Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 9 * VĂN HÓA VIỆT NAM 2

Nguyễn Kiến Giang
Nhìn nhận thực trạng văn hoá Việt Nam hiện nay
1 2

7.

Văn hóa Việt Nam cho đến nay vẫn chưa vượt khỏi cái khung của văn hóa truyền thống - nhận xét ấy không hề mâu thuẫn với việc khẳng định sự tồn tại của những yếu tố hiện đại của văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX này. Cũng không làm giảm bớt tầm quan trọng của những yếu tố hiện đại. Ở những mức độ nào đó, văn hóa Việt Nam đang cố bắt kịp trình độ (hay “tính”) hiện đại của các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Và những thành tựu về mặt này quả không ít.

Chỉ trong vòng mấy chục năm, như đã nói, chúng ta đã có những thể loại văn học nghệ thuật hiện đại: tiểu thuyết, thơ mới, kịch nói, hội họa, ca khúc trữ tình..., mà trong văn hóa truyền thống chưa từng có mặt. Báo chí và xuất bản cũng là những phương tiện hiện đại để trao đổi và truyền bá những sản phẩm tinh thần và văn hóa của xã hội. Các trào lưu tư tưởng hiện đại - từ triết học đền nghệ thuật - đã len lỏi và tìm được chỗ đứng chân ở nước ta. Vân vân và vân vân. Chứng minh sự tồn tại của những yếu tố văn hóa hiện đại ấy là không cần thiết: sự tồn tại của chúng rõ như ban ngày.

Nếu có điều gì cần nói thêm, thì đó là văn hóa Việt Nam có khả năng khá dồi dào trong việc tiếp nhận mọi trào lưu và xu hướng văn hóa hiện đại, cả về chiều rộng cũng như về chiều sâu. (Tất nhiên, khi nói như vậy, chủ yếu là nói tới giới tinh hoa (élite) của đất nước, vì ở đâu cũng vậy, giới tinh hoa bao giờ cũng đóng vai trò chi phối đời sống văn hóa và tinh thần của một dân tộc. Ngay cả một học thuyết mang tính giai cấp chặt chẽ như chủ nghĩa Mác, sự tiếp nhận và truyền bá nó cũng phải thông qua một bộ phận của giới tinh hoa ấy).

Đối lập với những đặc trưng của văn hóa truyền thống, các yếu tố văn hóa hiện đại mang theo những giá trị mới:

* Đối lập với sự phụ thuộc vào tự nhiên gần như tuyệt đối, là ý thức chiếm lĩnh và cải tạo tự nhiên;
* Đối lập với sự phụ thuộc của cá nhân vào cộng đồng, cũng gần như tuyệt đối, là ý thức về cá nhân và giải phóng cá nhân;
* Đối lập với địa vị thần dân, là ý thức độc lập của người dân, ý thức công dân;
* Đối lập với sự trì trệ về tư duy và hành động, là ý thức duy tân (đổi mới) và cách mạng;
* Đối lập với sự cô lập đối với bên ngoài (may thay, ở Việt Nam, điều này không mang tính tuyệt đối), là ý thức thế giới, hòa chung vận mệnh dân tộc và văn minh dân tộc vào vận mệnh loài người và văn minh loài người.

Các yếu tố hiện đại ấy không thuần nhất, có khi ngay trong một mặt nào đó cũng có những quan niệm ngược nhau. Ý thức về cá nhân và giải phóng cá nhân, chẳng hạn, có thể biểu hiện thành hai dạng khác nhau: hoặc là đặt cá nhân lên trước xã hội, hoặc là lấy sự giải phóng xã hội làm tiền đề cho sự giải phóng cá nhân. Nhưng cá nhân, với tư cách một thực thể, đã được tính đến mà không bị xóa bỏ như trong xã hội truyền thống. Cũng có thể nói như vậy đối với nhiều yếu tố hiện đại khác. (Chú ý: khái niệm “hiện đại” dùng ở đây chỉ có tính ước lệ, trong mối quan hệ đối lập với khái niệm “truyền thống”.

Bản thân khái niệm “hiện đại” cũng trải qua những biến đổi căn bản, gắn liền với những trình độ văn minh hiện đại khác nhau - văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp, tạm gọi như thế. Có những yếu tố của văn minh hiện đại công nghiệp đã bị văn minh hiện đại hậu công nghiệp phủ định. Cũng có những yếu tố truyền thông bị văn minh hiện đại công nghiệp phủ định hoàn toàn, lại tìm thấy chỗ đứng trong văn minh hiện đại hậu công nghiệp. Vấn đề này sẽ còn được quay trở lại sau này).

Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của các yếu tố hiện đại trong văn hóa Việt Nam là những hiện thực có thể sờ thấy, nhưng như đã nói, chưa đủ để làm cho văn hóa Việt Nam thành một nền văn hóa thật sự hiện đại.

Vì mấy lẽ:

* Những điều kiện xã hội - kinh tế chưa cho phép các yếu tố ấy mang tính phổ biến trong toàn xã hội. Đô thị và dân cư đô thị (cơ sở của văn hóa hiện đại) mới chiếm một vị trí nhỏ bé trong đời sống xã hội, nằm giữa một cái “biển nông thôn” mênh mông;

* Các thế lực thống trị thực dân tuy có du nhập một số yếu tố hiện đại nào đó có lợi cho sự thống trị ấy, nhưng về căn bản vẫn duy trì những giá trị truyền thống (điều này không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn một số việc làm của họ có lợi cho sự xuất hiện và phát triển của một số yéu tố văn hóa hiện đại nào đó);

* Đáng chú ý hơn cả là sự “thích nghi” của các yếu tố văn hóa hiện đại với môi trường truyền thống, đến mức làm cho các yếu tố hiện đại ấy bị tước bỏ phần ruột, chỉ còn lại phần vỏ, thậm chí còn củng cố hơn nữa các yếu tố truyền thống, kéo dài “sức sống” của các yếu tố đó dưới cái vỏ hiện đại. Điều này, như trên đã nói, vừa kìm hãm quá trình chuyển biến triệt để từ truyền thống sang hiện đại, nhưng cũng có cái lợi là tập cho các yếu tố truyền thống quen dần với các yếu tố hiện đại, khiên cho quá trình chuyển biến ấy diễn tương đối “êm thấm” hơn.

Chính lúc này, vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX này, cuộc sống dân tộc và vận mệnh dân tộc đang đặt ra sự lựa chọn gay gắt chưa từng thấy: sự “chung sống tương đối êm thấm” giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại không thể kéo dài được nữa; sự chuyển biến từ cái cũ sang cái mới không thể trì hoãn được nữa, nếu không muốn duy trì tình trạng lạc hậu và “lạc điệu” của nền văn hóa nước ta trong bối cảnh của những bước đi gia tốc của văn hóa và văn minh thế giới hiện nay.


8.


Chưa lúc nào như bây giờ, những xung đột trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta lại diễn ra quyết liệt đến thế. Và vì cái cũ tuy có yếu đi nhưng vẫn còn đó, với những sức mạnh không thể coi thường, còn cái mới tuy xâm nhập vào cuộc sống một cách mãnh liệt, ồn ào, nhưng chưa được khẳng định vững chắc, nên bộ mặt văn hóa nước ta hiện ra thật hỗn độn, khó phân định cái gì là cái gì (một nhà văn hôm trước viết một bài “rất đổi mới”, hôm sau đã lên giọng bảo thủ không kém những kẻ bảo thủ rồi). Có thể tạm dùng một từ để chỉ trạng thái đó: khủng hoảng. Đúng vậy, văn hóa nước ta đang khủng hoảng, diễn ra song song với trạng thái khủng hoảmg xã hội - kinh tế, mặt này vừa là hệ quả vừa là nguyên nhân của mặt kia.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở cái từ “khủng hoảng” trần trụi ấy, rõ ràng là chưa đủ, vì riêng từ này mới nói lên phần nào trạng thái nhiễu loạn, hay nói theo xã hội học, trạng thái “loạn cương” (anomie), mà chưa chỉ ra được nội dung và đặc trưng của trạng thái khủng hoảng đó. Hơn nữa, từ “khủng hoảng” thường được tiếp nhận theo ý nghĩa tiêu cực, trong khi trạng thái khủng hoảng hiện nay trong lĩnh vực văn hóa mang theo không ít những yếu tố tích cực, đáng đặt hy vọng. Hai mặt này thường mằm trong mối quan hệ phản ứng với nhau đôi khi thật quyết liệt.

Người ta thường phàn nàn về sự suy đồi, bại hoại của những giá trị đạo đức ở con người, đó đúng là một hiện thực bi đát thật. Nhưng có bao giờ văn học Việt Nam lại tập trung vào chủ đề thân phận con người và chiều sâu đạo đức của nó như hiện nay không? Hãy đọc dù chỉ là một số truyện ngắn thôi, cũng đủ thấy sự phản ứng đối với tình trạng băng hoại đạo đức ở con người được biểu hiện quyết liệt và sâu sắc như thế nào. Không cường điệu một chút nào, văn học Việt Nam hiện nay đang làm công việc “thanh lọc” về mặt đạo đức một cách bén nhạy nhất, có hiệu quả nhất, dù có ý thức hay không.

Sự chuyển biến về mặt văn hóa ở nước ta hiện nay biểu hiện rõ nhất ở sự thay thế các giá trị tinh thần cũ của xã hội bằng những giá trị tinh thần mới. Đó là sự thay thế về hệ giá trị mà không phải lúc nào cũng có thể nhận ra thực chất của nó. Bởi vì, không phải lúc nào những giá trị mới cũng xuất hiện dưới cái vỏ mới, mà trong một số trường hợp, lại xuất hiện dưới những hình thức cũ, có khi rất cũ. Ngược lại, những giá trị cũ có khi lại đội lốt những cái mới, thậm chí cái được coi là “tiến bộ” nhất.

Xin minh họa những điều vừa nói bằng mấy ví dụ lấy từ cuộc sống hằng ngày.

Trong những năm gần đây, hiện tượng quay về với đời sống tâm linh, với thờ cúng, với mồ mả, với gia phả... lan rộng chưa từng thấy. Bằng con mắt rất cũ (“duy vật vô thần”), có thể kết luận ngay đó là sự phục hồi của mê tín dị đoan, cần trừ bỏ bằng mọi cách, kể cả bằng quyền lực hành chính. Thoạt nhìn có vẻ là thế. Nhưng đi sâu vào thực chất, chưa hẳn là thế. Sự chú trọng nhiều hơn tới cá nhân mình, tới dòng dõi cha ông mình, tới những gì của mình, không giống của người khác, không hòa chung vào cộng đồng đến mức đánh mất cá nhân mình đi - đó là biểu hiện, dù còn ở dạng tiêu cực, của sự khẳng định cá nhân.


Đó là ý thức cá nhân được khẳng định như một giá trị tinh thần, do đó, như một giá trị văn hóa. Chưa nói tới một vấn đề có liên quan với hiện tượng đó: không chỉ ở nước ta, mà cả ở các nước phát triển khác, vấn đề đời sống tâm linh được đặt ra như một vấn đề của chính sự sống con người, một vấn đề có tính vĩnh cửu như chính sự sống và cái chết của con người. Ở nơi nào, ở người nào đời sống tâm linh càng bị chối bỏ bao nhiêu thì nó lại “quay trở lại” càng mạnh mẽ bấy nhiêu.

Trong khi đó, một phương tiện rất hiện đại, như tivi, có khi được dùng để chuyển tải và truyền bá những giá trị tinh thần rất cũ: sự phục tùng mù quáng, sự tôn thờ các thần tượng, dù đó có thể là những thần tượng cũng “rất hiện đại” (các siêu sao, các hoa hậu...).

Khủng hoảng văn hóa mang thêm một nội dung khác nữa: nó phá vỡ nền văn hóa chung và tạo ra nhiều thứ văn hóa khác nhau, đối lập nhau trong cùng một thời điểm. Văn hóa không có tính thống nhất nữa, nó mang rất nhiều bộ mặt. Hệ giá trị tinh thần thống nhất mất đi, nhường chỗ cho nhiều hệ giá trị rất khác nhau.


Không chỉ có sự khác nhau, đối chọi nhau ở từng vùng, thành phố hay nông thôn, ở từng lứa tuổi, mà thậm chí ở từng gia đình... Chưa bao giờ sự xung đột về hệ giá trị lại trở nên gay gắt như hiện nay. Nếu trước đây có thể nghĩ tới (và trên thực tế đã diễn ra) một sự “chung sống” tương đối êm thấm và kéo dài của các hệ giá trị đối lập nhau, thì bây giờ dưới sức ép của sự phát triển gia tốc trên thế giới và cả ở nước ta, khó hình dung được một sự “chung sống” như vậy. Trong rất nhiều trường hợp, những xung đột ấy mang tính phủ định lẫn nhau quyết liệt, không điều hòa. Lý tưởng cách mạng bị “lý tưởng tiền” phủ định; “tất cả vì mọi người” bị “tất cả vì mình” phủ định; chủ nghĩa độc tôn dân tộc bị chủ nghĩa hư vô dân tộc phủ định...

Ở đây, cần nhấn mạnh sự xuất hiện và gia tăng của một số yếu tố cực đoan và bệnh lý (pathologique) trong hành vi của một số người, tuy không nhiều nhưng lại tác động lớn tới không khí đạo đức của xã hội): trò đánh thầy, con đánh mẹ, đâm chết nhau chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt, dùng xương động vật làm giả hài cốt liệt sĩ, đào mả lấy xương làm giả hài cốt lính Mỹ bán cho người vượt biên, v.v... và v.v...

Nhiều thói xấu và tệ nạn xã hội hiện lên dưới bộ mặt trâng tráo, vô sỉ (cynique). Người ta ngang nhiên chiếm đoạt tài sản nhà nước cũng tức là của dân, ngang nhiên hợp thức hóa sự chiếm đoạt ấy. Tệ tham nhũng tàn phá cơ thể xã hội như chứng hoại thư. Tình trạng loạn cương trở thành phổ biến, khi những vi phạm về đạo đức và luật pháp được coi là “bình thường”, khi những hành vi của các cá nhân không còn được điều tiết bằng những chuẩn mực, những qui tắc chung nữa, mà chỉ là hoặc chủ yếu là theo những ham nuốn không giới hạn của cá nhân. Ở một mức độ nào đó, những ham muốn bệnh hoạn trở thành những “qui tắc”, những “chuẩn mực” chi phối hành vi con người. Khủng hoảng xã hội và văn hóa đang đưa xã hội tới một trạng thái nguy hiểm đối với toàn xã hội và đối với các cá nhân, khi con người rơi vào chỗ “không có niềm tin, không có luật pháp” (sans foi ni loi), theo cách nói của người Pháp. Nói đúng hơn, niềm tin trong nhiều trường hợp biến thanh niềm tin giả vờ, và luật pháp cũng biến thành luật pháp giả vờ.

Tâm lý giả vờ, oái oăm thay, lại được không ít người coi là một thứ giá trị mới để tồn tại yên ổn và để tiến thân nhanh chóng. Cộng với tâm lý đó là tâm lý chụp giựt, mạnh ai nấy được, bất chấp lương tâm, luật pháp, đang trở thành một “nếp sống mới”.

Tất nhiên, bên cạnh những xu hướng cực đoan và bệnh hoạn ấy, cũng đang tồn tại những xu hướng lành mạnh về đạo đức và hành vi, những sức mạnh tiềm tàng chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội, và không nên đánh giá thấp những sức mạnh này. Những yếu tố đạo đức và văn hóa lành mạnh ấy chưa đủ sức trở thành “dòng chủ lưu” của đời sống tinh thần toàn xã hội, nhưng đó chính là niềm hy vọng của đất nước trong tương lai. Mà ngay hiện nay, chúng cũng đã tạo thành một đập chắn đáng kể, không để cho những yếu tố cực đoan và bệnh hoạn tha hồ hoành hành. Cái khó là những yếu tố lành mạnh, do nhiều hạn chế khách quan và chủ quan (đặc biệt là chưa có những thể chế dân chủ vững chắc và ý thức công dân sâu sắc) nên thường biểu hiện nửa vời, không triệt để.

Hơn nữa, những yếu tố lành mạnh có khi lại chứa đựng những nội dung đầy mâu thuẫn. Ý muốn làm trong sạch xã hội về văn hóa và đạo đức chưa cắt đứt với ý thức “thần dân”, hay vừa muốn có dân chủ lại vừa sợ dân chủ dẫn tới tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn. (Trong nhận thức của một số người, chưa có sự phân biệt rõ ràng hai khái niệm “dân chủ” và “vô chính phủ”. Trong lịch sử, không có và không thể có một thứ “dân chủ vô chính phủ” nào cả, vì dân chủ bao giờ cũng bao hàm chế độ Nhà nước pháp quyền, trong đó tất cả các công dân đều phải tuân theo pháp luật, không có ngoại lệ; vô chính phủ là sự phủ định dân chủ như nước và lửa.


Kinh nghiệm cho thấy những ai sợ dân chủ thường ghép hai khái niệm ấy với nhau, lấy cớ đề phòng vô chính phủ để hạn chế và bóp nghẹt dân chủ. Cũng có thể nói như vậy về cách nói “dân chủ nhưng phải có lãnh đạo”, không hiểu rằng dân chủ là một hình thức tự tổ chức của xã hội về tất cả các mặt đời sống của nó, nghĩa là dân chủ đã bao hàm trong bản thân nó yếu tố lãnh đạo, chứ không phải loại bỏ lãnh đạo - vấn đề chỉ là sự lãnh đạo bắt nguồn từ đâu, do dân, vì dân, của dân hay ngược lại).

Tình trạng nửa vời, “nhập nhằng” ấy càng làm cho sự phân hóa của các hệ giá trị hiện có trở nên không rõ ràng, điều đó chỉ có lợi cho cái xấu, cái ác đang lộng hành, đang ăn sâu và lan rộng trong xã hội, nhất là khi cái xấu, cái ác đội lốt cái “mới”.


9.


Cuối cùng, còn một đặc trưng hết sức quan trọng nữa của khủng hoảng văn hóa ở nước ta hiện nay (nói là cuối cùng, nhưng về ý nghĩa lại đứng hàng đầu). Đó là sự hòa lẫn văn hóa và chính trị, trong đó chính trị vừa trực tiếp quyết định văn hóa, vừa bao trùm lên cả văn hóa. Trong các xã hội công dân, chính trị chỉ là một lĩnh vực đời sống xã hội, chỉ tác động tới các quan hệ giữa nhà nước và người dân.

Các lĩnh vực đời sống xã hội khác tuy cũng chịu ảnh hưởng của chính trị đến một mức độ nào đó, và đến lượt chúng, lại tác động ngược lại đối với chính trị, nhưng mỗi lĩnh vực có tính độc lập riêng. Đặc biệt, văn hóa là lĩnh vực có tính độc lập cao hơn tất cả. Nhưng trong xã hội nước ta, văn hóa phụ thuộc hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn, vào chính trị. Nói như vậy có nghĩa là khủng hoảng văn hóa không tách rời khỏi đời sống chính trị của xã hội.

Chúng tôi không bàn tới tất cả những vấn đề có liên quan với mối quan hệ này, mà chỉ nêu bật lên một điểm: hệ tư tưởng chính trị của Đảng cộng sản từ lâu đã được nhiều người coi là giá trị chính thống cuả mình, nó đảm nhận vai trò “chất kết dính” xã hội, thống nhất xã hội trong một thời gian tương đối dài, nhất là trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hệ tư tưởng đó cũng đang khủng hoảng sâu sắc trước những chuyển biến sâu sắc của xã hội.

Ngay trong lĩnh vực văn hóa, hệ giá trị ấy không còn được thừa nhận phổ biến như trước nữa. Trong lĩnh vực này, hệ giá trị ấy không còn chi phối một cách đơn nhất và tuyệt đối, và trong một số hoạt động văn hóa (văn học, âm nhạc, hội họa...) chính hệ giá trị chính thống đang phải tự điều chỉnh, tự thích nghi với những xu hướng sáng tạo và thưởng thức mới của đông đảo công chúng, đặc biệt ở lớp trẻ. Như vậy mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa hệ giá trị chính thống và các hệ giá trị khác đang hình thành tự phát và mạnh mẽ trong xã hội là một trong những biểu hiện chủ yếu, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu của khủng hoảng văn hóa và tinh thần ở nước ta.


10.

Việt Nam đã từ lâu không còn là một nước tự cô lập với các quá trình chung của thế giới. Những giao lưu kinh tế và văn hóa trên thế giới ngày càng gia tăng về cường độ cũng như về nội dung. Những khái niệm “quốc tế hóa” và “toàn cầu hóa” (còn gọi là “thế giới hóa”) phản ảnh những hiện thực cơ bản và phổ biến của loài người hiện nay, không một nước nào có thể tách khỏi những hiện thực ấy được. Đây không còn là sự trao đổi giữa những giá trị riêng biệt như trước, mà là sự hòa lẫn, hội nhập của các giá trị. Không còn là sự vận động một chiều (từ các nước tiên tiến sang các nước lạc hậu hơn), mà là hai chiều (tác động qua lại giữa các nước có trình độ phát triển khác nhau, có những nền văn hóa khác nhau).

Trong quá trình giao lưu ấy, các giá trị tích cực cũng như tiêu cực đều có mặt. Có thể có những giá trị thích hợp với nơi này nhưng lại không thích hợp với nơi khác vẫn được truyền bá như những giá trị phổ biến. Chẳng hạn, về mặt tiêu dùng: những vật tiêu dùng hiện đại và sang trọng là kết quả của một trình độ phát triển cao, tạo thành “xã hội tiêu dùng” ở các nước phương Tây, nhưng ở những nước phát triển thấp cũng đang trở thành những nhu cầu rộng rãi, không chỉ là những nhu cầu có thật, mà còn là nhu cầu “xài sang” (consommation de prestige), gây nên một “sức ép tiêu dùng” giả tạo, lôi cuốn cả những kẻ không có tiền, chạy theo những vật tiêu dùng bằng bất cứ giá nào, kể cả tội lỗi. Giao lưu quốc tế, do đó, cũng là một yếu tố tạo nên khủng hoảng tinh thần và văn hóa ở nước ta.

Nói như vậy, tuyệt nhiên chúng tôi không có ý nói rằng giao lưu quốc tế là nguyên nhân gây ra khủng hoảng văn hóa để đi tới chủ trương “đóng cửa”. Không một người nào, dù bám giữ cái cũ đến đâu, lại không nhìn thấy tính tất yếu của giao lưu quốc tế trong thời đại hiện nay. Hơn nữa, chỉ có thông qua giao lưu quốc tế, nước ta mới có thể đạt tới những trình độ phát triển cao hơn, mới có thể hội nhập với nền văn minh mới của loài người. Nói giao lưu quốc tế là một yếu tố của khủng hoảng văn hóa và tinh thần ở nước ta, chúng tôi chỉ muốn nói rằng: cả những yếu tố văn hóa tích cực lẫn tiêu cực từ bên ngoài đều có thể là những chất xúc tác gây ra những vận động “trái khoáy” trong nước.


Những yếu tố văn minh (chẳng hạn, sự phát triển vũ bão của công nghệ tin học) làm nổi rõ tình trạng lạc hậu và lạc điệu của ta hiện nay. Những yếu tố không văn minh (như du lịch sex) làm xói mòn những giá trị đạo đức của con người. Cả hai mặt tác động tích cực và tiêu cực từ bên ngoài ấy bồi thêm một lớp vào trạng thái khủng hoảng văn hóa ở nước ta, trộn lẫn với những yếu tố khủng khoảng bên trong, tạo thành một lực cộng hưởng làm nhiễu loạn đời sống văn hóa và tinh thần trong nước như chưa từng thấy.

Nói cách khác, khủng hoảng văn hóa ở nước ta có những yếu tố ngoại sinh (exogène). Nhưng những yếu tố ấy chỉ có tác động mạnh mẽ khi kết hợp được với những yếu tố nội sinh (endogène). Sự thật là ở trong nước đã hình thành những nhóm người có xu hướng và cũng có lợi ích (vật chất cũng như tinh thần) sẵn sàng tiếp nhận và du nhập những yếu tố bên ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa.

Sẽ hết sức thiếu sót nếu không đề cập một yếu tố nữa về mặt quốc tế của khủng hoảng văn hóa và tinh thần hiện nay ở nước ta: đó là sự khủng hoảng tư tưởng và chính trị của chủ nghĩa xã hội, thể hiện ở sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước Đông Âu, ở Liên Xô và Mông Cổ. Khỏi phải phân tich kỹ ảnh hưởng của tình hình ấy dối với nước ta lớn đến mức nào.

Chỉ nói riêng về những giá trị tinh thần gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã thấy rõ một thử thách to lớn đang đặt ra đối với sự tồn tại (hay không tồn tại) của những giá trị ấy. Ở một số người, những giá trị ấy bị phủ nhận hoàn toàn. Ở một số người khác, tuy không bị phủ định như vậy nhưng đã bắt đầu bị hoài nghi. Những giá trị ấy còn được bảo vệ về cơ bản chỉ ở một số ít người chủ yếu là ở những người do địa vị của họ gắn bó chặt chẽ với bộ máy quyền lực của chế độ xã hội chủ nghĩa và ở một số người cộng sản lão thành.

Ở nước ta, sự phủ định những giá trị tinh thần từng được coi là chính thống ấy - ở đây là những giá trị gắn liền với chủ nghĩa xã hội - không diễn ra dưới những hình thức đấu tranh tư tưởng và chính trị quyết liệt như đã xẩy ra ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Giống như đầu thế kỷ này đối với Nho giáo, người ta từ bỏ những giá trị của chủ nghĩa xã hội “không kèn không trống”, bằng cách không nói nhiều tới chúng và hành động ngược lại với chúng (một ví dụ: kinh tế thị trường, một “húy kị” lớn đối với lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, đã được chấp nhận chính thức). Những sự giải thích “mới” về chủ nghĩa xã hội không có sức thuyết phục, chủ yếu chỉ có tác dụng “tự trấn an” đối với một số người.


11.


Như vậy, khủng hoảng tinh thần và văn hóa ở nước ta không chỉ phản ảnh những hiện thực riêng biệt của xã hội nước ta, một xã hội đang chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới, mà còn phản ảnh cả những hiện thực của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây (thường được gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Không chỉ có thế. Nếu xem xét thật kỹ, dưới hai lớp ấy còn có một lớp rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều: khủng hoảng của loài người, của con người với tư cách một tộc loại (espece).

Như đã biết, loài người đã vươn tới một trình độ văn minh cao hơn trước nhiều với những phát minh khoa học và công nghệ mới, với sự tự giải phóng và phát triển của con người với tư cách cá nhân. Nhưng chính trình độ văn minh mới ấy đã và đang đưa con người tới một ngã ba đường hết sức nguy hiểm, mà bất cứ một lựa chọn sai lầm nào cũng đều dẫn tới những hậu quả khó lường trước được, kể cả nguy cơ tự hủy diệt của con người với tư cách tộc loại như một số nhà tư tưởng lên tiếng báo động. Chưa bao giờ người ta bàn luận nhiều về “thảm họa con người” (catastrophe anthropologique) như bây giờ.

Một mặt, con người có những khả năng chưa từng thấy trong việc tạo ra của cải vật chất, vật phẩm tiêu dùng phong phú. (Hơn nữa, nếu trước đây, mọi phát minh và sáng kiến của con người là nhằm đáp ứng những nhu cầu vốn có của bản thân mình bằng những phương tiện khác nhau, thì bây giờ con người đi tới chỗ tạo ra những nhu cầu mới, chưa từng có (kể cả nhu cầu “hồi sinh”, nhu cầu tiếp xúc với những nền văn minh ngoài trái đất...).

Nhưng mặt khác, cũng chính những khả năng mới ấy của con người cũng đặt nó trước nguy cơ phụ thuộc vào những phương tiện sống mới và tự biến mình thành một con số không (xem J. Attali, Những đường chân trời).
Một mặt, con người có nhiều khả năng hơn trong việc “chinh phục tự nhiên”, nhưng mặt khác, cũng lại có nhiều khả năng hơn về phá hoại tự nhiên, đến mức tạo ra những nguy cơ về môi trường sinh thái đe dọa ngay chính sự tồn tại của con người.

Một mặt, con người có những vật phẩm tiêu dùng vô cùng phong phú, đa dạng và tiện lợi, nhưng mặt khác sự trống rỗng về tinh thần của con người cũng xuất hiện và tăng lên chưa từng thấy.

Một mặt, con người có ý thức mạnh hơn về tự do cá nhân và đạt tới sự tự do ấy trên những phạm vi ngày càng rộng lớn, nhưng mặt khác, con người cũng lại “tự do” hơn đối với trách nhiệm đạo đức cá nhân trước cộng đồng, trước xã hội.

Vân vân... và v.v...

Trí tuệ hay bản năng? Cộng đồng hay “cái Tôi”? Tự khuôn mình vào kỷ cương hay tha hồ phóng túng? Chạy theo của cải vật chất hay những giá trị tinh thần? Hòa hợp với tự nhiên hay hủy hoại tự nhiên để rồi tự hủy hoại cả chính mình? Toàn cầu hay quốc gia?... Vô số những câu hỏi đặt ra trước con người có liên quan trực tiếp với số phận của nó.

Đừng tưởng rằng những vấn đề này là của nơi khác mà không phải của nước ta, của xã hội ta. Ở những mức độ nào đó, có ý thức hay không, đó cũng là những vấn đề của con người Việt Nam lúc này. (Nhớ rằng “con người Việt Nam” là sự kết hợp của cái phổ biến “con người” và cái đặc thù “Việt Nam”). Không có cái gì có liên quan với vận mệnh con người lại xa lạ với con người Việt Nam cả.

Tóm lại, khủng hoảng văn hóa và tinh thần ở nước ta là một tập hợp của ba trạng thái (ba lớp) khủng hoảng: khủng hoảng của văn hóa và những giá trị tinh thần truyền thống của xã hội Việt Nam, khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và khủng hoảng của văn minh loài người hiện nay. Nói cách khác, đó là tiêu điểm của cả ba trạng thái khủng hoảng ấy. Không nhìn thấy rõ điều đó, sẽ dễ dàng tưởng rằng chỉ bằng một vài chủ trương và biện pháp nào đó là có thể giải quyết được vấn đề (vừa không tưởng, vừa hời hợt).


12.

Vậy thì, trong xã hội nước ta hiện nay, những giá trị cơ bản nào đang chi phối đời sống văn hóa và tinh thần của con người?

Không dễ dàng đưa ra một sự trả lời thật rành rọt. Như trên đã nói, xã hội nước ta đang nằm trong trạng thái nhiễu loạn và hỗn tạp. Các quá trình phân hóa xã hội (hay phân tầng xã hội - stratification sociale, nói theo ngôn ngữ xã hội học) đang diễn ra một cách ngoắt nghoéo và có lẽ còn lâu mới hoàn thành.

Trong nhiêu trường hợp, thật khó xếp những người nào đó vào một phạm trù xã hội nào, vì chính bản thân họ mang những mâu thuẫn nội tại chưa được giải quyết dứt khoát. Một viên chức, chẳng hạn, có thể kiếm được những nguồn thu nhập hợp pháp hay bất hợp pháp ngoài tiền lương của anh ta (có khi gấp nhiều lần tiền lương).

Sự phân chia xã hội theo những phạm trù cũ: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa, không còn thích hợp nữa với một nền kinh tế thị tường đang hình thành. Các nhóm xã hội trở nên đa dạng hơn. Một tầng lớp kinh doanh tư nhân đang xuất hiện với những bộ phận rất khác nhau. Ngay trong những người lao động làm thuê cũng có những bộ phận có nguồn thu nhập rất khác nhau (quốc doanh, tư doanh, liên doanh với nước ngoài, “xuất khẩu lao động”...).


Sự phân hóa ấy cũng đang diễn ra trong “giai cấp nông dân” cũng như trong “tầng lớp trí thức”. Trừ một bộ phận nhỏ ra, nói chung trong xã hội chưa có những “cương vị xã hội” (statuts sociaux) vững bền và ổn định. Xã hội chưa hình thành những nhóm xã hội (giai cấp, tầng lớp) với những lợi ích tương đối thuần nhất. Mà một khi chưa có những nhóm xã hội có lợi ích giống nhau thì khó mà nói tới những hệ giá trị của họ, vì lợi ích là một trong những cơ sở chủ yếu của sự hình thành hệ giá trị văn hóa và tinh thần.

Tình trạng nhiễu loạn ấy trong đời sống văn hóa lại càng “rối” hơn nữa. Vì ở đây, ngoài lợi ích ra, còn có những tâm lý, những sở thích, những xu hướng bắt nguồn từ những lĩnh vực khác, “ngoài kinh tế”, theo lứa tuổi, theo nơi cư trú (thành thị, nông thôn, miền núi...), theo những ảnh hưởng tiếp nhận từ bên ngoài...


Lớp trẻ thành thị, chẳng hạn, rất thích nhạc rock, một thứ nhạc tạo nên một cuộc “cách mạng” trong âm nhạc, vì nó xóa nhòa ranh giới phân biệt chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ, dựa vào những thành tựu của “công nghiệp âm thanh”, vang lên khắp thế giới và biến thành tài sản tinh thần chung. Không thể không chào mừng hiện tượng văn hóa của thời đại ấy. Nhưng cũng không thể hoan nghênh những xu hướng cực đoan và bệnh hoạn ở một lớp người trẻ tuổi, khi họ hướng quá sâu vào những phim bạo lực và khiêu dâm, vào những sản phẩm văn hoa rẻ tiền (thật ra là những sản phẩm “phản văn hóa”) làm thui chột năng lực mỹ học của con người.


13.

Nhân đây, cũng xin nói đôi chút về đời sống văn hóa trong nền kinh tế thị trường.

Những hiện tượng nhiễu loạn trong đời sống văn hóa hiện nay thường bị đổ tội cho kinh tế thị trường, dường như thị trường là thủ phạm gây ra những hiện tượng đó. Nhiều người lên tiếng phê phán gay gắt cái họ gọi là “thương mại hóa” văn hóa và nghệ thuật. Ở đây, có một sự lẫn lộn về nguyên nhân và bối cảnh. Đúng là có hiện tượng thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (sách, phim, âm nhạc, mỹ thuật...) và xu hướng này có cơ phát triển ngày càng mạnh. Những người sáng tác, biểu diễn đang tìm mọi cách hướng tới công chúng tiêu dùng sản phẩm văn hóa bằng chính tiền của họ, hay còn gọi là “công chúng có sức mua” sản phẩm văn hóa. Làm thế nào khác được khi hầu hết các nguồn tài trợ theo kiểu bao cấp bị cắt đi? Mà cắt là đúng, tuy cắt hết chưa hẳn đã đúng.

Những sản phẩm văn hóa bao cấp rõ ràng đã bị giảm sút rất nhiều về tính nghệ thuật và cả “tính tư tưởng” của chúng. Công chúng gần như chỉ được hưởng những sản phẩm sáo mòn, nghèo nàn cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng. Bởi vì những người sáng tạo ra chúng, trừ một số rất ít trường hợp, không phải hướng về công chúng, mà trước hết hướng về những người, những cơ quan có tiếng nói quyết định về bao cấp, từ mức lương của các văn nghệ sĩ đến các kế họach xuất bản, trình diễn. Nghệ thuật bị bứng khỏi mảnh đất nuôi sống nó là công chúng, không thể tránh khỏi nguy cơ khô cằn và khuôn sáo.


Cả nghệ thuật lẫn những người làm nghệ thuật đều bị “quan liêu hóa” ở những mức độ đáng lo ngại. Bỏ bao cấp đối với các sản phẩm văn hóa, đặt chúng vào các quan hệ thị trường (mua-bán theo giá trị) chính là đem lại nhựa sống cho chúng. Và như đã thấy, trong thời gian gần đây, rõ ràng nghệ thuật phần nào có sức sống hơn, gần với công chúng hơn, với “đời thường” hơn. Sản phẩm nào được công chúng hưởng ứng thì sống, sản phẩm nào không được công chúng chấp nhận thì chết. Sản phẩm văn hóa, giống như mọi sản phẩm khác, chịu tác động khắc nghiệt của qui luật cung-cầu.


Tình hình đó không phải chỉ nước ta mới có, mà ở tất cả các nước theo kinh tế thị trường đều có. Những sản phẩm mà ở nước ta thường được gọi là “sách đen”, “phim đen”... có mặt ở nhiều nước khác, kể cả những nước có trình độ phát triển cao về văn hóa, bên cạnh những sản phẩm được coi là “tử tế”. Bởi vì những sản phẩm “đen” ấy thật ra vẫn có nhu cầu. Cấm lưu hành công khai, chúng sẽ đi vào “bí mật”, càng khó kiểm soát hơn. (ở Phần Lan, người ta tính có khoảng 10% số người tiêu dùng có “nhu cầu” về những sản phẩm đó, nếu cứ để bán chúng một cách công khai thì cũng chỉ có số người này lui tới để mua, còn 90% khác thì dửng dưng, hoàn toàn không bận tâm và để mắt tới).

Nói như vậy, không có nghĩa là cho phép và khuyến khích những sản phẩm “đen”, làm ngơ trước ảnh hưởng xấu của chúng tới công chúng, nhất là lớp trẻ. Chỉ có điều là đừng ngạc nhiên trước “sức tiêu thụ” của chúng trong xã hội và đừng tìm cách giải quyết vấn đề thuần túy bằng những biện pháp hành chính (trừ những người phạm pháp rõ ràng cần phải xử lý thật nghiêm).

Tất cả vấn đề là ở công chúng và những nhu cầu của công chúng. Khi trình độ văn hóa của công chúng được nâng cao - và điều này diễn ra một cách tự nhiên - thì thị trường văn hóa sẽ có những sản phẩm văn hóa đích thực nhiều hơn. Chưa nói tới sự thẩm định thế nào là sản phẩm văn hóa “đích thực”, bởi vì những chuẩn mực đánh giá thường hết sức khác nhau và trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa “đích thực” và “không đích thực” rất khó phân biệt. Chẳng hạn, những sách báo về tính dục và khiêu dâm là thuộc hai phạm trù rất khác nhau, nhưng lại dễ lẫn lộn. Cũng vậy, những sách báo bàn về đời sống tâm linh của con người rất dễ lẫn lộn với những sách báo “mê tín dị đoan”...

Hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là: những kẻ có tiền thường ít có nhu cầu tiêu dùng văn hóa, hoặc chủ yếu hướng tới những sản phẩm văn hóa rẻ tiền, thấp kém, còn những người hướng tới sản phẩm văn hóa có giá trị, ở trình độ cao, lại thường không có tiền. “Ai trả tiền, kẻ đó làm chủ” - câu nói đó hoàn toàn thích hợp với đời sống văn hóa nước ta hiện nay. Để giải quyết mâu thuẫn này, không thể chỉ dùng biện pháp hạn chế sự tiêu dùng của loại công chúng có tiền nhưng lại có thị hiếu văn hóa thấp kém, mà phải làm sao cho những người có nhu cầu văn hóa lành mạnh, đích thực, có tiền để tiêu dùng những sản phẩm văn hóa loại này.

Trong một số lĩnh vực cần thiết (nhạc giao hưởng là một ví dụ), nhà nước phải tài trợ những hoạt động văn hóa thuộc loại đó để công chúng có thể với tới được. Ngay ở nhiều nước có kinh tế thị trường phát triển cao, sự tài trợ của nhà nước đối với loại hoạt động văn hóa này cũng rất lớn và ngày càng tăng thêm (ở Pháp, các quĩ tài trợ cho các dàn giao hưởng, các bảo tàng nghệ thuật, các tượng đài... hàng năm đều tăng). Đến một lúc nào đó, những người kinh doanh văn hóa sẽ tự điều chỉnh về mặt này, bằng cách lấy tiền lãi từ những sản phẩm bán chạy nhất (best-sellers), bù cho những sản phẩm chắc chắn thua lỗ về tài chính.

Kinh tế thị trường, như vậy, không đối lập về nguyên tắc với đời sống văn hóa như có người tưởng (họ thường nói tới “mặt trái của thị trường”), mà vấn đề chỉ là làm thế nào để đời sống văn hóa thích nghi ngày càng tốt đẹp với kinh tế thị trường. Và đó là một quá trình lâu dài, thường là hàng chục năm. Hốt hoảng, sốt ruột cũng như bỏ mặc, thủ tiêu vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này đều dẫn tới những hậu quả không mong muốn.


14.


Xin trở lại với chủ đề hệ giá trị văn hóa và tinh thần hiện nay. Như trên đã nói, xã hội nước ta chưa đi tới chỗ phân hóa thành các nhóm xã hội với những lợi ích, những xu hưóng của chúng một cách dứt khoát, rõ ràng. Khó có thể qui hệ giá trị này cho nhóm xã hội này, hệ giá trị kia cho nhóm xã hội kia... Càng không thể coi một nhóm xã hội nào đó mang hệ giá trị văn hóa và tinh thần cao hơn các nhóm xã hội khác (theo kiểu trước đây, coi giai cấp công nhân là “tiên phong”, là “cách mạng nhất”, “tiên tiến nhất”). Trong hoàn cảnh nhiễu loạn như hiện nay, các giá trị khác nhau nằm chồng chéo nhau cả trong mỗi tầng lớp, mỗi thế hệ, thậm chí một tổ chức (kể cả tổ chức đảng), mỗi gia đình (kể cả những gia đình có “truyền thống cách mạng”).

Nhưng như vậy phải chăng trong xã hội hiện nay không tồn tại những hệ giá trị khác nhau một cách tương đối rõ nét tuy có sự trộn lẫn nhau? Không phải thế. Có những hệ giá trị văn hóa và tinh thần khác nhau, đối lập nhau đang tồn tại trong xã hội. Chỉ bằng những quan sát hàng ngày, có tính chất kinh nghiệm, nhất là về mặt tâm lý xã hội, cũng đủ khẳng định điều đó.

Về đại thể, có thể phân biệt ba hệ giá trị cơ bản như sau:

* Thứ nhất, hệ giá trị mang tính truyền thống là chủ yếu (theo cách hiểu khái niệm “truyền thống” như đã trình bày trên kia), về cơ bản là bảo thủ.
* Thứ hai, hệ giá trị chủ yếu mang tính cách tân - phục hưng.
* Thứ ba, hệ giá trị tạm gọi là hãnh tiến, ích kỷ cực đoan và đầu cơ phá hoại.

Cuộc đấu tranh giữa ba hệ giá trị ấy diễn ra một cách gay gắt trong hoàn cảnh khủng hoảng về xã hội và văn hóa, và khủng hoảng chỉ có thể chấm dứt khi cuộc đấu tranh ấy kết thúc với vị trí ưu thế của hệ giá trị cách tân - phục hưng.

Xét trên bình diện toàn xã hội, hệ giá trị truyền thống vẫn còn duy trì vai trò chính thống, nhưng đang mất uy tín dần. Nó không được ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi như trước, đặc biêt trong các giới trí thức, thanh niên và kinh doanh. Tư thế chung của nó là cố thủ hơn là tiến công (tuy đôi khi có những cuộc phản kích quyết liệt, nhưng không có hiệu quả mấy). Trong số những người mang hệ giá trị bảo thủ - truyền thống, cũng đang diễn ra một sự phân hóa.


Ngoài một số ít người cố thủ đến cùng do không vượt qua được sức ỳ tâm lý của họ, một số người dần dần tiếp nhận hệ giá trị cách tân - phục hưng, nhưng cũng có một số người khác lại chuyển sang hệ giá trị hãnh tiến (số người này trên lời nói dường như vẫn bảo vệ hệ giá trị thứ nhất, nhưng trong hành động thì lại theo hệ giá trị thứ ba, mà chủ yếu đó là những người có chức quyền). Sự suy yếu của hệ giá trị này - và có thể nói tới sự phá sản của nó trong tương lai không xa - không có nghĩa là nó đã mất hết sức mạnh. Nó vẫn còn có tác động kìm hãm những bước phát triển của xã hội, nhưng rõ ràng nó không có tương lai.

Hệ giá trị thứ hai (cách tân - phục hưng) là niềm hy vọng chủ yếu, nếu không phải là duy nhất, đối với sự phát triển văn hóa và xã hội. Nhưng hiện nay, nó chưa thể trở thành một sức mạnh chi phối đời sống văn hóa và tinh thần của xã hội. Một mặt, nó gặp sức chống đối mạnh mẽ của các hệ giá trị khác, mặt khác nó cũng chưa hình thành đầy đủ, hoàn chỉnh.

Trong khi đó, hệ giá trị thứ ba đang đặt đời sống văn hóa và tinh thần của con người vào những nguy cơ lớn của sự băng hoại. Tính chất nguy hiểm của nó là ở chỗ chủ nghĩa ích kỷ cực đoan, chủ nghĩa hoan lạc (hédonisme) của nó hiện ra như một phản ứng “triệt để” đối với chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa khổ hạnh thuộc giá trị truyền thống - bảo thủ; còn tư duy đầu cơ, “chụp giựt”, kiếm tiền bằng mọi giá (kể cả ăn cắp) lại hiện ra như một phản ứng đối với tư duy “bao cấp”, phi kinh tế trước đây, như một thứ “năng lực mới” của con người. Ở một ý nghĩa nào đó, là thế thật (cực đoan này chống lại cực đoan kia như một phản ứng tự nhiên), nhưng xét kỹ, đó không chỉ là một phản ứng mà còn là một khuynh hướng xã hội bắt nguồn từ mảnh đất hiện thực, nhất là trong những điều kiện khủng hoảng hiện nay.

Tất cả các hệ giá trị nói trên đang và sẽ đấu tranh với nhau dưới nhiều hình thức, mà trung tâm của cuộc đấu tranh ấy là giá trị con người, nói cụ thể hơn, giá trị con người Việt Nam. Nếu hệ giá trị truyền thống - bảo thủ cắt xén, bóp méo con người với tư cách cá nhân, chà đạp lên nó, thì hệ giá trị hãnh tiến lại phá hủy nhân cách và tâm hồn con người. Hệ giá trị cách tân - phục hưng, muốn có ưu thế đối với hai hệ giá trị kia, thì phải đi tới một quan niệm về giá trị con người Việt Nam hôm nay, lấy quan niệm đó làm cơ sở, làm cho nó thấm sâu vào mọi hoạt động văn hóa (và không chỉ là văn hóa) khác nhau. Đáng mừng là xu hướng ấy đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gần đây.


*


Chuyên đề này chưa bàn tới những vấn đề có liên quan với sự nghiệp xây dựng văn hóa hiện nay và sau này. Xin dành những vấn đề ấy cho một tiểu luận khác. Ở đây, chỉ tập trung phân tích về thực trạng văn hóa, về khủng hoảng văn hóa và tinh thần hiện nay, với một cách nhìn tỉnh táo đến mức có thể có của người viết. Và, như đã nói ngay ở câu đầu tiên, công việc này không thể do một người làm được.

Tháng Bảy 1992

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.

No comments: