Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 11 * XÃ HỘI KINH TẾ 2

Nguyễn Kiến Giang
Công bằng xã hội và kinh tế
(Thử phân tích về lý luận)
1 2


10


Trong khi các trào lưu xã hội chủ nghĩa gặp khó khăn và bế tắc (ở đây tôi chưa bàn tới những “lý tưởng xã hội chủ nghĩa” gắn với khát vọng công bằng xã hội muôn đời của con người, mà chủ yếu là nói tới “chủ nghĩa xã hội hiện thực” như đã được thể hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa trước khi bị sụp đổ, và ở các nước do các đảng xã hội - dân chủ cầm quyền), thì chủ nghĩa tư bản, với tất cả những biến thể khác nhau của nó, vẫn tồn tại và vẫn tỏ ra có sức sống khá bền vững. Mà chủ nghĩa tư bản, ở thế kỷ XIX cũng như ở thế kỷ XX, là một chế độ xã hội chưa bao giờ lấy công bằng xã hội làm mục tiêu cao nhất của nó cả.

Có lẽ không cần trình bày những phê phán từ nhiều phía đối với chủ nghĩa tư bản ở mặt bất công xã hội. Đã có quá nhiều sách báo, quá nhiều học thuyết, trường phái làm công việc này. Và nói chung, tất cả những phê phán về sự bất công dưới chủ nghĩa tư bản, kể cả “chủ nghĩa tư bản hiện đại”, đều đúng cả. Vấn đề đặt ra là: tại sao một chế độ bất công như vậy lại vẫn tồn tại với sức sống mạnh mẽ của nó?

Thật chua xót khi đọc Michel Albert với lời mở đầu cuốn Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản của ông (1991) như thế này: “Ngày nay, và là lần đầu tiên trong lịch sử, chủ nghĩa tư bản đã thắng lợi thật sự. Trên toàn trận tuyến. Đó là một vấn đề đã được giải quyết. Có lẽ đó là vấn đề lớn nhất của thế kỷ này” (Capitalisme contre Capitalisme, Seuil, Paris, p. 7). Nghe đắng cay thật, nhưng cần hết sức bình tĩnh để nhìn nhận và xem xét vấn đề. Nổi khùng lên cũng chẳng có ích gì. Dù có nhắc tới bản “lý lịch” đầy “máu và nước mắt” của chủ nghĩa tư bản, tới những cuộc chiến tranh xâm lược và nô dịch thuộc địa của nó, tới những cuộc chém giết ở qui mô thế giới chưa từng có trong lịch sử do nó gây ra..., thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Bởi vì, cho đến nay trên thực tế chỉ có chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội đem lại những sự phát triển mạnh mẽ nhất cho sức sản xuất xã hội mà kết quả là những đống sản phẩm ngày càng khổng lồ, ngày càng phong phú, chưa từng thấy ở những xã hội trước đó. Ngay trong thời kỳ cách mạng công nghiệp thế kỷ XIX, Mác và Ăng-ghen đã thốt lên rằng: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia cộng lại” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 51). Bây giờ, trong cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, người ta cũng thấy chủ nghĩa tư bản đã thực hiện cuộc cách mạng đó một cách thành công nhất, đưa sản xuất xã hội lên đến một trình độ cao gấp hàng chục, hàng trăm lần so với trước.


11


Những thực tế ấy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện công bằng xã hội. Không có một nền sản xuất mạnh mẽ với những sản phẩm dồi dào như vậy, nói tới công bằng xã hội là vô nghĩa. Thiếu thốn, nghèo khổ, như lịch sử đã chứng minh, không bao giờ đem lại công bằng xã hội cả. Nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng chỉ là nói tới một biện pháp tạm thời trong một hoàn cảnh đặc biệt (chiến tranh hoặc thiên tai), để tạm thời dung hòa lợi ích giữa những bộ phận xã hội khác nhau nhằm giải quyết một mục tiêu chung nào đó. Nhưng nếu coi đó là một phương châm tổ chức xã hội, thì đó là một “không tưởng khủng khiếp”.

Tất nhiên, có sản phẩm dồi dào không tự động dẫn tới công bằng xã hội, nhưng đó là tiền đề không thể thiếu để thực hiện công bằng xã hội. Với tất cả những bất công của nó, chủ nghĩa tư bản vẫn có thể đem lại cho xã hội những sản phẩm dồi dào đến mức có thể cung cấp cho những người nghèo khổ (tất nhiên không phải là tất cả) những sản phẩm cần thiết tối thiểu cho cuộc sống của họ. (Trong khi ở phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, thiếu hụt là thực tế triền miên đối với hầu hết dân cư).

Đúng là trong những thời kỳ đầu của nó, đặc biệt trog thời kỳ tích lũy nguyên thủy và cách mạng công nghiệp, những bất công của xã hội tư sản làm nhức nhối biết bao nhiêu tấm lòng con người. Và đó là một lý do cắt nghĩa tại sao những lý tưởng xã hội chủ nghĩa đã thu hút nhiều người, nhất là trong những người lao động nghèo khổ.

Nhưng cũng đúng là hiện nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây, không những kinh tế phát triển chưa từng thấy, mà nói chung, mức sống của hầu hết các tầng lớp dân cư cũng tăng lên chưa từng thấy. Người lao động làm thuê có nhà ở riêng, có ô-tô riêng, có những phương tiện sinh hoạt hiện đại... không còn là cảnh tượng lạ lùng nữa. Những trợ cấp xã hội đáng kể - từ trợ cấp thất nghiệp đến những khoản trợ cấp các gia đình có thu nhập thấp, cũng là những thực tế hiển nhiên. Con cái công nhân vào các trường đại học ngày càng nhiều và chiếm một tỉ lệ ngày càng lớn trong những trường học ngày xưa dành riêng cho con cái nhà giàu. Cuối cùng, đáng chú ý nhất là ở nhiều nước phương Tây, ngày càng có nhiều người lao động làm thuê trở thành chủ cổ phần ở các doanh nghiệp. “Chủ nghĩa tư bản nhân dân”, mà trước đây chúng ta nói tới với một sự nghi ngờ lớn, thậm chí coi là một thủ đoạn mị dân của những ông chủ tư bản, hóa ra cũng là một thực tế ở các nước đó. Tóm lại, từ sở hữu đến thu nhập, người ta đang thấy diễn ra một quá trình thu hẹp dần những bất công xã hội vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là ở trình độ xuất phát gần như ngang nhau của các tầng lớp dân cư.


12

Phải chăng đó là do những động cơ tốt lành của các nhà tư bản? Chắc chắn không phải. Tuy “lòng từ thiện” của những người giàu có ở các nước đó có thể tăng lên thật, nhưng tuyệt nhiên đó không phải là nhân tố quyết định quá trình thu hẹp bất công xã hội ở đó. Có thể giải thích quá trình này là kết quả của cuộc đấu tranh do những tầng lớp những giai cấp lao động làm thuê tiến hành một cách quyết liệt và không ngừng nhằm giành lấy những quyền lợi ngày càng lớn hơn cho mình. Thậm chí, như những người theo “thuyết thế giới thứ ba” (tiers-mondisme) ở các nước phương Tây phân tích, mức sống cao ở các nước đó là do bóc lột các nước nghèo khổ mà có. Tất cả các lý do ấy đều có một phần sự thật, nhưng chỉ như vậy vẫn không đủ để giải thích một cách thuyết phục quá trình này. Lý do chủ yếu nằm ngay ở sự vận động bên trong các quá trình nảy sinh những nhân tố thu hẹp bất công xã hội.

Quá trình này, ở các nước phát triển phương Tây (Nhật Bản cũng được coi là thuộc loại này), diễn ra cùng với sự chuyển tiếp từ sản xuất công nghiệp sang sản xuất hậu công nghiệp, tức là từ trạng thái văn minh này sang trạng thái văn minh khác. Đó chính là cái nền khá vững chắc để quá trình này được thực hiện. Ở đây người ta nhận thấy có hai mặt tác động qua lại mật thiết với nhau: một mặt, những thành tựu khoa học và những đổi mới công nghệ cho phép sản xuất của cải ngày càng dồi dào; nhu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm ấy buộc phải tính đến việc tăng thu nhập cho dân cư, trong đó đa số là những người lao động làm thuê, để họ có thể mua những sản phẩm đó. Thiếu sức mua ngày càng tăng của dân cư, không thể tái sản xuất mở rộng được, các doanh nghiệp sẽ lâm vào nguy cơ đình đốn và phá sản. Trái lại, tái sản xuất mở rộng sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà tư bản. Đó, cái “đạo lý” chủ yếu của chủ nghĩa tư bản nằm ở đó.

Mặt khác, trình độ sản xuất mới đem lại những thay đổi căn bản về cấu trúc xã hội và vai trò của con người ở các nước đó. Bộ phận lao động trực tiếp sản xuất giảm đi, bộ phận dịch vụ tăng lên (như thường nói, những người lao động “cổ xanh” ngày càng giảm bớt, đi đôi với sự tăng lên của những người lao động “cổ trắng” và “cổ vàng”). Điều quan trọng hơn, đó là sự thay đổi các vai trò trong quá trình sản xuất. Về phía các nhà tư bản, do sản xuất và kinh doanh ngày càng phức tạp và đòi hỏi những tri thức, kỹ năng cao, họ không thể vừa là chủ sở hữu, vừa là người quản lý nữa. Chức năng quản lý doanh nghiệp tách khỏi quyền sở hữu và được đặt vào tay những nhà quản lý (managers), hình thành ra một tầng lớp, thậm chí có người gọi đó là một “giai cấp” những nhà quản lý.

Trong khi đó, về phía những người lao động, cũng diễn ra những biến đổi sâu sắc về vai trò của họ. Sản xuất ngày càng “tin học hóa”, số người lao động chủ yếu dùng sức lực cơ bắp ngày càng giảm đi, nhường chỗ cho những người lao động dùng sức mạnh trí tuệ ngày càng tăng lên. Người lao động, dù còn làm thuê, cũng buộc phải có trình độ giáo dục và nghề nghiệp ngày càng cao. Họ phải vươn tới những tri thức khoa học và công nghệ ngày càng phức tạp. Đặc biệt, từ chỗ phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất, với những phương tiện lao động mới, họ trở thành những người làm chủ thật sự điều khiển quá trình sản xuất. Trí tuệ, tri thức trở thành nhân tố quyết định quá trình đó, mà trí tuệ và tri thức chính là những phương tiện của cá nhân họ chứ không phải là sở hữu của những ông chủ tư bản như máy móc, nhà xưởng, công cụ... trước kia. Những biến đổi ấy làm cho vai trò và địa vị xã hội tăng lên rõ rệt. Họ dần dần trở thành những người trực tiếp làm chủ quá trình sản xuất, và sớm hay muộn, chính những ông chủ tư bản thừa nhận điều đó, ít ra cũng là vì những lợi ích của họ. Chưa nói tới những biến đổi quan trọng về sở hữu. Ở các nước phát triển phương Tây, chế độ sở hữu tư nhân thay đổi theo hướng dần dần biến những người “vô sản” thành những chủ sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp bên cạnh những nhà tư bản.


13


Tất cả những thay đổi ấy làm thay đổi cả quan niệm về con người trong sản xuất. Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “nhân tố con người” được nói tới ngày càng rộng rãi ở các nước phương Tây. Quan niệm ấy đang phát triển thành quan niệm “con người đắt”. Nó chống lại và loại bỏ một giáo điều cũ của kinh tế tư bản chủ nghĩa cho rằng dường như có thể phát triển kinh tế bằng cách đè nén những nhu cầu của người lao động.


Nó cũng bác bỏ một giáo điều khác của kinh tế học: không coi gia đình thuộc lĩnh vực kinh tế, mà chỉ coi đó là thuộc lĩnh vực xã hội. Bây giờ, người ta thấy rõ rằng sự tiêu dùng của người lao động là một nhân tố quyết định phát triển kinh tế. Tích lũy không phải là hiệu của thu nhập quốc dân trừ đi tiêu dùng (theo công thức tích lũy cũ: tích lũy (S) = thu nhập quốc dân (Y) - tiêu dùng (C), mà hình thức tích lũy chủ yếu là những gì sản xuất ra được tiêu dùng để phát triển người lao động và để tạo ra “con người đắt”. Đồng thời, khi tính thu nhập của người lao động, những chi phí về mặt gia đình của họ cũng được chú trọng đầy đủ hơn (ví dụ: lao động nội trợ dần dần được coi như lao động xã hội trực tiếp). Và đến lượt nó, những khoản tiêu dùng của gia đình người lao động cũng được coi như một thứ tích lũy để tạo ra “con người đắt”, con người có trình độ giáo dục và văn hóa cao, có sức kh”e tốt, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới.

Như vậy, do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả những nguyên nhân bên trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa trong thời đại văn minh mới, vấn đề công bằng xã hội được giải quyết một cách tích cực hơn. Công bằng xã hội càng được tính tới, thì càng có lợi cho phát triển kinh tế. Tất nhiên, không cần chứng minh gì nhiều, tất cả những biện pháp nói trên, một mặt, cũng chỉ mới bắt đầu được thực hiện, chưa phải đã thật rộng khắp, và mặt khác, vẫn chưa thể giải quyết được về căn bản vấn đề công bằng xã hội.


Xã hội phương Tây nói chung cũng bế tắc trong việc giải quyết một cách căn bản, chứ chưa nói triệt để, vấn đề này. Chỉ cần lấy vấn đề nạn nghèo khổ cũng đủ thấy điều đó. Dù coi người nghèo khổ là “nạn nhân” hay “thủ phạm” đi nữa, thì đó vẫn là những người sống trong dốt nát, trong tuyệt vọng, giống như trong hầu hết mọi xã hội và mọi thời đại, như M. Albert nói: “Người nghèo khổ cứ vẫn bị đối xử như một loại người khốn cùng, vô tích sự, hư hỏng, lười biếng. đáng ngờ, thậm chí là thủ phạm” (sách đã dẫn, tr. 13).

Và có đi theo mô hình nào đi nữa, các nước tư bản chủ nghĩa vẫn chưa có một hệ thống bảo vệ xã hội có thể khắc phục triệt để nạn nghèo khổ. Xã hội vẫn cứ bất lực! ở tất cả các nước tư bản chủ nghĩa, với cách hiểu mới về nghèo khổ (nói chung, đó là tình trạng không có khả năng đáp ứng những nhu cầu sống tối thiểu), tỉ lệ người nghèo hiện vẫn ở mức đáng kể: ở Mỹ, một trong những nước có thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao nhất, tỉ lệ đó vẫn “ổn định” ở mức 33-37% tổng số gia đình.


*
14



Đến đây, có thể tóm tắt mấy phương hướng giải quyết vấn đề công bằng xã hội đã có như sau:

* “Chủ nghĩa xã hội hiện thực” ngay từ đầu đã đặt vấn đề này lên trên hết và đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết: mọi người đều được bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập; tiền công không chênh lệch nhau nhiều; chế độ bảo vệ xã hội cho tất cả những người lao động - tất cả những biện pháp ấy dựa trên một cơ sở duy nhất và thống nhất: xóa bỏ chế độ tư hữu; thiết lập chế độ công hữu; xóa bỏ thị trường, thiết lập kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Thực tế cho thấy phương hướng giải quyết này không đem lại những kết quả mong muốn, mà ngược lại.

* Chủ nghĩa xã hội - dân chủ muốn giải quyết vấn đề công bằng xã hội bằng cách nắm lấy khâu phân phối lại thu nhập quốc dân, tập trung một bộ phận lớn thu nhập quốc dân vào tay nhà nước để thực hiện công bằng xã hội, nhưng về căn bản không đụng tới những nền tảng của kinh tế tư bản chủ nghĩa (sở hữu tư nhân và tự do kinh doanh). Thực tế cho thấy những biện pháp ấy tuy có hiệu quả ở những mức độ nhất định, nhưng chính những người xã hội - dân chủ đã phải thừa nhận đó là con đường không dễ dàng và đang lâm vào bế tắc.

* Chủ nghĩa tự do (dưới mọi hình thức của nó) không đặt vấn đề công bằng xã hội thành mục tiêu cao nhất trong các chính sách kinh tế, mà vẫn tuân theo phương châm “tự do kinh doanh” trên cơ sở chế độ tư hữu tư nhân với những mức độ điều tiết của nhà nước nhiều hơn hay ít hơn. Lịch sử chủ nghĩa tư bản cho thấy điều đó dẫn tới những bất công và xung đột xã hội to lớn như thế nào. Trong nửa sau thế kỷ này, nhất là từ những năm 1970, do áp dụng những thành tựu những thành tựu khoa học và kỹ thuật thuộc “làn sóng thứ ba”, các quá trình sản xuất có những thay đổi lớn. “Nhân tố con người” và “con người đắt” trở thành những nhân tố tất yếu của sản xuất xã hội, như đã nói trên đây.


Những điều kiện ấy lại cộng thêm tác động của các cuộc đấu tranh xã hội (do ảnh hưởng tăng lên của các đảng xã hội - dân chủ và của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” kéo dài nhiều thập kỷ liền, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển có những thay đổi có lợi hơn cho người lao động và dường như ở đó những vấn đề có liên quan với công bằng xã hội được giải quyết có hiệu quả hơn ở các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng, bất công xã hội vẫn còn khá lớn và khá sâu sắc.

Nghĩa là, cho đến nay, công bằng xã hội vẫn còn là một lý tưởng, một “không tưởng”, xét ở mặt tuyệt đối của nó, trong khi về mặt tương đối, tình trạng bất công xã hội đã được giải quyết phần nào. Vấn đề hiện nay phải chăng là tìm hiểu xem, với những tiền đề nào, vấn đề công bằng xã hội được giải quyết có hiệu quả hơn.

Trên sách báo nước ngoài, vấn đề này được đặt ra một cách cụ thể là vấn đề quan hệ qua lại giữa công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế. Đó là một bài toán cực khó, vì cho đến nay, hai mặt này dường như mâu thuẫn nhau đến mức khó điều hòa. Đặt công bằng xã hội lên trên hết và coi đó là mục tiêu trực tiếp phải được thực hiện dưới dạng gần như tuyệt đối, thì khó có thể bảo đảm hiệu quả kinh tế (như “chủ nghĩa xã hội hiện thực” cho thấy). Ngược lại, đặt hiệu quả kinh tế lên cao nhất, coi đó là thước đo duy nhất của sự phát triển kinh tế, thì lại không tránh khỏi những bất công xã hội (như “chủ nghĩa tư bản tự do” cho thấy). Nếu xã hội loài người chỉ dừng lại ở văn minh công nghiệp thì rõ ràng đó là một bài toán không thể giải quyết triệt để được, nhiều lắm cũng chỉ giải quyết được từng phần. Có điều là giữa hai cách giải quyết nói trên, các giải quyết thứ hai đem lại những kết quả khách quan có lợi cho những người lao động (chú ý: tôi không nói là cho công bằng xã hội). Nói theo lối hình ảnh, một bên chúng ta có một chiếc bánh đem chia thành những phần gần đều nhau cho mọi người, dần dà chiếc bánh ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần. Cho tới lúc gần như không còn gì để chia nữa, và nếu trong hoàn cảnh đó lại có những kẻ đòi phần hơn thì những người khác mất phần.


Một bên khác, chúng ta có một chiếc bánh chia không đều nhau, kẻ được miếng to, người được miếng bé, nhưng do chiếc bánh to dần lên nên kẻ được miếng bánh bé chẳng những không mất phần mà còn có thể được khá hơn một chút. Rốt cuộc, chẳng có công bằng xã hội, chỉ có các cách chia khác nhau và mỗi bên bất công gần giống nhau. Cách ví ấy có lẽ quá thô thiển, nhưng cũng phản ảnh được thực tế phần nào. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là: tại sao một bên, chiếc bánh ngày càng nhỏ lại, còn một bên thì chiếc bánh lại to ra? Điều đó là do động lực kinh tế quyết định. Khi quyền sở hữu của mỗi người bị triệt tiêu, còn sở hữu xã hội (của nhà nước hay của tập thể) rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, thì động lực kinh tế ở mỗi người nói chung cũng bị triệt tiêu.


Trái lại, khi còn sở hữu tư nhân, thì tuy rằng nó chỉ nằm trong tay một bộ phận xã hội và bộ phận kia không có gì cả, nhưng nó vẫn còn là động lực kinh tế ít ra của bộ phận những người có sở hữu, những người này do nằm trong guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa luôn luôn tuân theo qui luật tái sản xuất mở rộng, nên nhìn chung, họ sản xuất ra ngày càng nhiều của cải hơn (xem K. Mác, Tư bản, tập II), nói cách khác, chiếc bánh to lên. Tính theo tỉ lệ tương đối, phần chia cho những người lao động không có sở hữu có thể không tăng lên, thậm chí giảm đi, nhưng về mặt tuyệt đối, phần chia ấy ngày càng tăng lên. Chưa nói tới những sức ép chính trị và xã hội của những người lao động (các cuộc đấu tranh bền bỉ và có khi quyết liệt của những người vô sản về kinh tế và cả về chính trị) cũng tác động không nhỏ tới phần chia ấy.


15


Một điểm khác nữa cũng rất quan trọng: nếu những người lao động trong mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” mất dần tính chủ động cá nhân, nhiễm phải thói dựa dẫm vào các chế độ bao cấp, thì trái lại, dưới chủ nghĩa tư bản, do những quan hệ mua - bán sức lao động theo các qui luật thị trường, người lao động phải thật chủ động và tích cực trong việc làm và đời sống để có thu nhập cao và nhất là để tránh khỏi thất nghiệp. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả công việc của họ, do đó, tới hiệu quả kinh tế chung.


*


Trong văn minh công nghiệp, không có một phương án nào khác ngoài hai phương án trên (“chủ nghĩa xã hội hiện thực” và “chủ nghĩa tư bản tự do”). Và như đã thấy, cả hai đều lâm vào ngõ cụt trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Nhưng sự phát triển kinh tế của xã hội loài người không vì thế mà bế tắc, cả trong vấn đề hết sức nan giải này. Với sức mạnh trí tuệ không ngừng tăng lên, với những thành tựu của khoa học và công nghệ, tiếp theo văn minh công nghiệp, con người đang bước sang văn minh hậu công nghiệp (hay “văn minh trí tuệ”).

Chính nền văn minh mới này đang hé mở ra những khả năng mới để giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Chắc chắn vấn đề này vẫn sẽ chưa được giải quyết triệt để (và có lẽ sẽ không bao giờ được giả quyết triệt để như mong muốn, vì con người càng phát triển thì càng bộc lộ những chênh lệch về năng lực - nhất là năng lực trí tuệ - giữa người này và người khác), vấn đề công bằng xã hội luôn luôn được đặt ra trên những bình diện ngày càng khác đi, ngày càng cao hơn. Nhưng đang xuất hiện những tiền đề và những khả năng mới để thu hẹp những bất công xã hội hiện có.
Đây không phải là chỗ để phân tích kỹ về nền văn minh mới này.


Chỉ xin nhấn mạnh một điểm có liên quan trực tiếp với vấn đề công bằng xã hội. Đó là vị trí của cá nhân con người trong sản xuất (hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này). Nền sản xuất hậu công nghiệp, như nhiều tác giả đã chứng minh khá đầy đủ, chủ yếu dựa vào tri thức, trí tuệ của các cá nhân, hơn là dựa vào sức mạnh của những phương tiện vật chất do một bộ phận xã hội nắm trong tay. Không nên có ảo tưởng rằng sở hữu về tư liệu sản xuất sẽ không đóng vai trò gì quan trọng trong nền sản xuất mới. Quyền lực của tri thức, như Alvin Toffler chứng minh trong Chuyển đổi quyền lực (1990), không có nghĩa là quyền lực của bạo lực và đồng tiền bị xóa bỏ, mà chỉ có nghĩa là những thứ quyền lực ấy từ nay sẽ bị quyền lực của tri thức chi phối.


Một người lao động có tri thức đầy đủ vẫn chưa thoát khỏi thân phận làm thuê nếu anh ta không có sở hữu trong tay. Nhưng chắc chắn mối quan hệ của anh ta với ông chủ tư liệu sản xuất sẽ khác đi, và ngược lại, ông chủ cũng phải thật sự tôn trọng năng lực trí tuệ của anh ta, vì trong nền sản xuất mới, cái quyết định là tri thức của người lao động chứ không phải là tiền của nhà tư bản. Nói như J. Naisbitt và P. Aburdene: “Trong xí nghiệp mới, năng lực sáng tạo và cá tính là những cái quí giá nhất” (Coup d’Etat dans l’entreprise, Paris, 1987, tr. 166). Việc giải quyết các vấn đề kinh tế, công nghệ, xã hội dựa vào nhưng “phẩm chất con người”, mà theo Mác, những phẩm chất ấy hình thành “ở bên kia lĩnh vực sản xuất vật chất thực thụ”.


16


Tiền đề then chốt để có thể giải quyết vấn đề công bằng xã hội chính là nằm ở đó, ở tri thức với tư cách nguồn lực chính tạo ra của cải xã hội. Xét về mặt công bằng xã hội, ít ra tri thức có hai thuộc tính phù hợp với việc giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, tri thức bao giờ cũng nằm ở cá nhân (dù đó là “trí tuệ tập thể” đi nữa, thì cũng do các cá nhân mang nó), cá nhân và năng lực của cá nhân là điểm xuất phát để tính những giải pháp kinh tế tối ưu. Thứ hai, tri thức mang bản chất dân chủ, không phải và không thể là độc quyền của bất cứ ai, nó “mang thuộc tính thật sự cách mạng là những người yếu kém nhất và những người nghèo khổ nhất cũng có thể chiếm lĩnh nó” (A. Toffler, Les nouveaux pouvoirs, tr. 39).

Nói cách khác, nếu công bằng xã hội mang hai nội dung chủ yếu là tự do và bình đẳng như đã nói trên đây, thì tri thức (sức mạnh trí tuệ) chính là tiền đề để cá nhân có thể độc lập hơn, tự do hơn và để cá nhân đạt tới địa vị xã hội bình đẳng hơn.

Nhưng làm thế nào để chuyển sang nền văn minh mới, trong đó tri thức là quyền lực chủ yếu? Cái đinh của toàn bộ vấn đề là ở chỗ này. Bởi vì, nếu không có những tiền đề có sẵn thì không thể chuyển từ văn minh cũ sang văn minh mới. Dù cũ hay mới, văn minh vẫn là một dòng chảy liên tục của những giá trị chung đã được lịch sử loài người kiểm nghiệm.

Tại sao “chủ nghĩa xã hội hiện thực” có thể nhảy sang văn minh công nghiệp (ở một số mặt nào đó) nhưng lại không thể nhảy sang nền văn minh mới, trong khi “chủ nghĩa tư bản tự do” với tất cả những mâu thuẫn và bệnh tật của nó lại có thể làm được bước nhảy về chất này? Như đã nói trên đây, nền văn minh mới đưa cá nhân lên một vị trí cao hơn trước nhiều, và tiền đề của điều đó là cá nhân phải được khẳng định ở những mức độ nào đó trong các giai đoạn văn minh trước đó. “Chủ nghĩa xã hội hiện thực”, do triệt tiêu cá nhân như một giá trị độc lập, nên không thể thực hiện bước nhảy này.

Cá nhân ở dó chỉ tồn tại như một bộ phận của tập thể, không có sở hữu riêng đã đành (kể cả sở hữu sức lao động của mình), mà cũng không thể “tự do mua bán” sức lao động trên một thị trường tự do, thuận mua vừa bán theo qui luật cung - cầu. “Chủ nghĩa tư bản tự do”, trái lại, tuy làm cho sở hữu tư nhân bị méo mó đi, một bộ phận dân cư có sở hữu trong tay còn bộ phận kia thì bị tước đoạt sở hữu, nhưng nói chung trong xã hội vẫn còn có sở hữu tư nhân, mà vì những lợi ích của mình, các ông chủ sở hữu rất nhạy cảm với mọi thay đổi trong quá trình sản xuất xã hội. Mọi trao đổi - cả về sức lao động cơ bắp cũng như “chất xám” - đều thông qua thị trường vốn là một cơ chế cũng hết sức nhạy cảm với mọi thay đổi trong quá trình sản xuất xã hội. Thị trường sẵn sàng gạt bỏ mọi yếu tố lạc hậu, đồng thời sẵn sàng tiếp nhận mọi yếu tố tiên tiến về khoa học và công nghệ.


Một phát minh hay thậm chí một cải tiến nhỏ về kỹ thuật, nếu mang lại được lợi nhuận cao hơn trên thị trường là lập tức được các công ty tư bản áp dụng (người ta tính rằng ở Nhật, từ khi có một phát minh khoa học và công nghệ ra đời đến khi nó được đem ứng dụng đại trà, chỉ mất khoảng 2 năm, trong khi ở Liên Xô (cũ), thời gian đó nói chung là 7-10 năm, chưa nói tới những phát minh bị đút vào ngăn kéo không thời hạn, vì những nhà quản lý rất sợ những cách tân vượt khỏi tầm tay của họ).

Xin nói lại: dù dưới chủ nghĩa tư bản, sở hữu tư nhân và thị trường bị biến dạng theo lợi ích của giai cấp tư sản, thì ít ra hai thể chế gắn chặt với nhau ấy (sở hữu tư nhân và thị trường) vẫn tồn tại và phát triển, mà đó chính là hai giá trị chủ yếu của văn minh chung trong lĩnh vực kinh tế của xã hội loài người. (Ai cũng biết rằng sở hữu tư nhân và thị trường là hai thể chế kinh tế - xã hội xuất hiện rất lâu trước chủ nghĩa tư bản và chắc chắn cũng sẽ tồn tại rất lâu sau chủ nghĩa tư bản).


17


Với nền văn minh mới, các thể chế xã hội - kinh tế ấy được hoàn thiện hơn, tất cả những gì làm chúng méo mó dưới chủ nghĩa tư bản sẽ bị “điều chỉnh” dần: chế độ sở hữu của các cá nhân sẽ mở rộng ra cho những người trước đó không có sở hữu, đặc biệt là sở hữu trí tuệ sẽ được khẳng định ngày càng vững chắc; thị trường càng trở nên văn minh hơn, những yếu tố tự phát, mù quáng của nó sẽ được khắc phục ở những mức độ đáng kể, và dần dần biến thành “kinh tế thị trường xã hội” (économie de marché sociale) như đang diễn ra ở một số nước phát triển.

Đi đôi với các quá trình kinh tế và công nghệ ấy, sức ép của đại đa số người trong xã hội, do các cá nhân phát triển cao hơn về trí tuệ và năng lực, sẽ làm cho các hình thức cai quản xã hội, tức là các tổ chức chính trị, trước hết là các cơ quan quyền lực của xã hội, trở nên dân chủ hơn. Quá trình chuyển sang nền văn minh mới còn dựa vào sự phát triển của dân chủ theo hướng bảo đảm về luật pháp và trên thực tế cho các quyền con người và các quyền công dân, đó là quá trình xuất hiện của cái được gọi là “chế độ dân chủ xã hội” (démocratie sociale).

Dân chủ - một giá trị văn minh chung của loài người - đóng vai trò một đòn bẩy để chuyển sang nền văn minh mới. Và nếu như các quá trình thay đổi về công nghệ, sở hữu và thị trường mang tính khách quan nhiều hơn, thì quá trình dân chủ hóa mang tính chất chủ quan nhiều hơn, nó phụ thuộc rất lớn vào ý chí của các cá nhân, vào “ý thức xã hội và chính trị” của các công dân.

Như vậy, những giá trị văn minh chung của loài người như: xã hội công dân (trên cơ sở sở hữu tư nhân), kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ, từng tồn tại trong lịch sử ở những mức độ nhất định và có khi bị biến dạng, bị thu hẹp, những giá trị đó sẽ phát triển đầy đủ hơn trong nền văn minh mới. Nghĩa là con đường đi tới nền văn minh mới, với những giải pháp mới có triển vọng hơn cho công bằng xã hội, phải là con đường phát triển những giá trị văn minh chung đã được lịch sử kiểm nghiệm ấy.

Ở đây không có con đường tắt nào cả. Mọi con đường tắt chỉ dẫn tới chỗ bế tắc mà thôi. Phải chăng đó là bài học đau đớn nhất được rút ra từ sự đổ vỡ của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” do nó đã làm một cuộc thí nghiệm quá tốn kém để “đi đường tắt”, không chú trọng và thậm chí phủ định những giá trị văn minh chung của loài người. Lý tưởng công bằng xã hội của nó không nhữg không gần lại, mà còn rời xa hơn...


*
18


Trong thời gian gần đây, khi thảo luận vấn đề tiến bộ xã hội, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới thống nhất với nhau ở điểm căn bản này: chỉ những quá trình xã hội nào giúp cho cá nhân con người phát triển ngày càng toàn diện, mới có thể coi đó là tiến bộ xã hội. Cá nhân con người - đó là giá trị chủ yếu và cao nhất, là điểm đầu và điểm cuối của tiến bộ xã hội. Tôi nghĩ rằng bàn tới công bằng xã hội, cũng phải lấy địa vị cá nhân con người làm thước đo. Những tiêu chuẩn để đo địa vị cá nhân con người, xét về mặt công bằng xã hội, chắc chắn cũng không thể là cái gì hơn tự do và bình đẳng: mỗi cá nhân có được trình độ tự do ngày càng cao hay không, có trình độ bình đẳng ngày càng cao hay không.

Có thể có những cách hiểu khác nhau về công bằng xã hội, trong đó có cách hiểu khá phổ biến cho rằng công bằng xã hội là cho (cống hiến) bao nhiêu thì được nhận (hưởng thụ) bấy nhiêu. Về mặt lý luận, cũng có người đưa ra định nghĩa về công bằng xã hội một cách rắc rối hơn: đó là “mức độ được xã hội hay giai cấp thống trị chấp nhận là đúng đắn, có cơ sở đạo đức, dùng để đo những hành động của một chủ thể có lợi (hay có hại) cho xã hội và những người khác, và những hành động của xã hội và những người khác đáp ứng cho chủ thể đó” (G. V. Malcev, Công bằng xã hội và pháp quyền, Moskva, 1977, tr. 54).


Đó là một cách lý luận hóa đối với cách hiểu “cho - nhận” nói trên. Về hình thức, cách hiểu đó không sai, nhưng về thực chất và trong thực tế, cách hiểu đó không thể áp dụng cụ thể được. Vì thật khó trả lời cho những câu hỏi sau đây: “cho” cái gì? ai đánh giá mức “cho” ấy và đánh giá theo tiêu chuẩn nào? “nhận” cái gì? ai đánh giá mức “nhận” ấy?, v.v....

Xã hội càng phát triển, thì càng khó trả lời những câu hỏi đó. Không thể đánh giá những cống hiến về khoa học và nghệ thuật, chẳng hạn, theo những thước đo cụ thể và chi li, giống như đo những kết quả lao động sản xuất vật chất thể hiện bằng số lượng và chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, trong một nền sản xuất ngày càng phức tạp, không thể nói một sản phẩm làm ra chứa đựng những “cống hiến” cá nhân đến mức nào. Quan niệm của Mác nói rằng trong xã hội cộng sản tương lai, mỗi người lao động sẽ nhận một phiếu lao động phù hợp với mức cống hiến của mình để đổi lấy những vật phẩm mà xã hội bù đắp một cách tương ứng, hay quan niệm cũng của Mác nói rằng “lao động phức tạp” là bội số của “lao động giản đơn”, những quan niệm đó tỏ ra quá thô thiển và không thể thực hiện được ngay cả trong sản xuất công nghiệp và lại càng như vậy trong sản xuất hậu công nghiệp.



19

Qua niệm công bằng xã hội là sự bảo đảm cho mỗi cá nhân được tự do hơn và bình đẳng hơn, như tôi vừa trình bày trên đây, thật ra cũng rất trừu tượng, nhưng dù sao nó cũng chỉ ra được một vectơ cho sự vận động của xã hội và cá nhân theo hướng phát triển ngày càng cao hơn và ngày càng hoàn thiện hơn.

Nói cho cùng, công bằng xã hội là một cái đích không bao giờ đạt tới một cách tuyệt đối cả. Cả trong tương lai xa vời, sẽ không bao giờ loài người có thể xoa tay và dõng dạc tuyên bố: “Đã có công bằng xã hội rồi!”. Nhưng cũng giống như sự vận động của tri thức và nhận thức trên đường đi tới nhưng chân lý không bao giờ đạt tới, công bằng xã hội chỉ có thể vận động theo hướng “ngày càng ít bất công hơn” mà thôi. Nghĩa là, công bằng xã hội, với tư cách một lý tưởng xã hội, vẫn cứ là một ảo tưởng, nhưng là một ảo tưởng cần thiết, như Jean-Paul Jouary nói rất hay về các ảo tưởng (xem Comprendre les Illusions, Editions sociales. Paris, 1981) [1] .

Liệu có thể tin rằng con người, trong toàn bộ tiến trình lịch sử của mình, đã, đang và sẽ tiến từng bước nặng nhọc và khó khăn trên con đường đi tới công bằng xã hội không? Tôi nghĩ là có thể. Nhìn lại tiến trình lịch sử ấy, có thể thấy được ba chặng đường chủ yếu, vừa nối tiếp nhau vừa phủ định nhau sau đây:

* Chặng đường thứ nhất: con người chưa tồn tại với tư cách cá nhân; cộng đồng đứng trên hết và tất cả; xã hội hồi đó là công bằng tuyệt đối, nhưng đó là sự công bằng thô thiển, dựa trên trình độ sản xuất cực kỳ thấp kém, và triệt tiêu cá nhân.

* Chặng đường thứ hai: cá nhân con người bắt đầu tự khẳng định, đi đôi với sự xuất hiện những bất công xã hội; đại đa số người không có tự do và bình đẳng, của cải và quyền lực tập trung vào tay một thiểu số.

* Chặng đường thứ ba: các cá nhân dần dần đạt tới những cơ hội ngang nhau về tự do và bình đẳng, những bất công xã hội dần dần bị thu hẹp, xã hội trở nên bình đẳng hơn; về căn bản đó là chặng đường của tương lai.

Sơ đồ này chắc chắn còn quá đơn giản, nhưng có thể phản ảnh phần nào con đường đi tới công bằng xã hội.

Một lần nữa, con đường đó gắn liền với con đường văn minh chung của xã hội loài người qua những giai đoạn khác nhau của nó. Và như vậy, một lần nữa, con đường đi tới công bằng xã hội phải là con đường dựa vào những giá trị văn minh chung mà loài người đã tích lũy được từ thấp lên cao trong toàn bộ lịch sử của mình.

Tháng Mười hai 1992


[1]Trong các trào lưu xã hội chủ nghĩa hiện có, những người xã hội - dân chủ có lẽ là những người đang tìm tòi nhiều hơn cả về vấn đề công bằng xã hội, trong khi trào lưu cộng sản đang bị khủng hoảng về lý luận và bế tắc về thực tiễn. Một phần, chính họ đã góp phần làm cho chủ nghĩa tư bản “mềm dẻo” hơn theo hướng giảm bớt những bất công xã hội vốn có. Một phần khác, do những quan niệm của họ cũng khá “co dãn” để có thể tiếp cận với văn minh hậu công nghiệp.
Trong văn kiện Trào lưu xã hội - dân chủ trong thế giới đang thay đổi, do Đại hội XIX của Quốc tế xã hội chủ nghĩa (họp tại Berlin, ngày 15-17 tháng chín 1992) thông qua, có một mục dành cho công bằng xã hội. Trên phạm vi thị trường toàn thế giới, họ chủ trương đi tới một sự điều tiết căn bản để có cạnh tranh đúng đắn. “Chủ nghĩa bảo hộ là không đúng cũng như sự phá giá xã hội (social dumping), chúng ta chống lại cả hai lối đó, trong khi chủ nghĩa tự do kinh tế thì nhắm mắt trước các mặt xã hội”. Trong nước, họ chủ trương gạt bỏ “bàn tay vô hình” làm cho thị trường lộn xộn, “nhằm bảo đảm những cơ hội ngang nhau và công bằng xã hội”. “Cần có những công đoàn mạnh để chống lại quyền lực của tư bản, và cả lao động lẫn tư bản đều cần có sự bảo trợ hợp phps và sự ủng hộ của chính phủ nhằm đi tơi một xã hội cân bằng. Công bằng xã hội có nghĩa là dân chủ kinh tế tăng lên trong tất cả các khu vực sản xuất và dịch vụ, từ cửa hàng và xí nghiệp đến cấp vùng và toàn quốc”.


Họ chủ trương đầu tư cho dân chúng thông qua các chương trình sức khoẻ, các dịch vụ xã hội và tiền công đúng đắn. Họ nhấn mạnh sự quan tâm đối với cả hiệu quả kinh tế lẫn công bằng xã hội. “Các nước chúng ta cần một sự đồng thuận xã hội về những mức tiền công đúng đắn và những điều kiện lao động tốt, về sự phân phối của cải và thu nhập. Vấn đề giảm bớt nạn thất nghiệp được coi là hàng đầu”. “Những nỗ lực cá nhân để thích nghi với thị trường lao động phải đi đôivới những nỗ lực công cộng nhằm tạo ra công ăn việc làm. Giáo dục và huấn luyện nghề nghiệp là cốt yếu để bảo đảm và tăng thêm việc làm và để thực hiện sự ngang nhau về cơ hội trong một thế giới có những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và cơ cấu”. (những đoạn đặt trong dấu ngoặc kép là trích từ văn kiện nói trên).

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.

No comments: