý thuyết bởi chủ nghĩa Marx.
Nếu chỉ cải tiến lề lối làm việc của bộ máy nhà nước bằng cách dựa vào
kinh nghiệm của các nước tư bản thì vẫn không thể giải quyết được vấn
đề, vì nguy cơ lớn nhất nằm ngay trong cơ quan đầu não của Đảng, như Lenin đã cảnh báo trong Thư gửi Đại hội.
Để
giải quyết được mâu thuẫn nói trên, Lenin đề nghị cải tiến bộ máy nhà
nước (và của đảng) bằng cách “hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra
của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền”. Bộ máy kiểm tra của đảng
tức là Ban kiểm tra Trung ương. Lenin hy vọng rằng Ban kiểm tra trung
ương (với khoảng từ 75 đến 100 uỷ viên mới được lựa chọn từ công nhân và
nông dân) sẽ góp phần chấn chỉnh lại Đảng bolshevik đang có nguy cơ bị
chia rẽ:
Và những
uỷ viên Ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng
nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ chính trị, sẽ phải là một nhóm cố
kết, nó, “không được vị nể cá nhân”, phải giữ gìn sao cho không một
quyền uy nào của Tổng bí thư hay là của một uỷ viên nào trong Ban chấp
hành trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và
nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức
đúng đắn. (Sđd, tr. 440)
Mặt
khác, bằng cách kết kợp Ban kiểm tra trung ương của đảng với Bộ dân uỷ
thanh tra công nông của nhà nước (gồm khoảng 300-400 nhân viên được lựa
chọn cẩn thận), Lenin hy vọng dùng quyền lực của Đảng để nâng cao uy tín
của Bộ dân uỷ này. Với kinh nghiệm học được từ các nước tư bản, Bộ này
sẽ cải tiến được bộ máy của nước Nga xô-viết, sẽ góp phần chống được chủ
nghĩa quan liêu, bởi vì “bọn quan liêu ấy đang tồn tại không những
trong các cơ quan xô-viết mà cả trong các cơ quan đảng nữa” (Sđd, tr. 451).
Có một chi tiết đáng nêu ra ở đây: đó là việc trả lương cho các viên chức Nhà nước ngang với mức tiền lương của công nhân. Như chúng ta đã biết, đây là một trong hai biện pháp chống quan liêu của Công xã mà Engels đã đề cao là rất hữu hiệu. Trong Nhà nước và cách mạng,
Lenin đã nhiệt liệt bênh vực cho biện pháp này, chống lại ý kiến của
Bernstein. Nhưng trong đề án về việc cải tổ Bộ dân uỷ thanh tra công
nông, ông lại đề nghị như sau:
Theo kế
hoạch của tôi thì số 300 đến 400 nhân viên của Bộ dân uỷ thanh tra công
nông hiện còn lại, một mặt sẽ làm nhiệm vụ thư ký cho những uỷ viên khác
trong Bộ dân uỷ thanh tra công nông cũng như cho những uỷ viên mới của
Ban kiểm tra trung ương; mặt khác, họ sẽ phải có khả năng công tác cao,
phải được thanh tra một cách cẩn thận, phải là người đặc biệt tin cẩn,
và sẽ được hưởng lương cao giúp cho họ thoát khỏi hoàn cảnh thật sự là
khốn khổ (nếu không phải là hơn thế) như hoàn cảnh hiện thời của những
viên chức trong Bộ dân uỷ thanh tra công nông (Sđd, tr. 438).
Điều
đó có nghĩa là Lenin bắt đầu thấy rõ việc trả lương cho viên chức nhà
nước ngang với lương công nhân cũng tỏ ra là một biện pháp không tưởng.
Thực
tế lịch sử của Liên Xô sau khi Lenin mất đã chứng minh rằng đề án mà
ông đề nghị với Đại hội XII (về việc cải tổ Bộ dân uỷ thanh tra công
nông) là một dự án không có hiệu quả. Lenin muốn ngăn ngừa sự chia rẽ
trong Đảng, nhưng sự chia rẽ giữa Stalin và Trotsky mà ông nhìn thấy
trước, vẫn diễn ra theo một chiều hướng còn vượt quá sự tưởng tượng của
chính ông: chẳng những loại bỏ Trotsky, Stalin còn lần lượt loại bỏ hầu
hết những nhà lãnh đạo của Đảng bolshevik thuộc thế hệ đầu tiên như:
Zinoviev, Kamenev, Bukharin, nguyên soái Tukhachevsky...; đó là chưa kể
đến sự thanh trừng tàn nhẫn đối với chính những thuộc hạ của ông [6] .
Việc xoá bỏ những nguyên tắc của chế độ đại nghị, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đã
tước mất của chế độ dân chủ vô sản cái khả năng ngăn chặn xu hướng
chuyên chính hoá, quan liêu hoá. Có thể nói sự thất bại của Lenin và
Đảng cộng sản bolshevik Nga trong việc xoá bỏ bộ máy nhà nước cũ, xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới trong
thực tế đã làm cho chuyên chính vô sản ngày càng biến dạng, ngày càng
không giống với những hình ảnh đẹp đẽ mà Marx và Engels đã vẽ ra bằng
trí tưởng tượng phong phú của hai ông.
[1]Marcel Liebman, "La révolution russe", collection Marabout université, Ed. Gérard & C°, Verviers-Belgique, 1967, tr. 368.
[2]Lénine, La révolution bolchéviste, Petite bibliothèque Payot, Paris 1963, tr. 26.
[3](b): viết tắt của chữ bolshevik.
[4]Thường được gọi là “Di chúc của Lenin”.
[5]Histoire de l’U.R.S.S., Editions du Progrès, Moscou, 1977, tr. 82.
[6]Theo
tiết lộ của Khrushchev, trên tổng số gần 2000 đại biểu dự Đại hội lần
thứ XVII (năm 1934) của ĐCSLX (một đại hội thể hiện sự chiến thắng hoàn
toàn của phe Stalin), gần 60% đã bị bắt giam vì những tội phản cách
mạng, chủ yếu trong những năm 1937-1938. Cũng trong thời gian thanh
trừng nói trên, trong tổng số 130 uỷ viên Ban chấp hành trung ương được
bầu, 98 người (nghĩa là 70%) bị bắt và bị hành quyết (Isaac Deutscher, Staline, Gallimard, Paris 1964, tr. 689; Raymond Aron, "Démocratie et totalitarisme", Collection Idées, Gallimard, Paris 1965, tr. 278-279).
hết: Chương 7, xem tiếp: Chương 8
|
Copy Sách Truyện từ Vnthuquan mà không ghi rõ nguồn và người đánh máy là hành động ăn cắp đáng xấu hổ!
Nguồn: Talawas
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 8 tháng 10 năm 2005
Nguồn: Talawas
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 8 tháng 10 năm 2005
Chương 8
Từ chuyên chính vô sản đến chuyên chính của đảng
Trái với dự kiến của Marx và Engels, quan niệm “chuyên chính vô sản” khi đem áp dụng vào thực tế đã không tạo ra được một nhà nước kiểu mới chuẩn bị cho sự tiêu vong của chính mình,
mà cũng không thể tạo ra những thiết chế dân chủ hơn so với chế độ dân
chủ tư sản. Lịch sử trong thế kỷ XX đã cho thấy quan niệm ấy chỉ dẫn đến
sự ra đời của một chế độ chuyên chính kiểu mới, về bản chất có
nhiều điểm tương đồng với các chế độ độc tài (chuyên chính) đã từng có
trong lịch sử, nhưng về hình thức thì được hiện đại hoá, và được tô vẽ
bằng một bề ngoài cách mạng, dân chủ.
Nhà nước xô-viết - nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, trong thực tế đã trở thành một nhà nước tiêu biểu cho chế độ toàn trị
(totalitarianism, totalitarisme), nghĩa là một thể chế trong đó Nhà
nước khống chế, kiểm soát toàn bộ các hoạt động của xã hội. Nhận xét về
nhà nước xô-viết dưới thời Stalin, Raymond Aron cho rằng hiện tượng toàn trị thể hiện ở năm yếu tố như sau:
- Một đảng duy nhất nắm độc quyền trong hoạt động chính trị.
Sau
Chiến tranh Thế giới thứ hai, chuyên chính vô sản được nhân rộng ra
nhiều nước trên thế giới: ở Đông Âu, châu Á, châu Mỹ la-tinh,... Nhưng
dù mang hình thức nào, xô-viết hay dân chủ nhân dân, chuyên chính vô sản cũng là một chế độ toàn trị, biểu hiện qua tình trạng độc quyền toàn diện.
Chế
độ toàn trị tuy có những điểm tương đồng nhưng cũng có những đặc điểm
riêng làm cho nó khác với các chế độ độc tài khác trong xã hội hiện đại.
Trong khi một số chế độ độc tài (như của Salazar ở Bồ Đào Nha) chỉ độc
quyền về chính trị nhưng vẫn cho phép xã hội dân sự tồn tại ở một mức dộ
nhất định, thì chế độ toàn trị không cho phép bất cứ một hội đoàn, tổ
chức xã hội nào hoạt động, ngoại trừ các tổ chức do Đảng lập ra hoặc
kiểm soát, chi phối. Trong khi chế độ quốc xã của Hitler công khai bác
bỏ các giá trị dân chủ thì chế độ toàn trị một mặt áp dụng các biện pháp
độc tài, chuyên chế, mặt khác lại tự đề cao mình như một chế độ dân chủ
ưu việt nhất, đích thực nhất. Dựa trên thực tế của nhà nước xô-viết,
chúng ta có thể xem xét chế độ toàn trị trên ba phương diện:
Trước hết là nạn độc quyền về chính trị.
Mặc
dù trong quan niệm của Marx và Engels, chuyên chính vô sản là chuyên
chính của cả một giai cấp, và giai cấp này theo dự kiến của Marx sẽ ngày
càng chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội, nhưng trong thực tế, chuyên chính vô sản đã dần dần trở thành chuyên chính của Đảng cộng sản.
Có
hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng độc quyền chính trị này. Trước hết
là việc chối bỏ những nguyên tắc của chế độ đại nghị. Theo dự kiến của
Marx, hành động đập tan bộ máy nhà nước cũ sẽ tạo điều kiện cho giai cấp
vô sản nói riêng và nhân dân lao động nói chung trực tiếp nắm lấy quyền
lực chính trị, không cần đến bộ máy nhà nước chuyên môn hoá nữa. Nhưng
những lời thú nhận của Lenin trước khi mất cho thấy dự kiến này là một
ảo tưởng. Xã hội hiện đại không thể không cần đến bộ máy nhà nước, vì
vậy một khi bộ máy nhà nước cũ bị đập tan thì ngay lập tức một bộ máy
khác sẽ thay thế vào đó. Bộ máy nhà nước mới, cho dù mang hình thức mới,
về bản chất vẫn là một bộ máy nhà nước tách rời khỏi xã hội. Do chỗ
những nguyên tắc của chế độ đại nghị bị chối bỏ, bộ máy này không gặp
một sự ngăn cản, hạn chế nào trên con đường phát triển theo chiều hướng
chuyên chính hoá, quan liêu hoá. Các đảng phái chính trị khác lần lượt
bị loại bỏ hoặc nếu còn thì cũng chỉ là hình thức trang trí; chế độ
chuyên chính vô sản về thực chất là chế độ độc đảng, trong đó
Đảng gắn chặt với Nhà nước. Nhà nước là tổ chức công khai để cai trị,
điều hành xã hội, nhưng Đảng cộng sản ở hậu trường mới là tổ chức nắm
thực quyền về chính trị.
Nguyên nhân thứ
hai bắt nguồn từ chính nguồn gốc của Đảng bolshevik Nga. Như chúng ta đã
biết, Đảng bolshevik Nga lúc đầu chỉ là một bộ phận của Đảng Dân chủ -
xã hội Nga (tên đầy đủ là Đảng Công nhân Dân chủ - xã hội Nga, Russian
Social Democratic Workers' Party). Sự khác biệt về quan điểm giữa Lenin
và các lãnh tụ khác của đảng xung quanh vấn đề tổ chức đảng đã có ngay
từ đầu thế kỷ XX. Năm 1902, Lenin cho xuất bản cuốn Làm gì?, trong đó ông lập luận rằng cuộc cách mạng ở Nga phải được lãnh đạo bởi một đảng bao gồm những nhà cách mạng chuyên nghiệp, được tổ chức theo kỷ luật kiểu quân sự,
nhằm lãnh đạo quần chúng công nhân đến thắng lợi. Tại Đại hội lần 2 của
Đảng DCXH Nga (năm 1903), quan niệm của Lenin về tổ chức đảng đã giành
được sự ủng hộ của đa số đại biểu, do đó mà phe ủng hộ Lenin được gọi là
phái bolshevik (trong tiếng Nga có nghĩa là đa số); trong khi
phe chủ trương đảng phải được tổ chức một cách lỏng lẻo hơn, mở rộng hơn
– trong đó có Martov, chỉ chiếm được thiểu số, được gọi là phái menshevik
(theo tiếng Nga có nghĩ là thiểu số). Cuộc đấu tranh giữa những người
bolshevik và menshevik đã dẫn đến kết quả là vào năm 1912, những người
bolshevik tách ra để thành lập một đảng độc lập lấy tên là Đảng
bolshevik Nga.
Có thể nói tính chất kỷ kuật sắt là
một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng bolshevik.
Trong hoàn cảnh của những nước lạc hậu về kinh tế, trình độ dân trí
không cao, phong trào cách mạng chịu sự đàn áp ác liệt của các thế lực
bảo thủ, phản động, thì trong số các đảng phái đấu tranh cho sự đổi mới,
đảng cộng sản được tổ chức theo kiểu bolshevik là tổ chức có sức chịu
đựng cao nhất, có khả năng vượt qua được những sự đàn áp khốc liệt nhất.
Chính kỷ luật sắt và ý chí cao đã giúp Đảng bolshevik giành được chính
quyền và lần lượt loại bỏ các đảng phái khác ra khỏi chính trường nước
Nga. Nhưng ưu điểm trong đấu tranh giành quyền lực lại cũng là nhược
điểm trong thời kỳ nắm chính quyền. Tính chất kỷ luật sắt, tâm lý phục tùng
là những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng tập trung quyền
hành, độc đoán, chuyên quyền, nhất là khi Đảng bolshevik độc chiếm chính
quyền.
Một số nhà nghiên cứu bênh vực
cho Lenin đã gán hết mọi sai lầm cho Stalin, và lập luận rằng nếu Lenin
còn sống, có thể chế độ xô-viết sẽ tốt hơn, dân chủ hơn. Tuy nhiên, mặc
dù chúng ta không thể lẫn lộn giữa Stalin với Lenin, nhưng cũng cần phải
thấy rằng xu hướng độc quyền chính trị đã có ngay từ thời Lenin còn
sống.
Trong tác phẩm Bệnh ấu trĩ tả khuynh của phong trào cộng sản (1920), Lenin đã giải thích về mối quan hệ giữa lãnh tụ - đảng - giai cấp - quần chúng như sau:
Thực hiện
nền chuyên chính, là do giai cấp vô sản được tổ chức trong các Xô-viết
và chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản bôn-sê-vích gồm 611000 đảng viên,
theo số liệu của Đại hội vừa qua (IV.1920). (…)
Trong công tác, đảng dựa trực tiếp vào các công đoàn mà theo số liệu của đại hội vừa qua (IV.1920) thì hiện có trên bốn triệu đoàn viên, và về hình thức thì đó là những tổ chức không đảng.
Thực ra, tất cả những cơ quan lãnh đạo của tuyệt đại đa số công đoàn và
trước hết, dĩ nhiên là Trung ương hay Thường vụ các công đoàn toàn Nga
(Hội đồng trung ương các công đoàn toàn Nga) đều gồm những đảng viên
cộng sản và thi hành tất cả những chỉ thị của đảng. Tóm lại, chúng ta có
một bộ máy vô sản, về hình thức thì không phải là cộng sản, một bộ máy
mềm dẻo và tương đối rộng rãi, rất mạnh, một bộ máy mà thông qua đó đảng
liên hệ chặt chẽ với giai cấp và với quần chúng và thông qua đó, chuyên chính của giai cấp được thực hiện dưới sự lãnh đạo của đảng. (Lenin, Sđd, tr. 57-59)
Như
vậy có nghĩa là Đảng bolshevik độc chiếm chính quyền, với một bề ngoài
mang dáng dấp “nhân dân”. Nhưng nói Đảng bolshevik lãnh đạo không có
nghĩa là quyền hành được phân chia đồng đều cho hơn nửa triệu đảng viên.
Cũng chính Lenin đã giải thích về cách điều hành hoạt động của Đảng như
sau: Đảng họp đại hội hàng năm, và bầu ra một Ban chấp hành trung ương
gồm 19 uỷ viên. “Và trong nước cộng hoà của chúng ta, không có một vấn
đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải
quyết mà lại không có chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng”. Công
tác hàng ngày thì giao cho những tập thể ít người hơn, gọi là Ban Tổ chức (Orgburo, Orgbureau) và Bộ chính trị (Politburo, Politbureau) do Ban chấp hành bầu ra, mỗi tập thể có 5 uỷ viên cử trong số uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Lenin xác nhận: “Như vậy là thành “nhóm quả đầu” thực
sự” (Sđd, tr. 58). Chế độ quả đầu (oligarchy, oligarchie) [2] chính là chế độ thiểu số trị: quyền hành tập trung vào tay một số ít người.
Có thể trong thâm tâm Lenin vẫn tin rằng với cách lãnh đạo
như thế, Đảng bolshevik sẽ giúp giai cấp công nhân vươn lên làm chủ
được Nhà nước. Nhưng với những điều ông thú nhận vào cuối đời, chúng ta
thấy rõ niềm tin đó chỉ là một ảo tưởng.
Sau khi Lenin mất, Stalin đã tiến thêm một bước mới khi ông công khai thừa nhận chuyên chính vô sản là chuyên chính của một đảng:
Ở Liên Xô,
trên một đất nước mà nền chuyên chính của giai cấp vô sản đang có hiệu
lực, không có vấn đề quan trọng nào về chính trị hay về tổ chức, được
giải quyết bởi các xô-viết và các tổ chức quần chúng khác của chúng ta,
mà không có chỉ thị từ Đảng của chúng ta. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể
nói rằng nền chuyên chính của giai cấp vô sản xét về bản chất là nền
chuyên chính của Đảng, với tư cách là lực lượng lãnh đạo giai cấp vô sản
một cách hiệu quả. (J. Stalin, Leninism, 1928, tập 1, tr. 23. Trích theo: Harry W. Laidler, History of Socialism, sdd, tr. 428)
Song
song với quá trình tập trung hoá, chuyên chính hoá của quyền lực Nhà
nước, là một quá trình tập trung quyền lực bên trong nội bộ Đảng. Quá
trình này đã diễn ra ngay từ khi Đảng bolshevik nắm được chính quyền,
nhưng khi Lenin còn sống, bên trong Đảng vẫn còn tồn tại một tình trạng
dân chủ nội bộ ở một mức độ nhất định. Tuy vẫn còn ảnh hưởng của nếp
sinh hoạt chặt chẽ theo kỷ luật thép và chỉ đạo từ bên trên của thời kỳ
hoạt động bí mật, sinh hoạt đảng đã trở thành công khai và các cuộc thảo
luận diễn ra cũng khá sôi nổi. Với uy tín cá nhân và kinh nghiệm dày
dạn của mình, Lenin đã cho phép các cuộc tranh luận công khai trong nội
bộ Đảng, trong Bộ chính trị và Ban chấp hành Trung ương, và thông thường
thì ông có khả năng thuyết phục được các đồng chí của mình.
Sau
khi Lenin mất, Đảng cộng sản bolshevik ngày càng đánh mất tính chất dân
chủ trong nội bộ Đảng. Quá trình quan liêu hoá bộ máy của Đảng đã giúp
cho Stalin kiểm soát được vấn đề nhân sự, và củng cố vị trí Tổng bí thư
của ông. Bằng cách liên minh khi thì với cánh tả, khi thì với cánh hữu
trong Đảng, Stalin đã luôn luôn giành được đa số trong các cơ quan lãnh
đạo tối cao của Đảng, và cuối cùng đã loại bỏ được Trotsky, kẻ thù nguy
hiểm nhất của ông ta. Từ năm 1930 cho đến khi chết (đầu năm 1953) là
giai đoạn Stalin giành được quyền lực tuyệt đối, là người quyết định tất
cả các vấn đề quan trọng. Tất cả các phe phái đều bị tiêu diệt một cách
tàn nhẫn. Tất cả những người chống đối, dù là tiềm tàng, đều bị coi như
những kẻ phản bội, bị xét xử công khai hay bị thủ tiêu trong nhà tù. [3]
Quyền
uy tuyệt đối đã biến Stalin trở thành gần như một bạo chúa. Ông đã gây
ra một tác động khủng bố về mặt tâm lý chẳng những đối với nhân dân Liên
Xô mà đối với cả các đồng chí của ông. Tại Đại hội XX của Đảng cộng sản
Liên Xô (năm 1956), Tổng bí thư Đảng lúc đó là N. Khrushchev (người
thường được coi là đại biểu cho chủ nghĩa xét lại hiện đại) đã phát biểu như sau:
Chính
Stalin đã phát minh ra khái niệm “kẻ thù của nhân dân”. (...); danh từ
đó mở ra khả năng sử dụng sự đàn áp khốc liệt nhất... chống lại bất cứ
ai tỏ ra, dù chỉ một chút, bất đồng ý kiến với Stalin. (Trích theo:
Isaac Deutscher, Sđd, tr. 680)
Sau
khi Stalin mất đi, một quá trình dân chủ hoá đã diễn ra trong nội bộ
Đảng cộng sản Liên Xô. Những người cộng sản Liên Xô tìm cách hạn chế sự
chuyên quyền của một cá nhân, thay thế quyền lực của một cá nhân bằng
quyền lực của lãnh đạo tập thể, nhưng điều đó cũng không thể làm cho Nhà nước Xô-viết trở thành một chế độ dân chủ.
Trước
hết là mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Theo hiến pháp (được thông
qua vào năm 1936 và được sửa đổi vào tháng 10 năm 1977) thì nền tảng
chính trị của Liên bang Xô viết được tạo thành bởi các Xô-viết Đại biểu
Nhân dân (Soviets trong tiếng Nga có nghĩa là Hội đồng). Các
Xô-viết này hiện hữu ở tất cả các cấp của hệ thống hành chính, và xét về
mặt danh nghĩa thì quyền lực trên toàn thể Liên bang nằm trong tay
Xô-viết tối cao bao gồm hai viện: Xô-viết Liên bang và Xô-viết các dân
tộc. Điều đáng nói là trong khi bầu cử các Xô-viết, các cử tri hiếm khi
được phép chọn lựa ứng cử viên nào khác mà phải chọn những người đã được
Đảng cộng sản giới thiệu. Mà Đảng cộng sản Liên Xô (ĐCSLX), mãi cho đến
khi có sự sửa đổi điều 6 của hiến pháp (tháng 3 năm 1990), vẫn luôn là
“lực lượng lãnh đạo và hướng dẫn của xã hội xô-viết và là hạt nhân của
hệ thống chính trị”. Do đó, tuy về mặt lý thuyết, việc ban hành luật
pháp đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của cả hai viện của Xô-viết tối cao,
nhưng trong thực tế, mọi quyết định đều nằm trong tay một nhóm nhỏ của
Xô-viết tối cao được biết dưới cái tên là Đoàn chủ tịch (Presidium). Cơ
quan này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Bộ chính trị ĐCSLX, và mỗi quyết
định có sẵn khi đưa ra Xô-viết tối cao đương nhiên được sự nhất trí
phê chuẩn của các đại biểu. Vai trò của các Xô-viết trong các nước cộng
hoà và các vùng lãnh thổ khác chỉ là thực hiện các quyết định của
Xô-viết tối cao Liên Xô. Cho nên có thể nói đây là một hệ thống chính
trị độc đoán và cực kỳ tập trung hoá. Như vậy, xét về hình thức thì chế
độ xô-viết vẫn có Nhà nước với hệ thống hoàn chỉnh từ trên xuống dưới,
nhưng quyền hành trong thực tế lại nằm trong tay ĐCSLX. [4]
Ở
Liên Xô, hiến pháp tuy có nhưng chỉ là hình thức trang trí bên ngoài,
còn nghị quyết của Đảng mới là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Hiến pháp đặt dưới nghị quyết của Đảng, pháp luật đặt dưới kỷ luật của Đảng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hệ thống chính trị xô-viết, một khuôn mẫu điển hình của chuyên chính vô sản.
Bây
giờ xét đến mối quan hệ bên trong ĐCSLX. Xét theo điều lệ, cơ quan lãnh
đạo tối cao của Đảng là Đại hội Đảng, nhưng Đại hội chỉ được triệu tập
năm năm một lần và mỗi kỳ đại hội có đến hàng ngàn đại biểu tham dự. Do
đó Đại hội Đảng bầu ra các uỷ viên của Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ),
và cũng theo điều lệ, BCHTƯ này điều hành các công việc của Đảng giữa
hai kỳ đại hội. Do chỗ BCHTƯ cũng gồm đến hàng trăm người, lại chỉ họp
mỗi năm hai lần, quyền hành trong thực tế lọt vào tay hai tổ chức: Bộ chính trị (Politburo) và Ban bí thư (Secretariat).
Đây mới thực sự là những cơ quan nắm quyền thực sự trong hệ thống chính
trị xô-viết. Bộ chính trị, với khoảng 12-15 uỷ viên chính thức và 5-8
uỷ viên dự khuyết, do Ban chấp hành Trung ương bầu ra, là cơ quan tối
cao hoạch định chính sách của đất nước, và thực hiện quyền lực trên mọi
mặt của đời sống công cộng, kể cả đối nội và đối ngoại. Ban bí thư chịu
trách nhiệm về các công việc hành chính thường ngày của Đảng. Theo điều
lệ, thành viên của Bộ chính trị là do BCHTƯ bầu ra, nhưng trong thực tế,
Bộ chính trị là một cơ quan tự quyết định sự tồn tại và kế tục của
chính mình, bởi vì chỉ có Bộ chính trị mới có quyền quyết định thu nhận
thành viên mới và trục xuất thành viên cũ. [5]
Chế độ xô-viết về thực chất là một chế độ thiểu số trị (oligarchy, oligarchie): quyền lực tập trung vào tay một cá nhân hay ở một mức độ “dân chủ” hơn, được chia sẻ giữa một vài cá nhân
có thế lực trong Bộ chính trị. Sự tranh chấp quyền lực, nếu có, chỉ
diễn ra ở hậu trường, trong chốn cung đình, và thường mãi về sau mới
được công chúng biết đến. Chế độ độc đảng và nguyên tắc tập trung dân
chủ đã tước mất của nhân dân Liên Xô cái khả năng kiểm soát, khống chế
bộ máy Nhà nước. Nhân dân không bao giờ làm chủ được về mặt chính trị,
không bao giờ được quyền chọn lựa những người lãnh đạo đất nước. Có thể
nói: quyền lực chính trị bị Đảng cộng sản tước đoạt từ tay nhân dân
và trong nội bộ Đảng, quyền lực chính trị lại bị một thiểu số tước đoạt
từ tay đại bộ phận đảng viên.
Đặc trưng thứ hai của chuyên chính vô sản là độc quyền về tư tưởng.
Điều
này bắt nguồn trước hết từ tính chất, đặc điểm của chủ nghĩa Marx. Xuất
thân là một nhà triết học, nhưng ngay từ lúc trở thành người cộng sản,
Marx đã muốn biến triết học thành “vũ khí tư tưởng của giai cấp vô sản”.
Ông coi giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất của xã hội
hiện đại, và tư tưởng của ông chính là tư tưởng của giai cấp vô sản,
nghĩa là tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất. Trong thực tế ông luôn
luôn công kích một cách gay gắt tất cả các trường phái khác, không phải
chỉ những trường phái phi - xã hội chủ nghĩa mà cả những trường phái xã
hội chủ nghĩa như Lassalle, Proudhon, v.v...
Đến
Lenin thì mức độ không khoan nhượng càng tăng lên một bậc. Tự coi là
người mác-xít chân chính nhất, trung thành nhất với tư tưởng của Marx và
Engels, Lenin đả kích gay gắt mọi lãnh tụ tư tưởng khác của phong trào
mác-xít đương thời, kể cả Kautsky và Plekhanov là những người mà ông đã
từng ngưỡng mộ. Ông gọi những người bất đồng tư tưởng trong phong trào
công nhân bằng những danh từ tệ hại nhất : tên phản bội, kẻ đầy tớ của giai cấp tư sản, kẻ vô lại bán mình cho giai cấp tư sản, thậm chí: “con chó”. [6] Thái
độ gay gắt đến mức thù địch của Lenin đối với các lãnh tụ của Quốc tế
II có thể giúp ta hiểu được phần nào thái độ độc đoán, kiêu ngạo của
những người cộng sản đối với những người cộng tác với họ, thậm chí đã
từng đồng cam cộng khổ với họ, nhưng không chịu phục tùng họ hoặc tỏ ra
bất đồng ý kiến với họ.
Sau khi Lenin
chết, Stalin đã biến Lenin trở thành một vị thánh. Chủ nghĩa Marx trở
thành hệ tư tưởng chính thống, và để phân biệt chủ nghĩa Marx theo cách
giải thích của Lenin với chủ nghĩa Marx theo cách giải thích của
Bernstein hay Kautsky, Stalin đã sáng tạo ra một tên gọi mới: chủ nghĩa Marx-Lenin (marxism-leninism, marxisme-léninisme).
Với bộ máy nhà nước hùng mạnh trong tay, Stalin đã biến chủ nghĩa Marx-Lenin thành một ý thức hệ mang tính hệ thống, được đại chúng hoá đến mức có thể dùng làm kinh điển để
dạy cho bất cứ ai, từ học sinh, sinh viên cho đến cán bộ, đảng viên -
kể cả những người có một trình độ học vấn rất thấp. Triết học bị tiêu
diệt. Cái gọi là triết học Marx-Lenin thực tế chỉ còn là một mớ giáo
điều được giải thích theo một cách duy nhất, tương tự như Nho giáo ở
Trung Quốc và Việt Nam thời trung cổ chỉ được phép giải thích theo sách
của Chu Hy.
Chủ nghĩa Marx-Lenin trở
thành ý thức hệ quốc gia, chiếm địa vị thống trị trong toàn bộ đời sống
tư tưởng - văn hoá của xã hội. Chẳng những chi phối toàn bộ các môn khoa
học xã hội, nó còn thống trị cả các hoạt động văn học - nghệ thuật,
thậm chí còn chi phối cả các môn khoa học tự nhiên nữa. Chủ nghĩa hình
thức (formalism, formalisme) trong âm nhạc đã từng bị kết án là tư sản
và phản động. Trường phái trừu tượng trong hội hoạ trong một thời gian
dài bị coi như một biểu hiện của sự sa đoạ tư sản. Thậm chí học thuyết
di truyền của Mendel cũng bị kết án, dẫn đến sự chậm tiến của ngành sinh
học trong một thời gian dài.
Mục đích
của độc quyền về tư tưởng là để nhằm bảo vệ chuyên chính vô sản, bảo vệ
độc quyền của Đảng trong lĩnh vực chính trị, đúng như nhận xét của
Raymond Aron:
Công thức
chuyên chính vô sản được dùng để biện minh cho độc quyền mà đảng tự
giành cho mình; công thức dân chủ tập trung được dùng để biện minh và
nguỵ trang cho quyền lực toàn năng của một vài người hay, đôi khi, cho
một người duy nhất. (R. Aron, Sđd, tr.265).
Sự thống trị của một ý thức hệ chính thống tương tự như một thứ quốc giáo đã khiến cho một số nhà nghiên cứu muốn xếp nhà nước xô-viết vào loại chế độ thần quyền, thần học trị (theocracy, théocratie). Giáo sư C. Northcote Parkinson, trong giáo trình Sự tiến hoá của tư tưởng chính trị (The Evolution of Political Thought) đã viết:
Nếu những
nét đặc trưng của chế độ thần quyền là một giáo chủ, một huyền thoại,
một cuốn Kinh thánh, một tầng lớp tăng lữ, một địa điểm hành hương, một
Toà án tôn giáo, thì chủ nghĩa cộng sản phải được coi là một trong những
tôn giáo trên thế giới. (C.Northcote Parkinson, L’évolution de la pensée politique, bản dịch tiếng Pháp, Nxb Gallimard, Collection Idées, Paris 1964, 2 tập)
Ông nhận xét về cuốn Tư bản, tác phẩm quan trọng nhất và đồ sộ nhất của Marx như sau:
Chính vì thế cuốn Tư bản
không thể so sánh với bất cứ một tác phẩm khoa học nào khác. Người ta
gọi nó là “Kinh thánh của người lao động”, và điều đó đủ để nói lên bản
chất của nó. Tốt hơn là so sánh nó với Kinh Thánh, Kinh Coran, với Luận
ngữ. Chỉ có những sách tôn giáo mới không bao giờ lỗi thời. (Sđd, tr. 341)
Parkinson
cũng nhận xét rằng người ta có thể tìm thấy ở những người cộng sản sự
thiếu khoan dung của Ki-tô giáo thời nguyên thuỷ, sự cuồng tín của Hồi
giáo buổi ban đầu (Sđd, tr. 342).
Mặc
dù vậy, chúng ta cũng không thể xếp chuyên chính vô sản vào loại chế độ
thần quyền (thần học trị), bởi vì giữa chủ nghĩa Marx và các tôn giáo
có một số điểm khác biệt: các tôn giáo hướng đến thế giới bên kia
(au-delà) trong khi chủ nghĩa Marx hướng đến thế giới hiện tồn
(en-deçà); niềm tin tôn giáo không dựa vào lý trí, vào khoa học trong
khi chủ nghĩa Marx tự nhận mình là khoa học. Các tôn giáo chỉ sa lầy vào
chính trị khi có sự lẫn lộn giữa thần quyền và thế quyền; tách Giáo hội
ra khỏi Nhà nước là có thể trả tôn giáo trở về với bản chất đích thực
của nó. Trong khi đó, Marx chủ trương dấn thân, nhập thế, hứa hẹn vào một thiên đàng ngay giữa chốn trần gian;
cho nên khi thực tế không chứng minh được lý thuyết thì quần chúng sẽ
dễ dàng thức tỉnh và một khi đảng cộng sản tách ra khỏi quyền lực Nhà
nước, sức mạnh của chủ nghĩa Marx cũng nhanh chóng bị đánh mất. Mặc dù
niềm tin cộng sản có những điểm tương đồng với niềm tin tôn giáo nhưng
về lâu về dài, quần chúng không thể lấy niềm tin cộng sản để thay thế
cho niềm tin tôn giáo. Về điểm này, chủ nghĩa Marx gần gủi với Nho giáo
hơn là các tôn giáo trên thế giới. Nhưng chủ nghĩa Marx cũng khác với
Nho giáo ở chỗ Khổng Tử kêu gọi lòng nhân ái, mặc dù lòng nhân ái của
ông bị các vua chúa lợi dụng; trong khi Marx lại khơi dậy lòng hận thù
và chấp nhận bạo lực như một đòn bẩy để thúc đẩy sự phát triển của xã
hội.
Một cách chính xác hơn, có lẽ chúng ta nên coi chuyên chính vô sản như một chế độ tư tưởng trị, ý thức hệ trị (idéocratie), tức là một chế độ dựa trên một ý thức hệ và muốn làm cho xã hội phù hợp với ý thức hệ đó. (Xem: R.Aron, Sđđ, tr. 243)
Đặc điểm thứ ba của chuyên chính vô sản là độc quyền về kinh tế.
Kinh
nghiệm của cách mạng vô sản Nga và các cuộc cách mạng theo khuôn mẫu
của Lenin đã cho thấy sau khi xoá bỏ chế độ tư hữu, những người
bolshevik đã không thể thiết lập chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa hay
cộng sản chủ nghĩa, mà chỉ có thể thiết lập chế độ sở hữu Nhà nước nhân
danh lý tưởng cộng sản. Sự hình thành một khu vực kinh tế quốc doanh
rộng lớn sau cách mạng vô sản đã tạo cho chuyên chính vô sản một chỗ dựa
vô cùng to lớn về mặt kinh tế. Nói cách khác, độc quyền về kinh tế là
điều kiện để củng cố độc quyền về chính trị.
Năm 1957, một nhà lý luận cộng sản ly khai người Nam Tư tên là Milovan Djilas đã cho công bố một tác phẩm nhan đề Giai cấp mới,
trong đó ông cho rằng ở Liên Xô và các nước cộng sản khác, sau khi giai
cấp tư sản và các giai cấp có nguồn gốc cũ bị tiêu diệt thì một giai cấp mới được hình thành: đó là giai cấp thư lại (bureaucracy, bureaucratie) [7] , hay nói chính xác hơn là giai cấp thư lại chính trị (political bureaucracy). Gốc rễ của giai cấp này bắt đầu từ một đảng chính trị đặc biệt: đảng kiểu bolshevik.
Nói chính xác hơn, những người tiên khởi của giai cấp này xuất phát từ
một giai tầng đặc biệt trong lòng đảng chính trị kiểu bolshevik, đó là
các nhà cách mạng chuyên nghiệp. Giai cấp này, theo Djilas, là những ông
chủ mới và những kẻ bóc lột mới trong xã hội cộng sản:
Là đảng
viên của Đảng cộng sản trước Cách mạng có nghĩa là sự hy sinh. Trở thành
một nhà cách mạng chuyên nghiệp là một trong những vinh dự cao nhất.
Ngày nay đảng đã củng cố quyền lực của mình, là đảng viên có nghĩa là
thuộc về một giai cấp có đặc quyền. Và ở cốt lõi của của đảng là những
kẻ bóc lột và những ông chủ nắm mọi quyền lực. (Milovan Djilas, The New Class, trích từ: Essential Works of Marxism, edited by Arthur P. Mendel, Bantam Books, Bantam Matrix Edition, New York 1965, tr. 327)
Thực
ra, nếu xem xét theo đúng định nghĩa của Marx về giai cấp thì giai cấp
thư lại mà Djilas nói đến không phải là một giai cấp đúng nghĩa, bởi vì
tiêu chuẩn để định nghĩa giai cấp này là tiêu chuẩn chính trị chứ không
phải tiêu chuẩn kinh tế. Trong xã hội cộng sản, trước hết phải là đảng
viên hay cán bộ, người ta mới được hưởng các đặc quyền về kinh tế; trong
trường hợp mất chức hoặc bị khai trừ Đảng, thì lập tức các đặc quyền
kinh tế cũng bị mất theo. Có thể nói đây là một đẳng cấp hơn là một giai cấp.
Đẳng cấp này rất giống với đẳng cấp quan lại trong các xã hội Á Đông
theo Nho giáo (Trung Quốc, Việt Nam). Nhưng khác với đẳng cấp quan lại,
đẳng cấp mới này (thường được gọi là nomenklatura), ngoài các
quan chức nhà nước còn bao gồm các nhà quản lý kinh tế (managers) và các
nhà kỹ thuật (technicians). Tiêu chuẩn để gia nhập đẳng cấp này trước
tiên và chủ yếu phải là lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng cộng sản
– dù là đảng viên hay là người ngoài đảng. Tiêu chuẩn này tương tự như
tiêu chuẩn trung quân của đẳng cấp quý tộc - quan lại ở các nước Á Đông theo Nho giáo ngày xưa.
Cũng
cần nói thêm là chế độ sở hữu nhà nước không phải là điều mới lạ trong
lịch sử. Năm 1957, một nhà sử học-xã hội học người Mỹ gốc Đức tên là
Karl Wittfogel đã xuất bản một tác phẩm nhan đề Chủ nghĩa chuyên chế phương Đông (Oriental Despotism), với nội dung như sau:
Trong cuốn Góp phần phê phán khoa kinh tế - chính trị học, ngoài
những phương thức sản xuất cổ đại, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, Marx
còn thừa nhận một phương thức sản xuất khác mà ông gọi là phương thức sản xuất châu Á.
Phương thức này được Marx (và cả Lenin nữa) đánh giá là hoàn toàn khác
với tất cả các phương thức mà người ta có thể tìm thấy trong các xã hội
phương Tây.
Trong phương thức sản xuất
châu Á, Nhà nước nuốt chửng toàn bộ xã hội, hay ít nhất cũng mạnh hơn xã
hội, bởi vì những người quản lý lao động tập thể là những công chức.
Nông nghiệp đòi hỏi việc sử dụng thường xuyên nước của các dòng sông.
Chính vì thế, ở Ai Cập và Trung Quốc, đã hình thành một chế độ kinh tế
và xã hội trong đó Nhà nước nếu không phải là chủ sở hữu của các phương
tiện sản xuất thì ít nhất cũng là người tổ chức lao động tập thể. Những
người được hưởng đặc quyền là những người bằng cách này hay cách khác
gắn bó với Nhà nước hay đại diện cho Nhà nước. Phương thức sản xuất châu
Á không bao gồm những giai cấp theo nghĩa phương tây của danh từ, mà
bao gồm một sự phân chia đẳng cấp mang tính nhà nước và quan liêu. Những
đế quốc lớn ở châu Á và vùng Cận Đông, được xây dựng trên phương thức
sản xuất châu Á, là những đế quốc đặc biệt bền vững. Kết cấu xã hội vừa
đơn giản vừa vững bền. Nhà nước chiếm lấy toàn bộ các chức năng lãnh
đạo, điều hành của xã hội bằng cách loại trừ tất cả các trung tâm quyền
lực độc lập. Khi việc quản lý lao động thuộc về Nhà nước và Nhà nước là
duy nhất, thì xã hội vừa có tính đồng nhất vừa có tính đẳng cấp. Các tập
thể, cộng đoàn trong xã hội tuy khác nhau về lối sống, về phong cách
sống, nhưng không có cộng đoàn hay tập thể nào có quyền lực riêng, bởi
vì tất cả đều hội nhập vào cơ cấu của Nhà nước.
Những
đặc điểm của các đế chế quan liêu ấy cũng có thể được tìm thấy trong
các xã hội được tổ chức theo kiểu mẫu của chế độ xô-viết: Nhà nước độc
quyền quản lý lao động tập thể, bộ máy thư lại Nhà nước, giai cấp đặc
quyền đặc lợi, những đối kháng không có đấu tranh giai cấp theo nghĩa
của phương Tây. [8]
Mặc dầu quan niệm về nền văn minh thuỷ lực (hydraulic civilization)
của Wittfogel bị nhiều nhà sử học phê phán vì ông coi các công trình
thuỷ lợi như nguyên nhân hàng đầu hình thành nên các thiết chế chính trị
mang tính cưỡng chế [9]
, nhưng những trình bày của ông về chế độ chuyên chế phương Đông giúp
chúng ta thấy rõ sự xuất hiện của chế độ sở hữu Nhà nước trong lịch sử,
và tác động to lớn của nó đối với các chế độ chính trị chuyên chế kiểu
phương Đông.
Nước Nga dưới thời Sa hoàng là một quốc gia nửa - châu Á,
chính Lenin cũng thừa nhận như vậy. Do đó, sau Cách mạng tháng Mười,
khi những người bolshevik xoá bỏ chế độ tư hữu thì chế độ sở hữu Nhà
nước kiểu châu Á lại tái sinh, với quy mô lớn hơn, và tính chất hiện đại
hơn. Độc quyền về kinh tế không hề tạo điều kiện cho một chế độ chính
trị dân chủ mà chỉ tạo điều kiện cho một chế độ Nhà nước toàn trị: Nhà
nước nuốt chửng toàn bộ xã hội công dân thay vì xã hội công dân nuốt
chửng toàn bộ Nhà nước như Marx đã tiên đoán.
Thực
tế của xã hội xô-viết và tất cả các nước được tổ chức theo mô hình đó
đã chứng tỏ rằng một chế độ độc quyền về kinh tế, trong đó Nhà nước nắm
hầu hết các phương tiện sản xuất chủ yếu, không thể tạo điều kiện cho
người dân làm chủ xã hội. Về điểm này thì Proudhon có lý hơn Marx. Và
điều này cũng lý giải được tình hình tại sao đến cuối thể kỷ XX – đầu
thế kỷ XXI, một số đảng cộng sản cầm quyền (như ở Trung Quốc, Việt Nam)
đã buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vẫn cố ôm khư khư một
khu vực kinh tế quốc doanh rộng lớn (nhưng kém hiệu quả) để củng cố vai
trò độc tôn của mình trong lĩnh vực chính trị.
Chuyên chính vô sản, qua các đặc điểm vừa nêu trên, không thể là một chế độ dân chủ, mà chỉ là một chế độ thiểu số trị (oligarchy, oligarchie),
trong đó quyền lực rơi vào tay một đẳng cấp có đặc quyền trong xã hội
(các đảng viên cộng sản); và trong nội bộ đẳng cấp này, quyền lực lại
được tập trung vào tay một vài người có thế lực trong Bộ chính trị, thậm
chí rơi vào tay một cá nhân.
Nguyên nhân
của tình hình này bắt nguồn từ chỗ Marx bác bỏ những nguyên tắc của chế
độ đại nghị. Chính vì bác bỏ chế độ đại nghị cho nên chuyên chính vô
sản thiếu hẳn một cơ chế hãm có khả năng ngăn chặn tình trạng lạm
dụng quyền lực. Điều đáng lưu ý là những giải pháp mang tính dân chủ mà
Marx và Engels đã nêu lên qua kinh nghiệm của Công xã Paris đều không
được thực hiện, hay nói đúng hơn là không thể thực hiện được:
Trước
hết là việc bầu và bãi miễn các thành viên của Nhà nước. Do chỗ Đảng
cộng sản độc chiếm quyền lực chính trị cho nên việc bầu cử trong các
nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình của Lenin chỉ là một sinh hoạt mang
tính hình thức nhằm hợp pháp hoá việc chọn lựa nhân sự của Đảng: dân
được quyền bầu cử, nhưng danh sách ứng cử viên lại do Đảng chọn; dân chỉ
được quyền chọn lựa trong số những người Đảng đã chọn trước. Những
người bất đồng chính kiến hay không được Đảng tin cậy đều bị gạt ra khỏi
danh sách trước đó. Việc bầu các chức danh chủ chốt lại càng chặt chẽ
hơn, đến mức các chức vụ chủ chốt của bộ máy Nhà nước hầu như được qưyết
định trước trong các cuộc họp của Đảng.
Với cung cách ứng cử, bầu cử như thế thì người dân hoàn toàn không có quyền bầu và bãi miễn bất cứ một ai. “Đảng cử, dân bầu”. Nói cách khác bầu cử chỉ là một hình thức xem xét mức độ tín nhiệm để bảo đảm cho ý Đảng hợp với lòng dân.
Trong trường hợp lòng dân và ý Đảng không phù hợp thì người dân cũng
không biết cách nào hơn là trông chờ vào sự sáng suốt của Đảng: sự trông
chờ này có cái gì tương tự như sự trông chờ của dân đen vào sự sáng suốt của thiên tử và các cận thần trong các xã hội Á Đông chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
Mặt
khác, trong khi Marx và Engels ca ngợi Công xã Paris vì đã công khai
hoá mọi hoạt động của mình, thừa nhận những khuyết điểm của mình thì
chuyên chính vô sản trong thực tế luôn luôn che giấu các hoạt động của
mình, nhất là che giấu khuyết điểm - kể cả những sai lầm tệ hại nhất.
Câu chuyện về Di chúc của Lenin là một ví dụ điển hình cho tính chất che giấu, bí mật trong các hoạt động của Đảng cộng sản LiênXô.
Văn kiện này có tên chính thức là Thư gửi Đại hội.
Lá thư này gồm có hai phần: phần đầu được viết trong thời gian từ 23
đến 26.12.1922, phần thứ hai (bổ sung) được viết vào ngày 4.1.1923, với
mục đích dành để gửi cho một Đại hội thường kỳ của ĐCS (b) Nga. Do tình
trạng sức khoẻ kém, Lenin không thể tự viết mà phải đọc cho thư ký ghi.
Lá thư được chép thành vài bản, được niêm phong cẩn thận. Chỉ có Lenin
mới được mở niêm phong và trong trường hợp ông chết, thư phải do chính
tay Krupskaia (vợ ông) mở. Mặc dù lá thư được viết trước Đại hội lần thứ
XII (tháng 4 năm 1923), nhưng lá thư vẫn chưa được công bố tại Đại hội
này. Mãi đến tháng 5 năm 1924, bốn tháng sau khi Lenin mất và vài ngày
trước khi khai mạc Đại hội lần thứ XIII, Krupskaia mới chuyển lá thư đến
Ban chấp hành trung ương và nói rõ yêu cầu của Lenin là lá thư phải
được công bố trước Đại hội. Nhưng BCH TƯ (lúc này đã bị Stalin khống chế
) quyết định chỉ đọc lá thư tại từng đoàn đại biểu riêng lẻ thay vì đọc
trước Đại hội, đồng thời cấm sao chép, công bố hay trích dẫn. Do sự ém
nhẹm đó, bức thư đã không được công chúng ở Liên Xô biết đến; mặc dù ở
phương tây, Max Eastman đã công bố vài đoạn của lá thư trong tác phẩm Từ khi Lenin chết vào năm 1925, và báo The New York Times
đã công bố toàn văn lá thư vào năm 1926. Ở Liên Xô, mãi đến Đại hội XX
của ĐCSLX (năm 1956), người ta mới biết được lá thư đó. Tại Đại hội,
Khrushchev đã trích đọc một số đoạn trong lá thư để làm căn cứ cho việc
tố giác tội ác của Stalin; và sau Đại hội, toàn văn di chúc của Lenin
được công bố rộng rãi cho công chúng biết [10] .
Che giấu sự thật gần như trở thành đặc điểm chung cho tất cả các chế độ học tập theo mô hình chuyên chính vô sản của Lenin. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; trong bốn vế ấy, chỉ có vế thứ ba (dân làm) là được thực hiện, còn ba vế kia chỉ là khẩu hiệu suông, không có thực chất.
Marx
và Engels mong ước sau khi giai cấp vô sản nắm chính quyền, sẽ khởi đầu
một quá trình xã hội hoá Nhà nước, đến mức xã hội công dân nuốt mất Nhà
nước. Trong thực tế, đã diễn ra một quá trình nhà-nước-hoá xã hội công
dân, đến mức Nhà nước nuốt chửng toàn bộ xã hội. Sở dĩ có quá trình đảo
ngược ấy là do sự lãnh đạo của Đảng cộng sản được tổ chức theo khuôn mẫu của Đảng bolshevik.
[1]Raymond Aron, Démocratie et totalitarisme, sđd, tr. 287-288.
[2]Oligarchy, oligarchie: Danh từ có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp oligo (số ít) và arkhê (quyền
chỉ huy). Dùng để chỉ một chế độ chính trị trong đó quyền lực nằm trong
tay một vài người hay một vài gia đình (Petit Larousse). Đào Duy Anh
dịch là quả đầu chính trị (Từ điển Hán Việt), Thanh Nghị dịch là quả đầu chính thể (Pháp Việt tân từ điển minh hoạ). Quả trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là ít. Cách dịch này chính xác hơn là cách dịch hiện nay : chính thể đầu sỏ, chế độ đầu sỏ.
[3]Raymond Aron, Sđd, tr. 258-264.
[4]“Union of Soviet Socialist Republics”, Encyclopædia Britannica 2000, 1994-2000.
[5]“Communist Party of the Soviet Union”, Encyclopædia Britannica 2000, 1994-2000.
[6]“So với tên phản bội Kautxky, thì tên phản bội Bernstein chẳng qua chỉ là một con chó con mà thôi” (Lenin, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cau-xky, sđd, tr. 27).
[7]Còn được dịch là giai cấp quan liêu.
[8]Raymond Aron, Sđd, tr. 312-315.
[9]Xem: “Hydraulic civilization”, Encyclopædia Britannica 2000, 1994-2000.
No comments:
Post a Comment