Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 7 * ĐỔI MỚI

Nguyễn Kiến Giang

Từ Duy tân đến Đổi mới

Trong thế kỷ XX đang đi tới kết thúc này, đối với những nước bị đặt vào vị trí “ngoại vi” của thế giới phương Tây, hai quá trình nổi bật lên như hai bè chủ đạo: giành độc lập dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Nước ta không nằm ngoài thông lệ lịch sử ấy.


Có thể trình bày mối tương quan khăng khít của hai quá trình ấy ở Việt Nam như thế này: do đất nước chìm sâu vào tình trạng lạc hậu, đặc biệt về kinh tế và khoa học - kỹ thuật và do giới cầm quyền không đủ tỉnh táo và dũng cảm để làm những cuộc cải cách mạnh mẽ nhằm vượt qua tình trạng lạc hậu ấy (điều mà giới cầm quyền Nhật Bản đã làm được trong “ba mươi năm Minh Trị Duy tân”), nước ta rơi vào địa vị thuộc địa của thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được tiến hành trong hơn một trăm năm (tính từ năm 1864, khi triều đình nhà Nguyễn phải nhường mấy tỉnh Nam Bộ làm thuộc địa của Pháp), như một tiền đề tất yếu để đất nước khắc phục tình trạng lạc hậu, bước vào công cuộc hiện đại hóa. Hiện đại hóa đất nước, vì vậy, có thể coi như mục đích cao nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xét về mặt lịch sử.

Nói cách khác, hệ vấn đề hiện đại hóa đã xuyên suốt từ đầu đến cuối quá trình giải phóng dân tộc. Và ở tất cả các giai đoạn lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX, có thể thấy rõ hệ vấn đề này là một “ám ảnh khôn nguôi” đối với tất cả các lực lượng yêu nước và tiến bộ, đặc biệt trong giới thường được gọi là “tinh hoa” của đất nước. Thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc thật vĩ đại, điều đó không thể chối cãi. Nhưng đứng trên tầm lịch sử của thời đại mà xem xét, thành công vĩ đại ấy chưa đủ bảo đảm để “bảo vệ và xây dựng Tổ quốc” như cách nói ngày nay.


1


Phải nói rằng giới tinh hoa nước ta đã cảm nhận được điều đó từ rất sớm, ngay cả trước khi nước ta bị rơi vào tay thực dân Pháp. Những tiếng nói đòi hỏi “canh tân” đất nước đã cất lên khá rõ trong những năm phải đương đầu với sự xâm lược thực dân (của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch và những gương mặt tiêu biểu khác). Những tiếng nói ấy đã cất lên mạnh mẽ hơn, với sự đồng tâm nhất trí hơn, khi mất nước đã trở thành sự thật đau đớn, hiển nhiên, chua xót và ê chề vào cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này. Và không phải ai khác, chính giới sĩ phu từng tắm sâu trong những giá trị Nho giáo cũng như của chế độ quân quyền, chính họ đã dấy lên một phong trào Duy tân mạnh mẽ trong cả nước, đã từ bỏ những giá trị cũ, tìm kiếm những giá trị mới từ trong nền văn minh phương Tây để bù đắp những thiếu hụt của mình.

Về phong trào Duy tân này, đã có một số công trình khá sâu về diễn biến, về những mặt được và chưa được của nó. Chỉ xin nêu lên một công trình, tuy ngắn gọn nhưng rất súc tích và rất “thông hiểu” (tôi dùng từ này vì đối với những sự kiện lịch sử lớn, không chỉ cần đánh giá thật khách quan mà còn cần tới sự đồng cảm với người xưa): bài viết nhan đề “Một phong trào văn hóa dân tộc nhằm tự cường, độc lập, hiện đại hóa đất nước của các nhà Nho yêu nước” của nhà nghiên cứu có uy tín Trần Ðình Hượu (trong cuốn Ðến hiện đại từ truyền thống, Hà Nội, 1994). Ở đây tôi xin phép không làm công việc lặp lại những gì đã có.

Trong bài này, chỉ xin đứng ở hoàn cảnh những năm cuối thể kỷ, khi đất nước đang chuyển động mạnh mẽ chưa từng thấy trong công cuộc Ðổi mới, để nhìn lại và tìm hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa của phong trào Duy tân cách đây vừa đúng 90 năm đối với sự phát triển của đất nước. Chắc các bạn - cũng như người viết những dòng này - hẳn ngạc nhiên trước một sự trùng hợp lịch sử hiếm có: Duy tân và Ðổi mới (một cách gọi bằng từ Hán-Việt, cách gọi kia bằng từ thuần Việt) được đề xướng trong những bối cảnh lịch sử về căn bản rất giống nhau (đất nước lạc hậu giữa một thế giới biến đổi nhanh chóng trong nền văn minh mới), với những yêu cầu cũng rất giống nhau: dân giàu, nước mạnh và xã hội văn minh. Tất nhiên, cả bối cảnh lẫn nội dung của hai cuộc vận động lịch sử này có những điểm khác nhau rất lớn, nhưng hệ vấn đề gần như trùng hợp nhau: hiện đại hóa đất nước.


*
2.

Ðọc lại những gì còn giữ được về phong trào Duy tân đầu thế kỷ, có thể thấy rõ hai điều: Thứ nhất các sĩ phu yêu nước và sáng suốt tiếp nhận một cách nồng nhiệt những tư tưởng duy tân từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản, qua các sách báo được gọi là Tân thư. Những sách báo ấy đều bằng chữ Hán, thứ chữ “phổ thông” đối với họ, chưa kịp dịch ra tiếng ta. Ðó là những trước tác của các nhà cải cách ở hai nước này, vớI những cái tên hấp dẫn hồi đó (Ðàm Tự Ðồng, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu...). Nhưng không chỉ có thế. Qua Tân thư, họ còn tiếp nhận những tư tưởng của các nhà Khai sáng phương Tây thế kỷ XVIII (J. J. Rousseau, Montesquieu... của Pháp) cũng như của cả các nhà khoa học, triết học thế kỷ XIX (thuyết “cạnh tranh sinh tồn” của Darwin, Spencer, chủ nghĩa thực dụng của J. S. Mill, D. Hume...). Không nên đánh giá thấp sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây của các sĩ phu Duy tân hồi đó. Họ đã làm quen với những tác phẩm và tác giả lớn (tất nhiên không phải là tất cả) mà nhiều trí thức Tây học sau đó chưa chắc đã làm được như vậy; chưa nói tới chúng ta, những người sống ở nửa sau thế kỷ XX, chưa từng làm quen với những tác phẩm và tác giả ấy nhưng đã vội vàng phán xét đó là những gì đã “lỗi thời”! Việc tiếp nhận say sưa những tư tưởng mới ấy đã giúp cho các sĩ phu Duy tân từ bỏ những tư tưởng cũ của họ một cách khá mạnh mẽ.

Thứ hai, gắn với điều đó, các sĩ phu Duy tân đã làm một cuộc phê phán khá triệt để những tư tưởng cũ, đã phân tích thực trạng đáng buồn của nước ta trong những hoàn cảnh vừa lạc hậu vừa nô lệ. Có thể đọc thấy những phân tích và phê phán này trong rất nhiều thơ văn thời Duy tân, tập trung nhất ở Văn minh tân học sách, một tác phẩm có thể coi như tuyên ngôn, cương lĩnh và tài liệu nhập môn của phong trào Duy tân. (Cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là tác giả tập sách hết sức quan trọng ấy, nhưng chắc chắn đó phải là một hay vài yếu nhân của phong trào). Vấn đề không chỉ là làm một sự thay đổi trong khuôn khổ của Á Ðông cũ (dù thật đáng tự hào đi nữa), mà là một sự thay đổi căn bản, theo hướng văn minh Âu Tây, nguồn gốc và nền tảng sức mạnh của các quốc gia trong thời đại mới, nhất là đối với các nước nhược tiểu. Các cụ nhận xét (và nhận xét rất đúng) rằng văn minh Á Ðông (bao gồm cả nước ta) “có cái đặc tính luôn luôn tĩnh”, trong khi “văn minh châu Âu thì có tính luôn luôn động”. Ði sâu hơn, các cụ nhìn ra những nguyên nhân đưa tới tính động ấy của văn minh Âu Tây: “Trên có nghị viện duy trì quốc thị (kỷ cương, pháp luật), dưới có báo quán đạo đạt hạ tình (nguyện vọng của dân), hay nói theo ngôn ngữ hiện nay, có chế độ dân chủ và có tự do ngôn luận. Không có những điều đó, không thể khắc phục những quan niệm cổ hủ bám rễ từ xa xưa, tạo nên một sự bế tắc của nền văn minh cũ. Các cụ chỉ đích danh “những nguyên nhân khởi điểm” của tình trạng đất nước lạc hậu: một, “nội hạ ngoại di” (coi mình hơn người; hai, “trọng vương khinh bá” (coi trọng đạo lý của các thánh vương, coi khinh những cách thức kinh doanh và những kỹ thuật làm cho dân giàu nước mạnh); ba, “xưa đúng nay sai” (người xưa luôn luôn đúng) và bốn, “trọng quan khinh dân”. Khắc phục những thói tật ấy là điều kiện tiên quyết để đưa “quốc gia, giống nòi” tới những chân trời văn minh mới. Ðây không phải là một sự đổi mới chắp vá, sửa sang từng phần của tòa nhà cũ, mà là một sự đổi mới triệt để, hay nói theo lời các cụ được diễn đạt rất cảm động trong Văn minh tân học sách: “Dây đàn cầm không hài hòa thì tháo ra mà sửa lại; nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dỡ đi mà làm lại”.

Các sĩ phu thời Duy tân không chỉ dừng lại ở sự phê phán. Như kinh nghiệm lịch sử - và cả kinh nghiệm hôm nay - cho thấy: chỉ riêng sự phê phán, dù quyết liệt đến đâu, cũng không làm biến đổi hiện trạng được. Vạch ra những hướng đi mới, những biện pháp mới, là quan trọng hơn nhiều. Với tinh thần này, các cụ đặc biệt chú trọng tới những phương hướng và biện pháp “mở mang dân trí”, bởi vì dân trí thấp kém thì mọi hay đổi đều không thể làm được. Trong những điều kiện của một xã hội thuộc địa hồi đó, các cụ chỉ có thể công khai đưa ra một số biện pháp có vẻ “cải lương”: dùng chữ Quốc ngữ, đổi lại sách dạy học, cải cách chế độ trường học, khuyến khích nhân tài mới, phục hưng công nghiệp và thương mại, phát triển báo chí. Nghĩa là những biện pháp chủ yếu thuộc các lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Và trên thực tế, các cụ đã làm được rất nhiều việc trong một thời gian rất ngắn (1907-1908): mở trường học dạy những tri thức mới, đặc biệt truyền bá những tư tưởng “yêu nước thương nòi”, “kết nghĩa đồng bào”, “thức tỉnh quốc hồn”...


Chưa bao giờ, kể từ ngày chế độ thuộc địa được thiết lập, lại có một làn sóng thơ văn yêu nước cuồn cuộn đầy xúc động đên thế. Các cụ đã làm đúng. Trong hoàn cảnh không thể (hay chưa thể) dùng bạo lực lật đổ sự thống trị thực dân (các phong trào Văn thân đã tắt ngấm từ lâu, cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám chỉ huy bị thu hẹp vào một địa bàn rất nhỏ ở vùng trung du Bắc Bộ...), việc chuyển sang những hình thức văn hóa và tư tưởng không những là cần thiết mà còn có hiệu quả hơn nhiều. Những người chủ trương bạo lực hồi đó (tiêu biểu là Phan Bội Châu, một trong những người đề xướng phong trào Ðông du cầu sự viện trợ bên ngoài) tuy muốn thực hiện ý định khôi phục độc lập quốc gia nhưng không có điều kiện hoạt động trong nước. Trong khi đó, các sĩ phu Duy tân vẫn bám chắc mảnh đất quê hương và bằng mọi cách nhen nhóm, duy trì ngọn lửa yêu nước ngay tại chỗ. Vả chăng, không nên đối lập xu hướng bạo lực và xu hướng ôn hòa một cách tuyệt đối. Các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ này phải thử tất cả mọi phương pháp có thể có, họ không có đáp án sẵn cho bài toán cực kỳ hắc búa, và mỗi nhóm, thậm chí mỗi người cố thử đưa ra đáp án của mình. Nhưng về tinh thần yêu nước, giải phóng dân tộc, khôi phục độc lập quốc gia thì họ không khác nhau.

Vượt lên trên những bất đồng về phương pháp, họ tôn trọng và quí mến nhau thật sự. Có thể thấy rất rõ điều đó qua bài Văn tế Phan Chu Trinh của Phan Bội Châu, trong đó họ Phan đánh giá rất cao con đường “mở mang dân trí” của Phan Chu Trinh (“Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê; Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói”). Và số phận của các sĩ phu Duy tân cũng kết thúc dưới bàn tay đàn áp, đày ải của thực dân Pháp. Hầu hết các sĩ phu Duy tân bị bắt giam và lưu đày ra Côn Ðảo mà chúng ta có cơ sở để coi họ là những “chính trị phạm đầu tiên” thời Pháp thuộc.


3.

Một vài người nghiên cứu về sau này đã đánh giá phong trào Duy tân như một trào lưu tư tưởng “nửa vời”, không triệt để, và với một nhận xét lạnh lùng: đó là “xu hướng tư sản”, để bỏ qua những cống hiến của họ một cách dễ dãi. Ðúng là các sĩ phu hồi đó phần lớn có thái độ và hành động yêu nước rất mạnh mẽ, đôi khi quyết liệt nữa, nhưng trong chiều sâu nhận thức, nhiều người chưa đoạn tuyệt hẳn với hệ tư tưởng cũ. Trong một số trường hợp, họ muốn lai ghép cái cũ và cái mới, vừa giữ gìn những khuôn mẫu cương thường kiểu Nho giáo, lại vừa cổ vũ những tư tưởng dân chủ và văn minh kiểu phương Tây. Một ví dụ: Nguyễn Thượng Hiền trong bài “Phú cải lương” (có lẽ ông viết bài này khi chưa xuất dương) đã nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, mấy nghìn năm đức Thuấn ơn Nghiêu, mang nặng trên vai, báo đáp sao cho đền được nguyện; Có bột thì vắt nên bánh, ba vạn quyển rừng Âu bể Á, in sâu trong não, văn minh rồi mới dựng ra tài”. Tuy nhiên, đứng trên bình diện lịch sử mà xét, chỉ riêng việc các nhà Nho Duy tân đề xướng dân chủ, văn minh, dân giàu nước mạnh... giữa một thế giới cạnh tranh quyết liệt, “mạnh được yếu thua”, cũng đủ để coi sự nghiệp của các cụ là một cống hiến vô giá cho công cuộc giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước. Cái hay nhất, cái sáng suốt nhất của các cụ chính là ở chỗ kết hợp hai mặt ấy với nhau thành một quá trình thống nhất. Nói cách khác, các cụ đã đặt ra được một hệ vấn đề đúng. Và hệ vấn đề ấy vẫn đang đặt ra với chúng ta, sau gần một thế kỷ.

Còn “hệ tư tưởng tư sản” ư? Ðúng là trong những điều kiện lịch sử hồi đó, các cụ không thể nghĩ tới những khuôn mẫu nào khác ngoài “văn minh Âu Tây” (ngay cả ngày nay, chúng ta cũng chưa thoát được cách nghĩ này). Nền văn minh ấy, xét về mặt xã hội - giai cấp, mang dấu ấn của các giai cấp tư sản thống trị ở phương Tây thật, nhưng xét về mặt vị trí của nó trên những bước đường văn minh của loài người, thì đó cũng là một giai đoạn lớn, không thể bỏ qua được. Vả chăng, có cần phải nhắc lại cách nhìn nhận của chính F. Engels khi ông nói tới những “người khổng lồ” thời Phục Hưng ở Tây Âu không? Một mặt ông coi họ là những người đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản đang lên, nhưng mặt khác, ông coi họ đã vượt lên những lợi ích giai cấp của họ để trở thành những đại diện vĩ đại nhất cho sự tiến bộ chung của loài người. Thu nhỏ vào hoàn cảnh nước ta, có thể coi các sĩ phu Duy tân như những nhà tiên phong của giải phóng dân tộc và hiện đại hóa đất nước, và như vậy, không có gì quá đáng.


*

4.

Chúng ta đang tiến hành sự nghiệp Đổi mới vô cùng cần thiết để nước ta không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ theo hướng đi tới một xã hội hiện đại. Xét về tính chất lịch sử, công cuộc Đổi mới hôm may là một trong những chặng đường lớn nhất của dân tộc, nhất là khi Đổi mới được quan niệm rõ ràng như sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, với những mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh” (mà về mặt lịch sử, trừ công bằng ra, những giá trị khác đều bắt nguồn từ hệ tư tưởng “tư sản”). Một sự nghiệp lớn lao như vậy đòi hỏi phải có những quan niệm, những phương hướng và những biện pháp thích hợp đến mức tối ưu. Sự nghiệp đó buộc chúng ta chỉ được phép làm một lần, không thể làm đi làm lại nhiều lần, vì thời gian không cho phép, vì sự tồn tại và phát triển của đất nước không cho phép. Hơn bao giờ hết, đời sống trí tuệ của toàn dân tộc phải được phát huy đếm mức cao nhất để cùng nhau tìm ra những gì thích hợp nhất với sự phát triển của đất nước.

Ở một ý nghĩa nào đó, sự nghiệp Đổi mới của chúng ta hiện nay còn chịu những sức ép lớn hơn phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ. Nếu các sĩ phu Duy tân ngày trước vẫn canh cánh bên lòng, vẫn thôi thúc trong đầu về tình trạng mất nước, thì ngày nay chúng ta đã có được độc lập dân tộc toàn vẹn. Ðiều đó vừa rất thuận lợi cho Đổi mới, vì chúng ta tiến hành sự nghiệp này mà không hề có một sự áp đặt nào từ bên ngoài, nhưng cũng vùa chịu sức nặng của trách nhiệm lịch sử đè lên vai của chính chúng ta.

Các sĩ phu ngày trước, khi nói tới văn minh, họ chỉ nhìn thấy nền văn minh công nghiệp Tây Âu, còn ngày nay, đối với chúng ta, khái niệm văn minh mang những nội hàm cao hơn nhiều. Thế giới hiện nay đang vượt qua văn minh công nghiệp để bước vào văn minh trí tuệ, hậu công nghiệp. Chúng ta không chỉ phải làm một bước nhảy, mà trong một thời gian lịch sử không dài (và không thể dài), phải làm hai bước nhảy về văn minh (đạt tới văn minh công nghiệp và chuyển sang văn minh trí tuệ). Bài toán văn minh này, so với bài toán đặt ra với các sĩ phu Duy tân, còn hắc búa hơn nhiều.


5.


Một lần nữa, bài toán ấy chưa có những đáp án sẵn, Tự chúng ta phải tìm lấy đáp án. Ðời sống trí tuệ của toàn dân tộc, trước hết của giới trí thức, càng được mở rộng và phát huy nhanh chóng bao nhiêu, chúng ta càng tìm được đáp án sớm bấy nhiêu.

Chúng ta, con cháu của các sĩ phu Duy tân, đã thừa hưởng được khí phách và tầm nhìn xa của các cụ, chắc chắn có thể tìm được những lời giải tốt nhất cho bài toán của đất nước đặt ra hôm nay. Và nếu chúng ta làm được như thế, hẳn các cụ sẽ mỉm cười toại nguyện. Con hơn cha là nhà có phúc mà!

(Bài này đã được đăng trên Xưa và Nay tháng Sáu 1996, rồi Tuổi trẻ chủ nhật đăng lại tháng Chín 1996).

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.

No comments: