Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 17

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

16.

Quan điểm này đã được nói ra ngay cả trước khi cần nói, đấy là tại bữa ăn tối trong đại sứ quán Nam Tư ở Bucarest, bữa đó Anna Pauker, bộ trưởng ngoại giao, và một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Rumania cũng có mặt.
Hôm đó, tất cả các đồng chí Nam Tư, trừ ông đại sứ Golubovic, người sau này đã vượt biên vì có cảm tình với Moskva, đều công khai nói rằng Liên Xô không thể là mô hình tuyệt đối trong công cuộc "xây dựng chủ nghĩa xã hội" vì hoàn cảnh đã thay đổi, hơn nữa, điều kiện và quan hệ trong các nước Đông Âu cũng khác nhau. Tôi để ý thấy Anna Pauker chăm chú lắng nghe nhưng bà không nói gì hoặc miễn cưỡng đồng ý với chúng tôi một vấn đề gì đó song vẫn tránh thảo luận vấn đề tế nhị này. Một đồng chí Rumania, tôi nghĩ đó là Bodnarosh, tranh luận với chúng tôi, còn một người khác, đáng tiếc là tôi đã quên tên, lại hoàn toàn đồng ý. Tôi cho rằng không nên thảo luận những vấn đề như thế vì tin rằng sẽ có người báo cáo với người Nga còn họ thì nhất định sẽ coi đó là "bài Xô", nguồn gốc của mọi tội lỗi trên đời. Nhưng đồng thời tôi cũng không thể từ bỏ quan điểm của mình. Cho nên tôi cố gắng làm dịu bớt cuộc tranh luận bằng cách nhấn mạnh những cống hiến của Liên Xô và ý nghĩa mang tính nguyên tắc của các kinh nghiệm của Liên Xô. Nhưng điều đó có lẽ cũng chẳng mang lại lợi ích gì vì tôi lại nhấn mạnh rằng phải hiểu biết các điều kiện cụ thể mới có thể xác định được đường lối. Nói chung, sẽ có nhiều phiền toái: tôi biết rằng lãnh đạo Liên Xô không bao giờ chấp nhận chính sách "đại đồng tiểu dị" và nhượng bộ, nhất là ngay trong hàng ngũ những người cộng sản với nhau.
Lí do để phê bình thì nhiều, dù chúng tôi chỉ đi ngang qua Rumania mà thôi.
Lí do thứ nhất là quan hệ của Liên Xô với các nước Đông Âu khác: các nước này vẫn bị quân đội Liên Xô chiếm đóng trực tiếp, tài nguyên của họ thì bị khai thác bằng đủ mọi phương tiện, mà thường là thông qua các công ty hợp doanh, người Nga dùng ngay vốn của Đức mà họ tuyên bố là chiến lợi phẩm của họ, ngoài ra không có gì hết. Buôn bán với các nước này cũng khác, thường là theo các hợp đồng đặc biệt, chính phủ Liên Xô mua với giá thấp hơn mà bán thì với giá cao hơn thị trường thế giới. Chỉ có Nam Tư là ngoại lệ. Chúng tôi biết hết. Khung cảnh nghèo nàn và nhận thức được sự bất lực và phục tùng của chính quyền Rumania càng làm chúng tôi bất mãn thêm.
Nhưng điều làm chúng tôi khó chịu nhất là thói ngạo mạn của những người đại diện Liên Xô ở đây. Tôi nhớ chúng tôi đã phát hoảng khi thấy viên tư lệnh ủy ban quân quản Xô viết ở Iassy nói: "Cái vùng Iassy này, bẩn ơi là bẩn! Rumania toàn một lũ trộm cắp!"
Ông ta còn nhắc lại lời của Ehrenburg và Vyshinsky về thói ăn hối lộ và trộm cắp ở Rumania như sau: "Đấy không phải là một dân tộc, đấy là một nghề!"
Iassy, đặc biệt là vào mùa đông năm ấy, quả thật rất bẩn, là khu vực bỏ hoang của vùng Ban-căng, chỉ có những người ở đây mới nhận thấy vẻ đẹp của nó trong những quả đồi, những khu vườn và ruộng bậc thang trải dài tít tắp mà thôi. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng các thị trấn của Liên Xô cũng chẳng có gì tốt hơn, nếu không nói là còn xấu hơn. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi bực nhất là thói tự cao tự đại "của chủng tộc thượng đẳng" và sự khệnh khạng nước lớn ở những người đại diện Liên Xô. Thái độ tôn trọng, ân cần đối với chúng tôi không chỉ làm nổi bật thêm sự khinh miệt người Rumania mà còn làm chúng tôi thêm tự hào về sự độc lập của mình, buộc chúng tôi phải suy nghĩ một cách độc lập hơn.
Chúng tôi đã coi những thái độ và quan điểm như thế là "có thể xảy ra trong chế độ xã hội chủ nghĩa" vì người Nga là "như thế", họ là những người lạc hậu, bị cách li với thế giới bên ngoài, truyền thống cách mạng đã nguội lạnh rồi.
Chúng tôi ngáp dài ở Iassy mấy tiếng đồng hồ, cho đến khi xe lửa Liên Xô có toa dành riêng cho khách của chính phủ tới đón, đại uý Kozlovski, chuyên gia về Nam Tư trong các cơ quan an ninh Liên Xô đã đợi sẵn. Nhưng lần này, anh ta không được tự nhiên, vui vẻ như trước, dĩ nhiên là không phải vì trước mặt anh ta là các bộ trưởng và tướng lĩnh. Có một cái gì đó khó nắm bắt, khó giải thích, một thái độ xã giao lạnh lùng đã xuất hiện trong quan hệ giữa chúng tôi và các "đồng chí" Liên Xô.
Chúng tôi tìm đủ mọi từ ngữ cay độc để chế giễu cái toa tầu mặc dù nó có đủ thứ tiện nghi, thức ăn ngon và thái độ tận tụy của nhân viên nhà tầu. Những cái tay nắm bằng đồng to đùng, quá nhiều đồ trang trí cổ, chiếc bồn cầu cao đến mức chân không chạm đất, tất cả đều rất khôi hài. Có phải đấy là cách thể hiện sự vĩ đại và sức mạnh của quốc gia? Nhưng buồn cười nhất là người phụ trách cái toa tầu sang trọng không khác gì thời Sa hoàng này lại mang theo một cái lồng có mấy con gà ngay trong buồng ngủ của anh ta. Lương ít, quần áo tồi tàn, anh ta phàn nàn với chúng tôi: "Biết làm thế nào được, các đồng chí ơi, công nhân thì phải xoay đủ cách thôi, nhà đông con, chật vật lắm".
Mặc dù xe lửa Nam Tư cũng không đúng giờ lắm nhưng không ai phải quá lo lắng chuyện chậm tầu như ở đây. "Sẽ tới", một anh nhân viên bảo chúng tôi như thế.
Nước Nga dường như cố khẳng định tính chất cố hữu của tâm hồn từng con người và cả dân tộc bằng cách gồng mình lên chống lại sự tất bật của quá trình công nghiệp hoá và sức mạnh của bộ máy công quyền.
Ukraine và Nga, tuyết phủ đến tận mái mái nhà, khắp nơi vẫn là khung cảnh hoang tàn thời chiến với những nhà ga bị cháy, lán gỗ, những người đàn bà trùm khăn, đi ủng dọn dẹp đường phố, ăn thì chỉ có nước sôi và bánh mì đen.
Chỉ có Kiev là tương đối sạch và đẹp. Dù đêm đã che mất khung cảnh sông Dnepr và những cánh đồng ngoại vi như đã trộn lẫn với bầu trời thì Kiev vẫn làm tôi nhớ đến Belgrad, một thành phố Belgrad của tương lai, với cả triệu dân, một thành phố đã được xây dựng lại bằng tình yêu thương và sự cẩn thận cần thiết. Nhưng chúng tôi dừng lại ở Kiev không lâu. Không có nhà lãnh đạo nào của Ukraine ra đón chúng tôi cả. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi lại lên đường, chúng tôi lao vào bóng đêm trắng xoá vì tuyết và đen ngòm vì buồn, chỉ có toa của chúng tôi là có điện, có đủ thứ tiện nghi, có thừa đồ ăn thức uống giữa cái nghèo và cảnh đổ nát trải dài mênh mông, bất tận.
hết: 16., xem tiếp: 17

Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: