Thursday, February 24, 2011

THƯỢNG KINH II

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30



VÀI LỜI NÓI VỀ HAI QUẺ KIỀN KHÔN

Dịch kinh gồm 64 quẻ, được chia ra làm hai phần: Thượng kinh có 30 quẻ, và Hạ kinh có 34 quẻ.

Trong Thượng Kinh, có 2 quẻ đầu là Bát Thuần Kiền và Bát thuần Khôn, thì đặc biệt khác các quẻ sau.

Từ xưa tới nay, Kiền, Khôn được xếp rất lộn xộn như sau:

A. Thoán Từ

B. Hào Từ của 7 Hào (7 Hào thay vì 6 Hào ) Hào 7 gọi là Dụng Cửu.

C. Thoán Truyện.

D. Đại Tượng Truyện

E. Tiểu Tượng Truyện của 7 Hào .

F. Ngoài ra lại thêm phần Văn Ngôn, Bình giải lại Thoán Từ, Thoán Truyện và các Hào .

Phần Văn Ngôn nơi quẻ Kiền xếp lộn sộn hơn nữa. -Thoán a. - 6 Hào a -7 Hào b. -7 Hào c. -Thoán b. -6 Hào d. Do đó, người đọc hết sức là nản, và nhiều khi không hiểu quẻ định nói gì?

Tôi (Tác giả) phải sắp xếp lại, cho có thứ tự, mạch lạc, theo đúng thứ tự từ Truân về sau.

I. Thoán

A. Thoán Từ. (Chính kinh của Văn vương)

B. Thoán Truyện (Lời giải thích của Khổng tử)

II. Đại Tượng Truyện (của Khổng tử)

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện (Các quẻ đều có 6 Hào, riêng quẻ Kiền Khôn có 7 Hào, (Hào 7 gọi là Hào Dụng Cửu)

IV. Văn Ngôn (Văn Ngôn chỉ riêng quẻ Kiền, Khôn có mà thôi)

Văn Ngôn tôi xếp lại như sau:

-Thoán cả 2 đoạn a & b.

-Hào 1a, 1b, 1c, 1d, -Hào 2a, 2b, 2c, 2d,

-Hào 3a, 3b, 3c, 3d, -Hào 4a, 4b, 4c, 4d,

-Hào 5a, 5b, 5c, 5d, -Hào 6a, 6b, 6c, 6d,

-Hào Dụng Cửu 7a, 7b.

Nơi Thượng kinh, sau phần Hán văn, tôi sẽ dịch quẻ Kiền, Khôn theo tuần tự Thoán, Đại Tượng v. v. . . bằng thơ toàn quẻ trước,(vì 2 quẻ Kiền Khôn quá dài), tiếp là phần Bình Giảng toàn quẻ. (Từ xưa tới nay, chưa có 1 Dịch giả nào dịch phần Hán văn ra Việt văn cả, mà chỉ Bình giảng không mà thôi) Cuối quẻ, là phần Áp dụng theo Thời đại.

Tôi để phần dịch sau phần Hán Văn, tiếp theo là phần Bình Giảng, đoạn nào xếp theo đoạn đó. Tôi nghĩ như vậy sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Mỗi đoạn trong quẻ như: Thoán, Tượng, Hào đều xếp đặt theo thứ tự sau:

1/ Hán Văn.

2/ Phiên âm Hán văn.

3/ Dịch phiên âm đó bằng thơ.

4/ Bình giảng đoạn đó.

Cuối quẻ là phần Áp dụng quẻ vào Thời đại. Mong sự xắp xếp trên sẽ làm vừa lòng quí vị độc giả.

Nhân tử Nguyễn văn Thọ & phu nhân Huyền Linh Yến Lê cẩn chí.


1. 乾 為 天 KIỀN VI THIÊN

Bát ThuẦn KiỀn

I. Thoán

Thoán Từ.

. 亨 利 .

Kiền. Nguyên hanh lợi trinh.

Dịch:

Kiền là cội gốc muôn loài.

Làm cho vạn vật tốt tươi mọi đường.

Làm cho lợi ích hanh xương.

Lại cho thành tựu vô cương mới là.

Thoán Truyện.

彖 曰 . 大 哉 乾 元 . 萬 物 資 始 . 乃 統 天 . 云 行 雨 施 . 品 物 流 形 . 大 明 始 終 .六 位 時 成 . 時 乘 六 龍 以 御 天 . 乾 道 變化 . 各 正 性 命 . 保 合 大 和 . 乃 利 貞 . 首 出 庶物 . 萬 國 咸 寧 .

Thoán viết. Đại tai Kiền nguyên. Vạn vật tư thủy. Nãi thống Thiên. Vân hành vũ thí. Phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy. Lục vị thời thành. Thời thừa Lục long dĩ ngự thiên. Kiền Đạo biến hóa. Các chính tính mệnh. Bảo hợp Thái hoà. Nãi lợi trinh. Thủ xuất thứ vật. Vạn quốc hàm ninh.

Thoán viết:

Lớn thay là cái gốc trời!

Làm cho vạn vật, vạn loài sinh sôi

Kiền nguyên tóm hết Đạo Trời.

Tóm thâu Thiên Đạo, khúc nhôi sinh thành.

Rồi ra vũ thí, vân hành,

Làm cho vạn vật hình thành đòi nơi.

Thánh Nhân thấu suốt đầu đuôi.

Biết sáu giai đoạn cơ trời biến thiên.

Thế là cưỡi sáu rồng thiêng,

Vượt muôn biến hóa, băng miền trời mây.

Cơ Trời biến hóa vần xoay,

Làm cho vạn vật thêm hay, thêm tình.

Kiện toàn tính mệnh của mình,

Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho.

Thế là lợi ích không bờ.

Thế là vĩnh cửu, thế là lợi trinh.

Thánh nhân vượt trổi chúng sinh.

Làm cho muôn nước an bình khắp nơi.

II. Đại Tượng Truyện

象 曰 . 天 行 健 . 君 子 以 自 疆 不 息 .

Tượng viết: Thiên hành kiện. Quân tử dĩ tự cường bất tức.

Tượng rằng:

Trời cao mạnh mẽ xoay vần.

Nên người quân tử quyết tâm tự cường.

Không hề ngưng nghỉ triển dương . . .

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 潛 龍 . 勿 用 .

象 曰 . 潛 龍 勿 用 . 陽 在 下 也 .

Sơ Cửu. Tiềm long vật dụng.

Tượng viết.

Tiềm long vật dụng. Dương tại hạ dã.

Dịch:

Rồng còn tiềm ẩn chớ dùng.

Tượng rằng: Rồng ẩn chớ dùng.

Là vì Dương hãy còn nằm dưới Sơ.

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 見 龍 在田 . 利 見 大 人 .

象 曰. 見 龍 在 . 德 施 普 也

Cửu nhị. Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân.

Tượng viết.

Hiện long tại điền. Đức thi phổ dã.

Dịch:

Rồng hiện trong đồng.

Nếu mà gặp đấng Cửu trùng thời hay

Tượng rằng: Rồng hiện trong đồng

Thi ân, bá đức, xa gần đã hay.

3. Hào Cửu tam.

九 三 . 君 子 終 日 乾 乾 . 夕 惕 若 . 厲 無 咎 .

象 曰 . 終 日 乾 乾 . 反 復 道 .

Cửu tam. Quân tử chung nhật kiền kiền. Tịch dịch nhược. Lệ. Vô cữu.

Tượng viết.

Chung nhật kiền kiền. Phản phục Đạo dã.

Dịch:

Suốt ngày quân tử lo toan,

Chiều buông, dạ vẫn bàng hoàng chửa yên.

Sự đời nguy hiểm tần phiền.

Nhưng ta trọn Đạo một niềm lỗi chi?

Tượng rằng: Suốt buổi lo toan,

Ấy là đắp đổi sớm hôm Đạo trời.

4. Hào Cửu tứ.

九 四 . 或 躍 在 淵 . .

象 曰 . 或 躍 在 淵 . 進 無 咎 也 .

Cửu tứ. Hoặc dược tại uyên. Vô cữu.

Tượng viết.

Hoặc dược tại uyên. Tiến vô cữu dã.

Dịch:

Vẫy vùng trong chốn vực sâu.

Vực sâu vùng vẫy, có đâu lỗi lầm.

Tượng rằng: Vùng vẫy vực sâu.

Tiến lên nào có lỗi đâu cho mình.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 . 飛 龍 在 天 . 利 見 大 人 .

象 曰 . 飛 龍 在 天 . 大 人 造 也 .

Cửu ngũ. Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân.

Tượng viết.

Phi long tại thiên. Đại nhân tạo dã.

Dịch:

Rồng bay, bay bổng trên trời,

Đại nhân gặp được nữa thời càng hay.

Tượng rằng:

Rồng bay, bay bổng khung trời,

Đại nhân đang độ trổ tài kinh luân.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 亢 龍 有 悔 .

象 曰 . 亢 龍 有 悔 . 盈 不 可 久 也 .

Thượng Cửu. Kháng long hữu hối.

Tượng viết.

Kháng long hữu hối. Doanh bất khả cửu dã.

Dịch:

Rồng bay quá trớn chẳng hay.

Rồng bay quá trớn, có ngày ăn năn.

Tượng rằng: Rồng bay quá trớn ăn năn,

Đầy rồi, sao có khả năng cửu trường?

7. Hào Dụng Cửu.

用 九 . 見 群 龍 無 首 . .

象 曰 . 用 九 . 天 德 不 可 為 首 也 .

Dụng Cửu. Kiến quần long vô thủ. Cát.

Tượng viết.

Dụng Cửu. Thiên đức bất khả vi thủ dã.

Dịch:

Đàn rồng chẳng có con đầu,

Sự tình đến thế, thời âu tốt lành.

Tượng rằng:

Rồng bay chẳng có con đầu,

Thế là thiên đức bằng nhau còn gì!

IV. VĂN NGÔN

I. VĂN NGÔN bình giải Thoán Từ, Thoán Truyện

A. Thoán Từ

文 言 曰 . 元 者 . 善 之 長 也 . 亨 者 . 嘉 之 會 也 . 利 者 . 之 和 也 . 貞 者 . 事 之 . 子 體 仁 . 足 以 長 人 . 嘉 會 足 以 合 禮 . 利 物 足 以 和 義 . 貞 固 . 足 以榦 . 君 子 行 此 . : 乾 元 亨 利 貞 .

Văn Ngôn viết. Nguyên giả. Thiện chi trưởng dã. Hanh giả. Gia chi mỹ dã. Lợi giả. Nghĩa chi hòa dã. Trinh giả. Sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân. Gia hội túc dĩ hợp lễ. Lợi vật túc dĩ hòa nghĩa. Trinh cố túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả. Cố viết. Kiền. Nguyên. Hanh. Lợi. Trinh.

Dịch:

1. Nguyên là tốt nhất trần ai.

Hanh là muôn vẻ đẹp tươi hội về

Lợi là nghĩa lý đề huề

Trinh là gốc gác mọi bề ở ăn.

2. Mới hay quân tử thể nhân,

Tinh tuyền đức hạnh, xa gần phục theo.

Hành vi đẹp đẽ mọi chiều,

Hợp theo nghi lễ, chẳng điều sai ngoa,

Làm cho lợi ích gần xa,

Theo đường nghĩa lý, hợp hòa dưới trên.

Một lòng cương quyết vững bền.

Việc gì cũng sẽ chu tuyền công lao.

3. Giữ tròn tứ đức trước sau,

Đã là quân tử gót đầu chẳng quên.

Thế là đức hạnh tinh tuyền.

Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh đem thực hành.

B. Thoán Truyện

乾 始 能 以 美 利 利 天 下,不 言 所 利。大 矣 哉!大 哉 乾 乎?剛 健 中 正,純 粹 精 也。六 爻 發 揮,旁 通 情 也。時 乘 六 龍 以 御 天 也。雲 行 雨 施,天 下 平 也。

Kiền nguyên giả. Thủy nhi hanh giả dã. Lợi trinh giả. Tính tình dã. Kiền thủy năng dĩ mỹ lợi thiên hạ. Bất ngôn sở lợi. Đại hỹ tai. Đại tai kiền hồ. Cương kiện trung chính. Thuần túy tinh dã. Lục Hào phát huy. Bàng thông tình dã. Thời thừa Lục long dĩ ngự thiên dã. Vân hành vũ thí. Thiên hạ bình dã.

Dịch:

1. Càn là cội rễ mối manh,

Đã sinh rồi lại tác thành quần sinh.

Làm cho vạn vật xương vinh,

Làm cho vạn vật tính tình thoả thuê.

Được hay, được lợi mọi bề,

Lại cho Trường Cửu, chẳng hề đơn sai.

Sinh rồi cho đẹp, cho lời.

Làm lời thiên hạ, không nhời khoe khoang.

Thật là cao đại muôn vàn.

2. Đạo trời trọng đại xiết bao!

Cương cường, trung chính, bề nào cũng hay

Tinh toàn, hoàn thiện xưa nay,

Tinh hoa thuần túy, ai tầy ai đương.

3. Sáu Hào lần lượt hiển dương.

Nào tình, nào ý, tận tường vân vi.

4. Tùy thời biến ảo, suy di.

Sáu rồng lần cưỡi đi về trời mây.

Mưa rơi, thôi lại mây bay,

Làm cho vạn vật, đó đây thái bình.

II. Văn Ngôn bình giải các Hào

1. Hào Sơ Cửu.

a) 初 九 曰: 「潛龍 勿 用。」何 謂 也?

子 曰: 「龍 德 而 隱 者 也。不 易 乎 世,不 成 乎 名

遯 世 無 悶, 不 見 是 而 無 悶。 樂 則 行 之,

憂 則 違 之。確 乎 其 不 可 拔,乾 龍 也。」

Sơ Cửu viết. Tiềm long vật dụng hà vị dã?

Tử viết. Long đức nhi ẩn giả dã. Bất dịch hồ thế. Bất thành hồ danh. Độn thế vô muộn. Bất kiến thị nhi vô muộn. Lạc tắc hành chi. Ưu tắc vi chi. Xác hồ kỳ bất khả bạt. Tiềm long dã.

Dịch:

a)- Sơ rằng: Rồng ẩn chớ dùng,

Tại sao rồng ẩn, chẳng ưng thi tài?

Đức Khổng đáp:

Đức cao mà lại ẩn mình,

Đời thay, mình vẫn là mình chẳng thay.

Tiếng tăm chẳng bợn mảy may.

Đời không biết tiếng, mà nay chẳng buồn,

Chẳng cầu danh vọng trần hoàn,

Gặp thời, Đạo lý âu mang thi hành,

Thời cơ chẳng thuận cho mình,

Âu cùng Đạo lý mai danh ẩn tàng.

Luôn luôn khí phách đường hoàng;

Chẳng gì khuynh đảo tâm xoang của người.

Ấy là rồng ẩn trong đời.

b) 乾 龍 勿 用,下 也。

Tiềm long vật dụng hạ dã.

Dịch:

Rồng còn tiềm ẩn chớ dùng,

Rồng còn ở dưới, vẫy vùng chửa nên.

c) 乾 龍 勿 用,陽 氣 潛 藏。

Tiềm long vật dụng. Dương khí tiềm tàng.

Dịch:

Rồng còn tiềm ẩn chớ dùng,

Là vì Dương khí còn trong tiềm tàng.

d) 君 子 以 成 德 為 行,日 可 見 之 行 也。潛 之 為 言 也,隱 而 未 見,行 未 成,是 以 君 子 弗 用 也。

Quân tử dĩ thành đức vi hành. Nhật khả kiến chi hành dã. Tiềm chi vi ngôn dã. Ẩn nhi vị hiện. Hành nhi vị thành. Thị dĩ quân tử phất dụng dã.

Dịch:

Thuận theo Thiên đức thi hành.

Hàng ngày quân tử đinh ninh chẳng rời.

Tiềm tàng là lánh truyện đời;

Khi mà công việc đang thời dở dang.

Vậy nên quân tử chưa làm.

Khi chưa gặp vận, tiềm tàng là hay.

2. Hào Cửu nhị.

a) 九 二 曰: 「見 龍 在 田,利 見 大 人。」何 謂 也?

子 曰: 「龍 德 而 正 中 者 也。庸 言 之 信,庸 行 之 謹,

閑 邪 存 其 誠,善 世 而 不 伐,德 博 而 化。

易 曰:「見 龍 在 田,利 見 大 人。」君 德 也。」

Cửu nhị viết. Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân hà vị dã. Tử viết. Long đức nhi chính trung giả dã. Dung ngôn chi tín. Dung hạnh chi cẩn. Nhàn tà tồn kỳ thành. Thiện thế nhi bất phạt. Đức bác nhi hóa.

Dịch viết. Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân. Quân đức dã.

Dịch:

Hào hai rồng hiện trong đồng,

Nếu mà gặp đấng Cửu trùng thời hay.

Nghĩa là làm sao?

Đức Khổng đáp:

Thế là đức hạnh cao dầy

Lại thêm trung chính, thẳng ngay, hoàn toàn.

Nói ra lời đã đủ tin.

Việc làm thường nhật trang nghiêm, hẳn hòi.

Thấy điều tà khuất xa rời,

Cố công giữ vẹn tính Trời mới nghe.

Chỉnh trang thời thế, chẳng khoe,

Đức nhân cảm hóa mọi bề gần xa.

Dịch rằng: đồng ruộng rồng ra,

Đại nhân nếu gặp thật là mắn may.

Đại nhân nói tới nơi đây,

Chính là Thiên tử, đấng thay quyền trời.

b) 見 龍 在 田,時 舍 也。

Hiện long tại điền. Thời xả dã.

Dịch:

Hào hai rồng hiện trong đồng,

Ấy là thời thế chưa dùng người nhân.

c) 見 龍 在 田,天 下 文 明。

Hiện long tại điền. Thiên hạ văn minh.

Dịch:

Hào hai rồng hiện trong đồng,

Thế gian nhờ đó tưng bừng văn minh.

d) 君 子 學 以 聚 之,問 以 辯 之,寬 以 居 之,仁 以 行 之。

易 曰: 「見 龍 在 田,利 見 大 人。」君 德 也。

Quân tử học dĩ tụ chi. Vấn dĩ biện chi. Khoan dĩ cư chi. Nhân dĩ hành chi.

Dịch viết. Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân. Quân đức dã.

Dịch:

Học hành quân tử lo toan,

Học hành cốt để vẹn toàn kiến văn.

Hỏi han rành rẽ, biện phân.

Bao dung, khoáng đạt, đức nhân huy hoàng.

Dịch rằng: rồng hiện trong đồng,

Nếu mà gặp được Cửu trùng thời hay,

Đại nhân nói tới nơi đây,

Ấy là Thiên tử, đấng thay quyền Trời.

3. Hào Cửu tam.

a) 九 三 曰: 「君 子 終 日 乾 乾,夕 惕,若 厲,無 咎。」何 謂 也?

子 曰: 「君 子 進 德 修 業,忠 信,所 以 進 德 也。修 辭 立 其 誠,

所 以 居 業 也。知 至 至 之,可 與 幾 也。知 終 終 之,

可 與 存 義 也。是 故,居 上 位 而 不 驕,

在 下 位 而 不 憂。故 乾 乾 因 其 時 而 惕,

雖 危 而 無 咎 矣。」

Cửu tam viết. Quân tử chung nhật kiền kiền. Tịch dịch nhược. Lệ vô cữu. Hà vị dã?

Tử viết. Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín. Sở dĩ tiến đức dã. Tu từ lập kỳ thành. Sở dĩ cư nghiệp dã. Tri chí chí chi. Khả dữ cơ dã. Tri chung chung chi. Khả dữ tồn nghĩa dã. Thị cố cư thượng vị nhi bất kiêu. Tại hạ vị nhi bất ưu. Cố kiền kiền nhân kỳ thời nhi dịch. Tuy nguy vô cữu hĩ.

Dịch:

Suốt ngày quân tử lo toan,

Chiều buông, dạ vẫn bàng hoàng chửa yên.

Sự đời nguy hiểm, tần phiền,

Nhưng ta trọn Đạo một niềm, lỗi chi?

Thế nghĩa là làm sao?

Đức Khổng đáp:

Đức mình, quân tử trau dồi,

Đồng thời sự nghiệp, chẳng ngơi kiện toàn,

Muốn cho đức cả huy hoàng,

Một niềm trung tín, sắt son ai tầy,

Sửa sang lời nói cho ngay,

Nói lời thành tín, nghiệp xây vững bền.

Biết nơi phải đến, đến liền,

Thế là biết được cơ duyên ở đời.

Biết tìm chung cuộc hẳn hoi,

Thấy rồi thực hiện, lẽ Trời đành hay.

Cho nên quân tử xưa rầy,

Cao không ngạo nghễ, thấp nay chẳng buồn.

Những là hoạt động, lo toan,

Tùy thời, xử thế, khôn ngoan đề phòng.

Lâm nguy, vẫn vẹn tác phong,

Không hề lầm lỗi, ai hòng cười chê.

b) 終 日 乾 乾,行 事 也

Chung nhật kiền kiền. Hành sự dã.

Dịch:

Suốt ngày lo lắng, tính toan,

Ấy là sốc vác, lam làm liên canh.

c) 終 日 乾 乾,與 時 偕 行。

Chung nhật kiền kiền. Dữ thời giai hành.

Dịch:

Suốt ngày lo lắng, tính toan,

Thế là theo nhịp thời gian tiến dần.

d) 九 三: 重 剛 而 不 中,上 不 在 天,下 不 在 田。

故 乾 乾 因 其 時 而 惕,雖 危 無 咎 矣。

Cửu tam. Trùng cương nhi bất trung. Thượng bất tại thiên. Hạ bất tại điền. Cố kiền kiền nhân kỳ thời nhi dịch. Tuy nguy vô cữu hĩ.

Dịch:

Cửu tam: Cương cường, nhưng lại bất trung,

Cao không tới, thấp không thông, mới rầy.

Biết lo, biết lắng, mới hay,

Lo làm công chuyện, suốt ngày quản bao.

Dẫu nguy, nào lỗi chi nào,

Tuy rằng nguy hiểm, ai nào trách ta.

4. Hào Cửu tứ.

a) 九 四: 「或 躍 在 淵, 無 咎。」何 謂 也?

子 曰: 「上 下 無 常,非 為 邪 也。進 退 無 恆,非 離 群 也。

君 子 進 德 修 業,欲 及 時 也,故 無 咎。」

Cửu tứ. Hoặc dược tại uyên. Vô cữu. Hà vị dã.

Tử viết. Thượng hạ vô thường. Phi vi tà dã. Tiến thoái vô hằng. Phi ly quần dã. Quân tử tiến đức tu nghiệp. Dục cập thời dã. Cố vô cữu.

Dịch:

Vẫy vùng trong chốn vực sâu,

Vực sâu vùng vẫy, có đâu lỗi lầm?

Thế nghĩa là làm sao?

Đức Khổng đáp:

Sự đời lên, xuống bất kỳ,

Miễn sao tránh khỏi tà phi, được rồi.

Cũng khi tiến thoái, tùy thời,

Luôn luôn giữ vẹn tính Trời, mới hay.

Con người quân tử xưa nay,

Nghiệp tu, đức tiến, kịp ngay với đời.

Đã theo kịp được thời Trời,

Làm sao có thể lầm sai được nào?

b) 或 躍 在 淵,自 試 也。

Hoặc dược tại uyên. Tự thí dã.

Dịch:

Vẫy vùng ở chốn vực sâu,

Tự mình thử thách xem bao đức tài?

c) 或 躍 在 淵,乾 道 乃 革。

Hoặc dược tại uyên. Kiền Đạo nãi cách.

Dịch:

Vẫy vùng ở chốn vực sâu,

Ấy là Thiên Đạo có mầu đổi thay.

d) 九 四: 重 剛 而 不 中, 上 不 在 天,下 不 在 田,中 不 在 人,

故 或 之。或 之 者,疑 之 也,故 無 咎。

Cửu tứ. Trùng cương nhi bất trung. Thượng bắt tại thiên. Hạ bất tại điền. Trung bất tại nhân. Cố hoặc chi. Hoặc chi giả. Nghi chi dã. Cố vô cữu.

Dịch: Cửu tứ:

Trùng Cương mà lại bất trung,

Trên không thông, dưới không thông, mới rầy

Xa Trời, xa đất, xa người,

Cho nên trong dạ có bài nghi nan.

Đã nghi, thời sẽ khôn ngoan,

Khôn ngoan, nên thoát đa đoan, lỗi lầm.

5. Hào Cửu ngũ.

a) 九 五 曰:「飛 龍 在 天,利 見 大 人。」何 謂 也?

子 曰: 「同 聲 相 應,同 氣 相 求;水 流 濕,火 就 燥;雲 從 龍,

風 從 虎。聖 人 作,而 萬 物 睹,本 乎 天 者 親 上,

本 乎 地 者 親 下,則 各 從 其 類 也。

Cửu ngũ viết. Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân. Hà vị dã.

Tử viết. Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu. Thủy lưu thấp. Hỏa tựu táo. Vân tòng long. Phong tòng hổ. Thánh Nhân tác nhi vạn vật đổ. Bản hồ thiên giả thân thượng. Bản hồ địa giả thân hạ. Tắc các tòng kỳ loại dã.

Dịch:

Rồng bay, bay bổng lưng trời,

Đại nhân gặp được, nữa thời càng hay.

Thế nghĩa là làm sao?

Đức Khổng đáp:

Dạy rằng đồng khí tương cầu,

Đồng thanh tương ứng, trước sau lẽ Trời.

Nước tìm chỗ ướt chẩy xuôi,

Lửa thời cao ráo, là nơi hướng về.

Mây theo rồng, mới thỏa thuê,

Gió theo được hổ, đề huề mới nên.

Thánh Nhân hoạt động chính chuyên,

Để cho vạn vật nhìn xem bấy chầy.

Gốc Trời hướng thượng xưa nay,

Gốc Đất hướng hạ, chẳng thay, chẳng rời.

Thế là loài lại theo loài,

Loài nào, loài ấy có sai bao giờ.

b) 飛 龍 在 天,上 治 也。

Phi long tại thiên. Thượng trị dã.

Dịch:

Rồng bay, bay bổng khung trời,

Thế là chính cách trị đời cao siêu.

c) 飛 龍 在 天,乃 位 乎 天 德

Phi long tại thiên. Nãi vị hồ thiên đức.

Dịch:

Rồng bay, bay bổng khung trời,

Thế là theo đúng đức trời ở ăn.

d) 夫 大 人 者,與 天 地 合 其 德,與 日 月 合 其 明,與 四 時 合 其 序,與 鬼 神 合 其 吉 凶。先 天 而 天 弗 違,後 天 而 奉 天 時。天 且弗 違,而 況 於 人 乎? 況 於 鬼 神 乎?

Phù đại nhân giả. Dữ thiên địa hợp kỳ đức. Dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh. Dữ tứ thời hợp kỳ tự. Dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên thiên nhi thiên phất vi. Hậu thiên nhi phụng thiên thời. Thiên thả phất vi. Nhi huống ư nhân hồ. Huống ư quỉ thần hồ?

Dịch:

Đại nhân đức hạnh bao la,

Như Trời, như Đất cao xa muôn trùng.

Sáng như Nhật Nguyệt hai vừng,

Sống đời tiết tấu, hợp khung bốn mùa.

Những điều lành, dữ, ghét, ưa,

Quỷ thần đường lối đem so khác nào.

Trước Trời, Trời chẳng trách đâu,

Sau Trời, cho hợp cơ mầu thời gian.

Trời không trách cứ, phàn nàn,

Thời người còn dám than van, nỗi gì?

Trời, Người, chẳng trách, chẳng chê,

Quỷ thần âu cũng chẳng hề oán than.

6. Hào Thượng Cửu.

a) 上 九 曰:「亢 龍 有 悔。」何 謂 也?

子 曰:「貴 而 無 位,高 而 無 民,賢 人 在 下 而 無 輔,是 以 動 而 有 悔 也。」

Thượng Cửu viết. Kháng long hữu hối. Hà vị dã?

Tử viết. Quí nhi vô vị. Cao nhi vô dân. Hiền nhân tại hạ vị nhi vô phụ. Thị dĩ động nhi hữu hối dã.

Dịch:

Rồng bay quá trớn ăn năn,

Câu này phải hiểu nghĩa rằng thế nao?

Tử rằng: Quí lại không ngôi,

Tuy cao mà chẳng có người, có dân.

Thiếu người phù ủng, đỡ dần,

Hiền nhân ở dưới, chẳng nâng đỡ người

Người mà như vậy, thời thôi,

Làm chi âu cũng có hồi ăn năn.

b) 亢 龍 有 悔,窮 之 災 也。

Kháng long hữu hối. Cùng chi tai dã.

Dịch:

Rồng bay quá trớn ăn năn,

Đến cùng, đến cực, đành rằng nguy tai.

c) 亢 龍 有 悔,與 時 偕 極。

Kháng long hữu hối. Dữ thời giai cực.

Dịch:

Rồng bay quá trớn ăn năn,

Những là hao kiệt tâm thân theo thời.

d) 亢 之 為 言 也,知 進 而 不 知 退 ,知 存 而 不 知 亡,知 得 而 不 知 喪。其 唯 聖 人 乎?知 進 退 存 亡,而 不 失 其 正 者,其 為 聖 人 乎?

Kháng chi vi ngôn dã. Tri tiến nhi bất tri thoái. Tri tồn nhi bất tri vong. Tri đắc nhi bất tri táng. Kỳ duy Thánh Nhân hồ! Tri tiến thoái tồn vong nhi bất thất kỳ chính giả. Kỳ duy Thánh Nhân hồ!

Dịch:

Rồng bay quá trớn hóa sui,

Ấy là biết tiến, mà lui chẳng tường

Chẳng hay sống, chết, đôi đường.

Sống thời biết sống, chết nhường chẳng hay.

Nguyên là muốn được mãi đây,

Chẳng bao giờ muốn có ngày mất đi.

Thánh Nhân riêng hiểu cơ vi,

Tồn vong, tiến thoái, minh tri cơ Trời.

Tiến lui, luôn hợp lẽ Trời,

Tới lui hợp lý, ai ngoài Thánh nhân?

7. Hào Dụng Cửu

a) 乾 元 用 九,天 下 治 也。

Kiền nguyên dụng Cửu. Thiên hạ trị dã.

Dịch:

Kiền nguyên biến hoá xong rồi,

Bấy giờ thiên hạ nơi nơi trị bình.

b) 乾 元 用 九,乃 見 天 則。

Kiền nguyên dụng Cửu. Nãi kiến thiên tắc.

Dịch:

Kiền nguyên biến hóa xong rồi,

Bấy giờ mới thấy Luật Trời hiện ra.

BÌNH GIẢNG

Muốn hiểu quẻ Kiền cũng như các quẻ Dịch sau này, trước hết phải hiểu bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.

A. các quẻ ngoài Kiền và Khôn, thời Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh được bình giảng như sau:

-Nguyên là lớn mạnh, hào hùng, cao đại.

-Hanh là thông suốt, chôi chẩy, không bị bế tắc.

-Lợi là lợi ích, hay thích nghi, thích đáng.

-Trinh là chính, là bền (Trinh cố, chính trực, bền vững) Chúng dạy ta bài học thực tế sau đây:

Ở đời muốn thoát khỏi mọi bế tắc, muốn lướt thắng được mọi trở lực, chúng ta phải lớn, phải mạnh. Muốn được lợi ích lâu bền, và đích thực, phải theo chính Đạo, Chính Lý.

B. Nhưng ở quẻ Kiền, và Khôn, thời Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh lại có nghĩa khác:

- Nguyên là nguyên thủy, căn do, gốc gác.

- Hanh là biến hoá, trường thịnh, hanh thông.

- Lợi là thoải mái, ích lợi.

- Trinh là thành đạt, bền vững, vĩnh cửu.

Tiên Nho thường dùng bốn chữ này, để mô tả bốn giai đoạn của cuộc Tiến Hoá quần sinh:

-Căn nguyên Trời làm cho vạn vật trổ sinh. (Nguyên)

- Nhờ căn nguyên ấy, nhờ nguồn sống vô biên ấy, vạn vật trở nên lớn mạnh, phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực. (Hanh)

- Nhờ vậy sẽ có những ứng dụng vô biên, và sẽ được thoải mái, thảnh thơi, toại ý.(Lợi)

- Cuối cùng sẽ đi đến chỗ thành tựu, đến chỗ hoàn thiện. (Trinh)

Như vậy chỉ dùng bốn chữ Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh mà vẽ được tất cả vòng biến thiên, tiến hoá của Trời Đất, từ lúc manh nha (Nguyên) cho đến lúc kết quả (Trinh)

Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh ứng vào bốn mùa là Xuân, Hạ, Thu, Đông; ứng vào tiết tấu biến dịch là Sinh, Trưởng, Liễm, Tàng.

Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh nơi con người ứng vào tứ đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Nói cách khác, Nguyên Tận thiện, Hanh Tận Mỹ, Lợi là Thái Hòa, Trinh Hoàn Thiện

Nơi vũ trụ, thì vòng tiến hoá có chiều phóng xuất. Tiên Nho gọi là Xuất cơ, nó gồm Nguyên, Hanh. Và chiều Nhập cơ, nó gồm Lợi, Trinh.

Nơi con người, thì vòng Tiến Hoá bắt đầu từ căn bản con người, là Thiên Tâm (Nguyên), diễn biến dần dần qua các bình diện Tâm, Trí, Xác, Gia đình, Quốc gia, Xã hội, Hoàn cảnh, Vật Chất, để cuối cùng lại quay trở về các bình diện nội tâm, tình, tính, để cho con người nhập thần, đạt Thiên Vị. Vì thế Dịch nói: Lợi trinh tính, tình dã (Văn Ngôn)

Thánh nhân là người đã nhận chân được cái căn nguyên Trời nơi lòng mình, nên sẽ dùng không gian, thời gian, hoàn cảnh làm môi trường, để phát huy mọi khả năng biến hóa của mình, để đi tới tận thiện, chỉ dạy cho con người đi đến tận thiện, làm cho mọi người sống trong cảnh thái bình, hoan lạc. Cho nên HỌC DỊCH ĐỂ BIẾT CĂN CỐT MÌNH, BIẾT MỤC PHIÊU MÌNH PHẢI ĐẠT TỚI, BIẾT NHỬNG PHƯƠNG TIỆN MÌNH CÓ THỂ CÓ, ĐỂ THỰC HIỆN MỤC PHIÊU ẤY.

Căn cốt mình là Kiền nguyên, tức là Tính Trời, Căn Trời. Mục phiêu mình phải liễu đạt là THIÊN TÍNH, THIÊN VỊ. Phương tiện mình có thể dùng là không gian, thời gian, hoàn cảnh, các khám phá của tiền nhân, sự cố gắng của chính mình, sức biến hóa của chính mình và của vũ trụ. Mạnh Tử nói:Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu. Thuấn (Ta học Dịch phải có mục đích làm Đại nhân như Nghiêu, Thuấn) Thật là chí lý vậy.

Quẻ Kiền bàn về:

A- Trời, và Đạo Trời.

B- Thánh Nhân.

C- Quân tử.

D- Những nguyên tắc tổng quát để tu thân, xử thế.

A. - VẤN ĐỀ TRỜI

Trước tiên, ta phải nhận định rằng người xưa có nhiều thành ngữ để chỉ Trời, để chỉ Tuyệt Đối, hay Thực Thể của vũ trụ

-Khi muốn đề cập đến Trời một cách tổng quát thì gọi là Đạo.

-Khi nói đến tính tình của Trời, thì dùng chữ Kiền.

-Khi nói đến hình thể Trời thì dùng chữ Thiên.

-Khi dề cập đến Trời như vị chủ tể, thì dùng chữ Đế.

-Khi muốn về các hoạt động, các sự biến hóa của Trời thì dùng hai chữ Quỷ Thần.

-Khi nói về diệu dụng của Trời thì dùng chữ Thần.

-Khi xét về phương diện bản thể của vũ trụ, thì gọi là Dịch.

Dịch kinh muốn người bắt chước Trời, nên giống như Trời. Cho nên, nói về Trời, về tính Trời, thì dùng những chữ Cương kiện, Trung chính, Thuần túy, Chí tinh.

Dạy người, thì muốn cho người luôn luôn cương kiện, luôn luôn gắng gỏi công trình, thực hiện được trung chính, thực hiện thấu đáo được tinh hoa của Trời Đất, để rốt ráo trở nên thuần túy, chí thiện. Đó cũng là chủ trương của Đại Học và Trung Dung.

Cho nên, Dịch không phải dạy nghề bói toán để ta có một kế mưu sinh đoạn tháng, qua ngày, mà chính là trao cho con người một phương pháp để trở về với Trời, muốn cho con người trở nên Khiết, Tinh, Tinh vi, biến hóa theo thời gian, tuổi tác, hoàn cảnh, chứ không phải để cho thời gian, tuổi tác, hoàn cảnh lôi cuốn, mà ngược lại dùng tuổi tác, hoàn cảnh, thời gian, lịch sử làm công cụ để siêu phàm, nhập thánh.

Bàn về Đạo Trời, Văn Vương dùng có 5 chữ Kiền, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Thực là vắn tắt hết sức, mà cũng hàm súc hết sức. Giải rộng ra, ta thấy Trời là nguồn gốc sinh ra muôn loài, làm cho muôn loài xương vinh, toại ý, để cuối cùng đạt được lý tưởng hoàn thiện, tinh hoa, và Trường Cửu vô biên.

Muốn thực hiện mục phiêu ấy, Trời dùng sự biến hóa, biến dịch tức là hiển lộ thần thông, phép tắc, để muôn loài theo đà thời gian, theo trào lưu Tiến Hoá, dần dần sẽ thực hiện được trạng thái thái hoà lý tưởng cuối cùng, theo ý Trời. Vì thế Thoán nói:

Kiện toàn Tính mệnh của mình.

Giữ gìn toàn vẹn tính lành Trời cho.

Mới hay:

Thóc gieo thành lúa, thành bông.

Tuần hoàn, thóc vẫn thủy chung là mình.

Trời dầu vạn trạng, thiên hình,

Nhưng mà chung thủy, sự tình chẳng hai. . .

B. ĐẠO THÁNH NHÂN

Dịch kinh và Chư Nho chủ trương:

1. Thánh Nhân là những người đắc Thiên vị, hành Thiên Đạo.

2. Nên Thánh Nhân hành động bao giờ cũng hợp thời, biết cơ Trời, biết nhẽ tiến hoá, tồn vong, đắc thất, nên không bao giờ phải hối hận. Thánh Nhân khi đạt Thiên vị, sẽ đem Thiên Đạo ra thi hành, sẽ dùng người tài đức dạy dỗ dân, sẽ treo gương hoàn thiện cho dân soi, và sẽ cố gắng mang thái bình, thinh trị về cho thiên hạ.

Tóm lại, Thánh Nhân, Thánh Vương sẽ bắt chước Trời mà hành động. Trời biến hóa để muôn loài được vui sống. Thánh Vương, Thánh Nhân cũng sẽ làm chủ chốt, cũng sẽ hướng dẫn mọi biến thiên của nhân quần, để vạn quốc được an bình.

C. ĐẠO QUÂN TỬ

Bàn về Đạo người quân tử, tức là bàn về phương pháp tu thân, để đi từ Nhân vị đến Thiên vị, quẻ Kiền dạy ở:

- Tượng Truyện: Người quân tử phải cố gắng không ngừng, y như Trời hoạt động không ngừng. Người quân tử phải luôn luôn cố gắng tiến đức, tu nghiệp, cốt làm sao vươn lên đến một đời sống lý tưởng, qui tụ vào nơi mình mọi vẻ đẹp đẽ, rồi ra làm cho mọi người cũng được Tiến Hoá, cũng được hoan lạc, sung sướng và cũng thực hiện được lý tưởng hoàn thiện như mình (Thiên hành kiện. Quân tử dĩ tự cường bất tức)

D. NHỮNG NGUYÊN TẮC TỔNG QUÁT TU THÂN, XỬ THẾ

Ngoài ra, quẻ Kiền còn dạy ta bài học nhân sinh, tu thân, xử thế ở nơi các Hào .

1. Hào Sơ Cửu. Theo Dịch Kinh, dẫu ta có chí cả, nhưng chưa đủ tài đức, chưa gặp được thời cơ, thì cũng không được khinh suất (Tiềm long vật dụng)

2. Hào Cửu nhị. Khi đã gặp thời cơ thuận tiện hơn, có địa vị khả quan hơn, khi tài đức mình đã bắt đầu hiển lộ, khi đã được mọi người đặt kỳ vọng vào mình, thời nên cộng tác với các bậc Minh vương, hoặc vị nguyên thủ có tài đức để mưu ích cho thiên hạ (Hiện long tại điền. Lợi kiến đại nhân)

3. Hào Cửu tam. Dẫu đã có địa vị hơn người, nhưng vẫn phải một lòng cầu tiến, luôn luôn gắng gỏi ra công tiến đức, tu nghiệp, luôn luôn biết phòng nguy, lự hiểm, có vậy mới vô sự (Quân tử chung nhật kiền kiền. Tịch dịch nhược. Lệ. Vô cữu)

4. Hào Cửu tứ. Hơn nữa càng lên cao, càng phải e dè, thận trọng, càng cần phải biết xét nét nhân tình, xét nét tâm lý người trên, kẻ dưới. Phải biết cơ vi tiến thoái; phải biết đợi thời cơ thuận tiện mới hành động, mới vẫy vùng; không bao giờ được quyết định, được hành động cẩu thả.

Tóm lại, sống ở đời cần phải biết nhẽ tiến thoái. Tiến thoái cho thích đáng, hành động cho hợp thời, mới tránh được mọi chuyện đáng tiếc, đáng phàn nàn (Hoặc dược tại uyên. Vô cữu)

5. Hào Cửu ngũ. Khi đã lên ngôi trời, thống trị muôn dân, thì phải thi hành thiên Đạo, chọn hiền tài phụ bật, để thực hiện một cuộc cai trị lý tưởng cho muôn dân (Phi long tại thiên. Lợi kiến đại nhân)

6. Hào Thượng Cửu. Khi đã lên tới tuyệt đỉnh, lại càng phải gia ý đề phòng, và cũng nên nghĩ đến chuyện công thành thân thoái, mới được vẹn toàn (Kháng long hữu hối)

VỀ PHƯƠNG DIỆN TU THÂN, ta có thể ghi nhận một vài bài học sau đây.

1. Khi mới giác ngộ, khi mới vừa nhận định ra rằng trong lòng mình có CĂN TRỜI, có THIÊN ĐỊA CHI TÂM, thời phải hết sức chắt chiu, ấp ủ, không được khinh xuất, phá tán.

2. Khi tài đức đã hiển lộ, thời nên cộng tác với các bậc Thánh Nhân hiền đức ở trên mình, để có thể mang tài đức giúp ích cho đời đến mức tối đa.

3. Lúc nào cũng phải cố gắng tu thân, tiến đức.

4. Ngoài ra, còn phải tỏ ra tri cơ, thức nhân tâm và thời vụ.

5. Mục đích của công cuộc tu thân là thực hiện Thiên Đức, đạt tới Thiên vị, trở nên hoàn thiện.

6. Khi quang huy đã lên tới cực điểm, lại càng phải hết sức khiêm cung, càng phải thông đạt lẽ tiến thoái, tồn vong. . .

Tóm lại: Quẻ Kiền cho rằng:

A. Về phương diện Triết học & Đạo giáo :

Trời là căn cốt cũng là cùng đích của muôn loài, hằng lồng trong vạn vật, để làm căn cơ, làm chủ chốt cho mọi công cuộc biến thiên, tiến hoá. Và tất cả sự biến chuyển, biến dịch của Trời chỉ cốt làm sao cho vạn vật phát huy được mọi tiềm năng, tiềm lực của mình; được thảnh thơi toại ý, và cuối cùng đạt được sự hoàn thiện, hoàn mỹ, trở về được với bản thể Thái Hòa nguyên thủy.

B. Về phương diện chính trị:

Kiền cho rằng Vương Đạo phải mô phỏng theo Thiên Đạo. Như vậy bậc quân vương phải là người hoàn thiện, thực lòng thương xót chúng dân, đem Đạo lý chân chính ra thi hành để đem an ninh lại cho thiên hạ.

C. Về phương diện tu thân và xử thế:

Quẻ Kiền cho rằng: Nếu chúng ta có căn cơ, có chí khí, có nghị lực, lúc nào cũng cương quyết, cũng hăng hái, thì dẫu làm gì cũng nên công. Tuy nhiên, hăng hái, mạnh mẽ cũng chưa đủ, mà phải hăng hái, mạnh mẽ theo đúng đường Đạo lý, theo đúng gương Trời, đúng đường lối Trời mà hành sự, mới có thể lập được đại công, đại nghiệp.

Ngoài ra, dẫu rằng mình là người tài cao, trí cả, cũng không bao giờ được vọng động, mà phải hành động cho hợp thời, hợp cảnh, hợp Đạo lý. Khi chưa đạt tới mức hoàn thiện, hãy cố gắng vươn lên. Khi đã đạt mức hoàn thiện, phải lo triển dương tài đức, giáo hóa chúng dân, thi ân bá trạch cho thiên hạ.

Phải luôn luôn gắng gỏi công trình và như con rồng thiêng, luôn luôn biến hóa. Phải noi gương Trời mà hành sự. Phải tiến lên Thiên đức, Thiên vị.

D. Quẻ Kiền như muốn tiên đoán về một thời hoàng kim mai hậu, mọi người đều như nhau, sống sung sướng, như một đàn rồng bay trên thinh không, mà chẳng cần có con đầu đàn dẫn lộ, sống một cuộc đời thuận Đạo lý vì nhìn tỏ thấy Luật trời ghi tạc nơi tâm (Kiền quần long vô thủ cát) Như vậy chẳng phải là những bài học quí báu hay sao?

ÁP DỤNG QUẺ KIỀN VÀO THỜI ĐẠI

Khi vào Kinh Dịch, ai cũng nói là đọc quẻ Kiền, quẻ Khôn là khó hiểu nhất, nhưng theo tôi (Huyền Linh, tác giả bài này), nó không có gì khó hiểu cả, khó hiểu chỉ vì người đọc Dịch cứ tìm tòi tiểu tiết, của từng câu chữ Hán, nên như bị vào mê hồn trận, không có lối ra , rồi sau đó đoán mò, hiểu bậy bạ, theo thiển kiến của họ.

Tôi cũng như phần đông độc giả, chỉ biết võ vẽ vài ba chữ Hán, hiểu lơ mơ mấy chữ đã phiên Âm, nhưng đã hiểu ý nghĩa của toàn quẻ sau khi đọc lời Bình Giảng, mà nhà tôi đã soạn khi xưa, lúc dạy Dịch ở Đại Học Minh Đức Việt Nam, nên tôi đã nẩy ra ý định cộng tác với chồng tôi, về phần Áp dụng vào thời đại, để minh chứng với người xưa rằng: không phải là những người trên 50 tuổi mới hiểu được Dịch, mà ngay một người độ 18 tuổi (đọc và viết thông tiếng Việt), sau khi đọc phần Bình Giảng, và phần Áp dụng vào Thời đại của tôi soạn, (nếu thông hiểu tiếng Việt) thì cũng hiểu. Tôi muốn chứng minh rằng phụ nữ, không những cũng có thể học Dịch, mà còn có thể tham gia vào phần nghị luận về tư tưởng, cũng như về Đạo Lý, như các bậc tiền bối Thánh Hiền.

Sự thật, học Kinh Dịch chẳng có gì là quá khó khăn như người ta tưởng. Tôi xin trình bầy cách hiểu quẻ Kiền của tôi ra sao để quí độc giả thưởng lãm.

1- Khi bắt đầu vào quẻ nào, ta phải đọc kỹ Thoán, vì nó là tổng kết của toàn quẻ, và khi đã nắm được ý chính của nó muốn nói gì, thì ta sẽ hiểu rất dễ dàng các Hào sau này, vì Hào chỉ là khai triển từng giai đoạn, mà quẻ muốn nói mà thôi. Ví dụ: khi đọc Thoán Từ của quẻ Kiền, tôi đọc câu thơ:

Kiền nguyên tóm hết Đạo Trời.

Tóm thâu Thiên Đạo khúc nhôi sinh thành.

Và câu chót

Thánh Nhân vượt trổi chúng sinh,

Làm cho muôn nước an bình khắp nơi.

là tôi hiểu ngay quẻ Kiền muốn nói về Đạo Trời (Thiên Đạo) và về Chính Trị (muôn nước an bình) từ lúc mới manh nha, cho đến ngày Hoàn Thiện (Đạo Trời), và Hoàn Mỹ (Chính Trị)

Về Đạo Trời, thì tác giả đã nói quá rõ, trong phần Bình Giảng, ở đây tôi chỉ xin góp ý một chút trong phần Bình Luận nhỏ này về liên quan đến Chính trị trong quẻ Kiền. Ta thấy trong Hào 1, 2, 3, 4, luôn khuyên những người có chí lớn, nhưng chưa đủ kinh nghiệm và tài đức, phải cố gắng, cầu tiến; nhưng không được khinh xuất, phải e dè, thận trọng, phải biết đợi thời cơ thuận tiện mới hành động, phải biết lẽ tiến thoái.

Ngày nay, đúng vậy, người muốn lập sự nghiệp lớn, mới có chí lớn chưa đủ, mà ngay từ thuở thiếu thời đã phải học luật, học về chính trị, và phải xuất thân ở 1 Đại Học danh tiếng, phải gia nhập vào đảng Chính trị có uy tín trong nước, để dựa vào thế lực của đảng, làm nấc thang cho mình leo lên ngành cai trị dân. Có thể lúc đầu từ cấp cai trị thấp, sau sẽ leo dần lên. Như vậy nếu mình là người thật lòng vì dân, vì nước, thì sự thành công sẽ dễ dàng hơn là một người không có tài đức, kinh nghiệm, mà cứ muốn nhờ gió bẻ măng. Nếu may mắn mà lên, thì đường hoạn lộ cũng không bền, còn không, sẽ thất bại dễ dàng.

Hào 5 nói đến bổn phận của một vì Thiên tử là phải chọn hiền tài phụ bật, phải thực hiện một cuộc cai trị lý tưởng cho muôn dân (chế độ Quân chủ xưa)

Hào 6 nói đến các vị vua sau này, thụ hưởng quá nhiều, đâm ra xa xỉ , phóng túng, hành vi quá trớn, do đó Hào 7 Dụng Cửu nói: Kiến quần long vô thủ. Cát, là khi nào nước do 1 nhóm người cai trị, mà không ai là người cầm đầu, ý nói là những người trong nhóm này có thẩm quyền quyết định ngang nhau. Khi mà tất cả thế giới đều được như vậy, lúc đó sẽ là lúc Hoàn Mỹ. An bình thịnh trị sẽ đến với mọi người trên trái đất này. Phải chăng đó là chế độ Tổng Thống và Lưỡng viện của Hoa Kỳ hiện nay? Vì sao tôi nói vậy? Vì đã nghiềm ngẫm lịch sử từ xưa tới nay, tôi chưa thấy ở nước nào mà người dân bới lỗi lầm, bôi nhọ nhà vua, qua báo chí mà không bị trừng trị. Hơn nữa, nếu người cầm đầu mà bất tài, thì đã bị lôi xuống rồi, chứ đừng nói là có thể hà khắc đối với dân chúng. Nhóm người cầm đầu lại do dân bầu: như vậy nếu họ làm hại dân, hay chỉ lo mưu đồ tư lợi cho cá nhân mình, nếu không bị chỉ trích hoặc truất phế ngay lúc đó, thì khoá sau, (chỉ cách khóa trước 4 năm), họ cũng không hy vọng gì được trở lại chức vị cũ.

Nếu ta áp dụng quẻ Kiền vào các sự nghiệp khác, thì cũng vậy mà thôi, nghĩa là ta phải hoạch định ngay từ thuở thiếu thời, đường lối mà ta đã dự định, và ta nhất định theo đuổi tới cùng, dù vất vả, gian lao mấy cũng không sờn, thì sớm muộn gì ta cũng sẽ thành công.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30




2. 坤 為 地 KHÔN VI ĐỊA

Bát ThuẦn Khôn

I. Thoán

A. Thoán Từ.

坤:元,亨,利 牝 馬 之 貞。君 子 有 攸 往,先 迷 后 得 主,利 西 南 得 朋,東 北 喪 朋。安 貞,吉。

Khôn. Nguyên hanh. Lợi tẫn mã chi trinh. Quân tử hữu du vãng. Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi Tây Nam đắc bằng. Đông Bắc táng bằng. An trinh cát.

Dịch:

Khôn là gốc gác quần sinh.

Làm cho vạn vật phỉ tình hanh thông,

Lại sinh lợi ích khôn cùng,

Như con ngựa cái thung dung, kiên trì,

Khi người quân tử vân vi,

Trước mê, sau gặp chủ thì mới hay,

Tây Nam gặp bạn đường đời,

Đến phương Đông Bắc bạn thời còn ai?

Bền lòng, vững chí hôm mai,

An lòng, vững chí, sẽ may, sẽ lành.

B. Thoán Truyện.

彖 曰: 至 哉 坤 元,萬 物 資 生,乃 順 承 天。坤 厚 載 物,德 合 無 疆。含 弘 光 大,品 物 咸 亨。 牝 馬 地 類,行 地 無 疆,柔 順 利 貞。君 子 攸 行,先 迷 失 道,后 順 得 常。西 南 得 朋,乃 與 類 行﹔東 北 喪 朋,乃 終 有 慶。安 貞 之 吉,應 地 無 疆。

Thoán viết. Chí tai Khôn nguyên. Vạn vật tư sinh. Nãi thuận thừa thiên. Khôn hậu tải vật. Đức hợp vô cương. Hàm hoằng quang đại. Phẩm vật hàm hanh. Tẫn mã địa loại. Hành địa vô cương. Nhu thuận lợi trinh. Quân tử du hành. Tiên mê thất Đạo. Hậu thuận đắc thường. Tây Nam đắc bằng. Nãi dữ loại hành. Đông bắc táng bằng. Nãi chung hữu khánh. An trinh chi cát. Ứng địa vô cương.

Dịch:

Khôn nguyên cao trọng xiết bao,

Muôn loài đều phải nương vào cầu sinh.

Khôn nguyên cao trọng đã đành,

Vì luôn thuận ý cao xanh chẳng rời.

Đất dày nâng đỡ muôn loài,

Xét về đức cả, đành thời vô biên,

Ấp ôm vạn vật mọi miền,

Làm cho đâu đấy sáng lên huy hoàng.

Được nhờ ơn đất cưu mang,

Cho nên muôn vật rỡ ràng, đep tươi.

Ngựa cái với đất cùng loài,

Tung hoành khắp chốn, khắp nơi thỏa tình;

Luôn luôn nhu thuận, lợi trinh.

Cho người quân tử gương lành noi theo.

Mới đầu mê lạc đến điều,

Là vì bỏ mất chẳng theo Đạo Trời.

Sau rồi, nhu thuận, đòi noi,

Mới đâu ra đấy, cơ ngơi rõ ràng.

Tây Nam gặp được bạn đàng,

Cùng người đồng loại, thênh thang đăng trình.

Phía Đông Bắc mất bạn mình,

Cuối cùng vượt được quần sinh mới là.

Siêu quần, bạt tụy mình ta,

Mới là may mắn, mới là vinh xương.

Bền gan, rồi sẽ cát tường,

Y như trái đất, vô cương khác nào.

II. Đại Tượng Truyện

象 曰: 地 勢 坤,君 子 以 厚 德 載 物。

Tượng viết. Địa thế Khôn. Quân tử dĩ hậu đức tải vật.

Dịch:

Tượng rằng: Khôn thế thuận thừa,

Nên người quân tử lo cho đức dày.

Đức dày, tải vật mới hay,

Cưu mang vạn vật, chẳng ngày nào ngơi.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六: 履 霜,堅 冰 至。

象 曰: 履 霜 堅 冰,陰 始 凝 也。 馴 致 其 道,至 堅 冰 也。

Sơ Lục. Lý sương kiên băng chí.

Tượng viết. Lý sương kiên băng. Âm thủy ngưng dã. Tuần trí kỳ Đạo. Chí kiên băng dã.

Dịch:

Dưới chân, sương giá chớm dày,

Rồi ra băng cứng có ngày tới theo.

Tượng rằng:

Dưới chân sương giá chớm dày

Rồi ra băng cứng có ngày tới theo.

Âm vừa ngưng đọng ít nhiều.

Cứ đà ấy tiến, có chiều thành băng.

2. Hào Lục nhị.

六 二 : 直,方,大,不 習 無 不 利。

象 曰: 六 二 之 動,直 以 方 也。不 習 無 不 利,地 道 光 也。

Lục nhị. Trực phương đại. Bất tập vô bất lợi.

Tượng viết. Lục nhị chi động. Trực dĩ phương dã. Bất tập vô bất lợi. Địa Đạo quang dã.

Dịch:

Thẳng ngay, vuông vức, lớn lao.

Không cần tập luyện, việc nào cũng hay.

Tượng rằng:

Hào hai hoạt động thẳng ngay,

Lại luôn vuông vắn, chẳng hay vậy vò.

Không cầu, mà vẫn lợi to,

Bởi vì địa Đạo quang hoa sáng lòa.

3. Hào Lục tam.

六 三: 含 章 可 貞。 或 從 王 事,無 成 有 終。

象 曰: 含 章 可 貞﹔ 以 時 發 也。 或 從 王 事,知 光 大 也。

Lục tam. Hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự. Vô thành hữu chung.

Tượng viết. Hàm chương khả trinh. Dĩ thời phát dã. Hoặc tòng vương sự. Tri quang đại dã.

Dịch:

Dấu che vẻ sáng của mình,

Có tài, mà chẳng lộ hình mới hay.

Việc vua khi gánh vác rồi,

Tuy không tranh việc, làm thời nên công.

Tượng rằng: Giấu sáng mới bền,

Tùy thời, đức độ lộ thêm dần dần.

Khi ra gánh việc vương quân,

Biết đường sáng suốt, cao thâm mới là.

4. Hào Lục tứ.

六 四 : 括 囊﹔無 咎,無 譽。

象 曰: 括 囊 無 咎,慎 不 害 也。

Lục tứ. Quát nang. Vô cữu vô dự.

Tượng viết. Quát nang vô cữu. Thận bất hại dã.

Dịch:

Túi đem thắt lại, lỗi chi,

Lỗi tuy không lỗi, vinh thì không vinh.

Tượng rằng: Thắt túi lỗi chi,

Nếu mà thận trọng, chẳng nguy hại nào.

5. Hào Lục ngũ.

六 五 : 黃 裳,元 吉。

象 曰: 黃 裳 元 吉,文 在 中 也。

Lục ngũ. Hoàng thường. Nguyên cát.

Tượng viết. Hoàng thường nguyên cát. Văn tại trung dã.

Dịch:

Váy vàng thật tốt, thật hay.

Tượng rằng:

Váy vàng thật tốt, thật hay,

Là vì vẻ đẹp ở ngay trong lòng.

6. Hào Thượng Lục.

上 六: 龍 戰 於 野,其 血 玄 黃。

象 曰: 龍 戰 於 野,其 道 窮 也。

Thượng Lục. Long chiến vu dã. Kỳ huyết huyền hoàng.

Tượng viết. Long chiến vu dã. Kỳ Đạo cùng dã.

Dịch:

Ngoài đồng, rồng đánh lộn nhau,

Máu phun chan chứa, pha mầu vàng đen.

Tượng rằng:

Ngoài đồng, rồng đánh lộn nhau,

Là vì vật chất tới cầu cực xương.

7. Hào Dụng Lục.

用 六: 利 永 貞。

象 曰: 用 六 永 貞,以 大 終 也。

Dụng Lục. Lợi vĩnh trinh.

Tượng viết. Dụng Lục vĩnh trinh. Dĩ đại chung dã.

Dịch:

Khí Âm biến hóa xong rồi,

Rồi ra lợi lộc tốt tươi, cửu trường.

Tượng rằng: Vĩnh viễn cửu trường,

Là vì kết cuộc phi thường cao siêu.

IV. VĂN NGÔN

A. VĂN NGÔN bình giải Thoán Từ, Thoán Truyện

文 言 曰:坤 至 柔,而 動 也 剛,至 靜 而 德 方,後 得 主 而 有 常,含 萬 物 而 化 光。坤 道 其 順 乎?承 天 而 時 行。

Văn Ngôn viết. Khôn Chí nhu, nhi động dã cương. Chí tĩnh nhi đức phương. Hậu đắc chủ nhi hữu thường. Hàm vạn vật nhi hóa quang. Khôn Đạo kỳ thuận hồ. Thừa Thiên nhi thời hành.

Dịch:

Khôn nhu khi động, lại cương

Đức thường chí tĩnh, vắn vuông, chẳng rời.

Theo sau, phụ họa với Trời,

Thế là có chủ, thế thời bền lâu.

Ấp ôm vạn vật trước sau,

Làm cho muôn vật một màu sáng choang.

Đạo Khôn nhu thuận, dịu dàng,

Tùy thời hành sự, chẳng ngang ý Trời.

B. Văn Ngôn bình giải các Hào

1. Hào Sơ Lục.

積 善 之 家,必 有 餘 慶;積 不 善 之 家,必 有 餘 殃。臣 弒 其 君,子 弒 其 父,非 一 朝 一 夕 之 故,其 所 由 來 者 漸 矣,由 辯 之 不 早 辯 也。

易 曰:「履 霜 堅 冰 至。」蓋 言 順 也。

Tích thiện chi gia. Tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia. Tất hữu dư ương. Thần thí kỳ quân. Tử thí kỳ phụ. Phi nhất triêu nhất tịch chi cố. Kỳ sở do lai giả tiệm hỹ. Do biện chi bất tảo biện dã.

Dịch viết. Lý sương kiên băng chí. Cái ngôn thuận dã.

Dịch:

Nhà nào tích thiện sẽ hay,

Nhà nào tích ác sẽ đầy tai ương,

Tôi mà dám giết quân vương,

Con mà giết bố, dễ thường ngay sao?

Việc đâu một sớm, một chiều,

Duyên do tích lũy, bao nhiêu lâu rồi.

Duyên do lần dẫn tới nơi,

Tại mình chẳng sớm phanh phui tỏ tường.

Dịch rằng: Khi bước trên sương,

Hãy phòng băng cứng, thời thường đến sau,

Ý rằng chuyện sẽ nối nhau,

Nếu mình để mặc từ đầu, đến đuôi.

2. Hào Lục nhị.

直 其 正 也,方 其 義 也。君 子 敬 以 直 內,義 以 方 外,敬 義 立,

而 德 不 孤。「直, 方, 大,不 習 無 不 利」,則 不 疑 其 所 行 也。

Trực kỳ chính dã. Phương kỳ nghĩa dã. Quân tử kính dĩ trực nội. Nghĩa dĩ phương ngoại. Kính nghĩa lập nhi đức bất cô. Trực phương đại. Bất tập vô bất lợi. Tắc bất nghi kỳ sở hành dã.

Dịch:

Trực là trung chính lẽ Trời,

Phương là lễ nghĩa cơ ngơi bên ngoài.

Đã là quân tử trên đời,

Trong thời kính cẩn, ngoài thời minh công.

Kính nên ngay ngắn được lòng,

Nghĩa nên vuông vức được công việc ngoài.

Kính rồi lại Nghĩa, vẹn hai,

Cho nên nhân đức, ắt thôi vẹn toàn.

Chính trung, lễ nghĩa, cao sang,

Chẳng cần vất vả, vẫn mang lợi nhiều.

Từ đây, lòng sẽ khinh phiêu,

Phóng tâm hoạt động, hết điều nghi nan.

3. Hào Lục tam.

陰 雖 有 美,含 之;以 從 王 事,弗 敢 成 也。地 道 也,妻 道 也,臣 道 也。地 道 無 成,而 代 有 終 也。

Âm tuy hữu mỹ hàm chi. Dĩ tòng vương sự. Phất cảm thành dã. Địa Đạo dã. Thê Đạo dã. Thần Đạo dã. Địa Đạo vô thành nhi đại hữu chung dã.

Dịch:

Âm tuy sẵn vẻ đẹp tươi,

Nhưng mà che dấu, chẳng phơi ra ngoài.

Việc vua khi gánh vác rồi,

Chẳng nên tự đắc, mà đòi thành công,

Thay Trời, hành sự tới cùng,

Giúp cho muôn vật, vĩnh chung thái hòa.

4. Hào Lục tứ.

天 地 變 化,草 木 蕃;天 地 閉,賢 人 隱。

易 曰:「括 囊 ,無 咎,無 譽。」蓋 言 謹 也。

Thiên địa biến hoá. Thảo mộc phồn. Thiên địa bế. Hiền nhân ẩn.

Dịch viết. Quát nang vô cữu vô dự. Cái ngôn cẩn dã.

Dịch:

Đất trời biến hóa mới hay,

Làm cho vạn vật, cỏ cây xương phồn.

Đất trời tới vận bế tàng,

Hiền nhân, nên hãy tìm đàng ẩn đi.

Dịch rằng: Thắt túi lỗi chi

Lỗi tuy không lỗi, vinh thì không vinh,

Hãy nên thận trọng giữ mình,

Biết đường cẩn trọng, âu đành thoát nguy.

5. Hào Lục ngũ.

君 子 黃 中 通 理,正 位 居 體,美 在 其 中,而 暢 於 四 支,發 於 事 業,美 之 至 也。

Quân tử hoàng trung thông lý. Chính vị cư thể. Mỹ tại kỳ trung. Nhi sướng ư tứ chi. Phát ư sự nghiệp. Mỹ chi chí dã.

Dịch:

Hiền nhân thông lý Trung hoàng,

Vào nơi chính vị, mà an thân mình.

Đẹp từ tâm khảm, xuất sinh,

Làm cho cơ thể xương vinh, mỹ miều.

Phát ra sự nghiệp cao siêu,

Thực là đẹp đẽ đến điều, còn chi.

6. Hào Thượng Lục.

陰 疑 於 陽, 必 戰。 為 其 嫌 於 無 陽 也,故 稱 龍 焉。猶 未 離 其 類 也,故 稱 血 焉。夫 玄 黃 者,天 地 之 雜 也,天 玄 而 地 黃。

Âm nghi ư Dương tất chiến. Vi kỳ hiềm ư vô Dương dã. Cố xưng long yên. Do vị ly kỳ loại dã. Cố xưng huyết yên. Phù huyền hoàng giả. Thiên địa chi tạp dã. Thiên huyền nhi địa hoàng.

Dịch:

Khi Âm bất tín nơi Dương,

Sẽ sinh chinh chiến, nhiễu nhương, khốn cùng.

Nhưng Dương không thể tuyệt tông,

Cho nên, mới nói rằng rồng giao chinh.

Âm kia biến chửa trọn mình,,

Nên dùng chữ huyết, tỏ rành còn Âm.

Đất trời lộn lạo, nhố nhăng,

Vàng, đen, xáo trộn, đất bằng chông gai.

BÌNH GIẢNG

Quẻ Khôn thực ra không đến nỗi khó hiểu, khó hiểu chăng là vì có nhiều đoạn đã bị các nhà bình giải làm cho rối lên như canh hẹ. Nguyên có cách phân câu, mà đã chia thành năm bè, bảy bối. Ví dụ, đối với câu:

Khôn. Nguyên Hanh. Lợi tẫn mã chi trinh.

Trình tử đọc là: Khôn. Nguyên. Hanh. Lợi. Tẫn mã chi trinh, vì cho rằng Khôn có đủ tứ đức như Kiền.

Chu Hi đọc là: Khôn. Nguyên. Hanh. Lợi tẫn mã chi trinh, vì cho rằng Khôn phải thua Kiền, không thể đủ tứ đức như Kiền.

Đến như câu: Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng, thì lại càng rắc rối hơn nữa. Trình tử hiểu như sau: Tiên mê hậu đắc. Chủ lợi. Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng.

Vương Bật đọc: Quân tử hữu du vãng tiên mê. Hậu đắc chủ lợi.

Lai Trí Đức đọc: Tiên mê hậu đắc chủ. Lợi.

Ngự Án của vua Khang Hi đọc rằng: Tiên mê hậu đắc chủ. Lợi Tây nam đắc bằng. Đông bắc táng bằng. Ngự Án cho rằng: chính Văn Ngôn cũng đọc là Hậu đắc chủ. Theo Ngự Án, chữ Lợi phải cho về câu sau, và phải hiểu đại khái rằng: Tây nam được bạn là lợi. Đông Bắc mất bạn là lợi. Nơi đây, chúng ta không đi sâu vào chi tiết các lời bình giải ấy, mà chỉ cố tìm cho ra những đại chỉ của Dịch Kinh nơi quẻ Khôn.

A. Nhận định đầu tiên của chúng ta như sau:

-Kiền và Khôn là hai chiều, hai mặt của một thực thể, tức là Thái cực. Để hiểu Kiền, Khôn chúng ta xem đồ bản sau:

Kiền

Khôn

Dương

Âm

9

6

3

2

Thần

Vật

Tinh thần

Vật chất

Nội giới (spiritual world)

Ngoại giới (world of the senses)

Tâm chi thần minh

Ngũ quan bá thể

Đạo Tâm

Nhân tâm

Thánh Đạo

Hiền Đạo

Vương Đạo

Thần Đạo

Phụ

Tử

Phu

Phụ

Thành

Kính

Nhân

Nghĩa

Xướng

Họa

Cương

Nhu

Quân tử

Tiểu nhân

Thời gian

Không gian

Tròn

Vuông

Đại

Tiểu

B. Về phương diện Triết học & Siêu hình

Quẻ Khôn chủ trương rằng:

-Đất Trời cộng tác chặt chẽ với nhau, để sinh ra muôn ngàn biến hóa.

-Đất Trời là cặp ngẫu lực Âm Dương, luôn luôn tác động, luôn luôn hỗ trợ nhau, để hoàn thành công trình sinh dục vạn vật.

Kiền là mầm mộng sinh hóa, là tinh thần, là nguồn sống, là sinh khí, là hạt, là nhân .

Khôn là vỏ, là môi trường hoạt động, là hình hài, sắc tướng, là vật chất hữu hình bên ngoài.

Đất Trời trường cửu ngang nhau, cùng nhau góp công trình sinh dục vạn vật, nhưng chính, tùy, đôi đường phân cách. Trời là chủ chốt. Tinh thần là chủ chốt. Đất là tùy thuộc. Xác thân là tùy thuộc. Hoàn cảnh vật chất là tùy thuộc.

Định được lẽ tôn ti như vậy, mới tránh được nhiều điều lầm lỗi, nhiều hung họa tai ương. Dịch kinh bao giờ cũng chủ trương Dương tôn, Âm ti.

Hiểu được lẽ Dương tôn, Âm ti; Dương hơn, Âm kém; tinh thần trọng, vật chất khinh; Kiền Đạo hay Tinh thần làm chủ chốt, Khôn Đạo hay vật chất đóng vai tùy thuộc; ta sẽ hiểu được đại chỉ của Dịch kinh.

Dịch kinh, tuy biết lẽ biến hóa, tồn vong, tiêu tức chi phối cả Âm lẫn Dương, và cơ Trời biến hóa đó không sao tránh khỏi, nhưng bao giờ cũng chủ trương Âm khinh, Dương trọng, và luôn luôn hỗ trợ Dương, kiềm chế Âm.

Tiên Nho định lẽ khinh trọng ấy bằng hai con số 9 và 6. - Số 9 chỉ Dương ( đơn giản hóa còn 3). -Số 6 chỉ Âm đơn giản hóa còn 2. Vậy Dương cũng còn là 3, mà Âm là 2. Đó là ý nghĩa của mấy chữ Tam Thiên, Lưỡng Địa trong chương I Thuyết Quái.

Trong vòng Dịch Tiên Thiên, Kiền đứng đầu 32 quẻ Dương bên trái, Khôn đứng đầu 32 quẻ Âm bên phải.

Dương ở phía tả, chủ sinh dục, trưởng dưỡng, chủ cương cường, trong sáng, chủ nhân nghĩa, đạo đức. Đó là Đạo người quân tử. Làm cho Đạo Dương, Đạo Kiền (Đạo Quân tử hay Đạo Thánh nhân), phát huy đến cùng cực, sẽ đem lại cho trần thế sự an bình, thịnh trị.

Âm ở phía hữu, chỉ sự di thương, thảm sát. Âm là Nhu, Tối, Tư tà, Lợi lộc, là Đạo Kẻ Tiểu nhân. Để nó triển dương đến kỳ cùng, nó sẽ phát Sát cơ, sinh ra chiến tranh, tang tóc và muôn vàn tai họa, như Hào Thượng Lục của quẻ Khôn đã ám chỉ. Vì thế Thánh nhân viết Kinh Dịch, lúc nào cũng lo lắng phù trì Dương Đạo, phù trì Đạo người Quân tử, những ước mong cho nó được trở nên cường thịnh, viên mãn.

Ngược lại, lúc nào cũng muốn kiềm chế, bức bách cho Âm Đạo, cho Đạo kẻ Tiểu nhân suy vi, mai một. Nếu chủ trương Âm trọng, Dương khinh sẽ đi đến chỗ chiến tranh, tai ương , tàn khốc.

Ngự Án nơi Hào Sơ Lục quẻ Khôn, cũng bình luận rất sâu sắc về lẽ Âm, Dương. Ngự Án cho rằng:

Nơi con người, thì Dương là Tâm chi thần minh, Âm là ngũ quan bá thể. Trong nhân luân, thì Dương là vua, là cha, là chồng. Âm là bầy tôi, là con, là vợ.

Tâm linh, nhờ có chân tay mới vận động được, vua nhờ có tôi, chồng nhờ có vợ, cha nhờ có con, công việc mới chu toàn. Nơi con người, thì ngũ quan bá thể phải thuận phục tâm linh. Trong xã hội, thì thần tử, thê thiếp phải thuận phục quân phụ, hay phu quyền, như vậy xã hội mới có tôn ti, thể thống. Nếu nơi con người, tứ chi, tai mắt tự do theo sở dục; nếu trong xã hội, thần tử, thê thiếp tự ý hành sự; nếu nơi nhân thân, mà lý với dục giao tranh; nếu nơi xã hội mà công tư va chạm, thì mầm loạn lạc sẽ phát sinh. Như vậy Ngự Án đã cho ta biết cơ vi thiện ác, trị loạn và những phương cách phòng ngừa.

C. Quẻ Khôn là đường lối tu thân của một người chưa được minh giác, chưa phối hợp được với Thượng Đế.

Khi chưa được minh giác, tức là khi tâm hồn còn bơ vơ, vô chủ, sống mặc tình theo những phản ứng của tâm tư, những suy luận hẹp hòi của lý trí, nên dĩ nhiên là bị lầm than, mê lạc. Chỉ khi nào, nhận định ra được căn cơ, chủ chốt của lòng mình là Thiên Tính, là Đạo Tâm, thì bấy giờ mới mong được hưởng thụ phúc khánh!

Khi chưa giác ngộ, nên theo đa số mà xử sự, ở ăn; lúc đã nhận định được Thiên địa chi tâm trong lòng mình, thời phải biết siêu quần bạt tụy, sống khinh phiêu, thung dung, tự tại. Được như vậy, mới thật là may mắn, hạnh phúc. (Xem lời Thoán).

Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

Hào Sơ Lý Sương mô tả lúc Âm khí vừa thoạt mới manh nha. Tuy nó vừa chớm nở, chớm phát, nhưng đó là điềm quốc phá gia vong sau này. Phải thận trọng, phải ngăn ngừa ngay mới kịp (Lý sương. Kiên băng chí)

2. Hào Lục nhị.

Người Quân tử, khi mới bước chân vào con đường Tu thân, Tu Đạo, hãy biết lấy chữ Kính làm đầu. Kính sợ Trời ẩn áo, huyền vi ngay trong tâm khảm mình, chỉnh trang lại tâm thần cho nên hẳn hoi, ngay ngắn. Cải thiện lại đời sống bên ngoài, cố sao cho hành vi, cử chỉ nhất thiết hợp Đạo, hơp nghĩa. Có như vậy mới đi đến chỗ cao đại được (Trực phương đại. Bất tập vô bất lợi)

3. Hào Lục tam.

Quẻ Khôn cũng dạy Đạo làm thần tử. Người thần tử lo thi hành phận vụ, không ỷ chức, ỷ quyền, không tâng công, không khoe tài, khoe trí, dẫu có tài cũng không phô trương, luôn khiêm cung, kín đáo, tùy thời, tùy thế mà thi thố tài năng để làm tròn phận vụ (Hàm chương khả trinh. Hoặc tòng vương sự. Vô thành hữu chung.)

4. Hào Lục tứ.

Gặp khi thời cuộc đảo điên, gặp khi người trên sinh lòng ngờ vực, thời lại càng phải biết im hơi lặng tiếng, minh triết bảo thân. Thế mới là Quát nang vô cữu.

5. Hào Lục ngũ.

Hơn nữa, mục đích tu thân của người quân tử, là đạt tới Thiên vị, tức Trung Điểm, hay Trung Hoàng. Nhận thức được bản tính cao sang của mình, thực hiện được định mệnh sang cả của mình, lồng được Trời vào trong Tâm mình, để cho vẻ đẹp đẽ của Trời chói rọi ra nơi châu thân mình, tỏa lan ra sự nghiệp của mình. Thế mới là đắc Đạo (Hoàng thường. Nguyên cát).

6. Hào Thượng Lục.

Ngoài ra, quẻ Khôn còn như muốn tiên tri, tiên đoán một thời đại mà vật chất hoàn toàn làm chủ, đa số làm chủ, phân ly, gián cách làm chủ. Khi ấy nhân loại sẽ sống một thời kỳ nhiễu nhương, máu lửa ngập trời. Dịch kinh đã đề cập đến thời đại ấy bằng mấy chữ Long chiến vu dã. Kỳ huyết huyền hoàng.

*Nếu thời Kiền là thời hoàng kim mai hậu, là thời thái bình lúc chung cuộc; thì thời Khôn là thời sắt thép, lúc muôn sự còn dở dang, nửa đời, nửa đoạn. Đó là thời mạt kiếp, mạt pháp, mà các Đạo giáo thường nhắc nhở tới. Nhưng đối với Dịch, tuy thời Khôn là thời nhiễu nhương máu lửa, nhưng không phải vì thế mà lịch sử nhân quần sẽ cáo chung, Vật cùng tắc biến, biến tắc thông. Sau thời kỳ đen tối ấy, nhân loại sẽ quay trở về với các giá trị tinh thần, mọi sự rồi ra sẽ trở nên tốt, nên hay. Cho nên Hào Dụng Lục nói thêm:

Khí Âm biến hóa xong rồi,

Rồi ra lợi lộc tốt tươi, Cửu trường.

Tượng rằng: Vĩnh viễn, Cửu trường,

Là vì kết cuộc phi thường cao siêu.

ÁP DỤNG QUẺ KIỀN VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Khôn dạy chúng ta phải luôn gia ý đề phòng, đừng để nước đến chân mới nhẩy, phải biết nhìn xa, trông rộng, biết lo lường, ngăn chặn ngay từ lúc hung họa mới manh nha. Nếu chúng ta biết đề phòng, biết ngăn ngừa căn cơ hung họa từ khi mới nứt nanh sơ khởi, thì làm sao chúng ta có thể lâm cảnh thân tàn, ma dại, nước mất, nhà tan. Một mặt khác, nếu chúng ta biết tích đức, tu thân, gặp điều lành dẫu là nhỏ mấy, cũng tha thiết mà làm, mà gom, mà góp, cứ như thế thì lo chi không được phúc khánh miên trường. Trong Thái Thượng Cảm ứng thiên có câu: Hoạ phúc vô môn duy nhân tự chiêu (Họa phúc không cửa ngõ, do người tự chiêu lai), cũng không ngoài ý đó. Tóm lại, quẻ Khôn dạy ta lẽ Xướng tùy, hòa hợp: nhân tâm phải biết tùy thuộc Đạo tâm, Người phải biết tùy thuộc Trời; người dưới tùy thuộc người trên; vợ tùy thuộc chồng. Tùy thuộc đây phải được hiểu theo lẽ xướng họa hô ứng, một bên khởi xướng, một bên thi hành, chung lưng góp sức, cùng nhau đắp xây đại cuộc.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


3. 水 雷 屯 THỦY LÔI TRUÂN

Truân Tự Quái

序 卦

Hữu thiên địa.

Nhiên hậu vạn vật sinh yên.

焉。

Doanh thiên địa chi

Gian giả duy vạn vật.

Cố thụ chi dĩ Truân.

Truân giả doanh dã.

Truân Tự Quái

Đất trời rồi mới quần sinh.

Quần sinh đầy dẫy, quán doanh đất trời.

Truân là sơ khởi pha phôi.

Truân là muôn vật sinh sôi tràn đầy.

Truân là vạn vật chào đời.

Truân có hai nghĩa: 1. Là đầy dẫy. 2. Truân chiên vất vả. Truân, nếu là thời kỳ đất trời vừa thoạt giao nhau, làm cho vạn vật nẩy sinh đầy dẫy khắp nơi, nhưng chính vì Âm Dương vừa thoạt giao nhau, nên sinh khí còn uất kết, chưa thông suốt.

Truân tượng trưng cho bước truân chiên (truân chuyên) thuở ban đầu, quẻ Truân là hoạt động trong nguy hiểm.

Truân đối với vũ trụ, là thời kỳ thiên địa sơ khai, vạn vật bắt đầu sinh. Truân đối với cá nhân, là lúc sơ sinh, ấu trĩ. Truân đối với quốc gia là thời kỳ khai quốc, sáng nghiệp . . .

Truân là thời kỳ gian nan, vất vả lúc ban đầu, khác với Kiển là gian nan lúc giữa cuộc, khác với Khốn là khốn khổ lúc chung cuộc, khác với Khảm là gian nan, hoạn nạn nói chung.

I. Thoán.

Thoán Từ:

屯:元,亨,利,貞,勿用,有 攸 往,利 建 侯。

Truân. Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Vật dụng hữu du vãng. Lợi kiến hầu

Dịch.

Truân chiên vất vả lúc ban đầu.

Nhưng sẽ hanh thông vận hội sau,

Phải biết bền gan đừng vọng động

Tìm người trợ giúp, ích bền lâu.

Tuy nhiên, dầu có gian nan, nhưng rồi ra các trở ngại sẽ như băng tan, tuyết tán, các rối ren sẽ được tháo gỡ, mọi chuyện éo le, trắc trở, nhờ tài kinh luân của con người biết tạo thời thế sẽ được giải quyết êm xuôi.

Thoán Truyện viết:

屯,剛 柔 始 交 而 難 生,動 乎 險 中,大 亨 貞。雷 雨 之 動 滿 盈,天 造 草 昧,宜 建 侯 而 不 寧。

Truân cương nhu thủy giao nhi nạn sinh. Động hồ hiểm chung. Đại hanh trinh. Lôi vũ chi động mãn doanh. Thiên tạo thảo muội. Nghi kiến hầu nhi bất ninh.

Dịch.

Thoán rằng:

Cương, nhu vừa mới giao nhau

Truân chuyên, trắc trở bắt đầu nẩy sinh.

Mưu đồ giữa buổi điêu linh,

Bền gan sẽ thấy tiền trình hanh thông.

Mưa rơi, sấm động trập trùng,

Muôn loài nhờ đó tưng bừng nẩy sinh.

Vận trời rối rắm, u minh,

Tìm người phụ bật, riêng mình chớ ngơi.

Cho nên, thấy khó khăn đừng vội thất vọng, mà phải biết một dạ sắt son, giữ cho tròn Đạo lý, phải lo tìm cách gỡ rối, lo tìm người đồng tâm, đồng chí chung sức tái tạo non sông. Phương châm hoạt động lúc này, là phải biết tìm ra nguyên nhân của rối ren, tao loạn, hoạch định những phương sách phò nguy, cứu khổ cho rõ ràng, tìm người phụ bật cho hay, lựa thời thế thuận tiện, mới ra tay lèo lái, chớ đừng nhắm mắt làm liều.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰: 云,雷,屯 . 君 子 以 經 綸。

Tượng viết:

Vân lôi. Truân. Quân tử dĩ kinh luân.

Dịch.

Tượng rằng: Mây, Sấm là Truân,

Hiền nhân phải biết kinh luân, mới tài.

Gặp buổi truân chiên, quân tử hãy ra tay gỡ rối, phải dùng hết trí lực, tài ba mà lo xoay chiều thế cuộc.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九: 磐 桓 , 利 居 貞,利 建 侯。

象 曰: 雖 磐 桓,志 行 正 也。以 貴 下 賤,大 得 民 也。

Sơ Cửu. Bàn hoàn. Lợi cư trinh. Lợi kiến hầu.

Tượng viết:

Tuy bàn hoàn. Chí hành chính dã. Dĩ quí hạ tiện. Đại đắc dân dã.

Dịch.

Hào Sơ, dùng dắng, ngỡ ngàng,

Hay thay, chính Đạo tâm xoang chẳng rời,

Hay thay, phụ bật gặp người.

Tượng rằng:

Dùng dắng, ngỡ ngàng,

Nhưng mà chính Đạo quyết mang thi hành.

Phẩm cao mà lại hạ mình,

Quí người bề dưới, dân tình vui theo.

Gặp buổi truân chiên, nếu mình có chân tài, lại khôn ngoan, cương quyết, biết chiêu hiền đãi sĩ, biết hạ mình phục vụ dân, cố chinh phục lòng dân, thì sẽ có ngày lãnh đạo được dân.

2. Hào Lục nhị.

六 二: 屯 如 邅 如,乘 馬 班 如。匪 寇 婚 媾,

女 子 貞 不 字,十 年 乃 字。

象 曰: 六 二 之 難,乘 剛 也。 十 年 乃 字,反 常 也。

Lục nhị: Truân như chiên như. Thừa mã ban như.

Phỉ khấu hôn cấu. Nữ tử trinh bất tự. Thập niên nãi tự.

Tượng viết:

Lục nhị chi nạn. Thừa cương dã. Thập niên nãi tự. Phản thường dã.

Dịch.

Truân Lục nhị như quanh, như quẩn,

Ngựa cỡi rồi, dùng dắng chẳng đi,

Đó đành chẳng phải gian phi,

Cùng ta những muốn sính kỳ duyên may.

Nhưng trinh trắng, gái này đã quyết,

Quyết bền gan, tiết liệt chờ ai,

Mười năm ta vẫn chờ người.

Tượng rằng:

Hào nhị gặp gian nan,

Là vì lâm cảnh cưỡi Dương cương.

Mười năm nếu biết chờ phối ngẫu,

Rồi ra vận số sẽ như thường.

Nếu mình là người có tài đức, xứng đáng là bậc lương đống quốc gia sau này, hãy biết bền gan chờ minh chúa, chớ đừng nghe lời dụ dỗ, chào mời của những kẻ tá ơn.

3. Hào Lục tam.

六 三: 既 鹿 無 虞,惟 入 于 林 中,君 子 几 不 如 舍,往 吝。

象 曰: 既 鹿 無 虞,以 縱 禽 也。君 子 舍 之,往 吝 窮 也。

Lục tam: Tức lộc vô ngu. Duy nhập vu lâm trung.

Quân tử cơ. Bất như xả. Vãng lận.

Tượng viết:

Tức lộc vô ngu. Dĩ tùng cầm dã. Quân tử xả chi. Vãng lận cùng dã.

Dịch.

Săn hươu thiếu kẻ thuộc đường rừng,

Xông xáo rừng sâu lạc ở trong,

Quân tử thấy thời chưa thuận tiện,

Cho nên dùng dắng, chửa ra công.

Nếu đi liều lĩnh lung tung,

Làm sao tránh khỏi uổng công, nhọc lòng.

Tượng rằng:

Săn hươu thiếu kẻ thuộc đường rừng,

Cũng bởi ham mồi ruổi tứ tung,

Quân tử biết thời, không ruổi bắt,

Ruổi rong âu chỉ tổ hoài công.

Những người bất tài, lại không người phụ bật, mà lại tham danh, tham lợi, không biết gì thời thế mà đòi nhảy ra khua môi, múa mỏ, vỗ ngực vì nước, vì dân, phò nguy, cứu khổ, chắc là đi đến chỗ thất bại. . .

4. Hào Lục tứ.

六 四 : 乘 馬 班 如,求 婚 媾,無 不 利 。

象 曰: 求 而 往,明 也。

Lục tứ. Thừa mã ban như. Cầu hôn cấu. Vãng cát. Vô bất lợi.

Tượng viết:

Cầu nhi vãng. Minh dã.

Dịch.

Cưỡi ngựa dùng dằng, chưa muốn bước,

Cố tìm cho được hảo hôn nhân,

Tế Truân lý hiểm, xoay vận nước,

Rồi ra mọi sự sẽ êm dầm.

Tượng rằng: Một dạ cầu hiền,

Rồi ra hóa giải truân chuyên cho đời.

Thế là sáng suốt mấy mươi.

Có những người giữ địa vị cao trong chính trường, nhưng bất tài. Nhưng nếu họ thực lòng vì dân, vì nước, biết hạ mình cầu hiền, cố tìm cho ra những người hay, người giỏi, để cùng mình cộng tác, như vậy cũng là một hành động khôn ngoan cho đất nước.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 : 屯 其 膏,小 貞 吉,大 貞 凶。

象 曰: 屯 其 膏,施 未 光 也。

Cửu ngũ. Truân kỳ cao. Tiểu trinh cát. Đại trinh hung.

Tượng viết:

Truân kỳ cao. Thi vị quang dã.

Dịch.

Truân muốn thi ân cũng khó lòng.

Từ từ chỉnh đốn, mới nên công,

Thế hiểm mà toan mưu đại sự.

Tránh sao cho khỏi những điều hung.

Tượng rằng: Thi ân mà cũng khó lòng,

Nghĩa là chưa được quảng thông xa gần.

Làm đầu một nước, nhiều khi cũng chẳng nắm trọn quyền, đôi khi cũng chẳng ảnh hưởng đến đời, đến dân được bao lăm. Đó là trường hợp na ná như vua Lê, chúa Trịnh nước ta: Vua ở ngôi, Chúa nắm quyền (Thiên hạ phân qui nhị chủ). Nhà vua có thể là người có tài đức, nhưng quần thần, thủ túc, không ai là kẻ có tài. Trong trường hợp này, nhà vua nên nhẫn nhục, làm những công việc nho nhỏ, mới có cơ bền vững. Còn muốn làm những chuyện to lớn sẽ chuốc lấy bại vong.

Gương lịch sử còn đó, Vua Lê Cảnh Hưng biết chịu đựng, có thể ngồi lặng ở ngôi 46 năm. Đó là Tiểu trinh cát. Vua Lê Chiêu Thống vì muốn thanh toán họ Trịnh và nhà Nguyễn Tây Sơn, nên đã mang hận táng thân nơi đất khách.. Đó là Đại trinh hung.

6. Hào Thượng Lục.

上 六 : 乘 馬 班 如,泣 血 漣 如。象 曰:泣 血 漣 如,何 可 長 也

Thượng Lục. Thừa mã ban như. Khấp huyết liên như.

Tượng viết:

Khấp huyết liên như. Hà khả trường dã.

Dịch.

Cưỡi ngựa dùng dằng, khôn tiến bước,

Huyết lệ đôi dòng chẩy chẳng thôi

Tượng rằng: Huyết lệ tuôn rơi.

Làm sao có thể lâu dài mà mong.

Như gặp thời vận quá suy, mà mình lại tài hèn, sức bạc, làm sao cứu vãn được cơ trời. Thế là rỏ huyết lệ ngồi nhìn cảnh suy vong. Thơ rằng:

Muốn nói nhưng mà nói với ai?

Muốn làm, ai kẻ bạn đường đời!

Gia vong, quốc phá, niềm thương hận,

Huyết lệ đôi dòng gửi khúc nhôi !

ÁP DỤNG QUẺ TRUÂN VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Truân nói lên tình trạng Truân chuyên (khó khăn) lúc ban đầu của những người muốn lập sự nghiệp.

I. Những người muốn dùng Chính trị làm sự nghiệp.

Khi nếp sống ở nơi định cư đã được yên ổn, thì con người bắt đầu nghĩ đến xây dựng lại sự nghiệp đã mất.

Có người vì muốn bảo vệ cho đồng bào ruột thịt của mình được hữu hiệu, nên họ đã nghĩ cách chen chân vào chính quyền của dân bản xứ, họ đầu đơn ứng cử nghị viên, dân biểu vv... Họ thành công hay thất bại không quan trọng, nhưng quan trọng nhất là họ đã đi đúng đường, vì họ có mục tiêu rõ rệt là nếu thành công họ có thể bảo vệ đồng bào của họ một cách đường hoàng, hữu hiệu nơi xứ người.

Nhưng lại có 1 số người khác, không có chính kiến, hay lập trường gì rõ rệt, nhưng lại thích làm chính trị, thích a dua theo bè phái, họ theo mà không rõ theo cái gì?

Họ sống trong mộng ảo là có thể nhờ tụ họp bè nọ, phái kia, may ra có thể tiến hơn. Những người này là những người rất dễ bị bọn Hoạt đầu chính trị, tham tâm, mưu lợi, lợi dụng họ. Họ chỉ theo vì a dua, chứ không bao giờ chịu suy nghĩ rằng: những người muốn cầm đầu mình, lơi dụng mình đó, thực ra họ có tài năng, đức độ, kinh nghiệm không? và họ có chính kiến gì không? Nơi đây có môi trường gì để họ hoạt động? Nếu có, thì chính kiến của họ đúng hay sai? Nếu không có, thì hoạt động sẽ đi đến đâu?

Thực ra, trên đời này Làm chính trị đâu có dễ. Người có tâm huyết làm Cách Mạng như cụ Phan Bội Châu, được dân kính mến, cũng đành thúc thủ, huống chi những người không có chút tiếng tăm, hoặc tài năng gì. Hơn nữa ở nơi xứ người đâu có môi trường làm chính trị? Cho nên, nếu ta nhẹ dạ, nghe theo lời họ, thì không biết sẽ còn đi đến đâu, nếu ta theo họ mà làm điều gì quá đáng. Sự thật, cầm đầu một gia đình còn khó, huống hồ làm việc đại sự.

II. Những người gây dựng sự nghiệp bằng thương mại.

A. Người có tài thực sự, nhưng lại thiếu người cộng tác. Những người này phải đi tìm người cộng tác, phải chịu trả lương cao để kéo người giỏi về mình. Nhưng nếu họ kiêu ngạo, coi rẻ, bóc lột tài năng người cộng tác, thì cũng chẳng đi tới đâu. Sự nghiệp của họ nếu thành công đi chăng nữa, thì sự thành công đó cũng không vững bền.

B. Người không có tài, nhưng lại có chí muốn gây dựng sự nghiệp. Những người này sẽ thành công, nếu họ biết tìm người tài năng hơn họ, biết cư xử khéo để lấy lòng người. Những người này, họ biết mình kém tài, thua kém người mà họ mời về cộng tác, nên họ không hợm hĩnh, kiêu ngạo, nếu họ lại tỏ ra rộng rãi với người cộng tác với họ, thì chắc chắn họ sẽ thành công. Tóm lại, Sự thành công ở đời không phải do tại số, hay do may mắn, mà phải nói thành công ở đời, ít nhất cũng phải tài giỏi về một phương diện nào đó vậy.

III. Người gây dựng sự nghiệp bằng sự chuyên cần học hành, nghiên cứu của mình.

Những người này là những người có óc thực tế, Họ biết lợi dụng sự giúp đỡ của chính quyền nước bạn, của sự thông minh, của sự chuyên cần nơi chính bản thân họ, để đạt đến mục đích của họ. Họ đã rất vất vả lúc ban đầu (có khi kéo dài cả 10 năm), vừa đi làm, vừa đi học; và nay đã có nhiều người, đã chiếm được địa vị khả quan trong xã hội người bản xứ. Nhiều người, trong số những người này đang đi vào con đường phát minh, nghiên cứu, ngõ hầu có thể mang tài năng mình ra để phụng sự cho nhân loại, cho dân tộc. Họ là những người đáng cho ta kính trọng, và xứng đáng là người dẫn dắt cho con em chúng ta mai sau. Họ là người biết dùng thời gian, biết xử dụng tài năng, biết xây dựng sự nghiệp cho mình một cách đúng cách.

IV. Những người xây dựng bằng sự nghiệp văn chương.

Những người này như con tầm nhả tơ, mang hết óc chất của mình ra để tạo ra những áng thơ, văn hoặc những sưu tầm nghiên cứu của mình, lòng chỉ mong có thể mang lại lợi ích gì cho thế hệ mai sau, nhưng như 2 câu thơ sau:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như.

(Ba trăm năm sau còn ai khóc Tố Như (Nguyễn Du)

Nhưng, những áng thơ gợi hình, gợi cảnh của truyện Kiều, khó làm ta quên được. Vẫn biết Văn chương hạ giới rẻ như bèo, nhưng những người cầm bút chân chính, vẫn không sao bỏ nghề được. Phải chăng đó là cái Nghiệp?

Chúng ta, những người đã đi, đang đi, và sắp đi vào con đường xây dựng sự nghiệp ở trên, mong rằng hãy suy nghĩ kỹ càng, rồi mới hành sự, cũng chưa muộn vậy.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


4. 山 水 蒙 Sơn ThỦy Mông

Mông Tự Quái

序 卦

Truân giả vật chi thủy sinh dã.

屯 者 物 之 始 生 也。

Vật sinh tất Mông

物 生 必 蒙,

Cố thụ chi dĩ Mông.

故 受 之 以 蒙

Mông giả mông dã.

蒙 者 蒙 也

Vật chi trĩ dã.

物 之 稚 也。

Mông Tự Quái

Truân là vạn vật chào đời ,

Hãy còn mông muội, chơi vơi, ngỡ ngàng.

Cho nên tiếp tới quẻ Mông,

Mông là dốt nát, mịt mùng, thơ ngây.

Mông là mông muội, tối tăm, là non nớt, ấu trĩ. Có nhà bình luận cho rằng: chữ Mông gợi ra hình ảnh một căn nhà tối tăm, lụp xụp, mái rủ xuống gần sát đất, tiêu biểu cho thời kỳ man dại xa xưa, khi mà dân chúng còn ở trong những mái nhà thô sơ, còn ngu si, dốt nát . . .

I. Thoán.

Thoán Từ.

蒙:亨。 匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我。初 噬 告,再 三 瀆,瀆 則 不 告。 利 貞。

Mông. Hanh. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Sơ phệ cốc. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Lợi trinh.

Dịch.

Ngây thơ Mông muội có cơ hay,

Thầy không cầu trẻ, trẻ cầu thầy.

Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,

Tái tam sàm sỡ, chẳng phô bày.

Đại phàm dạy dỗ, vẽ bày,

Phải cho trinh chính, mới hay, mới lời.

Quẻ Mông muốn đề cập đến công trình giáo hóa, để khai phóng cho con người khỏi dốt nát, mông muội; hoặc là con người lịch sử khi còn man di, mông muội; hoặc là con người lê thứ còn dốt nát, u mê; hoặc là những trẻ thơ còn khờ khạo, vừa chập chững bước vào đời. Nếu xét về thời gian và tuổi tác, con người có thể ngu muội nhất thời, nhưng nếu xét về bản tính, về tính chất, thì con người vốn thông minh. Dẫu hồng trần, dẫu ngoại cảnh, có thể nhất thời như sa mù che mất cốt cách, mất tâm linh, con người vẫn có thể nhờ giáo hóa mà trở nên sáng láng. Vì vậy Thánh nhân đề cao sự giáo hóa, giáo dục.

Thoán Truyện viết:

彖 曰. 蒙,山 下 有 險,險 而 止,蒙。蒙 亨,以 亨 行 時 中 也。匪 我 求 童 蒙,童 蒙 求 我,志 應 也。初 噬 告,以 剛 中 也。再 三 瀆,瀆 則 不 告,瀆 蒙 也。蒙 以 養 正,聖 功 也。

Mông. Sơn hạ hữu hiểm. Hiểm nhi chỉ. Mông. Mông hanh. Dĩ hanh hành thời trung dã. Phỉ ngã cầu đồng mông. Đồng mông cầu ngã. Chí ứng dã. Sơ phệ cốc. Dĩ cương trung dã. Tái tam độc. Độc tắc bất cốc. Độc mông dã. Mông dĩ dưỡng chính. Thánh công dã.

Dịch.

Thoán rằng:

Mông là dưới núi có nguy nan,

Nguy hiểm dừng chân, vẻ ngỡ ngàng.

Mông đấy, rồi ra hạnh vận đấy,

Hợp thời, hợp Đạo, sẽ thênh thang.

Ta đâu cầu trẻ, để khai quang,

Trẻ phải cầu ta, chỉ lối đàng.

Chí trẻ, chí ta cần ứng hợp,

Tương ứng rồi ra dễ bảo ban.

Nhất thứ cầu ta, ta chỉ giáo,

Mới là chính đáng, mới khôn ngoan.

Tái tam sàm sỡ, thôi dạy bảo,

Sàm sỡ âu đành tính trẻ con.

Ta đây dạy dỗ mầm non,

Cốt là nuôi dưỡng, bảo toàn tinh hoa.

Khải mông, dưỡng chính bôn ba,

Dưỡng nuôi chính khí, mới là Thánh công.

Giáo hóa, giáo dục, cốt là để phát huy phẩm cách con người, tinh hoa con người, để rốt ráo con người sẽ trở nên Thánh Hiền. Phát Mông có mục đích là Dưỡng chính.

Như vậy, đừng thấy con người còn ngu si, mà đã vội thất vọng. Đó là những viên ngọc quí, đang chờ sự dũa mài để trở nên giá trị. Vì thế, tuy Mông mà vẫn Hanh. Nhưng muốn giáo hóa cho kết quả, không phải thầy đi cầu trò, mà trò phải thành khẩn cầu thầy.

Con người có tha thiết đi tìm chân lý, con người có tha thiết muốn hoán cải mình, thì khi ấy minh sư mới dễ bề khai quang, điểm hóa. Chân lý là cái gì quý báu, cần được truyền thụ trong một bầu không khí kính cẩn, chứ không phải ngọc để ngâu vầy. Đó là đại ý Thoán Từ, Thoán Truyện.

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

象 曰. 山 下 出 泉,蒙﹔ 君 子 以 果 行 育 德。

Sơn hạ xuất tuyền. Mông. Quân tử dĩ quả hạnh dục đức.

Dịch.

Tượng rằng: Dưới núi suối tuôn,

Lo sao đức hạnh vuông tròn, mới nên.

Nhìn Tượng quẻ Mông, ta liên tưởng tới một dòng suối từ lòng núi tuôn ra, còn ngỡ ngàng, e ấp, chưa biết chẩy về hướng nào, ngả nào. Đại Tượng Truyện nhân đó khuyên ta nên lập chí cho cương kiên, tu đức cho sung mãn, có như vậy ta sẽ như dòng suối vô tận ào ạt tuôn ra tràn ngập bốn biển, năm hồ.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

Các Hào đều bàn về công cuộc giáo hóa.

1. Hào Sơ Lục.

初 六. 發 蒙,利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。發 蒙,

利 用 刑 人,用 說 桎 梏,以 往 吝。

象 曰. 利 用 刑 人,以 正 法 也。

Sơ Lục. Phát Mông. Lợi dụng hình nhân.

Dụng thoát chất cốc. Dĩ vãng lận.

Tượng viết:

Lợi dụng hình nhân. Dĩ chính pháp dã.

Dịch.

Dạy trẻ có khi phải vọt roi.

Gông cùm cố gắng gỡ cho người.

Gông cùm mông muội khi đã gỡ,

Đập đánh làm chi nữa, hỡi ai?

Tượng rằng: Cũng lúc vọt roi,

Vọt roi là cốt dạy người phép khuôn.

Hào Sơ Lục Phát Mông đề cập đến phương pháp giáo hóa, và cho rằng khi con người còn ngu si, dốt nát, khi mà tâm hồn còn đần độn, cứng cỏi, chưa biết rung động trước Chân, Thiện, Mỹ, thì cũng cần dùng hình phạt, thị uy.

Lập ra hình phạt, thị uy để con người biết sợ hãi, biết nép mình vào khuôn phép, để dần dần hấp thụ được lời giáo huấn, và sẽ sửa đổi được tâm tính. Hình phạt chỉ là phương tiện nhất thời; khi con người đã biết phục thiện, thời phải bỏ. Dùng hình phạt mãi đâu có hay.

Lai Tri Đức khi bình Hào này, cho rằng nếu không biết dùng hình phạt, mà chỉ dùng đường lối ngọt ngào để giáo hóa, thì thường sẽ đi đến thất bại. Xét cho cùng, hình phạt cần hay không cần, cũng tùy nơi, tùy thời, tùy người.

Quân tử ư hữ thì đau,

Tiểu nhân vác đá đánh đầu như không.

Tóm lại, trong công trình giáo hóa, phải phối hợp cả nghiêm, lẫn khoan.

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 包 蒙 吉﹔ 納 婦 吉﹔ 子 克 家。

象 曰. 子 克 家,剛 柔 接 也。

Cửu nhị. Bao mông cát. Nạp phụ cát. Tử khắc gia

Tượng viết:

Tử khắc gia. Cương nhu tiếp dã

Dịch.

Mông Cửu nhị, bao dong mới tốt.

Dung trẻ thơ, thâu nạp nữ nhi.

Rộng dong, đẹp đẽ mọi bề,

Phận con, đã biết lo bề gia cang.

Tượng rằng: Con biết lo lường,

Dưới, trên, mềm, cứng, đôi đường hòa hai.

Hào hai là Dương cương, mà lại đắc trung, sẽ đóng vai chủ chốt trong công cuộc giáo hoá mọi người.

Cửu nhị Bao mông là một minh sư, có bổn phận khải mông cho tất cả đám người mông muội. Vì thế Hào Cửu nhị là chủ Hào trong quẻ này. Vì Cửu nhị đã cương, lại đắc trung, nên cảm thông, bao dung được mọi hạng người, lại biết linh động giáo hóa, khiến mọi hạng người đều được mang ơn giáo dục, cải hoá. Cửu nhị là Dương Hào, mà lại thống trị mọi Âm Hào, nên nói rằng Nạp phụ, nên nói rằng Bao mông. Cửu nhị ở bậc dưới, mà lại làm công việc trên, có khác nào như bầy tôi lương đống, được quân vương ủy thác công việc, như con cái được cha giao phó cho trách nhiệm lo lắng gia đình. Vì thế nên nói: Tử khắc gia. Cửu nhị mà làm nên công trình, chính là nhờ ở chỗ đồng tâm, nhất trí giữa nhị và ngũ, giữa đôi bên thầy trò.

3. Hào Lục tam.

六 三 : 勿 用 娶 女﹔ 見 金 夫,不 有 躬,無 攸 利。

象曰: 勿 用 娶 女,行 不 順 也。

Lục tam. Vật dụng thủ nữ. Kiến kim phu. Bất hữu cung. Vô du lợi.

Tượng viết:

Vật dụng thủ nữ. Hành bất thuận dã.

Dịch.

Lục tam chớ dụng gái tham tài,

Tham vàng, cuống quít vội theo trai.

Ngốt của, quên mình, quên thể thống,

Hư thân, thôi thế cũng là thôi.

Tượng rằng: Hạng gái ngược đời,

Dùng chi cho uổng, thôi thôi chớ dùng.

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có những hạng người nan giáo. Đó là những hạng người tham vàng bỏ nghĩa, những hạng người ăn xổi, ở thì, không cần đếm xỉa gì đến lương tâm, đến Đạo lý, những hạng người giả dối, bôi bác, sống bừa phứa, gặp chăng hay chớ, chẳng cần gì đến danh dự, đến tình nghĩa. Dịch dùng Hào Lục tam bất trung, bất chính để đề cập đến hạng người ấy một cách bóng bẩy, coi họ như là những đàn bà con gái trắc nết, vong tình; chẳng kể gì đến người tình chính đáng của mình là Thượng Cửu, mà muốn hiến thân cho Cửu nhị gần kề, một người mà đời đang lên hương, vừa có tài, vừa có đức. Vì thế mà Hào Lục tam nói: Vật dụng thú nữ.

4. Hào Lục tứ.

六 四. 困 蒙,吝。

象 曰. 困 蒙 之 吝,獨 遠 實 也。

Lục tứ. Khốn mông. Lận

Tượng viết:

Khốn mông chi lận. Độc viễn thực dã.

Dịch.

Lục tứ, thẹn thay kẻ tối tăm,

Tối tăm, khốn nạn, khổ cho thân.

Tượng rằng: Khốn đốn, tối tăm,

Lìa xa chân thực, cho thân thẹn thùng.

Lại còn một hạng người nan hóa nữa, là hạng người thà chịu dốt nát, chứ chẳng thà tìm thầy, chọn bạn. Họ như bóng tối, mà muốn trốn tránh ánh sáng mặt trời, thì hỏi sao mà chẳng tối tăm, khốn nạn, hổ cho thân mới được chứ. Vì thế Lục tứ nói Khốn mông.

5. Hào Lục ngũ.

六 五. 童 蒙,吉。

象 曰. 童 蒙 之 吉,順 以 巽 也。

Lục ngũ. Đồng mông. Cát.

Tượng viết:

Đồng mông chi cát. Thuận dĩ tốn dã.

Dịch.

Lục ngũ thơ ngây, cũng vẫn hay,

Tượng rằng: Thơ dại vẫn hay,

Vừa ngoan, vừa nhũn, thơ ngây tốt lành.

Dịch đề cao những người ở ngôi cao, vị cả, mà vẫn giữ được tấm lòng thành khẩn như trẻ thơ, hạ mình cầu học. Đó là đường lối của các minh chúa xưa kia đã dùng để đi vào lịch sử như Thành Thang học Y Doãn, như Cao Tông học Phó Duyệt. Thế là học bất xỉ hạ vấn.

Lẽ đời, khi ở ngôi cao thì tự cao, tự đại không chịu khuất kỷ cầu nhân. Đây trái lại, Lục ngũ nhu trung cư tôn vị, mà vẫn vui lòng cầu ứng với minh sư là Cửu nhị. Đó là những hạng người, trong thì tri thức chưa tạp loạn, mà ngoài thì kiến văn chưa tập nhiễm, Thiên tính, Thiên chân còn y nguyên, chưa bị hao tán, Xích tử chi tâm còn toàn vẹn chưa pha phách mùi đời, vì thế không ỷ mình, vẫn để trống lòng, để thụ giáo cùng những bậc Thánh Hiền. Nuôi dưỡng mình bằng chính lý, chính Đạo, thế là thành công, thế là có cơ thành tựu. Vậy cho nên tốt, cho nên hay. Vì thế Lục ngũ nói: Đồng mông. Cát.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九. 擊 蒙,不 利 為 寇,利 御 寇。

象 曰. 利 用 御 寇,上 下 順 也。

Thượng Cửu. Kích mông. Bất lợi vi khấu. Lợi ngự khấu.

Tượng viết:

Lợi dụng ngự khấu. Thượng hạ thuận dã.

Dịch.

Thượng Cửu những thẳng tay dạy trẻ,

Quá khắt khe, bắt bẻ ích chi.

Hay là, cố tránh vô nghì,

Hay là, ngăn chặn những gì nhố nhăng,

Tượng rằng: Chặn được nhố nhăng,

Dưới trên hoà thuận, êm dầm, mới hay.

Nơi Hào Thượng Cửu Kích mông, Dịch cho rằng dẫu sao trong công trình giáo hóa, cũng không nên quá nghiêm khắc. Khi mà người còn quá mông muội, mà chính mình lại quá nghiêm khắc, ép buộc người học hỏi, lam làm những điều quá tầm họ, thì rút cuộc làm hại họ; làm cho họ phát khùng, phát tặc, phản lại mình mà thôi. Có nghiêm minh, thì nên nghiêm minh, khi cần ngăn ngừa những chuyện phóng túng dục tình, thế là nghiêm minh để ngăn chặn bọn thảo khấu ẩn trong lòng người. Có nghiêm minh, chăng là nghiêm minh với con sói đội lốt chiên, muốn đầu độc quần chúng, muốn đưa quần chúng vào vòng sa đoạ mà thôi. Thế là Lợi ngự khấu.

Con người cũng như vũ trụ, có đầy tiềm năng, tiềm lực, và nếu biết hướng dẫn, biết khai thác, sẽ đem lại những lợi ích khôn lường, những kết quả đẹp đẽ vô cùng tận.

Hơn nữa, khi giáo hóa cũng cần phải biết rằng: nơi con người, thiên tư, phú bẩm có khác nhau:

-Người thì thiên về tinh thần (introverti)

-Người thì thiên về vật chất ( extroverti)

-Người thì có cơ phát huệ.

-Người thì tâm có thể lập chí cương kiên.

-Người thì trí có thể phát triển lý sự.

-Người thì có sức lực, tài khéo tay chân.

Manou, một Luật gia Ấn Độ cho rằng:

1). Những hạng người có chân tay khỏe mạnh, tài khéo, sẽ phục vụ xã hội bằng việc lao động tay chân.(Sudras).

2). Những hạng người trí thức sẽ phục vụ xã hội bằng các nghề tự do, thương mại (Vaisyas).

3). Những hạng người có ý chí, tâm huyết, sẽ phục vụ xã hội trong phạm vi chính trị, quân sự (Kshatriyas)

4). Những hạng người yêu chuộng suy tư, yêu chuộng đời sống tâm linh, sẽ phục vụ xã hội trong lãnh vực tu trì (Brahmanes).

Như vậy, thầy phải biết hướng dẫn trò, trò phải biết tự lượng tài sức, khả năng, và khuynh hướng, có như vậy mới đưa đến những thành quả tốt đẹp cho cá nhân, và thế quân bình cho xã hội. Dịch kinh vì muốn giáo hóa mọi người nên gồm đủ: Thiên Đạo, Nhân Đạo, Vật Đạo, để ai đọc Kinh Dịch cũng thâu được cái hay, cái lợi.

ÁP DỤNG QUẺ MÔNG VÀO THỜI ĐẠI

Thời đại ngày nay, phương pháp dạy trẻ không còn dùng roi vọt như khi xưa nữa. Ở các lớp Mẫu giáo, giáo viên không được ưu đãi một trò nào một cách đặc biệt, và không được phép để một trò nào quyến luyến mình quá độ. Các giáo viên, không những dạy các em đọc, viết, mà phải nghĩ ra những trò chơi, để vui chung với các em trong giờ nghỉ.

Nếu có em nào quá ngỗ nghịch, ưa chọc phá bạn, không nghe lời cô hoặc thầy giáo, thì không được đánh, hoặc dùng roi vọt, mà chỉ trừng phạt bằng cách bắt quỳ một lúc, hoặc quá lắm thì nói lại với phụ huynh để dạy bảo em ở nhà họ.

Nơi Trung Học, thì lại quá lắm. Học trò có người còn nhạo báng lại thầy trong lúc giảng dạy, không còn tôn sư, trọng Đạo như khi xưa. Khi xưa, thầy dạy đóng cả vai cha hay mẹ, có trách nhiệm dạy bảo học trò cũng như dạy bảo chính con cái trong nhà vậy (Quân, Sư, Phụ). Thầy dạy còn trọng hơn cha mẹ. Do đó người trò kính trọng thầy, cô như cha mẹ họ vậy, và các bậc phụ huynh cũng đỡ một phần gánh nặng trong việc dạy dỗ con cái họ.

Ngày nay, cha mẹ thì tối ngày làm việc vì sinh kế, đâu có thời gian để dạy con cái nữa. Phương pháp giáo dục hiện tại lại không cho phép nghiêm phạt học trò, do đó Đạo đức ngày một suy giảm một cách rõ rệt. Sự nền nếp của lớp thanh thiếu niên không còn như xưa, và sự lễ phép, tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, giáo sư, cùng đối với các bậc trưởng thượng suy giảm một cách rõ rệt. Như vậy sự giáo dục đã hỏng từ gốc rồi. Nhân loại ngày nay chỉ để ý về Khoa Học, mà quên đi sự giáo dục về Đạo Đức của con người. Đạo giáo dạy con người cũng nhiều, nhưng chỉ dạy con người đối với Thượng đế, mà không dạy cách trau dồi từ gốc, hỏi sao có thể giác ngộ ngay được, nếu gốc đã bị mối mọt, hư hỏng rồi.

Vậy phương pháp giáo dục nghiêm khắc, hay phương pháp giáo dục thả lỏng như ngày nay, phương pháp nào hơn, tùy ý quý vị phán xét. Theo thiển ý, nghiêm khắc quá thì không nên, nhưng như ngày nay, thì cần phải thay đổi lại, không thì không biết mai sau loài người có còn muốn có con nữa hay không? Đó là bài toán cần đáp số.

Nhưng bất kỳ dùng phương pháp gì chăng nữa, tôi cũng xin góp với quí vị giáo viên bài thơ sau, để dạy các em thuộc lòng :

Song tiền cần khổ học,

Mã thượng cẩm y hồi.

Bạch nhật mạc nhàn quá,

Thanh xuân bất tái lai.

Dịch

Bên song kinh sử dồi mài,

Ngựa hồng, áo gấm, một mai đi về.

Thiếu thời, nhàn hạ trôi đi,

Ngày xanh, hồ dễ hẹn kỳ trùng lai.

Cách đây không lâu, các vị học trò cũ của nhà tôi (có vị đã 68, 69 tuổi, là những người đã có những địa vị khả quan trong xã hội), đến thăm chúng tôi. Nhà tôi đã không còn nhớ họ là ai, và tên gì. Và 1 người trong bọn họ, đã đọc thuộc lòng bài thơ trên, mà cách đây 53 năm, nhà tôi đã dạy họ. Thật là cảm động. Thầy trò nhắc lại chuyện xưa, với một cảm tình đằm thắm, và cuối cùng kết luận: Những điều Thày dạy chúng con thật không sai vậy.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

THƯỢNG KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30


5. 水 天 需 ThỦy Thiên Nhu

Nhu Tự Quái

序 卦

Vật trĩ bất khả bất dưỡng dã

物 稚 不 可 不 養 也,

Cố thụ chi dĩ Nhu

故 受 之 以 需﹔

Nhu giả ẩm thực chi đạo dã.

需 者 飲 食 之 道 也。

Nhu Tự Quái

Mông là dốt nát, mịt mùng, thơ ngây.

Thơ ngây, nuôi dưỡng mới hay,

Cho nên kế tiếp quẻ này, là Nhu.

Nhu là ẩm thực, ấm no. . .

Nhu theo Từ nguyên, gồm hai chữ: là mưa, Chuyên là cây non. Nghĩa là cây non mới mọc, cần được mưa móc đượm nhuần, nuôi dưỡng.

Vì thế Nhu có nghĩa đầu tiên là Ăn uống. Nhu theo Tượng quẻ là mây kéo đầy trời, nhưng chưa mưa. Phải chờ một khoảng thời gian nữa mới mưa.

Nhu thành bởi Kiền (lão phụ = cha già), và Khảm (thứ nam), cũng gợi lên hình ảnh một người cha già đứng tựa cửa chờ con ở xa chưa về.

Nhu theo đức quẻ, thì là hiểm nguy (Khảm) ở trước mặt. Cho nên người quân tử phải sáng suốt (Kiền), phải biết khoan dãn, đợi thời, đừng có đâm vào vòng nguy hiểm.

Như vậy Nhu có 2 nghĩa:

1/ Tu dưỡng, ăn uống (nơi Tự Quái, Tượng, Hào 5)

2/ Chờ đợi thời cơ ( nơi Hào 1, 2, 3, 4,và 6 ).

Thoán Từ, Thoán Truyện, bất kỳ ở một quẻ nào cũng bàn tổng quát quẻ đó. Nhu lấy Hào Cửu ngũ làm chủ Hào

I. Thoán.

Thoán Từ.

需:有 孚,光 亨,貞 吉。 利 涉 大 川。

Nhu. Hữu phu. Quang hanh. Trinh cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch.

Nhu là khoan dãn, đợi thời cơ,

Vững tin, vận sẽ sáng sủa ra.

Trinh chính rồi ra may mắn tới.

Tuy phải vượt sông, vẫn lợi mà.

Thoán Truyện viết:

需, 須 也﹔ 險 在 前 也。剛 健 而 不 陷,其 義 不 困 窮 矣。需, 有 孚,光 亨,貞 吉。位 乎 天 位,以 正 中 也。利 涉 大 川,往 有 功 也。

Nhu. Tu dã. Hiểm tại tiền dã. Cương kiện nhi bất hãm. Kỳ nghĩa bất khốn cùng hỹ. Nhu. Hữu phu quang hanh trinh cát. Vị hồ thiên vị. Dĩ chính trung dã. Lợi thiệp đại xuyên. Vãng hữu công dã.

Dịch.

Nhu là khoan dãn, đợi thời cơ.

Trước mặt hiểm nguy, phải biết chờ.

Cương kiện, nhưng không mua chuốc hiểm,

Nên không cùng khốn, với sa cơ.

Nhu vững niềm tin, sáng sủa ra,

Chính trinh, may mắn sẽ chờ ta,

Vị ở ngôi Trời, trung chính đủ,

Dẫu phải vượt sông, vẫn lợi mà !

Vượt sông, cũng vẫn hay ho,

Việc làm sau, trước đều là thành công.

Thoán Từ & Thoán Truyện bàn về quẻ Nhu một cách tổng quát: Trong trường hợp gặp nguy hiểm, nếu mình là người tài đức, minh chính, tự tín, tự cường, lại khôn ngoan biết lựa thời, lựa thế, không mua chuốc cho mình những nguy hiểm vô ích, thì đến khi hành sự chắc sẽ được hay.

Nhu lấy Hào Cửu ngũ làm chủ chốt. Cửu ngũ Dương cương, lại cư trung, đắc thiên vị, cho nên nơi Thoán Từ, ta thấy nói đến sự thành khẩn, phu tín, trinh chính v v... Thoán Từ với câu: Lợi thiệp đại xuyên, làm ta liên tưởng đến Võ Vương đang chuẩn bị mạo hiểm vượt sông Hoàng Hà ( năm II trước Công nguyên), để đánh Trụ Vương.

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết:

象 曰: 雲 上 於 天,需﹔君 子 以 飲 食 宴 樂。

Vân thượng ư thiên. Nhu. Quân tử dĩ ẩm thực yến lạc.

Dịch.

Tượng rằng: Mây ở trên trời,

Uống ăn, quân tử thảnh thơi vui vầy.

Tượng Truyện khuyên ta rằng: Phàm làm công chuyện gì, mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả...Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng thân, dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, đợi chờ ngày thành công tới. Như thế, có khác gì Khương Tử Nha, ngồi câu nơi sông Vị, chờ ngày Văn Vương tới rước về làm Thượng Phụ đâu?.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

Sáu Hào quẻ Nhu chủ trương rằng: Dở, hay, không phải là chỗ ở xa, hay gần nguy hiểm, mà là ở chỗ biết chờ thời, hay không biết chờ thời. Gặp Hào Dương cương, thì khuyên nên nén lòng chờ đợi. Gặp Hào Âm nhu, thời dạy phải mềm dẻo để thoát nguy.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九. 需 于 郊。 利 用 恆,無 咎。

象 曰: 需 于 郊,不 犯 難 行 也。 利 用 恆,無 咎﹔未 失 常 也。

Sơ Cửu.

Nhu vu giao. Lợi dụng hằng. Vô cữu.

Tượng viết:

Nhu vu giao. Bất phạm nạn hành dã. Lợi dụng hằng vô cữu.

Vị thất thường dã.

Dịch. Sơ Cửu:

Chờ trông ở cánh đồng,

Bền gan mọi sự sẽ nên công.

Bền bỉ chờ trông, không đáng trách,

(Trách sao được kẻ biết chờ mong).

Tượng rằng: Đợi ở ngoài đồng,

Khó khăn, trắc trở, ta không lao vào.

Bền gan, lợi ích biết bao,

An thường, thủ phận, trách sao được mình !

Gặp thời buổi hiểm nguy, ly loạn, nhưng mà mình được cái may mắn còn ở xa nguy hiểm. Tưởng nên bắt chước Khổng Minh, khi còn ở Ngọa Long Cương, giữ tròn Đạo lý, khí tiết, đừng có dại dấn thân một cách vô lý vào nguy hiểm, phong trần, để mắc họa thất cơ, lỡ vận. Thế mới là hay.

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 需 于 沙。小 有 言,終 吉。

象 曰: 需 于 沙,衍 在 中 也。雖 小 有 言,以 終 吉 也。

Cửu nhị. Nhu vu sa. Tiểu hữu ngôn. Chung cát.

Tượng viết.

Nhu vu sa. Diễn tại trung dã. Tuy tiểu hữu ngôn. Dĩ cát trung dã.

Dịch.

Hào Cửu nhị: đợi ngoài bãi cát,

Mặc xì xào, sau rốt sẽ hay.

Tượng rằng: Trên cát chờ trông,

Ngôi trung thanh thản, thung dung đợi chờ.

Mặc người đàm tiếu, nhỏ to,

Nhưng mà chung cuộc, bao giờ cũng hay.

Mình tuy đã gần hiểm nguy, mà vẫn giữ được bình tĩnh, trung chính, kiên nhẫn. Dẫu người không hiểu mình, mà nhỏ to, đàm tiếu, thời có hại chi đâu. Thế tức là:

Anh hùng chưa được cao nhân phục,

Khuất tiết, sui nên kẻ sĩ lờn!

3. Hào Cửu tam.

九 三. 需 于 泥,致 寇 至。

象 曰: 需 于 泥,災 在 外 也。 自 我 致 寇,敬 慎 不 敗 也。

Cửu tam. Nhu vu nê. Trí khấu chí.

Tượng viết.

Nhu vu nê. Tai tại ngoại dã. Tự ngã trí khấu. Kính thận bất bại dã.

Dịch.

Hào Cửu tam: trong bùn đứng đợi,

Có khác gì mời gọi giặc đâu?

Tượng rằng: Đợi ở trong bùn,

Hiểm nguy đã thấy nấp nom phía ngoài.

Tự ta gọi giặc tới nơi,

Hết lòng thận trọng, thoát thời bại vong.

Ở gần nguy hiểm, nếu không biết tự kiềm chế, mà cứ xông xáo tiến lên, thì có khác nào chiêu tai hoạ vào mình, mời giặc cướp tới hại mình đâu. Nhược bằng biết sợ sệt, biết thận trọng, sẽ thoát hiểm.

Đọc Hào này ta liên tưởng đến Tào Tháo, lúc sắp mắc trận hỏa công nơi sông Xích Bích, mà vẫn còn ngạo nghễ, không coi đối phương ra gì, vẫn uống rượu, thưởng trăng, ca ngâm, hớn hở. Tào tháo có biết đâu rằng mấy câu thơ của mình

Đêm nay, sao sáng, trăng thanh,

Về Nam, con quạ lao mình trên không,

Lượn quanh cây lớn ba vòng,

Tìm không chỗ đậu, lại vùng bay mau . . .

ít ngày nữa sẽ ứng vào mình, một tướng thảm bại, lạc lõng nơi Hoa Dung tiểu lộ, khuất kỷ cầu sinh. . .

4. Hào Lục tứ.

六 四. 需 于 血,出 自 穴。

象 曰: 需 于 血,順 以 聽 也。

Lục tứ. Nhu vu huyết. Xuất tự huyệt.

Tượng viết.

Nhu vu huyết. Thuận dĩ thính dã.

Dịch.

Hào Lục tứ: đợi chờ trong huyết,

Dẫu lọt vào hãm huyệt vẫn ra.

Tượng rằng: Trong máu đợi chờ.

Tùy thời xử sự, có cơ thoát nàn.

Mình dẫu đã lâm vào vòng nguy hiểm, nhưng nếu biết nhu thuận, tùy thời xử sự, thì cuối cùng cũng sẽ thoát hiểm. Hào này làm ta liên tưởng tới Văn Vương, lúc bị giam nơi Dũ Lý. Trong vòng 7 năm, hằng ngày Trụ Vương sai người dò thám, bắt lỗi Văn Vương để mà trừ khử đi, nhưng vì Văn Vương khéo xử sự, nên Trụ Vương không làm gì được, cuối cùng đành phải phong tặng, và cho về nước.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五. 需 于 酒 食,貞 吉。

象曰: 酒 食 貞 吉,以 中 正 也。

Cửu ngũ. Nhu vu tửu thực. Trinh cát.

Tượng viết.

Tửu thực trinh cát. Dĩ trung chính dã.

Dịch.

Hào Cửu ngũ: đợi nơi ăn uống,

Cứ chính trinh, sẽ hưởng tốt lành.

Tượng rằng: Ăn uống, trông chờ,

Bền gan, trinh chính, rồi ra cát tường.

Chính trung, giữ vẹn lẽ thường.

Khi mình đã mài miệt học hành, một dạ tu thân, hoặc khi mình đã thi triển hết tài năng để trị dân, trị nước, mà chưa thâu lượm được những thành quả hiển nhiên, thì đừng vội sốt ruột. Hãy biết vững bụng chờ thời. Hào này làm ta nhớ mấy câu thơ của Chu Du:

Trượng phu phải lập công danh,

Công danh đã thỏa bình sinh trên đời.

Bình sinh, chí đã thỏa rồi,

Uống say, ta hát mấy lời ca ngông !

6. Hào Thượng Lục.

九 五. 需 于 酒 食,貞 吉。

象 曰: 酒 食 貞 吉,以 中 正 也。

Thượng Lục. Nhập vu huyệt. Hữu bất tốc chi khách tam nhân lai.

Kính chi trung cát.

Tượng viết.

Bất tốc chi khách lai. Kính chi chung cát. Tuy bất đáng vị. Vị đại thất dã.

Dịch.

Hào Thượng Lục: sa vào địa huyệt,

Khách ba người chẳng biết tự đâu,

Đãi đằng, kính cẩn trước sau,

Rồi ra, muôn sự một mầu an vui.

Tượng rằng: Không cầu, khách vẫn đến nơi,

Đãi đằng, kính cẩn, chuyện rồi sẽ êm.

Vị ngôi chẳng xứng, chẳng nên,

Rồi ra cũng bớt tần phiền, dở dang.

Cũng có người mắc phải hiểm nguy ghê gớm, nhưng vì có bạn bè đông đúc, hết lòng phù ủng, nên đã thoát hiểm. Đó là trường hợp Tiết Nhân Quí bị Lý Đạo Tông hãm hại, đến nỗi lâm đại nạn, may nhờ bè bạn bên ngoài như Uất Trì Cung, Từ Mậu Công, Trình Giảo Kim, hết lòng giúp đỡ, nên cuối cùng đã thoát được tai ương . . .

ÁP DỤNG QUẺ NHU VÀO THỜI ĐẠI

Gặp thời Nhu, vị nguyên thủ quốc gia phải nuôi dưỡng thiên hạ, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất, chứ chẳng phải du ngoạn, yến ẩm, hoan lạc một mình.

Mây lơ lửng trên trời, rồi sau trước sẽ thành mưa, để nuôi dưỡng vạn vật, thì một nền hành chính đứng đắn, sau trước cũng phải đặt nặng vấn đề nuôi nấng vạn dân, vì vậy Chính Phủ phải lập các ngân khoản trợ cấp, học bổng, cho vay dài hạn, để giáo dưỡng hàng sĩ phu trong thiên hạ, và đào tạo những anh tài, những nhà bác học cho đất nước; xem xét việc trồng tỉa, khai khẩn, để nuôi dưỡng chúng dân, cung cấp quân lương đầy đủ để nuôi dưỡng binh lính, thu thập thuế má cho đầy đủ để nuôi nấng công chức của quốc gia, để mọi người đều được tự tại, thoải mái, thảnh thơi. Muốn được vậy, đâu phải công chuyện một sớm, một chiều.

Trên, ta mới bàn qua về mặt vật chất, mà một vị Nguyên thủ quốc gia, và Lưỡng viện của chính phủ phải lo cho dân. Còn về mặt tinh thần, cũng phải lo giáo hóa dân, từ lớp Mẫu giáo cho đến tuổi thành niên. Phải nâng đỡ những nhà Văn, nhà Báo, những nhà Tư tưởng, để họ có đủ khả năng về vật chất để ấn loát, mà truyền bá tư tưởng, truyền bá những cái hay, cái đẹp cho thế hệ sau này ( Mục này tôi nghĩ các quốc gia trên thế giới quả là quá khiếm khuyết),

Quẻ Nhu còn khuyên ta: Phải biết chờ đợi. Phàm công chuyện gì mà mình đã làm hết sức, thời không nên nóng nẩy muốn gặt hái ngay thành quả. . .

Trái lại, hãy nên bình tĩnh, hãy dưỡng tâm, dưỡng trí, dưỡng thần, mà đợi ngày thành công tới.

Áp dụng vào ngày nay, có nhiều người ra trường mà không sao xin được việc làm. Ta phải bình tâm, suy xét xem ta đã khiếm khuyết cái gì. Sau khi biết, ta sẽ dễ dàng sửa chữa nó, và sau ta sẽ thấy ta xin việc dễ hơn trước nhiều. Ta đừng vội nản, và cho rằng Trời chẳng thương ta, hoặc sao số ta xui quá. Ta hãy phân tích xem ta đã làm theo những giai đoạn này chưa?

1. Môn ta đang học, ta có thật thích nó không? Hay chỉ theo học vì nó có cái bề ngoài sang trọng, hoặc là học theo sở thích của cha mẹ muốn nó. Nếu không thật thích, sao ta có thể hết sức cố gắng, chuyên cần, để hiểu nó một cách tường tận được.

2. Trong thời gian học, ta nên lợi dụng thời kỳ nghỉ hè, để xin vào làm công việc, giống như môn học của ta, để ta lấy kinh nghiệm, sau này khi tốt nghiệp ra ta dễ xin việc. Nếu có thể, hàng năm ta nên tập sự cùng một chỗ hay hơn, như vậy những nhân viên có kinh nghiệm trong sở, họ sẽ chỉ dẫn kinh nghiệm của họ cho ta một cách tường tận hơn.

3. Sau khi đã áp dụng 1, 2 ở trên mà ta cũng không xin được việc, thì là vì khả năng hấp thụ sự hiểu biết của ta hơi yếu. Nhưng đừng vội thất vọng, hãy tiếp tục học những lớp huấn luyện thêm về môn đó, nếu ta còn có đủ điều kiện vật chất để tiếp tục, nếu thiếu điều kiện, ta hãy xin một công việc thấp hơn ( dù nó ít lương hơn nhiều), nhưng phải cùng giống môn học của ta, và ta vẫn phải tiếp tục học lớp huấn luyện. Ta đừng bao giờ nản chí, như vậy sự thành công chắc chắn sẽ đến với ta.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |

Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30

No comments: