Mikhail Magid
Chế độ toàn trị - tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm
Phạm Minh Ngọc dịch
Quân sự hoá
Cần phải nhấn mạnh rằng chính sách của Liên xô thời Stalin và của nước Đức phát xít trong những năm 30 của thế kỉ XX là nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phân chia lại thế giới trong tương lai. Hannah Arendt cho rằng nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị hay là sự cưỡng chế toàn diện đối với cá nhân nằm trong sự bành trướng mang tính đế quốc chủ nghĩa. “Chúng ta đang tiến dần đến cuộc chiến đấu đòi hỏi một năng suất lao động cao nhất của mỗi chúng ta” – Herman Hering nói năm 1936 – “Chưa thấy giới hạn của công cuộc tái vũ trang. Chỉ có một lựa chọn - chiến thắng hay là bị tiêu diệt....Chúng ta đang sống trong một thời kì mà trận chiến đấu quyết định cuối cùng không còn xa nữa. Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của chiến tranh và động viên...” Trong thời gian đó các lãnh tụ Liên xô không tuyên bố công khai như thế. Nhưng trong các bộ phim tuyên truyền sản xuất năm 1938 các nhân vật đã nói đến ước muốn có “một cuộc chiến tốt mà sau đó Liên xô sẽ gồm từ 30 đến 40 nước cộng hòa” (lúc đó mới có 11 nước).
Các đặt vấn đề như vậy đòi hỏi sự cố kết xã hội một cách vô điều kiện và thủ tiêu mọi thành phần bất mãn. Trường học ở Liên xô và ở Đức bắt buộc học sinh tham gia các khóa huấn luyện quân sự. Hầu như toàn bộ nền công nghiệp thời bình đều được tổ chức theo cách để sao cho có thể nhanh chóng chuyển sang phục vụ cho mục đích quân sự. “Chỉ cần phóng tầm mắt vào chính cuộc sống của chúng ta” – nhà văn Đức, Ernst Jünger, đã viết – “nhìn vào cái kỉ luật nhẫn tâm của nó, với những khu vực khói lửa ngút trời, với cách vận hành và cơ chế vận hành của nó, với các động cơ, máy bay và những thành phố có hàng triệu dân của nó thì ta sẽ có cảm giác ngạc nhiên mà hiểu rằng ở đây không có một nguyên tử nào không họat động, và chính chúng ta nữa, thực chất là chúng ta đã bị cái quá trình điên rồ này khống chế mất rồi. Không phải con người thực hiện cuộc động viên toàn diện này mà là nó tự thực hiện, nó là biểu hiện của một đòi hỏi bắt buộc và ẩn danh mà cuộc sống trong thời buổi của máy móc và đám đông này bắt ta phải theo cả trong thời chiến cũng như thời bình.”
Các biện pháp khủng bố ở cả Liên xô và ở nước Đức phát xít đã được thực hiện trong hoàn cảnh như thế. “Năm 1937 là cần thiết” – V. Molotov đã nói với nhà văn F. Truev như vậy – “Nếu biết rằng sau cách mạng chúng ta đã băm cả bọn tả lẫn bọn hữu và đã chiến thắng, nhưng tàn dư của kẻ thù đủ mọi xu hướng thì vẫn còn...Vì có năm 1937 mà trong chiến tranh ta đã không bị đội quân thứ năm quấy nhiễu”. Ba triệu người là nạn nhân của các cuộc đàn áp trong những năm 1937-1938, trong đó gần một triệu người bị xử bắn.
Đồng hoá tư tưởng và chủng tộc
Hannah Arendt cho rằng chế độ toàn trị là một “cái ác tuyệt đối” do chính con người tạo ra. Arendt quan tâm đặc biệt đến mối liên hệ giữ hệ tư tưởng và khủng bố. Theo bà, hệ tư tưởng toàn trị là “logic của một tư tưởng đơn giản duy nhất”, tư duy toàn trị dựa hoàn toàn vào tư tưởng này. Đấy là tư tưởng về tính ưu việt của một chủng tộc hay đấu tranh giai cấp. Đấy là thế giới quan bắt buộc đối với tất cả mọi người. Trên thực tế, một hệ tư tưởng được tiêu chuẩn hoá, duy nhất được coi là bộ khung cho thế giới quan của tất cả công dân của nhà nước toàn trị. Hệ thống tư duy này có những đặc điểm một bên là tình đoàn kết và chủ nghĩa tập thể và bên kia là hình ảnh kẻ thù, kẻ thù có thể là một giai cấp, một chủng tộc hay một nước. Tư duy toàn trị luôn luôn là tư duy chia cắt, nó coi thế giới như một sơ đồ đen-trắng: một bên là “ta” – nhân dân hay giai cấp duy nhất, tuân theo ý chí của lãnh tụ và lí tưởng cao đẹp, bên kia là địch, kẻ chịu mọi trách nhiệm trước tập thể “ta”. Chúng phải chịu trách nhiệm về cả những khó khăn và tổn thất của chính “ta”. Đối với nước Đức thì “địch” là người Do thái, đối với Liên xô thì đấy là: “kẻ thù của nhân dân” hay “kẻ thù giai cấp”.
“Một đất nước, một dân tộc, một lãnh tụ” – là khẩu hiệu của Đảng phát xít. “Ai không theo ta là chống lại ta” - những người bolsevic khẳng định. Cấu trúc ngôn ngữ và tư duy tiêu chuẩn hoá phù hợp với nhiệm vụ quản lí một đất nước như là một cỗ máy duy nhất, đảm bảo sự cố kết xã hội trên cơ sở những tư tưởng và nguyên tắc đơn giản, duy nhất. Cũng vì lí do như vậy mà tất cả các chế độ toàn trị đều thực hiện chính sách đồng hoá các chủng tộc. Các dân tộc thiểu số hoặc là bị xào xáo trong một cái chảo của nền văn hóa chính thức duy nhất (như được tuyên bố ở Liên xô những năm 30, nơi người ta cố gắng tạo ra một mẫu văn hoá chung gọi là “nhân dân Xô viết”) hoặc là bị hoà tan vào một nền văn hoá của một dân tộc (chính nền văn hoá này cũng bị đồng nhất và cải biên một cách thô bạo) mà nhà nước toàn trị lấy làm cơ sở (chính sách Nga hoá sau thời kì chiến tranh thế giới thứ II) hoặc là bị tiêu diệt hoàn toàn (như người Do thái và người Di gan ở Đức). Ngay cả khi chế độ toàn trị tuyên bố theo chủ nghĩa quốc tế, nó vẫn theo đuổi xu hướng đồng hoá. “Nước Nga vĩ đại đoàn kết đến muôn đời Liên bang bền vững của các nước cộng hòa độc lập, tự do” - lời mở đầu của Quốc ca Liên xô cho ta thấy ngay quan hệ lệ thuộc của các nước cộng hoà thành viên so với nước Nga. Nhưng chính nền văn hoá của dân tộc “cơ sở” này cũng bị cải biên một cách thô bạo, nhiều tầng văn hóa liên quan đến những tìm tòi mang tính tôn giáo, văn học và kí ức lịch sử đã bị cố tình loại bỏ. Lịch sử nước Nga bị viết đi viết lại nhiều lần cho hợp gu với ý thức hệ của chế độ toàn trị, ngôn ngữ cũng bị bộ máy tuyên truyền chính thức và hệ thống giáo dục cải biên. Các chính sách và biện pháp tương tự đối với văn hoá cũng được tiến hành ở Đức và ở các nước theo chế độ toàn trị khác.
Và hậu quả
Chính sách như vậy nhất định đòi hỏi một cơ chế xã hội đặt biệt, một mặt đấy là lòng nhiệt tình của quần chúng được định hướng từ bên trên và mặt khác, đấy là những cuộc trấn áp có tính tập thể. Phá hủy một cách triệt để nếp sống của phần lớn cư dân, tăng tốc tiến trình công nghiệp hoá – các biện pháp này đòi hỏi sự kiểm soát gắt gao từ phía nhà nước. Cần thực hiện những biện pháp mạnh để có thể tiêu diệt tư tưởng bất tuân ngay từ trong trứng nước. Tại Liên xô, trong những xí nghiệp tập thể ở nông thôn, trong các hợp tác xã người ta đã áp dụng hình thức tổ chức lao động giống như tại các xí nghiệp công nghiệp: đứng đầu là một chủ tịch do chính quyền bổ nhiệm, đến lượt mình, ông ta bổ nhiệm lãnh đạo các đội sản xuất dưới quyền. Trên thực tế, toàn bộ lương thực, thực phẩm sản xuất ra đều phải nộp cho nhà nước, xã viên chỉ được nhận những tờ biên lai gọi là “ngày công”. Tất cả công việc sản xuất phải theo kế hoạch do cấp trên đưa xuống, không hoàn thành thì bị phạt nặng. Xã viên phải xin phép mới được đi khỏi nơi cư trú [1] . Những người không chịu vào hợp tác xã bị coi là “địa chủ” hoặc “tay sai địa chủ” và bị đàn áp khốc liệt. Cuối năm 1929 Stalin tuyên bố rằng nông dân “xin” vào hợp tác xã “từng làng, từng xã, đôi khi từng huyện” một lần và hạ lệnh “tiêu diệt giai cấp địa chủ”. “Địa chủ” và “tay sai địa chủ” bị tịch thu hết tài sản, cả gia đình bị đầy lên phương Bắc hay sang Sibirie. “Người ta tịch thu từ cái tã, giật từ chân trẻ con.” - một nhân chứng đã viết như vậy. Theo lời của Isaak Steinberg, một đảng viên Xã hội cách mạng theo đường lối tả khuynh thì “thực ra là người ta đã tuyên bố một cuộc đàn áp toàn thể nông dân, kể cả tầng lớp dân nghèo. Trung bình có 10-15% số hộ bị tịch thu, nhiều tỉnh có đến 40%”. Những làng giàu có bị cho đi đầy tất. Những người nông dân còn sót lại bị buộc phải vào hợp tác xã. Sau này Stalin từng thú nhận với Churchill rằng “chính sách tập thể hoá là một cuộc đấu tranh khủng khiếp”, phải chiến đấu với “hàng chục triệu nông dân”, phải chiến đấu với “những con người nhỏ bé”. “Chuyện khủng khiếp đó kéo dài bốn năm. Thật là khó khăn và khủng khiếp, nhưng là việc cần thiết”. Chỉ trong mấy năm đầu công nghiệp hoá và tập thể hoá đã có 10 triệu nông dân trốn nạn đói, chạy vào thành phố và như vậy đã cung cấp cho nền công nghiệp quốc doanh đang phát triển như vũ bão sức lao động rẻ mạt. Năm 1930 nông dân đã phản ứng với chính sách đó bằng những cuộc bạo loạn. Trong năm đó, năm tập thể hoá toàn diện đã xảy ra 1375 cuộc bạo động với sự tham gia của 3,5 triệu nông dân. Cuộc phản kháng của nông dân Ukraine là kiên cường và mãnh liệt nhất - tổng cộng có 4098 cuộc nổi dậy ở Ukraine. Những vùng kiên cường khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt: trong những năm 1932-1933 người ta đã cố tình gây ra nạn đói giết chết 4 đến 5 triệu nông dân Ukraine.
Ở nước Đức, Trong những năm 30-40 việc kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế không quá mức như ở Liên xô, vẫn còn các ngành công nghiệp tư nhân, tuy các ngành này ngày càng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc tăng tốc hiện đại hoá công nghiệp không làm giảm mức sống mà ngược lại đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, tình trạng thất nghiệp gần như được thanh toán. Nhưng đấy trước hết là do tăng cường đầu tư vào các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Chính điều đó đã giúp nước Đức phát động thế chiến thứ II. Các tổ hợp quốc phòng không làm ra hàng hoá tiêu dùng mà dân chúng cần, nhưng lại không thể họat động chỉ để họat động, nếu thế nó sẽ tạo ra tình trạng khủng hoảng trong nền kinh tế Đức. Phải sử dụng cơ hội do việc tăng cường vũ trang đưa lại để tiến hành chiến tranh xâm lược (Liên xô cũng đặt ra nhiệm vụ như vậy). Các biện pháp phát triển công nghiệp đi kèm với quá trình quân sự hoá lao động, cột người lao động với xí nghiệp không khác gì nông nô. Ở Liên xô người ta sử dụng những cuốn sổ gọi là sổ lao động. Nếu lãnh đạo xí nghiệp không đồng ý cho người lao động chuyển sang xí nghiệp khác thì họ không đưa cho người lao động cuốn sổ, xí nghiệp có ý tuyển dụng không thể nhận người lao động này.
Nạn nhân của các cuộc đàn áp ở Đức ít hơn ở Liên xô, chỉ có khoảng một trịêu người bị đưa vào trại tập trung, mấy trăm ngàn người bị thủ tiêu. ...Nhiều tầng lớp dân cư - đại diện các đảng phái chính trị, các nhà họat động công đoàn, giới trí thức đối lập, người Do thái, người Di gan. Cuộc thanh trừng nội bộ không lớn như ở Liên xô. Nước Đức lúc đó đã là một nước công nghiệp phát triển, nó không cần thực hiện một cuộc tấn công dữ dội đến như thế vào nếp sống của người dân như ở Liên xô. Đàn áp phát xít diễn ra trong chiến tranh thế giới thứ II. Bọn phát xít muốn thiết lập một trật tự mới ở châu Âu, nghĩa là kiểm soát các cơ sở sản xuất chủ yếu, các nguồn tài nguyên quan trọng và phân bố lại dân cư trên những vùng đất chiếm được. Hàng triệu người dân Ukraine, Bạch nga, Ba lan, Nga và các nước khác bị lùa sang làm việc khổ sai tại Đức, một số đã chết vì phải làm trong những điều kiện quá tồi tệ. “Lúc đó [2] ”– Himler nói – “chúng ta chưa đánh giá đúng nguồn nhân lực dồi dào như ta đánh giá hôm nay [3] . Đấy cũng không phải là điều đáng lấy làm tiếc nếu ta suy nghĩ theo những phạm trù của các thế hệ, nhưng việc mất mát lực lượng lao động, nghĩa là việc tù binh bị chết một lúc hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn vì kiệt sức và vì đói, ngày nay phải coi là việc phi lí”. Chế độ phát xít bị qui tội giết chết 6 triệu người Do thái, tiêu diệt rất nhiều người Slav, cưỡng bức di dân và di chuyển một lực lượng lao động to lớn. Người ta còn định chuyển một số dân Đức đến định cư ở một số vùng đất bị chiếm đóng.
Một điều đáng chú ý nữa là quân chiếm đóng phát xít đã không giải tán các hợp tác xã nông nghiệp tại các khu vực chiếm được của Liên xô mà tiếp tục sử dụng các hợp tác xã đó như là phương tiện để cướp bóc lương thực cho nhu cầu chiến tranh.
Toàn trị ở phương Đông
Nhiệm vụ tăng tốc quá trình công nghiệp hoá đất nước và hiện đại hoá quân đội cũng được ban lãnh đạo maoist của Trung quốc giải quyết trong những năm 50-60 của thế kỉ trước. Ở đây tình hình cũng gần giống Liên xô – Trung quốc vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu cho nên chính sách hiện đại hoá phần lớn cũng sao chép các phương pháp của Liên xô. Chế độ cộng sản Trung quốc đã xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, thậm chí chế tạo được cả bom nguyên tử. Đa số nông dân bị thúc ép vào các công xã, thực chất là các xí nghiệp quốc doanh, tương tự như các hợp tác xã ở Liên xô, dĩ nhiên là cũng bằng các biện pháp tương tự như ở Liên xô. Cái giá phải trả thật là khủng khiếp: theo một vài thống kê thì số người bị đàn áp lên đến 100 triệu (dân số Trung quốc lúc đó khoảng 600 triệu).
Trong thế giới Hồi giáo, sau khi được giải phóng khỏi chế độ thực dân hồi những năm 50-70, các phong trào dân tộc đã giành được chính quyền. Các chế độ đó, cũng giống như những người maoist ở Trung quốc, đã làm mọi cách để phát triển công nghiệp để có thể nói chuyện tay đôi với các nước phát triển phương Tây, và họ đã dựa vào truyền thống độc tài Á đông, nghĩa là dựa vào bộ máy nhà nước quan liêu bao trùm lên toàn xã hội. Hầu như toàn bộ nền công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ xã hội cũng như đất đai trong các nước này đều do nhà nước kiểm soát và quản lí. Cũng giống như ở Liên xô và Trung quốc, phe đối lập ở đây bị thủ tiêu về mặt thể xác. Như vậy nghĩa là các phong trào giải phóng dân tộc sau khi đã giành chính quyền ở những nước này đã thi hành các chính sách có thể coi là toàn trị tuy mức độ không bằng Trung quốc. Các vụ cải tạo đó không phá vỡ được các cộng đồng cư dân nông nghiệp, tuy có làm lung lay vai trò và ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Các cơ sở của truyền thống làng xã được đạo Hồi cố kết tỏ ra mạnh hơn so với một số nước khác trên thế giới.
Một số biện pháp toàn trị đặc thù cũng được nhà nước Do thái thực hiện. Sau khi thành lập vào năm 1947, nhà nước này cũng cố gắng thành lập một nền công nghiệp quốc phòng mạnh do nhà nước bảo trợ và quản lí. Đời sống xã hội bị quân sự hoá, tất cả đàn ông và phần lớn phụ nữ phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Một nền văn hoá đồng nhất dựa trên tiếng Ivrit (một ngôn ngữ được tạo lập trên cơ sở tiếng Do thái cổ) để có thể đưa “một dân tộc của những người thợ thủ công và buôn bán” thành “dân tộc của các nông dân, công nhân và bộ đội” như các khẩu hiệu chính thức thường kêu gọi. Các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu, được hình thành một cách tự nhiên như Yiddish, Espanol-Ladino, Jude-Arab bị loại bỏ. Có thể đây chính là một cuộc thí nghiệm được tiến hành một cách hệ thống nhất đối với ngôn ngữ trong toàn bộ lịch sử loài người. Các cố gắng nhằm thành lập một nhà nước đồng chủng được thực hiện cùng với việc trục xuất 750 ngàn người Palestin, những vụ diệt chủng như vụ giết người tàn bạo tại làng Deir-Yasin vào năm 1948, việc phá huỷ và lăng mạ các đền thờ Hồi giáo và các biểu tượng của nền văn hoá A-rập khác. Cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục được những hậu quả của nhà nước toàn trị Do thái, cuộc sống của hàng triệu người cả Do thái và A-rập, những người đang tham gia vào những cuộc xung đột thường xuyên và không biết bao giờ mới chấm dứt ở Trung Đông.
Trong các nền văn minh phương Đông chỉ có Ấn độ là tránh được chế độ độc tài. Tất nhiên chính phủ nước này ở một mức độ nào đó cũng kiểm soát kinh tế, cũng định hướng sự phát triển công nghiệp, cũng tăng cường bộ máy quân sự, cũng đàn áp đối lập, bóc lột nông dân. Nhưng về chiều rộng và chiều sâu của các biện pháp thì không thể nào so sánh với Liên xô, Trung quốc và một số nước Hồi giáo khác. Đa phần nông dân Ấn độ vẫn sống ở nông thôn, tuy các thiết chế cộng đồng ở đây cũng đã lung lay rất nhiều.
Nguyên nhân là do thiết chế nhà nước ở Ấn độ chưa bao giờ mạnh mẽ như ở Nga và Trung quốc. Vai trò điều tiết của nhà nước còn thấp, cộng đồng nông dân cũng như thợ thủ công ở thành thị đóng vai trò lớn hơn so với các nền văn minh phương Đông khác. Mặt khác, truyền thống do phong trào Quốc dân Đại hội Ấn độ do Mahatma Gandhi thiết lập trong giai đoạn đấu tranh giải phóng: tự quản, bất bạo động, như là biện pháp giải quyết các bất đồng chính trị đã có ảnh hưởng nhất định.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước, độc tài kiểu châu Á hay là thể chế xã hội mới?
Các nhà nghiên cứu chế độ toàn trị chưa tìm được tiếng nói chung xem nên coi chế độ toàn trị là hình thức đặc biệt của chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa tư bản nhà nước) hay chế độ chuyên chế kiểu châu Á trong thời đại công nghiệp hoá hay thể chế xã hội hoàn toàn mới.
Các nhà Đông phương học tại Liên xô trước đây, những người bảo vệ luận điểm cho rằng đây là chế độ chuyên chế kiểu châu Á (họ còn viện dẫn cả Karl Marx và đã bỏ qua một số hiện tượng của lịch sử cận đại Nga, chỉ chú trọng vào lịch sử cổ đại Trung quốc và Assiria), đã bị đàn áp khốc liệt. Đa số các nhà khoa học này đã bị giết trong các cuộc thanh trừng thời Stalin và học thuyết của Karl Marx về nền chuyên chế châu Á đã bị khoa học lịch sử Xô viết bỏ qua. Người ta còn sáng chế ra năm hình thái (cộng sản nguyên thuỷ, chiếm nô, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa) – và tuy không được các sự kiện lịch sử xác nhận và dĩ nhiên là chẳng phải do Marx tìm ra, vẫn được gắn với tên tuổi của ông và được coi là lí thuyết lịch sử toàn năng. Nói chung lí thuyết về nền chuyên chế châu Á là một lí thuyết đặc biệt: người ta coi Karl Marx là thiên tài không ai vượt qua nổi về kinh tế học và chính trị học, nhưng đồng thời người ta lại cố tình cắt xén một loạt tư tưởng của ông. Nguyên nhân: các mô tả của Karl Marx về nền chuyên chế châu Á rất giống với xã hội Xô viết đương thời. Cũng là chuyên chế về chính trị trị kết hợp với việc kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động kinh tế. “Trong các nước xã hội chủ nghĩa”, nhà Đông phương học Nga, Leonid Vasiliev, viết “người ta thấy trước hết chính quyền và nạn bạo hành do nó tạo ra....Theo ý nghĩa này thì các nước xã hội chủ nghĩa chỉ là biến thể của cơ cấu phương Đông truyền thống. Tất nhiên công cuộc hiện đại hoá và tiến bộ kĩ thuật, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của những nước này. Xuất hiện ảo tưởng rằng giữ nguyên cơ cấu nội tại, dựa trên sự đàn áp và quyền hành vô giới hạn của nhà nước người ta vẫn có thể vượt được chủ nghĩa tư bản. Nhưng ảo tưởng này không thể đứng vững nổi khi ta phát hiện ra những khiếm khuyết của một hệ thống phi nhân”. Như vậy, theo quan điểm của các lí thuyết gia này thì đấy chỉ là sự thiết lập hay tiếp tục của nền chuyên chế Á Đông trên một cơ sở mới, cơ sở của nền công nghiệp. “Khi toàn thế giới kinh ngạc theo dõi các cuộc thí nghiệm của Mao, người định đẩy cả một đất nước rộng lớn vào trại lính thì ở chính Trung quốc, dù trong tiểu tiết có thể chưa hoàn toàn thống nhất thì về đại thể người ta lại cho rằng đấy là công cuộc tìm kiếm một xã hội công bằng, một nhà nước hoà hợp, do một lãnh tụ sáng suốt lãnh đạo”, Vasiliev viết tiếp. “Nói một cách khác, truyền thống…đã có ảnh hưởng gần như quyết định". Lí thuyết này giải thích được một số hiện tượng tại Liên xô, tại nước Trung hoa maoist trước đây cũng như một loạt các nước khác, nhưng thứ nhất còn nhiều vấn đề chưa được lí giải, thứ hai, lí thuyết này không thể giải thích được sự xuất hiện các chế độ toàn trị ở châu Âu (Đức, Ý). Thật khó có thể coi chủ nghĩa phát xít là biểu hiện của chế độ chuyên chế Á châu vì nước Đức nằm giữa lòng châu Âu chứ không phải châu Á.
Chính vì vậy có một số người không đồng tình với lí thuyết trên. Một số nhà nghiên cứu ngày nay lại coi chế độ toàn trị là chủ nghĩa tư bản nhà nước hay hình thức đặc biệt của chủ nghĩa tư bản (Robert Kurz). Họ đã nhận thấy sự giống nhau giữa quá trình phát triển tư bản-công nghiệp trong giai đoạn đầu ở một loạt nước với quá trình công nghiệp hoá và tập thể hoá nông thôn ở Liên xô dưới thời Stalin: đều được tiến hành dưới sự bảo trợ của nhà nước và bằng việc cướp bóc và phá hoại các cộng đồng nông nghiệp.
Cội nguồn chủ nghĩa tư bản Âu châu không phải là "nâng cao mức sống", mở rộng quan hệ thị trường mà là cơn khát tiền bạc không cùng của nhà nước chuyên chế để đầu tư cho bộ máy chiến tranh. Chính quyền lợi của bộ máy đó, một bộ máy lần đầu tiên trong lịch sử choàng được lên đầu lên cổ xã hội cái ách quan liêu, đã thúc đẩy sự phát triển giới thương gia và tư bản vượt ra ngoài các quan hệ buôn bán truyền thống. Chỉ có như thế tiền mới trở thành động lực trung tâm của xã hội, lao động mới trở thành trừu tượng nghĩa là không phụ thuộc vào tiêu thụ.
Đa số người tham gia vào quá trình sản xuất cho thị trường cũng có nghĩa là cho nền kinh tế tiền tệ không phải là tự nguyện mà là do cơn khát tiền của nhà nước chuyên chế đã bắt họ phải nộp thuế bằng tiền, đồng thời tăng thuế lên mức chưa từng có trước đây. Họ "kiếm tiền" không phải cho mình mà là cho bộ máy nhà nước được trang bị bằng vũ khí nóng, để nuôi sống và quan liêu hoá chính bộ máy nhà nước đó. Đấy chính là lí do xuất hiện hiện tượng tích tụ tư bản như là mục đích tự thân và lao động trở thành lao động cho nhu cầu của thị trường, bị tha hoá.
Nhưng chẳng bao lâu sau thì sưu thuế cũng không đủ nữa. Các viên chức của nhà nước chuyên chế và tư bản tài phiệt bắt đầu dùng sức mạnh để tổ chức chính con người thành một loại vật tư của guồng máy xã hội nhằm biến lao động thành tiền. Lối sống cũng như phương tiện kiếm sống truyền thống bị phá vỡ, nhưng không phải là dân chúng tự nguyện “phát triển” trên cơ sở quyền tự quyết của họ mà vì rằng “vật liệu” người cũng phải được làm cho khớp với guồng máy tích luỹ tư bản đã được khởi động. Để có chỗ nuôi cừu lấy lông, người ta đã dùng vũ lực đuổi dân chúng khỏi những cánh đồng họ vẫn canh tác. Các quyền có từ xa xưa như tự do săn bắn, tự do đánh cá, tự do nhặt củi đã bị bãi bỏ. Trở thành những người vô gia cư lang thang, ăn xin và ăn cắp, họ lại bị đưa vào các trại lao động và nhà máy. Ở đây, những người ngày hôm qua còn là nông dân bị máy móc hành hạ đến kiệt sức và bị nhồi vào đầu cái tâm lí của kẻ nô lệ làm thuê, không khác gì súc vật.
Giai cấp tư sản hiện đại, những kẻ kế thừa của chế độ chuyên chế, có nguồn gốc hoàn toàn không phải từ những thương lái trên những con đường buôn bán thuở xa xưa. Họ chính là hậu duệ của những đầu lĩnh đánh thuê, những viên chức nhà tù và trại lao động, những viên chức thuế vụ, những cai thầu và những tên giết người khác. Các cuộc cách mạng tư sản thế kỉ XVIII và XIX hoàn toàn không phải là để giải phóng xã hội, chúng chỉ sắp xếp lại quan hệ quyền lực bên trong hệ thống cưỡng bách đã định hình, chúng chỉ giải phóng các thiết chế xã hội khỏi những dòng họ đã lỗi thời mà thôi. Chính cuộc Cách mạng tư sản Pháp đã nhiệt liệt biểu dương nghĩa vụ lao động và bằng cách đưa ra luật “chống ăn xin” nó đã thể chế hoá môt hình thức cưỡng ép lao động mới: nhà tù.
“Trong giai đoạn phát triển cao của nền sản xuất hàng hoá ở phương Tây và cuộc cạnh tranh gay gắt trên trường quốc tế”, Kurz viết trong cuốn “Collapse of Modernisation”, “bất kì cố gắng hiện đại hoá nào ở những khu vực chưa phát triển của thế giới nhất định sẽ mang tính chất chạy đua khốc liệt, trong đó vai trò của nhà nước, vốn đặc trưng cho giai đoạn đầu của thời đại mới, sẽ không chỉ tái xuất hiện mà còn thể hiện dưới dạng khắc nghiệt hơn, triệt để hơn so với các nguyên mẫu phương Tây trong quá khứ....Tính chất bạo lực khốc liệt của công cuộc hiện đại hoá...Xô viết là do cả một thời đại phát triển công nghiệp của phương Tây kéo dài 200 trăm năm: chủ nghĩa trọng thương, Cách mạng tư sản Pháp, quá trình công nghiệp hoá và nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa đã hoà làm một và bị dồn ép vào trong một giai đoạn cực kì ngắn”
“Người ta có thể thấy ngay rằng chính quyền cộng sản đặc biệt khốc liệt ở những nơi mà ý chí hiện đại hoá được thể hiện rõ, và đồng thời giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hoá lại đòi hỏi phải di chuyển một số lượng cư dân nông nghiệp to lớn cũng như thiếu nguồn tích luỹ tư bản”, nhà nghiên cứu người Nga, Aleksandr Kustarev, viết. “Sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Anh là hình mẫu cho các nhà cải cách. Người ta không quan tâm đến các nạn nhân, còn những ai “cản trở” tiến bộ sẽ bị tiêu diệt, sau đó người ta đã tìm ra lí lẽ cao cả cho các các cuộc thanh trừng (hệt như những người bolsevic vậy...). Thế kỉ thứ XVII ở Anh có rất nhiều làng xã, nhưng một thế kỉ sau thì đã biến mất gần hết. Quá trình đô thị hoá ở Anh cũng được tiến hành bằng những biện pháp và có chung mục đích với việc tịch thu tài sản của giai cấp địa chủ ở nước Nga.”
Ngoài ra, những người theo lí thuyết chủ nghĩa tư bản nhà nước còn viện dẫn luận điểm sau đây: tổ hợp sản xuất vĩ đại với tên gọi là Liên xô đã hoà nhập vào nền kinh tế thế giới. Liên xô bán ra nước ngoài nguyên liệu, trong những năm 30 của thế kỉ XX thì đấy là vàng, do tù nhân khai thác và lúa mì, tước đoạt của nông dân trong các hợp tác xã và sau này thì bán dầu hoả, khí đốt, gỗ, vàng, kim cương, v.v. Tiền thu được từ xuất khẩu được dùng để trang trải cho quá trình công nghiệp hoá (chỉ trong các năm từ 1931 đến 1936 tiền thu được từ xuất khẩu lúa mì và vàng đã trang trải các hợp đồng Xô-Đức, cung cấp rất nhiều máy móc cho các nhà máy đang được xây dựng tại Liên xô) và giữ vững ổn định cho chế độ. Chuyên chế châu Á bao giờ cũng dựa trên nền sản xuất tự cấp, tự túc, nghĩa là bế quan toả cảng, ức thương, trong khi Liên xô không thể tồn tại nếu không dựa vào nền kinh tế thế giới, và mặc dù nền kinh tế Xô viết là nền kinh tế do nhà nước quản lí, đối với bên ngoài thì nó là nền kinh tế thị trường. Còn nền kinh tế của nước Đức và nước Ý phát xít thì rõ ràng là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi bởi vì các chính phủ ở đấy chưa bao giờ tiến hành các biện pháp nhằm triệt hạ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, còn sự can thiệp của nhà nước, tuy ngày càng tăng, vẫn mang tính chất hạn chế. Ngay cả nếu nền kinh tế Đức có bị quốc hữu hoá hoàn toàn thì đấy cũng không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản đã biến mất.
Cuối cùng, có một số nhà nghiên cứu coi chủ nghĩa toàn trị là một thể chế xã hội hoàn toàn mới. Đấy là George Orwell, Max Schachtmann, André Gorz, Hannah Arendt. Hannah Arendt cho rằng hệ thống toàn trị bao gồm các thành phần chủ yếu sau: quần chúng “hạt nhân” (đám đông bao gồm những cá thể bị cắt lìa khỏi những mối dây liên lạc cũ và tách biệt với nhau – ND), các tổ chức toàn trị, tuyên truyền theo kiểu toàn trị, quản lí toàn diện và tuyệt đối, thống nhất về tư tưởng và khủng bố, cảnh sát mật và trại tập trung. Bà cho rằng chưa hề có hình mẫu nào tương tự như vậy trong lịch sử.
Chúng tôi chia sẻ quan điểm của những người theo trường phái chủ nghĩa tư bản nhà nước, nhưng cho rằng ý kiến của họ cũng chưa thật đầy đủ. Chủ nghĩa toàn trị là một thể chế xã hội hoàn toàn mới, nhưng nó không xuất hiện trong chân không mà phát sinh từ những xã hội đã tồn tại từ trước, nó mang trong mình những đặc trưng của các xã hội ấy, trước hết là xã hội tư bản công nghiệp hoá. Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một thể chế xã hội nào tương đồng với chế độ toàn trị với những đặc trưng cơ bản là nhà nước bao trùm lên tất cả và nô dịch tích cực. Nhưng cái mới không phải xuất hiện một cách bất thình lình và ngay lập tức. Chúng tôi cho rằng toàn trị là một hình thức thống trị mới, tinh vi hơn tất cả các hệ thống cai trị đã từng tồn tại từ trước tới nay vì nó tạo ra một hình thức cai trị toàn diện của tầng lớp nắm quyền không chỉ đối với hành vi mà còn đối với tư tưởng và tình cảm của con người.
Nói chung, cuộc tranh luận xem toàn trị là hậu duệ của chế độ nào tự nó đã bị chính trị hoá. Có vẻ như đấy là cuộc tranh luận về việc chế độ toàn trị xuất phát từ đâu: phương Tây với chủ nghĩa cá nhân và công nghiệp hoá hay phương Đông với truyền thống chuyên chế và tinh thần tập thể?
Chúng tôi cho rằng chế độ toàn trị có thể xuất hiện ở những nơi mà công cuộc hiện đại hoá theo đường lối tư bản-công nghiệp các xã hội truyền thống được thực hiện với tốc độ quá nhanh, nhưng không chỉ ở những nơi đó. Trong những xã hội khi mà sự tương trợ giữa các cá nhân với nhau bị phá vỡ, con người mất hết phương hướng và mục đích sống, trở thành những người lang thang, cô đơn, chuyển động một cách hỗn loạn thì khi đó chế độ toàn trị có thể trở thành nhu cầu, thành hình thức tái lập trật tự cần thiết và được chờ đợi. Chế độ toàn trị xuất hiện ở những nơi có xung đột giữa hai cách nghĩ, hai cách sống: tư bản-công nghiệp-hạt nhân và tập thể-làng xã. Nó dĩ nhiên là sản phẩm của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng là phản ứng của những tầng văn hoá và tư duy tiền công nghiệp đối với hiện tượng này.
Tư duy tiền công nghiệp và chế độ toàn trị
Cơ cấu chủ yếu của xã hội tiền công nghiệp là các cộng đồng cư dân nông nghiệp, một tổ chức tập thể được xây dựng trên cơ sở tự quản, các hiệp hội khác như hiệp hội thợ thủ công v.v. cũng được xây dựng trên cở sở tương tự. Tư duy ở đây dựa trên cơ sở sự đoàn kết, tương trợ và bình đẳng về kinh tế. Tất nhiên là cũng có tâm lí hám lợi và tham lam, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là tình đoàn kết. Căn nguyên của cuộc xung đột đóng vai trò quyết định đối với thời đại chúng ta nằm ở chỗ này.
Xã hội tư bản-công nghiệp hoá dù ở phương Đông hay ở phương Tây đều mang tính cá thể, nó phá vỡ các mối liên hệ cộng đồng, thày-thợ, hay nghề nghiệp cũ, thậm chí nó phá vỡ luôn cả các quan hệ họ hàng mà thay vào đó là các quan hệ manh tính chức năng, xã hội hoá cứng nhắc. Hàng triệu người được cột chặt vào những chiếc máy cái, bên cạnh những người chưa hề quen biết nhau, công việc mỗi người, thường là rất đơn điệu, lại bị cấp trên quản lí một cách gắt gao. Người ta bị đưa vào những thành phố lớn, sống cạnh những người xa lạ, trong những khối nhà với những căn hộ hoàn toàn giống nhau. Ở đâu cũng là các vật liệu tổng hợp, tất cả đều là màu xám. Cô đơn và trầm uất ngự trị khắp nơi. "Các thành phố rộng lớn, trong đó các cá nhân mất hết phương hướng, những dãy nhà cao tầng, như những dãy núi”, Erich Fromm viết, “tiếng loa phát thanh oang oang, các tiêu đề báo chí thay đổi ba lần trong một ngày, tất cả đã làm cho người ta không thể xác định được cái gì là chính yếu, cá nhân đối diện với những giá trị to lớn, nằm ngoài anh ta, làm cho anh ta cảm thấy mình như một hạt cát". Công nghiệp hoá là kết quả của những sáng kiến cá nhân, tinh thần doanh nghiệp và tự do cạnh tranh, nó cũng tạo ra trong các xã hội truyền thống một khoảng không gian cho tự do cá nhân mà trước đây có thể chưa có. Nhưng phải trả giá như thế nào! “Rõ ràng là nguyên tắc sáng kiến cá nhân đã thúc đẩy quá trình cá nhân hoá”, Erich Fromm viết, “và người ta luôn nói đấy là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền văn hoá đương đại. Nhưng trong khi thúc đẩy tự do (khỏi những tổ chức có tính cục bộ - chú thích của tác giả), nguyên tắc này đồng thời cũng phá vỡ các mối liên kết giữa các cá nhân, tách biệt con người khỏi đồng bào của mình”
Khái niệm con người cá nhân có từ thời Hi lạp cổ đại và từ thời Trung cổ. Ngay Thiên chúa giáo cũng đã đặt vấn đề lựa chọn cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Cá nhân tính không phải được hình thành một cách đột ngột và ngay lập tức mà là trong hàng ngàn năm, đây là một quá trình chứ không phải là một vụ bùng nổ. Chủ nghĩa tư bản công nghiệp không tạo ra cá nhân tính mà là tạo cho nó, phát triển trong nó xu hướng bệnh hoạn, đấy là tự khẳng định mình trên lưng đồng loại. Vì vậy, trong thế giới ngày nay cái vẫn được gọi là tự do lại có thể chính là sự giam hãm trong tù ngục cô đơn. Không hiểu sao ít lí thuyết gia theo trường phái tự do nghĩ rằng tình trạng này kéo dài còn nặng nề hơn cuộc sống trong những xã hội cục bộ phân chia theo đẳng cấp (sau này ta sẽ thấy cũng có một số người hiểu được ở một mức độ nào đó).
Cần phải nhấn mạnh rằng quá trình cá nhân hoá, hạt nhân hoá liên quan đến sự phát triển các quan hệ thị trường, chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hoá tác động không chỉ đến những người thường xuyên sống ở thành thị mà cả những người bị cuốn hút vào quá trình cải tạo công nghiệp ví dụ các công nhân làm theo thời vụ và có tác dụng phá hoại đối với các cộng đồng nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống.
Phương pháp tư duy của chúng ta được hình thành trong hàng ngàn năm, nó không thể phù hợp ngay lập tức với những biến đổi đó. Hơn nữa, tại sao lại phải phù hợp? Như nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận, trong tư duy cũng như trong nền văn hoá của chúng ta có nhiều tầng xưa cũ, liên quan đến hàng ngàn năm sinh hoạt trong các cộng đồng cục bộ. Một trong những tư tưởng gia của chủ nghĩa Tân Tự Do, Friedrich August von Hayek, cho rằng hành vi của con người được xác định bởi nhiều tầng văn hoá và truyền thống, thấm sâu trong những hành vi và ngôn ngữ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Loài người, F.A. von Hayek nói, không đột ngột nhảy ngay vào những thể chế xã hội dựa trên quan hệ thị trường và sở hữu tư nhân như hiện nay. Trước đó người ta đã sống hàng ngàn năm trong những cộng đồng nhỏ, thường khi tách rời nhau, những cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc tương trợ tập thể và công bằng xã hội. Trong ý thức của con người thời nay vẫn còn những tầng văn hoá cổ xưa liên quan đến thời quá khứ xa xôi ấy. Chúng không chỉ còn mà nhiều khi quyết định động cơ hành động của chúng ta. Hayek so sánh xã hội đó với xã hội tư bản hiện đại dựa trên quan hệ thị trường, nơi con người hành động một cách trực tiếp, trên cơ sở qui luật cung cầu chứ không phải trên cơ sở của các quan hệ cá nhân. Hayek còn không chịu gọi chủ nghĩa tư bản là “xã hội” để tránh một sự “lầm lẫn nguy hiểm” và đề nghị một tên gọi của chính mình là: “thiết chế mở rộng”. “Hiệp hội những cá nhân giữ những mối liên hệ gắn bó với nhau và cấu trúc được thiết lập bởi hàng triệu người, chỉ liên kết với nhau qua các tín hiệu, các tín hiệu này lại đi qua hàng loạt mắt xích – là những cơ cấu hoàn toàn khác nhau, tên gọi chung không những là một sai lầm mà còn gợi ra trong ta ước muốn làm cho “thiết chế mở rộng” thành ra giống như cái hiệp hội của những bằng hữu mà ta yêu thương. Bertrand de Jouvenel đã gọi rất đúng rằng đấy là tình cảm tiếc nuối nhóm nhỏ, khi ông nói: “môi trường khởi kì thuỷ con người đã sống vẫn có sức hấp dẫn không thể nói hết, nhưng tất cả những cuộc gán ghép các đặc trưng của nó cho toàn thể xã hội bao giờ cũng là không tưởng và dẫn đến bạo hành”. Nếu những mơ ước này được thực hiện thì ta phải giã từ tư hữu và thị trường (Hayek nói rất đúng rằng những cái này không hề có mặt trong “cộng đồng nhỏ cổ xưa”, chúng trái ngược với “hiệp hội của những bằng hữu mà ta yêu thương”), cũng có nghĩa là phải giã từ tự do, mà theo ý kiến của Hayek là không thể tách với các thể chế đó [4] . Như vậy là xu hướng toàn trị, theo Hayek, liên quan mật thiết đến những ước muốn sâu xa về việc xoá bỏ sự ghẻ lạnh trong quan hệ giữa người với người, vượt qua nỗi cô đơn và bất bình đẳng về kinh tế của chính quần chúng.
Nhưng như thế nhất định xuất hiện câu hỏi: nếu tự do mâu thuẫn với “tình cảm tiếc nuối nhóm nhỏ” như các lí thuyết gia Tân Tự Do khẳng định thì thắng lợi cuối cùng của “tự do” có dẫn đến việc thủ tiêu hoàn toàn các đặc trưng của con người như nhân hậu, vị tha, tương trợ, đoàn kết? Chả lẽ “xã hội tự do” lại là một xã hội lạnh lùng và ích kỉ đến nỗi ngoài các lí thuyết gia của chủ nghĩa Tân Tự Do ra sẽ chẳng còn ai muôn sống trong đó nữa? Ngoài ra, cũng theo F.A. von Hayek thì những tầng văn hoá cổ xưa là bất tử, “có sức hấp dẫn không thể nói hết” và có vai trò to lớn trong đời sống con người thì có cần phải đấu tranh chống lại chúng hay không? Hay hợp tự nhiên hơn chính là tìm cách dung hoà giữa xu hướng tập thể và tự do cá nhân?
Và cuối cùng, có thể cho rằng các phong trào toàn trị chỉ là một cố gắng nhằm tái lập hình thức quan hệ tiền công nghiệp giữa người với người? Theo quan điểm của chúng tôi vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Đúng là chế độ toàn trị mang trong mình nó một số hình thức của chủ nghĩa tập thể. Chỉ cần ta nhớ lại những đám đông hàng triệu người lòng tràn ngập hân hoan hoặc hận thù, hàng triệu người khác mong muốn được hoà tan vào những đám đông đó, và sự phê phán biểu hiện cá nhân chủ nghĩa do các phong trào đó tiến hành là ta phải công nhận kết luận nêu trên là đúng. Nhưng chế độ toàn trị không hề khôi phục các cộng đồng nông nghiệp hay thủ công nghiệp, thắng lợi của chế độ toàn trị cũng không dẫn tới việc tái lập các quan hệ xã hội thời tiền công nghiệp. Ngược lại, gần như ở đâu chế độ toàn trị cũng tiến hành hiện đại hoá theo hướng công nghiệp hoá một cách cấp tốc. Vấn đề ở chỗ là các hoài vọng tập thể cổ xưa được chồng lên cái thực tế ghẻ lạnh lạnh lùng của đời sống của mỗi chúng ta. Cơ chế hoà tan của cá nhân là thông qua “sự tự đồng nhất cái tôi của mình” - triết gia người Đức Martin Heidegger, đã viết – “với một chủ thể tập thể nào đó”, chủ thể chung đó có thể là dân tộc, giai cấp hay nhà nước. Từ lúc đó trở đi người ta bắt đầu đồng nhất cái tôi của mình với quyền lợi của cái toàn thể. Nhưng cái toàn thể mà ta nói tới ở đây khác hẳn với các tập thể thời tiền công nghiệp. Trước kia thì đấy là tình cảm họ hàng hay làng xóm hoặc hiệp hội thủ công, các thành viên của nó đã sống suốt đời bên nhau, quan hệ với nhau gắn bó như là họ hàng hay bạn bè gần gũi. Nhưng nay thì đấy là sự hoà tan vào đám đông những người vô danh. “Nếu trước đây người ta hoà tan vào các hệ thống nhóm nhỏ, các cộng đồng tôn giáo hay các mối liên hệ khác thì nay người ta phải một mình đối diện với cả thế giới và vì vậy người ta cảm thấy vô cùng lạc lõng và đánh mất ý nghĩa của chính cuộc đời mình”- một nhà nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị hiện đại Nga, Vadim Damier, đã nhận xét như thế. Erich Fromm cho rằng con người có thể lấy những sức mạnh ngoại tại như quốc gia, dân tộc, phong trào, lãnh tụ hay lí tưởng mà anh ta có thể đồng nhất mình vào để thay thế cho những quan hệ xã hội đã mất. “Tình cảm gắn bó với những nơi chốn thân yêu, gọi là “quê hương bé nhỏ” không liên quan gì đến chủ nghĩa yêu nước thời hiện đại”, Vadim Damier viết. “Đa số người (tuy không phải tất cả) có tình cảm gắn bó với những điều gần gũi thời thơ ấu, với phong cảnh thiên nhiên lúc thiếu thời, với những bài hát mẹ ru ngày thơ bé, nói một cách khác họ gắn bó với những hồi ức. Tất cả đều là những điều cụ thể, có thể yêu thương. Không ai lại nghĩ có thể sát sinh hay chết vì vẻ đẹp phong cảnh hay căm thù chỗ này vì yêu chỗ kia. Nhưng những khái niệm trừu tượng, lạnh lùng như quốc gia, dân tộc không gợi cho người ta tình yêu, nó tạo ra những tình cảm hoàn toàn khác: sùng bái và phục vụ, tuân phục chính quyền, thái độ hung hãn đối với tất cả những người không nằm trong nhóm”. Như vậy nghĩa là trong những biểu hiện đó của chủ nghĩa tập thể đã ẩn tàng khả năng bị các đảng phái, các chế độ theo xu hướng toàn trị giật dây rồi.
Các tổ chức toàn trị đã lợi dụng những khát vọng sâu xa của con người về sự gần gũi, hợp tác, trương trợ và những phản ứng của họ đối những điều tệ hại do công nghiệp hoá và cuộc sống cô đơn trong xã hội ngày nay, khi người ta chỉ biết lo cho mình, luôn luôn phải đấu tranh, giành giật nguồn lực và thị trường. Các chế độ toàn trị đã biến các động lực ấy thành cái ngược lại với chính nó, huy động những khả năng tiềm tàng của con người cho công cuộc hiện đại hoá xã hội một cách triệt để, cho chiến tranh và các cuộc trấn áp địch thủ. Nếu xã hội loài người là một cái gì đó toàn vẹn, giống như một cái lò xo lớn thì không thể nào kéo mãi nó ra, làm cho khoảng cách giữa người với người tăng mãi lên được. Khi kéo đến một mức nào đó thì nó sẽ tự co lại bất chấp khó khăn, bất chấp lí lẽ.
Điểm đặc biệt của chủ nghĩa phát xít Đức là nó không chỉ kết hợp được những động lực đó một cách trực tiếp, dưới dạng chủ nghĩa tập thể, tương tự như ở nước Nga bolsevic, mà còn kêu gọi trở về với tự nhiên, với cuộc sống ở làng quê, với các hình thức lao động mang tính tự cấp tự túc. Có khả năng là sau khi tiêu diệt hết người Slave ở phía đông (nếu Đức thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II) thì dần dần những điền chủ người Đức sẽ định cư tại những vùng đất bỏ hoá đó.
Chúng tôi không cho rằng hiện tượng này là yếu tố duy nhất đưa đến sự phát triển và thắng lợi của các phong trào toàn trị ở một số nước. Nó phải phối hợp với nhiều yếu tố khác như sự mất ổn định về kinh tế, những cuộc khủng hoảng chính trị, các tiến trình văn hoá phức tạp và quá trình hiện đại hoá nữa. Qui cuộc sống vào một nhân tố nào đó là một suy diễn sai lầm. "Các sự kiện lịch sử”, nhà sử học hiện đại người Nga, Mikhail Leonov, đã viết, “được thực hiện trong một không gian đa chiều và là kết quả tương tác của nhiều yếu tố. Tách một yếu tố cụ thể nào đó ra như là yếu tố quyết định để xây dựng một mô hình nhất quán tuyến tính với mục đích định sẵn sẽ dẫn đến sự đơn giản hoá và xuyên tạc các hiện tượng tượng lịch sử". Nhưng chúng tôi cho rằng các phong trào và các chế độ toàn trị đã liên kết được các khát vọng cộng đồng phi giai cấp của quần chúng và đấy chính là nguyên nhân chủ yếu đưa đến chủ nghĩa toàn trị, là lí giải cơ bản cho hiện tượng toàn trị - kết hợp giữa sự ép buộc của nhà nước với "sáng tạo sống động của quần chúng” (Lênin), nghĩa là nô dịch tích cực.
© 2004 talawas
TRANH LUÂN 6
[1]Ở ta gọi là giấy thông hành - ND
[2]Đây là nói năm 1941 –ND
[3]Năm 1943 –ND
[4]Tư hữu và thị trường -ND
Cần phải nhấn mạnh rằng chính sách của Liên xô thời Stalin và của nước Đức phát xít trong những năm 30 của thế kỉ XX là nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phân chia lại thế giới trong tương lai. Hannah Arendt cho rằng nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị hay là sự cưỡng chế toàn diện đối với cá nhân nằm trong sự bành trướng mang tính đế quốc chủ nghĩa. “Chúng ta đang tiến dần đến cuộc chiến đấu đòi hỏi một năng suất lao động cao nhất của mỗi chúng ta” – Herman Hering nói năm 1936 – “Chưa thấy giới hạn của công cuộc tái vũ trang. Chỉ có một lựa chọn - chiến thắng hay là bị tiêu diệt....Chúng ta đang sống trong một thời kì mà trận chiến đấu quyết định cuối cùng không còn xa nữa. Chúng ta đang đứng trên ngưỡng cửa của chiến tranh và động viên...” Trong thời gian đó các lãnh tụ Liên xô không tuyên bố công khai như thế. Nhưng trong các bộ phim tuyên truyền sản xuất năm 1938 các nhân vật đã nói đến ước muốn có “một cuộc chiến tốt mà sau đó Liên xô sẽ gồm từ 30 đến 40 nước cộng hòa” (lúc đó mới có 11 nước).
Các đặt vấn đề như vậy đòi hỏi sự cố kết xã hội một cách vô điều kiện và thủ tiêu mọi thành phần bất mãn. Trường học ở Liên xô và ở Đức bắt buộc học sinh tham gia các khóa huấn luyện quân sự. Hầu như toàn bộ nền công nghiệp thời bình đều được tổ chức theo cách để sao cho có thể nhanh chóng chuyển sang phục vụ cho mục đích quân sự. “Chỉ cần phóng tầm mắt vào chính cuộc sống của chúng ta” – nhà văn Đức, Ernst Jünger, đã viết – “nhìn vào cái kỉ luật nhẫn tâm của nó, với những khu vực khói lửa ngút trời, với cách vận hành và cơ chế vận hành của nó, với các động cơ, máy bay và những thành phố có hàng triệu dân của nó thì ta sẽ có cảm giác ngạc nhiên mà hiểu rằng ở đây không có một nguyên tử nào không họat động, và chính chúng ta nữa, thực chất là chúng ta đã bị cái quá trình điên rồ này khống chế mất rồi. Không phải con người thực hiện cuộc động viên toàn diện này mà là nó tự thực hiện, nó là biểu hiện của một đòi hỏi bắt buộc và ẩn danh mà cuộc sống trong thời buổi của máy móc và đám đông này bắt ta phải theo cả trong thời chiến cũng như thời bình.”
Các biện pháp khủng bố ở cả Liên xô và ở nước Đức phát xít đã được thực hiện trong hoàn cảnh như thế. “Năm 1937 là cần thiết” – V. Molotov đã nói với nhà văn F. Truev như vậy – “Nếu biết rằng sau cách mạng chúng ta đã băm cả bọn tả lẫn bọn hữu và đã chiến thắng, nhưng tàn dư của kẻ thù đủ mọi xu hướng thì vẫn còn...Vì có năm 1937 mà trong chiến tranh ta đã không bị đội quân thứ năm quấy nhiễu”. Ba triệu người là nạn nhân của các cuộc đàn áp trong những năm 1937-1938, trong đó gần một triệu người bị xử bắn.
Đồng hoá tư tưởng và chủng tộc
Hannah Arendt cho rằng chế độ toàn trị là một “cái ác tuyệt đối” do chính con người tạo ra. Arendt quan tâm đặc biệt đến mối liên hệ giữ hệ tư tưởng và khủng bố. Theo bà, hệ tư tưởng toàn trị là “logic của một tư tưởng đơn giản duy nhất”, tư duy toàn trị dựa hoàn toàn vào tư tưởng này. Đấy là tư tưởng về tính ưu việt của một chủng tộc hay đấu tranh giai cấp. Đấy là thế giới quan bắt buộc đối với tất cả mọi người. Trên thực tế, một hệ tư tưởng được tiêu chuẩn hoá, duy nhất được coi là bộ khung cho thế giới quan của tất cả công dân của nhà nước toàn trị. Hệ thống tư duy này có những đặc điểm một bên là tình đoàn kết và chủ nghĩa tập thể và bên kia là hình ảnh kẻ thù, kẻ thù có thể là một giai cấp, một chủng tộc hay một nước. Tư duy toàn trị luôn luôn là tư duy chia cắt, nó coi thế giới như một sơ đồ đen-trắng: một bên là “ta” – nhân dân hay giai cấp duy nhất, tuân theo ý chí của lãnh tụ và lí tưởng cao đẹp, bên kia là địch, kẻ chịu mọi trách nhiệm trước tập thể “ta”. Chúng phải chịu trách nhiệm về cả những khó khăn và tổn thất của chính “ta”. Đối với nước Đức thì “địch” là người Do thái, đối với Liên xô thì đấy là: “kẻ thù của nhân dân” hay “kẻ thù giai cấp”.
“Một đất nước, một dân tộc, một lãnh tụ” – là khẩu hiệu của Đảng phát xít. “Ai không theo ta là chống lại ta” - những người bolsevic khẳng định. Cấu trúc ngôn ngữ và tư duy tiêu chuẩn hoá phù hợp với nhiệm vụ quản lí một đất nước như là một cỗ máy duy nhất, đảm bảo sự cố kết xã hội trên cơ sở những tư tưởng và nguyên tắc đơn giản, duy nhất. Cũng vì lí do như vậy mà tất cả các chế độ toàn trị đều thực hiện chính sách đồng hoá các chủng tộc. Các dân tộc thiểu số hoặc là bị xào xáo trong một cái chảo của nền văn hóa chính thức duy nhất (như được tuyên bố ở Liên xô những năm 30, nơi người ta cố gắng tạo ra một mẫu văn hoá chung gọi là “nhân dân Xô viết”) hoặc là bị hoà tan vào một nền văn hoá của một dân tộc (chính nền văn hoá này cũng bị đồng nhất và cải biên một cách thô bạo) mà nhà nước toàn trị lấy làm cơ sở (chính sách Nga hoá sau thời kì chiến tranh thế giới thứ II) hoặc là bị tiêu diệt hoàn toàn (như người Do thái và người Di gan ở Đức). Ngay cả khi chế độ toàn trị tuyên bố theo chủ nghĩa quốc tế, nó vẫn theo đuổi xu hướng đồng hoá. “Nước Nga vĩ đại đoàn kết đến muôn đời Liên bang bền vững của các nước cộng hòa độc lập, tự do” - lời mở đầu của Quốc ca Liên xô cho ta thấy ngay quan hệ lệ thuộc của các nước cộng hoà thành viên so với nước Nga. Nhưng chính nền văn hoá của dân tộc “cơ sở” này cũng bị cải biên một cách thô bạo, nhiều tầng văn hóa liên quan đến những tìm tòi mang tính tôn giáo, văn học và kí ức lịch sử đã bị cố tình loại bỏ. Lịch sử nước Nga bị viết đi viết lại nhiều lần cho hợp gu với ý thức hệ của chế độ toàn trị, ngôn ngữ cũng bị bộ máy tuyên truyền chính thức và hệ thống giáo dục cải biên. Các chính sách và biện pháp tương tự đối với văn hoá cũng được tiến hành ở Đức và ở các nước theo chế độ toàn trị khác.
Và hậu quả
Chính sách như vậy nhất định đòi hỏi một cơ chế xã hội đặt biệt, một mặt đấy là lòng nhiệt tình của quần chúng được định hướng từ bên trên và mặt khác, đấy là những cuộc trấn áp có tính tập thể. Phá hủy một cách triệt để nếp sống của phần lớn cư dân, tăng tốc tiến trình công nghiệp hoá – các biện pháp này đòi hỏi sự kiểm soát gắt gao từ phía nhà nước. Cần thực hiện những biện pháp mạnh để có thể tiêu diệt tư tưởng bất tuân ngay từ trong trứng nước. Tại Liên xô, trong những xí nghiệp tập thể ở nông thôn, trong các hợp tác xã người ta đã áp dụng hình thức tổ chức lao động giống như tại các xí nghiệp công nghiệp: đứng đầu là một chủ tịch do chính quyền bổ nhiệm, đến lượt mình, ông ta bổ nhiệm lãnh đạo các đội sản xuất dưới quyền. Trên thực tế, toàn bộ lương thực, thực phẩm sản xuất ra đều phải nộp cho nhà nước, xã viên chỉ được nhận những tờ biên lai gọi là “ngày công”. Tất cả công việc sản xuất phải theo kế hoạch do cấp trên đưa xuống, không hoàn thành thì bị phạt nặng. Xã viên phải xin phép mới được đi khỏi nơi cư trú [1] . Những người không chịu vào hợp tác xã bị coi là “địa chủ” hoặc “tay sai địa chủ” và bị đàn áp khốc liệt. Cuối năm 1929 Stalin tuyên bố rằng nông dân “xin” vào hợp tác xã “từng làng, từng xã, đôi khi từng huyện” một lần và hạ lệnh “tiêu diệt giai cấp địa chủ”. “Địa chủ” và “tay sai địa chủ” bị tịch thu hết tài sản, cả gia đình bị đầy lên phương Bắc hay sang Sibirie. “Người ta tịch thu từ cái tã, giật từ chân trẻ con.” - một nhân chứng đã viết như vậy. Theo lời của Isaak Steinberg, một đảng viên Xã hội cách mạng theo đường lối tả khuynh thì “thực ra là người ta đã tuyên bố một cuộc đàn áp toàn thể nông dân, kể cả tầng lớp dân nghèo. Trung bình có 10-15% số hộ bị tịch thu, nhiều tỉnh có đến 40%”. Những làng giàu có bị cho đi đầy tất. Những người nông dân còn sót lại bị buộc phải vào hợp tác xã. Sau này Stalin từng thú nhận với Churchill rằng “chính sách tập thể hoá là một cuộc đấu tranh khủng khiếp”, phải chiến đấu với “hàng chục triệu nông dân”, phải chiến đấu với “những con người nhỏ bé”. “Chuyện khủng khiếp đó kéo dài bốn năm. Thật là khó khăn và khủng khiếp, nhưng là việc cần thiết”. Chỉ trong mấy năm đầu công nghiệp hoá và tập thể hoá đã có 10 triệu nông dân trốn nạn đói, chạy vào thành phố và như vậy đã cung cấp cho nền công nghiệp quốc doanh đang phát triển như vũ bão sức lao động rẻ mạt. Năm 1930 nông dân đã phản ứng với chính sách đó bằng những cuộc bạo loạn. Trong năm đó, năm tập thể hoá toàn diện đã xảy ra 1375 cuộc bạo động với sự tham gia của 3,5 triệu nông dân. Cuộc phản kháng của nông dân Ukraine là kiên cường và mãnh liệt nhất - tổng cộng có 4098 cuộc nổi dậy ở Ukraine. Những vùng kiên cường khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt: trong những năm 1932-1933 người ta đã cố tình gây ra nạn đói giết chết 4 đến 5 triệu nông dân Ukraine.
Ở nước Đức, Trong những năm 30-40 việc kiểm soát của nhà nước đối với kinh tế không quá mức như ở Liên xô, vẫn còn các ngành công nghiệp tư nhân, tuy các ngành này ngày càng bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn. Ngoài ra, việc tăng tốc hiện đại hoá công nghiệp không làm giảm mức sống mà ngược lại đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, tình trạng thất nghiệp gần như được thanh toán. Nhưng đấy trước hết là do tăng cường đầu tư vào các tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Chính điều đó đã giúp nước Đức phát động thế chiến thứ II. Các tổ hợp quốc phòng không làm ra hàng hoá tiêu dùng mà dân chúng cần, nhưng lại không thể họat động chỉ để họat động, nếu thế nó sẽ tạo ra tình trạng khủng hoảng trong nền kinh tế Đức. Phải sử dụng cơ hội do việc tăng cường vũ trang đưa lại để tiến hành chiến tranh xâm lược (Liên xô cũng đặt ra nhiệm vụ như vậy). Các biện pháp phát triển công nghiệp đi kèm với quá trình quân sự hoá lao động, cột người lao động với xí nghiệp không khác gì nông nô. Ở Liên xô người ta sử dụng những cuốn sổ gọi là sổ lao động. Nếu lãnh đạo xí nghiệp không đồng ý cho người lao động chuyển sang xí nghiệp khác thì họ không đưa cho người lao động cuốn sổ, xí nghiệp có ý tuyển dụng không thể nhận người lao động này.
Nạn nhân của các cuộc đàn áp ở Đức ít hơn ở Liên xô, chỉ có khoảng một trịêu người bị đưa vào trại tập trung, mấy trăm ngàn người bị thủ tiêu. ...Nhiều tầng lớp dân cư - đại diện các đảng phái chính trị, các nhà họat động công đoàn, giới trí thức đối lập, người Do thái, người Di gan. Cuộc thanh trừng nội bộ không lớn như ở Liên xô. Nước Đức lúc đó đã là một nước công nghiệp phát triển, nó không cần thực hiện một cuộc tấn công dữ dội đến như thế vào nếp sống của người dân như ở Liên xô. Đàn áp phát xít diễn ra trong chiến tranh thế giới thứ II. Bọn phát xít muốn thiết lập một trật tự mới ở châu Âu, nghĩa là kiểm soát các cơ sở sản xuất chủ yếu, các nguồn tài nguyên quan trọng và phân bố lại dân cư trên những vùng đất chiếm được. Hàng triệu người dân Ukraine, Bạch nga, Ba lan, Nga và các nước khác bị lùa sang làm việc khổ sai tại Đức, một số đã chết vì phải làm trong những điều kiện quá tồi tệ. “Lúc đó [2] ”– Himler nói – “chúng ta chưa đánh giá đúng nguồn nhân lực dồi dào như ta đánh giá hôm nay [3] . Đấy cũng không phải là điều đáng lấy làm tiếc nếu ta suy nghĩ theo những phạm trù của các thế hệ, nhưng việc mất mát lực lượng lao động, nghĩa là việc tù binh bị chết một lúc hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn vì kiệt sức và vì đói, ngày nay phải coi là việc phi lí”. Chế độ phát xít bị qui tội giết chết 6 triệu người Do thái, tiêu diệt rất nhiều người Slav, cưỡng bức di dân và di chuyển một lực lượng lao động to lớn. Người ta còn định chuyển một số dân Đức đến định cư ở một số vùng đất bị chiếm đóng.
Một điều đáng chú ý nữa là quân chiếm đóng phát xít đã không giải tán các hợp tác xã nông nghiệp tại các khu vực chiếm được của Liên xô mà tiếp tục sử dụng các hợp tác xã đó như là phương tiện để cướp bóc lương thực cho nhu cầu chiến tranh.
Toàn trị ở phương Đông
Nhiệm vụ tăng tốc quá trình công nghiệp hoá đất nước và hiện đại hoá quân đội cũng được ban lãnh đạo maoist của Trung quốc giải quyết trong những năm 50-60 của thế kỉ trước. Ở đây tình hình cũng gần giống Liên xô – Trung quốc vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu cho nên chính sách hiện đại hoá phần lớn cũng sao chép các phương pháp của Liên xô. Chế độ cộng sản Trung quốc đã xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, thậm chí chế tạo được cả bom nguyên tử. Đa số nông dân bị thúc ép vào các công xã, thực chất là các xí nghiệp quốc doanh, tương tự như các hợp tác xã ở Liên xô, dĩ nhiên là cũng bằng các biện pháp tương tự như ở Liên xô. Cái giá phải trả thật là khủng khiếp: theo một vài thống kê thì số người bị đàn áp lên đến 100 triệu (dân số Trung quốc lúc đó khoảng 600 triệu).
Trong thế giới Hồi giáo, sau khi được giải phóng khỏi chế độ thực dân hồi những năm 50-70, các phong trào dân tộc đã giành được chính quyền. Các chế độ đó, cũng giống như những người maoist ở Trung quốc, đã làm mọi cách để phát triển công nghiệp để có thể nói chuyện tay đôi với các nước phát triển phương Tây, và họ đã dựa vào truyền thống độc tài Á đông, nghĩa là dựa vào bộ máy nhà nước quan liêu bao trùm lên toàn xã hội. Hầu như toàn bộ nền công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ xã hội cũng như đất đai trong các nước này đều do nhà nước kiểm soát và quản lí. Cũng giống như ở Liên xô và Trung quốc, phe đối lập ở đây bị thủ tiêu về mặt thể xác. Như vậy nghĩa là các phong trào giải phóng dân tộc sau khi đã giành chính quyền ở những nước này đã thi hành các chính sách có thể coi là toàn trị tuy mức độ không bằng Trung quốc. Các vụ cải tạo đó không phá vỡ được các cộng đồng cư dân nông nghiệp, tuy có làm lung lay vai trò và ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Các cơ sở của truyền thống làng xã được đạo Hồi cố kết tỏ ra mạnh hơn so với một số nước khác trên thế giới.
Một số biện pháp toàn trị đặc thù cũng được nhà nước Do thái thực hiện. Sau khi thành lập vào năm 1947, nhà nước này cũng cố gắng thành lập một nền công nghiệp quốc phòng mạnh do nhà nước bảo trợ và quản lí. Đời sống xã hội bị quân sự hoá, tất cả đàn ông và phần lớn phụ nữ phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Một nền văn hoá đồng nhất dựa trên tiếng Ivrit (một ngôn ngữ được tạo lập trên cơ sở tiếng Do thái cổ) để có thể đưa “một dân tộc của những người thợ thủ công và buôn bán” thành “dân tộc của các nông dân, công nhân và bộ đội” như các khẩu hiệu chính thức thường kêu gọi. Các ngôn ngữ có nguồn gốc châu Âu, được hình thành một cách tự nhiên như Yiddish, Espanol-Ladino, Jude-Arab bị loại bỏ. Có thể đây chính là một cuộc thí nghiệm được tiến hành một cách hệ thống nhất đối với ngôn ngữ trong toàn bộ lịch sử loài người. Các cố gắng nhằm thành lập một nhà nước đồng chủng được thực hiện cùng với việc trục xuất 750 ngàn người Palestin, những vụ diệt chủng như vụ giết người tàn bạo tại làng Deir-Yasin vào năm 1948, việc phá huỷ và lăng mạ các đền thờ Hồi giáo và các biểu tượng của nền văn hoá A-rập khác. Cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục được những hậu quả của nhà nước toàn trị Do thái, cuộc sống của hàng triệu người cả Do thái và A-rập, những người đang tham gia vào những cuộc xung đột thường xuyên và không biết bao giờ mới chấm dứt ở Trung Đông.
Trong các nền văn minh phương Đông chỉ có Ấn độ là tránh được chế độ độc tài. Tất nhiên chính phủ nước này ở một mức độ nào đó cũng kiểm soát kinh tế, cũng định hướng sự phát triển công nghiệp, cũng tăng cường bộ máy quân sự, cũng đàn áp đối lập, bóc lột nông dân. Nhưng về chiều rộng và chiều sâu của các biện pháp thì không thể nào so sánh với Liên xô, Trung quốc và một số nước Hồi giáo khác. Đa phần nông dân Ấn độ vẫn sống ở nông thôn, tuy các thiết chế cộng đồng ở đây cũng đã lung lay rất nhiều.
Nguyên nhân là do thiết chế nhà nước ở Ấn độ chưa bao giờ mạnh mẽ như ở Nga và Trung quốc. Vai trò điều tiết của nhà nước còn thấp, cộng đồng nông dân cũng như thợ thủ công ở thành thị đóng vai trò lớn hơn so với các nền văn minh phương Đông khác. Mặt khác, truyền thống do phong trào Quốc dân Đại hội Ấn độ do Mahatma Gandhi thiết lập trong giai đoạn đấu tranh giải phóng: tự quản, bất bạo động, như là biện pháp giải quyết các bất đồng chính trị đã có ảnh hưởng nhất định.
Chủ nghĩa tư bản nhà nước, độc tài kiểu châu Á hay là thể chế xã hội mới?
Các nhà nghiên cứu chế độ toàn trị chưa tìm được tiếng nói chung xem nên coi chế độ toàn trị là hình thức đặc biệt của chủ nghĩa tư bản (chủ nghĩa tư bản nhà nước) hay chế độ chuyên chế kiểu châu Á trong thời đại công nghiệp hoá hay thể chế xã hội hoàn toàn mới.
Các nhà Đông phương học tại Liên xô trước đây, những người bảo vệ luận điểm cho rằng đây là chế độ chuyên chế kiểu châu Á (họ còn viện dẫn cả Karl Marx và đã bỏ qua một số hiện tượng của lịch sử cận đại Nga, chỉ chú trọng vào lịch sử cổ đại Trung quốc và Assiria), đã bị đàn áp khốc liệt. Đa số các nhà khoa học này đã bị giết trong các cuộc thanh trừng thời Stalin và học thuyết của Karl Marx về nền chuyên chế châu Á đã bị khoa học lịch sử Xô viết bỏ qua. Người ta còn sáng chế ra năm hình thái (cộng sản nguyên thuỷ, chiếm nô, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa) – và tuy không được các sự kiện lịch sử xác nhận và dĩ nhiên là chẳng phải do Marx tìm ra, vẫn được gắn với tên tuổi của ông và được coi là lí thuyết lịch sử toàn năng. Nói chung lí thuyết về nền chuyên chế châu Á là một lí thuyết đặc biệt: người ta coi Karl Marx là thiên tài không ai vượt qua nổi về kinh tế học và chính trị học, nhưng đồng thời người ta lại cố tình cắt xén một loạt tư tưởng của ông. Nguyên nhân: các mô tả của Karl Marx về nền chuyên chế châu Á rất giống với xã hội Xô viết đương thời. Cũng là chuyên chế về chính trị trị kết hợp với việc kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động kinh tế. “Trong các nước xã hội chủ nghĩa”, nhà Đông phương học Nga, Leonid Vasiliev, viết “người ta thấy trước hết chính quyền và nạn bạo hành do nó tạo ra....Theo ý nghĩa này thì các nước xã hội chủ nghĩa chỉ là biến thể của cơ cấu phương Đông truyền thống. Tất nhiên công cuộc hiện đại hoá và tiến bộ kĩ thuật, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của những nước này. Xuất hiện ảo tưởng rằng giữ nguyên cơ cấu nội tại, dựa trên sự đàn áp và quyền hành vô giới hạn của nhà nước người ta vẫn có thể vượt được chủ nghĩa tư bản. Nhưng ảo tưởng này không thể đứng vững nổi khi ta phát hiện ra những khiếm khuyết của một hệ thống phi nhân”. Như vậy, theo quan điểm của các lí thuyết gia này thì đấy chỉ là sự thiết lập hay tiếp tục của nền chuyên chế Á Đông trên một cơ sở mới, cơ sở của nền công nghiệp. “Khi toàn thế giới kinh ngạc theo dõi các cuộc thí nghiệm của Mao, người định đẩy cả một đất nước rộng lớn vào trại lính thì ở chính Trung quốc, dù trong tiểu tiết có thể chưa hoàn toàn thống nhất thì về đại thể người ta lại cho rằng đấy là công cuộc tìm kiếm một xã hội công bằng, một nhà nước hoà hợp, do một lãnh tụ sáng suốt lãnh đạo”, Vasiliev viết tiếp. “Nói một cách khác, truyền thống…đã có ảnh hưởng gần như quyết định". Lí thuyết này giải thích được một số hiện tượng tại Liên xô, tại nước Trung hoa maoist trước đây cũng như một loạt các nước khác, nhưng thứ nhất còn nhiều vấn đề chưa được lí giải, thứ hai, lí thuyết này không thể giải thích được sự xuất hiện các chế độ toàn trị ở châu Âu (Đức, Ý). Thật khó có thể coi chủ nghĩa phát xít là biểu hiện của chế độ chuyên chế Á châu vì nước Đức nằm giữa lòng châu Âu chứ không phải châu Á.
Chính vì vậy có một số người không đồng tình với lí thuyết trên. Một số nhà nghiên cứu ngày nay lại coi chế độ toàn trị là chủ nghĩa tư bản nhà nước hay hình thức đặc biệt của chủ nghĩa tư bản (Robert Kurz). Họ đã nhận thấy sự giống nhau giữa quá trình phát triển tư bản-công nghiệp trong giai đoạn đầu ở một loạt nước với quá trình công nghiệp hoá và tập thể hoá nông thôn ở Liên xô dưới thời Stalin: đều được tiến hành dưới sự bảo trợ của nhà nước và bằng việc cướp bóc và phá hoại các cộng đồng nông nghiệp.
Cội nguồn chủ nghĩa tư bản Âu châu không phải là "nâng cao mức sống", mở rộng quan hệ thị trường mà là cơn khát tiền bạc không cùng của nhà nước chuyên chế để đầu tư cho bộ máy chiến tranh. Chính quyền lợi của bộ máy đó, một bộ máy lần đầu tiên trong lịch sử choàng được lên đầu lên cổ xã hội cái ách quan liêu, đã thúc đẩy sự phát triển giới thương gia và tư bản vượt ra ngoài các quan hệ buôn bán truyền thống. Chỉ có như thế tiền mới trở thành động lực trung tâm của xã hội, lao động mới trở thành trừu tượng nghĩa là không phụ thuộc vào tiêu thụ.
Đa số người tham gia vào quá trình sản xuất cho thị trường cũng có nghĩa là cho nền kinh tế tiền tệ không phải là tự nguyện mà là do cơn khát tiền của nhà nước chuyên chế đã bắt họ phải nộp thuế bằng tiền, đồng thời tăng thuế lên mức chưa từng có trước đây. Họ "kiếm tiền" không phải cho mình mà là cho bộ máy nhà nước được trang bị bằng vũ khí nóng, để nuôi sống và quan liêu hoá chính bộ máy nhà nước đó. Đấy chính là lí do xuất hiện hiện tượng tích tụ tư bản như là mục đích tự thân và lao động trở thành lao động cho nhu cầu của thị trường, bị tha hoá.
Nhưng chẳng bao lâu sau thì sưu thuế cũng không đủ nữa. Các viên chức của nhà nước chuyên chế và tư bản tài phiệt bắt đầu dùng sức mạnh để tổ chức chính con người thành một loại vật tư của guồng máy xã hội nhằm biến lao động thành tiền. Lối sống cũng như phương tiện kiếm sống truyền thống bị phá vỡ, nhưng không phải là dân chúng tự nguyện “phát triển” trên cơ sở quyền tự quyết của họ mà vì rằng “vật liệu” người cũng phải được làm cho khớp với guồng máy tích luỹ tư bản đã được khởi động. Để có chỗ nuôi cừu lấy lông, người ta đã dùng vũ lực đuổi dân chúng khỏi những cánh đồng họ vẫn canh tác. Các quyền có từ xa xưa như tự do săn bắn, tự do đánh cá, tự do nhặt củi đã bị bãi bỏ. Trở thành những người vô gia cư lang thang, ăn xin và ăn cắp, họ lại bị đưa vào các trại lao động và nhà máy. Ở đây, những người ngày hôm qua còn là nông dân bị máy móc hành hạ đến kiệt sức và bị nhồi vào đầu cái tâm lí của kẻ nô lệ làm thuê, không khác gì súc vật.
Giai cấp tư sản hiện đại, những kẻ kế thừa của chế độ chuyên chế, có nguồn gốc hoàn toàn không phải từ những thương lái trên những con đường buôn bán thuở xa xưa. Họ chính là hậu duệ của những đầu lĩnh đánh thuê, những viên chức nhà tù và trại lao động, những viên chức thuế vụ, những cai thầu và những tên giết người khác. Các cuộc cách mạng tư sản thế kỉ XVIII và XIX hoàn toàn không phải là để giải phóng xã hội, chúng chỉ sắp xếp lại quan hệ quyền lực bên trong hệ thống cưỡng bách đã định hình, chúng chỉ giải phóng các thiết chế xã hội khỏi những dòng họ đã lỗi thời mà thôi. Chính cuộc Cách mạng tư sản Pháp đã nhiệt liệt biểu dương nghĩa vụ lao động và bằng cách đưa ra luật “chống ăn xin” nó đã thể chế hoá môt hình thức cưỡng ép lao động mới: nhà tù.
“Trong giai đoạn phát triển cao của nền sản xuất hàng hoá ở phương Tây và cuộc cạnh tranh gay gắt trên trường quốc tế”, Kurz viết trong cuốn “Collapse of Modernisation”, “bất kì cố gắng hiện đại hoá nào ở những khu vực chưa phát triển của thế giới nhất định sẽ mang tính chất chạy đua khốc liệt, trong đó vai trò của nhà nước, vốn đặc trưng cho giai đoạn đầu của thời đại mới, sẽ không chỉ tái xuất hiện mà còn thể hiện dưới dạng khắc nghiệt hơn, triệt để hơn so với các nguyên mẫu phương Tây trong quá khứ....Tính chất bạo lực khốc liệt của công cuộc hiện đại hoá...Xô viết là do cả một thời đại phát triển công nghiệp của phương Tây kéo dài 200 trăm năm: chủ nghĩa trọng thương, Cách mạng tư sản Pháp, quá trình công nghiệp hoá và nền kinh tế đế quốc chủ nghĩa đã hoà làm một và bị dồn ép vào trong một giai đoạn cực kì ngắn”
“Người ta có thể thấy ngay rằng chính quyền cộng sản đặc biệt khốc liệt ở những nơi mà ý chí hiện đại hoá được thể hiện rõ, và đồng thời giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hoá lại đòi hỏi phải di chuyển một số lượng cư dân nông nghiệp to lớn cũng như thiếu nguồn tích luỹ tư bản”, nhà nghiên cứu người Nga, Aleksandr Kustarev, viết. “Sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Anh là hình mẫu cho các nhà cải cách. Người ta không quan tâm đến các nạn nhân, còn những ai “cản trở” tiến bộ sẽ bị tiêu diệt, sau đó người ta đã tìm ra lí lẽ cao cả cho các các cuộc thanh trừng (hệt như những người bolsevic vậy...). Thế kỉ thứ XVII ở Anh có rất nhiều làng xã, nhưng một thế kỉ sau thì đã biến mất gần hết. Quá trình đô thị hoá ở Anh cũng được tiến hành bằng những biện pháp và có chung mục đích với việc tịch thu tài sản của giai cấp địa chủ ở nước Nga.”
Ngoài ra, những người theo lí thuyết chủ nghĩa tư bản nhà nước còn viện dẫn luận điểm sau đây: tổ hợp sản xuất vĩ đại với tên gọi là Liên xô đã hoà nhập vào nền kinh tế thế giới. Liên xô bán ra nước ngoài nguyên liệu, trong những năm 30 của thế kỉ XX thì đấy là vàng, do tù nhân khai thác và lúa mì, tước đoạt của nông dân trong các hợp tác xã và sau này thì bán dầu hoả, khí đốt, gỗ, vàng, kim cương, v.v. Tiền thu được từ xuất khẩu được dùng để trang trải cho quá trình công nghiệp hoá (chỉ trong các năm từ 1931 đến 1936 tiền thu được từ xuất khẩu lúa mì và vàng đã trang trải các hợp đồng Xô-Đức, cung cấp rất nhiều máy móc cho các nhà máy đang được xây dựng tại Liên xô) và giữ vững ổn định cho chế độ. Chuyên chế châu Á bao giờ cũng dựa trên nền sản xuất tự cấp, tự túc, nghĩa là bế quan toả cảng, ức thương, trong khi Liên xô không thể tồn tại nếu không dựa vào nền kinh tế thế giới, và mặc dù nền kinh tế Xô viết là nền kinh tế do nhà nước quản lí, đối với bên ngoài thì nó là nền kinh tế thị trường. Còn nền kinh tế của nước Đức và nước Ý phát xít thì rõ ràng là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi bởi vì các chính phủ ở đấy chưa bao giờ tiến hành các biện pháp nhằm triệt hạ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, còn sự can thiệp của nhà nước, tuy ngày càng tăng, vẫn mang tính chất hạn chế. Ngay cả nếu nền kinh tế Đức có bị quốc hữu hoá hoàn toàn thì đấy cũng không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản đã biến mất.
Cuối cùng, có một số nhà nghiên cứu coi chủ nghĩa toàn trị là một thể chế xã hội hoàn toàn mới. Đấy là George Orwell, Max Schachtmann, André Gorz, Hannah Arendt. Hannah Arendt cho rằng hệ thống toàn trị bao gồm các thành phần chủ yếu sau: quần chúng “hạt nhân” (đám đông bao gồm những cá thể bị cắt lìa khỏi những mối dây liên lạc cũ và tách biệt với nhau – ND), các tổ chức toàn trị, tuyên truyền theo kiểu toàn trị, quản lí toàn diện và tuyệt đối, thống nhất về tư tưởng và khủng bố, cảnh sát mật và trại tập trung. Bà cho rằng chưa hề có hình mẫu nào tương tự như vậy trong lịch sử.
Chúng tôi chia sẻ quan điểm của những người theo trường phái chủ nghĩa tư bản nhà nước, nhưng cho rằng ý kiến của họ cũng chưa thật đầy đủ. Chủ nghĩa toàn trị là một thể chế xã hội hoàn toàn mới, nhưng nó không xuất hiện trong chân không mà phát sinh từ những xã hội đã tồn tại từ trước, nó mang trong mình những đặc trưng của các xã hội ấy, trước hết là xã hội tư bản công nghiệp hoá. Trong lịch sử nhân loại chưa hề có một thể chế xã hội nào tương đồng với chế độ toàn trị với những đặc trưng cơ bản là nhà nước bao trùm lên tất cả và nô dịch tích cực. Nhưng cái mới không phải xuất hiện một cách bất thình lình và ngay lập tức. Chúng tôi cho rằng toàn trị là một hình thức thống trị mới, tinh vi hơn tất cả các hệ thống cai trị đã từng tồn tại từ trước tới nay vì nó tạo ra một hình thức cai trị toàn diện của tầng lớp nắm quyền không chỉ đối với hành vi mà còn đối với tư tưởng và tình cảm của con người.
Nói chung, cuộc tranh luận xem toàn trị là hậu duệ của chế độ nào tự nó đã bị chính trị hoá. Có vẻ như đấy là cuộc tranh luận về việc chế độ toàn trị xuất phát từ đâu: phương Tây với chủ nghĩa cá nhân và công nghiệp hoá hay phương Đông với truyền thống chuyên chế và tinh thần tập thể?
Chúng tôi cho rằng chế độ toàn trị có thể xuất hiện ở những nơi mà công cuộc hiện đại hoá theo đường lối tư bản-công nghiệp các xã hội truyền thống được thực hiện với tốc độ quá nhanh, nhưng không chỉ ở những nơi đó. Trong những xã hội khi mà sự tương trợ giữa các cá nhân với nhau bị phá vỡ, con người mất hết phương hướng và mục đích sống, trở thành những người lang thang, cô đơn, chuyển động một cách hỗn loạn thì khi đó chế độ toàn trị có thể trở thành nhu cầu, thành hình thức tái lập trật tự cần thiết và được chờ đợi. Chế độ toàn trị xuất hiện ở những nơi có xung đột giữa hai cách nghĩ, hai cách sống: tư bản-công nghiệp-hạt nhân và tập thể-làng xã. Nó dĩ nhiên là sản phẩm của nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng là phản ứng của những tầng văn hoá và tư duy tiền công nghiệp đối với hiện tượng này.
Tư duy tiền công nghiệp và chế độ toàn trị
Cơ cấu chủ yếu của xã hội tiền công nghiệp là các cộng đồng cư dân nông nghiệp, một tổ chức tập thể được xây dựng trên cơ sở tự quản, các hiệp hội khác như hiệp hội thợ thủ công v.v. cũng được xây dựng trên cở sở tương tự. Tư duy ở đây dựa trên cơ sở sự đoàn kết, tương trợ và bình đẳng về kinh tế. Tất nhiên là cũng có tâm lí hám lợi và tham lam, nhưng xu hướng chủ đạo vẫn là tình đoàn kết. Căn nguyên của cuộc xung đột đóng vai trò quyết định đối với thời đại chúng ta nằm ở chỗ này.
Xã hội tư bản-công nghiệp hoá dù ở phương Đông hay ở phương Tây đều mang tính cá thể, nó phá vỡ các mối liên hệ cộng đồng, thày-thợ, hay nghề nghiệp cũ, thậm chí nó phá vỡ luôn cả các quan hệ họ hàng mà thay vào đó là các quan hệ manh tính chức năng, xã hội hoá cứng nhắc. Hàng triệu người được cột chặt vào những chiếc máy cái, bên cạnh những người chưa hề quen biết nhau, công việc mỗi người, thường là rất đơn điệu, lại bị cấp trên quản lí một cách gắt gao. Người ta bị đưa vào những thành phố lớn, sống cạnh những người xa lạ, trong những khối nhà với những căn hộ hoàn toàn giống nhau. Ở đâu cũng là các vật liệu tổng hợp, tất cả đều là màu xám. Cô đơn và trầm uất ngự trị khắp nơi. "Các thành phố rộng lớn, trong đó các cá nhân mất hết phương hướng, những dãy nhà cao tầng, như những dãy núi”, Erich Fromm viết, “tiếng loa phát thanh oang oang, các tiêu đề báo chí thay đổi ba lần trong một ngày, tất cả đã làm cho người ta không thể xác định được cái gì là chính yếu, cá nhân đối diện với những giá trị to lớn, nằm ngoài anh ta, làm cho anh ta cảm thấy mình như một hạt cát". Công nghiệp hoá là kết quả của những sáng kiến cá nhân, tinh thần doanh nghiệp và tự do cạnh tranh, nó cũng tạo ra trong các xã hội truyền thống một khoảng không gian cho tự do cá nhân mà trước đây có thể chưa có. Nhưng phải trả giá như thế nào! “Rõ ràng là nguyên tắc sáng kiến cá nhân đã thúc đẩy quá trình cá nhân hoá”, Erich Fromm viết, “và người ta luôn nói đấy là một đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền văn hoá đương đại. Nhưng trong khi thúc đẩy tự do (khỏi những tổ chức có tính cục bộ - chú thích của tác giả), nguyên tắc này đồng thời cũng phá vỡ các mối liên kết giữa các cá nhân, tách biệt con người khỏi đồng bào của mình”
Khái niệm con người cá nhân có từ thời Hi lạp cổ đại và từ thời Trung cổ. Ngay Thiên chúa giáo cũng đã đặt vấn đề lựa chọn cá nhân và trách nhiệm cá nhân. Cá nhân tính không phải được hình thành một cách đột ngột và ngay lập tức mà là trong hàng ngàn năm, đây là một quá trình chứ không phải là một vụ bùng nổ. Chủ nghĩa tư bản công nghiệp không tạo ra cá nhân tính mà là tạo cho nó, phát triển trong nó xu hướng bệnh hoạn, đấy là tự khẳng định mình trên lưng đồng loại. Vì vậy, trong thế giới ngày nay cái vẫn được gọi là tự do lại có thể chính là sự giam hãm trong tù ngục cô đơn. Không hiểu sao ít lí thuyết gia theo trường phái tự do nghĩ rằng tình trạng này kéo dài còn nặng nề hơn cuộc sống trong những xã hội cục bộ phân chia theo đẳng cấp (sau này ta sẽ thấy cũng có một số người hiểu được ở một mức độ nào đó).
Cần phải nhấn mạnh rằng quá trình cá nhân hoá, hạt nhân hoá liên quan đến sự phát triển các quan hệ thị trường, chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hoá tác động không chỉ đến những người thường xuyên sống ở thành thị mà cả những người bị cuốn hút vào quá trình cải tạo công nghiệp ví dụ các công nhân làm theo thời vụ và có tác dụng phá hoại đối với các cộng đồng nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống.
Phương pháp tư duy của chúng ta được hình thành trong hàng ngàn năm, nó không thể phù hợp ngay lập tức với những biến đổi đó. Hơn nữa, tại sao lại phải phù hợp? Như nhiều nhà nghiên cứu đã thừa nhận, trong tư duy cũng như trong nền văn hoá của chúng ta có nhiều tầng xưa cũ, liên quan đến hàng ngàn năm sinh hoạt trong các cộng đồng cục bộ. Một trong những tư tưởng gia của chủ nghĩa Tân Tự Do, Friedrich August von Hayek, cho rằng hành vi của con người được xác định bởi nhiều tầng văn hoá và truyền thống, thấm sâu trong những hành vi và ngôn ngữ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Loài người, F.A. von Hayek nói, không đột ngột nhảy ngay vào những thể chế xã hội dựa trên quan hệ thị trường và sở hữu tư nhân như hiện nay. Trước đó người ta đã sống hàng ngàn năm trong những cộng đồng nhỏ, thường khi tách rời nhau, những cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc tương trợ tập thể và công bằng xã hội. Trong ý thức của con người thời nay vẫn còn những tầng văn hoá cổ xưa liên quan đến thời quá khứ xa xôi ấy. Chúng không chỉ còn mà nhiều khi quyết định động cơ hành động của chúng ta. Hayek so sánh xã hội đó với xã hội tư bản hiện đại dựa trên quan hệ thị trường, nơi con người hành động một cách trực tiếp, trên cơ sở qui luật cung cầu chứ không phải trên cơ sở của các quan hệ cá nhân. Hayek còn không chịu gọi chủ nghĩa tư bản là “xã hội” để tránh một sự “lầm lẫn nguy hiểm” và đề nghị một tên gọi của chính mình là: “thiết chế mở rộng”. “Hiệp hội những cá nhân giữ những mối liên hệ gắn bó với nhau và cấu trúc được thiết lập bởi hàng triệu người, chỉ liên kết với nhau qua các tín hiệu, các tín hiệu này lại đi qua hàng loạt mắt xích – là những cơ cấu hoàn toàn khác nhau, tên gọi chung không những là một sai lầm mà còn gợi ra trong ta ước muốn làm cho “thiết chế mở rộng” thành ra giống như cái hiệp hội của những bằng hữu mà ta yêu thương. Bertrand de Jouvenel đã gọi rất đúng rằng đấy là tình cảm tiếc nuối nhóm nhỏ, khi ông nói: “môi trường khởi kì thuỷ con người đã sống vẫn có sức hấp dẫn không thể nói hết, nhưng tất cả những cuộc gán ghép các đặc trưng của nó cho toàn thể xã hội bao giờ cũng là không tưởng và dẫn đến bạo hành”. Nếu những mơ ước này được thực hiện thì ta phải giã từ tư hữu và thị trường (Hayek nói rất đúng rằng những cái này không hề có mặt trong “cộng đồng nhỏ cổ xưa”, chúng trái ngược với “hiệp hội của những bằng hữu mà ta yêu thương”), cũng có nghĩa là phải giã từ tự do, mà theo ý kiến của Hayek là không thể tách với các thể chế đó [4] . Như vậy là xu hướng toàn trị, theo Hayek, liên quan mật thiết đến những ước muốn sâu xa về việc xoá bỏ sự ghẻ lạnh trong quan hệ giữa người với người, vượt qua nỗi cô đơn và bất bình đẳng về kinh tế của chính quần chúng.
Nhưng như thế nhất định xuất hiện câu hỏi: nếu tự do mâu thuẫn với “tình cảm tiếc nuối nhóm nhỏ” như các lí thuyết gia Tân Tự Do khẳng định thì thắng lợi cuối cùng của “tự do” có dẫn đến việc thủ tiêu hoàn toàn các đặc trưng của con người như nhân hậu, vị tha, tương trợ, đoàn kết? Chả lẽ “xã hội tự do” lại là một xã hội lạnh lùng và ích kỉ đến nỗi ngoài các lí thuyết gia của chủ nghĩa Tân Tự Do ra sẽ chẳng còn ai muôn sống trong đó nữa? Ngoài ra, cũng theo F.A. von Hayek thì những tầng văn hoá cổ xưa là bất tử, “có sức hấp dẫn không thể nói hết” và có vai trò to lớn trong đời sống con người thì có cần phải đấu tranh chống lại chúng hay không? Hay hợp tự nhiên hơn chính là tìm cách dung hoà giữa xu hướng tập thể và tự do cá nhân?
Và cuối cùng, có thể cho rằng các phong trào toàn trị chỉ là một cố gắng nhằm tái lập hình thức quan hệ tiền công nghiệp giữa người với người? Theo quan điểm của chúng tôi vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Đúng là chế độ toàn trị mang trong mình nó một số hình thức của chủ nghĩa tập thể. Chỉ cần ta nhớ lại những đám đông hàng triệu người lòng tràn ngập hân hoan hoặc hận thù, hàng triệu người khác mong muốn được hoà tan vào những đám đông đó, và sự phê phán biểu hiện cá nhân chủ nghĩa do các phong trào đó tiến hành là ta phải công nhận kết luận nêu trên là đúng. Nhưng chế độ toàn trị không hề khôi phục các cộng đồng nông nghiệp hay thủ công nghiệp, thắng lợi của chế độ toàn trị cũng không dẫn tới việc tái lập các quan hệ xã hội thời tiền công nghiệp. Ngược lại, gần như ở đâu chế độ toàn trị cũng tiến hành hiện đại hoá theo hướng công nghiệp hoá một cách cấp tốc. Vấn đề ở chỗ là các hoài vọng tập thể cổ xưa được chồng lên cái thực tế ghẻ lạnh lạnh lùng của đời sống của mỗi chúng ta. Cơ chế hoà tan của cá nhân là thông qua “sự tự đồng nhất cái tôi của mình” - triết gia người Đức Martin Heidegger, đã viết – “với một chủ thể tập thể nào đó”, chủ thể chung đó có thể là dân tộc, giai cấp hay nhà nước. Từ lúc đó trở đi người ta bắt đầu đồng nhất cái tôi của mình với quyền lợi của cái toàn thể. Nhưng cái toàn thể mà ta nói tới ở đây khác hẳn với các tập thể thời tiền công nghiệp. Trước kia thì đấy là tình cảm họ hàng hay làng xóm hoặc hiệp hội thủ công, các thành viên của nó đã sống suốt đời bên nhau, quan hệ với nhau gắn bó như là họ hàng hay bạn bè gần gũi. Nhưng nay thì đấy là sự hoà tan vào đám đông những người vô danh. “Nếu trước đây người ta hoà tan vào các hệ thống nhóm nhỏ, các cộng đồng tôn giáo hay các mối liên hệ khác thì nay người ta phải một mình đối diện với cả thế giới và vì vậy người ta cảm thấy vô cùng lạc lõng và đánh mất ý nghĩa của chính cuộc đời mình”- một nhà nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị hiện đại Nga, Vadim Damier, đã nhận xét như thế. Erich Fromm cho rằng con người có thể lấy những sức mạnh ngoại tại như quốc gia, dân tộc, phong trào, lãnh tụ hay lí tưởng mà anh ta có thể đồng nhất mình vào để thay thế cho những quan hệ xã hội đã mất. “Tình cảm gắn bó với những nơi chốn thân yêu, gọi là “quê hương bé nhỏ” không liên quan gì đến chủ nghĩa yêu nước thời hiện đại”, Vadim Damier viết. “Đa số người (tuy không phải tất cả) có tình cảm gắn bó với những điều gần gũi thời thơ ấu, với phong cảnh thiên nhiên lúc thiếu thời, với những bài hát mẹ ru ngày thơ bé, nói một cách khác họ gắn bó với những hồi ức. Tất cả đều là những điều cụ thể, có thể yêu thương. Không ai lại nghĩ có thể sát sinh hay chết vì vẻ đẹp phong cảnh hay căm thù chỗ này vì yêu chỗ kia. Nhưng những khái niệm trừu tượng, lạnh lùng như quốc gia, dân tộc không gợi cho người ta tình yêu, nó tạo ra những tình cảm hoàn toàn khác: sùng bái và phục vụ, tuân phục chính quyền, thái độ hung hãn đối với tất cả những người không nằm trong nhóm”. Như vậy nghĩa là trong những biểu hiện đó của chủ nghĩa tập thể đã ẩn tàng khả năng bị các đảng phái, các chế độ theo xu hướng toàn trị giật dây rồi.
Các tổ chức toàn trị đã lợi dụng những khát vọng sâu xa của con người về sự gần gũi, hợp tác, trương trợ và những phản ứng của họ đối những điều tệ hại do công nghiệp hoá và cuộc sống cô đơn trong xã hội ngày nay, khi người ta chỉ biết lo cho mình, luôn luôn phải đấu tranh, giành giật nguồn lực và thị trường. Các chế độ toàn trị đã biến các động lực ấy thành cái ngược lại với chính nó, huy động những khả năng tiềm tàng của con người cho công cuộc hiện đại hoá xã hội một cách triệt để, cho chiến tranh và các cuộc trấn áp địch thủ. Nếu xã hội loài người là một cái gì đó toàn vẹn, giống như một cái lò xo lớn thì không thể nào kéo mãi nó ra, làm cho khoảng cách giữa người với người tăng mãi lên được. Khi kéo đến một mức nào đó thì nó sẽ tự co lại bất chấp khó khăn, bất chấp lí lẽ.
Điểm đặc biệt của chủ nghĩa phát xít Đức là nó không chỉ kết hợp được những động lực đó một cách trực tiếp, dưới dạng chủ nghĩa tập thể, tương tự như ở nước Nga bolsevic, mà còn kêu gọi trở về với tự nhiên, với cuộc sống ở làng quê, với các hình thức lao động mang tính tự cấp tự túc. Có khả năng là sau khi tiêu diệt hết người Slave ở phía đông (nếu Đức thắng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II) thì dần dần những điền chủ người Đức sẽ định cư tại những vùng đất bỏ hoá đó.
Chúng tôi không cho rằng hiện tượng này là yếu tố duy nhất đưa đến sự phát triển và thắng lợi của các phong trào toàn trị ở một số nước. Nó phải phối hợp với nhiều yếu tố khác như sự mất ổn định về kinh tế, những cuộc khủng hoảng chính trị, các tiến trình văn hoá phức tạp và quá trình hiện đại hoá nữa. Qui cuộc sống vào một nhân tố nào đó là một suy diễn sai lầm. "Các sự kiện lịch sử”, nhà sử học hiện đại người Nga, Mikhail Leonov, đã viết, “được thực hiện trong một không gian đa chiều và là kết quả tương tác của nhiều yếu tố. Tách một yếu tố cụ thể nào đó ra như là yếu tố quyết định để xây dựng một mô hình nhất quán tuyến tính với mục đích định sẵn sẽ dẫn đến sự đơn giản hoá và xuyên tạc các hiện tượng tượng lịch sử". Nhưng chúng tôi cho rằng các phong trào và các chế độ toàn trị đã liên kết được các khát vọng cộng đồng phi giai cấp của quần chúng và đấy chính là nguyên nhân chủ yếu đưa đến chủ nghĩa toàn trị, là lí giải cơ bản cho hiện tượng toàn trị - kết hợp giữa sự ép buộc của nhà nước với "sáng tạo sống động của quần chúng” (Lênin), nghĩa là nô dịch tích cực.
© 2004 talawas
TRANH LUÂN 6
[1]Ở ta gọi là giấy thông hành - ND
[2]Đây là nói năm 1941 –ND
[3]Năm 1943 –ND
[4]Tư hữu và thị trường -ND
No comments:
Post a Comment