Stéphane Courtois et al.
Mật thư tội ác của chủ-nghĩa Cộng-sản
Dịch giả : Fossion René & Trần hữu Sơn
Phần 1. Chương 7
GIẢI TÁN QUY CHẾ ĐIỀN CHỦ Và CƯỠNG BÁCH CANH TÁC TẬP THỂ
Căn cứ theo các tài liệu vừa mới công khai hóa trước quần chúng, người ta thấy rằng chính sách canh tác tập thể là một cuộc tuyên chiến của nhà nước cộng sản chống lại toàn thể nông dân trên toàn nước Nga.
Riêng trong năm 1930, nhà nước cộng sản lưu đày 2 triệu nông dân. Qua năm 1931, chính quyền bắt thêm một triệu tám trăm ngàn nông dân. 6 triệu người chết đói vì không có đủ lương thực. Trên đường chở đến các trại lao động khổ sai, có hàng trăm ngàn người chết thê thảm. Các con số người chết trên đây đã nói lên tấm thảm kịch của chiến dịch tấn công nông dân do nhà nước cộng sản chủ mưu.
Ngoài các diễn biến xảy ra rong suốt mùa Đông 1929-1930, các cuộc đàn áp nông dân còn kéo dài thêm vài năm sau đó. Cao điểm của cuộc tàn sát diễn ra trong năm 1932 và 1933, với số người chết đói lên cao nhất. Đó là hệ quả của chính sách nhằm đánh tan âm mưu chống đối nhà nước của bọn nông dân . Chính sách đàn áp nông dân được coi như một thí điểm , lấy kinh nghiệm để sau này nhà nước áp dụng vào các thành phần xã hội khác. Học hỏi kinh nghiệm khủng bố là giai đoạn quyết định quan trọng trong chính sách khủng bố của Staline.
Trong bản phúc trình gởi cho Ủy ban trung ương đảng trong phiên họp hồi tháng 11 năm 1929, ông Viatcheslav Molotov trình bày : Vấn đề tốc độ thi hành chính sách tập thể hóa không quan trọng. Nếu từ nay cho đến đầu năm tới các đế quốc không tấn công chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được thắng lợi về kinh tế và sẽ thành công trong chính sách tập thể hóa.
Chính quyền thành lập một uỷ ban đặc biệt soạn thảo lịch trình tập thể hóa với các chỉ tiêu gia tăng. Ngày 5 tháng giêng năm 1930 nhà nước cộng sản cho thi hành chương trình tập thể hóa nông nghiệp . Vào mùa Thu năm 1930, các vùng Bắc Caucase, vùng trung và hạ lưu sông Volga sẽ đi vào nề nếp làm ăn tập thể. Các vùng sản xuất nông sản lớn lần lượt vào tập thể trong vòng một năm sau.
Tất nhiên các hành động thi hành theo chỉ thị sẽ dẫn đến sự lạm quyền. Phải định nghĩa cường hào, phú nông như thế nào cho đúng nghĩa của nó. Người nào bị xếp vào hạng 2 và ai thuộc hạng 3,.. ? Sau nhiều cuộc tranh luận giữa các lý thuyết gia và các kinh tế gia cộng sản, họ vẫn chưa tìm ra một tiêu chuẩn thích hợp nào cho tầng lớp nông dân này. Về sau, vì phải đóng thuế càng lúc càng nhiều, các phú nông chẳng còn gì để gọi là phú nữa. Nhưng nhà nước vẫn căn cứ vào các lần thu thuế trước đây để gán cho các nông dân vốn đã bị cướp hết tài sản này là phú nông.
Theo chỉ thị, nông dân phải làm tờ khai chính xác tài sản của mình. Sau đó làm đơn chuyển nhượng tài sản cho hợp tác xã nông nghiệp. Tài sản của họ trở thành công quỹ. Nông dân không có quyền bán lại cho ai cả. Nhưng đối với các toán trưng thu, họ cho rằng đó là tài sản chung, cứ tự do xử dụng.
Toán công an tỉnh Smolenk phúc trình: Các toán trưng thu tịch thu cả áo lạnh của nông dân. Họ thích nhất là các quần áo lót, giày mang mùa đông và mùa hè, các đôi giày cao su, y phục phụ nữ, các cây cào than trong lò sưởi, các bình đựng nước,..Họ lấy luôn các chiếc gối của trẻ em, các chiếc bánh còn đang nướng trên bếp. Họ bóp nát các bánh và rãi lên các tượng thánh trên bàn thờ .
Tài sản tịch thu được coi là tài sản của điền chủ phú nông nên bị đập phá thẳng tay cho bán đãu giá với một giá rất thấp. Các toán trưng thu coi đây như là cơ hội để trả thù cá nhân. Ở nhiều vùng nông thôn, 80 đến 90 % tầng lớp trung lưu bị ghép vào giai cấp phú nông. Các nông dân này, thay vì bán nông phẩm thặng dư cho các toán trưng thu, trước đó họ đã bán ra ngoài dân chúng. Họ cũng bị bắt. Nông dân nào có thuê người làm trong vòng hai tháng cũng bị bắt. Nhà nào có hai bình nấu nước cũng bị tịch thu. Kể từ tháng 9 năm 1929, giết heo làm thịt tức là không muốn bán heo cho các toán trưng thu, bị ghép vào tội cướp đoạt tài sản của xã hội để làm của riêng , cũng bị bắt.
Sau đợt đầu bị các toán trưng thu lợi dụng tình hình để trả thù cá nhân, cướp đoạt tài sản, nông dân ở các vùng nông thôn quyết tâm kết hợp thành một khối chống lại chính sách cướp tài sản và chương trình cưỡng bách tập thể nông nghiệp của nhà nước cộng sản.
Tháng giêng, cơ quan tình báo địa phương ghi nhận 402 vụ nông dân biểu tình chống đối. Tháng sau, 1048 vụ và trong tháng ba xảy ra 6528 vụ.
Vì bị chống đối quá mạnh, chính quyền cộng sản phải thay đổi kế hoạch.
Ngày 2 tháng 3 năm 1930, Staline viết trên các báo Liên Xô bài viết lịch sử của ông ta. Trong bài báo, ông lên án các vi phạm vào cái mà ông ta gọi là sự tình nguyện tập thể hoá cuả nông dân trong các hợp tác xã. Ông đề cập đến sự thái quá trong công tác tập thể hoá. Bài viết gây chống động trong hàng ngũ nông dân.Chỉ trong vòng 3 tháng, có 6 triệu nông dân rút ra khỏi hợp tác xã. Họ đòi lại dụng cụ, máy móc , trâu bò trong các khâu sản xuất. Tình hình xã hội trở nên rối loạn. Suốt trong tháng 3, Trung ương đảng cộng sản liên tục nhận báo cáo của các quan tình báo địa phương về các cuộc biểu tình chống chính quyền xảy ra ở các vùng Tây Ukraine, vùng trung tâm đất đen, vùng Bắc Caucase, vùng Kazakhtan. Chính quyền phải đưa các đơn vị quân đội đến giải tán 800 vụ biệu tình ở mức độ lớn trong số 6500 cuộc biểu tình đã xảy ra trong các vùng này.
Trên 1500 nhân viên nhà nước bị nông dân chống đối , gây thương tích. Con số thiệt haị về phía nông dân không được công bố. Qua tháng tư, nhà nước đưa ra một số điểm nhượng bộ nông dân. Trung ương gởi nhiều chỉ thị xuống cho các cơ quan chính quyền địa phương, buộc phải thi hành chậm lại chính sách tập thể hóa. Trung ương cũng nhấn mạnh, cuộc chống đối của nông dân có thể làm nguy hại đến chính quyền cộng sản và làm tiêu hao nhân công viên nhà nước địa phương. Cuối tháng tư vẫn còn 1992 vụ biểu tình. Đến mùa hè, mức độ chống đối giảm dần. Cuối tháng sáu có 886 vụ và trong tháng 8 chỉ còn có 618 cuộc biểu tình.
Trong suốt năm 1930 có đến 2 triệu nông dân tham dự vào 14.000 cuộc biểu tình và nổi loạn bạo động chống lại chính sách trưng thu và cưỡng bách canh tác tập thể. Các cuộc chống đối thường diễn ra ở các vùng biên giới của Ba Lan va Lỗ Ma Ni, các vùng đất đen và vùng phía Tây Ukraine.
Phụ nữ đã đóng một vai trò then chốt trong các cuộc biểu tình chống đối. Họ xung phong đi đầu các cuộc biểu tình, vì họ nghĩ rằng các toán công an sẽ nương tay hay không đàn áp. Nông dân dùng kềm búa, gậy gộc, chĩa ba,.. xâm nhập vào các văn phòng của nhà nước địa phương đập phá và gây thương tích nhân viên. Nông dân chiếm các Xô Viết trong vài giờ hay trong vài ngày. Họ đứng ra giải quyết một số vấn đề hằng ngày cho dân chúng trong vùng. Họ lập hồ sơ khiếu nại đòi lại các dụng cụ canh tác, gia súc,..của quần chúng đã bị trưng dụng trước đây. Quần chúng làm đơn đòi giải tác các nông trường, các hợp tác xã, đòi cho bán bán tự do và đòi trả tự do cho những người bị nhà nước cộng sản bắt giam . Họ đòi hủy bỏ chính quyền Bônsêvich và đòi lại độc lập cho Ukraine.
Các cuộc chống đối của nông dân trong tháng ba và tháng tư đã làm đảo lộn chương trình tập thể hoá của nhà nước. Nhưng nông dân chỉ thành công trong một khoảng thời gian rất ngắn. Điểm khác biệt với các cuộc nổi loạn của những năm 1920-1921 là lần này nông dân không có một cơ quan lãnh đạo thực thụ để hướng dẫn các cuộc chống đối thống nhất, đồng bộ và liên kết. Vì nông dân thiếu tổ chức nên lực lượng chính phủ đàn áp họ dễ dàng. Các lãnh tụ nổi tiếng của nông dân bị giết ngay trong các cuộc nổi loạn đầu tiên. Có đến 15.000 nông dân bị chính quyền bắt trong tháng ba năm 1930 tại vùng phía Tây Ukraine. Các toán công an địa phương bắt giam 26000 người và đem đi hành quyết 650 người trong nửa đầu tháng ba. Toà án đặc biệt kết án tử hình 20.200 người.
Theo chỉ thị số 44/21 của G. Iagod, các toán công an bắt 60.000 người và xếp họ vào hạng 1 . Các bản phúc trình hằng ngày của các toán công an địa phương gởi về cho Iagod cho thấy lịnh lùng bắt thi hành tốt đẹp. Bản phúc trình đầu tiên đề ngày 6 tháng hai, báo cáo bắt giam 15.985 người. Ngày 9 bắt thêm 25.245 người. Bản phúc trình mật đề ngày 15 ghi rõ đã thanh toán xong 64.589 ngừơi trong đó có 51.166 thuộc hạng 1 .
Thừa cơ hội này, các toán công an thẳng tay quét sạch các phần tử xa lạ với xã hội chủ nghĩa. Đó là các cựu cảnh sát của chế độ cũ, các sĩ quan Bạch quân, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các thương gia, trí thức,..
Trong bản phúc trình đề ngày 15 tháng 2 năm 1930, Iagod viết : Các vùng Tây Bắc và thành phố Leningrad không hiểu hay không chịu hiểu chỉ thị của chúng ta. Chúng ta bắt họ phải hiểu. Chúng ta còn có nhiều thì giờ để thanh toán các Linh Mục và các thương gia. Ngày nay trước mắt, chúng ta phải nhắm đúng vào mục tiêu là đánh vào các nông dân phản cách mạng.
Cho đến giờ này chưa ai biết chính xác con số nạn nhân của chiến dịch Thanh toán cường hào địa chủ hạng 1 . Đó là các nông dân bị đày vào các trại lao động cưỡng bách chung thân. Mùa hè 1930, chính quyền cộng sản địa phương cho thành lập các trại lao động khổ sai . Toàn bộ các trại cũ ở Solovski được dùng lại cộng thêm một số trại mới dọc theo bờ Bạch hải , vùng Carelie và mở rộng đến Arkhangelsk. Ở phía Bắc, 40.000 tù nhân xây con đường Kem-Oukhta và khai thác gỗ xuất cảng tại bến tàu Arkhangelsk. 40.000 tù nhân khác xây dưng đường xe lửa dài 300 cây số chạy qua Oust, Sysolsk và Piniong. Một con đường xe lửa khác dài 290 cây số nối liền Oust , Sysolsk với Oukhta.
Trong vòng một năm rưỡi, từ cuối năm 1928 đến mùa hè 1930, con số tù nhân bị đưa đi lao động khổ sai tăng lên 3,5, tức là từ 40.000 lên đến 140.000. Kết quả của chính sách cưỡng bách lao động của tù nhân đã khuyến khích chính quyền cộng sản mở thêm các trung tâm cải tạo lao động khác. Tháng 6 năm 1930, chính quyền quyết định cho đào con kinh dài 240 cây số từ biển Baltiques qua vùng Bạch Hải. Phần lớn của con kinh phải đào qua vùng đá hoa cương. Vì thiếu phương tiện kỹ thuật cơ giới, nên nhà nước đã tung vào dự án này 120.000 tù nhân. Nhờ vào chính sách giải thể chế độ điền chủ vào mùa hè 1930 nên mới có đủ con số nông dân bị bắt lao động, cung cấp cho dự án đào kinh. Họ làm việc với các dụng cụ thô sơ như cuốc , xẽng, xe cút kít,..
Trên thực tế, con số nông dân giải thể lên đến 700.000 người vào cuối năm 1930. Chính quyền không đủ nhân viên quản lý. Tình hình trở nên hỗn loạn khi nhà nước mở chiến dịch bắt nông dân hạng 2 và hạng 3 . Họ bị bắt đưa đi lưu đày và bỏ quên ở đó. Nếu xét về mặt kinh tế, quả là con số không cho nhà nước. Chính quyền dự tính giải thể nông dân, khai thác sức lao động của tù nhân trong các vùng hoang dại phong phú tài nguyên, nhưng cuối cùng chẳng được gì cả.
Vào các tuần lễ đầu tháng 2 năm 1930, Bộ chính trị Trung ương cộng sản chấp thuận kế hoạch khởi đầu chiến dịch lưu đày nông dân cấp hai. Đợt đầu tiên hoàn tất cuối tháng tư. 45.000 gia đình đưa đi miền Bắc và 15.000 gia đình đến vùng Oural.
Ngày 16 tháng hai, Lenine gởi điện văn khiển trách Eikke, bí thư thứ nhất của Ủy ban nhân dân vùng Tây Siberie vì lý do vùng này chưa sẵn sàng để tiếp nhận 15.000 gia đình đến định cư.
Trong thư trả lời, Eikke biện minh vì số tiền dự tính chi tiêu để tiếp nhận định cư 40 triệu Rúp, cho đến nay ông ta chưa nhận được.
Sự kiện trên cho thấy nhà nước tổ chức không ăn khớp với nhau. Nông dân bị bắt và bị nhốt khắp nơi. Họ bị nhốt tại các trại lính cũ, tại văn phòng Xô Viết, tại nhà ga,..Do vậy có rất nhiều người trốn thoát. Công an dự tính chuyển đợt đầu phải cần đến 240 đòan xe lửa. Mỗi đoàn gồm có 150 toa trong đó có 44 toa dùng để chở súc vật, nay trưng dụng chở người, 8 toa chở lương thực và một ít dụng cụ riêng tư được phép mang theo và một toa chở lính hộ tống. Mỗi gia đình được phép đem theo không quá 480 kg.
Giữa mùa Đông, đoàn xe dừng lại chờ lịnh trên để biết là phải chở các gia đình này đến nơi nào. Họ sống chật vật trên các toa xe lửa trong cái lạnh cắt da của mùa đông ở nước Nga. Vì thiếu vệ sinh và phải sống chật vật trong các toa xe nên bịnh truyền nhiễm phát sinh. Không biết bao nhiêu người chết trên con đường đi lưu đày.
Khi đoàn xe đến nơi quy định, công an tách rời những người đàn ông còn khỏe mạnh ra khỏi gia đình của họ, cho tập trung vào các chòi lá xây cất vội vàng. Sau đó họ bị dẫn đi sâu vào trong các cánh rừng để khẫn hoang. Mùa hè, họ đi bộ hay đi bằng những chiếc xe , thay phiên nhau đẫy. Mùa đông họ đi bằng xe trượt tuyết. Nông dân hạng ba cũng cùng chung số phân với nông dân hạng hai. Nhưng vào chặng cuối, nông dân hạng ba được đưa vào vùng nội địa, vùng đất quen thuộc của họ. Họ coi đó như là một ân huệ. Các vùng này ở Siberie, Oural rộng bao la, hàng trăm ngàn cây số vuông.
Trong bản phúc trình đề ngày 7 tháng ba năm 1930 chính quyền địa phương Tomsk thuộc vùng Tây Siberie có đề cập đến toán nông dân hạng ba. Họ đến không có xe trượt tuyết, cũng không có ngựa. Thật ra nông dân hạng ba còn có quyền giữ gia súc của mình. Nhưng những con ngựa khỏe mạnh của họ bị công an đổi các con ngựa yếu đuối, không thể nào còn sống sau đoạn đường dài 300 cây số. Vì không có ngựa cũng như không có xe trượt tuyết nên họ không thể mang theo nhiều lương thực và dụng cụ canh tác mặc dù họ được quyền đem theo.
Ủy ban nhân dân vùng Siberie cũng gởi bản phúc trình có nội dung như bản phúc trình trên. Bản phúc trình trình bày sự phi lý và không thể thực hiện công tác định cư của 4921 gia đình nông dân hạng ba tại một vùng thuộc tỉnh Novossibizsk. Bản phúc trình ghi nhận : Việc chuyển vận trên con đường tồi tệ dài 370 cây số với số lượng thực phẩm 8560 kg, cùng với rơm rạ cho ngựa ăn, kéo dài trong hai tháng, phải cần đến 280909 con ngựa và 7227 ngân viên chăm sóc ngựa. Một khi hoàn tất kế hoạch chuyển người, chắc chắn sẽ làm chậm trễ vụ mùa vì các con ngựa sau chặng đường dài , không còn đủ sức để kéo cày. Cho nên phải xét lại kế hoạch và giảm bớt lương thực đem theo .
Và như vậy, các gia đình nông dân sẽ không có đủ lương thực để sinh sống, không đủ dụng cụ để canh tác và khi đến nơi , họ không có nơi cư trú. Họ bị bắt buộc định cư với những cái không này.
Tháng 9 năm 1930, Ủy ban nhân dân vùng Arkhangelsk cho biết chỉ có thể xây 7 căn trại trong số 1641 trại như đã dự tính. Gia đình nào may mắn còn mang được theo các dụng cụ canh tác, họ đào lỗ, chặt cây phủ lên và chun vào đó sống qua mùa đông. Họ sống trong các cánh đồng cỏ hay ven bờ rừng. Một số người đưa đi canh tác ăn và ở tại các khu làm việc.
Chính sách giải thể chế độ điền chủ và cưỡng bách canh tác tập thể trong những năm 1930-1931 đã chính thức đưa lưu đày 1.803.392 người. Biết bao nhiêu người chết trong các vùng kinh tế mới . Trong văn khố của tỉnh Novossibizsk còn lưu trự một bản phúc trình rất quan trọng, gởi cho Staline vào tháng ba năm 1930. Bản phúc trình do Ủy viên tuyên huấn đảng bộ Narym báo cáo. Ông trình bày số phận của hai đoàn xe và người xuất phát từ Mạc Tư Khoa và từ St. Petersboug. Hai đoàn khởi hành trễ hơn dự tính. Họ không thuộc hạng nào cả. Họ là những người bị loại ra khỏi xã hội của cộng sản vào cuối năm 1932. Đó là thành phần đưa đi lưu đày và vứt bỏ luôn. Một đoạn kinh hoàng của bản phúc trình ghi lại như sau : Ngày 29 và 30 tháng tư năm 1933, hai đoàn người bị xếp vào loại ngoại hạng, bị tống ra khỏi Mạc Tư Khoa và St. Peterbourg bằng xe lửa. Khi đến thành phố Tomsk, một toán 5070 người bị đưa xuống tàu để chuyển ra đảo Nazino vào ngày 18 tháng 5 và toán sau 1044 người đến ngày 26 tháng 5. Đảo Nazino nằm giữa cửa sông Ob và Nazina. Phương tiện chuyên chở thật kinh hoàng. Thức ăn thiếu thốn, không có chỗ chen chân, thiếu không khí. Người già và người bịnh , không chịu nổi. Hằng ngày con số người chết từ 35 đến 40. Tuy vậy, họ cho rằng vẫn còn sướng hơn khi đến đảo Nazino. Tại đảo, họ bị chia ra từng toán nhỏ, đưa đi định cư ở những vùng hẻo lánh ven sông Nazina. Nazino là hoang đảo hoang, không có dấu vết của sự sống. Họ đến, không đem theo hạt giống, không dụng cụ canh tác, và cũng không có lương thực để sinh sống qua ngày. Với điều kiện đó, họ bắt đầu một cuộc sống mới. Ngày hôm sau , trời bão tuyết. Vừa không có thức ăn, vừa không có chổ che thân, họ sống trong tình trạng tuyệt vọng. Họ tìm cách nhúm lửa ngồi hơ ấm. Qua đến ngày thứ tư, thứ năm, chính quyền mới cho tàu đem bột mì đến chia cho họ, mỗi người vài trăm gram. Họ dùng áo, nón đựng bột rồi chạy ra ngoài sông lấy nước trộn bột. Một vài người đói quá, ăn vội bột sống, nghẹt thở chết tại chỗ. Bột mì là lương thực duy nhất mà họ thỉnh thoảng nhận được của nhà nước. Số lượng bột chẳng bao lâu khô cạn. Vì đói, tình trạng người ăn thịt người đã diễn ra.
Cuối tháng 6, nhà nước chuyển ho đến các làng khai hoang, cách đảo Nazino chừng 200 cây số. Làng khai hoang nằm về phía thượng lưu sông Nazina, giữa cánh rừng bao la Taiga. Đó là một vùng hoang dã. Công việc đầu tiên của họ là xây lò nướng bánh mì. Cái cảnh túng quẫn ngồi quanh bếp lửa lại diễn ra. Ở đây cứ 4 ngày, tù nhân được phân phối bột mì. Người chết vẫn tiếp tục xảy ra hằng ngày. Sau đó, vì không thể tiếp tục sống ở khu vực này, nhà nước chuyển họ về phía hạ lưu sông Nazina.
Trung tuần tháng 7, nhà nước phát dụng cụ xây cất doanh trại cho những người còn sống sót. Họ xây cất đơn sơ. Một phần chiều cao của trại nằm sâu dưới đất. Mặc dù cuộc sống tương đối khá hơn trước nhưng tình trạng ăn thịt người vẫn còn diễn ra.Họ bắt đầu canh tác. Sức khỏe của họ vẫn còn yếu. Người tiếp tục chết. Lúc khởi hành ra đi ở sân ga Tomsk hồi tháng 4 với con số 6100 người, thêm vào đó chừng 500 đến 700 dân địa phương hay ở những vùng khác đưa tới, đến tháng 8, chỉ còn sống sót có 2200 người.
Nhiều vùng trên đất Nga xảy ra các cảnh tương tự như ở trên đảo Nazino.
Bao nhiêu người bị lưu đày? Và bao người đã bỏ thây?
Từ tháng 2 năm 1931 có chừng 1.800.000 nông dân bị cướp đoạt ruộng đất và bị lưu đày. Đến tháng giêng năm 1932, khi nhà nước kiểm kê lại, thì chỉ còn có 1.317.022 người còn sống sót. Như vậy, con số người chết lên đến nửa triệu, tỉ lệ 30%. Thật ra trong số nửa triệu đó cũng có một số trốn thoát. Trong năm 1932, các toán công an địa phương kiểm tra thường xuyên những người còn sống sót. Công an chịu trách nhiệm chuyển từ nơi xuất phát và tiếp nhận tại các nơi đînh cư. Các cuộc điều tra của công an cho biết có tất cả 210.000 người trốn trại và có 90.000 chết. Trong năm 1933 xảy ra nạn đói lớn làm chết 151.000 người, trong trên tổng số 1.420.000 đi vùng kinh tế cưỡng bách. Tỉ lệ người chết là 6,8% trong năm 1932 và 13,2% trong năm 1933. Trước đó, con số người chết chỉ được kiểm kê từng vùng. Nhưng tỉ lệ người chết không ít. Trong năm 1931, ở Kazakhtan có 1,3% người chết. Ở vùng Siberie con số chết tăng lên mỗi tháng 0,8%. Trẻ em chiếm từ 8% đến 12%. Tại vùng Magnitogorsk, 15%.
Tổng cộng trong 3 năm, con số người chết trong các vùng lao động cưỡng bách khổ sai là 300.000.
Đối với chính quyền trung ương, kế hoạch thu lợi sức lao động của những người mà họ gọi là lưu đày đặc biệt mà qua năm 1932 họ đổi lại là những người lao động khai hoang , là chính sách đem con bỏ chợ. Chính quyền trung ương thờ ơ, nhân viên thuộc cấp làm việc lấy lệ. Ông N. Pouzitski, một trong những nhân viên đặc trách định cư người lưu đày nhận định rằng đó là một sự thờ ơ chết người , chỉ vì chính quyền địa phương không ý thức gì về chính trị và không am tường khả năng khai hoang của những người lưu đày.
Tháng 3 năm 1931, chính quyền thành lập một ủy ban đặc biệt dưới quyền lãnh đạo của V. Andreiev và Iagoda, nhằm chận đứng sự phung phí nhân lực của những người lưu đày. Ủy ban chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ chính trị trung ương của đảng cộng sản Nga. Nhiệm vụ của ủy ban là quản lý hữu hiệu và hợp lý con số nhân công lao động khổ sai. Qua các cuộc điều tra sơ khởi, ủy ban nhận định năng suất lao động của lớp nhân công lưu đày chỉ là con số không. Chỉ có 8% trong số 300.000 người trong vùng Oural được chỉ định đi khai thác gỗ va đi lao động sản xuất. Còn số người khỏe mạnh khác đi làm các công tác xây cất nhà ở hay làm các công việc khác cho có lệ. Một tài liệu khác cũng xác nhận chính sách giải thể nông nghiệp cá thể đã làm cho nhà nước thất thu rất nhiều. Giá trị trung bình tài sản tịch thu của nông dân vào năm 1930 chỉ tương đương với một số tiền là 564 Rúp cho mỗi cơ sở sản xuất. Đó là con số quá nhỏ, chỉ bằng nửa tháng lương của người thợ. Nhưng đối với nông dân lưu đày, số tiền này tương đối dễ chịu.
Để có thể quản lý nhân công lao động hợp lý, Ủy ban đặc biệt tái tổ chức cơ cấu hành chánh. Vào mùa hè năm 1931, công an đứng ra chịu trách nhiệm quản lý hành chánh. Trước đó, công việc này trực thuộc chính quyền địa phương. Ủy ban cũng thành lập một cơ quan hành động và một cơ quan tình báo. Các cơ quan này được hưởng quyền bất khả xâm phạm và chịu trách nhiệm kiểm soát một vùng đất bao la và một số người khai hoang đông đảo. Ủy ban cho ban hành quy chế kiểm soát chặt chẽ. Họ chỉ định nơi định cư và phân phối công tác lao động ở các nông trường, xí nghiệp , hợp tác xã, công trường xây dựng, cơ sở bảo trì hay tu bổ và các trục lộ giao thông. Nhân công lưu đày làm việc theo chỉ tiêu lao động và được hưởng quy chế lương bỗng đặc biệt. Thường, chỉ tiêu này bằng 30% hay 40% so với nhân công bình thường. Cơ quan công an giữ lại 15% hay 20% tiền lương của nhân công để làm quỹ cho cơ quan.
Tháng 3 năm 1933, tại vùng Tây Bá Lợi Á, chính quyền bắt đầu tái tổ chức lực lượng nhân công. Họ chia 203.000 nhân công ra làm 83 hệ thống chỉ huy dưới sự quản lý của 971 nhân viên nhà nước. Khi các xí nghiệp nhận nhân công, họ phải trả tiền cho cơ quan quản lý. Ngoài ra cơ quan quản lý còn ăn tiền theo tỉ lệ bách phân trên tiền lương của nhân công lao động cưỡng bách.
Trên nguyên tắc, các công ty phải lo nơi ăn chốn ngủ cho công nhân lao động. Nhưng trên thực tế, các công ty coi thường . Họ đánh giá những người này chỉ là một nửa nhân công tự do và một nửa là miễn phí. Đúng là một nguồn nhân lực miễn phí. Thường các nhân công này không được lãnh tiền. Và nếu có lãnh, thì chỉ lãnh một ít. Số còn lại, bị khấu trừ vào tiền ăn, tiền cư trú, tiền sắm sửa các dụng cụ lao động, tiền quỹ nghiệp đoàn, tiền công khố phiếu nhà nước.
Những người lao động khổ sai bị đối xử như những người vứt bỏ, phế thải. Họ thường bị bỏ đói, hành hạ, lạm dụng và khinh rẻ. Họ phải lao động với một chỉ tiêu vượt mức khả năng, làm việc không trả lương, bị đánh đập và bị nhốt trong các phòng tối không có lò sưởi. Các ban quản lý có quyền trao đổi công nhân lao động khổ sai với nhau , hay trao đổi họ với hàng hóa. Một số ban giám đóc trại xử dụng công nhân phục vụ cho công việc riêng tư của họ. Nếu có công nhân nào chết thì sẽ có các công nhân khác thế vào.
Từ năm 1932, chương trình định cư tại các vùng hoang dã giảm dần. Chính quyền đưa nhân công lao động cưỡng bách vào làm việc tại các đại công trường xây cất và các trung tâm kỹ nghệ , các khu hầm mỏ. Tại một số địa phương, công nhân lao động cưỡng bách làm việc chung với công nhân thường. Họ sống chung với nhau trong các căn nhà gỗ chật hẹp.
Cuối năm 1933, có 41.000 nhân công lao động cưỡng bách phục vụ trong công trường hầm mỏ Kouzbass.
Tại vùng Magnitogorsk, con số công nhân lưu đày lên đến 42462 người, chiếm 2/3 dân số trong vùng.
Nhờ định cư trong các vùng đặc biệt và cũng nhờ làm việc chung với các công nhân bình thường, công nhân lưu đày cảm thấy giảm đi sự cách biệt. Và nhất là vì lý do kinh tế, các nông dân trước đây bị giải thể , ngày nay bắt đầu hội nhập vào đời sống xã hội mới. Cái xã hội mà họ đã từng chịu đựng quá nhiều trừng phạt .
Và ai biết được, người nào trong cái xã hội này sẽ bị khai trừ trong ngày mai.
hết: Phần 1. Chương 7, xem tiếp: Phần 1. Chương 8 |
No comments:
Post a Comment