Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay
1 2 3 4
Lúc đầu, tiểu luận này được viết để ghi nhận những suy nghĩ về tình hình thế giới mới. Tôi đã dựa vào đó để trình bày vấn đề trong một nhóm nghiên cứu phải chính thống. Cuối cùng, nó được làm thành một đề tài nghiên cứu khoa học do P.K.I. chủ trì (năm 1994). Công trình được Hội đồng nghiệm thu đánh giá tốt, và Hội đồng cũng kiến nghị cho chính thức công bố. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra cả...
Mở đầu
Thế giới đang đổi khác. Đổi khác một cách căn bản. Đổi khác trong những biến động dồn dập mà loài người chưa từng chứng kiến, ít ra gần nửa thế kỷ nay, nếu không nói là từ đầu thế kỷ. Bộ mặt quen thuộc của thế giới trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” hôm qua đang tan biến, nhường chỗ cho một bộ mặt chưa hiện rõ nét của thế giới hôm nay. Không biết đã bao nhiêu người cố vẽ lên một bức tranh thế giới hôm nay theo cách nhìn của mình, nhưng chưa có một bức tranh nào thật “ổn” cả. Trước hết, vì không thể có một bức tranh ổn định về một thế giới không ổn định. Sau nữa, vì cách nhìn của mỗi người mang tính khuynh hướng riêng, thậm chí một tâm thức riêng, ít ai giống ai.
Trong bài này, chúng tôi cũng xin phép làm công viẹc “hẩm hiu” này. Trước hết, là người đang sống với thế giới hôm nay, không thể không “nhận diện” nó như tất cả những người khác. Hơn nữa, đất nước đang trải qua một sự chuyển mình, con đường đi tới của nó sẽ như thế nào, điều đó không thể hiểu được dù chỉ là gần đúng nếu không hiểu được những biến động đang và sẽ xảy ra trên thế giới, nhất là những xu hướng của nó.
Thiếu sót chắc còn nhiều, và không thể khác thế được với trình độ và những điều kiện có hạn của người viết, mong được bạn đọc lượng thứ.
Phần một: Một số cách nhìn tiêu biểu
Không kể thời gian trước đây, chỉ tính từ cuối những năm 80 - đầu những năm 90, thấy lần lượt xuất hiện, với một tần số cao chưa từng có, những cuốn sách, những bài viết của rất nhiều tác giả trên thế giới viết về bộ mặt của thế giới “sau chiến tranh lạnh” và đặc biệt là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở một loạt các nước Đông Âu, rồi ở Liên Xô. Để đánh dấu sự biến đổi to lớn ấy, nhiều người lấy những năm 1989-1991 làm cột mốc, và điều đó có cơ sở của nó. Một mặt, đó là thời gian đi tới những thỏa thuận rất quan trọng về giải trừ vũ trang chiến lược và chiến thuật, nhất là về giảm dần và đi tới xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, giữa Liên Xô và Mỹ, giữa khối NATO và khối Vacsava. Mặt khác, đó cũng là thời gian xảy ra những biến đổi chính trị và xã hội dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Chưa nói tới một sự kiện to lớn khác: cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu năm 1991. Cách đánh giá những sự kiện ấy rất khác nhau, nhưng hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý với cột mốc 1989-1991.
Lúc đầu, có người tưởng rằng “sau chiến tranh lạnh”, thế giới sẽ đi vào một trật tự mới, nhưng không bao lâu tình hình lại diễn ra không phải như vậy, mà trái lại, thế giới bước vào một sự hỗn loạn mới. Và chính trong sự hỗn loạn ấy, đã xuất hiện những cách nhìn rất khác nhau về thế giới hôm nay.
Dưới đây, xin giới thiệu vắn tắt một số cách nhìn tiêu biểu.
1. Cách nhìn của Francis Fukuyama
Sở dĩ chúng tôi nêu lên đầu tiên cách nhìn của tác giả này, vì nó tiêu biểu cho cách nhìn của những người theo “chủ nghĩa tự do” nói chung. Mùa hè 1989, F. Fukuyama viết bài “Sự cáo chung của lịch sử?” (The End of History?), gây một tiếng vang lớn trong các giới nghiên cứu trên thế giới. Trong bài này, ông nhận định rằng sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản đồng thời là thắng lợi của chế độ dân chủ tự do (the liberal democracy) như đã được thiết lập ở các nước phương Tây. Hơn thế nữa, ông coi chế độ này có thể là “điểm cáo chung của sự tiến hóa hệ tư tưởng của loài người” và cũng là “hình thức cai trị cuối cùng của con người”, do đó là “sự cáo chung của lịch sử”. Sau bài báo ấy, F. Fukuyama mở rộng những ý tưởng của mình thành một cuốn sách lớn: Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man), xuất bản năm 1992. Nói theo quan niệm của Hegel, ông cho rằng “có một lịch sử toàn thế giới, nhưng con đường của nó không phải theo logic của khoa học tự nhiên hiện đại”, cũng không phải theo chủ nghĩa Mác (coi kinh tế là yếu tố quyết định). Cơ chế lịch sử được khoa học tự nhiên hiện đại trình bày không đủ để giải thích những biến đổi lịch sử đang diễn ra nhất là hiện tượng dân chủ tự do. Các nước phát triển nhất trên thế giới không phải là những nước dân chủ thành công nhất. Nhiều ví dụ cho thấy chủ nghĩa tư bản tiên tiến về công nghệ có thể cùng tồn tại với chế độ độc tài về chính trị (từ Nhật Bản thời Minh Trị, nước Đức thời Bismark đến Singapore và Thái Lan hiện nay). Còn những lý giải về lịch sử theo lối kinh tế quyết định cũng không đầy đủ, vì con người không phải là động vật kinh tế. Cũng cách lý giải kinh tế này không thể lý giải tại sao lại có những người dân chủ chủ trương nguyên lý quyền tối thượng của nhân dân và sự bảo đảm các quyền căn bản với Nhà nước pháp quyền. F. Fukuyama chủ trương phải khám phá tính tổng thể của con người và trở lại với Hegel, với “quan điểm phi duy vật của Hegel về lịch sử”, dựa vào “đấu tranh để nhận thức”. Chính “khát vọng nhận thức”, thông qua những cuộc đấu tranh liên tục trong lịch sử, cuối cùng đưa con người tới tự do. Ông coi khát vọng nhận thức là động lực của lịch sử và dùng quan niệm đó để giải thích những biến đổi xã hội đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Ông lấy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước để chứng minh rằng chính “khát vọng nhận thức” của con người cuối cùng đã vượt lên những cái không hợp lý trong đời sống của họ, để trở lại với hệ thống kinh tế thị trường sau những “cuộc cách mạng dân chủ năm 1989”. Và khi đã coi khát vọng hợp lý và nhận thức hợp lý là hai cột trụ của quá trình lịch sử toàn thế giới rồi, thì theo ông, “chế độ dân chủ tự do là chế độ chính trị thỏa mãn tốt nhất cho hai cái đó”, và theo ý nghĩa ấy chế độ dân chủ tự do là “sự cáo chung của lịch sử”. Nhưng ông không coi sự kết thúc ấy cũng là kết thúc những cuộc đấu tranh của con người. Không, con người không bao giờ ngừng đấu tranh cả. Giả sử thế giới đã “đầy ắp” những chế độ dân chủ tự do rồi, đã hết bạo tàn và áp bức rồi, thì con người vẫn sẽ phải đấu tranh, và lần này không phải đấu tranh vì một sự nghiệp chính nghĩa như trước, mà là đấu tranh chống lại sự nghiệp đó. “Con người đấu tranh để đấu tranh”, ông khẳng định. Nói cách khác, họ sẽ đấu tranh vì không thể hình dung được rằng sống trên thế giới này mà không đấu tranh, thế thôi. Và thật mỉa mai, nếu như phần lớn thế giới đã có một chế độ dân chủ tự do vừa hòa bình vừa phồn vinh rồi, thì họ lại sẽ đấu tranh chống lại hòa bình và phồn vinh ấy, chống lại dân chủ. Và cứ như thế mà đấu tranh đi đấu tranh lại, hết thế hệ này đến thế hệ khác. “Sự cáo chung của lịch sử” như vậy không phải là sự kết thúc những sự kiện có thể xảy ra và chắc chắn sẽ phải xảy ra. Nó chỉ có nghĩa là khi đạt tới chế độ dân chủ tự do, một chế độ thỏa mãn được khát vọng hợp lý và nhận thức hợp lý, thì con người không còn đi tới một chế độ nào tốt đẹp hơn, hợp lý hơn nữa mà thôi.
Xét thật kỹ, quan niệm của F. Fukuyama phản ảnh một mâu thuẫn căn bản của chủ nghĩa tự do. Một mặt, nó coi những biến đổi đang diễn ra hiện nay, nhất là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô, là thắng lợi của “chế độ dân chủ tự do” ở phương Tây, và điều đó khiến nó lấy làm hoan hỉ. Nhưng mặt khác, nó lại phản ánh tâm trạng đầy lo âu của chính những “chế độ dân chủ tự do” ở phương Tây ấy, bởi vì trước mắt, những chế độ đó vẫn phải đương đầu với những “cuộc đấu tranh không ngừng” (hay những “cuộc chiến tranh vô tận”, như F. Fukuyama nhắc lại từ ngữ của Hegel) không chỉ với những chế độ nào khác, mà ngay trong bản thân những chế độ tuyệt đích của mình.
F. Fukuyama không đơn độc, ông có những người chia sẻ quan niệm của mình, dù với những điểm xuất phát khác nhau. Michel Albert, tác giả cuốn Chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn, không cần phải che đậy từ “chủ nghĩa tư bản” bằng từ “chế độ dân chủ tự do”, ông nói toạc ra rằng chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông không cho rằng chủ nghĩa cộng sản sụp đổ có nghĩa là lịch sử dừng lại. Điều ông quan tâm nhất là sự lựa chọn của chính chủ nghĩa tư bản. Theo ông, trong thời gian đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản hiện ra như một khối không thể chia cắt. Thật ra, không phải như vậy: có hai loại chủ nghĩa tư bản rất khác nhau, đối lập nhau. (Vì cuốn sách của Albert đã được dịch ra tiếng Việt, chúng tôi không thuật lại nội dung của nó). Tương lai thế giới, theo ông, sẽ được quyết định bởi thắng lợi của “mô hình Rhénane”, mô hình “kinh tế thị trường xã hội” của chủ nghĩa tư bản.
2. Cách nhìn của I. Wallerstein
I. Wallerstein là người lập ra trường phái phân tích “thế giới - hệ thống” mà ông có tham vọng biến nó thành một môn khoa học mới: thế giới học, với đối tượng nghiên cứu là thế giới tổng thể, thế giới như một hệ thống. Không đi sâu vào hệ thống quan niệm của ông, chỉ xin giới thiệu những ý kiến của ông về toàn cảnh thế giới hiện nay. Điểm xuất phát của ông là: thế giới - hệ thống hiện đại đồng nghĩa với thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa, với những đặc trưng:
1. Đó là một hệ thống tích lũy tư bản thường xuyên, không ngừng, nhằm mục đích chủ yếu là tự mở rộng;
2. Xu hướng phát triển khách quan của nó là hàng hóa hóa toàn thế giới, trước hết là đối với sức lao động và đất đai;
3. Song song với quá trình hàng hóa hóa là sự phát triển của các quá trình thương mại hóa và cơ khí hóa.
Ra đời từ thế kỷ XV, thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa trải qua nhiều chu kỳ phát triển và đạt tới những giới hạn của nó vào đầu thế kỷ XX, với cuộc khủng hoảng to lớn biểu hiện ở Chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc “đại suy thoái” 1929-1933 (gắn với sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít). Từ đó, thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa bước vào giai đoạn tồn tại cuối cùng. Quá trình mở rộng thường xuyên của nó tạo ra cấu trúc phân công lao động giữa trung tâm và ngoại vi, thế là hình thành ra “hạt nhân thế giới” và “ngoại vi thế giới”. Giữa hai bộ phận ấy, còn có vùng thứ ba “nửa ngoại vi”, một vùng cơ động nhất trong hệ thống và cũng là nơi nhà nước đóng một vai trò đặc biệt. Ông nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tư bản không phải là sự tự phát không có giới hạn của thị trường, mà là sự đấu tranh thường xuyên giành độc quyền trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Nhà nước là công cụ, phương tiện của cuộc đấu tranh giành độc quyền ấy.
Thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa luôn luôn vấp phải những sự chống đối từ nhiều phía, mà I. Wallerstein gọi là những phong trào chống hệ thống: phong trào công nhân ở các nước công nghiệp phát triển (xã hội - dân chủ), phong trào cộng sản (chủ nghĩa xã hội “hiện thực”) và phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng ông cũng coi những phong trào chống hệ thống ấy là nhân tố hội nhập của thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa. Theo cách nhìn đó, ngay cả chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ là hệ tư tưởng phát triển dân tộc để cuối cùng hội nhập vào thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa. Vì theo ông, các lực lượng xã hội (giai cấp) trong hệ thống có những lợi ích khác nhau, và những lợi ích này biểu hiện thành những hệ tư tưởng khác nhau. Đó là: chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Mác.
I. Wallerstein cắt nghĩa sự thất bại của chủ nghĩa Mác là do nó không phù hợp với những nhu cầu phát triển của thế giới - hệ thống hiện đại (tức tư bản chủ nghĩa), cả ở trung tâm lẫn ngoại vi. Đặc biệt, ông coi “cải tổ” ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác như một sự đáp ứng tùy thời đối với sự lựa chọn do thế giới - hệ thống ấy đặt ra trước mắt họ. Ông lập luận như thế này: Liên Xô được coi là siêu cường thứ hai trong thế giới một cực với một siêu cường, chỉ vì mối quan hệ cộng sinh đặc biệt của nó với Mỹ (bằng “chiến tranh lạnh”). Trong một thế giới mà Mỹ mất vai trò bá quyền và “chiến tranh lạnh” không còn cần thiết nữa, thì Liên Xô lâm vào nguy cơ biến thành một quốc gia ngoại vi lớn. Khi Gorbachev tiến hành “cải tổ”, ông muốn ngăn chặn điều đó, để nếu như không giữ được vai trò một siêu cường thế giới thì cũng là một quốc gia nửa ngoại vi “số một”. Nhưng trong công việc này, lại không có một hệ tư tưởng nào thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo Wallerstein, trong thế giới - hệ thống hiện đại, những thí nghiệm xã hội chủ nghĩa không phải tự chúng bị thất bại, mà bị thất bại theo ý nghĩa là: giấc mơ phát triển quốc gia thành công trở thành một ảo tưởng. Không một nước ngoại vi hay nửa ngoại vi nào đi được bước thứ hai theo chương trình tự do. Trong những năm 60, có một tình thế đã hình thành, đó là thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa không thể mở rộng hơn nữa về mặt địa lý. Do đó, cả hạt nhân của nó cũng không thể ổn định. Đối với đa số quốc gia, không thể đạt tới sự phát triển của mình bằng bất cứ cách nào, nếu một số ít quốc gia nào đó đạt tới thành công thì chỉ có thể làm điều đó một cách có hại cho những quốc gia khác. Tất cả những tiếng hô vang năm 1989 về chiến thắng của dân chủ, về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản... không thể che đậy dược sự thật là không có những triển vọng lớn nào đối với sự biến đổi kinh tế của ngoại vi trong khuôn khổ thế giới - hệ thống tư bản củ nghĩa.
I. Wallerstein cũng lấy những năm 1989-1991 là điểm ngoặt của thời đại hiện nay. Nhưng hai sự kiện chủ yếu trong thời điểm này (chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và chiến tranh Vùng Vịnh) là những hiện tượng tuy có liên quan với nhau lại đi theo hai hướng khác nhau. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là chấm dứt một thời đại, còn chiến tranh vùng Vịnh là mở đầu cho một thời đại khác. Hiện tượng thứ nhất là sự chấm dứt lịch sử của những hy vọng bị đánh lừa, còn hiện tượng thứ hai là sự mở đầu của những nỗi khiếp sợ chưa xảy tới.
Khi nói tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là sự kết thúc một thời đại, thì đó là thời đại gì vậy? Wallerstein cho đó là thời đại đã kéo dài 200 năm (1789-1848-1989). Có thể gọi thời đại này một cách khác nhau: thời đại cách mạng công nghiệp, thời đại cách mạng tư sản, thời đại dân chủ hóa đời sống chính trị, và những tên gọi đó đều có một phần đúng. Nhưng trước hết, 200 năm ấy là thời đại chiến thắng và thống trị của hệ tư tưởng tự do. Với những sự kiện 1989-1991, hệ tư tưởng tự do đã cáo chung.
Wallerstein đánh giá tình hình thế giới hiện nay và trong tương lai như thế nào? Trong con mắt của nhiều người, thế giới hiện nay là một “cấu trúc bộ ba” của trung tâm thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nhưng theo Wallerstein, thực tế cho thấy rằng các cấu trúc bộ ba bao giờ cũng nhường chỗ cho “cấu trúc tay đôi” - bộ phận yếu nhất trong “cấu trúc bộ ba” bao giờ cũng đi tìm sự liên minh với bộ phận mạnh nhất. Hiện nay, bộ phận yếu nhất về hiệu quả sản xuất và ổn định tài chính là Mỹ. Mỹ đang tìm cách liên minh với Nhật, với ý định kết hợp những vị trí hùng mạnh của Mỹ về nghiên cứu khoa học, về sức mạnh quân sự, về của cải tích lũy, v.v... với những thành tựu của Nhật trong sản xuất công nghiệp và trong lĩnh vực tài chính. Canađa và Nam Triều Tiên sẽ gia nhập liên minh này. Mỹ Latin và Đông Nam Á sẽ trở thành ngoại vi và nửa ngoại vi của nó. Cả Nhật lẫn Mỹ cũng đang tìm mọi cách để lôi kéo Trung Quốc. Tây Âu từ lâu đã hiểu được điều này và các nước đó đang tìm cách thống nhất lại. Như vậy, Nhật và Tây Âu sẽ nâng cao được vị trí của mình trong thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa và đẩy lùi Mỹ.
Từ những nhận định ấy, Wallerstein nêu ra bốn véctơ phát triển có thể có của thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa:
Véctơ thứ nhất: sự phát triển cao có tính chu kỳ của Thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa về “khả năng tích lũy”. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, một vài quá trình sẽ hoàn tất. Các nước phát triển sẽ di chuyển một bộ phận lớn những ngành sản xuất thép, ô-tô, hóa chất, điện tử từ trung tâm sang ngoại vi (quá trình này sẽ kết thúc vào năm 2000). Thậm chí một số ngành “trẻ” hơn và có lãi cũng được di chuyển như vậy. Cuối cùng, sự mở rộng mức cầu về mọi thứ sản phẩm sẽ diễn ra bằng việc “tiếp tục vô sản hóa sức lao động thế giới”.
Vì các quá trình này diễn ra chủ yếu dưới sự chi phối của Mỹ và Nhật và bất lợi cho Tây Âu, nên Tây Âu sẽ phản ứng lại, tạo thành véctơ thứ hai.
Véctơ thứ hai: chủ nghĩa bảo hộ châu Âu với mục tiêu “phân công lao động” giữa hai vùng: Mỹ - Nhật và châu Âu. Tây Âu sẽ cố thu hút vào vùng của mình những khu vực chịu ít ảnh hưởng của Mỹ - Nhật hơn: Đông và Trung Âu, Liên Xô cũ, Cận Đông, châu Phi, Ấn Độ.
Véctơ thứ ba: các quan hệ Bắc - Nam. Triển vọng các nước phía Nam (“Thế giới thứ ba”) chẳng có gì tốt lành cả. Tỉ trọng của các nước này trong sản xuất và của cải thế giới sẽ giảm đi (khác với thời kỳ 1945-2000). Các nước này sẽ mất công cụ chính trị quan trọng nhất của mình là phong trào giải phóng dân tộc. Những khó khăn mới sẽ đè nặng lên các nước phía Nam. Trong hoàn cảnh ấy, theo Wallerstein, phía Nam đứng trước ba cách lựa chọn:
* “Sự lựa chọn theo kiểu Khômeini”, (Iran) là cơn ác mộng đối với phương Tây. Thật ra, sự lựa chọn này không gắn chặt với Hồi giáo như có người tưởng, mà gắn với đỉnh cao của những cơn giận dữ và sợ hãi trong thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa, chống lại những kẻ hưởng lợi chính là trung tâm hệ thống đó. Đó là sự phủ định hoàn toàn phương Tây, thể hiện của cái ác. Khó có thể nói rằng những sự bùng nổ kiểu đó kéo dài đến bao giờ và đi xa tới đâu. Iran đang tìm cách trở lại với hệ thống thế giới, nhưng những sự bùng nổ kiểu đó vẫn có thể làm tan rã hệ thống.
* Phương án thứ hai là “sự lựa chọn kiểu Saddam Hussein” (Irak). Đó không phải là phủ định hoàn toàn những giá trị của hệ thống thế giới hiện đại, mà hướng tới dùng bạo lực nhằm thay đổi tương quan lực lượng trong hệ thống đó. Chiến tranh vùng Vịnh là cuộc chiến tranh thật sự đầu tiên giữa Bắc và Nam, do Nam khởi xướng (khác với những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, như của Việt Nam, nhằm một mục tiêu tương đối hạn chế là tự quyết dân tộc, do Bắc khởi xướng).
* Phương án thứ ba là sự lựa chọn theo hướng chống đối cá nhân và di cư. Trong thế kỷ XXI sắp tới, do dân số tăng lên ở phía Nam và giảm sút ở phía Bắc, khó mà kìm giữ được luồng nhân lực di cư từ Nam lên Bắc. Kết quả là tới năm 2005, theo Wallerstein, dân phía Nam có thể chiếm từ 30 đến 50% dân số phía Bắc. Vì họ ở một vị trí bất lợi về xã hội và chính trị (không có các quyền chính trị, chẳng hạn), nên sẽ trở thành một nguồn gây ra những bùng nổ ở phía Bắc.
Véctơ thứ tư: làm lại một cuộc cách mạng thế giới kiểu năm 1968 (Wallerstein hiểu cuộc cách mạng này như một sự bùng nổ một cách tự phát và đều khắp, từ New York, Paris đến Praha, Calcutta và Bắc Kinh..., và dẫn tới chỗ thay đổi bộ mặt thế giới, tạo điều kiện chín muồi cho bước ngoặt 1989-1991). Trong cuộc cách mạng có thể xảy ra này, trước mắt các phong trào chống hệ thống (“cũ” và “mới”) đặt ra hai vấn đề phải giải quyết: 1. thỏa thuận về một chiến lược trung hạn; 2. hệ quả của việc thực hiện thỏa thuận này.
Nếu tất cả bốn véctơ nói trên được tính đến một cách đúng đắn, thì có thể thấy được ba khả năng phát triển của các sự kiện trong tiến trình hàng hóa hóa và phân cực hóa thế giới, khiến cho những nhịp độ chu kỳ có thể bị phá vỡ.
Khả năng thứ nhất: một cuộc chiến tranh thế giới mới giữa Nhật - Mỹ và châu Âu, theo kiểu cổ điển của các chu kỳ đấu tranh giành bá quyền.
Khả năng thứ hai: thế giới sẽ tổ chức lại hệ thống của mình thành một cái gì khác, do đã bị kiệt sức vì sự bành trướng của thế giới - hệ thống tư bản chủ nghĩa và mất đi khả năng tự hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng hệ thống mới này rồi ra vẫn dựa vào bất bình đẳng và đặc quyền.
Khả năng thứ ba: thế giới - hệ thống hiện đại tan vỡ không kiểm soát được, kết quả là hỗn loạn xã hội. Nhưng theo Wallerstein, chính khả năng này có thể đưa thế giới tới trạng thái tương đối đồng đẳng và dân chủ.
Tất cả ba khả năng đó, theo ông, sẽ phát triển trong một thế giới mà hiện thực chính trị chủ yếu là sự trỗi dậy của những nền văn minh không phải châu Âu. Tượng trưng cho điều đó là sự phồn vinh kinh tế của Nhật Bản, tuy nước này có thể không phải là điểm trung tâm vì đó là một quá trình đa dạng và đa trung tâm.
Vấn đề trung tâm của thế kỷ XXI, theo I. Wallerstein, không phải là sự “sụp đổ” của phương Tây, mà thế giới - hệ thống hiện có chuyển thành một hình thức khác (hay nhiều hình thức khác) của hệ thống lịch sử. Các quá trình chuyển tiếp này không có nghĩa là sự phát triển của hệ thống lịch sử cũ kết thúc, mà được đẩy mạnh tới mức gây ra khủng hoảng cấu trúc. Các nhà tư bản sẽ không còn là nhà tư bản nữa, các nhà quản lý cũng vậy. Trong 75 năm tới đây, sẽ tăng thêm các quá trình hàng hóa hóa, liên kết, sản xuất, hiệu suất và những cách tân kỹ thuật. Sự kết thúc của hệ thống lịch sử cũ sẽ là sự tự thực hiện đầy đủ của nó hơn là sự sụp đổ.
3. Cách nhìn của Robert Bonnaud
Ông là một nhà sử học Pháp, gần đây nổi bật lên với những tác phẩm phân tích về những bước ngoặt lịch sử thế giới. Nếu như I. Wallerstein nói tới một thế giới - hệ thống của những thế kỷ gần đây, đặc biệt là trong 200 năm từ 1789 đến 1989, thì R. Bonaud quan niệm thế giới như một hệ thống đã có từ thời cổ xưa, vì đối với ông, loài người bao giờ cũng có một lịch sử chung, một “lịch sử toàn thế giới”, với những bước ngoặt lịch sử của các vùng khác nhau trùng hợp nhau đến mức đáng kinh ngạc. Về mặt triết học, ông dựa vào quan niệm về “trí quyển” (noosphere) do Vernadsky, Le Roy và Teilhard de Chardin đưa ra, coi sự tiến hóa lịch sử như một sự thăng tiến của tinh thần con người. (Xin nói rằng R. Bonnaud vốn là một đảng viên cộng sản Pháp, từng theo học thuyết duy vật lịch sử nhưng sau đó đã từ bỏ nó). Vì sự thăng tiến của tinh thần (l’ascention de l’espirit) là cực kỳ không đều, nên trong lịch sử loài người thường có những dao động khác nhau, trong đó ông chú ý tới những dao động trung bình, thể hiện thành những bước ngoặt trùng hợp nhau trong lịch sử của các vùng khác nhau trên thế giới. Điều đó thấy rõ cả ở thời cổ đại và thời trung đại, cũng như ở thời hiện đại. Không đi sâu vào tất cả các bước ngoặt ấy, ở đây chỉ nêu một vài ví dụ để hiểu quan niệm của R. Bonnaud:
* Năm 220 trước công nguyên, những hành động thống nhất lãnh thổ rộng lớn của Hannibal ở vùng Địa Trung Hải và của Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc;
* Đó cũng là thời gian xảy ra những cuộc “xâm chiếm thần bí” ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ để suốt một nghìn bảy trăm năm sau đó loài người đạt tới đỉnh cao tôn giáo của mình,
* Thời hiện đại, một bước ngoặt lớn xảy ra năm 1917-1918, sau đó là bước ngoặt năm 1967-1968, rồi năm 1987-1989.
Sát với đề tài của chúng ta hơn là những nhận định của R. Bonnaud về tình hình thế giới hiện nay. Ông cho rằng thế giới những năm 70 của thế kỷ này đã “bước vào một thời đại mà mọi thứ đều thất bại. Chủ nghĩa cộng sản thất bại, chủ nghĩa xã hội dân chủ thất bại, chủ nghĩa tư bản không sáng sủa gì, chưa nói tới “thế giới thứ ba”. “Rõ ràng đó là một thời đại mà kỹ thuật thắng chính trị - về một số mặt, kỹ thuật thật rực rỡ: hãy nghĩ tới cách mạng ngừa thai, cách mạng xanh, cách mạng tin học, hạt nhân...” (R. Bonnaud. “Liệu có thể có một lịch sử toàn thế giới không?”, tạp chí Le débat, Paris, số 75, tháng 5 - tháng 8.1993, tr.169). Trong khi kỹ thuật có những bước tiến rực rỡ như vậy, thì về chính trị lại có những thất bại lớn. Đó là thời kỳ chấm dứt sự bành trướng, thời kỳ đình đốn ở Liên Xô trở nên trầm trọng hơn, thời kỳ hoành hành của Khơme đỏ, thời kỳ không tiến hóa của thế giới thứ ba...
R. Bonnaud tiên đoán sắp xảy ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới nữa, có thể sánh với bước ngoặt 1967-1968. Bước ngoặt mới này sẽ xảy ra vào những năm 1997-1998. Từ bước ngoặt trước đến bước ngoặt này, là một thời kỳ kéo dài ba mươi năm (xấp xỉ với những thời kỳ trước đây theo cách tính chu kỳ của ông). Ông nói: “Vào năm 1997, phần lớn những nét trội hiện nay, phần lớn những phương hướng mà loài người đi theo vào cuối những năm sáu mươi, sẽ phải thay đổi một cách khá rõ, khá triệt để. Điều đó có thể xảy ra hơn cả vào cuối thế kỷ này và chúng ta sẽ thấy một làn sóng mới của “những cuộc cách mạng chống tư bản” (như trên, tr. 174).
R. Bonnaud dựa vào những căn cứ nào để tiên đoán như vậy? Theo ông, từ sau năm 1968, chúng ta sống qua những năm thuận lợi tự do hơn là cho bình đẳng. Đó là những năm đối địch với các xã hội trật tự, và nạn nhân của thời kỳ đó là tất cả những thể chế chặt chẽ như Giáo hội Gia tô giáo, các đảng cộng sản, giáo dục đại học... Sau thời kỳ những cuộc cách mạng tự do và đôi khi dân chủ từ sau 1968, như hiện vẫn đang diễn ra, sẽ tới một thời kỳ mà nét trội là bình đẳng, và một khát vọng bình đẳng có tính chất vật chất hơn là tính chất chức năng sẽ chiếm ưu thế - do đó mà có xu hướng chống chủ nghĩa tư bản. Một bước ngoặt khác, có tính chất văn hóa, cũng đi kèm theo: khoa học sẽ lại tiến lên, nhưng thói vô sỉ, thậm chí vô luân, cũng tăng lên. Các cuộc cách mạng chống tư bản này không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nhà nước lại giành ưu thế. Xu hướng chống chủ nghĩa tư bản này sẽ có một màu sắc độc đáo.
4. Cách nhìn của Naisbitt và Patricia Aburdene
Đây là hai tác giả của những dự báo về thế giới không phải thuộc một tương lai xa xăm nào đó mà là một tương lai trước mắt. Vì thế, những dự báo này thường xuất phát từ những dữ kiện đã có, hiện có để phác vẽ lên những xu hướng có thể kiểm tra được. Đã có một số dự báo của họ được đời sống kiểm nghiệm.
Năm 1982, họ viết cuốn Những xu hướng vĩ mô (Megatrends) nhằm mô tả những xu hướng đem lại hình thù cho những năm 80; từ công nghệ dùng sức lực chuyển sang công nghệ có kỹ thuật cao; từ kinh tế quốc gia chuyển sang kinh tế thế giới; từ ngắn hạn chuyển sang dài hạn; từ tập trung hóa chuyển sang phi tập trung hóa; từ dân chủ đại diện chuyển sang dân chủ tham gia; từ hệ thống thứ bậc chuyển sang hệ thống mạng lưới; từ Bắc chuyển sang Nam; từ dựa vào thể chế chuyển sang đựa vào chính mình; từ “hoặc là… hoặc là…” chuyển sang “nhiều ý kiến”. Những xu hướng nói trên đã được thể hiện ở những mức độ khác nhau ngay trong thập kỷ 80 và hiện nay, và rõ ràng quan niệm của hai tác giả người Mỹ này là xu hướng vĩ mô có cơ sở.
Năm 1990, họ lại viết Mười phương hướng mới của những năm 90. Những xu hướng vĩ mô năm 2000, tiếp tục nêu lên những xu hướng mới trước đó chưa nói tới, và không chỉ cho thập kỷ 90 mà xa hơn nữa; bùng nổ kinh tế toàn cầu những năm 90; sự phục hưng của các nghệ thuật; sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội thị trường tự do; các lối sống toàn cầu và chủ nghĩa dân tộc văn hóa; tư nhân hóa Nhà nước phúc lợi; sự ra đời của Vòng cung Thái Bình Dương; phụ nữ nắm quyền lãnh đạo; sự phục hồi của các tôn giáo; chiến thắng của cái cá nhân.
Thời gian chưa đủ để kết luận những xu hướng ấy đúng hay sai, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy những yếu tố khá hợp lý cũng như những ý kiến chưa thật phù hợp với thực tế trong những dự báo của họ. Âm hưởng chủ đạo của những dự báo ấy, như chính các tác giả thừa nhận, là “lạc quan”. Không phải họ không biết tới những vấn đề gay go mà thế giới đang phải đương đầu (tội ác, ma túy, bệnh SIDA, môi trường bị tàn phá, nạn nghèo khổ...) nhưng họ cho rằng “sứ mệnh” của mình là “nhấn mạnh” tới những thông tin và hoàn cảnh tạo nên những xu hướng đưa thế giới tới những khả năng tốt đẹp.
Ở hai tác giả này, người ta không tìm thấy những luận giải tỉ mỉ về cơ sở phương pháp luận. Nhưng đọc kỹ sách của họ, cũng có thể thấy phần nào điều đó: họ xuất phát từ những sự kiện đã có và đang có để suy đoán những xu hướng có thể có. Như họ nói: “Các sự kiện không đến từ chân không, mà là xuất hiện trên những bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế” và nhiệm vụ của họ là “mô tả những bối cảnh ấy” để tìm ra các xu hướng của thế giới.
Hai tác giả này không giới hạn những dự báo vào một (hay một vài) lĩnh vực cụ thể nào. Qua những điều họ trình bày, người ta thấy họ muốn ôm tất cả các lĩnh vực đời sống của con người. Và đối với họ, cái quyết định không phải chỉ là công nghệ (như trường hợp Alvin Tofler sẽ nói tới), mà là con người: “những đột phá khích lệ nhất của thế kỷ XXI sắp tới không phải là do công nghệ, mà là do một quan niệm rộng lớn về con người”, họ viết như vậy.
Trước hết, trong lĩnh vực đời sống kinh tế, J. Naisbitt và P. Aburdene dựa vào những bước phát triển tốt lên của kinh tế thế giới, cũng như vào những công nghệ mới xuất hiện, để khẳng định kinh tế thế giới bước vào thời kỳ phồn vinh mới (“bùng nổ kinh tế”). Khác với những nhận định về những tranh chấp và xung đột giữa ba trung tâm kinh tế thế giới (Mỹ, Nhật và Tây Âu) sẽ ngày càng gia tăng, hai tác giả này nói tới một sự liên kết của ba trung tâm như một “tam giác vàng của tự do buôn bán”. Theo họ, rồi đây trong đời sống kinh tế của các quốc gia, những cân nhắc kinh tế sẽ vượt lên những cân nhắc chính trị với hệ quả gần như chắc chắn là đi tới buôn bán tự do trên toàn thế giới. Trong nền kinh tế thế giới ấy, Mỹ sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái và “không có nước nào có vị trí tốt hơn nước Mỹ”. Nhật Bản giữ một vị trí rất trọng yếu và là một trong những trung tâm chủ yếu của kinh tế thế giới. Mỹ, Nhật sẽ cùng với một số nước Đông Á (Trung Quốc và bốn con hổ: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Hong Kong) sẽ tạo thành một “Vòng cung Thái Bình Dương” hiện đang trải qua một thời kỳ bành trướng nhanh nhất trong lịch sử và trong tương lai sẽ là trung tâm buôn bán lớn nhất thế giới, một tồn tại toàn cầu hùng mạnh. Nhưng theo hai tác giả này, sự trỗi dậy của Vòng cung Thái Bình Dương không có nghĩa là sự suy thoái của phương Tây nói chung, của châu Âu nói riêng. Vì sự phát triển kinh tế của Vòng cung Thái Bình Dương tạo ra những thị trường mới cho sản phẩm và dịch vụ phương Tây. Hai tác giả này còn nhấn mạnh thêm: trong sự bùng nổ kinh tế mới này, các nước nghèo cũng có nhiều khả năng để vượt qua tình trạng nghèo khổ và lạc hậu của mình, hòa nhập có hiệu quả vào kinh tế thế giới. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới (NICs) ở châu Á cho thấy: một nước nghèo vẫn có thể phát triển được dù không có những nguồn lực dồi dào, miễn là đầu tư đầy đủ vào những nguồn lực con người.
J. Naisbitt và P. Aburdene rất chú trọng tới các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô. Thực tế cho thấy những dự báo của họ đã bị vượt qua, vì trừ một số nước (Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên), vấn đề không còn là trải qua “một giai đoạn thí nghiệm đặc biệt để cứu chủ nghĩa xã hội” trong thập kỷ 90 nữa. Nhưng những ý kiến của họ là có cơ sở khi nói rằng: “Chủ nghĩa xã hội, một thời được coi là có thể giành được thế giới, ngày nay đang giáp mặt với một thách đố: thay đổi hoặc diệt vong”. Những cải cách diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, theo hai tác giả này, đều theo hướng đi tới kinh tế thị trường tự do. ở đó, đang diễn ra một sự chuyển đổi về sở hữu tư liệu sản xuất bằng cách tư nhân hóa. Họ đưa ra khái niệm “chủ nghĩa xã hội thị trường tự do”, mà về thực chất không còn là chủ nghĩa xã hội nữa. Nhưng, cũng theo họ, “huyền thoại” và “câu chuyện mơ mộng” về chủ nghĩa xã hội cổ điển vẫn còn sống rất lâu ở một số người sau khi chủ nghĩa xã hội tự biến đổi.
Đi đôi với những biến đổi về đời sống kinh tế, thập kỷ 90 và sau đó sẽ chứng kiến những biến đổi không kém phần to lớn cả về đời sống tinh thần con người. Phần lớn loài người được tự do hơn để suy nghĩ và khám phá con người mang ý nghĩa gì. Xã hội thông tin dồi dào sẽ tạo cơ sở cho sự phục hưng của các nghệ thuật. Những lối sống toàn cầu đang thu hút mọi người trên thế giới, nhất là thanh niên. Nhưng, dù cho lối sống của mọi người ngày càng giống nhau, vẫn có những dấu hiệu rõ ràng của một xu hướng ngược lại, mạnh mẽ không kém: khẳng định bản sắc độc đáo về văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ được cá tính trong cộng đồng. Loài người càng cảm thấy mình là những người cùng ở trên một hành tinh duy nhất, thì nhu cầu của mỗi nền văn hóa được giữ gìn như một di sản độc đáo lại càng mạnh. Gắn liền với quá trình đó là một quá trình phục hồi tôn giáo. Con người đang cự tuyệt niềm tin mù quáng vào khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ không nói cho con người biết ý nghĩa cuộc sống là gì. Con người phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình trong văn học, nghệ thuật và cả trong những tín ngưỡng tôn giáo. Những vấn đề đạo đức đang đặt ra rất gay gắt trước con người. Trong tương lai sẽ diễn ra cuộc chiến đấu một mất một còn giữa thiện và ác. Loài người không từ bỏ khoa học, nhưng thông qua sự phục hồi tôn giáo để khẳng định lại cái tâm linh của con người.
Trong những thay đổi lớn nhất sẽ diễn ra, J. Naisbitt và P. Aburdene đặc biệt nhấn mạnh “chiến thắng của cá nhân”. Cá nhân con người bị đè bẹp trong thế kỷ XX bây giờ đang trỗi dậy với một sức mạnh mới. Cá nhân tự thay đổi bản thân mình trước khi đạt tới sự thay đổi xã hội. Trách nhiệm của cá nhân được đề cao. Đây không phải là “mỗi người vì bản thân mình” theo kiểu chủ nghĩa cá nhân, mà là nâng cá nhân lên trình độ toàn cầu: mỗi người đều chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường, về ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, về loại bỏ sự nghèo khổ. Khi mỗi người thỏa mãn được nhu cầu thành đạt chân chính của mình - trong khoa học, nghệ thuật hay kinh doanh - thì xã hội cũng được lợi.
Hai tác giả tỏ ý tin chắc vào khả năng thực hiện của những xu hướng mới, bất chấp những trở ngại còn phải khắc phục (từ sự nghèo khổ của Thế giới thứ ba đến sự tàn phá môi trường...). Thời gian trước mắt, đặc biệt là thập kỷ 90, theo họ, sẽ chứa đầy nhiều thách đố nhất, nhưng cũng là khích lệ nhất của lịch sử văn minh.
5. Cách nhìn của Alvin Toffler
Với bộ ba Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba và Chuyển đổi quyền lực, A. Toffler nổi lên như một nhà dự báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới trong mấy thập kỷ qua. Ông không trực tiếp phân tích tình hình thế giới như vốn có, mà chủ yếu là nêu lên những xu hướng phát triển của văn minh loài người. Như chính lời ông nói, những cuốn sách của ông “dựa vào giả thuyết cho rằng những thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện thời không phải là hỗn loạn và ngẫu nhiên như người ta tưởng”, mà là một quá trình biến đổi từ văn minh này sang văn minh khác của loài người. Chỉ trong một thời gian dài bằng một đời người (bắt đầu từ giữa những năm 50 và kết thúc vào khoảng năm 2025, tức là sau 75 năm), “văn minh nhà máy” (công nghiệp) từng thống trị thế giới trong nhiều thế kỷ sẽ bị thay thế bằng một văn minh mới, khác về căn bản. Thời điểm chúng ta đang sống - thập kỷ 90 - trong cách nhìn ấy chính là một trong những thời điểm “bản lề” lớn nhất của lịch sử loài người. Cũng phải nói rõ rằng, A. Toffler không phải là người đầu tiên nói tới những thay đổi về văn minh loài người. Trước đó, đã có một vài nhà nghiên cứu nổi tiếng bàn tới những thay đổi đó. D. Bell, chẳng hạn, đã nêu lên khái niệm “xã hội hậu công nghiệp” từ giữa những năm 60. Nhưng với A. Toffler, mọi cái trở thành có hệ thống hơn, có sức thuyết phục hơn do ông có cái nhìn bao quát hơn, cụ thể hơn và cũng sâu hơn.
Cú sốc tương lai (1970) mô tả những biến đổi gia tốc của lịch sử trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới, những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến mức gây “choáng” (tên cuốn sách nói lên điều này) cho con người. Dù có coi những biến đổi ấy là tốt hay xấu, thì chúng vẫn đi theo định hướng vốn có và đưa lại những hậu quả độc lập với ý muốn mọi người.
Làn sóng thứ ba (1980) mô tả kỹ càng những cuộc cách mạng công nghệ và xã hội mới nhất, đặt chúng vào một cách nhìn lịch sử và phác vẽ những đường nét tương lai mà chúng có thể mang lại. Cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra cách đây khong mười nghìn năm, theo ông, mở ra “làn sóng thứ nhất” của những biến đổi căn bản trong lịch sử. Cuộc cách mạng công nghiệp cách đây vài trăm năm mở ra “làn sóng thứ hai”. Và bây giờ, từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX đã bắt đầu “làn sóng thứ ba” trong sự tiến hóa của loài người, nền văn minh hậu công nghiệp xuất hiện. Những hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực từ nay dựa vào máy điện toán, điện tử học nói chung, vào những kỹ thuật thông tin, vào công nghệ sinh học, v.v..., tức là “những vị trí thống trị mới” trong kinh tế. Các quan hệ của con người và xã hội thay đổi một cách căn bản. Các quan hệ giữa các quốc gia cũng vậy.
Chuyển đổi quyền lực vừa lấy lại những vấn đề được nêu lên trong hai tập đầu, vừa đặc biệt phân tích những thay đổi quyết định đang hiện lên trong mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực, đã đưa ra một lý luận mới về quyền lực xã hội và khám phá những biến đổi đang diễn ra trong thế giới kinh doanh, trong kinh tế, chính trị và các quan hệ quốc tế.
A. Tofler nói rõ rằng không phải mọi cái đều có thể hiểu một cách chính xác. Cuộc sống đầy rẫy những sự bất ngờ “siêu thực” và người nghiên cứu phải tiến hành khám phá một mảnh đất chưa ai biết (terrae incognitae). Sự thận trọng không ngăn cản ông đi tới những nhận định khái quát mang tính xu hướng, thậm chí mang tính qui luật. Bởi vì theo ông, tầng sâu nhất làm nền tảng cho mọi biến đổi của văn minh loài người là kỹ thuật và công nghệ sản xuất (về mặt này, ông tự nhận là đã chịu ảnh hưởng lớn của Marx).
Vì “bộ ba” của A. Tofler đã được giới thiệu khá rộng rãi trên sách báo nước ta, nên ở đây chỉ xin nhấn mạnh những ý kiến của ông có liên quan trực tiếp với đề tài đang bàn, đặc biệt là những ý kiến do ông đưa ra trong tập Chuyển đổi quyền lực (1990).
Quan sát những biến đổi về quyền lực, nhất là ở các nước phát triển, ông rút ra một nhận xét: từ chỗ lấy sức mạnh rồi tiền bạc làm cơ sở, quyền lực xã hội đang chuyển sang lấy tri thức làm cơ sở. Tri thức không loại bỏ sức mạnh và tiền bạc, nhưng hiện nay nó “không chỉ là nguồn gốc của quyền lực có chất lượng cao nhất, mà còn là nhân tố quan trọng nhất của sức mạnh và tiền bạc” (Les nouveaux pouvoirs, tr. 36). Những quá trình đang diễn ra ở các nước phát triển, trước hết là quá trình dân chủ hóa, gắn liền với sự lên ngôi của tri thức với tư cách nền tảng của quyền lực mới. Nếu sức mạnh và tiền bạc là đặc quyền của những kẻ mạnh và những kẻ giàu, thì tri thức có một thuộc tính cách mạng là những kẻ yếu nhất và nghèo nhất cũng có thể chiếm lĩnh nó. Vì thế nó là nguồn gốc dân chủ nhất của quyền lực.
Trong ba thế kỷ vừa qua, vũ đài đấu tranh chính trị ở các nước công nghiệp hóa là sự phân phối của cải: “Ai nhận được cái gì?”. Và do xuất phát từ vấn đề căn bản này mà có sự phân định thành phái hữu hay phái tả, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, ở những nước giàu có nhất, cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày càng trở thành một cuộc đấu tranh để phân phối tri thức và khả năng chiếm lĩnh tri thức. Và cả trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trên quy mô thế giới, cũng vậy, việc chiếm lĩnh tri thức sẽ là yếu tố quyết định.
Tất nhiên, việc tạo ra của cải bao giờ cũng là một mục đích hoạt động của con người. Nhưng khác với trước đây, một hệ thống tạo ra của cải mới đang xuất hiện. Nhân vật chính của thời đại hiện nay, theo ông, không phải là công nhân cổ xanh, cũng không phải là nhà tài chính hay nhà quản lý, mà là nhà cách tân kết hợp được tri thức và năng lực hành động. Nói cách khác, với “làn sóng thứ ba” của văn minh, các nước trước đây được coi là tư bản chủ nghĩa ngày càng không còn là tư bản chủ nghĩa nữa.
Không chỉ đời sống sản xuất và kinh tế ở các nước phương Tây đang biến đổi, mà cả đời sống chính trị cũng vậy. Chế độ dân chủ có tính chất quần chúng (ý nói dân chủ dựa vào đa số theo chế độ đại nghị) mà các nước công nghiệp đã trải qua, chế độ dân chủ đó cũng đang kết thúc. Trong con mắt ông, thật là một điều mỉa mai của lịch sử, khi hàng triệu người say sưa khao khát đi tới tự do, đi tới những chế độ dân chủ cũ kỹ của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, thì những chế độ này đang đi tới chỗ khủng hoảng nội tại sâu sắc, kỷ nguyên của chế độ dân chủ có tính chất quần chúng đang chấm dứt, nhường chỗ cho một chế độ “dân chủ theo kiểu tranh ghép mảnh” của những “thiểu số then chốt”. “Thời đại của các hệ tư tưởng không chấm dứt như người ta tưởng, mà nhường chỗ cho sự nở rộ của nhiều hệ tư tưởng mới, mỗi hệ tư tưởng sẽ có nhiều tín đồ mang theo một niềm tin riêng và không khoan nhượng của họ.
A. Toffler lý giải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cũng theo cách nhìn chuyển đổi văn minh ấy. Theo ông, sự sụp đổ đó không phải là ngẫu nhiên. Chủ nghĩa xã hội bước vào sự xung đột với tương lai. Nó sụp đổ không phải do những âm mưu của CIA, do sự bao vây của chủ nghĩa tư bản hay sự bóp nghẹt kinh tế từ bên ngoài. Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội có gốc rễ sâu hơn. Năm 1956, khi lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrusôv mơ ước “chôn vùi phương Tây”, thì điều mỉa mai của lịch sử là cũng năm ấy, ở Mỹ, con số công nhân “cổ xanh” lần đầu tiên bị con số những người lao động trí óc và dịch vụ vượt lên. Khi các nhà kinh tế học mác-xít còn coi trí thức là “phi sản xuất” thì chính những người lao động “phi sản xuất” ấy đang đem lại một sự thúc đẩy kỳ diệu cho các nền kinh tế phương Tây. Chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn dựa vào tin học, trong khi chủ nghĩa xã hội vẫn còn là “chủ nghĩa xã hội nhà máy”. A. Toffler nói: “Đối diện với sự bành trướng của một cuộc cách mạng thật sự ở các nước có công nghệ tiên tiến, các nước xã hội chủ nghĩa đã biến thành một khối rất phản động, do những ông già thấm đậm hệ tư tưởng của thế kỷ XIX lãnh đạo” (Les nouveaux pouvoirs, tr. 476). A. Toffler chứng minh sự thất bại của chủ nghĩa xã hội bằng chính lý luận của Marx. Ông nhắc lại định nghĩa cổ điển về tình thế cách mạng, khi “quan hệ sản xuất” hạn chế sự phát triển của “tư liệu sản xuất” (nói chung, của công nghệ). Chính các quan hệ sản xuất kiểu xã hội chủ nghĩa này đã ngăn cản các nước gọi là xã hội chủ nghĩa lợi dụng hệ thống tạo ra của cải dựa vào tin học, truyền thông, và nhất là sự tự do có thông tin. Vào thời đại điều khiển học, các nước xã hội chủ nghĩa được điều hành theo lối “chủ nghĩa duy vật cơ học”.
A. Toffler nêu bật sự thách đố của hệ thống mới tạo ra của cải trong “Làn sóng thứ ba” đối với ba cột trụ của niềm tin xã hội chủ nghĩa: sở hữu, kế hoạch hóa tập trung và sự nhấn mạnh quá mức vào những thiết bị máy móc.
Khi chế độ sở hữu tư nhân bị xóa bỏ và chế độ sở hữu Nhà nước được thiết lập, thì tất cả đều bị nhà nước hóa, và khắp nơi, người hưởng lợi từ cách mạng xã hội chủ nghĩa là Nhà nước mà không phải là công nhân hay người lao động. Xí nghiệp nhà nước trở thành những con quái vật của tình trạng vô hiệu năng, tham nhũng và thói hám lợi. Đáng lẽ là phải đi đầu tiến bộ công nghệ thì chúng lại biến thành phản động. Và bây giờ, ngay cả vấn đề sở hữu cũng đã được đặt ra theo một lối khác. Trong nhiều thế kỷ, những người xã hội chủ nghĩa và những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản đối chọi nhau quyết liệt về vấn đề sở hữu: tư nhân hay công cộng. Điều mà cả hai phía không hình dung được là một hệ thống tạo ra của cải mới đã làm cho những luận cứ của họ trở thành lỗi thời. Hình thức sở hữu quan trọng nhất hiện nay là không thể sờ thấy được. Nó là tri thức, tức là cái siêu tượng trưng (supersymbolique). “Cùng một tri thức ấy có thể được nhiều cá nhân đồng thời sử dụng để tạo ra của cải và sản xuất ra nhiều tri thức hơn. Và, ngược lại với các nhà máy và cánh đồng, tri thức là vô tận. Các chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như những người xã hội chủ nghĩa nói chung, không thể tiếp nhận hiện tượng thật sự cách mạng ấy được” (như trên, tr. 481).
Đối với hai “cột trụ” khác của niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, cuộc sống cũng đã vượt qua. A. Toffler kết luận: “Ngày nay, cuộc cách mạng quan trọng nhất diễn ra trên hành tinh là sự phát triển của một nền văn minh Làn sóng thứ ba, mang theo một hệ thống tạo ra của cải mới về căn bản. Mọi phong trào chưa hiểu ra được điều đó sẽ lại bị thất bại. Mọi Nhà nước cầm tù tri thức đều giam giữ những công dân của nó vào một quá khứ ác mộng” (như trên, tr.485).
A. Toffler không bàn riêng về “Thế giới thứ ba”, nhưng ông gián tiếp đụng tới nó khi bàn về “những nước nhanh và những nước chậm”. Theo ông, sự phân chia thế giới đang đổi khác về căn bản. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới phân chia thành tư bản chủ nghĩa và cộng sản, và thành Bắc và Nam. Còn ngày nay, những sự phân chia cũ ấy đang dần dần mất ý nghĩa, một sự phân chia mới đang xuất hiện: từ nay thế giới phân chia thành những nước nhanh nhất và những nước chậm nhất. Trong những nền kinh tế nhanh, công nghệ đẩy nhanh sản xuất, và điều đó trước hết là do tốc độ nhanh chóng của thông tin và tri thức lưu thông trong hệ thống kinh tế. Những nền kinh tế nhanh đẻ ra của cải nhanh hơn những nền kinh tế chậm. Trong khi đó, các quá trình kinh tế ở các xã hội nông dân dường như ngưng đọng. Vì thế, để vượt qua tình trạng lạc hậu, các nước chậm phải đặc biệt chú trọng nhân tố thời gian. Mỗi đơn vị thời gian giành được có giá trị hơn mỗi đơn vị thời gian trước đó. Bản thân thời gian đã trở thành một nhân tố sản xuất ngày càng có ý nghĩa quyết định. Và ở đây, tri thức được dùng để rút ngắn những khoảng cách thời gian. Theo ông, những lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, về nguồn nhân lực rẻ tiền sẽ ngày càng mất tác dụng. Ông bàn tới những chiến lược phát triển của các nước nghèo (chậm), trong đó vấn đề nông nghiệp được đặc biệt chú trọng. Theo ông, nông nghiệp không nhất thiết là một khu vực “lạc hậu” của nền kinh tế, mà là một khu vực sẽ tham gia nhiều hơn vào tiến bộ, dựa vào tin học, di truyền sinh học và những công nghệ mới. Một nền nông nghiệp dựa vào tri thức sẽ có thể trở thành mũi nhọn kinh tế. Nhưng muốn thế, các nước chậm phải tham gia nền kinh tế thế giới với nhịp độ nhanh chóng, nhất là tham gia những hệ thống vô tuyến viễn thông và tin học hóa. Các nước chậm ngày nay có khả năng vượt qua một giai đoạn phát triển để nhảy vọt từ truyền thông của Làn sóng thứ nhất sang truyền thông của Làn sóng thứ ba. Chìa khóa mới của sự phát triển kinh tế là rõ ràng: “hố ngăn cách” phải được san lấp bằng tin học và điện tử học. Đây không phải là hố ngăn cách giữa Bắc và Nam, mà là sự lệch pha giữa các nước nhanh và các nước chậm.
A. Toffler không chỉ bàn về kinh tế và kỹ thuật. Ông còn với tới những lĩnh vực chính trị và tinh thần (như tôn giáo). Ông cũng không chỉ nhìn thấy những triển vọng tốt đẹp của thế giới trong Làn sóng thứ ba, mà còn tính đến những yếu tố ngẫu nhiên và rủi ro trong sự phát triển của loài người. Những bức tranh thế giới trong tương lai gần do ông vẽ ra nói chung mang âm hưởng lạc quan. Ông không đưa ra những hứa hẹn không tưởng. Theo lời ông, việc sử dụng bạo lực vẫn chưa mất. Sự kiểm soát của cải nằm trong tay tư nhân và quan chức vẫn còn đem lại cho họ một quyền năng vô tận. Đồng tiền vẫn là một công cụ ghê gớm của quyền lực. Nhưng bất chấp những điều đó, ông vẫn cho rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc đảo lộn quan trọng nhất trong lịch sử quyền lực. Tri thức, nguồn quyền lực tốt nhất, đang giành lấy quyền lực của nó, từng giây một.
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.
No comments:
Post a Comment