Thursday, February 24, 2011

THƯỢNG KINH VI

THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


26. 山 天 大 畜 SƠN THIÊN ĐẠI SÚC

Đại Súc Tự Quái

大 畜 序 卦

Hữu Vô Vọng

有 無 妄

Nhiên hậu khả Súc.

後 可 畜

Cố thụ chi dĩ Đại Súc.

故 受 之 以 大 畜

Đại Súc Tự quái

Hết lầm, nhân đức theo thời chứa chan,

Cho nên Đại Súc tiếp hàng.

Quẻ Đại Súc đề cập đến 4 vấn đề:

1) Phải lo sao để trở nên một người uẩn súc về mọi phương diện: đạo đức, tài trí (Thoán & Tượng) (Uẩn súc).

2) Phải trọng hiền tài. Nuôi dưỡng hiền tài. (Súc= Súc dưỡng) (Thoán)

3) Người quân tử khi bị ngăn chặn, đừng vội tiến. (Súc = Súc chỉ) (Hào 1, 2, 3).

4) Phương pháp ngăn chặn tội ác (Hào 4, 5)(Súc chỉ).

Đại Súc gồm 3 nghĩa:

1) Súc tích, Uẩn súc. 2) Súc dưỡng. 3) Súc chỉ.

Thoán, Tượng bàn về Súc tích, Hào bàn về Súc chỉ.

I. Thoán.

Thoán Từ.

. 利 貞 . 不 家 食 . . 利 涉 大 川 .

Đại súc. Lợi trinh. Bất gia thực. Cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch. Thoán Từ.

Đại Súc: Hàm súc rồi rào,

Lại còn chính đáng, thanh cao mới là.

Nếu đem thân giúp quốc gia,

Dẫu qua sông lớn, vẫn là điều hay.

Thoán Từ đại khái nói: Người quân tử muốn ra giúp đời, phải hàm tàng, uẩn súc đạo đức, học thức, tài trí, cho nhiều, cho hay mới là Đại Súc. Nói là uẩn súc, nhưng phải uẩn súc chính lý, chính đạo mới hay (Lợi trinh), chứ không phải uẩn súc dị đoan, tà thuyết.

Nhưng người đã súc tích, hàm tàng kinh luân, sử sách, có tài, có đức cao siêu, thời nên được dùng vào đại công, đại sự, giúp ích cho nước, cho dân, hưởng lộc thiên hạ mới hay. Vì thế mới nói: Bất gia thực cát. Những người đó sẽ là những người cứu nguy, cứu nạn cho thiên hạ mỗi khi cần đến (Lợi thiệp đại xuyên).

Thoán Truyện.

彖曰: 大 畜 . 剛 健 . 篤 實 輝 光 .日 新 其 德. 剛上 而 尚 賢 . 能 止 健 . 大 正 也. 不家 食 吉 . 養 賢 也. 涉 大 川 . 應 乎 天 也.

Thoán viết:

Đại Súc. Cương kiện. Đốc thực huy quang. Nhật tân kỳ đức. Cương thượng nhi thượng hiền. Năng chỉ kiện. Đại chính dã. Bất gia thực cát. Dưỡng hiền dã. Lợi thiệp đại xuyên. Ứng hồ Thiên dã.

Dịch. Thoán Truyện.

Thoán rằng: Dũng mãnh, cương kiên,

Trong thời hàm súc, ngoài thêm huy hoàng.

Đức hành, ngày một sửa sang,

Hiền lương một dạ nể nang, tôn vì.

Dừng nơi hoàn thiện, siêu vi,

Sắt son ngay chính, muôn bề thanh cao.

Tài đem giúp nước, mới hào,

Ơn vua, lộc nước, rồi rào lo chi.

Thành công, cứu nạn, phò nguy,

Như băng sông lớn, đúng y Mệnh Trời.

Thoán Truyện bình thêm rằng: những người hàm súc tài đức tới mức cao độ, như vậy ắt có một tâm thần cương kiên, thiết thạch, ắt có thực tài, thực đức, dến nỗi quang huy phát lộ cả ra ngoài (Cương kiện. Đốc thực huy quang), mỗi ngày lại thấy hiển lộ thêm đường nhân, nẻo đức (Nhật tân kỳ đức). Thoán còn dạy, phải tôn hiền, thượng hiền, cấp dưỡng cho những bậc hiền tài, vì họ là những bậc chính nhân, quân tử, đại minh, đại chính, hành động ứng hợp với Trời, sẽ ngăn chặn được những kẻ cường mãnh, sẽ giải nguy, cứu khốn được cho đất nước sau này (Cương thượng nhi thượng hiền. Năng chỉ kiện. Đại chính dã. Lợi thiệp đại xuyên. Ứng hồ Thiên dã).

II. Đại TượngTruyện.

象 曰 : 天 在 山 中 . 大 畜 . 君 子 以 多 識 前 言 往 行 . 以 畜 其 德 .

Tượng viết: Thiên tại sơn trung. Đại Súc. Quân tử dĩ đa chí tiền ngôn vãng hạnh.

Dĩ súc kỳ đức.

Dịch. Tượng rằng:

Đại Súc, núi có Trời trong,

Lời xưa, tích cũ, ghi lòng mới hay.

Việc xưa chất chứa dạ này,

Hiền nhân cố gắng chứa đầy đức nhân.

Đại Tượng khuyên người quân tử phải bắt chước núi, có ngọc ẩn, châu tàng, mà lo uẩn súc ngôn hạnh của Thánh Hiền, để mình trở nên một bậc đại trí, đại giác, đại đức, đại tài, làm vẻ vang cho đất nước.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Ba Hào dưới thuộc Kiền (Cương kiện). bàn về thái độ của quân tử khi gặp ngăn trở, ngăn chặn.

Ba Hào trên thuộc Cấn (Chỉ). Ba Hào trên bàn ngược lại về cách ngăn chặn tội khiên.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九: 有 厲 利 已 .

象 曰 . 有 厲 利 已 . 不 犯 災 也 .

Sơ Cửu. Hữu lệ. Lợi dĩ.

Tượng viết:

Hữu lệ lợi dĩ. Bất phạm tai dã.

Dịch.

Hào Sơ: Phía trước hiểm nguy,

Dừng chân đứng lại, có bề lợi hơn.

Tượng rằng:

Thấy nguy, dừng lại lợi hơn,

Ấy là chẳng chuốc nguy nan cho mình.

Người quân tử ở Hào Sơ là Dương cương đắc chính, thể Kiền nên muốn tiến lên, nhưng bị Lục tứ ngăn chặn. Nếu Sơ cố tiến lên sẽ gặp nguy (Hữu lệ), nên dừng lại mới hay (Lợi dĩ). Khi cần dừng lại để khỏi mang tai, mắc họa, thời nên dừng lại (Tượng viết: Hữu lệ lợi dĩ. Bất phạm tai dã).

2. Hào Cửu nhị.

九 二 : 輿 說 輻 .

象 曰 : 輿 說輻 . 中 無 尤 也 .

Cửu nhị. Dư thoát phúc.

Tượng viết:

Dư thoát phúc. Trung vô cữu dã.

Dịch.

Cửu nhị: Xe trút nhíp xe.

Tượng rằng: Xe trút nhíp xe.

Mình dừng đúng lúc, ai chê được nào.

Cửu nhị Dương cương đắc trung, tuy có thể tiến được, nhưng bị Cửu ngũ ngăn chặn. Cửu nhị biết thời cơ chưa thể tiến, nên tự ý rút nhíp bánh xe, dừng lại không đi lên vội, tri thời thức thế (Cửu nhị. Dư thoát phúc.) (Tượng viết: Dư thoát phúc. Trung vô cữu dã.)

3. Hào Cửu tam.

九 三 . 良 馬 逐 . 利 艱 貞 .曰 閑 輿 衛 . 利 有 攸 往 .

象 曰 . 利 有 攸 往 . 上 合 志 也 .

Cửu tam. Lương mã trục. Lợi gian trinh. Nhật nhàn dư vệ. Lợi hữu du vãng.

Tượng viết:

Lợi hữu du vãng. Thượng hợp chí dã.

Dịch.

Cửu tam: Thỏa chí tang bồng,

Như đôi lương mã, vó tung dậm trường.

Nên phòng nguy hiểm, nhiễu nhương,

Rong xe cho khéo, đề phòng cho hay.

Ruổi rong như vậy, lợi thay.

Tượng rằng:

Ruổi rong mà lợi, mà hay,

Là vì trên muốn in tày như ta.

Hào Ba là Hào trên hết Nội quái, lại ứng với trên là Thượng Cửu, cũng là Dương Cương, đồng tâm, đồng đức với mình. Hào Ba ngụ ý rằng: Người quân tử tài đức song toàn, mà lại không bị ngăn chặn, lại gặp người trên đồng tâm, đồng chí, thời sẽ như tuấn mã ruổi rong dậm trường (Cửu tam. Lương mã trục). Tuy nhiên, đường đời gian nan, cần phải xử sự cho minh chính mới hay (Lợi gian trinh), lại phải gia ý đề phòng, chuẩn bị đối phó luôn với mọi hoàn cảnh, y như người rong xe đường trường, dự bị đủ đồ đi đường, khí giới phòng thân (Nhật nhàn du vệ. Lợi hữu du vãng). Sở dĩ mình hành động mà hay, mà lợi, chính là vì đã gặp người đồng tâm, đồng chí với mình. (Tượng viết: Lợi hữu du vãng. Thượng hợp chí dã).

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 童 豕 之 牿 . 元 吉 .

象 曰 . 六 四 元 吉 . 有 喜 也 .

Lục tứ. Đồng ngưu chi cốc. Nguyên cát.

Tượng viết:

Lục tứ nguyên cát. Hữu hĩ dã.

Dịch.

Trâu non đã đóng gông sừng.

Đóng gông sừng sớm, đè chừng mới hay.

Tượng rằng:

Lục ngũ mà hay,

Thực là hạnh phúc, mắn may cho đời.

Hào Bốn bàn về phương pháp ngăn chặn tà ngụy, ngăn chặn ác nhân. Lục tứ tượng trưng cho một đại thần, trên thì phải ngăn tà tâm của vua, dưới phải ngăn ác nhân trong thiên hạ. Phàm muốn ngăn ác, phải ngăn ngay khi chúng chưa phát, cũng như muốn cho trâu khỏi húc, phải đóng gông sừng từ khi chúng còn non (Đồng ngưu chi cốc). Thế là phép trừng ác hiệu quả nhất (Nguyên cát). Như vậy người trên không hao tốn sức lực, người dưới không bị tổn thương. cả hai bên cùng vui vẻ cả (Tượng viết: Lục tứ nguyên cát. Hữu hỉ dã).

5. Hào Lục ngũ.

六 五 : 豶 豕 之 牙 . .

象 曰 : 六 五 之 吉 . 有 慶 也 .

Lục ngũ. Phần thỉ chi nha. Cát.

Tượng viết:

Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã.

Dịch.

Răng nanh lợn hoạn vẫn hay,

Hoạn rồi, lợn hết hăng say, cắn người.

Tượng rằng: Lục ngũ mà hay,

Thực là hạnh phúc, mắn may cho đời.

Chẳng những cấm ác, phải cấm từ khi chúng chưa phát, mà lại phải trừ đến nguyên nhân. Ví như con lợn có nanh, húc càn, cắn bậy. Ta làm hàng rào vây nó, hoặc trói nó, bẻ răng nó, thì tính hung hăng nó vẫn còn; nhưng nếu cứ để răng cho nó, nhưng đem hoạn nó đi, nó sẽ trở nên hiền lành. Vì thế nói: Phần thỉ chi nha. Cát.

Đối với con người cũng vậy, ngăn ngừa ác độc của họ, không phải bằng hình phạt, ngục tù, mà phải bằng giáo hóa. Phải cải cái tâm của họ, thay vì gông cùm, trăng trói họ. Tâm con người đã hoán cải, họ sẽ hết làm bậy. Mới hay trị ác có phương pháp, ác mới hết được, và như vậy dân mới được cải hóa, mới được phúc khánh. (Tượng viết: Lục ngũ chi cát. Hữu khánh dã).

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 : 何 天 之 衢 . .

象 曰 : 何 天 之 衢 . 道 大 行 也 .

Thượng Cửu. Hà Thiên chi cù. Hanh.

Tượng viết:

Hà Thiên chi cù. Đạo đại hành dã.

Dịch.

Đường Trời rộng rãi là đây,

Đường Trời thảng đãng, mắn may quá chừng.

Tượng rằng:

Đường Trời rộng mở từ đây.

Là vì Thiên Đạo, tới ngày phổ thông.

Khi mọi người đã cải hóa rồi, khi đại đạo đã được thi hành rồi, thì cần chi phải ngăn chặn, chèn ép ai làm chi nữa. Hãy để cho mọi người mặc tình rong ruổi đường Trời (Hà Thiên chi cù. Hanh. Tượng viết: Hà Thiên chi cù hanh dã)

ÁP DỤNG QUẺ ĐẠI SÚC VÀO THỜI ĐẠI

Xưa, con đường duy nhất để góp mặt với đời là ta phải lầu thông kinh sử, đạo lý Thánh hiền. Mười năm đèn sách, nếu đường công danh mà hanh thông, thì sau khi đậu sẽ được bổ nhiệm làm quan, cai trị dân. Trong dân gian có 4 giai cấp: Sĩ, Nông, Công, Thương.

- Sĩ: là giai cấp cao nhất, là những người đức hạnh, học vấn, tài trí hơn người, khi đỗ ra nhà vua sẽ tùy theo sức học, thi đậu cao thấp, mà bổ nhiệm làm quan, cai trị dân.

- Nông: Thứ nhì là giai cấp làm ruộng. Giai cấp này là nòng cốt kinh tế cho quốc gia.

- Công: Kế đến là giai cấp thợ thuyền. Họ chỉ có những sáng kiến thô sơ, mục đích là tạo ra những sản phẩm, đáp ứng với nhu cầu của quần chúng.

-Thương: Giai cấp thương mại là giai cấp thấp nhất, họ chỉ buôn bán, trao đổi với nhau trong nước, ít người làm ăn có tính cách rộng lớn ra đến nước lân cận. Dù họ giầu có chăng nữa, họ cũng không được dân trọng như giai cấp sĩ phu. Do đó, những bậc cha mẹ luôn luôn lo đào tạo con mình, không những về học vấn, tài trí, mà còn về đạo đức nữa, để mai sau xứng đáng là bậc Cha mẹ dân.

Nay, con đường học vấn tung ra muôn ngả, giai cấp Sĩ phu không còn được quí trọng như xưa, Nông nghiệp không còn là nền kinh tế độc quyền. Giai cấp Thương Mại, vì có khi buôn bán với người ngoại quốc, nên cũng cần phải có đôi chút học thức, do đó giai cấp này được nâng cao hơn. Thêm vào, giai cấp Công nghệ, theo đà văn minh, khoa học ngày một tiến, các sinh viên phải đi du học, để thu thập tài năng, kinh nghiệm nơi nước người, những người này phải có học lực tương đương với ngành sĩ phu, thì mới mong thâu thái được nền học vấn xứ người. Ngày nay, hầu như không còn phân chia giai cấp như trước nữa, và các bậc cha mẹ đã bớt khắt khe với vấn đề dạy dỗ con cái, do đó đạo đức thụt lùi, đồng thời văn minh vật chất tiến lên vùn vụt. Các cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ của tất cả các ngành ra đời, nhưng những mảnh bằng đó chỉ có giá trị nghề nghiệp, lương bổng, mà không có giá trị về tinh thần đạo đức như xưa, do đó họ không được dân kính trọng như các bậc sĩ phu khi xưa.

Cũng có nhiều người trong số Khoa bảng ngày nay, họ cũng nhận thấy sự thiếu sót của mình, nên cũng cố gắng để thì giờ nghiên cứu, học hỏi thêm những cái hay, cái đẹp của người xưa, nhưng rất ít người theo kịp được đạo đức của người xưa, vì đà cám dỗ của văn minh vật chất quá mạnh.

Với sự phân tích trên, cho ta thấy nếu ngành giáo dục không mau mau cải tiến từ lớp mẫu giáo cho đến đại học, thì mai sau lớp trẻ sẽ khó răn dạy đến đâu, và sự thiếu căn bản đạo đức sẽ đưa nhân loại đến hậu quả như thế nào, khó ai đoán biết, đó là lý do về phương diện gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ ngày nay không muốn sinh con.

Về phương diện Xã Hội, nếu nhà cầm quyền chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà bớt phạm pháp, nhưng chẳng biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh, lễ nghĩa, thì dân vừa biết xấu hổ, vừa được cảm hóa. Tóm lại, dân theo lễ nghĩa, thời nước sẽ thanh bình.




27. 山 雷 SƠN LÔI DI

Di Tự Quái

頤 序 卦

Vật súc nhiên hậu khả dưỡng.

物 畜 然 後可 養

Cố thụ chi dĩ Di.

故 受 之 以 頤

Di giả dưỡng dã.

頤 者 養 也

Di Tự Quái

Một khi súc tụ, lo đàng dưỡng nuôi.

Cho nên Di mới nối đuôi.

Di là di dưỡng, muôn loài trước sau.

Di trên dưới có 2 Hào Dương, giữa 4 Hào Âm, trên là Cấn = Núi, là đứng yên. Dưới là Chấn = Sấm = là cử động, tượng trưng cho cái mồm, trên dưới có 2 hàm răng cứng, giữa là miệng, lưỡi trống hoặc mềm; lại có 2 hàm: hàm trên không cử động, hàm dưới cử động.

Trong quẻ Di có Tượng mồm miệng, Thánh nhân mới nghĩ đến vấn đề di dưỡng, chứ không nói rằng ăn uống, vì chữ di dưỡng bao quát hơn vấn đề ăn uống. Ta có thể nói: Di dưỡng tinh thần, đức hạnh, thân xác, tha nhân.

I. Thoán.

Thoán Từ.

: 貞 吉 . 觀 頤 . 自 求 口 實 .

Di: Trinh cát. Quan Di. Tự cầu khẩu thật.

Dịch.

Hay thay công cuộc dưỡng nuôi.

Hãy xem lề lối người đời kiếm ăn.

Di là dưỡng: dưỡng kỷ, dưỡng nhân, nhưng phải cho hợp lý, hợp nghĩa mới hay. Vì thế mới nói Di. Trinh cát. Di có 2 phương diện. Trình tử cho đó là: Dưỡng kỷ và Dưỡng thân. Chu Hi cho là Dưỡng đức và Dưỡng thân.

Chu Hi giải 2 chữ: Quan Di là xem mình chú ý di dưỡng cái gì nơi con người, Tự cầu khẩu thực = Cách thế sinh nhai.

Thoán Truyện.

彖 曰 : . 貞 吉 . 養 正 則 吉 也 . 觀 頤 . 觀 其 所 養 也 . 自 求 口 實 . 觀 其 自 鄱 也 . 天 地 養 萬 物 . 聖 人 養 賢 . 以 及 萬 民 . 頤 之 時 義 大矣 哉 .

Thoán viết:

Di. Trinh cát. Dưỡng chính tắc cát dã. Quan Di. Quan kỳ sở dưỡng dã. Tự cầu khẩu thực. Quan kỳ tự dưỡng dã. Thiên địa dưỡng vạn vật. Thánh nhân dưỡng hiền. Dĩ cập vạn dân. Di chi thời đại hỹ tai.

Dịch.

Dưỡng sinh, mà tốt, mà hay.

Tốt, vì hợp lẽ chính ngay đất Trời,

Xem nuôi, xem dưỡng những ai.

Lại xem cung cách sinh nhai mỗi người.

Đất trời nuôi dưỡng muôn loài

Thánh nhân dưỡng dục hiền tài, vì dân.

Dưỡng sinh, nghĩa rất cao thâm,

Tùy thời dưỡng dục, mười phân vẹn mười.

Trời đất sinh vạn vật, tức phải lo nuôi dưỡng vạn vật. Thảo mộc, cỏ hoa, ngũ cốc, nước nôi, không khí tràn đầy mặt đất, chẳng phải để dưỡng nuôi vạn vật là gì?

Thánh nhân cai trị thiên hạ, cũng phải lo nuôi dưỡng thiên hạ. Trị dân mà để dân đói, dân khổ, thời trị dân làm gì? Tuy nhiên, thiên hạ thời bao la, sức một người không sao gánh vác xuể, vì vậy Thánh nhân có bổn phận chiêu hiền, đãi sĩ, tìm những người hay, người giỏi về cộng tác với mình, cho họ bổng lộc, để họ cùng mình thi ân trạch xuống bá tánh, nuôi dưỡng bá tánh, như vậy mới là biết trị dân (Thiên địa dưỡng vạn vật. Thánh nhân dưỡng hiền dĩ cập vạn dân). Hiểu nghĩa chữ Di, biết tùy thời dưỡng kỷ, dưỡng nhân, thật là cao đẹp vậy. (Di chi thời đại hĩ tai).

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 : 山 下 有 雷 . . 君 子 以 慎 言 語 . 節 飲 .

Tượng viết:

Sơn hạ hữu lôi. Di. Quân tử dĩ thận ngôn ngữ. Tiết ẩm thực.

Dịch. Tượng rằng:

Ven non Sấm động là Di,

Hiền nhân ăn nói, hai bề vẹn hai,

Nói thời cẩn thận từng lời.

Ăn thời chừng mực, hẳn hoi, đường hoàng.

Đại Tượng nhân Tượng quẻ Di là mồm mép, khuyên ta nên: 1)- Thận trọng trong khi ăn nói. 2)- Tiết độ trong khi ăn uống. Đó là 2 bài học rất chí lý.

Thơ Bạch Khuê, trong Đại Nhã kinh Thi có 4 câu được Tạ Quang Phát dịch như sau:

Ngọc Bạch Khuê bị chầy, bị mẻ,

Mài láng trơn, có thể thành công.

Lời sai lầm, chót nói xong,

Chẳng làm gì được, răn lòng khắc ghi.

Ông Nam Dung thích đọc thơ này, và cố theo đó giữ gìn lời ăn, tiếng nói, nên Đức Khổng đã đem cháu gái gả cho (LN, XI, 5). Khi Đức Khổng vào thăm miếu của tổ tiên nhà Châu là Hậu Tắc, ngài thấy trước thềm bên phải, có một người vàng, miệng niêm phong 3 đợt, sau lưng có khắc những lời đại loại như sau:

Đây là Tượng một người xưa.

Lời ăn, tiếng nói, đắn đo giữ gìn.

Gương xưa, ta cũng nên xem,

Nói năng cẩn trọng, hãy nên lo lường.

(Khổng tử gia ngữ, chương Tắc miếu)

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 : 舍 爾 靈 龜 . 觀 我 朵 頤 . .

象 曰 : 觀 我 朵 頤 . 亦 不 足 貴 也 .

Sơ Cửu. Xả nhĩ linh qui. Quan ngã đóa Di. Hung.

Tượng viết:

Quan ngã đóa Di. Diệc bất túc quí dã.

Dịch.

Xấu thay người bỏ rùa linh (thần trong ta).

Trề môi, há miệng, mà rình xem ta.

Tượng rằng: Trề miệng nhìn ta (thèm ăn),

Thời đâu còn đáng gọi là thanh tao.

Hào Sơ có thể giải 3 cách:

1) Đường đường tu mi, nam tử mà không tin vào tài trí mình, có thể tự lực, cánh sinh mà phải bám vào người để cầu thực, thì chẳng ra gì (Hào tứ). Vì thế Tứ mới chê Sơ: Người có rùa linh = Có trí huệ, mà trề môi, há miệng, thèm thuồng đứng nhìn ta, thời đâu có hay.

2) Mê dục tình, mà táng khí tiết, thời đâu có hay.

3) Mình có nguồn đạo đức, có tàn lửa Thiên Chân bên mình, tại sao cứ chạy đi tìm những điều giả tạo bên ngoài, thế là đóng cửa đi ăn mày, thế là Thần lửa mà phải đi xin lửa. Những người như vậy, làm sao mà đáng quí được.

2. Hào Lục nhị.

六 二 : 顛 頤 . 拂 經 . 于 丘 頤 . 征凶 .

象 曰 : 六 二 征 凶 . 行 失 類 也 .

Lục nhị. Điên Di. Phất kinh vu khưu Di. Chinh hung.

Tượng viết:

Lục nhị chinh hung. Hành thất loại dã.

Dịch.

Trên quay xuống dưới xin ăn,

Thế là trái với lẽ hằng thế gian,

Nhược bằng cầu cạnh người sang,

Người trên xa lạ, bắc quàng hay chi.

Tượng rằng: Cố vươn, cố với, hay gì,

Đôi bên đâu có tông chi, họ hàng.

Hào hai đề cập đến một hạng người không có óc tự tin, óc độc lập, không biết tự lực cánh sinh, mà những mong dựa vào người dưới, hoặc người trên để kiếm ăn.

Đáng lý mình nuôi người dưới mới phải, nay lại cầu người dưới nuôi mình (Cầu Sơ Hào), thế là đảo lộn nghĩa lý (Điên Di), thế là nghịch với lẽ thường (Phất kinh). Ngoài ra trông vào những người trên không có liên lạc gì với mình (Thượng lục) để cầu thực, thì làm sao mà hay, mà toại nguyện được (Vu khưu Di. Vãng hung). Cái không hay là đã dựa vào những người không đồng chí hướng với mình (Thất loại dã). (Hào Lục nhị Âm; Hào Sơ, Hào Thượng đều Dương, thế là thất loại).

3. Hào Lục tam.

六 三 : 拂 頤 . 貞 凶 . 十 年 勿 用 . 無 攸 利 .

象 曰 : 十 年 勿 用 . 道 大 悖 也 .

Lục tam. Phất Di. Trinh hung. Thập niên vật dụng. Vô du lợi.

Tượng viết:

Thập niên vật dụng. Đạo đại bội dã.

Dịch.

Mưu sinh trái với đạo thường,

Mưu sinh mà đến bất lương, hay gì.

Cuối cùng sẽ chẳng ra chi,

Mưu toan dẫu lắm, chung kỳ cũng toi.

Tượngrằng: Chung cuộc cũng toi,

Là vì trái với đạo Trời quá đa.

Hào Ba đề cập đến một hạng người đi sai đường lối của Di. Phàm con người ta, phải lo di dưỡng tinh thần hơn là thể chất. Phải có những phương thế mưu sinh chính đáng, hẳn hoi, mới là đúng đạo lý của Di. Nếu phóng túng dục tình, chỉ lo thỏa mãn khẩu phúc, chỉ chìm đắm trong thanh sắc, lại có những đường lối sinh nhai bất chính, thì làm sao mà có một chung cuộc hay ho được (Lục tam. Phất Di. Trinh hung. Thập niên vật dụng. Vô du lợi).

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 顛 頤 吉 . 視 眈 眈 . 其 欲 逐 逐 . 無 咎 .

象 曰 . 顛 頤 之 吉 . 上 施 光 也 .

Lục tứ. Điên Di cát. Hổ thị đam đam. Kỳ dục trục trục. Vô cữu.

Tượng viết:

Điên Di chi cát. Thượng thi quang dã.

Dịch.

Hạ mình cầu cạnh với người,

Cầu hiền chỉ giáo, hay thời đã hay,

Đăm đăm, chăm chú bấy chầy,

Như hùm rình rập, khôn khuây tấc lòng.

Luôn luôn, những ngóng, cùng trông,

Trông người phụ bật, ai hòng cười chê.

Tượng rằng:

Hạ mình cầu cạnh, là hay,

Vì mình muốn sáng soi người gần xa.

Lục tứ là người có trách nhiệm dưỡng nuôi dân chúng, tuy mình vô tài (Âm nhu), nhưng biết khuất kỷ, cầu hiền (Hào Sơ Cửu); lòng lại đăm đăm, bo thiết, (Hổ thị đăm đăm), lòng bao giờ cũng canh cánh (Kỳ dục trục trục), muốn dụng hiền cho hay, dưỡng dân cho phải, thì dẫu mình làm một điều ngược với lẽ Trời, là nương vào tài đức của người hơn là trông vào thực lực của mình, cũng chẳng có lỗi gì (Điên Di chi cát). Hơn thế nữa, đó là cách trị dân quang minh vậy (Thượng thi quang dã).

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 拂 經 . 居 貞吉 . 不 可 涉 大 川 .

象 曰 . 居 貞 之 吉 . 順 以 從 上 也 .

Lục ngũ. Phất kinh. Cư trinh cát. Bất khả thiệp đại xuyên.

Tượng viết:

Cư trinh chi cát. Thuận dĩ tòng thượng dã.

Dịch.

Hạ mình, chịu nhún nhờ người,

Thế là trái với lẽ đời xưa nay.

Bền lòng, vững chí, thì hay,

Nhưng tài sức ấy, khó ngày băng sông.

Tượng rằng:

Bền lòng, vững chí, hay thay,

Là vì theo được người hay trên mình.

Ở vào bậc quốc quân, mà cảm thấy mình còn tài thô, trí thiển, lại biết hạ mình để nhờ hiền tài (Thượng Cửu), chỉ vẽ cho mình biết cách trị dân cho hay, cho khéo, tuy là trái với thông lệ (Phất kinh), tuy là không mấy sĩ diện cho mình, nhưng thật ra là điều rất tốt cho thiên hạ, nhất là khi mình lại thật tâm dùng người hiền đức, nghe lời người hiền đức (Thuận dĩ tòng thượng dã).

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 : 由 頤 . 厲 吉 . 利 涉 大 川 .

象 曰 : 由 頤 厲 吉 . 大 有 慶 也 .

Thượng Cửu. Do Di. Lệ cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Tượng viết:

Do Di lệ cát. Đại hữu khánh dã.

Dịch.

Đứng ra dưỡng dục muôn người,

Những lo, cùng lắng, hay thời đành hay.

Dẫu băng sông lớn, băng ngay.

Khó khăn dẫu mấy, có ngày thành công.

Tượng rằng:

Đứng ra dưỡng dục mọi người,

Những lo, cùng lắng, hay thời đành hay.

Thấm nhuần ân trạch, đó đây,

Xa gần, chung hưởng những ngày hân hoan.

Hào Thượng Cửu ám chỉ một bậc hiền tài như: Y Doãn, Phó Duyệt, Chu Công, Tử Nha, Khổng Minh đã vì Quân Vương mà gánh vác việc nước, tận tụy một lòng vì nước, vì dân. lo cho dân no ấm (Do Di), thì phúc khánh cho quốc gia biết là mấy mươi (Cát đại hữu khánh dã).

ÁP DỤNG QUẺ DI VÀO THỜI ĐẠI

Trong Kinh Dịch, Di là cái mồm, nên bàn về Quẻ Di là bàn về di dưỡng. Di dưỡng là một định luật phổ quát:

*Trời đất di dưỡng vạn vật.

*Thánh nhân dưỡng hiền, và qua trung gian các hiền tài, dưỡng vạn dân.

*Con người sinh ra đời chẳng những phải biết lo cho thể xác mình, mà còn phải biết lo cho tinh thần mình nữa:

I. Lo cho thể xác.

1. Dưỡng sinh = động tác, nghỉ ngơi đúng chừng mực. Thật vậy, sống ở thời đại văn minh vật chất này, con người sống như một cái máy. Để kiếm cho được thật nhiều tiền, họ làm việc bất kể thời gian, giờ giấc. Có người vì phải làm công việc quá độ, cơ thể không chịu đựng được, nên sinh ra đủ mọi thứ bệnh.

2. Dưỡng hình: Ăn uống, phải thời, đúng lúc. Cũng như trên, vì mải lo kiếm tiền, nên sự ăn uống thì bạ đâu ăn đó, không có điều độ, không hợp vệ sinh, nên lúc chưa già mà cơ thể đã nhiễm đủ mọi thứ bệnh, mọi thứ ung thư.

3. Dưỡng đức: Thứ nhất là ta phải kiểm soát lời ăn, tiếng nói. Các cụ xưa dạy con cháu thường nói: Bệnh tòng khẩu nhập. Họa tòng khẩu xuất nghĩa là bệnh từ mồm vào, họa từ mồm ra. Bệnh tật phần lớn là do ăn uống, tai ương là do mồm sinh. Ta vì ăn nói xô bồ, chê bai, khinh khi mọi người, nên bị mọi người thù oán. Nên ta cần phải biết giữ mồm, giữ miệng. Cho nên, Esope xưa mới nói: Xấu nhất là cái lưỡi, tốt nhất cũng là cái lưỡi.

II. Di dưỡng Tinh thần:

Nếu xác ta cần được nuôi, thì tinh thần ta cũng cần được dưỡng như vậy. Ta sống không phải nguyên vì cơm, gạo, bánh mì. Mà ta cần phải đọc thêm nhiều sách vở. Có như vậy ta mới là con người toàn diện. Ngày nay, nước Hoa Kỳ cho ta nhiều cơ hội được đọc sách của bất kỳ Đạo Giáo nào, và cũng không ai bắt ta phải tin gì, hoặc theo đạo nào. Đọc sách không cần đọc nhiều. Cần nghiền ngẫm quyển sách nào mà ta cho rằng đắc ý nhất. Và ta nên nhớ, Thánh Hiền sau trước, không phân Đạo Giáo, đều nói một thứ Chân Lý, đều bàn về Bản thể con người, về Đạo thể vô biên tế mà thôi.

III. Dưỡng nhân: Lo lắng, nuôi dưỡng muôn dân.

Người làm Chính trị tuy không trực tiếp nuôi dân, nhưng thật ra vẫn gián tiếp nuôi dân. Thực vậy, họ đã lập ra pháp luật để mang an bình, trật tự lại cho mọi người. Nếu không có an bình, trật tự thì làm sao ta giữ nổi miếng ăn.

Hiện nay, ở Mỹ chính phủ đã lo thực phẩm cho dân quá đầy đủ, chẳng những thực phẩm do trong nước sản xuất, mà còn nhập cảng đủ thứ, từ nơi xứ người, nên người dân không bị thiếu thốn về thực phẩm, hay thua sút dân tộc khác. Nhưng nếu con người sinh ra mà chỉ để ý đến thân xác, hoặc ăn uống mà thôi, thì thật quá tầm thường.

Theo thiển ý của tôi, Vấn đề di dưỡng phải dung hòa đủ mọi mặt như trên đã nói, thì mới là quân bằng sự đòi hỏi về đời sống của con người. Tức là: Di dưỡng là: Dưỡng sinh, dưỡng đức, dưỡng hình, dưỡng nhân.


28. 澤 風 Trạch Phong Đại Quá

Đại Quá Tự Quái

大 過 序 卦

Di giả dưỡng dã.

頤 者 養 也

Bất dưỡng tắc bất khả động.

不 養 則 不 可 動

Cố thụ chi dĩ Đại Quá.

故 受 之 以 大 過

Đại Quá Tự Quái

Di là di dưỡng muôn loài trước sau,

Có nuôi, chuyển động mới mầu.

Cho nên Đại Quá, lẽ âu tiếp vào.

Đại Quá là quẻ có 4 Hào Dương bên trong, còn Sơ và Thượng là Âm. Dương quá nhiều hơn Âm, mà Dương là Đại, nên gọi Đại Quá.

Vì vậy, Đại Quá là thời kỳ Quân tử mạnh hơn Tiểu nhân. Nhưng Đại Quá, vì trên dưới là hào Âm cả, nên ví như cái cột mà trên, dưới 2 đầu đã yếu, đã oẻ, khó lòng đứng vững, hay như một cái cây đã khô, vì sinh lực không còn ở gốc, hay ở ngọn nữa. Như vậy Đại Quá chính là một trường hợp khẩn trương phi thường, cần phải có người tài đức phi thường, làm những công chuyện phi thường mới cứu vãn nổi.

Vì thế Đại Quá vừa là phi thường chi thế, vừa là phi thường chi nhân, chi sự. Đại Quá là quá cương, nên trong quẻ bàn rằng: muốn làm nên đại công, đại nghiệp, thời cương là hay, nhưng quá cương đến mức quá tự tín, quá khinh thường, khinh thị là dở, phải cẩn trọng mới nên công.

Cương quá mức, làm vượt quá thời, hoạt động mà đến phải rơi xuống hồ (Đại Quá, trên có Đoài là Hồ, dưới có Tốn = Nhập = rơi vào). Tuy là những người phi phàm, có tư cách xuất chúng, nhưng đời thường chẳng dung! Cho nên phải biết cẩn thận, lo lắng, đề phòng, xét mình sửa sai, thì mới có thể đáp ứng được Thiên Mệnh.

Hào Âm mà ở vị âm là quá Nhu.

Hào Dương mà ở vị Dương, là quá Cương, không hay. (Âm hào ở Dương vị, Dương hào ở Âm vị mới tốt.) Thế là dạy con người phải biết lúc Cương, lúc Nhu, lúc Tiến, lúc Thoái, chứ đừng khăng khăng một mực.

I. Thoán.

Thoán Từ.

大 過 . 棟 橈 . 利 有 攸 往 . .

Đại Quá. Đống nạo. Lợi hữu du vãng. Hanh.

Dịch.

Đại Quá là cột yếu chân.

Hiền nhân thịnh đạt, tiểu nhân suy tàn.

Công trình hãy liệu tính toan,

Mưu cầu, rồi sẽ đường hoàng, hanh thông.

Đại Quá là thời quân tử thịnh, tiểu nhân suy, vì vậy đó chính là lúc để làm những đại công, đại nghiệp (Lợi hữu du vãng. Hanh).

Thoán Truyện.

彖 曰 : 大 過 . 大 者 過 也 . 棟 橈 . 本 末 弱也 . 剛 過 而 中 . 巽 而 說 行 . 利 有 攸 往 . 乃 亨 . 大 過 之 時 大 矣 哉.

Thoán viết.

Đại Quá. Đại giả quá dã. Đống nạo. Bản mạt nhược dã. Cương quá nhi trung. Tốn nhi duyệt hành. Lợi hữu du vãng. Nãi hanh. Đại quá chi thời đại hĩ tai.

Dịch.

Đại Quá, ấy là to lớn quá,

Cột đã cong, thượng hạ yếu mềm.

Cương cường, nhưng vẫn chính chuyên.

Dịu dàng, vui vẻ, hóa nên công trình,

Cứ hăng hái, tiến hành công tác.

Sẽ có ngày hoan lạc, hanh thông,

Muốn làm đại sự, đại công,

Gặp thời, gặp vận, mới mong như nguyền.

Đại Quá vì Sơ, Thượng là Âm, mà bốn hào giữa là Dương, tượng như cây cột mà trên, dưới yếu, ở giữa lại cứng, nên không thể đứng thẳng, mà sẽ oẻ, sẽ cong, vì thế nói: Đống nạo. Bản mạt nhược dã. Tuy Dương cương quá thịnh, nhưng Nhị, Ngũ đều đắc trung (Cương quá nhi trung). Đại Quá có Tốn ở dưới là Tốn thuận (Tốn nhi duyệt hành), trên có Đoài là hòa duyệt, thời làm công chuyện sẽ đi đến hanh thông (Lợi hữu du vãng. Nãi hanh).

Nói cách khác, phàm làm đại công, đại sự, tuy phải cương quyết, nhưng cũng phải hết sức khéo léo, xử sao cho vừa ý, đẹp lòng mọi người, mới dễ nên công. Thời Đại Quá thật là một thời buổi phi thường, nó đòi hỏi những nhân vật phi thường lỗi lạc, những công chuyện phi thường (Đại Quá chi thời đại hĩ tai). Xưa, nay đã có bao chuyện phi thường:

* Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, thay vì cho con là phi thường

* Đức Trần Hưng Đạo đã 3 lần diệt quân Nguyên là một nhân vật phi thường, đã làm nên công chuyện phi thường.

* Thám hiểm trên Cung trăng là công chuyện phi thường của ngày nay vậy.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 : 澤 滅 木 . 大 過 . 君 子 以 獨 立 不 懼 . 遯 世 無 悶 .

Tượng viết: Trạch diệt mộc. Đại Quá. Quân tử dĩ độc lập bất cụ. Độn thế vô muộn.

Dịch.

Tượng rằng: Hồ ngập lút cây,

Ấy là câu chuyện xưa nay phi thường.

Nên người quân tử xem gương,

Hiên ngang, độc lập, đường đường, sợ chi.

Dẫu rằng chẳng tiếng tăm gì,

Sống đời ẩn dật, chẳng khi phiền sầu.

Tượng Truyện bình luận thẳng về những bậc hiền tài, phi phàm, thoát tục, và cho rằng những bậc phi phàm, phải sống cuộc đời phi phàm, phải vượt trổi chúng nhân, đừng có lo âu, sợ hãi, buồn phiền. Vì những người tầm thường, làm sao hiểu được những bậc phi thường trong trần thế.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. 初 六 : 藉 用 白 茅 . 無 咎 .

象 曰 : 藉 用 白 茅 . 柔 在 下 也 .

Hào Sơ Lục.

Sơ Lục. Tạ dụng bạch mao. Vô cữu.

Tượng viết: Tạ dụng bạch mao. Nhu tại hạ dã.

Dịch. Sơ Lục.

Cỏ tranh dùng để lót đồ,

Một niềm thận trọng, khỏi lo lỗi lầm.

Tượng rằng:

Cỏ tranh dùng để lót đồ,

Vì còn thấp kém, nên lo lỗi lầm.

Hào Sơ dạy bài học cẩn trọng, cỏ gianh tuy hèn, nếu biết dùng để lót, để trải dưới đất, cho đồ quí khỏi hư, thì lỗi chi đâu.

2. 九 二 : 枯 楊 生梯 . 老 夫 得 其女 妻 . 無 不 利 .

象 曰 : 老 夫 女 妻 . 過 以 相 與 也 .

Hào Lục nhị.

Lục nhị. Khô dương sinh đề. Lão phu đắc kỳ nữ thê. Vô bất lợi.

Tượng viết: Lão phu nữ thê. Quá dĩ tương dự dã.

Dịch. Cửu nhị.

Dương khô, mà rễ lại sinh,

Ông già, mà lại được tình gái tơ.

Âm Dương, tương tế, tương phò.

Làm gì mà chẳng hay ho, chu toàn.

Tượng rằng:

Ông già, mà lấy gái tơ,

Thế thời khắng khít quá đa còn gì.

Hào haiDương cư Âm vị, thế tức là Cương, Nhu tương tế, đắc trung, dụng nhu. Hào 2 là Dương, mà kế với Hào Sơ là Nhu, y như ông già mà lấy được bà vợ trẻ, có khác nào cây Dương đương khô, mà tự nhiên lại sinh rễ, lại sống động lại. Ý muốn nói: Phàm làm đại công, đại sự, mà biết Cương, biết Nhu, biết tiến, biết thoái, cho khéo léo, lại biết dùng những người dưới, thì có thể canh tân được thế cuộc.

3. 九 三 : 棟 橈 . .

象 曰 : 棟 橈 之 凶 . 不 可 以 有 輔 也 .

Hào Cửu tam.

Cửu tam. Đống nạo. Hung.

Tượng viết: Đống nạo chi hung. Bất khả dĩ hữu phụ dã.

Dịch.

Cột nhà mà oẻ cái chân.

Oẻ chân thì chắc nhiều phần chẳng hay.

Tượng rằng:

Cột nhà chân chẳng ra chi,

Làm sao có kẻ hộ trì giúp công.

Hào tam đã Cương mà lại ở vị Dương, thế là quá Cương. Hào này là hào cuối của quẻ Tốn, mà Tốn có hào Sơ là Âm, y như cây cột bị ỏe chân (Đống nạo. Hung).

Quá Cương, quá tự phụ, không coi ai ra gì, thì làm sao mà có người cộng tác, như vậy sẽ như cây cột bị oẻ chân, sẽ làm cho cả tòa nhà bị sụp đổ, đại cuộc sụp đổ (Đống nạo chi hung. Bất khả dĩ hữu phụ dã).

4. 九 四 . 棟 隆 . . 有 它 吝 .

象曰 . 棟 隆 之 吉 . 不 橈 乎 下 也 .

Hào Cửu tứ.

Cửu tứ. Đống long. Cát. Hữu tha lận.

Tượng viết: Đống long chi cát. Bất nạo hồ hạ dã.

Dịch.

Cột cao thời tốt, thời hay,

Sinh lòng kia khác, tiếc thay sự tình.

Tượng viết:

Cột cao mà tốt, mà hay.

Là vì chân chẳng lung lay, oẻ mềm.

Cửu tứ là Dương Cương, mà lại cư Âm, thế nên không quá Cương, lại là Hào dưới cùng của quẻ Đoài. Mà Đoài có 2 hào dưới Dương, hào trên Âm, tức là dưới thực, trên hư, dưới chắc, trên yếu. Vì thế, Cửu tứ gợi lên một cây cột vững vàng (Đống long cát). Mình đã vững, đã có thanh thế, đã khéo xử sự, thì đừng có hệ lụy tiểu nhân nữa, kẻo sẽ bị chê cười. Hào tứ nói: Hữu tha lận, là chớ nên bịn rịn với Sơ, mà sinh lòng kia khác, ví dụ như để củng cố địa vị, mưu cầu tư lợi, như thế sẽ bị chê cười.

5. 九 五 . 枯 楊 生 華 . 老 婦 得 士 夫 . 無 咎 無 譽 .

象 曰 . 枯 楊 生 華 . 何 可 久 也 . 老 婦 士 夫 . 亦 可 丑 也 .

Hào Cửu ngũ.

Cửu ngũ. Khô Dương sinh hoa. Lão phụ đắc kỳ sĩ phu. Vô cữu vô dự.

Tượng viết: Khô Dương sinh hoa. Hà khả cửu dã. Lão phụ sĩ phu. Diệc khả xú dã.

Dịch Cửu ngũ.

Dương khô mà lại trổ hoa,

Bà già mà lại được chồng là con trai.

Chê bai, ai nỡ chê bai,

Nhưng mà danh giá, có đời nào đâu.

Tượng rằng:

Dương khô, mà lại trổ hoa,

Hoa kia hỏi được sẽ là bao lâu.

Vợ già, chồng trẻ hay đâu,

Chẳng qua, để hổ cho nhau bấy chầy.

Cửu ngũ là người có tài, có đức, muốn làm nên đại công, đại nghiệp, nhưng thay vì đi sát với quần chúng, lại lo cộng tác với những kẻ tiểu nhân, tuy có địa vị (thượng lục), nhưng không có thực tài, chỉ có hư danh. Như vậy có khác nào một cây Dương đã khô héo, lại còn trổ thêm một vài bông hoa (Khô Dương sinh hoa), hoa nở sẽ tàn đi, và lôi cuốn theo cả tàn lực của cây; cũng như chồng trẻ mà lấy phải vợ già, làm sao mà sinh con cái (Lão phụ đắc kỳ sĩ phu).

Họ không đáng chê, vì làm chính trị phải tìm vây cánh; nhưng cũng không đáng khen, vì cộng tác với những kẻ tiểu nhân hữu danh, vô thực, thời làm sao nên công (Vô cữu vô dự), nhưng chắc họ sẽ lấy làm tự hổ (Diệc khả xú dã).

6. 上 六 . 過 涉 滅 頂 . . 無 咎 .

象 曰 . 過 涉 之 凶 . 不 可 咎 也 .

Hào Thượng Lục.

Thượng Lục. Quá thiệp diệt đỉnh. Hung. Vô cữu.

Tượng viết: Quá thiệp chi hung. Bất khả cữu dã.

Dịch. Thượng Lục:

Quá sâu lội ngập cả đầu,

Việc đành rằng xấu, đừng sầu oán ai.

Tượng rằng:

Lội sâu, chìm nghỉm là hung,

Thôi đừng oán trách lung tung làm gì.

Hào Thượng Lục đã Nhu, mà lại ở Âm vị, là quá Nhu. Ở cuối quẻ Đại Quá là lúc khó khăn nhất, đòi hỏi một nhân tài phi thường. Nếu không tự lượng, mà cũng cứ ra tay gánh vác bừa, thì có khác nào lội nước quá sâu, ngập lút cả đầu đâu. Xưa nay, biết bao người có lòng tha thiết cứu đời, đã thật sự xả thân cứu đời, nhưng vì tài thô, trí thiển, không đủ kiến thức, mưu lược, kinh luân, nên đã bị ngọn trào lịch sử nhận chìm. Xét việc thành bại thật đáng buồn cho họ, nhưng xét về khí tiết của họ, thì nào có gì đáng chê trách họ đâu.

ÁP DỤNG QUẺ ĐẠI QUÁ VÀO THỜI ĐẠI

Thời đại nào cũng có những người phi phàm, có tài năng, tư cách xuất chúng, nhưng lại chỉ có một số rất ít (phải nói là quá ít), là thành công mà thôi. Tại sao vậy?

Tôi xin mạo muội mượn lời dạy của quẻ Đại Quá trên, mà phân tách: Yếu tố nào đã khiến những người có tài năng hơn người đó lại thất bại. Tôi xin đưa ra 2 trường hợp:

A) Người làm chính trị: Họ thất baị là vì có nhiều nguyên do:

1) Vì không có mục đích, môi trường, chủ trương chính đáng.

2) Vì yếu ớt, thiếu lực lượng thì chỉ có 2/10, mà thất bại vì nóng nảy, ương ngạnh, thì có đến 8/10. Những người này thường cho mình là chính nhân, quân tử, mà mọi người khác là Tiểu nhân, chỉ mình là hay, còn người khác là dở.

3) Làm gì cũng muốn thành công mau, kết quả vội. Vì thế bọn tiểu nhân dễ xu phụ, du nịnh, làm ra vẻ mặt phục tùng, theo ý thích của họ, làm cho họ trở nên cao ngạo. Họ làm công việc không suy tính, không dựa vào chúng dân, mà lại dựa vào những người hữu danh, vô thực, thì nếu may mắn mà được một chút như ý, thì thử hỏi: Hoa nở cành khô sống mấy mươi.

B. Người có tài năng thật sự: Như những nhà Bác Học, Khoa Học gia, Kỹ sư phát minh, hoặc những người không có bằng cấp ngoài đời, nhưng họ có tài năng, sáng kiến vượt bực.

1) Những nhà Bác Học, Khoa Học gia: những người này phần lớn được Chính Phủ giúp đỡ về mọi phương diện, nên khi tìm được cái gì, là được công bố kết quả, nên do đó danh vọng dễ lên, vì được nhiều người biết tiếng, tiền tài tương đối cũng khả quan

2) Những người giỏi, có tài năng, nhưng không có bằng cấp ngoài đời: Họ biết là họ không có bằng cấp, học lực bằng ai, vì thế họ không kiêu ngạo. Lúc đầu, họ mang hết tài năng, sáng kiến ra để làm những cái nho nhỏ, vừa đủ tài sức họ, sau khi đã thành công, họ mới phát triển lớn ra, và họ dùng tiền mướn những người kỹ sư giỏi về cộng tác, để kiếm tiền cho họ. Do đó số người này, về mặt kiếm tiền khá thành công, vì họ biết cách dùng người.

3) Những người có tài năng, bằng cấp, óc phát minh: Những người này là những người chịu thiệt thòi nhất, bị lớp người trên lợi dụng tài năng mình để kiếm tiền cho họ, và còn bị họ che dấu tài năng mình, và chỉ trả mình số lương tối thiểu, so với số lợi tức mà mình đã kiếm ra cho họ.

Tại sao, những người có tài năng lại bị bóc lột như vậy mà không biết giải quyết . Làm sao có thể giải quyết?

Theo thiển ý của tôi: Những người có thực tài, phải có quyết tâm phát triển tài mình một cách độc lập, nếu có thể nên có những ý kiến sau:

* Những người có tài, phải cộng tác với nhau thành một khối. Khối này sẽ do một vị anh minh, sáng suốt, có lòng vị tha, không cao ngạo đứng đầu, cùng với một bộ phận gồm nhiều người tài giỏi khác (được bầu) lãnh đạo. Những vị này, trừ vị chỉ huy lúc đầu là chủ tịch, còn chỉ được giữ chức vụ, lương bổng, trong nhiệm kỳ có giới hạn.

* Chính phủ phải nâng đỡ họ về mặt tài chính lúc đầu để họ và gia đình có đủ phương tiện sống, mà tiến hành công cuộc phát minh. Khi đã thành nếp, thì lương hướng của họ nhiều, ít sẽ tùy theo sự thành công của họ.

Thành công của họ phải được công bố trên báo chí, để khuyến khích họ và những người theo sau họ. Như vậy mới công bằng, và như vậy mới có sự cố gắng để tiến lên, và nhân tài mới có cơ phát triển.

Ước mong bài Áp dụng nhỏ bé này đến tay những ai có tài năng, óc độc lập, lòng cầu tiến, mà chưa đủ hùng tâm, can đảm tiến lên, thì hãy kêu gọi những người tài giỏi, đồng chí với mình đứng lên, mà thực hiện hoài bão, để tránh khỏi cảnh Người bóc lột người, và để người có tài năng có dịp thi thố đúng với khả năng của họ, thời kẻ viết bài này cũng đã mãn nguyện rồi.



29. 坎 為 水 KHẢM VI THỦY

BÁT THUẦN KHẢM

Khảm Tự Quái

坎 序 卦

Vật bất khả dĩ chung Quá.

陷 必 有 所 麗

Cố thụ chi dĩ Khảm.

故 受 之 以 離

Khảm giả hãm dã.

離 者 麗 也

Khảm Tự Quái

Sự đời tiến mãi được sao,

Cho nên quẻ Khảm đón, rào, vây, ngăn.

Khảm là gặp bước gian truân...

Khảm là hãm, là mắc kẹt y như quẻ: một Hào Dương kẹt giữa hai Hào Âm. Vì thế Khảm cũng có nghĩa là nguy hiểm. Khảm là nước. Nước giữa giòng thời trong y như một Hào Dương tinh toàn, thanh khiết ở giữa hai hào Âm hai bên.

Khảm là do Hào giữa của Kiền mà thành. Như vậy Khảm là tinh hoa của Trời = Thần = Đạo tâm. Còn Ly là tinh hoa của Đất = Tâm = Hồn = Nhân tâm.

Con người sinh ra, ai cũng có tinh hoa của Trời tàng ẩn trong xác thân, y như một Hào Dương quẻ Khảm kẹt giữa hai hào Âm. Dầu sao Khảm, Ly cũng là trọng tâm của Trời Đất, cũng như Thần và Hồn là trọng tâm của vũ trụ.

I. Thoán.

Thoán Từ.

習 坎 . 有 孚 . 維 心 亨 . 行 有 尚 .

Tập Khảm. Hữu phu. Duy tâm hanh. Hành hữu thượng.

Dịch.

Hiểm nguy, sau, trước, chập chùng,

Nếu ta thành khẩn, mới mong thoát nàn,

Chân thành, nên thoát nguy nan.

Việc làm như vậy, biết làm sao khen?

Thoán Truyện.

彖 曰 : 習 坎 . 重 險 也 . 水 流 而 不 盈 . 而 不 失 其 信 . 維 心 亨 . 乃 以 剛 中 . 行 有 尚 . 往 有 功 也 . 天 險 不 可 升 也 . 地 險 山 川 丘 陵 也 . 王 公 設 險 以 守 其 國 . 坎 之 時 用 大 矣 哉 .

Thoán viết.

Tập Khảm. Trùng hiểm dã. Thủy lưu nhi bất doanh. Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín. Duy tâm hanh. Nãi dĩ cương trung dã. Hành hữu thượng. Vãng hữu công dã. Thiên hiểm bất khả thăng dã. Địa hiểm sơn xuyên khưu lăng dã. Vương công thiết hiểm dĩ thủ kỳ quốc. Hiểm chi thời dụng đại hĩ tai.

Dịch.

Thoán rằng: Nguy hiểm trập trùng ,

Nước vì trôi chảy, nên không tràn đầy.

Trong nguy, lòng vẫn thẳng ngay,

Thẳng ngay, may sẽ có ngày thoát nguy.

Gắng công, đáng được nể vì,

Gắng công, rồi sẽ thoát kỳ vận đen.

Trời cao, hiểm trở, khó lên,

Đất kia hiểm trở, sơn xuyên trập trùng.

Vương công dụng hiểm, bố phòng,

Giữ gìn bờ cõi, núi sông an bình.

Biết dùng hiểm, cũng lợi hanh,

Công trình dụng hiểm, âu đành lớn lao.

Trong Thoán quẻ Khảm, Thánh nhân dạy:

1) - Phương pháp xử trí khi lâm hiểm.

2) - Phương pháp lợi dụng sự hiểm trở.

1) Phương pháp xử trí khi lâm hiểm:

Ở đời, hiểm nguy ai cũng thường gặp, nhưng khi gặp nguy hiểm phải xử trí ra sao? Thưa: ta phải thành khẩn, phải bình tĩnh. Gặp nguy mà giữ được lòng thanh thản, không rối rít, sẽ thoát hiểm. Vì thế Thoán nói: Dẫu gặp nguy hiểm trập trùng (Tập hiểm), mà thành khẩn (Hữu phu), mà tâm hồn thanh thản (Duy tâm hanh), thì hành động sẽ có kết quả

(Hành hữu thượng). Như nước chẩy, sẽ thoát qua mọi ngóc ngách, con người mà thành khẩn sẽ thoát qua mọi gian nguy (Thủy lưu nhi bất doanh. Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín). Khi gặp hiểm nguy, hãy giữ cho lòng thanh thản, sắt son. (Duy tâm hanh. Nãi dĩ cương trung dã.) Thế tức là:

Sơn hà gặp buổi lao lung,

Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son.

Đã sắt son, đã thành khẩn, thì hiểm nguy gì mà không vượt (Hành hữu thượng. Vãng hữu công dã).

2) Phương pháp dụng hiểm để bảo vệ mình, bảo vệ quốc gia.

* Nơi cá nhân: Trung tín chính là giáp trụ, lễ nghĩa chính là can qua, để bảo vệ nhân cách con người.

* Trong xã hội: Chính, Hình, Uy, Thưởng

những hiểm trở để bảo vệ xã hội.

* Trong Quốc gia: (trong nước) thì lũy cao, hào sâu, núi cao, sông rộng, chính là những hiểm trở để bảo toàn bờ cõi, bảo vệ thành trì. Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy giới hạn của 3 nước được định bằng những hiểm trở thiên nhiên.

- Nước Ngụy ở phía Bắc, được giới hạn bằng dẫy núi Tần Lĩnh, và sông Dương, sông Hoài.

- Nước Ngô ở phía Đông Nam, giới hạn cũng bằng sông Dương, sông Hoài, ngăn Ngô và Ngụy. Và dẫy núi phía Tây ngăn Ngô và Thục.

- Nước Thục ở phía Tây đã có tiếng là hiểm trở, trập trùng.

- Các Kinh đô xưa, như Kiểu Kinh, Hàm Dương, Lạc Dương cũng thường ở vào những chổ nhiều sông, lắm núi để làm thế ỷ dốc, bên ngoài muốn tiến đánh rất là khó khăn.

DÙNG HIỂM CÓ 2 CÁCH:

1) Lợi dụng mọi hiểm trở thiên nhiên, để bảo vệ mình (Hiểm chi dụng).

2) Lúc gặp ngoại xâm, lại phải tạo thêm hiểm trở (Hiểm chi thời).

Nước nào càng lắm hiểm trở thiên nhiên, càng ít bị ngoại xâm. Nước nào có nhiều đường lối xâm nhập, càng dễ bị chinh phục, (đó là Hiểm chi dụng).

Chiêm Thành xưa đã triệt để xử dụng Đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả để bảo vệ đất nước.

Cho nên Dịch mới nói: Hiểm chi thời dụng đại hĩ tai. Biết dùng hiểm trở, lại biết khi nào phải dùng hiểm trở, để bảo vệ cho dân, cho nước, thì cao siêu biết chừng nào.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 : 水 洊 至 . 習 坎 . 君 子 以 常 德 行 . 習 教 事 .

Tượng viết:

Thủy tấn chí. Tập Khảm. Quân tử dĩ thường đức hạnh. Tập giáo sự.

Dịch.

Tượng rằng: Nước chẩy liên hồi,

Đợt này, đợt khác, chẳng ngơi, chẳng ngừng.

Nên người quân tử soi gương,

Đường nhân, nẻo đức, thời thường chẳng sai.

Dạy người liên tục, không ngơi.

Thường xuyên nhắc nhở, chẳng rời phép khuôn.

Dòng nước chẩy liên tục, cho ta một bài học khác. Nước chẩy không ngừng, vì thế soi mòn được núi non, soi mòn được vàng đá. Vậy nếu con người cũng cố gắng học hỏi, tu thân, tiến đức, dạy dỗ người không ngừng, thì con đường tiến hóa làm gì có hạn định. Thế tức là: Nước chẩy lâu, đá cũng phải mòn, hay Có công mài sắt, có ngày nên kim.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào toàn bàn về cách xử hiểm.

1. Hào Sơ Lục.

. 習 坎 . 入 于 坎 . .

象 曰 . 習 坎 入 坎 . 失 道 凶 也 .

Sơ Lục. Tập Khảm. Nhập vu Khảm lãm. Hung.

Tượng viết:

Tập Khảm. Nhập Khảm. Thất đạo hung dã.

Dịch. Sơ Lục:

Ỷ mình quen với gian nguy,

Sa hầm, sụp hố, hèn gì chẳng hung.

Tượng rằng:

Ưa nguy, thời sẽ gặp nguy,

Không theo chính đạo, hèn gì chẳng hung.

Hào Sơ dạy không nên đùa rỡn với hiểm nguy. Nếu mình cứ xông liều vào nguy hiểm (Tập Khảm), ắt sẽ sa vào những hiểm nạn ghê gớm (Nhập vu khảm hạm). Như vậy là dở hết sức (Hung). Thế tức là: Chơi dao có ngày đứt tay.

Tiểu Tượng bình thêm: đùa rỡn với hiểm nguy là đi sai đường lối của Trời Đất, vì vậy nên hung (Thất đạo hung dã).

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 坎 有 險 . 求 小 得 .

象 曰 . 求 小 得 . 未 出 中 也 .

Cửu nhị. Khảm hữu hiểm. Cầu tiểu đắc.

Tượng viết:

Cầu tiểu đắc. Vị xuất trung dã.

Dịch.

Anh hùng gặp bước gian nan,

Dần dà, từ tốn, tính toan, gỡ lần.

Tượng rằng:

Tính toan nho nhỏ được rồi,

Giữa cơn hoạn nạn, đừng đòi hỏi hơn.

Hào hai Cương mà lại đắc trung, tức người quân tử biết xử hiểm, biết bảo vệ được mình. Khi gặp gian nguy, đừng vội liều lĩnh để thoát hiểm. Trong giữa cơn biến, mà thâu nhập được thắng lợi, dù nhỏ cũng đã quí, đừng nên quá nóng, quá hấp tấp, quá tham lam. Cũng như nước suối vừa tuôn, tuy còn ít oi, nhưng rồi ra sẽ lan tràn khắp nơi.

3. Hào Lục tam.

. 來 之 坎 坎 . 險 且 枕 . 入 于 坎 窟 . 勿 用 .

象 曰 . 來 之 坎 坎 . 終 無 功 也 .

Lục tam. Lai chi Khảm Khảm. Hiểm thả chẩm. Nhập vu Khảm lạm. Vật dụng.

Tượng viết:

Lai chi Khảm Khảm. Chung vô công dã.

Dịch.

Tiểu nhân mà gặp gian nan,

Tiến lui cũng dở, ở càng nguy tai,

Nguy nan chồng chất bên ngoài,

Dẫu rằng vùng vẫy, cũng hoài công toi.

Tượng rằng: Lên xuống, đều nguy,

Cố công, rút cuộc ích gì cho cam.

Khi gặp gian nguy trập trùng, tiến lên cũng nguy, lui bước cũng nguy, thời đừng nên rối rít, đừng nên vọng động, kẻo sẽ nguy khốn thêm.

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 樽 酒 簋 貳 . 用 缶 . 納 約 自 . 終 無 咎 .

象 曰 . 樽 酒 簋 貳 . 剛 柔 際 也 .

Lục tứ. Tôn tửu quĩ nhị dụng phẫu. Nạp ước tự dũ. Chung vô cữu.

Tượng viết:

Tôn tửu quĩ nhị. Cương nhu tế dã.

Dịch.

Lòng thành, chén rượu, giỏ cơm.

Đồ sành lại lấy mà đơm, mà mời.

Chuyền qua lỗ cửa dâng người,

Chân thành, đạm bạc, ai cười, ai chê.

Tượng rằng: Chén rượu, giỏ cơm,

Cứng mềm, trên dưới, đôi đường giúp nhau.

Đại khái, Hào này nói: lúc hoạn nạn, lúc nguy nan, vua tôi giao tiếp nhau, nên tỉnh giảm lễ nghi hình thức bên ngoài, nên lấy lòng thành khẩn, chân thực, đối đãi với nhau. Lúc hiểm nàn, thời tặng nhau một bầu rượu, vài giỏ cơm, dùng bát đĩa sành, lại đưa qua cửa sổ, cũng vẫn được, miễn là thành khẩn cùng nhau.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 : 坎 不 盈 . 只既 平 . 無 咎 .

象 曰 : 坎 不 盈 . 中 未 大 也 .

Cửu ngũ. Khảm bất doanh. Kỳ ký bình. Vô cữu.

Tượng viết:

Khảm bất doanh. Trung vị đại dã.

Dịch.

Công trình trị hiểm còn vơi,

Nhưng mà hiểm sắp thoát rồi, lỗi chi?

Tượng rằng: Trị hiểm chưa xong,

Là vì tài đức chưa trung, chưa tuyền.

Tuy chưa thoát hiểm, nhưng tình thế đã bớt căng thẳng, y như sông Hoàng Hà, ở Long Môn thì nước còn chảy ào ào, nhưng đến bến Mạnh Tân, thì nước đã phẳng lặng hơn, thuyền bè đã có thể qua lại được.

Hào Năm, sở dĩ chưa thoát hiểm, là vì tuy đương sự có tài đức, có ngôi tôn, nhưng vì thiếu hiền thần phụ lực, phò nguy (Hào nhị cũng là Dương nên không ứng). Chưa thoát được hiểm, nghĩa là vẫn còn có khuyết điểm, hoặc về chính sách, hoặc về nhân sự, hoặc chưa gặp cơ hội (Khảm bất doanh. Trung vị đại dã).

6. Hào Thượng Lục.

上 六 : 係 用 徽 . 置 于 叢 棘 . 三 歲 不 得 .

象 曰 : 上 六 失 道 . 凶 三 歲 也 .

Thượng Lục. Hệ dụng huy mặc. Trí vu tùng cức. Tam tuế bất đắc. Hung.

Tượng viết:

Thượng Lục thất đạo. Hung tam tuế dã.

Dịch.

Đã thừng, đã chão trói trăng,

Trói rồi, còn đặt giữa vùng góc gai.

Hung mà đến thế, thời thôi.

Ba năm hồ dễ có mòi thoát nguy.

Tượng rằng: Thượng Lục lầm đường,

Không theo chính đạo, tai ương bấy chầy.

Ba năm âu cũng đáng đời . . .

Hào 6. Gặp hiểm nguy cùng cực, mà không biết khéo xử, không biết hối quá lỗi lầm, thì làm sao thoát hung họa. Lưới tội khiên lúc ấy như thừng, như chão, trăng trói mình, như gai góc vương mắc mình, nếu không biết tìm đường rũ bỏ, thì làm sao mà chẳng gặp họa hung.

ÁP DỤNG QUẺ KHẢM VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Khảm trước hết có nghĩa là Nước, thứ đến Khảm có nghĩa là nguy hiểm.

1. Khảm có nghĩa là Nước. Dịch dạy ta tiến đức tu thân, bắt chước nước soi mòn vàng đá, và không bao giờ ngưng nghỉ.

2. Khảm có nghĩa là Nguy hiểm. Nói đến nguy hiểm, Dịch dạy ta phải biết dùng mọi nguy hiểm của cuộc đời để bảo vệ mình, bảo vệ Quốc Gia.

Khi có chiến tranh, người ta đào đường, đắp ụ, tiêu thổ kháng chiến, đó là gây khó khăn cho bên địch. Ta thấy trong chiến tranh Trung Nhật, thì chính phủ Tưởng Giới Thạch đã bỏ Nam Kinh, Bắc Kinh, là những nơi gần biển dễ chiếm, mà rút về Trùng Khánh (Vân Nam), là nơi khó khăn, hiểm trở hơn. Còn khi Quốc Cộng Trung Hoa giao chiến, thì Mao Trạch Đông đã chọn vùng Thiểm Tây hiểm trở ở phía Bắc, để làm Thủ Đô.

Ta cũng thấy, trước kia Liên Sô đã biết dùng thời tiết băng giá để chống với đại quân của Napoléon, và Hitler, và đã toàn thắng.

Ở Việt Nam, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chỉ cách Saigon vài chục cây số, tại Củ Chi, Việt Cộng đã đào nhiều đường hầm, nằm ngay dưới các cơ sở Quân đội Cộng hòa và Mỹ. Tuy biết là có, nhưng Việt Nam và Mỹ, không làm sao mà tìm ra cách phá được. Vì thế Việt Cộng gọi Củ Chi là Tường Đồng, Vách Sắt. Mới hay, cái nhìn của người xưa thật là sâu sắc. Người xưa còn dạy ta: Khi gặp nguy cơ, phải bình tĩnh giải quyết thời sẽ thoát hiểm.

Những bài học thực tế trên, có giá trị muôn đời, và bao giờ đem áp dụng cũng thấy hợp thời, hợp thế.



30. 為 火 LY VI HỎA

BÁT THUẦN LY

Ly Tự Quái

離 序 卦

Hãm tất hữu sở lệ.

陷 必 有 所 麗

Cố thụ chi dĩ Ly.

故 受 之 以 離

Ly giả lệ dã.

離 者 麗 也

Ly Tự Quái

Gian truân nên mới lo phần dựa nương.

Cho nên Ly mới tiếp luôn.

Ly là nương tựa, rõ ràng đâu chơi.

Ly ở nơi quẻ Đơn, có nghĩa là lửa. Nơi quẻ Kép có nghĩa là dựa nương. Ly là dựa nương. Mà điểm tựa của con người là sự trung chính.

Ly trong hư, ngoài cương; trong nhu thuận (Âm), ngoài văn minh, sáng láng. Nếu tâm hồn con người luôn luôn thuận phục luật Trời, luôn luôn dựa nương vào sự công chính, thì sẽ một ngày một trở nên sáng láng. Nếu xét về căn cơ nội tại thì:

*Ly trong có 1 hào Âm, nên chính là Chân Âm, Tượng trưng cho Hồn, cho Tâm (cho lòng người).

*Khảm trong có 1 hào Dương, nên chính là Chân Dương, tượng trưng cho Đạo Tâm, cho Thần (lòng Trời).

(Quẻ Ly đơn, hào giữa là Âm. Tu luyện là biến Ly thành Kiền = thành Trời, tức là phải lấy hào Dương của quẻ Khảm đơn, mà thay thế vào Hào Âm của quẻ Ly, vì Hào Dương của Khảm tượng trưng cho Đạo tâm. Phương pháp này gọi là Dĩ Khảm điền Ly.)

I. Thoán.

: 利 貞 . . 畜 牝 牛 . .

Thoán Từ.

Ly. Lợi trinh. Hanh. Súc tẫn ngưu. Cát.

Dịch. Thoán Từ.

Nương tựa chính trung, lợi lại hay,

Nhu thuận một lòng sẽ mắn may.

Ví như nuôi được con trâu cái,

Vừa khỏe, vừa ngoan, thật tốt thay.

Ly là dựa nương. Phải dựa nương vào sự công chính, mới hay, mới lợi (Ly. Lợi trinh. Hanh). Phải thuận phục lẽ Trời, mới tốt đẹp. Giữ tròn được tấm lòng nhu thuận, tuân phục lẽ công chính, cũng ví như nuôi được con trâu cái hiền lành, dễ bảo, như vậy là tốt, là hay. (Súc tẫn ngưu. Cát).

Thoán Truyện.

彖 曰 : . 麗 也 . 日 月 麗 乎 天 . 百 谷草 木 麗 乎 土 . 重 明 以 麗 乎 正 . 乃 化 成 天 下. 柔 麗 乎 中 正 . 故 亨 . 是 以 畜 牝 牛. 吉 也 .

Thoán viết.

Ly. Lệ dã. Nhật nguyệt lệ hồ thiên. Bách cốc thảo mộc lệ hồ thổ. Trùng minh dĩ lệ hồ chính. Nãi hóa thành thiên hạ. Nhu lệ hồ trung chính. Cố hanh. Thị dĩ súc tẫn ngưu. Cát dã.

Dịch. Thoán rằng:

Ly là bám víu dựa nương,

Dựa nương, bám víu, lẽ thường đôi nơi.

Kim ô, ngọc thỏ, nương Trời,

Muôn loài thảo mộc, chẳng rời đất đai.

Quân thần,trung chính chẳng ngơi.

Thuần phong, mỹ tục khắp nơi thịnh hành.

Thuận theo trung chính, thời hanh,

Như nuôi trâu cái, tốt lành mấy mươi.

Ly là dựa nương. Đó là định luật của Trời đất.(Ly lệ dã). Nhật Nguyệt tinh cầu dựa vào Trời. Cỏ cây dựa vào Đất (Nhật Nguyệt lệ hồ Thiên. Bách cốc thảo mộc lệ hồ thổ). Vậy trong một xã hội, mà vua tôi, trên dưới đều dựa nương vào sự công chính, thì sẽ cải hóa được thiên hạ, sẽ đem được vạn dân tới chỗ tinh thành (Trùng minh dĩ lệ hồ chính. Nãi hóa thành thiên hạ). Nếu lòng con người, mà luôn luôn thuận phục Thiên lý, luôn luôn bám víu, luôn luôn dựa nương vào sự công chính, thì hay biết bao nhiêu (Nhu lệ hồ trung chính. Cố hanh. Thị dĩ súc tẫn ngưu cát dã).

Như vậy, Thoán đã dạy con người phải bám víu vào sự công chính mới là quý; chớ đừng nên bám vào tiền tài, chức vị, tha nhân, vì tất cả những thứ đó đều là phù du, ảo ảnh.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 : 明 兩 作 離 . 大 人 以 繼 明 照 于 四 方.

Tượng viết. Minh lưỡng tác Ly. Đại nhân dĩ kế minh chiếu vu tứ phương.

Dịch. Tượng rằng:

Ly là sáng láng liên canh,

Đại nhân cố giữ lòng mình sáng trong.

Sáng soi cùng khắp non sông,

Sáng soi rạng rỡ, khắp cùng bốn phương.

Ly, trên dưới đều là minh, trước sau đều là minh. Người quân tử thấy vậy, nên chau chuốt cho tâm hồn mình, ngày một thêm rạng sáng; để ánh sáng của mình có thể chiếu soi khắp bốn phương. Kế minh, chỉ về thời gian, ý nói trước cũng như sau, con người đừng bao giờ quên làm bừng sáng ngọn đuốc thiên chân tiềm ẩn đáy lòng.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 履 錯 然 . 敬 之 無 咎 .

象 曰 . 履 錯 之 敬 . 以 辟 咎 也 .

Sơ Cửu. Lý thác nhiên. Kính chi. Vô cữu.

Tượng viết:

Lý thác chi kính. Dĩ tỵ cữu dã.

Dịch. Sơ Cửu.

Bỡ ngỡ đưa chân bước vào đời,

Phải nên cẩn trọng, khỏi lầm sai.

Tượng rằng: Cẩn thận bước đi,

Cho nên mới tránh được nguy, được lầm.

Hào Sơ bình rằng, tuy Ly là sáng láng, nhưng lúc con người thoạt mới bước chân vào đường đời, thời thiện ác còn hỗn tạp khó phân, cho nên bước đi còn dễ lầm lỗi (Sơ Cửu. Lý thác nhiên). Vậy phải biết trang trọng, kính úy, mới tránh được những điều lầm lỗi (Kính chi vô cữu).

2. Hào Lục nhị.

六 二 . 黃 離 . 元 吉 .

象 曰 . 黃 離 元 吉 . 得 中 道 也 .

Lục nhị. Hoàng Ly. Nguyên cát.

Tượng viết:

Hoàng Ly nguyên cát. Đắc trung đạo dã.

Dịch. Lục nhị.

Văn minh rực rỡ, huy hoàng,

Mà mình trung chính, đàng hoàng tốt thay.

Tượng rằng:

Huy hoàng, rực rỡ mà hay.

Là vì trung chính, thẳng ngay đạo Trời.

Hào hai tiếp tục dạy thêm: Nếu con người biết dựa nương vào sự công chính, tức là điều hay nhất, quí nhất.

Công chính là Thiên lý. Tư tà là nhân dục.

Vậy con người phải sống trong Thiên lý, mới là lý tưởng của cuộc đời. Con người chỉ đạt lý tưởng, khi đắc Trung đạo, tức là khi vào được tâm điểm vũ trụ và tâm hồn mình, thực hiện được Thiên đức, về được chính vị, về được tâm điểm bất dịch của vũ trụ, tức là hòa đồng được với Bản Thể của vũ trụ.

3. Hào Cửu tam.

九 三 : 日 昃 之 離 . 不 鼓 缶 而歌 . 則 大 耋 之 . .

象 曰 : 日 昃 之 離 . 何 可 久 也 .

Cửu tam. Nhật trắc chi Ly. Bất cổ phẫu nhi ca. Tắc đại điệt chi ta. Hung.

Tượng viết.

Nhật trắc chi Ly. Hà khả cửu dã.

Dịch.

Mặt trời đã xế ngang đầu.

Sao không gõ chậu, ca âu thanh nhàn.

Đời người còn được mấy gang,

Cái già xộc đến, phàn nàn nỗi chi.

Hào Ba chủ trương, khi đã già, khi mặt trời đã xế bóng, con người nên quẳng bớt gánh lo, thoát ly mọi tần phiền của thế sự, mà sống hồn nhiên trong cái vui Trời. Nếu lúc già cả, mà lòng chưa được an vui, còn xót xa, ta thán, thời khổ biết mấy mươi.

4. Hào Cửu tứ.

九 四 : 突 如 其 來 如 . 焚 如 . 死 如 . 棄 如 .

象 曰 : 突 如 其 來 如 . 無 所 容 也 .

Cửu tứ. Đột như kỳ lai như. Phần như. Tử như. Khí như.

Tượng viết:

Đột như. Kỳ lai như. Vô sở dung dã.

Dịch. Cửu tứ.

Từ đâu vụt đến, lố lăng.

Phừng phừng như muốn đốt phăng ngôi rồng,

Hung hăng sẽ bị tử vong.

Mọi người ruồng rẫy, ai dung cho nào.

Tượng rằng:

Từ đâu vụt đến lố lăng,

Mọi người ruồng rẫy, ai dung cho nào.

Ba Hào trước, đều dạy phải bám víu vào sự công chính, không được quá bám vào cuộc đời nhất là khi đã trở về già. Ba Hào sau, ý muốn thiên về nghĩa nóng nẩy hay sáng láng của quẻ Ly.

Hào BốnDương cương, nên nóng nẩy, muốn tiến lên một cách ào ạt (Đột như kỳ lai như), phừng phừng như muốn thiêu hủy cả đấng quân vương trên mình (Phần như). Làm như vậy, là trái với sự sáng suốt, cho nên sẽ đi đến sự tử vong (Tử như), vì mọi người sẽ ruồng bỏ mình (Khí như).

Như vậy có minh triết, mới bảo thân (Trung Dung XXVII). Còn những người bạo hổ bằng hà, thường bất đắc kỳ tử (LN VII , 10; LN XI, 12).

5. Hào Lục ngũ.

六 五 : 出 涕 沱 若 . 戚 嗟 若 . .

象 曰 : 六 五 之 吉 . 離 王 公 也 .

Lục ngũ. Xuất thế đà nhược. Thích ta nhược. Cát.

Tượng viết:

Lục ngũ chi cát. Ly vương công dã.

Dịch.

Đầm đìa nước mắt nhỏ sa,

U buồn than thở, rồi ra gặp lành.

Tượng rằng: Lục ngũ gặp lành,

Là vì ngôi vị của mình Vương công.

Hào Năm Âm nhu mà cư Dương vị, thế là thất vị, tuy vẫn đắc trung. Đã thất vị, mà dưới lại không ứng, không có phù ủng (Hào nhị là Hào ứng nhưng là Âm nên không ứng), nay lại ở gần kề Cửu tứ là Dương cương, như ngọn lửa phừng phừng bốc cháy lên để thiêu rụi mình, thời có khác nào một vị quân vương, tuy là hiền đức, nhưng đang bị bạo thần lăng bức đâu. Trong trường hợp ấy, nếu biết lo âu (Xuất thế đà nhược thích ta nhược), thời cũng là may, bởi vì biết lo họa hung, sẽ tiêu trừ được hung họa (cát). Lục ngũ sở dĩ cát, là vì đã được ngôi vị Vương công vậy (Lục ngũ chi cát. Ly Vương Công dã).

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 : 王 用 出 征 . 有 嘉 折 首 . 獲 其 匪 丑 . 無 咎 .

象 曰 : 王 用 出 征 . 以 正 邦 也 .

Thượng Cửu. Vương dụng xuất chinh. Hữu gia. Triết thủ. Hoạch phỉ kỳ xú. Vô cữu.

Tượng viết:

Vương dụng xuất chinh. Dĩ chính bang dã.

Dịch.

Vua dùng chinh thảo cũng hay,

Giết người đầu đảng, tha bầy côn quăng.

Giết, tha, minh bạch đàng hoàng,

Việc mình, ai dám phàn nàn, chê bai.

Tượng rằng: Vua dụng xuất chinh.

Cốt là dẹp loạn, trị bình, giang san.

Hào Sáu nói lên sự chinh phạt để đem trị bình lại cho đất nước. Chu Hi cho rằng Hào Thượng Cửu của quẻ Ly tức là sự cương cường quang minh đã lan tới xa, quyền uy đã chấn động, nhưng hình phạt vẫn không bị lạm dụng, là vì chỉ trừng trị kẻ cầm đầu phản loạn (Triết thủ), còn thì tha cho bọn dư đảng (Hoạch phỉ kỳ xú).

ÁP DỤNG QUẺ LY VÀO THỜI ĐẠI

Xưa hay Nay, bất cứ ở thời đại nào cũng vậy, loài người khi mới bắt đầu hiểu biết, đã nhận biết được cái gì là đúng, là sai, là hay, là dở. Nhưng dần dần con người va chạm nhiều với xã hội, rồi bị ô nhiễm, bị tư dục làm mờ mắt, nên sự phán đoán, suy xét dần dần lầm lạc, nên con người cứ từ từ bị sa đọa. Nhất là, đà văn minh vùn vụt tiến, con người bị quá nhiều nhu cầu vật chất đòi hỏi, và phải cố đáp ứng nhu cầu cho đầy đủ như: xe hơi, tủ lạnh, bếp ga, máy lạnh v.v... Những thứ này lại còn biết bao thứ bên cạnh nó như: có xe hơi, phải mua bảo hiểm, mua xăng chạy xe, có tủ lạnh thì phải lo tiền điện hàng tháng v.v..., đó là chưa kể thời gian càng văn minh, thì con người làm việc càng như cái máy, do đó cũng cần phải nghỉ ngơi, tẩm bổ cho cơ thể lại sức, nên con người lại cần phải lo kiếm tiền cho nhiều, rồi từ cái này dần đến cái khác, con người bị sa đọa lúc nào không hay, có nhiều lúc bừng tỉnh lại, thấy mình cũng quá đáng, nhưng vì bản năng quá yếu hèn, hoặc nhu cầu vật chất đòi hỏi quá mạnh, nên lương tri chỉ vụt qua, mà không ở lại được.

Nên nếu ta ở vào thời buổi văn minh này, mà ta thắng được vật dục cám dỗ, không để con người ta bị sa đoạ, lỗi lầm, như vậy là ta luôn theo được đường công chính, ngay thẳng. Ngay thẳng từ suy nghĩ tới việc làm, đó là ta đã đi được quá nửa đường của Thánh nhân vậy.

Đến tuổi xế chiều, ta từ từ bỏ bớt công việc ngoài đời, lo việc tu thân, và nên luôn tự hỏi: Ta là ai? Từ đâu tới? Và cố gắng trở về nơi cội nguồn của mình một cách tự hào, thanh thản, lo việc giúp người, giúp đời một cách vô tư như mình thở khí Trời vậy, và với nụ cười luôn nở trên môi. Nếu là người có kiến thức sâu rộng, hiểu biết hơn người, nên lo viết sách dạy dân, truyền lại sự hiểu biết cho người đời sau. Đó là ta đã biết đi đúng đường Trời, đó là ta đã có vẻ sáng chung quanh như quẻ Ly đơn vậy.

Còn nếu như ta dùng cái thông minh, tài giỏi của ta, để mưu cầu tư lợi, cưỡng đoạt của người, hoặc hãm hại người để tranh quyền, đoạt vị, thì ta đã đi lầm đường, trước sau gì ta cũng bị suy vong, nếu không thì sẽ bị miệng thế cười chê. Thật không đáng vậy!


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


No comments: