THƯỢNG KINH
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê
» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |
20. 風 地 觀 Phong ĐỊa Quán
Quán Tự Quái | 觀 序 卦 |
Lâm giả đại dã. | 臨 者 大 也 |
Vật đại nhiên hậu khả quan. | 物 大 然 後 可 觀 |
Cố thụ chi dĩ Quán. | 故 受 之 以 觀 |
Quán Tự Quái
Lâm là cao đại vượt tầm,
Lớn rồi sẽ được xa gần ngắm trông.
Cho nên Quán mới lâm vòng.
Quẻ Quán có 2 cách đọc. Nơi quẻ thì đọc là Quán, nơi Hào thì đọc là Quan. Quẻ Quán có 2 Hào Dương ở trên, 4 Hào Âm ở dưới, chẳng khác gì Cao đăng viễn chiếu = đèn cao chiếu xa, lại có Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính làm chủ Hào, nên Thoán Từ toàn đem ý ở ngôi trời trị dân, phải treo cao gương đức cả, cho chúng dân nhìn vào, nên lúc ấy đọc là Quán.
Còn trong Tượng Truyện & các Hào, Quan có nghĩa là nhìn, là trông, vì Dịch kinh chủ trương rằng: người quân tử hay bậc quân vương phải có cái nhìn cho sâu rộng, cho tinh tế.
*Trước là phải Quan Thiên chi đạo để Pháp Thiên chi hành = quan sát Đạo Trời để thi hành Luật Trời.
*Sau là phải quan sát dân tình, để tùy nghi thiết giáo.
*Cuối cùng, là phải quan sát tâm tư, tài đức của mình, tức là phải biết nội quan quán chiếu.
I. Thoán.
Thoán Từ.
觀: 盥 而 不 荐,有 孚 顒 若。
Quán. Quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược.
Dịch. Thoán Từ.
Trang trọng như rửa tay hành lễ.
Lòng tinh thành xá kể của dâng,
Thấy ta thành tín, thủy chung,
Hạ dân âu cũng sinh lòng kính tin.
Thoán nhấn mạnh rằng: bậc nhân quân ở ngôi cao, vạn dân trông vào, ngưỡng mộ, phải ăn ở sao cho tâm tư thuận với thiên lý (Khôn = thuận), hành vi phù hợp với Thiên đạo (Tốn = thuận tốn), chí trung, chí chính (Hào Cửu ngũ đắc trung, đắc chính).
Vị Thánh quân xưa ở chốn triều ca, tức là ở ngôi Trung cung = Hoàng cực, phải lo sao đức hạnh tuyệt vời, vì ở ngôi Hoàng cực, nhà vua sẽ là môi giới giữa Trời và Dân, sẽ thay dân tế Trời, thay Trời trị dân, giáo hóa dân, chỉ đường trung chính cho dân theo.
Thoán Truyện.
彖 曰: 大 觀 在 上,順 而 巽,中 正 以 觀 天 下。觀,盥 而 不 荐,有 孚 顒 若,下 觀 而 化 也。觀 天 之 神 道,而 四 時 不 忒, 聖 人 以 神 道 設 教,而 天 下 服 矣。
Thoán viết.
Đại Quán tại thượng. Thuận nhi tốn. Trung chính dĩ quán thiên hạ. Quán quán nhi bất tiến. Hữu phu ngung nhược. Hạ quan nhi hóa dã. Quan thiên nhi thần đạo nhi tứ thời bất thắc. Thánh nhân dĩ thần đạo thiết giáo. Nhi thiên hạ phục hĩ.
Dịch. Thoán Truyện.
Gương cao treo ở trên đời,
Thuận Thiên, Tồn lý, rạng ngời chính trung,
Chiếu soi thiên hạ khắp cùng,
Trang nghiêm như lúc khởi công tế thần,
Rửa tay, mà hết tinh thành,
Chưa cần dâng lễ, thần minh chứng rồi.
Uy nghi, tin kính rạng ngời.
Dân xem cảm động, cảm rồi noi gương.
Kìa Trời thần diệu khôn lường,
Bốn mùa theo đúng phép thường chuyển luân.
Thánh nhân ảo diệu như thần,
Âm thầm dạy dỗ, chúng dân phục tùng.
Thoán Truyện cho rằng: Dạy dân có nhiều cách:
1) Bằng Thần đạo = đường lối Trời. Theo cách này, nhà vua chỉ cần chí thành, chí thiện, trang nghiêm, kính cẩn, tập trung tinh thần, không để cho tinh thần phôi pha, phá tán, sẽ âm thầm ảnh hưởng đến muôn dân, sẽ âm thầm cảm hóa được muôn dân. Thế là bắt chước được đường lối Trời, vì Trời âm thầm, lặng lẽ, mà bốn mùa vẫn vần xoay, không hề đơn sai. Đó là lối cảm hóa cao siêu nhất, vì thế nên gọi Thần đạo thiết giáo.
2) Dạy dân bằng những lời giáo hoá, bằng mệnh lệnh.
3) Dạy dân bằng hành vi, cử chỉ, tiếp nhân, xử thế của mình.
Dĩ nhiên, hai lề lối sau, vì còn có hình thức, ngôn từ nên kém lối thứ nhất xa. Đức Khổng nói: Dùng miệng lưỡi hay kiểu cách bên ngoài, cảm hóa dân lối ấy rất nên thô thiển. Ngoài ra, Thoán cũng nhắc nhở rằng sự tế tự thần minh, là cốt ở lòng thành kính, chứ không cốt ở lễ dâng.
Lòng thành tín mạnh mẽ nhất, sự tập trung tinh thần mạnh mẽ nhất là từ lúc vị chủ tế rửa tay, cho đến lúc đổ rượu xuống đất cầu xin Thượng đế giáng lâm, còn sự dâng của lể xin ơn chỉ là tùy thuộc. Vì thế mà Đức Khổng mới nói: Trong tế lễ Thượng đế, khi đã đổ rượu xuống đất, xin Thượng đế giáng lâm rồi, thì ta chẳng muốn xem nữa ( Tử viết: Đế, Tự quán nhi vãng giả, ngô bất dục quan chi hỹ) (LN III, 10).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 風 行 地 上,觀﹔ 先 王 以 省 方,觀 民 設 教 .
Tượng viết: Phong hành địa thượng. Quán. Tiên vương dĩ tỉnh phương quan dân thiết giáo.
Dịch. Tượng rằng:
Gió bay trên đất là Quan,
Tiên vương thăm thú dân gian xa gần,
Thăm dân, để hiểu biết dân,
Tùy nghi giáo hóa, mười phân vẹn mười.
Tượng và Hào đều bàn đến nghĩa Quan = Quan sát. Vì thế Tượng Truyện mới khuyên nhà vua, phải đi quan sát dân tình, để biết đời ra sao, như vậy mới giáo hóa được dân.
Xưa kia vua đi tuần thú thường quan sát:
1) Ruộng đất có được trồng trọt phải phép hay không?
2) Người già cả có được chăm sóc không?
3) Cân lường, đấu hộc có được chính xác không?
4) Sự buôn bán có được phồn thịnh không?
5) Đời sống dân ra sao, sung túc hay nghèo khó; khỏe mạnh hay yếu đuối; đứng đắn hay dâm ô; cần kiệm hay hoang phí. Nhân đó sẽ tùy cơ dạy dỗ dân.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 : 童 觀,小 人 無 咎,君 子 吝。
象 曰: 初 六 童 觀,小 人 道 也。
Sơ Lục. Đồng Quan. Tiểu nhân vô cữu. Quân tử lận.
Tượng viết:
Sơ Lục đồng quan. Tiểu nhân đạo dã.
Dịch.
Nhìn đời mờ mịt như con trẻ,
Ấy lối nhìn của kẻ tiểu nhân,
Chẳng ai trách kẻ ngu đần,
Trách người quân tử biện phân chẳng rành.
Tượng rằng:
Nhìn đời như thể trẻ thơ,
Ấy là cung cách mù mờ, tiểu nhân.
Hào Sơ dạy chúng ta phải mở mắt mà nhìn đời cho tinh tế, cho thấu triệt, chớ đừng bắt chước trẻ con hay kẻ tiểu nhân, có mắt mà chẳng nhìn thấy gì. Uổng thay cho những ai có mắt mà chẳng biết nhìn đời, cứ ỷ lại vào kẻ khác trông hộ, cắt nghĩa đời hộ cho mình.
Quân tử mà như vậy, chẳng đáng trách lắm sao?
2. Hào Lục nhị.
六 二 : 窺 觀,利 女 貞。
象 曰: 窺 觀 女 貞,亦 可 丑 也。
Lục nhị. Khuy quan. Lợi nữ trinh.
Tượng viết:
Khuy quan nữ trinh. Diệc khả xử dã.
Dịch.
Nhìn đời như thể đàn bà,
Nhìn qua khe cửa, ngỡ là đã hay.
Tượng rằng:
Như nhi nữ dòm qua khe cửa,
Người đường hoàng như thế hổ thay.
Hào Hai dạy chúng ta phải nhìn thẳng vào cuộc đời, đừng sợ sệt tránh né như thói nữ nhi. Nhìn đời mà nhìn qua lỗ khoá, thì làm sao thấy nhiều, thấy rộng được. Y thức như ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung. Ta hãy có cái nhìn bao quát vũ trụ, bao quát lịch sử, bao quát năm châu, như vậy mới khỏi thẹn cho thân quân tử.
3. Hào Lục tam.
六 三 : 觀 我 生,進 退。
象 曰: 觀 我 生,進 退 ﹔未 失 道 也。
Lục tam. Quan ngã sinh tiến thoái.
Tượng viết:
Quan ngã sinh tiến thoái. Vị thất đạo dã.
Dịch.
Một mình ngẫm nghĩ phân minh,
Dở hay, tiến thoái, âu đành tùy ta.
Tượng rằng:
Xét mình tài đức ra sao,
Rồi ra tiến thoái nhẽ nào sai ngoa.
Hào ba cho rằng: muốn biết phải tiến hay phải thoái, hãy xét mình là người đã có đủ tài đức hay chưa? Có đủ tài đức, đó là tiêu chuẩn chính xác nhất.
Đức Khổng khuyên môn đệ là Tất điêu Khai ra làm quan. Tất Điêu Khai từ tạ mà rằng: Tôi chưa tự tin ở tài đức mình. Đức Khổng lấy thế làm vui dạ (LN V, 5).
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 觀 國 之 光,利 用 賓 于 王。
象 曰: 觀 國 之 光,尚 賓 也。
Lục tứ. Quan quốc chi quang. Lợi dụng tân vu vương.
Tượng viết:
Quan quốc chi quang. Thượng tân dã.
Dịch.
Nhìn thấy nước huy hoàng rực rỡ,
Phải làm sao gặp gỡ quân vương.
Tượng rằng: Thấy nước huy hoàng,
Mong sao gặp được quân vương mà phò.
Hào tứ khuyên rằng: Khi trong nước mà có minh quân, tài đức chiếu rạng non sông, thời mình nên tìm cách triều bái mà phục vụ. Xưa kia, một vị chư hầu lai triều, hay một hiền sĩ tới yết kiến vua, đều được đãi theo hàng tân khách, chờ ngày bổ nhiệm. Vì thế trong Hào Bốn, mới nói đến lợi dụng tân vu vương.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 : 觀 我 生,君 子 無 咎。
象 曰: 觀 我 生,觀 民 也。
Cửu ngũ. Quan ngã sinh. Quân tử vô cữu.
Tượng viết:
Quan ngã sinh. Quan dân dã.
Dịch.
Nếu ta tự xét lấy ta,
Mới là quân tử, mới là tao nhân.
Tượng rằng: Ta tự xét ta
Xem ta hay dở, cùng là xem dân.
Nhà vua ở ngôi cao, phải xét mình xem mình đã đi theo đúng đường lối trung chính, chí thiện chưa. Rồi lại phải xem dân tình nhờ mình mà đã cải tiến được là bao. Nếu xét mình, xét dân mà hay cả, mới là không đáng trách. Người xưa có câu:
Con người chẳng những soi bóng nước,
Còn phải ngắm mình trước gương dân.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 觀 其 生,君 子 無 咎。
象 曰: 觀 其 生,志 未 平 也。
Thượng Cửu. Quan kỳ sinh. Quân tử vô cữu.
Tượng viết:
Quan kỳ sinh. Chí vị bình dã.
Dịch.
Hiền nhân biết xét nét mình.
Mới hay, mới được thế tình kính tin.
Tượng rằng:
Hiền nhân biết xét nét mình,
Vì không tọa hưởng kỳ thành cầu an.
Hào sáu nói rằng: người quân tử tuy không trực tiếp trị dân, nhưng cũng phải luôn luôn giữ mình cho hẳn hoi, xét mình cho cẩn thận, chớ khinh xuất, vì ảnh hưởng của người quân tử đối vói chúng dân cũng rất là sâu rộng.
ÁP DỤNG QUẺ QUAN VÀO THỜI ĐẠI
Khi xưa, quẻ Quan muốn người trên làm vua, thay Trời trị dân, phải treo cao gương đức cả cho chúng dân nhìn vào.
Ngày nay, áp dụng quẻ Quan này vào Thời đại, cha mẹ hãy thay Trời mà dạy dỗ, đào tạo con cái mình, cho chúng trở thành người hữu dụng cho xã hội, nhân quần sau này. Hiện nay, ngoài học đường, giáo sư đã không còn có trách nhiệm giáo dục về đạo đức cho học trò mình như xưa nữa, mà các bậc phụ huynh thì lại quá bận rộn với cuộc sống hiện tại, nên sự giáo dục con cái có phần chểnh mảng, thiếu xót. Do đó con em như cây mọc giữa rừng hoang, may mắn thì được xử dụng đúng cách, chẳng may thì làm củi, hoặc đứng giữa rừng già, năm này qua năm khác chẳng ai biết tới.
Tôi, áp dụng quẻ Quan này vào sự giáo dục con em, mục đích muốn tiếp tay cùng với các bậc phụ huynh, ngõ hầu có thể mang lại phần nào hữu ích cho các em sau này. Theo thiển ý của tôi, nếu ta muốn có một đứa con khỏe mạnh, khi trưởng thành con ta sẽ là người tốt, và hữu dụng cho gia đình, xã hội, thì cũng chẳng có gì là quá khó khăn, nhưng người mẹ phải chịu hy sinh, chú ý Quan sát và Thực hành qua nhiều giai đoạn. Như vậy tôi nghĩ chỉ thích hợp cho quí vị nào muốn có ít con mà thôi. Tôi đã sưu tầm, đọc sách, học hỏi qua kinh nghiệm của người đi trước, nay mượn trang giấy này gởi đến quí vị, mong rằng nó làm nhẹ lòng cho những vị nào, vì quá lo sợ con mình mai sau sẽ hoang đàng, nên không dám nghĩ tới sinh con. Thật ra, có một người con hiếu thảo, tư cách đàng hoàng, siêng năng học hành, thì thật không có gì làm cho bậc làm cha mẹ sung sướng hơn. Sau đây, là những hiểu biết đơn sơ của tôi:
1) Thai giáo: Khi bắt đầu biết mình có mang, người mẹ không nên ăn những đồ nóng như ớt, tỏi, riềng v. v... , vì nó sẽ làm cho cơ thể đứa trẻ dễ sinh mụn nhọt, và tâm tính dễ nóng nẩy, mai sau. Chớ ăn đồ biển độc như bạch tuộc, mực, nghêu, sò v.v... sẽ làm cho đứa trẻ có chứng phong thấp. Hơn nữa, người mẹ chớ nên xem truyện, hay phim ảnh loại kích thích. Chớ nên uống rượu, sẽ dễ tạo cho đứa trẻ trở nên ngang bướng, nóng nẩy, đôi khi hung bạo, nếu người cha đã nóng nẩy, dữ dằn. Người mẹ phải luôn vui vẻ, do đó người chồng, khi vợ mang thai, phải chiều và nhường nhịn vợ, chớ để vợ mình luôn khóc lóc, vì đứa trẻ có thể sẽ trở nên thiếu nghị lực, ý chí sau này. Nên bố thí và làm việc thiện, nghĩ điều lành, lánh sự dữ, để tạo cho mình một sự thoải mái, và sự khỏe mạnh cho thai nhi.
2) Khi sinh ra, nếu đứa con được nuôi bằng sữa mẹ, thì tốt nhất, vì nó sẽ tạo tình thương giữa mẹ và con một cách đậm đà hơn.
3) Khi đứa trẻ bắt đầu hiểu biết, là ta phải quan sát nó kỹ càng, vì lúc này nó bắt đầu học theo cách ăn ở của những người xung quanh nó, do đó bậc cha mẹ phải làm gương cho con. Khi xưa, bà mẹ ông Mạnh Tử, góa chồng, chỉ có một mình ông Mạnh Tử là con. Ban đầu, bà thuê nhà ở cạnh một người đồ tể, chuyên giết heo, bà nhận thấy con bà bắt chước mổ heo. Lúc đó ông Mạnh Tử mới độ 4, 5 tuổi, bà thấy vậy liền dọn nhà, và đến ở cạnh một nghĩa địa. Bà nhận thấy con bà bắt chước người đi đưa đám mà khóc lóc, đắp mồ; bà liền dọn nhà đến cạnh một trường học, và bà thấy con bà cũng bắt chước học trò, cầm sách để đọc (Tích Mạnh mẫu trạch lân xử). Như vậy ta thấy cổ nhân có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là chí lý vậy.
Khi con cái bắt đầu khôn lớn, ta phải luôn luôn để ý đến nó, quan sát nó, xem nó có : Dễ dạy không? Thông minh không? Có đường hoàng, thẳng thắn không, hay thường nói dối, gian trá. Nếu nó có những khuyết điểm trên, thì ta phải truy ra ngọn ngành, tại sao nó có những thói xấu đó. Rồi ta sẽ tìm cách sửa chữa cho nó bằng nhiều cách: Răn dậy một cách nghiêm khắc hoặc dùng hành vi, cử chỉ, tư cách của mình để nó bắt chước. Chớ nên nuông chiều con một cách thái quá, hoặc lộ liễu, để trẻ nó nhờn, sẽ khó dạy.
Trẻ học hành kém cỏi, ta phải xem cơ thể nó có yếu đuối không? tinh thần nó ra sao, và phải bồi bổ cho nó được đầy đủ sức khỏe.
Muốn cho con ham thích học hành, điều cần thiết nhất là phải lưu ý đến sự học của con, dù là nó luôn đứng đầu lớp, để nó vui thích vì thấy bố mẹ luôn chú ý đến nó. Nếu nó yếu về môn gì, thì phải tìm thầy dạy bổ túc, kèm thêm cho nó đừng để nó bị thầy và bạn trong lớp chê bai, như vậy mỗi khi đến lớp học nó sẽ có cái mặc cảm tự ti, và do đó nó sẽ hay trốn học, và sự sa ngã sẽ đến với nó một cách dễ dàng
Nếu trường hợp đứa con không thể học chữ được, thì nên tìm nghề cho nó học, và phải cho nó học đến nơi, đến chốn. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, ta nên luôn nhớ câu này. Trên đời chỉ có người dở, chứ không có nghề dở, nên con cái mà nghề nghiệp không ra gì, hoặc hoang đàng, thì chúng ta, những bậc cha mẹ cũng chịu một phần trách nhiệm vì đã thiếu sót trong sự dạy dỗ và quan sát con cái vậy.
» Dịch Kinh Đại Toàn | Lời Nói Đầu | Dịch Kinh Giản Lược |
Quẻ 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30
21. 火雷噬嗑 HỎA LÔI PHỆ HẠP
Phệ Hạp Tự Quái | 噬 嗑 序 卦 |
Khả quan nhi hậu hữu sở hợp. | 可 觀 而 后 有 所 合 |
Cố thụ chi dĩ Phệ Hạp. | 故 受 之 以 噬 嗑 |
Hạp giả hợp dã. | 嗑 者 合 也 |
Phệ Hạp Tự Quái
Ngắm trông sẽ hợp, sẽ thân,
Cho nên Phệ Hạp theo chân hình thành.
Phệ Hạp là hợp đã đành.
Phệ Hạp là nghiền nát để hợp. Nghiền nát đây là trừng trị những kẻ bất lương, những người ngang ngược, làm mất trật tự xã hội, làm cho dân tình ly tán, không hợp nhất được với nhau.
Phệ Hạp xét về tượng hình, y như cái mồm mắc vật cứng ở giữa, làm cho 2 hàm trên dưới không thể hợp nhau. Phải nghiền nát vật cứng nhiên hậu mới hợp nhau được.
Trong xã hội cũng vậy, cần phải diệt trừ nguyên do chia rẽ, nhân tình mới hòa hợp được. Vì thế cần phải dùng hình phạt. Hình phạt mà áp dụng cho trúng, đó là thương dân, vì nhờ vậy dân mới được yên ổn. (Ái bách tính, cố hình phạt trúng. Hình phạt trúng, cố thứ dân an.)
Trời dùng Sấm = Chấn = Lôi; Chớp = Ly = Hỏa, để đánh tan sự oi ả. Thánh nhân dùng hình phạt để dẹp tan mầm mống chia rẽ. Thế chính là Pháp Thiên, bắt chước Trời mà hành sự.
Phệ Hạp trên có Ly = Hỏa chỉ sự sáng suốt, dưới có Chấn = Sấm chỉ sự uy nghiêm. Sáng suốt nên không ai dấu được sự tình; uy nghiêm nên mọi người đều kiêng sợ. Đó chính là những đức tính của vị phán quan.
Quẻ Phệ Hạp tóm tắt lại cơ chế hình pháp đời xưa. Đời xưa, Lễ, Nhạc, Hình, Chính (chính trị), là 4 cách trị dân. Hình pháp cốt để giữ gìn trật tự, trừng trị những kẻ gây rối.
I. Thoán.
Thoán Từ.
噬 嗑:亨。 利 用 獄。
Phệ Hạp. Hanh. Lợi dụng ngục.
Dịch.
Cản trước, rồi ra mới hợp sau,
Ngục hình dùng đúng, lợi biết bao.
Thoán Từ trước hết giải hai chữ Phệ Hạp, là nghiền nát để hợp. Ý muốn nói nghiền nát hay trừng trị kẻ ngoan ngạnh trong xã hội, để xã hội được hoà hợp. Vì thế, Thoán Từ nói Phệ Hạp hanh.
Thoán Truyện.
彖 曰: 頤 中 有 物,曰 噬 嗑,噬 嗑 而 亨。剛 柔 分,動 而 明,雷 電 合 而 章。柔 得 中 而 上 行,雖 不 當 位,利 用 獄 也。
Thoán viết:
Di trung hữu vật. Viết Phệ Hạp. Phệ Hạp nhi hanh. Cương Nhu phân.
Động nhi minh. Lôi điện hợp nhi chương. Nhu đắc trung nhi thượng hành.
Tuy bất đáng vị. Lợi dụng ngục dã.
Dịch.
Vật cứng ngáng mồm là Phệ Hạp,
Cắn nghiền ra, rồi hợp mới hay.
Cứng, mềm, minh biện, phơi bầy,
Uy nghi, sáng suốt, ai tày phong quang.
Như sấm chớp rỡ ràng, lẫm liệt.
Tuy khoan Nhu, siêu việt ngôi trên.
Vị ngôi tuy chẳng ấm êm,
Nhưng khi gia phạt, cũng nên Nhu hòa.
Thoán Truyện nói: Phệ Hạp nhi hanh. Có trừng trị kẻ gây rối rồi, thì xã hội mới được hanh thông, an lạc.
Phệ Hạp có Ly = Nhu ở trên, Chấn = Cương ở dưới. Cương, Nhu lưỡng dụng đều đặn, phân minh. Ý nói khi áp dụng hình phạt, cũng như khi xử tội, phải áp dụng cả Cương lẫn Nhu (Cương Nhu phân).
Phệ Hạp có Chấn là Động, Ly là Minh, ý nói khi xử đoán tội tình cũng như thi hành hình phạt vừa minh, vừa uy (Động nhi minh). Minh, Uy phối hợp với nhau, sẽ như sấm chớp dẹp tan mọi chếch mác, đem hòa hợp và trị bình lại cho đất nước, vì thế nói: Lôi điện hợp nhi chương. Thoán Truyện viết tiếp: Âm Nhu đắc trung nhi thượng hành. Âm mà ở ngũ, thời đâu có đáng ngôi vị, nhưng mà đối với các công cuộc hình án, thời nó là Nhu mà cư Cương. Lòng vốn tốt, nhưng nghiêm, Cương để bảo trì luật pháp cũng là hay rồi. Thoán Truyện, vì thế viết tiếp: Tuy bất đáng vị. Lợi dụng ngục dã.
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 雷 電 噬 嗑 ﹔先 王 以 明 罰 敕 法。
Tượng viết:
Lôi điện Phệ Hạp. Tiên vương dĩ minh phạt sắc pháp.
Dịch. Tượng rằng:
Phệ Hạp chớp lóe, sấm vang,
Tiên vương, hình phạt quyết mang răn đời,
Có răn, có phạt, hẳn hoi,
Dân gian sẽ sống theo đòi phép khuôn.
Tượng Truyện lại nhắc lại: Lôi điện là Phệ Hạp. Đó tức là uy minh lưỡng dụng. Các bậc Thánh Vương xưa thấy vậy, xác định lại hình phạt, chỉnh đốn lại luật pháp, để cho dân biết tôn trọng luật pháp.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào nói về cách áp dụng về hình phạt. Hào 1 và 6 vì vô vị nên tượng trưng cho người thụ hình, và cho tội nhân. Các Hào 2, 3, 4, 5 là những người có chức vị, có bổn phận phải thi hành hình phạt.
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 : 履 校 滅 趾,無 咎。
象 曰: 履 校 滅 趾,不 行 也。
Sơ Cửu. Lý giáo diệt chỉ. Vô cữu.
Tượng viết:
Lý giáo diệt chỉ. Bất hành dã.
Dịch.
Tra cùm, làm mất ngón chân,
Gia hình thế ấy, có lầm lỗi chi.
Tượng rằng:
Tra cùm, làm mất ngón chân,
Hết đi, hết dám sa vòng tội khiên.
Hào Sơ tượng trưng cho người mắc khinh tội, bị phạt nhẹ, bị cùm chân, bị mất ngón chân. Thế là phạt nhẹ, để ngăn tiểu nhân đi vào con đường gian ác.
2. Hào Lục nhị.
六 二: 噬 膚 滅 鼻,無 咎。
象 曰: 噬 膚 滅 鼻,乘 剛 也。
Lục nhị. Phệ phu diệt tị. Vô cữu.
Tượng viết:
Phệ phu diệt tị. Thừa Cương dã.
Dịch.
Nghiến da, nghiến mất mũi đi,
Gia hình thế ấy, chẳng chi lỗi lầm.
Tượng rằng:
Nghiến da, nghiến mũi, mất trơn,
Gặp người quá bướng, nghiêm hơn đã đành.
Hào hai tượng trưng cho một quan chức ngôi vị xứng kỳ đức, thi hành hình phạt theo đúng lẽ phải, cho nên dễ làm cho người phục; y như cắn vào da mềm vậy. Tuy nhiên, đôi khi cũng gặp phải những kẻ ương ngạnh, ngang ngược (Thừa Cương), nên phải dùng hình phạt nặng hơn (diệt tị =cắt mũi), mới trị được họ.
3. Hào Lục tam.
六 三 : 噬 臘 肉,遇 毒 ﹔小 吝,無 咎。
象 曰: 遇 毒,位 不 當 也。
Lục tam. Phệ tích nhục ngộ độc. Tiểu lận. Vô cữu.
Tượng viết:
Ngộ độc. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Phường gian ngoan khi cần sửa phạt,
Khó như là day nát thịt khô.
Thịt khô dai ngoách, cứng đơ.
Phạt người chẳng nổi, hóa ra hại mình.
Trường hợp ấy, âu đành rắc rối,
Nhưng riêng mình, nào lỗi chi đâu.
Tượng rằng:
Phạt người mà hóa hại mình,
Là vì ngôi vị, quyền hành dở dang.
Hào Lục tam đề cập đến một vị phán quan chưa đủ uy tín, mà đã xử tội một kẻ gian ngoan, có quyền thế. Gặp trường hợp này có khác nào nhai phải miếng thịt khô, lại còn cả xương; nên nhai đã chẳng được, nhiều khi còn nhiễm độc, nhiễm hại.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 : 噬 乾 胏,得 金 矢,利 艱 貞,吉。
象 曰: 利 艱 貞 吉,未 光 也。
Cửu tứ. Phệ can chĩ. Đắc kim thỉ. Lợi gian trinh. Cát.
Tượng viết:
Lợi gian trinh cát. Vị quang dã.
Dịch.
Thịt khô cắn nát như thường,
Thịt khô còn dính cả xương cũng nghiền.
Bắt người nộp cả vàng, tên.
Khó khăn mấy, cũng chu tuyền công phu.
Tượng rằng:
Gian nan, vất vả mới xong,
Uy danh chiếu rạng chưa cùng khắp nơi.
Cửu tứ trái lại là một vị phán quan Cương nghị. Tội nhân ngang ngạch bất trị như miếng thịt khô dính xương, cũng nghiền nát được. Chẳng những vậy, còn bắt phải nộp đủ lệ bộ án phí. Xưa nộp án phí bằng vòng vàng (kim câu), và tên bắn (Thúc thỉ= 1 bó 50 cái).
5. Hào Lục ngũ.
六 五: 噬 乾 肉,得 黃 金,貞 厲,無 咎。
象 曰: 貞 厲 無 咎,得 當 也。
Lục ngũ. Phệ can nhục. Đắc hoàng kim. Trinh lệ. Vô cữu.
Tượng viết:
Trinh lệ vô cữu. Đắc đáng dã.
Dịch.
Thịt khô nào khó cắn nghiền,
Lại còn được cả hoàng kim của người.
Tuy nhiên, chớ có dể ngươi,
Đề cao cảnh giác, vậy thời mới hay.
Tượng rằng: Chẳng có dể ngươi,
Vì ta chính vị, chính ngôi đã đành.
Hào Lục ngũ vì đắc trung nên có đủ quyền uy để xét xử, trừng phạt những vụ hình án lớn. Nói là hình án lớn, vì đây tội nhân phải xuất kim (nộp vàng, nộp kim câu làm án phí ).
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 何 校 滅 耳,凶。
象 曰: 何 校 滅 耳,聰 不 明 也。
Thượng Cửu. Hà giáo diệt nhĩ. Hung.
Tượng viết:
Hà giáo diệt nhĩ. Thông bất minh dã.
Dịch.
Mang gông mà mất cả tai,
Sự tình như thế, hung tai còn gì.
Tượng rằng:
Mang gông, đến mất cả tai,
Khôn thời đã vậy, ngoan thời chẳng ngoan.
Hào Thượng Cửu ám chỉ một tội nhân, vì đã đi quá trớn, đã làm điều xằng bậy quá lớn, nên bị trọng hình, mang gông mà mất cả tai.
ÁP DỤNG QUẺ PHỆ HẠP VÀO THỜI ĐẠI
Như trên ta đã biết, quẻ Phệ Hạp nói về luật pháp đời xưa. Vậy trước khi so sánh luật pháp xưa và nay, ta hãy tìm hiểu chúng. Trước tiên ta phải hiểu rõ, là bất kỳ ở Thời đại nào cũng vậy, hình pháp đặt ra cốt để giữ gìn trật tự, trừng trị những kẻ gây rối. Lễ Ký viết: Những người dũng cảm, sức lực, thay vì dùng sức lực mình để thi hành lễ nghĩa, hoặc chiến thắng ngoại thù, mà lại dùng nó vào việc tranh dành ẩu tả, thời gọi là những kẻ gây rối. Khi hình phạt được thi hành trong nước, những kẻ gây rối sẽ bị trừng trị trước tiên. Như vậy dân mới phục lệnh, mới sống hẳn hoi, và nước nhà mới yên.
Đối với hình án, người xưa rất nghiêm minh và thận trọng. Ví dụ: Vua Đại Võ và Cao Dao đã đặt mấy nguyên tắc cho nền hình pháp như sau:
1) Phán quan phải khoan hậu.
2) Không được phạt tới con cháu.
3) Tha các tội phạm vì vô tình.
4) Nhân nhượng đối với nghi tội.
4) Lỗi án lệ, còn hơn giết oan người.
5) Phán quan phải tỏ cho dân biết đức hiếu sinh của nhà vua ( Kinh thư, Đại Vũ Mô tiếp 12 ).
Người xưa coi 5 hình phạt sau đây là nặng nhất gọi là ngũ hình:
1) Mặc = Thích chữ vào trán hay vào mặt.
2) Tị = Sẻo mũi.
3) Ngoạt = Cắt chân.
4) Cung = Hoạn đối với con trai dâm loạn, cấm cố đối với con gái dâm loạn.
5) Đại tịch = Chém đầu.
Theo Lễ ký, mỗi khi phải áp dụng ngũ hình, vị phán quan hết sức cẩn trọng:
- Phải để ý tình cha con, nghĩa vua tôi.
- Phải cân nhắc tội trạng cho hẳn hoi.
- Xét tâm tư tội nhân cho tinh tế.
- Phải dùng hết tài trí thông minh, và lòng trung ái của mình khi xét xử.
- Phải lưu ý dến mọi trường hợp.
- Khi nghi ngờ, phải hỏi ý dân. Dân mà nghi không chắc, mình sẽ tha.
- Phải khảo lại các án lệ trước. (Lễ ký, Vương chế , IV, tiết 13 ).
Mỗi khi gặp hình án quan trọng, Lục sự phải trình hồ sơ lên phủ đường. Phủ đường xét hồ sơ rồi đệ lên Đại Tư Khấu (Tổng Trưởng Tư Pháp). Đại Tư Khấu xét hồ sơ xong, đệ lên nhà vua. Nhà vua giao cho Tam Công xét lại. Tam công xét xong, đệ lên lại cho nhà vua, bấy giờ mới quyết định hình phạt.
Ngày nay, ở các nước văn minh, những người bị tội nhẹ như ẩu đả, trôm cắp v v ... thì bị xét xử nơi Tòa Tiểu hình, tội nhân sẽ bị phạt tiền, hoặc bị giam giữ ngắn hạn. Còn những tội như cướp của, giết người, gây rối trị an, lường gạt, bội tín sẽ bị coi là những trọng tội, và sẽ bị xét xử nơi Tòa Đại Hình, tùy theo tội nặng nhẹ mà bị giam giữ lâu, hay chóng, còn như giết người, tối đa sẽ có thể bị tử hình, chứ không có những hình phạt dã man như ngày xưa.
Tóm lại, ở Thời đại nào, chính quyền đặt ra luật pháp cũng chỉ cốt là bảo vệ dân. Vậy làm dân, chúng ta tốt nhất là phải tôn trọng luật pháp, và bảo vệ luật pháp.
22. 山 火 賁 Sơn HỎa Bí
Bí Tự Quái | 賁 序 卦 |
Hạp giả hợp dã. | 嗑 者 合 也 |
Vật bất khả dĩ cẩu hợp nhi dĩ. | 物 不 可 以 苟 合 而 已 |
Cố thụ chi dĩ Bí. | 故 受 之 以 賁 |
Bí giả sức dã. | 賁 者 飾 也 |
Bí Tự Quái
Phệ Hạp là hợp đã đành,
Hợp, đâu là phải mặc tình nhố nhăng,
Cho nên quẻ Bí theo chân.
Bí là trang sức, vẻ văn rỡ ràng.
Quẻ Bí bàn về văn vẻ của Bản thể, bàn về Thiên văn và Nhân văn. Ta sẽ đem Dịch mà giải Thiên văn, Nhân văn một cách đại cương, vắn tắt.
Thiên văn Trung Hoa (khái niệm). Trên Trời thì Thái Cực, hay Tuyệt Đối Thể trở thành Thiên Hoàng = Thượng đế, ngự ở toà Bắc Thần, làm khu nữu (tâm điểm của vòng tròn) cho muôn vì tinh tú, còn Vòng Dịch, có thể tượng trưng được bằng vòng Nhị Thập Bát tú bên ngoài.
Như vậy chỉ có Bắc Thần là trục, còn cả bầu trời và muôn vì tinh tú đều xoay tròn xung quanh.
Sau khi nói đại khái về Thiên văn, ta quay về quẻ Bí.
Bí là văn vẻ bên ngoài, tinh quang trời (Ly), lẩn sau lớp màn vạn hữu (Cấn), làm cho vạn hữu bừng sáng lên. Có chất tức là có văn, chất càng chói lọi tinh ròng, văn càng sáng sủa đẹp đẽ. Cái vẻ đẹp của Trời Đất, Nhân quần, Vạn Hữu, được phát sinh là do sự giao thoa của đủ mọi hạng, mọi loài:
-Tôn / Ti | -Đại / Tiểu | -Quang / Âm. |
-Minh / Ám | -Chính / Tùy | -Trì / Tốc. |
-Chủ / Tớ | -Hằng / Biến | -Kinh / Vĩ. |
I. Thoán.
Thoán Từ.
賁:亨。 小 利 有 所 往。
Bí. Hanh. Tiểu lợi hữu du vãng.
Dịch. Thoán Từ:
Có văn, có vẻ cũng hay.
Cũng đôi chút lợi, cũng dầy công lao.
Ở trên trời, Văn sinh ra do sự giao thoa giữa các vì tinh thể. Giao thoa đúng cách, đúng điệu thì hay. Giao thoa lỗi phách, lạc cung thì dở.
Ở trong Nhân quần, nhân văn sinh ra là do sự giao thoa, sự hỗ tương ảnh hưởng giữa các tầng lớp con người. Sự giao thoa đúng cách, đúng điệu sẽ sinh ra mọi sự cát tường, sự giao thoa sai hướng, ngược chiều, sẽ sinh ra loạn ly, phân cách. Vì thế Thoán Từ cho rằng: Trông xem Thiên Văn sẽ biết chiều trời, biết trời biến hóa. Nhìn xem nhân văn, sẽ biết liệu chiều điểm xuyết cho Nhân quần ngày một thêm đẹp, thêm tươi. Tuy nhiên, luôn nhớ rằng: cái văn sức bên ngoài chỉ là tùy thuộc (Bí. Hanh. Tiểu lợi hữu du vãng).
Thoán Truyện.
彖 曰: 賁,亨﹔ 柔 來 而 文 剛,故 亨。分 剛 上 而 文 柔,故 小 利 有 攸 往。天 文 也﹔ 文 明 以 止,人 文 也。觀 乎 天 文,以 察 時 變﹔ 觀 乎 人 文,以 化 成 天 下。
Thoán viết:
Bí hanh. Nhu lai nhi văn Cương. Cố hanh. Phân Cương thượng nhi văn Nhu. Cố tiểu lợi hữu du vãng. Thiên văn dã. Văn minh dĩ chỉ. Nhân văn dã. Quan hồ thiên văn. Dĩ sát thời biến. Quan hồ nhân văn. Dĩ hóa thành thiên hạ.
Dịch. Thoán viết:
Có văn vẻ cũng hay, cũng lợi,
Nhu đến thêm phong thái cho Cương.
Cương lên tăng vẻ huy hoàng,
Cho Nhu thêm vẻ rỡ ràng, đẹp tươi,
Âu cũng được thêm đôi chút lợi,
Công trình âu thêm nổi, thêm hay.
Cương, Nhu đắp đổi vần xoay,
Vẻ Trời nhờ đó, đổi thay lần hồi.
Kìa, nền nếp vị ngôi đạo nghĩa,
Ấy chính là văn vẻ con người.
Thiên Văn để biết thời Trời
Nhân Văn để khiến cho đời thêm hay.
Nhân quần chỉ đẹp tươi, khi mà xã hội có trật tự, tôn ti, tùy theo tài đức; khi mà mọi người, trên, dưới hòa hợp theo đúng lý tưởng, nhân nghĩa; khi mà mọi người thỏa thuê vì số phận, vì địa vị của mình
Vạn hữu chỉ thực sự đẹp tươi, khi mà vật chất trở nên công cụ trang điểm cho tinh thần, khi mà vật chất là trang sức bên ngoài, mà tinh thần là thực chất bên trong
Ngược lại, Vạn hữu chỉ đẹp tươi, khi mà tinh thần làm cho vật chất trở nên rạng rỡ. Đã ở trong thế giới tương đối hữu hình, dĩ nhiên Tinh thần và Vật chất, Âm và Dương hỗ tương ảnh hưởng để sinh ra biến thái, cho nên nguyên có Chất cũng không được, mà nguyên có Văn cũng không xong. Cái khéo là đào luyện sao cho trong thì tinh ròng, ngoài thì văn vẻ, trang nhã mới là hoàn hảo. Luận Ngữ nói: Chất thắng văn thời quê mùa, Văn thắng chất thời xã giao bôi bác. Văn chất tương xứng mới là quân tử. (L. N.VI, 11)
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 山 下 有 火,賁﹔ 君 子 以 明 庶 政,無 敢 折 獄。
Tượng viết. Sơn hạ hữu hỏa. Bí. Quân tử dĩ minh thứ chính. Vô cảm chiết ngục.
Dịch. Tượng rằng:
Bí là lửa rực ven non,
Hiền nhân trang nhã, nhu khoan với người.
Việc thường nhã nhặn, xong xuôi.
Đến như hình án, âu thời uy nghiêm.
Tượng áp dụng cái văn vẻ, duyên dáng của Trời Đất ấy vào công việc thường xuyên của công bộc quốc gia, và cho rằng trong khi giải quyết các công việc thường nhật, cần phải vui tươi, hòa nhã với người. Khi nào phải xử những hình án nghiêm trọng, mới nên phô trương cái uy thế nghiêm ngặt.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện.
Hào đề cập đến cái văn vẻ, đẹp đẽ thực sự của con người:
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 : 賁 其 趾,舍 車 而 徒。
象 曰: 舍 車 而 徒,義 弗 乘 也。
Sơ Cửu. Bí kỳ chỉ. Xả xa nhi đồ.
Tượng viết:
Xả xa nhi đồ. Nghĩa phất thừa dã.
Dịch.
An phận dưới, lập thân tu đức.
Chẳng đi xe, đi đất cũng xong.
Tượng rằng:
Bỏ xe, đi đất vậy thôi,
Xe vô nhân nghĩa, ta thời chẳng đi.
Hào Sơ cho rằng: Cái văn vẻ, đẹp đẽ nhất của con người là theo được nghĩa lý. Cho nên làm trái mà được đi xe, không bằng làm phải mà đi bộ.
2. Hào Lục nhị.
六 二 : 賁 其 須。
象 曰: 賁 其 須,與 上 興 也。
Lục nhị. Bí kỳ tu.
Tượng viết:
Bí kỳ tu. Dữ thượng hưng dã.
Dịch.
Hào hai, râu đẹp vì cằm.
Tượng rằng: râu đẹp vì cằm.
Cố sao theo đúng tinh thần cấp trên.
Hào nhị cho rằng: Cái văn vẻ, đẹp đẽ chân thực của con người, phải phát xuất từ nội tâm, từ thực chất bên trong, từ sự thượng hạ hòa mục, chứ chẳng phải là do những sự giả tạo, phù phiếm bên ngoài. Ví như râu đẹp, nhưng đẹp chính là do khí huyết phương cương bên trong, và do bộ cằm, bộ mặt đẹp đẽ.
3. Hào Cửu tam.
九 三 : 賁 如 濡 如,永 貞 吉。
象 曰: 永 貞 之 吉,終 莫 之 陵 也。
Cửu tam. Bí như nhu như. Vĩnh trinh cát.
Tượng viết:
Vĩnh trinh chi cát. Chung mạc chi lăng dã.
Dịch.
Cửu tam văn vẻ, rỡ ràng.
Mà lòng giữ trọn cương thường, mới hay.
Tượng rằng:
Cương thường trọn vẹn, mới hay.
Cuối cùng, sẽ chẳng bị ai khinh nhờn.
Cái văn vẻ thuần nhã, thanh lịch bên ngoài, luôn luôn phải được bảo đảm bằng sự minh chính bên trong mới tốt.
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 賁 如 皤 如,白 馬 翰 如,匪 寇 婚 媾。
象 曰: 六 四,當 位 疑 也。 匪 寇 婚 媾,終 無 尤 也。
Lục tứ. Bí như ba như. Bạch mã hàn như. Phỉ khấu hôn cấu.
Tượng viết:
Lục tứ đáng vị. Nghi dã. Phỉ khấu hôn cấu. Chung vô vưu dã.
Dịch. Hào Lục tứ.
Ngoài văn vẻ, mà trong thuần phác,
Văn vẻ ưa, đạo đức cũng ưa.
Khát khao đức hạnh sớm trưa,
Bạch câu nếu có, băng qua mấy hồi,
Nếu không bị chia phôi, gàng quải,
Đạo và ta sẽ mãi tất giao.
Tượng rằng: Lục tứ đáng ngôi,
Tuy còn nghi hoặc, tới lui chưa dành,
Nếu không gàng quải, yến oanh.
Đạo Trời phối hợp, tốt lành mấy mươi.
Hào tư mô tả nỗi niềm một người có văn vẻ bên ngoài, nhưng không ham chuộng cái văn vẻ ấy, mà lòng chỉ luôn ước mơ về với cái bản thể thuần phác bên trong, muốn lâng lâng thoát được vòng cương toả của ngoại cảnh, cưỡi thần mã về cùng Chí đạo.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 : 賁 于 丘 園,束 帛 戔 戔,吝,終 吉。
象 曰: 六 五 之 吉,有 喜 也。
Lục ngũ. Bí vu khâu viên. Thúc bạch tiên tiên. Lận. Chung cát.
Tượng viết:
Lục ngũ chi cát. Hữu hỷ dã,
Dịch.
Hiền nhân trang nhã điền viên,
Vài ba tấm lụa, nhỏ nhen xá nào.
Thật là tiết kiệm, đến điều.
Đơn thuần, rút cuộc có nhiều cát hanh.
Tượng rằng: Kiệm, phúc mới hay,
Là vui cho nước, là may cho đời.
Hào ngũ cho rằng: Càng ở ngôi vị cao quí, lại càng phải tìm lấy cái vẻ đẹp đẽ cao quí của một đời sống thuần phác, giản dị, ưa thực chất, không ưa phù phiếm, cần kiệm chẳng chuộng xa hoa.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 白 賁,無 咎。
象 曰: 白 賁 無 咎,上 得 志 也。
Thượng cửu. Bạch bí. Vô cữu.
Tượng viết:
Bạch bí vô cữu. Thượng đắc chí dã.
Dịch.
Rồi ra ngọc trắng, gương trong,
Trắng trong, thấu suốt, mới mong tinh tuyền.
Tượng rằng:
Trắng trong, thấu suốt tinh tuyền,
Người trên vậy đã phỉ nguyền ước mong.
Hào Thượng cửu cho rằng: Cái đẹp đẽ nhất, cái văn vẻ nhất, chính là sự thuần phác của bản thể. Con người mà hiểu được như vậy, mà quay về được với gốc, với nguồn như vậy thực là không ai có thể chê trách được.
ÁP DỤNG QUẺ BÍ VÀO THỜI ĐẠI
Khi tôi soạn tới phần Áp dụng của quẻ Bí, là một quẻ liên quan nhiều ít đến Thiên Văn, thì nước Hoa Kỳ bị sôi động bởi 1 vấn đề Thiên Văn nóng hổi: Đó là: Các Hành Tinh có người hay không? Báo Time ra ngày 19 tháng 8 năm 1996, đã đăng tải rằng, cách đó một tuần, cơ quan Hàng Không NASA, trong một cuộc họp báo truyền thanh tại Washington, đã đem trình bày một cục vẫn thạch, tức là một cục đá rơi từ Hỏa Tinh xuống đất, (cách đây khoảng 13,000 năm), xuống vùng Allan Hills ở Nam Cực. Cục đá này gọi là ALH84001, nặng 4,2 pounds, tức là to bằng 1 củ khoai tây. Các nhà Khoa Học nhìn vào trong đó, thấy có những dấu vết vật lý, hoá học của sự sống. Nghĩa là thấy dấu vết của những con vi trùng tí hon, sống cách đây khoảng 4 tỉ năm. Báo Science trong tuần này, cũng đứng ra đăng những hình chụp chứng minh rằng những hình như con sâu nhìn thấy trong mảnh đá đó, có thể là những sinh vật xưa. Tổng Thống Hoa Kỳ Clinton tuyên bố: Ngày nay hòn đá 84001 nói với chúng ta, qua nhiều tỉ năm, và nhiều triệu dặm. Nó còn cho biết có thể có sự sống. Nếu sự khám phá trên mà đúng, thì thật là một cái nhìn ngỡ ngàng vào Vũ Trụ, mà Khoa Học đã đem lại cho chúng ta. Nói thế, có nghĩa là cách đây 3,6 tỉ năm, Hỏa tinh đã từng có nước, có vi trùng sống trong những kẹt nhỏ của Hỏa Tinh. Nhưng sau đó, thì biển và không khí đã biến mất trên Hỏa Tinh. Đã có một vẫn thạch rớt xuống từ Hỏa Tinh, và bắn xuống trái đất.
Ông DANIEL GOLDIN, người điều hành NASA cho biết cuộc họp báo đã làm ông hết sức xúc động, như muốn nín thở. Ông DAVID MCKAY, trưởng phái đoàn NASA cho biết còn thấy dấu vết của chất hóa học hữu cơ gọi là PAHS. Và nhóm ông đã mất 2 năm rưỡi trời mới đi đến kết luận là xưa đã có sự sống trên Hỏa Tinh.
Các nhà Thần Học cũng bị xúc động không kém. Chúng ta nên nhớ các đạo Giáo lớn Âu Châu xưa nay tin rằng chỉ có Trái Đất mới có Sinh Vật. Báo LOS ANGELES TIMES ngày 17 tháng 8 năm 1996, đã đăng bài nói rằng: Các nhà Thần học sợ hãi, khi thấy có thể có người trên Hỏa Tinh. tuy nhiên, họ nói ngày nay không còn là thế kỷ 16, khi Giáo Hội cấm đoán Copernicus và Galileo không được giảng dạy là Trái Đất không phải là trung tâm vũ trụ.
Nếu chúng ta nhìn vấn đề bao quát hơn, ta thấy dân Mỹ từ năm 1947, đã có luận điệu khác. Trong một cuộc thăm dò dư luận của báo Newsweek hồi đầu tháng 7 vừa qua, thì có 48% dân Mỹ tin rằng người Hành Tinh & Đĩa Bay là có thật, và có 29% tin rằng đã có nhiều người tiếp xúc được với người Hành Tinh; 48% dân Mỹ cho rằng: chính phủ đã bưng bít vấn đề.
Nhiều người Mỹ tin rằng: đĩa bay còn có cứ địa 51, nằm trên một khoảng xa lộ 375 ở Tiểu Bang NEVADA.
Năm 1947, báo chí loan tin có một đĩa bay rớt xuống nước Mỹ, và đã được chính phủ Mỹ đem về cất dấu ở cứ địa đó. Hồi tháng 4 năm 1966, thống đốc Tiểu Bang NEVADA đã chính thức đổi tên Xa Lộ 375 thành Xa Lộ EXTRATERRESTRIAL (Xa lộ Hành tinh), và nay thành phố Rachel ở Nevada đã trở thành thánh địa của Giáo phái ĐĨA BAY. Chúng ta nên biết rằng sự sống chỉ có thể có được trên các Hành Tinh mà thôi.
Và chúng ta cũng biết Thái Dương Hệ, trừ Trái Đất mà chúng ta đang sống, còn có 8 hành tinh. Đó là Kim (Venus), Mộc (Jupiter), Thủy (Mercure), Hỏa (Mars), Thổ (Saturne), Uranus, Neptune, Pluto. Ngày nay, người ta tìm được 3 Hành Tinh khác: một ở ngôi sao 47 trong chòm sao Ursa Major = Đại Hùng Tinh; hành tinh 2 là ở ngôi sao 70 trong chòm sao Virgo = Xử Nữ; hành tinh 3 ở ngôi sao 52 trong chòm sao Pegasus = Thiên Mã.
Tóm lại, chuyện người Hành Tinh xuống là chuyện xa vời. Nên ta hãy yên trí, đừng bận tâm đến nó.
23. 山 地 剝 SƠN ĐỊA BÁC
Bác Tự Quái | 剝 序 卦 |
Bí giả sức dã. | 賁 者 飾 也 |
Chí sức nhiên hậu | 致 飾 然 后 |
Hanh tắc tận hỹ. | 亨 則 盡 矣 |
Cố thụ chi dĩ Bác. | 故 受 之 以 剝 |
Bác giả Bác dã. | 剝 者 剝 也 |
Bác Tự Quái
Khi mà văn vẻ đàng hoàng,
Quá hay, rồi cũng sẽ tàn, sẽ suy.
Cho nên Bác tiếp chu kỳ.
Bác là bác lạc, suy vi, điêu tàn.
Quẻ Bác là một trong 12 quẻ dùng để chỉ sự vận chuyển tuần hoàn của guồng máy Âm Dương, của tiết khí, cũng như dùng để mô tả sự doanh hư, tiêu tức, sự thịnh suy, thăng trầm, tụ tán của vũ trụ và vạn vật.
Mười hai quẻ ấy là:
- Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn,
- Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải, Kiền.
Ta nhận thấy:
Nơi 6 quẻ trên (Cấu... Khôn), Âm là chủ, và Dương biến dần thành Âm.
Nơi 6 quẻ dưới ( Phục ... Kiền), Dương là chủ, và Âm biến dần thành Dương.
Đó là sự biến hoá hai chiều, hai mặt của một thực thể là Thái Cực.
Cấu | Độn | Bĩ | Quan | Bác | Khôn |
|
|
|
|
|
|
Âm trưởng, Dương tiêu
| |||||
Phục | Lâm | Thái | ĐạiTráng | Quải | Kiền |
Dương trưởng, Âm tiêu |
Mười hai quẻ Dịch tiêu tức của đồ hình trên:
Vòng Âm trưởng, Dương tiêu:
Cấu (tháng 5), Độn (tháng 6), Bĩ ( tháng 7)
Quan (tháng 8), Bác (tháng 9), Khôn (tháng 10).
Vòng Dương trưởng, Âm tiêu:
Phục (tháng 11), Lâm (tháng12), Thái (tháng 1)
Đ.Tráng (tháng 2), Quải (tháng 3), Kiền (tháng 4)
Thấu triệt đồ hình của 12 quẻ trên, ta sẽ hiểu lẽ biến dịch, tiết tấu của vũ trụ, của lịch sử nhân quần, và của vạn vật.
A. Về vũ trụ: Ta thấy rằng vũ trụ có tụ, có tán. Vũ trụ của chúng ta còn đang ở trong thời kỳ tán, và ngày nay đang tiến về phía biên. Nhờ phương pháp thâu quang phổ (Spectroscopy), và dựa vào định luật Dopper-Fizeau, các nhà Thiên văn học khám phá ra rằng các giải ngân hà đang đua nhau tiến về miền biên viễn, và vũ trụ y như là cái bọt xà phòng của trẻ con chơi đang được thổi phồng lên, theo lý thuyết của Georges Lemaître, đã được Hubble và Eddington xác nhận (Pierre Rousseau, Histoire de la Science, page.769).
B. Mười hai quẻ Dịch tiêu tức, (từ quẻ Cấu = tháng 5 ta, tới quẻ Khôn là tháng 10 ta, tức là Âm trưởng, Dương tiêu. Từ quẻ Phục = tháng 11 ta, tới quẻ Kiền là tháng 4, tức là Dương trưởng Âm tiêu) nói trên, còn được dùng để phác họa lại bộ mặt biến thiên của tiết khí, của bốn mùa. Quẻ Bác là quang cảnh từ tháng 9 ta trở đi, lúc mà Trời đem sương pha, tuyết phủ lên cỏ cây, làm cho cây trơ trụi lá, cành xơ xác cành. Lúc ấy, may mắn lắm, mới còn được một vài quả lủng lẳng trên những cành cao, còn lại được là vì người muốn ăn, mà ngại hái.
C. Xét về trào lưu Lịch sử: Bác là lúc mà vật đạo thịnh, thiên đạo suy; bao nhiêu cái hay, cái đẹp đều chạy ra ngoài bì phu, đều dồn cả vào vật chất. Đó là thời kỳ mà nhân loại chạy theo dục vọng, tiền tài, bỏ cái gốc là đức hạnh, mà chạy theo cái ngọn là danh lợi.
Xét về phương diện vật chất, thì đó là thời kỳ huy hoàng nhất, nhưng xét về phương diện tinh thần, thì đó là thời kỳ sa đọa nhất. Đó là thời kỳ tiểu nhân đánh trống, phất cờ, còn quân tử thì lao đao, lận đận, chạy được miếng ăn đã khó, giữ được thân là may.
Bác là bác lạc, suy tàn, Âm khí tăng, Dương khí giảm, tà thuyết thịnh, chính đạo suy. Đó là thời kỳ mà nơi kinh thành, thì thiếu lãnh tụ anh minh, ngoài đồng nội vắng hiền nhân, quân tử.
I. Thoán.
Thoán Từ.
剝:不 利 有 攸 往。
Bác. Bất lợi hữu du vãng.
Dịch. Thoán Từ.
Bác là rạn nứt, suy vi.
Làm gì, cũng chẳng ra chi nữa rồi.
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰: 剝,剝 也,柔 變 剛 也。 不 利 有 攸 往,小 人 長 也。順 而 止 之,觀 象 也。 君 子 尚 消 息 盈 虛,天 行 也。
Bác. Bác dã. Nhu biến cương dã. Bất lợi hữu du vãng. Tiểu nhân trưởng dã. Thuận nhi chỉ chi. Quan tượng dã. Quân tử thượng tiêu tức doanh hư. Thiên hành dã.
Dịch.
Bác là rạn nứt, suy vi.
Nhu toan thay đổi trọn bề Dương cương.
Làm gì cũng sẽ dở dang.
Tiểu nhân đang lúc nghêng ngang gặp thời.
Theo thời, dừng lại đi thôi,
Nhìn vào Tượng quẻ, cũng ngơi, cũng ngừng.
Hiền nhân, xin chớ băn khoăn,
Doanh hư, tiêu tức lẽ hằng xưa nay.
Lẽ trời có lúc vơi đầy,
Cũng khi tăng giảm, cũng ngày thịnh suy.
Thoán cho rằng: đó là thời kỳ tiểu nhân hoành hành, còn quân tử thì chẳng làm ăn dở dói gì được. Dịch kinh an ủi người quân tử hãy nên nhẫn nhục, hãy nên biết cơ trời, thời Trời vì: Sông có khúc, người có lúc.
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰: 山 附 地 上,剝﹔ 上 以 厚 下,安 宅。
Tượng viết: Sơn phụ ư địa. Bác. Thượng dĩ hậu hạ an trạch.
Dịch. Tượng rằng:
Bác là núi tựa đất dày,
Người trên hãy xử đặn đầy với dân.
Với dân đầy đặn ở ăn,
Rồi ra địa vị tư thân vững vàng.
Tượng từ tạm quên những chuyện phôi pha, bác lạc mà dạy ngược lại rằng: Khi người quân tử ở trên mà cầm quyền trị dân, phải biết chăm sóc cho dân, vì dân là nền tảng cho quốc gia. Dân có mạnh, thì nước mới bền; dân có hay thì mình mới vững. Mình mà mất dân thì cũng như là núi mất đất, sẽ không còn có nơi nương tựa, và cảnh suy vong, bác lạc sẽ đến.
Xét về Tượng quẻ: Quẻ Bác trên là 1 hào Dương liền, dưới là 5 Hào Âm, trông giống như cái giường có chân, có mặt; hay cái nhà có mái, có vách. Vì thế, Hào Sơ, Hào nhị, Hào tứ vẽ ra một cảnh phá giường. Trước tiên chặt chân giường (hào1), rồi phá khung giường (hào 2), Kế đến thang giường, rồi lại xoay tới cả đến người nằm ngủ trên giường (hào 4).
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Lục.
初 六: 剝 床 以 足,蔑 貞 凶。
象 曰: 剝 床 以 足,以 滅 下 也。
Sơ lục. Bác sàng dĩ túc. Miệt trinh hung.
Tượng viết.
Bác sàng dĩ túc. Dĩ diệt hạ dã.
Dịch
Sơ lục. Chân giường phá hủy,
Phá Cương thường, đạo lý xấu thay.
Tượng rằng:
Phá hủy chân giường,
Tiêu hao gốc rễ, Cương thường, mới nghe.
2. Hào Lục nhị.
六 二 : 剝 床 以 辨,蔑 貞 凶。
象 曰: 剝 床 以 辨,未 有 與 也。
Lục nhị. Bác sàng dĩ biện. Miệt trinh hung.
Tượng viết:
Bác sàng dĩ biện. Vị hữu dữ dã.
Dịch.
Hào Lục nhị: Thang giường bị phá,
Phá cương thường thêm nữa, xấu thay.
Tượng rằng:
Bác mà không bị chê bai,
Là vì đã biết xa rời dưới trên.
Hào Sơ & Hào Nhị có ý nói: Tiểu nhân có nhiều thủ đoạn để hãm hại người quân tử. Khi họ đắc thế, có bày có bọn, mà quân tử thời lẻ bạn, lẻ bày, cô thân, cô thế, họ sẽ tìm cách hãm hại người quân tử. Họ làm cho người quân tử mất công, mất việc, mất cơ sở sinh nhai, mất cả môi trường hoạt động, mất sự an lạc tĩnh lãng, hồn nhiên. Ví như người quân tử có cái giường, mà tiểu nhân đến chặt chân cho khập khiễng, đến phá thang, cho hư, cho gẫy (hào 1 & 2).
3. Hào Lục tam.
六 三 : 剝 之,無 咎。
象 曰:剝 之 無 咎,失 上 下 也。
Lục tam. Bác chi vô cữu.
Tượng viết:
Bác chi vô cữu. Thất thượng hạ dã.
Dịch
Không xu phụ với tiểu nhân,
Thế nên tránh được mọi phần chê bai.
Tượng rằng:
Bác mà không bị chê bai,
Là vì đã biết xa rời dưới trên.
Tuy nhiên, không phải là ai cũng xấu. Có những người tuy bề ngoài về phe phái với tiểu nhân, nhưng trong lòng vẫn hướng về người quân tử, vẫn muốn ám trợ người quân tử. Đó là như Trần Bình không nỡ chuốc rượu cho Bái Công nơi Hồng Môn hội yến, để Bái Công khỏi bị say sưa mà thất thế; sau lại còn giúp cho Bái Công đào tẩu (Tây Hán Chí, Thanh Phong dịch, trang 131).
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 剝 床 以 膚,凶。
象 曰: 剝 床 以 膚,切 近 災 也。
Lục tứ. Bác sàng dĩ phu. Hung.
Tượng viết:
Bác sàng dĩ phu. Thiết cận tai dã.
Dịch.
Đẽo giường, đẽo cả đến da,
Đã đành rằng xấu, biết là mấy mươi.
Tượng rằng:
Đẽo giường, đẽo cả đến da,
Thế là tai họa, nguy cơ gần kề.
Chẳng những hại cho mất công ăn việc làm không thôi, kẻ tiểu nhân còn muốn vạc da, đẽo thịt người quân tử, làm cho lầm than, điêu đứng, mới vui, mới thỏa.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 : 貫 魚,以 宮 人 寵,無 不 利。
象 曰: 以 宮 人 寵,終 無 尤 也。
Lục ngũ. Quán ngư. Dĩ cung nhân sủng. Vô bất lợi.
Tượng viết:
Dĩ cung nhân sủng. Chung vô cữu dã.
Dịch.
Thống lĩnh quần Âm, thuận phục Dương,
Y như Vương Hậu dẫn cung nương,
Lũ là, lũ lượt, in sâu cá,
Được chuộng, lại không lỗi đạo thường.
Tượng rằng:
Hướng dẫn cung phi được sủng ân.
Cơ sự rồi ra chẳng lỗi lầm.
Hơn thế nữa, có những người đã lên tới bậc lãnh tụ quần Âm, đã thống xuất cả bầy, cả đảng tiểu nhân, mà có khi còn biết xướng xuất giắt nhau trở về cùng chính nghĩa. Đó là trường hợp vua A- Dục đem dân trở về cùng Phật giáo, vua Constantin, vua Clovis đem dân trở về cùng Công Giáo...
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 碩 果 不 食,君 子 得 輿,小 人 剝 廬。
象 曰: 君 子 得 輿,民 所 載 也。 小 人 剝 廬,終 不 可 用 也。
Thượng Cửu. Thạc quả bất thực. Quân tử đắc dư. Tiểu nhân bác lư.
Tượng viết:
Quân tử đắc dư. Dân sở tải dã. Tiểu nhân bác lư. Chung bất khả dụng dã.
Dịch:
Chưa ăn, quả lớn vẫn treo cây.
Quân tử được xe, thế mới hay,
Tiểu nhân ví thử manh tâm hại,
Mái nhà giật sập, ở đâu đây?
Tượng rằng: Quân tử được xe,
Vì dân mến chuộng, chẳng hề đổi thay,
Mái nhà giật đổ nào hay,
Cuối cùng tay trắng, trắng tay, bẽ bàng.
Gặp thời Bác, tức thời đảo điên, ly loạn, thì số người quân tử còn lại rất là thưa thớt, y như vài quả may ra còn sót lại đầu cành. Tuy ít, nhưng đó chính là hứa hẹn cho sự phục sinh tinh thần sau này, và chính cũng là bằng chứng chính nghĩa, chẳng bao giờ có sức gì làm suy vong, tiêu diệt được. Mà lạ hơn nữa, người quân tử khi ấy vẫn được dân kính, dân tôn, vẫn có thể còn được lên xe, xuống ngựa. Kẻ tiểu nhân nếu cố tâm hủy diệt cho tận tuyệt quân tử, cho tận tuyệt chính nghĩa và đạo lý. thì có khác chi con người ngu dại, tự nhiên đem kéo sập nhà mình đang ở, rồi ra sẽ lấy gì che nắng, che mưa, Thế chính là Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu (Ngậm máu phun người, trước bẩn miệng mình).
ÁP DỤNG QUẺ BÁC VÀO THỜI ĐẠI
Trời đất, quốc gia, cũng như con người chúng ta luôn tuần hoàn, đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy, thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh, nhưng đến thời kỳ Bác là thời kỳ suy tàn nhất.
- Về Trời đất, Bác thuộc tháng 9, lúc đó Âm khí tăng, Dương khí giảm, thời tiết bắt đầu sang mùa đông, cây cỏ bắt đầu Cây trơ trụi lá, cành sơ xác cành. Nơi miền Cực Bắc, thì sương tuyết đầy đường, năng lực Trời Đất tiêu hao, vạn vật như không còn sức để triển dương.
- Đối với Quốc Gia, thì thiếu người tài giỏi chỉ huy, mọi người trở nên cao ngạo, nhố nhăng, sống gặp hay chăng chớ. Đó là thời kỳ nhiễu nhương, ly loạn, sẻ nghé, tan đàn. Đó là thời kỳ:
Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông.
- Đối với cá nhân con người , thời quẻ Bác là thời khốn khổ, suy vi nhất. Trong cảnh tha hương này, số người gặp phải thời quẻ Bác không phải là ít. Thất nghiệp, không nhà ở, không thân thích, không tiền bạc, nếu lại gặp cảnh yếu đau nữa, thì sự khổ sở không sao tả xiết. Gặp hoàn cảnh này, họ rất dễ bị xa ngã, nếu họ chẳng may gặp phải kẻ chẳng ra gì, lợi dụng sự khốn khó của họ để đưa họ vào con đường bất chính. Những người không may này, nếu sớm biết hồi tỉnh, trở về chánh nghĩa, thì chẳng đáng bị chê trách. Còn những người, sống được sự giúp đỡ của bố mẹ, của chính quyền để ăn học, nhưng đã chơi bời phóng túng, bỏ bê học hành, lười biếng không chịu làm ăn, để đến nỗi thân tàn, ma dại; hoặc những người đã có gia đình, đã có công ăn, việc làm hẳn hoi, nhưng vì quá tự mãn, coi mình là nhất thiên hạ, không còn lo lắng gì về tương lai, sẵn có uy tín nên vay mượn dễ dàng, đâm ra bài bạc, lâu dần công nợ chồng chất, thậm chí còn đánh đập vợ để lấy tiền cờ bạc. Rốt cuộc, cửa nhà tan nát, vợ con ly tan. Đó thật là thời Bác không tới mình, mà mình tự đi tìm thời Bác vậy. Những loại người kể trên này, nếu không kịp thời tỉnh ngộ, ăn năn, hối cải thì sớm muộn gì cũng sẽ đi đến tình cảnh tang thương, không gì cứu vãn nổi.
Đời sống của chúng ta, nếu TRỜI HẠI TA, thì ta còn cứu ta được, bằng sự cố gắng, cầu tiến, tiết kiệm, chịu khó. Nhưng nếu TA TỰ HẠI TA, thì không ai cứu nổi. Ta luôn luôn phải ghi nhớ câu này.
24. 地 雷 復 ĐỊA LÔI PHỤC
Phục Tự Quái | 復 序 卦 |
Bác giả bác dã. | 剝 者 剝 也 |
Vật bất khả dĩ chung tận. | 物 不 可 以 終 盡。 |
Bác cùng thượng phản hạ. | 剝 窮 上 反 下, |
Cố thụ chi dĩ Phục. | 故 受 之 以 復。 |
Phục Tự Quái
Sự đời đâu mãi tan hoang,
Bác cùng trên dưới, đôi đàng trở trăn.
Cho nên Phục đã theo chân...
Quẻ Phục là một trong những quẻ quan trọng của Dịch kinh; nói lên được lẽ Âm Dương tiêu trưởng, lẽ phản phục của Trời Đất và của tâm lý con người. Từ xưa tới nay, các nhà bình giải cũng đã nhận định được rằng: Quẻ Phục đề cập đến 2 vấn đề:
- Sư hồi phục của khí Dương.
- Sự hồi phục của nhân tâm về cùng đạo lý.
Ngày nay, với sự tiến triển của Khoa Học, với sự phổ biến của các Triết thuyết Âu. Á, ta có thể bàn rộng hơn về lẽ phản phục của Đất, Trời, cũng như của Lịch sử.
A. Phục đánh dấu 1 thời kỳ mà vũ trụ sẽ bắt đầu co lại. Vì nếu vũ trụ khuếch tán được, triển dương được, thì cũng có thể co lại được, phản phục được. (M. Sénard , Le Zodiaque, Le Capricorne, p. 376).
Cũng một nhẽ, thời gian cũng có thể phản phục được, vì thời gian gắn liền với không gian. Cho tới ngày nay, ít ai nghĩ được rằng thời gian cũng có hai chiều, hai hướng, cũng có thể vãng phục như không gian.
B. Phục đứng về phương diện tiết khí, là lúc mà sinh khí phục hồi. Trong ngày Đông Chí, khi mà vạn vật trên mặt đất như đang muốn chết cóng vì gió sương, băng tuyết, thì ở dưới lòng đất, Dương khí phục sinh, để chuẩn bị cho gian trần một mùa Xuân mới, để đem lại cho muôn loài một luồng sinh khí mới.
C. Phục cũng vẽ lại con đường phiêu lãng của vừng Dương. Phục xét về phương diện Lịch số là ngày Đông Chí, là ngày mà vừng Dương như dừng gót lại, để trở về sống gần gũi với Trái Đất & Vạn vật hơn.
Các dân tộc xưa thường ăn mừng ngày Đông chí, để đáng dấu sự phục sinh của Mặt Trời, của thần Mithra.
Từ thế kỷ thứ Tư, Giáo Hội La Mã cũng theo tục lệ của dân gian, mà ăn mừng Lễ Sinh Nhật vào ngày 25 tháng chạp, tức là vài ngày sau tiết Đông Chí.
D. Xét về phương diện Lịch sử, thì khi tới quẻ Phục, nhân loại đã đạt tới một mức độ văn minh vật chất tuyệt đích.
E. Đối với con người. Quẻ Phục là lúc con người trở nên minh giác, giác ngộ, biết được Thiên Mệnh, biết được rằng trong lòng mình vốn có sẵn Lòng Trời:
Phục kỳ kiến Thiên địa chi tâm hồ?
Theo Toán Học cổ truyền, con người có thể giác ngộ năm 42, 43 tuổi.
G. Về Triết Lý & Đạo Giáo. Quẻ Phục nêu lên mấy vấn đề:
1) Con người khi nào sẽ kiến Thiên địa chi tâm?
2)Và làm sao biết mình đã kiến Thiên địa chi tâm?
Các nhà bình giải thường cho rằng: chỉ khi nào tâm hồn con người chí hư, chí tĩnh, mới thấy được Thiên địa chi tâm.
Thiên tâm, đạo tâm là nguồn năng lực, là nguồn sinh hóa, cho nên khi đã kiến Thiên Địa chi tâm, ta sẽ thấy tâm hồn chuyển động, nguồn sống trở nên dạt dào, cảm hứng trở nên sôi động, trí tuệ trở nên mẫn tiệp. Nói tóm lại, ta đã trở thành con người mới.
Phục chính là bước đầu của con đường trở lại. Dịch Kinh đề cập quẻ Phục một cách đơn giản.
*Nơi Thoán thì dùng cho sự hồi phục của Dương khí.
* Nơi Tượng thì nói đến tục lệ đời xưa đã theo trong ngày Đông chí.
* Nơi các Hào thì bình luận cung cách con người trở về cùng Đạo Lý.
I. Thoán.
Thoán Từ.
復:亨。 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。 反 復 其 道,七 日 來 復,利 有 攸 往。
Phục. Hanh. Xuất nhập vô tật. Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng.
Dịch.
Dương về, vận đã hanh thông,
Cho nên xuất nhập thong dong, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Rồi ra sẽ hết vấn vương, lỗi lầm.
Đạo Trời phản phục, cùng thông,
Đường đi bảy độ, lại vòng về ngay.
Đường về, vận đã hoá hay.
Làm đi, rồi sẽ có ngày thành công.
Phục là Dương khí mới trở về (Phục), và sẽ hứa hẹn một vận hội hanh thông mới (Hanh). Người quân tử tuy biết rằng: Cơ phục hồi đạo lý đã trở lại, nhưng chớ nên vội vàng, chớ nên hấp tấp mà hại cho đạo lý, cho lý tưởng (Xuất nhập vô tật). Hãy ráng chờ cho thêm đồng tâm, đồng chí (Bằng lai), rồi mới tránh khỏi được những chuyện lỗi lầm (Vô cữu).
Cơ Trời muốn phục hồi, phải qua hết 6 giai đoạn biến hóa, đó là: Cấu ( tháng 5), Độn (tháng 6), Bĩ (tháng 7), Quan (tháng 8), Bác (tháng 9), Khôn (tháng 10). Thiên vận, thế vận, phải đi cho cùng đường biến hoá, từ tinh thần ra đến vật chất, rồi mới có thể quay ngược trở lại được. Trở về đến quẻ Phục, tức là giai đoạn thứ bảy. Lúc ấy người quân tử mới có cơ hội hoạt động (Phản phục kỳ đạo thất nhật lai phục. Lợi hữu du vãng).
Thoán truyện.
彖 曰 : 復 亨 ﹔ 剛 反,動 而 以 順 行,是 以 出 入 無 疾,朋 來 無 咎。反 復 其 道,七 日 來 復,天 行 也。 利 有 攸 往,剛 長 也。 復 其 見 天 地 之 心 乎?
Thoán viết:
Phục hanh. Cương phản. Động nhi dĩ thuận hành. Thị dĩ xuất nhập vô tật.
Bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo. Thất nhật lai phục. Thiên hành dã.
Lợi hữu du vãng. Cương trưởng dã. Phục kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ.
Dịch.
Thoán rằng: Vận Phục mà hay,
Là vì Dương cứng tới nay phục hồi,
Động mà vẫn thuận cơ Trời,
Cho nên lui tới thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Có thêm bè bạn lo toan,
Xây nền đạo lý, ai than, ai cười.
Vãng lai, phản phục đạo Trời,
Đi đà bảy độ, lại hồi, lại quay.
Làm gì cũng sẽ mắn may,
Là vì Dương vận tới ngày hanh thông,
Phục rồi, được thấy Thiên tâm,
(Vì lòng Trời đất cũng trong lòng người.)
Thoán Truyện đã đưa ra 2 nhận định:
1.) Người quân tử tuy nay gặp hoàn cảnh thuận tiện hơn để hoạt động, nhưng phải hành động cho khéo léo, cho hợp với đạo lý, như vậy mới không chiêu hại cho mình (Động nhi dĩ thuận thị dĩ xuất nhập vô tật.)
2.) Lúc này là lúc con người trở về để tìm cho ra được Thiên địa chi tâm. Tìm ra được Thiên địa chi tâm, chẳng qua là tìm ra được Đạo tâm vi tế trong lòng mình, và nói lên được như Thánh Phao Lồ rằng: Tôi nghĩ tôi có Thần Chúa trong tôi (I Cor. J. 39)
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 : 雷 在 地 中,復 ; 先 王 以 至 日 閉 關,商 旅 不 行,后 不 省 方。
Tượng viết:
Lôi tại địa trung. Phục. Tiên vương dĩ chí nhật bế quan.
Thương lữ bất hành. Hậu bất tỉnh phương.
Dịch. Tượng rằng:
Phục là lòng đất sấm ran,
Tiên vương Đông chí, cửa quan bế tàng.
Ngược xuôi, vắng bóng khách thương.
Nhà vua tránh chẳng lên đường tuần du.
Tượng Truyện nhắc lại hành động của những vị quân vương xưa trong ngày Đông Chí: Đông chí là ngày Nhất Dương sơ động, chính là lúc ứng vào Hào Sơ quẻ Kiền: Tiềm long vật dụng = Rồng ẩn chớ dùng. Cho nên ngày ấy, đóng cửa quan ải, ngăn cấm khách thương đi lại, và nhà vua cũng không đi tuần thú. Nguyên tắc của các vị quân vương xưa là : Theo Trời mà hành sự, cho nên ngày Thu phân thì truyền cho sửa sang lại cân lạng,(vì là ngày tượng trưng cho sự quân bằng mọi sự = ngày, đêm dài bằng nhau), ngày Đông chí là ngày hàm dưỡng, nghỉ ngơi.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
Các Hào bàn về sự trở về cùng đạo lý. Nguyên tắc tu thân xưa là: Tu thân dĩ đạo. Tu đạo dĩ nhân = Dùng đạo để tu thân. Lấy sự hoàn thiện để tu đạo.
Tu thân là đi vào con đường hoàn thiện, là để trở nên hoàn thiện, là để tìm cho ra được Thiên địa chi tâm = tìm cho ra được đạo tâm.
1. Hào Sơ Cửu.
初 九. 不 復 遠,無 只 悔,元 吉。
象 曰: 不 遠 之 復,以 修 身 也。
Sơ Cửu: Bất viễn phục. Vô kỳ hối. Nguyên cát.
Tượng viết:
Bất viễn chi phục. Dĩ tu thân dã.
Dịch.
Chưa xa đã biết phục hồi,
Thế thời khỏi hối, thế thời rất may.
Tượng rằng:
Chưa xa đã biết phục hồi,
Tu thân ấy chính cơ ngơi mối giường.
Hào Sơ là nhất Dương sơ động, ám chỉ những hạng người như Nhan Hồi, hăng hái theo đường đạo lý. Tuy chưa phải là Thánh Hiền, tuy hãy còn có những điều lầm lỗi, nhưng lỗi thời biết, biết thời không tái phạm nữa.
Tóm lại, Hào Sơ là những người đã sống gần tới mức lý tưởng, dầu chưa được mười phân vẹn mười, thì cũng đã gần Trời, gần Đạo. Mỗi khi có một tà niệm, một mầm mống bất thiện nào vừa muốn nhô lên trong tâm hồn họ, là họ cố tiêu diệt ngay, vì vậy tâm hồn họ thời thường là như ngọc trắng, gương trong chẳng bợn trần ai, tục lụy. Vì vậy, Hào Sơ này nói lên hai chữ tu thân, tức là đặt căn bản cho công cuộc tu thân vậy.
2. Hào Lục Nhị.
六 二 : 休 復,吉。
象 曰: 休 復 之 吉,以 下 仁 也。
Lục nhị. Hưu phục. Cát.
Tượng viết:
Hưu phục chi cát. Dĩ hạ nhân dã.
Dịch.
Phục hồi đẹp đẽ biết bao!
Tượng rằng:
Phục hồi đẹp đẽ biết bao.
Là vì đã biết nương vào đức nhân.
Hào Lục nhị là hạng người trung chính, lại có cái may mắn ở gần những người hiền đức. Họ là những người thành khẩn, muốn khắc kỷ, phục lễ, lấy sự hoàn thiện làm tiêu chuẩn cho đời mình, và công cuộc tu thân đối với họ cũng chẳng mấy khó khăn. Vì thế, dùng chữ Hưu phục.
Hào hai chỉ nói đến tu thân, đến sự hoàn thiện để làm tiêu chuẩn cho cuộc đời, nên đặc biệt có chữ Nhân.
3. Hào Lục tam.
六 三 : 頻 復,厲 無 咎。
象 曰: 頻 復 之 厲,義 無 咎 也。
Lục tam. Tần phục. Lệ. Vô cữu.
Tượng viết:
Tần phục chi lệ. Nghĩa vô cữu dã.
Dịch.
Trở đi, trở lại nhiều lần,
Tuy rằng nguy hiểm, lỗi lầm chi đâu.
Tượng rằng:
Trở đi, trở lại nhiều lần.
Xét theo nghĩa lý, thì lầm lỗi chi?
Hào Lục tam chỉ những hạng người thiếu nghị lực, nên tuy muốn bỏ điều xấu, mà vẫn không thể dứt bỏ, vẫn sa đi, ngã lại nhiều lần. Mặc dầu vậy, mỗi lần họ sa ngã, là một lần họ ăn năn, họ chỗi dậy. Nếu đã thực tâm hối quá, thì cũng không đáng chê bai.
4. Hào Lục tứ.
六 四 : 中 行 獨 復。
象 曰: 中 行 獨 復,以 從 道 也。
Lục tứ. Trung hành độc phục.
Tượng viết:
Trung hành độc phục. Dĩ tòng đạo dã.
Dịch.
Một mình giữa bọn tiểu nhân,
Thế mà đơn độc hồi tâm, hồi đầu.
Tượng rằng:
Một mình giữa bọn tiểu nhân,
Một mình trở lại theo chân đạo Trời.
Hào Lục tứ Độc Phục chính là những cánh sen trong bùn, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tuy sống trong hoàn cảnh ngang trái, mà lòng vẫn hướng về lý tưởng, đaọ lý. Sống giữa bầy tiểu nhân, mà lòng vẫn hướng về phía chính nhân, quân tử.
5. Hào Lục ngũ.
六 五 : 敦 復,無 悔。
象 曰: 敦 復 無 悔,中 以 自 考 也。
Lục ngũ. Đôn Phục. Vô hối.
Tượng viết:
Đôn Phục vô hối. Trung dĩ tự khảo dã.
Dịch. Lục ngũ:
Đạo Trời thành khẩn phục luôn.
Hết còn hối hận, tâm xoang an bình.
Tượng rằng:
Đạo Trời thành khẩn phục luôn.
Một mình nghiền ngẫm sớm hôm đạo Trời.
Hào Lục ngũ là hạng người không có cái duyên may mắn gần được người Hiền Thánh, nhưng đã một mình tìm được ra Chân Lý (vì thế gọi là tự khảo), mà khi đã tìm ra được đạo lý rồi, thì nhất tâm giữ vẹn Đạo Trời.
6. Hào Thượng Lục.
上 六 : 爻 辭:迷 復,凶,有 災 眚。用 行 師,終 有 大 敗,
以 其 國 君,凶 ; 至 于 十 年,不 克 征。
象 曰: 迷 復 之 凶,反 君 道 也。
Thượng Lục. Mê Phục. Hung. Hữu tai sảnh. Dụng hành sư.
Chung hữu đại bại. Dĩ kỳ quốc quân hung. Chí vu thập niên bất khắc chinh.
Tượng viết:
Mê phục chi hung. Phản quân đạo dã.
Dịch. Thượng Lục:
Nếu mà mê mẩn, chẳng hồi tâm,
Thời thôi họa hại, thật vô ngần.
Điều động binh đao, âu cũng hỏng,
Dẫu làm vua chúa, vẫn gian truân.
Mê chi, mê mẩn tâm thần.
Suốt đời vẫn chẳng qui tâm, hồi đầu.
Tượng rằng: Mê chẳng phục hồi.
Ấy là phản lại đạo Trời trước sau.
Hào Thượng Cửu: Tuy là ở trong hồi Phục Hưng đạo lý, hồi mà nhân tâm qui thuận thiên lý, cũng vẫn có những người mê lú, không chịu trở lại đường ngay. Họ không chịu phục thiện được vì nhiều lẽ:
1) Vì địa vị họ quá cao, nên họ không thể nhận chân lý, nhận đạo lý nơi người khác.
2) Họ xa những người hay, nên không có dịp trở về cùng đạo lý.
3) Bản chất họ tối tăm, dày đặc, nên họ không thể khai ngộ được.
4) Họ không đủ nghị lực để cải tà, qui chánh.
Khi mà họ đã một mực theo đường tà, mặc cho dục tình lôi cuốn, không đếm xỉa gì đến đạo lý nữa, thì dĩ nhiên họ sẽ lâm vào cảnh quốc phá, gia vong. Dẫu họ có làm vua, làm tướng chi nữa, nếu không theo chính nghĩa, thì cũng chỉ là hôn quân, bại tướng.
ÁP DỤNG QUẺ PHỤC VÀO THỜI ĐẠI
Có nhiều người, sau khi đã đi một quãng đường dài trong cuộc đời, đã từng thành công cũng như thất bại, đã sống trên nhung lụa, kẻ hầu người hạ, nhưng cũng có khi ăn tháng này, đã phải lo tháng sau liệu có đủ hay không? Chợt một lúc nào đó, họ cảm thấy đời sống thật là vô vị, không lẽ sinh ra đời chỉ là để lo làm sao cuộc sống được đầy đủ hay sao? Hay sinh ra đời chỉ để làm phân bón nuôi vợ con? Sáng sớm thức dậy đã phải lo đi làm việc, có nhiều người làm việc vất vả hơn trâu. Nhất là ở xứ Mỹ này, đàn ông cũng như đàn bà có người ngày làm hai, ba nơi. Làm mệt quên nghỉ, làm cốt chỉ để kiếm tiền cho thật nhiều, mặc dù họ không cần thiết phải vất vả như vậy họ vẫn đủ sống. Họ làm việc mà không có mục đích, không có lý tưởng, họ làm cho có nhiều tiền, để ăn tiêu huy hoàng hơn người khác, và để tỏ cho người ngoài thấy họ là người tài giỏi, thế thôi.
Nhưng có ai chịu hiểu sâu sa hơn, là Thượng đế sinh ra loài người đâu phải chỉ để nguyên có sống để mà hưởng thụ, như các loài động vật khác, mà Ngài sinh ra loài người là muốn họ phải tiến hóa về mọi mặt, tiến lên để giống Ngài.
Về mặt Vật chất, họ phải tiến cao để tạo cho thế giới ngày thêm tươi đẹp, đầy đủ tiện nghi, cho con người được thoải mái phần nào sau nhiều giờ làm việc trong ngày.
Về mặt Tinh thần, họ phải suy tư, tìm hiểu đâu là bản thể của mình, vì Thần của họ là gốc gác Thần minh, họ phải biết đường để quay về với Thần minh, nếu không sẽ có lúc họ cảm thấy đời vô ý nghĩa, và họ sẽ chán nản vô cùng, vì thế có nhiều người chẳng hiểu vì lý do gì mà lại tự tử.
Thật vậy, nếu chúng ta sinh ra đời, mà suốt cuộc đời sống không mục đích, không lý tưởng, thì quả thật cuộc sống thật là vô vị, và lúc lâm chung chẳng hiểu mình sẽ đi về đâu?
Theo thiển ý của tôi, khi còn nhỏ sống trong gia đình, ta hãy ăn ở sao cho cha mẹ, và thày giáo vui lòng. Khi khôn lớn, giữ sao cho hạnh kiểm đường hoàng, cho minh chính để mọi người nể trọng mình. Ta cứ lập gia đình, tạo sự nghiệp, để góp mặt với xã hội nhân quần. Nhưng khi tóc đã hoa râm, đã qua được quá nửa đời người (quãng 42- 43 tuổi), thì ta phải biết suy tư, học đạo để quay về với nguồn gốc của mình, nếu cứ mê đắm trong hoan lạc, e cuối đời ăn năn không kịp, như Hào Thượng Lục của quẻ Phục răn ta:
Chấp nê, một dạ sống trong mê,
Nghĩa lý, lìa xa chẳng chịu về.
Vương, tướng nghênh ngang, phường múa rối,
Đạo Trời chẳng biết, sống ra chi !
Quẻ Phục này đáng cho ta suy nghĩ vậy!
25. 天 雷 無 妄 THIÊN LÔI VÔ VỌNG
Vô Vọng Tự Quái | 無 妄 序 卦 |
Phục tắc bất vọng hỹ. | 復 則 不 妄矣 |
Cố thụ chi dĩ Vô Vọng | 故 受 之 以 無 妄 |
Vô Vọng Tự Quái
Phục rồi sẽ hết lỗi lầm đơn sai.
Rồi ra Vô Vọng tiếp ngôi.
Quẻ Vô Vọng, về phương diện Đạo Học, là một quẻ rất quan trọng trong Kinh Dịch. Thực vậy, quẻ Vô Vọng dạy về đời sống của các bậc Thánh Nhân, sống kết hợp với Trời, theo con đường chí công, chí chính của Tạo Hóa, chứ không theo con đường tà ngụy của tâm tư.
Trình tử giải Vô Vọng là: Hành động theo Thiên lý, là Chí Thành, là Thiên đạo. Trình tử còn nói thêm: Thánh nhân hoạt động theo Trời, Hiền nhân hoạt động theo người.
Lý Long Sơ nói: Con người do tinh hoa Trời Đất mà sinh, nên có Thần Trời, sự quang minh của Trời, vốn là Chân Thiện Vô Vọng. Nhưng sau khi sinh ra đời, bị dẫn dụ bởi những điều ngụy tạo của người khác, nên vọng niệm mới sinh ra. Vì vậy cho nên quẻ Vô Vọng tiếp theo sau quẻ Phục: Phục là trở về với đạo lý, nhìn thấy Thiên tâm, Thiên tính trong lòng mình. Vô Vọng là sống hồn nhiên theo đúng Thiên tính, Thiên lý, Thiên đạo. Quẻ Vô Vọng đề cập đến một trạng thái tâm thần cao siêu nhất của con người, nên những lời lẽ cũng trở nên khó hiểu.
Đọc Hào 2, 3, 5, y như thấy bàn đến:
- Phúc bất kỳ (Hào 2).
- Họa bất kỳ (Hào 3).
- Bệnh bất kỳ (Hào 5).
Nên nhiều nhà Bình Giải cho rằng: ngoài nghĩa chính yếu trên, Vô Vọng còn có nghĩa thứ hai là: Không cầu mà được, không ước mà nên, không muốn mà bị.
I. Thoán.
Thoán Từ.
無 妄:元,亨,利,貞。 其 匪 正 有 眚,不 利 有 攸 往。
Vô vọng. Nguyên, Hanh. Lợi, Trinh. Kỳ phỉ chính hữu sảnh.
Bất lợi hữu du vãng.
Dịch.
Vô Vọng là nguyên tuyền, đẹp đẽ,
Tốt lành thay, hợp lẽ chính trung.
Chính rồi, mới được hanh thông.
Nếu không chính đáng, lâm vòng tội khiên.
Tội tình vọng động triền miên,
Làm gì cũng sẽ chẳng nên việc gì.
Thoán Từ đại khái nói rằng: Con người mà đã đạt tới tình trạng Toàn chân, Toàn thiện, chí thành, chí mỹ rồi thì thực là một điều đại hạnh vậy. (Vô vọng nguyên hanh). Con đường đưa tới chí thành, chí thiện, tức là con đường công chính, nếu theo được mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Hễ đã đi sai con đường công chính, tức đã đi vào con đường tà ngụy, như vậy tránh sao khỏi lỗi lầm (Kỳ phỉ chính hữu sảnh), như vậy thời làm sao mà hay, mà lợi được (Bất lợi hữu du vãng).
Thoán Truyện.
彖 曰 : 無 妄,剛 自 外 來,而 為 主 於 內。動 而 健,剛 中 而 應,大 亨 以 正, 天 之 命 也。其 匪 正 有 眚,不 利 有 攸 往。無 妄 之 往,何 之 矣?天 命 不 佑,行 矣 哉?
Thoán viết:
Vô Vọng. Cương tự ngoại lai nhi vi chủ ư nội. Động nhi kiện.
Cương trung nhi ứng. Đại hanh dĩ chính. Thiên chi mệnh dã.
Kỳ phỉ chính hữu sảnh. Bất lợi hữu du vãng. Vô Vọng chi vãng.
Hà chi hĩ. Thiên mệnh bất hựu. Hành hĩ tai.
Dịch.
Vô Vọng là Cương từ ngoài đến,
Tinh hoa Trời đã hiện bên trong,
Hiện ra, làm chủ cõi lòng,
Hành vi ám hợp Hóa Công từ rày,
Lòng ta, với lòng Trời ứng hợp,
Chính đáng thay, mà đẹp đẽ thay.
Thế là Thiện Mỹ từ nay.
Thế là ý muốn của Trời bấy lâu,
Chẳng chính đáng, thời âu tội lỗi.
Vọng động rồi, khỏi nói nên công.
Trời kia đã ngự cõi lòng.
Ích gì tìm kiếm lung tung tơi bời.
Làm như vậy e Trời chẳng giúp,
Không ơn Trời đi được đến đâu.
Bây giờ cái Tinh Hoa của Trời Đất đã hiện bên trong, đã làm chủ chốt cho mọi hoạt động (Cương = Dương = Tinh hoa), (Cương tự ngoại lai nhi chủ ư nội). Mình làm gì cũng thuận theo ý Trời, (Động nhi kiện). Luôn luôn đem một tấm lòng tinh thành mà đối đãi với người (Cương trung nhi ứng). Luôn luôn theo đàng công chính, đó là đã thực hiện được một công chuyện tốt đẹp nhất, đó là đã theo đúng Thiên Mệnh (Đại hanh dĩ chính. Thiên chi mệnh dã).
Nếu không công chính thời có lỗi, sao hay, sao lợi được (Kỳ phỉ chính hữu sảnh. bất lợi hữu du vãng). Đã được Chân Thiện Mỹ, là đã được Trời rồi, mà còn ước muốn nữa, còn muốn đi nữa, thì đi đâu? (Vô vọng chi vãng. Hà chi hĩ). Như vậy sao mong được Trời giúp đỡ, phù trì. Mà Trời đã không giúp, thời đi được đến đâu? (Thiên mệnh bất hựu. Hành hĩ tai).
II. Đại Tượng Truyện.
象曰 : 天 下 雷 行,物 與 無 妄 ; 先 王 以 茂 對 時,育 萬 物。
Tượng viết.
Thiên hạ lôi hành. Vật dữ Vô Vọng. Tiên vương dĩ mậu đối thời dục vạn vật.
Dịch.
Tượng rằng: Sấm động dưới Trời,
Bao nhiêu ngang trái, lôi thôi, tiêu trừ.
Muôn loài vui sống, nhởn nhơ,
Hồn nhiên, vạn hảo, đúng như ý Trời,
Thánh nhân cũng biết tùy thời,
Giúp cho muôn vật, sống đời đẹp tươi.
Đại Tượng bình: Trời dùng Sấm động dưới Trời để tiêu trừ ngang trái, cho muôn vật được sống thảnh thơi. Cho nên, Tiên vương xưa cũng cố tùy thời, làm cho muôn vật được nuôi dưỡng, được sống an vui. Trời dùng biến hóa để dần dà thực hiện toàn mỹ cho vạn vật; để dần dà phát huy tiềm năng, tiềm lực của muôn vật. Thánh nhân cũng bắt chước Trời, mà tùy thời dưỡng dục vạn vật.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Cửu.
初 九 : 無 妄,往 吉。
象 曰: 無 妄 之 往,得 志 也。
Sơ Cửu. Vô vọng vãng cát.
Tượng viết:
Vô vọng chi vãng. Đắc chí dã.
Dịch.
Hồn nhiên, Thiên đạo mới hay,
Sống đời hoàn thiện, thời may đã đành.
Tượng rằng:
Hành vi theo đúng luật Trời,
Lúc nào cũng sẽ thảnh thơi, phỉ nguyền.
Hào Sơ khuyến cáo con người luôn đi vào con đường thánh thiện, như thế sẽ luôn được thảnh thơi, phỉ chí.
2. Hào Lục nhị.
六 二 : 不 耕 獲,不 菑 畬,則 利 有 攸 往。
象 曰: 不 耕 獲,未 富 也。
Lục nhị. Bất canh hoạch. Bất chi dư. Tắc lợi hữu du vãng.
Tượng viết:
Bất canh hoạch. Vị phú dã.
Dịch.
Chẳng cày, vẫn gặt, mới hay.
Chẳng cần ngả ruộng, mà nay ngấu thành.
Việc gì cũng sẽ lợi danh.
Tượng rằng:
Chẳng cày, vẫn có mùa màng.
Là Tâm chẳng có vấn vương tiền tài.
Hào Lục nhị có ý nói: Mình hãy cứ làm các công việc tốt, nhưng không có lòng mong cầu lợi lãi. Những Thánh nhân các đạo giáo cũng nói như trên. Phúc âm Mathieu viết: Hãy xem các loài chim trời, chẳng có gieo gặt, cũng chẳng thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi nuôi nó. Các ngươi há chẳng trọng hơn loài chim sao?... Vậy các ngươi chớ lo lắng mà rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại thường tìm và cha các ngươi ở trên Trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Chúa và sự công chính của Ngài; thời Ngài sẽ trả cho các ngươi những điều ấy sau. (Matt. 6, 26 -33).
Đạo Đức Kinh viết:
Vô vi huyền diệu khôn bì,
Không làm, mà chẳng việc chi không làm.
Vô vi mà được thế gian,
Càng xoay sở lắm, đời càng rối beng. (XLVIII)
3. Hào Lục tam.
六 三 : 無 妄 之 災,或 系 之 牛,行 人 之 得,邑 人 之 災。
象 曰: 行 人 得 牛,邑 人 災 也。
Lục tam. Vô vọng chi tai. Hoặc hệ chi ngưu.
Hành nhân chi đắc. Ấp nhân chi tai.
Tượng viết:
Hành nhân đắc ngưu. Ấp nhân tai dã.
Dịch.
Chuyện đâu tai họa bất ngờ,
Trâu kia ai buộc vẩn vơ bên đường,
Bộ hành trông thấy dắt càn,
Người làng, bỗng bị họa mang vào người.
Tượng rằng:
Người đi đường bắt được trâu,
Người trong làng ấp, họa đâu mang vào.
Đa số các nhà bình giải, giải Hào Ba này như sau: Ở đời lắm tai vạ bất ngờ. Người đi đường dắt trâu mang đi, người trong ấp lại bị bắt bớ tra hỏi. (Chu Hi)
Duy Trình tử đại khái giải rằng: Đi ra Vọng, là đi theo mê lạc, đi theo Nhân dục, là điều tai hại dưới nhãn quan của các nhà Huyền học. Tam là Âm Nhu, tượng trưng cho bất trung, bất chính, nên là Vọng. Tam là ứng với Thượng Cửu, đó là tượng trưng cho dục tình, vì ứng là để tâm, để trí tới. Đã Vọng động như vậy, mà đắc âu là sẽ mất lại. Ta sẽ giải lời này rõ hơn bằng lời Thánh Kinh: Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất là nơi mối, mọt nhấm nát được, nơi trộm cắp đào, khoét lấy mất được. Nhưng phải chứa của cải trên Trời, là nơi mối, mọt không nhấm nát, nơi trộm cắp không đào, khoét lấy mất được; vì của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó. (Matt, 6 , 19 - 21).
4. Hào Cửu tứ.
九 四 : 可 貞,無 咎。
象 曰: 可 貞 無 咎,固 有 之 也。
Cửu tứ. Khả trinh. Vô cữu.
Tượng viết:
Khả trinh vô cữu. Cố hữu chi dã.
Dịch.
Nếu mà theo được đường ngay,
Theo đường đạo lý, thế này lỗi chi !
Tượng rằng:
Hay là theo được đường ngay,
Bền tâm, vững chí, chẳng thay đổi lòng.
Hào bốn khuyên 2 điều:
1) Hãy theo con đường công chính.
2) Hãy bền lòng, vững chí đến cùng.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 : 無 妄 之 疾,勿 藥 有 喜。
象 曰: 無 妄 之 藥,不 可 試 也。
Cửu ngũ. Vô vọng chi tật. Vật dược hữu hỷ.
Tượng viết:
Vô vọng chi dược. Bất khả thí dã.
Dịch.
Xá chi bệnh tật bất kỳ,
Chẳng cần thang thuốc; vui đi, lành rồi !
Tượng rằng:
Chưa thang thuốc, bệnh đã lui,
Chớ nên thử thách, lôi thôi làm gì.
Hào năm tiếp tục chủ trương, đã đi đúng đường Trời, đừng có sợ những bệnh tật, những biến cố ngoại lai. Cũng vì vậy, khi đức Khổng bị vây ở đất Khuông, đã nói: Nếu Trời chẳng muốn mất vẻ sáng, thì người đất Khuông làm gì nổi ta. Như vậy, nếu ta vững niềm tin, tật bệnh, tai ách bất kỳ đều qua khỏi hết, không việc gì phải sợ hãi, cầu cạnh.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 : 無 妄,行 有 眚,無 攸 利。
象 曰: 無 妄 之 行,窮 之 災 也。
Thượng Cửu. Vô vọng hành hữu sảnh. Vô du lợi.
Tượng viết:
Vô vọng chi hành. Cùng chi tai dã.
Dịch.
Tinh thành còn muốn đi nao?
Vấn vương tội lỗi, tốn hao công trình.
Hào sáu kết luận rất khéo léo: đã được Trời còn muốn gì nữa. Đã được Tinh thành, còn muốn gì nữa?
ÁP DỤNG QUẺ VÔ VỌNG VÀO THỜI ĐẠI
Ngày xưa, các cụ thường răn con cháu: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Ý muốn nói, chúng ta ở trên đời phải làm việc thì mới có ăn, nếu lười biếng thì đói. Ngược lại quẻ Vô Vọng lại nói, xem chừng như là nghịch lý.
Không cầy, vẫn gặt mới hay.
Chẳng cần ngả ruộng, mà nay ngấu thành.
Theo tôi, thì chẳng có gì nghịch lý, mà ý quẻ chỉ muốn nói: chớ quá tham lam, đèo bòng. Ở đời có làm thì mới có ăn, nhưng không phải làm quá đáng, hoặc vơ vét quá nhiều, tích tụ của cải cho lắm, mà không còn nghĩ gì đến Đạo lý Thánh Hiền. Ta hãy nhìn xem các Chủng Viện Công Giáo, các Chùa Phật giáo, các nhà tu hành, nơi nơi, nhà nhà, họ chỉ miệt mài Đạo lý, nào đâu thấy ai suốt ngày lo làm việc để kiếm tiền. Nhưng ta có thấy ai trong đám người tu hành mà nghèo khổ? Trái lại, họ còn thừa thãi của cải, đi đến đâu cũng được mọi người sùng kính hơn người thế gian. Sự thật, các Thánh nhân chỉ muốn khuyên ta chớ đắm chìm trong việc kiếm tiền, vì nó chỉ làm cho ta khổ sở, lao đao, càng kiếm lắm, càng mất nhiều, càng khổ sở. Thiên hạ chỉ vì danh, lợi, tiền tài mà sa vào vực thẳm, không lối thoát, chi bằng cứ vừa đủ ăn, mặc, nhưng lòng thênh thang lo đạo lý tốt hơn.
Đạo Đức Kinh chương LXIV viết:
Càng làm, càng lắm tan tành.
Càng ôm, càng mất, càng dành, càng vương,
Mới hay, đường lối Thánh nhân,
Chẳng làm, nên chẳng lo lường bại vong.
Thênh thang, dạ chẳng đèo bòng,
Khỏi điều mất mát, đỡ công tần phiền.
Ngày nay, con người sống chạy theo đà văn minh vật chất, nên có nhiều nhu cầu đòi hỏi; do đó chúng ta phải vất vả, bon chen với cuộc sống hàng ngày. Vì công việc làm, vì sinh kế, vì lo lắng giải quyết những công chuyện đã hoặc sắp xẩy ra, nên đầu óc chúng ta luôn mệt mỏi, có nhiều người trọn ngày không có lấy 1 giờ là của riêng mình, để mà sống cho yên tĩnh. Chúng ta sẽ như những chiếc lá vàng bị cơn lốc đời lôi cuốn, không biết sẽ đi đến đâu, nếu chúng ta không chịu bình tâm suy nghĩ để thay đổi cách sống, cách suy tư.
Giàu nghèo Trời đã định, hoạn nạn có số phần. Thánh nhân cũng không tránh được những biến cố bất kỳ.
Ví dụ: Văn Vương bị nạn ở Dũ Lý, Khổng tử bị Thúc Tôn, Võ Thúc chê bai (LN, XIX, 24).
Cho nên, tốt hơn hết chúng ta nên sống cho thoải mái, đừng quá tham mà làm khổ xác thân, đừng quá say mê chạy theo vật chất, mà quên mất sự bồi bổ tinh thần.
Nếu, khi đã tới tuổi 60, mà ta vẫn ham danh, lợi, tiền tài, vật dục, là ta đã đi nhầm đường rồi, phải kíp thời dừng bước, mà ngả theo Chính đạo, nếu không sẽ quá muộn, lúc trăm tuổi không biết sẽ về đâu, và rất lo sợ khi Tử thần tới rước.
Theo tôi, thể xác con người chỉ là 1 thứ người máy, hoạt động, suy tư được là nhờ có Thần nhập. Vậy tại sao ta không bồi bổ cho Thần của ta bằng cách suy tư, thánh thiện, mà lại chạy theo đường vật dục, để bồi bổ cho người máy của ta vậy?
No comments:
Post a Comment