Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45
31. 澤 山 咸 TRẠCH SƠN HÀM
Hàm Tự Quái | 咸 序 卦 |
Hữu thiên địa, nhiên hậu hữu vạn vật. | 有 天 地, 然 後 有 萬 物 |
Hữu vạn vật, nhiên hậu hữu nam nữ. | 有 萬 物, 然 後 有 男 女 |
Hữu nam nữ, nhiên hậu hữu phu phụ. | 有 男 女, 然 後 有 夫 婦 |
Hữu phu phụ, nhiên hậu hữu phụ tử. | 有 夫 婦, 然 後 有 父 子 |
Hữu phụ tử, nhiên hậu hữu quân thần. | 有 父 子, 然 後 有 君 臣 |
Hữu quân thần, nhiên hậu hữu thượng hạ. | 有 君 臣, 然 後 有 上 下 |
Hữu thượng hạ, nhiên hậu lễ nghĩa hữu sở thố. | 有 上 下, .然 後 禮 儀 有 所 錯 |
Hàm Tự Quái
Thoạt tiên có Đất có Trời
Rồi ra vạn vật vạn loài mới sinh.
Loài sinh, nam nữ phân trình,
Có nam, có nữ, sẽ sinh vợ chồng.
Vợ chồng nối kết giải đồng,
Vợ chồng, nên mới có giòng cha con.
Quân thần, do đó, tiếp luôn,
Rồi ra trên dưới, kém hơn, phân trình.
Dưới, trên, lễ nghĩa sẽ sinh,
Tôn ti, đẳng cấp mới thành lễ nghi.
Dịch Kinh rất trọng Âm Dương. Đầu Thượng Kinh để hai quẻ Kiền Khôn. Đầu Hạ Kinh để hai quẻ Hàm Hằng.
- Kiền Khôn ở Thượng Kinh còn tách rời nhau để định vị (Kiền Khôn định vị).
Nhưng ở Hạ Kinh, Sơn (Dương), Trạch (Âm) hòa hợp nhau (Sơn trạch thông khí) để thành quẻ Hàm; Phong (Âm) Lôi (Dương) tăng cường lẫn nhau (Phong lôi tương thác) để thành quẻ Hằng.
- Ở Thượng Kinh, Kiền Khôn là khí hóa chi thủy (khí trời đất bắt đầu biến hóa) thời Thoán Truyện quẻ Kiền lại có 4 chữ Phẩm vật lưu hình.
- Ở Hạ Kinh, Hàm là hình hóa chi thủy (hình hài bắt đầu biến hóa) thời lại có 4 chữ nhị khí cảm ứng. Ý muốn nói Hình và Khí không hề lìa nhau:
Thoán Truyện quẻ Kiền đề cập đến chữ Tính; Thoán Truyện quẻ Hàm nói đến chữ Tình; Thoán Truyện quẻ Phục nói đến Thiên địa chi tâm; Thoán Truyện quẻ Hàm nói đến Nhân tâm. Thế là tính tình không hề xa nhau, Trời người chẳng hề xa nhau, hình khí chẳng hề xa nhau, Âm Dương chẳng hề xa nhau.
Ngoài trời đất, Âm Dương có hòa hài, thì vạn vật mới sinh. Trong nhân quần, Âm Dương có hòa hài thì nhân luân mới có cơ bền vững, xã hội mới có cơ thanh bình.
Ngoài vũ trụ, Âm Dương là đất trời, trong nhân quần, Âm Dương là nam nữ. Vũ trụ là một từ trường bao la, nhân quần là một từ trường rộng lớn. Vạn vật hấp dẫn, cảm ứng nhau không ngừng, nên mới có được ngày nay.
Hàm có hai nghĩa: 1. Là cảm ứng. 2. Là phổ quát.
Cảm ứng phải bằng tâm tình, vì thế chữ Hàm 咸 thêm chữ Tâm 心 là chữ Cảm 感. Cảm ứng bằng tư tình thì không phổ quát, muốn phổ quát phải hư tâm, phải rũ bỏ tư tình, nên chữ Cảm 感 bỏ chữ Tâm 心 đi thành chữ Hàm 咸.
Quẻ Hàm trên là quẻ Đoài ☱, dưới là quẻ Cấn ☶. Đoài là vui thích; Cấn là vững vàng, là thành thực, là thành khẩn.
Đem lòng thành khẩn, thành thực mà cảm người, người sẽ vui lòng đáp ứng. Ta và người cảm ứng lẫn nhau, hòa thuận với nhau thì việc gì cũng thông suốt.
I. Thoán.
Thoán Từ.
咸 . 亨,利 貞,取 女 吉。
Hàm. Hanh. Lợi trinh. Thủ nữ cát.
Dịch.
Lẽ trời cảm ứng mới hay,
Cảm mà chính đáng, lợi nay mới nhiều.
Ví như thiếu nữ mình yêu,
Mình mà lấy được là điều mắn may.
Muốn cảm ứng với nhau cho hay, cho lợi, phải dựa trên nền tảng đạo lý, công chính. Vì thế Thoán Từ nói Hàm hanh. Lợi trinh. Trai gái yêu nhau, thương nhau mà lấy nhau, rồi ra cuộc sống sẽ đẹp đẽ; Thoán Từ tiếp: Thủ nữ cát.
Thoán truyện. Thoán viết:
彖 曰:咸,感 也 . 柔 上 而 剛 下,二 氣 感 應 以 相 與,止 而 說,男 下 女,是 以 亨 利 貞,取 女 吉 也 . 天 地 感 而 萬 物 化 生,聖 人 感 人 心 而 天 下 和 平 . 觀 其 所 感,而 天 地 萬 物 之 情 可 見 矣 .
Hàm. Cảm dã. Nhu thượng nhi cương hạ. Nhị khí cảm ứng dĩ tương dự. Chỉ nhi duyệt. Nam há nữ. Thị dĩ hanh lợi trinh. Thủ nữ cát dã. Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh. Thánh nhân cảm nhân tâm nhi thiên hạ hoà bình. Quan kỳ sở cảm. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.
Dịch. Thoán viết:
Hàm là cảm ứng lẽ thường,
Mềm trên, cứng dưới, đôi đường cảm nhau.
Âm Dương nhị khí tương cầu,
Chân thành vui thỏa, trước sau mới là.
Trai tơ nhượng bộ gái tơ,
Nam cầu, nữ ứng, bây giờ mới hay.
Cảm cầu hợp lẽ chính ngay,
Cảm mà chính đáng, lợi nay mới nhiều.
Ví như thiếu nữ mình yêu,
Mình mà lấy được là điều mắn may.
Đất trời rung cảm hoà hài,
Cho nên vạn vật muôn loài hoá sinh.
Thánh nhân cảm hóa sinh linh,
Làm cho thiên hạ hòa bình âu ca.
Xem chiều cảm ứng hiệp hòa,
Đất trời, muôn vật, tìm ra ý tình.
Thoán Truyện định nghĩa chữ Hàm là cảm ứng. Muốn cảm ứng, Âm nhu phải ở trên, Dương cương phải ở dưới: Dương cảm Âm ứng, Dương xướng Âm hòa, nhị khí tương giao, thời Âm Dương mới hòa hợp. Vì thế Thoán Truyện mới nói: Nhu thượng (Đoài là Âm nhu) nhi cương hạ (Cấn là Dương cương); nhị khí tương ứng dĩ tương dự.
Áp dụng vào nhân quần, ta thấy định luật cảm ứng của đất trời cũng hoạt động mạnh mẽ. Trai gái tự nhiên hấp dẫn nhau, mà sự hấp dẫn mạnh nhất, sự cảm ứng mạnh nhất là ở nơi thiếu nam và thiếu nữ. Có cảm ứng, có thương yêu mới tính chuyện vợ chồng sau này. Nếu người con trai mà thành khẩn thương yêu, người con gái sẽ cảm động, sẽ vui vẻ mà đáp ứng. Vả trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu, nên trong bước đầu cuộc tình ái, người con trai phải đi bước trước, phải ngỏ lời trước, phải tỏ tình trước, như vậy mới đẹp đẽ.
Thoán Truyện viết: Chỉ nhi duyệt. Nam há nữ. Thị dĩ hanh. Tuy nhiên tình duyên, hay cảm ứng cũng đặt trên nền tảng đạo lý, sự minh chính, mới tốt, mới lợi. Xưa nay những tuồng trên bộc trong dâu khó đem lại một kết cuộc đẹp đẽ. Lấy nhau phải vì thương yêu nhau, phải có chính nghĩa, chính đạo, muốn gây dựng cho nhau một đời sống đẹp đẽ, hạnh phúc, thì cuộc hôn nhân mới tốt đẹp. Vì thế Thoán Truyện nói tiếp: Lợi trinh. Thủ nữ cát.
Sau đó Thoán Truyện bàn đến tầm quan trọng của sự cảm ứng, của sự hòa hài trong vũ trụ, cũng như trong nhân quần. Vạn vật cũng như con người không thể sống riêng rẽ.
Vì thế người xưa mới nói: Cô Âm tắc bất sinh, cô Dương tắc bất trưởng, cố thiên địa phối dĩ Âm Dương. Nam dĩ nữ vi thất, nữ dĩ nam vi gia; cố nhân sinh ngẫu dĩ phu phụ. Âm Dương hòa nhi hậu vũ trạch giáng; phu phụ hòa nhi hậu gia đạo thành. Tạm dịch:
Cô Âm không thể sản sinh,
Cô Dương không thể hoa vinh, xương phồn.
Cho nên trời đất đôi đàng,
Hòa hài chẳng có quải gàng khi nao
Trai thì tìm gái tất giao,
Gái mong chắp mối tơ đào cùng trai.
Cho nên từ có loài người,
Gái trai phối ngẫu nên đôi vợ chồng.
Âm Dương trời đất hòa đồng,
Rồi ra vũ trạch non sông ơn nhờ.
Vợ chồng chắp nối duyên tơ,
Rồi ra, gia đạo có cơ vững vàng.
Dịch Kinh cho rằng nhờ có khí trời, khí đất hòa hài, nên vạn vật mới có thể hóa sinh, trưởng dưỡng; nhờ ảnh hưởng Thánh nhân cảm hóa tâm hồn con người, nên nhân loại mới được hòa bình thái thịnh. (Thiên địa cảm nhi vạn vật hoá sinh. Thánh nhân cảm nhân tâm nhi thiên hạ hoà bình). Nói cách khác, đất trời không hòa hài, xã hội sẽ tan vỡ.
Thoán còn cho rằng: Cứ xem vạn vật cảm ưng ra sao, sẽ thấy tâm địa, ý tình của chúng (Quan kỳ sở cảm. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.) Lẽ trời là: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Người ưa vật chất sẽ rung cảm dễ dàng vì những vấn đề tinh thần. Cho nên nhìn xem muôn loài ưa thích những gì, rung cảm trước những loại giá trị gì, sẽ xác định được căn cơ của chúng, và thấy được bộ mặt thực của chúng.
Tóm lại Hàm là hòa hài, cảm ứng, để đi đến chỗ phổ quát đại đồng. Hàm là hòa hài cảm ứng; mà cảm ứng là một định luật phổ quát của vũ trụ. Trời đất cảm ứng, Âm Dương cảm ứng, Trai gái cảm ứng, dưới trên cảm ứng. Do đó thánh nhân có thể cảm hóa nhân tâm để đem an ninh lại cho thiên hạ.
Hàm là cảm ứng; nên Hào sơ ứng với Hào tứ; Hào nhị ứng với Hào ngũ; Hào tam ứng với Hào lục, nhất nhất đều là Dương cảm, Âm ứng. Cảm ứng hòa điệu sẽ đem hạnh phúc, ấm êm, thanh bình cho trần thế.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰:山 上 有 澤 . 咸 . 君 子 以 虛 受 人 .
Tượng viết:
Sơn thượng hữu trạch. Hàm. Quân tử dĩ hư thụ nhân.
Dịch. Tượng rằng
Hồ trên đỉnh núi là Hàm,
Hiền nhân mở rộng tâm xoang đón người.
Hư tâm đối xử với đời.
(Hư tâm nên mới thảnh thơi hòa đồng.)
Đỉnh núi có rỗng, có trũng thì mới chứa được nước, mới có được hồ nước ở trên. Người quân tử phải trống lòng, mới cảm thông được với mọi người.
Trình Tử cho rằng Hư ở đây là Vô tư, Vô ngã. Có Vô tư, Vô ngã mới hàm chứa được vô biên; bằng như lòng đã có thiên kiến, tư tình, sẽ trở nên hẹp lượng.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào đều bàn về lẽ cảm ứng, bàn về các cung cách ảnh hưởng tới tha nhân, có nông, có sâu, có mạnh, có yếu; có lúc hợp thời, có lúc không hợp thời; có khi bao quát, có khi bị giới hạn; mình có thể ảnh hưởng đến người khác bằng tâm thần, hoặc bằng môi miệng.
1. Hào Sơ Lục.
初 六:咸 其 拇 .
象 曰:咸 其 拇,志 在 外 也 .
Sơ Lục. Hàm kỳ mẫu.
Tượng viết:
Hàm kỳ mẫu. Chí tại ngoại dã.
Dịch.
Sơ Lục. Cảm ngón cái chân,
Tượng rằng: Cảm ngón cái chân,
Nghĩa là đã có để tâm tới ngoài.
Hào Sơ: Muốn ảnh hưởng đến người, cần phải có nội công, nội lực dồi dào; cần phải làm chi cũ thể để gây ảnh hưởng đối với người. Vì vậy Hào Sơ cho rằng: mới có ý muốn gây ảnh hưởng đối với người mà chưa làm được việc gì cụ thể bên ngoài, thì chưa gây được ảnh hưởng bao lăm. Như ngón chân cái mấp máy, thời làm sao di chuyển được cái chân.
Tóm lại, Hào Sơ cho rằng: Ảnh hưởng lúc này còn quá yếu, chưa có tác dụng nào đáng kể.
2. Hào Lục nhị.
六 二: 咸 其 腓,凶,居 吉 .
象 曰: 雖 凶,居 吉,順 不 害 也 .
Lục nhị. Hàm kỳ phì. Hung. cư cát.
Tượng viết:
Tuy hung. Cư cát. Thuận bất hại dã.
Dịch.
Bắp chân cảm động xấu thay,
Ở yên, rồi mới được hay, được lành.
Tượng rằng: Tuy vội chẳng hay,
Ở yên sẽ thuận luật trời, hại chi.
Hào Hai cho rằng: Muốn gây ảnh hưởng nhất là đối với người trên, phải có thời cơ. Khi người trên chưa vời mình, mà mình cầu cạnh để gây ảnh hưởng, để tác động họ, là làm một công chuyện chẳng hay. Cần phải biết ở yên, chờ khi người trên có lời cầu mình đã; lúc ấy lời lẽ, hành động mình mới có thể có ảnh hưởng lớn đối với họ.
3. Hào Cửu tam.
九 三: 咸 其 股,執 其 隨,往 吝.
象 曰: 咸 其 股,亦 不 處 也 . 志 在 隨 人,所 執 下 也 .
Cửu tam. Hàm kỳ cổ. Chấp kỳ tuỳ. Vãng lận.
Tượng viết.
Hàm kỳ cổ. Diệc bất xử dã. Chí tại tuỳ nhân. Sở chấp hạ dã.
Dịch.
Cửu tam cảm vế, cảm đùi,
Theo người hành sự, tiếc thôi có ngày.
Tượng rằng: Cảm ở vế đùi,
Cũng chưa giữ được vẻ người thanh cao.
Theo người hành sự lao nhao,
Đi theo hạ cấp, tránh sao tiếng hèn.
Hào Ba bàn tiếp thêm rằng: Muốn gây ảnh hưởng, muốn cảm hóa người khác, trước tiên mình phải là người có nhân cách, biết tự trọng.
Nhược bằng mình chạy theo thị hiếu, thị dục của tha nhân, để thỏa mãn họ, hoặc mình để cho ngoại cảnh, ngoại nhân, dục vọng sai sử, như vậy chẳng hóa ra hèn hạ lắm sao.
4. Hào Cửu tứ.
九 四: 貞 吉 悔 亡,憧 憧 往 來,朋 從 爾 思 .
象 曰: 貞 吉 悔 亡,未 感 害 也 . 憧 憧 往 來,未 光 大 也 .
Cửu tứ. Trinh cát hối vong. Đồng đồng vãng lai. Bằng tòng nhĩ tư.
Tượng viết.
Trinh cát hối vong. Vị cảm hại dã. Đồng đồng vãng lai. Vị quang đại dã.
Dịch.
Cảm người một cách tự nhiên,
Mới hay, mới tốt, hết niềm ăn năn.
Còn như cuống quít, lăng xăng,
Bạn bè cảm ứng, công năng chưa đầy.
Tượng rằng:
Quang minh, khinh khoát một lòng,
Mới hay, mới tốt, mới không phàn nàn.
Đó là cảm ứng đàng hoàng,
Tình riêng chưa có quải gàng lẽ công.
Còn như cuống quít long tong
Bạn bè cảm ứng, đừng hòng quang minh.
Hào cửu tứ là chủ Hào. Ba hào dưới đều mượn những phần thân thể ở nơi chân.
- Hào Sơ nói cảm ở ngón chân cái.
- Hào Nhị nói cảm ở bắp chân.
- Hào Tam nói cảm ở vế đùi.
Duy Hào Tứ này nói cảm bằng tâm hồn. Thực ra Hào Tứ không dùng chữ Tâm một cách rõ rệt, nhưng trong Hào tứ có chữ Tư, trong Tiểu Tượng có chữ Cảm, cả hai đều có bộ Tâm. Hào Tứ cho rằng: Muốn gây ảnh hưởng cho sâu rộng, muốn cảm hóa được mọi người cho sâu rộng, phải theo chính lý, chính đạo, phải gạt bỏ tư tâm. Vì thế Hào Tứ nói: Trinh cát hối vong.
Trình Tử giải chữ Trinh đây là: Trinh chính; Trung Khê Trương thị giải là: Theo lẽ thiên nhiên, trinh nhất chưa phôi pha tư cảm, tư dục, thời mới hay mới tốt. Còn khi mà đã Đồng đồng vãng lai, tư lự, suy tính, cầu cạnh; lo lấy lòng người này, lo o bế người kia thì cái sức cảm ứng của mình nó giảm đi nhiều. Chỉ có một số bạn bè của mình sẽ hưởng ứng mà thôi. Vì thế mới nói: Bằng tòng nhĩ tư. Phàm chưng, làm việc gì mà cứ để cho lòng khinh khoát hồn nhiên không cầu cạnh, thì ảnh hưởng mới mạnh. Càng mở rộng lòng, ảnh hưởng càng mạnh; trời đất đã theo đường lối ấy, vì trời đất chính là vô tâm, không hề tây vị riêng tư ai. (Xem Hệ Từ hạ - chương 5.)
5. Hào Cửu ngũ.
九 五: 咸 其 脢,無 悔 .
象 曰: 咸 其 脢,志 末 也 .
Cửu ngũ. Hàm kỳ mỗi. Vô hối.
Tượng viết.
Hàm kỳ mỗi. Chí mạt dã.
Dịch.
Cảm mà ở gáy ở vai,
Tuy không thấm thía, thoát bài ăn năn.
Tượng rằng: Cảm ở gáy vai,
Nghĩa là cảm vật, hợt hời chẳng sâu.
Hào năm, Trình Tử giải rằng: Mỗi là thịt lưng, ở sau tâm, mà chẳng thấy tâm. Nghĩa là nếu quên được tư tâm, không cứ rằng nhìn thấy mới thích, thì sẽ đi đúng được lối chính đáng của bậc nhân quân, vì vậy không có gì đáng trách. Tống bản Thập Tam Kinh đại khái giải rằng: Mỗi ở trên tim và dưới miệng. Cảm ứng bằng tâm thần dĩ nhiên là sâu xa nhất, cảm ứng bằng gáy vai, dĩ nhiên là nông cạn hơn, cảm ứng bằng môi miệng lại càng hời hợt hơn nữa. Như vậy cảm ứng bằng gáy vai, ám chỉ một sự cảm ứng nông cạn, hẹp hòi, tuy không đáng trách, nhưng tỏ ra đương sự không phải là người có khí phách bao lăm. (Chí mạt dã)
6. Hào Thượng lục.
上 六: 咸 其 輔,頰 舌 .
象 曰: 咸 其 輔,頰 舌,滕 口 說 也 .
Thượng lục. Hàm kỳ phụ. Giáp thiệt.
Tượng viết.
Hàm kỳ phụ. Giáp thiệt. Đằng khẩu thuyết dã.
Dịch.
Cảm bằng miệng lưỡi mép môi
Tượng rằng: Cảm bằng miệng lưỡi mép môi
Ấy là khua múa, chuốt lời cho hay.
Thượng lục đề cập đến cách cảm hóa con người bằng miệng lưỡi; đó là đường lối tầm thường của tiểu nhân, nữ tử, của Tô tần, Trương Nghi (Xem Dịch Kinh Lai Chú). Thaánh nhân không mấy chuộng đường lối này.
ÁP DỤNG QUẺ HÀM VÀO THỜI ĐẠI
Ngày nay có một số thanh niên ít nghĩ tới hôn nhân, vì tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, hoặc vì không tin tìm được một tình yêu chân thành. Nhưng họ đã nhầm, vì ở đời không có gì quí hơn có một mái ấm gia đình, có người bạn đời, để chia vui sẻ ngọt với mình. Có vài đứa con để quấn quít, vui đùa lúc trẻ và để khỏi cô quạnh lúc tuổi già.
Muốn có tình yêu chân thành của người yêu, và của con cái, thì mình phải tự xét mình, xem mình có thành khẩn mà dành cho họ một tình yêu chân thành của mình không?
Để ca tụng hạnh phúc lứa đôi, Anatole France, một văn sĩ người Pháp, nói rằng: Người vợ là một tình nhân của chồng khi chàng còn trẻ, là người bạn đời khi tuổi chàng đã cao, là người điều dưỡng cho chàng trong tuổi già. Vậy ở tuổi nào người đàn ông cũng có lý do để lấy vợ. (Thế Kỷ 21, trang 52, số 83, tháng 3, năm 1996.)
Tóm lại, hạnh phúc không là của riêng ai, nhưng người nào biết hưởng, mới được hưởng. và hạnh phúc ở trong tầm tay mình đấy thôi.
32. 雷 風 恆 LÔI PHONG HẰNG
Hằng Tự Quái | 恆 序 卦 |
Phu phụ chi đạo. | 夫 婦 之 道 |
Bất khả dĩ bất cửu dã | 不 可 以 不 久 也 |
Cố thụ chi dĩ Hằng. | 故 受 之 以 恆 |
Hằng giả cửu dã. | 恆 者 久 也 |
Hằng Tự Quái
Vơ chồng là chuyện trường kỳ,
Quẻ Hằng mới lấy mà ghi lẽ hằng.
I. Thoán.
Thoán Từ:
恆:亨,無 咎,利 貞,利 有 攸 往 .
Hằng. Hanh. Vô cữu. Lợi trinh. Lợi hữu du vãng.
Dịch.
Hằng là hằng cửu, cửu trường,
Biết hằng, biết biến, thời thường hanh thông.
Hanh thông, mới khỏi lỗi lầm,
Hằng nơi chính đạo, mới mong lời nhiều.
Hằng có nhiều nghĩa:
1. Hằng là lâu dài, hằng cửu.
2. Hằng là bất dịch, bất biến.
3. Hằng là bất dĩ, không ngừng nghỉ.
Tự Quái cho rằng: Hằng tượng trưng cho đạo vợ chồng, vì đạo vợ chồng là chuyện lâu dài, bền bĩ, ăn đời ở kiếp cùng nhau, chứ không phải chuyện ăn xổi ở thì.
Khi còn là nhân tình, như nơi quẻ Hàm, thì nam phải nhường cho nữ, nhưng khi đã thành vợ thành chồng, như trong quẻ Hằng, thì chồng phải được trọng hơn vợ; gia đình có tôn ti như vậy, mới đi đến hằng cửu được.
Có trường cửu, mới có hanh thông; trường cửu mà hanh thông mới không đáng trách; trường cửu, bền vững theo chính lý, chính nghĩa mới hay, mới lợi. Nhưng hằng cửu không phải là cố chấp, bất biến, đã biến hằng, phải biết biến nữa mới vẹn hảo. Vì thế Thoán Từ mới nói: Hằng. Hanh. Vô cữu. Lợi trinh. Lợi hữu du vãng.
Thoán Truyện.
彖 曰:恆,久 也 . 剛 上 而 柔 下,雷 風 相 與,巽 而 動,剛 柔 皆 應,恆 . 恆 亨 無 咎,利 貞 . 久 於 其 道 也,天 地 之 道,恆 久 而 不 已 也 . 利 有 攸 往,終 則 有 始 也 . 日 月 得 天,而 能 久 照,四 時 變 化,而 能 久 成,聖 人 久 於 其 道,而 天 下 化 成 . 觀 其 所 恆,而 天 地 萬 物 之 情 可 見 矣 .
Thoán viết. Hằng. Cửu dã. Cương thượng nhi nhu hạ. Lôi phong tương dự. Tốn nhi động. Cương nhu giai ứng. Hằng. Hằng hanh vô cữu. Lợi trinh. Cửu ư kỳ đạo dã. Thiên địa chi đạo. Hằng cửu nhi bất dĩ dã. Lợi hữu du vãng. Chung tắc hữu thuỷ dã. Nhật nguyệt đắc thiên. Nhi năng cửu chiếu. Tứ thời biến hoá. Nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo. Nhi thiên hạ hoá thành. Quan kỳ sở hằng. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.
Dịch.
Hằng là hằng cửu, cửu trường,
Cứng trên, mềm dưới, lẽ thường tôn ti.
Sấm cùng với gió tương kỳ,
Động mà uyển chuyển, nên chi cửu trường.
Lại còn tương ứng nhu cương,
Không loi, không lẻ, có đường dài lâu.
Hằng mà hay, lợi trước sau,
Là cùng đạo nghĩa, gót đầu chẳng sai.
Sáng soi Nhật Nguyệt lâu dài,
Là vì luôn cứ đường trời ruổi rong.
Tứ thời biến hóa vô cùng,
Cho nên mới được thung dung cửu trường.
Thánh nhân đạo nghĩa thời thường,
Khiến cho thiên hạ có phương hóa thành.
Có Hằng, mới rõ sự tình,
Đất trời, vạn vật, phân minh tỏ tường.
Thoán Truyện định nghĩa Hằng là hằng cửu. Thoán viết: Hằng. Cửu dã. Sở dĩ gọi quẻ này là Hằng vì 4 lý do:
1. Vì quẻ hằng có cương ở trên là Lôi; nhu ở dưới là Phong. Thế là Dương tôn Âm ti, theo đúng lẽ thường.
2. Vì quẻ Hằng có sấm (= Chấn), có gió (= Tốn). Mà sấm, gió thường đi đôi với nhau, tăng cường lẫn nhau.
3. Vì Hằng trên là Chấn, là động; dưới là Tốn, là tốn thuận; Dương thì hoạt động mạnh mẽ, Âm thì nhu hòa, tốn thuận theo Dương, đó là lẽ thường của trời đất.
4. Vì Hằng có Chấn là cương, Tốn là nhu, hai đằng ứng hợp nhau. Đó là lẽ Âm Dương giao cảm, hiệp hòa trong trời đất. Trời đất có tôn ti trật tự, nhờ có sự xướng tùy, hòa hợp, tương ứng, tương dự, mới thực hiện được sự trường cửu. Vì thế, Thoán Truyện mới nói: Cương thượng nhi nhu hạ. Lôi phong tương dự. Tốn nhi động. Cương nhu giai ứng. Hằng.
Phàm chuyện đời bao giờ cũng cần phải có sự lâu dài bền bĩ, nhưng lâu dài bền bĩ cho hợp đạo, hợp nghĩa, thì mới nên công trình, mới đem lại sự hanh thông. Làm sai đạo lý, đi ngược định luật trời đất, thời dẫu bền gan đến mấy cũng công toi. Vì thế Thoán Truyện mới viết thêm: Hằng hanh vô cữu. Lợi trinh. Cửu ư kỳ đạo dã.
Đạo trời đất thời vừa hằng cửu, vừa biến hóa không cùng. Có hằng mới có biến; có biến hóa, vãng lai tuần hoàn, nên hễ có chung thời lại có thủy, và cứ vậy cho nên mới vô cùng tận. Vì thế Thoán Truyện bàn tiếp: Thiên địa chi đạo. Hằng cửu nhi bất dĩ dã. Lợi hữu du vãng. Chung tắc hữu thuỷ dã.
Mặt trời, mặt trăng nhờ định luật của trời đất, vãng lai, doanh súc, có tuần tiết nên mới sáng soi mãi mãi. Bốn mùa nhờ có biến hóa nên mới tác thành cho muôn vật mãi mãi. Thánh nhân nhờ biết kiên trì, chung thân giảng dạy đạo trời, nên mới hóa thành được thiên hạ. Muốn hiểu ý tình của trời đất vạn vật, chúng ta cần phải có cái nhìn toàn bích, và bao quát. Vì thế Thoán Truyện mới viết thêm: Nhật nguyệt đắc thiên. Nhi năng cửu chiếu. Tứ thời biến hoá. Nhi năng cửu thành. Thánh nhân cửu ư kỳ đạo. Nhi thiên hạ hoá thành. Quan kỳ sở hằng. Nhi thiên địa vạn vật chi tình khả kiến hĩ.
Tóm lại, quẻ Hằng bao quát, chẳng những lẽ hằng lại còn cả lẽ Biến trong trời đất. Biết hằng mà không biết biến hóa, là chấp nhất bất thông. Biết biến mà không biết hằng là luân hồi vô định. Có biết hằng để mà biến, biến để mà hằng, thì mới tóm thâu được lẽ trời đất.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰:雷 風 . 恆 . 君 子 以 立 不 易 方 .
Tượng viết.
Lôi phong. Hằng. Quân tử dĩ lập bất dịch phương.
Dịch. Tượng rằng:
Sấm gió là tượng quẻ Hằng,
Tìm nơi hằng cửu, an thân mới là.
Tượng Truyện, vì nhìn thấy lẽ hằng cửu trong trời đất, nên mới khuyên người quân tử băng qua mọi biến thiên để tìm về trung tâm điểm bất dịch. Tìm được tâm điểm bất dịch, tức là tìm được Thái Cực theo từ ngữ Nho giáo; tìm được Chân Tâm theo từ ngữ Phật giáo; tìm được Đạo theo từ ngữ Lão giáo; tìm được Bản Thể Tuyệt Đối theo từ ngữ triết học; chỉ ư chí thiện theo từ ngữ Đại Học.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào bàn về cả hai phương diện biến, hằng. Đại khái rằng người quân tử, tuy suốt đời, phải noi theo lý tưởng, noi theo đạo lý, nhưng không phải vì thế mà trở nên người cố chấp, thiển cận; ngược lại, người quân tử phải tỏ ra hết sức quyền biến, thích nghi, để lúc nào cũng hợp thời hợp cảnh, mà vẫn không phản bội lý tưởng, đường lối và chí hướng của mình. Quẻ Hằng không dựa vào sự tương ứng của sáu hào để suy nghĩa, mà lại dựa vào hai quẻ trên, dưới, để nhận định:
Hào Sơ ở cuối quẻ dưới, Hào Tứ ở cuối quẻ trên, nên đầu chưa đạt được lẽ Hằng chân chính, hãy còn lệ thuộc vào thường lệ (tức là lệ thuộc vào định luật của xã hội, của Đạo giáo), mà chưa biết biến lệ (tức là khi gặp hoàn cảnh nguy cấp, cần cấp, thì phải biết biến). Ví dụ: người theo đạo Jehovah's Witness, không được truyền máu tươi vào người, vì thế nên rủi bị thương tích cần được tiếp máu, thì đành chịu chết, chứ không được cho truyền máu ở ngoài vào. Đáng lẽ phải biết quyền biến, phải vì hoàn cảnh nguy đó mà thay đổi lề luật của đạo, mà cho truyền máu để cứu mạng thì đúng hơn, do đó ta nói: Sơ thì dở, mà Tứ thì cũng chẳng hay.
Hào Tam đầu quẻ dưới, Hào Thượng đầu quẻ trên, thời lại quá mức; chỉ thích nhẽ biến mà không biết nhẽ thường (ví dụ: có những người chỉ thích sống phóng túng theo văn minnh vật chất, mà không chịu gò mình vào lễ giáo), vì vậy mà Tam thời hay thay đổi (bất Hằng), Lục thì lao xao, lác xác (chấn Hằng = thay đổi).
Duy có Hào Nhị, Hào Ngũ là biết xử cho phải, xử theo đúng lẽ Hằng chân chính; Hào Nhị thời biết Năng cửu trung, gặp nghịch cảnh vẫn theo đúng đạo lý. Hào Ngũ thì biết lẽ hằng cửu, lại biết quyền biến, cho nên dầu gặp hoàn cảnh không thuận tiện, cũng biết xử sự cho phải.
Học 6 Hào quẻ Hằng mà nhớ được 2 chữ: Có khi biến có khi thường, hoặc chấp kinh cũng phải tòng quyền, là hiểu được thêm ý Dịch Kinh phơi bày trong quẻ này.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 浚 恆 . 貞 凶 . 無 攸 利 .
象 曰 . 浚 恆 之 凶 . 始 求 深 也 .
Sơ lục. Tuấn hằng. Trinh hung. Vô du lợi.
Tượng viết.
Tuấn hằng chi hung. Thuỷ cầu thâm dã.
Dịch.
Thoạt đầu mà tưởng sâu xa,
Cứ theo cách ấy, ắt là hung tai.
Tượng rằng: Bước đầu đại khái sơ sài,
Mà mong sâu sắc, rạch ròi làm sao?
Hào Sơ cho rằng vừa chân ướt chân ráo, bước vào 1 phạm vi nào, 1 vấn đề gì, mà đã đòi hiểu xa, biết rộng, đó là 1 chuyện phi lý, rất có hại, chẳng thể nên công. Vì thế Hào từ mới nói: Tuấn hằng. Trinh hung. Vô du lợi.
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 悔 亡 .
象 曰 . 九 二 悔 亡 . 能 久 中 也 .
Cửu nhị. Hối vong.
Tượng viết.
Cửu nhị hối vong. Năng cửu trung dã.
Dịch
Tuy không thuận cảnh, thuận ngôi,
Ăn năn hối lỗi âu thời cũng xong.
Tượng rằng: Chẳng phải ăn năn,
Vì rằng xử sự luôn nhằm đạo trung.
Hào Hai là Dương Hào cư Âm vị, thế là nhờ sống trong nghịch cảnh, nhờ theo đúng lẽ phải, theo đúng định luật của trời đất, nên hóa giải được mọi sự dở dang, chếch mác. Hào từ chỉ nói hai chữ hối vong, nhưng ta phải đem Hào tài Hào vị mà giải thích thêm, tuy Dương Hào cư Âm vị là bất chính, nhưng nhờ đắc trung, nên mới hối vong. Tượng Truyện giải rằng: Sở dĩ thoát được mọi điều phàn nàn chính là vì đã biết bền vững theo Trung đạo, theo đạo lý, tức Năng cửu trung.
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 不 恆 其 德 . 或 承 之 羞 . 貞 吝 .
象 曰 . 不 恆 其 德 . 無 所 容 也 .
Cửu tam. Bất hằng kỳ đức. Hoặc thừa chi tu. Trinh lận.
Tượng viết.
Bất hằng kỳ đức. Vô sở dung dã.
Dịch.
Người mà tính nết hay thay,
Rồi ra tủi hổ có ngày phải mang.
Dở rồi, còn cứ làm gan,
Ở trong dở mãi, phàn nàn rồi đây.
Tượng rằng: Tính nết hay thay,
Ai mà chịu nổi ngữ này được đâu?
Hào Ba là Hào thượng của quẻ Tốn, mà Tốn có nết là không quả quyết, không có định kiến. Vì thế mà Hào ba tượng trưng cho những người không quả quyết, hay thay đổi, nay thế này, mai thế khác. Những người nhẹ dạ như vậy chỉ mua chuốc lấy xấu hổ cho mình. Đó là những người Bất hằng kỳ đức hay thừa chi tu. Những người thế ấy sẽ không có chỗ dung thân; Tượng viết: Bất hằng kỳ đức vô sở dung dã. Thực vậy, đã mau thay, chóng chán, thì làm sao giỏi về nghề nghiệp, làm sao mà chung thủy được với ai.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 田 無 禽 .
象 曰 . 久 非 其 位 . 安 得 禽 也 .
Cửu tứ. Điền vô cầm.
Tượng viết.
Cửu phi kỳ vị. An đắc cầm dã.
Dịch.
Đi săn mà chẳng gặp chim,
Tượng rằng: Chẳng đúng vị ngôi,
Thì sao mà bắt được mồi, được chim.
Hào Cửu tứ là Dương cư Âm vị, vừa bất trung, lại vừa bất chính, nghĩa là vừa sống trong nghịch cảnh, lại vừa không khéo xử, thì làm sao mà làm nên công trạng gì được; cũng như người đi săn, nhè ngay nơi không có mồi, có chim mà săn, thì dẫu vất vả tối ngày cũng không có gì trong bị. Cửu Tứ viết: Điền vô cầm. Tượng viết: Cửu phi kỳ vị. An đắc cầm dã.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 . 恆 其 德 . 貞 . 婦 人 吉 . 夫 子 凶 .
象 曰 . 婦 人 貞 吉 . 從 一 而 終 也 . 夫 子 制 義 . 從 婦 凶 也 .
Lục ngũ. Hằng kỳ đức. Trinh. Phụ nhân cát. Phu tử hung.
Tượng viết.
Phụ nhân trinh cát. Tòng nhất nhi chung dã. Phu tử chế nghĩa.
Tòng phụ hung dã.
Dịch.
Luôn luôn ăn ở thuận tòng,
Đàn bà thì tốt, đàn ông thì tồi.
Tượng rằng: Đàn bà thuận tòng thời hay,
Một đời chuyên nhất, xưa nay đã đành.
Đàn ông quyền biến cho tinh.
Cứ như phụ nữ, tốt lành chi đâu.
Hào Năm chủ trương rằng: Chấp nhất hoặc chấp trung vô quyền biến là dở, chứ chẳng phải là hay. Ví như đàn bà có thể chấp nhất, theo đúng truyền thống được, chứ đàn ông thời phải biết tùy cơ ứng biến mới hay, mới phải. Vì thế Hào Lục ngũ nói: Hằng kỳ đức. Trinh. Phụ nhân cát. Phu tử hung. Mạnh Tử chê những người cố chấp; Bá Di là người tiết tháo, trung trực ngay thẳng, đến nỗi không chịu đứng chung 1 triều đình với kẻ ác, chuyện vãn với kẻ ác. Nói chuyện với hương lân mà thấy họ đội nón chẳng ngay, liền vội vã bỏ đi ngay. Người như thế, Mạnh Tử cho là cố chấp hẹp hòi. (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu, thượng - 9.)
6. Hào Thượng lục.
上 六 . 振 恆 . 凶 .
象 曰 . 振 恆 在 上 . 大 無 功 也 .
Thượng lục. Chấn Hằng. Hung.
Tượng viết.
Chấn hằng tại thượng. Đại vô công dã.
Dịch.
Luôn luôn xớn xác, lau chau,
Thế thời có tốt chi đâu mà hòng.
Tượng rằng: Người trên xớn xác, lau chau,
Luôn luôn như vậy, có đâu công thành.
Hào Thượng Lục cho rằng những người hấp tấp, bồng bột, những người lao xao, lắc xắc, không làm nên công chuyện gì, vì một khi đã không bình tĩnh, không tự chủ, thì không làm được việc lớn, đó là trường hợp Vương An Thạch muốn thay đổi hết thể chế, luật lệ đời nhà Tống.
ÁP DỤNG QUẺ HẰNG VÀO THỜI ĐẠI
Trước hết Tự Quái bàn về đạo vợ chồng, mà đạo vợ chồng là phu xướng phụ tùy, là thông cảm lẫn nhau, là ăn đời ở kiếp với nhau. Còn Thoán, Tượng và Hào dạy ta đi từ Biến Thiên (Vạn Hữu) đến Bất Biến, Hằng Cửu.
Biến thiên là luôn thay đổi, bất kỳ về phương diện gì, đạo Phật gọi Biến Thiên là Vô Thường, là Luân Hồi. Bất biến hay hằng Cửu là ổn định, là không thay đổi. Đạo Phật gọi Hằng Cửu là Niết Bàn. Đạo Lão gọi Hằng Cửu là Đạo. Đạo Nho gọi Hằng Cửu là Thái Cực (Trời).
*Về phương diện vật chất, nhờ dinh dưỡng nên cơ thể chúng ta thay đổi hằng ngày, nhưng tới 1 tuổi nào đó nó sẽ thay đổi ít thôi, nhưng nó không đưa ta tới Hằng Cửu.
*Về phương diện tinh thần, nếu đi về phía đạo đức thì gọi là Đại nhân, nếu đi về phía vật dục thì gọi là Tiểu nhân, nếu đi về phía tinh hoa cao đại, thì gọi là Thánh nhân. Đó là đường đi về nơi Chí thiện, nơi Hằng Cửu.
Khi ta còn ít tuổi ta nên theo một đạo giáo, để cho ta có một ý niệm căn bản về đạo đức, để cho ta biết thế nào là làm lành tránh dữ, nhưng đến khi đã lớn tuổi, đã đủ sức phân biệt điều phải, quấy, thì ta phải biết mở rộng tầm nhìn, lối nghĩ, phải tìm hiểu về các đạo khác, tìm hiểu những cái hay, cái dở của họ hay của mình, để óc ta không bị những điều cố chấp, hẹp hòi của đạo giáo, nó đè nén ta trong 1 cái lồng của tư tưởng chật hẹp.
Nếu ta theo một đạo giáo nào, thì dù ngoan đạo tột bực chăng nữa, ta cũng không thể đi tới chỗ Chí thiện được, vì ta phải tuân theo những giáo điều của họ, nên sự suy tư của ta bị gò bó vào một chỗ, do đó tinh thần ta không thể phát triển tới chỗ cao đại được. Nếu muốn tới chỗ tinh hoa mà các Nho gia xưa kia nói là: Chỉ ư chí thiện, thì ta phải tự cởi bỏ những xiềng xích mà đạo giáo đã trói buộc ta, rồi phải dày công suy tư đọc sách thánh hiền, nhờ cao nhân chỉ điểm, thì ta mới thu hoạch được kết quả, còn mong nhờ những phương pháp bàng môn, tả đạo để thu hoạch kết quả, thì quả thực là công việc mò trăng đáy biển, vô ích vậy.
Khi đọc được một cuốn sách hay, hay gặp được cao nhân giỏi chỉ điểm cho ta, thì ta hãy lắng tâm để ghi nhận những điều hay ý đẹp đó, nhưng ta đừng trụ vào nó, mà phải luôn luôn thu nhận những cái mới mẻ khác. Vì những điều mà ngày hôm nay ta tưởng là hay nhất, thì biết đâu ngày mai sẽ có những điều mới mẻ hơn đến với ta, nhất là sự tiến hóa về mọi phương diện của nhân loại đang trên đà phát triển. Do đó Đức Phật khi xưa đã nói trong kinh Kim Cương: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, để nhắc nhở ta vậy.
*Về phương diện nghề nghiệp, nếu ta cố gắng học hỏi, dày công suy tư, nghiên cứu, để giúp ích cho nhân loại, thì ta cũng có thể đưa nó, hay nó đưa tên tuổi ta tới ngàn đời sau, tức Hằng Cửu vậy.
Ngày nay chúng ta sống trong tiện nghi: đèn điện, bếp ga, điện thoại, tủ lạnh, quạt máy, v.v... máy bay đưa ta vượt trùng dương, ô tô giúp ta vận chuyển hàng ngày, còn biết bao lợi ích mang tới cho nhân loại, mà trang giấy nhỏ này không sao kể xiết được. Tóm lại, những sự phát minh đó đã mang lợi ích nhiều cho nhân loại, và đã mang tên tuổi của các nhà bác học đó tới Hằng Cửu vậy.
Các nhà ái quốc, các vị quan thanh liêm, các vị trung thần, những người đã dùng nghề nghiệp của mình để bảo vệ dân, mưu lợi ích cho dân, khi chết đi được dân thờ phượng, thì các vị đó đã lên được tới Hằng Cửu vậy.
Tóm lại, Hằng Cửu hay Niết Bàn muốn đạt được không phải quá khó khăn, vì nó không phải là nơi chốn, mà nó chỉ là một trạng thái thuộc về tâm linh, miễn sao ta luôn cố gắng tiến tới về mọi phương diện, để có thể tự hào là ngẩng mặt lên không thẹn với Trời, cúi mặt xuống không hổ với Đất, thì Niết Bàn sẽ mở để chờ ta.
33. 天 山 遁 THIÊN SƠN ĐỘN
Độn Tự Quái | 遁 序 卦 |
Hằng giả cửu dã. | 恆 者 久 也 |
Vật bất khả dĩ cửu cư kỳ sở. | 物 不 可 以 久 居 其 所 |
Cố thụ chi dĩ Độn. | 故 受 之 以 遁 |
Độn giả thoái dã. | 遁 者 退 也 . |
Độn Tự Quái
Hằng là bền vững cửu trường,
Vật đâu ở mãi, ở thường một nơi?
Cho nên Độn mới tiếp ngôi,
Độn là lui gót, tùy thời tránh đi.
Kinh Dịch có một mục đích chính yếu là dạy cho con người biết xuất xử, hành tàng. Đại khái Dịch cho rằng, khi nào thời thế thuận tiện, quân tử có cơ hưng phấn, đạo lý có thể mang ra thi hành, thì người quân tử nên xuất đầu, lộ diện, góp mặt, góp công với đời; còn như gặp khi thời thế đảo điên, tiểu nhân lộng hành, thời lúc ấy người quân tử nên qui ẩn.
Quẻ Khôn nói: Thiên địa bế, hiền nhân ẩn.
Đất trời mà gàng quải, thời hiền nhân nên qui ẩn. (Khôn, Văn Ngôn, Hào bốn)
Quẻ Độn cũng không ngoài chủ trương đó; đại khái nói rằng: Khi thanh thế tiểu nhân đang lên, người quân tử nên biết rút lui cho hợp thời, đúng lúc, như vậy mới là biết cơ trời. Độn có nhiều nghĩa:
- Độn là qui ẩn.
- Độn là xá lánh tiểu nhân.
- Độn là lánh nạn, v.v...
I. Thoán.
Thoán Từ.
遁 . 亨 . 小 利 貞 .
Độn. Hanh. Tiểu lợi trinh.
Dịch.
Rút lui ẩn lánh mới hay,
Ở ăn chính đáng, lợi nay vẫn còn.
Thoán Từ viết: Độn. Hanh. Tiểu lợi trinh. Trình Tử và Chu Tử giải mỗi người một cách. Trình Tử cho rằng: Thoái tàng để giữ cho đạo lý được chu toàn. Người quân tử gặp lúc tiểu nhân đang lên, vẫn có thể khéo xử mà vớt vát, vãn hồi tình thế được phần nào. Như vậy ba chữ Tiểu lợi trinh có nghĩa là làm việc lớn không lợi, làm việc nhỏ cũng còn có lợi. Chu Hi giải chữ tiểu là tiểu nhân, và cho rằng: lúc đang gặp thời mà tiểu nhân giữ được chính đạo cũng lợi.
Các nhà bình giải Dịch, thường theo một trong hai cách này: Kiến An Khâu thị cho rằng: Độn. Hanh là khuyên quân tử nên rút lui, để mọi sự được êm đẹp (Độn nhi hanh dã). Tiểu lợi trinh là khuyên tiểu nhân hãy xử cho phải, đừng lăng bức người quân tử quá mức. (Xem Đại Toàn). Ta ghi nhận một định lý như sau: Độn 2 Âm ở dưới, 4 Dương ở trên. Âm đang thế tiến, Dương đang thế thoái: tức là Âm trưởng, Dương tiêu (Quân tử kiến cơ nhi tác). Thấy vậy, sẽ lo việc thoái taàng, qui ẩn.
Thoán Truyện.
彖 曰 . 遁 亨 . 遁 而 亨 也 . 剛 當 位 而 應 . 與 時 行 也 .
小 利 貞 . 浸 而 長 也 . 遁 之 時 義 大 矣 哉 .
Thoán viết:
Độn hanh. Độn nhi hanh dã. Cương đáng vị nhi ứng. Dữ thời hành dã.
Tiểu lợi trinh. Tẩm nhi trưởng dã. Độn chi thời nghĩa đại hỹ tai.
Dịch.
Rút lui ẩn lánh mới hay,
Tuy mình quyền lực trong tay vẫn còn.
Cương cường xứng với ngôi trên,
Còn người hưởng ứng, vẫn còn oai nghi.
Biết thời, tới lúc nên về, Theo thời hành sự, mọi bề hanh thông.
Phù trì chánh đạo một lòng,
Tiểu nhân ảnh hưởng đang dâng, ngại gì.
Công trình ấy chẳng lớn chi,
Nhưng mà lợi ích thường khi vẫn còn.
Trong Thoán Truyện, đức Khổng cũng nhận định đại khái rằng:
1- Rút lui hợp thời trời, mới êm đẹp. (Độn nhi hanh dã)
2- Rút lui phải cho đúng thời, đúng lúc; rút lui hay nhất là khi mình còn đang ở trong thế kẻ mạnh, có quyền, có vị, có người hưởng ứng. (Cương đáng vị nhi ứng. Dữ thời hành dã.)
3- Rút lui là nên, vì người quân tử sáng suốt nhận định được rằng ảnh hưởng của tiểu nhân đang lừng lững tiến lên. (Tiểu lợi trinh. Tẩm nhi trưởng dã.)
4- Rút lui hợp thời là một công chuyện không nhỏ, không dễ. (Độn chi thời nghĩa đại hỹ tai.)
Lý Long Sơn bình rằng:
Âm Dương, hàn thử, đều có thời. Âm đạo lớn thịnh là thời tiểu nhân đắc thế; lúc ấy người quân tử nhẫn nhịn để chờ thời, sau ắt thắng. Nếu đem lòng giận dữ, hết sức kháng cự, ấy là chẳng biết thiên thời, ắt hứng lấy những điều hung họa. Như thời Nguyên Thành nhà Hán, Hoằng Cung, Thạch Hiển đang đắc thế ở trong, mà bọn Tiêu Vọng Chi, Lưu Hướng, Chu Vân chẳng biết nhún nhường, mà lánh đi để đến nỗi bị họa. Lại như trong thời Hoàn Kinh, Tào Tiết, Vương Phụ đắc thế ở trong, mà bọn Lý Ưng, Trần Phồn, Đậu Vũ, chẳng biết nhún nhường, mà lánh đi để đến nỗi bị giết...
Gặp thời Độn, người quân tử dẫu còn đang có thế lực, có địa vị, cũng nên biết tùy thời mà quyền nghi. Rút lui đúng lúc thời hay. Đời thường nói: Cửu tọa lịnh nhân yếm (ngồi lâu khiến người ta phát chán). Mình dẫu có hay, nhưng ngồi mãi một chức vị, đóng mãi một vai trò, rút cuộc vẫn làm cho người chán mình, thà rút lui, khi lòng người còn luyến tiếc mới hay. Vả lại tiệc vui cũng có lúc tàn. Người xưa nói: Thiên hạ vô bất tán đích diên tịch. Chính là vì vậy.
II. Đại Tượng Truyện
象 曰 . 天 下 有 山 . 遁 . 君 子 以 遠 小 人 . 不 惡 而 嚴 .
Tượng viết.
Thiên hạ hữu sơn. Độn. Quân tử dĩ viễn tiểu nhân. Bất ác nhi nghiêm.
Dịch.
Tượng rằng: Độn là núi ở trên trời,
Khiến người quân tử lánh gnười tiểu nhân.
Chẳng cần thanh sắc dữ dằn,
Mình nghiêm họ sẽ đằng thằng lảng xa.
Độn là núi ở dưới trời. Núi cao vun vút, vươn mình lên không trung, như muốn lăng bức trời; nhưng càng vươn lên càng thấy trời xa lắc, y như trời muốn dùng sự cao xa của mình để phân cách với núi non.
Người quân tử đối với kẻ tiểu nhân cũng vậy; trong khi tiểu nhân đắc thế, mình không cần phải làm mặt giận, mày dữ đối với họ, mà chỉ cần lập nghiêm, cũng đủ cho họ kiêng nể, xa lánh. Đó là cách thức Khổng Tử đối đãi với Dương Hổ. Tượng viết. Thiên hạ hữu sơn. Độn. Quân tử dĩ viễn tiểu nhân. Bất ác nhi nghiêm.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Sáu Hào bàn về các cách ẩn độn, những cái hay, cái dở trong việc ẩn độn, thoái tàng. Các nhà bình giải thường không đồng ý với nhau về nhiều phuong diện, nhiều vấn đề.
Để có một ý niệm khái quái về 6 hào, ta có thể mượn lời của Ngu Sơn, Tưởng vấn Thiên, tác giả quyển Dịch Lý Thước, mà bình như sau:
Quẻ Độn mà thượng quái là quẻ Kiền. Kiền là cương kiện, tượng trưng cho sự quyết liệt rũ bỏ mọi sự để qui ẩn. Hạ quái là Cấn, là chỉ sự bịn rịn, lưu luyến, không rứt nổi tư tình để ra đi. Cho nên Hạ quái không hay bằng Thượng quái.
Độn càng xa càng tốt, nên các Hào càng lên trên càng tốt. Xét sáu Hào, thì Hào Sơ độn là lẩn quẩn ở hàng dưới, thì đâu phải là độn thật; Hào Hai không muốn độn, mà ở lại; Hào Ba độn mà còn bị vấn vương, sắp trốn đi mà lòng còn chưa quyết; Hào Bốn là gạt bỏ được tư tình, mà nhẹ nhàng cao chạy xa bay; Hào Năm là gửi mình theo chính đạo, cho nên độn mà vẫn gặp may, gặp lành; Hào Sáu là ẩn dật, thoát vòng tục lụy.
Nhưng cứ theo lẽ Dịch, không thể chấp nhất và nghị luận một chiều, cần là biết thức thời.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 遁 尾 . 厲 . 勿 用 有 攸 往 .
象 曰 . 遁 尾 之 厲 . 不 往 何 災 也 .
Sơ lục. Độn vĩ. Lệ. Vật dụng hữu du vãng.
Tượng viết.
Độn vĩ chi lệ. Bất vãng hà tai dã.
Dịch.
Rút lui mà quẩn đằng đuôi,
Nguy rồi, dở dói lôi thôi làm gì.
Tượng rằng: Rút lui sau chót là nguy.
Mình không dở dói, hại gì ở đâu.
Sơ Lục là những hạng người chậm chân chạy trốn, mà chỉ lẩn quẩn ở khúc đuôi, như vậy ắt là nguy (Độn vĩ. Lệ. Vật dụng hữu du vãng). Tuy nhiên Sơ là những hạng người tầm thường, chẳng có chức vụ gì quan trọng, nên miễn là họ đừng dở dói gì, cứ ẩn nhẫn, nép mình chờ thời, thì cũng chẳng đến nỗi mang tai họa (Bất vãng hà tai dã).
2. Hào Lục nhị.
六 二 . 執 之 用 黃 牛 之 革 . 莫 之 勝 說 .
象 曰 . 執 用 黃 牛 . 固 志 也 .
Lục nhị. Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách. Mạc chi thắng thoát.
Tượng viết.
Chấp dụng hoàng ngưu. Cố chí dã.
Dịch.
Rút lui lòng đã nhủ lòng,
Khăng khăng như đã thắt bằng da trâu.
Da trâu dây thắt chặt sao,
Khít khao, chặt chẽ ai nào cởi ra?
Tượng rằng:
Giữ giàng bằng luôt da trâu,
Thế là cố chí, trước sau một lòng.
Hào Lục nhị, Trình Tử cho rằng Nhị và Ngũ lấy nhẽ Trung chính và thuận mà gắn bó, cố kết lấy nhau, như buộc bằng da trâu vậy. Ngô thị, Tập thị, theo đòi Trình Tử cũng giải rằng: Lục nhị là trung thần cật ruột, không thể bỏ nhiệm sở mà trốn đi. Đó là trường hợp Cơ Tử xưa với chủ trương nhất định không trốn, không rút lui (Ngã bất cố hành độn). (Kinh Thư, Vi Tử, 9).
Chu Tử và Thái Thị giải đại khái rằng: Hào Hai gặp thời độn, biết cẩn trọng giữ gìn từ lời ăn tiếng nói, đến hành động, cử chỉ, vaà nhất định ẩn độn, không ai can được. Hai quan niệm trên tuy có khác nhau nhưng đều hữu lý.
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 系 遁 . 有 疾 厲 . 畜 臣 妾 吉 .
象 曰 . 系 遁 之 厲 . 有 疾 憊 也 . 畜 臣 妾 吉 . 不 可 大 事 也 .
Cửu tam. Hệ độn. Hữu tật lệ. Súc thần thiếp cát.
Tượng viết.
Hệ độn chi lệ. Hữu tật bái dã. Súc thần thiếp cát. Bất khả đại sự dã.
Dịch.
Độn mà bịn rịn, vấn vương,
Thế là nguy hại, tai ương rành rành.
Con hầu đầy tớ quẩn quanh,
Nuôi người sai sử, âu đành rằng hay.
Tượng rằng: Bịn rịn nên nguy,
Tinh thần bải hoải suy vi bàng hoàng.
Con hầu, đầy tớ xốn xang,
Phàm làm đại sự, ham làm được đâu.
Hào Cửu tam đại khái chủ trương:
a) Đã ẩn độn, đã lánh nạn, mà bịn rịn thê nhi (Hệ độn. Hữu tật lệ) thì rất nguy hiểm, vì đương sự sẽ khó quyết định, khó xoay sở. Khi Trùng Nhĩ tị nạn sang nước Tề. Tề Hoàn Công hỏi: Công tử có mang theo gia quyến không? Trùng Nhĩ thưa rằng: Bổn phận tôi đi một mình còn khó giữ, rảnh rang chi mà mang hết cả nhà.
b) Nhưng có vong thần, có quân hầu, đầy tớ cũng hay (Súc thần thiếp cát. Bất khả đại sự dã). Trùng Nhĩ khi lưu vong nhờ có bọn hiền thần là Hồ yển, Hồ mao, Giới Tử Thôi, và Triệu Thôi, nên sau mới phục quốc được (Tấn Văn Công tức Trùng Nhĩ).
Khi đã hồi trào, Tấn Văn Công tưởng thưởng cho những người có công; có tiểu thần Hồ Thúc tâu rằng: Tôi từ Bồ Thành đi theo Chúa công, đi khắp bốn phương, chân đã mòn gót, ở thì tôi lo bữa ăn, bữa ngủ; đi tôi lo nỗi ngựa xe, chớ hề phút nào rời Chúaa công bên tả bên hữu, nay Chúa công ban thưởng kẻ tòng vong, mà chẳng nhắc tới tiểu thần, tưởng khi tiểu thần có tội chi chăng? Tấn Văn Công nói: Ngươi bước tới đây, ta nói rõ cho ngươi nghe: vả những người dạy ta nhân nghĩa, khiến ta mở mang gan phổi, thì được thượng thưởng; giúp ta dùng mưu lược, khiến ta chẳng phục tùng chư hầu, thì được thứ thưởng; xông tên đá, lướt mũi nhọn, lấy thân che đỡ cho ta, thì được kế thứ thưởng. Cho nên thượng thưởng là thưởng đức; thứ thưởng là thưởng tài, kế thứ là thưởng công; còn như đi đứng nhọc nhằn là sức kẻ thất phu; phải sau bậc tam thưởng, chừng đó mới tới ngươi. Hồ Thúc nghe thì bằng lòng, mắc cỡ mà lui ra.
Lời của tấn văn Công giúp ta hiểu tại sao Súc thần thiếp mà lại cát của Hào này.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 好 遁 君 子 吉 . 小 人 否 .
象 曰 . 君 子 好 遁 . 小 人 否 也 .
Cửu tứ. Hiếu độn quân tử cát. Tiểu nhân phủ.
Tượng viết.
Quân tử hiếu độn. Tiểu nhân phủ dã.
Dịch.
Rút lui quên hết riêng tư,
Hiền nhân thời tốt, phàm phu chẳng lành.
Tượng rằng:
Hiền nhân thích chuyện rút lui,
Tiểu nhân, trái lại khó rời chân đi.
Hào Bốn cho rằng chỉ người quân tử mới cắt đứt được tư tình, dám vì công nghĩa mà rứt áo ra đi; còn kẻ tiểu nhân thì bịn rịn vấn vương, khác hẳn người quân tử (Cửu tứ. Hiếu độn quân tử cát. Tiểu nhân phủ dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 嘉 遁 . 貞 吉 .
象 曰 . 嘉 遁 貞 吉 . 以 正 志 也 .
Cửu ngũ. Gia độn. Trinh cát.
Tượng viết.
Gia độn trinh cát. Dĩ chính chí dã.
Dịch.
Rút lui êm ả tốt sao
Đường đường, chính chính, nhẽ nào chẳng hay.
Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính, nên mới dùng chữ Gia độn, là rút lui một cách đẹp đẽ.
Nói đến Gia độn, ta liên tưởng đến Charles de Gaulle. Năm 1946, khi đang làm thủ tướng lâm thời nước Pháp, chán cảnh nội các chia làm năm bè, bảy bối, ông liền từ chức. Ông nói: Các ông đã vì đảng phái, mà cãi cọ, chia rẽ nhau. Tôi không chấp thuận điều đó, nhưng trừ phi thiết lập chính sách độc tài, đó là điều tôi không muốn, và là chuyện sẽ có kết cuộc chẳng hay; tôi không còn cách nào để ngăn ngừa được cơ sự các ông đang làm này; vì vậy tôi phải rút lui. Nếu các ông thất bại, ít ra tôi còn được nguyên vẹn. (Trích báo Time, Nov. 23, 1973, page 1).
Sau một thời gian, lập đảng chính trị và tái xuất giang hồ, năm 1955, ông lại rút lui vào bóng tối. Ông tuyên bố cùng quốc dân Pháp: Tôi có lời từ giã các bạn, chúng ta sẽ không gặp nhau lại, trừ phi giông tố dập vùi nước Pháp.
Năm 1958, chiến tranh Algérie là giông tố, muốn dập vùi nước Pháp thật sự, các tướng lãnh và quân đội yêu cầu ông ra cứu vãn tình hình. Ông bằng lòng, với điều kiện phải để ông lập chế độ Tổng thống. Ông chủ trương Ngị viện bàn cãi, các Tổng bộ trưởng cai trị, viện bảo hiến suy nghĩ, Tổng thống của nền cộng hòa quyết định. Làm Tổng thống từ năm 1958 đến 1969, ông thấy dân chúng có vẻ chán ông, không còn tín nhiệm ông như cũ, ông liền từ chức năm 1969, tuy ông còn mấy năm nhiệm kỳ, ông về quê là Colombey, và đánh lên Paris 1 điện văn từ chức, vắn tắt như sau: «Tôi không giữ chức Tổng thống của nước Cộng Hòa nữa. Quyết định này có hiệu lực kể từ trưa hôm nay.»
Vì biết rút lui đúng lúc, khi mà mình hãy còn nhiều uy quyền, thế lực, nên ông giữ được lý tưởng ông, do đó mà chẳng những nước Pháp, mà cả thế giới cảm phục ông. thật đúng là Gia độn trinh cát. Dĩ chính chí dã. Các công thần khi đã làm xong nhiệm vụ giao phó, liền qui ẩn, vui thú điền viên, chứ không vì lợi lộc mà nấn ná lại chốn triều đình. Kinh Thư viết: Thần võng nhi sủng lợi cư thành công (Kinh Thư, Thái Giáp hạ, 9.)
6. Hào Thượng cửu.
上 九 . 肥 遁 . 無 不 利 .
象 曰 . 肥 遁 . 無 不 利 . 無 所 疑 也 .
Thượng cửu. Phì độn. Vô bất lợi.
Tượng viết.
Phì độn vô bất lợi. Vô sở nghi dã.
Dịch.
Rút lui hớn hở mới hay,
Thế nên ích lợi, mắn may mọi đàng.
Tượng rằng: Rút lui hớn hở vẹn toàn,
Là vì dạ chẳng nghi nan, lo lường.
Thượng cửu. Phì độn. Vô bất lợi. Phì độn là độn, là rút lui mà lòng khoan khoái, vì thế mà làm việc gì cũng hay cũng lợi. Gọi là Phì độn, vì Hào Thượng Cửu là vô vị, tượng trưng cho một hiền tài, muốn thoát vòng cương tỏa, lợi danh. Chỉ lấy đạo đức làm cao lương, lấy nhân nghĩa làm mỹ vị, như vậy đúng là Phì độn. Hào này khiến ta nhớ đến trường hợp trương Lương. Trương Lương sau khi giúp Bái Công thống nhất Trung Nguyên, uy tín lừng lẫy, liền xin rút lui qui ẩn, đóng cửa từ khách, để tu tâm dưỡng tánh.
Con ông là Trương Tích Cường một hôm hỏi ông: Nay cha đã làm thầy của vua, ghe phen lập nhiều công lớn, làm quan tới chức tam công, lẽ thì ăn ngọc thực muôn chung, an hưởng giàu sang, lâu dài với nước, làm công thần muôn đời, cũng chẳng phải là quá lắm, sao lại đóng cửa từ khách, ở chỗ vắng vẻ mà chịu thanh khổ như vầy, là ý chi vậy?
Trương Lương nói: Con biết sao được, vả chăng trong đời mà ham giàu sang, là vui công danh đã được, mừng vinh hoa nhãn tiền, ngồi cao mà hưởng, nhất hô, bá ứng, thê thiếp đầy nhà, ca xướng đầy tai, thì đã gọi là cái chí bình sinh đã tột rồi, chứ chẳng có biết ngôi cao tột bực nhân thần, thì thiên hạ hay ghen ghét, trèo cao không lẽ mà không té, chứa đầy không lẽ không tràn; vua nghi mình quyền trọng, trời ghét kẻ đầy tràn; kẻ ghét đã mong lòng gấm ghé, người hiềm chờ dịp đẩy đưa, chẳng may mà cửu trùng sinh giận, nhiều miệng xúi nói vào, thì chừng ấy hết kẻ đỡ che, chạy đi đâu cho khỏi, có phải mình đã bị hại mà vợ con lại mang tai; phú quý vinh hoa phủi tay trong nháy mắt. Chi cho bằng vui chơi non nước, hưởng thú giang hồ, say túi càn khôn, giỡn bầu nhật nguyệt, riêng ở một nhà, vào ra thong thả, tuy ở vắng vẻ một mình mà trong lòng khoái lạc; thà ăn rau cỏ sớm trưa, mà toại chí tiêu dao, vinh nhục khỏi lo, không màng danh lợi, an thân bảo mạng, thong thả trọn đời, giữ trọn tiếng luong thần, chẳng hơn cuộc vinh hoa phú quý sao? Trương Tích Cường bái phục và nói rằng: nay con mới biết ý cha, ấy là đạo minh triết bảo thân đó.
ÁP DỤNG QUẺ ĐỘN VÀO THỜI ĐẠI
Nếu ta làm thương mại nhỏ, mà có kẻ mở cơ sở cùng nghề với ta, gần địa điểm thương mại của ta, nhưng lớn mạnh hơn ta, cốt ý chèn ép ta, thì ta phải lo rút lui, càng sớm càng tốt, sẽ đỡ bị thiệt hại hơn.
Nếu ta đi làm nơi hãng xưởng, mà gặp phải tiểu nhân có thế lực mạnh hơn ta, mà ta không thể thân thiện với họ được, vì bất đồng chính kiến, hoặc tư tưởng, thì ta cũng liệu tìm sở khác, để cho tâm tư thanh thản hơn, và để tránh những va chạm, có thể gây nguy hại cho mình sau này.
Nếu khi đã lập gia đình, mà phải ở chung với đại gia đình, thì ta phải biết lễ độ, kính trên, nhường dưới, nhưng nếu chẳng may sự kính nhường đó cũng không thể làm vừa lòng mọi người, thì ta nên cùng vợ hay chồng ra ở riêng một cách êm đẹp thì hơn.
Khi tuổi đã xế chiều, ta phải liệu từ bỏ bớt công việc, để đỡ hại cho sức khỏe, và phải giữ sao cho tâm thần thanh thản, nụ cười luôn nở trên môi, hướng về Thương Đế, chớ đừng lúc nào cũng than oán, cáu kỉnh, giận hờn, thì không nên vậy. ta nên như câu thơ này:
Răng long đầu bạc mặc tình,
Đừng bao giờ nói rằng mình già nua.
Thần thông trời đã phú cho,
Bạc đầu, lòng vẫn phởn phơ, nhẹ nhàng.
34. 雷天大壯 Lôi thiên đẠI TRÁNG
Đại Tráng Tự Quái | 大 壯 序 卦 |
Độn giả thoái dã. | 遯 者 退 也 |
Vật bất khả dĩ chung Độn | 物 不 可 以 終 遯 |
Cố thụ chi dĩ Đại Tráng | 故 受 之 以 大壯 |
Đại Tráng Tự Quái
Đời mà trốn mãi cũng kỳ,
Nên rằng: Đại Tráng để ghi quật cường.
Quẻ Đại Tráng tiếp sau quẻ Độn, như để nói lên sự biến dịch, tuần hoàn, doanh hư, tiêu tức của Trời đất. Độn là thời Âm trưởng, Dương tiêu; Đại Tráng là thời Dương trưởng, Âm tiêu.
I. Thoán.
Thoán Từ.
大 壯:利 貞。
Đại Tráng. Lợi trinh.
Dịch:
Lớn mạnh (Đại Tráng) muốn hay cần chính đáng.
Gọi bằng Đại Tráng, vì Dương là Đại, Âm là Tiểu; ở đây 4 Dương đang hồi cường thịnh, nên gọi bằng Đại Tráng. Hon nữa Quẻ Đại Tráng, dưới có Kiền là cương kiện, trên có Chấn là Lôi, là Động; thử hỏi còn gì mạnh hơn sấm sét được. Đại Tráng là thời kỳ Dương thịnh, mà Dương tượng trưng cho tinh hoa Trời đất, cho tất cả những gì chính đại quang minh. Cho nên trong Thoán Truyện đã đề cập đến 2 chữ Chính Đại.
Quẻ Đại Tráng, bàn về uy dũng, nhưng lại đề cao uy dũng tinh thần, uy dũng của đạo nghĩa nhân đức.
Uy dũng, nhưng minh chính, uy dũng nhưng vẫn biết Tri cơ hành sự, uy dũng nhưng hoạt động luôn theo quy định phương pháp. Cho nên, uy dũng ở đây không phải là vũ dũng. Sức mạnh con người có thể phân chia thành nhiều loại:
- Sức mạnh của thể chất hay Sức lực
- Sức mạnh của cơ mưu hay Trí lực,
- Sức mạnh của tâm tình hay Tâm lực,
- Sức mạnh của địa vị hay Thế lực.
- Sức mạnh của uy quyền hay Quyền lực
- Sức mạnh của đức độ.
Người ta có thể dùng sức mạnh mình sẵn có, để mà làm những chuyện hay, cũng như chuyện dở. Dịch khuyên dùng sức mạnh để làm điều hay, để thực hiện nghĩa lý mới tốt, mới lợi. Vì thế Thoán viết: Đại Tráng, lợi trinh. Dịch cho rằng, tất cả những năng lực tiềm tàng trong vũ trụ này là cốt giúp cho con người thực hiện sự cao đại. Hiểu được điều đó là hiểu được ý Trời.
Thoán truyện.
Thoán Truyện viết:
大 壯,大 者 壯 也。 剛 以 動,故 壯。 大 壯 利 貞﹔ 大 者 正 也。
正 大 而 天 地 之 情 可 見 矣!
Đại Tráng. Đại giả Tráng dã. Cương dĩ động. Cố tráng. Đại Tráng lợi trinh.
Đại giả chính dã. Chính đại nhi thiên địa chi tình khả kiến hỹ.
Dịch.
Quẻ Đại Tráng, Dương đà tráng thịnh,
Cứng động, nên mới mạnh, mới cương.
Mạnh mà minh chính, đường hoàng,
Mới hay, mới lợi lẽ thường xưa nay.
Đại là chính đại, thẳng ngay,
Hoằng dương chính đại, biết ngay tình Trời.
Tào Thăng bình quẻ Đại Tráng như sau: Đại Tráng là chính đại. Dương trưởng mà cương động; đại là chính. Trời đất có chính khí, chính khí ấy lưu hành tràn ngập vũ trụ, cho nên trên trời thì sinh ra nhật nguyệt, tinh cầu; dưới đất thì sinh ra cúi cao, sông rộng. thánh nhân nuôi dưỡng khí hạo nhiên của Trời đất; chí đại chí cương; giữ nhân cách mình cho tôn nghiêm, và là sư biểu cho đời về nhân luân; các ngài không bao giờ có lời nghị luận kỳ quặc, không bao giờ có những hành động a dua; các ngài cương kiên, thiết thạch, chí trung, chí chính.
Người quân tử theo gương Thánh nhân cũng cố vươn lên cho tới cao đại, cố thực hiện công chính. Khi phú quý không hoang dâm, phóng túng, lúc bần hàn chẳng đổi dời tiết tháo, uy vũ không khuất phục được chí khí... cái quý của sĩ phu, chẳng phải là tại đó sao?
II. Đại Tượng Truyện.
象曰: 雷 在 天 上,大 壯﹔ 君 子 以 非 禮 弗 履。
Tượng Viết:
Lôi tại thiên thượng. Đại Tráng. Quân tử dĩ phi lễ phất lý.
Dịch.
Tượng rằng: Sấm động trên Trời;
Là to, là mạnh, khắp nơi vang rền.
Những điều chẳng phải, chẳng nên.
Đã là quân tử, tất nhiên chẳng làm.
Tượng truyện tiếp tục bàn rằng: muốn có sức mạnh tinh thần, người quân tử phải theo đúng định luật của Trời đất. Mà định luật của Trời đất là: Tập trung thời mạnh, phá tán thời yếu, cho nên người quân tử đừng để cho tâm thần bị phá tán trước những cám dỗ của dục vọng, của ngoại cảnh, thời mới trở nên mạnh được.
Sách xưa có câu: Lòng Chân nhân như hạt châu tại vực thẳm; lòng chúng nhân như bèo bọt trên mặt nước; thật là chí lý vậy. người dũng cảm đối với Nho gia là con người theo đúng thiên lý, xét lòng mình không thấy điều chi đáng trách, đáng thẹn.
Người dũng cảm là người biết liêm sỉ. Có liêm sỉ mới biết xấu hổ, vì thấy mình còn hèn kém, mới nỗ lực gắng công, mới có thể cải hóa, tự tân, cố gắng tiến bước, và như vậy nghị lực tinh thần mới dần dần tăng trưởng thêm được mãi.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.
Các Hào lại tiếp tục bàn về sức mạnh, và các cách thi triển về sức mạnh, dở cùng như hay.
Muốn hiểu sáu Hào này trước tiên, ta phải nhận định rằng: Chí khí, dũng cảm, đối với Đức Khổng không phải liều mạng, bạo hổ, bằng hà, không phải là cương dõng như người phương Bắc, mê thích binh đao; ngủ cũng đeo gươm, mặc giáp, chết cũng không sao. (Trung Dung X); mà dũng tức là giữ được niềm hòa khí, lúc nào cũng sống với đạo lý của mình, dù lúc nước nhà bình yên, hay lúc giang sơn nghiêng ngửa.
1. Hào Sơ Cửu.
初九: 壯 于 趾,征 凶,有 孚。
象曰: 壯 于 趾,其 孚 窮 也。
Sơ Cửu. tráng vu chỉ. Chinh hung. Hữu phu.
Tượng viết:
Tráng vu chỉ. Kỳ phu cùng dã.
Dịch.
Mạnh mà mạnh ở ngón chân.
Ra đi ắt sẽ đâm xầm hung tai.
Tượng rằng: mạnh ở ngón chân,
Ra đi ắt sẽ đâm xầm hung tai.
Hào Sơ chê những người không biết tự lượng, ở cấp dưới mà cậy sức muốn làm đại sự, hoặc mới bắt tay vào một công việc mà cậy vũ dũng, cứ hùng hục mà tiến tới; những người như vậy ắt sẽ đi đến bại vong.
Hào này làm ta nhớ đến Long Đàm, một tên tiểu hiệu của vừa mới được thăng quan, đà muốn xin đi làm tiên phong, để đến nỗi bị nguyên soái Tiên Chẩn mắng cho một trận, vuốt mặt không kịp. (Đông Châu Liệt quốc, Võ Minh Trí 537)
Hào này làm ta liên tưởng đến Mạnh minh Thị và Kiển Thúc đem quân Tần đi đánh Tấn, nhơn nhơn cậy sức mạnh, mà không cần tìm hiểu về địa hình, địa thế, nên đã mắc nạn tại Hào Sơn, khiến quân sĩ bị tận diệt, còn mình thì giơ tay chịu trói. (Đông Châu Liệt quốc trang 566-568)
Vì thế Hào Sơ mới nói bóng bẩy mà rằng: Mới mạnh nơi ngón chân, mà đã tập tễnh ra đi, chắc chắn sẽ mắc hung họa, cùng khốn. Sơ Cửu: Tráng vu chỉ. Chinh hung, Hữu phu. Tượng viết: Tráng vu chỉ. Kỳ phu cùng dã. Chữ Hữu phu ở đây, phải hiểu là chắc chắn, chữ Kỳ phu cùng dã phải hiểu là chắc chắn sẽ bị khốn cùng.
2. Hào Cửu nhị.
九二: 貞吉。
象曰: 九二貞吉,以中也。
Cửu nhị. Trinh cát.
Tượng viết:
Cửu nhị trinh cát. Dĩ trung dã.
Dịch.
Bền lòng, minh chính mới hay,
Tượng rằng: Cửu nhị mới hay,
Là vì trung đạo bấy nay chu toàn.
Hào Cửu nhị. Trinh cát. Tượng viết: Cửu nhị trinh cát. Dĩ trung dã. Thế là Hào Cửu nhị đề cao hai chữ Trung và Chính. (Trinh)
Tấn văn Công muốn tìm người làm nguyên soái. Triệu Thôi tiến cử Khước Cốc mà thưa rằng: làm nguyên soái, mạnh chẳng bằng trí, trí chẳng bằng có học; như dùng kẻ trí dõng thì không thiếu gì; bằng dùng kẻ có học, duy có một Khước Cốc mà thôi. Cốc năm mươi tuổi, ham học, biết lễ, có nhân, lại thông binh pháp. Binh là dân, biết thương dân thì dùng binh mới được. Văn Công khen phải, bèn vời Khước Cốc làm nguyên soái, cũng lấy nhân nghĩa, trung tín để thu phục lòng người, mà lập nên nghiệp bá. Thế là Trung Chính vẫn hay, vẫn lợi.
3. Hào Cửu Tam.
九 三: 小 人 用 壯,君 子 用 罔,貞 厲。 羝 羊 觸 藩,羸 其 角。
象 曰: 小 人 用 壯,君 子 罔 也。
Cửu tam. Tiểu nhân dụng tráng. Quân tử dụng võng. Trinh lệ.
Đê dương xúc phiên. Luy kỳ giốc.
Tượng viết:
Tiểu nhân dụng tráng. Quân tử võng dã.
Dịch.
Tiểu nhân cậy sức mạnh mình,
Còn người quân tử đã đành là không.
Dậu phên dê đực húc nhăng,
Húc càn phên dậu, vướng sừng chẳng ra.
Tượng rằng:
Tiểu nhân cậy sức mạnh mình,
Còn người quân tử đã đành là không.
Câu: Tiểu nhân dụng tráng. Quân tử dụng võng của Hào ba này có thể giải bằng hai cách:
Chu Hi, Trình Tử cho rằng: Dụng võng đây đây là khinh thường, là coi thường. Các ông cho rằng: tiểu nhân mà dùng lực, quân tử mà khinh thường, thời đều hay mắc họa.
Lai Trí Đức, Wilhelm, Legge, R.G.H, Siu đều dịch chữ quân tử dụng võng là người quân tử không làm như vậy.
Sở muốn đánh Tấn. Tiên Chẩn khuyên Tấn Văn Công xuất quân đánh, vì đánh ắt thắng. Hồ Yển trái lại khuyên Tấn Văn Công nên tránh quân Sở, và lui binh 90 dặm, để giữ lời Văn Công hứa với quân Sở khi xưa.
Khi phá Sở xong, Tấn Văn Công ban sư, luận công ban thưởng, phong cho Hồ Yển công đầu, Tiên Chẩn công thứ. Các quan tâu hỏi rằng: Vả trận Thành Bộc thì một tay Tiên Chẩn dùng kỳ mưu mà phá Sở, nay lại phong Hồ Yển làm đầu công là sao? Văn Công đáp: Trận Thành Bộc thì Tiên Chẩn dốc đánh Sở để thủ thắng, còn Hồ Yển thì dốc tránh Sở để thủ tín. Vả chăng cái công thủ thắng, làm nên trong một thủa, còn thủ tín làm có lợi muôn đời, thì có lý nào đem công một thủa mà gác lên công muôn đời hay sao? Vì vậy phải phong công đầu cho Hồ Yển. Chư tướng nghe rõ rồi, ai ai cũng đều khâm phục. (Đông Châu Liệt quốc, Võ Minh Trí - 534)
Thế là võ lực không bằng tín nghĩa (đức độ).
4. Hào Cửu tứ
九 四: 貞 吉 悔 亡,藩 決 不 羸,壯 于 大 輿 之 輹。
象 曰: 藩 決 不 羸,尚 往 也。
Hào Cửu tứ. Cửu tứ. Trinh cát hối vong.
Phiên quyết bất luy. Tráng vu đại dư chỉ phúc.
Tượng viết:
Phiên quyết bất luy. Thượng vãng dã.
Dịch.
Một lòng minh chính mới hay,
Hết ngay hối hận, hết ngay phàn nàn.
Dậu phên giăng mắc đã tan,
Cưỡi xe trục mạnh, đàng hoàng ruỗi rong.
Tượng rằng: Dậu hết vướng ngăn,
Cưõi xe rong ruỗi, băng băng dặm trường.
Hào Cửu Tứ đứng đầu quần dương, tức là lãnh tụ trong đám quân tử, vì thế hào tứ khuyên hãy gìữ con đường minh chính mới hay, mới lành, mới khỏi ăn năn hối hận. Hào Cửu tứ trước mặt có hai Hào Âm, vì thế mới nói dậu phên đã bị khai phá, không còn là trở ngại nữa.
Lại nói có sức mạnh tinh thần, sẽ lướt thắng được mọi trở lực, cũng như nhờ sức mạnh vô hình của cốt xe, của trục xe, mà xe mang nổi được cả xe.
Cửu tứ. Trinh cát hối vong. Phiên quyết bất luy. Tráng vu đại dư chi phúc. Cũng có thể hiểu rằng: Nhờ sự kiên trì, bền bĩ, con người sẽ lướt thắng được mọi trở lực, cùng như nhờ sức mạnh vô hình của cốt xe, của trục xe, mà xe mang tải được nhưng trọng lượng lớn. Tấn Văn Công, nhờ ở sự kiên trì, bền bĩ, nên sau nhiều năm lưu lạc, đa trở về tấn mà lập nghiệp bá. Khi mà trở lực hết rồi, thòi có thể thẳng tiến mãi mãi. Vì thế Tượng bàn thêm: Phiên quyết bất luy. Thượng vãng dã. Thượng đây là tiến lên mãi mãi.
5. Hào Lục ngũ.
六 五: 喪 羊 于 易,無 悔。
象 曰: 喪 羊 于 易,位 不 當 也。
Lục ngũ. Táng dương vu dị. Vô hối.
Tượng viết:
Táng dương vu dị. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Ôn hòa, dê hết lố lăng,
Ôn hòa đối xử, ăn năn lẽ nào.
Tượng rằng: Ôn hòa dê hết lố lăng,
Vị ngôi chẳng đáng, hung hăng cách nào.
Hào Lục ngũ nói: Táng dương vu dị. Vô hối. Có nhiều cách giải nghĩa hào này: Trình Tử giải rằng: Hào năm Âm nhu, mà bốn Hào dưới toàn là Dương. Khí thế hung hăng, nhưng Lục ngũ có thể dùng Âm nhu, mà hóa giải được sự cương táo của quần Dương. Trương Trung Khê cũng gỉải như vậy, và trích lời vua Quang Võ: Ta lấy nhu mà trị thiên hạ.
Tượng viết: Táng dương vu dị. Vị bất đáng dã.
6. Hào Thượng lục.
上六 : 羝 羊 觸 藩,不 能 退,不 能 遂,無 攸 利,艱 則 吉。
象曰: 不 能 退,不 能 遂,不 祥 也。 艱 則 吉,咎 不 長 也。
Thượng lục. Đê dương xúc phiên. Bất năng thoái.
Bất năng toại. Vô du lợi. Gian tắc cát.
Tượng viết:
Bất năng thoái. Bất năng toại. Bất tường dã.
Gian tắc cát. Cữu bất trường dã.
Dịch.
Dậu phên dê đực húc càn,
Tiến lui đều mắc, biết làm sao đây.
Bề nào cũng chẳng mắn may,
Biết mình gặp khó, mới hay, mới lành.
Tượng rằng:
Tiến lui đều chẳng được nào,
Thế là gặp lúc lao đao, chẳng lành.
Biết mình gặp bước chông chênh,
Là hay, vì biết tội tình làm sai.
Hào Thượng lục này tượng trưng cho một người đi quá trớn, thành ra mắc kẹt tiến thoái lưỡng nan, chẳng khác nào con dê húc càng vào dậu, vướng sừng không thể tiến lui được nữa. Nếu họ sớm nhận ra khuyết điểm của mình, thời tội lỗi cũng không bao nhiêu. Vì thế Thượng lục nói: Đê dương xúc phiên. Bất năng thoái. Bất năng toại. Vô du lợi. Gian tắc cát.
Áp dỤng quẺ ĐẠI TRÁNG vào thỜi đẠi.
Ta sinh ra đời, phải biết dùng sức mạnh mình mà thay đổi ngoại cảnh, để mọi sự sẽ tiến tới thành toàn. Chúng ta phải có kế hoạch cho cuộc đời ngay từ thủa còn thơ. Ta phải biết ta phải làm những gì, sẽ làm những gì; và cố gắng thực hiện nó. Nhưng đôi khi, kế hoạch dự định đó khó, thì ta cần phải có chí khí và dũng cảm.
Con người dũng cảm, chí khí, là con người:
- Thấy việc nghĩa nhất định phải làm.
- Thiết tha với hoài bão của mình.
- Tìm mọi biện pháp để thực hiện.
- Bền tâm, dốc chí thực hiện cho được hoài bão đó, không quản khó nhọc, gian lao.
Chúng ta phải hiểu rõ: sức mạnh của chân tay, chỉ giải quyết được những công việc nhỏ, nhưng sức mạnh của trí lực hơn gấp bội phần. Ví dụ: muốn phá núi để mở đường, nếu dùng sức người thì sao bằng dùng thuốc nổ.
* Một người mẹ thương con, họ có thể hy sinh hết cho con. Một người đang hư hỏng, hoang đàng, nếu yêu tha thiết một người nào, có thể thay đổi để trở thành một người tốt. Đó là sức mạnh tâm tình.
* Một người làm nên, có địa vị, hoặc giầu có, thì đi giao thiệp hay làm việc gì đều có lợi hơn một người không có gì cả. Đó là sức mạnh của Thể lực.
* Lưu manh, trộm cướp, phá hại xã hội, chỉ có chính quyền mới tiêu diệt nổi chúng. Đó là sức mạnh của Quyền lực.
Tóm lại, chỉ có sức mạnh của bạo tàn thì sẽ không đi tới đâu!
35. 火地晉 HỎA ĐỊA TẤN
Tấn Tự Quái | 晉 序 卦 |
Vật bất khả dĩ chung tráng | 物 不 可 以 終 壯 |
Cố thụ chi dĩ Tấn | 故 受 之 以 晉 |
Tấn giả tiến dã. | 晉 者 進 也 |
Tấn Tự Quái
Mạnh rồi, chẳng lẽ mạnh suông,
Cho nên quẻ Tấn vẽ đường tiến lên,
Tấn là tiến lên, sáng láng, rục rỡ, như mặt trời mọc lên dần dần, tỏa ánh quang huy ra khắp mọi nơi.
Dịch Kinh có 3 quẻ đề cập đến sự tiến triển.
- Một là Tấn, là mặt trời tiến lên. Hai là Thăng, là cây từ lòng đất vươn lên. Ba là Tiệm, là cây từ sườn non vươn lên. Trong ba quẻ, thì Tấn là phát triển, thẳng tiến mạnh nhất. Quẻ Tấn trên là Ly, có nghĩa là quang minh, dưới là Khôn, có nghĩa là nhu thuận. Thượng minh, hạ thuận, tức là ứng vào một hoàn cảnh mà vua thời minh, tôi thời hiền, dưới trên tương đắc.
I. Thoán.
Thoán Từ.
晉:康侯用錫馬蕃庶,晝日三接。
Tấn. Khang hầu. Dụng tích mã phồn thứ. trú nhật tam tiếp.
Dịch. Thoán Từ.
Tấn như một vị khang hầu
Được ban nhiều ngựa, ngày chầu ba phiên.
Thoán đề cập đến một vị khang hầu, giúp vua trị an đất nước, được vua hết sức sủng ái, ban cho ngựa xe đầy rẫy, lại còn cho vào triều kiến một ngày mấy lần. Kinh Thi, Đại nhã, Thiên hàn Dịch có tả cảnh Hàn Hầu, dòng dõi vua Đại Võ, về triều yết kiến vua Chu Tuyên Vương (827-781), được vua này hết sức trọng đãi, và ban cho cờ, xe, và nhiều đồ quý giá để trang hoàng cho xe ngựa.
Xuân Thu Tả Truyện có chép rằng: năm Hi Công thứ 28, Tấn Hầu là Tấn văn Công Trùng Nhĩ về triều kiến vua Bình Vương, cũng đã được vua này phong cho làm bá và đã được vào triều yết tất cả là ba lần.
Thoán Truyện.
彖曰: 晉,進也。 明出地上,順而麗乎大明,柔進而上行。
是以康侯用錫馬蕃庶,晝日三接也。
Thoán viết:
Tấn. Tiến dã. Minh xuất địa thượng. Thuận nhi lệ hồ đại minh.
Nhu tiến nhi thượng hành. Thị dĩ khang hầu. Dụng tích mã phồn thứ.
Trú nhật tam tiếp dã.
Dịch.
Thoán rằng: Tấn ấy tiến lên,
Sáng từ mặt đất, sáng lên rõ ràng.
Thuận thừa nương ánh dương quang,
Mềm từ dưới thấp, nhịp nhàng tiến lên.
Nên rằng: hầu tước uy quyền,
Được ban nhiều ngựa, ba phiên ngày hầu.
Thoán Truyện, giải Tấn là Tiến. Vừng Dương từ chân trời, lừng lững tiến mãi lên, tung tỏa quang huy, chiếu soi cùng muôn vật, vì thế nên gọi là Tấn. Tấn, về phương diện nhân sự, ứng vào thời có quân minh, thần trung; thần thì một lòng thần phục đấng minh quân; đấng minh quân thời biết khuất kỷ, hạ hiền. Vì thế mới nói: Tấn. Tiến dã. Minh xuất địa thượng. Thuận nhi lệ hồ đại minh.
Quẻ tấn là từ quẻ Quan biến thành. Hào Lục tứ quẻ Quan tiến lên thành Hào Lục ngũ quẻ Tấn; vì thế nên nói: Nhu tiến nhi thượng hành. Những quẻ kép, mà có Ly ở trên, thường hay có chữ Nhu tiến nhi thượng hành. Nơi quẻ Phệ Hạp, thì lại nói: Nhu đắc trung nhi thượng hành, nhưng ý cũng như vậy.
II. Đại Tượng Truyện.
象曰: 明出地上,晉﹔君子以自昭明德。
Tượng Viết:
Minh xuất địa thượng. Tấn. Quân tử dĩ tự chiêu minh đức.
Dịch. Tượng rằng:
Lửa từ mặt đất tấn cao.
Nên người quân tử chuốt chau tính Trời.
Người quân tử thấy mặt trời từ lòng đất mọc lên, cũng bắt chước làm cho tàn lửa thiên chân trong mình ngày một thêm sáng tỏ.
- Mặt trời, vốn quang minh; bị trái đất che khuất mới không sáng soi được.
- Thần trong ta, vốn quang minh; bị dục tình che khuất mới không sáng soi được.
Vậy chúng ta phải khử nhân dục, thì vừng Dương thiên lý trong ta mới bừng sáng lên được.
Dịch muốn cho chúng ta, đi đến chỗ phối thiên huyền hóa. Cho nên mới khuyên ta tự cường bất tức, để theo gương trời tự chiêu minh đức, làm rạng tỏ vầng sáng thiên chân trong tâm hồn ta, để tranh huy với vùng dương của Trời đất.
Mới hay lời khuyên của Dịch vừa hay, vừa sâu sắc.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.
1. Hào Sơ lục.
初六: 晉如,摧如,貞吉。 罔孚,裕無咎。
象曰: 晉如,摧如﹔獨行正也。 裕無咎﹔未受命也。
Sơ lục. Tấn như tồi như. Trinh cát. Võng phu. Dụ vô cữu.
Tượng viết:
Tấn như tồi như. Độc hành chính dã. Dụ vô cữu. Vị thụ mệnh dã.
Dịch. Sơ lục.
Tiến lên, mà bị cản lui,
Lòng luôn minh chính, âu thời mắn may.
Ví bằng đấy chửa tin đây,
Lâng lâng, thanh thản lòng này quản chi,
Vậy thời nào có lỗi gì?
Tượng rằng:
Tiến lên, mà bị cản lui,
Thi hành chính đạo, âu thời riêng ta.
Lâng lâng, thanh thản khoan hòa,
Là vì lộc nước, mệnh vua chưa từng.
Hào Sơ lục là bước đâu tiên của một hiền thần, trên con đường tiến thân. Muốn tiến lên, mà lại bao khó khăn, trắc trở còn đang chờ đợi. Vì thế Hào từ mới nói: Tấn như tồi như, tiến lên mà bị ngăn chận, bắt phải lui.
Trong trường hợp ấy, hãy biết chờ thời, ăn theo lẽ phải, ung dung, thanh thản, sống cho qua ngày, đừng nóng lòng vội, tiến như vậy mới khỏi lỗi lầm.
Hàn Tín từ Hàm Dương băng rừng, vượt suối, để về thần phục Bái Công. Tuy Hàn Tín có thư của Trương Lương tiến cử với Bái Công để lãnh chức Nguyên Nhung nhưng Hàn Tín không chịu đưa bức thư ấy ra vội.
Bái Công mới đầu không tin Hàn Tín có tài, nên chỉ cho làm một chức quan nhỏ coi lương hướng; nhưng Hàn Tín không lấy thế làm buồn, vẫn ra sức làm phận sự cho chu toàn. Thật là Võng phu. Dụ vô cữu.
Khi người chưa tin mình, mình cứ sống ung dung, thanh thản, mới tránh khỏi lỗi lầm. Vả lại mình chưa cơm nặng áo dầy của ai, thì việc chi mà chẳng sống cho tiêu sái (Dụ vô cư. Vị thụ mệnh dã).
2. Hào Lục nhị
六二: 晉如,愁如,貞吉。 受茲介福,于其王母。
象曰: 受之介福,以中正也。
Lục nhị.Tấn như sầu như. Trinh cát. Thụ tư giới phúc vu kỳ vương mẫu.
Tượng viết;
Thụ tư giới phúc. Dĩ trung chính dã.
Dịch. Lục nhị.
Tiến lên lòng những âu sầu,
Một niềm minh chính, trước sau tốt lành.
Rồi ra phúc lộc quân doanh,
Là vì trung nghĩa, phân minh đường hoàng.
Hào Lục nhị, tượng trưng những bậc thần tử có tài, muốn tiến lên, cho vua biết mặt, chủ biết tên, nhưng bị những quan chức triều đình úy kỵ, ghét ghen, cố dìm, không để cho xuất đầu lộ diện được. Trong trường hợp ấy, cũng vẫn phải cư xử cho phải phép, chóng chầy rồi sẽ được vinh hoa, quyền cao, chức trọng, vì thế Hào từ mới nói: Tiến như sầu như. Trinh cát. Thụ tư giới phúc vu kỳ vương mẫu. Chữ Giới đây nghĩa là lớn. Chữ vưong mẫu đây ám chỉ Hào Lục ngũ, tức là vua.
Tiết nhân Quý là một anh tài xuất chúng, ra đầu quân để đi Chinh Đông giúp vua Đường, chém tướng phá thành, mà bao công lao đều bị Trương Sĩ Quý gạt gẫm chiếm hết cho con rể là Hà Tôn Hiến. Mãi mãi, chỉ là một tên Hỏa đầu quân, đến nỗi một đêm phải nhìn trăng mà than rằng: Trăng ôi! Trăng có biết ta là Tiết Nhân Quý đứng đây; vì công danh nên bị khổ, bấy năm chày khóa hải Chinh Đông, biết bao công khó, chẳng hay chúa thượng có rõ nỗi lòng, chớ ở Nguyệt Tụ Hiệu này hoài, thì cực thân quá đỗi.
Nghĩ như bọn quân kia, có nhiêu người còn hớn hở, kẻ thì tiền công, người thì rượu thưởng, vui vầy, còn ta chịu khó nhọc phá thành này, lấy lũy nọ, suốt đòi làm Hỏa Đầu quân, mãi mãi vậy thôi. Biết ngày nào trả đặng ơn dầy, đền nghĩa nặng, còn vợ con nơi hang đá, ấm lạnh cũng chẳng hay. Trăng ôi! Trăng dẫu biết, cùng chẳng biết, lòng nghĩ riêng, bi thiết mà thôi. (Chinh Đông, trang 120).
Mãi sau này, khi một ngựa, một kích, đánh bại Cáp Tô Văn, cứu được vua Đường Thế Tôn, mới dần dần khôi phục được công lao. Lấy chuyện Tiết Nhân Quý, để giải thích Hào Lục nhị này, tưởng không gì thích hợp hơn.
3. Hào Lục tam.
六三: 眾允,悔亡。
象曰: 眾允之,志上行也。
Lục tam. Chúng doãn. Hối vong.
Tượng viết:
Chúng doãn chi. Chí thượng hành dã.
Dịch. Lục tam.
Mọi người ý hợp, tâm đầu,
Còn đâu hối hận, còn đâu phàn nàn.
Tượng rằng: Mọi người ý hiệp, tâm đầu,
Con đường tiến bộ, cùng nhau thượng hành.
Hào Lục tam. Khi một vị anh tài đã được mọi người kính phục, thì bấy giờ bước tiến sẽ thanh thản, và không còn gì bận lòng nữa. Khi Hàn Tín đã đem sở học của mình, làm cho Tiêu Hà, Đằng Công phục rồi, bấy giờ mới mang thư tiến cử của Trương Lương ra cho họ xem. Tiêu Hà, Đằng Công lại một phen nữa bảo tấu cho Hàn Tín.
Bái Công, sau khi đã rõ đầu đuôi, mới phục tài Hàn Tín, mới chịu lập đàn bái tướng, phong Hàn Tín làm Phá Sở Đại Nguyên Soái. Thế đúng là: Chúng doãn chi. Chí thượng hành dã.
4. Hào Cửu tứ.
九四: 晉如碩鼠,貞厲。
象曰: 碩鼠貞厲,位不當也。
Cửu tứ. Tấn như thạng thử. Trinh lệ.
Tượng viết:
Thạch thử trinh lệ. Vị bất đáng dã.
Dịch. Cửu tứ.
Tiến mà như chuột, hay chi,
Gian manh như chuột, ắt khi nguy nàn.
Tượng rằng:
Gian manh như chuột, ắt nguy,
Vị ngôi chẳng xứng, ắt khi lỡ làng.
Hào Cửu tứ là một Hào Dương, nằm sát ngay dưới Hào Lục ngũ, nhưng lại đè trên 3 hào Âm. Như vậy chẳng khác nào một gian thần che mắt vua, mà đè nén người có công ở dưới. Triều đình xưa nay, thường hay có hạng gian thần này. Dịch Kinh sánh họ với những con chuột đồng. Chuột đồng thì tham ăn, sợ người, sợ ánh sáng; ngày nấp, đêm ra. Những bọn gian thần cũng tham quyền cố vị; úy kỵ kẻ hiền tài, lại chuyên làm những điều ám muội.
Vì thế nói: Tấn như thạng thử. Trinh lệ.
Trong Kinh Thi, Ngụy Phong cũng có bài thơ Thạch Thử để mà chi; trích bọn tham quan này.
5. Hào Lục ngũ.
六五: 晉其角,維用伐邑,厲吉無咎,貞吝。
象曰: 維用伐邑,道未光也。
Lục ngũ. Hối vong. Thất đắc vật tuất. Vãng cát vô bất lợi.
Tượng viết:
Thất đắc vật tuất. Vãng hữu khánh dã.
Dịch. Lục ngũ.
Hết còn hối hận, phàn nàn,
Cuộc đòi thành bại, chẳng màng, chẳng lo,
Khi nên, trời sẽ giúp cho,
Rồi ra muôn sự tròn vo, êm đềm.
Tượng rằng: Đắc thất chẳng màng,
Việc gì rồi cũng muôn vàn mắn may.
Lục ngũ, tượng trưng bậc đại minh, mà người dưới đều thuận phục, như vậy làm gì chẳng nên, có việc gì mà phải ăn năn nữa. Vì thế nói: Lục ngũ, Hối vong.
Ngự Án cho rằng: Lục ngũ là vị khang hầu, và cũng là chủ quẻ Tấn này, vì Thoán Từ nói đến một vị khang hầu được đãi ngộ hẳn hoi. Thoán Truyện lại nói: Nhu tiến nhi thượng hành. Thoán Từ đòi hỏi vị khang hầu phải là người hoàn hảo. Những người tiến lên, mà còn nhỏ nhen, bo bo chuyện đắc thất, Ngự Án coi họ như là con chuột đồng, hay những kẻ phàm phu. Còn những bậc đại công thần, thì chỉ biết tận trung báo quốc, không màng đến chuyện được mất, lợi hại.
Ngược lại, các nhà bình giải lại cho rằng: Lục ngũ là một vị anh quân, khi đã tìm được hiền thần phụ bật rồi, thì đừng nên quá quan tâm về chuyện đắc thái, như vậy mới hay.
Chữ đắc thất vật tuất, đây phải hiểu là được, mất chớ lo. Người xưa cho rằng: mình hãy lo nghị luận chi xác đáng, đừng lo lợi lộc, hãy lo làm cho đạo nghĩa sáng tỏ, đừng kẻ công lao. (Nhân chính, kỳ nghị, bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đảo, bất kể kỳ công).
Trương Trung Khê bình rằng: Lục ngũ là một vị quân chủ biết làm sáng tỏ đức sáng của mình, nên thiên hạ, thần dân ai cũng thuận phục, như vậy không còn gì phải phàn nàn.
Nếu mà lại có thể giữ cho lòng không bị hệ lụy, bởi những chuyện đắc thất, không để cho ưu tư làm hao tổn lao lung, rồi cứ đường ấy mà tiến, thì làm gì mà chẳng hay, chẳng lợi.
Vì thế mới nói: Thất đắc vật tuất. Vãng cát vô bất lợi
6. Hào Thượng cửu
上九: 晉其角,維用伐邑,厲吉無咎,貞吝。
象曰: 維用伐邑,道未光也。
Thượng Cửu. Tấn kỳ giác. Duy dụng phạt ấp. Lệ cát. Vô cữu. Trinh lận.
Tượng viết: Duy dụng phạt ấp. Đạo vi quang dã.
Dịch. Thượng củu.
Tiến mà tiến độc đôi sừng,
Ấp mình riêng trị, trị chừng ấy thôi.
Biết nguy, biết hiểm, may rồi,
Trị binh khéo léo, âu thời lỗi chi.
Nếu như sinh dụng quyền uy,
Ưa dùng võ lực, thế thì tiếc thay.
Tượng rằng: Đánh độc ấp mình,
Nghĩa là đạo đức chưa thành quang hoa.
Thượng Cửu nói: Tấn Kỳ giác. Tiến bằng sừng, tức là đã hết đường tiến rồi, đã tiến đến cùng rồi.
Lúc ấy Trình Tử cho rằng cần phải biết tự trị, tự xử cho hay, lại phải biết đề phòng nguy hiểm, mới tốt.
Chữ Duy dụng phạt ấp của Hào này được Trình Tử giải như sau: Chinh phạt tứ phương là trị ngoại, chinh phạt ấp mình là trị nội. Nói phạt ấp tức là nói tự trị phía bên trong. Ngự Án cũng cho rằng, khi đã tiến đến cùng rồi, hãy lo giữ mình, đừng làm điều sằng bậy; ở nhà thì lo giáo hóa con cái, cai trị tôi đòi, khi ra ngoài thì giao thiệp cho nghiêm cẩn. Bằng cứ một mức tiến nữa, dẫu may mà chẳng gặp hiểm nguy, nhiều khi vẫn thấy tự thẹn với lòng.
Có nhiều nhà bình giải lại cho rằng: lúc Tấn đã đến cùng cực, nếu cần phải dùng võ lực, để sửa trị ấp mình thì cũng được đi, không có gì đáng trách (Duy dụng phạt ấp. Lệ cát. Vô cữu). Tuy nhiên, khi mà đức độ chưa đủ cảm lòng người, còn phải dùng võ lực để chinh phục người, thì kể ra cũng đáng hổ thẹn vậy (Trinh lận).
Áp dỤng quẺ TẤN vào thỜi đẠi.
Con người sinh ra đời, luôn luôn phải tiến lên, để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.
* Khi còn ở học đường, ta tiến lên bằng các chăm chỉ học hành, có điều gì không hiểu thì hỏi thầy, hỏi bạn, tìm hiểu thêm trong sách vở ở ngoài, chứ đừng tiến lên bằng nhưng thủ đoạn gian manh, bề ngoài thì có bằng cấp, nhưng thực tế thì kiến thức thu thập được ở học đường không bao lăm, ra ngoài khó kiếm việc làm, tạo cảnh dở khóc dở cười.
* Khi đang làm việc, muốn tăng lương, tăng chức, thì phải chăm chỉ, nghiên cứu thêm để có nhiều sáng kiến mới, phải mang những sáng kiến đó lên thượng cấp của mình. Nhưng khi mình đã được trọng dụng rồi, thì phải tùy theo trí thông minh và sức khoẻ của mình mà tiến lên, chứ đừng cố gắng tối đa, (nhất là những người ở thành phần phát minh, phải cần có bộ óc cực kỳ sáng suốt), có thể gây ra sự suy nhược thần kinh, đó là điều quẻ Tấn muốn khuyên ta: Tiến nhưng đừng tiến vượt quá sức mình.
* Khi thấy mình là thành phần suất sắc, có khả năng đào tạo được một cơ sở độc lập, thì cứ mạnh bạo tiến lên, ví gặp khó khăn đừng nản chí, vì ở đòi có sự thành công nào mà không gặp khó khăn lúc ban đầu đâu.
Nhưng dù làm gì, cũng phải ngay thẳng, minh chính. Dùng mưu lược, thủ đoạn để bảo vệ mình thì không sao, nhưng để hãm hại người, mưu lợi cho mình, thì người quân tử không bao giờ làm.
36. 地 火 明 夷 ĐỊA HỎA MINH DI
Minh Di Tự Quái | 明 夷 序 卦 |
Tấn giả tiến dã. | 晉 者 進 也. |
Tiến tất hữu sở thương. | 進 必 有 所 傷. |
Cố thụ chi dĩ Minh Di. | 故 受 之 以 明 夷. |
Di giả thương dã. | 夷 者 傷 也. |
Minh Di Tự Quái
Cho nên, quẻ Tấn vẽ đường tiến lên.
Tiến trình âu lắm oan khiên.
Minh Di vì vậy, nói lên sự tình.
Quẻ Minh Di, trái ngược với quẻ Tấn. Tấn là mặt trời mọc lên cao mãi, khỏi mặt đất. Minh Di là mặt trời chìm dần xuống lòng đất.
Tấn là một thời kỳ minh thịnh, trên thì có minh quân, dưới thì có hiền thần, cùng nhau tiến bước.
Minh Di, là một thời kỳ hôn ám, trên là hôn quân, dưới là quân thần thọ thương, thọ khổ.
Gọi là Minh Di, có nghĩa là ánh sáng bị thương tổn, quân tử bị thương tổn, tai nạn.
I. Thoán.
Thoán từ.
明 夷. 利 艱 貞.
Minh Di. Lợi gian trinh.
Dịch.
Minh Di mà biết nguy nan,
Lại luôn chính trực, mới gan, mới lời.
Minh Di, là thời quân tử lâm nàn, nên Thoán từ mở đầu bằng một lời khuyên: Gian nan mà vẫn giữ được chính lý, chính đạo, mới hay: Minh Di. Lợi gian trinh.
Thoán Truyện.
彖 曰. 明 入 地 中. 明 夷. 內文 明 而 外 柔 順. 以 蒙 大 難. 文 王 以 之.
利 艱 貞. 晦 其 明 也. 內 難 而 能 正 其 志. 箕 子 以 之.
Thoán viết:
Minh nhập địa trung. Minh Di. Nội văn minh nhi ngoại nhu thuận.
Dĩ mông đại nạn. Văn vương dĩ chi. Lợi gian trinh. Hối kỳ minh dã.
Nội nạn nhi năng chính kỳ chí. Cơ Tử dĩ chi.
Dịch.
Thoán rằng: sáng nhập đất rồi,
Minh Di là sáng chôn vùi tầng sâu.
Trong tuy sáng tỏ mặc dầu,
Ngoài thời nhu thuận, qua cầu gian nan.
Văn Vương gặp buổi tai nàn,
Đã theo lối đó, mới an mới lành.
Gian nan, mà vẫn trung trinh,
Thế thời ích lợi âu đành mấy mươi.
Giấu che thông sáng với đời,
Gặp cơn hoạn nạn, chẳng rời trung trinh.
Sắt son giữa buổi điêu linh,
Được như Cơ Tử, sử sanh mấy người.
Thoán Truyện giải hai chữ Minh Di là Minh nhập địa trung, nghĩa là Ánh sáng đã vào lòng đất
Thoán Truyện bày cách cho người quân tử xử sự khi gặp thời buổi Minh Di, khi mà hôn quân những toan hãm hại mình. Lúc ấy người quân tử, tuy tâm thần bên trong sáng láng, nhưng bên ngoài phải tỏ ra phục tùng, nhu thuận. Đó là đường lối Văn vương đã theo, khi gặp đaị nạn, và bị Trụ Vương cầm tù bảy năm ở Dũ Lý.
Thoán rằng: Nội văn minh. Nhi ngoại nhu thuận. Dĩ mông đại nạn. Văn Vương dĩ chi. Mông đây là gặp.
Gặp thời buổi gian nan như vậy, phải biết che dấu sự thông sáng của mình, mà vẫn giữ tròn được chính đạo, thế mới là đường lối vẹn toàn. Cơ Tử đã theo được đường lối này. Lợi gian trinh. Hối kỳ minh dã. Nội nạn nhi năng chính kỳ chí. Cơ Tử dĩ chi. Gặp lúc hôn quân nghi kỵ, mà không dấu được sự thông minh sáng láng của mình, tất sẽ gặp hoạn nạn; bằng không giữ được lòng ngay chính, thì không phải là những trang hiền minh, trung liệt.
Người xưa nói: Người có nhân, không vì thịnh suy, mà đổi tiết, Người có nghĩa, không vì còn, mất mà thay lòng. Thực đúng là trường hợp Cơ Tử. Văn vương và Cơ Tử chẳng những đã khéo xử, trong thời Minh Di, nên đã thoát được tay Trụ Vương hãm hại, mà còn lợi dụng đưọc thời Minh Di, mà làm nên sự nghiệp.
Văn Vương, trong 7 năm bị giam cầm ở Dũ Lý, đã biết lợi dụng thời gian đó mà làm Dịch. Còn Cơ Tử giả cuồng, giả dại, đem thân ở đợ cho người, thời lại phát minh ra được vi ý Lạc Thơ của Đại Võ mà viết thành thiên Hồng Phạm Cửu Trù, truyền lại cho hậu thế. Như vậy chẳng đáng phục lắm sao?
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰. 明 入 地 中. 明 夷. 君 子 以 蒞 眾. 用 晦 而 明.
Tượng viết:
Minh nhập địa trung. Minh Di. Quân tử dĩ lỵ chúng. Dụng hối nhi minh.
Dịch. Tượng rằng:
Sáng vào lòng đất, Minh Di,
Nên người quân tử cũng y tượng trời.
Xuề xòa đối đãi với người,
Bề trong sáng suốt, bề ngoài giả lơ.
Tượng Truyện nhân quẻ Minh Di, dạy chúng ta bài học trị dân. Dịch cho rằng: khi người quân tử đến với dân, không nên quá soi mói, tuy bề trong mình sáng láng, nhưng bề ngoài nhiều khi phải giả lơ như là không biết, không nghe. Thế tức là: Quân tử dĩ lỵ chúng. Dụng hối nhi minh.
Mũ miện của vua chúa xưa, thường có những bông tua rủ xuống trước mắt, trước tai, hoặc dùng bình phong che ngoài cửa, cốt tỏ muốn nhắm mắt bưng tai, làm ngơ bớt trước những lỗi lầm của kẻ dưới.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九. 明 夷 于 飛 . 垂 其 翼 . 君 子 于 行. 三 日 不 食.
有 攸 往. 主 人 有 言.
象 曰: 君 子 于 行,義 不 食 也。
Sơ Cửu. Minh Di vu phi. Thùy kỳ dực. Quân tử vu hành.
Tam nhật bất thực. Hữu du vãng. Chủ nhân hữu ngôn.
Tượng viết:
Quân tử vu hành. Nghĩa bất thực dã.
Dịch. Sơ Cửu.
Minh Di, tăm tối nguy thay,
Tìm đường cao chạy xa bay cho rồi.
Cố sao che được mắt người,
Như chim rũ cánh, vẻ ngoài thọ thương.
Ra đi quân tử lo lường,
Ba ngày ròng rã chẳng màng uống ăn.
Đi đâu, cũng bị tiếng tăm.
Miệng đời đàm tiếu, lăng nhăng quản gì.
Tượng rằng: quân tử ra đi,
Cố sao đi thoát, quản gì uống ăn.
Sơ Cửu tượng trưng cho ngươi quân tử gặp thời Minh Di, nhưng hãy còn xa hôn quân, xa họa hoạn.
Lúc ấy phải xử trí ra sao? Thưa phải tìm đường cao phi, viễn tẩu. Thế tức là Minh Di vu phi. Tống Bản thập tam kinh giải chữ Vu phi, là theo một đường lối đặc biệt, để thoát nạn, là phải giả đò ốm đau, bệnh hoạn, để dễ bề rút lui, chẳng khác nào con chim bị thương, rũ cánh xuống; Thùy kỳ dực.
Đã đi trốn được rồi, phải đi cho cấp tốc, kẻo bị bắt lại; đừng kể chi đến ăn uống nữa, dầu nhịn đói ba ngày mà cứu được mạng mình, cũng nên nhịn mà trốn. Quân tử vu hành. Tam nhật bất thực. Khi hiểm nguy chưa biểu lộ, mà mình lo đi gấp, âu sẽ có nhiều người chê cười, cho là hèn nhát, là điên cuồng. Nhưng người quân tử phải kiến cơ nhi tác, chứ không đợi nước đến chân mới nhẩy. Vì thế Hào từ viết thêm: Hữu du vãng. Chủ nhân hữu ngôn. Chữ Chủ nhân đây không nhất thiết phải là chủ nhân của mình, mà cũng có thể hiểu trống là người ta. Trình tử cũng giải thích rằng: Mình ra đi, mà có người nói xấu sau lưng mình.
Khi Mục Sinh, rời nước Sở, thì Thân Công, Bạch Công, đều chê là chẳng phải, chứ đừng nói chi đến người thường, nhưng có biết đâu Mục Sinh ra đi để lánh nạn Tư Mỹ. Các nhà bình giải Quẻ Minh Di, cũng thường lấy chuyện các hiền thần đời vua Trụ, mà giải các Hào.
Hào Sơ này làm ta liên tưởng đến Bá Di, chạy lên biển Bắc; Thái Công Vọng, chạy ra biển Đông, để lánh nạn Trụ Vương. Bầy mưu, tính kế, để cao chạy xa bay, đó là cách thế người xưa thường dùng.
Đọc Tây Hán Chí, ta thấy Bái Công, Trương Lương và Trần Bình, phải tốn bao tâm cơ, mới được Hạng Võ cho phép vào Hán Trung. Và khi đã được Hạng Võ chấp thuận rồi, Bái Công đã vội vã ra đi, thoát nanh vuốt Hạng Võ, sớm chừng nào hay chừng nấy. Thật đúng là: Quân tử vu hành. Nghĩa bất thực dã.
2. Hào Lục nhị.
六 二. 明 匈 . 夷 于 左 股 . 用 拯 . 馬 壯 . 吉.
象 曰. 六 二 之 吉. 順 以 則 也 .
Lục nhị. Minh Di. Di vu tả cổ. Dụng chửng. Mã tráng. Cát.
Tượng viết:
Lục nhị chi cát. Thuận dĩ tắc dã.
Dịch.
Minh Di phải buổi nhiễu nhương,
Làm cho đùi trái thọ thương mất rồi.
Ngựa hay, sẽ cứu được người,
Ruổi rong lưng ngựa, may thời ắt may.
Tượng rằng: Lục nhị gặp may,
Vì theo phép nước, chẳng thay đổi lòng.
Lục nhị đây là một bậc hiền minh chi tài, gặp thời Minh Di, mà biết ăn ở theo lẽ trung chính, lại bên ngoài, biết tỏ vẻ nhu thuận, phục tùng.
Những người như vậy, dẫu gặp hoàn cảnh éo le, nguy hiểm, vẫn biết thuận thời tự xử, chờ tới khi có người đến cứu thoát, cũng y thức như một người mới bị thương, và chân trái tuy không đi được, nhưng nếu có ngựa hay, ngựa mạnh, vẫn có thể cưỡi mà trốn thoát. Vì thế, Dịch mới nói: Lục nhị. Minh Di. Di vu tả cổ. Dụng chửng. Mã tráng. Cát. Đó là trường hợp Văn Vương, khi bị cầm tù ở ngục Dũ Lý. Ngài một niềm trung thuận, giữ trọn đạo bầy tôi.
Sau này, Tán Nghi Sinh sai Thái Diên và Hoàng Yêu dâng vàng bạc, châu báu, cho Vưu Bồn, Bí Trọng, để hai tên gian thần này bảo tấu với Trụ Vương, mà xin tha cho Văn Vương.
Thế tức là: Lục nhị chi cát. Thuận dĩ tắc dã.
3. Hào Cửu tam.
九 三. 明 夷 于 南 狩. 得 其 大 首. 不 可 疾 貞.
象 曰. 南 狩 之 志. 乃 大 得 也.
Cửu tam. Minh Di vu nam thú. Đắc kỳ đại thủ. Bất khả tật trinh.
Tượng viết:
Nam thú chi chí. Nãi đại đắc dã.
Dịch.
Minh Di săn thú phía nam,
Gặp ngay chủ chốt, bắt mang trở về.
Dân tình vất vưởng, ủ ê,
Chớ nên vội vã, ép bề phép khuôn.
Tượng rằng: Săn thú phía nam,
Cho nên việc lớn đã làm nên công.
Cửu tam là chí minh, nên khắc với Hào Thượng Lục là ám. Vì thế nên Hào Cửu tam chính là những người anh tài, như Thang, Võ sẽ ra tay, vì dân trừ kẻ bạo tàn là Kiệt, Trụ. Họ là những kẻ đứng lên, tiến lên để ruồng bắt, những kẻ đại gian, đại ác, hại dân, hại nước.
Dịch nói: Cửu tam. Minh Di vu nam thú. Đắc kỳ đại thủ, chính là vì vậy. Trong công cuộc này, Dịch khuyên không nên vội vàng, nhất là khi phải chỉnh đốn lại guồng máy chính trị, tình hình xã hội. Hào từ nói: Bất khả tật trinh, chính là vì thế.
Kinh Thư, thiên Tửu Cáo khuyên không nên giết hại những quan chức nhà Châu, mắc tật bê tha rượu chè, mà phải giáo hoá, dẫn dụ họ. Từ khi Thành Thang thoát ngục Hạ Đài, cho đến khi lật đổ được vua Kiệt; từ khi Văn Vương thoát được ngục Dũ Lý, cho đến khi Vũ Vương lật đổ được vua Trụ, cũng phải mất nhiều năm, nhiều tháng. Tóm lại muốn lật đổ một hôn quân vô đạo, không phải là một chuyện dễ, cần phải chuẩn bị lâu dài, chứ không thể vội vã được.
4. Hào Lục tứ.
六 四. 入 于 左 腹. 獲 明 夷 之 心. 于 出 門 庭.
象 曰. 入 于 左 腹. 獲 心 意 也.
Lục tứ: Nhập vu tả phúc. Hoạch Minh Di chi tâm. Vu xuất môn đình.
Tượng viết:
Nhập vu tả phúc. Hoạch tâm ý dã.
Dịch.
Phía lòng bên trái lọt vào,
Mới hay tâm địa cơ cầu Minh Di.
Cửa nhà vội bỏ ra đi.
Tượng rằng: ruột trái đi vào.
Ấy là biết được gót đầu tâm tư.
Hào Lục tứ tượng trưng cho một người thân thiết của hôn quân, đã được lòng của hôn quân (Hoạch Minh Di chi tâm. Vu xuất môn đình), đã đi sâu được vào tâm địa của hôn quân (Nhập vu tả phúc. Hoạch tâm ý dã), và biết chắc chắn không có cách nào cảm hóa được hôn quân, không còn cách nào cứu vãn được sự đổ nát của triều chính, vì thế nên đành rứt áo ra đi (Vu xuất môn đình).
Đó là trường hợp Vi Tử, anh ruột vua Trụ, đã phải bỏ nước ra đi (Kinh Thư, Vi Tử).
5. Hào Lục ngũ.
六 五. 箕 子 之 明 夷. 利 貞.
象 曰. 箕 子 之 貞. 明 不 可 息 也.
Lục ngũ. Cơ Tử chi Minh Di. Lợi trinh.
Tượng viết:
Cơ Tử chi trinh. Minh bất khả tức dã.
Dịch.
Bền gan sống buổi Minh Di,
Được như Cơ Tử, còn gì lợi hơn.
Tượng rằng: Cơ Tử bền gan,
Mới hay sáng láng, khó làm tắt đi.
Lục ngũ chính là trường hợp của Cơ Tử. Cơ Tử kề cận quân vương, cầm giường mối cho đất nước, vì thế Cơ Tử không thể ra đi được.
Cơ Tử, sau khi đã khuyên Vi Tử, nên đi trốn, để bảo toàn giòng giõi nhà Thương, đã kết luận: Còn tôi, tôi không nghĩ đến chuyện đi trốn (Ngã bất cố hành độn. Kinh Thư, Vi tử), mà ở lại, thiệt càng khó xử. Muốn Trụ Vương, khỏi hại mình, ông phải giả điên, giả khùng, đi ở đợ cho người. Một hiền thần như vậy, thật đáng quí trọng. Vì thế Hào từ mới nói, Cơ Tử chi trinh. Minh bất khả tức dã. Cơ Tử thực là nhân vật hiếm có trong lịch sử.
Khi nhà Thương còn, thì ông đã hết sức ẩn nhẫn, đợi thời, gây dựng lại cơ nghiệp đã suy tàn. Khi nhà Thương mất, Võ vương khẩn khoản xin ông chỉ cho cách trị dân, thì ông dạy cho Hồng Phạm Cửu Trù, nhưng trước sau, ông nhất định không chịu thờ nhà Châu. Võ vương đành cho ông đến xứ Cao Ly xưng vương, lập quốc. Thật hi hữu vậy.
6. Hào Thượng Lục.
上 六. 不 明 晦. 初 登 于 天. 后 入 于 地.
象 曰. 初 登 于 天. 照 四 國 也. 后 入 于 地. 失 則 也.
Thượng Lục. Bất minh hối. Sơ đăng vu thiên. Hậu nhập vu địa.
Tượng viết:
Sơ đăng vu thiên. Chiếu tứ quốc dã. Hậu nhập vu địa. Thất tắc dã.
Dịch. Thượng lục.
Sáng không sáng lại tối thui,
Trước lên trời thẳm, sau vùi đất sâu.
Tượng rằng: Mới đầu lên vút tận trời,
Sau sa lòng đất, vì rời phép khuôn.
Hào Thượng Lục, là Hào cuối của quẻ Minh Di, và cũng là Hào cuối của quẻ Khôn, tượng trưng ánh sáng bị thương tổn đến cùng cực (Bất minh hối). Không làm sáng được đức mình, để nó trở nên tối tăm; những người thế ấy mà ở cao ngôi, sẽ làm hại những người minh chính, sau cùng họ sẽ trở lại làm hại chính họ. Đó chính là trường hợp Trụ Vương; mới đầu thì uy quyền chấn bốn phương; sau này vì mê Đát Kỷ, chuyên hãm hại hiền thần, lập ra những hình phạt khủng khiếp, như Sái Bồn, Bào Lạc, để cuối cùng cũng đi đến chỗ mất ngôi, mất nước, phải tự thiêu ở Lộc Đài. Thật đúng là : Sơ đăng vu thiên. Hậu nhập vu địa. Đáng cho ta phải để tâm suy nghĩ
Các nhà bình giải, thường lấy các nhân vật đời Trụ Vương mà giải quẻ Minh Di, nhưng Minh Di không phải là một trường hợp lịch sử duy nhất, áp dụng cho thời Trụ Vương mà thôi đâu; mà còn áp dụng mãi mãi trong lịch sử, mỗi khi có hôn quân định hãm hại hiền thần; trụy lạc, hoang dâm làm cho nhà tan, nước mất.
Tiểu Tượng Truyện kết luận rằng: Sự đoạ lạc xẩy ra, là vì không theo định luật tự nhiên của trời đất (Hậu nhập vu địa. Thất tắc dã).
ÁP DỤNG QUẺ MINH DI VÀO THỜI ĐẠI
Minh Di trên là trái đất, dưới là mặt trời. Ý nói trên là hôn quân, đè nén, áp bức, hãm hại một hiền thần ở dưới. Gặp trường hợp nguy hiểm đó, người bầy tôi này phải xử trí ra sao? Thưa, phải dấu bớt sự thông minh, sáng láng của mình, như Văn vương xưa đã làm.
Đọc lịch sử Việt Nam và Trung Hoa, ta thấy, xưa nay các vua chúa giết công thần khá nhiều. Người xưa nói: được chim thì bẻ ná, được cá thì quên nơm, chính là vì vậy.
- Câu Tiễn giết công thần là Văn Chủng, Hán Cao Tổ giết Hàn Tín, Anh Bố và Bành Việt, và khiến cho Trương Lương qui ẩn.
-Đại Minh Hồng Võ Chu Nguyên Chương giết nguyên soái Thường Ngộ Xuân. Ở Việt Nam, thời nhà Lê, vì vụ án Thị Lộ, mà vua Lê Nhân Tông giết và chu di cả 3 họ Nguyễn Trãi. Thời Gia Long năm 16, Nguyễn văn Thành bị kết tội làm phản, và đã tự sát (1817), thật là vô vàn sự tích, không thể kể hết được.
Lời khuyên trên của Kinh Dịch, có ít người đã theo được, ví dụ như Tư Mã Ý đã giả điếc, nên đã thoát nạn.
Từ năm 1789, Pháp đã làm một cuộc Cách mạng lớn. Người ta không còn cho rằng vua chúa được trị vì là do Mệnh Trời. Người ta đề cao giá trị con người. Các Triết gia, Văn gia thời ấy như Diderot,Voltaire, Jean Jacques Rousseau, đã chủ trương Nhân chi sơ, tính bản thiện, (trước kia bên Âu Châu chủ trương Nhân chi sơ, tính bản ác, vì cho rằng con người sinh ra vốn đã ác, là do tội tổ tông), và cho rằng vua chúa chẳng qua chỉ là những công bộc quốc gia mà thôi. Quyền cai trị, là do dân, thuộc dân. Vì dân không đảm nhiệm được sự cai trị, nên dùng lá phiếu của mình để ủy nhiệm người khác. Và trên nguyên tắc, không ai được đặc quyền, đặc lợi gì hơn ai. Cách Mạng 1789 bùng nổ, và chọn khẩu hiệu là Tự Do, Bình đẳng và Anh em (Liberté, Égalité, Fraternité). Cũng từ thuở ấy, Đạo giáo cũng không còn được can thiệp vào chính quyền. Từ Cách Mạng Pháp, phần lớn các nước trong thiên hạ đã dần dần bỏ chế độ Quân chủ, cha truyền con nối, mà theo chế độ dân chủ, thay nhau trị dân, do dân bầu mỗi người một ít năm. Hoặc chỉ còn một số ít nước vẫn còn theo chế độ quân chủ, nhưng là quân chủ lập hiến, vua chỉ là tượng trưng, chứ không có thực quyền như xưa. Ví dụ như vua nước Anh, Nhật vv... Thật là một tiến bộ lớn cho nhân loại, và những chuyện giết chóc vô lý, cũng dần dần không còn nữa.
Ngày nay, các báo chí luôn soi mói vào công việc của chính quyền, nên các vị Nguyên Thủ có muốn cũng không dở dói gì được. Vả lại, muốn lập một Tổng hay Bộ Trưởng, thì ngoài đề nghị của Tổng Thống, còn phải có sự khảo hạch, chọn lựa của Quốc Hội.
Theo tôi, (tác giả bài này) ngày nay hơn xưa, vì hợp tình, hợp lý hơn. Ngày nay, nếu ta bị chính quyền chèn ép, ta phải liệu cao chạy xa bay; đi làm bị cấp trên chèn ép, ta phải liệu tìm sở khác mà làm, để tránh những sự không hay có thể xẩy ra mai sau v.v...
Tóm lại, Học Dịch, Hiểu Dịch, nhưng phải Áp dụng theo Dịch nữa, thì mới là hoàn hảo.
» mục lục | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45
46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
37. 風 火 家 人 PHONG HỎA GIA NHÂN
Gia Nhân Tự Quái | 家 人 序 卦 |
Di giả thương dã. | 夷 者 傷 也 |
Thương ư ngoại giả | 傷 於 外者 |
Tất phản ư gia. | 必 反 於 家 |
Cố thụ chi dĩ Gia Nhân. | 故 受 之 以 家 人 |
Gia Nhân Tự Quái
Di là thương tổn, điêu linh,
Ra ngoài thương tổn, mới quanh về nhà
Gia nhân vì thế mới ra.
Quẻ Gia Nhân, nói về gia đạo. Trong quẻ này:
*Hào Thượng Cửu là cha.
*Hào Sơ Cửu là con.
*Hào Cửu ngũ là chồng.
*Hào Lục nhị là vợ.
*Hào Cửu ngũ, Cửu tam là 2 anh em.
*Hào Lục tứ, Lục nhị là 2 vợ của chúng.
Như vậy, mọi người trong gia đình đều được đề cập tới. Hào Thượng Cửu đây là một Hào Dương cương, tượng trưng rằng trong nhà quyền hành phải ở trong tay người cha.
I. Thoán.
Thoán từ.
家 人. 利 女 貞.
Gia nhân. Lợi nữ trinh.
Dịch.
Muốn cho gia đạo được hay,
Đàn bà cần phải chính ngay mới là.
Quẻ Gia Nhân, cho ta thấy định luật chi phối đời sống gia đình. Nếu chuyển những đinh luật này ra ngoài xã hội, quốc gia, và thế giới, chúng cũng có thể làm cho nước trị, thiên hạ bình.
Quẻ Gia Nhân, toát lược lại quan niệm của Đại Học, và của Nho Giáo. Tức là;
-Thân có tu, gia mới tề. Gia có tề, quốc mới trị, và thiên hạ mới bình.
-Nền tảng gia đình, chính là tình nghĩa vợ chồng. Vợ có chính đính, thủy chung, gia đình mới vững vàng, bền bỉ. Vì thế Thoán từ mới nói: Gia nhân. Lợi nữ trinh.
Thoán Truyện.
彖 曰. 家 人. 女 正 位 乎 內. 男 正 位 乎 外. 男 女 正. 天 地 之 大 義 也.
家 人 有 嚴 君 焉. 父 母 之 謂 也 . 父 父 . 子 子. 兄 兄. 弟 弟 . 夫 夫.
婦 婦. 而 家 道 正. 正 家 而 天 下 定 矣.
Thoán viết:
Gia nhân. Nữ chính vị hồ nội. Nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính.
Thiên địa chi đại nghĩa dã. Gia nhân hữu nghiêm quân yên.
Phụ mẫu chi vị dã. Phụ phụ. Tử tử. Huynh huynh. Đệ đệ. Phu phu.
Phụ phụ. Nhi gia đạo chính. Chính gia nhi thiên hạ định hỹ.
Dịch. Thoán rằng:
Gia nhân, gia đạo trong đời,
Vợ trong chính đáng, chồng ngoài hẳn hoi.
Vợ chồng ngay chính hợp đôi,
Thế là đạt lẽ đất trời xưa nay.
Cần người chủ chốt cho hay,
Mẹ cha chính đáng, cơ ngơi vững vàng.
Cha con, ai nấy đường hoàng,
Anh em, chồng vợ, chững chàng, hẳn hoi.
Moị người đúng vị, đúng ngôi,
Thế là gia đạo rạch ròi, ngắn ngay.
Toàn dân gia đạo đều hay,
Rồi ra thiên hạ đắp xây hòa bình.
Trong gia đình, người vợ phải lo việc nội trợ, phải lo săn sóc, dạy dỗ con cái, trong khi người chồng có bổn phận phải đi ra ngoài, để lo sinh kế. Vì thế, trong quẻ Gia Nhân, Hào Lục nhị là người vợ, thời ở Nội quái; còn Hào Cửu ngũ là người chồng thời ở Ngoại quái.
Phân công như vậy là đúng đường lối của trời đất, vì thế Thoán Truyện viết: Gia nhân. Nữ chính vị hồ nội. Nam chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính. Thiên địa chi đại nghĩa dã. Ở trong gia đình, cha mẹ phải có uy quyền đối với con cái. Con cái phải hiếu thuận đối với cha mẹ.
Nước thời có vua cai trị, mà gia đinh thời có cha mẹ cai trị. Gia nhân hữu nghiêm quân yên. Phụ mẫu chi vị dã. Trong gia đình, ai nấy đều biết bổn phận mình; phải biết cách ăn ở đối với người khác.
-Cha, phải ra cha.
-Con, phải ra con.
-Chồng, phải ra chồng.
-Vợ, phải ra vợ.
-Anh, phải ra anh.
-Em, phải ra em.
Có được như vậy, thì gia đạo mới chính, mà gia đạo có chính, thời thiên hạ mới an bình. Tại sao vậy?
-Vì gia đình, chính là một quốc gia thu hẹp.
-Một người con hiếu thảo, sẽ trở thành một bầy tôi trung nghĩa.
-Anh em trong nhà, biết xử sự với nhau, trên kính, dưới nhường, thời ra đến ngoài xã hội, sẽ biết tôn trọng những bậc trưởng thượng, bảo vệ những người còn ấu trĩ.
Gia đình chính là một trường học dạy nhân luân tốt nhất. Nếu mọi gia đình, đều đua nhau phát huy luân lý, đạo đức, thì làm sao nước còn loạn lạc, xã hội còn đảo điên được. Ngược lại, nếu gia đình mà suy vi, hỗn loạn, tình gia đình mà trở nên lạnh nhạt, thì xã hội tất nhiên cũng sẽ bị xáo trộn. Vì thế Thoán Truyện viết: Phụ phụ. Tử tử. Huynh huynh. Đệ đệ. Phu phu. Phụ phụ. Nhi gia đạo chính. Chính gia đạo nhi thiên hạ định hỹ.
Đại Học cũng viết: Nhất gia nhân. Nhất quốc hưng nhân. Nhất gia nhượng. Nhất quốc hưng nhượng. (Nếu trong một nhà, mà mọi người đều nhân hậu, lần ra cả nước đều có lòng nhân hậu. Nếu trong một nhà, mà mọi người đều lễ nhượng, lần ra cả nước đều ăn ở lễ nhượng) (Đại Học. IX).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰. 風 自 火 出. 家 人. 君 子 以 言 有 物. 而 行 有 恆.
Tượng viết:
Phong tự Hỏa xuất. Gia Nhân. Quân tử dĩ ngôn hữu vật.
Nhi hạnh hữu hằng.
Dịch. Tượng rằng:
Gió từ trong lửa gió ra,
Gió sinh từ lửa, quẻ là Gia Nhân.
Vậy nên quân tử nói năng,
Có bằng, có chứng, nói năng rạch ròi.
Đại phàm hành xử trên đời,
Phải luôn theo đúng lẽ trời mới nên.
(Gió tự Lửa xuất là Gia Nhân. Quân tử nói lời phải cho có mấu cớ. Hành động phải cho có phép tắc bền bỉ).
Gió tự Lửa sinh. Đó là tượng trưng ảnh hưởng từ phía trong lan ra bên ngoài. Trong gia đình cũng vậy, muốn ảnh hưởng đến người, ta cần phải có sức mạnh nội tâm, giá trị nội tại. Muốn ảnh hưởng đến người khác, những lời lẽ của ta phải có một nội dung thiết thực, một giá trị thực tiễn, hợp với hoàn cảnh. Hơn nữa, lời nói của ta phải phù hợp với hành vi, với lề lối sống của ta. Nếu lời nói không đi đôi với việc làm, sẽ không có ảnh hưởng. Chu Hi tóm tắt Đại Tượng Truyện bằng mấy chữ: Thân mình có tu, thời gia đình mới trị vậy. Thật là sâu sắc và chí lý vậy.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九. 閑 有 家. 悔 亡.
象 曰. 閑 有 家. 志 未 變 也.
Sơ Cửu.
Nhàn hữu gia. Hối vong.
Tượng viết:
Nhàn hữu gia. Chí vị biến dã.
Dịch. Sơ Cửu.
Trị gia cốt biết đề phòng,
Ngăn ngừa kỹ lưỡng, sẽ không phàn nàn.
Tượng rằng: Trị gia phải biết phòng ngừa,
Từ khi tâm trí người chưa đổi rời.
Phép trị gia cốt là biết ngăn ngừa, biết đề phòng; đề phòng sao cho mọi người trong gia đình không bước vào con đường biếng lười, bê tha, tội lỗi, lăng loàn, ngang ngược
Người khôn ngoan là phải biết đề phòng. Một chủ gia đình khôn ngoan, cũng như một vị quốc quân khôn ngoan, là người biết đề phòng. Biết đề phòng sẽ tránh được nhiều tai họa. Dịch Kinh không ngớt dạy, phải Phòng nguy lự hiểm và Phòng vi đỗ tiệm.
Đọc Hào Sơ Lục quẻ Khôn, đọc Hệ Từ bình về Hào Cửu ngũ quẻ Bĩ, đọc Hào Lục tứ quẻ Đại Súc, với Hào Sơ quẻ Gia Nhân, ta thấy đều nói lên một định luật: đó là muốn ngăn cấm điều ác, muốn bế tắc điều tà, tất phải gấp lo ở lúc mới manh nha. Nếu chờ khi tà ác đã phát hiện, măng đã thành tre, lúc đó mới ra tay cấm chỉ, thời tuy có Thánh nhân dạy nó, cũng khó cho nó thành tâm, biến chất được. Cũng vì thế mà phương ngôn ta có câu: Dạy con từ thủa còn thơ; dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về.
Có biết lo từ đầu như vậy, sẽ hết hối hận, phàn nàn về sau, vì thế Dịch Kinh mới nói: Hối vong.
Tượng Truyện giải thêm: Có gia đình thời phải biết đề phòng, từ khi ý chí con người chưa kịp biến động. Tượng viết: Nhàn hữu gia. Chí vị biến dã.
2. Hào Lục nhị.
六 二. 無 攸 遂. 在 中 饋. 貞 吉.
象 曰. 六 二 之 吉. 順 以 巽 也.
Lục nhị. Vô du toại. Tại trung quĩ. Trinh cát.
Tượng viết:
Lục nhị chi cát. Thuận dĩ tốn dã.
Dịch.
Chẳng cần thỏa ý riêng tây,
Lo bề gia chánh cho hay, tốt rồi.
Trung trinh, tốt biết mấy mươi.
Tượng rằng: Hào hai sở dĩ tốt lành,
Là vì nhu thuận, trung trinh, dịu dàng.
Hào Lục nhị đề cập đến bổn phận người đàn bà trong gia đình. Trong gia đình người đàn bà không được tự chuyên, tự quyết (Vô du toại). Chỉ cần lo săn sóc cửa nhà, lo vấn đề cơm nước, (Tại trung quĩ), thế là quí lắm rồi (Trinh cát). Lục nhị : Vô du toại. Tại trung quĩ. Trinh cát. Tượng Truyện bình thêm rằng cái hay, cái khéo của người đàn bà trong gia đình, chính là sự nhu thuận, từ tốn.
Tượng viết: Lục nhị chi cát. Thuận dĩ tốn dã.
Muốn cho người vợ trong gia đình thuận tòng, dĩ nhiên người gia chủ phải tài ba, đức độ, khiến được cho người vợ kính phục mình.
3. Hào Cửu tam.
九 三. 家 人 嗃 嗃. 悔 厲 . 吉. 婦 子 嘻 嘻 . 終 吝.
象 曰. 家 人 嗃 嗃. 未 失 也. 婦 子 嘻 嘻 . 失 家 節 也.
Cửu tam. Gia nhân hác hác. Hối lệ. Cát. Phụ tử hi hi. Chung lận.
Tượng viết:
Gia nhân hác hác. Vị thất dã. Phụ tử hi hi. Thất gia tiết dã.
Dịch.
Trong nhà nem nép sợ oai,
Quá nghiêm e cũng một hai phàn nàn.
Quá nghiêm mà vững gia cang,
Quá nghiêm mà được chững chàng cũng hay.
Vợ con hi hí tối ngày,
Phàn nàn hối hận, rồi đây có lần.
Tượng rằng:
Trong nhà nem nép sợ oai,
Cũng chưa đến nỗi là sai là lầm.
Vợ con hi hí lố lăng,
Thế là hỏng hết gia phong mất rồi.
Hào Cửu tam đặt câu hỏi: Trị gia nên nghiêm hay khoan? và cho rằng: Nên nghiêm thì hơn.
Trị gia dẫu quá nghiêm, làm cho mọi người nem nép sợ uy, tuy có hơi quá, nhưng kết quả vẫn là hay, vì gia đạo nhờ đó mà có kỷ cương nề nếp. Còn trị gia, mà nhu nhược quá, thả lỏng mặc cho ai muốn làm gì thì làm, thì lễ tiết trong gia đình sẽ suy bại hết. Vì thế Dịch mới nói: Cửu tam: Gia Nhân hác hác. Hối lệ. Cát. Phụ tử hi hi. Chung lận.
Tượng Truyện bình thêm. Tượng viết: Gia nhân hác hác vị thất dã. Phụ tử hi hi. Thất gia tiết dã. (người nhà mà nem nép, thì cũng chưa đến nỗi mất mát gì. Vợ con mà hơn hớn, thời gia phong dám mất lắm.)
Thời xưa, phép trị gia nghiêm cẩn, nên đạo đức, luân lý, nhờ đó mà được phát huy. Ngày nay, phép trị gia hời hợt, nên mọi người đều phóng túng, dễ sa đoạ.
Thật đúng như sự tiên đoán của Dịch Kinh vậy.
4. Hào Lục tứ.
六 四. 富 家. 大 吉.
象 曰. 富 家 大 吉. 順 在 位 也 .
Lục tứ. Phú gia. Đại cát.
Tượng viết:
Phú gia đại cát. Thuận tại vị dã.
Dịch.
Làm giàu gia đạo rất may.
Tượng rằng:Làm giàu gia đạo rất may,
Vợ nhà hiền thục, xứng tày vị ngôi.
Hào Lục tứ dạy thêm: Phải làm sao cho gia đình trở nên phú thịnh? Dĩ nhiên mỗi người phải có nghề, có nghiệp, phải sản xuất, đồng thời cũng phải biết dè sẻn, tiết kiệm trong sự chi dùng. Một yếu tố khác để cho gia đình trở nên giàu có là mọi người phải đồng lao, cộng tác cùng nhau.
Cũng có thể cắt nghĩa rằng: Sự phú thịnh trong gia đình, phần lớn là nhờ ở người nội trợ. Thực vậy, nếu người nội trợ biết thu vén, biết tùy nghi, biết tiêu pha, biết tiết kiệm, thì gia đình mới trở nên giầu có được.
Tượng viết: Phú gia đại cát. Thuận tại vị dã. Tượng Truyện cho rằng: Làm giầu cho gia đình, mà hay, mà tốt, chính là vì mọi người trong gia đình, đều biết phận sự mình, biết ăn ở xứng với địa vị mình. Nếu vậy sự giầu có ở đây, còn được hiểu là sự giầu có về tinh thần, sự đầm ấm hòa lạc của mọi người trong gia đình nữa.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 王 假 有 家 . 勿 恤 . 吉
象 曰 . 王 假 有 家 . 交 相 愛 也
Cửu ngũ. Vương cách hữu gia. Vật tuất. Cát.
Tượng viết:
Vương cách hữu gia. Giao tương ái dã.
Dịch.
Như vua đến với gia đình,
Hết còn lo lắng, tốt lành hẳn hoi.
Tượng rằng: Như vua đến với gia đình,
Dưới trên đầm ấm, tận tình thương yêu.
Người gia chủ đối với gia đình, cũng như một vì vua trong một nước. Như vậy phải ăn ở sao cho xứng đáng, phải lo sao cho tài đức xứng kỳ vị, phải ý thức được trọng trách của mình, là đem lại trật tự, hoà lạc, thái thịnh và tiến bộ cho gia đình, cũng như bảo vệ, phù trì cho những người dưới quyền mình. Nếu làm được như vậy, thì chẳng việc gì phải lo, phải sợ, vì mọi sự sẽ được tốt đẹp cả. Dịch viết: Cửu ngũ: Vương cách hữu gia. Vật tuất. Cát.
Tượng Truyện bình thêm: Vương cách hữu gia. Giao tương ái dã. Người cha trong gia đình, tuy uy nghi như một vì vua, nhưng phải làm sao gây được niềm tương thân, tương ái trong gia đình. Vậy mới thật là hoàn hảo.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九. 有 孚 威 如. 終 吉.
象 曰. 威 如 之 吉. 反 身 之 謂 也.
Thượng Cửu. Hữu phu uy như. Chung cát.
Tượng viết:
Uy như chi cát. Phản thân chi vị dã.
Dịch:
Chững chàng, thành khẩn, uy nghi,
Rồi ra sẽ được thỏa thuê, tốt lành.
Tượng rằng: Uy nghi mà được tốt lành,
Vì mình đã có tinh thành bản thân.
Hào Thượng Cửu bàn thêm rằng: Người chủ gia đình, muốn gây được uy tín, muốn khiến mọi người kính phục, phải là con người thành tín, có đức độ thật (Hữu phu. Uy như chi cát). Tượng Truyện bàn rằng: Muốn gây được uy tín, trước hết mình phải biết tự tu, tự luyện. Tượng viết: Uy như chi cát. Phản thân chi vị dã. Đó cũng là chủ trương của sách Đại Học: Thân tu nhi hậu gia tề.
ÁP DỤNG QUẺ GIA NHÂN VÀO THỜI ĐẠI
Đâu có củi, có lửa thì đấy có nhà (Phong Hỏa Gia Nhân). Gia Nhân dạy phải làm sao để tạo nên một gia đình hoàn hảo. Và cho rằng muốn được vậy, thì vợ phải ra vợ, chồng phải ra chồng, cha phải ra cha, con phải ra con, anh em phải ra anh em.
Gia đình theo Đông Phương, lấy chữ Hiếu làm đầu, lấy chữ Nghĩa làm trọng, và dạy mọi người trong gia đình, phải trọng nghĩa, khinh lợi. Gia đình Á Đông, là đại gia đình, gồm ông bà, cha mẹ, con cái. Xưa, đã có những gia đình Ngũ đại đồng đường, Tứ đại hay Tam đại đồng đường ( tức 5 đời, 4 đời hay 3 đời cùng ở chung với nhau).
Ngày nay, người ta coi cá nhân là trọng, chứ không coi gia đình là trọng. Và Gia đình theo Âu Mỹ là Tiểu Gia đình chỉ gồm có vợ chồng, con cái. Chứ bố mẹ không còn ở chung với con cái. Ngày nay, người ta đề cao Tự Do cá nhân, Hạnh Phúc cá nhân, nên không còn nghĩ đến việc ở chung với cha mẹ. Cha mẹ khi già, thì vào nhà Dưỡng Lão mà ở. Hoạ hoằn thì con cái mới tới thăm nom.
Còn con cái trong nhà, thì khi đã 18 tuổi thường cũng muốn ra ngoài sinh sống, không muốn ở trong vòng kiềm tỏa của cha mẹ nữa. Vả lại, vì Nam nữ binh quyền, vì người đàn bà thường cũng đi làm lụng như đàn ông, nên công việc gia đình cũng đòi chia sẻ với đàn ông, và quyền người đàn ông trong gia đình cũng bị giảm thiểu. Người ta không chịu nhường nhịn lẫn nhau, nên hơi một tí là đòi ly dị. Và số vợ chồng ly dị ở Mỹ hiện nay không phải là nhỏ.
Thanh thiếu niên đi vào con đường tình ái quá sớm, nên những chuyện phá thai xảy ra thường xuyên, và làm cho các nhà cầm quyền điên đầu luôn. Chung qui chỉ vì Nam nữ bình quyền, Cá nhân chủ nghĩa, và Tự Do quá trớn, nên gia đình Âu Mỹ hiện nay đã bị lung lay và xao xuyến.
Thực tình mà nói, so sánh quan niệm về gia đình của Đông lẫn Tây như đã nói trên, ta thấy quan niệm Á Đông hay hơn, tuy là ngặt nghèo hơn, còn gia đình Âu Mỹ thì càng ngày càng lỏng lẻo. Ta cũng không thể nói Âu Mỹ nên theo Á Châu, nhưng tìm cho ra một đường lối mới mẻ hay hơn, khác hơn cho Âu Mỹ ngày nay, thì quả thật là khó.
Tôi nghĩ dù sao, thì mổi người trong gia đình đều nên nhịn nhục lẫn nhau đôi chút. Nếu ta nhìn vào bất cứ một vấn đề gì, thì ta sẽ thấy theo đà thời gian, cái gì cũng đổi thay, biến hóa. Có vậy, mới thấy mọi sự đều biến dịch. Mong sao, mọi sự sẽ đi đến chỗ đẹp đẽ, thành toàn.
No comments:
Post a Comment