Milovan Djilas
Nói chuyện với Stalin
Dịch giả: Phạm Minh Ngọc
4.
Ngay sau khi Lenin mất được ba tháng, Stalin đã đưa ra tác phẩm viết về "chủ nghĩa Lenin" (trong bài giảng "Về những nguyên lí của chủ nghĩa Lenin" vào tháng 4 năm 1924). Đây là sự thô thiển hoá nhưng đồng thời cũng là sự xác lập một giáo điều, giống như Engels đã hệ thống hoá một cách giáo điều tư tưởng của Marx trong tác phẩm Chống Dühring. Dĩ nhiên là Stalin làm việc đó một cách vội vã hay vô tình. Từ lâu, ông ta đã hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa Lenin và biến nó thành ngọn cờ của mình. Các quan điểm và hành động của ông đã giữ thế thượng phong ở Liên Xô và các phong trào cộng sản quốc tế. Đối với ông ta, một loạt chiến thắng vừa giành được chính là điều "khẳng định" tính ưu việt của các phương châm "của chúng ta", thực ra là của chính ông.
Tôi nghĩ rằng chính vì thế mà trong mắt ông ta, học thuyết của Marx đã mất dần ý nghĩa, mặc dù ông vẫn trung thành với bản chất của nó, nghĩa là vẫn trung thành với chủ nghĩa duy vật, như là "cơ sở" để nghiên cứu thế giới và xây dựng xã hội lí tưởng, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những cơn thịnh nộ bất ngờ và tàn bạo đối với địch thủ không làm cho ông mất khả năng nghiên cứu một vấn đề hay nghiên cứu đối thủ một cách thận trọng và tỉnh táo, trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ông đã tiếp cận với các hệ tư tưởng cũng theo cách như thế: có thể ông đã nhận ra những khiếm khuyết của Marx và Engels ngay từ khi trình bày "chủ nghĩa Lenin", nghĩa là ngay sau khi Lenin mất. Cuộc chiến tranh chống phát xít có thể là giai đoạn bước ngoặt: cuộc tấn công của dân tộc đã sinh ra Marx và Engels vào đất nước duy nhất mà tư tưởng của họ đã giành được thắng lợi hoàn toàn chắc chắn phải làm Stalin choáng váng.
Stalin đã làm cho hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế phụ thuộc vào Đảng cộng sản Liên Xô. Chiến tranh và kết quả của nó dường như càng khẳng định một điều rằng chính quyền cộng sản chỉ có thể tồn tại ở những vùng ảnh hưởng của nhà nước Liên Xô mà thôi. Ông đã tạo ra bộ máy quan liêu chính trị và khuyến khích chủ nghĩa dân tộc Nga và cho rằng chỉ có làm như thế mới có thể bảo tồn được cuộc cách mạng Nga và chủ nghĩa cộng sản. Ông bắt đầu phủ nhận ý nghĩa của học thuyết của von Clausewitz, một lí thuyết gia quân sự nổi tiếng, ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc, mặc dù Lenin đánh giá rất cao ông này. Stalin làm như thế không phải vì đã có một lí thuyết gia tốt hơn mà chỉ vì von Clausewitz là người Đức, đại diện của một dân tộc mà quân đội của họ vừa bị Hồng quân đánh tan trong một cuộc chiến tranh có thể là vĩ đại nhất trong lịch sử của nước Nga.
Dĩ nhiên là Stalin không bao giờ phát biểu công khai thái độ của mình về Marx và Engels. Điều đó sẽ làm cho những kẻ trung thành hoang mang, sự nghiệp và quyền lực của ông có thể bị đe doạ. Ông nhận thức rõ rằng ông đã chiến thắng vì ông là người phát triển một cách kiên định nhất các hình thức tổ chức, có thể kết hợp lí luận và hành động, nhận thức với thực tiễn.
Stalin chẳng hề bận tâm liệu ông ta có xuyên tạc một nguyên lí nào đó của chủ nghĩa Marx hay không. Chẳng phải chính những nhà mác-xít vĩ đại, mà trước hết là Lenin, từng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa Marx là "kim chỉ nam cho hành động" chứ không phải là một tập hợp các giáo lí và thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí đấy ư?
Nhưng vấn đề ở đây vừa rộng, vừa phức tạp hơn nhiều. Mọi chế độ, đặc biệt là chế độ chuyên chế, đều cố gắng đạt đến tình trạng ổn định. Học thuyết mác-xít, vốn đã mang tính giáo điều, không thể không đông cứng trong tình trạng giáo điều một khi nó được tuyên xưng là hệ tư tưởng chính thống, hệ tư tưởng của quốc gia và và của toàn xã hội. Vì nhà nước và tầng lớp cầm quyền sẽ tan rã nếu họ thay đổi diện mạo mỗi ngày, chưa nói đến thay đổi lí tưởng. Họ phải sống, trong khi tranh đấu và lao động, họ phải thích nghi với hoàn cảnh cả trong nước và quốc tế đang thay đổi từng ngày. Điều đó buộc các lãnh tụ phải "xa rời" lí tưởng, nhưng phải làm sao vẫn giữ được, và nếu có điều kiện thì thổi phồng thêm vai trò của mình trước mắt các đồ đệ và toàn thể nhân dân. Tính hoàn chỉnh, nghĩa là "tính khoa học" của chủ nghĩa Marx, việc bế quan toả cảng của xã hội và tính toàn triệt của chính quyền đã buộc Stalin phải tiêu diệt một cách không khoan nhượng tất cả những kẻ dị giáo về tư tưởng bằng những biện pháp dã man nhất, còn cuộc sống đã buộc ông ta phải "phản bội", tức là thay đổi những nguyên lí "thiêng liêng" nhất của hệ tư tưởng. Stalin luôn luôn bảo vệ hệ tư tưởng với tinh thần cảnh giác cao, nhưng đấy chỉ là phương tiện của quyền lực, phương tiện củng cố nước Nga và uy tín của mình mà thôi. Dĩ nhiên là vì vậy mà các viên chức quan liêu, những kẻ tự coi họ là nước Nga và nhân dân Nga, đến tận hôm nay, vẫn còn tiếp tục bài ca muôn thuở rằng mặc dù có những "sai lầm" nhưng Stalin đã "có nhiều công trạng đối với nước Nga". Cũng dễ hiểu là dưới thời Stalin, dối trá và bạo lực đã được đưa vào hàng những nguyên lí cao cả nhất… Có thể chính Stalin cũng cho rằng dối trá và bạo lực chính là sự phủ định mang tính biện chứng, nhờ đó, nước Nga và toàn thể loài người cuối cùng sẽ đi đến chân lí tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt đối?
Stalin đã đưa tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đến những giới hạn cuối cùng, từ đây, tư tưởng ấy và xã hội "của nó" bắt đầu quá trình thoái hoá. Ông ta còn chưa kịp tiêu diệt hết những kẻ thù trong nước để có thể tuyên bố rằng đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, chiến tranh còn chưa chấm dứt thì ở Liên Xô, cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế, đã bắt đầu xuất hiện những trào lưu mới. Dù sao chăng nữa, khi Stalin nói đến ý nghĩa quyết định của "tư tưởng", thì ông cũng nói như các nhà chính trị khác: nếu tư tưởng của chúng ta phản ánh được xu hướng vận động của xã hội, nếu chúng ta có thể dùng nó để tuyên truyền sao cho quần chúng biết tự tổ chức một cách phù hợp thì nghĩa là chúng ta đã đi đúng hướng và sẽ chiến thắng.
Stalin có một trí tuệ mẫn tiệp và kiên định hiếm có. Tôi vẫn nhớ là người ta không thể nào nói gì hoặc ngụ ý điều gì trước mặt ông mà ông không nhận ra ngay lập tức. Nếu nhớ thêm rằng ông đã gán cho tư tưởng ý nghĩa như thế nào, mặc dù đối với ông đấy chỉ là phương tiện, thì ta có thể rút ra kết luận rằng chính ông đã nhìn thấy sự bất toàn của chế độ xã hội được xây dựng dưới thời ông. Hiện nay, đã có thể tìm thấy nhiều bằng chứng như thế, đặc biệt là trong các tác phẩm của Svetlana, con gái của ông. Thí dụ, cô viết rằng khi biết người ta đã thành lập ở thành phố Kuibưshev một trường học đặc biệt dành riêng cho con em các cán bộ Đảng sơ tán từ Moskva tới, ông đã kêu lên:
"Ối, chà chà!.. Ối, chà chà, thật là một đẳng cấp thối tha!" .
Chính Trotsky, kẻ thù không đội trời chung với Stalin, cũng khẳng định rằng tại Liên Xô, dưới thời Stalin, đã hình thành đẳng cấp quan liêu. Những cuộc thanh trừng khủng khiếp, hàng triệu người bị bắn, bị giết chỉ khoét sâu thêm sự bất công và đòi hỏi những cuộc đàn áp, những vụ hành hạ và thanh toán mới. Những cuộc thanh trừng và trái tim sắt đá của Stalin đã phá tan chính gia đình ông ta. Cuối cùng, xung quanh ông ta, chỉ còn lại nỗi sợ hãi và sự hoang vắng lạnh lùng: trước khi chết, ông ta đã dán lên các bức tường căn buồng của mình ảnh những đứa trẻ được cắt ra từ những tạp chí, còn cháu ruột mình thì ông ta không thèm nhìn nhận… Đây có thể là một bài học quan trọng cho những kẻ đầu óc giáo điều, những kẻ đặt "tất yếu của lịch sử" lên trên cuộc sống của con người, lên trên khát vọng của con người. Vì vậy, Stalin là một trong những người chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử nhưng trên thực tế, lại là một cá nhân đã thua một trong những trận chiến tàn khốc nhất. Sau ông ta, không còn một giá trị vĩnh hằng, hiển nhiên nào có thể tồn tại được nữa. Chiến thắng của ông ta đã biến thành sự thất bại, cả trên bình diện cá nhân lẫn bình diện tư tưởng.
Stalin là người như thế nào? Tại sao lại có thể diễn ra những việc như thế?
Ở Stalin ta có thể tìm thấy những nét tính cách của tất cả những hôn quân bạo chúa trước ông như Neron, Caligula cho đến Ivan Bạo chúa, Robespierre và Hitler. Nhưng cũng như tất cả những người kia, Stalin là hiện tượng mới và độc đáo. Ông ta là người lão luyện nhất và cũng thành công nhất. Và mặc dù sự bạo ngược của ông ta mang tính toàn diện nhất và phản phúc nhất nhưng tôi cho rằng coi ông ta là một kẻ bạo ngược hoặc một tên tội phạm chẳng những là một sự đơn giản hoá mà còn là một sai lầm. Trong cuốn tiểu sử Stalin, Trotsky kể ông ta thích quan sát cảnh giết súc vật, còn Khrushchev thì nói rằng "những năm cuối đời, ông ta bị ám ảnh bởi cảm giác bị săn đuổi". Tôi không nắm được các dữ kiện để có thể khẳng định hay bác bỏ những thông tin trên. Căn cứ vào những điều đã biết, có thể nói, Stalin thích thú với việc ra lệnh tử hình những người chống đối mình. Tôi còn nhớ như in những biểu hiện bất ngờ xuất hiện trên nét mặt Stalin trong buổi thảo luận của đoàn đại biểu Bulgaria và Nam Tư với Stalin và các cộng sự của ông ta ngày 10 tháng 2 năm 1948 ở Điện Kremli: đấy là một sự khoái cảm lạnh lùng và đen tối khi nhìn thấy các nạn nhân mà số phận đã bị định đoạt rồi. Tôi cũng đã từng thấy những biểu hiện như thế ở những nhà chính trị khác vào lúc họ đã "bẻ gãy kiếm" của những người đồng chí và chiến hữu "lầm lạc". Nhưng tất cả những điều đó, dù chúng có phù hợp với thực tế, cũng chưa đủ để nói rằng Stalin là một hiện tượng đặc biệt. Các tài liệu rất đáng ngờ do tờ Life công bố mấy năm trước, cho rằng Stalin là chỉ điểm của cảnh sát Sa hoàng, cũng như lời khẳng định của một nhà sử học Mỹ rằng Stalin đã không tiết lộ danh tính của chính mình, báo cho cảnh sát Sa hoàng tên tuổi những đảng viên melshevik hoặc những nhà hoạt động chính trị không phải bolshevik khác khiến cho những nhân vật này bắt giam.,cũng không giúp làm rõ được bản chất con người Stalin.
Stalin là hiện tượng cực kì phức tạp, có quan hệ không chỉ với phong trào cộng sản mà với cả sức mạnh bên trong và bên ngoài của nhà nước Liên Xô lúc đó. Ở đây nảy sinh những vấn đề như quan hệ giữa tư tưởng và con người, quan hệ giữa lãnh tụ và phong trào, vai trò của bạo lực trong xã hội, ý nghĩa của những huyền thoại trong đời sống con người, điều kiện để con người và các dân tộc xích gần lại gần nhau. Stalin đã thuộc về quá khứ, còn việc thảo luận về những vấn đề nêu trên chỉ mới bắt đầu trong thời gian gần đây mà thôi.
Xin nói thêm, theo tôi, Stalin là một người năng động, hăng say, bồng bột nhưng cũng rất có tổ chức và tự kiềm chế. Nếu không thế, liệu ông có thể chỉ huy một nhà nước hiện đại to lớn đến như thế và có thể lãnh đạo những chiến dịch phức tạp và khủng khiếp như thế hay không?
Vì vậy, tôi nghĩ rằng những khái niệm như tên tội phạm, thằng điên và những điều tương tự khác chỉ là những khái niệm hão huyền và có ít ý nghĩa khi tranh luận về một chính khách nào đó. Cũng cần tránh sai lầm sau: trong đời sống thực tế, không thể có một nền chính trị hoàn toàn thoát khỏi được cái gọi là những dục vọng và động cơ thấp hèn. Chính trị là toàn bộ các hoài bão của con người, nó cũng không thể thoát khỏi được những phần tử tội phạm và điên rồ. Vì vậy, thật khó, nếu không nói là không thể, xác định được ranh giới giữa tội ác và bạo lực chính trị. Mỗi khi xuất hiện một hôn quân bạo chúa mới là các nhà tư tưởng lại buộc phải tiến hành những cuộc nghiên cứu, phân tích và rút ra những khái quát mới.
Nhưng nếu ta nhận rằng ranh giới này nằm giữa lí trí và tình cảm, giữa chủ quan và tất yếu thì Stalin là một trong những kẻ cưỡng bức lịch sử tàn bạo nhất, ngay cả khi ta không coi ông ta là một kẻ tội đồ và một người điên. Vì ngay cả khi cho rằng, thí dụ, tập thể hoá là cần thiết trong những điều kiện nào đó, thì rõ ràng là vẫn có thể thực hiện việc ấy mà không cần giết nhiều "địa chủ" đến như vậy. Thế mà hiện nay, vẫn có những kẻ giáo điều phản đối rằng: Stalin say sưa với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc Trotsky kết án ông ta là cơ hội chủ nghĩa đã có ảnh hưởng, đất nước bị đe doạ bởi hoạ phát xít xâm lăng và chúng có thể được "kẻ thù giai cấp" ủng hộ. Nhưng họ sẽ nói gì về những phiên toà bịa đặt và những vụ thanh trừng đẫm máu chống lại phong trào "đối lập" trong đảng, một phong trào không hề đe doạ gì sự tồn vong của chế độ ? Ngược lại, sự yếu đuối và tình trạng lúng túng của phong trào này lại có nguồn gốc từ chính sự trung thành một cách giáo điều đối với hệ tư tưởng của chế độ và với chính chế độ đó.
Sự đàn áp của Stalin không chỉ giới hạn trong các cuộc thanh trừng, nhưng thanh trừng là đặc điểm cơ bản của nó. Tất cả những người đối lập trong đảng đều ủng hộ, tuy mức độ có khác nhau, việc đàn áp "địa chủ" và những "kẻ thù giai cấp" khác. Tất cả bọn họ đều tự tròng lên cổ cái ách của hệ tư tưởng, mục đích của họ và của Stalin là một. Khi lên án Stalin là ông ta không làm một việc gì cụ thể cả thì chính Bukharin lại ảo tưởng rằng ông ta đang nghiên cứu kinh tế học và triết học. Tất cả bọn họ đều thiếu một tầm nhìn, một lí tưởng mới. Tất cả bọn họ đều bị bất ngờ trước các vụ thanh trừng của Stalin. Stalin đã nổi lên nhờ những vụ thanh trừng, nhờ những vụ thanh trừng mà ông ta đã trở thành người như chúng ta đã thấy, ông ta đã đặt nền móng cho sự nghiệp của mình như thế đấy.
Bằng những vụ thanh trừng rộng khắp và dã man trong những năm ba mươi, Stalin đã tạo ra sự đồng nhất giữa tư tưởng và quyền lực của chính mình, đã đồng nhất giữa nhà nước với cá nhân mình. Không thể nào khác được, đấy là kết quả của cái thế giới với những chân lí không thể tranh cãi và niềm tin vào một xã hội hoản hảo phi giai cấp. Mục đích đã biện minh cho phương tiện. Sự nghiệp của Stalin là sự nghiệp phi đạo đức và vì vậy, cũng không thể có nền tảng vững chắc. Đấy chính là bí ẩn của con người ông ta, đấy cũng là giá trị thật của sự nghiệp của ông ta.
hết: 4., xem tiếp: 5. Con người Stalin
Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006
No comments:
Post a Comment