» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45
59. 風 水 渙 Phong ThỦy Hoán
Hoán Tự Quái | 渙 序 卦 |
Đoài giả duyệt dã. | 兌 者 說 也 |
Duyệt nhi hậu tán chi. | 說 而 後 散 之 |
Cố thụ chi dĩ Hoán. | 故 受 之 以 渙 |
Hoán giả ly dã. | 渙 者 離 也 |
Hoán Tự Quái
Đoài là vui sướng, vui rồi ly tan.
Cho nên lấy Hoán mà bàn.
Hoán là xẻ nghé, tan đàn, phôi pha.
Nếu ở đời mà ai cũng chỉ lo mua vui, tìm lạc thú riêng cho mình thì xã hội sẽ đi đến chỗ phân ly, chia rẽ.
Hoán cũng nghĩa là làm cho tiêu tan mọi duyên do phân ly, chia rẽ, như gió (Tốn) thổi tan những cục băng giá trên mặt nước (Khảm) buổi đầu xuân.
Thoán và Tượng bàn tới những phương cách mà đấng quân vương có thể dùng để đoàn kết, qui tụ dân chúng, trong thời kỳ ly tan, chia rẽ. Các Hào chủ trương phải trừ khử, phải gạt bỏ hết mọi duyên do gây chia rẽ.
I. Thoán.
Thoán từ.
渙 . 亨 . 王 假 有 廟 . 利 涉 大 川 . 利貞 .
Hoán. Hanh. Vương cách hữu miếu. Lợi thiệp đại xuyên. Lợi trinh.
Dịch.
Hoán là chia rẽ, ly tan,
Ly tan, mà biết hợp đoàn mới hanh.
Vua ra tế tự miếu đình,
Băng qua sông lớn, công trình sẽ hay.
Một lòng chính chính, thẳng ngay.
Thế thời mới lợi, mới hay vẹn bề.
Hoán là thời kỳ ly tan, chia rẽ, tưởng chừng như mọi sự sẽ đi đến chỗ bế tắc. Những bậc quân vương, có thể giải tỏa được bế tắc ấy, có thể đem lại sự đoàn kết cho dân, làm cho tình thế lại trở nên thông suốt (Hoán. Hanh).
Muốn được vậy, nhà vua phải có lòng thành khẩn, cần phải dùng tín ngưỡng đạo giáo, làm chiêu bài để qui dân, tụ chúng (Vương cách hữu miếu), hoặc đề xướng, hô hào làm một đại công, đại sự gì để mọi người có dịp chung lưng, góp sức, trở nên đồng hội, đồng thuyền. Đó không phải là một chuyện liều lĩnh, nhưng chính là một chuyện hữu ích (Lợi thiệp đại xuyên). Dẫu sao, trong công trình này, nhà vua cũng phải lấy chính lý, chính đạo làm phương châm, mới hay, mới lợi (Lợi trinh).
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰. 渙 亨 . 剛 來 而 不 窮 . 柔 得 位 乎 外 而 上 同 . 王 假 有 廟 . 王 乃 在 中 也 . 利 涉 大 川 . 乘 木 有 功 也 .
Hoán hanh. Cương lai nhi bất cùng. Nhu đắc vị hồ ngoại nhi thượng đồng. Vương cách hữu miếu. Vương nãi tại trung dã. Lợi thiệp đại xuyên. Thừa mộc hữu công dã.
Thoán rằng:
Hoán tán mà hay,
Bên trong cương nghị, thẳng ngay chẳng cùng.
Ngoài thời nhu thuận, khiêm cung,
Thuận ngôi, vả lại đẹp lòng với trên.
Vua ra tế tự miếu đền,
Lòng dân, vua muốn giữ bền trước sau,
Lợi là băng vượt sông sâu
Vượt sông dùng gỗ, mới hầu nên công.
Thoán Truyện. Trong thời kỳ chia ly bế tắc, vẫn có thể làm cho tình thế trở nên thông suốt được (Hoán hanh). Đó là biết cả cương, lẫn nhu, lại biết dưới trên chung lưng, góp sức làm việc. Câu Cương lai nhi bất cùng. Nhu đắc vị hồ ngoại nhi thượng đồng tương đối khó giải.
Chu Hi giải thích: Quẻ Hoán là do quẻ Tiệm sinh. Hào Cửu tam quẻ Tiệm xuống thành Hào Cửu nhị quẻ Hoán. Hào Lục nhị quẻ Tiệm lên thành Hào Lục tam quẻ Hoán, và như vậy sẽ đồng điệu với Hào Lục tứ bên trên (Nhi thượng đồng). Lối giải của Chu Hi hợp với phép biến quái, nhưng lại không giải được chữ Nhu đắc vị hồ ngoại, vì Lục tam là Âm cư Dương vị, nên không đắc vị.
Nơi đây, ta chỉ nên ghi nhận đại ý là: muốn giải quyết tình trạng chia rẽ, thời phải áp dụng cả cương lẫn nhu, vua tôi phải đồng lao, cộng tác, trên dưới phải dựa nương lẫn vào nhau. Muốn liên kết mọi người, nhà vua cần phải dùng tín ngưỡng, dùng đạo giáo làm chiêu bài để thu phục nhân tâm, vì thế nói Vương cách hữu miếu. Vương nãi tại trung dã. Vương nãi tại trung là vua thu phục được lòng dân. Muốn được dân, phải thu phục được lòng dân. Lúc nhân tâm chia rẽ, cũng nên đề xướng ra những đại công trình để mọi người có mấu chốt mà bám víu, có lý do để đồng lao, cộng tác (Lợi thiệp đại xuyên).
Ngự Án bình rằng: Dầu là người nước Tần, nước Việt, mà đi cùng chuyến đò, thì cũng sẽ hết sức hợp tác với nhau (Tần Việt nhi cộng chu, tắc tâm lực vô hữu bất đồng). Muốn làm những công việc vĩ đại, nhà vua cần phải có hiền thần phụ bật, y như người muốn vượt sông sâu, nước cả, phải có thuyền, có chèo (Thừa mộc hữu công dã).
Xưa nay, muốn đoàn kết nhân tâm, người ta thường hay dùng chiêu bài tín ngưỡng, đạo giáo, chẳng hạn như gần đây Nasser đã dùng Hồi giáo làm chiêu bài để liên kết các nước Ả Rập. Hơn nữa, sau các cuộc Cách Mạng, khi nhân tâm còn ly tán, người ta cũng thường muốn làm một chuyện gì lớn lao, để liên kết nhân tâm, như ít lâu sau cuộc Cách Mạng Pháp, các nhà lãnh đạo đã dùng Bonaparte để đi chinh phục nước Ý và Ai Cập.
Đọc Thoán Từ ta thấy Thoán tha thiết muốn cho bậc quân vương có tài đức, nhưng lại sống trong buổi nhân tâm ly tán, phải tìm hết mọi phương thế để thống nhất đất nước, đoàn kết nhân tâm, để sớm đem an bình thái thịnh về cho nhân quần xã hội.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết:
象 曰 . 風 行 水 上 . 渙 . 先 王 以 享 于 帝 立 廟 .
Phong hành thủy thượng. Hoán. Tiên vương dĩ hưởng vu Đế lập miếu.
Dịch. Tượng rằng:
Hoán là mặt nước gió bay,
Tiên vương xây cất đền đài, miếu tông.
Trước là phụng sự hoá công.
Sau là phụng sự cha ông xưa rầy.
Gió thổi trên nước là hoán. Tiên vương tế lễ Thượng đế, xây cất đền miếu. Wilhelm bình rằng: Mùa Thu, Đông, nước đông thành đá. Mùa Xuân gió ấm thổi, làm tan hết đá cục trên mặt nước, khiến cho nước trở thành một khối duy nhất. Trong một quốc gia cũng vậy, sự ích kỷ và sự tàn ác làm cho lòng con người trở nên cứng rắn, làm cho con người ly tán nhau. Phải dùng đạo đức, tín ngưỡng mới hòa giải, phá tan được sự ích kỷ, và làm cho mọi người hợp nhất.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 用 拯 馬 壯 . 吉 .
象 曰 . 初 六 之 吉 . 順 也 .
Sơ Lục.
Dụng chửng. Mã tráng. Cát.
Tượng viết:
Sơ Lục chi cát. Thuận dã.
Dịch.
Sửa sang, giúp đỡ liền ngay,
Thêm con ngựa khỏe, mới hay mới lành,
Tượng rằng: Sơ Lục mà hay,
Là vì khéo xử, hợp ngay với thời.
Sơ Lục bắt đầu thời kỳ hoán. Sự ly tán vừa chớm nở, cần phải được ngăn chặn ngay. Ngăn chặn một cách mạnh mẽ nữa mới tốt. Hào Sơ Lục đây Âm nhu, không đủ sức cứu vớt được sự ly tan, nhưng may ở gần nhị, nên có thể dùng sức của nhị để đối phó với tình thế. Vì thế nói rằng Mã tráng. Cát (Mã tráng đây chỉ Cửu nhị).
Cái hay của Sơ Lục đây chính là biết thuận thời, thuận thế, hiệp lực với Cửu nhị (Sơ Lục chi cát. Thuận dã).
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 渙 奔 其 機 . 悔 亡 .
象 曰 . 渙 奔 其 機 . 得 愿 也 .
Cửu nhị.
Hoán bôn kỳ kỷ. Hối vong.
Tượng viết:
Hoán bôn kỳ kỷ. Đắc nguyện dã.
Dịch.
Gặp thời hoán tán ly tan,
Vội tìm đến chỗ ở an mới là.
Hết còn phiền trách, âu lo.
Tượng rằng:
Gặp thời hoán tán ly tan,
Vội tìm đến chỗ ở an mới là.
Toại lòng, đắc ý, hết lo.
Cửu nhị này có hai cách giải:
a). Sống trong thời kỳ Hoán tán, phải có một lý tưởng để bám víu, lý tưởng đó là niềm tin nơi con người (Wilhelm)
b). Sống trong thời kỳ Hoán tán, chia ly, phải biết dựa nương vào người khác. Hào Cửu nhị đây ở giữa quẻ Khảm, tức là ở giữa cơn nguy hiểm, nên phải nương tựa vào Sơ Lục, lấy Sơ Lục làm như ghế ngồi (Bôn kỳ kỷ).
Tìm được lý tưởng để dựa nương, tìm được vây cánh để dựa nương trong thời kỳ phân ly, hoán tán, thế là được như nguyện vậy (Hoán bôn kỳ kỷ. Đắc nguyện dã).
3. Hào Lục tam.
六 三 . 渙 其 躬 . 無 悔 .
象 曰 . 渙 其 躬 . 志 在 外 也 .
Lục tam.
Hoán kỳ cung. Vô hối.
Tượng viết:
Hoán kỳ cung. Chí tại ngoại dã.
Dịch.
Hoán mà hoán tán niềm tây,
Thế thời sẽ khỏi rứt rây, phàn nàn.
Tượng rằng: Hoán tán niềm tây,
Là vì tâm trí đã quay ra ngoài.
Một duyên do sinh ra chia rẽ, đó là lòng vị kỷ. Cho nên, muốn chấm dứt lòng chia ly, hoán tán, cần phải diệt trừ lòng vị kỷ. Có vậy mới khỏi hối hận, phàn nàn.
Hoán kỳ cung. Chí tại ngoại dã. Hoán kỳ cung tức là quên mình vì người, bớt nghĩ đến quyền lợi riêng tư, mà lưu ý đến những điều ích quốc lợi dân bên ngoài.
4. Hào Lục tứ.
六 四 . 渙 其 群 . 元 吉 . 渙 有 丘 . 匪 夷 所 思 .
象 曰 . 渙 其 群 . 元 吉 . 光 大 也
Lục tứ.
Hoán kỳ quần. Nguyên cát. Hoán hữu khâu. Phỉ di sở tư.
Tượng viết:
Hoán kỳ quần nguyên cát. Quang đại dã.
Dịch.
Hoán là hoán tán đảng bầy,
Thế thời mọi sự sẽ hay, sẽ lành.
Nhỏ tan, lớn tụ mới tình,
Thường nhân hồ dễ nghĩ thành được đâu.
Tượng rằng: Hoán tán đảng bầy,
Thế thời mọi sự sẽ hay, sẽ lành.
Thực là cao đại, quang minh.
Một tệ đoan xã hội, khiến cho nhân tâm ly tán, đó là nạn bè phái. Cho nên muốn đoàn kết quốc dân, trước hết phải dẹp nạn bè phái (Hoán kỳ quần). Như vậy, mới là vẹn hảo (Nguyên cát). Bè phái có dẹp đi, toàn dân mới trở thành một khối duy nhất, bao la hơn, vĩ đại hơn (Hoán hữu khâu).
Công trình này, người thường đâu có thể hiểu biết được (Phỉ di sở tư). Di là tầm thường, Tư là suy tưởng.
Dẹp được nạn bè phái, mang lại sự đoàn kết, nhất trí cho quốc dân, thực là sáng suốt và cao đại vậy (Hoán kỳ quần nguyên cát. Quang đại dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 渙 汗 其 大 號 . 渙 王 居 . 無 咎 .
象 曰 . 渙 王 居 無 咎 . 正 位 也 .
Cửu ngũ.
Hoán hãn kỳ đại hiệu. Hoán vương cư. Vô cữu.
Tượng viết:
Hoán vương cư vô cữu. Chính vị dã.
Dịch.
Trong thời hoán tán ly tan,
Thế mà mệng lệnh vẫn ban xa gần.
Trong thời hoán tán phong trần,
Mà vua vững vị, lỗi lầm chi đâu.
Tượng rằng: Vua ở chẳng lầm,
Là vì ngôi vị thập phần hẳn hoi.
Cửu ngũ. Lúc nhân tâm ly tán, bậc vương giả cần phải trù liệu được một chương trình hẳn hoi, hoạch định được những đường lối rõ rệt, ban bố được những mệnh lệnh chững chạc. Những mệnh lệnh mạnh mẽ, chững chạc của nhà vua, sẽ làm tiêu tan đi cơn khủng hoảng, như sự phát hãn làm tiêu tan cơn nóng sốt (Hoán hãn kỳ đại hiệu). Trong thời kỳ hoán tán, điều cần nhất là nhà vua phải ăn ở cho ngay chính (Hoán vương cư. Vô cữu).
Chu Hi bình rằng: Trong thời kỳ hoán tán, chẳng những phải ban bố những mệnh lệnh hẳn hoi, mà còn phải biết tung tiền tài, phát của cải, lúa gạo, để thu phục nhân tâm nữa (Hoán vương cư vô cữu. Chính vị dã).
Tượng Truyện giải Hoán vương cư là nhà vua phải ăn ở cho xứng đáng. Trình tử cũng theo đó mà bình giải.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 . 渙 其 血 . 去 逖 出 . 無 咎 .
象 曰 . 渙 其 血 . 遠 害 也 .
Thượng Cửu.
Hoán kỳ huyết. Khứ dịch xuất. Vô cữu.
Tượng viết:
Hoán kỳ huyết. Viễn hại dã.
Dịch.
Đánh tan cái hại, cái đau,
Dẹp tan những cái lo âu, hãi hùng.
Tượng rằng: Hoạ hại đánh tan,
Những gì hoạ hại , lầm than chẳng gần.
Thượng Cửu. Trong thời kỳ hoán tán, chia ly, phải làm sao tránh được sự tàn sát lẫn nhau, sự lưu huyết (Hoán kỳ huyết), cũng như đánh tan được mọi sự hãi hùng (Khử dịch xuất). Như vậy, mới không lỗi (Vô cữu).
Tượng Truyện tóm tắt: Phải tránh xa những điều họa hại (Hoán kỳ huyết. Viễn hại dã).
ÁP DỤNG QUẺ HOÁN VÀO THỜI ĐẠI
Chúng ta đang ở trong thời đại nhân tâm ly tán, và mọi người có ai chịu suy nghĩ mà hàn gắn nó không?
Có ai chịu suy nghĩ để hiểu rằng: Một người tự khinh mình trước, rồi kẻ khác mới khinh khi mình. Một nhà tự hủy hoại mình trước, rồi kẻ khác mới hủy hoại nhà mình. Một nước mà phe này đảng nọ, người này kẻ khác đánh nhau, rồi nước khác mới thừa dịp đánh nước mình. Trong Thiên Thái Giáp, Kinh Thư có chép: Những tai ách mà Trời làm ra, mình còn tránh được; những tai ách tự mình gây nên, thì mình phải chết.
Con người, sinh ra đời không thể trần trần một nếp, mà phải biết tùy thời, xử thế, tùy cảnh ngộ mà xuất xử, hành tàng. Tôi mượn lời Đức Khổng mà nói: Người quân tử ở trên đời không nhất thiết phò cái gì, chống cái gì; cái gì phải thì theo (Quân tử chi ư thiên hạ dã. Vô thích dã. Vô mịch dã. Nghĩa chi dĩ tỉ. - LN, IV, 10).
Vậy, chúng ta hãy áp dụng lời Đức Khổng, trước cho gia đình, sau cho quốc gia, xã hội.
Trong gia đình, gặp lúc thời buổi kinh tế khó khăn, vợ chồng, cha con, phải gạt bỏ hết những bất đồng ý kiến, những ích kỷ, nhỏ nhen, mà phải hết lòng cộng tác với nhau, thì gia đình mới có cơ thịnh vượng được.
Trong một quốc gia, muốn cho dân mạnh, nước giầu, thì mọi người dân phải cộng tác với chính quyền, nếu chính quyền làm sai thì ta phải có bổn phận lên tiếng để sửa sai chính quyền, chớ đừng Mượn gió bẻ măng, lập bè, kết đảng để mưu cầu lợi ích riêng cho cá nhân mình, mà quên đi sự nguy hại cho quốc gia dân tộc mình, để cho ngoại bang lợi dụng nó mà làm suy yếu nước mình.
Tóm lại, là người dù chỉ có đôi chút học vấn, cũng đừng để những bọn Hoạt đầu chính trị mang những lời nịnh nọt hão mà tâng bốc mình, mang những hình ảnh huy hoàng giả tạo lừa bịp mình, để lợi dụng mình làm cái bàn đạp cho họ, để họ mưu cầu những tư lợi nhỏ nhen của họ.
Hãy tự tạo cho mình một tương lai huy hoàng, bằng cách học hành siêng năng, để tạo cho mình một chỗ đứng vững vàng trong xã hội; trau dồi hạnh kiểm để xứng đáng làm con người theo đúng nghĩa của nó, năng đọc sách Thánh hiền để có thể trở thành Thần minh. Tự xét nếu Trên không thẹn với Trời, dưới không hổ với đất, đó là mình đã thành công ở đời rồi vậy.
» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45
46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
60. 水 澤 節 THỦY TRẠCH TIẾT
Tiết Tự Quái | 節 序 卦 |
Hoán giả ly dã. | 渙 者 離 也 |
Vật bất khả dĩ chung ly. | 物 不 可 以 終 離 |
Cố thụ chi dĩ Tiết. | 故 受 之 以 節 |
Tiết Tự Quái
Hoán là xẻ nghé, tan đàn, phôi pha.
Chia ly, ly mãi ru mà.
Cho nên đến Tiết, Tiết là chừng thôi.
Hoán là ly tán. Sự đời không thể ly tán mãi, cần phải được tiết chế. Vì thế sau quẻ Hoán là quẻ Tiết. Tiết là điều hòa, là tiết chế. Điều hòa để con người chúng ta hòa điệu cùng hoàn cảnh xã hội, nhân quần và vũ trụ. Tiết chế để cuộc đời chúng ta sống trong kỷ luật, mực thước hợp với lẽ thiên nhiên. Riêng đối với con người, muốn có một đời sống hợp tình, hợp lý, hợp cảnh, hợp thời, một đời sống thảnh thơi, hạnh phúc, cần phải hiểu rõ quẻ Tiết.
I. Thoán.
Thoán từ.
節 . 亨 . 苦 節 不 可 貞 .
Tiết. Hanh. Khổ tiết bất khả trinh.
Dịch.
Tiết là có độ, có chừng,
Có chừng, có mực hanh thông êm dầm.
Tiết mà cay đắng cho thân,
Thì đâu phải chuyện thế nhân thường lề.
Tiết tức là biết tiết chế, biết điều khiển, chỉ huy cuộc đời mình. Như vậy, cuộc đời mình sẽ được xong xả (Tiết hanh). Còn như không hiểu chữ Tiết cho phải, lại tưởng Tiết là chịu khổ, chịu cực (Khổ Tiết), rồi cứ thế gò bó mình vào những khuôn khổ chật hẹp, những kỷ luật khắt khe, như thế làm sao mà chịu cho lâu được (Bất khả trinh).
Nói đến hai chữ Khổ Tiết, làm ta liên tưởng đến những người vì muốn tu trì, mà đã đi vào con đường khổ hạnh; nhin đói, nhịn khát, chịu nóng, chịu lạnh, thức đêm, thức hôm, gia dĩ còn đánh đập thân xác, coi thân xác như là thù địch. Những sự vi phạm định luật của Trời đất ấy đã làm cho nhiều người trở thành những tội nhân, những tù nhân, sống một cuộc đời khổ sai chung thân, mua chuốc bệnh hoạn cho thể chất, điên loạn cho tâm trí. Chính vì vậy, Dịch chê Khổ tiết. Bất khả trinh.
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 節 亨 . 剛 柔 分 . 而 剛 得 中 . 苦 節 不 可 貞 . 其 道 窮 也 . 說 以 行 險 . 當 位 以 節 . 中 正 以 通 . 天 地 節 而 四 時 成 . 節 以 制 度 . 不 傷 財 . 不 害 民 .
Tiết hanh. Cương nhu phân. Nhi cương đắc trung. Khổ Tiết bất khả trinh. Kỳ đạo cùng dã. Duyệt dĩ hành hiểm. Đáng vị dĩ tiết. Trung chính dĩ thông. Thiên địa tiết nhi tứ thời thành. Tiết dĩ chế độ. Bất thương tài. Bất hại dân.
Dịch.
Thoán rằng: Tiết độ hanh thông,
Cứng mềm, đều đặn, cương trung thêm phần.
Tiết mà cay đắng cho thân,
Thời đâu phải chuyện thế nhân thường lề.
Tiết mà cay đắng, ê chề,
Rồi ra bế tắc, khó bề tới lui.
Trong nguy, lòng vẫn sướng vui,
Ở ăn chừng mực, vị ngôi đàng hoàng.
Chính trung, vẹn nhẽ cương thường,
Tiền trình rộng mở, lối đường hanh thông.
Đất trời có tiết, có chừng,
Bốn mùa mới được nên công thành toàn.
Cầm cân, nẩy mực dân gian,
Biết đường tiết chế, sửa sang mới hào.
Của dân sẽ bớt phí hao.
Đời dân sẽ bớt hư hao, điêu tàn.
Thoán Truyện. Mực thước, tiết độ, sống theo định luật của trời đất, sẽ tạo cho mình một đời sống thung dung, thanh thản, xong xả, thông suốt (Tiết hanh). Tiết tức là biết biện phân rành rẽ các nấc thang giá trị tinh thần, vật chất (Cương nhu phân), lòng sắt son, nhưng vẫn hòa nhịp được với những định luật tự nhiên (Nhi cương đắc trung). Nói là Cương nhu phân, vì quẻ Tiết, trên là Khảm là quẻ Dương cương, dưới là Đoài là quẻ Âm nhu. Nói là Cương đắc trung vì hai Hào Cửu nhị và Cửu ngũ đều là Cương đắc trung.
Không phóng dật, biết tự kiềm chế mình, tự điều khiển mình là một chuyện, nhưng hành hạ, dằn vặt, làm khổ mình lại là chuyện khác. Đi vào đường Khổ Tiết, Khổ ải ấy thì làm sao mà hay được. Thế là đi vào con đường tắc nghẽn vậy (Khổ Tiết bất khả trinh. Kỳ đạo cùng dã).
Còn như biết sống một cuộc đời có mực thước, tiết độ, thời lúc nào cũng được ung dung, thư thái. Gặp gian nguy, cũng vẫn vui (Duyệt dĩ hành hiểm). Đoài là duyệt, Khảm là hiểm. Sống tiết chế, tức là biết sống hòa hợp với mọi địa vị, mọi hoàn cảnh (Dáng vị dĩ tiết), là đi theo đường nghĩa lý, đường trung chính, để tạo cho mình một cuộc đời thông suốt thong thả (Trung chính dĩ thông).
Trời đất vì có mực thước, tiết độ, định luật hẳn hoi, cho nên mới tạo được bốn mùa đẹp đẽ (Thiên địa tiết như tứ thời thành). Cùng một lẽ, nếu ta cai trị dân, mà có tổ chức, có chế độ, có định tắc, thì sẽ chẳng làm hao hụt của dân, làm thiệt hại cho dân (Tiết dĩ chế độ. Bất thương tài. Bất hại dân). Bài học trên của Thoán đã quá rõ rệt vậy.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết:
象 曰 . 澤 上 有 水 . 節 . 君 子 以 制 數 度 . 議 德 行 .
Trạch thượng hữu thủy. Tiết. Quân tử dĩ chế số độ. Nghị đức hạnh.
Dịch. Tượng rằng:
Tiết là có nước trên hồ,
Cho nên quân tử phải cho rạch ròi.
Lập ra số độ hẳn hoi,
Biện phân đức hạnh, cơ ngơi tỏ tường.
Trong trời đất, mọi sự đã được tổ chức, có độ, có số, có lượng hẳn hoi. Sách Minh Triết viết: Nhưng Chúa đã tổ chức mọi sự bằng độ, bằng số và bằng trọng lượng. (Livre de la Sagesse 11, 20). Người quân tử bắt chước Trời, bắt chước thiên nhiên, cũng chế ra số độ để cân nhắc, đoán định về vạn vật; và cũng nghị luận xem thế nào là đức hạnh thật.
Thế nào là một người đức hạnh? Đó là một người có:
-Tâm thần sáng suốt, thông minh, thanh thản.
-Tâm hồn cao đẹp, ưa chuộng những điều cao quí.
-Phẩm hạnh cao khiết.
-Là một người thành khẩn, hòa nhã với mọi người.
1. Xác chất có ăn uống mới sống, tinh thần cũng vậy có ăn uống mới sống. Lương thực của tinh thần, chính là những tư tưởng cao đẹp của Thánh hiền, mọi nơi, mọi đời. Vậy ta nên đọc sách Thánh hiền.
2. Ngọc ngà có chau chuốt mới trở nên đẹp đẽ được. Tâm hồn có tu luyện mới trở nên cao quí. Tu luyện tâm thần là dùng thời gian, hoàn cảnh, để phát triển hết tiềm năng, tiềm lực mình, để tiến tới tinh hoa cao đại, thực hiện lý tưởng hoàn thiện đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mình, làm phóng phát, triển dương Đạo Thể đã có sẵn trong lòng mình. Phật giáo gọi là Phật tính, hay Pháp thân. Lão giáo gọi đó là Thánh thai. Thánh Justin xưa gọi đó là Logos spermatikos (Apologia 11, 13). Vậy ta cố thực hiện cái Đạo tâm, Đạo thể đó.
3. Ánh sáng cũng như Sức lực, nếu tản mạn thì yếu, nếu tập trung lại được thì mạnh. Tinh thần ta cũng theo một định luật đó. Tất cả những phương pháp tham thiền, nhập định xưa nay, là cốt tập trung tinh thần mà thôi.
4. Nhịn ăn, nhịn tình, hành hạ xác thân, thực ra cũng có thể kích thích trí não như những loại ma túy, nhưng cũng có thể làm con người trở nên điên loạn như ma túy.
Dùng những phương pháp nhân tạo ấy để đi vội vào đời sống tinh thần, đạo đức, làm cho Tinh thần, Thần Linh sớm xuất hiện, thường không mang lại kết quả mong muốn, mà lại gây ra cho con người những thác loạn tâm thần chẳng hay.
Tinh thần...Thần linh...phải có thời gian mới xuất hiện được. Cũng như hoa trái phải có thời gian mới xuất sinh. Nơi con người, phải tới một lứa tuổi nào, đời sống đạo hạnh mới trở nên tự nhiên được. Hiểu như vậy, mới đỡ thân làm tội đời.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 . 不 出 戶 庭 . 無 咎 .
象 曰 . 不 出 戶 庭 . 知 通 塞 也 .
Sơ Cửu.
Bất xuất hộ đình. Vô cữu.
Tượng viết:
Bất xuất hộ đình. Tri thông tắc dã.
Dịch.
Chẳng ra khỏi cửa, khỏi nhà,
Thế mà chẳng lỗi, thế mà vẫn hay.
Tượng rằng:
Chẳng ra khỏi cửa, khỏi nhà,
Biết chiều thông tắc, biết đà tiến lui.
Sơ Cửu. Sinh ra đời, phải biết thủ thân, tự trọng. Khi thấy thời cơ không thuận tiện, thời chẳng xuất đầu lộ diện mà chi. (Hộ là cửa nhà, Đình là sân). Thế là biết nhẽ cùng thông vậy (Bất xuất hộ đình. Tri thông tắc dã).
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 不 出 門 庭 . 凶 .
象 曰 . 不 出 門 庭 凶 . 失 時 極 也 .
Cửu nhị.
Bất xuất môn đình. Hung.
Tượng viết:
Bất xuất môn đình hung. Thất thời cực dã.
Dịch.
Chẳng ra khỏi cổng, khỏi nhà,
Ẩn khi phải hiện, thế là chẳng hay.
Tượng rằng:
Chẳng ra khỏi cổng, chẳng hay,
Lỗi thời quá mức, thế này còn chi.
Cửu nhị. Những khi đáng giúp nước, giúp đời mà mình lại ẩn cư, thời lại là xấu. Nhan Hồi không gặp thời, mà ẩn cư, thời đã đành. Chứ như Đại Võ, hay Ích Tắc, đương được vua Thuấn giao cho trọng trách mà đòi rút lui, thì đâu có phải. Mới hay quân tử phải Tri thời, thức biến để hành xử cho phải.
Tượng cho rằng: Sự qui ẩn ở đây, sở dĩ dở là vì trái thời tiết (Bất xuất môn đình hung. Thất thời cực dã).
Ta có thể dùng sự tích Bá Lý Hề và Kiển Thúc để minh giải cả hai Hào Sơ Cửu và Cửu nhị trên. Tần Mục Công biết tài Bá Lý Hề rồi, bèn muốn phong làm thượng khanh. Bá Lý Hề từ chối mà rằng: Tài tôi chẳng bằng bạn hữu của tôi, người ấy tên là Kiển Thúc, lấn hơn tôi thập bội. Nếu Chúa công muốn cho nước nhà thịnh trị, thì xin dùng Kiển Thúc, còn tôi thì để phụ theo, như vậy thì nghiệp bá mới nên. Mục Công hỏi lý do, Bá Lý Hề đáp: Kiển Thúc là người hiền... Lúc trước tôi trôi nổi qua Tề, ý muốn ra phò Công Tôn Vô Tri, Kiển Thúc cản tôi rằng chẳng nên. Tôi nghe lời, nên mới khỏi hoạ với Vô Tri. Kế tôi sang qua Châu, cũng muốn ra phò Vương Tử Thoát, Kiển Thúc cũng cản tôi rằng không nên, tôi cũng nghe theo lời, nên mới khỏi cái hoạ với Tử Thoát. Sau tôi trở về nước Ngu, muốn ra phò Ngu Công, Kiển Thúc cũng cản tôi rằng chẳng nên. Lúc ấy, tôi bị cùng khốn quá đỗi, nên vì tham tước lộc mà cãi lời người, ở lại phò đỡ Ngu Công, nên sau bị nước Tấn bắt. Đã hai phen, tôi nghe theo lời người, đều được khỏi hoạ; mới cãi có một phen, mà thân bị hại. Vậy thì người ấy có trí hơn tôi xa lắm, nay về ẩn nơi làng Minh Lộc bên nước Tống. Chúa Công hãy mời về cho sớm mà dùng.
Tần Mục Công liền cho người đi mời Kiển Thúc về, đều phong cho Kiển Thúc và Bá Lý Hề làm Thừa tướng.
Quả nhiên, Kiển Thúc và Bá Lý Hề giúp Tần Mục Công lập nên nghiêp bá (Võ Minh Trí dịch, Đông Châu Liệt quốc, trang 342- 352). Ta thấy Bá Lý Hề, lúc không nên xuất chính, mà xuất chính, nên bị tai hoạ. Còn Kiển Thúc, lúc không nên xuất chính thì qui ẩn, lúc nên xuất chính thì ra làm Thừa tướng, giúp Tần Mục Công lập được nghiệp bá. Như vậy, chẳng là Tri thời thức biến hay sao? Nếu khi Tần Mục Công mời, mà Kiển Thúc cứ khăng khăng đòi ẩn cư, thì thất thời biết là bao.
3. Hào Lục tam.
六 三 . 不 節 若 . 則 嗟 若 . 無 咎 .
象 曰 . 不 節 之 嗟 . 又 誰 咎 也 .
Lục tam.
Bất Tiết nhược. Tắc ta nhược. Vô cữu.
Tượng viết:
Bất Tiết chi ta. Hựu thùy cữu dã.
Dịch.
Sống không có mực, có chừng,
Rồi ra than thở, hỏi rằng lỗi ai.
Tượng rằng:
Buông tung, đến phải thở than,
Mình làm, mình chịu phàn nàn làm chi.
Lục tam Âm nhu bất trung, bất chính, cưỡi lên trên hai Hào Dương, sắp lâm vào Khảm hiểm, mà lại không biết tiết chế, điều khiển mình (Bất Tiết nhược), thì tránh sao mà khỏi phàn nàn (Tắc ta nhược). Suy rộng ra, nếu con người sống buông tung, bỏ vãi, phóng túng dục tình, rồi ra rước lấy bệnh tật, hoạ tai, thì làm sao tránh khỏi phàn nàn được. Mình làm mình chịu, hỏi còn trách ai (Vô Cữu).
Không tiết chế, điều khiển được mình, để rồi phải phàn nàn, thời còn đổ lỗi cho ai? (Bất Tiết chi ta. Hựu thùy cữu dã).
4. Hào Lục tứ.
六 四 . 安 節 . 亨 .
象 曰 . 安 節 之 亨 . 承 上 道 也 .
Lục tứ.
An Tiết. Hanh.
Tượng viết:
An Tiết chi hanh Thừa thượng đạo dã.
Dịch.
Ung dung, chừng mực, thời hay,
Tượng rằng:
Ung dung, chừng mực thời hay,
Với trên theo được đường ngay, nẻo lành.
Lục tứ. Tiết chế được mình một cách tự nhiên, như vậy mới thung dung, xong xả. Theo được định luật thiên nhiên một cách an nhiên, tự tại, thời tốt đẹp biết mấy mươi. Cái hay của Lục tứ ở đây, chính là theo được con đường trung chính mà Cửu ngũ đã vạch ra (Thừa thượng đạo dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 甘 節 . 吉 . 往 有 尚 .
象 曰 . 甘 節 之 吉 . 居 位 中 也 .
Cửu ngũ.
Cam Tiết. Cát. Vãng hữu thượng.
Tượng viết:
Cam Tiết chi cát. Cư vị trung dã.
Dịch.
Tiết mà thanh thản, mới hay
Làm gì cũng được mắn may, an lành.
Tượng rằng:
Tiết mà thanh thản mới hay,
Vị ngôi xứng đáng, xứng tày ấm êm.
Ở ngôi Cửu ngũ, mà tạo cho mình được một đời sống hạnh phúc, khuôn theo những định luật đất trời, thì hay biết bao nhiêu (Cam Tiết. Cát). Nếu đem thực thi, áp dụng cho người nữa, thì thực đáng khen (Vãng hữu thượng dã).
Sống hay, sống giỏi, sống thuận theo những điều kiện thiên nhiên, lý tưởng nhất, cho nên tốt lành (Cam Tiết chi cát. Cư vị trung dã).
6. Hào Thượng Lục.
上 六 . 苦 節 . 貞 凶 . 悔 亡 .
象 曰 . 苦 節 貞 凶 . 其 道 窮 也 .
Thượng Lục.
Khổ Tiết. Trinh hung. Hối vong.
Tượng viết:
Khổ Tiết trinh hung. Kỳ đạo cùng dã.
Dịch.
Tiết mà Khổ Tiết ê chề,
Khư khư Khổ Tiết, nhiều bề hung tai.
Biết điều hối lỗi, sửa sai.
Rồi ra may mắn, thoát bài họa hung.
Tượng rằng: Tiết mà khổ sở, ê chề
Khư khư Khổ Tiết, nhiều bề họa hung.
Thế là gặp bước đường cùng.
Thượng Lục. Đi vào con đường khổ hạnh, gò bó mình vào trong những khuôn khổ chật hẹp, kỷ luật khắt khe, lại còn kéo dài đời sống mình trong tình trạng ấy, thì thật là xấu (Khổ Tiết. Trinh hung). Tại sao mình lại tự đầy đoạ mình như vậy, trong khi cánh hoa còn biết đón hơi sương, con chim còn biết hót, biết ca, còn biết tung bay thoải mái (Hối vong).
Làm khổ mình, mà tưởng làm theo ý Trời, tưởng thoát tục, thành Tiên, thì thực đã đi vào con đường cùng vậy. (Khổ Tiết trinh hung. Kỳ đạo cùng dã).
ÁP DỤNG QUẺ TIẾT VÀO THỜI ĐẠI
Như Dịch kinh đã dạy ta: Hồ dù to mấy cũng chỉ chứa được một số nước nhất định. Nhiều quá sẽ tràn ra bên ngoài. Con người chúng ta cũng vậy. Con người sinh ra đời, phải sống theo nghĩa lý, sống theo định luật trời đất, không được làm gì thái quá, như vậy mới được sung sướng.
Xưa Đức Phật mới đi tu, cũng không biết phải tiết độ ra sao, nên đã đi vào con đường Khổ Tiết, nhịn đói, nhịn khát, ngày ăn vài hột cơm, nên đã suy nhược gần chết. May mà Ngài được thôn nữ dâng cho bình sữa. Ngài uống vào mới dần dần tỉnh lại. Ngài suy ra con đường khổ tiết là con đường cực đoan, không phải là Trung đạo, nên lập tức thay đổi cách sống, không theo con đường này nữa.
Nhiều dòng tu Công Giáo xưa, cũng chỉ lo ăn chay, đền tội, coi xác thân như là kẻ thù địch, nên đã đánh tội bằng cách đánh mình mỗi tuần 40, 50 roi đòn, lại mặc áo nhặm, hãm mình, ăn chay, nằm lạnh. Kết quả, là nhiều người đã bị lao, bị bệnh. Như vậy, có hay đâu.
Đạo Lão, trái lại dạy phải Tính Mệnh Song Tu, nghĩa là phải có một tâm hồn (Tính), và một xác thân khang kiện (Mệnh). Như vậy, mới là đúng cách tu luyện.
Người đời trái lại, nhiều khi rượu chè bí tỉ, hút sách, điếm đàng, chơi bời trác táng. Thật đáng thương thay!
Nhưng hễ ta làm gì quá trớn, thì Trời sẽ cảnh cáo ta ngay: như khi quá chén, thì Trời cho nôn mửa, nhức đầu. Nếu ta nghe theo mà hồi đầu, thì sẽ không sao. Còn cứ bất chấp, thói nào, tật nấy, thì sẽ cho bệnh hoạn. Như rượu chè quá độ thì sẽ cho bị cứng gan, sơ gan. Hút thuốc quá nhiều, sẽ cho bị ung thư phổi vv... Tức là, nếu không sớm rút lui, sẽ cho bị nhiều bệnh bất trị.
Quẻ Tiết dạy ta tiết độ, nhưng không dạy ta Khổ Tiết, mà chỉ dạy ta An Tiết, Cam Tiết, nghĩa là phải sống cho vui, cho đẹp. Thật là hết sức đẹp đẽ. Nếu ta biết áp dụng cho đúng quẻ Tiết vào cuộc đời ta, thì ta sẽ được an vui, thoải mái, và sẽ thấy thật sự Tu là cõi phúc.
Thật ra, chúng ta là những cân Tiểu Ly, hết sức bén nhậy, dùng để cân lường những61. 風 澤 中 孚 Phong TrẠch Trung Phu
Trung Phu Tự Quái | 中 孚 序 卦 |
Tiết nhi tín chi. | 節 而 信 之 |
Cố thụ chi dĩ Trung Phu. | 故 受 之 以 中 孚 |
Trung Phu Tự Quái
Có chừng, có mực, rõ rồi.
Mực chừng, tiết độ, người người sẽ tin
Trung Phu, vì thế tiếp thêm.
Sau quẻ Tiết là quẻ Trung Phu, vì lẽ đã lập ra tiết chế, kỷ cương, thì trên dưới đều phải thực thi áp dụng, như vậy mới vẹn tín nghĩa. Trung Phu có nhiều nghĩa:
1. Trung Phu được hiểu là sự Tín thành. Các nhà bình giải cho rằng Trung Phu dạy ta thủ tín, tức dạy ta giữ chữ tín.
2. Trung Phu được hiểu là sự Tinh thành, tức là một trạng thái tâm thần siêu việt, sống động, hùng dũng tuyệt vời, có năng lực cảm hóa được vạn hữu.
Người xưa nói: Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai. Nghĩa là: Đạt tới tinh thành, đá vàng sẽ mở.
Nơi quẻ Trung Phu, ta thấy trên có quẻ Tốn là phía Đông, là mùa Xuân. Dưới có quẻ Đoài là phía Tây, là mùa Thu. Tốn cũng có nghĩa là gỗ. Gỗ cần được kim đẽo gọt, mới thành khí cụ hữu dụng. Đoài cũng có nghĩa là kim.
Quẻ Trung Phu có:
- Hai Hào 3, 4 là Âm ở giữa chỉ sự hư linh bất muội. Hào 2, 5 đều là Dương chỉ sự minh chính, tinh thuần.
Muốn đạt tới trạng thái Trung Phu, trạng thái Tinh thành, tâm hồn chúng ta phải hư linh, không để cho dục tình phát động, và son sắt, không để cho ngoai cảnh lôi cuốn.
Thánh hiền đạt được mức tinh thành, sẽ sai khiến được vạn hữu. Thánh kinh Công giáo viết: Nếu ngươi có đức tin bằng hạt cải, ngươi có thể bảo núi này: hãy rời đi nơi khác, và nó sẽ rời đi. Và chẳng có gì mà ngươi không làm được. (Xem Mat, 17, 19; Luc 17, 6). Các Thánh hiền Á đông xưa nay cũng đã dùng sức mạnh này mà hàng long, phục hổ.
I. Thoán.
Thoán từ.
中 孚 . 豚 魚 吉 . 利 涉 大 川 . 利 貞 .
Trung Phu. Đồn ngư cát. Lợi thiệp đại xuyên. Lợi trinh.
Dịch.
Trung Phu là nghĩa tín thành,
Làm cho vạn vật an lành, mới hay.
Cá, heo còn cảm đức dày,
Thời cho sông rộng, sóng dầy vẫn qua,
Vượt sông vẫn lợi mới là,
Một niềm trung chính, lợi cơ mới nhiều.
Khi lòng đã tinh thành, sẽ cảm động được đến những loài vật hạ đẳng như heo. cá. Lúc ấy dầu có phải vượt gian hiểm cũng không sao, trái lại vẫn hay, vẫn lợi.
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 中 孚 . 柔 在 內 而 剛 得 中 . 說 而 巽 . 孚 乃 化 邦 也 . 豚 魚 吉 . 信 及 豚 魚 也 . 利 涉 大 川 . 乘 木 舟 虛 也 . 中 孚 以 利 貞 . 乃 應 乎 天 也 .
Trung phu. Nhu tại nội nhi cương đắc trung. Duyệt nhi tốn. Phu nãi hóa bang dã. Đồn ngư cát. Tín cập đồn ngư dã. Lợi thiệp đại xuyên. Thừa mộc chu hư dã. Trung Phu dĩ lợi trinh. Nãi ứng hồ thiên dã.
Dịch.
Trung Phu mềm ở bên trong,
Cứng ngoài, vả lại đắc trung, mới tài.
Vui hòa, tốn thuận với người,
Tinh thành sẽ đổi được đời, được dân.
Cá, heo phúc trạch thấm nhuần,
Cá, heo mà cũng thừa ân tín thành.
Vượt sông, mà vẫn lợi hanh,
Thuyền không, chèo lái mặc tình thỏa thuê.
Trung trinh, sau trước vẹn bề,
Đạo Trời ứng hợp, việc gì cũng hay.
Thoán Truyện, trước hết nhìn theo hình dáng quẻ Trung phu, mà giải quẻ Trung phu. Quẻ Trung phu có 2 Hào Âm ở giữa, thế là Nhu tại nội. Lại có Hào Cửu nhị và Cửu ngũ dương cương đắc trung, nên nói: Nhi cương đắc trung. Các nhà bình giải cho rằng: đó là trạng thái của một tâm hồn hư linh, không bị vật dục chia phối, ngoại dụ lôi cuốn. Quẻ Trung phu dưới có quẻ Đoài là duyệt; trên có quẻ Tốn là thuận, cho nên Thoán nói Duyệt nhi Tốn.
Nếu người trên từ tốn, khéo xử, thuận theo người dưới; nếu người dưới vui vẻ vâng phục người trên; nếu đôi đàng mà thành khẩn đối xử với nhau, thì quốc gia sẽ đi đến chỗ hóa thành thịnh trị. Thoán tiếp: Phu nãi hóa bang dã.
Thứ đến, Thoán Truyện giải thích lời lẽ của Thoán từ, cho rằng Tinh thành mà hay, mà lợi, chính là vì đã có thể cảm được đến cả những loại vật hạ đẳng như heo, như cá (Đồn ngư cát. Tín cập đồn ngư dã). Lúc đã có lòng tinh thành, dẫu có gặp nguy biến cũng không sao. Cuối cùng Thoán Truyện nghị luận rằng: Nếu mình mà tinh thành theo được chính lý, chính đạo, thì sẽ cảm ứng được với trời. Thế tức là: Chí thành cảm thần vậy.
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết.
象 曰 . 澤 上 有 風 . 中 孚 . 君 子 以 議 獄 緩 死 .
Trạch thượng hữu phong. Trung phu. Quân tử dĩ nghị ngục hoãn tử.
Dịch. Tượng rằng:
Trung Phu gió lộng mặt hồ,
Trị dân, quân tử phải lo, phải lường.
Án mình xét xử cho tường,
Chém người chớ vội, phải nương, phải chờ.
Gió thổi mặt hồ là Trung phu. Người quân tử phải lo bình nghị hình án cho sáng suốt, và đừng nên vội vàng xử tử người. Đem lòng chí thành mà đối với dân, dĩ nhiên là phải thương dân. Lòng thương xót của nhà cầm quyền, không những là đối với chúng dân lương thiện, mà còn phải phổ cập cho đến những người bị tù tội, hình án nữa. Thánh hiền xưa rất lưu tâm đến vấn đề hình án. Trong Đại Tượng của 64 quẻ Dịch, có 5 quẻ nói về hình án, đó là quẻ: Phệ Hạp, Bí, Phong, Lữ, Trung phu. Dị Sử thị khi bình Truyện Oan Ngục trong Liễu Trai có viết: Xử án là nhiệm vụ đầu tiên của người làm quan. Bồi đắp hoạ phúc hay diệt mất lẽ Trời, đều do đấy mà ra, không thể không thận trọng.
-Vội vã, táo bạo trong việc xử án, tức là làm trái với lẽ cầu hòa của trời.
-Để việc dây dưa không xét xử cho chúng, cũng là làm thương tổn đến cái mạng của người dân.
Thế cho nên, một vụ kiện hại bằng mấy vụ mất mùa. Xây một cái thành, tất mấy mươi nhà phá sản, như thế há sao không cẩn thận được? Ta thường cho rằng kẻ làm quan mà biết dè dặt, không quá lạm trong văn án, tức là đức đã dầy lắm rồi (Xem Liễu Trai chí dị, Nguyễn Hoạt dịch, quyển 11, trang 65).
Lễ ký, Thiên Vương Chế, đã cho ta thấy rõ sự thận trọng của người xưa về hình án. Một vụ hình án, trước khi phán quyết, đã phải qua bao nhiêu tòa, xem đi, xét lại. Mới đầu nơi Quan Sử (lục sự), kế Quan chính (quan án trong mỗi phủ), rồi Đại Tư Khấu (Tổng trưởng Tư pháp), Tam công (3 quan Thượng thư xét xử lại), cuối cùng mới đệ lên Vua. Vua xét rồi mới tuyên án phạt. Như vậy là hết sức cẩn trọng, và không dám tuyên án hấp tấp.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Đặc biệt trong phần giải thích các Hào, tôi (tác giả) muốn hiểu Trung phu là Tinh thành, thay vì hiểu Trung phu là Thủ tín.
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 . 虞 吉 . 有 他 不 燕 .
象 曰 . 初 九 虞 吉 . 志 未 變 也 .
Sơ Cửu.
Ngu cát. Hữu tha bất yến.
Tượng viết:
Sơ Cửu ngu cát. Chí vị biến dã.
Dịch.
Chưa tin, cân nhắc mới hay,
Tin rồi, đừng có đổi thay dễ dàng.
Nếu mà đi trái lối đường,
Rồi ra sẽ thấy tâm xoang bồi hồi.
Tượng rằng:
Hào Sơ cân nhắc mà hay,
Là vì tâm trí chưa thay, chưa rời.
Sơ Cửu. Muốn đạt tới Tinh thành, cần phải biết đề phòng, ngăn chặn tà tâm, dục vọng và giữ lấy tấm lòng sắt son của mình (Ngu cát). Nếu có tà niệm, tạp niệm (Hữu tha), tự nhiên chúng ta sẽ bất định, bất an (Bất yến). Nếu ta giữ được như vậy, mọi sự sẽ tốt lành, vì lòng ta vẫn tinh tuyền chưa bị ngoại cảnh làm biến đổi (Sơ Cửu ngu cát. Chí vị biến dã).
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 鳴 鶴 在 陰 . 其 子 和 之 . 我 有 好 爵 . 吾 與 爾 靡 之 .
象 曰 . 其 子 和 之 . 中 心 愿 也 .
Cửu nhị.
Minh hạc tại âm. Kỳ tử họa chi. Ngã hữu hảo tước. Ngô dữ nhi mỹ chi.
Tượng viết:
Kỳ tử hòa chi. Trung tâm nguyện dã.
Dịch.
Hạc kêu khuất nẻo đâu đây,
Mẹ kêu, con hát, cả bầy hòa minh.
Ta đây có rượu thần linh,
Ta đem ta xẻ, ta dành cho ai.
Tượng rằng:
Hạc con ứng tiếng kêu theo,
Là vì trong dạ tin yêu, chí tình.
Hào Cửu nhị nói lên lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hạc kêu nơi khuất nẻo, vẫn có hạc con hoạ lại (Minh hạc tại âm. Kỳ tử họa chi). Ta có rượu ngon, vẫn có người đến chia xẻ với ta. Ta hay, thời ảnh hưởng sẽ dần lan ra xa mãi (Ngã hữu hảo tước. Ngô dữ nhi mỹ chi).
Khi mình đạt mức tinh thành, sẽ ảnh hưởng đến người, ảnh hưởng ấy sẽ hết sức tự nhiên, sẽ được người chấp nhận một cách thực tình, không gò bó, miễn cưỡng (Kỳ tử hòa chi. Trung tâm nguyện dã).
3. Hào Lục tam.
六 三 . 得 敵 . 或 鼓 或 罷 . 或 泣 或 歌 .
象 曰 . 可 鼓 或 罷 . 位 不 當 也 .
Lục tam.
Đắc địch. Hoặc cổ hoặc bãi. Hoặc khấp hoặc ca.
Tượng viết:
Hoặc cổ hoặc bãi. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Để người mặc sức cuốn lôi,
Lúc thời vồ vập, lúc thời bỏ bê.
Lúc thời khóc lóc ủ ê,
Lúc thời hát xướng, đam mê, vui đùa.
Tượng rằng:
Khi vồ vập, lúc bỏ bê.
Là vì địa vị có bề dở dang.
Lục tam. Những người không có lòng tinh thành, không có sức mạnh tinh thần, sẽ đua đòi chúng bạn (Đắc địch), sống một cuộc đời phù phiếm, hốt hỉ, hốt nộ, lúc hứng khởi, lúc mất tinh thần (Hoặc cổ hoặc bãi); lúc khóc lóc, lúc ca xoang (Hoặc khấp hoặc ca). Đó là đời sống của đại đa số quần chúng.
Thánh kinh Công giáo cũng đã nói: Ta biết sánh thế hệ này với ai? Nó giống như một bầy trẻ ở những nơi công cộng, đang kêu la cùng chúng bạn. Ta đã thổi sáo, sao chúng bay không nhẩy múa; ta đã hát bài bi ai, sao chúng bay không đấm ngực than van? (Mat, 11, 16 - 17).
Sống như vậy đâu xứng đáng? (Hoặc cổ hoặc bãi. Vị bất đáng dã).
4. Hào Lục tứ.
六 四 . 月 几 望 . 馬 匹 亡 . 無 咎 .
象 曰. 馬 匹 亡 . 絕 類 上 也
Lục tứ.
Nguyệt cơ vọng. Mã thất vong. Vô cữu.
Tượng viết:
Mã thất vong. Tuyệt loại thượng dã.
Dịch.
Vầng trăng sắp sửa tới rằm,
Ngựa quên bầu bạn, lỗi lầm chi đâu.
Tượng rằng:
Ngựa quên bầu bạn, cặp kè,
Tuyệt tình đồng loại, theo về với trên.
Lục tứ là một trọng thần, gần gũi quân vương. Ở vào địa vị này, phải đem hết lòng tinh thành, chân thực mà thờ vua.
- Phải khiêm cung, đừng có mong quá thịnh mãn (Nguyệt cơ vọng).
- Phải như vầng trăng chưa tròn mới hay; thần tử mà như vầng trăng tròn, tức là muốn cạnh tranh, đối địch với vua. Mà muốn đối địch với vua, tức là chiêu lấy tai hoạ.. Lại không được hợp bầy, kết đảng, phải một lòng vì vua như con ngựa hay, khi kéo xe trên đường trường, chỉ biết ruổi rong, đến nỗi quên cả những con ngựa bạn (Mã thất vong. Vô cữu).
Tượng nhắc lại: người ở ngôi trọng thần, phải biết quên bầy bạn, một lòng phục vụ quân vương (Mã thất vong. Tuyệt loại thượng dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 有 孚 攣 如 . 無 咎 .
象 曰 . 有 孚 攣 如 . 位 正 當 也 .
Cửu ngũ.
Hữu phu luyến như. Vô cữu.
Tượng viết:
Hữu phu luyến như. Vị chính đáng dã.
Dịch.
Lấy lòng thành tín cảm dân,
Khát khao, ràng buộc lỗi lầm khỏi lo.
Tượng rằng:
Lấy lòng thành tín cảm dân,
Khát khao ràng buộc, đáng phần xứng ngôi.
Ở ngôi Cửu ngũ, đấng quân vương phải biết đem dạ chí thành để cảm thông thiên hạ. Được vậy, muôn dân sẽ gắn bó để phục vụ mình (Hữu phu luyến như. Vô cữu). Bậc quân vương mà xử sự được như vậy, thực là khéo léo, tốt đẹp, và xứng đáng (Hữu phu luyến như. Vị chính đáng dã).
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 . 翰 音 登 于 天 . 貞 凶 .
象 曰 . 翰 音 登 于 天 . 何 可 長 也 .
Thượng Cửu.
Hàn âm đăng vu thiên. Trinh hung.
Tượng viết:
Hàn âm đăng vu thiên. Hà khả trường dã.
Dịch.
Gà kêu tưởng thấu đến trời,
Khăng khăng tưởng thế, thế thời chẳng hay.
Tượng rằng:
Gà kêu đòi thấu đến trời,
Làm sao có thể lâu dài được đâu.
Thượng Cửu. Gà mà muốn kêu thấu tận trời sao được? Hoa hoét, loè loẹt bên ngoài, mà không có thực chất tinh thành bên trong, làm sao mà hay được?
Không tinh thành làm sao mong cảm hoá được người? Gà muốn kêu thấu trời, làm sao mà đến được? Không tinh thành, làm sao cảm hóa người khác về lâu, về dài được? (Hàn âm đăng vu thiên. Hà khả trường dã).
ÁP DỤNG QUẺ TRUNG PHU VÀO THỜI ĐẠI
Quẻ Trung Phu có hai cách giải: Thứ nhất, con người sinh ra đời, phải biết giữ chữ tín, nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy tức một lời nói ra bốn ngựa không theo kịp.
Đúng vậy, ra đời muốn buôn bán hay làm gì cũng vậy, ta cần phải giữ chữ Tín, nghĩa là khi đã nói hoặc đã hứa với ai điều gì, thì phải giữ lời, chứ đừng bạ đâu hứa đấy, hứa cho đẹp lòng người nghe lúc đó, sau rồi lại chối hoặc nuốt lời, không thực hiện đúng lời hứa, điều này người quân tử, hoặc đàng hoàng, đứng đắn không bao giờ làm.
Thứ hai, là dạy con người phải tiến đến chỗ Tinh hoa hoàn thiện, tức là phải tiến đến chỗ tinh thành. Ai trong chúng ta, cũng đã có mầm mộng thần linh sẵn có trong con người. Nhưng ít người hay biết chuyện đó, và ít người làm cho mầm mộng thần linh đó triển dương được tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện.
Tinh thành là ta phải có lòng thành khẩn một cách sáng suốt. Làm việc hay xử sự gì, thì phải chuyên tâm, nhất trí làm cho được việc đó và phải làm một cách sáng suốt. Muốn đạt tới trạng thái Tinh thành, tâm hồn ta phải hư linh, không để cho dục tình phát động, không để cho ngoại cảnh chi phối. Muốn tiến tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện, phải biết tẩy rửa tâm hồn cho sạch mọi lỗi lầm, phải biết hiếu sinh, phải biết thương yêu đồng loại, phải biết thương dân như con. Vì thế quẻ Trung Phu dạy phải thận trọng về hình án.
Những người đạt tới Tinh thành, có thể hàng long, phục hổ, sai khiến vạn vật. Thánh Francois d' Assise xưa đã thu phục được lang sói, đã giảng đạo cho cá nghe vv... thật là phi thường
Một đấng quân vương mà có lòng Tinh thành, phải thương dân như con đỏ. Trung Hoa, về đời nhà Đường, sau loạn An Lộc Sơn, rất nhiều người bị bắt oan. Vua Đường Túc Tôn sai Tô Kỳ đi trọng nhậm Lư Châu ở phiá Tây Bắc để thanh tra các việc hình án. Trước khi Tô Kỳ đi, vua có dụ rằng: Nhân dân đều là con đỏ của triều đình, vì đói rét hay vì ngu dốt mà phạm tội, trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy trừ những kẻ cùng hung, cực ác ra, còn thảy đều nên khoan thứ, khiến cho chúng được có dịp sửa mình. Khanh ra đó, nên thể theo ý Trẫm, cứu vớt lấy hàng vạn lương dân. (Xem Trung Bắc chủ nhật, số Tết Quí Mùi (1943). Các vua nhân đức như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang vv... đều thương dân như con cả. Ở nước ta, có vua Lê Thánh Tôn cũng thương dân như con vậy.
Ta đừng nói rằng: chuyện con người sinh ra là để tiến tới hoàn thiện, là một điều không tưởng, vì xưa nay mấy ai làm được như vậy. Sở dĩ như vậy, vì xưa nay ít sách vở bàn về chuyện này mà thôi. Con người sinh ra, không thể mãi sống vô định hướng, mà chúng ta cần phải vạch cho đồng loại một hướng đi nghĩa lý.
Nếu con người sinh ra không phải để tiến hóa, thì để làm gì ? Để sinh con, đẻ cái, để sống một cuộc đời lo nhiều hơn là bình thản, hay để nuôi con cho chúng thành danh, thành tài, rồi sau đó sẽ ra sao?. Nếu ta cứ đặt ra những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn hết sức là vô lý. Ta thấy Dịch, khi thì dạy ta những bài học thấp như sống cần phải thích ứng với hoàn cảnh, khi thì dạy ta những bài học rất cao, như là con người sinh ra phải tiến tới Tinh thành hoàn thiện. Còn ba quẻ nữa là hết Kinh Dịch, mà nay đưa ra vấn đề là Con người phải tiến đến Tinh Hoa, thật là quá đẹp đẽ.
62. 雷 山 小 過 Lôi Sơn TiỂu Quá
Tiểu Quá Tự Quái | 小 過 序 卦 |
Hữu kỳ tín giả tất hành chi. | 有 其 信 者 必 行 之 |
Cổ thụ chi dĩ Tiểu quá. | 故 受 之 以 小 過 |
Tiểu Quá Tự Quái
Tin rồi, công việc tất nhiên thi hành.
Cho nên Tiểu Quá mới sinh.
Tiểu Quá là một trong những quẻ khó giải. Muốn giải ta cần phải hiểu rõ hai chữ Tiểu Quá nghĩa là gì?
a). Có người dựa theo Đại Tượng Truyện giải: Tiểu Quá là quá mức đôi chút.
b). Có người lại phân tách quẻ Tiểu Quá và cho rằng: Tiểu Quá trong có 2 Hào Dương, bên ngoài có 4 Hào Âm. Âm quá nhiều hơn Dương, mà Âm là Tiểu, nên gọi là Tiểu Quá. Thời Tiểu Quá là thời mà Tiểu nhân giữ các chức vụ then chốt, còn Quân tử thì giữ những vai trò phụ thuộc. Wilhelm khi dịch Tạp Quái, dịch Tiểu Quá là thời buổi Giao Thời (Transition). Tôi (Tác giả) thấy rằng hiểu Tiểu Quá là thời buổi giao thời, sẽ giúp ta hiểu quẻ Tiểu Quá dễ dàng hơn. Vì thời buổi giao thời đúng là thời kỳ mà:
Trời làm một trận lăng nhăng.
Ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông.
Lúc đó tiểu nhân đắc thế, mà quân tử thất thời. Thời buổi giao thời cũng là thời buổi lắm chuyện nhố nhăng, quá mức, quá lạm. Gặp thời buổi này, giữ được mình toàn vẹn là hay, chứ đừng mong gì làm được đại công, đại sự. Đó là mấy ý chính của quẻ Tiểu Quá.
I. Thoán.
Thoán từ.
小 過 . 亨 . 利 貞 . 可 小 事 . 不 可 大 事 . 飛 鳥
遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 . 大 吉 .
Tiểu Quá. Hanh. Lợi trinh. Khả tiểu sự. Bất khả đại sự.
Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát.
Dịch.
Hào Âm nhiều quá hơn Dương,
Gọi là Tiểu Quá vẫn đường hanh thông.
Nếu mà minh chính một lòng,
Rồi ra nên lợi, sinh công dễ dàng.
Sức vừa, liệu việc tầm thường,
Chớ nên đại sự, đảm đương chuốc mòng.
Chim bay, để lại dư âm,
Cao tầm chẳng tới, thấp tầm mới bay.
Thế thời tốt đẹp lắm thay.
Sống trong thời buổi giao thời, ta vẫn có lối thoát, ta vẫn được lợi, được hay, nếu ta theo được chính lý, chính đạo (Tiểu quá. Hanh. Lợi trinh). Trong thời buổi này, chỉ nên làm chuyện những chuyện nhỏ, không nên làm chuyện lớn (Khả tiểu sự bất khả đại sự). Quẻ Tiểu Quá, giữa có 2 Hào Dương, như là mình chim; Trên dưới đều 2 Hào Âm như hai cánh chim; Toàn quẻ trông ngang như hình chim bay. Vì thế Thoán từ mới nói: Con chim bay nhắc nhủ ta bài học này là: Không nên vươn quá cao, mà chỉ nên ở dưới thấp (Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ). Như vậy, mới được an lành (Đại Cát).
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 小 過 . 小 者 過 而 亨 也 . 過 以 利 貞 . 與 時 行 也 . 柔 得 中 . 是 以 小 事 吉 也 . 剛 失 位 而 不 中 . 是 以 不 可 大 事 也 . 有 飛 鳥 之 象 焉 . 有 飛 鳥 遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 . 大 吉 . 上 逆 而 下 順 也 .
Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã. Quá dĩ lợi trinh. Dữ thời hành dã. Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã. Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã.
Dịch. Thoán rằng:
Tiểu Âm mà quá hơn Dương,
Thế là Tiểu Quá, vẫn đường hanh thông.
Quá, nhưng minh chính một lòng,
Tùy thời xử thế, ung dung theo thời
Âm nhu, chốn giữa, chững ngôi,
Cho nên công việc nhỏ nhoi, tốt lành.
Dương cương, thất vị, chông chênh.
Kham sao được đại công trình, mà hay?
Quẻ trông mường tượng chim bay,
Chim bay, cánh vỗ đó đây xạc xào
Chẳng bay quá trớn, quá cao.
Theo bề thấp thỏi, thế nào cũng hay.
Cao là thế ngược, thế sai,
Thấp thời mới thuận, mới hay, mới lành.
Thoán giải thích: Tiểu Quá là những cái nhỏ quá mức mà vẫn hanh thông (Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã). Lúc giao thời, mà vẫn theo được chính lý, chính đạo, mà vẫn thích ứng được với hoàn cảnh, thì mới hay, mới lợi. Có vậy mới là thức thời, mới là theo được đà thời gian (Quá dĩ lợi trinh. Dữ thì hành dã).
Phàm ở đời, tiểu nhân làm nên tiểu sự, quân tử làm nên đại sự. Nay tiểu nhân giữ các địa vị trọng yếu, then chốt, quân tử lại không có ngôi, có vị hẳn hoi. Như vậy, chỉ nên làm những chuyện nhỏ, đừng làm những chuyện lớn. (Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã).
Quẻ Tiểu Quá gợi nên hình ảnh con chim bay, nó nhắc nhủ ta là trong thời buổi giao thời, không nên vươn cao quá, mà chỉ nên ở dưới thấp, mới là hợp lý (Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã).
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết.
象 曰 . 山 上 有 雷 . 小 過 . 君 子 以 行 過 乎 恭 .
喪 過 乎 哀 . 用 過 乎 儉 .
Sơn thượng hữu lôi. Tiểu Quá. Quân tử dĩ hành quá hồ cung.
Tang quá hồ ai. Dụng quá hồ kiệm.
Dịch. Tượng rằng:
Tiểu Quá, sấm động đầu non,
Hiền nhân quá mức, cũng còn có khi,
Quá khiêm trong lúc hành vi,
Quá sầu, khi gặp những kỳ tóc tang,
Quá ư cần kiệm, kỹ càng.
Tiêu pha, chẳng dám chuyện hoang phí tiền.
Tống Bản Thập Tam Kinh bình đại khái rằng:
Thường thì Sấm sinh từ đất, nay sinh trên núi (Lôi Sơn), thế là quá mức. Tiểu nhân thường hay quá mức, quá trớn trong hành vi, cử chỉ, hay cao ngạo, hay phung phí. Muốn sửa lỗi họ, người quân tử cần làm ngược lại, nhưng làm quá mức một chút, để cho họ thấy mà sửa mình. Cho nên người quân tử, có thể nhất thời, vì mục đích giáo hoá, nên trong hành động sẽ quá cung kính, trong tang lễ sẽ quá buồn rầu, trong tiêu dùng sẽ quá cần kiệm.
Ví dụ: Xưa Mạc Ngao có những cử chỉ cao ngạo, thì Chính khảo Phụ, vì muốn răn bảo, đã tỏ ra hết sức khiêm cung, đến nỗi đi đâu cũng nép vào ven tường. Hoặc như Tể Dư, muốn tỉnh giảm lễ để tang còn là một năm, thì Cao Sài khóc đến chảy máu mắt. Hoặc như trước đó, quân tử tiêu sài hết sức phung phí, vợ nọ con kia đầy dẫy, tân khách ra vào tấp nập, thì Án Anh, sau này có phản ứng ngược lại là suốt ba mươi năm, chỉ dùng một áo hồ cừu cũ. Như vậy, Chính Khảo Phụ đã hành quá hồ cung; Cao Sài đã tang quá hồ ai; và Án Anh đã dụng quá hồ kiệm với mục đích dạy đời.
Hoặc như hồi Trung Cổ ở bên Âu Châu, các giáo sĩ mải sống trong giầu sang, nhung lụa, thì thánh Francois d'Assise (1182 - 1226) đã lập ra một dòng khổ tu, cùng các đồng chí ngày ngày đi xin ăn để mà sống... Đó cũng chính là làm điều phải quá mức ít nhiều, để rung lên hồi chuông cảnh tỉnh.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 飛 鳥 以 凶 .
象 曰 . 飛 鳥 以 凶 . 不 可 如 何 也 .
Sơ Lục.
Phi điểu dĩ hung.
Tượng viết.
Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã.
Dịch.
Chim bay hứng chí, bay cao,
Bay lâu cao quá, thế nào cũng hung.
Tượng rằng:
Cao bay, sẽ gặp hoạ hung,
Hoạ hung thời chịu, biết chừng làm sao?
Sơ Lục là Hào Âm, lại ở chỗ thấp nhất, đáng lý là phải biết an phận, đàng này Sơ Lục cậy có Cửu tứ, tức là người trên quyền thế đỡ đầu, nên xông xáo hăm hở muốn vươn lên. Sự vội vàng hấp tấp, muốn đi quá trớn ấy sẽ đem lại cho đương sự nhiều phiền nhiễu, y như con chim chưa đủ lông, đủ cánh, đã đòi bay bổng. Không thức thời, tiến lên liều lĩnh, bừa phứa như vậy, đến nổi gặp hung hoạ, thời biết làm sao bây giờ (Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã).
2. Hào Lục nhị.
六 二 . 過 其 祖 . 遇 其 妣 . 不 及 其 君 . 遇 其 臣 . 無 咎 .
象 曰 . 不 及 其 君 . 臣 不 可 過 也 .
Lục nhị.
Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỷ. Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Vô cữu.
Tượng viết.
Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã.
Dịch.
Qua ông , để gặp cụ bà,
Theo vua chẳng được, ở ra phận thần.
Vậy thời chẳng có lỗi lầm.
Tượng rằng:
Chẳng mong theo kịp quốc quân
Giữ sao không quá phận thần, mới hay.
Lục nhị. Hào từ chia làm hai phần: Phần trên dạy xử sự cho hợp lẽ. Ví dụ: như vợ người cháu (Hào Lục nhị), khi vào lễ nơi tổ miếu, có thể đi qua nơi bài vị của ông Tổ (Hào Cửu tứ), mà đến van vái trước bài vị của bà cô Tổ (Hào Lục ngũ). Thế là Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỉ. Còn như chính người cháu trai, thì phải đứng lễ về phía ông Tổ.
Phần dưới Hào này, dạy rằng: Bậc thần tử hãy nên biết thân phận mình, đừng nên đòi hỏi nhiều. Ví dụ như một thần tử (Lục nhị), muốn xin vào bệ kiên vua (Lục ngũ), để nhận mạng lệnh mà chẳng được, đành gặp một vị đại thần để nhận mạng lệnh cách gián tiếp. Thế là Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Cập là có ý muốn gặp, Ngộ là vô tình mà gặp, tình cờ mà gặp. Kinh Xuân Thu cũng phân biệt chữ Cập và chữ Ngộ như vậy.
Tượng Truyện nói rõ hơn, là thần tử không nên vượt quá phạm vi mình. Phải ăn ở sao cho vua ra vua, tôi ra tôi, mới khỏi lỗi lầm (Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã).
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 弗 過 防 之 . 從 或 戕 之 . 凶 .
象 曰 . 從 或 戕 之 . 凶 如 何 也 .
Cửu tam.
Phất quá phòng chi. Tòng hoặc tường chi. Hung.
Tượng viết.
Tòng hoặc tường chi. Hung như hà dã.
Dịch.
Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,
Nhỡ người hãm hại, họa hung đã đành.
Tượng rằng:
Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,
Nhỡ người hãm hại, họa hung vô chừng.
Cửu tam bị kẹt ở giữa một bày Âm, mà địa vị lại dở trăng, dở đèn (tam bất trung), cho nên phải hết sức gia ý đề phòng tiểu nhân. Nếu chẳng gia ý đề phòng (Phất quá phòng chi), mà lại còn đua đòi theo bầy tiểu nhân, thì trước sau cũng sẽ bị người hãm hại (Tòng hoặc tường chi). Như vậy là chẳng tốt (Hung).
Theo bày tiểu nhân để đến nỗi bị gia hại, xấu biết chừng nào (Tòng hoặc tường chi. Hung như hà dã).
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 無 咎 . 弗 過 遇 之 . 往 厲 必 戒 . 勿 用 永 貞 .
象 曰 . 弗 過 遇 之 . 位 不 當 也 . 往 厲 必 戒 . 終 不 可 長 也 .
Cửu tứ.
Vô cữu. Phất quá ngộ chi. Vãng lệ tất giới. Vật dụng vĩnh trinh.
Tượng viết.
Phất quá ngộ chi. Vị bất đáng dã.
Vãng lệ tất giới. Chung bất khả trường dã.
Dịch.
Tùy thời, xử thế cho hay,
Rồi ra mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.
Thời nghi, thích hợp, vừa khăm,
Mà không quá trớn, lố lăng mới là.
Mưu đồ, sẽ gặp nguy cơ,
Phải nên thận trọng, đắn đo, suy lường.
Chớ nên cố chấp, thủ thường,
Phải nên quyền biến, đảm đương theo thời.
Tượng rằng:
Thời nghi, thích hợp vừa khăm,
Mà không quá trớn, lố lăng mới là,
Vị ngôi chẳng xứng, chẳng vừa,
Mưu đồ nguy hiểm, phải lo, phải lường.
Tiểu nhân đang lúc nhiễu nhương.
Làm sao quân tử có đường thịnh hưng ?
Cửu tứ là Dương Hào cư Âm vị , thế là tính cương, mà xử nhu, như vậy không có gì là quá, và cũng là hợp thời. Biết mình sống giữa bầy tiểu nhân, không thể làm gì được, nên cũng giả ngô, giả ngọng cho êm chuyện (Phất quá ngộ chi). Thế tức là: Phượng hoàng thất thế, phải theo đàn gà.
Sống vào thời buổi đảo điên, mà không thức thời, cứ tưởng mình có tài, có đức, là có có thể hoán chuyển được tình thế là lầm. Vì một con én làm sao làm nên được mùa xuân. Cho nên, nếu lo toan, sốc vác, tính chuyện đội đá, vá trời, sẽ gặp nguy lệ (Vãng lệ). Cho nên, cần phải đề cao cảnh giác (Tất giới), và đừng có đối xử cứng rắn với người (Vật dụng vĩnh trinh). Có như vậy, mới biết uyển chuyển theo thời.
Tượng Truyện giải rõ thêm rằng mình phải thích thời, khéo xử, không được đi quá trớn, quá mức (Bất quá ngộ chi), Bởi vì địa vị mình dở dang, bất xứng (Vị bất đáng dã). Nếu làm trái lại, thì không nên (Vãng lệ tất giới), và không thể lâu dài được (Bất khả trường dã).
5. Hào Lục ngũ.
六 五 . 密 云 不 雨 . 自 我 西 郊 . 公 弋 取 彼 在 穴 .
象 曰 . 密 云 不 雨 . 已 上 也 .
Lục ngũ.
Mật vân bất vũ. Tự ngã Tây giao. Công dặc thủ bỉ tại huyệt.
Tượng viết.
Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.
Dịch.
Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,
Mưa dầy, phủ kín cõi trời Tây ta.
Bắn chim trong động mới là,
Vương công bắn lấy, đem ra giúp đời.
Tượng rằng:
Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,
Nghĩa là Âm đã cao ngôi quá chừng.
Lục ngũ. Sống trong buổi nhiễu nhương, giao thời, mà vị lãnh đạo không phải người tài cao, đức cả (Lục ngũ là Âm nhu chi tài), thì làm sao mà làm ơn, làm ích nhiều cho đời được, có khác nào như một áng mây dày, bồng bềnh bên phía trời Tây, không thành mưa rơi xuống mặt đất được (Mật vân bất vũ). Như vậy, hay hơn hết, là đi tìm hiền thần cộng tác. Mà hiền thần bây giờ còn ẩn náu nơi thôn dã, chưa xuất đầu lộ diện, phải khéo léo mới mời ra cộng tác được. Cầu được những bậc hiền tài này, cũng tỉ như bắn chim nấp trong hang động (Công dặc thủ bỉ tại huyệt).
Vua cũng không nên đi quá trớn. Vua mà quá trớn, thời như đám mây, bay quá cao, làm sao mà thành mưa được (Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.
6. Hào Thượng Lục.
上 六 . 弗 遇 過 之 . 飛 鳥 離 之 . 凶 . 是 謂 災 眚 .
象 曰 . 弗 遇 過 之 . 已 亢 也 .
Thượng Lục.
Phất ngộ quá chi. Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh.
Tượng viết.
Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã.
Dịch.
Quá chừng, chẳng biết thức thời,
Như chim vun vút, khung trời cao bay,
Thế là hung hoạ có ngày.
Rồi ra vạ gió, tai bay khôn chừng.
Tượng rằng:
Quá chừng, chẳng biết thức thời.
Là vì cao quá nóc rồi, còn chi ?
Thượng Lục là kẻ tiểu nhân được thời thế đưa đẩy lên ngôi vị cao. Vì đang đà say danh lợi, không thể kiềm chế được mình, nên đã đi quá trớn, không còn chịu theo lẽ phải (Phất ngộ), và làm những điều ngang chướng, quá quắt (quá chi). Họ sẽ gặp tai ương, y như con chim bay quá cao sẽ bị tai họa (Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh).
Tất cả những điều dở dang, trái khoáy đã sinh ra chính là vì đương sự đã đi quá trớn (Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã).
ÁP DỤNG QUẺ TIỂU QUÁ VÀO THỜI ĐẠI
Kể từ lúc tôi biết suy nghĩ điều hơn thiệt, đến nay thấm thoát đã 50 năm, lúc đó tôi còn nhớ là tôi chỉ là cô bé con, tuổi mới 13, và ngày hôm đó vào mùa xuân, khoảng 12 tháng 3 Âm lịch, là ngày đưa đám táng mẹ tôi. Mẹ tôi mất, tôi buồn lắm, nỗi buồn in sâu trong lòng tôi, đến nỗi bây giờ đã qua 50 năm, mà tôi còn nhớ rõ những hình ảnh để tôi viết bài này. Hôm ấy, lúc đầu vì còn nhỏ nên tôi được lên xe ngồi chung với người trong họ, để theo xe tang, nhưng khi đi đến khoảng hơn hai phần đường thì tôi xuống xe, và vượt từ từ lên nhập bọn chung với các anh, chị tôi, sát sau xe tang mẹ tôi. Tôi im lặng, lòng buồn khôn tả, đi theo xe chở người mẹ thân yêu, đã hy sinh suốt cuộc đời cho chồng con. Tôi bước theo mà người như mơ, như tỉnh, chợt tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng các chị tôi khóc lớn, và nghe như có sự níu kéo ở gần tôi, tôi ngoảnh ra sau, thấy chị dâu trưởng của tôi, mặc sô gai như tôi, đang nằm lăn dưới đất, tóc tai rũ rượi, kêu khóc gọi mẹ tôi, và mọi người đang nâng chị dâu tôi dậy. Lúc đó, tôi bàng hoàng không hiểu tại sao chị dâu tôi lại thương mẹ tôi như vậy, vì cứ chốc chốc chị lại làm như vậy, làm khổ cho mấy người cứ phải ở bên cạnh chị, để nâng đỡ chị, mà tôi lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng cũng hiểu là chị không thương mẹ tôi nhiều như vậy. Sau này, tôi hỏi cô tôi về sự tại sao chị dâu tôi lại vừa khóc mẹ tôi, lại vừa lăn đường như vậy. Cô tôi trả lời vì tục lệ xưa, bắt người con dâu khi mẹ chồng chết phải lăn khóc như vậy.
Sau này, cách đó 48 năm, ở xứ Hoa Kỳ này, tôi lại đi dự một đám tang của một người bà con trong họ, (cũng người Việt Nam), thì tôi thấy khi bà cụ chết đi, thay vì mặc sô gai, hay mặc quần áo trắng thường, thì con cháu nội ngoại bà cụ, đã thuê đồ tang kiểu Âu Châu, ăn mặc sang, đẹp, như đi dự dạ hội, và không có cảnh u sầu khóc lóc như ngày xưa.
Vậy, thời gian đã thay đổi tập tục và con người quá nhiều, cả hai cảnh tượng trước và sau đó đều hơi quá đáng.
Và ai đã sống sau năm 1975, lúc Saigon đổi chủ, đã thấy cảnh hống hách của lũ tiểu nhân, mà dân lúc đó gọi chúng là tụi Cách mạng 30 (tức là ngày 30 Cộng Sản về, nó mới tự xưng là Cách mạng), và cảnh những nhà trí thức, khá giả, giả vờ túng thiếu, đi đạp xe xích lô, hoặc đi gánh rau muống để bán ngoài chợ. Thật là cảnh cười ra nước mắt. Những ai là người BắcViệt, nhất là dân Hà nội, đã sống trong cảnh gia đình khá giả, nho phong khi xưa, chắc còn nhớ là các bậc cha mẹ dạy con thật là nề nếp, cẩn thận. Đi ra đường, gặp ai dù quen thân hay quen sơ, đều phải chào hỏi lễ phép. Tiếng Cô, Cậu dùng để chào hỏi người ít tuổi hơn mình. Tiếng Ông, Bà dùng để chào hỏi người ngang mình, và mình xưng Tôi; nếu mình ít tuổi hơn họ thì mình xưng Con hay Cháu. Nếu người đó già cả khoảng trên 70 tuổi, thì phải dùng tiếng Cụ mà gọi người ta. Chỉ hơi quá đáng một chút, là ai có chút chức phận, thì người ngoài xưng họ là Quan lớn.
Sau 1945, Cộng Sản lên, muốn cho thân mật, họ đã dạy dân thay đổi danh từ Cô, Cậu, Ông, Bà ra Anh, Chị, và thay vì gọi người già cả là Cụ, họ thay thế bằng tiếng Chú, Bác, Cô, Dì vv... Nhưng các cán bộ, có một số cứ dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những bậc đáng cha chú mình, nếu những người này là ở thành phần dân chúng.
Sau 1975, Cộng Sản vào Nam, đã nhập vào dân những tập tục thiếu lễ độ đối với các bậc trưởng thượng đó. Có nhiều người đã bị tiêm nhiễm, nên đã dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những người trưởng thượng mà họ gặp, mặc dầu những người này đáng cha, chú họ. Trên đây là những điều mà quẻ Tiểu Quá muốn sửa. Gần đây, có một bài báo đăng tin bên Trung Cộng, chắc giới trí thức cũng thấy dân tộc mình đã sai lầm trong vấn đề xưng hô, nên họ đã ra lệnh sửa lại.
Bao giờ người Việt trở lại nề nếp cũ? tuy nhiên danh từ Quan lớn cũng phải hủy bỏ, vì đã quá kiểu cách.
63. 水 火 既 濟 THỦY HỎA KÝ TẾ
Ký Tế Tự Quái | 既 濟 序 卦 |
Hữu quá vật giả tất tế. | 有 過 於 物 必 濟 |
Cố thụ chi dĩ Ký Tế. | 故 受 之 以 既 濟 |
Ký Tế Tự Quái
Nếu như xuất chúng, hoàn thành có phen.
Cho nên Ký Tế tương liên.
Sau quẻ Tiểu Quá là quẻ Ký Tế, vì hễ mình có cái gì hơn người, rồi ra sẽ giúp được người, sẽ làm nên chuyện.
- Ký Tế có nghĩa là Công việc đã hoàn thành,là Tình hình đã ổn định. Y thức như đã vượt qua được con sông lớn.
-Ký Tế là Thủy Hỏa giao nhau, giúp nhau để làm nên công trình: nước ở trên, lửa ở dưới, thời lửa sẽ đun sôi được nước.
-Hơn nữa, Ký Tế là quẻ duy nhất trong 64 quẻ Dịch, có các Hào Âm, Dương tương ứng với nhau, và đúng vị trí của nó.
-Ký Tế còn là quẻ 63 gợi lên ý nghĩa rằng, vũ trụ biến thiên, thế giới biến thiên, vạn hữu biến thiên. Cuối cùng phải đi tới một chung cuộc tốt đẹp.
Muốn giải quẻ Ký Tế, ta chỉ cần hiểu Ký Tế là khi tình thế đã ổn định, như vậy sẽ biết được tình hình, thời cuộc, và cách xử sự của mỗi một hạng người trong quẻ này.
I. Thoán.
Thoán từ.
既 濟 . 亨 . 小利 貞 . 初 吉 終 亂 .
Ký Tế. Hanh tiểu. Lợi trinh. Sơ cát chung loạn.
Dịch.
Ký Tế là lúc đại thành,
Bây giờ đại sự đã hanh thông rồi.
Lo tròn những việc nhỏ nhoi,
Bền lòng, giữ vững cơ ngơi mới tình,
Mới đầu, mọi sự tốt lành,
Sau cùng, có thể điêu linh ly loàn.
Ký Tế là thời kỳ ổn định, đại cuộc đã thành toàn, nhưng những tiểu sự, tiểu tiết thì còn vô số để làm, vì thế nói: Ký Tế. Hanh tiểu. Thời buổi này cũng vẫn còn phải theo con đường minh chính, cũng vẫn phải bền gan trì thủ, mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Vả lại, buổi đầu hiện nay thì dĩ nhiên là hay (Sơ cát), nhưng biết đâu cuối cùng lại chẳng loạn ly, lại chẳng nhiễu nhương rối rắm (Chung loạn).
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 既 濟 . 亨 . 小 者 亨 也 . 利 貞 . 剛 柔 正 而 位 當 也 . 初 吉 . 柔 得 中 也 . 終 止 則 亂 . 其 道 窮 也 .
Ký Tế. Hanh. Tiểu giả hanh dã. Lợi trinh. Cương nhu chính nhi vị đáng dã. Sơ cát. Nhu đắc trung dã. Chung chỉ tắc loạn. Kỳ đạo cùng dã.
Dịch. Thoán rằng:
Ký Tế là lúc đại thành,
Bây giờ, đại sự đã hanh thông rồi.
Lo tròn những việc nhỏ nhoi.
Rồi ra sẽ được vẹn mười hanh thông.
Bền gan, minh chính một lòng,
Rồi ra công việc mới mong lợi nhiều.
Cương nhu, hợp chỗ, hợp chiều,
Vị ngôi đâu đấy, đủ điều hẳn hoi.
Mới đầu, mọi việc êm xuôi,
Là vì nhu được chính ngôi chững chàng.
Sau rồi, thôi chuyện lo toan,
Vì ngừng gắng gỏi, ly loàn lại sinh.
Thoán Truyện chỉ hoàn toàn giải thích Thoán Từ:
1. Thế nào là Hanh tiểu? Hanh tiểu là còn những việc nhỏ phải thực hiện sao cho thông suốt hẳn hoi. Đại cuộc tuy xong, nhưng tiểu tiết còn nhiều điều chếch mác, phải sửa sang lại cho toàn vẹn.
Các nhà Cách Mạng đều chủ trương như vậy. Sau khi cướp được chính quyền, Staline chủ trương đại khái rằng:
-Cướp chính quyền, mới là bước đầu.
-Giai cấp tư sản tuy bị lật đổ, nhưng vẫn còn mạnh hơn giai cấp vô sản, cho nên cần phải:
-Giữ được chính quyền.
-Củng cố chính quyền.
-Làm cho chính quyền trở nên hùng mạnh, vô địch.
Muốn đạt được mục phiêu ấy, Vô sản còn 3 việc phải làm là:
1. Bẻ gẫy sự chống đối của giai cấp Tư sản, Phú nông, đồng thời dẹp tan mọi âm mưu của Tư sản, để cướp lại chính quyền.
2. Tổ chức binh bị, sắm sanh khí giới, để chống ngoại xâm, và đấu tranh với Đế quốc chủ nghĩa.
Ngoài ra, còn phải giáo dục lại quần chúng, nông dân, địa chủ, công chức, trí thức v . v . . .
Ngự Án thì cho rằng: Sau khi tình hình đã ổn định, còn có 2 việc phải làm.
1. Chế trị : Tổ chức công cuộc cai trị.
2. Bảo bang: Bảo vệ đất nước.
2. Tại sao lại Lợi trinh? Lợi trinh, vì mọi người đều xứng ngôi, xứng vị (Cương nhu chính nhi vị đáng dã). Xử dụng cho hay, cho phải, vài ba chục người là chuyện dễ, nhưng xử dụng cho hay, cho phải, trăm, ngàn, triệu người trong một nước, không phải là chuyện chơi. Cho nên Ký Tế đòi hỏi một nghệ thuật cao, một công phu dầy vậy.
3. Tại sao Sơ Cát? Bắt đầu thì tốt, vì lúc bấy giờ mọi người còn đang hăng hái, nhu thuận, văn minh (vì quẻ dưới là Ly), và lại đắc trung (Sơ cát . Nhu đắc trung dã)
4. Tại sao Chung loạn? Chung loạn vì lòng người đã trở nên ù lì, thích hưởng thụ, an nhàn hơn là cố gắng lao tác (Chung chỉ tắc loạn). Mà đã không cố gắng, đã để cho tình hình trở nên rối rắm, thì làm gì còn được an bình, ổn định và Ký Tế nữa (Kỳ đạo cùng dã).
II. Đại Tượng Truyện.
Tượng viết.
象 曰 . 水 在 火 上 . 既 濟 . 君 子 以 思 患 而 預 防 之 .
Thủy Hỏa tại thượng. Ký Tế. Quân tử dĩ tư hoạn nhi dự phòng chi.
Dịch. Tượng rằng:
Lửa dưới, nước trên,
Ấy là Ký Tế, là nên việc rồi,
Người hiền thấy vậy, lo đời,
Đề phòng hoạ hoạn, tương lai mới là ...
Ký Tế là lúc Thủy Hỏa tương tế, nhân tình tương hòa, tương thân, tương trợ. Nhưng chính lúc ấy, Thánh nhân lại dạy quân tử phải lo đề phòng họa hoạn. Chủ trương Cư an, tư nguy, luôn được Dịch kinh và Nho Giáo đề cao.
Có thể nói được Dịch Kinh đề cao chủ trương: Sinh ư ưu hoạn. Tử ư an lạc. Biết lo lắng, biết chịu thương, chịu khó mới sống. Nhơn nhơn du hý, hưởng lạc, cầu an sẽ chết. Đọc quẻ Ký Tế, càng thấy hiện rõ ràng tư tưởng ấy.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 . 曳 其 輪 . 濡 其 尾 . 無 咎 .
象 曰 . 曳 其 輪 . 義 無 咎 也 .
Sơ Cửu.
Duệ kỳ luân. Nhu kỳ vĩ. Vô cữu.
Tượng viết.
Duệ kỳ luân. Nghĩa vô cữu dã.
Dịch.
E dè thắng bớt bánh xe,
Hồ kia đuôi ướt, ngại bề lội sông.
Thế thời mới khỏi lỗi lầm.
Tượng rằng:
Thắng bớt bánh xe,
Vì không nóng nẩy, hết bề lầm sai.
Sơ Cửu. Lúc này là lúc thời cơ mới thuận tiện, hoàn cảnh có mòi dễ dàng, nhưng người quân tử không phải vì thế mà bớt sự thận trọng thường lệ. Y thức như cái bánh xe, có khi phải bớt thắng lại; hay như con hồ hễ ướt đuôi, thời đâm ngại ngùng, không dám vội sang sông. Xe xuống giốc, mà không thắng, có khi tai nạn. Hồ qua sông, mà không e dè, có khi lâm nguy. Người hành động không phòng bị, có lúc mắc hoạ. (Duệ kỳ luân. Nhu kỳ vĩ. Vô cữu). Sơ hoạt động, nhưng không nên nóng, như người đi xe, có lúc phải thắng bớt xe lại, như vậy theo lẽ là phải, có gì đáng trách đâu (Duệ kỳ luân. Nghĩa vô cữu dã).
2. Hào Lục nhị.
六 二 . 婦 喪 其 茀 . 勿 逐 . 七 日 得 .
象 曰 . 七 日 得 . 以 中 道 也 .
Lục nhị.
Phụ táng kỳ phất. Vật trục . Thất nhật đắc.
Tượng viết:
Thất nhật đắc. Dĩ trung đạo dã.
Dịch.
Phu nhân đánh mất rèm xe,
Khỏi tìm, bảy bữa của về lại tay.
Tượng rằng: Bảy bữa được rèm,
Là vì trung chính, giữ nguyên chẳng rời.
Lục nhị. Xưa, đàn bà đi xe phải có rèm che. Nay rèm mất, thể theo nghi lễ chẳng nên đi xe, mà cũng chẳng nên chạy đi tìm rèm, vì như vậy còn có thể thống gì. Rèm mất rồi ra lại tìm được. Hào này ám chỉ một công thần có đức, một lương tướng có tài, nhưng vì nay là lúc tình thế đã ổn định rồi, nên tài mình không có chỗ dụng, vua ở trên tỏ ra ơ hờ, không còn vồn vã, không còn cần dùng mình nữa.
Công thần, lương tướng gặp hoàn cảnh này, chớ nên tỏ ra cầu cạnh sự sủng ái của vua, vì như vậy vừa mất thể diện, vừa có thể nguy hiểm đến thân. Hãy đợi thời, có lúc vua lại cần mình, lại triệu vời mình. Người xưa có câu:
Điểu phi tận. Lương cung tàn.
Giảo thố tử. Tẩu cẩu phanh.
Dịch:
Chim bay mà chết, ná quăng.
Thỏ khôn mà chết, chó săn tàn đời.
Sau khi dẹp xong Hạng Võ, Hán Cao Tổ lập mưu bắt Sở vương Hàn Tín về giam lỏng ở Hàm Dương, lại truất xuống làm Hoài Âm Hầu. Một hôm Bái Công triệu Hàn Tín vào triều để hỏi về khả năng của các tướng tá, cốt là dò xem ý tứ Hàn Tín ra sao? Khi vui chuyện, Hàn Tín cho rằng Hán Cao Tổ có thể cầm được mười vạn quân, còn riêng ông càng nhiều quân ông càng dễ điều khiển. Có người cho rằng vì Hàn Tín khoe tài như thế, mà sau này Hàn Tín bị giết. Ít lâu sau, Lương Vương Bành Việt, cũng bị Bái Công bắt về phế xuống làm dân, đày đi Ba Thục.
Giữa đường Bành Việt gặp Lã Hậu. Ông năn nỉ Lã Hậu xin can thiệp giúp. Lã Hậu hứa giúp, và khiến Bành Việt theo trở về triều, Về tới triều, Lã Hậu nói với Hán Vương rằng: Tha Bành Việt là thả hổ về rừng, cần phải tìm cớ mà giết để trừ hậu hoạn. Thế là chẳng những Bành Việt bị chết chém, mà thi thể còn bị đem làm mắm, để gửi cho chư tướng. Tóm lại:
- Có rèm che, phụ nữ mới nên ra ngoài.
- Có sự tin cẩn của vua, lương tướng mới nên hoạt động.
Thất nhật đắc là tại sao? Tới thời cần đến lương tướng, nhà vua sẽ đổi giọng, đổi thái độ ngay. Tiết Nhân Quí đang bị giam nơi thiên lao. Khi cần người đi Chinh Tây, vua Thái Tông liền truyền thả Tiết Nhân Quí, rồi phong làm Đại nguyên súy như cũ.
Cho nên Tượng Truyện bàn thêm rằng: Mình gặp lúc thất sủng, cứ xử sự cho phải, rồi ra có ngày cờ lại đến tay. (Thất nhật đắc. Dĩ trung đạo dã).
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 高 宗 伐 鬼 方 . 三 年 克 之 . 小 人 勿 用 .
象 曰 . 三 年 克 之 . 憊 也
Cửu tam.
Cao Tông phạt Quỉ phương. Tam niên khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.
Tượng viết:
Tam niên khắc chi. Bại dã.
Dịch.
Cao Tông, đánh xứ Quỉ Phương,
Ba năm chinh chiến, nhiễu nhương mới rồi.
Tiểu nhân nên gạt ra ngoài,
Viễn chinh, xin chớ dùng người tiểu nhân.
Tượng rằng:
Ba năm mới dẹp được xong,
Thật là mệt mỏi, nhọc lòng lắm thay.
Cao Tông phạt Quỉ phương là vua Vũ Đinh nhà Thương đi đánh Hung nô ở phía Bắc. Các vua, khi nội trị đã ổn định, thường tính ch uyện củng cố đất nước, ngăn chặn ngoại xâm, bằng cách đi chinh phục các nước lân bang. Công việc này không có dễ, vua Cao Tông phải mất ba năm mới chinh phục được Hung Nô (Cao Tông phạt Quỉ phương. Tam niên khắc chi).
Ngày nay, khi mà thế cuộc không cho phép ngoại xâm, thì các nhà lãnh đạo lo liên minh với các nước láng giềng. Dịch khuyên không nên dùng Tiểu nhân để chinh phục hay cai trị, vì tiểu nhân là mầm phiến loạn (Tiểu nhân vật dụng). Tam niên khắc chi bại dã, là nói ba năm mới thắng, ý nói phải vất vả nhiều mới thắng được.
4. 六 四 . 繻 有 衣 袽. 終 日 戒 .
象 曰. 終 日 戒 . 有 所 疑 也 .
Hào Lục tứ. Lục tứ.
Nhu hữu y như. Chung nhật giới.
Tượng viết: Chung nhật giới. Hữu sở nghi dã.
Dịch.
Sắm sanh những dẻ, cùng nùi,
Phòng khi thuyền thủng, thời bồi, thời tra.
Suốt ngày, phòng bị âu lo.
Tượng rằng:
Suốt ngày phòng bị âu lo,
Là vì trong dạ nghi ngờ chẳng yên.
Hào Lục tứ lại dạy phải quan phòng. Đi thuyền phải chuẩn bị nùi dẻ (Y như), để khi thuyền thủng (Nhu), có mà chét. Thế là suốt ngày phải lo lắng đề phòng (Chung nhật giới. Hữu sở nghi dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五. 東 鄰 殺 牛 . 不 如 西 鄰 之 祭 . 實 受 其 福 .
象 曰 . 東 鄰 殺 牛 . 不 如 西 鄰 之 時 也 . 實 受 其 福 . 吉 大 來 也 .
Cửu ngũ.
Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thược tế. Thật thụ kỳ phúc.
Tượng viết:
Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thời dã.
Thực thụ kỳ phúc. Cát đại lai dã.
Dịch.
Xóm Đông, trâu giết linh đình,
Xóm Tây, lễ bạc lòng thành lại hơn.
Lòng thành hưởng phúc trời ban.
Tượng rằng:
Xóm Đông trâu giết linh đình,
Xóm Tây, thời thế tốt lành vẫn hơn.
Lòng thành, hưởng phúc trời ban,
Phúc lành lai láng, tràn lan mới là.
Cửu ngũ. Xóm Đông giết trâu, cúng tế linh đình, mà lại không bằng xóm Tây cúng tế sơ sài đạm bạc. Đó vì thần linh chứng lòng, chứ không chứng lễ vật (Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thược tế. Thực thụ kỳ phúc). Sa hoa phung phí, không bằng thành khẩn thức thời. Tương lai đẹp đẽ, không thuộc về những kẻ ưa hào phóng sa hoa, mà chính thuộc về những người biết sống, biết xử dụng tiền tài, vật dụng (Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thời dã. Thật thụ kỳ phúc. Cát đại lai dã).
6. Hào Thượng Lục.
上 六 . 濡 其 首 . 厲 .
象 曰 . 濡 其 首 厲 . 何 可 久 也 .
Thượng Lục.
Nhu kỳ thủ. Lệ
Tượng viết:
Nhu kỳ thủ lệ. Hà khả cữu dã.
Dịch.
Đầu mà chìm nghỉm thời nguy.
Tượng rằng:
Đầu mà chìm nghỉm, thời nguy.
Đầu chìm, thời chẳng cách chi vững bền.
Cực thịnh sẽ suy. Đó là lẽ Trời. Công đồng Latran (1512- 1517), vừa quả quyết rằng: Từ nay không còn ai phàn nàn, không còn ai chống đối giáo hội, thì mấy tháng sau, ngày 31-10-1517, Luther dán bích chương đả kích giáo hội, và lập nên giáo phái Tin Lành.
Con hồ băng sang sông, mà chìm nghỉm cả đầu, ắt sẽ nguy. Khi gặp thời thế thuận tiện, may mắn, mà con người sống phóng túng, thì ắt cũng sẽ nguy (Nhu kỳ thủ. Lệ). Gặp thời thuận tiện mà nhắm mắt làm liều, lao đầu làm bậy, thì làm sao bền vững được (Nhu kỳ thủ. Lệ. Hà khả cữu dã).
ÁP DỤNG QUẺ KÝ TẾ VÀO THỜI ĐẠI
Ký Tế là khi công chuyện ta định làm, nay đã làm rồi, nhưng còn những điều tiểu tiết trong đó mà ta cần phải chú ý, nếu không công việc của ta sẽ dễ dàng đi đến bế tắc, nguy ngập. Ví dụ: Nay ta muốn mở 1 tiệm ăn nhỏ, ta đã lo liệu đủ, và đã sang được 1 cửa hàng, với đầy đủ đồ vật cần thiết rồi, ta đã có người bếp mà ta cho rằng đủ tài, đủ kinh nghiệm và ta tin tưởng ta sẽ thành công, như thế rất là nguy hiểm. Vì một cơ sở, muốn đi tới thành công không phải dễ dàng như vậy.
I. Về phần người chủ
Muốn thành công, người chủ tối thiểu phải biết quản trị tốt, giao thiệp rộng, phải cởi mở với nhân viên, để họ hết lòng với mình, thì dù có phải làm việc vất vả họ cũng không nề hà, oán trách, phàn nàn. Điều quan trọng hơn cả, là người chủ phải là người siêng năng, nấu ăn giỏi, có nhiều sáng kiến độc đáo của riêng mình, phải có óc cầu tiến, học hỏi, không được quá chủ quan, biết nghe lời phê bình của người khác. Và phải niềm nở với khách hàng.
- Siêng năng, nấu ăn giỏi, là để khỏi bị cảnh lúng túng khi người bếp đau ốm, hay muốn làm reo với chủ.
- Có sáng kiến độc đáo, là để cho tiệm mình luôn có món ăn độc đáo hơn tiệm khác.
- Cầu tiến, là để tiệm của mình luôn trang trí hợp thời, sạch sẽ, hấp dẫn khách hàng.
- Học hỏi, là để mình thu lượm những kinh nghiệm của người khác về làm của mình.
- Không được chủ quan và chịu nghe lời phê bình của người khác, vì nó là yếu tố đưa ta đến thành công.
II. Về phần người làm công, như bồi bàn, thư ký thu tiền, ăn nói phải lịch sự, đừng bao giờ dùng tiếng Anh, Chị mà gọi người ta, nhất là khi người ấy cao niên hơn mình.
Theo đúng, chắc chắn bạn sẽ thành công.
| ||||||||||||
| ||||||||||||
|
No comments:
Post a Comment