Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 11

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

10.

Nhưng cuộc sống lại có cách của nó. Quan hệ giữa Liên Xô và Nam Tư không thể dừng lại ở các phái đoàn quân sự và các đạo quân. Các mối liên hệ tiếp tục phát triển, quan hệ ngày càng đa dạng hơn, càng ngày càng mang dáng vẻ của các quan hệ giữa các quốc gia hơn.
Tháng tư, có một phái đoàn đi Liên Xô để kí kết quan hệ hợp tác. Phái đoàn do Tito dẫn đầu, cùng đi còn có Bộ trưởng ngoại giao Šubašić. Đoàn gồm có hai Bộ trưởng kinh tế là Andreev B. và Petrovic N. Tôi cũng là thành viên, có thể người ta nghĩ rằng tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp hoá giải cuộc tranh chấp về vấn đề "lăng mạ" Hồng quân. Tito đưa tôi vào danh sách, còn phía Liên Xô cũng không có bình luận gì, và tôi đã lên máy bay.
Đấy là một ngày đầu tháng tư, thời tiết rất xấu, máy bay rung lắc suốt. Tito và đa số người trong đoàn, kể cả phi công, rất mệt mỏi. Tôi cũng cảm thấy khó ở nhưng vì một lí do khác.
Ngay từ khi tôi biết tin về chuyến đi và cho đến tận lúc gặp mặt Stalin, tôi luôn có cảm giác bất an: dường như tôi đang đóng vai một kẻ sám hối, dù tôi không bao giờ như thế và trong thâm tâm, tôi nghĩ mình chẳng có gì phải hối hận cả. Càng ngày ở Belgrad, người ta càng đối xử với tôi như với một kẻ đã "nhúng chàm" rất nặng, một kẻ không còn gì để làm ngoài việc chuộc lỗi và hi vọng vào sự độ lượng của Stalin.
Máy bay càng đến gần Moskva thì cảm giác cô đơn quen thuộc càng lớn dần lên trong tôi. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy các đồng chí, các chiến hữu đã dễ dàng quay lưng lại với tôi như thế nào bởi vì sự thân mật với tôi có thể ảnh hưởng đến vị trí của họ trong Đảng, họ có thể bị nghi là đã "lệch lạc". Ngay trong máy bay, tôi cũng không thể thoát khỏi cảm giác này. Quan hệ của tôi với Andreev, anh đã cùng tôi tham gia đấu tranh, đã cùng tôi chịu đựng gian khổ trong những ngày tù ngục, nơi bản tính con người thể hiện rõ nhất, luôn luôn là mối quan hệ tự nhiên và vui nhộn. Còn bây giờ? Dường như anh thương hại tôi nhưng không làm sao giúp được, còn tôi thì không dám lại gần anh vì sợ sẽ phải tỏ ra khúm núm, xun xoe và hơn thế nữa, để khỏi làm khó cho anh, sợ người ta lại nghĩ rằng anh ủng hộ tôi. Tôi biết Petrovic ngay từ những ngày còn hoạt động bí mật đầy khó khăn, chúng tôi thân nhau và có mối quan tâm chung về tri thức. Nhưng tôi không dám khởi đầu câu chuyện với anh như chúng tôi đã từng thường xuyên tranh luận không dứt về lích sử chính trị của Serbia. Tito không hề nhắc đến câu chuyện của tôi, làm như nó chưa từng xảy ra, ông cũng không bày tỏ quan điểm của mình, không thể hiện tình cảm cụ thể nào đối với tôi. Nhưng tôi có cảm giác rằng ông đứng về phía tôi, theo cách của mình, nội việc ông mang tôi theo và giữ im lặng cũng phần nào nói lên điều đó rồi.
Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được mâu thuẫn giữa lương tâm của một người bình thường, nghĩa là ước muốn hướng tới chân lí và điều thiện với cái môi trường tôi đang sống, cái môi trường tôi đang thuộc về, đang hành động; lần đầu tiên, tôi thấy mình đang xung đột với cái phong trào bị cầm tù trong những mục tiêu trừu tượng nhưng lại bị xiềng vào với những điều kiện thực tế trên mặt đất này. Trong tâm trí tôi, mâu thuẫn đó hiện ra hơi khác: nó hiện ra như là mâu thuẫn giữa ước muốn cải tạo thế giới, cải tạo cái phong trào mà tôi là thành viên với sự thiếu cảm thông của những người có quyền đưa ra quyết định.
Càng gần đến Moskva thì tôi càng lo lắng thêm.
Mặt đất trơ trụi và không người, chỉ một màu đen bị xé nham nhở bởi những hố bom và những dòng suối do tuyết vừa tan tạo ra đang chuyển động dưới chân tôi. Còn bầu trời thì đầy mây, tối sầm, không một ánh nắng nào lọt qua được. Không có trời, không có đất, tôi như đang di chuyển trong một thế giới phi thực, có thể tôi chỉ mơ như thế, nhưng tôi lại cảm thấy nó một cách rõ ràng hơn tất cả những gì tôi đã trải qua cho đến lúc ấy. Tôi bay, tôi chao đảo giữa lương tâm và sự nghiệp, giữa mơ ước và khả năng. Trong tâm trí tôi, chỉ còn lại sự chao đảo đầy đau đớn và phi thực đó mà thôi. Không còn sự say mê về người Slav, gần như không còn sự say mê về cách mạng như cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với nước Nga, với Liên bang Xô viết và lãnh tụ của nó nữa.
Tôi còn phải chứng kiến sự đau khổ của Tito nữa. Rất mệt mỏi, mặt xanh mét, ông phải cố gắng hết sức mới đọc được bài diễn văn đáp từ và hoàn thành xong phần nghi lễ.
Molotov là người chủ trì buổi đón tiếp, lạnh lùng bắt tay tôi, ông ta không thèm nhếch mép để tỏ ra là đã quen tôi từ trước nữa kia. Một chuyện chướng tai gai mắt nữa là Tito được đưa đến một nhà nghỉ đặt biệt, còn tất cả những người khác thì được đưa tới khách sạn Metropol. Sự cám dỗ và mua chuộc ngày một gia tăng.
Có cả những hành động có chủ đích rõ ràng.
Một hoặc hai ngày sau, có người gọi điện cho tôi. Một giọng phụ nữ ngọt ngào:
"Katia đây"
"Katia nào?", tôi hỏi.
"Katia, anh không nhớ em à? Em muốn được gặp anh, em nhất định phải gặp anh!"
Tôi suy nghĩ rất lung: "Katia…Katia nào nhỉ?, Không, mình không quen ai như thế hết," và tôi nghĩ ngay rằng tình báo Liên Xô định gài bẫy để sau này lợi dụng: trong Đảng cộng sản Nam Tư, vấn đề tư cách cá nhân vốn rất được coi trọng. Đối với tôi, việc thành phố Moskva "xã hội chủ nghĩa" cũng như bất kì một thành phố có trên một triệu dân nào khác có đầy gái điếm không phải là điều mới lạ. Nhưng tôi biết rõ các quan chức cao cấp nước ngoài ở đây được chăm sóc và bảo vệ kĩ lưỡng hơn bất kì nơi nào khác trên thế giới, gái điếm chỉ có thể gọi đến chỗ họ nếu được cơ quan tình báo đồng ý. Tôi nó một cách bình tĩnh nhưng dứt khoát:
"Để cho tôi yên!" và bỏ máy.
Tôi nghĩ rằng người ta không chỉ sử dụng cái trò bẩn thỉu và thô thiển này với một mình tôi. Nhưng vì giữ vị trí lãnh đạo trong đảng nên tôi buộc phải kiểm tra xem người ta có làm thế với Petrovic và Andreev hay không. Cũng có người gọi cho họ, lần này không phải là Katia mà là Natasha hay Vava vào đó! Tôi giải thích và nói gần như ra lệnh rằng không được liên hệ với ai hết.
Tình cảm của tôi lúc đó thật lẫn lộn, một mặt tôi cảm thấy nhẹ người vì không chỉ một mình tôi rơi vào đích ngắm, nhưng nỗi lo lắng cũng tăng lên: tại sao họ lại làm thế và làm thế để làm gì?
Tôi không dám nghĩ đến việc hỏi giáo sư Šubašić chuyện này. Ông không phải là đảng viên cộng sản, tôi không dám cho ông thấy những điều không hay về Liên Xô và những biện pháp mà người ta có thể sử dụng ở đây, nhất là khi những biện pháp ấy lại được sử dụng để chống lại chính những người cộng sản. Đồng thời tôi cũng tin rằng không có cô Katia nào gọi điện cho Šubašić cả.
Lúc đó, tôi chưa đủ sức rút ra kết luận rằng chính những người cộng sản vừa là mục đích vừa là phương tiện để đảm bảo cho chủ nghĩa bá quyền Xô viết ở Đông Âu. Nhưng tôi đã ngờ ngợ như thế, tôi sợ những biện pháp như thế và bắt đầu kháng cự chống lại việc biến cá nhân tôi thành công cụ cho những mục đích như thế.
Lúc đó, tôi vẫn còn tin rằng có thể vừa là người cộng sản mà vẫn là người tự do được.
hết: 10., xem tiếp: 11.

Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: