Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Dịch giả: Phạm Minh Ngọc
11.
Việc chuẩn bị hiệp định hữu nghị giữa Nam Tư và Liên Xô diễn ra suôn sẻ, thực ra là đã có mẫu sẵn rồi và nhiệm vụ của tôi chỉ là kiểm tra bản dịch mà thôi.
Lễ kí diễn ra trong Điện Kremli chiều ngày 11 tháng tư năm 1945 với rất ít quan chức tham dự. Ngoài ra, chỉ có mấy nhà quay phim Liên Xô. Trong hoàn cảnh lúc đó, có thể tạm gọi đấy là những người đại diện xã hội.
Có một cảnh khá ngoạn mục, đấy là lúc Stalin bảo một anh nhân viên phục vụ cụng li. Anh nhân viên tỏ vẻ bối rối, Satlin hỏi:
"Thế cậu không định chúc mừng tình hữu nghị Liên Xô - Nam Tư à?", anh kia đành cầm li rượu và uống cạn.
Thật là một cảnh mị dân lố bịch. Nhưng mọi người đều cười rất vui vẻ, đều giả vờ coi đấy chính là biểu hiện sự gần gũi của Stalin với người lao động bình thường.
Ở đây, tôi lại có cơ hội gặp gỡ Stalin. Ông không niềm nở như trước đây nhưng cũng không tỏ vẻ lạnh lùng và lịch sự một cách giả tạo như Molotov. Stalin không nói với tôi câu nào. Rõ ràng là người ta vẫn chưa quên cũng như chưa tha thứ những điều tôi đã nói về Hồng quân, tôi vẫn như ngồi trên đống lửa.
Stalin ăn uống như trong một bữa tối bình thường giữa một nhóm những người thân cận tại Điện Kremli vậy.
Ăn tối xong thì chúng tôi đi xem phim. Stalin nói rằng ông đã chán cảnh bắn giết rồi nên người ta không chiếu phim chiến tranh mà chiếu một phim về nông trường với những cảnh pha trò rất nhạt. Trong khi xem, Stalin có những nhận xét và phản ứng hệt như những kẻ ít học, coi hình tượng nghệ thuật như là cảnh thực vậy. Cuốn phim thứ hai được sản xuất trước chiến tranh, nói về đề tài chiến tranh: "Nếu ngày mai chiến tranh…". Trong phim có cảnh sử dụng vũ khí hoá học, còn tại hậu phương nước Đức thì có cuộc khởi nghĩa của giai cấp vô sản. Sau khi xem xong, Stalin bình thản nói:
"Khác thực tế không đáng kể: không có vũ khí hoá học, còn giai cấp vô sản Đức cũng không khởi nghĩa".
Mọi người đều đã mệt nhoài vì chúc tụng, vì thức ăn, vì phim ảnh. Stalin bắt tay tôi mà không nói gì, nhưng tôi đã cảm thấy bình tĩnh hơn, ít lo lắng hơn, không hiểu tại sao. Có thể là do thái độ của mọi người cũng bình thường? Hay là trong đầu tôi đã xuất hiện giải pháp nào đó và tôi đã bình tĩnh lại? Có thể là cả hai. Dù sao mặc lòng, có thể sống mà không cần tình yêu của Stalin.
Sau một hai ngày gì đó, trong một bữa chiêu đãi ở phòng mang tên Ekaterina, Stalin lại tỏ ra nhiệt tình, vui vẻ, nhất là trong khi ăn uống.
Tito ngồi bên trái Stalin, bên phải Kalinin, Chủ tịch Xô viết tối cao, đấy là theo phong tục Liên Xô lúc đó. Tôi ngồi cạnh Kalinin. Molotov và Šubašić ngồi đối diện với Stalin và Tito, rồi đến các quan khách khác, cả Liên Xô lẫn Nam Tư.
Mọi người đều có vẻ giữ kẽ, thiếu tự nhiên: trừ Šubašić ra, những người khác đều là đảng viên cộng sản cả nhưng lại xưng hô với nhau là "ngài" mỗi khi chúc tụng và giữ đúng nghi thức quốc tế, y như những buổi gặp gỡ của đại diện các hệ thống và hệ tư tưởng khác nhau vậy.
Sau diễn văn và nghi thức, chúng tôi lại cư xử với nhau như những người bạn, như những người đồng chí có chung mục đích. Nhưng mâu thuẫn giữa bệnh hình thức và cuộc đời thực đã hiện lên rất rõ, dù rằng quan hệ giữa những người cộng sản Liên Xô và Nam Tư vẫn còn tốt, thái độ bá quyền Xô viết và cuộc đấu tranh giành vị trí trong phong trào cộng sản quốc tế chưa có ảnh hưởng gì. Nhưng cuộc đời không diễn ra theo bất kì sơ đồ nào hay mong ước của ai, nó buộc ta phải tuân thủ những hình thức mà không ai có thể lường trước được.
Liên Xô và các nước đồng minh phương Tây đang trải qua thời kì trăng mật, chính phủ Liên Xô muốn làm như thế để khỏi bị trách là không đối xử với nước Nam Tư cộng sản như một quốc gia độc lập. Sau này, khi đã bám chắc được vào Đông Âu rồi, chính phủ Liên Xô đã tìm mọi cách bãi bỏ các nghi thức và thủ tục, họ bảo đấy là các tàn dư "tư sản" và "dân tộc chủ nghĩa".
Chính Stalin đã phá bỏ các nghi lễ có tính ngoại giao - chỉ một mình ông có thể làm chuyện đó mà không sợ bị phê phán. Ông đứng lên, tay nâng li và gọi Tito là "đồng chí" rồi nói thêm rằng không thích gọi là "ngài" nữa. Điều đó làm mọi người xích lại gần nhau và không khí trở nên ấm cúng hơn. Tiến sĩ Šubašić cũng cười, mặc dù khó mà tin được rằng đấy là nụ cười chân thành, nói chung, ông ta là nhà chính trị không có một tư tưởng hay nguyên tắc nhất định nào, đóng kịch không phải là việc khó với ông ta. Stalin bắt đầu đùa giỡn, trêu chọc mọi người. Không khí rất sôi động.
Ông già Kalinin gần như đã mù hẳn, nguyên việc tìm cốc tách, thìa dĩa, bánh mì đã là cả vấn đề; tôi phải giúp ông suốt bữa tiệc. Trước đó một hai ngày, sau buổi gặp gỡ chính thức với Kalinin, Tito có nói với tôi rằng ông già chưa hoàn toàn bất lực. Nhưng cứ như cách Tito nhận xét, cũng như cách nói năng của Kalinin tại bữa tiệc, tôi cho rằng phải nói ngược lại mới đúng.
Dĩ nhiên là Stalin biết rõ tình trạng bệnh tật của Kalinin và đã giễu cợt khi ông xin thuốc của Tito.
"Đừng lấy, thuốc lá tư sản đấy!", Stalin nói. Tay đã run sẵn, lại thêm bối rối, Kalinin đánh rơi điếu thuốc xuống sàn.
Stalin phá lên cười, trông không khác gì một già làng chính hiệu. Chỉ vài phút sau, lại chính Stalin lại nâng cốc chúc mừng sức khỏe "đồng chí Kalinin, chủ tịch của chúng ta", nhưng đấy chỉ là những lời nói rỗng tuếch, ai không biết ông chỉ còn là một biểu tượng không có tí giá trị gì.
Ở đây, trong không khí xã giao chính thức, giữa đám đông như thế này, sự thần thánh hoá Stalin còn nổi bật hơn.
Hôm nay, tôi có thể nói không chỉ Stalin tạo ra sự thần thánh hoá, hay như bây giờ vẫn nói, "tệ sùng bái cá nhân" mà những người xung quanh và bộ máy quan liêu là những kẻ cần một lãnh tụ như thế, đóng vai trò không kém, nếu không nói là hơn, trong việc tạo ra hiện tượng này.
Quan hệ dĩ nhiên là đã thay đổi: cùng với thời gian, ông thánh sống Stalin có uy lực đến nỗi không cần chú ý đến nhu cầu của chính những người đã tôn vinh ông ta lên địa vị đó.
Stalin, một con người nhỏ bé, vụng về hàng ngày ra vào trong những lâu đài cung điện lát đá quí và mạ vàng từ thời Sa hoàng để lại, trước mắt ông là con đường, những ánh mắt rực lửa nhìn theo, những cái tai dỏng lên để nghe như nuốt lấy từng lời ông nói. Còn ông, tự tin vào chính mình và sự nghiệp của mình, dường như những chuyện đó không phải là điều ông đáng quan tâm. Đất nước ông bị tàn phá, đói khát, kiệt quệ. Còn quân đội của ông với các vị nguyên soái béo núc ních, ngực đầy huân chương, say rượu và ngất ngây bởi những chiến công đang giày xéo một nửa châu Âu. Ông tin rằng hiệp sau họ sẽ bước chân lên nửa thứ hai. Stalin biết rằng ông là một trong những nhân vật độc tài nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng ông không hề áy náy: ông tin mình là người làm nên lịch sử. Lương tâm ông không hề cắn rứt, mặc dù đã có hàng triệu người bị giết theo lệnh ông hoặc nhân danh ông, hàng ngàn cộng sự gần gũi đã bị ông coi là phản bội và thủ tiêu ngay khi họ nghi ngờ việc ông dẫn dắt đất nước và nhân dân đến bến bờ tự do, bình đẳng, phồn vinh. Đây là một cuộc đấu tranh kéo dài, đầy hiểm nguy, kẻ thù càng ít đi, càng yếu hơn thì lại càng khốc liệt hơn. Nhưng ông đã chiến thắng, đấy là thực tế, mà thực tế là tiêu chuẩn duy nhất của chân lí! Lương tâm là gì? Liệu có cái gọi là lương tâm không? Lương tâm không có chỗ trong triết lí và hoạt động thực tiễn của ông. Đối với ông, con người chỉ là kết quả của các lực lượng sản xuất.
Các nhà thơ ca ngợi ông, các dàn nhạc tổ chức những buổi đại hợp xướng xưng tụng ông, các nhà triết học và các viện nghiên cứu viết hàng đống sách chỉ để giải thích những từ ông nói, những người tử tù hô vang tên ông trước khi chết. Ông là người chiến thắng bước ra từ cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử nhân loại, quyền lực tuyệt đối của ông đã được thiết lập trên một phần sáu quả địa cầu và đang mở rộng từng ngày, không gì ngăn chăn được. Vì vậy, ông tin rằng trong xã hội của ông không còn mâu thuẫn nữa và đấy chính là xã hội ưu việt nhất từ xưa đến nay.
Ông đùa cợt với các "đồng chí" gia nhân của mình. Ông đùa cợt với họ không phải chỉ vì ông có lòng khoan dung độ lượng của một vị hoàng đế. Tính cách đế vương thể hiện ở ngay cách ông làm: ông không bao giờ chế giễu chính mình. Ông đùa cợt vì thích bước từ đỉnh vinh quang xuống giữa loài người để chứng tỏ rằng ông là một người sống giữa đồng loại và cũng để nhắc nhở người ta rằng cá nhân không có tập thể chỉ là một con số không mà thôi.
Tôi say mê Stalin và những câu chuyện khôi hài của ông. Nhưng một phần trí não tôi cũng như lương tâm tôi vẫn còn tỉnh táo và lo lắng: tôi nhận thấy có cái gì đó méo mó, kì quặc và tôi không chấp nhận cách Stalin đùa giỡn, cũng như cách ông ta cố tình không nói những lời chân thành, những lời mà hai người đồng chí phải nói với nhau.
hết: 11., xem tiếp: 12.
Sưu tầm: NGuyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
No comments:
Post a Comment