Nguyễn Kiến Giang
Hồ Chí Minh nói về con người
1 2
Hồ Chí Minh, với tư cách một nhà cách mạng, luôn nói tới những người mất nước - yêu nước và những người cùng khổ như những người có khát vọng giải phóng (được giải phóng hay tự giải phóng) mạnh mẽ. Là người mất nước, họ hướng tới lý tưởng độc lập dân tộc. Là người cùng khổ, họ hướng tới lý tưởng bìmh đẳng và hạnh phúc. Là người bị áp bức, họ hướng tới lý tưởng tự do. Và những lý tưởng cao cả ấy, không ai ban cho cả. Như ông viết trong tuyên ngôn của “Hội liên hiệp thuộc địa”:
“Anh em phải làm thế nào để được giải phóng ?
Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” (Toàn tập, tập 1, tr. 465).
Con đường giải phóng của họ, theo ông, phải là con đường làm cách mạng, “có cách mạng thì sống, không cách mạng thì sẽ chết dần, chết mòn” (Tuyển tập, 1960, tr. 191), như ông đã viết trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Ðảng Cộng sản Ðông Dương (ngày 18 tháng hai 1930). Quan niệm triệt để và nhất quán ấy cũng thể hiện ở nhiều dịp sau đó. Trong thư "Kính cáo đồng bào" (6 tháng sáu 1941), ông viết: "Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm” (như trên, tr. 148). Hoặc trong "Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa" (tháng Tám 1945): “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” (như trên, tr. 380).
Con người mất nước - yêu nước và con người cùng khổ ấy, trong quan niệm của ông, phải trở thành con người cách mạng, con người - chiến sĩ. Ðó là một trong những bình diện cơ bản, nếu không phải là bình diện số một, của con người trong cách nhìn của ông, đặc biệt trong những thời điểm đấu tranh giải phóng trực tiếp.
Trong hầu hết những bài nói và bài viết của ông thời Cách mạng tháng Tám và sau đó, Hồ Chí Minh lấy con người - chiến sĩ làm cảm hứng chủ đạo vì đó là con người thích hợp nhất với các cuộc kháng chiến lâu dài hàng chục năm của đất nước. Có thể nói, khi nào có dịp là ông dùng khái niệm ấy như để khắc sâu vào lòng người:
* Trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường" (tháng Chín 1945), ông kêu gọi các cháu học sinh ngoài giờ học ở trường, cũng phải “tập luyện cho quen với đời sống chiến sĩ”;
* Trong "Lời kêu gọi nhân dịp Tuần lễ vàng" (17 tháng Chín 1945), ông tỏ ý hy vọng các nhà giàu có “hết sức vì nước hy sinh” để “xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiên sĩ ái quốc trên các mặt trận”;
* Trong „Thư gửi các vị phụ lão" (20 tháng Chín 1945), ông bác bỏ quan niệm “lão lai tài tận” và “lão giả an chi”, kêu gọi các vị phụ lão noi gương Mã Phục Ba, Lý Thường Kiệt “càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”...
Ngay cả chống đói, chống nạn mù chữ cũng trở thành những “mặt trận diệt giặc đói, diệt giặc dốt”. Ði bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên (tháng Giêng 1946) cũng là làm một nhiệm vụ chiến đấu: “Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù, về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu củng cố sức lực”. Và đến ngày toàn quốc kháng chiến thì: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ Quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”. Chiến đấu ở tiền tuyến hay làm việc ở hậu phương, kể cả tản cư, cũng đều là hy sinh xương máu, hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến. Ðồng bào trong những vùng địch tạm chiếm đóng thì “nên tìm đủ mọi cách giúp đỡ quân du kích của ta”. Thanh niên được nhắc nhở: “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước”. Nông dân: “Ruộng rẫy là chiến trường, Cuốc cày là vũ khí, Nhà nông là chiến sĩ”. Văn nghệ sĩ cũng thế: đó là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật”, v.v... Tóm lại một câu: “Mỗi người Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn nhỏ đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” (Tuyển tập, 1960, tr. 294, người viết gạch dưới).
*
Con người - chiến sĩ không phải là con người có sẵn, không phải là con người bình thường trong hoàn cảnh sống bình thường. Ðó là con người được đào luyện và tự đào luyện theo những lý tưởng, những mục tiêu nhất định. Nó được đòi hỏi và tự đòi hỏi có những phẩm chất khác thường, phù hợp với những hoàn cảnh khác thường. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh những phẩm chất ấy của con người - chiến sĩ. Có thể tóm tắt mhững phẩm chất ấy như sau:
* Trước hết là tinh thần hy sinh: mỗi người phải hiến toàn bộ hay một phần công sức, của cải và trí tuệ của mình vào sự nghiệp giải phóng chung, và sự hy sinh lớn nhất, được đánh giá cao nhất là hy sinh tính mệnh;
* Gắn với sự hy sinh và làm nền tảng cho nó là lòng tin mãnh liệt, không lay chuyển vào thắng lợi của sự nghiệp đó;
* Sự gan góc, dũng cảm;
* Tinh thần kỷ luật cao, tuyệt đối tuân theo tổ chức;
* Tinh thần đoàn kết như chìa khóa của mọi thắng lợi.
Có thể kể thêm một số phẩm chất khác, nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy con người - chiến sĩ được đòi hỏi cao đến mức nào. Thật ra, trong cuộc sống bình thường, mỗi người đều phải có những phẩm chất nhất định để có thể thành công trong cuộc sống. Nhưng ở con người - chiến sĩ, những phẩm chất ấy vượt quá giới hạn bình thường.
Xin lấy một ví dụ đơn giản nhất: năng lực giao tiếp. Năng lực này là điều kiện hàng ngày không thể thiếu để con người có thể sống với nhau. Nhưng sự giao tiếp của con người - chiến sĩ lại mang một yêu cầu khác. Bộ đội, cán bộ giao tiếp với dân chúng không còn là sự giao tiếp bình thường, nó đã mang một nội dung đặc biệt: dân vận. Nghĩa là phải tuyên truyền, giáo dục, tổ chức những người là đối tượng giao tiếp của mình, thường được gọi bằng từ ngữ quần chúng. Ðặc biệt là các đảng viên: đối với họ với tư cách là người lãnh đạo, tất cả nhưng ai không phải là đảng viên đều được liệt vào phạm trù “quần chúng” này như người bị lãnh đạo. Một cách tự nhiên (thật ra là phi tự nhiên), một sự phân chia vô hình diễn ra ngay trong các quan hệ giao tiếp.
Con người - chiến sĩ trước hết là con người chính trị, luôn luôn nhằm tới những mục tiêu chính trị, luôn luôn tính đến ý nghĩa chính trị trong mọi hành vi của mình. Ý nghĩa chính trị chi phối mọi mặt đời sống của con người - chiến sĩ. Giá trị đầu tiên và quan trọng nhất của con người - chiến sĩ, vì thế, là giá trị chính trị, mà nội dung cơ bản của nó là lập trường chính trị. Ðiều đó thể hiện trước hết ở sự phân biệt “ta - bạn - thù”. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng, sự phân biệt ấy có thay đổi, và con người - chiến sĩ phải luôn lôn nắm được sự phân biệt ấy. Hồ Chí Minh nói tới điều này trong rất nhiều bài nói và bài viết, nhưng rõ nhất là trong những phát biểu ở các lớp chỉnh huấn. Tháng Sáu 1953, trong thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan, trả lời câu hỏi vì sao phải chỉnh huấn, ông nói:
“Vì nhiều cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm.
* Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ;
* Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình” (Tuyển tập, 1960, tr. 444).
Tại lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức sau đó ít lâu, ông còn phân tích rõ hơn. Một mặt, ông nêu rõ rằng “trước đây thực dân và phong kiến áp bức tàn tệ công nông về vật chất”, nên “công nông đã giữ vững tinh thần giai cấp và tinh thần dân tộc, giữ vững chí khí quật cường bất khuất. Khi có cơ hội cách mạng và kháng chiến thì công nông hăng hái nổi dậy, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, hy sinh quên mình, chiến đấu anh dũng”. Mặt khác, “đối với trí thức thì tuy rằng thực dân và phong kiến cũng trực tiếp bóc lột về vật chất, song chúng dành một tí tị cái chúng đã bóc lột được để mua chuộc trí thức. Nhưng chúng áp bức bóc lột trí thức tàn tệ về mặt tinh thần... Chúng đã làm cho một số trí thức mơ màng đến nỗi quên nước mình bị nô lệ, quên thân mình là nô lệ, không biết rõ ai là bạn, ai là thù, không biết phân biệt thế nào là sai, là đúng”. Do đó, “muốn làm tròn nhiệm vụ thì phải tiến kịp phong trào tiến với dân tộc; phải cải tạo tư tưởng, giữ vững lập trường” (như trên, tr. 453-455).
Phải thừa nhận rằng, trong nhiều thập kỷ liền sau Cách mạng tháng Tám, khi đất nước phải đương đầu với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hết sức gian khổ, con người - chiến sĩ đã là một hiện thực, và có thể nói không thể cường điệu rằng mỗi người đều cố gắng trở thành con người - chiến sĩ bằng tất cả tâm huyết với tất cả những biểu hiện sinh động của nó. Ðến mức con người - chiến sĩ không phải là con người khác thường trong những hoàn cảnh khác thường, mà là tự cảm thấy là “bình thường” ngay trong những hoàn cảnh luôn luôn khác thường ấy của một đất nước đầy biến động gần như không bao giờ dứt cả.
*
Con người - chiến sĩ trở thành phổ biến ấy tất nhiên không hoàn toàn giống nhau. Do những điều kiện xuất thân và hoàn cảnh sống khác nhau, nhiều khi là do những đặc tính của mỗi người, nên con đường “giác ngộ cách mạng” và tinh thần chiến đấu hy sinh cũng có nhưng mức độ khác nhau. Hồ Chí Minh hiểu rõ như vậy khi nói rằng “năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài”, khi nhắc nhở rằng “dù là bánh ngọt cũng không thể ăn ngay một lúc được”, và “trong quần chúng thường có ba hạng người: tiên tiến, trung bình và lạc hậu”. Vì thế, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng việc xây dựng và đào tạo lớp người cốt cán của các phong trào đấu tranh. Ðó là những “hạt nhân” của phong trào cách mạng. Lúc đầu là những “đoàn viên cộng sản” trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội”, và về sau là những đảng viên cộng sản (từ Ðông Dương Cộng sản Đảng đến Ðảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Ðể cho thuận tiện, chúng tôi gọi đó là con người - cán bộ với ý định làm nổi bật vai trò cốt cán của nó.
Có thể nói rằng, trong suốt đời hoạt động của mình, ông quan tâm trước hết tới “con người - cán bộ” ấy. Và ông cũng từng nêu rõ nhưng tiêu chuẩn của “con người - cán bộ” ấy trong rất nhiều bài nói và bài viết. Ngay từ năm 1927, khi viết Ðường cách mệnh, ông mở đầu bằng “Tư cách một người cách mệnh”.
Con người - cán bộ, theo ông, có một vị trí xã hội rất rõ: vừa là người lãnh đạo nhân dân, vừa là đầy tớ của nhân dân. Ðó là một con người mang theo một mâu thuẫn nội tại không dễ giải quyết và, trong nhiều trường hợp, không phải ông không nhìn thấy có những người đầy tớ biến thành ông chủ như thế nào. Từ buổi đầu chế độ dân chủ cộng hòa, tháng Mười 1945, ông đã cảnh cáo nguy cơ “quan cách mạng” trong đội ngũ cán bộ, với những tật bệnh nặng nề: trái phép (“vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu gia sản, làm dân oán thán), cậy thế (“ngang tàng phóng túng, muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”), hủ hóa (“ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn”, “thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức”), tư túi (“kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu mình không có tài năng gì cũng chức này chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”), chia rẽ (“bênh vực lớp này chống lại lớp khác”), kiêu ngạo (“tưởng mình ở trong cơ quan của chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mệnh” lên”)...
Bài toán “vừa là lãnh đạo vừa là đầy tớ” ấy đã qua hơn nửa thế kỷ nay, vẫn chưa tìm thấy đáp số. Những gì Hồ Chí Minh coi là “những lỗi lầm rất nặng nề” của con người - cán bộ, ngày nay đọc lại, vẫn không thay đổi gì lắm, nếu không muốn nói là “những lỗi lầm” ấy còn nặng nề hơn nhiều, thậm chí có thể coi đó là “những trọng tội”.
Không đi tìm cách giải bài toán này bằng con đường thể chế, luật pháp, bằng dân chủ hóa chế độ chính trị, Hồ Chí Minh đưa ra các giải pháp riêng của mình mà ông kiên trì cho tới cuối đời: giáo dục đạo đức cách mạng.
*
Phải nói ngay rằng, đối với con người - cán bộ, Hò Chí Minh không chỉ đòi hỏi đạo đức cách mạng. Ông đòi hỏi ở họ tất cả những gì cần thiết cho hoạt động cách mạng. Và một sự quan tâm đặc biệt của ông dành cho họ là việc huấn luyên lý luận cách mạng. Trong Ðường cách mệnh, cuốn sách giáo khoa đầu tiên ở Việt Nam dạy làm cách mạng, ông đã tóm tắt những hiểu biết cần thiết nhất mà họ cần được trang bị. Là người làm một bước nhảy từ “cách mạng quốc gia” theo lối cũ sang “cách mạng quốc tế” theo lối mới, ông đặc biệt đề cao chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa cộng sản. Trước đó, trong bài "Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa", ông đã thấy rõ nhu cầu hiểu biết cách mạng của quần chúng: “Nói chung, quần chúng căn bản là có tinh thần bất khuất, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng nhưng họ chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích ấy” (Toàn tập, tập 1, tr. 27). Trong Ðường cách mệnh, ông khẳng định nội dung chủ yếu của những hiểu biết cách mạng đó là chủ nghĩa Lênin, vì theo ông: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Và: “muốn làm cách mạng thành công thì phải có dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã-khắc-tư và Lê-nin” (Toàn tập, tập 1, tr. 189 và 207). Năm 1941, trở về nước hoạt động, khi còn ở hang Pắc Bó, ông dành nhiều công sức để dịch ra tiếng Việt cuốn Lịch sử Ðảng cộng sản (b) Liên Xô do Stalin chủ trì (như chính ông mô tả: “Hòn đá chông chênh dịch sử Ðảng”) làm tài liệu huấn luyện cán bộ. Chủ nghĩa Lênin đối với ông không những là cái “cẩm nang thần kỳ”, mà còn là “mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, nhờ nó “ Đảng ta không những đã giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn giữ vững được quyền lãnh đạo đó trên mọi lĩnh vực và đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh quyền lãnh đạo cách mạng với Ðảng ta” (Tuyển tập, tr. 775).
Bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh còn yêu cầu con người - cán bộ phải có những hiểu biết về khoa học - kỹ thuật, về quản lý trong xây dựng đất nước, v.v... Nhưng đối với ông, bao giờ cũng vậy, trong thời kỳ hoạt động bí mật cũng như trong thời kỳ nắm chính quyền, cái gốc của con người - cán bộ phải là đạo đức cách mạng. Ðối với ông,con người - cán bộ trước hết là con người đạo đức. Có thể khẳng định ràng trong lịch sử cách mạng trên thế giới, không có vị lãnh tụ nào nói nhiều tới đạo đức như ông. Ông nói tới những giá trị đạo đức theo lối thừa kế truyền thống, nhất là thừa kế nhưng giá trị của Nho giáo, được lý giải một cách phù hợp với những hoàn cảnh mới, với những đòi hỏi của cách mạng đối với con người - cán bộ. Lúc thì nhấn manh tới những giá trị “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, lúc lại nhấn mạnh trau dồi chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhưng những giá trị được ông nhắc tới nhiều nhất là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” (kể từ những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám khi khởi xướng cuộc vận động đời sống mới, cho đến khi viết Di chúc). Dường như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” là những giá trị đạo đức tâm đắc nhất của ông. Ðó là những giá trị cơ bản nhất, vì nếu cán bộ “không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Toàn tập, tập 4, tr. 336), vì đó là “nền tảng của đời sống mới” (như trên, tập 5, tr, 233). Ông ví bốn đức ấy như bốn mùa của trời, bốn phương của đất:
“Thiếu một mùa thì không thành trời.
Thiếu một phương thì không thành đất.
Thiếu một đức thì không thành người”
(như trên)
Bốn đức ấy là lớn nhất, nhưng phải qui tụ vào một tinh thần: Chí công vô tư. Nếu như ông từng giải thích kỹ nội dung của bốn đức kia, thì hầu như ông không giải thích gì mấy về Chí công vô tư. Có lẽ ông nghĩ rằng mọi người đều hiểu được rồi chăng? Nhưng hiểu Chí công vô tư như thế nào cho đúng ý ông? Theo cách hiểu thông thường, Chí công vô tư là chuyên tâm vào sự nghiệp chung mà không nghĩ tới, không tính tới lợi ích riêng của cá nhân. Năm 1927, trong Ðường cách mệnh, ông đã dùng một phương châm tương tự như đức tính hàng đầu của người cách mạng: “Hòa mà không tư”. Trong cả hai trường hợp, mối quan hệ giữa “công” và “tư” được coi là cơ bản nhất, là đạo đức lớn nhất của con người cách mạng, của “con người - chiến sĩ”, “con người - cán bộ”. Cũng là cách xử lý đúng đắn mối quan hệ này theo tinh thần hy sinh cái riêng cho cái chung. Ðiều đó thật dễ hiểu. Trong những hoàn cảnh đấu tranh cách mạng trước đây, muốn giải phóng con người, nhất là con người - mất nước và con người - paria, thì phải chịu gánh lấy những hy sinh không thể tránh khỏi. Hy sinh, thậm chí hy sinh tất cả (kể cả tính mạng) là lẽ sống, là đạo đức cao nhất.
Tinh thần Chí công vô tư còn được Hồ Chí Minh diễn đạt theo một cách khác: “Trau dồi chủ nghĩa tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Ông nói: “Trong Ðảng ta, có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “Chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân (Toàn tập, tập 4, tr. 470). Ông ví chủ nghĩa cá nhân như “một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các bệnh rất nguy hiểm” (bệnh tham lam, tự tư tự lợi, xa hoa, tiêu xài bừa bãi, lười biếng, kiêu ngạo, tự cao tự đại, hiếu danh, óc hẹp hòi, óc lãnh tụ) như ông liệt kê.
Trong những hoàn cảnh đấu tranh khắc nghiệt, hô hào “chống chủ nghĩa cá nhân” là một điều khá tự nhiên, vì nếu không đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, không thể đương đầu với những hoàn cảnh trong đó sự lựa chọn giữa cái sống và cái chết nhiều khi đặt ra hết sức ngặt nghèo. Nhưng chống chủ nghĩa cá nhân theo cách hiểu từng được truyền bá rộng rãi là chống lại cá nhân con người, triệt tiêu “cái riêng” và đặt “cái chung” lên vị trí độc tôn, thì lại là chuyện khác. Người ta quên mất rằng, đứng trước sự hy sinh, con người thật ra phải có ý thức rất cao về cuộc sống của cá nhân mình, khi sự dâng hiến cá nhân mình cho sự nghiệp chung trở thành - dù chỉ trong khoảnh khắc - sự hoàn thiện tột điểm của cá nhân mình. Ðó không phải là “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, càng không phải là một sự “quên mình” như nhiều người vẫn tưởng. Ðó chính là những phút giây “nhớ đến mình” nhiều nhất, những phút giây tự khẳng định nhân cách lý tưởng của chính mình. Người ta không chết như một “mảnh của một tập thể” mà như một cá nhân toàn vẹn. Có thể nói đó là những giây phút thăng hoa của con người cá nhân. Tuyệt đối đó không phải là sự từ bỏ cá nhân và những gì thuộc về nó. Hô hào từ bỏ cái riêng (cá nhân) vì cái chung (tập thể) là hiểu sai về con người, nhất là về con người chiến sĩ. Tiếc thay, Hồ Chí Minh đã có lần làm như thế. Xin dẫn ra một ví dụ. Tại lớp chỉnh Đảng trung ương khóa 2, ông nói về quan hệ của cá nhân và gia đình như thế này: “Có người nói: người cộng sản là vô tình, là bất hiếu. Con làm cách mạng có khi phải bỏ cả bố mẹ. Cái đó có không? Có. Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rông rãi như vậy...” Cách hiểu chữ hiếu theo tinh thần cách mạng như vậy dù sao cũng có thể chấp nhận được, nhưng khi từ đó để khuyên bảo những người cách mạng từ bỏ “gia đình nhỏ” của mình vì cái “gia đình to” của cả nước, thì lại không còn đúng nữa. Ðây cũng là lời của ông:
“Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.
Ðó là cách hiểu xa thấy rộng.
Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn.
Phải hy sinh cái riêng cho cái chung”. (Toàn tập, tập 4, tr. 389).
*
Nếu có thể lập ra một sơ đồ những quan niệm của Hồ Chí Minh về vấn đề con người, thi sơ đồ ấy có thể diễn đạt như sau:
Ðiểm xuất phát là “con người mất nước (yêu nước)” và “con người paria (cùng khổ)”. Cuộc đấu tranh tự giải phóng của họ đòi hỏi họ trở thành “con người - chiến sĩ” và, cao hơn, thành “con người - cán bộ”. Phẩm chất quan trọng nhất của con người đó là đạo đức cách mạng mà kết tinh là Chí công vô tư. Như đã biết, mọi sự sơ đồ hóa đều không phản ảnh đầy đủ toàn bộ sự vật. Chúng tôi chỉ mong rằng nó phản ảnh được cốt lõi của những quan niệm của Hồ Chí Minh như vốn có.
Tháng Mười 1993
*
Viết thêm
Bài “Hồ Chí Minh nói về con người” được viết theo “đơn đặt hàng” của chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề con người. Tôi rất ngần ngại khi nhận viết bài này, vì dù viết một cách dè dặt đến mấy, tôi biết trước là nó sẽ không được công bố. Quả nhiên, sau khi đọc bài của tôi, chủ nhiệm đề tài nói rằng bài này không thể in được, chỉ xin phép lấy đôi điểm trong đó mà thôi. Thật ra, tôi còn muốn viết thêm phần sau nữa, chủ yếu dành cho sự phân tích những ý kiến của Hồ Chí Minh theo cách nhìn nhận riêng của tôi.
Vì không có điều kiện để làm được theo mong muốn, tôi đành phải viết thêm mấy dòng này, tất nhiên còn rất sơ lược nhưng cốt đưa ra một vài điểm tôi muốn đi tới.
1. Một điều rất dễ nhận thấy là: trong những bài viết và bài nói về con người, Hồ Chí Minh thường coi con người như những thành viên của một khối người (dân tộc, giai cấp, tầng lớp...), nghĩa là những cộng đồng khác nhau, mà hiếm khi con người được coi như những cá thể, những con người cá nhân. Thân phận con người được ông nói tới thường gắn liền với thân phận của một cộng đồng, ở dạng phi cá nhân, không phải của riêng một ai cả. Cả trong những trường hợp nói tới một cá nhân cụ thể, thì cá nhân ấy được nói tới như một người gắn với chức năng của nó trong cộng đồng, trong tập thể: một người cha có 6 con tham gia kháng chiến, 4 người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ Quốc (cụ Tạ Quang Yên, Nam Ðịnh); một lão du kích hăng hái được khen tặng mấy chữ “lão đương ích tráng” (cụ Ðỗ Như Thìn, Hải Dương)...
Trong những hoàn cảnh tập trung mọi nỗ lực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội, xin nhắc lại, con người được Hồ Chí Minh bàn tới chủ yếu là con người cộng đồng mà không phải (chưa phải) là con người cá nhân. Và xét đến cùng, con người cộng đồng ấy thể hiện trước hết như con người chức năng hơn là con người cứu cánh. Ðó là qui tắc khắc nghiệt của hoàn cảnh lịch sử đối với con người Việt Nam trong một thời kỳ dài, cũng như đối với cách nghĩ của Hồ Chí Minh về con người.
2. Nhưng ngoài hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt ấy, những quan niệm của Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ những nguồn gốc tâm lý và nhận thức truyền thống khá rõ: tâm lý yêu nước của cộng đồng dân tộc, cộng đồng làng xã; những giá trị chủ yếu của Khổng giáo về con người. Ở đây có thể thấy một sự thừa kế khá rõ nét: chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam là một sự nối dài của con người cộng đồng của làng xã. Con người cộng đồng này, nói theo Mác, chưa cắt bỏ được cái cuống rau nối liền nó với công xã.
Chính đó là một trong những nguyên nhân căn bản đưa tới chỗ bỏ qua sự hình thành và phát triển của con người cá nhân luôn luôn đòi hỏi được khẳng định ngày càng mạnh mẽ. Con người cá nhân vẫn bị kìm nén cả từ phía những học thuyết và những tổ chức cách mạng.
3. Nhưng con người cá nhân, như sự trưởng thành tất yếu của con người trong lịch sử, nhất là trong lịch sử hiện đại, không thể bị xóa bỏ hoặc mất đi được. Ngay trong những chế độ chuyên chế khắc nghiệt nhất, nó cũng đã từng đòi hỏi quyền sống của nó. Huống hồ khi con người lao vào những cuộc chiến đấu với lý tưởng giải phóng mạnh mẽ! Vấn đề là tổ chức đời sống xã hội như thế nào để con người cá nhân hòa đồng với con người cộng đồng cũng là con người không thể nào mất đi được. Nói rõ hơn, làm sao để con người cứu cánh kết hợp với con người chức năng, chứ không phải để triệt tiêu con người cá nhân.
Con người cá nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sống và đòi quyền sống của nó, kể cả và nhất là ở những người lao vào đấu tranh cách mạng, nghĩa là ở những con người tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ nhất. Nhưng nó lại không được thừa nhận trong hệ tư tưởng chính thống. Hệ tư tưởng này chỉ thừa nhận con người cộng đồng và con người chức năng. Con người cá nhân không thể không tìm lối thoát: nó phải sống chui.
Bi kịch của nó chính là ở chỗ này. (Và như đã biết, chính bản thân Hồ Chí Minh cũng không thoát khỏi được bi kịch ấy trong đời sống riêng tư của con người cá nhân ông).
Sống chui là sống không hợp thức, không hợp pháp. Với kiểu sống như vậy, con người và xã hội rơi vào những rối nhiễu (xin dùng từ của tâm lý học) không thể tránh khỏi, mà mọi sự hô hào về đạo đức cách mạng đều bất lực.
Tôi nhớ mãi một câu chuyện về Hồ Chí Minh hết sức xúc động do ông Nguyễn Tài, một vị lão thành cách mạng, kể lại. Ông có thời đi theo cụ Hồ để vận động cách mạng trong Việt kiều ở Thái Lan vào cuối những năm 20 sau khi Quảng Châu công xã bị thất bại. Ở Hà Nội, hai “thày trò” (chữ của người kể) thỉnh thoảng có gặp nhau với tình cảm thân thiết ngày xưa. Trước khi cụ Hồ mất ít lâu, ông được phép vào thăm. Theo lời ông kể lại, đó là lần duy nhất cụ Hồ nói tới những nỗi niềm riêng tư của mình, tuy không nhiều và không có những chi tiết cụ thể nào nhưng rất thực. Cụ Hồ nói với ông: “Cuộc đời mình, vui cũng nhiều mà buồn cũng nhiều. Ân cũng nhiều mà oán cũng nhiều...”. Rồi bất chợt, cụ bảo ông: “Vê này (cụ vẫn thường gọi ông bằng cái tên ngày xưa ấy), Vê làm một đôi câu đối tặng mình đi, kẻo khi mình đi rồi, Vê có tặng mình thì mình cũng không biết gì nữa”. Sau một hồi suy nghĩ, ông Nguyễn Tài đọc lên đôi câu đối mà ông cho là tâm đắc nhất trong đời:
Giao hoan bi hỉ đồng song lệ
Ân oán tương tranh huyết nhất bầu
Ông dịch nghĩa cho tôi nghe: Cái vui cái buồn xoắn lấy nhau, đôi tròng mắt trào lệ. Chuyện ân chuyện oán tranh nhau, vẫn một bầu máu nóng ấy.
Nghe xong, Cụ Hồ vỗ tay khen: “Câu đối này hợp với mình lắm”. Nói mà mắt rưng rưng...
Cụ Hồ đã ra đi. Người học trò của cụ ngày xưa ấy, cũng đã ra đi.
Xin mạn phép hai người ghi lại như một sự tưởng niệm sâu sắc để kết thúc bài viết còn nhiều dang dở này.
Tháng Chạp 1993
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.
No comments:
Post a Comment