HẠ KINH Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê » Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 52. 艮 為 山 CẤN VI SƠN Bát ThuẦn CẤn Cấn Tự Quái | 艮 序 卦 | Vật bất khả dĩ chung động. | 物 不 可 以 終 動 . | Chỉ chi. | 止 之 . | Cố thụ chi dĩ Cấn. | 故 受 之 以 艮 . | Cấn giả chỉ dã. | 艮 者 止 也 . | Cấn Tự Quái Vật nào chuyển động mãi đây. Động rồi cũng sẽ có ngày dừng chân. Cho nên lấy Cấn mà ngăn. Cấn là ngưng nghỉ, là dừng chẳng đi. Cấn là núi, là ngưng nghỉ, là dừng lại. Sau quẻ Chấn tiếp theo quẻ Cấn, vì sự đời động mãi, cũng có lúc phải ngưng, biến dịch mãi cũng có lúc phải kết thúc. Quẻ Cấn này nếu hiểu theo nghĩa đen, thì ngớ ngẩn hết sức, nhưng nếu chúng ta dùng cái nhìn toàn bích để nhìn vào quẻ, nếu chúng ta hiểu Huyền nghĩa của quẻ, thì quẻ Cấn trở thành một quẻ rất cao siêu. Trước hết, nếu ta có cái nhìn toàn bích, ta sẽ nhận ra rằng: Dịch Trung Hoa có 2 vòng Dịch Tiên Thiên (Phục Hi), và Dịch Hậu thiên (Văn Vương). Khoa chiêm tinh học Âu Châu cũng có 2 cách nhận định về vòng Hoàng Đạo. Đem đối chiếu, ta sẽ thấy tương quan như sau: 1. Vòng Dịch Tiên Thiên gồm 8 quẻ của Phục Hi, là Kiền, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, sau biến thành 64 quẻ, và vòng Hoàng Đạo 1 (Tiên Thiên) của Tây phương. Ở 2 bản đồ phía dưới, ta thấy chu kỳ biến dịch chia làm 2 chặng: a. Chặng 1 từ Cấu đến Khôn (hay Tốn đến Khôn), hoặc từ Cự giải đến Nhân mã. Đó là giai đoạn tán của vũ trụ và thoái hóa của con người. Thiệu tử cho rằng Cấu là đầu chặng đường, để con người ra đi, thăm thú Động nguyệt (ngoại cảnh vật chất). Macrobe thì cho rằng Cự giải là cửa người (La porte des hommes). b. Chặng 2 từ Phục đến Kiền, hay từ cung Ma Yết đến cung Song tử. Đó là giai đoạn tụ của vũ trụ, giai đoạn tiến hóa của con người (évolution). Thiệu tử cho rằng Phục là khi con người thấy được Thiên địa chi tâm, tức là khởi đầu chặng đường qui căn, phản bản. Macrobe cho rằng Ma Yết là cửa Thần minh (La porte des Dieux) Vòng Dịch Hậu Thiên của Văn Vương, gồm 8 quẻ: Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, và Vòng Hoàng Đạo 2 của Tây Phương. Văn Vương cho rằng con người phải biến thiên theo hướng đi của mặt trời. Cuộc biến thiên bắt đầu từ quẻ Chấn, tức là bắt đầu từ lúc sơ sinh, và kết thúc bằng quẻ Cấn, tức là ngưng nghỉ nơi chí thiện. Vì thế Thuyết Quái Truyện nói: Vạn vật xuất hồ Chấn... Cấn. Vạn vật chi sở thành chung nhi sở thành thủy dã. Như vậy, con người có khác nào 1 vì vương tử, cùng với mặt trời đi tuần thú muôn phương, rồi lại trở về cung điện cũ. Theo vòng Hoàng Đạo, thì sự tiến hóa sẽ đi từ cung Bạch Dương, và kết thúc bằng cung Song ngư. Ông Sénard viết: Song ngư là cung thứ 12, và là cung sau chót của vòng Hoàng đạo. Đó là Thiên đỉnh, tức là giao điểm của cuộc sống phù sinh và đời sống hằng cửu (M. Sénard, Le Zodiaque. p. 446). Đó là giai đoạn chót của đời sống huyền đồng. Delacroix viết: Tiểu ngã bị hủy diệt... và được thay thế bằng 1 nhân cách mới, với một lối cảm nghĩ và hành động mới... Tâm thần con người bị thay đổi, ngã chấp khởi thủy bị tiêu diệt; thay vào đó thấy thể hiện một tâm thức mới, quảng đại hơn; phàm cách được tan biến trong thiên thể. Thiên thể thay thế cho phàm thể cũ. II. Thoán. Thoán từ: 艮 . 艮 其 背 . 不 獲 其 身 . 行 其 庭 . 不 見 其 人 . 無 咎 . Cấn. Cấn kỳ bối. Bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu. Dịch. Cấn là dừng lại sau lưng, Dừng nơi chí thiện, quên thân, quên người. Bản thân mà đã quên rồi, Trong sân đi lại, quên người lỗi chi. Trong con người, mọi bộ phận đều động, duy cái lưng thường bất động. Động thường hay làm ác. Tĩnh thì mới chí thiện; cho nên nói: Cấn kỳ bối, là muốn nói: Chỉ ư chí thiện. Do lòng tư dục, con người mới phân nhân, ngã. Dẹp được lòng tư dục rồi, thời chỉ thấy thiên lý, thấy đạo lý, không còn phân nhân, ngã nữa. Thế chính là Bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân vậy. Thoán Truyện: 彖 曰 . 艮 . 止 也 . 時 止 則 止 . 時 行 則 行 . 動 靜 不 失 其 時 . 其 道 光 明 . 艮 其 止 . 止 其 所 也 . 上 下 敵 應 . 不 相 與 也 . 是 以 不 獲 其 身 . 行 其 庭 不 見 其 人 . 無 咎 也 . Cấn. Chỉ dã. Thì chỉ tắc chỉ. Thì hành tắc hành. Động tĩnh bất thất kỳ thì. Kỳ đạo quang minh. Cấn kỳ chỉ. Chỉ kỳ sở dã. Thượng hạ địch ứng. Bất tương dữ dã. Thị dĩ bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu dã. Dịch. Thoán rằng: Cấn là ngừng nghỉ, thôi đi, Nghỉ khi nên nghỉ, làm khi nên làm. Tùy thời động tĩnh, mới ngoan, Thế thời đạo mới huy quang, rạng ngời. Cấn là dừng lại nghỉ ngơi. Dừng chân đứng lại, đúng nơi mới tình. Dưới, trên, ứng đối phân minh, Nhưng mà không có tương tranh, tương thừa. Thế nên, thân cũng như sơ, Mình, người, ta vẫn hững hờ như không. Thân mình coi nhẹ lông hồng. Ngoài sân đi lại, chẳng trông thấy người. Mình, người, quên lãng cả đôi, Thế nên mới được êm xuôi, vẹn toàn. Thoán giải thích: Cấn là ngưng lại. Biết ngưng, khi đáng ngưng, biết hành động khi đáng hành động. Động, Tĩnh không lỗi thời, như vậy mới là sáng suốt. Khi chưa tới mức chí thiện, thời phải cố gắng tiến tới, và chỉ ngưng nghỉ khi đã tới mức chí thành, chí thiện. Cấn là ngưng. Ngưng đúng nơi, đúng chỗ, là lý tưởng nhất. Như Văn Vương, khi làm vua thời nhân; lúc làm bầy tôi thì kính, lúc làm cha thời từ, lúc làm con thời hiếu, khi giao tiếp với người thì giữ tín nghĩa (Xem Đại học, chương III ). Như vậy, quẻ Cấn dạy ta phải cố sống một cuộc đời lý tưởng, xử sự sao cho lý tưởng, và chỉ ngưng nghỉ khi đạt tới lý tưởng. Mà lý tưởng con người là phối Thiên, là đạt Thiên đức, Thiên vị. Quẻ Cấn, quẻ trong, quẻ ngoài đều giống nhau, các Hào đều không có ứng dữ, như vậy đã đạt thế trung hòa. Thế là nhị thể giống in nhất thể, trong ngoài là một, không còn phân biệt mình và người, không còn tương đối, tương đãi. Áp dụng vào nơi con người, thời đó là tình trạng thuần nhất đại đồng, phổ quát, nhĩ ngã bất phân. Vì thế Thoán viết: Thượng hạ địch ứng. Bất tương dữ dã. Thị dĩ bất hoạch kỳ thân. Hành kỳ đình. Bất kiến kỳ nhân. Vô cữu dã. II. Đại Tượng Truyện. 象 曰 . 兼 山 . 艮 . 君 子 以 思 不 出 其 位 . Tượng viết. Kiêm sơn. Cấn. Quân tử dĩ tư bất xuất kỳ vị. Dịch. Cấn là núi mọc chập chùng, Quântử cư vị, chứ không ra ngoài. Tượng Truyện dạy người quân tử không nên mua việc, chuốc lấy tần phiền vào người. Ngược lại, phải lo sao cho đức xứng kỳ vị, và bao giờ cũng cư xử đúng với nghĩa lý, với lý tưởng, và hợp với hoàn cảnh mình đang sống. Như vậy lòng mới bình thản, và mới có thì giờ, mới có khả năng suy tư và tu đạo. Con người phải luôn hành xử theo đúng nhân cách, phải dừng lại nơi thiên chân, nơi lương năng, lương tri, nơi bản thể tuyệt đối. Lo gì, nghĩ gì, cũng không nên ra ngoài vấn đề ấy. Con người phải luôn bảo toàn Đạo tâm, Thiên tâm, Thiên tính. Đừng có rời khỏi địa vị cao quí ấy, thế là biết nơi Chí thiện để dừng chân lại (Phỏng theo Lưu nhất Minh, Chu Dịch Xiển Chân). III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện 1. Hào Sơ Lục. 初 六 . 艮 其 趾 . 無 咎 . 利 永 貞 . 象 曰 . 艮 其 趾 . 未 失 正 也 . Sơ Lục. Cấn kỳ chỉ. Vô cữu. Lợi vĩnh trinh. Tượng viết: Cấn kỳ chỉ. Vị thất chính dã. Dịch. Ngón chân vừa đụng, đã ngừng, Một lòng minh chính, chưa từng đơn sai, Ai người bắt bẻ, chê bai, Luôn luôn minh chính, vậy thời lỗi chi. Tượng rằng: Ngón chân vừa đụng, đã ngừng, Một lòng minh chính, chưa từng đơn sai. Hào Sơ Lục. Vừa động ngón chân đã biết ngưng (Cấn kỳ chỉ), tức như nói dục tình vừa máy động, đã biết dừng lại, như vậy thời chẳng lỗi. Đây tức là trạng thái một tâm hồn không xa lìa Thiên chân. Nhưng trạng thái này cần được kéo dài, mới hay, mới lợi (Lợi vĩnh trinh). Tượng giải rằng: Dừng nơi ngón chân là chưa mất sự chính đính vậy (Cấn kỳ chỉ. Vị thất chính dã). 2. Hào Lục nhị. 六 二 . 艮 其 腓 . 不 拯 其 隨 . 其 心 不 快 . 象 曰 . 不 拯 其 隨 . 未 退 聽 也 . Lục nhị. Cấn kỳ phỉ. Bất chủng kỳ tùy. Kỳ tâm bất duyệt. Tượng viết: Bất chửng kỳ tùy. Vị thoái thính dã.. Dịch. Ngừng mà ngừng mỗi bắp chân, Ngăn trên không được, nên tâm còn phiền. Tượng rằng: Ngăn trên không được, buồn sao, Vì trên, đâu có dễ nào chịu nghe. Hào Lục nhị. Cấn kỳ phỉ là ngưng nơi bắp chân, nghĩa là mình chỉ kiềm chế được mình. Bất chửng nghĩa là mình chưa kiềm chế được người trên. Kỳ tùy nghĩa là mình còn là kẻ tùy tòng, chưa phải là cấp lãnh đạo, chỉ huy, vì thế nên Kỳ tâm bất duyệt, tức là lòng chẳng sung sướng. Tượng Truyện bình rằng: Mình không kiềm chế được người trên vì người trên đâu chịu nhượng bộ để nghe lời mình (Bất chửng kỳ tùy. Vị thoái thính dã). Đức Khổng lúc làm quan, tuy là đức độ, nhưng cũng không ngăn nổi Lỗ Định Công và Quí Hoàn Tử mê đắm nữ sắc. Mạnh Tử khi thuyết lý với Tề Tuyên Vương, cũng phải tùy hứng của Tề tuyên Vương. Tề tuyên Vương nói: Ta có tật ưa của cải, Mạnh Tử cũng nhân đó mà nói: Xưa ông Công Lưu cũng ưa của cải vv... Tề tuyên Vương nói: Ta có tật ưa sắc đẹp, Mạnh tử cũng phải nhân đó mà nói: Xưa ông Thái Công cũng hiếu sắc, ông yêu vợ mình vv...(Mạnh Tử Lương huệ Vương Hạ, 5 ). Rút cục, Mạnh Tử cũng không cảm hóa được Tề Tuyên Vương, và phải bỏ nước Tề mà đi. Khổng Tử cũng gặp trường hợp tương tự . Ngài bỏ Lỗ sang Vệ, tưởng sẽ cảm hóa được Vệ Linh Công. Nhưng thay vì hỏi ngài về đạo lý, Vệ Linh Công lại hỏi ngài về trận mạc (LN. 15, 1). Rồi khi đức Khổng nói về đạo lý, thì Vệ Linh Công lại lơ đãng, ngó lên trời xem nhạn bay. (Xem Khổng tử thế gia, năm đức Khổng 59 tuổi). 3. Hào Cửu tam. 九 三 . 艮 其 限 . 列 其 夤 . 厲 薰 心 . 象 曰 . 艮 其 限 . 危 薰 心 也 . Cửu tam. Cấn kỳ hạn. Liệt kỳ dần. Lệ huân tâm. Tượng viết : Cấn kỳ hạn. Nguy huân tâm dã. Dịch. Ngừng mà ngừng chỗ ngang hông, Ngang hông như đứt, nóng lòng, nóng gan. Sự tĩnh lãng tâm hồn phải đến một cách tự nhiên, chứ không phải một cách gượng gạo, gò ép. Không phải ngồi thộn người ra (Cấn kỳ hạn.), mà tâm hồn trở nên tĩnh lãng. Trái lại, những phương pháp tập luyện quá đáng, chỉ làm hỏng xương sống, làm cháy tâm can. Thật là nguy hiểm (Liệt kỳ dần. Lệ huân tâm). Hạn là ngang lưng, Liệt là làm đứt, Dần là xương sống, Huân là thiêu đốt, Tâm là tâm can. Tượng cũng bình rằng: Bức bách cơ thể để cho tâm hồn được tĩnh lãng, là việc nguy hiểm, nó sẽ thiêu đốt tâm can (Cấn kỳ hạn. Nguy huân tâm dã). Hào này làm ta liên tưởng đến những người luyện võ công không đúng phương pháp, nên đã bị Tẩu hỏa nhập ma, hay những người cố gắng dồn ép dục tình, nên đã sinh bệnh tật. 4. Hào Lục tứ . 六 四 . 艮 其 身 . 無 咎 . 象 曰 . 艮 其 身 . 止 諸 躬 也 . Lục tứ. Cấn kỳ thân. Vô cữu. Tượng viết: Cấn kỳ thân. Chỉ chư cung dã. Dịch: Ngừng mà ngừng được cái mình, Thế thời lầm lỗi, còn sinh đường nào. Tượng rằng: Ngừng được cái mình, Tức là giữ được tâm tình hẳn hoi. Nơi trên đầu quẻ, Thoán từ nói: Cấn kỳ bối. Bất hoạch kỳ thân. Đó là giai đoạn vong thân, vong ngã. Hào lục tứ đây chưa đạt tới tình trạng siêu việt ấy, vì hãy còn biết có Thân, có Mình. Tuy nhiên, Lục tứ đã kiềm chế được mình, kiềm chế được dục tình. Như vậy, cũng đã hay rồi (Cấn kỳ thân. vô cữu). Tượng viết: Cấn kỳ thân. Chỉ chư cung dã. Tượng cho rằng: Lục tứ đã kiềm chế được mình, đã điều khiển được mình. 5. Hào Lục ngũ. 六 五 . 艮 其 輔 . 言 有 序 . 悔 亡 . 象 曰 . 艮 其 輔 . 以 中 正 也 . Lục ngũ. Cấn kỳ phụ. Ngôn hữu tự. Hối vong. Tượng viết: Cấn kỳ phụ. Dĩ trung chính dã. Dịch. Ngừng mà ngừng được cái hàm, Nói năng chừng mực, phàn nàn, khỏi lo. Tượng rằng: Ngừng được cái hàm, Con đường trung chính vẹn toàn, mới hay. Lục ngũ khuyên nên giữ mồm miệng (Cấn kỳ phụ). Khuyên nên ăn nói cho đường hoàng, nghĩa lý (Ngôn hữu tự). Như vậy, mới tránh được lỗi lầm (Hối vong). Người xưa, rất cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói. Khi đức Khổng vào thăm miếu của tổ tiên nhà Châu là Hậu Tắc, Ngài thấy ở trước thềm bên phải, có một người vàng, trên mình có khắc mấy lời đại khái như sau: Đây là tượng một người xưa. Lời ăn, tiếng nói, đắn đo, giữ gìn. Gương xưa, ta cũng nên xem, Nói năng cẩn trọng, hãy nên lo lường. Rườm lời, sẽ lắm nhiễu nhương. Ôm đồm nhiều việc, lòng thường xuyến xao. Tượng viết: Cấn kỳ phụ. Dĩ trung chính dã. Giữ được mồm miệng, thế là đã theo được đường trung chính vậy. 6. Hào Thượng Cửu. 上 九 . 敦 艮 . 吉 . 象 曰 . 敦 艮 之 吉 . 以 厚 終 也 . Thượng Cửu. Đôn Cấn. Cát. Tượng viết: Đôn Cấn chi cát. Dĩ trung chính dã. Dịch. Ngừng mà ngừng nghỉ đàng hoàng, Thời hay, thời tốt muôn vàn còn chi. Tượng rằng: Ngừng nghỉ đàng hoàng, Cuối cùng, đầy đặn, chững chàng mới hay. Ngưng nghỉ, mà ở chỗ đầy đặn, hẳn hoi mới tốt. Cấn là sự thành tựu của vạn vật, dĩ nhiên là phải hay, phải tốt. Cho nên Hào Thượng Cửu của quẻ Cấn cũng phải hay, phải đẹp. Theo sự nhận xét của Hồ văn Phong, Hào thượng Lục của quẻ Cấn, đem lại cho chúng ta một nguồn hy vọng lớn lao: Là tới lúc chung cuộc lịch sử, con người sẽ đạt tới hoàn mỹ, và sự biến thiên của vũ trụ cũng kết thúc trong sự hoàn mỹ. Lúc ấy mọi người sẽ được thỏa thuê, mãn nguyện (Bí, Tổn). Đạo trời sẽ phổ quát khắp nơi (Đại Súc). Mọi người sẽ được phúc khánh (Di). Thật đúng như lời Tượng Truyện: Lúc nào cũng đầy đặn, chững chàng (Đôn Cấn chi cát. Dĩ hậu chung dã). ÁP DỤNG QUẺ CẤN VÀO THỜI ĐẠI Quẻ Cấn dạy ta phải biết dừng chân cho đúng lúc, tức là có ý muốn nói: Con người sinh ra ở đời phải biết tiến hóa về mọi mặt. Chẳng những Tiến hóa cho bản thân mình, mà còn tiến hóa để làm lợi ích cho nhân quần xã hội nữa. Nhưng tới đúng lúc nào đó, thì phải ngưng. A-Trước tiên, vì ta là người, nên ta bị vật chất chi phối, nên ta phải tranh đấu để có lợi danh. Từ nhỏ, còn ở học đường, ta đã phải chăm chỉ học hành, để khỏi thua sút chúng bạn, để cho cha mẹ và thầy giáo được vui lòng. Cha mẹ ta luôn ở cạnh ta, để giáo dục ta về mọi mặt, mong sao cho ta nên người tốt và hữu dụng mai sau. Lớn lên, vì nhu cầu vật chất gia tăng, rồi theo thiên nhiên, ta phải tạo dựng gia đình của riêng ta, nên ta cần phải có tiền để chi dụng, do đó ta phải cố gắng tranh đua để sao cho có danh và lợi. Nhưng điều quan trọng là: Cách tạo ra danh, lợi đó phải cho minh chính, dù ở địạ vị, hoàn cảnh nào cũng vậy. Một người thợ ngay thẳng, đáng kính trọng hơn một ông quan tòa tham nhũng. Một người làm thương mại ngay thẳng, thì dù nhỏ bé đến đâu, cũng có giá trị hơn một người đầu cơ, tích trữ hoặc gian thương, làm hại dân, hại nước. Trên đường Lợi Danh, ta phải biết dừng chân đúng lúc. Ví dụ: khi thấy muốn thành công trong một công việc nào đó, mà phải làm người khác thiệt hại, thì ta phải dừng ngay. Nếu ta là người biết suy tư, thì ta sẽ nhận thấy: Cuộc đời là sân khấu, mà ta là diễn viên. Lên sân khấu, mà không đóng nổi vai trò của mình, thì quả thật là diễn viên dở vậy. Mỗi vai trò mình đóng, đó là 1 kiếp luân hồi, nay nếu mình làm sai, hoặc quá đáng, chắc chắn sẽ bị quả báo, không sớm thì muộn vậy. Ví dụ: Một người làm con bất hiếu, làm sao mong sinh được con cái hiếu đễ. Một người chuyên đi lừa đảo người khác, làm sao giữ được của ấy làm giầu, làm sao tránh khỏi bị thiên hạ chê cười. Tóm lại, những công việc ta làm, những lợi danh ta có, không những hữu ích cho cá nhân, gia đình ta, mà phải lợi ích cho nhân quần, xã hội nữa. B- Sau này, khi tóc đã hoa râm, tức đã quá nửa cuộc đời, thì ta phải biết tiếnhóa chính bản thân ta. Ta phải tiến về bản thể thần minh của ta. Bản thể thần minh này, ai cũng có. Nếu ở nơi người quá tham vật dục, thì nó bị sẽ lu mờ. Nhưng, nếu biết tỉnh ngộ, mà dừng chân lại kịp thời, rồi tu trì, ăn năn, làm việc thiện, để bù đắp lại, may ra còn kịp. Để tâm suy tư, ta sẽ nhận thấy đời sống hiện đại của ta đang tiến về phía thần minh. Ví dụ: Nhờ sự tiếnhóa của khoa học, ta có thể dùng điện thoại mà nói với ngưởi khác, dù xa cách trùng dương, một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn là ta muốn giao tiếp với thần minh. Một cuốn băng VIDEO nhỏ bé. cũng thâu được hết sự việc của một triều đại, chiếu lên hình ảnh to nhỏ được như ý muốn. Máy bay giúp con người vượt qua muôn dặm, v.v... Nhưng đồng thời, khoa học đã chế tạo ra khí cụ chiến tranh ghê gớm như bom nguyên tử, khinh khí, hơi ngạt, vi trùng, v.v... như vậy còn tai hại hơn Trời giáng bệnh dịch xuống cho nhân loại. Tiếc rằng, Khoa Học tiến quá nhanh, mà Đạo đức lại thụt lùi, tạo ra biết bao gia đình khổ não, dở khóc, dở cười. Chúng ta, là những người đọc Dịch, nếu để tâm suy tư thì sẽ hiểu Dịch dễ dàng, và nếu tất cả mọi người, trong hành động nhiều ít đều có Dịch, thì Đạo đức sẽ theo kịp Khoa Học vậy. Và theo tôi, (tác giả viết bài này), NGÀY TẬN THẾ KHÔNG PHẢI LÀ NGÀY NHÂN LOẠI BỊ TIÊU DIỆT, MÀ LÀ NHÂN LOẠI ĐÃ TIẾN HÓA VỀ MỌI MẶT ĐỂ LÊN BẰNG THẦN MINH. Sự tận thế đó, theo tôi chỉ là ám chỉ con người của vật dục, xấu xa, tội lỗi, ngu dốt, không còn duy trì, bành trướng được nữa, vì con người của khôn ngoan, tài giỏi, đạo đức, đã dần dần lấn át, thay thế nó. Khoa học tiến nhanh, là để đáp ứng nhu cầu cho con người, vì con người sinh sản quá nhanh, nhưng đến một lúc nào đó con người sẽ sinh sản có chừng mực, hoặc sinh sản tùy theo ý mình muốn, và tuổi thọ sẽ tăng lên (vì khôn ngoan hơn, nên biết giữ gìn hơn). Lúc ấy hạt giống Đạo Đức trong con người sẽ nẩy mầm và phát triển nhanh chóng để theo kịp với Khoa Học. » Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
53. 風 山 漸 Phong Sơn TiỆm Tiệm Tự Quái | 漸 序 卦 | Cấn giả chỉ dã. | 艮 者 止 也 | Vật bất khả dĩ chung chỉ. | 物 不 可 以 終 止 | Cố thụ chi dĩ Tiệm. | 故 受 之 以 漸 | Tiệm giả, tiến dã. | 漸 者 進 也 | Tiệm Tự Quái Cấn là ngưng nghỉ, là dừng chẳng đi. Vật ngưng, rồi lại suy di. Cho nên quẻ Tiệm hẹn kỳ tiến lên. Tiệm là tiến mãi, tiến lên. Tiệm là tiến, nhưng mà tiến có tuần tiết, thứ đệ, lớp lang, trật tự. Quẻ Tiệm đến sau quẻ Cấn, vì lẽ Trời, ngưng lại động, lại tiến. Tiệm là tiến từ từ, có tuần, có tiết, chứ không đốt giai đoạn. Trong quẻ này, Thánh nhân đã đề cao nguyên lý ấy bằng nhiều cách: 1. Tiệm là cây mọc trên núi, cây mọc trên núi dĩ nhiên là mọc chậm hơn cây mọc dưới đồng bằng. 2. Thoán Từ đề cập tới chuyện cô gái về nhà chồng. Người Trung Hoa xưa nay rất thận trọng về việc cưới xin. Muốn cưới vợ phải có đủ sáu lễ sau đây: 1. Nạp thái. 2. Vấn danh. 3. Nạp cát. 4. Nạp trưng. 5. Thỉnh kỳ. 6. Thân nghinh. Thế là muốn cưới vợ, phải có kỳ, có hạn, có lễ nghi đường hoàng, phải tuần tự nhi tiến, chứ không phải chuyện vơ bèo, gạt tép, đốt giai đoạn. 3. Tượng nói về công trình tích lũy nhân đức, cải thiện phong tục, đó cũng là một công trình lâu lai, trường cửu. 4. Hào Từ lấy chim Hồng, để mô tả sự tiến có tuần tự, tuần tiết. Chim hồng là một loài chim viễn xứ, cứ mùa lá rụng thì bay về Nam, cứ lúc băng tan thì trở về Bắc. Thế là hành xử có tuần tiết. Lúc bay thì có thứ tự, con nhớn bay trước, con nhỏ theo sau, có lớp lang hẳn hoi, Thế là hành xử có thứ tự. Sáu Hào lại mô tả con chim Hồng tiến từ thấp, lên cao nguyên. Như vậy bài học của quẻ này thật là rõ ràng. - Ở đời muốn nên công, đừng có vội vàng, đừng có đốt giai đoạn. - Cưới xin mà vội vàng, chồng vợ sẽ chẳng ra gì. - Công danh mà mau được, thời là thứ công danh do sự luồn cúi, cầu cạnh, mua bán. - Của cải mà mau được, là thứ của cải phi nhân, phi nghĩa. Tiến cho có tuần tiết, trật tự sẽ bảo toàn được lễ nghĩa, liêm sỉ. I. Thoán. 漸 . 女 歸 吉 . 利 貞 . Thoán từ. Tiệm. Nữ qui cát. Lợi trinh. Dịch. Tiệm là tuần tự bước lên, Dần dà như gái về bên nhà chồng. Hợp thời, hợp lẽ thung dung, Mới mong ích lợi, mới mong tốt lành. Ở đời những công chuyện quan hệ, đều phải tuần tự nhi tiến, mới tránh được mọi tệ hại. Mà việc cần phải tiến cho tuần tự, cho cẩn thận, cho đúng lễ nghi nhất, là việc cưới xin, vì quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ. Cưới gả có đường hoàng, chững chạc, có đủ nạp thái, vấn danh, dạm hỏi, treo cưới, thì tình phu phụ sau này mới vững bền. Thoán Truyện. Thoán viết: 彖 曰 . 漸 之 進 也 . 女 歸 吉 也 . 進 得 位 . 往 有 功 也 . 進 以 正 . 可 以 正 邦 也 . 其 位 剛 . 得 中 也 . 止 而 巽 . 動 不 窮 也 . Tiệm chi tiến dã. Nữ qui cát dã. Tiến đắc vị. Vãng hữu công dã. Tiến dĩ chính. Khả dĩ chính bang dã. Kỳ vị. Cương đắc trung dã. Chỉ nhi tốn. Động bất cùng dã. Dịch. Thoán rằng: Tiệm là tuần tự bước lên. Hay, lành như gái về bên nhà chồng. Tiệm mà ngôi vị thung dung, Thế là làm đã nên công phỉ tình. Tiến mà chính trực, liên minh, Chính dân, chính nước, âu đành có phen. Ở ngôi cao trọng bên trên, Một niềm trung chính, cương kiên mới là. Thung dung, thư thái, ôn hòa, Tiến trình hoạt động bao la chẳng cùng. Thoán Truyện một lần nữa lại nhấn mạnh đến chuyện tiến phải có thứ bậc, tuần tiết y như gái về nhà chồng, phải có đủ dạm hỏi cưới xin mới tốt.(Tiệm chi tiến dã. Nữ qui cát dã). Trong công cuộc tuyển lựa nhân tài, để trị dân, trị nước, cũng phải có những sự thử thách, tuyển lựa cho hẳn hoi. Người sĩ phu phải leo dần lên các bậc thang danh vọng, mà điều cần nhất là tài đức phải xứng kỳ vị, như vậy xã hội mới tránh được mọi tệ đoan, nhũng loạn. Kẻ sĩ tuần tự tiến lên như trên, sẽ tránh được nạn mua dân, bán nước, tránh được nạn đầu cơ chính trị, luồn lọt cửa trước, cửa sau, mất hết giá trị con người. Vì thế, nói tiến lên mà xứng ngôi, xứng vị, đã có đủ kinh nghiệm, đủ tài đức để giữ địa vị, để làm nhiệm vụ được giao phó, thời làm việc mới có hiệu năng (Tiến đắc vị. Vãng hữu công dã). Tiến lên, mà phải lẽ, phải đạo, nghĩa là người có tài, có đức, mới lên được những địa vị lãnh đạo, thì dĩ nhiên nước sẽ có kỷ cương trật tự, người trên sẽ là người xứng mặt, xứng ngôi (Tiến dĩ chính. Khả dĩ chính bang dã). Nếu cứ theo đường lối ấy mà tiến, thời khi lên đến cấp lãnh đạo, sẽ là những người hoàn hảo, và địa vị sẽ được vững chãi (Kỳ vị. Cương đắc trung dã). Tâm trí họ sẽ bình tĩnh, thái độ họ sẽ từ tốn, cho nên khi hành xử, họ sẽ không bị vấp vướng, bế tắc. (Chỉ nhi tốn. Động bất cùng dã). II. Đại Tượng Truyện. 象 曰 . 山 上 有 木 . 漸 . 君 子 以 居 賢 德 . 善 俗 . Tượng viết: Sơn thượng hữu mộc. Tiệm. Quân tử dĩ cư hiền đức thiện tục. Dịch. Tượng rằng: Tiệm là trên núi có cây, Cho nên quân tử ăn ngay, ở lành. Mình mà nhân đức, tinh thành. Rồi ra sẽ khiến nhân tình thuần lương. Cây mọc trên núi, mọc chậm chạp, nhưng khi đã lên cao, thời ảnh hưởng đến phong cảnh cả vùng. Người quân tử cũng theo đó mà bắt chước. Tu nhân, tích đức cho ngày một hoàn hảo hơn, và cải thiện cho phong hóa ngày một thuần mỹ hơn. Tục ngữ có câu: Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ, hoặc Nước chẩy đá mòn. Tất cả, đều nói lên được sự tiệm tăng, tiệm tiến. III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện Sáu Hào nhấn mạnh, cần phải tiến dần dà từ dưới mà lên - Lúc ở địa vị thấp, đừng lo buồn (Hào Sơ). - Khi có địa vị, đừng ăn không, ngồi rồi. (Hào 2). - Đừng dùng những trò ma giáo mà tiến lên.(Hào3) - Ở địa vị cao, phải từ tốn, nhũn nhặn, mới thoát hiểm. (Hào 4) - Ở địa vị lãnh đạo quốc gia, phải có hiền tài phụ bật, mới giúp ích được cho đời. (Hào 5) - Ở điạ vị thánh hiền, nên treo gương cho đời (Hào 6) Sáu Hào đều dùng chim Hồng thủ tượng, vì chim Hồng là loài chim đi về có tuần tiết, khi bay thì có đoàn ngũ, có thứ tự. Có người còn thêm rầng chim Hồng là loài chim có tình nghĩa, con trống mà chết đi, thời con mái ở vậy, cho nên hợp với đề tài. 1. Hào Sơ Lục. 初 六 . 鴻 漸 于 干 . 小 子 厲 . 有 言 . 無 咎 . 象 曰 . 小 子 之 厲 . 義 無 咎 也 . Sơ Lục. Hồng tiệm vu can. Tiểu tử lệ. Hữu ngôn. Vô cữu. Tượng viết: Tiểu tử chi lệ. Nghĩa vô cữu dã. Dịch. Chim hồng dần tiến đến bờ. Tiểu nhân sợ hải, xuýt xoa than phiền, Tuy là dang dở, chưa yên, Nhưng không đến nỗi tội khiên, lỗi lầm. Sơ Lục bản chất Âm nhu, ở dưới chót quẻ, trên lại không có người ứng dữ. Như vậy, chẳng tiến được là bao. Y như chim Hồng, vừa đáp xuống bến nước là chỗ thấp nhất của bờ biển (Hồng tiệm vu can). Người quân tử khi còn ở địa vị thấp, không than thở, nhưng tiểu nhân thì bồn chồn, phàn nàn. Tuy vậy cũng chẳng có gì đáng trách. (Tiểu tử lệ. Hữu ngôn. Vô cữu.) Tượng Truyện bình rằng: Tiểu nhân ở cấp dưới, chưa tiến được thời lo buồn, lấy làm nguy hại, nhưng thực ra xét theo nghĩa lý thì chẳng có gì đáng trách (Tiểu tử chi lệ. Nghĩa vô cữu dã). 2. Hào Lục nhị. 六 二 . 鴻 漸 于 磐 . 飲 食 衎 衎 . 吉 . 象 曰 . 飲 食 衎 衎 . 不 素 飽 也 . Lục nhị. Hồng tiệm vu bàn. Ẩm thực khản khản. Cát. Tượng viết: Ẩm thực khản khản. Bất tố bão dã. Dịch. Chim Hồng dần tới thạch bàn, Uống ăn vui vẻ, bình an tốt lành. Tượng rằng: Vui vẻ uống ăn, No nê, không phải một thân một mình. Hào Lục nhị : ẩm đắc trung chính, tiến lại có Cửu ngũ ứng dữ, tượng như một vị công thần, ở vào một địa vị vững như bàn thạch, y thức như chim Hồng đã đậu trên bàn thạch (Hồng tiệm vu bàn). Chim Hồng vui vẻ uống ăn, nhưng không ăn uống một mình, mà chia sẻ ngọt bùi cùng nhau (Ẩm thực khản khản. Cát). Người quân tử, khi ở địa vị công thần, há lại thua chim Hồng, há lại vinh thân, phì gia sao? Vì thế Tượng Truyện tiếp lời mà khuyên người quân tử, không nên vì không có bổng lộc nhà vua, mà không lo gì cho đất nước.(Ẩm thực khản khản. Bất tố bảo dã). 3. Hào Cửu tam. 九 三 . 鴻 漸 于 陸 . 夫 征 不 復 . 婦 孕 不 育 . 凶 . 利 御 寇 . 象 曰 . 夫 征 不 復 . 離 群 丑 也 . 婦 孕 不 育 . 失 其 道 也 . 利 用 御 寇 . 順 相 保 也 . Cửu tam. Hồng tiệm vu lục. Phu chinh bất phục. Phu dựng bất dục. Hung. Lợi ngự khấu. Tượng viết: Phu chinh bất phục. Ly quần xú dã. Phụ dựng bất dục. Thất kỳ đạo dã. Lợi dụng ngự khấu. Thuận tương bảo dã. Dịch. Chim Hồng đến tới cao nguyên, Chồng đi, đi mải nên quên cả về. Vợ thời cũng chẳng ra gì. Đẻ con, chẳng dám tính bề nuôi con, Nếu mà sớm biết thiệt hơn, Cải tà, qui chính, vẫn còn là hay. Tượng rằng: Chồng đi, đi mãi quên về, Nghĩa là muối mặt, bỏ bê thân tình. Vợ sinh, mà bỏ con mình, Thế là trái với đạo hành nhân luân. Biết điều cải quá, tự tân, Thi hành chính nghĩa, thân nhân lưỡng toàn. Chim Hồng (ngỗng trời) vốn là một loài chim nước, nay lại lên cao nguyên, như vậy là không phải (Hồng tiệm vu lục). Đó là tình cảnh một người có tài (dương Hào), nhưng bất trung (tam là bất trung), sốt ruột muốn đốt giai đoạn mà tiến lên. Tuy trên, không có người đường hoàng nâng đỡ (Thượng Cửu không ứng với Cửu tam), nhưng cố tình kết cấu với những người có quyền thế mình gặp (Lục tứ) một cách hết sức bừa bãi. Đó là những hạng người vì quyền thế, vì công danh, mà có thể quên họ hàng, bè bạn. Họ vì lợi quên nghĩa, có mới nới cũ, chẳng theo đạo lý, cho nên vợ họ cũng là thứ vợ lang chạ, đẻ con ra mà chẳng dám nuôi (Phu chinh bất phục. Phụ dựng bất dục). Thế là một phường mèo mả gà đồng, làm sao mà hay, mà tốt được (Hung). Cho nên bài học của Hào này, là đừng vì lòng ham muốn tiến lên mà làm điều xằng bậy, phi lý, phi nghĩa, như vậy mới hay(Lợi ngự khấu). Trình tử cho rằng: Cái gì đến một cách phi lý thì gọi là khấu, và ngự khấu là theo chính, lánh tà. Tượng Truyện giải: Chồng đi chẳng về là bỏ bầy, bỏ bạn. Phu chinh bất phục. Ly quần xú dã. Vợ có mang mà chẳng dám nuôi, là làm điều sái với đạo lý (Phụ dựng bất dục. Thất kỳ đạo dã). Lợi dụng ngự khấu là phải theo chính đạo, mới bảo toàn được mình và người. Thế là Tượng Truyện cũng muốn nói lên rằng: Đừng vì lòng ham danh, cầu tiến mà bỏ đạo lý, bỏ tình nghĩa. Hãy theo chính đạo, mới bảo toàn đuợc mình, được người (Lợi dụng ngự khấu. Thuận tương bảo dã). 4. Hào Lục tứ. 六 四 . 鴻 漸 于 木 . 或 得 其 桷 . 無 咎 . 象 曰 . 或 得 其 桷 . 順 以 巽 也 . Lục tứ. Hồng tiệm vu mộc. Hoặc đắc kỳ giốc. Vô cữu. Tượng viết: Hoặc đắc kỳ giốc. Thuận dĩ tốn dã. Dịch. Chim Hồng dần tiến tới cây, Nếu mà gặp được cành ngay, khỏi phiền. Rồi ra mới hết tội khiên. Tượng viết: May gặp cành ngay, Thế là khéo xử, khéo xoay hợp thời. Lục tứ là hoàn cảnh của chim Hồng đậu trên cành cây cao. Chân chim Hồng có màng như chân vịt, nên có tài bơi dưới nước, mà vụng đậu trên cây. Tuy nhiên, nếu đậu cành thẳng cũng không sao. Ý nói rằng kẻ sĩ, được địa vị cao, nhưng nếu một lòng trung quân, tôn kính bề trên, thì cao mà vẫn không nguy (Ngự Án). Vì thế Tượng viết: Hoặc đắc kỳ giốc. Thuận dĩ tốn dã. 5. Hào Cửu ngũ. 九 五 . 鴻 漸 于 陵 . 婦 三 歲 不 孕 . 終 莫 之 勝 . 吉 . 象 曰 . 終 莫 之 勝 . 吉 . 得 所 愿 也 . Cửu ngũ. Hồng tiệm vu lăng. Phụ tam tuế bất dựng. Chung mạc chi thắng. Cát. Tượng viết: Chung mạc chi thắng cát. Đắc sở nguyện dã. Dịch. Chim Hồng dần tới non cao, Ba năm, vợ chẳng lần nào sinh con. Rồi ra cản trở sạch trơn, Rồi ra sẽ được vuông tròn, hẳn hoi. Tượng rằng: Cản trở sạch trơn, Thế là tốt đẹp, nhơn nhơn phỉ tình. Cửu ngũ là chim Hồng đã lên đậu trên đỉnh núi (Hồng tiệm vu lăng). Đó là một ông vua có đức (Dương cương), đắc trung, đắc chính, dưới lại có hiền thần phụ bật. Dẫu có kẻ dèm pha, gàng quải, thì cũng chỉ chia rẽ nhất thời, rồi ra quân thần cũng sẽ hoà hợp với nhau. Thế là Âm Dương hoà hợp, mọi điều phúc khánh sẽ do đấy phát sinh. Chẳng khác nào vợ từ ba năm nay không thai nghén, kể từ nay sẽ tha hồ cưu mang, tha hồ cúc dục (Phụ tam tuế bất dựng). Mới hay, tà chẳng thể thắng chính, những lời dèm pha, ly gián rút cuộc cũng chẳng đi đến đâu (Chung mạc chi thắng. Cát). Thế là cuối cùng, thời đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thỏa thuê nguyện ước (Đắc sở nguyện dã). 6. Hào Thượng Cửu. 上 九 . 鴻 漸 于 逵 . 其 羽 可 用 為 儀 . 吉 . 象 曰 . 其 羽 可 用 為 儀 . 吉 . 不 可 亂 也 . Thượng Cửu. Hồng tiệm vu quì. Kỳ vũ khả dụng vi nghi. Cát. Tượng viết: Kỳ vũ khả dụng vi nghi cát. Bất khả loạn dã. Dịch. Chim Hồng dẫn tới đường trời, Lông Hồng có thể hành ngơi, trang hoàng Tốt lành, đẹp đẽ mọi đàng. Tượng rằng: Lông Hồng có thể hành ngơi, Hay vì trật tự, chẳng lơi, chẳng loàn. Hào Thượng Cửu chính là: Cánh Hồng bay bổng tuyệt vời (Hồng tiệm vu quì). Chính bản viết là chữ Lục, nhưng thường đọc là Quì, nghĩa là đường mây. Đây ám chỉ một bậc Thánh Hiền bay vút trên chín tầng mây đạo đức, không còn dính líu sự duyên. Tuy nhiên, các ngài còn có chỗ sở dung, là vẫn có thể treo gương sáng cho đời soi, như lông chim Hồng rớt xuống, vẫn có thể làm hành ngơi, trang điểm cho các loại cờ mao, cờ tinh, cờ đạo vv... Các vị Thánh Hiền có thể làm gương cho đời, vì các ngài khinh khoát, siêu nhiên, không gì làm loạn tâm, loạn trí được (Kỳ vũ khả dụng vi nghi cát. Bất khả loạn dã). ÁP DỤNG QUẺ TIỆM VÀO THỜI ĐẠI Vào đời, bất cứ làm chuyên gì cũng phải tiến hành một cách tuần tự, thì kết quả sẽ vững vàng hơn, kinh nghiệm sẽ rồi rào hơn. Ví như, một người học lái xe, nếu tay lái chưa vững, mà đã đỗ, thì dễ bị tai nạn. Nếu ta thấy một người thợ sửa chữa một cái gì đó, mà làm quá nhanh, thì ta phải coi chừng, vì nó sẽ cẩu thả tạm bợ, lấy có, lấy rồi mà thôi. Nhưng phải biết phân biệt, sự làm cẩn thận, và sự làm chậm chạp vì lười biếng, hay vì bản tính chậm chạp. Đi học, mà không chịu học cẩn thận, chăm chỉ, lại dùng thủ đoạn để lấy điểm cao, thì khi tốt nghiệp, mảnh bằng cũng không giúp ta được bao nhiêu. Ra đời, mà ham làm giàu quá nhanh, sẽ dễ đi vào con đường bất chính. Nếu may mà thoát khỏi lưới pháp luật, thì tâm tư lúc nào cũng lo lắng, không yên. Tóm lại, bất cứ làm việc gì, cũng nên làm cẩn thận, giải quyết việc gì cũng nên tuần tự xét suy, xem sự việc đó khởi đầu tự đâu mà ra, thì việc khó đến đâu ta cũng có thể giải quyết được.
54. 雷 澤 歸 妹 Lôi TRẠCH QUY MUỘI Quy Muội Tự Quái | 歸 妹 序 卦 | Tiệm giả tiến dã. | 漸 者 進 也 | Tiến tất hữu sở quy. | 進 必 有 所 歸 | Cố thụ chi dĩ Quy Muội. | 故 受 之 以 歸 妹 | Quy Muội Tự Quái Tiến là tiến mãi, tiến lên. Tiến nhưng có chốn, có miền hồi quy Cho nên, Quy Muội tiếp kỳ... Quy muội là gả em gái, hay cô gái về nhà chồng, mà không đủ lễ nghi cheo cưới. Quẻ Quy Muội này còn đề cập đến một tục lệ tối sơ của Trung Hoa xưa. Đó là một người quí tộc, có thể lấy một lúc vừa vợ, vừa nàng hầu. Nàng hầu có thể là em, hoặc cháu người vợ chính. Vì thế mà khi nhà giai hỏi vợ, thì bên nhà gái, lúc con gái mình vu quy, phải cho ít nhất là người con gái út theo chị, và một người cháu gái theo cô để phù dâu, và cũng để làm hầu thiếp sau này. Song song với tục lệ này, còn có một tục lệ khác, là nhà vua có quyền lấy nhiều vợ và phi tần hơn. Trong quẻ Quy Muội, ta sẽ chỉ lưu ý đến tục lệ một người quí phái, vương tôn có thể lấy một lúc hai chị em và người cháu. I. Thoán. Thoán từ. 歸 妹 . 征 凶 . 無 攸 利 . Quy muội. Chinh hung. Vô du lợi. Dịch. Quy muội, gái nhỏ vu quy, Lạ lùng, bỡ ngỡ, làm gì cho đây. Quẻ Quy Muội, trên là Chấn, là trưởng nam, dưới là Đoài, là thiếu nữ. Như vậy về đôi tuổi cũng chênh lệch, lại Đoài là duyệt, Chấn là động; lấy sự thỏa thích làm động cơ cho công việc làm, thì vợ chồng sẽ đi đến chỗ phóng túng dục tình, cho nên sẽ chẳng ra gì. Nhưng cũng có thể giải cách khác là Phận em, phận lẽ, không nên chuyên quyền, không nên tự quyết, mà nhất nhất phải tùy thuộc vào người vợ cả, chẳng vậy sẽ không ra gì. Vì thế nói: Chinh hung. Vô du lợi. Thoán Truyện. Thoán viết: 彖 曰 . 歸 妹 . 天 地 之 大 義 也 . 天 地 不 交 . 而 萬 物 不 興 . 歸 妹 人 之 終 始 也 . 說 以 動 . 所 歸 妹 也 . 征 凶 . 位 不 當 也 . 無 攸 利 . 柔 乘 剛 也 . Quy Muội. Thiên địa chi đại nghĩa dã. Thiên địa bất giao nhi vạn vật bất hưng. Quy muội. Nhân chi chung thủy dã. Duyệt dĩ động. Sở Quy muội dã. Chinh hung. Vị bất đáng dã. Vô du lợi. Nhu thừa cương dã. Dịch. Cảm tình Quy Muội, gái trai Âm Dương phối ngẫu, luật trời xưa nay, Đất trời gàng quải, đó đây, Thế thời vạn vật, biết ngày nào sinh. Gái trai, Quy muội chi tình, Ấy là đầu cuối, mối manh con người. Vui nên hành động buông xuôi, Thế nên, gái mới theo trai ra về, Làm gì, cũng sẽ ê chề, Là vì chẳng được xứng bề, xứng ngôi. Trăm điều, chẳng tốt, chẳng xuôi. Là vì Nhu lại cưỡi chòi lên Cương. Thoán Truyện đề cao sự phối ngẫu, và sánh cuộc hôn nhân giữa con người với sự hòa hài của trời đất (Quy Muội. Thiên địa chi đại nghĩa dã. Thiên địa bất giao nhi vạn vật bất hưng). Cho nên Hôn Lễ đối với con người hết sức là quan trọng. Vì thế Thoán viết tiếp Quy Muội nhân chi chung thủy dã. Sách Quốc ngữ cũng viết: Hôn nhân họa phúc chi giai (Quốc ngữ, Chu Ngữ, đệ nhất). Hôn nhân là thềm, là bậc, là họa, phúc, vào nhà một vương tôn công tử. Chu Hi giải quẻ Quy Muội, sở dĩ là chung thủy vì con người về nhà chồng là hết đời con gái, và bắt đầu đời của người mẹ (Quy giả nữ chi chung. Sinh dục giả nhân chi thủy). Chuyện vợ chồng dĩ nhiên là quan trọng. Nhưng vợ chồng lấy nhau cốt để sinh con đẻ cái, là cho giòng họ trở nên hùng tráng, vững bền, lại cũng cùng nhau tế tự tổ tiên, chứ không phải là để phóng túng dục tình. Trong gia đình, muốn ấm êm, phải có tôn ti, trật tự thì mọi sự mới êm đẹp. Nếu mà vợ lấn át chồng, vợ lẽ đòi hơn vợ cả, thì chẳng làm gì nên chuyện. Cho nên: - Vợ chồng phải tránh chuyện lấy thú vui làm hành động (Động dĩ duyệt. Sở Quy muội dã ). - Ngôi vị trong gia đình mà dang dở, sẽ sinh họa hoạn (Chinh hung. Vị bất đáng dã). -Tất cả những chuyện lăng loàn, vượt quyền, vượt vị sẽ gây nên hậu quả không hay (Vô du lợi. Nhu thừa cương dã). II. Tượng. Tượng viết: 象 曰 . 澤 上 有 雷 . 歸 妹 . 君 子 以 永 終 知 敝 . Trạch thượng hữu lôi. Quy muội. Quân tử dĩ vĩnh chung chi tệ. Dịch. Tượng rằng: Quy muội sấm động mặt hồ, Nhìn xa để biết hay ho, hư hèn. Nhìn xa, trông rộng, mới nên. Muốn biết một việc hay, dở, phải nhìn cho xa. Ví như thấy sự phối hợp bất chính, thì sẽ đoán được chung cuộc sẽ chẳng hay. Suy ra thì muôn sự đều như vậy. Hễ không đường hoàng, chính đáng, cuối cùng sẽ sinh tệ hại. Như vậy Tượng dạy ta, phải xét việc đời trên phương diện vĩnh cửu, luôn luôn phải tự hỏi xem công việc mình làm có ích lợi cho mình mãi không? hay cuối cùng sẽ có hại. III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện 1. Hào Sơ Cửu. 初 九 . 歸 妹 以 娣 . 跛 能 履 . 征 吉 . 象 曰 . 歸 妹 以 娣 . 以 恆 也 . 跛 能 履. 吉 . 相 承 也 . Sơ Cửu. Quy Muội dĩ đệ. Bả năng lý. Chinh cát. Tượng viết: Quy muội dĩ đệ. Dĩ hằng dã. Bả năng lý. Cát. Tương thừa dã. Dịch. Phận em, phận lẽ vu quy, Kiên trinh, hiền thục, vẹn bề trước sau. Què mà đi được, chẳng sao. Biết điều, biết xử, biết theo tốt lành. Sơ Cửu mô tả một người em cùng về nhà chồng với chị, để làm phận lẽ, nếu không dám tự chuyên, biết khuôn xử hợp ý người vợ cả, thì mọi sự đều hay, chẳng khác nào người thọt chân mà vẫn đi lại được. Xưa, thiên tử, chư hầu cưới vợ, thì lúc về nhà chồng, người vợ đích (vợ cả) bao giờ cũng mang theo em, cháu về theo để làm hầu thiếp. Đó là cái vinh dự cho người em. Tượng Truyện cho rằng: Về nhà chồng mà chị dẫn em theo là chuyện thông thường, thông lệ (Quy Muội dĩ đệ. Dĩ hằng dã). Người em mà biết thuận thảo với người chị, thì cũng hay (Bả năng lý. Cát. Tương thừa dã). 2. Hào Cửu nhị. 九 二 . 眇 能 視 . 利 幽 人 之 貞 . 象 曰 . 利 幽 人 之 貞 . 未 變 常 也 . Cửu nhị. Diếu năng thị. Lợi u nhân chi trinh. Tượng viết: Lợi u nhân chi trinh. Vị biến thường dã. Dịch. Chột mắt, mà vẫn trông nhìn. Con người hiền đức, trinh bền, vẫn hay. Tượng rằng: Con người trinh chính vẫn hay, Đạo thường lẽ phải, chẳng hay, chẳng rời. Cửu nhị tượng trưng người vợ hiền. Lục ngũ tượng trưng người chồng dở. Vợ hay mà chồng dở, cũng khó dựng được nghiệp lớn, như người một mắt chỉ trông được gần, không tinh tường bằng người có đủ hai mắt (Diếu năng thị). Gặp tình cảnh ấy, nếu biết im hơi lặng tiếng, một lòng chung thủy với chồng là hay nhất (Lợi u nhân chi trinh). Hào từ này cũng có thể giải thích là, người vợ cả hiền thục, nhưng không được chồng yêu, mà lại đi yêu người vợ lẽ kém tài, kém đức hơn mình. Tượng viết: Lợi u nhân chi trinh. Vị biến thường dã. Những người đàn bà hiền thục, thời dầu gặp hoàn cảnh nào cũng không thay lòng, đổi dạ. Trinh liệt như vậy, nên mới đẹp đẽ. 3. Hào Lục tam. 六 三 . 歸 妹 以 須 . 反 歸 以 娣 . 象 曰 . 歸 妹 以 須 . 未 當 也 . Lục tam. Quy Muội dĩ tu. phản quy dĩ đệ. Tượng viết: Quy muội dĩ tu. Vị đáng dã. Dịch. Vu quy, có lúc nên chờ, Không chờ, lấy lẽ mới ra thân hèn. Tượng rằng: Vu quy có lúc nên chờ, Dở dang, nên hãy đắn đo chờ thời. Hào Lục tam, Âm nhu, bất trung, bất chính, không khéo xử, không biết chờ thời (Quy muội dĩ tu), nên không được làm vợ chính, mà phải cam phận làm vợ lẽ, nàng hầu (Phản quy dĩ đệ). Tu đây được hiểu là chờ đợi. Kiến An Khâu thị giải đại khái rằng: Lục tam vốn hèn hơn Cửu nhị, mà lại ngạo nghễ muốn trèo đèo, đòi lấn át Cửu nhị, tức là người vợ cả, như vậy ắt sẽ bị ruồng rẫy, cứ nên cam phận lẽ mọn của mình thì hơn. Tu đây được hiểu là người con gái ti tiện. Tượng viết: Quy muội dĩ tu. Vị đáng dã. Tượng Truyện cho rằng tất cả những chuyện éo le, dang dở của Lục tam, đều là do sự cư xử không thích đáng mà ra. Nên Kiến An Khâu thị cho rằng: Hào Sơ dưới, biết phận hầu thiếp của mình, ở ăn phải đạo, thế là cư xử đúng vị. Hào tam, Nhu mà đòi lướt Cương, Tiện mà đòi vượt Quí, thế là cư xử không chính đáng. 4. Hào Cửu tứ. 九 四 . 歸 妹 愆 期 . 遲 歸 有 時 . 象 曰 . 愆 期 之 志 . 有 待 而 行 也 . Cửu tứ. Quy muội khiên kỳ. Trì quy hữu thì. Tượng viết: Khiên kỳ chi chí. Hữu đãi nhi hành dã. Dịch. Vu quy, phải hoãn, phải chờ, Từ từ, cho hợp thời cơ mới là. Tượng rằng: Có gan, khoan dãn đợi chờ, Đợi chờ, cho gặp thời cơ mới làm. Cửu tứ là người con gái hiền đức, biết tự trọng, nhưng vì không có chính ứng, nên nói rằng Khiên kỳ (Chậm về nhà chồng). Quy muội khiên kỳ. Nhưng nếu mình biết chờ đợi, rồi ra cũng lấy được chồng hay, chậm về nhà chồng, nhưng rồi cũng về nhà chồng (Trì quy hữu thì). Tượng Truyện cho rằng: Cửu tứ chậm đi lấy chồng, không phải vì ế chồng, mà là có ý kén chồng tốt mới chịu lấy (Khiên kỳ chi chí. Hữu đãi nhi hành dã). Thế là: Lộc còn ẩn bóng cây tùng . Thuyền quyên đợi bóng anh hùng vãng lai. 5. Hào Lục ngũ. 六 五 . 帝 乙 歸 妹 . 其 君 之 袂 . 不 如 其 娣 之 袂 良 . 月 几 望 . 吉 . 象 曰 . 帝 乙 歸 妹 . 不 如 其 娣 之 袂 良 也 . 其 位 在 中 . 以 貴 行 也 . Lục ngũ. Đế Ất quy muội. Kỳ quân chi duệ. Bất như kỳ đệ chi duệ lương. Nguyệt cơ vọng. Cát. Tượng viết: Đế Ất quy muội. Bất như kỳ đệ chi duệ lương dã. Kỳ vị tại trung. Dĩ quí hành dã. Dịch. Kìa vua Đế Ất gả em, Nàng dâu, tay áo trông xem kém người, Kém người lẽ mọn, tôi đòi. Tôi đòi, lẽ mọn, trông ngoài sang hơn. Vầng trăng xấp xỉ chưa tròn, Vừa cao, vừa quí, vừa ngoan, vừa lành. Tượng rằng: Đế Ất gả em, Xuềnh xoàng áo xống, trông xem kém người. Kém người phù tá, tôi đòi, Xuềnh xoàng, dản dị, thế thời mới hay. Vị cao, mà đức lại dày, Trinh trung, nhu thuận ra người cao sang. Lục ngũ bàn về chuyện vua Đế Ất gả em gái là Thái Tự cho vua Văn Vương. Đế Ất là vua giáp chót nhà Ân, trước vua Trụ. Đế Ất trị vì từ 1191 đến 1155 trước Công nguyên. Theo Trình Tử thì vua Đế Ất đã ra sắc chỉ quy định rằng công chúa mà lấy chồng, cũng phải vâng phục quyền chồng. Nàng dâu ở đây rất đức hạnh, không ưa trang điểm, nên phục sức có vẻ thua sút các nàng dâu đi theo phù dâu (Kỳ quân chi duệ. Bất như kỳ đệ chi duệ lương). Quân đây là nàng dâu, là vợ cả. Xưa vợ cả được gọi là Nữ quân hay Quân mẫu. Nàng lại khiêm cung, không dám lấn át chồng. Như vậy mới là ngoan (Nguyệt cơ vọng cát). Tượng Truyện khen nàng dâu nhã nhặn, không ưa phục sức lộng lẫy, và cho rằng sở dĩ được vậy là vì địa vị đã cao, xử xự lại đúng mức, hành vi lại thanh quí (Đế Ất quy muội. Bất như kỳ đệ chi duệ lương dã. Kỳ vị tại trung. Dĩ quí hành dã). 6. Hào Thượng Lục. 上 六 . 女 承 筐 無 實 . 士 囗 羊 無 血 . 無 攸 利 . 象 曰 . 上 六 無 實 . 承 虛 筐 也 . Thượng Lục. Nữ thừa khuông vô thực. Sĩ khuê dương vô huyết. Vô du lợi. Tượng viết: Thượng Lục vô thực. Thừa hư khuông dã. Dịch. Gái bưng một cái giỏ không, Giai đem dê giết, máu hồng chẳng rơi. Việc gì, cũng chẳng có lơi, Việc gì cũng sẽ lôi thôi, chẳng toàn. Tượng rằng: Thượng Lục rỗng lòng, Thế là bưng cái giỏ không có đồ. Xưa người vợ hiền, phải cộng tác với chồng để đồng tế lễ tiên tổ. Đó là một công chuyện hết sức hệ trọng, không thể làm hời hợt được. Những bà vợ không làm tròn bổn phận tế lễ tiên tổ, có thể bị chồng trả về cha mẹ vợ. (Xem Li Ki, Couvreur II, 197 ). Hào Thượng Lục đây đề cập đến trường hợp cả hai vợ chồng đều lỗi bổn phận trong khi tế lễ. Vợ thì dâng giỏ không (Nữ thừa khuông vô thực), chồng thì chọc tiết dê không ra máu, (Sĩ khuê dương vô huyết). Như vậy là cặp vợ chồng hỏng (Vô du lợi), không ăn đời, ở kiếp với nhau được, cho nên thay vì dùng chữ Phu Phụ, Hào từ dùng chữ Sĩ, Nữ. Người vợ mà không làm tròn phận sự tế lễ, dâng giỏ không, thời chắc chẳng phải là một người có thể cùng chồng tính kế bách niên, giai lão (Thượng Lục vô thực. Thừa hư khuông dã). Quẻ Quy Muội đã làm sống lại cả một dĩ vãng xa xăm, với những phong tục đặc biệt, mà nay khảo sát đến, ta không khỏi bỡ ngỡ một cách thích thú. ÁP DỤNG QUẺ QUI MUỘI VÀO THỜI ĐẠI Chế độ đa thê trong quẻ Quy Muội đã quá lỗi thời, không phù hợp hiện tại. Ngày nay ta ở trong chế độ Một vợ, một chồng. Nhưng sự lo lắng về hôn nhân cho con cái, thì quẻ Quy muội cũng khiến ta nên suy nghĩ, để rút tỉa những cái khôn ngoan của người xưa, mà áp dụng dung hòa cho ngày nay. Xưa, con gái mới 12, 13 tuổi, cha mẹ đã lo dựng vợ, gả chồng, con cái có yên bề gia thất, thì cha mẹ mới coi như đã làm tròn bổn phận. Nhưng ngày nay, tiêm nhiễm theo văn minh Âu Mỹ, những thanh thiếu niên ý thức được những cái hay của nước người là làm việc chuyên cần, chịu khó, thì đều thành công trong xã hội, còn những người chỉ trông thấy sự tự do của họ thì bắt chước theo, nhưng đã đi quá trớn như: - Tự do hôn nhân. Thay vì được lựa chọn người yêu như ý mình, thì họ yêu đương bừa bãi, không cân nhắc, không suy nghĩ; thậm chí bất chấp lời khuyên can của cha mẹ, của các bậc bề trên, nhiều khi còn cho ra đời những đứa con không cha, và chính bản thân mình không có ai muốn cưới hỏi đàng hoàng. Vậy thử hỏi các bậc cha mẹ, có ai thoát khỏi nỗi đau lòng, khi trông thấy con cái mình như vậy? Quẻ Quy Muội giúp ta suy nghĩ và cân nhắc về sự suy tính của trí tuệ người xưa, và biến đổi nó lại, để áp dụng cho thời đại ngày nay. Trong bài này, ta chỉ đề cập đến vấn đề hôn nhân, và giáo dục con cái mà thôi.. Khi xưa, ở Trung Hoa, nhà có nhiều con gái, cháu gái, sợ có nhiều người bị ế chồng, và khi đi lấy chồng là coi như phải xa nhà, mỗi khi muốn về thăm cha mẹ cũng khó khăn, phải được bố mẹ chồng hoặc chồng cho phép. Nếu gặp gia đình nhà chồng khắt khe, thì người nàng dâu đó rất cô đơn và khổ sở, nên xã hội phải đặt ra tục lệ như quẻ Quy Muội tả trên, cho em gái hoặc cháu gái cùng về nhà chồng, để làm hầu thiếp, để đỡ đần công việc, và chia xẻ ngọt bùi, cho cô dâu bớt cô đơn. Nhưng đồng thời, bậc cha mẹ cũng phải huấn luyện con gái mình, thành người hiền thục, khoan hồng, đại lượng, và các cô hầu thiếp đi theo cũng phải phục tùng, và thuận thảo, nếu ai làm trái ngược thì coi như mang tai họa đến cho nhà chồng. Do đó nhờ có sự giáo dục cẩn thận của cha mẹ, nên trên dưới một lòng. Áp dụng vào ngày nay, thì cha mẹ nên để ý giáo dục con ngay từ lúc còn nhỏ, lo để ý tìm bạn cho con giao thiệp, trong đám con cháu của bè bạn mình, như vậy là mình phải dành chút thì giờ cuối tuần để lo giao thiệp, để dạy con làm công việc nội trợ, để đưa con đi chơi, để cho chúng thấy mình được cha mẹ thương yêu, lo lắng cho, chớ để cho con cái thấy mình bị cô đơn, không ai ngó ngàng tới, cả ngay bố mẹ chúng chỉ tối ngày lo làm tiền, mà không để ý gì đến chúng. Sự thật tiền thì ai cũng cần, nhưng con cái mình còn quan trọng hơn tiền. Như vậy con cái đã có tình yêu của cha mẹ đầy đủ, đã có bè bạn tốt, có giáo dục đầy đủ, thì sự sa đoạ cũng bớt đi nhiều, và như vậy việc Hôn nhân của chúng cũng làm ta bớt mệt óc, vì chúng có nhiều đối tượng tốt để so sánh, do đó cũng khó sa ngã. Và Tự Do Hôn Nhân là tự do lựa chọn, với sự hướng dẫn của các bậc phụ huynh, như vậy cũng làm cho ta yên trí và tin tưởng được phần nào.
55. 雷 火 豐 LÔI HỎA PHONG Phong Tự Quái | 豐 序 卦 | Đắc kỳ sở qui giả tất đại. | 得 其 所 歸 者 必 大 | Cố thụ chi dĩ Phong. | 故 受 之 以 豐 . | Phong giả đại dã. | 豐 者 大 也 . | Phong Tự Quái Có nơi qui đáo, ắt thời lớn lao, Cho nên, Phong mới tiếp vào, Phong là phong đại, nhẽ nào chẳng to? Có nơi qui tụ, sẽ đi đến chỗ thịnh đạt, phong doanh, nên sau quẻ Qui Muội là quẻ Phong. I. Thoán. Thoán từ. 豐 . 亨 . 王 假 之 . 勿 憂 . 宜 日 中 . Phong. Hanh. Vương cách chi. Vật ưu. Nghi nhật trung. Dịch. Phong là phong thịnh, hanh thông, Phong doanh, phi đấng cửu trùng, nào ai? Đừng buồn, đừng sợ chuyện đời. Hãy như mặt nhật, sáng soi giữa trời. Khi đã đạt tới phong thịnh, mọi sự sẽ trở nên trôi chẩy (Phong hanh). Chỉ có các bậc vua chúa, mới đi đến chỗ phong đại được, vì chỉ có vua chúa, mới hội đủ điều kiện tinh thần, vật chất, nhân sự, để đi đến chỗ phong doanh, thái thịnh (Vương cách chi). Khi các bậc vương giả, đã đạt được tới giai đoạn thịnh đại, thì đừng có lo âu vì viễn ảnh suy vong trong tương lai, mà hãy nên như mặt trời giữa khung trời thẳm, chiếu soi cho thiên hạ Thoán Truyện. Thoán viết: 彖 曰 . 豐 . 大 也 . 明 以 動 . 故 豐 . 王 假 之 . 尚 大 也 . 勿 憂 宜 日 中 . 宜 照 天 下 也 . 日 中 則 昃 . 月 盈 則 食 . 天 地 盈 虛 . 與 時 消 息 . 而 況 人 於 人 乎 ? 況 於 鬼 神 乎 ? Phong. Đại dã. Minh dĩ động. Cố phong. Vương cách chi. Thượng đại dã. Vật ưu nghi nhật trung. Nghi chiếu thiên hạ dã. Nhật trung tắc trắc. Nguyệt doanh tắc thực. Thiên địa doanh hư. Dữ thời tiêu tức. Nhi huống ư nhân hồ? Huống ư quỉ thần hồ? Dịch. Thoán rằng: Phong là phong đại, lớn lao, Thông minh, hoạt động lẽ nào chẳng phong. Phong doanh, chỉ đấng cửu trùng, Cửu trùng mới thích vẫy vùng, bao la. Chuyện đời, đừng sợ đừng lo, Hãy như mặt nhật, nhởn nhơ giữa trời. Chiếu soi khắp chốn, khắp nơi, Khắp cùng thiên hạ,chiếu soi rỡ ràng. Vừng dương cao sẽ xế ngang, Trăg tròn, rồi sẽ chuyển sang vơi, gầy. Đất trời, lúc rỗng, lúc đầy, Thăng trầm, tăng giảm, đổi thay theo thời. Đất trời còn thế, nữa người. Quỉ thần âu cũng một bài thịnh suy. Thoán Truyện định nghĩa Phong là lớn lao. Muốn đạt tới Phong đại phải: 1-Thông minh sáng suốt. 2- Có nghị lực để thực hiện các chương trình, ý định của mình. 3-Là bậc Vương giả, mới có mộng lớn lao, những đồ án vĩ đại, mới có những điều kiện tinh thần, vật chất, nhân sự, để thực hiện ý muốn của mình (Minh dĩ động. Cố phong. Vương cách chi. Thượng đại dã). Khi đạt tới mức phong doanh cao đại, bậc vương giả hãy cứ an tâm làm ơn ích, treo gương sáng cho đời, như mặt trời trên khung trời thẳm, tỏa quang huy cùng khắp chốn nơi. (Vật ưu nghi nhật trung. Nghi chiếu thiên hạ dã). Tiếp theo, Thoán Truyện bàn về việc doanh hư của trời đất, và cho đó là một định luật phổ quát. - Mặt trời lên đến tột đỉnh, rồi sẽ xế tà dần. -Mặt trăng tròn rồi lại khuyết. Trời đất theo đà thời gian, đầy rồi lại vơi, tăng rồi lại giảm, thì sự đời làm sao mà cứ thịnh mãi, mà chẳng có suy (Nhật trung tắc trắc. Nguyệt doanh tắc thực. Thiên địa doanh hư. Dữ thời tiêu tức. Nhi huống ư nhân hồ. Huống ư quỷ thần hồ.) II. Đại Tượng Truyện. Tượng viết: 象 曰 . 雷 電 皆 至 . 豐 . 君 子 以 折 獄 致 刑 . Lôi điện giai chí. Phong. Quân tử dĩ triết ngục trí hình. Dịch. Tượng rằng: Phong là sấm chớp song sinh, Hiền nhân triết ngục, trí hình hẳn hoi. Tội tình, xét xử cho đời, Ngục hình áp dụng rạch ròi, phân minh. Chớp tượng trưng cho sự sáng láng. Sấm tượng trưng cho sự uy nghi, mạnh mẽ. Cho nên, người quân tử nhân đó cũng phải dùng hết trí thông minh của mình, mà phán đoán các vụ hình án, dùng hết oai lực của mình, mà áp dụng các hình phạt. Trái lại Đại Tượng quẻ Phệ hạp, dạy người quân tử phải dùng trí thông minh của mình mà lập ra các luật pháp và các hình phạt. III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện 1. Hào Sơ Cửu. 初 九 . 遇 其 配 主 . 雖 旬 無 咎 . 往 有 尚 . 象 曰 . 雖 旬 無 咎 . 過 旬 災 也 . Sơ Cửu. Ngộ kỳ phối chủ. Tuy tuần vô cữu. Vãng hữu thượng. Tượng viết: Tuy tuần vô cữu. Quá tuần tai dã. Dịch. Gặp người đồng đức kết đôi, Ta, người cân xứng, vậy thời lỗi chi. Tiến lên, sẽ được thỏa thuê. Tượng rằng: Cân xứng lỗi chi, Còn như chênh lệch, sẽ bề tai hung. Quẻ Phong gồm có Chấn là động, mà quẻ Ly là lửa. Ý nói muốn làm nên phong đại, cần phải phối hiệp sự quang minh với nghị lực để hành động. Hào Sơ đây ứng với Hào tứ, chẳng khác nào gập người cộng sự đồng cân, đồng lạng. Được vậy, chẳng những không có gì đáng trách (Ngộ kỳ phối chủ. Tuy tuần vô cữu), mà lại giúp mình lập được công nghiệp đáng khen (Vãng hữu thượng). Tượng Truyện cho rằng, hai người cộng sự với nhau, mà không có óc tranh hơn, tranh thắng, mới hay, còn như nếu có óc tranh dành hơn thiệt, thì âu sẽ bị tai hoạ. (Tuần là cân xứng với nhau. Quá tuần là chênh lệch không cân xứng) (Tuy tuần vô cữu. Quá tuần tai dã). 2. Hào Lục nhị. 六 二 . 豐 其 蔀 . 日 中 見 斗 . 往 得 疑 疾 . 有 孚 發 若 . 吉 . 象 曰 . 有 孚 發 若 . 信 以 發 志 也 . Lục nhị. Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu. Vãng đắc nghi tật. Hữu phu phát nhược. Cát. Tượng viết: Hữu phu phát nhược. Tín dĩ phát chí dã. Dịch. Dày mà dày bức màn che, Trưa nhìn sao nhỏ lập lòe thinh không. Tiến lên sẽ bị nghi lòng, Chí thành tự thủ, mới mong cảm người. Tượng rằng: Chí thành tự thủ cảm người, Tín thành là cách để khơi tâm tình. Lục nhị cư trung, đắc chính, tượng trưng cho một hiền thần, lại ở giữa quẻ Ly, nên rất sáng suốt. Nhưng Lục ngũ thì lại Âm nhu bất chính, hôn ám, nghe lời sàm tấu, không tin dùng Lục nhị, tình trạng này chẳng khác nào khi trời có Nhật thực, giữa ban ngày thấy chòm sao Bắc đẩu hiện ra trên trời (Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu). (Bộ đây là dày đặc, đến nỗi làm mất hết ánh sáng mặt trời). Gặp trường hợp này, mà nếu Lục nhị cứ tiến lên, cứ muốn dở dói, hoạt động thì sẽ chuốc lấy sự nghi kỵ (Vãng đắc nghi tật). Hay nhất là dùng lòng chí thành của mình, mà cảmhóa, mà mở mang tâm trí quân vương. (Hữu phu phát nhược. Cát). Tượng Truyện giải rằng: Dùng lòng chí thành của mình, cốt là để mở mang tâm tình, ý chí của vua vậy (Hữu phu phát nhược. Tín dĩ phát chí dã). Hào này làm ta liên tưởng đến Chu Công. Khi Võ Vương mất (1114 trước Công Nguyên), con nối ngôi là Thành Vương còn nhỏ, mới 13 tuổi, Chu Công phải chấp chính. Bọn Quản Thúc, Thái Thúc và Hoắc Thúc, đều là anh em ruột của Chu Công, phao tiếng đồn là Chu Công muốn tranh ngôi vua Thành Vương, và bọn ấy còn mưu tính tiếp tay cho Vũ Oanh (con Trụ Vương) phản loạn. Chu Công phải bỏ triều chính một thời gian ngắn, rồi về phía Đông ở, để dẹp yên lòng nghi kỵ trong gia đình và dị nghị của thiên hạ. Đến khi biết lòng của chú, Thành Vương thân chinh đi đón Chu Công về (1112), và giao phó cho việc dẹp loạn Vũ Oanh. Chu Công bình định phản loạn, tổ chức trị yên bốn bể làm cho Trung Quốc trở nên phú cường, thái thịnh. 3. Hào Cửu tam. 九 三 . 豐 其 沛 . 日 中 見 昧 . 折 其 右 肱 . 無 咎 . 象 曰 . 豐 其 沛 . 不 可 大 事 也 . 折 其 右 肱 . 終 不 可 用 也 . Cửu tam. Phong kỳ bái. Nhật trung kiến muội. Triết kỳ hữu quăng. Vô cữu. Tượng viết : Phong kỳ bái. Bất khả đại sự dã. Triết kỳ hữu quăng. Chung bất khả dụng dã. Dịch. Phong mà cờ xí dày che, Trưa nhìn sao nhỏ lập loè thinh không. Như què tay mặt hết dùng, Sự đời đến thế, còn hòng trách ai. Tượng rằng: Dày mà cờ xí dày che, Phàm làm đại sự, khó bề nên công. Đã què tay mặt, hết dùng, Còn dùng chi nữa, mà mong mai này. Tới Hào Cửu tam, thì sự khuất lấp của nhà vua lại còn tệ hại hơn nữa, chẳng khác nào mặt trời bị nhật thực hoàn toàn, đến nỗi giữa ban ngày thấy rõ cả những ngôi sao nhỏ. (Phong kỳ bái. Nhật trung kiến muội). (Bái là cái màn kín mít. Muội là sao nhỏ). Gặp trường hợp này, Cửu tam dẫu có tài, có đức mấy cũng như gẫy hẳn tay mặt, khó bề xoay trở (Triết kỳ hữu quăng). Nhưng như thế, đâu phải do lỗi của Cửu tam (Vô cữu). Khi đã gặp trường hợp tiểu nhân bưng bít nhà vua như vậy, thì mình làm sao làm công chuyện lớn được (Phong kỳ bái. Bất khả đại sự dã). Chẳng khác nào tay phải đã bị gẫy, làm sao mà còn dùng được (Triết kỳ hữu quăng. Chung bất khả dụng dã). 4. Hào Cửu Tứ. 九 四 . 豐 其 蔀 . 日 中 見 斗 . 遇 其 夷 主 .吉 . 象 曰 . 豐 其 蔀 . 位 不 當 也 . 日 中 見 斗 . 幽 不 明 也 . 遇 其 夷 主 . 吉 . 行 也 . Cửu tứ. Phong kỳ bộ. Nhật trung kiến đẩu. Ngộ kỳ di chủ. Cát. Tượng viết: Phong kỳ bộ. Vị bất đáng dã. Nhật trung kiến đẩu. U bất minh dã. Ngộ kỳ di chủ. Cát hành dã. Dịch. Dày mà dày bức màn che, Trưa nhìn sao đẩu lập lòe thinh không. Dưới mình, nếu có bạn lòng, Gặp người đồng đức, mới mong tốt lành. Tượng rằng: Dày bức màn che, Vị ngôi còn có lắm bề dở dang. Trưa nhìn sao đẩu rõ ràng, Tối tăm mù mịt, sang làm sao đây? Gặp người đồng đức, mới hay, Đi tìm gặp gỡ, mới may mới lành. Khi nhà vua bị tiểu nhân bưng bít, như mặt trời bị khuất lấp, bị nhật thực, ban ngày trông rõ cả sao Bắc Đẩu, thì bậc Đại thần chỉ có cách kết liên với những người đông tâm, đồng đức, như vậy mới là hay. Tượng Truyện giải thích thêm rằng: Cửu tứ vì ở vào địa vị không được hẳn hoi, nhưng chẳng khác nào như bị bưng bít (Phong kỳ bộ. Vị bất đáng dã). Đàng khác, thì nhà vua hôn ám, chẳng khác nào mặt trời bị nhật thực, đến nỗi ban ngày cũng thấy sao Bắc Đẩu (Nhật trung kiến đẩu. U bất minh dã). Trong trường hợp ấy, mà gặp được người đồng tâm, đồng đức, cộng tác với mình. Thì mọi sự mới là hay (Ngộ kỳ di chủ. Cát hành dã). Di chủ là người cộng tác với mình. 5. Hào Lục ngũ. 六 五 . 來 章 . 有 慶 譽 . 吉 . 象 曰 . 六 五 之 吉 . 有 慶 也 . Lục ngũ. Lai chương. Hữu khánh dự . Cát. Tượng viết: Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã. Dịch. Nếu mà chiêu mộ hiền tài, Thế thời phúc khánh, thế thời vẻ vang. Tượng rằng: Lục ngũ mà hay, Thế thời phúc khánh, đó đây đã đành. Lục ngũ là một bậc quân vương không lấy gì làm xuất sắc, cho nên cần phải biết hạ mình mà cầu người hiền, chiêu mộ những bậc hiền tài (Lai chương). Như vậy mới được phúc khánh (Hữu khánh). Dùng được hiền tài, thời phong doanh, thái thịnh mới có cơ thực hiện, và như vậy mới được vẻ vang, danh giá, còn gì tốt lành hơn nữa (Dự cát). Cái hay của Lục ngũ chính là được phúc khánh vậy (Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã). 6. Hào Thượng Lục. 上 六 . 豐 其 屋 . 蔀 其 家 . 窺 其 戶 .闃 其 無 人 . 三 歲 不 見 . 凶 . 象 曰 . 豐 其 屋 . 天 際 翔 也 . 窺 其 戶 . 闃 其 無 人 . 自 藏 也 . Thượng Lục. Phong kỳ ốc. Bộ kỳ gia. Khuy kỳ bộ. Huých kỳ vô nhân. Tam tuế bất địch. Hung. Tượng viết: Phong kỳ ốc. Thiên tế tường dã. Khuy kỳ bộ. Huých kỳ vô nhân. Tự tàng dã. Dịch. Tuy là gia thế phong doanh, Màn che, trướng rủ bao quanh lấp nhà. Từ trong cánh cửa nhìn ra, Tứ bề quạnh quẽ, hỏi là còn ai ? Ba năm chẳng thấy bóng người, Sự tình đến thế, thế thời chẳng hay. Tượng rằng: Gia thế phong doanh, Một mình tung cánh tầng xanh, liệng vòng. Từ trong khe cửa vời trông, Mòn con mắt ngó, tuyệt không bóng người. Mình che, mình dấu, mình vùi, Mình xa chẳng phải tự người muốn xa. Một kẻ chỉ mong vinh thân, phì gia, kiêu căng vô lối, sẽ mất nhân tâm, và sẽ sống một cuộc đời cô độc. Có khác nào một người bưng bít nhà mình, (Phong kỳ ốc. Bộ kỳ gia), rồi nhìn qua khe cửa, chung quanh chẳng thấy một ai (Khuy kỳ bộ. Huých kỳ vô nhân). Tứ bề quạnh quẽ, mấy năm trời cũng chẳng thấy ai lai vãng, thế là xấu, chẳng có ra gì (Tam tuế bất địch. Hung). Một người cao ngạo, sống cô độc, bưng bít, xa cách mọi người như vậy, chẳng khác nào như bay bổng lên trời, (Phong kỳ ốc. Thiên tế tường dã). Không thấy ai chung quanh mình, chính là vì mình đã có thái độ xa cách đối với mọi người vậy (Huých kỳ vô nhân. Tự tàng dã). Tự tàng là tự mình che bít mình. ÁP DỤNG QUẺ PHONG VÀO THỜI ĐẠI Phong là giàu có, thái thịnh. Quẻ Phong trên là Lôi (Sấm), dưới là Ly (lửa, sáng). Ý nói muốn trở nên giàu có, con người cần phải cố gắng, nỗ lực (Lôi), phải thông minh, sáng suốt(Ly). Khi mình đã cố gắng, đã hết sức suy tư, thì dẫu sự đời có thăng trầm, biến hóa, ta cũng đừng có ngại. Ở đời, chúng ta thấy nguyên kiếm được miếng cơm, manh áo, nhiều khi cũng rất là khó khăn. Ta có những câu như Hai sương, một nắng, nghĩa là làm việc từ tờ mờ sáng, lúc còn sương mù, cho đến đêm khi bắt đầu có sương. Ngay xứ Mỹ này, còn biết bao người chẳng những đi làm toàn thời gian, mà còn làm thêm nhiều giờ phụ trội để kiếm ăn nữa . Nhưng bao giờ cũng như bao giờ, chúng ta vẫn cần những người lãnh đạo cho hay, cho giỏi, sống gần dân, chứ không bị bao che, bưng bít, sống không biết dân là gì Ngày nay, tuy rằng Khoa học đã tiến bộ, nhưng Đạo đức lại thụt lùi, nên tệ đoan của xã hội không giảm được bao nhiêu, mà ở các nước nghèo, chậm tiến, lại càng tệ hơn nữa. Vậy bổn phận làm người dân của nước nào chăng nữa (dù chính thức hay bán chính thức), nếu chúng ta muốn quốc gia, mà ta đang hiện cư ngụ, được phong thịnh, ta cũng phải có bổn phận cộng tác với chính quyền, giúp đỡ chính quyền trong mọi vấn đề, dù nhẹ nhàng hay nan giải, nếu một khi chính quyền cần đến sự cộng tác của ta. Ta đừng nên đòi hỏi sự hoàn hảo, hoàn toàn nơi chính quyền, vì quyết nghị của một đạo luật nào, thì cũng là ý kiến của một số người mà thôi, mà đã là người thì không thể không có sai lầm, nên thấy điều gì sai lầm, ta phải mạnh dạn đứng lên vạch rõ sự sai lầm đó, và thành khẩn đưa ra những ý kiến xây dựng của mình, yêu cầu họ cứu xét lại. Ta phải cộng tác với chính quyền trong việc bài trừ tham nhũng, lưu manh, du đãng, buôn xì ke, ma túy vv... để lành mạnhhóa xã hội. Tóm lại, đừng bưng bít những gì xấu xa, tệ hại. Phải can đảm đứng lên cộng tác với chính quyền, dù kẻ xấu đó là nhân viên cao cấp của chính quyền cũng đừng sợ hãi. Luôn luôn, phải nhớ rằng, sự thái thịnh của quốc gia, là sự thái thịnh của mình vậy. Nếu quốc gia mà nghèo nàn, công nợ, thì con dân trong nước làm sao được chính phủ lo lắng, hoặc chăm sóc chu toàn cho mình được. Hãy làm tròn bổn phận một người công dân có trách nhiệm với nước của mình, hay với nước mình đang cư ngụ. Như vậy mới xứng đáng là người quân tử, giúp đời, giúp nước.
56. 火 山 旅 HỎA SƠN LỮ Lữ Tự Quái | 旅 序 卦 | Phong giả đại dã. | 豐 者 大 也 | Cùng đại giả tất thất kỳ cư. | 窮 大 者 必 失 其 居 | Cố thụ chi dĩ Lữ. | 故 受 之 以 旅 | Lữ Tự Quái Phong là phong đại, lẽ nào chẳng to. Quá to sẽ mất sở cư, Cho nên Quẻ Lữ bây chừ tiếp theo. Phong doanh, thái thịnh quá sẽ mất sự an tĩnh, cho nên sau quẻ Phong là quẻ Lữ. Lữ là lữ thứ, lữ hành. Lữ trên là Ly, là lửa; Dưới là Cấn, là núi,là ngưng nghỉ. Lửa bay đi, không ở yên một chỗ, nên gọi là Lữ. I. Thoán. Thoán từ. 旅 . 小 亨 . 旅 貞. 吉 . Lữ. Tiểu hanh. Lữ trinh. Cát. Dịch. Lữ là lữ thứ, lữ hành, Trông mong chút đỉnh thông hanh được rồi. Chiếc thân lữ thứ quê người. Sao cho chính đáng, âu thời mắn may. Đã lữ thứ, tha phương, dĩ nhiên là chẳng được hanh thông cho lắm, nên phải minh chính, mới hay. Thoán Truyện. 彖 曰 . 旅 . 小 亨 . 柔 得 中 乎 外 . 而 順 乎 剛 . 止 而 麗 乎 明 . 是 以 小 亨 . 旅 貞 吉 也 . 旅 之 時 義 大 矣 哉 . Lữ. Tiểu hanh. Nhu đắc trung hồ ngoại. Nhi thuận hồ cương. Chỉ nhi lệ hồ minh. Thị dĩ tiểu hanh. Lữ trinh cát dã. Lữ chi thời nghĩa đại hỹ tai. Dịch. Thoán rằng: Lữ thứ, lữ hành, Cầu mong chút đỉnh thông hanh được rồi, Nhu mì, trung chính với ngoài, Và còn thuận phục những người quyền uy, Luôn luôn cư xử hợp nghì, Luôn luôn sáng suốt, tế vi, tinh tường. Cho nên khỏi chuyện nhỡ nhàng, Lữ là minh chính, mới ngoan, mới lành. Trong khi lữ thứ, phiêu linh, Ở ăn đúng mức, tài đành lớn lao. Thoán Truyện bàn về lối cư xử cần phải có khi tha hương lữ thứ. Thoán cho rằng: Lữ thứ giỏi lắm là được mát mặt, an thân, chứ không thể nào thỏa chí vẫy vùng như nguyện được. Đi ra ngoài, phải biết nhu thuận, từ tốn, xử sự cho khéo léo (Nhu đắc trung hồ ngoại), lại phải biết chiều ý người có quyền thế ở nơi mình cư ngụ (Nhi thuận hồ cương). Phải xử sự cho sáng suốt (Chỉ nhi lệ hồ minh), như vậy mới được xong xả, hẳn hoi (Thị dĩ tiểu hanh). Có xử sự cho hay, cho phải, thì mới được an lành khi lữ thứ (Lữ trinh cát dã). Biết xử sự khi lưu lạc nước người, thực là một chuyện lớn vậy (Lữ chi thời nghĩa đại hỹ tai ). Tha hương, lữ thứ khó sống, là vì hoàn cảnh hoàn toàn mới lạ, bạn bè thân thích hầu như không có, giá trị của mình ít người biết đến; ấy là chưa kể bị chèn ép, thiếu phương tiện sinh nhai v.v... II. Đại Tượng Truyện. Tượng viết. 象 曰 . 山 上 有 火 . 旅 . 君 子 以 明 慎 用 刑 . 而 不 留 獄. Sơn thượng hữu hỏa. Lữ. Quân tử dĩ minh thận dụng hình. Nhi bất lưu ngục. Dịch. Tượng rằng: Lữ là lửa cháy đầu non, Ngục hình quân tử chăm nom tận tường, Phân minh cẩn trọng đôi đường, Ngục tù đâu phải nơi trường cửu đâu ? Trên núi có lửa là Lữ, người quân tử theo đấy sẽ sáng suốt, thận trọng khi ra hình phạt, và không kéo dài các vụ hình án, giam cứu. III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện Các Hào dạy cách cư xử khi lữ thứ. Lưu lạc ở nước ngoài, phải mềm dẻo, chứ không được cứng cỏi. Nhưng không vì thế mà có những cử chỉ hèn hạ (Hào Sơ). Khi tha hương, cần phải có nơi trú ngụ, có tiền tiêu dùng, có khí giới phòng thân, nếu được có tôi tớ hầu hạ càng hay, lại cần phải được lòng người trên, người dưới. Thời Xuân Thu, tha hương, lữ thứ là chuyện thường xẩy ra. Điển hình nhất là trường hợp Tấn Văn Công khi còn hàn vi, và Khổng Tử khi chu du Liệt quốc. 1. Hào Sơ Lục. 初 六 . 旅 瑣 瑣 . 斯 其 所 取 災 . 象 曰 . 旅 瑣 瑣 . 志 窮 災 也 . Sơ Lục. Lữ tỏa tỏa. Tư kỳ sở thủ tai. Tượng viết: Lữ tỏa tỏa. Chí cùng tai dã. Dịch. Sơ Lục. Lữ mà đốn mạt, hư hèn, Thế thời tai họa chuốc liền vào thân. Tượng rằng: Lữ thứ hư hèn, Lo quanh, lo quẩn, mắc liền họa tai. Sơ Lục Âm nhu, sống cuộc đời lữ thứ, mà lại ở địa vị quá thấp. Một người tha hương, mà tư cách lại hèn kém Tỏa tỏa là ti tiện, hèn kém (Lữ tỏa tỏa), thì chỉ có thể chuốc lấy tai ương (Tư kỳ sở thủ tai). Hào Sơ tài hèn, vị kém, chí khí cũng ươn hèn, cho nên mới lo quanh, tính quẩn, và bị tai họa (Lữ tỏa tỏa. Chí cùng tai dã). 2. Hào Lục nhị. 六 二 . 旅 即 次 . 懷 其 資 . 得 童 仆 貞 . 象 曰 . 得 童 仆 貞 . 終 無 尤 也 . Lục nhị. Lữ tức thứ. Hoài kỳ tư. Đắc đồng bộc trinh. Tượng viết: Đắc đồng bộc trinh. Chung vô vưu dã. Dịch. Lữ mà có chốn nghỉ ngơi, Có tiền chi dụng, có người tớ trung. Tượng rằng: Có tớ trung cang, Rồi ra sẽ khỏi phàn nàn, kêu ca. Lục nhị nhu thuận, đắc trung, đắc chính, nên tượng trưng cho một người lữ thứ. Người xưa lưu lạc, thường được nhờ những gia thần tốt. Loan Doanh, đại thần nước Tấn, bị hàm oan, phải trốn sang nước ngoài. Gia thần là Tân Du, liền thâu nhập gia tài mình, chở hai, ba xe ra ngoài thành để đi theo Loan Doanh. Vì có lệnh cấm không được cho ai theo Loan Doanh, nên Tân Du bị quân sĩ giải tới Tấn Vương. Tân Du viện cớ đã ba đời làm tôi cho nhà họ Loan, nên nhất định xin đi theo Loan, để trọn tình chung thủy với chủ lúc hoạn nạn. Tấn vương thấy Tân Du là người trung nghĩa, nên muốn giữ lại làm quan với mình, nhưng Tân du một mực xin đi, Tấn Vương đành phải cho phép. Lại như Tấn Văn Công, lưu lạc xứ người, đã được bọn Triệu Thôi, Tư Thần, Ngụy Thù, Hồ Mao, Hồ Yển, Giới Tử Thôi v.v... theo phò tá, nên sau đã lập nên nghiệp bá. (Xem Đông Chu Liệt quốc, trg, 366- 367) Tượng Truyện không nhắc tới nhà cửa, tiền bạc, mà chỉ nhắc tới đầy tớ trung nghĩa. Mới hay, người trọng hơn của. Được đầy tớ trung kiên, cuối cùng cũng không ai trách móc mình được gì cả (Đắc đồng bộc trinh. Chung vô vưu dã). 3. Hào Cửu tam. 九 三 . 旅 焚 其 次 . 喪 其 童 仆 . 貞 厲 . 象 曰 . 旅 焚 其 次 . 亦 以 傷 矣 . 以 旅 與 下 . 其 義 喪 也 . Cửu tam. Lữ phần kỳ thứ. Táng kỳ đồng bộc. Trinh lệ. Tượng viết: Lữ phần kỳ thứ. Diệc dĩ thương hĩ. Dĩ lữ dữ hạ. Kỳ nghĩa táng dã. Dịch. Lữ hành nhà trọ cháy tiêu, Mà xem tôi tớ, có chiều ngãng ra. Thế là lâm cảnh nguy cơ. Tượng rằng: Lữ quán cháy tiêu, Chiếc thân lữ thứ, lắm điều rủi ro. Tôi đòi mình chẳng mặn mà, Tình thày, nghĩa tớ, hỏi là còn chi. Khi tha hương, lữ thứ, phải nhu thuận, khéo ăn, khéo ở mới hay. Đằng này Cửu tam lại cứng cỏi, vụng xử, cao ngạo (Vì Tam ở trên cùng quẻ Cấn. Cấn là núi, mà núi thì cao ngạo), vì thế nên mất lòng người trên, có khác nào như quán xá bị đốt, làm sao mà ở yên được (Lữ phần kỳ thứ). Hơn nữa, lại cũng mất lòng kẻ dưới (Táng kỳ đồng bộc). Như vậy, dẫu mình ngay thẳng mấy cũng lâm nguy (Trinh lệ). Lúc lữ thứ mà không có nơi ăn, chốn ở, dĩ nhiên là bị khốn khổ, bị thương tổn (Lữ phần kỳ thứ. Diệc dĩ thương hĩ). Trong khi tha hương, lữ thứ mà còn cao ngạo, còn đối với người dưới không ra gì (Dĩ lữ dữ hạ), thì làm sao mà chẳng mất lòng họ, làm sao mà tôi tớ chẳng bỏ mình (Kỳ nghĩa táng dã). 4. Hào Cửu tứ. 九 四 . 旅 于 處 . 得 其 資 斧 . 我 心 不 快 . 象 曰 . 旅 于 處 . 未 得 位 也 . 得 其 資 斧 . 心 未 快 也 . Cửu tứ. Lữ vu xử. Đắc kỳ tư phủ. Ngã tâm bất khoái. Tượng viết: Lữ vu xử. Vị đắc vị dã. Đắc kỳ tư phủ. Tâm vị khoái dã. Dịch. Lữ mà có chốn ở ăn, Tiền nong, khí giới phòng thân đàng hoàng. Thế mà tâm vẫn chẳng an. Tượng rằng: Lữ tuy có chốn ở ăn, Vị ngôi chưa được thập phần hẳn hoi. Tiền nong, khí giới sẵn rồi, Nhưng mà lòng vẫn bồi hồi chửa yên. Cửu tứ tuy cương mà biết xử nhu (Cương Hào cư Âm vị), lại ở dưới cùng Thượng quái, như vậy là người biết khu xử (Lữ vu xử). Dưới ứng với Sơ Lục, trên thời kề cận với Lục ngũ là người quyền quí, như vậy có khác nào một người lữ thứ mà có tiền bạc tiêu xài (Đắc kỳ tư), có khí giới phòng thân (Phủ) đâu? Tuy nhiên, Cửu tứ vì vị ngôi không chính đáng, nên chẳng bao giờ được vừa lòng; cũng như người lưu lạc quê người, dầu ăn sung, mặc sướng, nhưng vẫn cảm thương cho thân phận lạc loài, vẫn thờ ơ với hoàn cảnh, vẫn phải đóng vai bàng quan, đình đám người mẹ con ta, nên không bao giờ vui được (Ngã tâm bất khoái). Người lữ thứ buồn khổ chính là vì phải đóng vai trò bất đắc dĩ, và ở trong một hoàn cảnh giả tạo (Lữ vu xử. Vị đắc vị dã. Đắc kỳ tư phủ. Tâm vị khoái dã). 5. Hào Lục ngũ. 六 五 . 射 雉 一 矢 亡 . 終 以 譽 命 . 象 曰 . 終 以 譽 命 . 上 逮 也 . Lục ngũ. Xạ trĩ. Nhất thỉ vong. Chung dĩ dự dã. Tượng viết: Chung dĩ dự mệnh. thượng đãi dã. Dịch. Bắn chim trĩ, mất một tên, Rồi ra danh giá, chức quyền ung dung. Tượng rằng: Rồi ra danh giá, chức quyền, Thế là đã bước được lên trên rồi. Lục ngũ văn minh, nhu thuận, mà lại đắc trung. Minh nên quán triệt nhân tình, Nhu nên xử sự hợp thời, hợp cảnh, cho nên trên, dưới đều bằng lòng. Mình khéo, mình hay nên sau sẽ được danh giá, phúc lộc (Xạ trĩ nhất thỉ vong. chung dĩ dự mệnh). Người xưa, đi đến đâu thường dùng một con chim trĩ để nạp lễ tương kiến. Mất một mũi tên, bắn được con chim trĩ, làm lễ vật tương kiến, mà được danh giá, may mắn, chẳng hay lắm sao? Tượng cho rằng: Cửu ngũ được may mắn, là vì được cấp trên cố cập đến (Thượng đãi) (Trình tử giải). Phan Bội Châu giải Thượng đãi là tiến lên ngôi tột bậc. Cửu ngũ đây không phải là ngôi vua, vì vua mà tha hương thì cũng mất chức vị. Trùng Nhĩ cùng tùng giả sang Tần. Tần Mục Công muốn gả Hoài Doanh là con mình cho Trùng Nhĩ. Hoài Doanh trước đã lấy Thế Tử Ngữ, nên Trùng Nhĩ ý không muốn lấy. Các gia thần bàn rằng nếu muốn trở về làm vua nước Tấn sau này, thì phải lấy Hoài Doanh; nếu cứ bo bo tiết nhỏ, ắt sẽ mất việc to, sau e ăn năn chẳng kịp. Trùng Nhĩ mới khứng chịu. Quả nhiên sau này, Tần Mục Công giúp Trùng Nhị trở về làm vua nước Tấn. Thế thực là: Nhất thỉ vong. Chung dĩ dự mệnh. Mất một mũi tên, mà sau nên danh giá (Xem Đông Chu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, trg 457). 6. Hào Thượng Cửu. 上 九 . 鳥 焚 其 巢 . 旅 人 先 笑 后 號 啕 . 喪 牛 于 易 . 凶 . 象 曰 . 以 旅 在 上 . 其 義 焚 也 . 喪 牛 于 易 . 終 莫 之 聞 也 . Thượng Cửu. Điểu phần kỳ sào. Lữ nhân tiên tiếu hậu Hào đào. Táng ngưu vu dị. Hung. Tượng viết: Dĩ lữ tại thượng. Kỳ nghĩa phần dã. Táng ngưu vu dị. Chung mạc chi văn dã. Dịch. Chim mà đánh cháy tổ mình, Lữ nhân cười trước, âu đành khóc sau, Khinh tâm, để xổng mất trâu, Thế thời hung họa, có đâu tốt lành. Tượng rằng: Lữ mà ăn chốc, ngồi trên, Thế là nhen nhúm lửa ghen tức mình. Mất trâu, vì tội coi khinh, Chẳng còn nghe thấy lời lành, lời hay. Thượng Cửu ở địa vị cao quí, lại cứng cỏi (Dương cương), cao ngạo, thì làm sao mà được lòng người, làm sao mà an thân được, có khác nào con chim bị cháy tổ đâu? (Điểu phần kỳ sào). Sống nơi đất khách mà cư xử như vậy, ắt sẽ trước vui, sau buồn, trước cười sau khóc (Lữ nhân tiên tiếu hậu Hào đào). Gặp lúc thư thái dễ chịu, mà bỏ mất cách cư xử nhu thuận của mình, thời chắc không hay (Táng ngưu vu dị. Hung). Ngưu là trâu, nghĩa bóng là nhu thuận. Ở thời Lữ, mà tự tôn, tự đại, thì dĩ nhiên gặp tai hoạ, có khác nào con chim bị đốt tổ đâu? (Dĩ lữ tại thượng. Kỳ nghĩa phần dã). Khi đã cao ngạo, khi đã mất sự mềm dẻo, uyển chuyển, sẽ khăng khăng một mực, ai mà can ngăn được? (Táng ngưu vu dị. Chung mạc chi văn dã). ÁP DỤNG QUẺ LỮ VÀO THỜI ĐẠI Ngày nay, cả triệu người Việt đang sống trong cảnh lữ thứ tha hương. Sống nơi xứ người, đừng nên đòi hỏi cao quá, phải hòa mình với người bản xứ mà làm ăn, miễn sao gia đình được đầy đủ, con cái được ăn học là may lắm rồi. Đừng luyến tiếc dĩ vãng, đừng mơ mộng tương lai quá cao, mà phải biết sống với thực tại. Phải luôn luôn giữ nhân cách của mình, đừng làm gì quá đáng để người bản xứ khinh mình, do đó coi thường dân tộc mình. Nếu may mắn, ta có một chút địa vị trong xã hội, thì ta đừng nên kiêu căng phách lối, vì dù ta có giầu sang đến đâu chăng nữa, thì ta cũng chỉ mới lo được cho vợ con ta, chưa chắc gì đã lo được cho cha mẹ, anh em, đừng nói chi đến quốc gia xã hội. Thế nhưng đã có những người chưa có danh vọng gì gọi là tiếng tăm, chưa có tiền bạc gì nhiều gọi là giầu có, chưa có đức độ gì gọi là vị vọng, thì đã lên mặt, ra oai với người đồng chủng. Lại có những người, lợi dụng những người trình độ còn thấp kém, buôn thần, bán thánh, lừa bịp thiên hạ. Hơn nữa có người lại luôn muốn trèo đầu, cưỡi cổ thiên hạ, tự coi mình như là nguyên thủ quốc gia của những người dân lữ thứ, để mưu lợi công danh, tài lộc cho cá nhân mình, mà họ không bao giờ tự hỏi họ đã có tài đức gì, và tương lai họ có thể mang lại gì cho dân. Cho nên, tốt hơn hết chúng ta đừng bao giờ ở trong các loại người học vấn nửa mùa, văn dốt, vũ dát, mà lại kiêu căng, phách lối trên. Làm bậy bạ, hậu quả không chóng thì chầy, cũng bị tai hoạ mà thôi. Lúc buổi đầu, ta sẽ gặp khó khăn khi mới lập nghiệp, vì xứ lạ quê người, tiếng nói bản xứ còn chưa quen, nhưng dần dà mỗi ngày mỗi hơn, cái quan trọng của đời ta không phải ở nơi đâu, mà ngay trong gia đình ta. Ta phải cố gắng tạo một mái gia đình ấm cúng, giáo dục con cái cho đàng hoàng, để họ trở nên những phần tử có ích cho nhà, cho nước mai sau. Còn như, nếu gia đình ta, ta còn không lo nổi, vợ con ta còn không kính trọng ta, con cái ta còn là những phần tử bụi đời, lưu manh, du đãng, bản thân ta còn chưa có nghề nghiệp vững vàng, còn phải trông vào sự trợ giúp của nước bạn, thì sao ta có thể đòi đứng lên xây dựng một quốc gia? Ai tin? Ai theo?. Phải chăng có phải đó là tự lừa người, lừa mình không? Tóm lại, người lữ thứ, tha hương nên biết Tri túc, Tiện túc, cố gắng học hỏi, cầu tiến để không thua kém người dân bản xứ, đó là may mắn lắm rồi vậy.
57. 巽 為 風 TỐN VI PHONG Bát thuẦn TỐn Tốn Tự Quái | 巽 序 卦 | Lữ nhi vô sở dung. | 旅 而 物 所 容 . | Cố thụ chi dĩ Tốn. | 故 受 之 以 巽 . | Tốn giả nhập dã. | 巽 者 入 也 | Tốn Tự Quái Lữ mà chẳng chốn đường vào. Lữ mà chẳng có chốn nào dung thân. Cho nên Tốn mới theo chân, Tốn vào, vả lại có phần sướng vui. Sau quẻ Lữ là quẻ Tốn, vì lẽ rằng khi cô thân, chích ảnh nơi quê người, khi lữ thứ, tha hương, mà không có chốn dung thân, thời phải từ tốn, mềm mỏng, khéo léo, mới có thể gây được cảm tình, mới chinh phục được lòng người. Tốn có nhiều nghĩa: *Cây, *Gió, *Mệnh lệnh, *Mềm mại, *Từ tốn, *Xâm nhập, *Lọt vào v.v ... Nơi quẻ Tốn này, ta thấy Kinh, Truyện, và các lời Bình Giải, đều đề cập đến các nghĩa trên; ngoại trừ nghĩa Tốn là Cây. Gió thổi ra muôn phương, làm cây cỏ rạp theo chiều. Mệnh lệnh truyền ra muôn phương, làm dân chúng phải hoạt động theo chiều hướng, và ý muốn của nhà vua. Vì thế Tốn vừa là Gió, vừa là Mệnh Lệnh. Ta có thể ảnh hưởng đến người, bắt người theo ý mình, bằng những đường lối dã man, tàn bạo, nhưng ta có thể ảnh hưởng đến người, khiến người theo ý mình, bằng đường lối mềm mại, khéo léo, ngon ngọt, dỗ dành, bằng cách nói đi, nói lại một ý tưởng. Quẻ Tốn có ý dạy ta dùng cách thẩm thấu từ tốn này. I. Thoán. Thoán từ. 巽 . 小 亨 . 利 有 攸 往 . 利 見 大 人 . Tốn. Tiểu hanh. Lợi hữu du vãng. Lợi kiến đại nhân. Dịch. Tốn là từ tốn nhẹ nhàng, Nhỏ nhoi, nhưng vẫn có đàng hanh thông. Làm gì cũng lợi, chẳng không, Đại nhân gặp được, mới mong lợi nhiều. Từ tốn mà hành sự, sẽ không thâu lượm được kết quả mạnh mẽ, nhãn tiền (Tốn. Tiểu hanh), nhưng sẽ giúp ta nên công lâu dài (Lợi hữu du vãng). Nhất là khi sự từ tốn, mềm dẻo, lại được một người giỏi giang đem áp dụng (Lợi kiến đại nhân). Nã Phá Luân cai trị nước Pháp, sau thời kỳ Cách Mạng 1789, một thời kỳ nổi tiếng là bài xích quân quyền và Đạo Giáo. Nã Phá Luân biết đó là nền móng chia rẽ, và loạn lạc trong nước, nên ông hết sức khéo léo để hàn gắn lại những sự rạn nứt, đổ vỡ ấy. Ông chỉ trích những đạo luật Cách Mạng quá khích. Ông khen những người theo phái Cần Vương, vì đã dám chống lại một chính quyền hà hiếp, áp chế. Ông cho lập lại Công giáo ở Pháp, và ký thỏa ước với Giáo Hoàng. Nhờ cách xử trí khéo léo đó, mà ngày lễ Phục Sinh 18/4/1802, khi ông tới nhà thờ Notre Dame de Paris, Hồng Y Giáo chủ Belloy đã ra đón mừng ông, và các chuông trên nhà thờ đều được kéo vang lừng để đón chào ông, đánh dấu một sự cộng tác thành thực giữa Đạo giáo và Chính quyền. Ngự Án giải Tốn là xâm nhập. Tốn có hai Hào Dương trên một Hào Âm. Thế là Dương thâm nhập vào Âm để đánh tan ảnh hưởng xấu của Âm, có vậy Âm Dương mới hòa hợp với nhau được. -Trên trời thì gió lùa vào mây để đánh tan mây mù. -Nơi con người thì cố đi sâu vào lòng người, để cố tìm hiểu mọi nỗi uẩn khúc, tà vậy, mà sửa chữa. -Trong xã hội, thì len lỏi vào các gian đảng, vào các tệ đoan để mà hoá giải, khử trừ v.v... Ta ghi nhận ý kiến của Ngự Án, nhưng vẫn tiếp tục giải Tốn là Từ tốn. Tóm lại: -Từ Tốn là phương pháp để lấy lòng người. -Tốn cũng có nghĩa là Tiểu nhân phục tòng Quân tử. -Tốn cũng có nghĩa là thâm nhập để chinh phục lòng người dần dà, để cải hoá dần dà phong tục xã hội. Thoán Truyện. Thoán viết. 彖 曰 . 重 巽 以 申 命 . 剛 巽 乎 中 正 而 志 行 . 柔 皆 順 乎 剛 . 是 以 小 亨 . 利 有 攸 往 .利 見 大 人 . Trùng Tốn dĩ thân mệnh. Cương Tốn hồ trung chính nhi chí hành. Nhu giai thuận hồ cương. Thị dĩ tiểu hanh. Lợi hữu du vãng. Lợi kiến đại nhân. Dịch.Thoán rằng: Trên truyền mệnh lệnh, dưới theo, Đinh ninh, trân trọng đâu người dể duôi, Cương, nhưng theo đúng lẽ trời, Nhu, nhưng biết thuận theo người đức cương. Thế thời hanh vận, có đường, Làm gì, âu cũng có phương thành toàn. Đại nhân gặp được mới ngoan, Đại nhân gặp được, mới mang lợi nhiều. Trên dưới đều Tốn (Trùng Tốn). Người trên khi ra mệnh lệnh cũng lắp đi lắp lại, để mệnh lệnh thực sự thâm nhập vào dân chúng (Thân mệnh). Chữ Thân có nghĩa là lắp đi, lắp lại. Càng nhắc đi, nhắc lại bao nhiêu, thì càng minh tâm, khắc cốt bấy nhiêu. Đạo giáo đã áp dụng định luật này, khi dạy dân tụng niệm, và chính trị ngày nay đã áp dụng định luật này, để tạo nên những phản ứng có điều kiện, mà như là phản ứng tự nhiên trong dân chúng. Trong quẻ Tốn, Nhị, Ngũ, đều là Dương cương, lại đắc trung; Sơ, Tứ đều là Âm nhu. Xét bản chất quẻ, ta thấy trên thì thuận theo nghĩa lý, dưới thì tùng phục cấp trên (Cương tốn hồ trung nhi chí hành. Nhu giai thuận hồ cương). Dùng phương cách mềm dẻo để hoán cải dân tình kết quả sẽ chậm chạp (Thị dĩ tiểu hanh), nhưng hãy cứ đường lối ấy mà thi hành, sẽ thâu hoạch được lợi ích dài lâu (Lợi hữu du vãng). Nếu gặp được người hay, người giỏi để thực thi chính sách trên, thì lại càng hay, càng tốt nữa (Lợi kiến đại nhân). II. Đại Tượng Truyện. 象 曰 .隨 風 . 巽 . 君 子 以 申 命 行 事 . Tượng viết. Tùy phong. Tốn. Quân tử dĩ thân mệnh hành sự. Dịch. Tượng rằng: Tốn là gió thổi theo nhau, Lệnh truyền thấm thía, cho sâu mới tình. Rồi ra lại phải thi hành, Thi hành chính sự, hoàn thành mới thôi. Gió theo nhau là Tốn. Quân tử theo gương đó, quảng bá mệnh lệnh bằng cách nhắc đi, nhắc lại để ghi tạc vào lòng dân, như vậy mới thực thi được chính sự. Đọc Thoán và Truyện ta thấy Dịch chủ trương dùng phương pháp Tiệm tiến và thẩm thấu để ảnh hưởng đến thiên hạ. III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện Hào từ giải thích thế nào là từ tốn: -Từ tốn không phải là do dự (Hào Sơ). -Từ tốn không phải là khúm núm (Hào Nhị) -Từ tốn không phải là ba phải, vô lập trường (Hào 3). -Từ tốn là khéo léo, được lòng cả trên, lẫn dưới, mà mình vẫn hay, vẫn lợi (Hào 4). -Từ tốn nhưng vẫn theo chính lý, hoạt động vẫn có phương sách, có chủ trương, có chuẩn bị, có kiểm soát để đi đến thành công (Hào 5). -Từ tốn thái quá sẽ trở nên hèn hạ, sẽ tai hại (Hào 6). 1. Hào Sơ lục. 初 六 . 進 退 . 利 武 人 之 貞 . 象 曰 . 進 退 . 志 疑 也 . 利 武 人 之 貞 . 志 治 也 . Sơ Lục. Tiến thoái. Lợi vũ nhân chi trinh. Tượng viết: Tiến thoái. Chí nghi dã. Lợi vũ nhân chi trinh. Chí trị dã. Dịch. Dùng dằng, chẳng biết tiến lui, Võ biền, từ tốn vậy thời lại hay Tượng rằng: Dùng dằng, chẳng biết tiến lui, Là vì tâm trí pha phôi, nghi nàn, Võ biền cương trực, thời ngoan, Là vì tâm trí vững vàng, bình an. Sơ Lục Âm nhu, lại ở dưới hết quẻ Tốn, nên khiến ta liên tưởng đến một người nghi nan do dự. Nhưng từ tốn không phải là do dự, là tiến thoái lưỡng nan (Tiến thoái). Phải chi một người vũ biền thay vì quá hăng hái, bốp chát, sống sượng, mà biết pha một chút ít từ tốn, thời hay biết mấy (Lợi vũ nhân chi trinh). Tóm lại từ tốn không phải là do dự, mà chính là quả quyết. Đây Tượng giải thích rõ: Tiến thoái là lòng nghi nan do dự. Lợi vũ nhân chi trinh là lòng quả quyết chắc chắn. Từ tốn đây là Tiên lễ hậu binh của các nhà lãnh đạo. Nã Phá Luân nói với Roederel: Khi lập một dự án quân sự, thì không ai nhát gan hơn tôi. Tôi thổi phồng tất cả những nguy hiểm. Nhưng khi đã quyết định, thì quên hết mọi sự, chỉ cốt làm sao thực hiện được dự án đó mà thôi. 2. Hào Cửu nhị. 九 二 . 巽 在 床 下 . 用 史 巫 紛 若 . 吉 . 無 咎 . 象 曰 . 紛 若 之 吉 .得 中 也 . Cửu nhị. Tốn tại sàng hạ. Dụng sử vu phân nhược. Cát. Vô cữu. Tượng viết: Phân nhược chi cát. Đắc trung dã. Dịch. Tốn mà nép xuống dưới giường, Dùng đồng, dùng cốt mấy phường lăng nhăng. Nếu vì cầu đảo thành tâm, Thế thời cũng tốt, chẳng lầm lỗi chi Tượng rằng: Lăng xăng, mà vẫn gặp lành, Là vì tâm chính, ý thành hẳn hoi. Cửu nhị. Từ tốn không phải là khúm núm (Tốn tại sàng hạ). Sự khúm núm chỉ có thể chấp nhận được, là khi đem tâm thành van vái thần minh, hoặc dùng các thầy bùa, thầy cúng đông đảo để nhương tai, cầu phúc (Dụng sử vu phân nhược). Sử là thầy cúng, Vu là thầy bùa. Phân nhược là nhiều, là đông. Cái hay ở đây là vì đã đem hết lòng thành khẩn để mà cảm động được thần minh (Phân nhược chi cát. Đắc trung dã). Ngự Án giải Hào nhị như sau: Sàng hạ nghĩa là Âm tà, Âm nấp phía dưới, nên Nhập ư sàng hạ chính là tìm tòi, suy xét kỹ càng, để tìm ra duyên do thầm kín của những chếch mác dở dang, hoạ hại bên ngoài. Khi đã tìm ra duyên do rồi sẽ dùng các thầy bùa, thầy pháp hoá giải. Đại khái chủ trương của Ngự Án cũng giống như chủ trương của Freud: Các căn do thầm kín của hoạ hại, một khi đã tìm ra được, đã đem phơi bầy ra ánh sáng, thì nó không gây được ảnh hưởng nữa. Wilhelm, R.G.H.Siu, Legge giải giống Ngự Án. Tôi (tác giả) chủ trương bình giải theo lối cũ, vì như vậy mới ăn khớp với toàn quẻ. 3. Hào Cửu tam. 九 三 . 頻 巽 . 吝 . 象 曰 . 頻 巽 之 吝 . 志 窮 也 . Cửu tam. Tần tốn. Lận. Tượng viết: Tần tốn chi lận. Chí cùng dã. Dịch. Thuận tòng lia lịa, chẳng hay. Tượng rằng: Thuận tòng lia lịa, chẳng hay, Chí cùng, mới đến nỗi này mà thôi. Cửu tam. Tần tốn là từ tốn nhiều lần, nhượng bộ nhiều lần, như vậy đáng xấu hổ. Từ tốn đâu phải là không có lập trường. Cái dở của Hào này, chính là mới đầu thì ngông nghênh tự thị, sau vì thất bại liên miên, nên lại trở nên nhũn nhặn quá cỡ như vậy, chính là cùng đường chẳng biết xử trí ra sao (Tần tốn chi lận. Chí cùng dã). 4. Hào Lục tứ. 六 四 . 悔 亡 . 田 獲 三 品 . 象 曰 . 田 獲 三 品 . 有 功 也 . Lục tứ. Hối vong. Điền hoạch tam phẩm. Tượng viết: Điền hoạch tam phẩm hữu công dã. Dịch. Việc gì mà phải phàn nàn, Đi săn mà được, sẻ san ba phần. Tượng rằng: Đi săn mà được ba phần, Công danh như vậy, tưng bừng còn chi. Lục tứ là Âm Hào cư Âm vị, cho nên khéo xử, biết đường từ tốn, nhún nhường cho phải phép, vì thế nên khỏi mọi điều hối hận, phàn nàn (Hối vong), chẳng những thế mà còn nên công, nên việc nữa, chẳng khác nào người đi săn mà được cả ba phần muông chim, thế tức là hay, là lợi nhiều. Người xưa, chia muông chim săn được thành ba phần: - 1 phần dùng để tế lễ. - 1 phần dùng để thết đãi tân khách. - 1 phần dùng để cung cấp cho bếp núc. Tượng Truyện giải: Từ tốn phải phép như vậy mới nên công (Điền hoạch tam phẩm hữu công dã). 5. Hào Cửu ngũ. 九 五 . 貞 吉 . 悔 亡 . 無 不 利 . 無 初 有 終 . 先 庚 三 日 . 后 庚 三 日 . 吉 . 象 曰 . 九 五 之 吉 . 位 正 中 也 . Cửu ngũ. Trinh cát. Hối vong. Vô bất lợi. Vô sơ hữu chung. Tiên canh tam nhật. Hậu canh tam nhật. Cát. Tượng viết: Cửu ngũ chi cát. Vị chính trung dã. Dịch. Một lòng trung chính, mới hay Phàn nàn, hối hận, từ nay chẳng còn. Làm gì cũng được vuông tròn, Rồi ra, lợi ích thành toàn, xong xuôi. Không đầu, nhưng lại có đuôi, Thủy thời vô thủy, chung thời hữu chung. Lo lường, tính chuyện, tính công, Ba ngày sau trước, mới mong tốt lành. Tượng rằng: Cửu ngũ mà hay, Là vì trung chính, thẳng ngay một lòng. Cửu ngũ đắc trung, đắc chính, nên là người từ tốn, mềm mỏng một cách khéo léo nhất, vì thế nên được mọi sự may mắn, lợi lộc, không có gì phải phàn nàn.(Trinh cát. Hối vong. Vô bất lợi). Cửu ngũ trong quẻ Tốn, không chủ trương Cách mạng, xoá bỏ mọi cơ cấu tiền chế, mà chỉ cải thiện lại một tình trạng đang suy đồi, là nối tiếp công trình của tiền nhân, bổ khuyết, cải thiện, chấn chỉnh, mong làm cho công trình ấy trở nên thành toàn, vì thế nói: Vô sơ hữu chung. Vô sơ là không có khởi điểm, vì Cửu ngũ đây không phải người khai sơn, phá thạch, tạo dựng nên một cơ đồ, nhưng hữu chung là có chung điểm, vì với sự khéo léo, nhưng bền bỉ, Cửu ngũ đây hy vọng thành toàn được công trình còn dang dở. Nhưng trước khi bắt tay vào công trình cải thiện, và sau khi đã thực hiện công trình cải thiện, càng phải thận trọng. Trước khi muốn cải thiện, phải soạn thảo chương trình kế hoạch cho hẳn hoi, sau khi đã thực hiện công trình cải thiện, phải biết kiểm điểm, theo rõi (Tiên canh tam nhật. Hậu canh tam nhật. Cát). Vậy, mọi sự được hẳn hoi, là vì Củu ngũ xử sự đàng hoàng, đứng đắn (Cửu ngũ chi cát. Vị chính trung dã). 6. Hào Thượng Cửu. 上 九 . 巽 在 床 下 . 喪 其 資 斧 . 貞 凶 . 象 曰 . 巽 在 床 下 . 上 窮 也 . 喪 其 資 斧 . 正 乎 凶 也 . Thượng Cửu. Tốn tại sàng hạ. Táng kỳ tư phủ. Trinh hung. Tượng viết: Tốn tại sàng hạ. Thượng cùng dã. Táng kỳ tư phủ. Chính hồ hung dã. Dịch. Tốn mà nép xuống dưới giường, Mất rìu, mất của mọi đường chẳng hay, Thế mà chẳng đổi, chẳng thay. Tượng rằng: Tốn là nép xuống dưới giường, Thế là ti tốn, cùng đường còn chi. Cả rìu, lẫn của mất đi. Dầu rằng trinh chính, vẫn thì là hung. Từ tốn quá hóa hỏng (Tốn tại sàng hạ). Phán đoán không còn được sáng suốt, rành rẽ, và sẽ mất cả của cải. (Táng kỳ tư phủ). Tư là tiền nong, Phu là búa rìu, tượng trưng cho sự phán đoán, quả quyết. Như vậy, dầu có chính trực cũng chẳng ra gì. Từ tốn thái quá, đến nỗi mất cả sự nghiệp, thì chắc là hung rồi, còn gì nữa (Tốn tại sàng hạ. Thượng cùng dã. Táng kỳ tư phủ. Chính hồ hung dã). Tóm lại, quẻ Tốn dạy ta phải Từ tốn để được lòng người, để ban bố mệnh lệnh, để thi hành chính sự, và chủ trương rằng Từ tốn đúng mức, chính là xử sự tế nhị, khéo léo, vừa được lòng người, vừa được việc mình. Ngự Án (Vua Khang Hy) trong khi bình giải quẻ Tốn, đã đưa ra những ý kiến hết sức đáng lưu ý. Đó là: 1. Cần đi sâu vào tâm tư, để tìm cho ra những căn do thầm kín của những ảnh hưởng xấu. Chủ trương này, làm ta liên tưởng tới phương pháp phân tâm học của Freud. 2. Cần len lỏi vào các gian đảng, và các tệ đoan xã hội, để biết cách khử trừ chúng. Chủ trương này làm ta liên tưởng đến những hoạt động của những phóng viên, của những tổ chức an ninh chìm nổi ngày nay. 3. Cần phải đi sâu vào các vấn đề, để khai thác và tìm hiểu. Nhưng nếu suy tư, và cân nhắc quá, sẽ đâm rối rít, nghi nan, không còn quyết tâm thực hiện được nữa. Những lời bình của Ngự Án, có thể giúp ích cho ta hiểu thêm được chuyện đời, và tổ chức xã hội. ÁP DỤNG QUẺ TỐN VÀO THỜI ĐẠI Tốn là Gió, là Lọt vào, là Từ tốn. Nho giáo xưa sánh ảnh hưởng người quân tử, như là Gió, còn tiểu nhân như là Cỏ. Gió thổi thì cỏ phải lướt theo chiều (L. N. XII, 19) 1). Xưa, Vua Khang Hi ưa giải Tốn là Lọt vào, và ưa dùng quẻ Tốn như là cho người xâm nhập vào lòng các đảng phái, để biết lề lối làm việc của họ, và biết cách hoá giải họ. 2). Ngày nay, ta dùng phương pháp quảng cáo, tuyên truyền, nhắc đi nhắc lại trong dân chúng, để đi vào sự chú ý của họ, rất có hiệu lực, nhất là làm thương mại 3). Từ tốn để dung hòa trên dưới, rất cần trong mọi hoàn cảnh, cho các nhà chính trị, cho các cấp lãnh đạo trong chính quyền., để tránh độc tài chuyên chế áp bức dân chúng. 4). Dùng chính sách mềm dẻo, từ tốn để sửa sang lại những thói hư, tật xấu của xã hội. Sống từ tốn cho đúng cách cũng là một chuyện khó vậy. Như vậy, ta thấy áp dụng Dịch có nhiều cách, càng rộng rãi, khéo léo, thời càng hay, càng tốt. 58. 兌 為 澤 ĐOÀI VI TRẠCH Bát thuẦn Đoài Đoài Tự Quái | 兌 序 卦 | Tốn giả nhập dã. | 巽 者 入 也 . | Nhập nhi hậu duyệt chi. | 入 而 後 說 之 | Cố thụ chi dĩ Đoài. | 故 受 之 以 兌 . | Đoài giả duyệt dã. | 兌 者 說 也 . | Đoài Tự Quái Tốn vào, vả lại có phần sướng vui, Cho nên nối tiếp là Đoài, Đoài là vui sướng, vui rồi ly tan. Mình từ tốn đối với người, người sẽ đẹp lòng. Vì thế sau quẻ Tốn là quẻ Đoài. I. Thoán. Thoán từ. 兌 . 亨 . 利貞 . Đoài. Hanh. Lợi trinh. Dịch. Đoài là vui vẻ, thỏa thuê, Rồi ra mới được mọi bề hanh thông. Chính trinh, mà trọn được lòng, Thế thời ích lợi, mới mong chu toàn. Làm cho người đẹp lòng, đẹp dạ, người sẽ vui lòng cộng tác với mình để làm nên đại sự, vì thế nói Đoài hanh. Nhưng làm đẹp lòng người đây, không phải bằng những thủ đoạn bất chính, mà phải bằng những đường lối chính đáng, những cách thức đường hoàng, như vậy mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Trinh là minh chính, chính đáng. Thoán Truyện. Thoán viết. 彖 曰 . 兌 . 說 也 . 剛 中 而 柔 外 . 說 以 利 貞 . 是 以 順 乎 天 . 而 應 乎 人 . 說 以 先 民 . 民 忘 其 勞 . 說 以 犯 難 . 民 忘 其 死 . 說 之 大 . 民 勸 矣 哉 . Đoài. Duyệt dã. Cương trung nhi nhu ngoại. Duyệt dĩ lợi trinh. Thị dĩ thuận hồ thiên. Nhi ứng hồ nhân. Duyệt dĩ tiên dân. Dân vong kỳ lao. Duyệt dĩ phạm nạn. Dân vong kỳ tử. Duyệt chi đại. Dân khuyến hỹ tai. Dịch. Đoài là vui vẻ, thỏa thuê, Trong cương, ngoài lại thêm bề thuận nhu. Vui mà chính đáng vui hòa, Vui theo chính ý, lợi là mấy mươi. Trên thời thuận với lòng trời, Dưới thời ứng với lòng người gần xa. Khiến dân đẹp ý, vui hòa, Dẫu dân mệt nhọc, cũng là quên đi, Dân vui, dân gặp hiểm nguy, Băng chừng hiểm nạn, quản gì tử vong. Làm cho dân được vui lòng. Thời thôi, hậu quả vô cùng lớn lao. Thoán Truyện quảng luận Thoán từ và cho rằng làm chính trị , phải cố sao cho được lòng dân (Đoài duyệt dã). Bậc Quốc quân, bên trong thì minh chính, cương trực, quả quyết; nhưng bên ngoài thì mềm mỏng, khéo léo đối với mọi người (Cương trung nhi nhu ngoại). Nói thế, vì Đoài có hai Hào Dương cương bên trong, một Hào Âm nhu ở ngoài. Dùng những phương pháp chính đáng, để chinh phục lòng người, làm cho mọi người vừa lòng, đẹp ý, như thế sẽ thâu hoạch được nhiều ích lợi (Duyệt dĩ lợi trinh). Hành xử như vậy, sẽ thuận ý trời, vừa lòng người (Thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân). Cai trị dân, hướng dẫn dân, mà làm cho dân vui đẹp, thì dẫu khiến dân làm lụng vất vả, dân cũng chẳng nề hà, dẫu bắt dân xông pha gian khổ, dân cũng liều chết hy sinh (Duyệt dĩ tiên dân. Dân vong kỳ lao. Duyệt dĩ phạm nạn. Dân vong kỳ tử). Vì thế, đắc nhân tâm, là một công trình vĩ đại, làm được cho dân chúng hứng khởi, nô nức hợp tác với chính quyền, trong mọi chương trình kiến quốc, thực là cao siêu vậy (Duyệt chi đại dân khuyến hỹ tai). Đại Học chủ trương: Nhà cầm quyền, nếu được lòng dân chúng, ắt được đất nước. Nếu để mất lòng dân chúng, chẳng khỏi mất nước. II. Đại Tượng Truyện. Tượng viết. 象 曰 . 麗 澤 . 兌 . 君 子 以 朋 友 講 習 . Lệ trạch. Đoài. Quân tử dĩ bằng hữu giảng tập. Đoài ở đây là quẻ Đoài kép (Lệ Trạch Đoài). Dịch. Tượng rằng: Hai hồ kế cận thông nhau, Bạn bè giảng tập, cơ mầu mới tinh. Tượng giảng là hai hồ nước ở kế cận nhau, nương tựa lẫn nhau, nên đỡ khô cạn. Như vậy, muốn vui phải có đôi, có bạn. Dịch, nhân lẽ đó dậy người quân tử, nên cùng bằng hữu học hỏi cho ra nghĩa lý, và sau đó, đem thực thi những điều đã học hỏi được. Âu cũng là nói lên sự cần thiết phải có bầu bạn, để học hành cho có hứng thú. III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện 1. Hào Sơ Cửu. 初 九 . 和 兌 . 吉 . 象 曰 . 和 兌 之 吉 . 行 未 疑 也 . Sơ Cửu. Hòa Đoài. Cát. Tượng viết: Hòa Đoài chi cát. Hành vị nghi dã. Dịch. Một niềm hòa duyệt, thời hay, Tượng rằng: Hòa duyệt mà hay, Là vì cư xử, chẳng ai nghi ngờ. Hào Sơ cửu ở dưới cùng quẻ Đoài, Dương cương mà lại không ứng với Cửu tứ. Thế nghĩa là Sơ Cửu biết hạ mình, sống hòa thuận với mọi người, làm đẹp lòng mọi người, mà chẳng thiên vị ai, vì thế nên tốt (Hòa Đoài. Cát). Tấn Vân Phùng Thị nói: Hào Sơ có Dương đức, mà biết hạ mình, không thèm muốn Tam, không hiềm khích Nhị. Đó là tượng trưng người quân tử biết sống giản dị, khiêm cung, hòa nhã vậy. Cái hay của Hào Sơ Cửu chính là biết tùy thời thuận xử, chưa làm điều gì sai ngoa, thất thố (Hòa Đoài chi cát. Hành vị nghi dã). 2. Hào Cửu nhị. 九 二 . 孚 兌 . 吉 . 悔 亡 . 象 曰 . 孚 兌 之 吉 . 信 志 也 . Cửu nhị. Phu Đoài. Cát. Hối vong. Tượng viết: Phu Đoài chi cát. Tín chí dã. Dịch. Sắt son một dạ, chẳng rời, Hòa mà chẳng để cho người cuốn lôi, Thế mới hay, thế mới tài. Thế thời hết chuyện ỉ ôi, phàn nàn. Tượng rằng: Chính trung, hòa duyệt mà hay, Là vì son sắt, dẫu lay chẳng rời. Cửu nhị Dương cương, lại đắc trung, nên nói rằng: Dùng sự khảng khái mà được lòng người (Phu Đoài), vì thế nên hay, nên tốt, không có điều gì đáng phàn nàn (Cát. Hối vong). Thế là trong có chủ trương vững chắc, ngoài thì hòa duyệt, cảm thông với mọi người. Tượng cho rằng: Cửu nhị được lòng người mà vẫn hay, chính là vì có một niềm tin vững mạnh, nên chủ trương dứt khoát (Phu Đoài chi cát. Tín chí dã). 3. Hào Lục tam. 六三 . 來 兌 . 凶 . 象 曰 . 來 兌 之 凶 . 位 不 當 也 . Lục tam. Lai Đoài. Hung. Tượng viết: Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã. Dịch. Vui đâu, cũng vội xà vào, Thế thời là xấu, phải nào hay đâu. Tượng rằng: Thấy vui xà tới, hay chi, Là vì chẳng được xứng vì, xứng ngôi. Lục tam. Ngự Án giải: Lai Đoài là một kẻ chuyên chú đi tìm thú vui, lấy hưởng thụ làm lẽ sống, chạy theo những thú vui bên ngoài, thấy đâu vui là sà đến. Như vậy làm sao mà hay được. Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã. Tượng Truyện cho rằng cái dở của Lục tam, chính là tại vì không êm ngôi, xứng vị. Lấy tính cách Âm nhu, mà cầu duyệt bá vơ. Thấy người sang, bắt quàng làm họ, rồi bợ đỡ, nịnh hót. Như vậy đâu có hay (Lai Đoài chi hung. Vị bất đáng dã). 4. Hào Cửu tứ. 九 四 . 商 兌 . 未 寧 . 介 疾 有 喜 . 象 曰 . 九 四 之 喜 . 有 慶 也 . Cửu tứ. Thương Đoài vị ninh. Giới tật hữu hỉ. Tượng viết: Cửu tứ chi hỉ. Hữu khánh dã. Dịch. Băn khoăn, lưỡng lự, chưa yên, Bên tà, bên chính, vui bên phía nào? Rạch ròi, rất khoái phân mao, Bỏ tà, theo chính, thế nào cũng vui. Tượng rằng: Được như Cửu tứ mà vui. Thế là phúc khánh cho đời, còn chi. Cửu tứ là Dương cương cư Âm vị, nên chưa phải là một người quân tử hoàn toàn, lại tiếp giáp với Cửu ngũ, tượng trưng cho một người công chính, cho những thú vui tinh thần cao thượng; và với Lục tam tượng trưng cho một kẻ Âm tà, cho những thú vui vật chất hư hèn. Thành thử Cửu tứ lưỡng lự, (Thương Đoài), chưa biết chọn bên nào, vì thế cho nên lòng còn sao xuyến chưa yên (Vị ninh). Nhưng rút cuộc, Cửu tứ đã có một thái độ rứt khoát. Đó là xa lánh tiểu nhân, khinh chê những thú vui hư hèn (Giới tật), vì thế nên đáng mừng vậy (Hữu hỉ). Cửu tứ là một trọng thần, mà cư xử được như vậy, thật là phúc lớn, chẳng những cho Cửu tứ, mà còn cho quốc gia nữa vậy (Cửu tứ chi hỉ. Hữu khánh dã). 5. Hào Cửu ngũ. 九 五 . 孚 于 剝 . 有 厲 . 象 曰 . 孚 于 剝 . 位 正 當 也 . Cửu ngũ. Phu vu bác. Hữu lệ. Tượng viết: Phu vu bác. Vị chính đáng dã. Dịch. Nếu tin kẻ chực hại mình, Thế thời nguy hiểm, chênh vênh quá chừng. Tượng rằng: Nếu tin vào kẻ hại mình, Thế thời nguy hiểm, chênh vênh quá chừng. Đã ngôi chính đáng cửu trùng. Càng nên cẩn mật, đề phòng mới nên. Cửu ngũ tuy là một ngôi vị quân vương, Dương cương đắc trung, đắc chính, nhưng nếu tin dùng kẻ tiểu nhân, ngoài mặt thì xu phụ mình, còn trong lòng thì muốn hãm hại mình (Phu vu bác), như vậy rất nguy hiểm. Tiểu tượng cho rằng: Dầu địa vị Cửu ngũ có chính đáng chăng nữa, nhưng vẫn phải đề phòng bọn tiểu nhân. (Phu vu bác. Vị chính đáng dã). Quản Trọng trước khi chết, xin Tề Hoàn Công đuổi Diệt Nha, Thụ Điêu và Khai Phương, là những kẻ khéo bầy vẽ, tìm thú chơi cho nhà vua. Hoàn Công nói: Diệt Nha nấu thịt con nó cho ta ăn, vậy nó thương ta còn hơn con nó, mà còn nghi nỗi gì? Quản Trọng thưa: Nhân tình không chi hơn con, con nó mà nó còn nỡ giết, huống chi là chúa sao?. Hoàn Công nói: Thụ Điêu nó tự thiến mà thờ ta, ấy là nó tiếc ta hơn thân nó, sao lại chẳng dùng? Quản Trọng thưa: Nhân tình tiếc chi bằng tiếc thân, thân nó, nó không tiếc, huống chi thân chúa?. Hoàn Công nói: Vệ Công tử Khai Phương bỏ chức công tử, ngàn cỗ xe, qua ở làm tôi ta, đến nỗi cha mẹ chết không về để tang, là mến ta hơn mến cha mẹ, thật không còn nghi gì nữa. Quản Trọng thưa: Nhân tình ai gần hơn cha mẹ, mà nó còn nỡ vậy thay, huống chi là Chúa. Phàm được phong ngàn cỗ xe, ai chẳng muốn, mà nó bỏ ngàn cỗ xe để đến với Chúa Công, là nó muốn nhiều hơn nghìn cỗ xe nữa kia chớ. Hoàn Công nói: Ba người ấy thờ ta lâu lắm, sao ngày thường không thấy Trọng Phụ nói một lời?. Quản Trọng thưa: Tôi mà chẳng nói, là vì họ vừa ý Chúa công, chúng ví như nước, tôi ví như bờ đê, chẳng cho nước trào. Nay bờ đê đã lở rồi, lo sẽ có nước lụt, xin Chúa Công phải tránh. Tề Hoàn Công nghe lời, đuổi bọn Diệt Nha, Thụ Điêu và Khai Phương đi. Nhưng ít lâu sau, lại thương tiếc, triệu chúng về dùng lại. Về sau quả nhiên, bị bọn này hãm hại. Khi Hoàn Công bị bệnh nặng, họ cho xây bức tường cao ba trượng quanh tẩm thất, không cho ai lai vãng, thăm nom, để vua chết trong đói khát, cô quạnh (Đông Chu Liệt Quốc, Võ Minh Trí dịch, trang 390 - 391, và 413 - 414). 6. Hào Thượng Lục. 上 六 . 引 兌 . 象 曰 . 上 六 引 兌 . 未 光 也 . Thượng Lục. Dẫn Đoài. Tượng viết: Thượng Lục dẫn Đoài. Vị quang dã. Dịch. Đã vui, còn muốn kéo dài, Tượng rằng: Thượng muốn vui hoài, Thế là chưa phải là người quang minh. Thượng Lục. Ngự Án cho rằng: Thượng Lục chính là một người chỉ còn biết có hoan lạc, hưởng thụ, ngoài ra họ không còn có chí hướng, mục phiêu gì khác nữa (Thượng Lục dẫn Đoài. Vị quang dã). Hành xử như vậy, làm sao gọi là quang minh được? ÁP DỤNG QUẺ ĐOÀI VÀO THỜI ĐẠI Trời sinh ra người, luôn muốn cho con người sống vui, sống khoẻ, chứ không phải muốn cho con người bị đọa đầy để mà đền tội. Ta bị khổ là do xã hội, do gia đình, do chính bản thân ta, do sự u mê, lầm lạc của ta đã lôi cuốn ta vào sự khổ đó, chứ không phải do Trời hành, Trời phạt. Khổ là do xã hội: Trong một nước, mà phong kiến, lạc hậu còn ngự trị, thì người dân sao mà sống thoải mái được. Ta hãy nhìn xem hình ảnh của trẻ em bên Hoa Kỳ, các em da dẻ hồng hào, mập mạnh, chạy nhẩy, tươi cười. Trông các em, ta cảm thấy như trông thấy bầy thiên thần đang nô đùa. Trong khi đó, hãy nhìn trẻ em ở trong các xã hội chậm tiến như ở bên Á Châu, Phi châu; ta thấy các em xanh xao, gầy ốm, thiếu sự hồn nhiên, hay quấy, hay khóc. Còn người lớn, thì đa số thiếu ăn, thiếu mặc, đời sống thiếu tiện nghi, thua sút dân tộc xứ người quá xa. Làm sao cho ta khỏi khổ vì xã hội, vì gia đình, hay vì sự mê muội của chính bản thân ta. Trước tiên, người cầm đầu nước phải biết mưu lợi ích cho dân. Phải biết đưa dân, chỉ dẫn cho dân vào con đường tiến hóa về mọi mặt : kinh tế, xã hội, đạo đức, nghề nghiệp, phát minh vv... Luôn luôn phải chạy đua trên đà tiến hóa của nhân loại. Luôn luôn phải giúp dân, nâng đỡ những tài năng ưu tú để họ có đủ phương tiện vật chất, tinh thần, để họ có thể thực hiện được những hoài bão của họ, để họ có thể mang tài năng của mình mà giúp ích cho nhà, cho nước mai sau. Tiếp theo, người dân phải biết bổn phận mình phải làm gì? Mỗi người dân, gái cũng như trai, ai nấy đều phải có nghề nghiệp để có thể tự túc được, không phải sống nương tựa vào người khác. Ngay trẻ em, từ 8 tuổi, ta cũng thể tập cho các em có thể giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhẹ trong nhà như: lau bàn ghế, hay có thể tự săn sóc lấy cho mình được như ăn uống, tắm rửa, thay quần áo, thu dọn buồng ngủ của mình cho ngăn nắp. Như vậy, trong một gia đình, vợ chồng đều có nghề có thể kiếm được tiền, con tuy nhỏ mà đã có óc trưởng thành sớm, thì dù ở hoàn cảnh nào, ta cũng không bị lo âu nao núng. Như vậy, ta đã bớt được rất nhiều nỗi khổ vì gia đình. Khổ do chính bản thân ta tạo ra. Phần lớn nỗi khổ này do sự hôn nhân sai lầm mà ra, cũng chỉ vì yêu đương vội vã, không suy xét cẩn thận đã kết hôn. Sau đó, là do nghề nghiệp, đó cũng là vì lúc còn ở học đường, ta đã chọn một nghề không hợp với khả năng của ta, chỉ vì cha mẹ ta, hoặc do chính bản thân ta, chỉ chọn nghề do bề ngoài của nó, mà ít người nào chịu tìm hiểu xem mình có đủ khả năng học nghề đó không, hoặc nó có thích hợp với mình không? Do đó hậu quả là khi ra trường không kiếm được việc, hoặc có việc mà không được trọng dụng, vì khả năng quá yếu của mình, nên lúc nào cũng không được thoải mái, hoặc tự ti mặc cảm vì kém bạn đồng nghiệp. Tệ hại hơn nữa, là khổ do sự u mê mà ra. Nhiều người chỉ vì muốn làm giầu nhanh chóng mà không phải khó nhọc gì, nên lao đầu vào thú vui bài bạc, để cuối cùng tán gia bại sản vì nó. Lại có người chạy theo thú vui nhục dục, để rồi tiền hết, bệnh mang. Lúc đó lại đổ cho tại số sui mà ra. Tóm lại, Khổ hay Sướng, Buồn hay Vui là do ta tự quyết định cho ta vậy. » Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
|
No comments:
Post a Comment