Tuesday, September 17, 2013

LỊCH SỬ 50 NĂM QUA I

Nhìn lại sự thật
lịch sử  50 năm qua
Anh Em Diệm, Nhu Thỏa Hiệp Với CSBV
 
 http://daovang.free.fr/NhinLaiLichSu50NamQuaTTDiemVaCVNhuThoaHiepVoiCongSanBacViet.html


: NGÔ ĐÌNH DIỆM: Lời Khen Tiếng Chê

Đôi Lời của Soạn Giả nhân dịp tái bản lần thứ nhất

Cùng bạn đọc thân mến,
Để đáp ứng yêu cầu của một số qúy vị, nhất là những vị ở ngoài Quận Cam, nơi tiêu thụ đa số ấn bản trong lần in thứ nhất, tôi đã đồng ý cho tái bản soạn phẩm này với một vài sự bổ túc theo tài liệu mới nhận được.
Tôi đặc biệt cám ơn những ý kiến xây dựng mà qúy vị đã nêu lên trong thư riêng, điện thoại, hay trong buổi ra mắt sách…nhằm góp ý về nội dung cuốn sách với mục đích cho nó hoàn chỉnh hơn ở các lần tái bản. Nhân đây tôi xin phép được nhắc lại hai ý kiến có vẻ theo hai chiều hướng trái ngược, nhưng tựu trung đều do hảo ý. Và xin có đôi lời giải thích, mong qúy vị không cho rằng tôi cố chấp.
Trước hết, trong phần tự do phát biểu ý kiến buổi ra mắt sách tại Quận Cam có một vị phê bình là tác phẩm thiếu lời khen tiếng chê của đại chúng, chỉ nêu ý kiến của 26 tác giả có tên tuổi. Vị đó còn khẳng định: nếu đại chúng được hỏi ý thì chắc chắn sẽ khen Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thêm vào đó, chỉ cách đây hai tuần tôi lại nhận được lá thư góp ý của nhà văn nữ Hoàng Thị Đáo Tiệp cũng có ý kiến tương tự. Tôi xin phép qúy vị và bà Tiệp được trích nguyên văn một đoạn trong lá thư mà bà nói là bà viết vội vàng ở sở làm: “Nhưng có điều cháu cảm thấy rằng nếu cụ trích được lời của những người lính trơn, của những người dân quê dốt nát … nhận xét về vị lãnh đạo của mình thì cũng rất nên… Những người không biết, không nỡ hại ông, thương ông nhất là có trong số người dốt nát, thấp cổ bé miệng. Cháu lúc đó hãy còn bé quá và sống ở dưới quê, nhưng cháu nhớ cháu có thấy một bà cụ nhai trầu, móm sọm vì rụng hết răng mà khóc ông Diệm như khóc cha chết vậy.“
Đó cũng là ý kiến của nhiều vị khác mà tôi rất tán thành. Tiếc rằng chưa thể thực hiện được trong lần tái bản này.

Muốn dành cho “Đại Chúng” một chương, ta phải có đủ thì giờ, phương tiện và cơ hội về vùng quê Việt Nam một chuyến và ở đó trong một thời gian khá lâu để phỏng vấn nhiều người, đủ để nói rằng họ đại diện cho “Đại Chúng”, đồng thời bảo đảm rằng họ được tự do nói lên ý nghĩ chân thật của họ. Tôi e rằng trong chế độ hiện nay mà mọi người phải tôn thờ “Bác và Đảng” ít có ai đủ can đảm nói ngược lại đường lối tuyên truyền chống “Mỹ Diệm” của đảng. Còn nếu ta chỉ phỏng vấn một số người ở Hải Ngoại thì thiết nghĩ những “lính trơn, người dân quê mùa dốt nát” rất hiếm, nếu không phải là chẳng có ai, vì họ đâu có được Mỹ cho đi định cư theo diện HO hay có đủ vàng để vượt biên.
Còn nếu chỉ căn cứ vào lời nói của một số người rồi nêu thêm ý kiến chủ quan của mình thì sợ rằng không đủ tính thuyết phục đối với những người thích cái gì cũng phải “Nói có sách mách có chứng”.

Tuy nhiên nếu có thể nói dân ca là ý kiến của dân gian, của đại chúng thì câu ca dao: “Một mai mưa rã tan Hồ, Lúa lên Ngô tốt, ăn Ngô no lòng” mà nhà văn cộng sản hồi chánh Xuân Vũ nêu lên trong “Mạng người Lá rụng” được trích lại trong chương cuối cũng có thể đáp lại một phần sự mong mỏi của các vị nói trên. Ngoài ra còn những lời của cựu Đại Tướng Dương Văn Minh, của ông Hồ Sỹ Khuê, của cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn… (là những người làm đảo chính lật ông Diệm và/hoặc kịch liệt đả kích ông) nói về sự dân quê chất phác, các bà giầu tình cảm v.v… mến thương ông Diệm mà nếu qúy vị đọc kỹ các chương liên hệ sẽ cho thấy là tôi đã không bỏ qua ý kiến của người dân nghèo, người dân quê mùa dốt nát. Chỉ tiếc rằng không đủ nhiều để mở một chương riêng.

Ý kiến thứ hai mà tôi muốn nêu lên ở đây là nhận xét của một nhà vật lý ở Virginia trong một cuộc điện đàm. Ông nói ông vừa đọc đến (trang 248, ấn bản tháng 5) phần đầu của chương cuối, Lời bàn chung, nơi nói về Thiếu Tướng Đỗ Mậu. Ông bảo: Dù ông Đỗ Mậu viết gì chăng nữa cũng không nên nói ông ta …đập đầu vào đá. Và nhà vật lý lấy làm tiếc rằng soạn giả “thiếu vô tư, đã đặt vào đó quá nhiều cảm tính, làm mất tính khách quan mà một tác phẩm lịch sử loại này cần có.” Trong buổi ra mắt sách ngày 10 tháng 5 năm 1998 tại Quận Cam tôi đã thuật lại chuyện này với cử tọa và nhận khuyết điểm. Tuy nhiên tôi cũng trình bày những lý do và động lực khiến tôi có lúc chủ quan, thiếu trầm tĩnh.(Xin xem phụ lục). Trong lần tái bản này độc giả sẽ không còn thấy mấy từ “vừa đập đầu vào đá” trong câu nhận xét về Thiếu Tướng Đỗ Mậu nữa.

Chắc bạn đọc cũng đồng ý với tôi là một người làm công tác văn học mà đối tượng thường là xã hội loài người, là những con người có “hỷ nộ ai cụ ái ố dục” thì khó mà tuyệt đối khách quan như một người làm công tác khoa học vật lý mà đối tượng là những vật vô hồn, vô tri vô giác. Hơn nữa đối tượng của soạn phẩm này là những nhân vật lịch sử có liên hệ mật thiết đến cuộc chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến làm trên hai triệu người chết vì bom đạn, gần một triệu người chết vì tù đầy và vượt biên, bỏ thây trên rừng hay làm mồi cho cá dưới biển. Cuộc chiến đó nay đã có đủ bằng chứng rằng nếu những người như ông Đỗ Mậu không tiếp tay cho ngoại nhân lật đổ và sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm thì rất có thể đã tránh được. Vì vậy trong khi cầm bút mà lòng những nghĩ tới nạn nhân chiến cuộc trong đó có mình và gia đình mình, bạn bè mình, rất có thể là tôi đã nổi giận mà không hay, từ tiềm thức, cho nên mới bảo ông Đỗ Mậu đập đầu vào đá. Thực ra đấy cũng chính là cảm nghĩ của tôi khi đọc cuốn Việt Nam máu lửa quê hương tôi như tôi đã chứng minh ở những trang sau đó.
Còn rất nhiều ý kiến khác không kém phần xác đáng và có tính cách xây dựng đã được nêu lên trong buổi ra mắt sách và trong các cuộc điện đàm và hàng chục lá thư. Tôi xin ghi nhận và chân thành cảm ơn qúy vị đã có nhã ý nêu lên. Tiếc rằng tôi không thể đề cập hết ở đây được.
Ngoài nhận xét về Thiếu Tướng Đỗ Mậu vừa nêu, về cơ bản soạn phẩm không có gì thay đổi so với lần xuất bản đầu tiên. Nhưng cũng có một vài bổ túc nhỏ để tăng cường cho phần chứng cứ được phong phú và đa dạng hơn, theo những tài liệu mới thu nhận được. Do đó soạn phẩm có dài thêm độ 50 trang.
Với thời gian và sự quan tâm góp ý của bạn đọc, chúng tôi hy vọng mỗi lần tái bản lại có thêm điều mới làm cho tác phẩm càng ngày càng hoàn chỉnh hơn.
California ngày 9 tháng 9 năm 1998
Minh Võ


LỜI GIỚI THIỆU của Giáo Sư Tôn Thất Thiện

Một dữ kiện mà tất cả những người Việt sinh sống lâu năm ở nước ngoài đều biết, lấy làm buồn phiền, và không thay đổi được là: con cái của họ biết rất ít và rất lờ mờ về Việt Nam. Và nếu chúng sinh và lớn lên ở ngoại quốc thì chúng lại càng không biết gì về xứ sở của cha mẹ.
Có tình trạng vừa nói trên vì hai lý do chính. Một là: Việt Nam không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” của các trẻ: chúng sinh và lớn lên trong một môi trường khác với môi trường của cha mẹ chúng; bạn học, bạn chơi của chúng phần đông, mà có khi hoàn toàn, không phải là người gốc Việt; và chương trình học của chúng không hướng vào Việt Nam. Hai là: chúng không bắt buộc phải dùng tiếng Việt, dần dần không nói thạo tiếng Việt, và rốt cục không muốn dùng tiếng Việt, ngay cả trong gia đình.
Nếu không dùng tiếng Việt tất nhiên không thể biết, nhất là không thể hiểu tường tận, chuyện Việt Nam được vì bắt buộc phải đọc sách ngoại ngữ. Mà sách viết bằng ngoại ngữ, phần lớn là tiếng Anh, do tác giả người ngoại quốc soạn thảo, thì hầu hết không nói đúng sự thật, hay không nói hết sự thực, hoặc vô tình nói sai sự thực, và, tệ hơn nữa, một số rất lớn cố ý xuyên tạc sự thực, chỉ nói xấu không nói tốt về nước Việt Nam và người Việt Nam. Sự kiện này gây cho thanh niên Việt Nam một mặc cảm xấu hổ về xứ sở, dân tộc, cha mẹ mình.

Muốn sửa đổi tình trạng nói trên, phải có nhiều sách do người Việt soạn thảo, và viết một cách đứng đắn — sưu khảo công phu tường tận, trình bày một cách mạch lạc, đầy đủ, khách quan, lý luận chặt chẽ, dùng lời lẽ đứng đắn — thay vì bất chấp đúng sai, phải trái, không tôn trọng nguyên tắc “nói có sách mách có chứng”, đả kích, lăng mạ bừa bãi, dùng lời lẽ bất nhã, thô tục, –. Chỉ có những sách soạn thảo và viết một cách đứng đắn mới được những thư viện trưởng liệt vào loại “khả kính”, mua và đặt lên kệ sách của thư viện họ mà không bị khiển trách là dùng ngân sách nhà trường để mua “trash” (đồ rác).


Tất nhiên những sách đứng đắn, đúng tiêu chuẩn “khả kính”, có nhiều hy vọng được đưa lên kệ sách của các thư viện ngoại quốc lớn nếu viết bằng ngoại ngữ hơn là bằng tiếng Việt. Nhưng những tác phẩm viết bằng tiếng Việt cũng có hy vọng được các thư viện đó chấp nhận nếu được nhân viên của thư viện chuyên về Á đông xác nhận là nó thực sự có giá trị. Nếu đươc dịch ra ngoại ngữ thì nó lại càng nhiều hy vọng được chấp nhận hơn nữa. Và như vậy, trên kệ sách của các thư viện lớn có thêm những tác phẩm giúp độc giả, nhứt là các thanh niên Việt Nam, kiểm điểm sự đúng sai của những điều nêu ra trong các tác phẩm ngoại quốc, và có được một quan điểm cân bằng, trung thực, về xứ sở của cha mẹ mình.

Vì lý do trên, tôi rất vui và mừng khi nhận được bản thảo của quyển “Ngô Đình Diệm: Lời khen, tiếng chê” của ông Minh Võ, và tôi lấy làm hân hạnh được ông ấy mời giới thiệu tác phẩm này.
Trước ngày nhận được bản thảo nói trên, tôi không hề quen, và cũng không hề biết ông Minh Võ. Đọc tiểu sử của ông ấy, tôi mới biết là ông tên thật là Vũ Đức Minh, thời cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền ông còn rất trẻ (ông sinh tại Nam Định năm 1931); suốt thời gian ông Diệm cầm quyền ông không hề giữ chức vụ gì đáng kể có thể cho ông ta gần ông Diệm và đặt ông ta vào thế ân oán đối với ông Diệm; mãi đến năm 1971, tám năm sau khi ông Diệm bị hạ sát, và ba năm sau khi tôi từ chức Tổng trưởng Thông tin, ông mới được cử giữ chức Phó giám đốc nha Vô tuyến truyền thanh. Cho nên, những điều tôi nói dưới đây hoàn toàn không do liên hệ gì riêng với Minh Võ, mà chỉ diển xuất sự tán thành một công trình sưu khảo có giá trị về những diễn biến trong thời gian 1954-1963. Thật ra, tác phẩm này bao gồm cả những năm 1945-1975. Đó là một giai đoạn cực kỳ rối ren mờ mịt, cần được nhiều thời gian, và rất nhiều công trình sưu khảo đứng đắn khách quan, đặc biệt là của người Việt Nam, soi sáng.

Điều trên đây rất cần thiết để tái lập sự thực bị ém nhẹm, bóp méo, xuyên tạc, hay vì sưu khảo hời hợt, thiếu sót, chưa được đưa toàn bộ toàn diện ra ánh sáng để cho mọi người Việt Nam có đủ dữ kiện so sánh, cân nhắc, phán xét một cách chính xác, cân bằng và công bằng, và hiểu rõ những gì đã thực sự xảy ra cho xứ sở, cho mình và cho thân nhân bằng hữu của mình, cho toàn dân tộc Việt Nam, cùng những khuyết điểm và ưu điểm của những người đã lãnh đạo xứ sở trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn của đất nước. Chỉ sau khi điều kiện này thực hiện, người Việt mới đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau, thông cảm nhau, dung nhượng và hòa giải với nhau, để cùng nhau xây dựng lại xứ sở, thay vì tiếp tục vin vào quá khứ, hay đúng hơn, vào những quan niệm sai lầm về quá khứ, để xoi bói, đã kích, đối chọi nhau, sừng sộ với nhau, coi nhau như kẻ thù.

Tác phẩm của ông Minh Võ là một công trình sưu khảo có giá trị, đáp ứng đúng những tiêu chuẩn của một công trình sưu khảo đứng đắn và lương thiện, thuộc vào loại “khả kính” nói trên. Nó là một đóng góp lớn trong công cuộc làm sáng tỏ sự thực về một giai đoạn sôi động của lịch sử Việt Nam.
Tưởng cũng cần nói ở đây là năm 1963 ông Minh Võ đã có xuất bản một tác phẩm cũng có giá trị. Đó là Sách Lược Xâm Lăng của Cộng Sản. Tác phẩm này đã được Đài VOA trích đăng trong nhiều tháng, rồi ông Minh cũng đã được Đài VOA mời phụ trách một mục hàng tuần, mang tên là “Viển ảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, trong suốt thời gian 7 năm, từ tháng 5, 1964 đến giữa năm 1971.
Tôi hy vọng rằng tác phẩm Ngô Đình Diệm: Lời khen tiếng chê sẽ được dịch ra ngoại ngữ để được phổ biến rộng rãi và cung cấp cho người ngoại quốc, và nhất là những thanh niên Việt Nam không đọc được tiếng Việt, một tài liệu quan trọng để họ có cơ sở so sánh với các tác phẩm của tác giả ngoại quốc, kiểm điểm những điều các tác giả này đã nói về Việt Nam và người Việt Nam, và có một quan niệm chính xác và thăng bằng hơn.
Ottawa
Ngày 20/4/1998
Tôn Thất Thiện

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích

Luận công định tội là một việc làm vô cùng hệ-trọng trong lịch-sử. Ngày xưa, ngay từ hồi vua chúa cũng đã có những ngự sử làm công việc này để giúp vua nhìn sáng suốt hơn. Và nếu ta vẫn còn quan-niệm lịch-sử như một tấm gương để trông vào đó mà hành-xử cho ra người thì việc làm này lại càng cần kíp hơn bao giờ hết.
Do nghĩ vậy nên tôi rất cảm kích được tác-giả Minh Võ cho xem tập bản thảo Ngô Đình Diệm, lời khen tiếng chê. Việc trước hết phải nói là tinh-thần làm việc muốn cho thật công bằng của tác giả. Ngay từ những trang đầu ông đã cho là việc ông làm dù cần thiết nhưng cũng tỏ ra rất khó khăn. Sức người có hạn, ông không thể xem được cả ngàn cuốn sách viết về chiến-tranh Việt-nam để mà rút ra được những nhận-định thật chính-xác. Ông đã phải làm công việc “sampling,” nghĩa là chọn trong hàng nghìn cuốn sách một số không tới 30 cuốn mà ông mong là tiêu-biểu, đại diện cho nhiều quan-điểm để có được một cái nhìn không đến nỗi một chiều.
Song kỹ-thuật “sampling” tự nó đã là một việc làm rất khó. Tác-giả chọn quyển này thì người khác có thể đòi chọn 5-3 quyển khác ngay. Riêng cá nhân tôi, chẳng hạn, rất tiếc là trong những sách ông chọn để nghiên cứu về chỗ đứng trong lịch- sử của ông Diệm, hình như ông đã không để ý mấy đến sách của người Anh, người Úc, như sách của Dennis J. Duncanson (Government and Revolution in Vietnam) và nhất là cuốn The Last Confucian, một trong những cuốn hiếm có mà có thể gọi căn-bản là tiểu-sử của ông Diệm, do Denis Warner (Úùc) viết. Tại sao? Vì người Anh, người Úùc không trực-tiếp tham-gia vào chiến-tranh Việt-nam một cách thâm sâu như người Mỹ, người Pháp nên dễ có thái-độ khách-quan hơn.
Tuy nhiên, nói thế là nói về tiểu-tiết vì cứ nhìn vào chỗ sách tác giả Minh Võ đã đọc ta cũng phải thấy ngay là ông đã nỗ lực hết mình để nghe, xét và cân nhắc nhiều quan-điểm khác nhau, cả Mỹ lẫn Việt, liên-quan đến chỗ đứng của ông Ngô Đình Diệm trong lịch-sử nước nhà. Việc này rất cần thiết song, một lần nữa, tôi cũng xin nhắc là không phải dễ.
Ta có thể có những phản-ứng nhất thời, rất nhanh, rất chủ quan mà chưa chắc đã sai. Như bà Ngô Đình Nhu, khi được tin chồng và anh chồng mình chết, đã nói ngay là câu chuyện chưa hết và “ác giả, ác báo” — kết-quả nhỡn-tiền là chỉ cần ba tuần sau ông John Kennedy, tổng-thống Hoa-Kỳ, cũng bị ám sát chết. (Nghĩa là cái linh tính của bà Nhu rất nhanh nhạy, bà đâu phải đợi đến hôm nay, nghĩa là 30 năm sau, sau khi các hồ sơ mật của chính quyền Mỹ đã được mở ra cho công chúng, bà mới trông ra bàn tay, trách nhiệm của người Mỹ trong cái chết của ông Diệm. Nói thế không có nghĩa là tôi đồng ý với bà Nhu, một người mà tôi cho là đã đổ dầu thêm vào lửa trong vụ Phật Giáo 1963, nên bà cũng phần nào mang trách-nhiệm trong sự sụp đổ của nhà Ngô và nền đệ nhất Cộng-hòa ở miền Nam. Tôi chỉ xin nêu ra đây trường-hợp này để nói như người Mỹ, “facts are facts,” sự-kiện lịch-sử là sự-kiện lịch-sử, không phải mình nói vặn nói vẹo mà rồi có thể đổi thay được những sự-kiện đó; và cũng để nêu ra một cái trớ trêu của lịch-sử: Bà Nhu là người Công-giáo, thế mà khi lên tiếng trong vụ này, bà lại dùng một hình ảnh hoàn-toàn Phật-giáo. Thêm vào đó tôi cũng muốn nói là không thể luận riêng tội hay công của ông Diệm mà lại không nói đến những người chung quanh ông được.)
Thành thử chuyện của ông Minh Võ làm, tuy đáng phục và cần thiết đấy, tôi dám nghĩ là cũng chưa phải là tiếng chuông cuối cùng về vấn-đề này. Dầu sao, tuy mới chỉ là bước đầu, tôi thiết nghĩ là ông cũng đã suy nghĩ nhiều và khá sâu sắc –đủ đáng để đem ra chia sẻ với chúng ta. Do vậy nên tôi xin có lời giới thiệu này và mong là độc-giả của ông cũng học hỏi được nhiều như tôi đã thâu lượm được trong khi đọc bản thảo.
Nguyễn Ngọc Bích
Springfield, ngày 29 tháng 3, 1998


Tâm Tình Gửi Bạn Đọc Trong Giới Trẻ


Một hôm đầu tháng 11 năm 1997 một người cháu nói với tôi: “Người Mỹ nói Ông Ngô Đình Diệm là độc tài, thối nát, đàn áp Phật Giáo, còn ông Hồ chí Minh được toàn dân gọi là cha già dân tộc. Bác ạ.” Tôi hỏi: “Cháu nghe ai nói thế?“ Anh ta liền bật máy vi tính rồi chỉ cho tôi xem vài đoạn trên Internet:

1. Hồ Chí Minh. By Elizabeth Maxwell, 20th Century Honors: “Ho ’s fight for freedom never ended… in the end he was known by all the people in Vietnam as the uncle of their country.”
2. South Vietnam. By Charles Matthews, 20th Century Honors: “Diem ’s regime proved to be very corrupt and oppressive, and contributed to South Vietnam being very politically unstable. His racist policies against the Buddhists of South Vietnam which represented 80% of the population…”
3. Buddhism. By Charles Matthews, 20th Century Honors: “Diem passed laws that threatened the Buddhist population’s religious freedom by banning some holidays and customs. This caused a lot of dissent among the Buddhists who were very powerful due to the fact that Buddhism represented over 80% of the population.”
Tạm dịch:
1. Hồ Chí Minh. Tác giả Elizabeth Maxwell. Nhà Xuất bản Century Honors: “…Ông Hồ không ngừng chiến đấu cho tự do…cuối cùng ông đã được toàn dân Việt Nam coi như Bác của xứ sở họ.
2. Nam Vietnam. Tác giả Charles Matthews. Nhà xuất bản Century Honors.” Chế độ Diệm đã rõ là một chế độ thối nát và đàn áp và đã góp phần vào sự bất ổn chính trị của miền Nam Việt Nam. Những chính sách kỳ thị của ông ta chống tín đồ Phật Giáo miền Nam Vietnam là tầng lớp đại diện cho 80% dân số.”
3. Đạo Phật. Tác giả , nhà xuất bản, như trên: “Ông Diệm đã ban hành những đạo luật đe dọa tự do tôn giáo của dân theo đạo Phật bằng cách cấm một số ngày nghỉ theo đạo và những tập tục của đạo. Điều này đã gây bất đồng trong giới Phật tử là thành phần rất có thế lực do sự kiện là Phật giáo đại diện trên 80% dân số.
……
Tôi hỏi: “Cháu có tin những điều đó là đúng không?” “Dĩ nhiên cháu không tin.” Anh ta đáp. “Vì gia đình mình từ ông nội đến ba cháu rồi chúng cháu đều là nạn nhân cộng sản, không ưa gì ông Hồ và hiểu rõ ông Diệm là người chống Pháp, chống cộng, có công trong việc xây dựng miền Nam giầu có hơn miền Bắc của ông Hồ gấp bội. Nhưng các bạn cháu, nhất là những người còn trẻ và đã xa quê hương từ những năm 70, phần đông, nếu không tin hoàn tòan những điều đó thì cũng nghĩ ông Diệm không phải là người tốt. Vì bị ảnh hưởng của sách báo Mỹ.”
Từ ngày Đệ Nhất Cộng Hoà bị lật đổ, rồi Hoa Kỳ ồ ạt đem quân tác chiến vào Việt Nam, Mỹ hóa cuộc chiến tranh, tôi ít quan tâm đến thời cuộc, không còn viết sách nữa. Sách báo đôi khi có cầm đọc cũng chỉ là để khuây khỏa, giải sầu. Nhưng nay những lời trên của người cháu còn trẻ làm tôi ray rứt, muốn tìm hiểu thêm, để chia sẻ với độc giả lớp trẻ những nhận định khách quan hơn về lịch sử, nếu có thể được.
Vào thư viện Mỹ, nhìn đến khu sử về Việt Nam thấy chóa mắt, vì nhiều quá. Trước mắt tôi: “No more Vietnams” (“Thôi đừng Việt Nam nào nữa.”) Tôi tính bỏ đi, trong bụng cũng nghĩ, thôi Việt Nam với chả Việt Nam, đề tài cũ rích rồi. Nhưng nhìn xuống duới phía tên tác giả, hai chữ Richard Nixon màu đỏ to tướng gợi óc tò mò của tôi, vì gần đây, sau khi chính khách lỗi lạc này chết, các cơ quan truyền thông và nghệ thuật (thứ bảy) đã nói nhiều đến tên tuổi và cuộc đời ông. Tôi cầm cuốn sách đem về đọc. Trong tác phẩm này ông Nixon nói đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất nhiều và với những nhận xét khách quan và tốt đẹp, chứ không như những tác giả Mỹ khác mà cháu tôi nói. Tôi muốn đọc thêm.
Nhưng Nixon viết trong tác phẩm của ông là những sách về chiến tranh Việt Nam (cho đến năm 1985, là năm ông viết xong cuốn “No More Vietnams”) có tới khoảng 1200 cuốn. Tôi đành nghĩ ra một cách cứ lấy tạm một số chừng một hay hai phần trăm số đó cũng đủ rồi chứ làm sao đọc hết được. Thế là thỉnh thoảng tôi lại vào thư viện mang về một quyển. Ban đầu tôi thấy việc đọc sách có vẻ mệt, nhất là những sách bằng Anh ngữ. Nhưng càng đọc tôi càng thích thú và rồi không biết mệt nữa.
Sau ba tháng mài miệt đọc, tôi lấy làm hài lòng nhận ra rằng trong những tác phẩm đó có đại diện đủ mọi loại nhân vật; Mỹ có, Việt có, người chê ông Diệm cũng có, mà người khen ông Diệm cũng không hiếm. Có những tác giả là Tổng Thống , thủ tướng, quốc trưởng. Cũng có một số nhà báo, sử gia, nhất là tôi thấy có nhiều người trước kia đã kịch liệt đả kích ông Diệm chủ trưong hay chủ xướng việc lật đổ, hoặc đích thân nhúng tay vào việc lật đổ ông Diệm, và dĩ nhiên có một số trước kia là người thân và mến phục ông Diệm, tuy rằng những người thân nhất trong gia đình ông hay các vị phụ tá trung thành nhất thì không có ai, vì hầu hết đã bị sát hại hay hãm hại rồi.
Tôi bèn nảy ra một ý: Làm một cuộc thăm dò dư luận với những tiêu chuẩn và phương pháp mà các nhà báo hay cơ quan thăm dò “Gallup” thường làm. Nhưng thay vì hỏi người sống thì tôi hỏi tác phẩm. Nghĩa là tôi sẽ, theo sự lựa chọn chủ quan của tôi, trích hay trích dịch một số đoạn vắn trong những tác phẩm mà tôi đã đọc để trình với bạn đọc trong giới trẻ về những lời khen hay tiếng chê đối với ông Ngô Đình Diệm được nêu lên trong các tác phẩm đó. Dĩ nhiên sự lưa chọn của tôi là do chủ quan. Nhưng nếu độc giả không đồng ý thì cứ tự do suy nghĩ hay nói lên nhận định của mỗi người.
Để giúp bạn đọc đỡ mất thì giờ tôi sẽ ghi nguyên văn hay dịch nguyên văn rồi ghi dưới phần chú thích nguyên văn bằng ngoại ngữ để bạn đọc có thể duyệt lại xem có chính xác không; vì dầu sao, nếu dịch không đến nỗi là diệt, hay phản, thì thường cũng không thể luôn luôn thật sát nghĩa được.
Và cũng để giúp bạn đọc có thể kiểm tra cả việc chọn lựa những đoạn trích dẫn hay trích dịch để dẫn chứng xem có ra ngoài văn cảnh không, tôi sẽ ghi rõ số trang và tên tác giả, tên nhà xuất bản, cùng với nơi và năm xuất bản nếu có thể được, để bạn đọc, nếu cần, có thể đọc nguyên cả đọan hay nguyên tác phẩm, xem sự trích dẫn hay trích dịch của tôi có trung thực và chính xác hay không. Dĩ nhiên tôi luôn cố gắng khách quan và công bình, nhưng chỉ có độc giả thẩm định được tính khách quan hay chủ quan của tôi.


Cũng nhằm giữ thái độ thật khách quan, vô tư tôi sẽ gạt ra ngoài một số tác giả mà tôi biết có liên hệ nhiều đến cá nhân ông Diệm hay thường được một số ngừơi cho rằng có thiên kiến muốn bào chữa cho ông Diệm. Ví dụ ông Nguyễn Văn Châu, tác giả cuốn “Ngô Đình Diệm và nỗ lực hòa bình dang dở” (1), vì có người như Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi cho rằng ông Châu, người Công Giáo miền Trung, là con nuôi ông Diệm và kém học thức, mặc dầu cuốn sách của ông Châu là luận án sử học trình bằng Pháp văn tại trường đại học Paris VII; hoặc ông Hoàng Lạc, tác giả cuốn “Nam Việt Nam, những sự thật chưa hề nhắc tới”, vì tuy ông Hoàng Lạc không phải công giáo, hay người miền Trung, nhưng đã được ông Diệm đặt làm tỉnh trưởng, sau khi đã từng làm đội trưởng đại đội an ninh phủ Tổng Thống ; hoặc nữa ông Nguyễn Trân, tác giả cuốn “Ngô Đình Diệm công và tội”, vì ông này cũng đã từng được ông Diệm đặt làm tỉnh trưởng tỉnh Định Tường. Gần đây tướng Huỳnh Văn Cao cũng mới cho in cuốn “Một kiếp người ” trong đó có nói tốt về ông Diệm. Tôi cũng phải gạt cuốn sách đó sang một bên, vì nhiều người Mỹ như Karnow, Sheehan, trung tá Vann v.v…liệt ông Cao vào hàng sĩ quan “bợ đỡ” ông Diệm. Tôi càng không muốn trích dẫn ông Nguyễn Văn Chức, tác giả cuốn “Việt Nam Chính Sử ” mà những người vô tư như sử gia Hoàng Ngọc Thành đều cho là cuốn sách giá trị viết bởi một ngòi bút trung thực, công tâm. Lý do cũng vì ông Chức chẳng những là người Công Giáo mà còn là tổng thư ký liên đoàn Công Giáo. Mà những người có thành kiến với ông Diệm thường gắn liền ông Diệm với những gì là Công Giáo, cho nên có thể bảo ông Chức bênh vị Tổng Thống đồng đạo.
Về phía người ngoại quốc tôi cũng xin được bỏ qua một người là nữ tiến sĩ Ellen Hammer (2), tác giả cuốn “A death in November” là người đã hết lời ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm vì tôi không muốn có quá nhiều người “bênh” trong “cuộc thăm dò dư luận bằng tác phẩm” này. Ngoài ra cũng vì những người thù ghét và chủ trương lật ông Diệm như thiếu tướng Đỗ Mậu bảo bà Hammer không vô tư vì bà là bạn thân của giáo sư Bửu Hội (nhà bác học duy nhất của Việt Nam lúc ấy) mà giáo sư Bửu Hội thì lại hết lòng ủng hộ ông Diệm trong vấn đề Phật Giáo, mặc dầu thân mẫu của giáo sư là một Phật tử thuần thành.(3)
Tôi thành thực xin các tác giả nêu trên rộng lượng thông cảm cho tôi. Và nếu bạn đọc thấy như vậy là không công bằng, thì xin tự tìm đọc những tác phẩm trên để bổ túc cho sự chọn lựa của tôi.
Cũng để giữ khách quan và công bình, tôi sẽ không trích dẫn những lời khen trước, hay xếp những lời khen xuống cuối để gây tác dụng tâm lý với độc giả. Mà sẽ xếp theo thứ tự A,B,C, của tên tác giả (tên gọi cho người Việt và tên họ cho người ngoại quốc). Ví dụ Bảo Đại đứng đầu và Phạm kim Vinh đứng chót.
Ngoài ra tôi xin dành quyền bày tỏ cảm nghĩ riêng cuả tôi, và xin độc giả ghi nhận đó chỉ là cảm nghĩ chủ quan, đối với các lời khen hay chê. Đôi khi tôi cũng trình bày những gì tôi biết về tác giả để độc giả dễ thấy nguyên nhân của những lời khen hay tiếng chê đó. Nhưng tôi mong bạn đọc vẫn giữ thái độ độc lập trong khi phán xét những lời khen hay tiếng chê đó, đừng để mình bị ảnh hưởng bởi cảm nghĩ của cá nhân tôi.
Trong thời ông Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam, tôi không giữ chức vụ gì quan trọng trong chính quyền, lại cũng còn ít tuổi, nên chẳng bao giờ được gặp vị Tổng Thống đó. Cũng chẳng có hân hạnh được gặp phó Tổng Thống hay một vị tổng bộ trưởng nào trong chính quyền. Vì vậy cũng gần như bất cứ “phó thường dân” Việt Nam nào, tôi chỉ biết ông là một Tổng Thống và là Tổng Thống được dân bầu lên theo hiến pháp. Còn tôi là một quân nhân phải theo kỷ luật nhà binh, tôn kính vị tổng tư lệnh của mình. Cho nên tôi không đủ tư cách và cơ sở để khen hay chê ông Diệm trong tập sách này. Tôi chỉ nêu lên những lời khen hay chê của những người khác, rồi góp ý bàn thêm về những lời khen tiếng chê đó mà thôi. Và mong các bạn đọc trẻ, cũng chẳng bao giờ được thấy mặt Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sẽ cùng tôi chia sẻ những nhận định về ông qua những lời khen và tiếng chê của những người đã từng có dịp gặp hay theo rõi sát hành động của vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam.
Tôi sẽ chia soạn phẩm này ra làm 26 chương ghi 26 lời khen hay tiếng chê của 26 nhân vật trong số đó có, về phía Mỹ, 3 vị Tổng Thống , 2 vị đại sứ, 1 giám đốc, 3 sử gia, 3 nhà báo, cộng là 12; về phía Việt Nam, 1 nhà cách mạng tiền bối, 1 Tổng Thống , 1 quốc trưởng, 1 thủ tướng, 1 đại sứ, 3 tướng lãnh, 2 sử gia, 2 nhà báo, 1 trung úy và 1 cán bộ cao cấp cộng sản, cộng là 14; tổng cộng 26. Trong số tác phẩm trích dẫn có 9 cuốn bằng Việt Ngữ, số còn lại bằng Anh ngữ. Cũng xin ghi nhận là trong số 26 nhân vật được trích dẫn có 6 vị tích cực tham gia các cuộc đảo chính lật ông Diệm.
Đầu mỗi chương tôi sẽ xin giới thiệu sơ qua từng tác giả. Và cuối mỗi chương sẽ dành vài hàng lạm bàn về tác giả hay tác phẩm đã trích dẫn. Lời khen hay tiếng chê mà chúng tôi đặt ở ngay đầu chương làm tiêu đề chỉ là một lời có tính cách đặc trưng của mỗi nhân vật, phải đọc cả chương thì mới thấy đầy đủ ý nghĩa của nó. Đồng thời lời nói đặt thành tiêu đề không có nghĩa tuyệt đối là khen hay chê. Vì thường những tác giả khen đềâu có chê, và ngược lại những người chê dù chê đến mấy cũng có những lời khen, đôi khi lời khen còn mạnh hơn những lời chê.
Ngoài 26 chương bao gồm nội dung chính, sẽ có một chương nhận định chung về những ý kiến đã được trích dẫn và góp ý về tình hình thế giới và Nam Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hoà do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, qua sách báo mà tôi được đọc gần đây, nhất là qua tác phẩm của những tác giả nêu trên.
Ước mong của tôi là trình được một cách vắn tắt và tổng hợp những lời khen tiếng chê của một số nhân vật lịch sử cũng như của dư luận Mỹ, Việt đối với một nhân vật lịch sử nổi bật của Việt Nam là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Theo thiển kiến, ông Diệm chẳng những đã từng đại diện cho phe quốc gia Việt Nam trong gần một thập kỷ khi ông cầm quyền, mà có lẽ còn cho tới ngày nay và sau này nữa. Vấn đề là những người trong phe quốc gia có muốn có một người tương đối xứng đáng đại diện cho mình hay không.
Dù sao những nhận định chủ quan của tôi cũng chỉ dựa trên vài phần trăm những sách đã viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có những lời khen và tiếng chê dành cho ông Ngô Đình Diệm. Vì vậy hiển nhiên là còn thiếu sót. Mong các bạn trẻ khi tìm đọc tiếp những tác phẩm khác sẽ bổ túc cho.
California, ngày 24 tháng 2 năm 1998.
Minh Võ

Chú thích
(1) Xin xem trang đầu của phần sách báo trích dẫn.
(2) Xin xem trang thứ 2 của phần sách báo trích dẫn.
(3) Trong thời gian xảy ra vụ khủng hoảng Phật Giáo nhà bác học Bửu Hội đang làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Ma-rốc được Tổng Thống Ngô Đình Diệm cử cầm đầu phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa (Quan Sát Viên) tại Liên Hiêp Quốc thay thế bà Trần Văn Chương từ nhiệm. Ông đã nồng nhiệt và khôn khéo vận động với ông tổng thư ký LHQ U Thant và những nhân vật chính yếu trong đại hội đồng LHQ, đồng thời đề nghị Tổng Thống Diệm, chấp thuận mời một phái bộ LHQ đến Việt Nam để nhận xét thực trạng về tự do tín ngưỡng tại đây. Trong phúc trình tổng kết vào tháng 12 năm 1963, nghĩa là hơn một tháng sau cuộc đảo chính lật đổ Đệ Nhất Cộng Hoà, phái đoàn đã xác nhận là không có kỳ thị tôn giáo. Nhưng những người chủ xướng cuộc đảo chính ở Hoa Thịnh Đốn và trong tòa đại sứ Mỹ ở Saigon, có lẽ đã đoán trước được kết luận của phái bộ LHQ bất lợi cho cuộc đảo chính nếu trì hoãn đến sau khi phái bộ LHQ kết thúc báo cáo, cho nên đã cho khởi động cuộc đảo chính ngay khi phái bộ còn ở Saigon.
Ông Hà Vĩnh Phương, một Phật tử, hiện là chuyên gia pháp luật Nguyên Tử Năng của LHQ ở Áo, lúc ấy là đại sứ, tổng thư ký của phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa, trực tiếp dưới quyền của Giáo Sư Bửu Hội, đã tỏ lòng kính phục giáo sư về thái độ và lòng nhiệt thành của giáo sư trong vấn đề này trong một bài báo nhan đề: “Một Thời Vang Bóng” đăng trên tờ “Tiếng Sông Hương” nhân dịp kỷ niệm 100 năm trường Quốc Học. Ông đã kính cẩn dùng từ “Người” để gọi giáo sư, cũng như để gọi Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
ttba
Chương 1
Bảo Đại: Ngô Đình Diệm nổi tiếng là thông minh liêm khiết.

Vua Bảo Đại (1913-1997) là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và cũng là ông vua cuối cùng của Việt Nam. Ngày 25 tháng 8 năm 1945 ông đã thoái vị với câu nói lịch sử:
“Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do hơn làm Vua một nước bị trị. ” (1)
Sau đó ông được ông Hồ Chí Minh mời làm cố vấn tối cao cho chính phủ liên hiệp cùng với giám mục Công Giáo Lê Hữu Từ. Nhưng chẳng bao lâu, nhận ra ý đồ của ông Hồ và phe nhóm muốn xích hóa Việt Nam, ông đã thôi hợp tác. Năm 1949, theo lời yêu cầu của một số chính khách quốc gia, Bảo Đại trở lại chính trường với tư cách là quốc trưởng cho đến ngày 23 tháng 10 năm 1955 thì bị truất phế và tiếp tục sống lưu vong ở Pháp cho đến khi qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1997. Trước khi qua đời ít lâu ông đã cải giáo thành giáo hữu Công Giáo, mặc dù cha ông là vua Khải Định rất sùng đạo Phật và có xây chùa để thường ra đó gõ mõ tụng kinh, khấn Phật. (1bis)
Tháng 7 năm 1979 Bảo Đại viết xong hồi ký “Le Dragon d’Annam” (Ed. Plon, Paris xuất bản năm 1980) được Nguyễn Phước Tộc dịch ra tiếng Việt là “Con Rồng Việt Nam” và cho xuất bản năm 1990 tại California Hoa Kỳ.(2)
Đọc “Con Rồng Việt Nam” người ta thấy Bảo Đại rất quý trọng Ngô Đình Diệm và đã chọn ông Diệm để mời lãnh đạo chính phủ tới 4 lần (3), mặc dù ông này chỉ nhận hai lần vào năm 1933 và 1954.
Vì muốn thực hiện chương trình cải cách hầu khôi phục dần chủ quyền Việt Nam, năm 1933 vua Bảo Đại đã đặt Ngô Đình Diệm vào chức vụ thượng thư bộ Lại (Nội Vụ) đứng đầu nội các lúc ấy chỉ gồm có 6 bộ (3 bis), kiêm tổng thư ký hội đồng hỗn hợp Việt Pháp về “Canh Tân.” Trong hồi ký ông Bảo Đại viết:
“Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách bộ Lại. …Diệm năm ấy mới 31 tuổi, NỔI TIẾNG LÀ THÔNG MINH LIÊM KHIẾT. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ thượng thư, Ngô Đình Diệm còn là tổng thư ký cho hội đồng hỗn hợp về Canh Tân đã được ban bố năm trước, bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp”.(4)
Nhưng vì thấy người Pháp không đáp ứng những yêu cầu của ông về canh tân nên chỉ vài tháng sau Ngô Đình Diệm đã từ chức để phản đối, mặc dù nhà vua cố thuyết phục ông nên tiếp tục. Khi bất đắc dĩ phải chấp thuận cho ông từ chức nhà vua bảo ông Diệm:
“Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp”. (5)
Câu sau đây ở trang sau chứng tỏ Bảo Đại lúc ấy đã kỳ vọng ở Ngô Đình Diệm đến mức nào và cũng đồng thời cho thấy trong hàng sĩ phu lúc ấy Bảo Đại không còn biết trông cậy vào ai ngoài Ngô Đình Diệm:
“Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi HOÀN TOÀN thất vọng.” (1)
Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, người Nhật tỏ ý muốn trao trả độc lập cho Việt Nam trong tay Bảo Đại. Nhà vua lập chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng trước khi chọn , ông đã nghĩ đến Ngô Đình Diệm. Ông viết:
“Trong óc tôi, người tiêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm.” (7)
Đến cuối tháng tư đầu tháng năm năm 1948 ông Bảo Đại lại muốn lập một chính phủ do ông Diệm lãnh đạo. Nhưng ông Diệm không nhận vì thấy người Pháp chưa đáp ứng những đòi hỏi của ông. Trong hồi ký ông Bảo Đại viết:
“Nay chỉ còn đi đến việc thực hiện. Nhưng ai sẽ là thủ tướng chính phủ trung ương đây? Diệm được mời lại từ chối.” (8)

Trong khi hội nghị Geneve đang khai diễn, vào tháng 6 năm 1954 với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho giải pháp Bảo Đại và phe quốc gia, ông Bảo Đại lại một lần nữa tìm đến “người mà tôi tin cẩn.” Ông đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau:
“…Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:(9)
“– Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
–Thưa Hoàng Thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…

–Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:
–Thưa Hoàng Thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.
Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:
–Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng Sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:
–Tôi xin thề. “

Bảo Đại đã trao cho Ngô Đình Diệm toàn quyền dân sự và quân sự để có thể đối phó với tình hình cực kỳ khó khăn lúc ấy. Về những khó khăn của tân thủ tướng, Quốc Trưởng Bảo Đại viết:
“Công việc không dễ dàng gì cho Ngô Đình Diệm. Việc ông đến Saigon chẳng được ai hoan nghênh. Cần phải động viên tinh thần mọi người cả nước đã rơi vào tình trạng hoang mang. Ngày 30 tháng 6 ông ta ra Hà-nội mà những điều ông ta thấy không ai có thể tưởng tượng được. Chống lại Cộng Sản chẳng ai nghĩ đến…Trái lại nữa người Pháp bắt đầu di tản trước tiên… Hàng trăm ngàn người đau khổ trong đó có những người Công Giáo thuộc các giáo phận miền Bắc mà ông tin tưởng sẽ đứng bên cạnh ông, thì chỉ nghĩ đến chạy vào Nam. Thật đã quá chậm, không thể hành động gì được nữa.” (10)
Tuy rất bất mãn về việc bị truất phế nhưng xem ra ông Bảo Đại rất nhẹ nhàng trong việc chỉ trích ông Diệm. Có lẽ lời duy nhất ông dùng tương đối nặng là câu “một quốc gia cảnh sát trị” để chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm chuyên quyền độc đoán. (11)
Khoảng giữa năm 1992, sau 37 năm im lặng, Bảo Đại bỗng lên tiếng trong một buổi nói chuyện tại một trường học ở Pháp. Nhân dịp này người ta đã hỏi ông nhiều điều về thái độ của ông trong những năm cầm quyền trong đó có một câu về việc ông trao toàn quyền cho ông Diệm, được nhà báo Phan Văn Trường ghi lại và dịch từ Pháp văn như sau:
“Hỏi: Tại sao Ngài lại trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi ông này lật Ngài?”


Vua Bảo Đại cũng trả lời ngay :
“Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía Cộng Sản đã được Liên Sô tích cực ủng hộ về mọi mặt nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để có thể ngăn chặn (endiguer) sự bành trướng của Cộng Sản. Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là NGƯỜI YÊU NƯỚC, lúc trao quyền tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa, vì ông ấy rất mộ đạo, là phải giữ vững miền Nam, và nếu không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả quyền lại cho tôi. Nhưng rồi ông ta đã CHẾT KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ. Dù sao thì ông ta cũng cố giữ những lời cam kết ấy mà không được.” (12)


Có lẽ vì đã từng là quốc trưởng và đã phải đối phó với Cộng Sản, có kinh nghiệm về các phương pháp khuấy động gây rối của Cộng quân, hơn nữa tin tưởng ông Ngô Đình Diệm là người yêu nước thương dân, nên Bảo Đại không tin ông Diệm có thể bách hại Phật Giáo. Trong hồi ký ông đã viết:
“Tất cả đang tiến tới, thì chính phủ (Ngô Đình Diệm) gặp phải sự chống đối của các nhà sư. Ông Diệm và Nhu là người Công Giáo. Các nhà sư được Cộng Sản giật giây và mật vụ Mỹ tiếp tay, liền bắt đầu hành động. Chính quyền phải đối phó lại. Vô hình chung như mang mặc cảm kỳ thị tôn giáo…Ai đã xúi dục họ gây loạn, ai ? Họ ở đâu tới? Làm sao biết được họ từ Hà-nội vào hay từ Bắc Kinh tới?…” (13)
Chú thích:
(1) “Con Rồng Việt Nam”, Nguyễn Phước Tộc, California 1990. Trang 188.
(1bis) Trong hồi ký “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi”, nxb.Văn Nghệ, 1993, (trang 172), ông Đỗ Mậu gọi vua Khải Định là “vị vua nổi tiếng Việt Gian”
(2) Chú thích và trích dẫn trong chương 1 này là theo bản dịch của Nguyễn Phước Tộc.
(3) Vào những năm 1933, 1945, 1948, và 1954.
(3 bis) 6 bộ trong nội các là: Đứng đầu và có quyền trên hết là bộ Lại tức Nội vụ. 2: Bộ Hộ tức bộ Tài chính. 3: Bộ Lễ hay bộ Học. 4: Bộ Hình tức Tư Pháp. 5: Bộ Binh tức Quốc Phòng. Và sau hết 6: bộ Công tức Công chánh. Như vậy ông Diệm ở tuổi 31 đã đứng đầu nội các gồm các vị thượng thư hầu hết đều hơn ông cả chục tuổi, như ông Bùi Bằng Đoàn, cha của đại tá Việt cộng Bùi Tín, thượng thư bộ Hình, hơn ông Diệm đúng 20 tuổi.
(4) Sách đã dẫn trang 91. Ông Bảo Đại cũng cho biết là ông Nguyễn Hữu Bài đã tiến cử ông Ngô Đình Diệm.
(5) S.đ.d. tr. 93.
(6) S.đ.d. tr. 94.
(7) S.đ.d. tr. 165.
(8) S.đ.d. tr. 313.
(9) S.đ.d.. tr. 515.
(10) Tr.517.
(11) Tr 538.
(12 Nguyệt san “Diễn Đàn Phụ Nữ” tháng 9 năm 1992.
(13) Con Rồng Việt Nam các trang 543 và 545.


Trích:
“Hỏi: Tại sao Ngài lại trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi ông này lật Ngài?”

Vua Bảo Đại cũng trả lời ngay :
“Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía Cộng Sản đã được Liên Sô tích cực ủng hộ về mọi mặt nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để có thể ngăn chặn (endiguer) sự bành trướng của Cộng Sản. Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là NGƯỜI YÊU NƯỚC, lúc trao quyền tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa, vì ông ấy rất mộ đạo, là phải giữ vững miền Nam, và nếu không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả quyền lại cho tôi. Nhưng rồi ông ta đã CHẾT KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ. Dù sao thì ông ta cũng cố giữ những lời cam kết ấy mà không được.” (12) ” -hết trích.

Câu trả lời này của vua Bảo Đại đã thay đổi cái nhìn của tôi về ông. Sự thẳng thắn của ông trong câu trả lời trên làm tôi kính phục ông lắm.
ttba
Chương 2
Phan Bội Châu: Ông Ngô Đình Diệm là Chí sĩ, Vĩ nhân.

Nhà cách mạng lừng danh Phan Bội Châu (1867-1940) người Nghệ An, (cũng như Phan Đình Phùng và Hồ Chí Minh) thiết tưởng ai cũng đều biết. Tài, trí và ý chí, hành động của ông đã được ghi vào lịch sử. Ông đã đi khắp nơi thu nạp đồng chí và tìm cách đoàn kết lương giáo trong mặt trận yêu nước chống thực dân Pháp. Trong mục “Giao kết giáo đồ” trang 36 của cuốn tự truyện “Phan Bội Châu niên biểu” ông đã nói qua về hành động này:
“Đoạn tôi từ biệt Tiểu La, lại chạy khắp các địa phương thâm kết giáo đồ từ Quảng Bình dĩ Bắc. Cụ Thông ở Mộ Vinh, Cụ Truyền ở Mỹ Dụ, Cụ Thông ở Quỳnh Lưu, Cụ Ngọc ở Ba Đồn, đều thông tình tỏ hết. Cái đám mây mù nghi ngờ giữa lương giáo, quét một trận mà sạch bong, cũng là một việc thích lắm.” (1)
Ông cũng không ngừng xuất dương cầu viện và đưa học sinh ra nước ngoài học tập trong phong trào Duy Tân để tạo lực lượng chống Pháp. Ông đã gặp rất nhiều yếu nhân Nhật Bản và Trung Hoa trong đó có cả Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn để gây hậu thuẫn cho đại cuộc. Nhưng vận nước nhà chưa tới nên ông đã bị người quen phản và bị Pháp bắt giam vào tháng 6 năm 1925, bỏ dở việc lớn.(2)

Bernard Fall, trong cuốn “The two Vietnams”, có nói về việc ông Ngô Đình Diệm liên lạc với nhà cách mạng tiền bối Phan Bội Châu. (3)
Minh Hùng, tác giả “Đời một Tổng Thống ”, Saigon 1971, có ghi lại lời phát biểu của cụ Phan Bội Châu về việc ông Diệm rũ áo từ quan năm 1933 như sau:
“Ông Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục vong quốc, nên ông dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi. Ta muốn tặng ông Diệm một bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết. Ông Diệm bây giờ mới là ông lớn (4) thật sự.”
Chú thích:
(1) Phan Bội Châu Niên Biểu. Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Saigon. 1971. Trang 36. Từ “Cụ” mà Phan Bội Châu dùng ở đây chỉ các linh mục Công Giáo. Thời ấy con chiên thường gọi các linh mục Việt Nam là “cụ.”

(2) Sử gia Phạm Văn Sơn, trong Việt Sử Tân Biên, tập 7, cơ sở Xuất Bản Đại Nam, trang 228 cho rằng cụ Phan đã bị nhóm Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh) và Lâm Đức Thụ bàn tính bán đứng cụ cho Pháp để lấy tiền tổ chức chống Pháp vì cho rằng cụ đã quá già và cũng hy vọng Pháp không giết cụ (?) Cụ bị bắt, đem xử tử, rồi được giảm án thành khổ sai chung thân. Sau cùng nhờ nhân dân phản đối và vận động với viên toàn quyền Pháp Varenne mới tới nhận chức, nên cuối cùng cụ được tha và bị quản thúc gắt gao tại Huế cho đến khi qua đời.

(3) S.Đ.D. trang 239,240.
(4) Hai tiếng “Ông Lớn” là từ người thời đó thường dùng để gọi các quan. Cụ Phan Bội Châu có ý nói: Khi làm quan, từ tuần vũ Phan Thiết đến Thượng Thư bộ Lại trong triều, ông Diệm được gọi là “ông lớn”, nhưng không lớn thực sự, mà chỉ khi đã can đảm từ bỏ những chức tước đó, để phản đối chính quyền thực dân, ông Diệm mới thực sự trở thành “Ông Lớn”, tức VĨ NHÂN.


Trích: “…
có ghi lại lời phát biểu của cụ Phan Bội Châu về việc ông Diệm rũ áo từ quan năm 1933 như sau:
“Ông Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục vong quốc, nên ông dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi. Ta muốn tặng ông Diệm một bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết. Ông Diệm bây giờ mới là ông lớn (4) thật sự.” ” -hết trích.

Cụ Phan mất năm canh thìn 1940. Như vậy câu nói này tính tới nay là gần 70 năm. Ngẫm nghĩ lại thấy thấm thía làm sao.
Một điểm son nữa trong con người cụ Phan qua lời tâm tình trên của cụ là đức tính khiêm cung (egolessness) đối với người trẻ hơn mình. Thật xứng đáng là nhà đại cách mạng chơn chánh.
Trân kính,
Hoàng Kỳ Bắc Tiến
ttba
Chương 3
William E. Colby: Ngô Đình Diệm, nhà độc tài nhân từ.

William E. Colby (1920-1996) là một luật sư suốt đời phục vụ trong ngành OSS+ (tiền thân của Trung Ương Tình Báo Mỹ CIA) và CIA. Mới 24 tuổi ông đã mang quân hàm thiếu tá, hoạt động tại Âu châu, rồi Á châu. Ông đến Saigon đầu năm 1959, tháng 6 năm 1960 lên làm trưởng nhiệm sở CIA ở Việt Nam. Đầu năm 1962 ông trao quyền lại cho John Richardson, trở về Hoa Thịnh Đốn làm phó giám đốc Viễn Đông vụ. Ông đứng đầu CIA từ 1973 đến 1975. Ngày 27 tháng 4 năm 1996 Colby tử nạn một cách bí mật trong vụ đắm ca-nô mà ông lái du ngoạn (?) trên sông Wicomico gần nhà nghỉ mát cuối tuần của ông ở Rock Point, tiểu bang Maryland.

Colby là một trong số ít người Mỹ kính trọng hai ông Diệm, Nhu như ông đã viết trong hồi ký “Honorable Men / My life in the CIA” (1):
“Sau khi trình bày cho giám đốc McCone nghe, tôi cùng ông tới tòa Bạch Ốc trong chiếc Limousine của ông và tôi đã thú nhận với ông ta rằng cái chết của hai ông (Diệm Nhu) làm cho riêng cá nhân tôi rất đau lòng; tôi đã từng quen biết họ và kính trọng cả hai người, tôi là một trong số rất ít người Mỹ đã có cảm tình đó, đặc biệt là về phần ông Nhu” (thì càng ít người Mỹ có cảm tình. Chú thích của soạn giả). (1)
Trong chương 5 “Ấp chiến lược tại Việt Nam” ông đã nói nhiều về tính cương nghị và cái uy của ông Diệm biểu lộ trong những cuộc khủng hoảng chính trị và gọi ông Diệm là nhà ĐỘC TÀI NHÂN TỪ (2).
“Thực vậy, ông Diệm điều hành công việc như một ông quan cai trị, MỘT NHÀ ĐỘC TÀI CÓ THIỆN TÂM (hay nhân từ, theo soạn giả), dùng quyền lực ép dân phải bắt tay vào công cuộc phát triển (cộng đồng), vì lợi ích của chính họ, bất chấp họ nghĩ gì về điều đó, độc đoán, thiếu dân chủ. Ông ta dùng—nhưng lại than phiền về— hệ thống thư lại do Pháp đào tạo vào công việc đó, vì ông tin rằng nó sẽ có thể được cải tiến dần dần và sẽ được thay thế bằng lớp người sắp tốt nghiệp từ những trường huấn luyện về hành chánh, quản trị của Mỹ.”
Tại sao Colby có vẻ tán thành cách làm việc độc đoán của ông Diệm mà ông gọi là nhà độc tài nhân từ này? Vì theo nhận xét của ông, là người đã từng đi về thôn quê, lại nhìn rõ thực lực và phong cách của các chính trị gia phòng khách, trong nhóm Caravelle chẳng hạn, và nhất là đã có kinh nghiệm với Cộng Sản, biết họ đang toan tính gì, sắp thực hiện những gì, thì một nền dân chủ mà một số người Mỹ khuyến cáo không thích hợp cho Việt Nam vào lúc ấy. 

 Colby viết:
“Rõ ràng đây là giai đoạn đầu của “chiến tranh nhân dân”, Cộng Sản đang động viên và tổ chức các lực lượng để dùng vào cuộc chiến. Và rõ ràng là ở điểm này sự thách thức có tính chính trị và khuynh đảo, chứ không phải là thứ cần đến các bộ tư lệnh sư đoàn hay quân đoàn để đối phó. Mặt khác cuộc thách thức chính trị, tuy vậy, cũng chẳng phải là loại mà giới thượng lưu trí thức có thiện ý nhưng không có thực lực (cơ sở chính trị), ngồi trong khách sạn Caravelle để ra tuyên ngôn, kêu gọi lập “chính phủ lương thiện, công chính”, “một quân đội anh dũng được phấn chấn bởi một tinh thần duy nhất”, và một nền kinh tế “phồn vinh,” miễn là chính phủ thay đổi đường lối. Và như vậy, theo ý tôi, những khuyến cáo có tính mệnh lệnh của tòa Đại Sứ ép ông Diệm phải bổ nhiệm những người chống ông vào trong chính phủ,và cổ võ một cuộc điều tra của quốc hội theo kiểu Mỹ xem ra rất không thích đáng.

“Theo thiển ý của tôi, cuộc đọ sức thực sự lúc ấy là ở thôn xã. Những vấn đề căn bản hơn nằm ở đó.” (3)
Colby kính phục anh em ông Diệm có lẽ một phần vì nhận thấy hai ông có cùng một nhận định như trên. Khi mới tới Việt Nam Colby đã phải khen những thành tựu đạt được ở thôn quê. Ông viết:
“Đường xá được mở lại. Số trường học tăng nhanh ở thôn quê. Chương trình ngũ niên xịt thuốc diệt muỗi được khởi sự để thanh toán bệnh sốt rét rừng. Sức sản xuất lúa gạo bắt đầu tăng.”(4)
“Những tiến bộ về kinh tế, xã hội lúc đó đã xuống đến nông thôn àĐặc biệt kế hoạch “Khu trù mật” năm 1959, là kế hoạch được ông Diệm nâng niu nhất, bắt đầu với nhiều hứa hẹn. Những “ đô thị” nông nghiệp được xây dựng trên phần đất truất hữu của điạ chủ theo chuơng trình cải cách điền địa và được chia thành những khu trung tâm dân cư và vùng ruộng lúa.” (5)


Một lý do khiến Colby chịu cái độc tài của ông Diệm là vì chính ông nhận thấy rằng nếu không áp dụng một số biện pháp mạnh thì không thể nào làm chủ được tình thế khó khăn đến hỗn loạn xảy ra ở một nước kém mở mang, chia rẽ trầm trọng như Nam Việt Nam, luôn bị Cộng Sản khuấy phá về mọi mặt, từ trên miền Bắc phá xuống, từ sườn Ai-lao và hông Cam-bốt đánh sang và từ trong nội bộ đánh ra. Colby đã cho việc ông Diệm tồn tại được qua những năm 1954, 1955 là một phép lạ và cho rằng nếu Mỹ không nhúng tay vào thì ông Diệm cũng đã vượt qua cuộc khủng hoảng 1963, vì nó không trầm trọng bằng những lần trước. Nhận xét này cũng là nhận xét của Stanley Karnow, một sử gia thiên Cộng và thường có ý coi thường ông Diệm, như bạn đọc sẽ thấy ở chương 11. Colby nhìn nhận là trong hai cuộc đảo chính và hỗn loạn năm 1954 và 1955 đại tá Lansdale đã giúp ông Diệm một cách đắc lực, nhưng cũng công nhận rằng những thành quả chủ yếu vẫn là do ông Diệm. Ông viết:
“Nhưng để đạt đựơc tất cả điều này, thành tựu chính đích thực là của ông Diệm, kết quả của sự cương quyết của ông ta trong những khi có khủng hoảng, của sự cương quyết dùng quyền uy của mình giữa cơn hỗn loạn, và sự sốt sắng thi hành sứ mạng quốc gia chống cộng như một nhà tu trung thành với sứ mạng thiêng liêng của tôn giáo, và ngay cả đến sự từ chối dễ gây phật ý: không chấp nhận những lời khuyên nên cẩn trọng hay thỏa hiệp trong một tình thế ảm đạm.” (6)


“PHÉP LẠ của Diệm khi thoát chết trong những năm 1954-1956 đã khiến người ta hy vọng ông sẽ thành công ở đây” (7)
Về cuộc xáo trộn sau ngày lễ Phật Đản mồng 8 tháng 5 năm 1963, được mệnh danh là cuộc khủng hoảng Phật Giáo, Colby viết:
“Nhưng tôi nhớ rằng Diệm đã thoát hiểm và tồn tại trong tình hình còn hỗn loạn hơn vào năm 1955 và tôi tin rằng ông ta cũng có thể lại thoát nạn một lần nữa, nếu như người Mỹ giữ bình tĩnh và cho ông ta sự ủng hộ vào lúc này cũng như đã ủng hộ ông ta lúc trước.” (8)
“Vì cuộc rối loạn ở Huế đã đưa đến điều mà tôi coi như lỗi lầm tệ hại nhất của chiến tranh Việt Nam là cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm do Mỹ đỡ đầu.” (9)


Chú thích :
+ OSS là viết tắt của ”Office of Strategic Services”; CIA là “ Central Intelligence Agency”.
(1) “Những con người đáng kính / Đời tôi trong Cơ Quan Trung Ương Tình Báo.” Tác giả: W.E. Colby và Peter Forbath. N.x.b.: Simon and Schuster, New York 1978. tr. 217. Nguyên văn: “After briefing McCone, we rode down to the White House in his limousine, and I confessed to him that their deaths had hit me personally; I had known and respected them both, one of very few Americans who did, especially as far as Nhu was concerned.”
(2) S.đ.d.. trang 145. Nguyên văn: “Thus, Diem functioned as a Mandarin administrator, A BENEVOLENT DICTATOR, forcing his people into development for their own good, whatever they thought of it, authoritarian and undemo-cratic, using but complaining about the French trained bureaucracy he employed to do so, believing that it could gradually be reformed and replaced by the graduates of American public-administration training programs.”
(3) S.đ.d. trang 161. Nguyên văn: “Clearly, this was the first stage of the “peoplés war,” the mobilization and organization of the forces with which to fight. And clearly at this point the challenge was a political and subversive one, and not something for divisions and corps headquarters to contend with. On the other hand, though, the political challenge was not one that could be met by a well-meaning, intellectual elite with no political base issuing manifestoes from the Caravelle Hotel, calling for an “honest and just government,” ”a valiant army animated by a single spirit” and an economy which will “flourish” provided that the government changes its ways. And thus, in my view, the Embassy prescriptions of appointing oppositionists to the government and advocating American-style Congressional investigations seemed largely irrelevant. The real contest, it seemed to me, was in the villages, where the issues are more fundamental. “
(4) S.Đ.D. trang 145. Nguyên văn: “Roads were reopened, schools proliferated in the countryside, a five-year DDT- spraying campaign was started to eliminate malaria, rice production began to climb”
(5) S.Đ.D. trang 158. Nguyên văn: “The social and economic improvements then coming to the countryside In particular, Diem’s pet project of 1959, the “Agroville”, got off to what seemed a promising start. Agricultural “cities” were established on land taken from large landowners under a lanđ reform program and divided into population centers and rice fields.”
Ở những chương sau nói về lời khen tiếng chê của các ông Trần Văn Đôn, Hồ Sĩ Khuê và bà Margaret Higginsà bạn đọc sẽ thấy rõ hơn nữa cảnh miền quê sung túc dưới thời ông Diệm.
(6) S.Đ.D. trang 144. Nguyên văn: “But for all of this, the main accomplishments was truly Diem’s, the result of his toughness in crisis times, his firm use of authority amid anarchy, his monastic devotion to his mission of non- Communist nationalism and even his prickly refusal to accept counsels of caution and compromise when the situation appeared bleak.”
(7) S.Đ.D. trang 156. Nguyên văn: “Diem’s “miracle” of survival in the dark years of 1954 and 1955 gave hope that we could succeed here” S.Đ.D. trang 206. Nguyên văn: “but I remember that Diem had survived even greater turmoil in 1955 and I believed that he could do so again if the Americans kept a cool head and gave him the support now that they gave him then.”
(8) S.Đ.D. trang 203. Nguyên văn: “For the Hue riot led to what I still consider the worst mistake of the Vietnam war: the American- sponsored overthrow of Diem.”



Trích: “…
“Thực vậy, ông Diệm điều hành công việc như một ông quan cai trị, MỘT NHÀ ĐỘC TÀI CÓ THIỆN TÂM (hay nhân từ, theo soạn giả), dùng quyền lực ép dân phải bắt tay vào công cuộc phát triển (cộng đồng), vì lợi ích của chính họ, bất chấp họ nghĩ gì về điều đó, độc đoán, thiếu dân chủ. Ông ta dùng—nhưng lại than phiền về— hệ thống thư lại do Pháp đào tạo vào công việc đó, vì ông tin rằng nó sẽ có thể được cải tiến dần dần và sẽ được thay thế bằng lớp người sắp tốt nghiệp từ những trường huấn luyện về hành chánh, quản trị của Mỹ.” ” – hết trích.

Cái thế của Cụ Diệm là biết mình cần phải qua sông, nhưng lại không có đò! Đành phải ôm váng mà bơi vậy! Và dĩ nhiên, ôm váng bơi thì phải có lắm ruỉ ro, tai nạn có thể xảy ra như bị rắn cắn hoặc bị cá sấu phập v.v…
Nhưng không sao. Những tiếng chê bai cụ thì cũng như những cánh dơi đêm, không thể nào che lấp được ánh trăng rằm.
ttba
Chương 4
Bùi Diễm: Ngô Đình Diệm là người chuyên quyền và là sự thất bại.

Cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, rồi đại sứ lưu động trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, ông Bùi Diễm sinh năm 1922 trong một gia đình Nho phong mà tổ tiên đã từng làm đại thần trong nước. Ông là con học giả Bùi Kỷ và cháu sử gia Trần Trọng Kim, thủ tướng chính phủ do Nhật dựng lên từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945. Ông Diễm sớm tham gia phong trào học sinh chống Pháp và gia nhập đảng Đại Việt khi mới 20 tuổi.


Theo cuốn hồi ký “Trong nanh vuốt lịch sử” của ông(1), thì ông đã giữ vai trò liên lạc giữa Thủ Tướng Trần Trọng Kim và lãnh tụ đảng Đại Việt Trương Tử Anh trong những năm 45, 46 là lúc Cộng Sản phóng tay tàn sát các đảng viên của các đảng phái quốc gia.
Tháng 6 năm 1954, khi hội nghị Geneve đang khai diễn ông đại diện Bác sĩ Phan Huy Quát liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại để xin cho bác sĩ Quát làm thủ tướng thay thế hoàng thân Bửu Lộc. Nhưng Bảo Đại đã chọn Ngô Đình Diệm. Không thối chí, ông Diễm lại vận động với ông Diệm để bác sĩ Quát có một ghế bộ trưởng, cũng không xong. Có lẽ vì ông Diệm không muốn dùng những chính khách đã bị đốt cháy trong giải pháp Bảo Đại từ 1948 đến 1954.
Ông Diễm cho biết là chính ông đã giúp soạn thảo bản tuyên ngôn cho nhóm Caravelle mà ông cho rằng gồm toàn những chính khách có thớ.


Trong cuộc đảo chính năm 1963 ông Diễm đã cộng tác mật thiết với tướng Lê Văn Kim vì biết ông này phụ trách phần chính trị trong hội đồng tướng lãnh đảo chính. Người Mỹ mà hai ông Kim và Diễm thường xuyên tiếp xúc trong dịp này là Rufus Phillips, một nhân viên CIA. Sự liên hệ Diễm-Phillips-Kim cũng na ná như sự câu kết giữa tướng Trần Văn Đôn và trung tá Mỹ Lou Conein (2). Ông hy vọng qua ông Kim ông có thể đạt được ý nguyện đưa bác sĩ Quát lên làm thủ tướng của chính phủ hậu đảo chính. Nhưng khi đảo chính thành công ông đã “thất vọng.” Vì tướng Dương Văn Minh đã không chọn bác sĩ Quát mà lại chọn ông Nguyễn Ngọc Thơ.


Tuy nhiên rồi cũng có một lần ông được toại nguyện. Đầu năm 1965 tướng Nguyễn Khánh đã mời bác sĩ Quát làm thủ tướng và bác sĩ Quát đã phải tranh luận gay go mới thuyết phục được ông Diễm nhận ghế bộ trưởng phủ thủ tướng. (2 bis)
Hai ông vừa nhận chức được chưa đầy một tháng thì hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng (++) mở màn cho cuộc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, tuy rằng chưa bao giờ người Mỹ chính thức tuyên chiến.
Ba tháng sau ông Quát, mặc dầu có quân sư Diễm trợ lực, không giải quyết nổi cuộc khủng hoảng nội các do nguyên nhân chia rẽ Bắc Nam, đã anh dũng rút lui ngày 11 tháng 6 năm 1965, chấm dứt giấc mơ “dân sự – dân chủ” của chính khách Bùi Diễm.


Ông Diễm cho biết ông có rất nhiều bạn Mỹ (3) và thường tiếp xúc với các phóng viên Mỹ của các nhật báo, tuần báo và các hãng thông tấn lớn như Neil Sheehan (UPI), Malcolm Browne (AP), và David Halberstam (N.Y.Times) ((4). Có lẽ vì thế nhận định của ông về chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà có phần giống dư luận chung của báo giới Mỹ do các phóng viên trẻ nói trên chi phối trong thời gian 1962—1963 là lúc chính quyền Ngô Đình Diệm gặp nhiều khó khăn dồn dập. Ngược lại cũng có người cho rằng ông và những người có ác cảm với ông Ngô Đình Nhu như ông đã ảnh hưởng nhiều đến nhận định của các nhà báo Mỹ nói trên. Trong cuốn hồi ký ông viết:
“ÔNG DIỆM CHUYÊN QUYỀN VÀ THẤT BẠI, quá rõ là đều do sự chi phối của người em nham hiểm”(5)
Nhưng ban đầu, khi “bản chất con người ông Diệm chưa bộc lộ hiển nhiên” (6), như ông viết, ông Diễm đã có nhận định khá tốt về ông Diệm:
“Tôi rất kính phục vị thủ tướng mới và tin tưởng rằng, trên hết, ông là một chính khách sắc sảo, tinh khôn.” (7)
Về tình hình yên tĩnh ở nông thôn trước 1960, ông Diễm viết:
“Trước đó đi trong miền quê thật thoải mái. Bạn có thể lái xe từ nơi này đi nơi khác mà không sợ bị tấn công. (8)
Về cuộc khủng hoảng Phật Giáo giữa năm 1963, ông Diễm kết tội giám mục Ngô Đình Thục hơn là ông Diệm:
“Cuộc khủng hoảng Phật Giáo trên khắp Việt Nam vào tháng 6 năm 1963 là do chính sách của chính phủ Diệm ưu đãi Công Giáo. Gia đình Diệm theo đạo Công Giáo, và khi ở Hoa Kỳ ông Diệm đã từng ở trong một dòng tu của Mỹ. Tự nhiên là ông ta cảm thấy thoải mái hơn xung quanh người Công Giáo và an tâm hơn về sự trung thành của họ. Nguyên điều này, tự nó không tạo nên những vấn đề nan giải. Nhưng anh của ông Diệm là giám mục Thục ở Vĩnh Long, rồi tổng giám mục Huế, và chính ông này hơn là ông Diệm, phải chịu trách nhiệm về các vụ bùng nổ tôn giáo xảy ra vào mùa hè năm đó.” (9)
Dầu sao so với các ông Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Mậu, Hồ Sĩ Khuê (10), thì ông Diễm đã dùng những lời tương đối nhẹ nhàng trong khi chỉ trích ông Diệm. Có lẽ một phần vì ông đã được chứng kiến cán bộ của Võ Nguyên Giáp thủ tiêu, tàn sát các người quốc gia vào những năm 1945, 1946 tại Bắc Việt trong đó có vô số các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng,và Đại Việt, các đồng chí của ông, kể cả lãnh tụ Trương Tử Anh mất tích một cách kỳ bí, cũng tương tự như lãnh tụ Lý Đông A của đảng Duy Dân. So với sự tàn bạo của Cộng Sản thì dầu sao thái độ của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với nhóm Caravelle vẫn còn rất nhẹ.
Phải chăng vì đã lớn tuổi (11), và cũng đã gần ba chục năm sau, nên ông Diễm không nói chính xác lắm về vụ bắt giam các nhân vật thuộc nhóm Caravelle (12), khiến người đọc có thể hiểu lầm là một vài người, như ông Phan Quang Đán chẳng hạn, đã bị bắt giam ngay sau khi bản “tuyên ngôn Caravelle” ra đời, và ông Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh cũng tự tử ngay lúc đó.
Thực ra tác giả “Đoạn Tuyệt” chỉ tự tử sau khi nghe bị đưa ra tòa vào tháng 7 năm 1963, vì ông cho rằng “Chỉ có lịch sử xử được tôi” (13). Còn bác sĩ Phan Quang Đán (tức Phan Huy Đán ) thì vẫn được tự do. Bằng chứng là ông còn có thể “tham gia” cuộc đảo chính tháng 11 năm 1960 và bị một thiếu tá cùng họ và chữ lót Phan Huy sỉ nhục ngay trước mặt, khi sĩ quan này nói to với tướng Nguyễn Chánh Thi rằng: “Đ.M. chúng nó xôi thịt đó. Toàn là bọn xôi thịt cả, đại tá ơi (14). Vị sĩ quan Phan Huy này muốn nói: ông Đán (hay có lẽ cả ông luật sư Hoàng Cơ Thụy nữa, cho nên mới dùng hai chữ “chúng nó”, và không biết có ngụ ý gom cả ông Phan Huy Quát, cũng cùng họ Phan Huy vào đó không?) muốn lợi dụng “Cách Mạng” nhảy ra vào phút chót để “ăn có”
Chú Thích:
(1) Nguyên văn: “In the Jaws of History” tác giả Bùi Diễm cùng viết với David Chanoff. (Ông này cũng cùng viết chung những hồi ký của Đoàn Văn Toại và Trương Như Tảng). Nhà x.b. Houghton Mifflin Co., Boston. 1987.
(2) Đối chiếu cuốn “Our endless war” (Cuộc chiến bất tận của chúng tôi) của Trần Văn Đôn, người đọc thấy hình như ông Bùi Diễm đã che giấu việc ông và ông Phan Huy Quát có liên lạc vận động để người Mỹ đặt làm thủ tướng. Cuối trang 108 và đầu trang 109 (s.đ.d.) ông Đôn viết: “Lou Conein đại diện Đại Sứ Cabot Lodge gọi và xin phép cho một máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhứt. Conein nói máy bay có chở Bác sĩ Phan Huy Quát từ Cần Thơ về Saigon. Tôi đã phải cấp giấy phép, vì các lãnh tụ đảo chính đã cấm chỉ mọi chuyến bay. Sau này tôi được biết rằng việc ông Quát vội vã về Saigon có liên hệ đến một kế hoạch của người Mỹ muốn đưa ông lên làm thủ tướng của chính phủ hậu đảo chánh. Bác sĩ Quát, một chính khách thân Mỹ đã từng làm bộ trưởng quốc phòng thời quốc trưởng Bảo Đại. Sau này vào năm 1965, giữa lúc cuộc khủng hoảng tôn giáo và chính trị lên cao người Mỹ đã thành công trong việc ban bố cho người con đỡ đầu của họ chức thủ tướng.” Sau đây là nguyên văn:
“Lou Conein, representing Ambassador Cabot Lodge, called and asked for permission for a plane to land at Tân Sơn Nhứt. He said the plane was carrying Dr Phan Huy Quat back to Saigon from Can Tho where he had been grounded. I had to grant the permission, since all flights were banned by the coup leaders. I learned afterward that Quat’s hurried return to Saigon was linked to an American plan to make him premier of the post – coup government.
“Dr Quat, a pro-American statesman, had served as a cabinet minister during Bao Đai ‘s reign. Later in 1965, at the height of a religious and political crisis, the American succeeded in giving their protegé the premiership.” (pages 108 and 109)
(2 bis) Trang 125. Ông Diễm đã dùng các từ “miễn cưỡng” (reluctance) về phía ông, và “tranh cãi mãnh liệt” (argued strongly) về phiá bác sĩ Quát.
++ Nơi trang 338 ông Diễm có thanh minh “Thanh Nga” rằng người Mỹ không hỏi ý thủ tướng Phan Huy Quát và ông!
(3) S.đ.d. trang 102. Và 104.
(4) S.đ.d. trang 101
(5) S.đ.d. trang 97. Soạn giả tạm dùng tính từ “nham hiểm” để chuyển nghĩa từ “Machiavellian” do danh từ riêng Machiavelli, tên của một chính trị gia Ý (Nicolò Machiavelli, 1469-1527), tác giả cuốn Le Prince (Ông Hoàng) mà có người nói là cuốn sách đầu giường của ông Ngô Đình Nhu. Trong tác phẩm này Machiavelli đã bộc lộ chủ trương dùng mọi thủ đoạn hiểm độc nhất miễn sao đạt được mục tiêu chính trị. Nguyên văn trong “In The Jaws of History”: “Diem was an autocrat and a failure, all too obviously under the sway of his Machiavellian brother.”
(6) S.đ.d trang 97, hàng 25.
(7) S.đ.d trang 87. Nguyên văn: “I had a good deal of respect for the new prime minister, and I believed that above all he was an astute politician.”
(8) S.đ.d. trang 97. Nguyên văn: “I did know that as 1960 merged into 1961, the guerrillas had made serious inroads into the life of the countryside. Prior to that it had been easy to get around in rural areas. You could drive from place to place without fear of attack.”
(9) S.đ.d trang 99. Nguyên văn: “The Buddhist crisis that enveloped Vietnam in June of 1963 was provoked by the Diem regime’s favoritism toward Catholics. Diem’s family was Catholic and while he was in the United States Diem had spent time in an American monastery. He naturally felt more comfortable around Catholics and more sure of their loyalty. By itself, this might have not created insurmountable problems. But Diem’s oldest brother, Thuc, was bishop of Vinh Long and then archbishop of Hue, and it was he, more than Diem himself, who was responsible for the religious explosions that took place that summer.”
(10) Xin xem các chương sau.
(11) Năm in cuốn hồi ký ông Diễm 65 tuổi.
(12) S.đ.d. trang 95.
(13)Theo Cao Thế Dung và Lương Khải Minh tác giả “Làm thế nào để giết một Tổng Thống” thì sau khi nghe tin nhà văn Nhất Linh quyên sinh ông Diệm vô cùng xúc động và sau đó ông thường hay lên Đà Lạt tĩnh dưỡng cho khuây khỏa.
(14) “Việt Nam, một trời tâm sự” của Nguyễn Chánh Thi trang 138.


Trích: “…Tháng 6 năm 1954, khi hội nghị Geneve đang khai diễn ông đại diện Bác sĩ Phan Huy Quát liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại để xin cho bác sĩ Quát làm thủ tướng thay thế hoàng thân Bửu Lộc. Nhưng Bảo Đại đã chọn Ngô Đình Diệm. Không thối chí, ông Diễm lại vận động với ông Diệm để bác sĩ Quát có một ghế bộ trưởng, cũng không xong. Có lẽ vì ông Diệm không muốn dùng những chính khách đã bị đốt cháy trong giải pháp Bảo Đại từ 1948 đến 1954. ” -hết trích.

Đọc đoạn này làm tôi không khỏi phì cười về hai ông Buì Diễm và Phan Huy Quát (xin quí bạn đọc đừng cho tôi là vô lễ nha!, vì tôi thuộc hàng hâụ sinh, đọc chuyên này như học sinh đọc sách sử, thấy phải noí phải, thấy trái nói trái, theo cảm nhận của lòng mình mà thôi.) Tôi phì cười là vì tôi nghĩ như thế này:
Nếu bác sĩ Phan Huy Quát thật sự là người có khả năng thì không cần ai tiến cử cũng sẽ được trọng dụng (trừ phi không gặp được minh chúa). Còn nếu muốn thực lòng đóng góp phụng sư cho quốc gia thì cứ tự nộp đơn xin.
Còn riêng về ông Buì Diễm, cứ khăng khăng tiến cử bạn mình (tôi cho hai ông này là bạn với nhau, trừ phi ông này ăn tiền để tiến cử ông kia.) là bác sĩ Phan Huy Quát ra làm việc nước, thì rõ ràng là ông Buì Diễm đã đặc nặng cái quan hệ cá nhân (friendship, may be) của mình lên trên lợi ích của quốc gia dân tộc.
Và như vậy thì rỏ ràng là hai ông này mắc bệnh “no hơi”, nghĩa là có may mắn được “ăn chữ” rất nhiều nhưng mà “tiêu hóa” thì chẳng được bao nhiêu!
Tôi phì cười là do vậy đó!

Reply
Phạm Kim Thành, on 07/10/2009 at 2:37 pm said:

Tôi đồng ý với Anh HKBT về nhận định này (tôi cũng phì cười) . “Đại sứ” BD sao cứ phải tiến cử BS PHQ làm thủ tuớng hết lần này đến lần khác là sao??? Tôi nghĩ “Đại sứ” BD giống như là “kẻ buôn vui…khoát lát”
Tôi cũng là hàng hậu sinh (1974) nhưng tôi sẽ làm một loại phim tài liệu về “cái suy nghĩ của một thanh niên về VNCH” và xin cám ơn tác giả Minh Võ đã viết cuốn sách này để tôi có thêm tài liệu và sự xác tính để nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm với niềm kính trọng.
PKT
ttba
Chương 5
Cao Thế Dung: Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người rất giầu tình cảm.
Phải chăng ông cũng có người tình?

Cao Thế Dung là nhà văn, nhà báo, nhà giáo và nhà nghiên cứu kinh tế có bằng tiến sĩ cuả Mỹ về “Các thương gia Trung Quốc và thị trường lúa gạo từ 1865-1965.” Nhưng ông muốn trở thành sử gia với những tác phẩm đồ sộ như “Việt Nam 30 năm máu lửa” cả ngàn trang (1), và đặc biệt là bộ bút ký lịch sử nổi tiếng “Làm thế nào để giết một Tổng Thống” xuất bản tại Saigon năm 1970 (2). Tác phẩm 700 trang này tuy được ra mắt với hai tác giả: Cao Thế Dung và Lương Khải Minh. Nhưng như ở trang cuối sách Cao Thế Dung đã minh định, Lương khải Minh chỉ góp ý kiến và tài liệu, trách nhiệm về những nhận định và kết luận thuộc trách nhiệm của Vị Hoàng tức Cao Thế Dung. Ở đầu chương 1 (trang 14) tác giả đã nói rõ mục đích của ông “không nhằm biện minh cho ai, hoặc kết tội ai, mà chỉ muốn nói lên một sự thực.”

Đầu thập niên này người ta thấy giáo sư Dung viết đều đặn cho tờ Vạn Thắng, tờ báo độc nhất ở Mỹ không có quảng cáo, của một tổ chức chính trị do một cựu đảng viên Duy Dân, ông Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử, Lê Tư Vinh cầm đầu (3). Cùng với ông Dung độc giả còn thấy những cây bút có tiếng như nữ văn sĩ Minh Đức Hoài Trinh, một trong những sáng lập viên của Văn Bút Việt Nam hải ngoại, Lê Xuyên, Nguyễn Thị Bình Thường, cựu bộ trưởng giáo sư bác sĩ Trần Ngọc Ninh, cựu nghị sĩ Phạm Nam Sách v.v.. Nhưng chỉ được vài năm thì tờ báo đình bản sau những tai nạn dồn dập xảy đến cho cá nhân và gia đình ông Vinh, và tòa báo bị thiêu rụi.
Gần đây người ta lại thấy tên ông Cao Thế Dung trong số những nhân vật tham gia cái gọi là chính phủ lưu vong của kỹ sư Nguyễn Hữu Chánh, trong đó có một vài vị cựu tướng lãnh đệ nhị Cộng Hòa. Người không ưa thì nói ông Dung là người cơ hội chủ nghĩa, đón gió trở cờ. Người rộng lượng thì bảo ông năng nổ tìm mọi thế đứng để chống Cộng.

Trong cuốn sử “Việt Nam 30 năm máu lửa” ông Dung đã phê bình Tổng Thống Diệm như sau:
“Một sai lầm khác nghiêm trọng của chính quyền Ngô Đình Diệm là làm mất 3 tiềm lực chống cộng vô giá: —Ở miền Trung Việt Nam Quốc Dân Đảng cầm súng chống chính quyền. —Ở miền Nam Cao Đài một phần bất hợp tác- Chính quyền có thể loại Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên, nhưng loại lực lượng Hòa Hảo Lê Quang Vinh không những sai lầm nghiêm trọng mà còn là một trọng tội đối với lịch sử. Đây là chủ trương của Nguyễn Ngọc Thơ và Dương Văn Minh (+), hai người vốn không ưa Ba Cụt và Hòa Hảo, đồng thời cũng do sự cố chấp của ông Diệm—Mất lực lượng Trình Minh Thế là một thiệt haị to lớn. Với trên 2500 (quân), năm 1952 lực lượng yêu nước này đã mở rộng địa bàn hoạt động khắp miền Đông và lan tới miền Tây, phát triển lối đánh du kích và đặc công. Lúc nghe tin Trung Tướng Trình Minh Thế bị bắn chết tại trận,(4) theo Lansdale, người đang ngồi nói chuyện với ông Diệm, thì ông này bàng hoàng và chảy nước mắt. Lansdale nói với Shaplen : “Đây là lần duy nhất mà tôi thấy ông ta bộc lộ tình cảm (14, số chú thích của Cao Thế Dung). Nhưng chỉ một năm sau lực lượng của tướng Thế bị chia cắt, đẩy ra khỏi miền Đông và đưa lên Cao Nguyên hoặc ra giới tuyến.—Miền Trung đen tối hơn, lực lượng Đại Việt võ trang ly khai ở Ba Lòng.” (5)

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn một vài đoạn có liên quan đến “lời khen tiếng chê” đối với ông Diệm trong cuốn “Làm thế nào để giết một Tổng Thống ” của Cao Thế Dung, được nhiều người đọc một cách say mê trong những năm đầu thập niên 70 (2).
Trước hết về liên hệ tình cảm gia đình của ông Diệm, theo lễ nghĩa, ông Cao Thế Dung viết:
“Như trên đã viết, TT Diệm bị chi phối mạnh mẽ bởi tình nghĩa gia đình thân thuộc. Chữ Lễ đối với ông là một điều không thể thiếu. Tiếc rằng chữ Lễ trong tinh thần Nho Gíáo, tuy tạo được thể thống về phương diện quốc gia, song cái thực tại của xã hội giữa thế kỷ 20 đã làm cho chữ Lễ của ông Tổng Thống trở nên những hình thức phù du và làm cho ông lạc lõng và càng cô đơn xa lạ trong một thế kỷ mà nấc thang giá trị cũ chỉ còn như áng mây chiều.” (6)
“Cũng vì một chữ thể thống mà một sĩ quan đã thắng được vụ kiện.

Quan tòa là Tổng Thống , bà Nhu là nguyên cáo. Khi quốc vương và hoàng hậu Thái Lan qua thăm Việt Nam, thì bà Nhu đóng vai “tiếp viên của quốc gia” (Hôtesse) để nghênh đón hoàng hậu Thái Lan về dinh Độc Lập viếng Tổng Thống V.N. theo nghi lễ rồi trở về dinh Gia Long nghỉ. Tổng Thống Việt Nam cũng đến dinh Gia Long để đáp lễ, cùng đi theo có bà Nhu. Lúc trở ra bà Nhu đi sau Tổng Thống . Viên sĩ quan hầu cận cản lại và nói: “Bà không được đi cùng. Theo nghi lễ bà phải đi sau 5 phút.” Bà Nhu nổi giận phản đối. Viên sĩ quan dẫn chứng theo “sách” “Bà đâu có phải là vợ của Tổng Thống mà được trở về dinh cùng một lúc. Tôi cứ theo nghi lễ của ông Hoàng Thúc Đàm. Tổng Thống phải về dinh trước. Năm phút sau bà mới được ra về.” Bà Nhu nổi giận mà đành chịu.”
“Nhưng sau đó bà về mách ông Nhu và sang tận phòng Tổng Thống kiện. Ông Tổng Thống sai gọi viên sĩ quan hầu cận (Đại úy Bằng) vào đối chất. Bà Nhu nói theo lẽ của bà Nhu. Viên sĩ quan nói theo lẽ của viên sĩ quan và nhấn mạnh làm như thế để giữ thể thống quốc gia. Ông Tổng Thống không nói một câu, rồi cho cả hai người ra về. Bà Nhu rất hậm hực về thái độ lặng thinh của ông anh Tổng Thống . Sau buổi chiều ông qua phòng ông bà Nhu và tuyên án: “Nó nói đúng” (7).
Về cách cai trị của Tổng Thống Diệm, Cao Thế Dung phê bình như sau:
“Ông cai trị dân với một “thiên mạng” của Nho gia. Cho nên ta thường thấy ông luôn nhắc đến chữ “thành”, chữ “thành” lấy ở sách Trung Dung. Một tướng lãnh hiện nay (1970) hãy còn giữ thủ bút của ông do ông viết tay và cho đương sự làm món gia bảo gồm có 6 chữ Hán, nét chữ rất đẹp: “Thành giả thiên chi đạo dã” (Thành là đạo của trời vậy”. Trong tinh thần đó ông quả là một vị minh quân ở tiền bán thế kỷ 19. Nhưng giữa thế kỷ 20 và trong thực tại của Việt Nam sau 1954 Tổng Thống Diệm lại trở thành lạc lõng trong cơn giông tố của thời đại. Tuy tạo được uy quyền tối thượng, tuy giữ được thể thống quốc gia, nhưng ông Tổng Thống lại trở nên pho tượng trong vườn thượng uyển.Trong khu vườn đó ông tưởng ai cũng nghĩ như ông, cũng làm như ông và sống như ông sống. Ông lại quá tin nơi mình với mặc cảm uy quyền và ghen với uy quyền đó (Jaloux de son pouvoir).” (8)

Tác giả “Làm thế nào để giết một Tổng Thống ” biết rất nhiều chi tiết vụn vặt trong đời sống cá nhân Tổng Thống Diệm đối với các anh em ông, với bà Nhu và các cộng sự viên thân cận, kể cả các sĩ quan tùy viên và tóm tắt rằng ông Diệm là người vừa có tình vừa có uy:
“”Tổng Thống Diệm là NGƯỜI NHIỀU TÌNH CẢM, tốt bụng nhưng chữ Lễ, chữ Nghĩa theo tiết độ của nho gia đã trở thành cái khung chắc nịch nhốt ông vào đó. Do đó mà cái TÔI tình cảm (Le moi sensible) không thể hiện được ra ngoài để thâu phục nhân tâm và hỗ trợ cho cái uy sẵn có của ông. Sau 1963, phải nhìn nhận rằng, trong hàng lãnh đạo quốc gia tại miền Nam, chưa một nhà lãnh đạo nào chứng tỏ có cái uy như ông. Đó là ưu điểm và là điều cần thiết số một của một ông quốc trưởng. Nhất là quốc trưởng một nước chậm tiến.” (9)
Sau đó ít trang ông Dung lại nhắc lại và nhấn mạnh hơn:

“Nhiều người vẫn tin Tổng Thống Diệm là con người khô khan ít tình cảm. Điều này không đúng, và trái lại, ông lại quá nhiều tình cảm.” (10)
Có lẽ Cao thế Dung là người duy nhất đã dám đưa một vấn đề khá tế nhị với nhiều nghi vấn về khả năng sinh lý, đời sống tình cảm của ông Diệm lên những trang sách nóng bỏng. Với 8 trang giấy và hai tiêu đề: “Mối tình bí mật của Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, và “Mon coeur a son secret” (tạm dịch: “Lòng tôi có bí mật của nó”), Cao Thế Dung đã lôi giáo sư Phạm Văn Nhu ra làm chứng để quả quyết rằng về phương diện sinh lý ông Diệm rất bình thường, và ông còn có một mối tình, có lẽ chỉ trong mộng. Qúy vị nào muốn biết chi tiết xin đọc sách đã dẫn từ trang 102 đến trang 110.
Có lẽ cũng chỉ có Cao Thế Dung dám đưa một vấn đề hết sức nguy hiểm lên mặt giấy để gián tiếp tố cáo Mỹ nhúng tay một cách thô bạo và tàn bạo vào việc lật đổ cho bằng được Tổng Thống Diệm qua trung gian các nhà sư, những vị “thánh” của đạo từ bi, mặc dù lúc ấy các tài liệu mật về vụ đó chưa được giải mật và những người chủ trương hay tham gia đảo chính còn tại chức với quyền uy tột đỉnh.
Theo ông Cao Thế Dung thì một đại úy tình báo Mỹ tên là Scott đã dùng một loại chất nổ mà chỉ CIA Mỹ có để gây chết chóc và hỗn loạn, kinh hoàng trước đài phát thanh Huế hôm mồng 8 tháng 5 năm 1963, mà sau đó các Phật tử trong nhóm Ấn Quang của T.T. Thích Trí Quang và các phóng viên Mỹ sẵn ác cảm với chính quyền Ngô Đình Diệm luôn luôn quả quyết—mãi cho đến nay— rằng thiếu tá Sỹ (họ luôn luôn viết kèm theo chữ “Công Giáo”) là thủ phạm của vụ tàn sát đó (11).
Tiết lộ bí mật đó không phải lời khen hay tiếng chê, nên không được trích dẫn nguyên văn ở đây. Tuy nhiên nó cũng góp phần vào việc minh oan cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì vậy chúng tôi mời qúy vị độc giả nào có thiện cảm với vị Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà xem S.Đ.D. trang 326-330.
Chú thích :
(1) Do Alfa xuất bản tại Falls Church, Va, Hoa Kỳ năm 1991.
(2) Những trích dẫn ở đây đều theo ấn bản của cơ sở Văn Hóa Đông Phương tái bản lần thứ ba tại hải ngoại năm 1988.
(3) Ông Lê Tư Vinh là một nhà tướng số và tử vi đã để tâm nghiên cứu kinh dịch và khoa thái ất hàng chục năm. Những lời tiên đoán chính xác của ông về thời cuộc quốc tế liên quan đến sự sụp đổ của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Sô đã khiến nhiều người nghĩ rằng những gì ông đang nhắm tới và tiên đoán về một Việt Nam thoát ách Cộng Sản chỉ xảy ra trong vòng vài năm vào đầu thập niên này sẽ thành sự thực. Nhưng, chẳng may những tiên đoán lạc quan của ông đã sai. Có lẽ vì vậy mà tờ Vạn Thắng đình bản và tổ chức chính trị của ông Vinh cũng im tiếng cho đến nay. Ông Vinh cũng là người nói xác quyết rằng những áng thơ chống Cộng của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện chính là lệnh tiến công của cố đảng trưởng Duy Dân, Lý Đông A. Và như vậy, theo ông, Lý Đông A hãy còn sống. Nếu có đọc Vạn Thắng, hẳn độc giả đã thấy là chính bác sĩ Trần Ngọc Ninh, cựu bộ trưởng, và ký giả Nguyễn Thị Bình Thường cũng đồng quan điểm với ông Vinh và đã, mỗi người bằng một cách, cố chứng minh rằng thơ Nguyễn Chí Thiện chính là thơ Lý Đông A. Có lẽ vì vậy nên khi ông Nguyễn Chí Thiện xuất hiện trên đất Mỹ thì người ta không còn muốn đọc “Vạn Thắng” nữa.
Về con người được mệnh danh là “ngục sĩ” — Nguyễn Chí Thiện. Ông luôn tự cho và tự hào là mình đã chống Cộng ngay từ đầu và chống từ Hồ Chí Minh trở xuống, ngay từ những ngày còn nhiều người tôn sùng thần tượng Hồ Chí Minh đã dám thóa mạ ông ta thậm tệ. Tưởng nên thêm rằng Nguyễn Chí Thiện đã từng là bạn tù của Vũ Thư Hiên (con Vũ Đình Huỳnh, một trong mấy người thân tín nhất của Hồ Chí Minh, đã từng là trưởng ban lễ tân của phủ chủ tịch, sau này bị thanh trừng không nương tay trong cái gọi là “ vụ án xét lại chống đảng”) và sau này cả hai thoát ra nước ngoài còn ở chung với nhau trong một căn hộ lại đã bị chính Vũ Thư Hiên, cũng như Bùi Tín chê là có thái độ thiếu khoan nhượng đối với những người Cộng Sản giác ngộ.
Về con người và lập trường chống cộng của Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên có viết trong hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày” như sau: “Với anh Cộng Sản là xấu, là tồi tệ, là kinh tởm, chấm hết. Không một cái gì của Cộng Sản là tốt. Cao lênh khênh giữa các bạn tù, Nguyễn Chí Thiện nhìn đời qua cặp kính trắng mà đàng sau là cặp mắt lồi ngơ ngác. Thiện không phải là người tù bướng bỉnh, chống đối bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Anh còn thuộc loại hiền lành nữa là khác.Nhưng đó là một người tù không thể bẻ gẫy. Tinh thần bất khuất của những người tù không biểu hiện ở thái độ ngang tàng mà ở thái độ bất cần, thái độ khinh mạn.”


(+) Ông Lâm Lễ Trinh, cựu bộ trưởng, cũng nói chính Đại Úy Nhung, người mà nhiều người cho rằng đã giết hai ông Diệm-Nhu trên xe M113 ngày 2 tháng 11 năm 1963, tay em thân cận của ông Dương Văn Minh đã hành quyết Ba Cụt. (Diễn Đàn Phụ Nữ số tháng 1, năm 1998.)
(4) Tướng Trình Minh Thế thuộc lực lượng Cao Đài Liên Minh, chủ trương vừa chống Cộng vừa chống thực dân Pháp nên được Tổng Thống Diệm, cùng một chủ trương chiêu dụ (theo một phụ tá thân cận của tướng Thế, thì ông Diệm đã cử em ruột ông là Ngô Đình Nhu lên tận bản doanh của vị tướng này để thuyết phục, và cũng phải đấu trí gay go mới chinh phục được,) đã ra hợp tác với chính quyền và dẫn quân đi dẹp phiến lọan Bình Xuyên. Ông bị tử thương trong trận này (ngày 3 tháng 5 năm 1955). Theo những người chống ông Diệm lúc đó thì do ông Diệm muốn diệt hậu họa, vì thấy tướng Thế là người được quần chúng mến phục và có thể sẽ là người thay thế ông. Một số người khác thì cho rằng Việt Cộng là thủ phạm. Cũng có người tin là do đạn của phe Bình Xuyên. Mãi tới gần đây một cuốn sách của cựu thiếu tá Salvani nguyên trưởng phòng nhì Pháp thời chiến tranh Đông Dương viết mới vén màn bí mật và cho thấy đó là do viên đạn bắn lén từ một gián điệp Pháp nhắm trả thù cho tướng Champson mà người của tướng Thế đã tung lựu đạn sát hại cùng với ông Thái Lập Thành ngày 31 tháng 7 năm 1951. (Diễn Đàn Phụ Nữ số 144, tháng 3 năm 1996, trang 24.)
(5) “Việt Nam 30 năm máu lửa,” trang 483.
(6) “Làm thế nào để giết một Tổng Thống ,” trang 72.
(7) S.Đ.D. trang 74.
(8) S.Đ.D. trang 83,84.
(9) S.Đ.D. trang 97.
(10) Trang 102.
(11) Trang 326-330.



Chương 6
Trần Văn Đôn: ”Tội nghiệp ông Diệm là người ai cũng mưu phản:
tướng lãnh của ông, người Mỹ và ngay cả chính em ruột ông “

Trung Tướng Trần Văn Đôn (1917-1997) xuất thân từ một gia đình vọng tộc miền Nam, sớm bước vào binh nghiệp nên thời Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam ông đã làm đến Tư Lệnh quân đoàn, rồi quyền Tổng Tham Mưu trưởng.
Do sự quen biết từ trước với gia đình ông bà Ngô Đình Nhu, lại là vị tướng trực tiếp dưới quyền Tổng Thống là tổng tư lệnh quân lực Việt Nam (theo hiến pháp,) nên ông có nhiều dịp kề cận hai ông Diệm Nhu, biết rõ những cái hay và cái dở của hai ông. Ông Đôn là người đóng vai chủ chốt trong việc liên lạc với Đại sứ Cabot Lodge (qua trung tá CIA Lucien Conein, bạn của ông Đôn từ nhiều năm trước khi hai người cùng sống ở Pháp, (sinh quán của cả hai) để tổ chức cuộc đảo chính lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hoà, dẫn đến cái chết bi thảm của hai anh em ông Diệm. Ba tháng sau khi đảo chính thành công ông Đôn bị tướng Nguyễn Khánh, cũng bạn cũ của ông, bắt giam lỏng tại Đà Lạt cùng với các tướng Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa ông Đôn đắc cử nghị sĩ quốc hội.
Ông Đôn di tản sang Mỹ trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, định cư ở vùng Hoa Thịnh Đốn và 3 năm sau cho ra đời tác phẩm “Cuộc chiến bất tận của chúng tôi” (1). Trong tập sách gần 270 trang này tác giả đã kết tội ông Diệm là độc tài, gia đình trị, và bách hại Phật Giáo, những cái cớ để ông cùng với một số tướng lãnh khác lật ông Diệm. Tuy nhiên đọc xong cuốn sách người đọc rất ngạc nhiên thấy tướng Đôn khen ông Diệm nhiều hơn chê. Chúng tôi chỉ đan cử một vài đoạn.
Nơi trang 48, sau khi nhắc lại lai lịch, tài năng và uy tín của ông Diệm đối với cựu hoàng Bảo Đại, người đã nhiều lần trọng dụng ông Diệm, hoặc khẩn khỏan mời ông Diệm giữ chức thủ tướng trong những năm 1933, 1945, 1948, tướng Đôn viết:
“Khi ông Diệm nhận ra cầm quyền năm 1954, tất cả những ai biết ông đều đồng ý ông vừa là một người yêu nước nồng nhiệt vừa trung kiên bảo vệ nền độc lập quốc gia, Tuy nhiên cũng có người không tin cậy ông trong chức vụ thủ tướng, coi ông không được mọi người hoan nghênh, vì ông gốc miền trung và đã xa quê hương lâu ngày. Nhưng trong tâm trí nhiều người ông vẫn là lãnh tụ duy nhất có được ở miền Nam mà sự liêm khiết không thể đả kích được.” (2)
Sau khi nhắc lại cuộc tháp tùng Tổng Thống Diệm sang Mỹ năm 1957 và lấy làm hãnh diện được nghe người Mỹ tán dương, bảo đó là lần đâu tiên Tổng Thống Mỹ (Eisenhower) nghênh đón một đoàn quốc khách tận sân bay, tướng Đôn nói về tính tình ông Diệm mà ông cho rằng ít ai được biết:
”Ông Diệm là người cực kỳ nóng nảy, nhưng biết cách giữ bình tĩnh trước mặt người khác, hay trong lúc thương lượng. Ông có một thứ bình thản của người Á Châu, che giấu một nỗi xao xuyến náo loạn bên trong.” (3)
Trước năm 1954 ông Đôn đã từng có dịp nói chuyện với ông Diệm tại nhà ba của ông ở Đà Lạt là nơi ông bà Nhu trú ngụ và trồng lan, say mê ngắm lan. Ông viết về thời gian này như sau:
”Ông Diệm muốn học thật nhiều, học hết sức mình, về mọi khía cạnh của đất nước, chính phủ, Việt Minh và quân đội. Ông hỏi tôi những câu hỏi rất ti mỉ, thấu đáo và có thể moi cho đến tận cùng tất cả kiến thức mà tôi có lúc đó. Tôi rất cảm phục ông, coi ông là một người rất mực thông minh, cương trực và đầy lòng yêu nước.” (4)
Đến đoạn sau ông Đôn cho biết nhận xét và cảm tưởng của ông khi ông Diệm được bầu làm Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà như sau:
“Đây là những lúc hồ hởi hân hoan thực sự cho dân Việt Nam chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi được thấy một lãnh tụ thực sự năng động và được dân mến chuộng sẽ có thể đương đầu với lực lượng miền Bắc của ông Hồ chí Minh. Vào thời gian đó tất cả chúng tôi đứng đàng sau ông Diệm: quân nhân, công chức, và nông dân miệt quê trong các làng xã. Sự ủng hộ này hoàn toàn đến nỗi trong cuộc bầu cử ông Diệm đã thắng quá lớn và ngày 26 tháng 10 năm 1956 nền Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam được tuyên bố thành lập với ông Diệm là Tổng Thống .(5)
Các nhà báo Mỹ thời đó và một vài sử gia Mỹ sau này như Stanley Karnow, Schlesinger, Sheehanà thường chê ông Diệm ru rú ở trong dinh không chịu tiếp xúc với dân. Nhưng những người gần ông Diệm hơn và chịu khó theo ông đi kinh lý như đại sứ Nolting, ông Đôn, hoặc như nhà báo Margaret Higgins xông xáo hàng chục thôn ấp ngay trong thời gian xáo trộn sau này để tìm hiểu sự thực, thì đều khen ông Diệm đi sát dân và được dân quê thương mến. Đây hãy nghe ông Đôn, một ông tướng chủ chốt trong cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm, cho biết kinh nghiệm của ông:
“Chương trình ấp chiến lược (6) nhằm Bình Định thôn quê và đấu tranh chống tham nhũng, cờ bạc, nghiện hút và mãi dâm là bước đầu được lòng dân mà Tổng Thống Diệm đã làm khi chế độ của ông mới thành lập.
“Tôi đã có thể thấy ngay qua nhiều cuộc nói chuyện với dân chúng thuộc mọi giai tầng xã hội là những hành động ban đầu của ông Diệm rất ư được lòng dân. Trong quân đội mọi cấp đều phấn khởi trước tinh thần thống nhất sau khi dẹp xong các phe phái và chinh phục được các thành viên các phái đó đứng vào hàng ngũ chúng tôi. Các cuộc kinh lý khắp vùng thôn quê của ông Diệm làm ông rất được lòng dân. Tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, trước kia từng là cứ điểm của Cộng Sản, dân làng đã nói với tôi:”Trong 10 năm dưới quyền ông Hồ Chí Minh ông ta chưa một lần nào tốn công đến thăm tôi, nhưng mới chỉ 10 ngày (sau khi được giải phóng) ông Ngô Đình Diệm đã tới thăm và nghe chúng tôi kể những nỗi khó khăn của chúng tôi.” Dân chúng ở cả thành thị lẫn xóm làng đều biết về ông Diệm và lấy làm thích những gì họ được xem thấy.” (7)
Vì quý trọng ông Diệm và có liên hệ nhiều với ông bà Nhu từ lâu, nên trong cuộc đảo chính tướng Đôn — theo ông viết —đã đề nghị đừng giết hai ông, và nay trong hồi ký ông xác nhận rạch ròi việc giết hai ông là chủ trương của tướng Dương Văn Minh, và còn nói chính ông này ra lệnh hạ sát hai ông. (7 bis) Ông Đôn cũng nói rằng ông Minh luôn chối điều đó và có ai hỏi thì ông Minh lại bảo cứ hỏi ông Đôn thì rõ. Để khỏi đi vào chi tiết một vấn đề hơi xa trọng tâm chủ đề “lời khen, tiếng chê”, xin mời bạn đọc, nếu muốn biết giữa hai ông Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn ai sai ai đúng, hãy đọc “Việt Nam Chính Sử” của Nguyễn Văn Chức và “Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” của Hoàng Ngọc Thành và Thân Thị Nhân Đức.
Cuối trang 114 ông Đôn có tiết lộ một chi tiết khá lý thú:
“Sau cuộc đảo chính—ông Đôn luôn dùng từ đảo chánh chứ không gọi là cuộc Cách Mạng như một số nhà sư hay tác giả khác, Mỹ cũng như Việt—khi đi qua tủ hồ sơ của ông Nhu tôi đã tìm thấy một lá thư của bà Nhu từ ngọai quốc gửi về hỏi chồng về vụ đảo chính của ông ta chống ông Diệm ra sao. Ngẫu nhiên mà ÔNG DIỆM ĐÁNG THƯƠNG BỊ MỌI NGƯỜI MƯU PHẢN, từ các tướng lãnh hàng đầu của ông, rồi người Mỹ, ngay cho đến cả em ruột ông.”(8)
Sở dĩ tướng Đôn người đóng vai chủ chốt trong cuộc lật đổ ông Diệm, mà lúc ấy những người chủ trương đều gọi là “Cuộc Cách Mạng”, lại không dùng từ này mà trái lại luôn luôn dùng từ đảo chánh (”Coup d’État “), là vì ngay từ sau đó ông đã thấy rằng cái được mệnh danh là cách mạng đã chẳng đem lại được điều gì tốt đẹp cho xứ sở mà còn mở đầu “một giai đoạn lịch sử đầy hỗn lọan với biết bao là bấp bênh.” Như ông đã viết trên tờ Công Luận của tướng Tôn Thất Đính ngày 31 tháng 10 năm 1970 (9).
Không như các tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi hay ông Bùi Diễm, tướng Trần Văn Đôn nhận xét có khi tích cực về các ông Nhu, Cẩn và ngay cả bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Nhu mà ông cho là người đàn bà vô cùng quyến rũ ai cũng thấy đẹp (10).
Tuy nhiên cũng giống tướng Kỳ, ông Đôn cho rằng ông Diệm ưa nịnh và dễ bị lừa. Cuối trang 50 ông đã nêu một ví dụ cụ thể trường hợp tỉnh trưởng Bình Tuy đã bứng những cây có trái ở vườn đem trồng vào những chỗ ông Diệm kinh lý đi qua để khoe thành tích tăng gia sản xuất, mà ông Diệm không biết. Thực ra chuyện này hồi đó bị vỡ lở vì chính ông Diệm đã tinh mắt biết được, nên tỉnh trưởng Lê Văn Bường liền bị cách chức.
Trong hồi ký ông Đôn cho biết ông cũng là Phật tử như tướng Dương Văn Minh (11), và cũng thú thực rằng sau cuộc đảo chính 63, trong thời gian hỗn lọan, 9 lần thay đổi chính phủ, có một lần thượng tọa Thích Trí Quang xúi ông làm đảo chính lật ông Kỳ, nhưng ông không nhận vì, ông bảo, ông không có quân quyền trong tay. Có thể hiểu rằng nếu có binh quyền ông đã lại cùng với T.T.T.Trí Quang thử thời vận lần nữa (12). Ông nói, vì T.T.T.Trí Quang chống tất cả các chính quyền sau ông Diệm (lần lượt các ông Thơ, Sửu, Hương, Qúát, Khánh và Thiệu, Kỳ), nên bị các ông này cho rằng thượng tọa là Cộng Sản, nhưng theo ông thì không đúng (13). Ông cũng thêm ngay sau đó rằng T.T.T.Trí Quang chỉ tin cậy có một người trong chính quyền lúc ấy (thời tướng Kỳ làm chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương), là Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi (14 và 15).
Cuốn “Our endless war” của ông Đôn được ông Colby đề tựa. Tại Mỹ hai ông lại ở rất gần nhau (16) chắc cũng năng có dịp gặp nhau trước khi in tác phẩm này. Phải chăng vì vậy mà ông Đôn cũng nói đến một thứ “độc tài nhân từ” giống như ông Colby (17). Nhưng khác một điều là ông Colby thì mô tả ông Diệm là nhà độc tài nhân từ, còn ông Đôn thì đề nghị với ông Thiệu nên áp dụng một chế độ độc tài nhân từ, (benevolent dictatorship), nhưng không được ông Thiệu tán thành vì sau đó ông Thiệu đã áp dụng chế độ bán độc tài (nguyên văn của ông Đôn: semi-dictatorship), hay nói nôm na là độc tài nửa vời. Điều này không trực tiếp liên quan đến việc ông Đôn khen hay chê ông Diệm, nhưng một cách gián tiếp cũng nói lên ý nghĩ của ông Đôn có thay đổi phần nào sau khi lật đổ ông Diệm và thấy sự hỗn lọan ngay sau đó, nếu không phải là sau khi được ông Colby làm cho tỉnh ngộ phần nào về lỗi lầm của những người lấy cớ độc tài lật đổ ông Diệm, dẫn đến cảnh đổ nát và hỗn loạn. Có lẽ vì vậy mà trong hồi ký ông Đôn đã không đả kích ông Diệm nhiều như các ông Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Mậu, Hồ Sĩ Khuê …(18)
Chú thích :
(1)Nguyên văn: “Our endless war “, nxb. Presidio Press 1987.
(2) Sách đã dẫn trang 48. Nguyên văn: “When Ngô Đình Diêm did accede to power in 1954, all who knew him had to agree that he was both an ardent patriot and a staunch defender of national independence. However, there were those in political circles who distrusted the new prime minister, regarding him as an intruder, since he came from central Vietnam and had been absent from the country for a long time. But in many minds he was the only leader available in South Vietnam whose integrity could not be assailed.”
(3) S.đ.d.tr. 49. Nguyên văn: “Diem was an extremely nervous man but he knew how to maintain a calm appearance in the presence of others or during business negotiations. He had a kind of Asiatic tranquility which masked an inner turmoil that only insiders saw.”
(4) S.đ.d.tr. 51. “He wanted to learn as much as he could about all aspects of the country, the government, the Viet Minh, and the army. He asked very detailed and penetrating questions and was able to extract from me just about all the knowledge I had. I was greatly impressed with him seeing him as a highly intelligent, honest, and patriotic man.”
(5) S.đ.d. tr. 62. “These were heady times for us Vietnamese. For the first time we saw a really dynamic and popular leader who would turn the anti-Communist cheek against Ho Chi Minh ‘s forces of the North. At that time we were all behind Diem: the army, civil services, and the farmers out in the villages. This support was so complete that in the election, Diem’s position carried overwhelmingly and on October the first Republic was proclaimed with Diem as president. A constitution was promulgated concurrently and 52 foreign nations recognized the new republic. We even appointed an observer to represent us at the United Nations.”
(6) Có lẽ tác giả muốn nói kế hoạch dinh điền hay khu trù mật, vì quốc sách “Ấp chiến Lược “đến năm 1962 mới bắt đầu.
(7) S.đ.d.. tr. 63. Nguyên văn: “A strategic hamlet program to help pacification of the countryside and the struggle against corruption, gambling, drugs, and prostitution was a popular step taken by the president at the start of his regime. I could see at first hand from many conversations with people at all levels of society that Diem ‘s early actions were tremendously popular. In the army, all ranks were enthusiastic at our unified spirit after the suppression of the sects and the rallying of their members to our side. Diem ‘s visits around the countryside made him very familiar with the farmers. In Bình Định and Quảng Nam provinces, which had long been communist stronghold, I was told by the villagers that, “In ten years of leadership by Ho Chi Minh, he never once took the trouble to visit us, but after only ten days, Ngo Dinh Diem has already come to see us and listen to our problems. The people, both in cities and hamlets were becoming aware of Diem and liking what they saw.”
(7 bis) S.đ.d.tr.112: “This still leaves unanswered the question of who ordered their deaths. I can state without equivocation that this was done by general Big Minh, and by him alone”
(8) S.đ.d. tr. 114 và 115. Nguyên văn: “After our coup, in going through Nhu’s file cabinet, I found a letter written by his wife from abroad asking how his own coup plan against Diem was coming. As it happened, poor Diem had everyone plotting against him, his top generals, the Americans, and even his own brother.”
(9) Trong tác phẩm “Làm thế nào để giết một Tổng Thống ,” trang 603, Cao thế Dung đăng lại nguyên văn lời ông Đôn như sau: “Ngày 1 tháng 11 năm 1963 rút lại chỉ còn là một ngày “đảo chánh mở ra một giai đoạn lịch sử đầy hỗn loạn.”
(10) “She was an immensely attractive woman, beautiful by everybodýs standard.”
(11) S.đ.d. trang 77.
(12) Đầu trang 173.
(13) Trang 172. Nguyên văn: “Quang was in opposition to all regimes from Diem’s on, so he was INCORECTLY characterized as a Communist by ALL OF THEM.”
(14) Ibid.: “About the only senior official he (T.Quang) trusted in government was the First Corp commander, General Nguyen Chanh Thi.
(15) Về tướng Thi xin xem chương 24.
(16) Ông Colby ở Rock Point, Maryland. Ông Đôn ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn
(17) Xin xem chương 3: Colby.
(18) S.đ.d. trang 176-177. Nguyên văn: “One day early in 1969, during a lunch with Thiệu and Khiêm I suggested to them that what might be necessary for the good of the country was a kind of benevolent dictatorship. I thought that the rules of democracy were not very feasible while our country was engaged in a life-orđeath struggle. Perhaps such a dictatorship to save the nation, but not to keep them personally in power, might prove effective. Thiệu and Khiêm smiled at me and said enigmatically, “Don’t worry. Just wait and you will see.”
“What we saw instead of a vigorous dictatorship was what I called “semi-dictatorship.”
ttba
Chương 7
Dwight D. Eisenhower: Ngô Đình Diệm, con người thần kỳ.

Dwight David Eisenhower (1890-1969) là Tổng Thống thứ 34 của Hiệp Chúng Quốc Mỹ (hai nhiệm kỳ, từ 1953 đến 1961). Trong thế chiến II ông là tư lệnh tối cao đoàn quân viễn chinh Mỹ chỉ huy cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandie của Pháp để giải phóng Âu châu khỏi ách thống trị của Đức Quốc Xã dưới quyền nhà độc tài áo nâu Hitler.
Trước khi rời chức vị Tổng Thống , và chỉ một ngày trước khi tân Tổng Thống Kennedy tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thống Eisenhower, với kinh nghiệm của một thống soái, một chiến lược gia quân sự và với tư cách người tiền nhiệm cao niên, đã khuyến cáo và căn dặn Kennedy là phải bằng mọi cách giữ cho bằng được Ai Lao là cửa ngõ vào Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng ông Kennedy, với những quân sư và chuyên gia về Cộng Sản và Đông Nam Á cỡ Averell Harriman và Roger Hilsman đã coi thường lời khuyên này, trung lập hóa Ai Lao rồi đánh mất luôn Ai Lao, khiến sau này bị ông Diệm chê trách, rồi đâm ra thù vặt (Tôi chỉ có ý nói Harriman.) Sử gia John M. Newman, trong cuốn “Tổng Thống John F. Kennedy và (cuộc chiến )Việt Nam” (1) đã ghi:
“Khoảng đầu năm 1957 ông Diệm, bây giờ là quốc trưởng, đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long; những thành tích này khiến Tổng Thống Eisenhower ca tụng ông ta là CON NGƯỜI THẦN KỲ của Á Châu (2).
Chỉ những người nào hiểu rõ tình hình chính tri thế giới lúc ấy, và nhất là tình hình tuyệt vọng củaViệt Nam sau chiến thắng Điện Biên của Cộng Sản, và theo dõi sát những gì tân thủ tướng Ngô Đình Diệm phải đối phó khi mới lên chấp chánh, mới có thể thấu triệt được lời khen của anh hùng thế chiến II dành cho ông Diệm.
Như bạn đọc đã thấy nơi chương 3, ông Colby cũng coi việc ông Diệm vượt qua những khó khăn trong hai năm mới về nước là một phép lạ (1).
Nữ ký giả Marguerite Higgins trong cuốn “Our Vietnam nightmare”, trang 162 cũng trích dẫn lời của một chuyên viên về các vấn đề Viễn Đông là William Henderson coi việc ông Diệm thoát hiểm trong các cuộc đảo chính hồi 1954,1955 là một phép lạ chính trị có tầm rộng lớn nhất, mặc dầu ông Henderson là một trong những người chỉ trích ông Diệm sau này. (4)
Vẫn theo lời trình bày và trích dẫn của bà Higgins thì sử gia Joseph Buttinger cũng đã nhiều lần nhắc lại từ phép lạ để nói về những thành tựu của ông Diệm: “phép lạ chính trị”, “phép lạ của Việt Nam” (5).
Ông thị trưởng Nữu Ước, trong cùng dịp đó, cũng cho rằng ông Diệm có thể sẽ được lịch sử xếp vào hàng vĩ nhân của thế kỷ 20 (6).
Thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ William O. Douglas, tác giả cuốn “North from Malaya” xuất bản năm 1953, nghiên cứu về lịch sử các nước ở phía Bắc Mã Lai trong đó có Miến Điện, Tân Gia Ba, Thái Lan Lào và Việt Nam đã sớm khám phá ra trong con người Ngô Đình Diệm một ANH HÙNG, nên đã là một trong những nhân vật nổi tiếng Hoa kỳ ủng hộ ông sớm nhất.
Ngoài ra Bernard B. Fall, người nghiên cứu khá thấu đáo về con người Ngô Đình Diệm trước khi cầm quyền cũng như Hồ Sĩ Khuê, người luôn sống bên cạnh Ngô Đình Diệm trong những năm 1947, 1948 đều công nhận ông có khả năng tiên đoán thời cuộc như nhà tiên tri. (7)
Nhưng dân tộc Mỹ là một dân tộc khó hiểu và nước Mỹ là một nước dân chủ nhất thế giới là nơi quyền tự do cá nhân được tuyệt đối bảo đảm, trong đó có quyền tự do phát biểu ý kiến riêng trên báo chí, được coi là đệ tứ quyền (ngoài quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp.) Vì vậy ở những chương sau bạn đọc sẽ được xem nhiều ý kiến trái ngược hẳn của một số nhà báo và sử gia Mỹ, những người mà cựu Tổng Thống Nixon cho rằng có trách nhiệm lớn trong việc làm cho nước Mỹ thất trận nhục nhã.
Trong số những người ca ngợi và ủng hộ ông Diệm ban đầu trong những năm ông thành công có một vài người như thượng nghị sĩ Mansfield, lãnh tụ khối đa số ở thượng viện, và ngay chính Tổng Thống Kennedy vào những tháng cuối cùng của Đệ Nhất Cộng Hoà đã thay đổi ý kiến và lên án Tổng Thống Diệm hoặc tìm cách hạ ông. Nhưng hai vị Tổng Thống Eisenhower và Johnson thì vẫn giữ lập trường của mình. Sau khi ông Diệm đổ rồi Ông Johnson, lúc ấy vừa nhậm chức được hơn hai tháng đã mời cựu Tổng Thống Eisenhower vào văn phòng đàm đạo để bàn về quốc sự. Trong câu chuyện Tổng Thống Eisenhower đã tỏ vẻ tiếc và nói mặc dầu những hành động của ông Diệm đã gây cho Hoa Kỳ những khó khăn, nhưng “ông ta vẫn là người có khả năng.” Trong cuốn “The Vantage Point”, ông Johnson đã viết:
“Tổng Thống Eisenhower, cũng như tôi, cảm thấy rằng việc sát hại ông Diệm đã dẫn đến hậu quả gây khó khăn trở ngại cho Nam Việt Nam và cho cả chúng ta” (8)
Chú thích :
(1) Nguyên văn: “JFK and Vietnam”, by John M. Newman, N.Y. 1992. Xin xem chương 16.
(2) Sách đã dẫn trang 26. Nguyên văn: “By 1957 Diem, now the chief of state, had used his power to subdue the dissenting religious sects and smash the Viet Minh cells in the Mekong Delta, accomplishments which led Eisenhower to hail Diem as the “ Miracle man” of Asia.
(3) Xem chương 3 ở trên.
(4) Higgins. S.đ.d. trang 162. Nguyên văn: “Even his most articulate critics such as William Henderson, Far East specialist on the council of Foreign Relations, agreed that” in retrospect the survival of Ngô Đình Diem’s anti-Communist government and effective consolidation of its power throughout most of Free Vietnam constitute a POLITICAL MIRACLE of the first magnitude”
(5) Higgins S.đ.d. tr. 12. Nguyên văn, lời của J.Buttinger:” When the Republic of Vietnam was created in July 1954, even friendly and hopeful observers said that this new nation could not last for more than two years. So strong was the belief of its early demise that its existence today is frequently referred to as a POLITICAL MIRACLE— as if the survival of this new state were not so much an unexpected as an essentially unexplainable event. This re-establishment of administration and political unitymust be regarded as Ngo Dinh Diem’s major contribution to the “MIRACLE OF VIETNAM”
(6) Nguyên văn: “A man history may judge as one of the great figures of the twentieth century” (”Hai mươi năm và hai mươi ngày”) của Nguyễn cao Kỳ, trang 31.
(7) Xin xem các chương 8 và 12.
(8) S.đ.d. Tạm dịch “Ưu Thế”, nxb. Holt Rinehart & Winston N.Y. 1971. Trang 131, nguyên văn: “He felt, as I did, that the assassination of Diem had resulted in a great setback for South Vietnam and for us.”
ttba
Chương 8
Bernard Fall: Ngô Đình Diệm giống Franco của Tây Ban Nha

Bernard B. Fall (1926-1967) là ký giả Pháp. Cha mẹ ông đều là người Áo gốc Do Thái, nạn nhân của Đức Quốc Xã. Mới 16 tuổi ông đã gia nhập kháng chiến quân Pháp chống Đức Quốc Xã.
Những kinh nghiệm sống của ông trong thời này đã khiến ông nặng lời phê bình chính sách của Mỹ tại Việt Nam cho rằng không thích hợp để chống chiến tranh khuynh đảo và du kích chiến cũng tương tự như cuộc kháng chiến chống Đức của ông, và nhất là đã bỏ rơi Pháp mặc cho Nhật, rồi Việt Minh làm thịt. Tốt nghiệp đại học Paris và Munich, ông là giáo sư tiến sĩ và là học giả uyên thâm, đã từng viếng thăm cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam, gặp nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, và cuối cùng tử nạn tại Việt Nam ngay trong vùng “Phố không vui” (”la rue sans joie”, một vùng đầm lầy ở phía Bắc Huế), cũng là nhan đề một cuốn sách khác của ông về Việt Nam. Bi thảm và trớ trêu là đầu cuốn sách ông đã đề tặng “Những người đã chết ở đó”. Ông chết khi mới 41 tuổi. Bernard Fall đã để nhiều năm nghiên cứu về tình hình chính trị kinh tế miền Nam cũng như miền Bắc.Năm 1963 trước khi Đệ Nhất Cộng Hoà Việt Nam bị lật đổ, ông đã cho xuất bản cuốn “Hai nước Việt Nam” (1). Cuốn này đã được duyệt lại và bổ túc hai lần để tái bản vào những năm 1964 và 1967. Trong đó tác giả đã nói rất nhiều và phân tích tỉ mỉ về thân thế sự nghiệp, tính tình và quan niệm xã hội cũng như lập trường chính trị cứng rắn của ông Diệm là những điều có ảnh hưởng quyết định đối với chế độ miền Nam lúc ấy. Tác giả cho rằng, tuy trên pháp lý nó là một chế độ Cộng hòa với đầy đủ mọi bảo đảm của một nền dân chủ, nhưng trên thực thế lại chỉ là một chế độ quân chủ tuyệt đối không vua, giống như Tây ban Nha dưới quyền của thống chế Franco.

 Cuối trang 237 B. B. Fall viết:
“Thực vậy, Nam Việt Nam tuy về cơ cấu tổ chức là một chế độ Cộng Hòa—chủ yếu là để làm vừa lòng quan thầy Mỹ thường cho rằng chế độ này gần gũi với họ hơn bất cứ chế độ nào khác—nhưng xét theo những tương quan thực sự giữa nhà cầm quyền và kẻ dưới quyền thì đó chỉ là một nền quân chủ tuyệt đối không vua, giống như Hung Gia Lợi của Đô Đốc Horthy trong nhiều năm giữa hai cuộc thế chiến, hoặc giả như Tây ban Nha của Franco từ 1939 tới nay.” (2) và (2bis)
Tác giả không có ý nói quân chủ tuyệt đối là xấu. Ông nêu trường hợp Pedro đại đế của Nga, Napoléon của Pháp làm tỷ dụ và cho rằng rất có thể ông Diệm cũng nhìn vai trò của ông dưới một góc cạnh tương tự. B. B. Fall viết:


“Công việc chủ yếu ông (Diệm) phải làm là củng cố nước Việt Nam bị chia cắt để trở thành một quốc gia chống Cộng có đất sống; kiến tạo một chính quyền trung ương có quyền hành vững mạnh tuyệt đối và chuẩn bị một vùng không Cộng Sản cuối cùng có thể ăn thua đủ với vùng Cộng Sản. Nói cách khác, có thể ông Diệm đã coi vị trí của ông giống Vua Gia Long là người vào cuối thế kỷ 18, với viện trợ cuả ngoại nhân, đã đánh bại kẻ tiếm quyền, thống nhất quốc gia Việt Nam và đặt ra các luật, lệ để cai trị được 50 năm. Trong cả hai trường hợp vấn đề không phải là có đại diện dân chúng không mà là có giữ được cho nước tồn tại sau cơn nguy biến hay không” (3).
Nói về thời gian còn theo học (cùng trường với ông Hồ) để chuẩn bị bước vào quan trường, tác giả ca ngợi ông Diệm là “học sinh tối ưu” “thành công một cách sáng lạn” và đã “đỗ đầu, cho nên vừa ra trường liền được bổ làm quận trưởng lúc chưa đầy 20 tuổi “ (4).
Tác giả cũng nhắc đến việc Vua Bảo Đại muốn cải tổ hệ thống cai trị đã đặt ông Diệm làm thượng thư bộ Lại tức bộ nội vụ, nhưng đứng đầu nội các, (thường được coi như ngang hàng vơi chức thủ tướng ngày nay) và đặc trách việc cải tổ. Nhưng luôn luôn trung thành với nguyên tắc bất di bất dịch “tất cả hoặc không gì” (5) ông đã từ chức khi thấy không đạt được điều ông muốn. Tác giả viết:
“Đúng là con người noiẩ tiếng thanh liêm trung thành với nguyên tắc “Tất cả hoặc không gì” ông (Diệm) đã từ chức vào tháng 7, sau khi công khai tố cáo nhà vua “chỉ là công cụ trong tay nhà cầm quyền Pháp” và trao trả lại tất cả mọi chức tước và huân chương mà vua Bảo Đại và người Pháp đã trao tặng ông.”
Về thời gian lui về ở ẩn như phần đông người ta thường cho rằng ông Diệm không hoạt động gì, tác giả B.B.Fall đã có những nhận định khác hẳn. Ông viết tiếp:
“Cũng giống như cha ông trước kia, và cũng như địch thủ số một của ông sau này là Hồ Chí Minh là người cũng trong cùng thời gian đó đã biến mất khỏi con mắt người đời trong hơn một thập kỷ, ông Diệm lui về sống cuộc đời nghiên cứu và đọc sách. Nhưng vai trò của ông chẳng hề thuần túy ẩn dật và hướng nội, như những nhà viết tiểu sử danh nhân chính thức thường mô tả, khiến người ta tưởng lầm như thế. Ông Diệm đã giữ những liên lạc thư từ liên tục, thường xuyên với những lãnh tụ quốc gia Việt Nam, như Phan Bội Châu, Cường Để chẳng hạn, ở trong nước và ở Nhật, và cả với những người quốc gia chống thực dân của nước ngoài, như Subha Chandra Bose của Ấn Độ, Sokarno của Nam Dương là những người trông mong vào sức mạnh đang lên của Nhật để giúp xứ sở họ tiến tới độc lập. Có thể khá chắc là ông Diệm cũng lấy làm cảm kích về một số luận cứ của họ. Nhưng vốn tin tưởng vững chắc vào xã hội của ông, hơn hẳn niềm tin của những chính khách đó nơi xã hội của họ, ông ta không có nhiều lý do bằng họ để dấn thân vào việc tìm bất cứ nguồn viện trợ duy nhất nào bên ngoài. Ngay cả sau khi Nhật đã nắm quyền kiểm soát ở Việt Nam, ông Diệm cũng từ chối không để mình công khai đứng về phe Nhật. Mặc dầu có vẻ đúng là người Nhật có giúp ông Diệm khỏi bị Pháp bắt vào tháng 7 năm 1944 và cho ông được hưởng sự bảo vệ của bộ tổng tư lệnh của họ ở Saigon cho đến ngày họ thất trận. Nhưng cũng được biết là ông Diệm đã từ chối không nhận chức bộ trưởng trong chính phủ đoản mệnh Trần Trọng Kim do Nhật đỡ đầu, và như vậy đã giữ được cho lý lịch của ông khỏi bị ai cáo buộc là hợp tác với phe Trục.” (6) và (7)


Về chuyện ông Hồ nhờ ông Diệm giúp và bị từ chối, B. B. Fall viết:
“Nhưng ông Hồ, vốn biết ông Diệm có thiên tài về hành chính quản trị (++), và cũng thấy rõ sự kém cỏi khủng khiếp của đàn em mình trong lãnh vực khó khăn đó, nên đã cho mời vị quan này đứng về phe mình và đề nghị trao cho ông chính cái công việc mà ông đã làm dưới quyền ông Bảo Đại: Bộ Nội Vụ. Ông Diệm đáp lại lời mời đó bằng một thái độ tiêu biểu cho con người ông :
“Tại sao ông giết anh tôi?” Ông Diệm hỏi. — “Đó là một sự lầm lẫn.” Ông Hồ trả lời.”Đất nước đang rối bời. Không sao tránh được.” Ông Diệm giận dữ quay gót đi ra.” (8)
Những gì tác giả “Hai Nước Việt Nam” viết cho thấy ông tin rằng ông Diệm không chống chủ nghĩa Cộng Sản mà chống những người Cộng Sản Việt Nam là thủ phạm giết anh ông. Có lẽ vì tác giả thấy ông Diệm là người rất gắn bó với gia đình theo tinh thần hiếu đễ của “người Trung Hoa và người Việt Nam” như ông viết (9).
Về việc ông Diệm lại từ chối chức thủ tướng do ông Bảo Đại trao vào tháng 5 năm 1949, tác giả bảo có người cho rằng vì ông Diệm không muốn Việt Minh trút nỗi bất bình của họ lên đầu hàng chục vạn giáo dân sống trong vùng họ kiểm soát, nhưng thực ra lý do đích thực của việc từ chối chức thủ tướng lúc đó là:
“Thực ra Diệm nghĩ rằng những nhượng bộ của Pháp chưa sâu rộng đủ để ông dấn thân vào thực hiện. Vẫn trên căn bản “Tất cả hoặc không gi” ông Diệm lại thôi ủng hộ Bảo Đại và lập tại Nam và Trung Việt một chính đảng nhỏ mang cái tên nói lên một chương trình hành động” “Phong trào Quốc Gia Quá Khích.” Phong trào kêu gọi kháng chiến chống cả Pháp lẫn Việt Minh, một cố gắng vô vọng vào năm 1949, nhưng, như một báo cáo chính trị của Pháp đã nói rõ:
“Ông (Diệm) nhắm tổ chức lại và tăng cường lực lượng Công Giáo để đạt được sự đoàn kết thực sự và nền độc lập của Việt Nam. Ngay khi đã đủ mạnh, ông ta sẽ bắt tay vào việc giao tế với các ngoại cường nhất là Hoa Kỳ, và sẽ xin họ giúp về kinh tế và ngoại giao.
“Còn đối với nước Pháp thái độ của ông ta là thân hữu vào lúc này, vì nhà cầm quyền Pháp hãy còn có ích cho ông ta. Theo quan điểm của ông Diệm, chỉ mong Mỹ can thiệp khi nào đã rõ ràng Pháp trở nên bất lực trong việc giải quyết chiến cuộc Đông Dương.””
“Báo cáo đó 6 năm sau chứng tỏ hoàn toàn là một LỜI TIÊN TRI. Nhưng vào năm 1948 chẳng ai đếm xỉa đến.” (10)
Cũng như hầu hết những người không ưa ông Diệm, Bernard B. Fall cũng nói Ông Diệm thề với ông Bảo Đại sẽ trung thành với quốc trưởng. Và còn hơn thế nữa. Đây xin dịch toàn văn của tác giả về vấn đề này:


“Ông Diệm đã không tiến vào cuộc đấu mà không được võ trang. Ông ta xin Bảo Đại một điều mà ông này cho đến lúc ấy vẫn đủ khôn ngoan để từ chối với các vị thủ tướng của ông ta: toàn quyền dân sự và quân sự. Sau ba ngày do dự, Bảo Đại nhượng bộ. Ông Diệm đã nhận được những quyền hành chuyên chính tuyệt đối vào ngày 19 tháng 6 năm đó (1954). Có người cho rằng Bảo Đại hoàn toàn thấy rõ mình đang đem ngai vàng quẳng đi, nên bắt Diệm long trọng tuyên thệ trung thành với ông ta, và nhiều nhân chứng có uy tín còn nói quả quyết rằng ông Diệm quỳ gối trước Nam Phương hoàng hậu thề sẽ làm mọi sự trong quyền hạn của mình để bảo vệ ngai vàng Việt Nam cho hoàng thái tử Bảo Long, con của Bảo Đại.” (11)


Những lời tường thuật nhẹ nhàng trên đây của B.B. Fall cũng phần nào trùng hợp với lời cáo buộc của tướng Đỗ Mậu trong tác phẩm “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi.” Tuy nhẹ nhàng thật đấy, nhưng nó dẫn đến kết luận chết người: Ông Diệm vừa không có phẩm cách, ham quyền cố vị, vừa là con người lừa thày phản bạn, không biết chữ tín là gì. Nếu ông Bảo Đại chết rồi hoặc không đích thân viết hồi ký nói ngược lại những điều bịa bặt trên (xin xem lại chương 1), thì những cái tin kiểu “có người cho rằng” của tiến sĩ giáo sư Bernard Fall nó tai hại đến chừng nào cho uy tín một lãnh tụ quốc gia Việt Nam như ông Ngô Đình Diệm. Nhưng các tác giả Mỹ có mấy người đọc “Le Dragon d’Annam” của Bảo Đại? Ông Diệm đã chết không để lại hồi ký để tự bào chữa như các ông Bùi Diễm, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Đôn và Nguyễn Chánh Thi. Nhưng lịch sử sẽ là trạng sư bào chữa cho ông, như đài BBC đã nói ngay khi vừa được tin ông bị giết.
Ở trên độc giả đã thấy B. B. Fall ví ông Diệm như Franco, lại cho rằng ông ta có một cái nhìn từ góc cạnh giống như Pedro Đại Đế của Nga hay Napoleon của Pháp. Cứ xét hoàn cảnh của Tây Ban Nha hồi 1939, 1940, và tình hình Âu Châu hồi ấy so với tình hình Nam Việt Nam trong những năm 1959, 1960 thì ta tưởng có lẽ tác giả “Hai nước Việt Nam” cũng đồng quan điểm với Colby (12). Nhưng người đọc sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng sau khi nhận xét về thái độ của ông Diệm quỳ gối trước hoàng hậu Nam Phương thì thái độ của tác giả cũng thay đổi hẳn. Ông chỉ trích ông Diệm nặng nề. Nêu lên những sự kiện cụ thể để kết tội ông Diệm đàn áp đối lập (bỏ tù chủ báo Thời Luận Nghiêm Xuân Thiện, và các chính khách trong nhóm Caravelle, (trang 270 và 271). Ông cũng chê trách các giới chức Mỹ và các ký giả các báo Mỹ như tuần báo Thời Đại, nhật báo Nữu Ước Thời Báo hay hãng thông tấn Mỹ (AP) là đã chẳng hiểu mô tê gì khi khen ông Diệm. Có điều tuy ông kết tội ông Diệm bỏ tù ông Nghiêm Xuân Thiện mấy tháng, nhưng cũng phải nhìn nhận là ông này vẫn được tiếp tục bày tỏ lập trường chống đối một cách hợp pháp qua việc đứng vận động cho liên danh Hồ Nhật Tân, Nguyễn Thế Truyền trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 9 tháng 4 năm 1961. Ông Fall đã ở Bắc Việt một thời gian chắc biết rõ ông Hồ Chí Minh đối xử với đối lập ra sao và hai đảng Dân chủ và Xã hội của các ông Nghiêm Xuân Yêm và Nguyễn Xiển có bao giờ dám hé răng phê bình đảng Cộng Sản không hay chỉ luôn luôn vuốt đuôi, ca tụng mà thôi. Ông cũng nhìn nhận là ông Phan Quang Đán, thuộc nhóm Caravelle, chỉ bị bắt vào tháng 11, nghĩa là sau khi ông đã tham gia cuộc đảo chính 11-1960. Tội âm mưu lật đổ chính phủ hợp hiến hợp pháp đáng hình phạt gì? Nhưng ông Đán cũng chỉ bị giam.
Tóm lại ông Bernard Fall ban đầu tuy không khen nhiều, nhưng có vẻ bênh phần nào. Rồi sau đó quay đả kích kịch liệt.
Chú thích :
(1) Nguyên văn: “The Two Vietnams” n.x.b. Frederick A. Praeger. U.S.A. 1967.
(2) S.đ.d. trang 237. Nguyên văn: “Thus, while Vietnam was structurally a republic—mostly to please its American godfathers to whom that system of government is more familiar than any other— it was in terms of actual relations between government and governed, an absolute monarchy without a king, such as Admiral Horthýs Hungary was much of the time between the two World Wars or as FRANCO’s Spain has been since 1939.”
(2bis) Francisco Franco (1892-1975), Tổng Thống Tây Ban Nha từ 1939 dến 1975, được dư luận thế giới coi như một nhà độc tài trong thế chiến thứ hai, nhưng không giống các nhà độc tài áo nâu (Đức), áo đen (Ý), và áo đỏ ( Nga).
(3) S.đ.d. trang 237. Nguyên văn: “His key job was to consilidate truncated Vietnam into a viable anti-Communist state; to establish unchallenged control by the central government; and to prepare the non-Communist area for an eventual showdown with the Communist area. In other words, Diem may have considered his own position to resemble that of Emperor Gia-Long who, at the end of the eighteenth century, and with the help of foreign advisers, defeated the usurpers, reunified the Vietnam state, and gave it the codes and laws that ruled it for fifty years. In neither case was popular representation an issue, but national survival was.”
(4) S.đ.d. trang 238 và 239. Nguyên văn: “Having completed his lycee studies at Hue (precisely where Ho Chi Minh, ten years his elder,) Diem entered the French-run School of law and administration at Hanoi. An intense debater—his habit of haranguing visitors for hours on end without letting them putting in a word probably stemmed from this training — and an excellent student, as well, Diem succeeded briliantly. He graduated in 1921 at the top of a twenty-man class and immediately entered the provincial administration as a district chief.”
(5) “All or nothing”’
(6) Trục là dịch từ ”Axis” gồm ba nước Đức, Ý, Nhật trong thế chiến II.
(7) S.đ.d.. trang 239-240. Nguyên văn: “ Like his father before him, and like his future archenemy, Hồ Chí Minh, who at that same moment also disappeared from public view for almost a decade, Ngô Đình Diệm now retired to a life of study and reading. But his role was far from cloistered and purely introspective, as his official hagiographers made it appear. Diem maintained an intense correspondence with Vietnamese nationalist leaders such as Phan Bội Châu or Prince Cường Để, at home and in Japan, and also with such foreign anticolonial nationalist as India’s Subha Chandra Bose and Indonesia’s Sukarno, who both banked in Japan’s rising strength to help their countries toward independence. There can be no doubt that Diệm was impressed with some of their arguments, but being far more solidly anchored in his own society than Bose and Sukarno were in theirs, he had less reason to commit himself to any one source of outside help. In his New Yorker profile of Diệm, Robert Shaplen says that Diem told him that he nevertheless had “sounded out a number of the higher-ups among the newcomers on the possibility of creating a free nation under their auspices,” but had gotten nowhere. Even after the Japanese took over the reins of power in Vietnam, Diem refused to commit himself openly on their side. Although it is apparently true that the Japanese helped him to escape arrest by the French in July, 1944, and offered him protection of their headquarters in Saigon until V-J day, it is also kown that Diem refused a ministerial portfolio in the short-lived Japanese-sponsored Tran Trong Kim admini-stration —thus keeping his record free of charge of “collaboration” with the Axis.”
(++) Ông F. Nolting, cựu đại sứ Mỹ tại Saigon từ 1961 đến tháng 8 năm 1963, thì cho rằng ông Diệm kém về mặt hành chánh. Có lẽ vị đại sứ này nhận xét theo tiêu chuẩn và quan niệm Mỹ. Trong khi ông Diệm được đào tạo theo hành chánh Pháp, (lại thấm nhuần tư tưởng nhân trị của nhà Nho, lấy đức trị dân.)
(8) S.đ.d. tr. 240. Nguyên văn: “But Ho, recognizing Diem’s administration gifts and the woeful ineptness of his own followers in that difficult field, sommoned the mandarin to his side and offered him the very job he had held under Bảo Đại: the Ministry of the Interior. Diem’s reply was typical of the man: “Why did you kill my brother?” asked Diem. “It was a mistake,” replied Ho. “The country was all confused. It could not be helped.” Angrily, Diem turned on his heel and walked out.”
(9) Giữa trang 141 B. Fall viết: “Diem did not object to Ho’s Communism then. What counted was that Ho had allowed Diem’s brother to be murdered” và “Family loyalty is a common Chinese and Vietnamese trait.”
(10) Cuối trang 241 và 142. Nguyên văn: “In reality Diem thought the concession made by France were not far-reaching enough for him to commit himself to their implementation. Playing again on an “all or nothing” basis, Diem once more withdrew his support from Bảo Đại and created in South and Central Vietnam a small political party with a name that in itself was a program; Phong trao quoc Gia Qua Khich, or Nationalist Extremist Movement. The movement advocated resistance against both the French and the Viet Minh (a hopeless endeavor, in 1949), but as a French political report stated: “He aims to reorganize and increase Catholic strength in order to obtain the real unity and independence of Vietnam. As soon as he has gained sufficient strength, he will enter in relations with foreign powers, notably the United States, and will seek their help in the economic and diplomatic fields.
“Vis à vis France, his attitude is cordial for the time being, since the Fench authorities can still be useful to him. The United States [in Diem's view] should be expected to intervene only when it becomes obvious that France by itself is powerless to resolve the Indochinese conflict.” That report was to prove fully PROPHETIC (soạn giả viết hoa để nhấn mạnh) six years later, but in 1948, it was ignored.”
(11) S.đ.d.. tr. 244. Nguyên văn: “Yet Diem did not step into the fight unarmed. He demanded from Bao Đai something the latter had thus far always been wise enough to refuse to his Premiers: full and complete civilian and military powers. After three days of hesitation, Bao Đai yielded. Diem received absolute dictatorial powers on June 19. Fully realizing that he was throwing his throne away, Bao Đai allegedly made Diem swear a solemn oath of allegiance to him, and several authoritative witnesses affirm that Diem also swore on his knees to Empress Nam Phuong that he would do everything in his power “to preserve the throne of Vietnam for Crown Prince Bao Long,” son of Bao Đai
ttba
Chương 9
Marguerite Higgins: Thanh thế của ông Diệm lẫy lừng như trong truyện cổ tích

Nữ ký giả Marguerite Higgins (1920-Jan,1966), giải Pulitzer phóng viên quốc tế 1951, sinh ở Hương Cảng. Khi còn là hài nhi 6 tháng bà đã biết Việt Nam và cho đến năm 1965 đã 10 lần đến Việt Nam trong nhiệm vụ phóng viên cho nhiều tờ báo lớn của Mỹ. Bà đã từng cộng tác với trên 60 tờ báo kể cả các tờ Washington Evening Star, Chicago Daily News, Boston Herald, Seatle Times…đã từng là phóng viên chiến trường ở Đức và Triều Tiên.


Bà cũng là tác giả nhiều cuốn sách trong đó có cuốn về cuộc chiến tranh Triều Tiên. (Tại đây bà đã phải phấn đấu cam go với tướng Mc Arthur mới có thể trở lại để làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường). Bà coi mình như người có những liên hệ mật thiết với Việt Nam, một xứ sở, một dân tộc từng làm bà vui thích đến say mê (1). Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần thứ 7 vào mùa hè 1963 bà đã xông xáo, lặn lội đến nhiều làng xã và các đơn vị chiến đấu (tờ Time số ra ngày 14 tháng 1 năm 1966, 11 ngày sau khi bà mất, (lúc mới 45 tuổi) đã thuật lại lời một binh sĩ Mỹ nói về tinh thần xông xáo nơi trận địa của bà như sau: “Maggie trang điểm bằng bùn đất cũng như các phụ nữ khác trang điểm bằng son phấn”. (1 bis)) 

Bà đã ngồi đàm đạo cùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm 5 giờ đồng hồ và cho biết: với bà ông Diệm không độc thoại, như với các ký giả khác (2). Phải chăng vì cái đặc ân này mà nữ ký giả Marguerite Higgins đã hết lời ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cố bào chữa cho ông trước dư luận Mỹ lúc ấy vô cùng bất lợi cho ông? Dĩ nhiên đó chỉ là một ý nghĩ hài hước chạy qua đầu soạn gỉả khi cố chọn mấy đoạn tiêu biểu trong tác phẩm trên ba trăm trang này mà hầu hết gồm vô số sự việc sống động với những dẫn chứng cụ thể của một nhà báo xông xáo khắp 4 vùng chiến thuật (3), đi đến hàng chục thôn ấp, từ vùng núi non đến vùng châu thổ và duyên hải, để tìm hiểu nguyên nhân vì đâu mà một con người chỉ trước đó ít lâu được gọi là thần kỳ, “con người mà thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ W. Douglas gọi là anh hùng của Việt Nam bỗng dưng biến thành một con quái vật.”(4)
Về buổi thiếu thời và sự giáo dục của ông Diệm bà Higgins viết trong tác phẩm “Our Vietnam nightmare”:
“Cha của Diệm chẳng những là vị quan cao cấp nhất trong triều (tương tự như tể tướng), nhưng còn là một học giả lỗi lạc và một nhà giáo dục, và đối với một người có địa vị như ông, có vẻ như hơi lập dị. Vì ông cho rằng con mình phải học lao động cực khổ cũng như thơ phú.
“Đàn ông con trai phải hiểu đời sống nhà nông”, Ngô Đình Khả thường hay nói thế. Và điều này giải thích tại sao Diệm và 5 anh, em của Diệm thỉnh thoảng được sai đi tới đồng lúa bùn lầy để giúp nông dân làm công viểc trồng lúa vất vả, cực khổ.


“Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901, ở tỉnh Quảng Bình, phía bắc vĩ tuyến 17. Hồ Chí Minh cũng sinh ở phía Bắc. Họ Ngô đã trở lại đạo Công Giáo có lẽ đến 300 năm trước khi Diệm ra đời. Họ rất sùng đạo, và Diệm cũng không phải luật trừ. Thời niên thiếu Diệm đã nghĩ đến chuyện đi tu làm linh mục. Nhưng, như ông có lần giải thích cho tôi, ngay thời gian còn rất trẻ đó ông đã cảm thấy rằng trong đời ông cuộc xung đột giữa chủ nghĩa quốc gia Việt Nam và chủ nghĩa thực dân Pháp sẽ lên tới tột đỉnh. “Và lúc ấy tôi muốn giữ một vai trò trong đó.” Diệm nói.”Và hơn nữa, khi mối quan tâm của tôi mở rộng ra thì cuộc sống cho Giáo Hội không đủ.” Không giống như nhiều người quốc gia đồng bào ông, Diệm được giáo dục hoàn tòan ở trong nước, mặc dầu khi còn ở bậc trung học ông đã được điểm cao trong các kỳ thi ở trường quốc học Huế, nên được học bổng tại Paris. Nhưng ông đã không nhận.


“ Mẹ ông Diệm có lần đã nhận xét: “Trong số các con tôi, anh nào đi du học ngọai quốc về đều có pha lẫn nhiều điều và mang nhiều mâu thuẫn trong người. Nhưng Diệm thì thuần túy Việt Nam”.(5)
Từ nhận xét trên về căn bản giáo dục của ông Diệm, M.Higgins dẫn đến hành động của ông thời làm tuần vũ Phan Phiết, rồi tới thời gian ông làm Tổng Thống :
“Kinh nghiệm của Diệm khi làm tỉnh trưởng đã cho ông mối quan tâm dài lâu đối với miền quê Việt Nam và những vấn đề thực tiễn của nông nghiệp, nước, đập nước và trường học. Khi làm Tổng Thống , những mối quan tâm đó làm ông thường hay ra khỏi Saigon mỗi tuần ít nhất vài ba ngày.
“Có một huyền thoại kỳ lạ về sự cô lập và xa rời quần chúng của ông Diệm càng ngày càng tăng vào những giai đoạn sau này của nhiệm kỳ Tổng Thống của ông và nhiều người Mỹ đã lầm tưởng ông ta không chịu hòa đồng với dân.
“Vì cái huyền thoại phổ biến đó, tôi xin đăng lại ở đây bức thư tháng 7 năm 1965 của đại sứ F. Nolting nói lên quan điểm sâu sắc về những chuyến đi kinh lý của ông Diệm ở giữa dân làng Việt Nam.


(Bức thư ghi:) “Ông Diệm là người đi đường không biết mệt. Ông rời Saigon đi về các tỉnh hai ba ngày mỗi tuần. Ông làm chúng tôi mệt lả, tả tơi để theo kịp ông. Ngoài những bộ tư lệnh quân đội và các tiền đồn, ông còn đi tới tận các quận huyện xa xôi, thôn xã hẻo lánh, ở Cà Mau, những làng Thượng trên cao nguyên và những trại huấn luyện người Thượng, những hải đảo ở ngoài khơi, tới sát vĩ tuyến 17 v.v.. Như cô biết đó, Diệm đã từng là tỉnh trưởng thời Pháp thuộc (một tỉnh trưởng cực tốt.) Và ông ta rất thích những vấn đề nông nghiệp địa phương—như các điều kiện sinh sống, trường học, nước uống, đường xá, sông lạch, hạt giống, phân bón, thâm canh, vấn đề chủ điền, tá điền, gia cư v.v.. Ông ta có đầy dẫy ý kiến và những đề xuất tại chỗ để cải tiến. Ông ta đặc biệt thích thú và tự hào về những trạm cải tiến nông nghiệp mà chính phủ ông đã thành lập, dạy bảo nhiều điều từ việc trồng cây ăn trái và cây có củ, đến các hồ nuôi cá, cách làm bột sắn và ngay cả cách làm nấm rơm nữa.


“Tôi đã theo ông Diệm trong nhiều, rất nhiều chuyến đi (và cũng đi nhiều chuyến riêng khác để biết phản ứng.) Và tôi chắc chắn là ông ta thực sự và thành thực cố tìm ra sự thực về các điều kiện nông thôn và các nhà chức trách ở miền quê, khuyến khích mọi người nêu lên những vấn đề khó khăn, những khiếu nại, và giải quyết nhiều việc ngay tại chỗ. Ông ta không phải nhà hùng biện trước đám đông, nhưng cực kỳ công hiệu đối với những toán nhỏ dân quê và dân làng, ông không câu nệ lễ nghi, thực sự thích dân, có cảm tình với họ, gây được thiện cảm và thường đi đến những biện pháp sửa chữa thực tế. Ông ta chắc chắn và hoàn toàn không phải là người xa rời quần chúng như nhiều người mô tả. Ông ta hay than phiền về những nghi lễ mà các quan tỉnh đặt ra cho ông và thích được nói chuyện tự do với những toán nhỏ dân chúng, ăn uống đơn sơ với ít bô lão trong làng và bàn luận với họ những vấn đề thực tiễn. Sự kiện ông Diệm không bắt tay hay vỗ lưng người khác mà chỉ cúi đầu đáp lễ, dĩ nhiên là do phong tục của giới bình dân Việt Nam. Chứ chẳng phải là phản ứng của một người sống tách biệt hay một thái độ thiếu quan tâm đến người khác (như một số nhà báo đã nói lên ý nghĩ của họ.)


“Trong những chuyến đi chung với ông Diệm, chương trình của chúng tôi thường là: khởi hành từ Saigon vào lúc 5 giờ sáng, bay tới một bãi đáp gần nơi phải tới nhất. Rồi lên xe con, xe jeep hay trực thăng tuỳ theo con đường, thỉnh thoảng phải đi bộ hay thuyền tới một ấp hay xã. Đối với một người đàn ông lùn, mập, thì ông Diệm là một người đi bộ rất nhanh và không có ngọn đồi hay bụi rậm nào có thể làm ông chùn bước. Ông thường nói cha của ông dạy rằng lên đồi thì chạy còn xuống đồi thì đi thường. Sau khi đã viếng 4 hay 5 thôn, xã hay tiền đồn trong ngày, chúng tôi thường về đến Saigon vào khoảng 8, 9 giờ tối. Thỉnh thoảng trong những chuyến đi dài, chúng tôi nghỉ lại đêm. Bữa ăn thì có khi thịnh soạn có khi đơn sơ. Ông Diệm thích những bữa thanh đạm hơn. Tôi nhớ có nhiều dịp đã nhắc tôi nhớ lại những lần đi cắm trại ở Virginia khi còn nhỏ—dưa hấu, ngô rang còn lõi, và thậm chí cả cá bông lau vừa bắt dưới sông lên. Với những chuyến đi như vậy, chắc trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1963 chúng tôi đã thăm hết hay hầu hết các tỉnh trong số 41 tỉnh ở Việt Nam vào lúc đó, và có những tỉnh chúng tôi đã tới thăm nhiều lần. Những chuyến đi như vậy luôn luôn khoan khoái và ích lợi. Và tôi chắc chắn có một mối tương quan tốt giữa vị Tổng Thống và đại đa số dân quê. Rủi thay điều đó lại không đúng đối với tầng lớp “trí thức” ở Saigon. Có lẽ vì vậy ông Diệm thường náo nức muốn đi thăm thôn quê.
“Tôi chưa bao giờ biết chắc thế nào là “người QUAN CÁCH”, nhưng nếu ông Diệm mà là quan-cách thì tôi thích thứ quan cách đó. Ông ấy là một lãnh tụ tốt, trung thực, qủa cảm và đáng kính, theo sự quan sát kề cận của tôi suốt hơn một năm rưỡi. Mặc dầu tôi đã gặp khó khăn và tốn thì giờ trong nhiều lần thương luợng với ông, tôi vẫn luôn luôn kính trọng ông về sự kiên trì trong mục đích và, lạ thay, ông còn có cả một sự nhã nhặn và thương cảm trong khi nói những điều trái ý tôi. [Ông ta thường dùng kỳ nghỉ một ngày rưỡi trong dịp Lễ Giáng Sinh, là kỳ nghỉ duy nhất của ông, để đến ở với binh sĩ tại những tiền đồn xa xôi nhất mà ông có thể tìm thấy.] (6)
Đó là nhận xét và cảm nghĩ của Đại sứ Frederick Nolting trong lá thư gửi cho bà Higgins. Sau đây là nhận xét và cảm nghĩ của riêng người nữ ký giả:
“Trong câu chuyện dành cho tôi, (7) ông Ngô Đình Diệm có vẻ là một học giả Nho Giáo hơn hẳn một tín đồ Công Giáo sùng đạo, một cảm nghĩ có lẽ phát sinh từ cuộc luận đàm giữa ông và tôi về rất nhiều đề tài khác nhau—nào chính trị toàn cầu và phát triển thế giới, nào các thái độ của châu Á, những triết thuyết khác nhau về chính phủ, những quan niệm trần thế— đều được nhắc đến trong cái khung cảnh rộng lớn này.” (8)
Sau lá thư của Nolting, tác giả còn nhắc đến nhiều nhân vật khác và trưng dẫn nhận xét và cảm nghĩ tốt đẹp của họ dành cho chính phủ Ngô Đình Diệm, trong đó có các ông: William Henderson, chuyên gia về các vấn đề Viễn Đông trong Hội Đồng quan hệ quốc ngoại, là người thường chỉ trích ông Diệm kịch liệt nhất cũng phải nhận rằng, nhìn lại những khó khăn trở ngại mà ông Diệm đã vuợt qua để củng cố quyền hành đã tạo nên “Một phép lạ chính trị có tầm cỡ rộng lớn nhất” lúc bấy giờ (9). Wolf Ladejinsky, giám định viên Mỹ về các cuộc cải cách điền địa ở Nhật và Đài Loan cũng như ở Nam Việt Nam đã nêu những con số thống kê chính xác để ca ngợi chương trình cài cách ruộng đất cuả chính phủ Diệm. Và những ký giả khác của báo “Christian Science Monitor”, “Le Monde”… đều được trích dẫn để chứng minh những thành quả của chính phủ Ngô Đình Diệm (10).
Bà M. Higgins chắc là phải thích thú khi nghe Tổng Thống Diệm trình bày các vấn đề khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam vào lúc đó, cho nên đã nhắc lại trong nhiều trang sách nguyên văn những lời ông nói với bà như là một cách giúp ông tự biện minh trước dư luận thế giói, nhất là dư luận Mỹ đang bị phần lớn, nếu không phải là hầu hết, ký giả đầu độc. Nếu bạn đọc thấy tò mò muốn biết xin đọc 3 trang 166-168 s.đ.d.


Về vấn đề Phật Giáo là vấn đề gai góc nhất của ông Diệm và có thể nói chính nó làm ông Diệm đổ, M.Higgins đã mạnh bạo đưa ra những ý kiến khiến một số tăng lữ và Phật tử phải bất bình. Sở dĩ nữ ký giả này dám nói ngược lại phần đông những đồng nghiệp của bà là vì bà đã đến tận những nơi xảy ra các cuộc biểu tình, tuyệt thực, hay những miền quê để điều tra trong tinh thần vô tư và khách quan. Những con số mà bà trưng dẫn làm bằng cũng dựa trên những thống kê có xuất xứ đáng tin cậy. Sau đây là cảnh tượng tại Chùa Xá Lợi, nơi tác giả tới đầu tiên để tìm hiểu về “vụ Phật Giáo”, xem đó là một vấn đề tôn giáo thực sự hay chỉ là một vấn đề chính trị giả trang, như câu hỏi luôn luôn ở trong đầu người nữ ký giả dầy kinh nghiệm.


“Chùa Xá lợi chính là nơi được xử dụng để làm bộ chỉ huy gây rối trong các chiến dịch của Phật tử chống ông Diệm. Chính tại đây các máy quay rô-nê-ô không ngừng in ra những tài liệu tuyên truyền về cái gọi là sự bách hại (Phật Giáo.) Chính từ những phòng họp từ phía sau mà những mệnh lệnh được truyền đi tới các toán tự vẫn dàn dựng nên những cuộc tự thiêu của các huynh đệ của họ.” (11)
M. Higgins là ký giả nói nhiều nhất về lai lịch, hành động và tính tình của thượng tọa Thích Trí Quang mà bà cho rằng là một con người có tham vọng hay mưu đồ chính trị hơn là một nhà tu hành, càng không hợp với lối tu của Đạo Phật. (Từ trang 25 đến trang 35.)
Hơn hai mươi trang của chương 3 được tác giả dành cho việc chứng minh không có vấn đề bách hại hay kỳ thị tôn giáo trong chế độ Ngô Đình Diệm. (Các trang 36-58.)


Mặc dù khi xuất bản tác phẩm của mình bà Higgins chưa có những tài liệu mật sau này được giải mật như các ông Hoàng Ngọc Thành (12), (xin xem chương 23) hay John M. Newman (13), (xin xem chương 16), nhưng nhờ có bạn ở bộ ngoại giao nên đã biết đích xác các ông Harriman và Roger Hilsman là những người cố gắng bằng mọi cách hạ ông Diệm, và còn nói “khi hồ sơ mật được mở ra, lịch sử sẽ cho thấy phó Tổng Thống Johnson đã kiên trì cố gắng đẩy lui xu hướng (muốn lật ông Diệm) không phải vì cảm tình đặc biệt với ông này, nhưng vì sợ nó sẽ có thể di hại đến nỗ lực chiến tranh và sự ổn định chính trị” (14).


Theo bà Higgins thì lúc đó ngoài phó Tổng Thống L.B. Johnson các ông McNamara, bộ trưởng quốc phòng, tướng Maxwell Taylor, chủ tịch ủy ban tham mưu liên quân và McCone giám đốc CIA cũng chống việc lật đổ ông Diệm.
Nơi trang 298 tác giả “Việt Nam, cơn ác mộng của chúng ta” đã cho việc Hoa kỳ lật đổ ông Diệm (Lúc ấy các tài liệu mật chưa được giải mật nên phần đông dư luận Mỹ đều cho rằng đó là công việc hoàn toàn nội bộ của Việt Nam, giữa ông Diệm và các tướng lãnh của ông, chứ người Mỹ không hề có nhúng tay vào) là một “sự can thiệp xấu xa và không thể tha thứ vào nội bộ của một nước khác” (15) trang 298). Ba trang sau bà Higgins đã trưng dẫn lời của một nhà báo UÔc thân Cộng viết rặng:
“Hồ Chí Minh đã đón mừng tin ông Diệm bị lật đổ bằng nhận định sau đây: “Tôi thật không ngờ người Mỹ lại có thể ngu đến như vậy” (16).
Theo soạn giả, nếu người Mỹ không muốn mang tiếng là một dân tộc ngu như Hồ chí Minh nói, thì hãy đổ cái ngu ấy lên đầu chính quyền Kennedy, hay cho gọn hơn, lên đầu mấy nhà ngọai giao cỡ ông Cabot Lodge, Averell Harriman, Roger Hillsman và cố vấn an ninh Michael Forrestal, và dĩ nhiên lên đầu các nhà báo cỡ Neil Sheehan, David Halberstam. Họ ngu hay có ác tâm, thù vặt hay có một âm mưu thầm kín? Xin mời đọc các chương kế.
Chú thích:
(1)“Our Vietnam nightmare” (tạm dịch: “Vietnam, cơn ác mộng của chúng ta”) NXB Harper & Row, 1965. Trang 2.
(1bis) Time magazine Jan 14, 1966. Trang 61. Nguyên văn:
“Maggie wears mud like other women wear makeup”. Theo tờ tuần san này thì ngay khi còn ở trên máy bay từ Việt Nam về nước bà đã lâm trọng bệnh và qua đời chỉ hơn 3 tháng sau đó. Nhưng trong khi bệnh nặng người nữ ký giả yêu nghề vẫn viết đều đặn mỗi tuần 3 bài xã luận.
(2) S.Đ.D. trang 165. Có lẽ vì vị Tổng Thống độc thân này thích nghe một nữ ký giả nói chăng. Vì chính tướng Maxwell Taylor cũng nói rằng trong cuộc hội kiến 4 giờ với ông Diệm vị tướng này phải khó khăn lắm mới nói chen vào được một vài câu.


(3) Cuối trang 37-39 “…And in the summer of 1963, as I wandered from village to village, North, South, East, and West, it became perfectly clear to me that so called “religious persecutions” had nothing whatsoever to do with the realities of life as experienced by the overwhelming majority of people in the countryside. Further, most people in the countryside did not have any notion of what was going on in Saigon, or for that matter, ten kilometers beyond the villageàFor example, I asked a respected village notable in a strategic hamlet near Quảng Ngãi if he had heard about the troubles in the cities: “I try to keep up on things”, he said, “and twice a year a woman who lives in a house six lanes away sends her son by bicycle to the city [Province capital] to buy a newspaper and we get someone to read it to us. But this year the rice crop was very good, so good that the lady could not spare her son, so we did not get any newspapers.”

(4)Trang 15.
(5) Trang 159.Trang 159. Nguyên văn: “Diêm ‘s father was not only the highest-ranking mandarin at the court (something like the grand vizier) but a brilliant scholar and educator, and for a man of his position, something of an eccentric. Ngo Dinh Kha felt that his son should learn about hard labor as well as poetry. “A man must understand the life of a farmer, “Ngo Dinh Kha used to say. And this apparently explains why Diem and his five brothers were sometimes sent into the muddy rice paddies to help the farmers in their toilsome planting.”
(6)Ngày 7 tháng 8 năm 1963.
(7) Trang 160-162. Nguyên văn: “Diem’s experience as a province’s chief gave him a lasting interest in the Vietnamese countryside and in the practical problems of agriculture, water, dams, and schools. As president, these interests took him out of Saigon at least several days each week. A curious legend of isolation and aloofness grew up about Diem in the latter stage of his presidency and many Americans mistakenly believed he refused to identify with his people. Because of this prevailing myth I include here a letter of July 1965, from former ambassador Nolting giving an intimate view of Diem’s journeys among the Vietnamese villagers.
“Diem was an indefatigable traveller.” He was out of Saigon in the provinces two-three days out of every week. He ran us ragged trying to keep up with him. In addition to army headquarters and outposts, he visited the remotest villages and districts, Ca Mau, Montagnard villages and training camps, off- shore islands, seventeenth parallel, etc…As you know, Diem had been a province chief under the French [a darned good one] and he was intensely interested in local rural problems—healthy conditions, schools, water supply, roads, canals, seeds, fertilizer, crop diversification, land ownership, land rents, housing, etc..He was full of ideas and on -the-spot suggestions for improvement. He was especially interested in, and proud of, the agricultural improvement stations which his government had established, teaching many things, from fruit and nut-tree raising to fishponds, manioc-grinding, and even mushroom-raising in rice-straw stacks. I accompanied Diem on many, many trips [and took many others to try to get reaction on my own.] I am sure that he was genuinely and sincerely seeking out the truth about rural conditions and rural government, inviting the airing of problems and complaints and settling many matters on the spot. He was not a good orator before big crowds, but extremely effective with groups of peasants and villagers, informal, inquiring, genuinely interested and sympathetic, and usually coming up with practical remedies. He was any thing but aloof as depicted. He frequently complained about the ceremonies laid on for him by provincial officials, preferring to talk to the people in small groups, to eat simply with a few of the village elders, to discuss real problems, The fact that he did not shake hands and slap backs, but bowed instead, was of course the result of his country’s customs [italics mine] not a reflection of an aloof or disinterested attitude (as some members of the press professed to think). On trips with Diem, our usual schedule was to leave Saigon at 5 am, fly to the airstrip nearest our destination, take a car, jeep or helicopter (depending on roads) sometimes reaching a hamlet or village by foot or row-boat. For a short, stout man, Diem was a fast walker and no hill or underbrush stopped him. He used to say that his father taught him to run uphill and walk down.

 After visiting four or five hamlets, outposts, or villages during the day, we would generally return to Saigon around 8 or 9 pm. Sometimes, on longer trips, we would spend the night. Meals were sometimes elaborate, sometimes simple. Diem preferred the simple ones. I remember many occasions which reminded me of camping trips when I was a boy in Virginia—watermelon, roasted corn on the cob, even skinned catfish caught in the river. On such trips, we must have visited, between 1961 and 1963, all, or nearly all, of the then 41 provinces of South Vietnam—many times in some of them. These trips were always refreshing and rewarding, and I am sure that there was a real rapport and mutual respect between President Diem and the large majority of the rural people. Unfortunately, this was not true of the “intellectual” of Saigon. Maybe that’s why Diem was always eager to visit the countryside. I have never been quite sure what the “mandarin type” is, but if Diem is one, I am for it. He was a good, honest, courageous, and respected leader—according to my close observation over 21/2 years. Although I had many difficult and time-consuming negotiations with him, I always respected him and admired his tenacity of purpose and, strangely, his gentleness and compassion. (He used to spend his 11/2 day Christmas holiday, the only days-off he took, in the remotest military outpost he could find, with the troops)
(8) Ngày 7 tháng 8 năm 1963, cuộc phỏng vấn cuối cùng ông Diệm dành cho một phóng viên nước ngoài theo nhận xét của tác giả nơi trang 165.
(9) Trang 162. Nguyên văn: “Even his most articulate critics such as William Henderson, Far East specialist on the Council of Foreign Relations, agreed that “in retrospect the survival of Ngo Đinh Diem’ s anti-Communist government and the effective consolidation of its power throughout most of Free Vietnam constitute a political miracle of the first magnitude”. “
Trang 163 nguyên văn: “In December 1959, Wolf Ladejinsky, the American expert who supervised the lanđreform program in Japan and Taiwan as well as in South Vietnam, wrote in Reporter magazine: “The slogan ”land to the landless” used so effectively by the communist in their drive for power has been a source of bitter disappointment and tragedy to many farmers of North Vietnam. Not so in South Vietnam. Beginning two years ago, a sizable portion of the large landlords ‘holdings has been distributed among landless tenants. By now, approximately 35% of the tenants have become landed proprietors. An earlier measure which limited land rents to 25% of the crops, or about half the rentals formerly received by the landlords has made landlordism less attractive than it once was.”
(10) Trang 17.
(11)Như trên.
(12) Xin xem chương 23.
(13) Xin xem chương 16.
(14) Trang 188. Nguyên văn: “When the secret files are opened, history will show that Vice President Johnson made very strenuous, though secret, efforts to try to stem the tide —not out of any particular love for Diem, but out of fear of what his overthrow might do to the war effort and political stability.
(15) Trang 296. Nguyên văn: “..the overthrow of a friendly allied leader is morally wrong, historically unsound, and totally dishonorable.”
(16) Trang 302. Nguyên văn: “According to an Australian journalist, with communist sympathies, Hồ chí Minh greeted news of Diem’s overthrow with the remark,” I could scarcely believe that the Americans would be so stupid.”

One Response
hoangkybactien, on 29/09/2009 at 8:15 pm said:

Đại sứ Frederick Nolting viết: “…
“Tôi chưa bao giờ biết chắc thế nào là “người QUAN CÁCH”, nhưng nếu ông Diệm mà là quan-cách thì tôi thích thứ quan cách đó. Ông ấy là một lãnh tụ tốt, trung thực, qủa cảm và đáng kính, theo sự quan sát kề cận của tôi suốt hơn một năm rưỡi. Mặc dầu tôi đã gặp khó khăn và tốn thì giờ trong nhiều lần thương luợng với ông, tôi vẫn luôn luôn kính trọng ông về sự kiên trì trong mục đích và, lạ thay, ông còn có cả một sự nhã nhặn và thương cảm trong khi nói những điều trái ý tôi. [Ông ta thường dùng kỳ nghỉ một ngày rưỡi trong dịp Lễ Giáng Sinh, là kỳ nghỉ duy nhất của ông, để đến ở với binh sĩ tại những tiền đồn xa xôi nhất mà ông có thể tìm thấy.] ” -hết trích.

Tự cổ chí kim, không biết có được mấy ai!?
Người Mỹ có câu: “Work speaks louder than word!”, nghĩ thật thấm thía làm sao!
ttba
Chương 10
Lyndon Baines Johnson: Ngô Đình Diệm, Churchill của thập kỷ tại Á Châu.(1)

Lyndon B. Johnson (1908-1973), thuộc đảng Dân Chủ, là Tổng Thống thứ 36 của Hiệp Chúng Quốc Mỹ. Phó Tổng Thống Hubert Humphrey có lần gọi ông là “Tổng Thống Toàn Mỹ.” Trước khi Tổng Thống J.F. Kennedy bị ám sát tại Dallas, Texas ngày 22 tháng 11 năm 1963 (đúng 3 tuần sau khi ông lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, gây nên cái chết bi thảm của hai ông Diệm, Nhu), ông Johnson là phó Tổng Thống và là người không đồng ý trong việc chính quyền Kennedy toan tính lật đổ ông Diệm. Sau khi ông Kennedy mất rồi, ông Johnson lãnh đủ hậu quả tai hại của việc lật đổ ông Diệm. Chiến tranh mở rộng. Miền Nam bị đe dọa nặng nề và có thể mất vào tay Cộng Sản bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngược hẳn với ý muốn của mình, ông Johnson đã phải cho quân tác chiến Mỹ đến Việt Nam (+), trực tiếp ngăn chặn làn sóng đỏ, đễ giữ lời cam kết của hai vị tiền nhiệm không để miền Đông Nam Á lọt vào tay Cộng Sản.
Tháng 5 năm 1961 ông Johnson tới Việt Nam với tư cách là phó Tổng Thống , đại diện Tổng Thống J. F. Kennedy, để bàn chuyện viện trợ cho Việt Nam. Trong tác phẩm “Ưu Thế” thuật lại những gì ông đã làm trong thời gian cầm quyền từ 1963 đến 1969, ông đã khoe rằng chỉ trong không đầy ba giờ đồng hồ thảo luận với Tổng Thống Diệm ông đã có thể đi đến một thỏa thuận về tất cả mọi vấn đề với vị Tổng Thống rất khó tính “đầy lòng tự hào và khó thương thuyết.” Quá phấn khởi về sự thành công của mình, ông đã ca ngợi Tổng Thống Diệm là Churchill của thập kỷ của Á Châu tại bữa dạ tiệc do Tổng Thống Diệm khoản đãi. Nhưng các sử gia Stanley Karnow, tác giả “Vietnam, a history” và John M. Newman, tác giả “JFK and Vietnam” viết rằng ông Johnson khen không thật lòng và có ý nịnh ông Diệm thôi. Ông Trần Ngọc Dũng khi dịch cuốn sách của ông Newman nơi trang 69 “John F. Kennedy và chiến tranh Việt Nam”… còn viết nặng hơn khi thêm vào sau từ “nịnh” một chữ “bợ” to tướng. Một phó Tổng Thống đại diện Tổng Thống một siêu cường nịnh Tổng Thống một quốc gia nhỏ bé chỉ bằng nửa tiểu bang California trong số 50 tiểu bang của siêu cường, đó đã là chuyện hơi khó nghe, lại còn bợ nữa thì không hiểu các tác giả hay dịch giả nói trên nghĩ gì về tư cách của vị lãnh đạo Hoa Kỳ, nhất là khi người Mỹ thường tự phụ rằng các nhà lãnh đạo của họ luôn luôn được bầu lên một cách công bình tuyệt đối,—” không giống như những cuộc “bầu cử gian lận” tại miền Nam Việt Nam thời đệ nhất hay đệ nhị Cộng Hòa.” Nghĩa là các tác giả, dịch giả trên có ý nói con người đứng hàng thứ nhì, và sau này lên đứng hàng thứ nhất, trong số gần 300 triệu dân Mỹ ưu việt, đại diện cho toàn dân tộc Mỹ bách chiến bách thắng, đã nói láo, hay đánh lừa. ( ++ )
Điều đáng nói hơn, không phải chỉ có một mình Tổng Thống Johnson ca ngợi Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tổng Thống Eisenhower, anh hùng của thế chiến II, trước đó 4 năm cũng đã gọi ông Diệm là con người thần kỳ (tức làm nên những điều kỳ diệu, người thường không làm được) (2). Đặc biệt là Tổng Thống Nixon, 22 năm sau cuộc đảo chính lật đổ và sát hại ông Diệm còn ca ngợi Tổng Thống Diệm bằng một hình ảnh kiến trúc chính trị mà, như đại đa số dân Mỹ ngày nay phải công nhận, ông là kiến trúc sư thượng thặng (3).
Cựu đại sứ Nolting trong cuốn “Từ tín nhiệm đến thảm kịch” đã cho biết Tổng Thống Lyndon B. Johnson vẫn cho việc lật ông Diệm là một lỗi lầm, mặc dầu sau khi mọi việc đã lỡ ông phải bám lấy những tướng lãnh để giải quyết những vấn đề khó khăn càng ngày càng tăng trong một tình trạng hỗn loạn hậu đảo chính. Trong tác phẩm “The vantage point” (tạm dịch “Ưu thế”) chính Tổng Thống Johnson, nhắc lại cuộc đảo chính, cũng đã viết:
“Tôi nghĩ chúng ta đã lầm khi không ủng hộ ông Diệm” (4)
Hai trang sau ông giải thích:
“Tôi tin rằng việc sát hại ông Diệm đã tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng.” (5)
Ông cũng nhắc lại việc Tổng Thống Diệm đã thành công rực rỡ trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn lúc mới lên cầm quyền như sau:
“Khi nhân dân Việt Nam bầu ông Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng thay thế ông Bảo Đại vào cuối năm 1955 hầu hết các chuyên gia Tây phương đều nghĩ Nam Việt Nam chỉ tồn tại được hơn 6 tháng. Những năm dài chinh chiến đã làm nó suy yếu. Người Pháp đã cho một số rất ít người Việt Nam cơ hội để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm về hành chính quản trị trong chính quyền. Lúc ấy xem ra chắc chắn là Cộng Sản có kỷ luật cao sẽ chiếm quyền. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Diệm, Nam Việt Nam đã tiến tới. Việt Nam không Cộng Sản đã bắt đầu hàn gắn những vết thương của mình và trở nên phồn thịnh. Xứ sở nhỏ bé này đã phải tiếp thu khoảng 900.000 dân tỵ nạn chạy trốn chế độ Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Mức sản xuất tăng. Xuất cảng cũng tăng. Số trường học cũng tăng. Mức sống lên cao. Nam Việt Nam đang có tiến bộ.” (6)
Về tình hình an ninh nói chung và riêng tình hình thôn quê, với sự cố vấn và phương tiện vận chuyển mau lẹ, và chương trình Ấp Chiến Lược phát triển khả quan, phái đoàn McNamara - Taylor vào cuối tháng 10 năm 1963, nghĩa là chỉ một tháng trước cuộc đảo chính, cho rằng những xáo trộn tại thành thị do vụ Phật Giáo gây ra không làm hại đến công cuộc bình định và chống cộng ở nông thôn. Ông Johnson viết:
“Hạ tuần tháng 9 Tổng Thống Kennedy yêu cầu tổng trưởng quốc phòng McNamara và tướng Taylor, lúc ấy là chủ tịch ban tham mưu liên quân tới Việt Nam để trực tiếp quan sát. Những biến cố xảy ra tại đó khởi đầu từ tháng 5 đã gợi lên trong trí Tổng Thống Kennedy những câu hỏi về những triển vọng chống Cộng thành công trong ngắn hạn cũng như hiệu quả của cố gắng của chúng ta trong dài hạn.
“Hai ông đã trở về ngày 2 tháng 10 và lập tức báo cáo cho Tổng Thống Kennedy hay là “chiến dịch quân sự đã tiến triển rất tốt đẹp và vẫn tiếp tục tiến triển.” Hai ông kết luận rằng trong khi chính quyền Diệm càng ngày càng mất lòng dân, những xung đột chính trị vẫn không ảnh hưởng xấu đến các cuộc hành quân quân sự. Nếu điều đó tiếp tục đúng như vậy thì hai ông tin rằng chúng ta sẽ có thể rút một số cố vấn của chúng ta về nước vào cuối năm 1963… Hai ông cũng cảnh cáo rằng tình trạng chia rẽ về chính trị nếu tiếp tục có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình quân sự cũng như sự ước lượng tình hình của các ông trong tương lai.” (7)
Tổng Thống Johnson phê bình một cách nghiêm khắc một vài giới chức cao cấp trong bộ ngoại giao mà ông không nêu đích danh, nhưng người đọc dễ thấy đó chính là các ông Harriman và Hilsman trong việc soạn thảo và gửi cấp tốc công điện cho đại sứ Lodge ngày 24 tháng 8 năm 1963, khuyến khích cuộc đảo chính. Ông viết:


“Sau các cuộc tấn công chùa chiền, một công điện, được soạn thảo tại bộ ngoại giao, đã được gửi đi Saigon ngày 24 tháng 8. Quả thực bức công điện đã bảo đại sứ Lodge hãy khuyên ông Diệm phải làm ngay những việc cần thiết để sửa chữa tình hình và thỏa mãn những đòi hỏi nổi bật của Phật Giáo. Nếu ông Diệm không hành động lập tức, vị đại sứ được chỉ thị thông báo cho những tướng lãnh chủ chốt rằng Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục viện trợ cho chính phủ Saigon về quân sự và kinh tế nữa. Tối hậu thư này có nghĩa là phải loại bỏ ông Nhu và bà vợ năng động về chính trị của ông ta khỏi mọi ảnh hưởng và trách nhiệm liên tục trong chính quyền. Bằng nếu ông Diệm từ chối không chịu, Hoa Kỳ sẽ không thể ủng hộ ông ta được nữa. Nếu lúc đó các tướng lãnh lên cầm quyền chúng ta sẽ ủng hộ họ.
“Công điện thảo vội vã và thiếu tham khảo này đã bật đèn xanh cho những kẻ muốn ông Diệm đổ. Một khi ông đại sứ hành động theo huấn thị nhận được, những chuẩn bị cho một cuộc đảo chính được khuyến khích. Theo phán đoán của tôi, quyết định này là một sai lầm ngớ ngẩn nghiêm trọng; nó phóng ra một thời kỳ hỗn loạn về chính trị sâu xa ở Saigon kéo dài gần hai năm.” (8)


Tổng Thống Johnson thực ra chưa nói hết ý của ông về hậu quả của quyết định hồ đồ đó: Sự lật đổ ông Diệm đã dẫn đến việc quân tác chiến Mỹ bó buộc phải ồ ạt đổ vào miền Nam, biến công cuộc bình định của chính quyền Ngô Đình Diệm trước kia thành một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Hà-nội, khiến binh sĩ quân đội quốc gia đang là chiến sĩ chống Cộng đùng một cái trở thành lính đánh thuê, phe quốc gia mất chính nghĩa, và cuộc chiến chống Cộng trở thành cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, và cuối cùng là sự thảm bại của cả Hoa Kỳ lẫn phe quốc gia, và nói đúng ra của cả nhân dân Việt Nam, Nam cũng như Bắc, vì sau 1975 là bắt bớ, giam cầm, chết chóc, đói khổ cho đến ngày nay. Ông Cabot Lodge trước khi qua đời năm 1985 đã hối hận về việc quá tích cực khi thi hành công điện này. Nhưng còn các ông Harriman, Hilsman, Forrestal và một loạt những nhà báo năng nổ cổ võ cho việc lật đổ ông Diệm vẫn còn im tiếng có lẽ vì tự ái hay cố chấp.
Nữ tiến sĩ Ellen J. Hammer trong cuốn A Death in November, nơi chương 10 cũng là chương cuối, trang 309, đã cho biết:


”Cái chết —ở Texas và ở Saigon— chắc hẳn đã làm ông Johnson bận tâm trong những ngày liền sau khi lên làm Tổng Thống . Hôm sau tang lễ Kennedy, và trước khi dọn vào Bạch Cung Johnson đả chỉ cho Hubert Humphrey xem bức chân dung của ông Ngô Đình Diệm treo ở tiền sảnh tư thất ông và nói: “Chúng ta đã nhúng tay trong vụ sát hại ông ta, bây giờ điều đó lại xảy ra ở đây”.”
Chẳng lẽ Tổng Thống Mỹ cũng nghĩ như bà quả phụ Ngô Đình Nhu lúc ấy, “ác giả ác báo”?
Chú thích:
(+) Các đơn vị thủy quân lục chiến đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng sáng ngày 8 tháng 3 năm 1965.
(1) Xin xem ”JFK and Vietnam” của John M. Newman trang 71 và “Vietnam a history của Stanley Karnow” trang 112. Sir Winston Leonard Spencer Churchill là thủ tướng Anh trong thế chiến II (1939-1945), và cũng là người được giải thưởng Nobel văn chương. Ông đã thành công trong việc thuyết phục Tổng Thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt viện trợ cho Anh để chống Đức Quốc Xã và khiến Hoa Kỳ rời bỏ chủ nghĩa cô lập, nhảy vào vòng chiến, giải phóng Âu châu. Có lẽ ông Johnson muốn, (đại diện Tổng Thống Kennedy), nhắc nhở Tổng Thống Diệm, là người rất thuộc lịch sử, hãy noi guơng cố thủ tướng Churchill cầu viện binh của Mỹ đế cứu Việt Nam khỏi sự thống trị của Cộng Sản, hay ít ra khỏi sự phá họai của chúng tại miền Nam Việt Nam lúc ấy đã bước sang giai đoạn nguy kịch. Chắc các sử gia Karnow và Newman không nghĩ tới điều này, và nếu ông Karnow cùng với các ông Harriman, Hilsman, Forrestal mà ở trong bộ ngoại giao của Tổng Thống Roosevelt chắc các ông ấy cũng khuyên nên để cho Đức quốc xã làm thịt các nước bạn để thỏa mãn tính ích kỷ, trịch thượng và chủ trương “phản chiến” của các ông ấy. Và nếu điều bất hạnh đó xảy ra thì biết đâu, sau khi làm thịt châu Âu rồi châu Phi, Đức Quốc Xã chẳng chiếu cố đến châu Mỹ và liệu Hoa Kỳ có tránh thảm bại hay không (như sau này thảm bại ở Việt Nam.)
(++) Riêng về lời bình phẩm của Stanley Karnow, xin xem chương 11.
(2)Xin xem chương 6.
(3) Xin xem chương 17.
(4) “The vantage point” (tạm dịch “Ưu Thế”) Nxb. Holt Rinehart & Winston N.Y. 1971, trang 44, Nguyên văn: “I thought we had been mistaken in our failure to support Diem.”
(5) S.đ.d.. trang 45-46, nguyên văn: “I believed the assassination of President Diem had created more problems for the Vietnamese than it had solved. I saw little evidence that men of experience and ability were available in Vietnam, ready to help lead their country. I was deeply concerned that worse political turmoil might lie ahead in Saigon.”
(6) S.Đ.D. trang 50, nguyên văn: “When the Vietnamese people voted for Ngo Dinh Diem to replace former Emperor Bao Dai as Vietnam’s chief of state in late 1955, most western experts thought the new country would last little more than six months. Long years of wars had weakened it. The French had given very few Vietnamese a chance to acquire skills or experience in government and administration. It seemed certain that the highly disciplined Communists would take over… But under Diem’s leadership the South Vietnamese moved forward. Non- Communist South Vietnam began to heal its wounds and to prosper. The small country absorbed about 900,000 refugees who fled Ho chi Minh ‘s rule in the North. Production increased; so did export; so did the number of schools. Living standards rose. South Vietnam was making progress.”
(7) S.đ.d. trang 61, nguyên văn: “Late in September President Kennedy asked secretary of Defense McNamara and general Taylor, then chairman of the Joint Chief of Staff to go to Vietnam for another firsthand look. Events there beginning in May had raised questions in the President’s mind about prospects for success against the Viet Cong in the short run, as well as about long range effectiveness of our effort. They returned on October 2 and reported immediately to President Kennedy that “the military campaign has made great progress and continues to progress.” They concluded that while the unpopularity of the Diem government was growing, political strife had not yet affected military operations. If that continued to be true, they believed we could bring home some of our military advisers by the end of 1963.”
(8) S.đ.d. trang 60-61. Nguyên văn: “After the attacks on Buddhist pagodas, a message prepared in the State Department was sent to Saigon on August 24. In effect, it told Ambassador Lodge to advise Diem that immediate steps had to be taken to correct the situation and to meet the outstanding Buddhist demands. If Diem did not act promptly, the ambassador was instructed to advise key Vietnamese military leaders that the United States would not continue to support the Saigon government militarily or economically. This ultimatum meant the removal of Nhu and his politically active wife from any continued influence or responsibility in the government. If Diem refused, the United States could no longer support him. If the military leaders then took over, we would support them. This hasty and ill-advised message was a green light to those who wanted Diem’s downfall. Once the Ambassador acted on his instructions, preparations for a coup were stimulated. In my judgement, this decision was a serious blunder which launched a period of deep political confusion in Saigon that lasted almost two years.
ttba
Chương 11
Stanley Karnow: Ngô Đình Diệm, ông quan của Mỹ.
Đó là tựa đề của chương 6, tác phẩm “Vietnam, a history” của Stanley Karnow, trang 222. (+)

Stanley Karnow, năm nay 72 tuổi, bước vào làng báo từ tuổi 25, làm thông tín viên cho các báo lớn như ”Thời Đại”, ”Sống”, “Bưu Điện Hoa Thịnh Đốn” và cả tờ “Người Quan Sát” của Anh. Năm 1959, ông tới Saigon và có gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông đã được giải thưởng Pulitzer về lịch sử với tác phẩm “Đế Quốc Mỹ ở Phi Luật Tân.” Ông cũng là phóng viên chính cho bộ phim truyền hình lịch sử Việt Nam đã từng được Cộng Sản Bắc Việt đem chiếu khắp nơi trong nước sau ngày họ chiếm được miền Nam, làm cho những người quốc gia nhất là anh em quân nhân trong 2 chế độ Cộng Hòa căm phẫn về sự xuyên tạc lịch sử đến độ trắng trợn, bỉ ổi. Qua tác phẩm “Việt Nam, một lịch sử” Stanley Karnow lại một lần nữa cho thấy cái tài viết “lách” của một nhà báo kỳ cựu trong những trang sách đầy thiên vị. Có lẽ vì trong khi ở Việt Nam và làm phóng viên cho một tạp chí thiên tả như tờ “Thời Đại”, ông đã thường xuyên tiếp xúc với những người như Phạm Xuân Ẩn, đại tá tình báo Cộng Sản, cài vào làm phóng viên cho cùng một tờ tuần báo của ông, hay như nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một đảng viên Cộng Sản kỳ cựu từ khi còn du học tại Paris, sau này về nước đã nằm vùng hành nghề bác sĩ để hoạt động bí mật cho Cộng Sản. Thái độ của ông chống đối ông Diệm một phần còn do sự tiếp xúc của ông với những nhà “trí thức quốc gia” như các ông Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy và nhất là “nhà ngoại giao” Bùi Diễm là những người luôn luôn bất mãn, luôn luôn chống đối, luôn luôn âm mưu lật đổ, nhưng khi cờ đến tay thì chẳng làm nên trò trống gì như lịch sử những năm 1964, 1965 đã chứng tỏ. Trong tác phẩm của ông, được giới thiệu là có hàng triệu độc giả, và là cuốn sử về Việt Nam đầy đủ nhất từ trước tới nay, tác giả không kê những sách ông tham khảo, như phần đông các nhà sử học thường làm, mà chỉ nêu tên chừng 500 người mà ông nói là đã giúp ông hoàn thành tác phẩm đồ sộ của ông. Trong số những cái tên được nêu lên có tên các ông Diệm, Nhu, bà Nhu, các ông Bùi Diễm, Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi và hàng chục tên các nhân vật Cộng Sản, nhưng không thấy tên nữ ký giả M.Higgins và cố Tổng Thống Nixon, là hai người bênh vực ông Diệm.
Ngay dưới tựa đề của chương 6 “America’s Mandarin” tác giả karnow dành trọn trang 222 để đăng hình Tổng Thống Diệm mặc com-lê trắng, thắt cà-vạt đen, đầu hơi cúi, hai tay chắp sau lưng, dáng điệu trầm tư, đang bước đi trong căn phòng vắng vẻ chỉ có vài chiếc ghế xung quanh một chiếc bàn tròn trên đặt một bình hoa huệ trắng. Bên dưới bức hình tác giả ghi:
“Ngô Đình Diệm trong tư thế trầm tư đặc thù tại dinh của ông ta ở Saigon. Tách biệt và khắc khổ, ông ta ít hòa mình với thiên hạ, trái lại chỉ thích tự cô lập, sống với gia đình và những phụ tá thân cận.” (1)


Cứ nhìn 14 tấm hình tiếp theo đăng ở những trang đầu của chương 6, kèm theo những hàng chữ ghi ở dưới mỗi tấm hình, với ngụ ý phê bình kín đáo mà sâu sắc, tinh vi của tác giả, người ta có thể thấy ngay sự thiên vị hay thành kiến của ông. Ví dụ tấm ảnh số 1 nói trên đối chiếu với tấm ảnh số 10 ở trang 227 chụp cảnh Tổng Thống Diệm tươi cười rạng rỡ giơ cao chiếc mũ của ông để vẫy chào đám dân quê đứng hai bên đường chào đón ông. Dưới tấm ảnh này tác giả ghi như sau:
“Ngô Đình Diệm trong một chuyến đi thăm miền quê ở Nam Việt Nam. Mặc dầu nét mặt ông vui vẻ, nhưng ông ta vốn chẳng thích những chuyến đi xa như vậy, mà các cố vấn thúc ép phải làm vì họ nghĩ ông thiếu tiếp xúc với quần chúng.” (2)


Nhìn tấm ảnh và đọc những hàng chữ ghi dưới, ta thấy tác giả muốn tỏ ra mình khách quan, vì cũng chọn cả ảnh đẹp và có ý nghĩa tốt. Nhưng ông đã khéo “lách” cái ý phê bình chỉ trích vào trong đó khiến người đọc phải nghĩ theo là ông Diệm không thích gần dân, nhất là khi cái ấn tượng đầu tiên do tấm hình lớn choán nguyên một trang sách mô tả ông Diệm trong tư thế trầm tư, cô độc còn hằn lên trong trí người đọc. Nhưng tác giả không nói đó là ý ông mà lại nói cho người ta thấy đó là ý của các cố vấn của ông Diệm. Đó là nghệ thuật tuyên truyền mà Cộng Sản hay dùng một cách vi diệu. Không dè một nhà báo dân chủ cũng có cái tài đó.
Dưới tấm ảnh thứ hai nơi trang 223 chụp cảnh Tổng Thống Diệm từ trên chiếc phi cơ của Hàng Không Pháp bước xuống trước sự đón tiếp của dân chúng tại sân bay ngay dưới chân cầu thang. Hình chụp chỉ cho thấy vài trăm cái đầu, nhưng ngay đàng sau lớp người này còn bao nhiêu người nữa thì không biết. Nhưng hãy đọc hàng chữ mà tác giả ghi:
“Tháng 6 năm 1954, khi ông Diệm trở về Việt Nam với tư cách thủ tướng, ông được đón tiếp tại sân bay Saigon bởi một dúm người, hầu hết là tín đồ Công Giáo như ông. Tuy là một người quốc gia kỳ cựu, lúc ấy ông cũng chỉ là một khuôn mặt hầu như chẳng ai biết. “ (3)
Lật sang trang sau: Bức ảnh cuộc tổ chức bầu cử, duới có hàng chữ của tác giả:
“Chẳng bao lâu sau khi về làm thủ tướng, Ngô Đình Diệm đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại. Ông ta đã được hầu hết phiếu bầu, kết quả của mánh lới bầu cử mà các cố vấn Mỹ của ông ta bày cho.” (4)
Thật là tuyệt. Tác giả đâu có nói ông Diệm gian lận trong cuộc bầu cử. Cũng đâu có nói ông Diệm là tay sai của Mỹ. Nhưng nhìn tấm hình rồi đọc hàng chữ ở dưới người ta ắt phải có ý nghĩ đó.
Trong tấm ảnh số 6 trang 225 ông Diệm đứng giữa 4 người nước ngoài, người Mỹ cao lớn mặc quân phục đứng bên phải ông là tướng Lansdale lúc ấy còn là đại tá. Dưới ảnh Karnow ghi:
“Ngô Đình Diệm sống sót qua các biến cố chính trị được là phần lớn nhờ đại tá Edward Lansdale, một sĩ quan không quân biệt phái cho CIA. Lansdale, một nhà quảng cáo ở San Francisco, được mô tả một cách sinh động trong nhân vật đại tá Hillendale, trong cuốn “người Mỹ xấu xí” bán chạy nhất vào năm 1965” (5) tr.225.
Đọc những hàng ghi dưới các tấm hình vừa kể, người ta thấy tác giả đã hạ thấp ông Diệm một cách khéo léo đến độ xem ra có vẻ khách quan, vô tư, hoàn toàn không ác ý. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy đầy ác ý. Karnow là ký giả kỳ cựu dầy kinh nghiệm biết cách viết và lách, dùng hình ảnh để nói lên ý nghĩ của mình và gợi lên trong đầu người đọc những cảm nghĩ mà ông mong muốn. Cứ đọc kỹ những lời ghi dưới những tấm hình vừa kể người đọc đủ có ngay một hình ảnh không mấy tốt đẹp về ông Diệm: cô độc, không thích gần dân, chỉ được một ít người Công Giáo ủng hộ, dựa vào người Mỹ mà tồn tại, những người Mỹ ủng hộ ông Diệm thuộc loại xấu (”xấu xí”) mà tiêu biểu là đại tá CIA Lansdale. Khi người đọc đã có thành kiến đó rồi thì dễ bị ảnh hưởng bởi những trang sau, dù tác giả cố làm ra vẻ khách quan để thuyết phục những người đọc thận trọng.
Trang 229 Karnow trích lời ông Ngô Đình Diệm nói, có lẽ trong một hoàn cảnh nào đó vào thời đại quân chủ, nhưng tác giả không ghi rõ là khi nào. Câu đó như sau:
“Một sự tôn kính thiêng liêng phải dành cho chúa thượng là môi giới giữa nhân dân và Trời cao khi ngài làm lễ quốc giáo.”


Chúng tôi lấy làm tiếc không tìm được nguyên văn lời ông Diệm và cũng không biết ông nói trong trường hợp nào. Câu trên chỉ là dịch lại lời dịch thuật của tác giả Karnow từ tiếng Việt ra tiếng Anh như sau:
“A sacred respect is due the person of Sovereign. He is the mediator between the people and heaven as he celebrates the national cult”.
Vì câu này mà nhiều người Mỹ và một số người Việt thân Mỹ cho rằng ông Diệm tự coi mình như một ông vua trị dân thay trời. Dân ở bên dưới ông. Ông ở giữa Trời và dân. Có thể là câu nói của ông Diệm có liên quan đến việc tế lễ Nam Giao trong nền quân chủ Việt Nam trước đây mà tác giả vô tình hay hữu ý đã đặt vào khung cảnh của Đệ Nhất Cộng Hoà để bêu xấu chăng.
Liền dưới câu của ông Diệm, Karnow đặt câu của Tổng Thống Lyndon B. Johnson khen ông Diệm trong một bữa quốc yến do ông Diệm khoản đãi như sau:
“Tổng Thống Diệm là Churchill của thập kỷ trong hàng tiền đạo của các nhà lãnh đạo bảo vệ tự do.” (6)


Đó là lời khen rõ ràng. Nhưng chỉ ít hàng sau Karnow lại viết rằng khi ông ta hỏi Tổng Thống Johnson thì ông này bảo “cứt.” Ông Karnow viết cuốn “Sử Việt Nam” hơn 10 năm sau khi Tổng Thống Johnson qua đời (1973.) Không biết ngoài ông Karnow có ai khác nghe được tiếng “cứt” của Tổng Thống thứ 36 của Hoa Kỳ không. Thuật lại chuyện này, nếu có thực, chẳng những tác giả hạ thấp ông Diệm, mà còn sỉ nhục Tổng Thống Mỹ mà nhân dân Mỹ đã bầu lên, có lẽ không phải bằng những mánh lới mưu mẹo, xảo thuật do các cố vấn Mỹ (đồng bào của Karnow) đã bày vẽ ra cho ông Diệm thắng ông Bảo Đại, như Karnow đã ghi dưới một tấm hình vừa nói ở trên. Vì chẳng lẽ tại một nước mệnh danh là dân chủ nhất thế giới lại cũng có một người như Johnson, ăn nói chẳng ra lăng lối gì, khen người ta rồi lại bảo “cứt” ấý vậy mà dân Mỹ thông minh cũng bầu làm Tổng Thống hay sao?
Sau những hình ảnh rất gợi ý như trên theo sau là lời khen của Tổng Thống Johnson, Karnow viết ở trang đầu chương 6:


“Là một người Công Giáo sống khổ hạnh như nhà tu, lại thấm nhuần truyền thống Nho Giáo, một thứ hỗn hợp của nhà sư và ông quan, ông Diệm ngay thẳng, can đảm và hăng say trung thành với chính nghĩa quốc gia. Ngay đến ông Hồ Chí Minh cũng kính nể lòng yêu nước của ông Diệm. Nhưng ông Diệm không thể sánh kịp ông Hồ mà cả những người chống Cộng cũng coi như một vị anh hùng. Bị ảnh hưởng mạnh bởi cảm nghĩ rằng mình không thể sai lầm, như một vị hoàng đế thủa xưa được phong chức để trị vì, ông Diệm muốn mọi người phải tuân phục ông. Không tin một ai ngoài người nhà nên không chịu ủy quyền, và cũng không tạo nổi một lực lượng quần chúng sẵn sàng bỏ phiếu cho ông, ngoài những đồng đạo Công Giáo, đồng hương miền Trung. Nhất là ông ta không thể hiểu được tầm rộng lớn của cuộc cách mạng chính trị, xã hội, kinh tế mà những người Cộng Sản, đối thủ của ông đang cổ võ. “(7)


Chẳng rõ ở những lần tái bản sau, sau khi được nghe những người Cộng Sản vỡ mộng cách mạng như Trần Bạch Đằng, Dương Quỳnh Hoa, Phạm Xuân Ẩn, Bùi Tín, Trương Như Tảng v.v.. ông Karnow có cho biết thành quả của cái mà ông gọi là cuộc cách mạng rộng lớn của CÁC NGƯỜI CỘNG SẢN nó thê thảm đến như thế nào không, và nếu sánh với những gì mà hai nền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã đạt được, thì liệu nó có được một phần nhỏ không. Hay ông vẫn còn cho rằng nó thực sự là một cuộc cách mạng?
Tác giả đã đưa trường hợp ấp chiến lược Bến Cát tỉnh Bình Dương làm ví dụ để phê bình quốc sách ấp chiến lược, và nêu trận Ấp Bắc làm bằng chứng để phê bình các tướng lãnh miền Nam và đích thân ông Diệm. Ông viết:
“Ông Diệm và ông Nhu coi chương trình Ấp Chiến Lược chủ yếu là một phương tiện để mở rộng ảnh hưởng cá nhân của mình, chứ không phải một phương cách truyền cho nông dân ý chí chống cộng”(8) trang 273


” Dân quê coi như mình phải tự bảo vệ xóm, nhưng hầu hết đàn ông đủ sức khỏe đã đi theo Việt Cộng, không phải vì tin cho bằng để thách đố những biện pháp cưỡng bách của chế độ.” (9) trang 273
” Một sĩ quan Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Longquả quyết rằng “ấp chiến lược” đã làm tê liệt quân lực miền Nam Việt Nam mà đáng lẽ phải dùng để đánh Việt cộng.. Các viên chức của Diệm hoàn toàn hiểu sai chương trình ấp chiến lược. Họ chỉ muốn làm đẹp lòng ông Diệm…Họ là dân thành phố được thăng chức nhờ bợ đỡ (nguyên văn nghĩa đen là “hôn đít”) cấp trên, và chỉ lo trở về Saigon, để lại được thăng chức, thăng cấp.” (10)trang 274.
Karnow dùng trận Ấp Bắc làm bằng cớ để chứng minh điều đó và sỉ vả hai tướng Công Giáo Huỳnh Văn Cao và Bùi Đình Đạm (ông Đạm lúc ấy còn là đại tá):


“Diệm chỉ thị cho sĩ quan của ông tránh thương vong. Nhiệm vụ chính của họ, theo ông ta, không phải là đánh Việt Cộng, mà là bảo vệ ông chống những cuộc đảo chính có thể xảy ra ở Saigon.(11)
” Sự yếu kém của quân đội Diệm đã trở nên quá rõ vào tháng giêng năm 1963 gần Ấp Bắc, một làng ở đồng bằng Sông Cửu Long, 40 dặm tây nam Saigon. Tại đây một lực lượng Việt Cộng nhỏ hơn đã đánh tơi bời một sư đòan Nam Việt Nam. Nếu không bị chỉ huy bởi những sĩ quan hèn kém, sư đoàn này đã có thể ghi được một chiến thắng. Nhưng các sĩ quan do đích thân ông Diệm chọn đã cho thấy thực chất của chế độ của ông ta….
“Tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh quân đoàn 4, bao gồm toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, là người trung thành hàng đầu của ông Diệm, đã được thăng cấp chỉ vì trung thành, chứ khả năng thua kém các đồng nghiệp. Là một tín đồ Công Giáo người Huế, ông Cao thuộc đảng Cần Lao của ông Nhu…
” Cao lúc ấy mới trao quyền tư lệnh sư đoàn 7 là đơn vị chính của quân đội miền Nam Việt Nam trong vùng cho một đàn em được ông ta bao bọc là đại tá Bùi Đình Đạm cũng là một tín đồ Công Giáo rất được lòng ông Diệm. “(12)


Karnow đã thuật lại lời phê bình gay gắt của trung tá Vann, cố vấn sư đoàn 7. Ông này chẳng những chê đại tá Đạm, mà còn, theo nguyên văn của Karnow, kết tội cả ông Diệm. Chúng ta sẽ xem trung tá Vann mà Karnow trưng dẫn ở đây là người như thế nào ở chương 20 ( Sheehan ).
“Ông Diệm muốn chiến tranh cứ không phân thắng bại mãi, để ông ta có thể tiếp tục nhận viện trợ Mỹ’ “(13)
Về cuộc khủng hoảng Phật Giáo bắt đầu từ lễ Phật Đản, ngày 8-5-1963 Karnow đã mô tả tỉ mỉ trong 4 trang (294-297). Đọc xong ai cũng thấy trách nhiệm và sự ngoan cố của chính quyền. Tôi chỉ xin trích một đoạn vắn liên quan đến thiếu tá Đặng Sĩ:
“Ngày 8 tháng 5 năm 1963, khi các Phật tử tập họp tại Huế để mừng lễ Phật Đản thứ 2527, viên phó tỉnh trưởng, một người Công Giáo, có cái tên là thiếu tá Dang Xi, áp dụng một sắc lệnh cũ cấm họ treo cờ nhiều màu của họ. Nhưng một tuần trước đó ông ta lại khuyến khích giáo dân ở đó treo cờ xanh trắng của Giáo Hoàng để mừng kỷ niệm 25 năm thụ phong của Thục.” (14)
Karnow thuật lại nguyên văn lời thượng tọa Thích Trí Quang nói với các viên chức tòa đại sứ Mỹ:
“Các ông chịu trách nhiệm về sự rối loạn này, vì các ông ủng hộ ông Diệm và cái chính phủ ngu dốt của ông ta.” (15)
Đặc biệt về cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, Karnow, có lẽ sau khi đã được đọc một số tài liệu mới giải mật, đã phải thú nhận:


“Ông ta (Diệm) đã không thể sụp đổ, nếu không có sự đồng lõa của Mỹ.” (16)
Tác giả đã không dùng từ lật đổ mà lại dùng từ sụp đổ. Vì vậy có thể có người sẽ bảo sự đồng lõa ở đây là nhắm vào những người Mỹ ủng hộ hay bênh vực ông Diệm, chứ không có ý nói chính phủ Mỹ, đứng đầu tại Hoa Thịnh Đốn là Tổng Thống Kennedy và đứng đầu ở Saigon là đại sứ Cabot Lodge sau này. Nhưng theo mạch văn, với những hàng liền sau đó thì không thể nào suy diễn như vậy được, mà phải hiểu tác giả có ý nói sự lật đổ. Không thể bảo Stanley không biết dùng chữ, lẫn lộn danh từ. Cho nên phải hiểu ông ta muốn lập lờ để nếu ai hiểu lầm, khi tách câu văn ra khỏi mạch văn, thì càng tốt. Để kiểm chứng mời bạn đọc gặp thẳng tác giả với nguyên bản cuối trang 293:
“Kennedy deferred to Henry Cabot Lodge, the U.S. ambassador in Saigon, who encouraged Diêm ‘s senior officers to stage a coup d’état.”
Và đầu trang 294:
“America’s responsibility for Diem’s death haunted U.S. leaders during the years ahead prompting them to assume a larger burden in Vietnam.”
Xin tạm dịch: “Ông Kennedy đã chiều theo ý ông Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa kỳ ở Saigon để ông này khuyến khích các tướng tá của ông ta tổ chức một cuộc đảo chính.”
“Trách nhiệm của Mỹ về cái chết của ông Diệm ám ảnh các nhà lãnh đạo Mỹ suốt mấy năm sau đó khiến họ nhận lãnh một gánh nặng hơn ở Việt Nam”.
Những lời trên cho thấy tác gỉả không thể chối trách nhiệm của Mỹ trong việc lật đổ (chứ không phải sụp đổ) ông Diệm. Nhưng đã cho người đọc có cảm tưởng trách nhiệm đó nhẹ thôi vì chỉ khuyến khích chứ không trực tiếp tổ chức. Nhưng nếu chỉ khuyến khích thì tại sao lại phái trung tá CIA Lou Conein luôn luôn túc trực tại văn phòng tướng Khiêm ở tổng tham mưu cùng với các tướng Minh, Đôn .. và lại còn chi tiền triệu vào việc đảo chính nữa? Và tại sao Rufe Phillips lại cũng kè kè ở bên hai ông Bùi Diễm và Lê Văn Kim, trong khi ai cũng biết tướng Lê Văn Kim phụ trách về chính trị trong cuộc đảo chính. Dầu sao thì Stanley Karnow cũng thành thực hơn những người như tướng Nguyễn Chánh Thi và Schlesinger cứ nhất định cho rằng Mỹ không đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính này, như ta sẽ thấy trong các chương 19 và 24.

Chú thích:
(+) The Viking Press xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1983. Lần 2 do nhà Pingui Books, năm 1984. Và lần 3 do nhà Viking Pinguin có sửa chữa và cập nhật năm 1991. Các trích dẫn trong soạn phẩm này theo lần xuất bản năm 1991.
(1) S.đ.d. trang 222. Nguyên văn: “Ngo Dinh Diem in a characteristic meditative pose in his palace in Saigon. Aloof and austere he mingled poorly with people, preferring instead to isolate himself with his family and close aides.”
(2)S.đ.d. trang 227. Nguyên văn: “Ngo Dinh Diem on one of his early trips into the South Vietnamese countryside. Despite his cheerful expression, Diem dislikes such expeditions, which were urged on him by his American advisers, who thought he lacked the “common touch.”
(3) S.đ.d. trang 223. Nguyên văn: “In June 1954, when Diem returned to Vietnam as Prime minister, he was met at the Saigon airport by only the handful of enthusiasts, most of them Catholics like himself. Though a veteran nationalist, he was a virtually unknown figure.”
(4) S.đ.d. trang 224. Nguyên văn: “Not long after his return to Vietnam as prime minister, Ngo Dinh Diem organized a referendum to oust Emperor Bao Dai. Diem received almost all the votes, the result of electoral devices contrived by his American advisors.
(5) S.đ.d. trang 225. “Ngo Dinh Diem owed his political survival largely to colonel Edward Lansdale (near left), an Air Force officer attached to the CIA. Landsdale, a former San Francisco advertising man, was portrayed as colonel Hillendale in the 1965 best-seller The Ugly America.
(6) S.đ.d. trang 229. “President Diem is the Churchill of the decade.. in the vanguard of those leaders who stand for freedom. —Lyndon B. Johnson.
(7) S.đ.d. trang 229. “An ascetic Catholic steeped in Confucial tradition, a mixture of monk and mandarin, he was honest, courageous and the fervent in his fidelity to Vietnam’s national cause; even Ho Chi Minh respected his patriotism. But he was no match for Ho, whom even anti-communists regarded as a hero. Imbued with a sense of his own infallibility, as if he were an ancient emperor ordained to govern, Diem expected obedience. Distrustful of everyone outside his family, he declined to deligate authority, nor was he able to build a constituency that reached beyond his fellow Catholics and natives of central Vietnam. Above all, he could not comprehend the magnitude of the political, social and economic revolution being promoted by his communist foes.”
(8) Trang 273. “Diem and Nhu saw the strategic hamlet program as essentially a means to spread their influence rather than a device to infuse peasants with the will to resist Vietcong.”
(9) Trang 273. “The peasants were supposed to defend the hamlet themselves, but most of the able-bodied man had rallied to the Vietcong, perhaps less out of conviction than in defiance of the regime’s coercive methods.”
(10) Trang 274. “One US officer in the Mekong delta asserted that the strategic hamlets were paralyzing South Vietnamese Forces that ought to be fighting Vietcong… Diem’s official totally misconstrued the program. “They only want to please the regime. They haven’t the faintest idea what makes peasants tick—and how can they? They are city boys who earned promotions by kissing the asses of their bosses, and all they care about is getting back to Saigon to get promoted again.” “
(11) Trang 276. “Diem instructed his officers to avoid casualties. Their primary role, in his view, was not to fight the Vietcong but to protect him against possible coup in Saigon.”
(12) The Diem armýs shortcoming became dramatically apparent in January 1963 near Ap-Bac, a village in the Mekong Delta, forty miles south-west of Saigon, where an inferior Vietcong contingent mauled a South Vietnamese Division that could have scored a victory had it not been led by pusillanimous officers. But the officers, personally picked by Diem, exemplified his regimeà “General Huynh Van Cao, the South Vietnamese commander of the fourth Corps, which embraced the whole of the Mekong delta, was a loyalist whose fidelity had earned him promotion over more competent colleagues. A Catholic from Hue, he belonged to Nhu ‘s secret political organization, the Can Laoà He had recently turned over the Seventh Division, the principal South Vietnamese unit in the area, to a protégé, Colonel Bui Dinh Dam, also a Catholic high on Diem’s list of favoritesà”
(13) S.Đ.D. trang 278-279. Nguyên văn: “…Diem wanted the war to stumble along inconclusively so that he could continue to receive American aid.”
(14) S.đ.d. trang 295. Nguyên văn: “On May 8, 1963, as Buddhists assembled in Hue to celebrate the 2527th birthday of the Buddha, the deputy province chief, a Catholic by the name of Major Dang Xi, enforced an old decree prohibiting them from flying their multicolored flag.”
Để bạn đọc biết thêm về vai trò của Đặng Sỹ trong vấn đề này và số phận của ông ta sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hoà sụp đổ, tôi sẽ trích dịch trang 115 trong cuốn “A Death In November” của nữ ký giả Ellen Hammer nêu lên ý kiến của một số người trong cuộc về vụ án xử Đặng Sỹ dưới thời chính phủ Nguyễn Khánh (Xin xem phần Phụ Lục).
(15) S.Đ.D. trang 296. Nguyên văn: “You are responsible for the present trouble because you back Diem and his government of ignoramuses.”
(16) SĐD. trang 293. Nguyên văn: His collapse would have been impossible without American complicity.
ttba
Chương 12
Nguyễn Cao Kỳ: Ông Diệm là người dễ bị lừa gạt lợi dụng.

Nguyên phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa (đệ nhị) Nguyễn Cao Kỳ xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật, tốt nghiệp thiếu úy trừ bị khóa I Nam Định, rồi trở thành phi công tốt nghiệp trường huấn luyện phi công của Pháp tại Maraketch, Maroc. Ông đã giữ vai trò quan trọng trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm năm 1963, không phải vì ông ở trong số tướng lãnh chủ xướng. Nhưng, theo lời ông, nếu không có ông thì cuộc đảo chính có thể đã thất bại. Ông đã tham gia vào phút chót do Đại Tá Đỗ Mậu khéo móc nối, (qua trung gian một ông thầy tướng số). Ông Kỳ nổi tiếng nhất về lời tuyên bố ở lại tử thủ chống Cộng vào cuối tháng 4 năm 1975. Khi làm chủ tịch uỷ ban hành pháp trung ương những năm 1966-1967, với quyền hành của một thủ tướng thời loạn, ông đã tuyên bố chính phủ của ông là chính phủ của người nghèo, và cương quyết bài trừ tham nhũng với một pháp trường cát dựng lên ở chợ Bến Thành và đã xử bắn gian thương Tạ Vinh. Ông được nhiều người ngưỡng mộ là đã dám thẳng tay đối phó,- và thành công rực rỡ -, với các vụ mệnh danh là Phật Giáo xuống đường của một thiểu số nhà sư và Phật tử gây rối, làm lợi cho Cộng Sản, do thượng tọa Thích Trí Quang lãnh đạo vào năm 1966 mà cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì quá ôn hòa và bị người Mỹ cản trở đã thất bại trước đó 2 năm rưỡi, đưa tới sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hoà.
Cũng nhờ nắm Không Quân nên chỉ hai tháng sau khi giúp ông Dương Văn Minh lật ông Diệm, ông Kỳ lại giúp tướng Nguyễn Khánh lật tướng Minh một cách dễ dàng. Ông Kỳ còn cứu tướng Khánh trong hai cuộc đảo chính hụt do các tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo chủ mưu, vụ thứ nhất xảy ra ngày 13 tháng 9 năm 1964 và vụ thứ hai vào trung tuần tháng 2 năm 1965. Ông Kỳ đã biết lợi dụng bộ nhung phục phi công của ông để bay nhanh lên về cấp bậc và chức quyền. Chỉ hơn một năm sau cuộc đảo chính 1963 ông đã từ thiếu tá bay lên thiếu tướng, từ chỉ huy trưởng một căn cứ không quân lên tư lệnh Không Quân.
Sau khi hai nhà trí thức và chính khách lỗi lạc của nhóm Caravelle là Phan Khắc Sửu và Phan Huy Quát, một ở ghế Quốc Trưởng, một ở ghế Thủ Tướng, hục hặc nhau và bất lực trong việc giải quyết những vấn đề tranh chấp quyền lợi giữa phe Nam và phe Bắc, nhất là không thoát khỏi áp lực của nhóm Phật Giáo Thích Trí Quang, đồng từ chức, trao quyền lại cho hội đồng tướng lãnh sáng sớm ngày 13 tháng 6 năm 1965, ông Kỳ được cử làm thủ tướng với danh xưng “chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương.” Sau hai năm Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ ra ứng cử cùng với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và đắc cử phó Tổng Thống trong một cuộc bầu cử mà ông cho là trong sạch, công bình nhất tại Việt Nam.
Cuối tháng 4 năm 1975, trước sức tấn công của Cộng quân, bất chấp những quy định của Hiệp Định Paris, và sự phản bội, buông xuôi, của người bạn Mỹ, ông Kỳ không giữ được lời hứa ở lại tử thủ, đã cùng với hầu hết cấp lãnh đạo đệ nhị Cộng Hòa trốn chạy ra nước ngòai, làm bia cho miệng người mai mỉa. Ngay khi tới Mỹ ông Kỳ bắt đầu viết hồi ký và năm sau (1976) cho ra đời tác phẩm “Hai Mươi Năm, Hai Mươi Ngày” (1).
Trong những trang 32, 33 ông Kỳ nói rõ nhận xét của ông về hai anh em ông Diệm, Nhu, cho rằng ông Nhu có tài nhưng không dùng tài đó để chống cộng. Còn ông Diệm thì tốt nhưng dễ bị lừa và lợi dụng:
“Ông Diệm có lý tưởng của ông và tận thâm tâm ông ta là người ngay thẳng, luơng thiện, nhưng đã trở thành NGƯỜI DỄ BỊ LỪA GẠT, bị lợi dụng bởi kẻ khác.” (2)
” Ông ta không biết mình bị vận dụng ra sao ” (3) (4)
Theo ông Kỳ thì người lợi dụng và lừa gạt ông Diệm trước tiên là các anh em ông, nhất là ông Nhu và bà Nhu mà ông Kỳ không tiếc lời đả kích.
Khác với phần đông các nhà báo và sử gia Mỹ, ông Kỳ không kết tội ông Diệm là kỳ thị hay đàn áp Phật giáo, tuy có nhắc lại cuộc khủng hoảng Phật giáo bắt đầu từ ngày lễ Phật Đản 8 tháng 5 năm 1963. Về cuộc bố ráp chùa Xá Lợi và một số chùa chiền khác, ông Kỳ đổ hết trách nhiệm lên đầu ông Nhu. Ông Kỳ cho rằng chính ông Diệm muốn nhượng bộ phe Phật giáo Ấn Quang nhưng ông Nhu ngăn cản, cho rằng ông anh quá mềm yếu. Ông viết:
”Theo lệnh của Nhu, Thiếu Tá Đặng Sỹ, phó tỉnh trưởng (Thừa Thiên) và là một tín đồ Công Giáo, hạ lệnh xử dụng đạn thật và lựu đạn thật. Chín Phật tử chết. Các lãnh tụ Phật giáo bảo họ bị lực lượng của Sỹ giết, còn Nhu thì bảo họ chết vì lựu đạn của Cộng Sản.”
”Ông Diệm nhân nhượng một vài yêu sách của phe Phật Giáo, kể cả việc họ có quyền treo cờ Phật. Nhưng Nhu bảo ông anh là hèn nhát khi nhân nhượng như vậy”. (5)

Sở dĩ ông Kỳ không lên án ông Diệm bách hại Phật Giáo như số đông ký giả và sử gia Mỹ có lẽ vì chính ông cũng đã phải đối phó với nhóm Phật Giáo quá khích của thượng tọa Thích Trí Quang vào tháng 3 năm 1966 khi ông cầm quyền tại miền Nam Việt Nam trong chức vụ thủ tướng với danh xưng “chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương.” Trong chương 8 của cuốn “Hai mươi năm, hai mươi ngày” ông Kỳ đã nói rất chi tiết và lý thú về mưu mô tiếm quyền của TT TTQuang và cách giải quyết mạnh bạo, dứt khoát không khoan nhượng của chính phủ của ông, mặc dù, theo ông viết, ông gặp phải sự chống đối của vị lãnh sự Mỹ tại Đà Nẵng là người ủng hộ TT TTQuang, và tướng Lewis Walt, tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đóng tại Đà Nẵng. Dưới đây xin trích dịch một đoạn vắn:
“TT TTQuang mưu toan kiểm soát chính quyền từ trong hậu trường đã cản trở nỗ lực chiến tranh.”

“Các Phật tử đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ trước tiên là của ông Diệm, rồi đến ông Khánh và ông Hương. Thích Trí Quang, người có đôi mắt trừng trừng và hàm răng trắng hếu nổi bật trên màn ảnh TV là người lão luyện trong nghệ thuật quấy rối. Ông ta mường tượng mình là một Gandhi thứ hai, nhưng thực ra chỉ chuyên môn vận động ngầm, do động lực chính trị chi phối… Ông ta nghĩ, bởi vì tôi xuất thân từ một gia đình Phật tử và đã đả kích ông Nhu vì ông này xử tệ với các Phật tử, nên tôi sẽ là nắm bột trong tay của ông ta. Nhưng chẳng ai thao túng, ảnh hưởng được tôi. Công việc của tôi là cố thắng trận giặc này.” (6)
Trang 88 hồi ký của ông, ông Kỳ đã khẳng định rằng trong hàng ngũ sinh viên mà TT TTQuang đã khéo léo lợi dụng cho mục tiêu chính trị đã có sự xâm nhập của cán bộ Cộng Sản để khuyến khích gây rối.
Về ý đồ của TT TTQuang nhằm kiểm soát chính quyền từ trong hậu trường, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ đã tiết lộ một chi tiết lý thú và đầy tính thuyết phục như sau:
“Thích Trí Quang tưởng Cabot Lodge còn giữ cảm tình với mình như cuối năm 1963 nên có lần ông ta đến ngỏ ý muốn lật tôi, thì bị Cabot Lodge hỏi: “Nhưng giả như thượng tọa lật được tướng Kỳ rồi thượng tọa sẽ đặt ai làm thủ tướng thay ông ta? “Trí Quang ngồi im một lúc, suy nghĩ lung lắm. Rồi đưa ra một lời nhận xét khiến ông Lodge bàng hoàng: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng đặt ông ta ngồi lại ghế thủ tướng.”(7)
Ông Kỳ đã viết những hàng trên khi ông Cabot Lodge còn sống và viết bằng tiếng Mỹ. Như vậy chắc ông không dám nói sai. Chúng ta thử đối chiếu lời ông Kỳ với những gì ông Hoành Linh Đỗ Mậu đã viết trong “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương tôi” (trang 730) về Thượng tọa Thích Trí Quang: “Riêng đối với Thượng tọa Trí Quang thì dù chiến tranh hay hòa bình, trước hết miền Nam Việt Nam phải được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo do dân lựa chọn trong tự do và dân chủ. Quan niệm của ông là chính phủ phải do nhân dân hoàn toàn tự do bầu lên trong một thể chế hoàn toàn dân chủ…” Đã rõ những lời này không phải của Thượng tọa Thích Trí Quang, mà là của riêng ông Đỗ Mậu bịa ra để bênh vực cho thượng tọa mà thôi. Theo ông Kỳ và ông Cabot Lodge thì rõ ràng: đối với thượng tọa TTQuang chính phủ Nam Việt Nam phải do TTQuang đặt lên, chứ đừng có nói do dân bầu lên.
Người đọc tự hỏi tại sao ông Đỗ Mậu lại bảo hoàng hơn vua đến thế? Bởi vì nếu có ai chứng minh được rằng thượng tọa có tham vọng chính trị, có mưu đồ chính trị, muốn thao túng chính quyền, thì việc thượng tọa chống ông Diệm không phải vì ông Diệm kỳ thị tôn giáo, mà chỉ vì thượng tọa muốn lật Tổng Thống Diệm, để dành quyền lãnh đạo miền Nam qua những người do thượng tọa đặt lên.
Thượng tọa đã hy vọng sai khiến được các ông Dương Văn Minh, Trần Văn Hương, Nguyễn Khánh. Nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu, có lẽ vì ý đồ thầm kín của thượng tọa không qua mắt được mọi người.


Không rõ Đại Tá Đỗ Mậu khi dùng người thầy tướng nào đó để dụ dỗ Thiếu Tá Nguyễn Cao Kỳ tham gia đảo chính có nghĩ ông Kỳ sẽ cùng lập trường với ông để hết mình ủng hộ thượng tọa TTQuang trong mọi trường hợp không?
Về thượng tọa TTQuang một câu hỏi to tướng được đặt ra: Sau ngày Cộng Sản thôn tính miền Nam, thượng tọa thấy họ đối với Phật Giáo có tốt hơn ông Diệm không? Nếu không, tại sao thượng tọa không có lời nói hay hành động nào phản đối? (8).


Ngoài một vài lời chỉ trích nhẹ nhàng nêu trên, xem ra ông Kỳ không quên được những cảm nghĩ tốt về ông Diệm trong những năm đầu khi ông Diệm mới về nước. Đầu chương 4, trang 31 ông viết:
“Cảm nghĩ của tôi về ông Diệm lúc ấy nhiều người biết. Trong năm 1954 tôi đã cùng với hàng ngàn người nồng nhiệt hy vọng rằng con người mộ đạo này sẽ chứng tỏ là vị cứu tinh của đất nước. Cũng như mọi người trong gia đình tôi, tôi đã giúp cho cuộc bỏ phiếu đưa ông Diệm lên cầm quyền. Tôi còn nhớ sự thán phục lạ lùng mà người ta dành cho ông Diệm trong những ngày theo sau cuộc bầu cử ông, đặc biệt là ở Mỹ. Khi ông tới thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1957, để đọc thông điệp trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, ông đã đi máy bay của Tổng Thống và chính Tổng Thống Eisenhower đã có mặt tại phi trường để nghênh đón ông. Khi ông về nước, chúng tôi đọc tuần san “Sống,” mô tả ông như một “con người thần kỳ, cương nghị”. Thị trưởng Nữu Ước, ông Robert Wagner đã mô tả ông như “một người mà lịch sử sẽ có thể liệt vào hàng vĩ nhân của thế kỷ hai mươi”. Và mãi tới năm 1961, phó Tổng Thống Johnson, khi thăm Saigon, còn gọi ông là Winston Churchill của Á châu.” (9)
Chú thích :
(1)“Twenty years and twenty days”, Stein and day, New York, 1976.
(2) Sách đã dẫn trang 32, nguyên văn: “Diệm had his ideals, and was at heart an honest man, but he became a dupe for others.”
(3) Xem (4)
(4) S.Đ.D. tr. 33, nguyên văn: “He had no idea how he was being manipulated.” Ông Trần Văn Đôn trong cuốn “Our endless war”, trang 50 cũng có nhận xét giống ông Kỳ là cố Tổng Thống Diệm dễ bị người khác lừa gạt. Xin xem chương 6 của soạn phẩm này. Và ông Stanley Karnow khi nói về ấp chiến lược cũng cho rằng ông Diệm bị lừa mà không hay biết. Xin xem chương 11.
(5) Xin xem chương 6 sọan phẩm này, hoặc trang 50 cuốn “Our endless war” của Trần Văn Đôn.
(6) S.Đ.D. trang 35. Nguyên văn: ” On Nhu’s order Major Dang Sy, deputy chief of the province and a Catholic, ordered live ammunition and grenades to be issued. Nine Buddhists died, killed by Sy’s forces according to the Buddhist leaders, by Communist grenades according to Nhu. ..Diem acceded to certain Buddhist demands, including their right to fly flags, but Nhu called him a coward for these concessions.”
(7) S.Đ.D. Tr. 87. Nguyên văn: “..I realized the time had come to have a showdown with the Buddhists, particularly their leader, Thích Trí Quang, whose attempt to control power from behind the scenes was hampering the war effort. “The Buddhists had played a significant role in the downfall first of Diem, then of Khanh and Huong. Tri Quang, whose staring eyes and shining white teeth made such an impact on the TV screen, was an old campaigner in the art of stirring up trouble. He imagined himself to be a second Gandhi but in fact was nothing more than a politically motivated intriguer who thought that because I was only thirty-five, and not a professional politician, he would find it easy to manipulate me. He may also have believed that because I came from a Buddhist family, and had attacked Nhu for his viciousness toward the Buddhist, I would be puty in his hands. However I was not to be manipulated by anyone. My job was to try to win the war.” .. Tri Quang went to see Henry Cabot Lodge, the American ambassador, and told him he was determined to overthrow me. As Lodge recounted the incident to me, he asked Tri Quang, “But just suppose you do overthrow Marshal Ky, who would you choose to replace him as prime minister?” “Tri Quang sat quietly for a moment, thinking hard. Then he made an astounding observation to Lodge, “We will be willing to put Marshal Ky back.”
(8) Ông Dennis J. Duncanson, người đã cùng Sir Robert Thompson hoạt động chống Cộng Sản đắc lực tại Mã Lai, rồi sau lại phục vụ trong phái đoàn cố vấn Anh cạnh chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (đệ I và đệ II) đã viết về thượng tọa Thích Trí Quang và thái độ của ông Ngô Đình Nhu đối với thượng tọa như sau trong tác phẩm “Government and Revolution in Viêtnam” (Oxford University Press, 1968):


” Ông Ngô Đình Nhu đã từng cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang đã cố tình bày đặt ra cuộc khủng hoảng Phật Giáo để giúp Việt Cộng. Lúc ấy các nhà quan sát Tây phương nói chung thích nhìn thấy trong các hành động của nhà sư này chỉ có một sự sùng đạo mà thôi. Nhưng vị thế nổi bật của nhà sư trong những vụ xáo trộn còn nghiêm trọng hơn vào năm 1964, sau khi các yêu sách của Phật tử về vấn đề tôn giáo đã được thỏa mãn, đã khiến nhiều người ngọai quốc cuối cùng quay lại đồng ý với ông Nhu. Vì vậy vào tháng 10 năm 1964 Trí Quang đã tuyên bố trên tập san “Lập Trường” mới ra của ông rằng Cộng Sản vào Miền Nam thì Phật Giáo cáo chung cũng như đã xảy ra ở miền Bắc. Nhưng nhà sư đã không nói trong trường hợp cuối cùng điều đó xảy ra thì phản ứng của ông sẽ ra sao.” Đến 30 tháng 4 năm 1975 thì mọi người đã biết rõ phản ứng của nhà sư: Im lặng và bất động.


Chỉ đọc lời tuyên bố của thượng tọa TTQuang trên tờ lập trường mà Duncanson vừa nói đến ở trên, cũng như lời thượng tọa trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Everett G. Martin đăng trên tuần san “Tuần Tin Tức” (Newsweek) số 25 tháng 4 năm 1966, thì ta sẽ thấy những ngưòi như Trung Tướng Trần Văn Đôn hay Thiếu Tướng Đỗ Mậu nói đúng khi họ bào chữa cho thượng tọa TTQuang, bảo ông ta không phải Cộng Sản hay thân Cộng. Nhưng xét người, nhất là một người có tham vọng chính trị, phải xét cả việc làm chứ không chỉ lời nói mà thôi. Trong cuộc phỏng vấn nói trên TT TTQuang đã nói: “Nếu thương thuyết có thể đem lại hòa bình ở Việt Nam, thì hòa bình đó phải là thành quả của sự đánh bại Cộng Sản cho nhân dân Việt Nam. Sẽ không hợp lý nếu hòa bình là kết quả của sự thương thuyết có lợi cho Cộng Sản.”
(9) S.Đ.D. trang 31. Nguyên văn: “My feelings about Diem were well known. In the 1954 election I shared with many thousands the fervent hope that this devoutly religious man would prove to be the savior of our country. Like all my family, I helped to vote Diem into power. “I remember the awe with which Diem was regarded in the days after his election, particularly in the United States. When he visited Washington in 1957, to address the joint session of Congress, he traveled in the presidential plane and Eisenhower was at the airport to meet him. Back home we read the Life Magazine profile of a” tough miracle man.” Mayor Robert Wagner of New York described him as “a man history may judge as one of the great figures of twentieth century.” And even as late as 1961, vice president Johnson, when visiting Saigon, called him “The Winston Churchill of Asia”
ttba

No comments: