Thursday, February 24, 2011

HẠ KINH II


HẠ KINH

Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê

» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45

46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64


38. 火 澤 HỎA TRẠCH KHUÊ

Khuê Tự Quái

睽 序 卦

Gia đạo cùng tất quai

家 道 窮 必 乖

Cố thụ chi dĩ Khuê

故 受 之 以 睽

Khuê giả quai dã.

睽 者 乖 也

Khuê Tự Quái

Gia Nhân bàn chuyện nhân gia.

Nhà không khéo trị, hoá ra quải gàng.

Cho nên, Khuê mới ló dàng.

Khuê là gàng quải, xốn xang, chia lìa.

Khuê là chia rẽ, là chống đối nhau, là không hợp tác với nhau. Sự chia rẽ, sự bất hợp tác ấy đã được hình hiện trong quẻ Khuê. Quẻ Khuê, trên có Ly là Hỏa; dưới có Đoài là Trạch, là hồ. Lửa thời bay lên, nước hồ thì lắng xuống, như vậy có bao giờ hợp tác cùng nhau được.

Quẻ Khuê, trên có Ly là con gái giữa, dưới có Đoài là con gái út. Hai chị em, tuy sống bên nhau, mà tâm sự mỗi người gửi một phương, ước mơ của mỗi người đi một ngả, có bao giờ hợp với nhau đâu.

I. Thoán.

Thoán từ.

睽. 小 事 吉.

Khuê. Tiểu sự cát.

Dịch. Thoán từ.

Gặp thời Khuê quải chia ly.

Làm công chuyện nhỏ, dễ bề hanh thông.

Thoán từ nói: Khi mà nhân tâm đã ly tán, thì dĩ nhiên không thực hiện được đại công, đại sự. Lúc ấy chỉ nên làm những việc thường, việc nhỏ, mới nên công.

Thoán Truyện.

彖 曰. . 火 動 而 上. 澤 動 而 下. 二 女 同 . 其 志 不 同 行. 說 而 麗 乎 明. 柔 進 而 上 行. 得 中 而 應 乎 剛. 是 以 小 事 吉. 天 地 睽. 而 其 事 同 也. 男 女 睽. 而 其 志 通 也. 萬 物 睽. 其 事 類 也. 睽 之 時 用 大 矣 哉.

Thoán viết:

Khuê. Hỏa động nhi thượng. Trạch động nhi hạ. Nhị nữ đồng cư. Kỳ chí bất đồng hành. Duyệt nhi lệ hồ minh. Nhu tấn nhi thượng hành. Đắc trung nhi ứng hồ cương. Thị dĩ tiểu sự cát. Thiên địa Khuê. Nhi kỳ sự đồng dã. Nam nữ Khuê. Nhi kỳ chí thông dã. Vạn vật Khuê. Nhi kỳ sự loại dã. Khuê chi thời dụng đại hỹ tai.

Dịch. Thoán Truyện.

Khuê là đôi ngả phân kỳ,

Lửa thì bay bốc, hồ thì lắng sâu.

Chị em tuy ở với nhau,

Nhưng mà chí hướng gót đầu chia phôi.

Vui nương ánh sáng cho vui,

Mềm mà thẳng tiến, để trồi lên cao.

Đắc trung, lại cứng ứng vào,

Cho nên tiểu sự thế nào cũng hay.

Đất trời, đôi ngả phân phôi,

Nhưng mà công việc, thời thôi một vành.

Gái trai, đôi ngả phân trình,

Nhưng mà ý chí, tâm tình cảm thông.

Muôn loài cách biệt giống giòng,

Nhưng mà công việc cũng không quải gàng

Sự đời ngang trái dở dang,

Mà dùng nên chuyện, ấy trang hiền tài.

Sở dĩ còn làm được những công trình nhỏ, là vì con người tuy chia rẽ, nhưng chưa đến nỗi xấu. Họ vẫn còn biết ưa chuộng, và còn thích bám víu vào những gì quang minh, đẹp đẽ (Duyệt nhi lệ hồ minh). Họ vẫn còn ao ước muốn vươn lên (Nhu tiến nhi thượng hành).

Lục ngũ vẫn còn đắc trung, và vẫn ứng được với Cửu nhịDương cương (Đắc trung nhi ứng hồ cương).

Cũng như nói: thời Khuê quải, chia ly, tuy vẫn có minh quân, hiền thần, nhưng đôi đàng còn cách trở, chưa gặp gỡ được nhau. Vì thế nên tạm thời hãy thi hành những công chuyện nhỏ đã (Thị dĩ tiểu sự cát).

Thường ra, thì sự chia ly, chống đối sẽ sinh ra bế tắc. Nhưng trong trời đất này, nhiều khi sự chia ly, chỉ là một sự phân cực của toàn thể duy nhất. Như vậy chia ly, phải hiểu là phân công, để dễ bề tác thành một đại công, đại sự. Trời đất, nam nữ, vạn vật, tưởng chừng như chia rẽ, chống đối nhau, mà kỳ thực luôn hợp tác nhau để sáng tạo và biến hóa, để cho vũ trụ ngày thêm thành toàn. (Duyệt nhi lệ hồ minh. Nhu tiến nhi thượng hành. Đắc trung nhi ứng hồ cương. Thị dĩ tiểu sự cát).

Cho nên sống trong một thế giới tưởng chừng như bị gàng quải, chia phôi, trong một vũ trụ mông mênh, muôn đường, muôn ngả, muôn nước, muôn nhà, mà tìm ra được mối manh hướng đạo, tìm ra được điểm tương đồng, mà có thể lợi dụng được mọi hoàn cảnh, mọi tình thế, để hoàn thiện mình, chẳng phải là cái hay sao? (Thiên địa Khuê. Nhi kỳ sự đồng dã. Nam nữ Khuê. Nhi kỳ chí thông dã. Vạn vật Khuê. Nhi kỳ sự loại dã. Khuê chi thời dụng đại hỹ tai).

Tóm lại, Thoán Truyện dạy ta hai bài học:

1. Gặp thời Khuê quải, phân kỳ, nhân tâm ly tán, người quân tử không nên sốt ruột, hãy thực hiện những công trình nhỏ đã, như vậy mới là biết thời.

2. Người quân tử phải biết lợi dụng mọi hoàn cảnh ngang trái, đối nghịch nhau để mà hoàn thiện mình. Như vậy mới tài, mới khéo.

II. Đại Tượng Truyện.

. 上 火 下 澤. . 君 子 以 同 而 異.

Tượng viết:

Thượng hỏa hạ trạch. Khuê. Quân tử dĩ đồng nhi dị.

Dịch. Tượng rằng:

Lửa trên hồ nước là Khuê.

Ngoài đồng, trong dị, vốn lề hiền nhân.

Nước và lửa không hề pha trộn với nhau được; ngay khi kề cận nhau mà thể chất đôi bên cũng chẳng hề bao giờ chung lộn. Người quân tử cũng vậy, đừng bao giờ để cho trần ai, tục lụy làm hoen ố tâm can. Trong khi giao tiếp với những hạng phàm phu, tục tử, vẫn phải luôn luôn giữ cho tròn phẩm hạnh cao khiết của mình. Người quân tử tu đạo, tuy bề ngoài vẫn hòa đồng với người, nhưng kỳ thực, phẩm cách và chí hướng bên trong hết sức khác người. (Thượng hỏa hạ trạch. Khuê. Quân tử dĩ đồng nhi dị.)

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九. 悔 亡. 喪 馬 勿 逐 . 自 復 . 見 惡 人 . 無 咎.

象 曰. 見 惡 人 . 以 辟 咎 也 .

Sơ Củu:

Hối vong. Táng mã vật trục. Tự phục. Kiến ác nhân. Vô cữu.

Tượng viết:

Kiến ác nhân. Dĩ tỵ cữu dã.

Dịch. Sơ Cửu.

Khuê ly nhưng vẫn chẳng sao,

Ngựa đi mặc ngựa, sức nào săn ne?

Ngựa đi, rồi ngựa lại về,

Ác nhân dẫu gặp, ai chê được nào?

Tượng rằng: Gặp cả ác nhân,

Cốt sao tránh khỏi ăn năn, phàn nàn.

Trong thời Khuê ly, gàng quải, nhân tâm ly tán, mình vẫn tránh được lỗi lầm để khỏi phải phàn nàn về sau. Lúc ấy, bè bạn ta có thể bỏ ta, ta cũng không nên níu kéo họ lại mà chi. Cứ để họ tự do ra đi. Sau này thời thế đổi thay, họ sẽ tự ý trở lại. Cũng y như ngựa mình chạy đi, không cần đuổi theo, nó sẽ trở về (Táng mã vật trục. Tự phục). Lúc ấy quanh ta đầy kẻ ác nhân, ta không thể nào tránh né họ được. Vậy thì cứ đường hoàng mà gặp họ (Kiến ác nhân. Vô cữu). Chẳng những ta không có lỗi, mà đó còn là cách lánh được họa hoạn nữa. Vì thế Tượng viết: Kiến ác nhân. Dĩ tị cữu dã.

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 遇 主 于 巷. 無 咎.

象 曰. 遇 主 于 巷. 未 失 道 也.

Cửu nhị.

Ngộ chủ vu hạng. Vô cữu.

Tượng viết:

Ngộ chủ vu hạng. Vị thất đạo dã.

Dịch.

Đường quê gặp chúa, không sao,

Tượng rằng: Gặp chúa đường quê,

Cũng chưa mất đạo, mất lề chúa tôi.

Gặp thời ly loạn như vậy, vua tôi nhiều khi lạc nhau. Nếu mà còn có thể liên lạc được cách này, cách kia được với nhau vẫn là nên. Lúc ấy cần phải quyền biến, không cần quá thủ lễ (Ngộ chủ vu hạng. Vô cữu) (Gặp chủ tại ngỏ hẹp, cũng chẳng có lỗi gì). Lúc ấy lòng thành khẩn hơn là lễ nghi bên ngoài (Ngộ chủ vu hạng. Vị thất đạo dã).

3. Hào Lục tam.

六 三. 見 輿 曳. 其 牛 掣. 其 人 天 且 劓. 無 初 有 終.

象 曰. 見 輿 曳. 位 不 當 也. 無 初 有 終. 遇 剛 也.

Lục tam.

Kiến dư duệ. Kỳ ngưu xiết. Kỳ nhân thiên thả tỵ. Vô sơ hữu chung.

Tượng viết:

Kiến dư duệ. Vị bất đáng dã. Vô sơ hữu chung. Ngộ cương dã.

Dịch.

Thấy xe bị kéo, bị giằng,

Thấy trâu bị cản, bị ngăn, bị cầm.

Người thời mũi lặc, trán xâm,

Dở dang buổi trước, êm dầm buổi sau.

Tượng rằng: Thấy xe bị kéo, bị giằng,

Là vì địa vị dở trăng, dở đèn.

Trước nguy, sau sẽ ấm êm,

Là vì sẽ gặp kẻ quyền oai phong.

Lục tam tương ứng với Thượng Cửu, muốn hội ngộ cùng Thượng Cửu. Nhưng Lục tam là một Hào Âm, lọt giữa hai Hào Dương Nhị và Tứ. Nhị và Tứ hết sức tìm cách trù trì, lôi kéo, ngăn trở không cho Tam gặp Thượng Cửu. Như vậy có khác gì cái xe muốn tiến lên, mà đằng sau bị kéo, đằng trước bị ngăn đâu. Hơn nữa, Lục tam lại còn bị Thượng Cửu nghi ngờ là đã có lòng kia khác. Lục tam như vậy còn bị tổn thương đến cả danh dự nữa, có khác nào một người đã bị thích tự vào trán, lại còn bị cắt mũi nữa. Tuy nhiên, nếu Lục tam nhất quyết một lòng về với Thượng Cửu, thời sau sẽ được như nguyện. Vì thế Hào từ nói: Lục tam. Kỳ ngưu xệ. Kỳ nhân thiên thả tỵ. Vô sở hữu chung.

Tượng Truyện bình rằng: Sở dĩ có sự níu kéo ngăn trở như vậy, là vì Lục tam đang ở trong một hoàn cảnh dở dang. Tuy nhiên lúc đầu thì khó khăn, nhưng sau đắc ý, vì sẽ gặp được Thượng Cửu. Tượng viết: Kiến dư duệ. Vị bất đáng dã. Vô sở hữu chung. Ngộ cương dã.

Hào Lục tam này làm ta liên tưởng tới thời Tam Quốc, có Quan Vân Trường (Quan Công) muốn bỏ Tào, để tìm về Lưu Hoàng Thúc (Lưu Bị) mà đã gặp biết bao trắc trở. Nào là Tào Tháo dâng tiền tài, nữ sắc, công danh để mong làm chuyển lòng đấng anh hùng; nào là khi ra đi phải đương đầu với 5 tướng giữ ải; thoát chết mấy phen, mới vượt được qua sông Hoàng Hà. Lúc gặp được Trương Phi, thời lại bị Trương Phi muốn giết, và xỉ vả cho là đã hàng Tào. Mãi sau, Ngài mới minh oan được, và phơi bầy ra được tấm lòng trung trinh tiết liệt... Cuối cùng, Ngài đã được như nguyện là gặp mặt Lưu Hoàng Thúc, để nối tiếp nghĩa đào viên.

4. Hào Cửu tứ.

九 四. 睽 孤 . 遇 元 夫 . 交 孚 . . 無 咎.

象 曰. 交 孚 無 咎 . 志 行 也.

Cửu tứ:

Khuê cô. Ngộ nguyên phu. Giao phu. Lệ. Vô cữu.

Tượng viết:

Giao phu vô cữu. Chí hành dã.

Dịch.

Thời Khuê một bóng, một mình,

Gặp người đồng chí tâm thành kết giao.

Tuy nguy, nhưng cũng không sao,

Sự tình như thế, ai nào trách ta.

Tượng rằng: Chân thành, giao kết lỗi chi,

Rồi ra ý nguyện có khi thành toàn.

Hào Cửu tứ nói: Trong thời Khuê quải, mình đang cô đơn mà gặp được người đồng tâm, đồng chí, thì dẫu nguy nan, vẫn không có gì đáng chê trách (Khuê cô. Ngộ nguyên phu). Gặp người đồng tâm, đồng chí với mình là đem lòng thành khẩn mà đối đãi với nhau. Mà có gặp được người đồng tâm, đồng chí, thì mới có thể thực hiện được chí lớn của mình (Giao phu. Lệ. Vô cữu).

Hào này làm chúng ta nhớ đến Lưu, Quan, Trương gặp gỡ nhau, trong buổi nhiễu nhương, gây nên bởi giặc Khăn Vàng. Ba người khởi nghĩa từ vườn đào nhà Trương Phi, mà sau đã thực hiện được chí cả, là cùng nhau hưởng lộc vương hầu, trong một giang sơn rộng lớn là Ba Thục. Tượng viết: Giao phu vô cữu. Chí hành dã.

5. Hào Lục ngũ.

六 五. 悔 亡. 厥 宗 噬 膚. 往 何 咎.

象 曰. 厥 宗 噬 膚. 往 有 慶 也.

Lục ngũ.

Hối vong. Quyết tông phệ phu. Vãng hà cữu.

Tượng viết:

Quyết tông phệ phu. Vãng hữu khánh dã.

Dịch.

Ăn năn thôi hết từ đây,

Cùng người tông tộc từ nay kết đoàn.

Nghi ngờ, chia rẽ dẹp tan,

Như cắn thịt mỏng, dễ dàng khó chi.

Cùng nhau cất bước lên đi,

Cùng nhau tiến bước, có gì lỗi đâu.

Tượng rằng: Dẹp lòng nghi kỵ họ hàng,

Như cắn thịt mỏng, dễ dàng khó chi.

Cùng nhau cất bước lên đi,

Rồi ra sẽ gặp mọi bề mắn may.

Hào Lục ngũ bàn về cảnh hợp trong thời ly. Lục ngũ là quân, Cửu nhị là thần. Thần một lòng tôn quân, cố đi tìm để gặp, vì thế Hào Cửu nhị nói: Ngộ chủ vu hạng. Còn quân thì một lòng thương mến thần; vì thế Hào Cửu ngũ dùng chữ Quyết tông họ hàng của mình; dùng tiếng họ hàng để chỉ thần tử để tỏ tình thân.

Vua mà được thần tử cố bám víu lấy mình, một dạ trung thành với mình như vậy, thì sự tương hợp giữa vua tôi dễ dàng như cắn vào thịt mềm. Vì thế nói: Quyết tông phệ phu. Có được những người theo mình trung thành như vậy, thì còn gì mà phải phàn nàn, làm gì cũng chẳng lo lầm lỗi nữa. Vì thế Hào từ mới nói: Hối vong Vãng hà cữu.

Tiểu Tượng Truyện bình thêm rằng: được những người tâm phúc trung thành như vậy, mà đi dẹp loạn, phò nguy, cứu nước, thì còn lo gì không thành công. Tượng viết: Quyết tông phệ phu. Vãng hữu khánh dã.

Vào thời Khuê ly, mà có những người quyết tông phệ phu, ấy là trường hợp Lưu Bị có Quan Vân Trường, khi lưu lạc vẫn quyết tâm; một khi đã biết Hoàng Thúc ở nơi nào, thì không kể ngàn dậm, vạn dậm, phải cho ông tới theo ngay. Có Khổng Minh, nguyện đem hết sức khuyển mã, báo đáp ân tình. Có Triệu Tử Long, một thương, một ngựa mà dám xông vào chỗ trăm vạn quân Tào để cứu vợ con của chủ... Chính nhờ những người như vậy, mà sau này Lưu Bị mới hưng bang, lập quốc được.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九. 睽 孤. 見 豕 負 涂. 載 鬼 一 車. 先 張 之 . 后 說 之 弧.

匪 寇 婚 . 往 遇 雨 則 吉.

象 曰. 遇 雨 之 吉. 群 疑 亡 也.

Thượng Cửu.

Khuê cô. Kiến thỉ phụ đồ. Tải quỉ nhất xa. Tiên trương chi hồ.

Hậu thoát chi hồ. Phỉ khấu hôn cấu. Vãng ngộ vũ tắc cát.

Tượng viết:

Ngộ vũ chi cát. Quần nghi vong dã.

Dịch.

Thời Khuê sống cảnh cô đơn,

Thấy người, tưởng lợn đội bùn nhớp nhơ.

Một xe chở quỉ, chở ma,

Dương cung toan giết oan gia cho rồi.

Nhưng rồi cung lại buông xuôi,

Tưởng đâu giặc cướp, hóa người tình thân.

Rồi ra kết ngãi Châu Trần.

Mưa rơi, tẩy sạch bụi trần hiềm nghi.

Cùng nhau cất gót ra đi,

Rồi ra muôn việc thỏa thuê, tốt lành,

Tượng rằng: Gió mưa mà tốt, mà lành,

Vì bao nghi kỵ, nay thành sạch không.

Hào Thượng Cửu: Vào thời Khuê, người ta hay nghi kỵ lẫn nhau, và trở nên cô đơn, không dám bắt tay thân thiện với người. Thấy người nghi muôn điều xấu, trông người bằng cặp mất nghi kỵ, thù địch, tưởng người như con lợn đội bùn, như một xe chở toàn ma quỉ, muốn mang cung lên bắn chết quách cho rồi. Sau mới biết mình lầm, nên mới hạ cung xuống. Người mà khi nãy tưởng là giặc cướp, lại là người thân tình của mình, lúc ấy mới hể hả, bắt tay đoàn kết, và tình thế trở nên êm ả, như trời đang oi bức mà đổ trận mưa rào. Vì thế Hào Thượng Cửu mới nói: Khuê cô. Kiến thỉ phụ đồ. Tải quỉ nhất xa. Tiên trương chi hồ. Hậu thoát chi hồ. Phỉ khấu hôn cấu. Vãng ngộ vũ tắc cát.

Đó chính là trường hợp Trương Phi khi thấy Quan Công, tìm về cùng Lưu Bị, lại ngỡ Quan Công đã hàng Tào, về để bắt mình, đã lớn tiếng xỉ mạ, và đòi đâm chết Quan Công. Sau này, khi nghe Quan Công kể lại đầu đuôi, tình cảnh, mới oà lên khóc, và cúi lạy Quan Công... Lúc ấy thì mọi hiềm nghi đã hết. Tượng viết: Ngộ vũ chi cát. Quần nghi vong dã.

ÁP DỤNG QUẺ KHUÊ VÀO THỜI ĐẠI

Ta có thể gọi sự nghi ngờ hay nghi kỵ là một chứng bệnh rất nguy hiểm, mà phần đông chúng ta không nhiều thì ít đều mắc phải. Nơi đây, ta phân tích nó dưới vài khía cạnh thông thường mà ta hay gặp.

Trong gia đình, sự nghi ngờ thường hay xảy ra giữa những cặp vợ chồng trẻ, nhất là nếu người vợ duyên dáng, hấp dẫn, hoặc người chồng có địa vị, đẹp trai, ăn nói bạt thiệp, vui vẻ. Chỉ cần bắt gặp người vợ, hay chồng của mình trò chuyện thân mật với người khác phái, là lòng đã thấy khó chịu, nổi cơn ghen, và bắt đầu nghi ngờ chồng hay vợ mình có tình ý gì với người kia không? mà chính thực ra người vợ hay người chồng đó không hề có chút tình ý gì với người kia cả.

Tôi có biết một cặp vơ chồng, khoảng trên 40 tuổi. Cách đây khoảng 10 năm, đó là một cặp vợ chồng rất lý tưởng. Người vợ trông duyên dáng, ăn nói dễ thương, ai trông thấy cô ấy cũng phải có cảm tình; còn người chồng thì cao lớn, hoạt bát. Người chồng rất yêu và chiều vợ. Nhưng một hôm, người vợ thật thà kể cho chồng nghe là trong sở cô hiện đang làm, có một người rất mê cô ấy. Thế là bắt đầu từ ngày đó, người chồng bắt đầu nghi ngờ vợ mình, bắt đầu kiểm soát giờ giấc đi làm, đi chợ vv... của vợ, khiến người vợ không còn một chút tự do nào. Cô này cũng rất yêu chồng, nên hết sức nhịn nhục. Nhưng ngày qua, tháng lại, bệnh ghen quái đản này cứ theo đà tăng lên, đến nỗi bất kỳ ai khen cô ấy, cũng là cái cớ để người chồng nghi ngờ mà dằn vặt, hành hạ vợ mình. Bây giờ, tình trạng chắc không còn cơ cứu vãn được nữa. Hỏi lỗi tại ai? Theo tôi, quí vị nào chót bị mắc chứng bệnh này, thì:

1) Đừng nên lấy vợ vội vàng, nếu chưa hiểu rõ người bạn gái ấy, có phải là người mà mình có thể tin tưởng được không?

2) Đừng nên lấy vợ đẹp, trong lúc mình không đủ khả năng để làm vừa lòng họ.

3) Hãy tìm một người nhan sắc trung bình, nhưng có nhiều đức tính, cần nhất mình yêu họ, và họ cũng phải thành thật yêu mình.

4) Luôn luôn phải sáng suốt, không nên ghen bừa bãi, chỉ tổ làm mất phẩm giá mình.

Ngoài xã hội, bệnh hay nghi ngờ cũng cản trở ta rất nhiều trong công cuộc làm ăn. Đã có bệnh này, thì dù mua bán gì cũng sợ người ta gạt mình rồi, thì làm sao có thể làm ăn đại qui mô được.

Bên cạnh nhà tôi, là nhà của một bà Mỹ già. Khi xưa khu vực chỗ tôi ở, chỉ có mình gia đình chúng tôi là người Việt Nam, nhưng nay đã có nhiều gia đình Việt Nam khác tới ở. Bà Mỹ này, ít âu nay trở nên khó tính, lúc nào bà cũng nghĩ là bà bị những người Việt Nam mới tới, phá bà, cho trẻ con gọi điện thoại phá giấc ngủ của bà, hoặc ném đá vào nhà bà. Mà sự thật, họ đều thương hại bà, vì bà sống cô đơn. Tôi đã giải thích cho bà nghe nhiều lần là dân tộc tôi có truyền thống là coi người xóm giềng như anh, chị em, và những cú điện thoại phá phách đó là do trẻ con ở ngoài phá mà thôi. Nhưng bà không chịu nghe tôi, bà đi đập cửa những nhà bà nghi rồi la ó om sòm. Tội nghiệp bà đã tự phá những tình cảm mà người chung quanh đã dành cho bà.

Bệnh này thật không thuốc chữa, nó làm cho người có bệnh, không bao giờ cảm thấy mình là người có hạnh phúc, nhẹ thì ta chỉ cảm thấy phiền não ngay lúc đó, nặng thì nó hành hạ, đeo đẳng ta, khiến ta khổ sở, chẳng để ta yên.

Tóm lại, muốn trừ nó, ta phải có lòng khoan dung đại độ, chớ nên nhìn bề ngoài mà xét đoán người khác, và nên nhìn người khác qua cặp kính mầu hồng, chứ đừng nhìn họ qua cặp kính mầu đen.

39. 水 山 THỦY SƠN KIỂN

Kiển Tự Quái

蹇 序 卦

Khuê giả quai dã.

睽 者 乖 也.

Quai tất hữu nạn.

乖 必 有 難.

Cố thụ chi dĩ Kiển.

故 受 之 以 蹇.

Kiển giả nạn dã.

蹇 者 難 也.

Kiển Tự Quái

Khuê là gàng quải, xốn xang, chia lìa

Quải gàng, hoạn nạn sẽ kề.

Cho nên, Kiển mới theo Khuê xen vào.

Tất cả những sự chia ly, bế tắc trên đời này, thường sinh ra là do sự chia ly, gàng quải. Vì thế sau quẻ Khuê, tiếp đến quẻ Kiển. Kiển là bế tắc, gian nan, cho nên ở chữ, thì Kiển là khập khiễng; ở quẻ thì trên là Khảm, là nguy hiểm; dưới là Cấn, là núi, là dừng lại. Sự bế tắc của quẻ Kiển do đó mà suy ra, chẳng khác nào một người kẹt ở giữa gian nan, phía trước là nước sâu, là vực thẳm; phía sau là núi cao chót vót, khó vượt, khó trèo. Vì nguy nan như vậy, nên còn tắc nghẽn chưa thoát ra được. Sự đình trệ được tượng trưng bằng quẻ Cấn; sự hiểm nguy được bày vẽ bằng quẻ Khảm.

Trong Kinh Dịch có 4 quẻ nói về nguy hiểm:

- Khảm là nguy hiểm nói chung

- Truân là nguy hiểm còn ít, còn đang thời sơ khởi.

- Khốn là nguy hiểm đến cùng cực, không có cơ cứu vãn

- Kiển là nguy hiểm, là tạm thời bế tắc trong nguy hiểm, nhưng vẫn có cách thoát hiểm được.

Quẻ Kiển đại ý dạy rằng:

- Gặp nguy hiểm chớ nên liều lĩnh mà tiến lên.

- Phải biết nén lòng, chờ đợi cơ hội thuận tiện.

- Gặp nguy, đừng mua thêm cái khó vào người.

- Phải tìm người lãnh đạo có tài, đức mà cộng tác.

I. Thoán.

Thoán từ.

. 利 西 南. 不 利 東 北. 利 見 大 人. 貞 吉.

Kiển. Lợi Tây Nam. Bất lợi Đông Bắc. Lợi kiến đại nhân. Trinh cát.

Dịch.

Kiển là gian hiểm, nguy nàn,

Đông Bắc bất lợi, Tây Nam hữu tình.

Gặp người tài đức, công minh,

Một niềm trinh chính, mới rành, mới hay.

Thoán từ cho rằng: thời kiển nạn hãy đi đường quang, chớ quàng đường rậm. Kiển. Lợi Tây Nam. Bất lợi Đông Bắc. Tây Nam là phương Khôn, là nơi bình địa, Đông Bắc là phương Cấn là nơi núi non chập chùng. Thoán từ lại khuyên nên gặp đại nhân, nên theo chính đạo mới may, mới tốt. Lợi kiến đại nhân. Trinh cát.

Thoán Truyện.

彖 曰. . 難 也 . 險 在 前 也 . 見 險 而 能 止. 知 矣 哉 . 蹇 利 西 南. 往 得 中 . 不 利 東 北. 其 道 窮也 . 利 見 大 人 . 往 有 功 也. 當 位 貞 吉. 正 邦 也. 蹇 之 時 用 大 矣 哉.

Thoán viết:

Kiển. Nạn dã. Hiểm tại tiền dã. Kiến hiểm nhi năng chỉ. Trí hỹ tai. Kiển lợi Tây Nam. Vãng đắc trung dã. Bất lợi Đông Bắc. Kỳ đạo cùng dã. Lợi kiến đại nhân. Vãng hữu công dã. Đáng vị trinh cát. Dĩ chính bang dã. Kiến chi thời dụng đại hỹ tai.

Dịch.

Kiển là gian hiểm, nguy nàn,

Trước mắt hiểm hóc, gian nan tơi bời.

Thấy nguy, dừng lại đi thôi,

Mới là sáng suốt, thức thời tri cơ.

Cơn nguy, đường dễ mới vô,

Tránh điều rắc rối, mới là thời trung.

Gặp đường hiểm trở, cũng xông,

Âu đành bế tắc, khốn cùng chẳng sai.

Nếu may, gặp được hiền tài,

Ra tay tế độ, có bài nên công.

Hợp ngôi, mà lại chính trung,

Theo đường minh chính, mới mong tốt lành.

Nước non sẽ bớt điêu linh,

Phù nguy, cứu nạn, mới tình, mới hay.

Thời nguy, dùng được mới tài.

Thoán Truyện trước hết định nghĩa Kiển là nguy nan, trắc trở, và cho biết lý do: nguy nan, trắc trở vì hiểm nguy đang ở trước mắt (Kiển nạn dã. Hiểm tại tiền dã). Thoán Truyện cũng dạy cách sử xự trong thời kỳ kiển nạn: làm sao cư xử cho hay, cho khéo, tránh được cho mình phiền lụy, đừng có nhảy vào nguy hiểm, vào những đường núi, đường cùng, trắc trở, gian nan (Kiển. Lợi Tây Nam. Vãng đắc trung dã. Bất lợi Đông Bắc. Kỳ đạo cùng dã). Gặp thời loạn ly, phải như con chim, biết tìm cây mà đậu; phải như con người, biết tìm chúa mà thờ.

Trong những thời nhiễu nhương, có rất nhiều người nhẩy ra để phiêu lưu, mưu đồ đại sự, nhưng chỉ có bậc đại nhân, có tài, có đức, có đạo lý, có chủ trương, mới có thể hoạch định ra được một đường lối hẳn hoi, để đem lại an bình cho đất nước. Vì thế đoán ra được anh hùng giữa trần ai, mới là hay, là lợi (Lợi kiến đại nhân. Vãng hữu công dã. Đáng vị trinh cát. Dĩ chính bang dã).

Trong thời kiển nạn, mà biết sử xự cho hay, cho khéo, mà biết đường lối phò nguy, tế kiển thì thực là cao siêu vậy. (Kiển chi thời dụng đại hỹ tai).

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰. 山 上 有 水. . 君 子 以 反 身 .

Tượng viết:

Sơn thượng hữu thủy. Kiển. Quân tử dĩ phản thân tu đức.

Dịch.

Tượng rằng: Nước ở trên non,

Thế là kiển nạn, gian nan, cơ cầu.

Hiền nhân, quân tử, trước sau,

Quay về tu đức cho sâu, cho dầy.

Đại Tượng dạy chúng ta một bài học luân lý, một bài học xử thế. Khi bế tắc, khi bất đắc chí, phải làm gì?

- Than thân, trách phận ư? Không!

- Thất vọng, chán chường ư? Không!

- Làm liều, làm bậy ư? Không!

Trái lại, phải phản tỉnh, tu đức, lập thân. Tượng viết: Sơn thượng hữu thủy. Kiển. Quân tử dĩ lập thân tu đức.

Đó là một cách xử thế của Nho gia. Mạnh Tử viết: Người quân tử lúc đắc chí ra làm quan, thì chung sức cùng dân mà thi hành những đức nhân, nghĩa, lễ. Khi chẳng đắc chí thì ẩn dật mà tu thân hành đạo. (Mạnh Tử, Đằng văn Công chương cú hạ, tiết 2)

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六. 往 蹇. 來 譽.

象 曰. 往 蹇 來 譽. 宜 待 也.

Sơ lục:

Vãng Kiển. Lai dự.

Tượng viết:

Vãng Kiển lai dự. Nghi đãi dã.

Dịch.

Tiến lên sẽ gặp nguy tai,

Lui đi âu sẽ được đời khen lao.

Tượng rằng: Tiến lên sẽ gặp nguy nan,

Khen vì đã biết tính toan, chờ thời.

Hào Sơ Lục nói: Phàm sinh ra ở đời, cần phải biết:

- Tự lượng sức mình.

- Biết ước đạc được thời thế thuận, nghịch; hoàn cảnh dở, hay.

- Phải biết hành động cho hợp thời, hợp lý.

Ở đây Sơ Lục là một người âm nhu chi tài, tức là cũng chẳng giỏi giang là bao lăm, mà lại ở Hào Sơ, tức là ở địa vị thấp kém, và cũng không thích hợp với mình, hơn nữa lại gặp thời buổi nhiễu nhương, kiển nạn. Vậy thời phải làm gì? Dịch dạy, nên ở yên mà chờ thời, mới bảo toàn được danh tiết của mình, còn nếu múa may bừa phứa, thì chỉ tổ chiêu tai, rước hoạ vào mình. Vì thế mới nói: Vãng kiển. Lai dự. Tượng Truyện khuyên rõ hơn: Nghi đãi dã, là nên chờ đợi. Đó chính là thời mà Lã Vọng buông câu nơi Vị Thủy, chờ đợi một ngày mai tươi sáng.

2. Hào Lục nhị.

六 二. 王 臣 蹇 蹇. 匪 躬 之 故 .

象 曰. 王 臣 蹇 蹇. 終 無 尤 也.

Lục nhị.

Vương thần kiển kiển. Phỉ cung chi cố.

Tượng viết:

Vương thần kiển kiển. Chung vô vưu dã.

Dịch.

Công thần nguy thậm, nguy tai,

Quên mình vì nghĩa, bao nài tấm thân.

Tượng rằng: Thần tử lâm nguy,

Quên mình vì nước, lỗi gì nữa đâu.

Hào Lục nhị ở trong một hoàn cảnh khác. Đây chính là một công thần nắm trọng trách trong tay. Vậy một vương thần phải làm gì? khi gặp thời buổi nhiễu nhương, chập chùng, nguy hiểm chập chùng. Dịch dạy: Lúc ấy phải biết quên mình, vì dân, vì nước.

-Nguy cơ chập chùng, nên gọi là Vương thần kiển kiển. Vì nước quên mình, nên nói Phỉ cung chi cố. Không phải lúc ấy mình phải đội đá vá trời, phải làm những việc quá sức, quá trí mình. Trái lại, cứ lo cho tròn nhiệm vụ, còn thành, hay bại, chẳng khá quan tâm; mà cuối cùng cũng chẳng có ai đem thành, bại, mà luận anh hùng bao giờ. Vì thế Tiểu Tượng mới giải thích thêm: Vương thần kiển kiển. Chung vô vưu dã. Đó chính là Khổng Minh, chỉ biết cúc cung tận tụy, phục vụ cho tới mãn phần, còn thành, bại, dở, hay, không biết đâu mà dám nói trước.

3. Hào Cửu tam.

九 三. 往 蹇 來 反.

象 曰. 往 蹇 來 反. 內 喜 之 也.

Cửu tam:

Vãng kiển lai phản.

Tượng viết:

Vãng kiển lai phản. Nội hỉ chi dã.

Dịch.

Ra đi sẽ bị nguy nan,

Thời thôi, nên hãy lo toan quay về.

Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,

Thời thôi, nên hãy lo toan quay về.

Người thân âu sẽ thỏa thuê.

Cửu tam tuy là một người Dương cương chi tài, nhưng ở trong một hoàn cảnh nguy hiểm hết sức, vì Cửu tam ở sát ngay ngoại quái là quẻ Khảm. Cửu tam lại còn là Hào trên cùng của nội quái, thống lĩnh quần Âm ở dưới, như một người lãnh đạo, có trách nhiệm đối với những người thân thuộc mình.

Vậy lúc nguy nan, chưa thể nào vượt qua được, dầu mình có tài cũng chẳng nên ra đi, để nhẩy vào chỗ dầu sôi, lửa bỏng, hãy trở về với những người thân yêu của mình. Vì thế Dịch nói: Vãng kiển. Lai phản. Về cùng những người thân yêu mình, sẽ làm cho họ được hết băn khoăn, lo sợ và được vui sướng. Vì thế Tượng viết: Vãng kiển lai phản. Nội hỉ chi dã.

4. Hào Lục tứ.

六 四. 往 蹇 來 連.

象 曰. 往 蹇 來 連. 當 位 實 也.

Lục tứ.

Vãng kiển lai liên.

Tượng viết:

Vãng kiển lai liên. Đáng vị thật dã.

Dịch.

Ra đi sẽ bị nguy nan,

Thời nên quay lại kết đoàn với nhau.

Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,

Thời nên quay lại kết đoàn với nhau.

Thực tài xứng vị bảnh bao.

Hào Lục tứ nói: Trong thời nguy nan, đã đành không thể tiến liều, nhưng cũng không thể một thân, một mình mà giải quyết được thiên hạ sự. Cho nên phải liên kết với những người tài đức, rồi ra mới có hy vọng phò nguy, tế kiển được. Hào từ nói: Vãng kiển lai liên chính là vì vậy. Muốn liên kết với người tài đức, mình phải hết lòng thành khẩn, trung thực, lại cũng phải đáng vị, đáng ngôi. Vì thế Tiểu Tượng mới viết: Vãng kiển lai liên. Đáng vị thật dã.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五. 大 蹇 朋 來.

象 曰. 大 蹇 朋 來. 以 中 節 也.

Cửu ngũ.

Đại kiển bằng lai.

Tượng viết:

Đại kiển bằng lai. Dĩ trung tiết dã.

Dịch.

Quốc quân gặp buổi đại nàn,

Bạn bè kéo đến lo toan, phù trì.

Tượng rằng: Bạn bè kéo đến phò nguy,

Là vì tiết liệt, đoan nghi mọi bề.

Hào Cửu ngũ: Một vị quốc quân, dầu gặp bước kiển nan, nguy cơ, cũng không thể nào trốn tránh trách nhiệm được. Phải đem thân đứng mũi, chịu sào, ra tay liệu lý, không quản khó nhọc với gian nguy.

Nếu mình có tài, có đức, lại một lòng vì dân, vì nước, làm chi mà chẳng tìm ra được người phụ bật. Thành Thang đã gặp Y Doãn; Võ vương đã gặp Lã Vọng; Lưu Bị đã gặp Khổng Minh; Đường Túc Tôn đã gặp Quách Tử Nghi chả hạn. Làm sao có được hiền tài phụ bật? Tượng viết: Phải cư xử cho phải đạo. Đại kiển. Bằng lai dĩ trung tiết dã.

Trong Kinh Dịch, các Hào tương ứng với nhau, quan trọng nhất là Nhị và Ngũ, cho nên Hào hai nói Vương thần là chỉ Vương thần của Ngũ; Hào năm nói Bằng Lai là chỉ Hào Lục nhị...

Chỉ có nhị và ngũ là tương ứng, là vua tôi san sẻ hoạn nạn; còn 4 Hào khác đều không có trách nhiệm trực tiếp. Bằng lai là bạn, đến hợp với nhị để cứu nạn, như vậy mọi Hào đều đồng lao cộng tác mà phò nguy.

Từ dưới lên trên, gọi là vãng; từ trên xuống dưới gọi là lai. Nói Bằng lai, phải hiểu là Hào Lục tứ, Cửu tam đều đến để hợp sức với nhị để tiếp ứng cho ngũ...

Xem như vậy, ta thấy khi bình giải Dịch được tự do phát biểu ý kiến mình, miễn sao cho nó hợp lý.

6. Hào Thượng Lục.

上 六. 往 蹇 來 碩. . 利 見 大 人.

象 曰. 往 蹇 來 碩. 志 在 內 也. 利 見 大 人. 以 從 貴 也.

Thượng Lục.

Vãng kiển lai thạc. Cát. Lợi kiến đại nhân.

Tượng viết:

Vãng kiển lai thạc. Chí tại nội dã. Lợi kiến đại nhân. Dĩ tòng quí dã.

Dịch.

Ra đi sẽ gặp nguy nan,

Về cùng hiền đức kết đoàn, mới may.

Đại nhân gặp được thời hay.

Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,

Về cùng hiền đức hiệp đoàn, mới may.

Vì lòng mến chuộng hiền tài,

Vì lòng vẫn hướng về người trong đây.

Đại nhân gặp được thời hay,

Quí nhân những muốn có ngày được theo.

Hào Thượng Lục ví như một người ẩn sĩ, đã đứng ngoài cuộc phong trần, thế sự. Tuy nhiên gặp lúc quốc gia đại nạn, quân vương lâm nguy, không thể nhắm mắt, làm ngơ. Thượng Lục tuy không đủ tài mà thay đổi thời cuộc, nhưng Thượng Lục có thể cầu viện được với những bậc anh tài, (Lai thạc), để cùng nhau đến gặp vị quân vương (Lợi kiến đại nhân), giải quyết những khó khăn đang mắc phải.

Chỉ duy có Hào Thượng Lục này được chữ Cát, vì lúc này vận kiển nạn đã đến hồi kết cuộc, sắp có thể được giải nạn. Hán Quang Võ, đang khi hưng binh phục quốc, có lần đã bị vây ở Côn Dương. Quang Võ đương đầu với một tương giặc có kỳ tài là Cự Vô Bá, có Tụ thú Bài có thể hóa ra hùm beo, voi, gấu, để đánh quân Hán. May Quang Võ gặp được Nghiêm tử Lăng. Nghiêm tử Lăng khuyên được đồ đệ mình là Mã Viện, là tướng duy nhất phá được Tụ thú Bài.

Nhờ Nghiêm tử Lăng và Mã Viện mà Quang Võ giết được Cự Vô Bá chiếm được Côn Dương, và nhờ đó khôi phục được nghiệp nhà Hán.

Nghiêm tử Lăng tức là Hào Thượng Lục ở đây. Đến cầu Mã Viện tức là Lai thạc, cùng nhau đi cầu Quang Võ, tức là Lợi kiến đại nhân. Giải toả được thành Côn Dương cho nên là Cát. Thế là Thượng Lục, tuy lánh trần, mà chí vẫn tại nội, vẫn biết kính hiền, trọng hiền, và vẫn biết theo người sang cả, giúp người có chân thiên mạng để phò nguy, cứu hiểm. Vì thế Tiểu Tượng viết: Vãng kiển lai thạc. Chí tại nội dã. Lợi kiến đại nhân. Dĩ tòng quí dã.

ÁP DỤNG QUẺ KIỂN VÀO THỜI ĐẠI

Đại Tượng quẻ Kiển đưa ra một bài toán rất ly kỳ. Dịch hỏi: Khi mình gặp nguy, kẹt giữa núi và sông, lại bị què đôi chân, thì phải giải quyết sao? Dịch trả lời: Phải quay về nội tâm tu đức. Thực là một cái nhìn siêu việt, cho đến nay, chúng ta cũng không giải quyết được như vậy.

Hán Chung Ly tiên ông kể là lúc còn sinh thời ngài từng làm nguyên soái, nhưng đã bại trận. Vì xấu hổ, nên không dám về triều, vào núi tu tiên, nên đã thành tiên. Thực ra Hán Trung Ly đã làm theo lời khuyên của quẻ Kiển trong Kinh Dịch

Ngày Nay, áp dụng theo thời đại, ta phải làm sao?

- Nếu ta bị thất bại về vấn đề vợ con, thì ta phải cố tìm hiểu do đâu mà ra. Nếu vì lỗi lầm của ta, thì ta phải cố gắng sửa đổi lại, đừng đổ tại vợ con, nghề nghiệp làm ta chán nản nên sinh ra như vậy.

-Nếu ta bị thất bại vì công việc làm ăn, thì phải biết dừng chân lại, phải biết tìm người giỏi, người tốt mà cộng tác với họ, hoặc tìm phương tiện để hoá giải nó như quảng cáo, sửa chữa những lỗi mình mắc phải: Ví dụ như hàng xấu mà bán giá cao, ăn nói thô lỗ với khách hàng vv... Như vậy, mọi sự hiểm nguy sẽ được hoá giải. Còn như khi muốn tạo dựng một cơ sở kinh doanh mới, phải tìm người giỏi để cộng tác với mình, ta cũng nên suy xét cẩn thận.

* Cơ sở kinh doanh về Mậu Dịch, thì phải tìm những người ngoại giao giỏi, có thành tín, khiêm nhường, vui vẻ, luôn tươi cười với khách hàng. Hàng hóa luôn phải kiểm soát, phẩm chất phải tốt, phải giữ uy tín với khách hàng. Lời nói phải đúng với việc làm, ngay thẳng, thật thà.

* Cơ sở kinh doanh về phát minh, sáng chế, thì nên tìm trong những mầm non ưu tú, mới tốt nghiệp, mà trau dồi cho họ theo đường lối sản xuất của mình, thì tốt hơn. Phải đối xử với họ một cách rộng rãi, bảo đảm cho họ một đời sống an toàn về mọi mặt. Luôn phải nhớ họ là

những người mang lợi đến cho mình, nên phải đối với họ như chân tay mình vậy. Phải có đạo đức trong việc dùng người, thì cơ nghiệp của mình mới vững bền.

- Nếu cá nhân mình, chẳng may bị tàn phế, vì bất cứ một lý do nào đó, thì đừng than oán làm gì. Vì khổ sở, oán than cũng chẳng mang lợi ích gì cho ta, mà trái lại nó còn mang lại sự đau đớn về tinh thần thêm cho ta mà thôi.


40. 雷 水 LÔI THỦY GIẢI

Giải Tự Quái

解 序 卦

Kiển giả nạn dã.

蹇 者 難 也.

Vật bất khả dĩ chung nạn

物 不 可 以 終 難

Cố thụ chi dĩ Giải.

故 受 之 以 解.

Giải giả hoãn dã.

解 者 緩 也.

Giải Tự Quái

Kiển là hoạn nạn, gian lao.

Nhưng mà gian khổ nhẽ nào mãi đâu?

Cho nên Giải tiếp theo sau;

Giải là cởi mở, ngõ hầu chơi ngơi.

Trên đời việc gì cũng có lúc cùng; kiển nạn mãi, phải có kỳ được giải thoát. Vì thế sau quẻ Kiển là quẻ Giải.

Chữ Giải xét về Từ nguyên là dao, là dùi bằng sừng trâu dùng để gỡ nút. Cho nên Giải là tháo gỡ, hóa giải tai nạn.

Quẻ Giải, trên có quẻ Chấn là sấm, là động; dưới có quẻ Khảm là nguy hiểm. Chấn ở trên Khảm, tức là gặp nguy mà có đủ sức mạnh hoạt động, nên đã thoát nguy. Vì thế, xét về mặt chữ, xét về ý nghĩa và hình tượng của quẻ Giải, đều gợi ra ý nghĩa Giải nạn, tế nguy, Giải tán hoạn nạn. Mà tiểu nhân là đầu mối sinh ra mọi sự hoạn nạn, bế tắc trong xã hội. Cho nên, sau khi đã giải được nguy cơ cho non sông, đất nước cần phải tiễu trừ tiểu nhân.

Trong suốt quẻ Giải, ta thấy hiện lên ý nghĩa Cần phải diệt trừ tiểu nhân. Nơi quẻ Kiển, là rối ren, nguy hiểm bế tắc, thời dạy cần phải đoàn kết, cần phải tìm ra được nhân tài, được người lãnh đạo, để đối phó với tình hình. Nay tai qua, nạn khỏi, đã đi đến giải nạn rồi, thời lại khuyên nên trừ diệt tiểu nhân. Đường lối thật rõ ràng vậy.

I. Thoán.

Thoán từ.

解. 利 西 南. 無 所 往. 其 來 復 吉. 有 攸 . 夙吉.

Giải. Lợi Tây Nam. Vô sở vãng. Kỳ lai phục cát. Hữu du vãng. Túc cát.

Dịch.

Giải là giải nạn, tế nguy,

Khuôn phù đại chúng, vậy thì mới hay.

Xin đừng dở dói, múa may,

Theo nề nếp cũ, dựng gầy cơ ngơi.

Tinh hoa xưa, chẳng bỏ rời,

Ấy là may mắn, ấy thôi tốt lành.

Nếu còn việc phải thi hành,

Thời nên làm gấp, cho nhanh, cho rồi.

Lúc đã hóa giải được cơn nguy biến rồi, cần phải theo con đường khoan hòa, dung dị, phải vỗ an bá tánh. Đó là đường lối của Thành Thang, sau khi đã diệt Kiệt; của Võ Vương, sau khi đã diệt Trụ. Vì thế nói Lợi Tây Nam. Tây Nam là phía quẻ Khôn, mà Khôn là bình dị. Vì thế Trình Tử mới giải nên theo đường lối bình dị, khoan quảng.

Khi đã hóa giải được hiểm nguy rồi, đừng nên nhiều chuyện, làm phiền hà dân chúng, mà phải lo trở về với những lề hay, thói đẹp thuở trước. Như Võ Vương, khi đã diệt Trụ xong, lại trở về với nền hành chánh qui củ, đẹp đẽ của nhà Thương (Vô sở vãng. Kỳ lai phục cát).

Nhưng nếu còn việc gì cần phải giải quyết, phải giải quyết cho mau, cho lẹ mới tốt (Hữu du vãng. Túc cát).

Thoán Truyện.

彖 曰. . 險 以 動. 動 而 免 乎 險. . 解 利 西 南. 往 得 眾 也. 其 來 復 吉. 乃 得 中 也. 有 攸 往 .夙 吉. 往 有 功 也.天 地 解. 而 雷 雨 作. 雷 雨 作. 而 百 果 草 木 皆 甲 坼. 解 之 時 大 矣哉.

Thoán viết:

Giải. Hiểm dĩ động. Động nhi miễn hồ hiểm. Giải. Giải lợi Tây Nam. Vãng đắc chúng dã. Kỳ lai phục cát. Nãi đắc trung dã. Hữu du vãng. Túc cát. Vãng hữu công dã. Thiên địa giải. Nhi lôi vũ tác. Lôi vũ tác. Nhi bách quả thảo mộc giai giáp tích. Giải chi thời đại hỹ tai.

Dịch. Thoán rằng:

Giải là thoát hiểm, thoát nguy,

Trong nguy, động để vượt kỳ nguy nan.

Giải hay về hướng Tây Nam,

Cứu nguy, sẽ được dân gian theo về.

Lối xưa, giữ lấy nếp nề,

Làm hay, làm phải, nên chi tốt lành.

Nếu còn việc phải thi hành,

Thời nên làm gấp, cho nhanh, cho rồi.

Đất trời, uất khí, thông xuôi,

Sấm vang rộn rã, mưa rơi rạt rào.

Cỏ cây đâu đấy đua nhau,

Nảy chồi, đâm mộng, mở mào, nứt nanh.

Thời cơ giải thoát quần sinh,

Cao siêu, mà lại tốt lành biết bao.

Giải là gặp hiểm mà hoạt động. Hoạt động nên thoát hiểm, vì thế nên gọi là Giải.

Thoán Truyện cũng cho rằng: sau khi hóa giải được hoạn nạn, nếu mình dùng đường lối bình dị, khoan quảng, ắt sẽ được lòng dân. (Giải lợi Tây Nam. Vãng đắc chúng dã). Ngoài ra, nếu mà biết trở về với những lề lối tốt đẹp của người xưa, thì như vậy mới là hành xử phải đạo (Kỳ lai phục cát. Nãi đắc trung dã). Tuy nhiên, nếu còn có việc phải làm, thời làm cho ngay, cho gấp, đừng chần chừ, giãi đãi. Như vậy ắt sẽ nên công (Hữu du vãng. Túc cát. Vãng hữu công dã.)

Kiến An Khâu thị bình rằng: Đại khái, lúc mà tình thế vừa bình trị, con người dễ đâm ra lười, trừ họa mà chưa tuyệt, nó dễ sinh lại. Khi họa hoạn vừa chấm dứt, Thánh nhân không muốn con người, có nhiều chuyện làm mệt cho mình, nhưng cũng không muốn con người ngồi yên biếng nhác. Thoán Truyện luận tiếp: khi mà trời đất muốn làm thông sự bế tắc, uất kết của bầu trời thì sấm động, mưa rơi. Khi mà khí trời, khí đất đã thông sướng rồi, ta sẽ thấy cây cỏ đâm chồi, nẩy mậm. Cho nên thời Giải là thời quan hệ lớn lao vậy (Thiên địa giải. Nhi lôi vũ tác. Lôi vũ tác nhi. Bách quả thảo mộc giai giáp tích. Giải chi thời đại hỹ tai).

Đối với đời sống xã hội, thời Giải là một thời rất quan trọng. Thật vậy, khi mà binh lửa đa đoan, nguy hiểm chập chùng, thì mọi người đâm ngao ngán, chẳng còn muốn tính toán, làm lụng gì cho lắm nữa. Tầm hoạt động con người bị thu nhỏ lại, và những mưu đồ làm ăn, phát triển cũng bị dẹp bớt đi. Khi mà bình yên trở lại, mọi người như cây cối gặp trời mưa, sẽ đua nhau hoạt động trở lại, và đất nước sẽ có cơ hưng phấn.

Ở bên Âu Châu trước năm 1000, ai cũng nghĩ sắp tận thế, nên không còn muốn làm ăn gì nữa. Sau năm 1000 biết chắc không tận thế, dân chúng mới sống động lại, và bắt đầu xây dựng vô số nhà thờ. Những nhà thờ lớn ở Âu Châu hiện nay, được bắt đầu xây cất từ thời đó.

II. Đại Tượng Truyện.

. 雷 雨 作. . 君 子 以 赦 過 宥 罪.

Tượng viết:

Lôi vũ tác. Giải. Quân tử dĩ xá quá hựu tội.

Dịch. Tượng rằng:

Giải là sấm động, mưa rơi,

Hiền nhân chẳng chấp tội người mới hay.

Lỗi lầm khoan xá, tha ngay,

Tội tình cũng cố liệu bài giảm khinh.

Sấm động, mưa rơi làm cho không khí hết oi ả. Quân tử cũng tha lỗi, xá tội, làm cho tình thế bớt căng thẳng. Tượng viết: Lôi vũ tác. Giải. Quân tử dĩ xá quá hựu tội. Chữ ở đây là tha hẳn. Chữ hựu có nghĩa là giảm. Lỗi lầm thì tha hẳn, trọng tội thì giảm khinh, như vậy mới là hợp lý.

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào đại khái chỉ nói lên mấy ý sau đây:

-Chớ nên nhiễu sự, làm khổ dân khi không cần.(Hào Sơ)

- Phải diệt tiểu nhân (Hào nhị)

- Không được cho tiểu nhân tham chính.(Hào 3)

- Phải xa lánh tiểu nhân. (Hào 4,5) -

- Muốn trừ tiểu nhân, nhiều khi phải tốn công phu, phải chuẩn bị, bố trí, có phương lược. (Hào 6)

1. Hào Sơ Lục.

初 六. 無 咎。

象 曰: 剛 柔 之 際,義 無 咎 也。

Sơ lục. Vô cữu.

Tượng viết:

Cương nhu chi tế. Nghĩa vô cữu dã.

Dịch.

Hào Sơ khoan quảng lỗi chi?

Tượng rằng:

Có cương vả lại có nhu,

Khởi cư hợp lý, khỏi lo lỗi lầm.

Hào Sơ Lục chỉ vẻn vẹn có hai chữ vô cữu, mà đã nói lên được đường lối phải theo khi mới bắt đầu thời kỳ Giải. Khi đại nạn vừa qua khỏi, dân chúng còn đang hoang mang, chớ nên nhiễu sự, như vậy mới được lòng dân. Thế tức là dung hoà cương nhu. Tượng viết: Cương nhu chi tế. Nghĩa vô cữu dã.

Bái công vào Quang Trung, sau khi đã cho Tam Thế là vua Tần hàng đầu, liền lập ra ba chương ước pháp hết sức giản dị, để trị dân. Không tơ hào của dân, không vi phạm cung thất nhà Tần, khiến dân thảy đều cảm phục.

Ngược lại, khi Hạng Võ vào đến Quang Trung đã:

- Giết 20 vạn quân Tần, mặc dầu họ đã hàng đầu.

- Giết dân chúng Hàm Dương vì họ đã thần phục Bái công.

- Giết Tam Thế.

- Quật lăng Tần Thủy Hoàng.

- Đốt cung A Phòng. v.v...

Thế là một đàng biết cư xử đúng luật Dịch, một đàng hành động quàng xiên, và như vậy hai đàng cát hung phân biệt rõ ràng.

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 田 獲 三 狐. 得 黃 矢. 貞 吉.

象 曰. 九 二 貞 吉. 得 中 道 也.

Cửu nhị.

Điền hoạch tam hồ. Đắc hoàng thỉ. Trinh cát.

Tượng viết:

Cửu nhị trinh cát. Đắc trung đạo dã.

Dịch.

Đi săn bắt được ba chồn,

Rồi ra được thưởng tên vàng, may thay.

Một lòng chính trực mới hay

Tượng rằng: Chín hai chính trực, mới hay.

Thế là xử sự thẳng ngay, đàng hoàng.

Hào Cửu nhị: Lúc này thế nước đã vững vàng hơn; cho nên lúc này phải lo trừ khử kẻ tiểu nhân, và phải kén chọn người anh tài. Thế nào là kẻ tiểu nhân, về phương diện hành chánh, chính trị? Đó là những kẻ chỉ lo thủ lợi riêng, giỏi hãm hại người hiền, mà không biết gì về công chuyện tế thế, kinh bang, phò nguy, cứu khốn cho giang sơn, bờ cõi. Họ là những người gian manh, siểm nịnh, quỉ quyệt như những con hồ ly, cần phải tiễu trừ cho tận tuyệt. Vì thế Hào Cửu nhị mới nói: Điền hoạch tam hồ. (Đi săn bắt được ba con cáo). Trừ tiểu nhân cũng chưa đủ, còn phải tuyển lựa những người trung trực ra giúp nước nữa. Hoàng là màu của trung; Thỉ là tên, tượng trưng cho sự ngay thẳng. Đắc hoàng thỉ chính là được những người trung trực. Làm được hai chuyện đó là theo đuợc chính đạo, và như vậy mới tốt. (Trinh cát). Vì thế Tiểu Tượng mới nói Cửu nhị trinh cát. Đắc trung đạo dã.

3. Hào Lục tam.

六 三. 負 且 乘. 致 寇 至. 貞 吝.

象 曰. 負 且 乘. 亦 可 丑 也. 自 我 致 戎. 又 誰 咎 也.

Lục tam.

Phụ thả thừa. Trí khấu chí. Trinh lận.

Tượng viết:

Phụ thả thừa. Diệc khả xú dã. Tự ngã trí nhung. Hựu thùy cữu dã.

Dịch.

Lục tam, đầu đội, vai mang,

Mà còn xe cộ nghênh ngang, phỡn phè.

Thế là gọi giặc cướp về,

Cứ như vậy, sẽ ê chề ăn năn.

Tượng rằng: Đầu đội, vai mang,

Nghênh ngang xe cộ, bẽ bàng ê hê!

Tự mình gọi giặc cướp về

Còn chê ai nữa, hãy chê chính mình.

Hào Lục tam: Ở xã hội, có người sang, người hèn; người hèn làm những việc như khuân vác. Người sang lo việc kinh quốc, an dân và đi ngựa, đi xe. Nay dùng những kẻ hèn, kẻ tiểu nhân mà đặt vào những chức vụ lãnh đạo, thì có khác gì một người đầu đội, vai mang, mà chễm chệ ngồi trên xe đâu. Vì thế Lục tam nói Phụ thả thừa. Những kẻ tiểu nhân một khi đã có quyền trong tay, sẽ luồn cúi, nịnh bợ người trên, hãm hại người ngay, tàn ác với lê thứ, cho nên sẽ gây ra nhiều chuyện bất bình, gieo mầm bất mãn, loạn lạc khắp nơi. Vì thế Dich nói: Kỳ phụ thả thừa. Trí khấu chí. Trinh lận. Tại sao lại Trinh lận? Trinh đây phải hiểu là cứ theo con đường ấy; lận là sẽ chuốc ô nhục vào người.

Dùng kẻ tiểu nhân, kẻ khuân vác, mà cho ngồi xe, thì thực đáng hổ thẹn, đó là mình tự chiêu giặc cướp vào mình, rồi còn oán trách ai được. Tiểu Tượng Truyện viết: Phụ thả thừa. Diệc khả xú dã. Tự ngã trí nhung. Hựu thùy cữu dã.

Vua Chánh Đức nhà Minh, dùng nội thị Lưu Cẩn chỉ có tài bày ra những cuộc chơi bời, luyện trâu, luyện chó, luyện ngựa, luyện chim, rồi phong cho Lưu Cẩn làm chức Thần cơ, cai quản ngự lâm quân, lại cho dự vào việc cơ phòng, xem xét, phê phán các sớ sách thay vua, nên sau mới sinh ra chuyện công thần bị hãm hại, binh cách can qua một thời gian.

Vua Huy Tôn nhà Tống, vì dùng Cao Cầu, một người chỉ có tài nghề đá cầu, cho làm đến chức thái úy, nên đã xô đẩy biết bao anh tài lên Lương Sơn Bạc. Thế mới hay, dùng kẻ tiểu nhân là chiêu giặc cướp đến vậy! (xem thêm Hệ Từ thượng, chươngVIII).

4. Hào Cửu tứ.

九 四. 解 而 拇. 朋 至 斯 孚.

象 曰. 解 而 拇. 未 當 位 也.

Cửu tứ.

Giải nhi mẫu. Bằng chí tư phu.

Tượng viết:

Giải nhi mẫu. Vị đáng vị dã.

Dịch.

Hi sinh cắt ngón cái đi,

Bạn bè tin cẩn sẽ về với ta.

Tượng rằng: Ngón cái cắt đi,

Vì mình chưa ở đúng kỳ vị ngôi.

Hào Cửu tứ: Làm người trên cần phải biết xua đuổi những chân tay gian nịnh, hại dân, hại nước. Có làm được như vậy, nhân tài trong nước mới tin, mới về cộng tác với mình (Giải nhi mẫu. Bằng chí tư phu). Giải là cắt bỏ, Mẫu là ngón chân cái, nhi là của mình. Ý nói phải giải trừ những kẻ tiểu nhân đang bám, đang dựa vào mình. Còn phải làm những chuyện như vậy, tức cũng chưa phải là người hoàn toàn. Vì vậy Tiểu Tượng bình thêm Giải nhi mẫu. Vị đáng vị dã.

5. Hào Lục ngũ.

六 五. 君 子 維 有 解. . 有 孚 于 小 人.

象 曰. 君 子 有 解. 小 人 退 也.

Lục ngũ.

Quân tử duy hữu giải. Cát. Hữu phu vu tiểu nhân.

Tượng viết:

Quân tử hữu giải. Tiểu nhân thoái dã.

Dịch.

Giải trừ được bọn gian manh,

Thời người quân tử an lành biết bao.

Tiểu nhân rũ sạch, mới hào.

Ấy là bằng chứng đã vào đường ngay.

Tượng rằng: Quân tử mà rũ tiểu nhân,

Tiểu nhân bán xới, dám gần nữa đâu.

Hào Lục ngũ: Các quan chức ở dưới còn không nên thân cận với tiểu nhân, huống chi là các bậc vua chúa.

Cho nên đã là minh quân, là phải trừ khử tiểu nhân (Quân tử duy hữu giải. Cát. Hữu phu vu tiểu nhân). Lấy gì chứng nghiệm được rằng mình đã giải trừ được tiểu nhân? Cứ xem quanh mình, nếu tiểu nhân không còn dám bén mảng tới, mới thực là mình đã xua đuổi được hết phường du nịnh. Thời Đại Võ, có người tên Nghi Địch, cất được một thứ rượu rất thơm ngon, dâng lên Đại Võ. Vua nếm thử quả thấy ngon, liền đầy Nghi Địch đi, không bao giờ cho tới triều ca nữa. Nếu vua thực tình dùng người hay, bỏ kẻ dở, thì tiểu nhân sẽ rút lui hết. Tượng viết: Quân tử hữu giải. Tiểu nhân thoái dã.

6. Hào Thượng Lục.

上 六. 公 用 射 隼. 于 高 墉 之 上. 獲 之. 無 不 利.

象 曰. 公 用 射 隼. 以 解 悖 也.

Thượng Lục.

Công dụng xạ chuẩn. Vu cao dung chi thượng. Hoạch chi vô bất lợi.

Tượng viết:

Công dụng xạ chuẩn. Dĩ giải bội dã.

Dịch.

Vương công bắn cắt tường cao,

Bắn trừ con cắt, lợi nào lợi hơn.

Tượng rằng:

Vương công bắn cắt tường cao,

Trừ mầm phản loạn, hại trào, hại dân.

Hào Thượng Lục: Tuy nhiên muốn trừ khử tiểu nhân không phải là chuyện dễ. Vì họ có thể là những quan lớn trong triều, có uy thế, có vây cánh lớn mạnh. Họ như những con chim chuẩn, chim cắt dữ tợn đậu trên bức tường cao. Muốn trừ diệt họ, mình phải có những phương kế, phải chuẩn bị cho hẳn hoi, phải đợi thời cơ thuận tiện mới ra tay, như vậy khi ra tay mới mong thắng lợi. (Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng. Hoạch chi vô bất lợi.)

Bắn được chim cắt đây, chính là tiễu trừ những kẻ bội loạn. Tượng viết: Công dụng xạ chuẩn. Dĩ giải bội dã. Đọc bài này ta liên tưởng đến chuyện vua Càn Long trừ Thiên Địa Hội.

ÁP DỤNG QUẺ GIẢI VÀO THỜI ĐẠI

Bàn về quẻ Giải, tôi nghĩ ngay tới thời kỳ 1975, khi còn bị kẹt ở Saigon (Việt Nam). Quẻ Giải khuyên nên làm 2 vấn đề chính:

1)- Khi dẹp đại loạn xong, không nên làm khó dân.

2)- Không cho tiểu nhân tham dự chính quyền.

Ta hãy nhìn dân tình Việt Nam, khi Cộng Sản vào SAIGON. Điều ta phải nhận định là quân đội Cộng Sản thật là có kỷ luật: không hề tơ hào, không hề sách nhiễu dân điều gì.

Nhưng đến khi trị dân, ta thấy Cộng Sản đã có nhiều khiếm khuyết. Tuy mới đầu họ tuyên bố: không ai thắng, không ai bại, và người trong một nước phải bao bọc lẫn nhau, nhưng chỉ ít ngày sau là kêu gọi quân đội, dân sự phải đi trình diện học tập. Mới đầu úp úp, mở mở là học tập trong một tuần, rồi sau đó mới vỡ lẽ ra rằng Cộng Sản bắt đi học tập có khi trên 10 năm. Điều này đã gây xáo trộn và chia rẽ lớn trong nước.

Sau đó là vụ đánh Tư sản thương nghiệp. Đó là những lỗi lầm mà Chính quyền lúc đó đã phạm phải.

Còn về chuyện dùng người, thì phải công nhận lúc đầu không có đủ nhân viên, nên đã dùng bừa phứa, nên có những tiểu nhân len lỏi vào chính quyền cấp dưới như nơi Phường, Khóm, Quận. Những kẻ tiểu nhân này đã dùng quyền uy của họ để xách nhiễu dân, tham ô đủ thứ. Tuy nhiên sau đó, chính quyền cũng đã tìm đủ mọi cách trừ khử bọn tiểu nhân này.

Nhưng để bù lại, thì chính quyền Cộng Sản đã cho di tản chính thức những gia đình mà có thân nhân bị đi cải tạo một cách rộng rãi, do đó nhiều gia đình nay đã rất khá giả, con cái đã thành đạt. Họ đã thực hiện được những ước mơ là sao cho con cái họ được đi du học nước ngoài, mà trong suốt cuộc đời của nhiều người khó mà thực hiện nổi. Đó cũng là điểm đáng khen.

Nói cho công bằng, là khi thay đổi một chế độ, một triều đại, làm sao mà tránh được những sự bắt bớ, giam cầm, hay thủ tiêu những thành phần đối lập, và như vậy làm sao tránh khỏi được bao người bị hàm oan. Hơn nữa, như Dịch nói: Làm sai, biết sửa, không có lỗi (Vô cữu).

Tôi nói các vấn đề trên một cách trung thực, không phải để chỉ trích hay phê bình, mà cũng là thấy sao nói vậy, hay khen, hèn chê mà thôi, mong sao các Chính phủ sau, trước khi soạn thảo, ban bố, hoặc thi hành một đạo luật gì, thì phải nghĩ đến sự lợi ích cho dân, và bảo vệ dân trước đã.


» Dịch Kinh Đại Toàn | Quẻ 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45

46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64


41. 山 澤 SƠN TRẠCH TỔN

Tổn Tự Quái

損 序 卦

Giải giả hoãn dã.

解 者 緩 也

Hoãn tất hữu sở thất.

緩 必 有 所 失

Cố thụ chi dĩ Tổn.

故 受 之 以 損

Tổn Tự Quái

Giải là cởi mở, ngõ hầu chơi ngơi;

Chơi ngơi mất mát hẳn rồi.

Cho nên Tổn mới có bài theo sau.

Tổn là hao tổn. Chữ Tổn theo Từ nguyên, một bên có chữ thủ là tay, một bên có chữ viên là tròn; cái gì đã viên mãn mà động tới, mà tiêu dùng, ắt sẽ hao tổn. Nhưng quẻ Tổn đây không có nghiã là hao tổn không, mà còn có nghĩa quan hệ khác nữa, đó là Tổn hạ, ích thượng; làm hao tổn dưới, mà có ích cho trên. Trong xã hội, ai là dưới? đó là dân. Ai là trên? đó là những người cầm quyền. Dân là gốc, là nền móng quốc gia; bới gốc, xới nền, để bù đắp cho ngọn, là một công việc tối ư nguy hiểm, nếu không biết cách mà hành động cho hay, cho khéo, thời quốc gia, xã hội sẽ lung lay, suy sụp. Quẻ Tổn cốt ý dạy ta phương cách tổn dân, mà không làm hại cho dân, mà không làm hại cho nền an ninh của quốc gia, xã hội.

Tại sao gọi là Tổn. Có bốn lý do:

1- Theo Tự Quái, gặp thời giải đãi, bình an, người ta nghỉ xả hơi quá nhiều, nên mới sinh ra tổn thất, vì thế sau Quẻ Giải mới đến Quẻ Tổn.

2- Tổn dưới là Đoài, là hồ, trên là Cấn, là Sơn; hồ sâu để cho núi cao; hồ bốc hơi lên để nhuận trạch cho cỏ cây trên núi; thế là tổn hạ, ích thượng.

3- Quẻ dưới là Đoài cũng là vui, vả lại ba Hào dưới đều ứng với ba Hào trên. Người dưới vui mà hưởng ứng, phục vụ người trên, đó là tổn hạ, ích thượng.

4- Quẻ Tổn do Quẻ Thái mà thành. Hào Cửu tam của Quẻ Thái vốn cương, lên đổi chỗ cho Hào Thượng Lục là ích thượng, nhu hạ cương hoán vị cho Thượng nhu, thế là tổn hạ. Đã phải tổn hạ, ích thượng thì sự thái thịnh cũng suy giảm đi phần nào. Cổ nhân cảnh cáo một cách thật tế nhị vậy.

I. Thoán.

Thoán từ:

損. 有 孚. 元 吉. 無 咎. 可 貞. 利 有 攸 往. 曷 之 用. 二 簋 可 用 享.

Tổn. Hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng.

Hạt chi dụng. Nhị quĩ khả dụng hưởng.

Dịch. Thoán từ.

Tổn là tỉnh giảm bớt đi,

Tổn mà thành khẩn, thôi thì rất hay.

Tổn mà hợp lẽ chính ngay,

Tổn sao cho khéo, khỏi sai, khỏi lầm.

Cứ đường lối ấy bền tâm,

Làm gì cũng được thập phần mắn may.

Tổn sao cho khéo léo đây?

Cơm xôi hai giỏ, lòng ngay dâng thần.

Tổn dân thực ra là một lẽ dĩ nhiên. Mạnh Tử nói: Có người làm việc bằng tâm trí, có kẻ làm việc bằng tay chân. Người làm việc bằng tâm trí thì cai trị dân chúng; kẻ làm việc bằng tay chân thì chịu quyền điều khiển. Kẻ chịu quyền điều khiển có phận sự cung cấp cho bề trên. Người cai trị dân chúng, cần được dân chúng phụng dưỡng. Đó là lẽ thông thường trong thiên hạ vậy. (Mạnh Tử, Đằng Văn Công Thượng, 4).

Nhưng Tổn dân, bắt dân đóng góp tài nguyên, nhân lực, vật lực, xương máu khi cần thiết, người xưa vốn coi là một chuyện bất đắc dĩ. Mình phải hết sức thành khẩn, để cho dân tin tưởng được rằng mình không có ý sách nhiễu, hay đối xử tàn nhẫn với họ; phải giải thích cho dân biết sự đóng góp của họ là cần thiết cho sự tồn tại của quốc gia, như vậy sẽ hay, sẽ lợi, mà mọi sự sẽ tốt đẹp.

Thoán: Tổn. Hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng.

Hữu phu là có lòng thành khẩn. Đã thành khẩn rồi, mọi sự sẽ tốt đẹp (Nguyên cát), sẽ không ai trách móc được mình (Vô cữu); như vậy mới có thể thi hành lâu dài được (Khả trinh), và công cuộc mới có cơ tiến triển được (Lợi hữu du vãng).

Làm thế nào mà chứng minh được lòng thành khẩn đó? Thưa, hãy tỉnh giảm mọi thứ sa hoa, phù phiếm bên ngoài, không được tiêu sài phí phạm. Ngay đến những khi hành lễ cũng phải tỉnh giảm chi phí đến mức tối đa. Vài giỏ cơm lúc ấy cũng đủ dâng thần. Đó là cách tùy thời xử thế. Khi nước nghèo, dân túng, nỡ nào bắt dân đóng góp nhiều để mà chi dùng phí phạm sao?

Hạt chi dụng. Nhị quĩ khả dụng hưởng? Hạt chi dụng là một câu hỏi như Làm thế nào?. Nhị quĩ là hai giỏ xôi. Hưởng là dâng cúng thần minh. Tóm lại lòng thành khẩn tối cần trong trường hợp này. Tử Hạ nói: Người quân tử (làm quan), trước phải được lòng dân tin phục, sau mới sai khiến họ làm lụng. Nếu họ chưa tin mình, mà mình vội khiến họ làm lụng, ắt họ ngỡ rằng mình khắc bạc đối với họ. (Luận Ngữ, Tử Trương XIX,10)

Thoán Truyện.

彖 曰. . 損 下 益 上. 其 道 上 行. 損 而 有 . 元 吉. 無 咎. 可 貞. 利 有 攸 往. 曷 之 用 . 二 簋 可 用 享 . 二 簋 應 有 . 損 剛 益 柔 有 時. 損 益 盈 . 與 時 偕 行.

Thoán viết:

Tổn. Tổn hạ ích thượng. Kỳ đạo thượng hành. Tổn nhi hữu phu. Nguyên cát. Vô cữu. Khả trinh. Lợi hữu du vãng. Hạt chi dụng. Nhị quĩ khả dụng hưởng. Nhị quĩ ưng hữu thời. Tổn cương ích nhu hữu thời. Tổn ích doanh hư. Dữ thời giai hành.

Dịch.

Thoán rằng: Tổn dưới, ích trên,

Đó là chiều hướng đi lên ở đời.

Tổn mà hợp lẽ với trời,

Tổn mà thành khẩn, thôi thời rất may.

Tổn mà hợp lẽ chính ngay,

Tổn sao cho khéo, khỏi sai khỏi lầm.

Cứ đường lối ấy bền tâm,

Làm gì cũng được thập phần mắn may.

Tổn sao cho khéo léo đây?

Cơm xôi hai giỏ, lòng ngay dâng thần.

Cơm xôi hai giỏ hiến dâng,

Tùy thời tỉnh giảm, chước châm rạch ròi.

Bù mềm, bớt cứng tùy thời,

Tùy thời thêm bớt, đầy vơi nhịp nhàng.

Thoán Truyện định nghĩa Tổn là Tổn dưới, ích trên. Chu Hi giải là Bác dân, phụng quân, tức lấy của dân mà cung phụng quân vương. Đó là bổn phận người dưới đối với người trên (Kỳ đạo thượng hành).

Thoán Truyện tiếp đó chỉ nhắc lại những lời trong Thoán từ Tổn nhi hữu phu... nhị quĩ khả dụng hưởng. Tuy nhiên, Đức Khổng sợ người sau hiểu lầm rằng lễ nghi văn sức bên ngoài luôn luôn phải giảm thiểu cho đến mức tối đa, nên phải thêm Nhị quĩ ưng hữu thời. Tỉnh giảm lễ vật, cũng phải có thời. Sang thì dâng nhiều, túng thì dâng lễ ít; cái đó tùy sự giầu nghèo của gia đình, của đất nước mà thôi. Ngay đến chuyện bắt dân đóng góp, cũng phải có thời.

Tổn cương ích nhu hữu thời. Mạnh Tử viết: Nếu chính phủ chẳng đoạt mất thì giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu, thì những nhân khẩu trong nhà ấy chẳng đến nỗi đói khổ. (Bá mẫu chi điền. Vật đoạt kỳ thì. Sổ khẩu chi gia khả dĩ vô cơ hỹ.) (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương chương cú thượng, 3). Tóm lại, cái gì cũng phải tùy thời, phải biết đắp đổi. Khi đáng tổn dân thì tổn dân, khi đáng ích dân, thì ích dân. Khi doanh mới nên tổn, khi hư thời nên ích. Tổn ích doanh hư. Dữ thời giai hành.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰. 山 下 有 澤. . 君 子 以 懲 忿 窒 欲.

Tượng viết:

Sơn hạ hữu trạch. Tổn. Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục.

Dịch. Tượng rằng:

Tổn là dưới núi có hồ,

Giận lo đè nén, dục lo ngăn ngừa.

Hiền nhân, quân tử hãy lo...

Quẻ Tổn dạy người quân tử 1 bài học làm tổn. Trong người có thiên lý và nhân dục. Thiên lý không thể tổn, chỉ có nhân dục mới nên tổn. Núi thì cương, gợi nên sự cứng cỏi, nóng giận nơi con người; hồ thì vui gợi nên dục tình nơi con người. Vậy người quân tử phải luôn luôn nén giận, diệt dục. Dục tình dẹp đi, tâm sẽ thanh; phẫn nộ diệt đi, trí sẽ tĩnh. Tâm thanh, trí tĩnh, thì thần sẽ phát lộ, và thiên lương sẽ triển dương.

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Hào từ và Tiểu Tượng Truyện dạy người dưới cũng như người trên phải tổn kỷ ích nhân, tổn kỷ tòng nhân thế nào cho hay, cho lợi.

*Người dưới đã đành nên giúp đỡ người trên, nhưng chỉ giúp khi mình đã xong công việc, giúp mà không tổn hại cho mình (Hào Sơ).

*Giúp mà không mất phẩm giá của mình (Hào nhị).

*Tổn là Tổn hữu dư, giảm bất túc để đi đến chỗ đồng tâm nhất trí (Hào tam).

*Người trên phải giảm tổn nết hư, tật xấu của mình (Hào tứ).

*Phải giảm tổn sự cao ngạo của mình, để biết khuất kỷ hạ hiền, nghe theo đường hay, lối phải (Hào ngũ).

*Vả người trên nếu có phương sách hay đem dạy dân, đem áp dụng cho dân nhờ, thì đó là không làm tổn hại cho mình, mà vẫn làm ích cho người vậy (Hào Thượng Cửu).

1. Hào Sơ Cửu.

初 九. 已 事 遄 往. 無 咎. 酌 損 之.

象 曰. 已 事 遄 往. 尚 合 志 也.

Sơ Cửu.

Dĩ sự chuyên vãng. Vô cữu. Chước tổn chi.

Tượng viết:

Dĩ sự chuyên vãng. Thượng hợp chí dã.

Dịch. Tượng rằng:

Việc mình xuôi xắn cả rồi,

Nên đi mau mắn giúp người bên trên.

Muốn cho trong ấm, ngoài êm,

Thì nên tỉnh giảm tần phiền, tốn hao.

Tượng rằng: Việc đã xong rồi,

Ra đi mau mắn giúp người có sao.

Có chi lầm lỗi đâu nào,

Rồi ra trên dưới thấp, cao một lòng.

Người dưới khi đã làm xong công việc mình (Dĩ sự), thời nên đi giúp người trên một cách mau lẹ (thuyên vãng), như vậy không có lỗi gì (Vô cữu). Và người trên cũng nên châm chước, liệu lý sao cho khỏi tổn hại thái quá (Chước tổn chi). Chữ Chước tổn chi Wilhelm bình rằng: Người trên phải châm chước, đừng để thiệt hại cho người dưới. Mình giúp đỡ người trên, người trên sẽ biết ơn mình; thế là dưới trên thông cảm, dưới trên một lòng. Vì thế Tượng viết: Dĩ sự thuyên vãng. Thượng hợp chí dã.

Trong Kinh Thi (nơi Thiên Đại Nhã) có chép rằng: khi vua Văn Vương muốn cất lên toà Linh Đài, ngài phái người đến đo địa cuộc, và sắp đặt. Dân chúng đều đến giúp công, chẳng mấy ngày mà cất xong vậy. Lúc mới khởi sự cất, Văn Vương phán với dân chúng rằng: các ngươi chẳng cần làm gấp. Thế mà bá tánh kéo đến làm giúp, dường như bầy con phụng sự cha mẹ...Vua Văn Vương đã dùng sức dân mà cất đài, đào hồ, thế mà dân lấy làm vui sướng. Cho nên họ gọi đài của vua là Linh Đài, hồ của vua là Linh Chiểu. Họ lại vui vì trong vườn vua có cá, có rùa. Những vị vua đời xưa, hằng chia sớt sự vui của mình với dân, cho nên hưởng sự khoái lạc một cách đích đáng vậy.

2. Hào Cửu nhị.

九 二. 利 貞. 征 凶. 弗 損 益 之.

象 曰. 九 二 利 貞. 中 以 為 志 也.

Cửu nhị.

Lợi trinh. Chinh hung. Phất tổn ích chi.

Tượng viết:

Cửu nhị lợi trinh. Trung dĩ vi chí dã.

Dịch.

Một lòng ngay chính, mới hay,

Ra gì bợ đỡ, tối ngày xoăn xoe.

Mình không hao hớt, ê chề,

Mà người vẫn lợi, mọi bề mới hay.

Tượng rằng: Cửu nhị chính hay,

Là vì ghi tạc dạ này chữ trung.

Tượng viết: Người dưới là người cộng tác với người trên, chứ không phải làm tôi tớ người trên. Vậy phải giữ phẩm giá mình trong khi giúp đỡ người trên, như vậy mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Bằng mình luồn cúi họ, để cho họ sai chi, làm nấy, không kể chi đến lương tâm, phẩm giá mình thì thực là một điều hung hoạ (Chinh hung). Mình làm ích cho người, mà không tổn hại đến phẩm giá mình mới phải (Phất tổn ích chi). Cho nên người dưới cố sao xử cho hay, cho phải, như vậy mới lợi, mới hay. Lợi, hay vì mình giữ được toàn phẩm cách, mà người trên vẫn được ích lợi.

Tượng viết: Cửu nhị lợi trinh. Trung dĩ vi chí dã. Nhờ có Vương Đức tiến cử, Lịch Sanh vào ra mắt Bái Công. Lúc ấy Bái Công ngồi trên giường, ngay hai chân ra, rồi khiến hai thị nữ rửa chân cho mình. Lịch Sanh bước vào xá chớ không lạy, và hỏi Bái Công rằng: Túc hạ muốn giúp Tần mà đánh chư hầu, hay là giúp chư hầu mà đánh Tần?. Bái Công thấy Lịch Sanh đã già cả rồi mà lời ăn nói còn cứng cỏi, thì mắng rằng: Đồ học trò khốn, thiên hạ bị Tần hà khắc đã lâu, nên ta vâng mệnh Hoài Vương đi phía Tây lộ đánh Tần, đặng giết đứa vô đạo ấy, ta há trở lại giúp Tần sao?. Lịch Sanh nói: Túc hạ đã muốn đánh Tần, để diệt đứa vô đạo, ấy là muốn dấy nghĩa binh đặng phục thiên hạ đó, sao lại kiêu ngạo, lên mặt trưởng giả, vô lễ lắm vậy; nếu như vậy ắt người hiền sĩ đi hết, có ai lo chung với, thì có đủ chi mà thu phục thiên hạ đặng? Bái Công nghe nói bèn thôi rửa chân, vội vã gài giải áo, mời Lịch Sanh lên ngồi trên, rồi tạ rằng: Tôi chẳng dè tiên sinh đến thình lình, nên lỗi việc nghinh tiếp, xin tiên sanh chớ chấp. Sau Lịch Sanh giúp Bái Công dụ hàng Trần Đồng, để Trần Đồng dâng cho Bái Công quận Trần Lưu, và lương thảo, binh mã, lại tiến cử Trương Lương với Bái Công. Thế là Lịch Sanh giúp người trên mà vẫn giữ được phẩm giá mình vậy.

3. Hào Lục tam.

六 三. 三 人 行. 則 損 一 人. 一 人 行. 則 得 其 友.

象 曰. 一 人 行. 三 則 疑 也.

Lục tam.

Tam nhân hành. Tắc tổn nhất nhân. Nhất nhân hành. Tắc đắc kỳ hữu.

Tượng viết:

Nhất nhân hành. Tam tắc nghi dã.

Dịch.

Ba người đi, bớt một người,

Một người đi, ắt có đôi bạn bè.

Tượng rằng: Một đi sẽ có bạn bè,

Ba đi sẽ có hiềm nghi xen vào.

Quẻ Tổn nguyên do quẻ Thái mà sinh. Quẻ Thái trên có tam Âm, dưới có tam Dương. Cửu tam quẻ Thái hoán vị với Thượng Lục quẻ Thái để thành quẻ Tổn, như vậy dưới chỉ còn hai Dương, trên chỉ còn hai Âm, thay vì ba Âm, ba Dương khi trước. Thế là Tam nhân hành. Tắc tổn nhất nhân. Hào tam, Hào Lục hoán vị với nhau, nhưng Âm, Dương tương ứng, cho nên y như một người đi thì lại gặp được bạn. Thế là Nhất nhân hành. tắc đắc kỳ hữu. Đó là lời giải thích của Trình Tử. James Legge cho rằng: Hào này quả là tối nghĩa quá chừng. Những lời giải đáp của Trình Tử cũng chẳng thỏa đáng là bao. Ta không nên đi sâu vào những khúc mắc của Hào này, ta chỉ đặt câu hỏi: Hào này dạy ta bài học thực tế gì? Ta thấy ngay rằng Hào này dạy ta nên tổn hữu dư, bổ bất túc. Hào Ba vốn tượng trưng cho nhà quyền quí, giầu có; những phú hào, trưởng giả trong dân, trong nước. Khi cần đòi hỏi dân đóng góp tiền tài, thóc gạo, phải nghĩ khai thác lớp người này, nhiều hơn là khai thác lớp người cùng đinh, lê thứ.

Tượng viết: Nhất nhân hành. Tam tắc nghi dã. (Một người đi được bè bạn, ba người đi sinh nghi ngờ). Trình Tử giải là nên Tổn kỳ dư (Bớt chỗ thừa). Hệ Từ đưa ra ý tưởng phải làm sao đi đến chỗ hợp nhất, nhất trí. (Xem Hệ từ hạ, chương V).

Hội các ý lại, ta luận rằng: Chỉ nên giảm tổn cái hữu dư, chỉ nên đòi hỏi sự đóng góp của những người dư thừa, và cốt sao giữ cho trong nước được đồng tâm, nhất trí, khỏi nghi kỵ lẫn nhau.

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 損 其 疾 . 使 遄 有 喜 . 無 咎 .

象 曰 . 損 其 疾 . 亦 可 喜 也 .

Lục tứ.

Tổn kỳ tật. Sử thuyên hữu hỷ. Vô cữu.

Tượng viết:

Tổn kỳ tật. Diệc khả hỉ dã.

Dịch.

Giảm điều khiếm khuyết, lỗi lầm,

Càng nhanh, càng khiến đáng mầng, đáng vui.

Vậy thời chẳng lỗi, chẳng sai.

Tượng rằng: Giảm bớt lỗi lầm,

Khiến cho người dưới cũng mừng, cũng vui.

Lục tứ chính là địa vị của một vị quan lớn. Làm quan, ở ngôi trên mà biết lo, giảm bớt tật xấu mình (Tổn kỳ tật), sẽ khiến mọi người thích đến với mình (Sử thuyên), vui lòng cộng tác với mình (hữu hỷ), như vậy thời có lỗi chi đâu. (Vô cữu). Người trên mà biết hối quá, biết giảm thiểu tật hư, nết xấu của mình, thật là một điều đáng mừng vậy. Tượng viết: Tổn kỳ tật. diệc khả hỷ dã.

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 或 益 之 . 十 朋 之 龜 弗 克 違 . 元 吉 .

象 曰 . 六 五 元 吉 . 自 上 佑 也 .

Lục ngũ.

Hoặc ích chi. Thập bằng chi qui phất khắc vi. Nguyên cát.

Tượng viết:

Lục ngũ nguyên cát. Tự thượng hựu dã.

Dịch.

Khi cần tăng ích cho mình.

Bạn bè kéo đến, tận tình giúp cho.

Rùa thiêng bói chẳng ngược ta,

Trời người không ngược, hóa ra tốt lành.

Tượng rằng: Lục ngũ tốt lành,

Là vì đã được cao xanh hộ trì.

Hào Lục ngũ này các lời bình không giống nhau. Trình Tử cho rằng: Ở vào thời Tổn, Lục ngũ ở ngôi tôn, mà vẫn biết trung thuận, biết quên mình mà nghe những lời chỉ bảo của hiền nhân (Cửu nhị). Được như vậy, thì thiên hạ ai chẳng đem hết tâm lực (tổn kỷ) mà làm ích cho mình. Nếu mình muốn tăng ích về chuyện gì (Hoặc ích chi), thì chúng bạn sẽ kéo đến giúp (Thập bằng chi qui phất khắc vi). Khi mọi người đã giúp mình, khi công luận đã tán trợ mình, thời rùa bói cũng không đi ngược lại mình được (Chúng nhân chi công luận tất hợp hồ chính lý, tuy qui sách bất năng vi). Chữ Bằng theo Từ nguyên tự điển là đơn vị tiền tệ khi xưa: 5 vỏ sò là một Bằng, Bối là vỏ sò (Ngũ Bối vi Bằng). Kinh Thi nói: Tích ngã bách bằng (Tạ ơn trăm bằng) (xem Kinh Thi, Tiểu Nhã, Thanh thanh giả nga, câu 3). Có người hiểu Bằng là đơn vị đo lường, và hiểu Thập bằng chi qui là con rùa nặng 10 bằng.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 弗 損 益 之 . 無 咎 . 貞 吉 . 利 有 攸 往 . 得 臣 無 家 .

象 曰 . 弗 損 益 之 . 大 得 志 也 .

Thượng Cửu.

Phất tổn ích chi. Vô cữu. Trinh cát. Lợi hữu du vãng. Đắc thần vô gia.

Tượng viết:

Phất tổn ích chi. Đại đắc chí dã.

Dịch.

Đã không giảm bớt, lại thêm.

Ích nhân âu sẽ ấm êm mọi vành.

Chính ngay, vả lại tốt lành,

Làm gì cũng được lợi hanh đủ điều.

Rồi ra dân phục, dân yêu,

Rộng dung khắp nước, nên kêu không nhà.

Tượng rằng: Không bớt, lại thêm,

Thế là đã được phỉ nguyền, thỏa thuê.

Hào Thượng Cửu: Chữ Phất tổn ích chi đây có thể hiểu 2 cách:

1. Không làm hao tổn cho dân, mà làm ích cho dân.

2. Không làm hao tổn cho mình, mà vẫn làm ích được cho dân. Giải cả 2 cách đều xuôi.

Người trên mà được như vậy, thời chẳng có lỗi chi, mà lại được ngay lành (Vô cữu. Trinh cát). Rồi ra làm gì cũng hay, cũng lợi; chúng dân sẽ qui phục mình (đắc thần), nhà ai cũng là nhà mình (Vô gia).

Tượng viết: Phất tổn ích chi. Đại đắc chí dã. Không làm dân hao tổn mà chỉ lo làm ích cho dân; làm ích cho dân mà riêng mình không thiệt hại gì, thì đó là sự thỏa thích lớn của người quân tử vậy.

Hào Thượng Cửu này có những chữ Vô cữu. Trinh cát. Lợi hữu du vãng giống như Thoán từ. Lại có chữ Phất tổn ích chi tức là muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng: Tổn dân là một câu chuyện bắt đắc dĩ, cho nên người trên phải lo làm lợi cho dân, chứ đừng nghĩ làm tổn hại cho dân; được như vậy mới là cách cai trị lý tưởng.

ÁP DỤNG QUẺ TỔN VÀO THỜI ĐẠI

Cai trị không phải lúc nào cũng mang lại được phúc lợi cho dân, mà có khi cũng phải làm thiệt hại cho dân, bắt dân đóng góp. Nhưng cái gì cũng phải thời thôi.

Ở Mỹ, vấn đề thuế má thật là chu đáo. Dân đóng thuế theo tỷ lệ của lương bổng, được minh định rõ ràng. Còn chuyện bắt dân làm tạp dịch, hầu như không xảy ra, trừ khi mình đã làm điều gì phạm pháp, khiến đến nỗi như vậy.

Mỗi khi xem TV, tôi thấy dân chúng xưa bị quân sĩ ùa vào nhà bắt dân đi làm tạp dịch như: xây cung điện, đắp đê điều, và dân bị đánh đập thật thảm thương. Thật sự khi xưa, có lúc họ đã coi dân như cỏ rác. Mạnh Tử nói với Tề Tuyên vương: Vua mà coi dân như tay, chân; thì dân sẽ coi vua như bụng dạ. Vua mà coi dân như chó ngựa, thì dân sẽ coi vua như kẻ qua đường. Vua mà coi dân như bùn rác, dân sẽ coi vua như người thù (Mạnh tử. Ly Lâu chương cú hạ, 3).

Cứ nhìn cách người trên đối xử với người dưới, sẽ biết mình trị dân hay, hay dở. Người dân không nên tìm cách trốn thuế, nhà nước nếu không trông vào thuế má của dân, thì lấy gì mà sống, mà lo an ninh cho dân vv...

Tất cả là sự công bằng và sự hòa hài.


42. 風 雷 Phong Lôi Ích

Ích Tự Quái

益 序 卦

Tổn nhi bất dĩ tất ích.

損 而不 已 必 益

Cố thụ chi dĩ Ich.

故 受 之 已 益

Ích Tự Quái

Tổn mà tổn mãi, tổn lâu;

Rồi ra cũng lúc tới cầu gia tăng.

Cho nên Ích mới theo chân.

Quẻ Ích đưa ra một nguyên tắc hành chánh, chánh trị hết sức là quan trọng. Cai trị là làm ơn, làm ích cho dân Quẻ Ích trên có chữ Thủy là nước, dưới có chữ Mãnh là bát. Như vậy Ích chẳng khác nào bát nước đầy.

I. Thoán.

Thoán từ.

益 . 利 有 攸 往 . 利 涉 大 川 .

Ích. Lợi hữu du vãng. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch.

Ích là làm ích cho đời,

Việc gì âu cũng êm xuôi, chu toàn.

Dẫu rằng nguy hiểm, gian nan,

Sông sâu, nước cả, vượt sang khó gì.

Đối với dân như bát nước đầy, trị dân mà biết hy sinh để làm lợi cho dân, thì ích lợi biết bao. Còn có việc gì mà không thực hiện được (Lợi hữu du vãng). Còn có khó khăn gì mà chẳng giải quyết xong.

Thoán Truyện.

彖 曰 . .損 上 益 下 . 民 說 無 疆 . 自 上 下 .其 道 大 光 .

利 有 攸 往 . 中 正 有 .利 涉 大 川 . 木 道 乃 行 .

動 而 .日 進 無 疆 . 天 施 地 生 .其 益 無 . 凡 益

之 道 . 與 時 偕 行 .

Thoán viết:

Ích. Tổn thượng ích hạ. Dân duyệt vô cương. Tự thượng há hạ.

Kỳ đạo đại quang. Lợi hữu du vãng. Trung chính hữu khánh.

Lợi thiệp đại xuyên. Mộc đạo nãi hành. Ích động nhi tốn.

Nhật tiến vô cương. Thiên thi địa sinh. Kỳ ích vô phương.

Phàm ích chi đạo. Dữ thời giai hành.

Dịch. Thoán rằng:

Ích là thêm dưới, bớt trên,

Nhân dân vui vẻ, phỉ nguyền đòi nơi.

Hạ mình, để phục vụ người.

Lối đường thế ấy, rạng ngời quang minh.

Rồi ra muôn sự tốt lành,

Chính trung, nên khiến dân tình an vui.

Sông sâu vẫn vượt như chơi,

Thuyền dân, gỗ nước, thảnh thơi lái lèo.

Ích là hoạt động thuận chiều,

Mỗi ngày, mỗi tiến, khinh phiêu vô cùng.

Đất trời nối kết giải đồng,

Trời sinh, đất dưỡng, ích không bến bờ.

Tùy thời, rồi lại tùy cơ,

Làm ơn, làm ích khắp cho muôn loài.

Trước tiên, Thoán định nghĩa Ích là tổn thượng, ích hạ.Như vậy tức là muốn nói lên rằng: Người trên phải hy sinh cho kẻ dưới.

Trị dân là lo làm ích cho dân:

- Lo cho dân đông,

- Lo cho dân giầu,

- Lo cho dân ấm no.

(Luận Ngữ, Tử Lộ, XIII)

Thánh hiền xưa, những lo cho dân được giầu có, vuông tròn, đầy đặn, còn mình thì nhiều no, ít đủ, đạm bạc thế nào cũng xong. Đường Huyền Tông nói: Ta gầy, nhưng thiên hạ mập, là cũng nương theo ý đó.

Nhiễm Hữu nói với Lỗ Ai Công: Nếu dân no đủ, thì vị quốc quân sao thiếu thốn được; nếu dân không no đủ, thì vị quốc quân giàu có với ai.

Nền chính trị của Nho Giáo luôn luôn đề cao những công cuộc ích quốc, lợi dân. Trị dân là lo cho dân có ăn, có mặc, tư cấp ruộng đất cho dân, dạy dân khai thác các tài nguyên của đất nước, khuyến khích bá công, để cho thương mại và công nghệ được phồn thịnh; lo cho dân có một hệ thống kiều lộ được hoàn bị; lo cho dân được an cư, lạc nghiệp, lo giáo hoá dân cho họ ngày một trở nên hoàn thiện.

Ngụy Hổ Thần đến Kiển Dương Trấn thay Vân Thiên Bưu. Vân Thiên Bưu giao hết binh phù, tướng ấn xong rồi, Ngụy Hổ Thần hỏi hết tình trong xứ, thì Vân Thiên Bưu tỏ bầy phong tục, cùng là phương lược của quân sĩ và bá tánh cho Ngụy Hổ Thần nghe. Ngụy hổ Thần lại hỏi nữa rằng: Ngài trấn chỗ này, mỗi năm thâu lợi bao nhiêu? Vân Thiên Bưu nghe hỏi, biến sắc đáp: Ngài hỏi như vậy, chẳng là quấy lắm. Vả tôi làm đại tướng, trấn giữ bờ cõi cho triều đình; lúc nào có giặc, tôi phải lo dẹp; lúc nào không có giặc, thì phải chăn dân; thủa nay không biết thâu lợi là gì. Nếu ngài muốn có lợi, sao không làm nghề thương mại, lại xuất sĩ làm gì? (Thủy Hử, 1053).Thật là một câu trả lời đích đáng. Trị dân mà biết hy sinh cho dân, thời dân sẽ vui thỏa vô cùng (Dân duyệt vô cương).

Người trên mà biết địa vị mình, hạ mình để phục vụ dân, hành xử như vậy thật là quang minh chính đại (Tự thượng há hạ. Kỳ đạo đại quang). Trong một nước, mà vua thời minh (Cửu ngũ), tôi thời hiền (Lục nhị), thảy đều theo đường trung chính mà trị dân, thì hạnh phúc cho dân biết bao nhiêu! Còn có việc gì mà chẳng làm được (Lợi hữu du vãng. trung chính hữu khánh).

Lịch sử đã cho ta thấy Minh Trị Thiên Hoàng và quần thần của ngài đã canh tân được nước Nhật, và đã nâng được nước Nhật lên hàng cường quốc thế giới. Như vậy dẫu có gian nan nguy hiểm mấy cũng lướt thắng được (Lợi thiệp đại xuyên. mộc đạo nãi hành). Vua quan mà làm lợi cho dân, thời khi gặp hoạn nạn ví như đi qua sông lớn, sẽ có dân làm gỗ, làm thuyền mà chở cho qua (Mộc đạo nãi hành).

Trình tử nói: đáng lý phải viết là: Ích đạo nãi hành, Trị dân, hành xử, hoạt động luôn luôn hợp với những định tắc của trời, đất, người (Ích. Động dĩ tốn), thì sẽ tiến mãi không có giới hạn nào cả (Nhật tiến vô cương).

Mình làm ơn, làm ích cho dân, cho đời, thì cũng theo đúng được đường lối của trời đất; vì trời đất cũng luôn luôn hoà hài, cộng tác với nhau để thi ân, bá đức, để sinh dưỡng muôn loài (Thiên thi địa sinh), chẳng kể biên cương, bờ cõi, mầu da, sắc áo (Kỳ ích vô phương).

Thánh nhân tùy theo thời thế, tùy theo những định tắc của trời đất, mà làm ơn ích cho dân, như vậy là theo được nhịp điệu vũ trụ mà làm ơn ích cho dân vậy (Phàm ích chi đạo. Dữ thời giai hành).

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 風 雷 . 君 子 以 見 善 則 遷 . 有過 則 改 .

Tượng viết:

Phong Lôi Ích. Quân tử dĩ kiến thiện tắc thiên. Hữu quá tắc cải.

Dịch.

Ích là gió, sấm hợp đôi,

Hiền nhân, quân tử vậy thời y theo.

Gặp lành, ra sức chắt chiu,

Lầm sai, ra sức liệu chiều sửa sang.

Thấy gió sấm có thể giúp nhau thêm mạnh (Phong Lôi Ích), người quân tử học được cách tiến đức, tu thân.

Khi thấy người khác làm điều gì hay mình bắt chước (Kiến thiện tắc thiện), khi thấy mình có điều gì dở, mình bỏ đi, (Hữu quá tắc cải); như vậy cả xã hội, nhân quần, cả lịch sử, cả vũ trụ, nhất nhất cái gì cũng làm ích lợi cho mình, như vậy sẽ tiến ích thực sự. Tiến ích về tinh thần, về nhân cách mới là hay.

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Sáu Hào chỉ nói lên đại ý này là:

- Trị dân là phải quên mình vì dân (Hào 2).

- Lo lập nên đại công, đại nghiệp cho dân (Hào 1).

- Trợ cấp dân những khi dân lâm thiên tai, địa họa (Hào 3).

- Lo làm ơn, làm ích cho dân (Hào 5).

- Còn như lo làm ích cho mình thời sẽ bị dân ruồng rẫy, đả kích (Hào 6).

- Thành khẩn vì dân, vì nước (Hào 4).

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 利 用 為 大 作 . 元 吉 . 無 咎 .

象 曰 . 元 吉 無 咎 . 下 不 厚 事 也 .

Sơ Cửu.

Lợi dụng vi đại tác. Nguyên cát. Vô cữu.

Tượng viết:

Nguyên cát vô cữu. Hạ bất hậu sự dã.

Dịch.

Thừa cơ mà lập đại công,

Chu toàn xong xả, mới mong tốt lành.

Cố sao thành tựu công trình,

Mới không chuốc lấy cho mình thị phi.

Tượng rằng: Chu toàn xong xả mới hay,

Đại công phận dưới xưa nay ít làm.

Sơ Cửu là người có tài, nhưng chưa có địa vị trong xã hội. Tuy nhiên Sơ Cửu được cấp trên Lục tứ tin dùng. Nếu vậy, nên lợi dụng cơ hội mà lập nên đại công, đại nghiệp. Có như vậy mới là thiệt hay lành, không còn ai bắt lỗi mình được nữa. Bằng nếu vẽ hổ chẳng thành, thì sẽ mang hoạ vào thân, và bị người chê cười. Cho nên phải Nguyên cát, nghĩa là phải được thành tựu trong công trình, thời mới được Vô cữu

Tượng viết: Nguyên cát. Vô cữu. Hạ bất hậu sự dã. Tượng giải thích tại sao phải làm công chuyện cho chu toàn, mới khỏi lỗi (nguyên cát. Vô cữu). Đó chính là người dưới không làm được những công việc trọng đại (Hạ bất hậu sự dã). Hậu sự tức là những công việc trọng đại.

2. Hào Lục nhị.

六 二 . 或 益 之 . 十 朋 之 龜 弗 克 違 . 永 貞 吉 . 王 用 享 于 帝 . .

象 曰 . 或 益 之 . 自 外 來 也 .

Lục nhị.

Hoặc ích chi thập bằng chi qui. Phất khắc vi. Vĩnh trinh cát.

Vương dụng hưởng vu Đế. Cát.

Tượng viết:

Hoặc ích chi. Tự ngoại lai dã.

Dịch.

Khi cần tăng ích cho người,

Bạn bè kéo đến, tận tình giúp cho.

Rùa thiêng bói chẳng ngược ta,

Sắt son, trung chính mới ra tốt lành.

Chính trung thấu đến cao xanh,

Tế trời, vua cốt tâm thành mới hay.

Tượng rằng: Có kẻ giúp ta,

Ấy là ích tự ngoài mà tới nơi

Hào Lục nhị: Trình Tử giải đại khái rằng: Lục nhị đắc trung, đắc chính, biết hư kỳ trung dĩ cầu ích, lại biết thuận tòng, như vậy thiên hạ ai mà chẳng muốn đến giúp mình. Nên nếu có thể làm ích gì cho mình được (Hoặc ích chi: hoặc hữu khả ích chi sự), thì bè bạn mọi nơi sẽ kéo về giúp mình (thập bằng chi: tắc chúng bằng trợ nhi ích chi).

Như vậy thì thần minh cũng không thể đi ngược được đường lối (qui bất khắc vi: qui phất năng vi dã). Cứ theo đúng đường lối minh chính ấy sẽ được mọi sự may mắn (Vĩnh trinh cát). Lòng thành khẩn của mình, dẫu Thượng đế cũng phải chứng giám (Vương dụng hưởng vu Đế. Cát.) như vậy làm sao mà không may, không lành được. Những người thành khẩn vì dân, vì nước như vậy có cần điều gì, thì chúng dân sẽ kéo đến giúp. Tượng viết: Hoăc ích chi tự ngoại lai dã.

3. Hào Lục tam.

六 三 . 益 之 用 凶 事 . 無 咎 . 有 孚 中 行 . 告 公 用 .

象 曰 . 益 用 凶 事 . 固 有 之 也 .

Lục tam.

Ích chi dụng hung sự. Vô cữu. Hữu phu trung hành. Cáo công dụng khuê.

Tượng viết:

Ích dụng hung sự. Cố hữu chi dã.

Dịch. (Dịch theo Trình tử):

Thấy dân khốn khổ giúp cho,

Hành vi như vậy, chẳng lo lỗi lầm.

Một lòng thành khẩn, chính trung,

Vương công âu sẽ cảm thông với mình.

Cùng người báo cáo công trình,

Ngọc Khuê mượn tỏ tâm tình thẳng ngay.

Tượng rằng: Dân khổ giúp cho,

Ấy là công việc từ xưa vẫn làm.

Hào Lục tam: Trình tử giải đại khái rằng: Gặp thời hung hoạ bất kỳ, mà mình không đợi lệnh vua, cứ ra tay cứu vớt dân (ích dân dụng hung sự), thời cũng chẳng có lỗi gì (vô cữu). Nếu mà mình có lòng thành khẩn (hữu phu), nếu mình theo đường ngay, lối phải mà làm (trung hành), thì vua sẽ cảm thông với mình (cáo công dụng khuê). Khuê là miếng ngọc để thông đạt lòng thành tín của mình, trong những khi tế tự, triều sính.

Chu Hi và Hồ vân Phong giải đại khái rằng: Họa hung chính ra cũng làm ích lợi cho con người (ích dụng hung sự). Người trên có thể dùng sự cảnh giới để làm chấn động mình, như vậy tức là làm ơn ích cho mình. Nếu mình cứ thành khẩn, hành xử cho phải, rồi ra cấp trên cũng thông cảm được lòng thành khẩn của mình. Các nhà bình giải sau này đều theo một trong hai cách bình giải trên.

Tượng viết: Ích. Dụng hung sự. Cố hữu chi dã. Trình tử giải đại khái rằng: Gặp những khi có hung họa, mình cần phải biết tự chuyên, tự quyết (Cố hữu chi... vị chuyên cố tự nhiệm kỳ sự dã), để mà cứu vãn dân khỏi cảnh đoạ đày. Cấp Ám xưa thấy dân Hà Nội bị đói khát, đã tự động mở kho lẫm để phân phát cho dân. Phùng Hoan đi đến huyện Triết để đòi nợ cho Mạnh Thường Quân. Đến nơi thấy dân đói khổ quá, liền đốt hết văn tự và nói Mạnh Thường Quân vì thương dân, đã tha hết nợ cho dân. Đó là trường hợp người dưới tự chuyên, tự quyết để cứu dân khi họ gặp hoạ hung.

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 中 行 . 告 公 從 . 利 用 為 依 遷 國 .

象 曰 . 告 公 從 . 以 益 志 也 .

Lục tứ.

Trung hành. Cáo công tùng. Lợi dụng vi y thiên quốc.

Tượng viết:

Cáo công tùng. Dĩ ích chí dã.

Dịch.

Một lòng thành khẩn, chính trung,

Vương công âu sẽ hết lòng nghe ta.

Đã khi trên thuận, dưới hòa,

Rồi ra có thể thiên đô, ngại gì.

Tượng rằng:

Một lòng thành khẩn, chính trung,

Vương công âu sẽ hết lòng nghe ta.

Vì ta những lắng, cùng lo,

Lo làm lợi ích khắp cho mọi người.

Nếu những người phụ bật quân vương mà theo đường trung chính, thời những lời lẽ của họ sẽ được bậc quân vương tin theo (Trung hành. Cáo công tùng). Được vậy, sẽ giúp vua thực hiện được những việc lớn như thiên đô. Trung hành đây là một lời khuyên hoặc là một ước vọng. Thiên đô là một việc ích quốc, lợi dân.

Người xưa thiên đô để tìm một địa điểm lợi thế hơn, an toàn hơn, dễ phòng thủ hơn, hoặc gần đồng minh hơn. Đó chính là cách làm lợi cho dân. Ví dụ: Vua Bàn Canh đã thiên đô từ Hình về Bạc vì địa điểm cũ không thuận lợi. Bình Vương đã bỏ Phong Cảo về Lạc Ấp, để gần những nước chư hầu là Tấn và Trịnh hơn, ngõ hầu tránh nạn Khuyển Nhung. Hán Cao Tổ thiên đô về Tràng An, Hán Quang Võ thiên đô về Lạc Dương, vì những nơi đó hiểm trở, dễ phòng ngự v.v...

Tống Thái tổ cũng muốn thiên đô về Trường An. Tấn Vương can, Tống Thái Tổ bèn than: Không đầy 100 năm nữa, dân sẽ kiệt lực vậy, vì bốn bề thụ địch, không nương dựa vào đâu được.

Tiểu Tượng cho rằng: Lục tứ sở dĩ được quân vương nghe theo vì đã trình bầy những điều ích quốc, lợi dân. Tượng viết: Cáo công tùng. Dĩ ích chí dã.

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 . 有 孚 惠 心 . 勿 問 元 吉 . 有 孚 惠 我 德 .

象 曰 . 有 孚 惠 心 . 勿 問 之 矣 . 惠 我 德 . 大 得 志 也 .

Cửu ngũ:

Hữu phu huệ tâm. Vật vấn nguyên cát. Hữu phu huệ ngã đức.

Tượng viết:

Hữu phu huệ tâm. Vật vấn chi hĩ. Huệ ngã đức. Đại đắc chí dã.

Dịch.

Thành tâm mưu ích cho người,

Chẳng cần han hỏi, hay thôi vô cùng.

Dân gian cảm đức, cảm công,

Gần xa đâu đấy, một lòng ơn ta.

Tượng rằng:

Thành tâm mưu ích cho người,

Chẳng cần han hỏi, hay thôi vô cùng.

Dân gian cảm đức, cảm công,

Thế là thỏa chí, thỏa lòng biết bao.

Hào Cửu ngũ: Nếu bậc quân vương thành khẩn một lòng vì dân, vì nước (hữu phu), lo thi ân bá đức cho dân (huệ tâm), thì khỏi cần hỏi han gì, cũng biết thế là vẹn hảo (vật vấn nguyên cát). Như vậy người dưới cũng sẽ một lòng tín thành (hữu phu), mà tri ân đức của bậc quân vương. (huệ ngã đức). Cai trị mà được dân mến, dân thương; cai trị mà làm ơn ích được như vậy, thực là thoả chí vậy. (đại đắc chí dã)

Vì thế Tượng viết: Hữu phu huệ tâm. Vật vấn chi hĩ. Huệ ngã đức. Đại đắc chí dã.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 莫 益 之 . 或 擊 之 . 立 心 勿 恆 . .

象 曰 . 莫 益 之 . 偏 辭 也 . 或 擊 之 . 自 外 來 也 .

Thượng Cửu:

Mạc ích chi. Hoặc kích chi. Lập tâm vật hằng. Hung.

Tượng viết:

Mạc ích chi. Thiên từ dã. Hoặc kích chi. Tự ngoại lai dã.

Dịch.

Chẳng ai giúp ích, đỡ đần,

Lại còn có kẻ muốn dần cho đau.

Lập tâm chẳng được bền lâu,

Lập tâm không vững, có đâu tốt lành

Tượng rằng: Chẳng ai giúp ích, đỡ đần,

Là vì lời nói có phần thiên tư.

Có người còn muốn đánh cho,

Ấy là những chuyện vạ vơ từ ngoài.

Hào Thượng Cửu: Trị dân mà không lo làm ích cho dân, mà chỉ lo vơ vét của dân, thì chắc sẽ không có ra gì, có ngày sẽ bị dân trả oán (Mạc ích chi. Hoặc kích chi).

Trị dân mà không có chương trình trường cửu, không có đường lối, không có chuẩn bị gì, chắc là sẽ chuốc lấy hoạ hung (Lập tâm vật hằng. Hung.)

Tượng viết: Mạc ích chi. Thiên từ dã. Hoặc kích chi. Tự ngoại lai dã. Ý nói không làm ơn ích cho ai, mà chỉ muốn nghiêng về mình, thủ lợi cho mình (Mạc ích chi. Thiên từ dã). Nói rằng: Có người đánh cho, tức là nói có người ngoài sẽ đánh mình. (Hoặc kích chi. Tự ngoại lai dã).

Thế tức là làm hay thì người ngoài ngàn dậm cũng hưởng ứng; làm dở thì người ngoài ngàn dậm cũng phản đối.

ÁP DỤNG QUẺ ÍCH VÀO THỜI ĐẠI

Trị dân theo đúng ý nghĩa là làm ích cho dân. Ngày nay, muốn trị dân, người ta đã chia nhà nước thành nhiều bộ: Như Lục quân, Không quân, Hải quân, Thương mại, Quốc phòng, Bộ Lại, Lao Động, Hình, Canh nông, Giáo Dục, Y tế, Ngân khố vv...

Ở Hoa Kỳ, các Bộ đều trực thuộc phủ Tổng Thống. Mỗi Bộ lo về một vấn đề, miễn sao phát triển đời sống dân về mọi mặt.

-Sức khỏe, ăn uống, có Food & Drug Administra-tion, và Departement of Agriculture.

- Giáo Dục ở Mỹ này, trường công, tư, đại học, trung học mọc lên như nấm.

- Giao thông, đường xá, cầu cống ngày nay, thật không đâu bằng hệ thống đường xá ở Mỹ.

- Vấn đề nhà ở cho dân. Ta thấy ở Mỹ này có khu sang, khu hèn. nhưng hèn mà vẫn đẹp đẽ, không bẩn thỉu.

- Mua bán các vật dụng, nhà cửa đều được trả góp dễ dàng. Mua đồ mang về nhà, nếu không ưng ý, đều có thể trả về lại dễ dàng.

Chúng ta thấy ở nước này không có việc gì mà không được lưu ý tới, Núi, Rừng, Sông, Biển đâu đâu cũng được khai thác hẳn hoi. Không đâu còn có rừng thiêng, nước độc. Canh nông thì hoàn toàn được kỹ nghệ hóa, tân tiến hóa. Không có cảnh Chồng cầy, vợ cấy, con trâu đi bừa như ở nước ta.

- Binh bị, chiến tranh, cũng hoàn toàn thay đổi hẳn. Đánh nhau bằng hỏa tiễn, phóng cách địch quân hàng mấy ngàn dặm. Người ta còn lên cung trăng, thám hiểm Hỏa Tinh, Mộc Tinh vv... Trong nhà thì có TV, tủ lạnh, Téléphone, Computer, Internet. Thật là quang cảnh hết sức thần tiên. Như vậy, mới nói: Trị dân là làm ích cho dân.

Trái lại, ở các nước nhược tiểu, trị dân là vơ vét, tham nhũng, hối lộ. Ai làm chính trị mà không tơ hào của dân thì cho là dốt, kém. Do đó mới hay xảy ra nạn tham nhũng, nạn con ông, cháu cha làm càn, làm bậy, làm hủ hóa dân tộc, làm cho dân tộc suy yếu, khó bề canh tân để tiến bằng nước người.

Nhưng còn có Nhật Bản, là đáng cho ta noi gương về cách cai trị của họ. Nước Nhật, tuy nhỏ, nhưng từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, ngài là 1 vị vua anh quân, hết lòng lo cho nước, cho dân, do đó nước Nhật từ từ tiến lên, để từ 1 nước nhược tiểu mà đã làm cho các cường quốc kính nể. Khi ngài chết đi, đã khiến 1 số Tướng lãnh, và dân chúng vì thương xót Ngài quá độ nên đã mổ bụng tự tử theo ngài.

Mới hay trị dân là làm cho dân hay, dân tiến, tiến đến cùng cực mới là làm ích cho dân. Mong Thượng đế ban ơn cho nước Việt Nam của chúng ta một vị lãnh đạo anh minh, sáng suốt, đức độ như Minh Trị Thiên Hoàng, để cho dân Việt được sung sướng, an vui, sau những năm dài triền miên loạn lạc, chiến tranh, để cho dân Việt đoàn kết lại thành một khối, đừng có cảnh chia rẽ như bây giờ. Mong lắm thay!


43. 澤 天 Trạch Thiên Quải

Quải Tự Quái

Ích nhi bất dĩ tất quyết.

Cố thụ chi dĩ quải.

Quải giả quyết dã.

夬 序 卦

益 而 不 已 必 決

故受 之 以 夬

夬 者 決 也

Dịch: Quải Tự Quái

Tăng mà tăng mãi, có lần nứt thôi.

Cho nên Quải mới tiếp ngôi

Quải là nứt rạn, vỡ rời, tan hoang.

Tăng mãi có lúc rạn nứt, nước tức quá ắt phải vỡ bờ, nên sau quẻ Ích là quẻ Quải. Tự Quái giải nghĩa chữ Quải là quyết, mà quyết là khơi tháo, là vỡ bờ; theo Từ nguyên Quyết có nghĩa là phân chia. Quẻ Quải trên là hồ, dưới là trời, nước hồ dâng chất ngất lưng trời, sẽ đưa đến cảnh tức nước vỡ bờ, vì thế Quải là vỡ lở.

Quẻ Quải trên có 1 Hào Âm, dưới có 5 Hào Dương. Một Hào Âm lộng quyền, đè nén quần Dương; quá quắt lắm, sẽ tức nước vỡ bờ, làm cho quần Dương nổi lên thanh toán Hào Âm. Áp dụng vào triền năm, Quải tượng trưng cho tháng 3 ta, lúc mà Dương khí đang thời kỳ thịnh, Âm khí đang thời kỳ suy. Tóm lại ý tứ quẻ Quải, ta kết luận:

-Quải là Dương thanh toán Âm.

-Quân tử thanh toán tiểu nhân.

-Trung thần thanh toán gian thần tại triều ca.

I. Thoán.

. 揚 于 王 庭 . 孚 號 . 有 厲 . 告 自 邑 . 即 戎 . 利 有 攸 往 .

Thoán từ.

Quải. Dương vu vương đình. Phu hiệu. Hữu lệ. Cáo tự ấp. Bất lợi tức nhung. Lợi hữu du vãng.

Dịch.

Quải là quyết diệt tiểu nhân,

Giãi bầy ủy khúc trước sân triều đình,

Hô Hào thanh thế cho mình,

Hô Hào bằng cách chân thành, chính trung.

Cũng nên lo sợ, đề phòng,

Báo cho trong ấp biết công việc mình.

Chẳng nên điều động đao binh,

Tính toan như vậy tốt lành biết bao.

Như trên đã nói, Quải là trung thần muốn diệt trừ gian thần. Muốn diệt trừ gian thần phải:

1. Hỏi tội nó trước triều đình (Dương vu vương đình)

2. Phải vận động, hô hào quần thần nổi lên, một lòng chống đối (phu hiệu)

3. Phải lo lắng, đề phòng vì gian thần có thể quật khởi, phản công.(hữu lệ)

4. Mình phải ngay chính để gian thần không bắt lỗi mình được.(cáo tự ấp)

5. Không nên dùng tới quân lực (Bất lợi tức nhung). Được như vậy tiến hành công chuyện mới tốt. (lợi hữu du vãng.)

Thoán Truyện. Thoán viết:

彖 曰. . 決 也 . 剛 決 柔 也 . 健 而 說 . 決 而 . 揚 于 王 庭 . 柔 乘 五 剛 也 .孚 號 有 厲 . 其 危 乃 光 也 . 告 自 邑 . 不 利 即 戎 . 所 尚 乃 窮 也 . 利 有 攸 往 . 剛 長 乃 終 也 .

Quải. Quyết dã. Cương quyết nhu dã. Kiện nhi duyệt. Quyết nhi hoà. Dương vu Vương đình. Nhu thừa ngũ cương dã. Phu hiệu hữu lệ. Kỳ nguy nãi quang dã. Cáo tự ấp. Bất lợi tức nhung. Sở thượng nãi cùng dã. Lợi hữu du vãng. Cương trưởng nãi chung dã.

Dịch. Thoán rằng:

Quải là quyết diệt tiểu nhân,

Dương cương quyết diệt nhu Âm bấy chầy.

Mạnh mà vui vẻ, mới hay,

Đã vừa cương quyết, vả nay ôn hòa.

Giãi bầy ở chốn triều ca,

Vì Nhu cưỡi cổ những là năm Dương.

Hô Hào vả lại lo lường,

Là vì nguy hiểm rõ ràng chẳng sai.

Báo cho dân ấp trong ngoài,

Vả đừng nên tính đến bài đao binh.

Thích dùng binh cách chiến tranh,

Sẽ gây bế tắc, tốt lành chi đâu?

Làm đi, lợi sẽ theo sau,

Thuần Dương vận ấy, đáo đầu chẳng sai.

Thoán Truyện định nghĩa: Quải là thanh toán. Cương thanh toán Nhu (Quyết dã. Cương quyết Nhu dã). Cương quyết như trung thần muốn thanh toán gian thần, phải mạnh bạo, nhưng vẫn tươi vui, cương quyết nhưng vẫn giữ được hòa khí (Kiện nhi duyệt. Quyết nhi hòa).

Gian thần là quan lớn trong triều ca, nhiều khi lại đứng đầu quần thần, vì thế muốn thanh toán nó, cần phải hài rõ tội lỗi nó trước triều đình (Dương vu Vương đình. Nhu thừa ngũ cương dã). Làm công chuyện ấy chính là cỡi đầu voi dữ, nên phải viện vây cánh cho đông, phải lo lắng đề phòng, vì nguy hiểm quá rõ vậy (Phu hiệu hữu lệ. Kỳ nguy nãi quang dã). Muốn đàn hạch người, trước tiên mình phải trong trắng (Cáo tự ấp). Và cũng không nên dùng đến binh cách là con đường cùng vậy (Bất lợi tức nhung. Sở thượng nãi cùng dã). Thanh toán được gian thần, thì trung thần mới có thể tiến lên làm điều ích quốc, lợi dân lâu dài (Lợi hữu du vãng. Cương trưởng nãi trung dã).

Lịch sử đã cho ta nhiều ví dụ điển hình: Đời vua Tống Nhân Tông, Bao Công đã diệt Quách Hòe và Lưu Thái hậu về tội ly miêu hoán chúa.

Hoặc Bao Công thanh toán Bàng Hồng là Thái sư, và đồng thời là Quốc cữu, và Bàng phi là sủng phi của vua Nhân Tôn, về tội đã liên kết với Liêu chúa để hãm hại Địch Thanh, 1 danh tướng đương triều, và hưng binh xâm phạm Trung Quốc. Muốn thanh toán Bàng Hồng, Bao Công phải tìm ra bao chứng cớ để buộc tội Bàng Hồng đã dựa vào thế lực của Bàng Quí phi để làm bậy, như tư thông với ngoại quốc, ăn hối lộ của ngoại quốc, để bầy mưu giết Địch Thanh.

Vua Nhân Tôn vì quá yêu Bàng Quí phi, nên nhất định che chở cho Bàng Hồng và Bàng Quí phi; nên Bao Công đã phải vận động đến mấy bà Thái Hậu và cả triều thần, mới có thể xử giảo được Bàng Quí phi, chém Bàng Hồng và con rể là Tôn Tú.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 澤 上 于 天 . . 君 子 以 施 祿 及 下 . 居 德 則 忌 .

Tượng viết:

Trạch thượng ư thiên. Quải. Quân tử dĩ thi lộc cập hạ. Cư đức tắc kỵ.

Dịch. Tượng rằng:

Hồ nước lưng trời,

Nước dâng, nước bốc lại rơi xuống trần.

Nên người quân tử thi ân,

Trau dồi đức độ, chẳng phân lơ là.

Nước hồ mà dâng cao lưng trời, sẽ đổ xuống trần gian. Người quân tử luôn bắt chước đó mà đổ ân trạch xuống cho muôn dân, có vậy mới vững ngôi. Lại nữa, trong vấn đề tu nhân, tích đức, người quân tử chẳng khi nào nên ngưng nghỉ. (Trạch thượng ư thiên. Quải. Quân tử dĩ thi lộc cập hạ. Cư đức tắc kỵ).

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Hào từ dạy đường lối phải theo, khi muốn diệt trừ gian thần.

1. 初 九 . 壯 于 前 趾 . 往 不 勝 為 吝 .

象 曰 . 不 勝 而 往 . 咎 也 .

Hào Sơ Cửu. Sơ Cửu.

Tráng vu tiền chỉ. Vãng bất thắng vi cữu.

Tượng viết: Bất thắng nhi vãng. Cữu dã.

Dịch.

Mạnh mà mạnh ở ngón chân,

Đi mà không thắng, nên lầm, nên sai.

Tượng rằng: Không thắng mà đi,

Đi không sửa soạn, nên chi lỗi lầm.

Hào Sơ Cửu là chỉ 1 người ở địa vị thấp thỏi. Mình đã thấp thỏi như vậy, mà lăm le muốn diệt một đại thần gian ác, thì có khác nào một người chỉ mạnh nơi ngón chân, đâu biết rằng không thắng mà vẫn làm, vẫn tiến, là lầm lỗi vậy (Tráng vu tiền chỉ. Vãng bất thắng vi cữu).

Đời vua Đường Túc Tông, có Mai Khôi vẫn là 1 vị khoa bảng. Sau mười mấy năm làm tri huyện, mới được triệu về kinh làm chức Lại Bộ đô cấp sự; Mai Khôi là 1 vị quan hết sức thanh liêm. Thuở ấy Thừa Tướng trong triều là Lư Khởi, là 1 đại gian thần, được vua sủng ái, nên làm rất nhiều điều sằng bậy. Mai Khôi nhất định ra mặt chống đối. Về kinh có mấy ngày, ông đã ra mặt khinh khi phỉ báng Lư Khởi. Gặp ngày Lư Khởi ăn lễ hạ thọ, các quan văn võ đều đến khánh hạ và đem lễ mừng. Mai Khôi mang đến 3 cân bột khoai, và 1 cặp đèn. Khi vào bàn tiệc, Mai Khôi hết lời mắng nhiếc Lễ Bộ Thượng Thư Hoàng Tung là con nuôi Lư Khởi. Cũng vì sự dại dột đó, mà Lư Khởi và Hoàng Tung bầy mưu, khiến vua đem Mai Khôi ra xử tử , rồi lại truyền bắt hết cả gia quuyến. Đó thật là: Bất thắng nhi vãng. Cữu dã.

2. 九 二 . 惕 號 . 莫 夜 有 戎 . 勿 恤 .

象 曰 . 莫 夜 有 戎 . 得 中 道 也 .

Hào Cửu nhị. Cửu nhị.

Dịch Hào. Mộ dạ hữu nhung. Vật tuất.

Tượng viết: Hữu nhung vật tuất. Đắc trung đạo dã.

Dịch.

Những là lo lắng, hô hào,

Dẫu đêm có giặc, chi nào có lo.

Tượng rằng: Có giặc chẳng lo,

Là vì xử sự hợp như đạo trời.

Hào Cửu nhị: khuyên muốn diệt gian thần, phải biết lo sợ, biết vận dụng khéo léo cho mọi người theo mình (Dịch Hào) Được như vậy, mình không còn lo bất trắc, ví như 1 vị tướng quân, biết gia tâm phòng bị, nên dầu có giặc tấn công ban đêm cũng chẳng có lo (Mộ dạ hữu nhung. Vật tuất.) Tại sao không lo? Chính vì mình đã hành xử chu toàn, vẹn hảo (Hữu nhung vật tuất. Đắc trung đạo dã).

3. 九 三 . 壯 于. 有 凶 . 君 子 夬夬. 獨 行 遇 雨 . 若 濡 有 慍 . 無 咎 .

象 曰 . 君 子 夬 . 終 無 咎 也 .

Hào Cửu tam. Cửu tam.

Tráng vu quỳ. Hữu hung. Quân tử quyết quyết. Độc hành ngộ vũ. Nhược nhu. Hữu uẩn. Vô cữu.

Tượng viết: Quân tử quyết quyết. Chung vô cữu dã.

Dịch.

Mạnh mà sắc mặt lộ ra,

Lộ ra sắc mặt, hẳn là chẳng hay.

Trừ gian đã quyết dạ này,

Nhưng ngoài mặt vẫn bắt tay với thù.

Y như đơn độc dầm mưa,

Ướt dầm, bè bạn đâm ra ghét mình.

Nhưng sau khi chuyện đã thành,

Mới hay ta vẫn anh minh, chẳng nhầm.

Tượng rằng: Quân tử quyết lòng,

Rồi ra âu cũng sẽ không lỗi lầm.

Hào Cửu tam: Muốn diệt trừ gian thần, cơ mưu phải kín đáo, không nên để lộ ra sắc diện. Ghét người mà để lộ ra sắc mặt là rất nguy, vì ắt sẽ bị gian thần phản công (Tráng vu quì. Hữu hung. Người quân tử trong dạ đã nhất quyết diệt gian thần (Quân tử quyết quyết), bề ngoài nhiều khi vẫn phải o bế gian thần, như vậy danh dự mình đôi khi cũng bị thương tổn, chẳng khác nào 1 người chịu dầm mưa một mình, đến nỗi bị ướt hết. (Độc hành ngộ vũ. Nhược nhu). Nhiều người không hiểu đường lối mình sẽ ghét mình (Hữu uẩn), dầu vậy cũng chẳng có lỗi (Vô cữu). Mình mà quyết tâm diệt gian thần, cuối cùng mọi người sẽ biết, nên chẳng lỗi gì.

Tượng viết: Quân tử quyết quyết. Chung vô cữu dã. Vương Doãn muốn dùng Lã Bố giết Đổng Trác, bèn ra sức o bế Lã Bố và đem Điêu Thuyền hứa gả cho Lã Bố, rồi lại đem gả cho Đổng Trác, dạy Điêu Thuyền bắt tình với cả 2 cha con Đổng Trác, Lã Bố để gây thâm thù giữa 2 người. Đến sau quả nhiên Lã Bố giết Đổng Trác.

4. 九 四 . 臀 無 膚 . 其 行 次 且 . 牽 羊 悔 . 聞 言 不 信 .

象 曰. 其 行 次 且 . 位 不 當 也 . 聞 言 不 信 . 聰 不 明 也 .

Hào Cửu Tứ. Cửu tứ.

Đồn vô phu. Kỳ hành thứ thư. Khiên dương hối vong. Văn ngôn bất tín.

Tượng viết: Kỳ hành thứ thư. Vị bất đáng dã. Văn ngôn bất tín. Thông bất minh dã.

Dịch.

Như mông mà chẳng có da,

Cho nên đi lại vật vờ, lết lê.

Nếu làm được chuyện lùa dê,

Âu là tránh được kẻ chê, người cười.

Nghe lời, nhưng chẳng tin lời.

Tượng rằng: Đi đứng lết lê,

Là vì chẳng được xứng bề vị ngôi.

Nghe lời, mà chẳng tin lời,

Khôn thời đành có, ngoan thời đành không.

Lục tứ là một hạng người do dự, khi cả đình thần muốn diệt trừ gian thần; nhưng do dự không dám xử trí ra sao, ấm ớ không có thái độ rứt khoát. Họ như một người mà mông chẳng có thịt, nên đứng ngồi chẳng yên (Kỳ hành thứ thư). Kỳ hành thứ thư là đi lại khó khăn. Giả sử, ho đóng được vai trò lùa dê thì cũng khả trợ. Theo đuôi, vì người chăn dê lùa dê đi trước, còn mình theo sau. Đàng này họ kém sáng suốt, có người giải cho nghe điều hơn, lẽ thiệt thì cũng không tin (Văn ngôn bất tín). Họ là những người không xứng ngôi, xứng vị, nên không biết xoay sở thế nào cho phải. Người khuyên hay cũng chẳng tin theo, như vậy có khôn mà chẳng có ngoan (Kỳ hành thứ thư. Vị bất đáng dã. Văn ngôn bất tín. Thông bất minh dã).

Hào Cửu tứ này làm ta liên tưởng tới Vương Bỉnh. Đời vua Tống Nhân Tông, Vương Bỉnh làm Hình Bộ Thượng Thư, vốn được tiếng là công bình, chính trực. Vương Bỉnh được triều đình giao phó cho việc tra án Quách Hoè.

Vương Bỉnh thấy vụ án động chạm đến Lưu Thái Hậu, nên sợ hãi , không dám xử công minh. Nhân lại nhận được mật chiếu và vàng bạc của Lưu Thái Hậu, nên Vương Bỉnh nhất định dấu tội cho Quách Hòe. Lúc đem Quách Hòe ra xử, thì lại xử ban đêm, không cho ai được vào chứng kiến. Quách Hòe thật thì đem dấu dưới gầm bàn, lại dùng một tử tội giả làm Quách Hòe, bắt quì trước công đường mà khảo đả, để che mắt thế gian. Hay đâu, Bao Công đi tuần tra, vào khám phá được mưu gian, liền bắt giam cả bọn và trình nội vụ lên thiên tử. Vương Bỉnh sau bị chết chém.

5. 九 五. 莧 陸 . 夬夬 .中 行 無 咎 .

象 曰 . 中 行 無 咎 . 中 未 光 也 .

Hào Cửu ngũ. Cửu ngũ.

Hiện lục. Quyết quyết. Trung hành vô cữu.

Tượng viết: Trung hành vô cữu. Trung vị quang dã.

Dịch.

Rau sam cương quyết diệt trừ,

Theo đường lối phải, chẳng lo lỗi lầm.

Tượng rằng: Theo đường phải hết lỗi lầm,

Nghĩa là chưa được thập phần quang minh.

Cửu ngũ dạy, đã diệt trừ gian thần, phải cho cương quyết, phải trảm thảo, trừ căn vì gian thần như loài rau sam, rất dễ sinh lại. Vì thế mình phải hành xử sao cho khéo, mới khỏi lỗi lầm. Cửu ngũ nơi đây cũng chưa được thập phần quang minh, vì thế phải khuyên hãy xử sao cho khéo léo (Trung hành vô cữu. Trung vị quang dã).

Tiết Cương, sau khi bắt được Trương quân Tả, Trương quân Hữu và Võ Tam Tư liền đem ra pháp trường xử chém. Trình Giảo Kim xin tha cho Võ Tam Tư. Tiết Cương nghe lời, liền sai đánh Võ Tam Tư mấy chục hèo rồi tha. Sau Võ Tam Tư tư thông với Vi Hậu, đầu độc vua Trung Tôn,và định soán ngôi nhà Đường. Tiết Cương, Tiết Cường lại một phen huy động binh đao mới bắt, và giết được Võ Tam Tư và Vi Hậu.

6. 上 六. 無 號 . 終 有 凶 .

象 曰 . 無 號 之 凶 .終 不 可 長 也 .

Hào Thượng Lục. Thượng Lục.

Vô Hào. Chung hữu hung.

Tượng viết: Vô Hào chi hung. Chung bất khả trường dã.

Dịch.

Hô Hào mà chẳng ai theo,

Cuối cùng sẽ bị những điều họa hung.

Tiểu nhân cũng lúc phải dùng,

Làm sao trường thịnh, mà mong cửu trường.

Thượng Lục chỉ những gian thần khi đã hết thời, van xin lúc ấy cũng vô ích, chẳng còn có ai thương, ai nghe. Và cuối cùng sẽ gặp hung họa (Vô Hào chi hung. Chung bất khả trường dã).

ÁP DỤNG QUẺ QUẢI VÀO THỜI ĐẠI

Trong Chính quyền, cũng như trong bất kỳ đoàn thể nào cũng có những con chiên ghẻ, những người xấu. Những người này nhiều khi có thế lực rất mạnh, rất khó trừ. Kinh Dịch khuyên ta nên trừ khử những kẻ gian ác ấy.

Vào thời Quải, tức là thời đời sống gần như là đã Thuần Dương, chỉ còn sót lại có một Âm, y như khi ta mặc một chiếc áo trắng, mà lại có một vết đen lớn ở giữa ngực, thì trông sao được, do đó ta phải tẩy sạch nó đi.

Ta có thể lấy một thí dụ điển hình ngay ở Mỹ này. Gần đây, có vụ Thượng Nghị sĩ Jack Reeves, 56 tuổi, bị kết án 99 năm tù, tại Dallas (Texas), vì cách đây 18 năm đã giết bà vợ cả là Sharon. Trước kia cảnh sát đã cho rằng bà Sharon đã tự tử bằng súng. Tháng 1/1996, ông bị kết án 18 năm tù, và ngày 4 tháng 8/1996, ông lĩnh thêm một bản án mới 99 năm tù, vì đã giết thêm bà vợ thứ tư là Emilita. Ông Reeves khai là ông không hề giết vợ và đã chống án. Nếu sự việc trên mà đúng, thì theo tôi ông đáng bị tử hình.

Thời vua Càn Long (Trung Hoa), có đại thần là Hòa Thân, chuyên môn nhận hối lộ, hắn giầu có hơn cả triều đình. Phải đợi đến đời Gia Khánh (kế Càn Long), mới diệt được Hòa Thân.

Như vậy, ta thấy từ xưa tới nay, dân đều muốn rằng những người cầm đầu phải là những người trong sạch, hoàn hảo. Còn người trên thì bao giờ cũng che đậy cái xấu, cái dở của mình. Nên muốn trừ diệt họ, phải đợi thời cơ, và tìm bằng chứng tội ác của họ.


No comments: