Chương I
Quan niệm của Marx về nhà nước
Vấn đề “nhà nước” không phải là một vấn đề trọng tâm của chủ nghĩa
Marx, mà chỉ là một vấn đề phái sinh. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã làm
thiên lệch cái nhìn của Marx; do đó ông ít quan tâm đến lĩnh vực chính
trị nói chung và vấn đề nhà nước nói riêng. Mặc dù đã dành rất nhiều
công sức và thời gian để viết bộ Tư bản, Marx hầu như
không có một tác phẩm nào bàn riêng về vấn đề nhà nước một cách thấu
đáo. Quan niệm về nhà nước của ông vì vậy chỉ có thể tìm thấy rải rác
thông qua các tác phẩm đã được công bố lúc sinh thời hoặc các bản thảo,
thư từ được xuất bản sau khi ông mất.
Nếu chỉ căn cứ vào các tác phẩm của Marx đã được chính thức công bố
thì quan niệm về nhà nước của ông đã được trình bày lần đầu tiên trong
hai tác phẩm Sự khốn cùng của triết học (xuất bản năm 1847) và Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (xuất bản đầu năm 1848). Đó cũng là những tác phẩm mà Lenin đã tham khảo vào đầu thế kỷ XX để viết cuốn Nhà nước và cách mạng.
Thật ra, quan niệm về nhà nước của Marx đã được hình thành một cách khá hoàn chỉnh trước đó ít lâu trong cuốn Hệ tư tưởng Đức,
viết chung với Engels trong những năm 1845-1846. Tác phẩm này không
được xuất bản lúc hai ông còn sống vì gặp khó khăn về tài chính và chế
độ kiểm duyệt; mãi đến năm 1932, dưới thời Stalin, bản thảo của tác phẩm
mới được xuất bản tại Liên Xô. Hệ tư tưởng Đức là một tác phẩm
hơi khó đọc, văn phong và cách lập luận còn chịu nhiều ảnh hưởng của
Hegel, nhiều chỗ diễn đạt hơi tối tăm, khó hiểu. Tuy nhiên, chính trong
bản thảo này, chúng ta có thể tìm thấy quan niệm của Marx về nguồn gốc
và bản chất của nhà nước nói chung.
Về nguồn gốc của nhà nước, Marx cho rằng sự ra đời của nhà nước bắt nguồn từ sự phân công lao động trong xã hội, gắn liền với sự ra đời của chế độ sở hữu tư nhân [1] . Sự phân công lao động (và cùng với nó là chế độ sở hữu tư nhân) làm phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích riêng (lợi ích của cá nhân riêng biệt hay của gia đình riêng biệt) và lợi ích chung
(lợi ích tập thể của tất cả các cá nhân liên hệ với nhau). Nhà nước ra
đời nhằm giải quyết mâu thuẫn đó, dưới danh nghĩa là đại diện cho lợi ích chung của xã hội. Do
chỗ các cá nhân chỉ theo đuổi lợi ích riêng của mình, cho nên cần thiết
phải có sự can thiệp và kiềm chế của nhà nước – đại diện cho lợi ích
chung.
Quan niệm cho rằng nhà nước là đại diện cho lợi ích chung (lợi ích
công cộng), có nhiệm vụ điều hoà, giải quyết mâu thuẫn phát sinh giữa
những lợi ích riêng với nhau hoặc giữa lợi ích riêng và lợi ích chung,
không phải là quan niệm của riêng Marx. Điều đặc biệt trong quan niệm
của Marx là ở chỗ ông coi nhà nước như một cộng đồng hư ảo, và cái lợi ích “phổ biến” mà nhà nước là đại diện cũng chỉ là một thứ lợi ích phổ biến mang tính chất hư ảo (Sđd, T. I, tr. 293-295).
Gọi nhà nước là một cộng đồng hư ảo, bởi vì mặc dù về danh nghĩa, nó đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội; nhưng trong thực tế, nó chỉ đại diện cho lợi ích chung của giai cấp thống trị mà
thôi. Còn đối với giai cấp bị trị, nhà nước không những là một cộng
đồng hoàn toàn hư ảo mà còn trở thành xiềng xích trói buộc:
Trong những cộng đồng giả đã tồn tại cho tới nay, trong nhà nước,v.v…, tự do cá nhân chỉ tồn tại đối với những cá nhân đã phát triển trong những điều kiện của giai cấp thống trị và chỉ trong chừng mực họ là những cá nhân của giai cấp ấy. Cộng đồng hư ảo, mà các cá nhân đã thành lập trước đây, bao giờ cũng tồn tại độc lập đối với họ và đồng thời do chỗ nó đại diện cho sự liên hợp của một giai cấp chống lại một giai cấp khác, cho nên đối với giai cấp bị trị, nó không những là một cộng đồng hoàn toàn hư ảo mà còn là một xiềng xích mới. (Sđd, T. I, tr. 345)
Nhà nước, trong quan niệm của Marx, là một hình thức tổ chức mà giai
cấp thống trị sử dụng để thực hiện lợi ích chung của họ. Nhưng để buộc
mọi người trong xã hội phải chấp nhận, nhà nước đó lấy danh nghĩa đại diện cho lợi ích chung của toàn xã hội, nghĩa là trở thành quyền lực công cộng:
Vì nhà nước là hình thức mà các cá nhân thuộc một giai cấp thống trị dùng để thực hiện lợi ích chung của họ và là hình thức dưới đó, toàn bộ xã hội công dân của một thời đại được biểu hiện một cách tập trung, nên mọi thiết chế công cộng đều thông qua nhà nước và mang một hình thức chính trị. (Sđd, T. I, tr. 364)
Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, Marx coi mọi cuộc đấu tranh chính trị
(đấu tranh trong nội bộ nhà nước, đấu tranh giữa phái dân chủ, phái quý
tộc và phái quân chủ, đấu tranh cho quyền bầu cử, v.v…) thực ra chỉ là
những ”hình thức hư ảo” của những cuộc đấu tranh thực sự giữa
các giai cấp khác nhau. Nói cách khác, chính trị lệ thuộc vào kinh tế,
và muốn tìm nguồn gốc của những cuộc đấu tranh giành quyền lực, phải tìm
nguyên nhân trong những quan hệ giai cấp, và sâu xa hơn nữa, trong
những quan hệ sản xuất.
Để làm rõ sự phụ thuộc của nhà nước vào những quan hệ giai cấp, những quan hệ sản xuất, Marx dùng khái niệm “xã hội công dân” (civil society, société civile, còn được dịch là “xã hội dân sự”):
Xã hội công dân bao gồm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của những lực lượng sản xuất. Nó bao gồm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp của một giai đoạn và do đó, vượt ra ngoài nhà nước và dân tộc, mặc dầu ngoài ra, nó vẫn phải thể hiện ra bên ngoài thành dân tộc, và tự tổ chức ở bên trong thành nhà nước. (Hệ tư tưởng Đức, Sđd, tr. 362)
Ở đây, ta thấy khái niệm”xã hội công dân” không phải là một
khái niệm chính trị – xã hội hay khái niệm pháp lý theo cách hiểu của
các nhà triết học thế kỷ XVIII hay của Hegel, mà là một khái niệm nặng
về nội dung kinh tế. Tương ứng với một trình độ phát triển nhất định của
sản xuất, trao đổi và tiêu thụ, “chúng ta sẽ có một chế độ xã hội nhất
định, một tổ chức nhất định của gia đình, của các đẳng cấp hay giai cấp,
nói tóm lại, là có một xã hội công dân nhất định” (Marx, “Thư gửi P. V.
An-nen-côp, 28.12.1846”; Sđd, T. I, tr. 788).
Theo Marx, xã hội công dân trong bất cứ thời đại nào cũng là cơ sở
của nhà nước và của kiến trúc thượng tầng tư tưởng. Đó là sự áp dụng
phương pháp biện chứng duy vật vào lĩnh vực lịch sử - xã hội: vật chất quyết định ý thức, kinh tế quyết định chính trị.
Nhà nước sinh ra từ xã hội công dân, nhưng lại tách rời khỏi xã hội,
đứng đối lập với xã hội. Mâu thuẫn này gắn liền với sự phân công lao
động xã hội, với chế độ tư hữu, với tình trạng chia cắt giữa lợi ích
riêng và lợi ích chung:
Và cuối cùng, sự phân công lao động cung cấp trực tiếp cho chúng ta ví dụ đầu tiên về tình hình sau đây: chừng nào con người còn ở trong một xã hội hình thành một cách tự nhiên, do đó chừng nào còn có sự chia cắt giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, do đó chừng nào sự phân chia hoạt động còn được tiến hành không phải một cách tự nguyện mà một cách tự nhiên thì chừng đó hành động của bản thân con người sẽ trở thành một lực lượng xa lạ, đối lập với con người, và nô dịch con người, chứ không phải bị con người thống trị. (Sđd, T. I, tr. 295)
Hoàn cảnh trong đó “hành động của bản thân con người trở thành một
lực lượng xa lạ, đối lập với con người, nô dịch con người” được Marx gọi
là “sự tha hoá", “sự vong thân” (alienation, aliénation). Sự tha
hoá ấy chỉ có thể mất đi khi sự phân công lao động không còn nữa, nghĩa
là khi chế độ sở hữu tư nhân không còn nữa. Cuộc cách mạng cộng sản chủ
nghĩa sẽ xoá bỏ tình trạng tha hoá đó, giúp cho con người kiểm soát
được những lực lượng lâu nay vẫn thống trị con người:
Sự phụ thuộc phổ biến, hình thức tự nhiên đầu tiên ấy của sự hợp tác có tính lịch sử thế giới của các cá nhân, sẽ được cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa biến thành sự kiểm soát và sự thống trị có ý thức đối với những lực lượng nảy sinh ra từ tác động lẫn nhau giữa những con người và cho đến nay vẫn chi phối và thống trị con người với tư cách là những lực lượng hoàn toàn xa lạ với con người. (Sđd, T. I, tr. 302)
Marx vẽ ra một viễn cảnh hết sức hấp dẫn, một hình ảnh lãng mạn tựa như “Bồng lai, tiên cảnh” hay “vườn Địa đàng”:
… còn trong xã hội cộng sản, trong đó
không ai có một lĩnh vực hoạt động độc chuyên và mỗi người đều có thể tự
hoàn thiện trong ngành mình thích, thì xã hội điều tiết nền sản xuất
chung, thành thử tôi có khả năng hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc
khác, buổi sáng đi săn, quá trưa đi đánh cá, buổi chiều chăn nuôi, sau
bữa cơm thì làm việc phê phán, tuỳ theo sở thích của tôi mà chẳng bao
giờ tôi trở thành người đi săn, người đánh cá, người chăn nuôi hoặc nhà
phê phán cả. (Sđd, T. I, tr. 295)
Nhân đây, cũng nên nói thêm đôi chút về quan niệm tự do của Marx.
Đối với Marx, trong những cộng đồng xã hội tồn tại trước xã hội cộng
sản, cá nhân chỉ tham gia cộng đồng với tư cách là thành viên của một
giai cấp nhất định chứ không phải với tư cách cá nhân thực sự. Chỉ khi
nào tiến đến một xã hội cộng sản, là xã hội mà con người đã làm chủ hoàn
toàn nền sản xuất, thì cá nhân mới thật sự tham gia vào cộng đồng với
tư cách là cá nhân:
Nhưng trong cộng đồng của những người vô sản cách mạng là những người kiểm soát được toàn bộ những điều kiện tồn tại của bản thân mình lẫn những điều kiện tồn tại của mọi thành viên của xã hội thì tình hình lại ngược lại: các cá nhân tham gia vào cộng đồng ấy với tư cách là những cá nhân. (Sđd, T. I, tr. 349)
Marx hoàn toàn bác bỏ quan niệm về tự do cá nhân do các nhà tư tưởng
thế kỷ XVIII đề xướng. Ông cho rằng trong các xã hội bóc lột - nhất là
xã hội tư sản, tự do cá nhân chỉ là cái quyền được huởng tính ngẫu nhiên
trong khuôn khổ những điều kiện nhất định:
Sự liên hợp từ trước tới nay hoàn toàn không phải là một sự liên hợp tự nguyện, như đã được miêu tả trong "Contrat social" [2] chẳng hạn, mà là sự liên hợp tất yếu dựa vào những điều kiện trong đó các cá nhân có thể hưởng tính ngẫu nhiên (…). Cái quyền được yên trí hưởng như vậy tính ngẫu nhiên trong khuôn khổ những điều kiện nhất định là cái mà cho tới nay người ta gọi là tự do cá nhân. (Sđd, T. I, tr. 349)
Nói cách khác, không thể có tự do cá nhân trong xã hội tư bản chủ
nghĩa. Chỉ có xã hội cộng sản mới được coi là cộng đồng thật sự, trong
đó các cá nhân được thật sự tự do:
Trong những cộng đồng thật sự, các cá nhân có được tự do, ngay khi họ liên hợp lại và nhờ sự liên hợp ấy. (Sđd, T. I, tr. 345)
Trong một đoạn văn khác, Marx mô tả xã hội cộng sản như sau:
Chủ nghĩa cộng sản khác với tất cả các phong trào trước kia ở chỗ nó đảo lộn cơ sở của mọi quan hệ sản xuất và giao tiếp trước kia, và lần đầu tiên nó coi một cách có ý thức tất cả những tiền đề tự nhiên là những sáng tạo của những người đã sống trước chúng ta và nó tước bỏ tính chất tự nhiên của những tiền đề ấy và đặt chúng dưới quyền lực của các cá nhân đã liên hợp lại. (Sđd, T. I, tr. 350)
“Quyền lực của các cá nhân đã liên hợp lại“ không phải là một hình thức chính quyền mới, mà là một xã hội không còn có nhà nước, như Marx viết trong Sự khốn cùng của triết học (xuất bản năm 1847):
Phải chăng như vậy có nghĩa là sau khi xã hội cũ sụp đổ, sẽ có một sự thống trị giai cấp mới, biểu hiện tập trung ở một chính quyền mới ? Không phải.
Điều kiện giải phóng của giai cấp lao động, đó là sự xoá bỏ mọi giai cấp, cũng giống như trước kia, điều kiện giải phóng của đẳng cấp thứ ba, tầng lớp tư sản, là sự xoá bỏ tất cả các đẳng cấp và tất cả các tầng lớp.
Trong quá trình phát triển của nó, giai cấp lao động sẽ thay thế xã hội công dân cũ bằng một tổ chức liên hiệp, tổ chức liên hiệp này sẽ loại bỏ các giai cấp và sự đối kháng giai cấp, và sẽ không còn có chính quyền theo đúng nghĩa của chữ ấy nữa, vì chính quyền chính là biểu hiện tập trung chính thức của sự đối kháng trong xã hội thị dân. (Sđd, T. I, tr. 410)
Ở đây, ta thấy ảnh hưởng của biện chứng pháp kiểu Hegel: Chính đề (thesis, thèse) - Phản đề (antithesis, antithèse) - Hợp đề (synthesis, synthèse). Xã hội công dân là chính đề, Nhà nước là phản đề, và hợp đề chính là cái mà Marx gọi là liên hiệp (association), quyền của các cá nhân đã liên hiệp lại.
Xét về mặt lô-gích, kết luận này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi vì
nhà nước ra đời là do có sự phân công lao động xã hội, có chế độ tư hữu,
có giai cấp; cho nên một khi không còn có sự phân công lao động, không
còn chế độ tư hữu, không còn giai cấp thì tất nhiên sẽ không còn có nhà
nước nữa.
Tháng 11 năm 1848, “Liên đoàn những người cộng sản” họp đại hội tại
Luân-đôn (Anh), đã giao trách nhiệm cho Marx và Engels khởi thảo một
cương lĩnh của đảng. Bản cương lĩnh này chính là tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản –
một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất của chủ nghĩa
Marx. Nói về xã hội cộng sản trong tương lai, Marx và Engels gọi đó là
một liên hiệp (association), trong đó quyền lực công cộng mất đi tính chất chính trị của nó (nói cách khác là không còn có nhà nước ):
Khi những đối kháng giai cấp đã mất đi trong tiến trình của sự phát triển và toàn bộ sản xuất đã tập trung trong tay những cá nhân đã liên hợp lại với nhau thì quyền lực công cộng cũng mất tính chất chính trị của nó. Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác. Nếu giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp, nếu giai cấp vô sản thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị và với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu diệt chế độ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt chế độ sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện của sự đối kháng giai cấp,nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự thống trị của chính ngay giai cấp mình.
Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. (Sđd, T. I, tr. 569)
Trong đoạn văn thường được trích dẫn này, nhà nước (quyền lực chính trị) được định nghĩa một cách ngắn gọn là “bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”. Như
vậy, dựa vào giả thuyết về nguồn gốc phát sinh của nhà nước, Marx đã đi
đến một định nghĩa xác định bản chất giai cấp của nhà nước.
Vấn đề đặt ra ở đây là: một khi không còn có nhà nước thì xã hội sẽ được điều hành như thế nào?
Điều đặc biệt quan trọng là trong giai đoạn chuyển tiếp giữa xã hội tư
bản và xã hội cộng sản; nhà nước còn tồn tại hay không, và nếu có, nhà
nước sẽ mang hình thức như thế nào? Về vấn đề này, Marx và Engels vẫn
chưa nói rõ trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản. Nhưng đó lại là
điểm mấu chốt gây ra sự chia rẽ giữa những người mác-xít với những
trường phái khác trong phong trào công nhân (như phái Lassalle, chủ
nghĩa vô chính phủ,…), cũng như đã gây chia rẽ trong bản thân phong trào
mác-xít (giữa chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa Marx chính thống, giữa
các đảng dân chủ - xã hội và các đảng cộng sản,…).
© 2005 talawas
[1]“Vả
lại, sự phân công lao động và sở hữu tư nhân là những từ ngữ cùng
nghĩa: người ta dùng từ ngữ thứ nhất để nói về mặt hoạt động và dùng từ
ngữ thứ hai để nói về mặt sản phẩm của hoạt động” (Marx, Engels, Tuyển tập, Nxb Sự Thật (cộng tác xuất bản: Dietz Verlag Berlin), Hà Nội, 1980-1984, sáu tập, T. I, tr. 293).
[2]Khế ước xã hội, tác phẩm của Jean Jacques Rousseau, xuất bản năm 1762. Nhan đề đầy đủ của tác phẩm là Bàn về khế ước xã hội, hay những nguyên lý của quyền chính trị (Du contrat social, ou principes du droit politique).
Chương 2
Quan niệm Chuyên chính vô sản
Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản,
khi nói đến nhiệm vụ trước tiên của giai cấp vô sản, Marx và Engels đã
viết: “(…) giai đoạn thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai
đoạn giai cấp vô sản tự xây dựng thành giai cấp thống trị, là giai đoạn
giành lấy dân chủ.” (Sđd, T. I, tr. 567)
*
[1]Trong Nhà nước và cách mạng (1917), Lenin cho rằng Marx và Engels đã nêu lên tư tưởng chuyên chính vô sản ngay trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, khi hai ông định nghĩa nhà nước là “giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị”. Cách giải thích này không có tính thuyết phục, bởi vì giai cấp vô sản vẫn có thể thống trị bằng con đường của chế độ dân chủ, như cách giải thích của Engels trên đây, hoặc như cách giải thích của Karl Kautsky mà chúng ta sẽ thấy trong phần sau.
Thuật ngữ “giành lấy dân chủ”
có thể gây ra sự hiểu lầm là Marx và Engels mong muốn xây dựng một chế
độ dân chủ. Thật ra, không phải hoàn toàn như vậy. Engels đã giải thích
rõ ràng về khái niệm giành lấy dân chủ trong tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847). Trả lời câu hỏi: cuộc cách mạng vô sản sẽ diễn biến như thế nào?, Engels viết:
Trước hết, nó tạo ra một chế độ dân chủ
và nhờ đó mà trực tiếp hay gián tiếp tạo ra quyền thống trị chính trị
của giai cấp vô sản. Trực tiếp như ở Anh là nơi mà hiện nay vô sản đã
chiếm đa số trong nhân dân; gián tiếp như ở Pháp và Đức là nơi mà đa số
nhân dân không những gồm có vô sản mà còn gồm cả tiểu nông và tiểu tư
sản thành thị là những người chỉ mới ở trong giai đoạn đang chuyển thành
giai cấp vô sản, và trong việc thực hiện mọi quyền lợi chính trị của
mình, đang ngày càng phụ thuộc vào giai cấp vô sản, do đó chẳng bao lâu,
sẽ phải đồng ý với các yêu cầu của giai cấp vô sản. Muốn thế, có lẽ cần
phải có một cuộc đấu tranh mới nữa, song cuộc đấu tranh mới đó nhất
định sẽ kết thúc bằng thắng lợi của giai cấp vô sản. (Sđd, T. I, tr. 455)
Như vậy, vào thời điểm này, Marx và Engels vẫn còn tin rằng sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản có thể dựa vào chế độ dân chủ
đã hình thành từ trước trong xã hội tư bản chủ nghĩa để xây dựng chủ
nghĩa xã hội; vì trong một số nước ở Tây Âu, chế độ đó có thể bảo đảm
được sự thống trị của giai cấp vô sản đối với toàn xã hội (nhất là đối
với các giai cấp nông dân và tiểu tư sản thành thị). Chế độ dân chủ đó
không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng vô sản:
Đối với
giai cấp vô sản, chế độ dân chủ sẽ trở nên hoàn toàn vô ích nếu nó không
được dùng ngay lập tức làm phương tiện để thi hành những biện pháp rộng
rãi trực tiếp đánh vào chế độ tư hữu và bảo đảm sự sinh sống của giai
cấp vô sản. (Sđd, T. I, tr. 455)
Thật ra, vào thời điểm viết Tuyên ngôn của Đảng cộng sản,
Marx chưa quan tâm đầy đủ đến hình thức và nội dung của nhà nước vô sản
sau khi giai cấp vô sản nắm được chính quyền. Cuộc cách mạng năm 1848 ở
các nước lục địa châu Âu, nhất là nước Pháp, đã khiến cho Marx tập
trung sự chú ý vào vấn đề đó.
Như chúng
ta đã biết, Marx đã đặt rất nhiều hy vọng vào cuộc cách mạng năm 1848,
mà tiêu điểm là nước Pháp. Bản thân ông và Engels cũng đã trực tiếp tham
gia hoạt động cách mạng trong thời gian đó ngay tại nước Đức – là quốc
gia láng giềng, chịu tác động rất lớn của các biến cố xảy ra từ nước
Pháp. Sự đàn áp khốc liệt của các chính quyền tư sản ở lục địa châu Âu
đối với phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản đã đẩy phong trào này
vào một giai đoạn thoái trào tương đối lâu dài. Bản thân Marx và Engels
cũng phải rời bỏ nước Đức để bắt đầu một cuộc sống lưu vong ở nước Anh.
Chính trong hoàn cảnh đó, Marx đã nêu ra quan niệm chuyên chính vô sản (proletarian dictatorship, dictature du prolétariat), chủ yếu như một giải pháp để đối phó với cái mà ông gọi là nền chuyên chính tư sản [1] . Trong tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848-1850 (1850), ông viết:
(…) giai cấp vô sản ngày càng tập hợp xung quanh chủ nghĩa xã hội cách mạng, xung quanh chủ nghĩa cộng sản mà chính giai cấp tư sản đã gán cho cái tên là Blanqui. Chủ nghĩa xã hội này là lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xoá bỏ những sự khác biệt giai cấp nói chung,
xoá bỏ tất cả những quan hệ sản xuất làm cơ sở cho những sự khác biệt
ấy, xoá bỏ tất cả những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ
sản xuất đó, để đi đến cải biến tất cả những tư tuởng nảy sinh ra từ
những quan hệ xã hội đó. (Sđd, T. II, tr. 137 )
Điều đó có nghĩa là giai cấp vô sản phải thiết lập chuyên chính vô sản, hiểu theo nghĩa là một nền độc tài của giai cấp vô sản, coi
đó là giai đoạn quá độ để đi đến xoá bỏ tất cả các giai cấp. Như trên
đã nói, mục tiêu mà Marx và Engels nhắm đến không phải là một chế độ dân
chủ, mà là xã hội cộng sản, tức là một xã hội không còn có nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, những người cộng sản có thể chọn một trong hai phương tiện: chế độ dân chủ hoặc chuyên chính vô sản (tức là một chế độ độc tài tạm thời).
Như
vậy, chuyên chính vô sản là một sáng tạo về mặt tư tưởng của bản thân
Marx chứ không phải là sự bóp méo, xuyên tạc do các môn đệ đời sau.
Chính Marx đã khẳng định điều này trong lá thư gửi Joseph Wedemeyer
(ngày 5.3.1852):
Còn về bản
thân tôi thì tôi không có cái công lao là đã phát hiện ra sự tồn tại
của các giai cấp trong xã hội hiện đại, cũng như cuộc đấu tranh giữa các
giai cấp ấy với nhau. Các sử gia tư sản trước tôi rất lâu đã trình bày
sự phát triển lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp ấy, còn các nhà kinh
tế học tư sản thì đã trình bày giải phẫu kinh tế của các giai cấp ấy.
Cái mới mà tôi đã làm là chứng minh rằng: 1. sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với những giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất; 2. cuộc đấu tranh giai cấp nhất thiết sẽ dẫn tới chuyên chính vô sản; 3. bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu tất cả mọi giai cấp và tiến tới một xã hội không giai cấp. (Sđd, T.II ,tr. 661-662)
Nền chuyên chính này có phải là một sự tiếp thu, hoàn thiện bộ máy nhà nước cũ hay không? Trong cuốn Ngày 18 tháng Sương mù của Louis Bonaparte
(1852), qua nghiên cứu sự phát triển của bộ máy nhà nước tư sản ở Pháp
từ thời kỳ đấu tranh chống chế độ phong kiến cho đến khi thành lập Đế
chế II (triều đại Napoléon III), Marx cho rằng phải đập bỏ bộ máy nhà
nước tư sản thay vì tiếp thu hay hoàn thiện bộ máy đó:
Tất cả các
cuộc cách mạng đã hoàn bị bộ máy đó chứ không đập tan nó. Các chính
đảng nối gót nhau đấu tranh giành chính quyền, đều coi việc đoạt lấy toà
lâu đài nhà nước đồ sộ ấy là chiến lợi phẩm chủ yếu của kẻ chiến thắng.
(Sđd, T. II, tr.514 )
Trong những năm tháng sống lưu vong ở nước Anh, Marx đã dành hết thời gian, sức lực và tâm trí để hoàn thành bộ Tư bản,
nhằm chứng minh bản chất bóc lột của xã hội tư bản và sự diệt vong tất
yếu của xã hội đó. Ông tập trung vào việc nghiên cứu kinh tế – chính trị
học, ít chú ý đến lĩnh vực chính trị, đến vấn đề nhà nước. Nhưng ngay
trong tập I, quyển I bộ Tư bản (xuất bản năm 1867), khi nói đến các phương pháp tích luỹ ban đầu của chủ nghĩa tư bản, Marx đã viết những dòng như sau :
Nhưng tất
cả các phương pháp đó đều lợi dụng quyền lực nhà nước, tức là bạo lực xã
hội tập trung và có tổ chức, để đẩy nhanh quá trình chuyển hoá của
phương thức sản xuất phong kiến thành phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa, và rút ngắn những giai đoạn quá độ của quá trình đó lại. Bạo lực
là bà đỡ của mọi chế độ xã hội cũ đang thai nghén một chế độ mới. Bản
thân bạo lực là một tiềm lực kinh tế. (Sđd, T. III, tr. 576)
Trong đoạn văn trên đây, quyền lực nhà nước được định nghĩa là bạo lực xã hội tập trung và có tổ chức. Marx
coi bạo lực là bà đỡ của mọi chế độ xã hội cũ đang thai nghén một chế
độ mới, là một tiềm lực kinh tế. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu
ông chủ trương sử dụng nhà nước như một hình thức bạo lực tập trung và
có tổ chức nhằm thực hiện việc xoá bỏ chế độ tư hữu.
Tuy
nhiên, đó mới chỉ là những nét phác thảo về mặt lý thuyết, còn mang
tính chất mơ hồ, chung chung. Khái niệm chuyên chính vô sản cần có nội
dung cụ thể hơn để có thể trở thành một khái niệm cơ bản, một phạm trù
của chủ nghĩa xã hội khoa học. Marx đã tìm thấy lời giải đáp trong kinh
nghiệm của Công xã Paris (1871).
Ngày 18.3.1871, công
nhân Paris nổi dậy cướp chính quyền, thành lập Công xã Paris. Mặc dù chỉ
tồn tại có hơn hai tháng (18.3 – 27.5.1871), “chính quyền vô sản đầu tiên của thế giới”
này đã để lại dấu ấn sâu đậm trong phong trào đấu tranh của những người
mác-xít. Ở đây, chúng ta không xét xem Công xã Paris đã tồn tại như thế
nào trong thực tế, hoặc có ý nghĩa lịch sử như thế nào đối với nhân
loại, mà xét xem từ kinh nghiệm lịch sử đó Marx đã rút ra những kết luận
gì để bổ sung cho quan niệm về nhà nước của ông.
Trước
hết, ngay giữa những ngày Công xã Paris đang còn tồn tại, Marx đã tỏ ra
rất tự hào về việc Công xã làm đúng như điều ông đã quan niệm từ gần
hai thập niên trước:
Nếu anh coi lại chương cuối cùng trong quyển Ngày 18 tháng Sương mù
của tôi, anh sẽ thấy tôi nói rằng mục tiêu cách mạng sắp tới ở Pháp sẽ
không nên là việc chuyển giao bộ máy quân phiệt quan liêu từ tay kẻ này
sang tay kẻ khác như trước nữa, mà là đập tan bộ máy ấy, và đó là
điều kiện tiên quyết của mọi cuộc cách mạng nhân dân thật sự ở lục địa.
Đó cũng là điều mà các đồng chí anh dũng của chúng ta ở Pa-ri đang cố
gắng thực hiện. (“Thư gửi Ludwig Kugelman, 12.4.1871”; Sđd, T. IV, tr. 547)
Công xã đã đập tan bộ máy nhà nước cũ thay vì chiếm lấy nó. Việc phá huỷ bộ máy nhà nước cũ thể hiện trên hai hành động: bãi bỏ quân đội thường trực để thay bằng nhân dân được vũ trang và xoá bỏ bộ máy quan liêu (tức là xoá bỏ bộ máy công chức hành chính). Marx rất tự hào về thành tích đó của Công xã. Ông viết:
“Công xã
đã thực hiện được khẩu hiệu của tất cả các cuộc cách mạng tư sản là
thiết lập một chính phủ ít tốn kém, bằng cách huỷ bỏ hai món chi tiêu
lớn nhất: quân đội thường trực và hệ thống quan lại.” [2] (Sđd, T. IV, tr. 96)
Điều
cần nhấn mạnh là Marx hoàn toàn bác bỏ quan niệm coi bộ máy nhà nước
như một bộ máy chuyên môn hoá, đòi hỏi phải có trình độ nghiệp vụ để
quản lý một cách có hiệu quả. Ông tán dương việc Công xã giao công tác
hành chính nhà nước cho quần chúng công nhân:
Đã mất đi cái ảo tưởng trước kia cho rằng
việc quản lý hành chính và chính trị là những điều bí mật, là những
chức năng siêu việt mà người ta chỉ có thể giao phó vào tay của một đẳng
cấp thạo việc gồm những kẻ ăn bám nhà nước, những tên mật thám được trả
lương hậu và những kẻ hưởng lộc thánh, chúng được đặt vào những chức vụ
cao, thu hút trí thông minh của quần chúng và quay trí thông minh đó
trở lại chống quần chúng ở những bậc thang đẳng cấp thấp. (…) Nó [Công
xã] đã lập tức biến các chức năng công cộng - quân sự, hành chính, chính
trị - thành những chức năng thật sự công nhân, chứ không phải thành những thuộc tính bí mật của một đẳng cấp thạo việc… (“Dự thảo lần thứ nhất của Nội chiến ở Pháp”, Sđd, T. IV, tr. 35-36)
Xoá bỏ bộ máy hành chính do đó cũng đồng nghĩa với việc xoá bỏ đội ngũ công chức (mà Marx gọi là “đẳng cấp thạo việc”). Đồng thời với việc xoá bỏ bộ máy hành chính kiểu cũ, Công xã cũng thủ tiêu luôn chế độ đại nghị:
Chế độ đại
nghị ở Pháp đã đến giờ tận số. (…) Dưới thời đế chế, với Hội nghị lập
pháp và Thượng nghị viện của nó (…) chế độ đại nghị chỉ là một trò hề
đơn giản, một vật phụ thuộc đơn giản của chế độ độc tài dưới hình thức
thô sơ nhất. Từ đó, chế độ đại nghị đã chết hẳn ở Pháp và cuộc cách mạng
công nhân chắc chắn sẽ không làm cho nó sống lại từ đống tro tàn của
nó. (Sđd, T. IV, tr. 33)
Thay
cho chế độ đại nghị với nguyên tắc phân chia quyền lực (séparation des
pouvoirs) là một nhà nước tóm thâu cả quyền hành pháp và quyền lập pháp
trong tay:
Công xã không nên là một cơ quan đại nghị [3] , mà phải là một cơ thể hành động, vừa hành chính, vừa lập pháp. (Sđd, T. IV, tr. 92)
Tính
độc lập của ngành tư pháp, một đặc điểm của chế độ tam quyền phân lập,
cũng bị bác bỏ, bởi vì tính độc lập này chỉ là hình thức, dùng để che
đậy sự phụ thuộc vào quyền hành pháp:
Các viên
chức tư pháp đều mất hết cái vẻ độc lập bề ngoài được dùng chỉ để che
đậy sự phục tùng hèn hạ của họ đối với tất cả mọi chính phủ nối tiếp
nhau mà họ đã lần lượt tuyên thệ trung thành để rồi về sau lại bội phản.
Cũng như các công chức khác trong xã hội, từ nay trở đi, họ đều phải
được công khai bầu lên, chịu trách nhiệm và có thể bị bãi miễn. (Sđd, T. IV, tr. 93)
Nhưng
làm thế nào để một bộ máy tập trung quyền hành như thế không trở thành
một bộ máy quan liêu? Theo Marx, Công xã bao gồm những uỷ viên hội đồng
thành phố (conseillers municipals) được bầu lên từ các khu phố của
Paris, theo thể thức phổ thông đầu phiếu: “Họ là những đại biểu có trách
nhiệm và có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào”. Mặt khác, “đa số uỷ viên
của Công xã tất nhiên phải là những công nhân hoặc là những đại biểu
được thừa nhận của giai cấp công nhân” (Sđd, T. IV, tr. 92). Nói cách khác, đó là một chính phủ của giai cấp công nhân:
… về thực
chất, nó [Công xã] là một chính phủ của giai cấp công nhân, là kết quả
của cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp
chiếm đoạt, là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có
thể thực hiện được việc giải phóng lao động về mặt kinh tế. (Sđd, T. IV, tr. 97)
Marx cho rằng Công xã đã áp dụng những biện pháp có hiệu quả để chống chủ nghĩa quan liêu: bất
cứ viên chức nhà nước nào cũng phải được bầu và có thể bị bãi miễn,
luôn luôn đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân, lĩnh lương ngang với công
nhân:
Công xã loại bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng
cấp chính trị và thay thế những ông chủ ngạo mạn của nhân dân bằng những
đầy tớ luôn luôn có thể bị bãi miễn; thay thế một trách nhiệm tưởng
tượng bằng một trách nhiệm thật sự, vì những người được uỷ nhiệm này
luôn luôn hành động dưới sự kiểm soát của nhân dân. Họ được trả lương
như những người công nhân lành nghề, 12 li-vrơ mỗi tháng, tiền lương cao
nhất không quá 240 li-vrơ một năm, tiền lương mà theo một nhà khoa học
có uy tín là giáo sư Huxley thì chỉ cao hơn một chút so với 1/5 tiền
lương của một công chức của Hội đồng giáo dục ở Luân-đôn. (Sđd, T. IV, tr. 35)
Mặt khác, Công xã áp dụng nguyên tắc “công khai hoá” mọi hoạt động của mình:
Nhưng Công
xã không hề tự cho mình là không bao giờ sai lầm, như tất cả các chính
phủ cũ vẫn thường tự nhận là như thế. Công xã công bố tất cả những báo
cáo hội nghị của mình, thông báo tất cả những hoạt động của mình, nói
cho công chúng biết tất cả những khuyết điểm của mình. (Sđd, T. IV, tr. 106)
Mặc
dù chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn (72 ngày) và trong một hoàn
cảnh đặc biệt (thù trong, giặc ngoài), nhưng Công xã không phải chỉ là
khuôn mẫu chính quyền của riêng thủ đô Paris, mà còn là hình mẫu có thể
áp dụng cho toàn nước Pháp:
Tất nhiên
là Công xã Pa-ri phải là kiểu mẫu cho tất cả các trung tâm công nghiệp
lớn ở Pháp. Chế độ của Công xã một khi đã được thiết lập ở Pa-ri và ở
các trung tâm thứ yếu rồi thì cả ở các tỉnh, chính phủ tập quyền cũ cũng
phải nhường chỗ cho cơ quan tự quản của những người sản xuất. Trong một
bản phác hoạ ngắn gọn về tổ chức quốc gia mà Công xã chưa kịp xây dựng
tỉ mỉ thêm, người ta đã khẳng định dứt khoát rằng Công xã cần phải trở
thành hình thức chính trị của ngay cả những thôn xóm nhỏ nhất, và quân
đội thường trực ở các miền nông thôn cũng phải được thay thế bằng một
đội dân cảnh với thời hạn nghĩa vụ quân sự rất ngắn. Một hội đồng đại
biểu đóng ở tỉnh lỵ phải quản lý những công việc chung của tất cả các
công xã nông thôn trong tỉnh, và các hội đồng hàng tỉnh đó, đến lượt
chúng, lại phải cử đại biểu đi tham dự Nghị viện quốc gia đóng ở Pa-ri;
các đại biểu đều phải nghiêm khắc tuân theo một mandat impératif (chế độ
uỷ nhiệm tuyệt đối) của các cử tri của mình và có thể bị bãi miễn bất
cứ lúc nào. (Sđd, T. IV, tr. 93-94)
Công xã cũng là chính phủ dân tộc chân chính, đồng thời là một chính phủ mang tính chất quốc tế :
Vậy nếu
Công xã là đại biểu chân chính của tất cả những thành phần lành mạnh của
xã hội Pháp, và do đó là chính phủ dân tộc chân chính thì do chỗ Công
xã đồng thời là chính phủ của công nhân, là người chiến sĩ dũng cảm đấu
tranh để giải phóng lao động, nên Công xã cũng hoàn toàn có đầy đủ tính
chất quốc tế. Trước mắt quân đội Phổ, cái quân đội đã sáp nhập hai tỉnh
của nước Pháp vào Đức, Công xã đã sáp nhập công nhân toàn thế giới về
phía nước Pháp. (Sđd, T. IV, tr. 103)
Công
xã là chính quyền của một giai cấp (giai cấp công nhân), nhưng lại là
một chính phủ dân tộc chân chính. Công xã là một chế độ độc tài, nhưng
lại là một chính quyền thật sự dân chủ: “Công xã đã cung cấp cho nền
cộng hoà cái cơ sở của những thiết chế thật sự dân chủ” (Sđd, T. IV, tr. 97).
Tất
cả những mâu thuẫn đó (chuyên chính - dân chủ, giai cấp - dân tộc, quốc
gia - quốc tế) đều được giải quyết một cách ổn thoả, bởi vì Marx đã
từng phát biểu trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản: “Tất cả những
phong trào lịch sử, từ trước đến nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc
đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập
của tuyệt đại đa số, mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số” (Sđd, T. I,
tr.555). Hơn nữa, Marx tin rằng sự xuất hiện của Nhà nước trong lịch sử
chỉ là biểu hiện của một sự tha hoá mà xã hội cộng sản trong tương lai
phải xoá bỏ. Trong bản dự thảo lần thứ nhất cũng như trong bản chính
thức của tác phẩm Nội chiến ở Pháp, người ta có thể tìm thấy nhiều thuật ngữ mang ý nghĩa xấu mà Marx sử dụng để gọi bộ máy nhà nước: một
con trăn khổng lồ… chằng (bọc) lấy cơ thể sống của xã hội công dân, cái
bướu ăn bám xã hội công dân, cái ác mộng làm nghẹt thở, cái quái thai
siêu tự nhiên của xã hội, con quái vật nhà nước, một sỉ nhục lớn nhất
của xã hội, cái vườn ươm tất cả những điều thối tha của xã hội, vv…
Trong
cách lập luận biện chứng theo kiểu Hegel, Marx coi xã hội công dân là
chính đề (thesis, thèse), Nhà nước là phản đề (antithesis, antithèse).
Vì thế, trong cái hợp đề (synthesis, synthèse) mà Marx gọi là liên hiệp
(association), Nhà nước sẽ biến mất, hoà tan vào xã hội công dân, chứ
không còn là một thực thể tách rời với xã hội công dân nữa:
Công xã là việc xã hội đoạt lại quyền lực
nhà nước, quyền lực này trở thành một sức sống của bản thân xã hội, chứ
không phải là một lực lượng thống trị và nô dịch xã hội. Đó là việc bản
thân quần chúng nhân dân đoạt lại quyền lực nhà nước, họ là những người
thay thế cái quyền lực có tổ chức dùng để áp bức họ bằng quyền lực của
bản thân họ... (Sđd , T. IV, tr. 33)
Nhà
nước ký sinh trên cơ thể xã hội, kìm hãm sự tự do phát triển của xã
hội. Vì vậy, khi xoá bỏ bộ máy nhà nước cũ, Công xã đã giải phóng xã hội
một cách triệt để:
Chế độ
công xã hình như đã hoàn lại cho cơ thể xã hội tất cả những lực luợng từ
trước đến nay đã bị nuốt mất bởi cái “nhà nước” ăn bám trên thân thể xã
hội và kìm hãm sự tự do phát triển của xã hội (Sđd , T. IV, tr. 95)
Điều cần lưu ý là Nội chiến ở Pháp
là một tác phẩm viết rất vội vàng. Ngày 18.4.1871, giữa lúc Công xã
Paris còn đang tồn tại, trong một phiên họp của Tổng hội đồng của Quốc
tế I, Marx đã đề nghị ra một “lời kêu gọi” nhằm biến những kinh nghiệm
của Công xã thành tài sản chung của phong trào công nhân quốc tế. Được
Tổng hội đồng giao nhiệm vụ soạn thảo lời kêu gọi, Marx đã viết hai bản
dự thảo để rồi sau cùng hoàn chỉnh thành bản dự thảo cuối cùng; bản này
được Tổng hội đồng thông qua vào ngày 30.5.1871, nghĩa là vài ngày sau
khi Công xã Paris bị thất bại. Bản chính thức được xuất bản lần đầu tiên
bằng tiếng Anh ở Luân-đôn vào ngày 13.6.1871 với cái tên Nội chiến ở Pháp – Lời kêu gọi của Tổng hội đồng Hội liên hiệp công nhân quốc tế. Engels đã viết về điều này như sau:
Ngày 28
tháng năm, những chiến sĩ cuối cùng của Công xã đã hy sinh trên dốc
Belleville trong cuộc chiến đấu với những lực lượng đối địch đông hơn,
và hai hôm sau, ngày 30 tháng năm, Mác đã đọc trước Tổng hội đồng tác
phẩm của mình, trong đó ý nghĩa lịch sử của Công xã Paris được nêu bật
lên bằng vài nét ngắn gọn, mạnh mẽ, nhưng chính xác và nhất là rất trung
thực đến nỗi toàn bộ cái khối phong phú sách báo sau này viết về vấn đề
đó đều không tài nào theo kịp. (“Lời mở đầu viết cho lần xuất bản thứ
ba bằng tiếng Đức tác phẩm Nội chiến ở Pháp”, Sđd, T. VI , tr. 467)
Cũng
trong bài viết này, Engels ca ngợi “thiên tài kỳ diệu” của Marx, thiên
tài đã khiến cho Marx “có thể hiểu rõ được tính chất, ý nghĩa và những
hậu quả tất nhiên của các sự biến lịch sử lớn, ngay trong lúc mà những
sự biến đó còn đang diễn ra trước mắt chúng ta, hoặc vừa mới chấm dứt
xong” (Sđd, T. VI, tr. 465-466). Nhưng một tác phẩm viết vội vàng
như thế nhằm đáp ứng nhu cầu cổ động chính trị trước mắt làm sao có thể
trở thành một tác phẩm thật sự mang tính chất khoa học? Đó là điều mà
Engels, vì quá say sưa ca ngợi thiên tài của bạn mình, đã quên không
nghĩ tới.
[1]Trong Nhà nước và cách mạng (1917), Lenin cho rằng Marx và Engels đã nêu lên tư tưởng chuyên chính vô sản ngay trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, khi hai ông định nghĩa nhà nước là “giai cấp vô sản đã được tổ chức thành giai cấp thống trị”. Cách giải thích này không có tính thuyết phục, bởi vì giai cấp vô sản vẫn có thể thống trị bằng con đường của chế độ dân chủ, như cách giải thích của Engels trên đây, hoặc như cách giải thích của Karl Kautsky mà chúng ta sẽ thấy trong phần sau.
[2]Trong
bản dịch tiếng Pháp: fonctionnarisme d’Etat (chế độ công chức Nhà
nước). Xem: Karl Marx et Friedrich Engels, Œuvres choisies, Editions du
Progrès, Moscou, 1979, tr. 299.
[3]Trong bản dịch tiếng Pháp: organisme parlementaire.
Copy Sách Truyện từ Vnthuquan mà không ghi rõ nguồn và người đánh máy là hành động ăn cắp đáng xấu hổ!
Nguồn: Talawas
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 8 tháng 10 năm 2005
Nguồn: Talawas
Được bạn: ms đưa lên
vào ngày: 8 tháng 10 năm 2005
No comments:
Post a Comment