Friday, February 25, 2011

LUẬN NGỮ VIII







{1.1]. Khổng Tử nói: “Được học hành và thường ôn tập chẳng thích thú ư? Được bạn từ phương xa tới thăm viếng chẳng sung sướng ư?

[6.21]. Khổng Tử nói: Người có trí thích nước, người có nhân thích núi. Người trí ưa động ( như nước chảy); người nhân thích yên tĩnh (như núi ở một chỗ).Người trí thường vui vẻ, người nhân thì trường thọ.

[11.26]. Đức Khổng hỏi Tăng Tích:
"Trò Điểm sẽ làm gì?"
Tăng Tích đương gảy đàn sắt nghe thầy hỏi thì ngưng gảy đàn nhưng tiếng đàn còn vang, liền bỏ đàn xuống, đứng dậy đáp:" Chí tôi khác ba bạn kia.
Đức Khổng bảo:" Không hề gì.Mỗi người đều nói chí hướng của mình.
Tăng Tích thưa: " Về cuối mùa xuân tiết tháng ba, áo mùa xuân đã may xong, cùng năm sáu người bạn cỡ hai mươi, cùng sáu bảy cậu trai trạc 16 tuổi, dẫn nhau đi tắm ở sông Nghi (6), hứng gió ở đàn Vũ Vu (7). , rồi trên đường về cùng nhau ca vịnh."




Chương II

QUỶ THẦN


[3.12].Cúng bái như người khuất mặt hiện diện. Khổng tử nói: "Nếu ta bận việc chẳng dự được phải cho người đi thế thì lòng ta ái ngại như là không có tế lễ vậy." .

[11.12].Quý Lộ hỏi về sự thờ phượng thần linh. Khổng Tử đáp: " Đạo thờ người còn chưa biết, sao biết việc thờ thần linh?- Dám hỏi về sự chết. Ngài đáp: " Chưa biết sự sống sao biết sự chết?
[3.13]. Có tội với Tròi, cầu khấn thần linh nào cũng chẳng được.

[6.20]. Kính quỷ thần nhi viễn chi.敬鬼神而遠之 (Luận Ngư 6, Ung Dã)




Chươg III

HIẾU ĐỄ



(1.6).Khổng tử nói: “Này đệ tử, khi ở nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài xã hội thì kính trọng anh chị và bậc trưởng bối, làm việc phải cẩn trọng và giữ chữ tín; thương mọi người, mà gần gũi người nhân đức. Làm được bao nhiêu đó rồi, còn đủ sức nữa thì hãy học thêm văn chương.
(1.7).Tử Hạ nói: Người nào biết bỏ tật háo sắc mà hâm mộ người hiền, hết lòng thờ cha, mẹ, liều thân phụng sự quốc trưởng, giao tiếp với bạn bè thì giữ chữ tín; nếu ai bảo người này chưa được học hành, thì tôi đây nói rằng người đó đã có học rồi.


[1.9].Tăng Tử nói: (Người cai trị dân) Cẩn thận lúc (làm tang lễ ) cha mẹ , nhớ đến tổ tiên đời trước ( mà tế tự) , thì dân cảm cái đức dày mà quay về với đạo hiếu.


[1.11]. Khổng Tử nói:" Khi cha còn sanh tiền, kẻ làm con nên xem xét ý chí của cha. Khi cha mất rồi thì nên xem việc làm của cha . Cha mất, trong vòng ba năm mà không thay đổi đường lối của cha thì là người có hiếu.


[2.5]. Mạnh Ý Tử hỏi về đạo hiếu , Đức Khổng đáp rằng: " Chớ làm sai trái ." Khi Phàn Trì đánh xe cho Ngài, đức Khổng nói:" Mạnh Tôn có hỏi ta về đạo hiếu. Ta nói:" Làm con chớ nên làm trái ngược." Phàn Trì hỏi:"Như vậy nghĩa là gì? Đức Khổng giảng:" Làm con, khi cha mẹ sống phải phụng sự cho đúng lễ, khi cha mẹ mất, phải tống táng cho hợp lễ; khi cúng tế cha mẹ cũng phải giữ đúng lễ."
[2.6]. Mạnh Vũ Bá hỏi đức Khổng về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: " Làm cha mẹ chỉ lo sợ con bị bệnh tật.
[2.7]. Tử Du hỏi đức Khổng về đạo hiếu. Khổng Tử đáp: "Đời nay, hễ ai nuôi được cha mẹ thì được khen là người có hiếu. Người ta cũng nuôi loài vật như chó, ngựa., nếu nuôi cha mẹ mà không kính trọng thì khác gì nuôi loài vật?
[2.8}.Tử Hạ hỏi đức Khổng về đạo hiếu. Đức Khổng nói:" Đối với cha mẹ, lúc nào cũng phải giữ sắc mặt vui vẻ, hòa nhã; đó là việc khó mà làm được mới gọi là người con hiếu. Còn như cha anh có việc cần giúp đỡ mà mình làm hết lòng; có đồ ăn ngon mà đãi đằng cha anh , những việc đó há gọi là hiếu sao?


[4.18].Khổng tử nói: thờ cha mẹ thì phải biết can gián cha mẹ với lời lẽ ngọt ngào ( khi cha mẹ có sai lầm). Như thấy cha mẹ không thuận lòng, thì vẫn phải cung kính, chứ đừng làm trái nghịch. Nếu cha mẹ giận, bắt mình làm việc nhiều thì đừng oán trách.
[4.19].Khổng tử nói: Khi cha mẹ còn sống, không nên đi chơi xa. Nếu đi xa thì phải thưa trước.
[4.20]. Khổng tử nói:Ba năm không thay đổi đường lối của cha, ấy là có hiếu .
[4.21]. Khổng tử nói: Làm con phải biết tuổi cha mẹ, một là để vui mừng , hai là để lo sợ.


[13.8]. Diệp công nói với Khổng Tử rằng: " Ở làng xóm tôi có những người rất ngay thẳng rất mực như ông kia ăn trộm dê, con ra làm chứng khai thực. Đức Khổng Tử nói: " Ở xóm ta người ngay thẳng cư xử có khác. Cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, tình ngay thẳng vẫn ngụ trong đó vậy".

[14.7]. ( Cha mẹ ) thương con nên thường để cho nó ra công học hành. (Tôi ) trung nên lo việc dạy bảo, khuyên can.


[14.40]. Tử Trương hỏi: Kinh Thi có câu: " vua Cao Tông ở nhà Lượng Âm chịu tang ba năm, trong thời gian ấy, ngài chẳng hỏi về chính sự hoặc ra hiệu lệnh nào hết. Thầy nghĩ như thế nào?
Khổng Tử đáp: " Đợi chi đến Cao Tông, người xưa đều như vậy.Khi vua mất, vua mới ra ở nhà Lượng Âm, quyền hành giao cho quan Trủng Tể trong ba năm.

[17.20]. Tể Ngã nói "Tang ba năm nên thâu lại một năm cũng đủ. Để tang ba năm, (không ra ngoài ) thì không làm lễ thì việc học lễ sẽ bị băng hoại, Ba năm không học nhạc, nhạc cũng thoái bộ; Nếu một năm, lúa cũ hết, lúa mới gặt xong, những thứ dụng cụ dùng lấy lửa mỗi mùa cũng đã hết, cho nên để tang một năm cũng đủ. "
Đức Khổng nói: " (Trong khi chưa mãn tang ba năm) ăn gạo thơm (thay vì ăn gạo thô) ,mặc áo gấm thay áo sô, ngươi có an lòng không?"
-An lòng.
-Nếu an lòng thì ngươi cứ làm đi. Nầy, người quân tử khi cư tang, dẫu ăn thức ngon ngọt cũng không biết mùi vị, nghe nhạc cũng không thích thú, và chẳng an lòng chỗ mình ở. Cho nên chẳng thể làm theo ý của ngươi. Nay ngươi an lòng thì cứ làm theo ý mình đi.
Tể Ngã lui ra, Khổng Tử than phiền rằng: "Trò Dư bất nhân. Cha mẹ sanh ra ba năm mới hết ẳm bồng. Vậy tang ba năm là việc thường của đạo làm con. Có lẽ trò Dư không được cha mẹ yêu thương trong ba năm sao?

【19. 17】. Tăng Tử nói: "Ta nghe thầy ta nói:" Người ta dẫu chưa hết sức làm các việc nhưng trong tang cha mẹ phải hết lòng."
【19. 18】. Ta nghe thầy ta nói: "Mạnh Trang Tử là người hiếu thuận, các nết khác người ta có thể theo kịp; có hai nết này khó theo là không không thay những người cộng tác với cha, và đường lối của cha."




Chương IV

ĐẠO ĐỨC

- NHÂN NGHĨA - THIỆN ÁC- KẺ SĨ- QUÂN TỬ TIỂU NHÂN

(1.1). (Mình là người tài giỏi) Người đời không biết đến mình, mình cũng chẳng lấy làm buồn, như vậy chẳng phải là bậc quân tử sao?

(1.2). Hữu Tử nói: "Những người hiếu đễ mà làm phật ý người trên thì ta ít thấy; người không dám xúc phạm người trên, mà lại ưa làm loạn, ta cũng chưa từng thấy. Người quân tử chú trọng cái gốc, gốc vững vàng thì sinh ra đạo. Hiếu đễ là gốc của lòng nhân.”


[4.1]. Khổng Tử nói: " Xóm nhân hậu là xóm tốt. Người nào mà không biết chọn xóm nhân hậu mà ở thì sao gọi là có trí?
[4.2].
Khổng Tử nói:Kẻ bất nhân không thể sống mãi trong cảnh nghèo hèn và cũng không sống hoài trong cảnh an lạc. Người nhân hậu thì an phận đời nhân hậu, kẻ có trí thì biết lợi dụng lòng nhân hậu.
[4.3].
Khổng Tử nói:Kẻ có lòng nhân mới thương người và ghét người.
[4.4].Khổng Tử nói:Nếu người ta chuyên tâm làm điều nhân thì không phạm điều ác.



[4:5]. Khổng tử nói: Giàu với sang ai chẳng ham muốn? Nhưng giàu sang mà trái đạo thì thì người quân tử chẳng tham. Nghèo với hèn thì ai mà ưa? Nhưng vì đạo mà nghèo hèn thì người quân tử chẳng từ khước. Người mà bỏ lòng nhân thì sao xứng danh quân tử? Người quân tử không bỏ lòng nhân dù chỉ trong khoảng thời gian một bữa ăn. Lúc vội vàng, lúc ngửa nghiêng vẫn giữ lòng nhân.

[4.6].Khổng tử nói: Ta chưa thấy người nào yêu điều nhân và ghét điều bất nhân. Người thật tâm yêu điều nhân thì coi điều nhân là vô thượng. Người thật lòng ghét điều bất nhân, trong khi làm điều nhân thì không để điều bất nhân vướng vào thân mình. Có ai suốt ngày đem hết sức làm điều nhân không? Ta chưa thấy ai hết sức làm điều nhân mà không đủ, nếu có thì mắt ta chưa thấy.
[4.7].Khổng tử nói: Người ta phạm lỗi là tùy ở phe phái . Quan sát lỗi lầm của người, ta có thể biết họ có lòng nhân hay không.


[4.15].Khổng Tử nói : «Sâm ( Tăng Sâm ) à, đạo ta chỉ có một lẽ mà thông suốt tất cả.» Tăng Tử đáp: «Vâng.» Khổng Tử đi ra khỏi cửa, môn đệ hỏi Tăng Tử: «Thế nghĩa là gì?» Tăng Tử đáp: «Đạo của thầy chỉ là trung thứ mà thôi.».
[4:16].Khổng tử nói:Quân tử thích điều nghĩa, tiểu nhân tham điều lợi.
[4.17].Khổng tử nói: Thấy ai hiền đức, mình cố gắng cho bằng, thấy ai không hiền, đừng bắt chước.


[4.25].Khổng tử nói :Người có đức thì không lẻ loi, tất có bạn cũng trọng đạo đức như mình


[5.12]. Tử Cống nói: Việc gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho người." Đức Khổng Tử nói:" Trò Tứ, ngươi chưa đến mức đó đâu.

.
[5.14]. Tử Cống nghe thầy dạy điều gì thì lui về thực hành, ông sợ nghe (nhiều mà làm không kịp).


[5.15].Tử Cống hỏi đức Khổng Tử: " Tại sao ông Khổng Văn Tử được đặt thụy là Văn? Ông ấy minh mẫn lại ham học, cúi mình hỏi người dưới mà không xấu hổ cho nên được đặt thụy là Văn.
[5.16]. Khổng Tử khen Tử Sản có bốn điều đúng là người quân tử giữ đạo:-1. Khiêm cung trong tiếp nhân- 2. Thờ bậc trên thì kính trọng-3. ban ân huệ cho dân-4. Sai khiến dân phải lẽ.
[5.17]. Khổng Tử khen: "Ông Án Bình Trọng là người khéo giao thiệp với bằng hữu. Dù quen lâu ngày ông vẫn giữ mực cung kính.


[5.18].Ông Tử Trương thưa cùng Khổng Tử: " Ông Tử Văn ba lần được bổ làm lệnh doãn ( quan huyện) nước Sở , nhưng không có vẻ hân hoan, ba lần bị phế mà không có vẻ tức giận. Ông đem chính sự chỉ doãn cho quan lệnh doãn mới. Người như vậy là người thế nào?" Đức Khổng đáp: "Đó người trung với nước."Có phải là có lòng nhân không? Ta không biết, nhưng với lòng trung ấy sao gọi là nhân?" Thôi Tử giết vua Tề. Trần Văn Tử có mười cỗ xe bốn ngựa bèn bỏ mà đi. Đến nước khác, ông bảo : Bọn quan ở đây cũng như Thôi Tử, bèn bỏ đi. Đến nước khác, ông cũng nói vậy mà bỏ đi. Thưa thầy, người như vậy thì thế nào?" Khổng Tử đáp: "Có thể gọi là người nhân không? Ta không biết. Nhưng với các đức trong sạch ấy, sao gọi là nhân?"

[5.19]. Quý Văn Tử suy nghĩ ba lần mới làm. Khổng Tử nghe vậy nói rằng: " Hai lần là được rồi!"
[5.21]. Khổng Tử nói: " Khi nước thịnh trị, Ninh Vũ Tử là người có trí, khi nước loạn ly, ông trở thành người ngu. Cái khôn của ông có người theo kịp, còn cái ngu của ông không ai theo được.

[5.23].Khổng Tử nói: " Bá Di, Thúc Tề không nhớ việc xấu đã qua của người khác cho nên it bị oán trách."

[5.24]. Khổng Tử nói: Ai bảo Vi Sanh Cao là người ngay thẳng? Có người hỏi anh ta mà xin giấm. Anh ta bèn sang nhà hàng xóm xin cho.
[5.25]. Khổng Tử nói: Nói năng khéo léo, mặt mũi trau chuốt, thái độ cung kính quá đáng, Ông Tả Khâu Minh lấy làm hổ thẹn, Khâu đây cũng hổ thẹn. Trong bụng oán ghét người mà vẫn thân thiết như bạn, Tả Khâu Minh hổ thẹn, Khâu này cũng hổ thẹn.

{5.26].Nhan Uyên và Quý Lộ đứng hầu đức Khổng. Khổng Tử bảo: " Sao không nói ý chí của các ngươi cho ta nghe? Tử Lộ nói : "Tôi mong có xe mà đi, có ngựa mà cỡi, có áo khinh cừu mà mặc và để cho các bằng hữu cùng hưởng với tôi. Dẫu họ có dùng hư hao, tôi cũng chẳng buồn.
Ông Nhan Uyên nói " Chí nguyện của tôi là không khoe khoang điều thiện của tôi, và không tâng bốc công lao của tôi.
Tử Lộ bèn thưa rằng:" Chúng con muốn nghe ý nguyện của Thầy.
Khổng Tử đáp: :"Ta muốn cho người già cả được an vui, bạn bè tin cậy ta và trông nom bọn trẻ."


[5.27]. Khổng tử nói:"Thôi hết rồi! Ta chưa thấy ai biết điều lỗi của mình mà tự trách và ăn năn.
[5.28]. Khổng tử nói: Trong xóm có mười nhà, ắt có người trung hậu như Khâu này, nhưng ít có ai ham học như Khâu này.

[6.1].Khổng Tử nói: "Trò Ung ( Trọng Cung) có thể ngồi quay mặt về hướng nam.
[6.2].Trọng Cung hỏi đức Khổng Tử về ông Tử Tang Bá Tử. Khổng Tử đáp: " Ông ấy cũng khá vì có tính giản di. Trọng Cung thưa: "Tự mình đối với người thì cung kính, trị nước thì dùng phép giản tiện, không phiền nhiễu dân, như vậy có phải là người tốt không? Còn như cư xử giản dị, và trị dân cũng giản dị, có phải là giản dị quá đáng không? Khổng Tử nói: "Trò Ung nói đúng".

[6.3].Vua Ai Công nước Lỗ hỏi Khổng Tử: "Trong các học trò của Ngài, ai là người ham học nhất?Khổng Tử đáp: "Nhan Hồi là người hiếu học. Trò ấy mỗi giận ai thì không giận lây qua kẻ khác, nếu trò ấy phạm lỗi thì không phạm lần thứ hai; nhưng chẳng may, trò ấy vắn số. Hiện nay chẳng có ai được như vậy nữa. Ta chưa nghe nói có ai hiếu học.


[6.4]. Tử Hoa ( Xích, Công Tây Xích) đi sứ nước Tề. Tử Dư đến xin thóc cho mẹ Tử Hoa. Khổng Tử nói: Hãy cấp cho một phủ." Nhiễm Dư xin thêm. Khổng Tử bảo cấp một dữu. bèn cấp 5 bỉnh. Đức Khổng Tử quở: " Trò Xích đi sang Tề, cỡi ngựa mập, mặc áo lông chiên mịn. Ta từng nghe rằng:" Người quân tử cứu giúp kẻ nghèo, chứ chẳng làm giàu cho nhà giàu".

[6.5]. (Khổng Tử làm Tư Khấu nước Lỗ), cất Nguyên Tư (học trò của Ngài ) làm quan tể ( quản lý trong nhà đại thần), và cấp 900 hộc thóc. Nguyên Tư chẳng nhận. Khổng Tử dạy: " Sao không nhận? Lấy để cung cấp cho bà con, làng xóm nghèo mà không được ư?".
[6.6]. Khổng Tử nói về Trọng Cung: " Con bò tơ, con của con bò lang, tuy sắc đỏ, sừng đều đặn, nhưng người ta ghét cha mẹ nó lang nên chẳng dùng mà tế, nhưng thần sông núi đâu có bỏ nó
( mà không hưởng).


[6.5]. Khổng Tử nói: " Trò Hồi ( Nhan Hồi) trong ba tháng luôn nghĩ đến điều nhân. Còn các đệ tử khác chỉ giữ được một ngày, một tháng là cùng.
[6.6]. Ông Quý Khương Tử hỏi đức Khổng : " Ông Trọng Do có thể ra làm quan (đại phu) không? Khổng Tử nói: " Do là người quả quyết, làm chính trị có khó gì! Lại hỏi: Ông Tứ ( Tử Cống) có thể tham chính không? Khổng Tử đáp: "Tứ là người thông tình đạt lý, làm quan được lắm chứ! Lại hỏi: "Ông Nhiễm Hữu làm quan được không? Khổng Tử đáp : "Cầu có nhiều tài nghệ, làm quan cũng dễ thôi !"

[6.7].Họ Quý ( nước Lỗ ) mời Mẫn Tử Khiên làm quan Tể ấp Phí. Mẫn Tử Khiên nói với sứ giả:
" Xin ông dùng lời khéo léo từ chối dùm tôi."Nếu còn ai đến triệu tôi nữa thì tôi bỏ lên sông Vấn mà ở.



[6.9]. Khổng tử nói: Trò Hồi rất hiền ! Ở trong ngõ hẹp với giỏ cơm, bầu nước. Sống trong cảnh đó không ai chịu nỗi ưu sầu, thế mà trò Hồi vẫn vui vẻ. Trò Hồi thật là người hiền!
[6.10]. Nhiễm Cầu thưa với Khổng Tử: " Không phải con không yêu Đạo mà vì sức con không theo nổi. Khổng Tử nói: "Không đủ sức, nửa đưởng bỏ dở. Còn ngươi ( không phải không đủ sức) chỉ đến mức đã vạch rồi không chịu tiến lên."


[6.11].Đức Khổng khuyên Tử Hạ: " Ngươi nên làm nhà nho quân tử, đừng làm nhà nho tiểu nhân."
[6.12].Ông Tử Du làm quan tể ấp Võ Thành, đức Khổng Tử hỏi: " Ngươi có những ai đắc lực ( phò tá)? Tử Du đáp: "Có Đam Đài Diệt Minh. Ông không đi tắt, nếu không phải việc công thì chẳng đến nhà Yển vậy.
[6.13]. Khổng tử nói: "Mạnh Chi Phản chẳng khoe mình. Lúc thua chạy, ông ở lại sau.Đến khi vào thành, ông giơ roi quất ngựa, nói" Ta chẳng can đảm mà ở lại sau, chẳng qua con ngựa của ta không xông lên mà thôi.


[6.14]. Khổng tử nói: Nếu chẳng có khẩu tài như quan Chúc tên Đà, cùng có sắc đẹp như công tử Triều nước Tống, thì khó bị đời sau ghét bỏ.
[6.15]. Khổng Tử nói: " Có ai ra khỏi nhà mà không qua cửa? Tại sao lại không theo Đạo ( mà hành động)?
[6.16]. Khổng tử nói : Chất phác thắng văn vẻ là quê mùa, còn văn vẻ thắng chất phác thì ngay thẳng ( như quan chép sử). Văn và chất bằng nhau là người quân tử.



[6.17]. Khổng Tử nói: " Người ta sinh ra vốn có tính ngay thẳng." Nếu họ cong vẹo mà sống được đó là do may mắn mà thoát chết.
[6.18]. Khổng tử nói: Biết đạo chẳng bằng yêu đạo; yêu đạo chẳng bằng vui với đạo."
[6.19]. Khổng tử nói: Từ người bậc trung sắp lên mới nên dạy đạo lý cao.siêu. Người từ bậc trung trở xuống thì đừng.

[6.20]. Phàn Trì hỏi về trí. Khổng Tử đáp: " Chuyên làm việc nghĩa giúp người, kính trọng quỷ thần nhưng đừng gần gũi, như vậy có thể gọi là trí.
Phàn Trì hỏi về nhân. Khổng Tử đáp: " Người nhân trước phải làm việc khó, sau mới thu hoạch (thành quả của mình), như vậy có thể gọi là nhân.

[6.22].Khổng Tử nói: "Nước Tề biến đổi thêm nữa thì bằng nước Lỗ; nước Lỗ biến đổi thêm nữa thì đạt đạo.


[6.24]. Tể Ngã hỏi đức Khổng : "Có người đến báo cho bậc nhân đức rằng có kẻ té xuống giếng, bậc nhân đức có nhảy xuống cứu không?"
Khỗng Tử đáp: "Người nhân đức phải làm gì? Người quân tử nên đến đó tìm cách cứu chứ chẳng nên nhảy xuống mà hại thân mình. Người quân tử có thể bị gạt bởi những câu nói có lý, chứ không bị mê lầm bởi những lời nói vu vơ.
[6.25]. Đức Khổng nói: "Người quân tử trước học văn chương cho sâu rộng, sau đó theo lễ giáo mà kiềm chế bản thân, nhờ vậy mà không trái đạo lý.



[6.27].Khổng tử nói "Trung dung là các một đức tốt, nhưng tiếc rằng đã lâu it ai đat được."
[6.28]. Tử Cống hỏi Khổng Tử:" Nếu có người thi ân bố đức khắp dân, lại cứu cứu tế đại chúng, người đó là người như thế nào? Có thể gọi là người nhân không? Khổng Tử nói: Sao chỉ gọi là người nhân thôi? Ấy là bực thánh. Vua Nghiêu, vua Thuấn cũng khó làm được việc ấy Người nhân ấy là người muốn cho mình trở thành người nhân cũng muốn cho người xung quanh cũng trở thành người nhân. Ấy là những phương pháp để trở thành người nhân đức vậy.


[8.1].Khổng tử nói: Ông Thái Bá đúng là bậc chí đức. Ông quyết nhường thiên hạ một cách kín đáo, không để cho thiên hạ ca tụng công đức mình.
[8.2].Khổng tử nói: " Cung kính mà vô lễ thì chỉ nhọc sức; cẩn thận mà vô lễ thành ra hèn nhát; dũng cảm mà vô lễ hóa ra ngỗ nghịch; ngay thẳng mà vô lễ thành ra sỗ sàng.
Người quân tử nếu trọn đạo với người thân,thì dân chúng sẽ phát sinh lòng nhân ái. Nếu ( người quân tử ) chẳng bỏ bạn cũ , thuộc hạ xưa thì dân chúng chẳng phụ bạc.


[8.4]. Tăng Tử bệnh nặng, Mạnh Kính Tử đến thăm hỏi. Tăng Tử nói: Con chim sắp chết, tiếng kêu bi ai, người sắp chết nói lời hiền lành. Người quân tử có ba điều phải quý trọng:
-Dung mạo an nhiên, không lộ vẻ giận dữ, hung ác.
-Vẻ mặt thành thật
-Ngôn ngữ nên thanh tao, lịch sự.
Còn việc tế lễ đã có quan hữu tư trông nom, mình không cần bận tâm.
[8.5].Tăng Tử nói: "Mình giỏi mà đi hỏi người kém, mình có nhiều đức lại đi hỏi kẻ ít đức; mình có mà tự coi như không; mình thực mà tự coi như hư; bị xúc phạm mà chẳng tranh cãi . Ngày xưa, bạn ta thường theo hạnh ấy. (Ý khen Nhan Hồi có hạnh này)

[8.6]. Tăng Tử nói " (Giả sử có bậc đại thần ) được giao cho việc phù tá một hoàng tử mồ cơi, lớn khoảng sáu thước ( tức khoảng sáu gang tay hay sáu tấc tây, nghĩa là khoảng năm sáu tuổi), và giao vận mạng một nước lớn trăm dặm để bảo vệ, trong cơn nguy biến, người đó không để cho ai đoạt tiết tháo của mình, vậy người đó có phải là bậc quân tử không? Khổng tử đáp:" Người đó chính là bậc quân tử vậy."


[8.7]. Tăng Tử nói : "Kẻ sĩ phải có chí khí rộng lớn và cương nghị. Gánh nặng đường xa . Đức nhân là một gánh nặng, há coi là không nặng sao? Đã làm điều nhân thì phải làm cho đến chết mới thôi, như vậy con đường chẳng xa sao?



[8.11].Khổng tử nói:" Nếu có tài , có sự nghiệp như Chu Công mà kiêu căng và biển lận thì không ai coi ra gì nữa.


[8.13].Khổng tử nói: Thành tín, ham học, chịu chết giữ đạo đức. Không nên vào nước nguy, không nên ở nước loạn, thiên hạ hữu đạo thì ra làm quan, còn gặp thời vô đạo thì nên ẩn dật mà tu đạo. Nước nhà hữu đạo ( thịnh trị) mà mình chịu cảnh bần cùng là điều đáng xấu hổ. Nước nhà nguy vong mà mình giàu sang, cũng là điều đáng thẹn thùng.



[9.23].Khổng tử nói: Nếu người ta đem pháp ngữ mà dạy dỗ ta, ta há không nghe sao? Cái quý nhất là mình phải thay đổi ( bỏ những cái xấu). Người ta khiêm tốn dạy bảo mình , mình há không vui vẻ sao? Cái quý nhất là phải thay đổi. Vui vẻ mà không thay đổi, nghe theo mà chẳng sửa lỗi, người như thế thì ta không thể nào làm gì được!
[9.24].Khổng tử nói:Phải giữ trung tín, không nên kết bạn với những ai không giống mình. Nếu có lỗi lầm thì phải can đảm sửa đổi.



[9.25].Khổng Tử nói: " Người ta có thể bắt sống vị tướng soái giữa chốn ba quân, nhưng không ai có thể đoạt cái chí khí của một kẻ thất phu."
[9.26]. Khổng Tử nói: "Mặc trường bào cũ, rách mà đứng chung với những người mặc áo hồ, áo lạc mà không xấu hổ, chỉ có trò Do thôi! (Khổng Tử đọc hai câu trong Kinh Thi ) "Không đố kị, không tham cầu" sao lại chẳng tử tế với người?". Tử Lộ ( nghe thầy khen thì thích lắm) đọc hai câu đó suốt đời. ( Thực hiện ) hai điều trên ("Không đố kị, không tham cầu ) há chẳng thành người tốt sao?
[9.27]. Khổng Tử nói: " Trong năm đến mùa rét, (các cây cối rụng lá hết) , nhiên hậu mới biết cây tùng, cây bách là xanh tươi mãi cho đến hết mùa đông mới điêu tàn.

[12.1].Nhan Uyên hỏi về nhân. Khổng Tử đáp: " Nhân tức khắc kỷ, phục lễ. Nếu khắc kỷ phục lễ trong một ngày thì mọi người quay về điều nhân. Nhan Uyên nói: " Xin thầy nói rõ vài điều mục."
Khổng Tử nói: "Sắc không hạp lễ thì đừng xem. Âm thanh không hạp lễ thì đừng nghe.Lời không hạp lễ thì đừng nói. Việc chẳng hợp lễ thì đừng làm. Bốn điểm đó là điều mục của nhân.
Nhan Uyên nói : "Hồi này dù không minh mẫn cũng xin tuân theo lời thầy dạy."

[12.2]. Trọng Cung hỏi về Nhân. Khổng Tử đáp: " Khi ra khỏi nhà phải nghiêm trang như gặp khách quý. Khi khiến dân làm việc công cũng nên coi như tế lễ. Trong nước, không ai oán mình, trong nhà không ai trách mình.
Trọng Cung thưa: "Cung tuy ngu dốt, cũng xin tuân lời thầy dạy.
[12.3]. Tư mã Ngưu hỏi về nhân. Khổng Tử đáp: " Người có nhân phải nhịn nói." Tư Mã Ngưu hỏi: "Nhịn nói mà là người nhân sao?"
Khổng Tử đáp: "( Nói dễ ) làm khó. Vậy há chằng nên nhịn nhục khi muốn nói sao?"


[12.8]. Cức Tử Thành nói : Bậc quân tử cần cái chất là đủ, không cần cái văn. Tử Cống đáp: "Tiếc thay, ngài có bụng quân tử mà nói vậy. Nhưng một lời đã nói, bốn ngựa khó theo. Văn cũng như chất chất cũng như văn. Nếu bỏ cái lông (văn) thì da chó, da dê cũng như nhau thôi!
[12.19]. Tử Trương hỏi: "Kẻ sĩ phải làm gì mới đạt đạo? Đức Khổng hỏi:"Đạt là thế nào? Đạt là trong nước được tiếng khen, trong nhà được tiếng khen. Đức Khổng nói: "Như thế là văn chẳng phải đạt. Này, người đạt thì chất phác, ngay thẳng, mà ưa làm việc nghĩa; biết lắng nghe người ta nói, mà xem sắc mặt; biết liệu định mà nhường nhịn người. Người như vậy trong nước,trong nhà đều đạt. Còn người văn (có danh tiếng), bề ngoài làm ra vẻ nhân mà hành động thì trái với điều nhân mà vẫn cho rằng mình nhân. Người như vậy trong nước,trong nhà đều được khen ngợi!

[12.20]. Phàn Trì theo đức Khổng dạo chơi dưới dàn Vũ Vu ( nước Lỗ), hỏi đức Khổng:" Đệ tử xin hỏi thầy về tôn sùng đạo đức, sửa điều lỗi và tìm ra sự mê lầm. Đức Khổng nói: " Câu hỏi của trò rất hay! Trước tiên phải làm điều thiện thì sau mới có thể nói mình đã được điều thiện. Đó chẳng phải là cách tôn sùng đạo đức ư? Mình phải tấn công điều ác của mình, đừng công kích điều xấu xa của người. Đó chẳng phải là cách sửa lỗi sao? Trong một phút tức giận, mình hại mình, lại hại luôn cha mẹ mình, đó chẳng phải là lầm sao?

[12.21]. Phàn Trì hỏi về nhân. Đức Khổng đáp: Nhân là thương người. Hỏi về trí, Ngài đáp:" Trí là biết người. Phàn Trì chưa hiểu, Ngài nói: Đề cử người chính trực, loại bỏ kẻ gian tà, có thể dạy kẻ gian tà thành ngay thẳng. Phàn Trì lui ra, đến thăm Tử Hạ, nói: Trước đây, tôi đến thăm thầy hỏi về trí, thầy đáp: cất nhắc người ngay thẳng, loại trừ kẻ gian tà, khiến kẻ gian thành người ngay. Thầy nói như vậy có ý gì?
Tử Hạ đáp: Lời ấy sâu rộng lắm. Vua Thuấn (2.255 AC-2205AC) khi lấy được thiên hạ tuyển chọn hiền tài trong dân chúng, cất nhắc ông Cao Dao, bọn bất nhân đều tránh xa. Kế vua Thành Thang (1766AC-1753AC) được thiên hạ, tuyển chọn (hiền tài) trong dân chúng, được Y Doãn , bọn bất nhân đều tránh xa.


[13.19]. Phàn Trì hỏi về điều nhân. Khổng Tử nói: "Khi ở nhà giữ dung mạo khiêm cung; khi làm việc thì cung kính; khi giao thiệp thì lấy lòng chân thành. Dầu có đi đến nơi mọi rợ phương đông, phương bắc cũng không thay đổi các điều đó.
[13.20]. Tử Cống hỏi phu tử: " Phải làm gì cho xứng là kẻ sĩ? Khổng Tử đáp: Phải biết xấu hổ trong mọi cử chỉ và hành động. Khi đi sứ bốn phương, đừng làm nhục quốc thể thề là kẻ sĩ.
Kẻ sĩ bậc kế nữa thì ra sao?" Phu Tử đáp: "Ấy là kẻ được họ hàng khen là có hiếu với cha, làng xóm khen là thảo thuận với anh em.
Tử Cống nói: Dám hỏi kẻ sĩ bậc dưới nữa thì sao? Khổng Tử đáp: "Kẻ sĩ là người nói năng biết giữ lời, làm việc thì quả quyết, tuy gần hạng tiểu nhân, cũng có thể xếp vào loại kẻ sĩ hạng ba.
Tử Cống hỏi: " Đời nay kẻ sĩ ra làm quan, thầy nghĩ họ như thế nào? Đức Khổng than:" Ôi bụng dạ họ nhỏ nhặt như cái đấu (1), trí óc hẹp hòi như cái sao (2), nói làm gì!
[13. 21]. Đức Khổng nói: " Ta đây chưa đạt mức trung dung để truyền đạo, nhưng trong các đệ tử của ta caó hai hạng này:
-Hạng cuồng tức là có chí cao cả
-Hạng quyến: tức hạng tiết tháo.
Người cuồng có sức tiến thủ trên con đường đạo. Người quyến thì giữ bền khí tiết, không phải việc nghĩa thì không làm.



[13.22]. Đức Khổng nói" Người phương Nam có câu: " Nếu con người không có hằng tâm thì thầy cúng hay thầy thuốc đều không được." Câu ấy hay quá. (Kinh Dịch, quẻ Hằng có câu) " Nếu chẳng có đức Hẳng thì bị thiên hạ chê cười! Khổng Tử nói: " Con người chẳng chiêm nghiệm lời ấy mà thôi!
[13.23]. Khổng Tử nói: " Quân tử hòa mà không đồng, tiểu nhân đồng mà không hòa.
[13.24]. Tử Cống hỏi: "Người mà đuợc mọi người ưa chuộng thì người ấy ra sao? Khổng Tử nói: "Chưa chắc là người tốt".
Tử Cống hỏi: Người mà mọi người ghét thì sao?
Khổng Tử đáp:" Chưa chắc là người xấu. Người nào mà được người hiền ưa thích, người xấu ghen ghét thì là người tốt.


[13.25]. Khổng Tử nói: " Người ta dễ cộng sự với người quân tử nhưng khó làm cho người quân tử vui lòng là vì làm đẹp lòng mà không theo đạo đức thì làm sao đẹp lòng? Còn người quân tử chọn người theo việc là được (không đòi hỏi cao).
Đối với kẻ tiểu nhân thì khó làm việc nhưng dễ làm đẹp lòng. Bởi vì muốn làm vui lòng kẻ tiểu nhân dẫu không theo đạo đức cũng làm họ đẹp lòng, còn tiểu nhân cần người sai khiến thì cần người tài giỏi .
[13.26]. Khổng Tử nói: "Bậc quân tử thì dáng mạo thư thái mà không kiêu căng,; kẻ tiểu nhân thì kiêu căng mà không thư thái
[13.27]. Khổng tử nói: " Người cương quyết, giàu nghị lực, mộc mạc, ít nói là người gần đến mức nhân.



[13.28]. Tử Lộ hỏi: " Phải làm gì cho xứng đáng là kẻ sĩ? Đức Khổng đáp: "Phải đối dãi với mọi người chân tình, luôn giữ hòa khí thì xứng đáng là kẻ sĩ. (Nghĩa là ) đối với bạn bè thành thật, đối với anh em thì hòa thuận.
[13.29]. Đức Khổng Tử nói rằng bậc thiện nhân đứng ra giáo hóa dân chúng trong bảy nănm, họ sẽ thành những chiến sĩ giỏi.
13.30]. Đức Khổng Tử nói: "Chẳng huấn luyện dân mà bắt dân đi đánh giặc tức là đưa lính đến chỗ thua, chỗ chết vậy.





[14.1]. Ông Hiến hỏi về sự xấu hổ. Khổng Tử đáp: "Lúc nước nhà thịnh trị, làm quan ăn lương triều đình; đến lúc nước nhà loạn lạc mà ăn bổng lộc, như vậy là xấu hổ.
(Ông Hiến hỏi): Háo thắng, khoe khoang, oán giận và tham dục nhưng biết dằn xuống, như vậy có thể là nhân chăng? Đức Khổng nói: "Dằn được tính ấy là khó lắm, nhưng ta không biết đó là nhân hay không.
[14.2]. Khổng Tử nói : Kẻ sĩ mà mong muốn được ở nơi sung sướng thì chẳng đáng gọi là kẻ sĩ.
[14.3]. Đức Khổng nói : " Khi đất nước thanh bình, mình có thể đưa ra những cao kiến, hành động thanh cao. Khi trong nước tao loạn, mình vẫn có thể ăn nói cao minh, hành động thanh cao nhưng phải dè dặt khiêm tốn .



[14.4]. Khổng Tử nói: " Người có đức ắt có tài ngôn ngữ, người có tài ngôn ngữ chưa chắc có đức. Người có nhân thì có lòng dũng cảm, người dũng cảm chưa chắc có nhân.
[14.5]. Nam Cung Quát hỏi Khổng Tử: " Ông Nghệ (ngày xưa nổi tiếng ) thiện xạ; ông Nghiệu có sức mạnh kéo thuyền trên cạn thế mà cả hai bất đắc kỳ tử. Ông Vũ, ông Tắc tự mình cày ruộng, thế mà sau được thiên hạ, (Xin thầy cho biết ý kiến của thầy về các việc này). Đức Khổng chẳng đáp. Khi Nam Cung Quát lui ra, đức Khổng mới nói với đệ tử: " Người ấy là bậc quân tử! Người ấy rất chuộng đức.
[14.6]. Đức Khổng Tử nói : Người quân tử có khi là kẻ bất nhân chứ kẻ tiểu nhân chưa bao giờ làm được điều nhân.


[14.20]. Ai khoe khoang mà không xấu hổ thì khó làm được như nói.


[14.22]. ( KHổng Tử dạy: Tôi phải trung thành với vua). Tử Lộ hỏi về việc thờ vua. Khổng Tử nói: Đừng lừa dối vua. Vua sai lầm thì phải dùng trực ngôn can gián, đừng sợ mất lòng.
[14.23]. Khổng Tử nói" Bậc quân tử thì đạt mức cao, còn tiểu nhân thì đạt mức thấp mà thôi.
[14.24]. Khổng tử nói: Người đời xưa vì mình mà học đạo; người đời nay vì người mà học đạo.


[14.25]. Cừ Bá NGọc sai sứ giả đến thăm Khổng Tử. Khổng Tử mời khách ngồi, rồi hỏi: " Thầy ngươi ở nhà làm gì?
Khách đáp: Thầy tôi hằng ngày muốn bớt dần những điều lầm lỗi nhưng chưa làm được.
Khi khách đi rồi, Khổng Tử khen:" Sứ giả này khôn khéo lắm! Khôn khéo lắm!"
[14.26].Đức Khổng nói: " Nếu mình không có địa vị trong nước thì đừng lo việc chính trị của nước ấy." (Câu 14.26 giống chương Thái Bá 8.15 )
[14.27]. Tăng Tử nói: " Người quân tử lo toan việc gì cũng không ngoài địa vị của mình.


[14.31]. Đức Khổng nói: "Đạo quân tử có ba điều mà ta không làm được một, là có nhân, nghĩa là không lo buồn; có trí tức chẳng lầm lạc; có dõng tức là không sơ sệt. Tử Cống thưa rằng: "Thầay nói khiêm đó thôi!
[14.32]. Tử Cống hay bình luận người ( người này hay, người kia dở) . Đức Khổng Tử nói rằng: " Trò Tứ hiền thay! Còn ta tự xét mình chưa xong, đâu có thể xét người.
[14.33]. .Đức Khổng nói: "Đừng lo người chẳng biết ta, mà hãy lo ta chẳng đủ tài đức. (Câu này hơi giống câu 1.1, và giống hoàn toàn 1.16.)

[15.18]. Khổng Tử nói: "Người quân tử làm gì cũng lấy đạo nghĩa làm căn bản, lấy lễ mà thi hành mọi việc; lấy khiêm tốn mà xuất xử, và nhờ biết giữ chữ tín mà thành công. Làm được như vậy thì đúng là bậc quân tử!


[15.19]. Khổng Tử nói": Người quân tử buồn vì mình không đủ tài chứ không buồn vì đời chẳng ai hiểu mình.
Câu này giống câu 1.1; 14.32, và gần chủ đề của câu 14.37)
[15.20]. Khổng Tử nói: " Chết mà không để lại danh tiếng, ấy là điều mà người quân tử rất ghét..
[15.21]. Khổng Tử nói: "Quân tử cầu mình, tiểu nhân cầu người."



[15.32].Khổng tử nói: Người quân tử lo đạo chứ không lo ăn. Người cày ruộng lo cày bừa gặp lúc mất mùa thì đói khổ. Còn kẻ sĩ khi theo học đã có bổng lộc cho nên quân tử lo đạo chứ không lo nghèo.
[15.33].Khổng tử nói: " Mình có kiến thức nhưng không có đủ lòng nhân dầu được cũng mất đi." Có trí thức, biết giữ lòng nhân nhưng không có dáng mạo trang nghiêm thì dân không kính phục. Mình có trí, có nhân, có phong thái trang trọng mà không biết lễ thì chưa phải là người cầm quyền toàn thiện.



[15.34]. Khổng tử nói: " Không thể do việc nhỏ mà luận bậc quân tử vì người quân tử có thể đảm nhiệm công việc lớn lao. Còn kẻ tiểu nhân không thể làm việc lớn nhưng làm việc nhỏ có thể xuất sắc.
[15.35]. Khổng tử nói: " Dân cần đức nhân hơn là nước với lửa. Tuy nhiên, có người sa vào lửa nước mà chết chứ chưa thấy ai chết vì nhân nghĩa bao giờ.
[15. 36].Khổng tử nói: " Làm điều nhân thì nên tranh đua đừng nhường ai dầu là thầy của mình.


[15.37].Khổng tử nói: " Người quân tử phải quyết tâm giữ thành tín, chứ không phải giữ sơ sài.
[15.38].Khổng tử nói: " Thờ vua thì phải làm tròn bổn phận sau mới tính chuyện lương bổng.


[15.4]. Khổng Tử nói: "Này trò Do. Chẳng mấy ai hiểu được người có đức.

[15.5]. Khổng Tử nói: Không làm gì mà nước nhà trị an, đó là vua Thuấn chứ còn ai nữa? Ngài làm gì không? Ngài chỉ cung kính, ngồi day mặt về phương Nam thôi.
[15.6]. Tử Trương hỏi về thông hành ( nghĩa là đi đâu cũng thông suốt, thuận lợi). Khổng Tử đáp: " Người nào nói giữ lời và thành thật, hành động hết dạ, và kính cẩn, dù vào xứ mọi rợ cũng thuận lợi. Còn những kẻ nói năng không trung tín, hành động không đốc kính, dầu ở thành thị hay làng xã cũng không được thông suốt. Khi đứng, cũng thấy sự trung tín trong lời nói, và sự đốc kính trong việc làm hiện ra trước mặt; khi ngồi xe cũng thấy có đức hạnh ở bên tay xe. Giũ được như vậy thì được thông hành. Tử Trương bèn ghi chép lời thầy mà đeo vào dây lưng.

[15.7]. Khổng Tử nói" Sử quan Cừ Bá NGọc là người ngay thẳng thay! Khi nước nhà thịnh trị, ông ngay thẳng như mũi tên. Khi nước nhà loạn lạc, ông vẫn ngay thẳng như mũi tên! Ông Cừ Bá Ngọc là người quân tử. Khi nước nhà thịnh trị, ông ra làm quan, khi nước nhà ly loạn, ông ẩn dật nhưng vẫn giữ đạo đức và ghi mãi trong tâm..
[15.9]. Khổng Tử nói: " Bậc có chí và có nhân không thể vì mạng sống của mình mà làm hại điều nhân. Những người này có thể tự mình quyên sanh để giữ đức nhân vậy.


[15.10]. Tử Cống hỏi về việc làm điều nhân. Khổng Tử đáp: " Một người muốn làm một món đồ tốt thì phải sắm dụng cụ tốt. Ở trong nước nên chọn bậc đại phu hiền đức mà tôn làm thầy, và nên tìm kẻ sĩ có lòng nhân mà kết nghĩa bè bạn.

[14.10]. Đức Khổng Tử nói: Giàu có mà không kiêu căng thì dễ, nhưng nghèo khổ mà không oán trách thì khó lắm.

[14.12]. Tử Lộ hỏi về sự thành nhân. Khổng Tử nói" Nếu ai có trí như Tang Vô Trọng, thanh liêm như Mạnh Công Xước, dõng cảm như Trang Tử dất Biện và tài nghệ như Nhiễm Cầu là những người có văn , lễ nhạc thì có thể gọi là thành nhân ( tức là người hoàn hảo.). Ngài nói tiếp: " Những bậc thành nhân đời nay hà tất phải có đủ các tài đức đó! Nếu ai thấy lợi mà không quên nghĩa, thấy thế nguy mà dám hy sinh, đã húa hẹn thì không quên lời, người như vậy cũng đáng gọi là bậc thành nhơn rồi!

[16.7]. Khổng Tử nói: " Người quân tử có ba điều phải kiêng dè:
-Lúc trẻ, khí huyết bồng bột, nên phòng nữ sắc. Đén lúc tráng niên, huyết khí phương cương, nên phòng việc đánh nhau. Đến lúc già, khí huyết suy vi, nên tránh việc tom góp.
[16.8]. Khổng Tử nói:" Bậc quân tử nên có ba điều sợ:" sợ mạng trời, sợ đại nhân và sợ lời dạy của thánh nhân.
[16.9]. Đức Khổng nói: " Con người sanh ra tự nhiên mà biết đạo lý, đó là hạng cao thượng. Học rồi mới biết là hạng thứ hai. Trí óc ngu độn nhưng chịu khó học tập, đó là hạng ba. Ngu dốt mà lại không chịu học đạo lý là hạng thấp kém vậy.


[16.10]. Khổng Tử nói: " Người quân tử có 9 điều lo nghĩ:
-(1). Khi trông thấy thì phải nhìn thấy cho rõ ràng.
-(2).Khi nghe phải nghe cho rõ.
-(3). Sắc mặt phải luôn giữ ôn hòa.
-(4). Dung mạo phải khiêm cung.
-5). Nói phải trung thực
-(6).Làm việc phải kính cẩn.
-(7). Có nghi ngờ thì phải hỏi.
-(8).Khi giận thì phải lo tai họa có thể xảy ra.
-(9). Thấy lợi phải nghĩ đến đạo nghĩa.
[16.11]. Khổng Tử nói:" Thấy ai làm điều thiện phải luôn gắng theo cho kịp người. Thấy ai làm ác thì tránh xa như tránh nước sôi, lửa cháy. Hai việc ấy, ta có thể thấy và nghe.
Ẩn cư nơi thôn dã để dưỡng chí thanh cao của mình. Ra làm quan là để làm tròn nghĩa vụ và đạt đạo của mình. Hai điều ấy, ta vẫn nghe nói nhưng chưa thấy ai làm.
[16.12]. Vua Tề Cảnh công có ngàn cỗ xe tứ mã, khi vua chết, dân chẳng khen ngợi. Bá Di, Thúc Tề chết đói ở Thủ Dương, nhưng đến nay vẫn có người khen ngợi. Người ta khen không phải vì giàu sang mà vì đức hạnh khác đời. "


[17.6].Tử Trương hỏi về lòng nhân. Khổng tử nói: " Người nhân đức là người thực hành 5 điều phổ cập khắp thiên hạ.
-Xin thầy cho biết đó là 5 điều gì?
- Đó là cung, khoan, tín, mẫn, huệ. (Cung là cung kính, khoan là độ lượng bao dung, tín là giữ lời hứa, mẫn là cần mẫn, huệ là thi ân bố đức). Mình nghiêm trang, giữ lễ thì không ai dám khi dễ mình; mình rộng lượng thì dễ thâu phục nhân tâm; mình giữ chữ tín thì người ta tin cậy mình; mình siêng năng thì hoàn thành tốt công việc; mình thi ân bố đức thì có thể sai khiến người".


[17.8]. Đức Khổng nói: " Trò Do này, người có nghe biết 6 đức tốt sẽ bị sáu mối hại chăng?
Tử Lộ thưa: " Dạ không biết."
Đức Khổng nói " Ngươi hãy ngồi xuống rồi ta nói cho mà nghe.
-(1).Thích làm điều nhân mà không chịu học hỏi thì cái hại là ngu muội.
-(2).Người ưa trí xảo mà không chịu học hỏi thì tai hại là phóng đãng.
-(3).Người ưa tin thật mà không chịu học hỏi thì tai họa là bị người lừa dối.
-(4). Người thích ngay thẳng mà không chịu học hỏi thì tính tình quá khắc nghiệt
-(5).Người ưa dũng cảm mà không chịu học thì sinh ra óc phản loạn.
-(6). Người cương quyết mà không học hỏi thì tai họa là cuồng loạn.




【19. 1】. Tử Trương nói: " Kẻ sĩ thấy ai nguy nan thì liều thân cứu mạng, thấy lợi thì nhớ nghĩa; Cúng tổ tiên thì thành kính, trong tang chế thì giữ lòng thương đau; như vậy là xứng danh kẻ sĩ.
【19. 2】. Tử Trương nói: Giữ đức mà thiếu độ lượng, theo đạo lý mà chẳng hết lòng thì chẳng ích lợi gì. Có cũng như không.


Tử Trương nói : "Điều ấy khác với điều ta nghe :" Người quân tử tôn trọng bậc hiền đức, rộng lượng với đại chúng , khuyến khích người hiền, thương kẻ bất tài. Ta là bậc đại hiền ư? Có ai mà ta chẳng rộng lượng bao dung? Ta là kẻ không hiền ư? Người ta sẽ chống đối ta vậy? Như thế lẽ nào mình cự tuyệt người?



【19. 8】. Tử Hạ nói" Kẻ tiểu nhơn hay dùng văn chương trang trí bề ngoài để che đậy tội lỗi của họ.
【19. 9】.Tử Hạ nói:" Dung mạo bậc quân tử có ba cách biến đổi:" ở xa thì đoan trang, làm cho người kính trọng; lại gần thì thấy vẻ ôn hòa, làm cho người ta yêu mến; nói thì nghiêm nghị khiến người ta sinh lòng tôn phục.

No comments: