Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 19 * THẾ GIỚI 3

Nguyễn Kiến Giang
Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay
1 2 3 4

Phần hai: Phác thảo bức tranh thế giới hôm nay

1. Đi tới một cách nhìn phức hợp

Muốn hay không, để phác thảo một bức tranh thế giới hôm nay (dù chỉ là phác thảo), cũng phải có một cách nhìn. Trong phần một, chúng tôi đã giới thiệu một số cách nhìn khác nhau trên sách báo thế giới. Và trong bài “Thử dò tìm một cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại” (1992), chúng tôi cũng đã trình bày cách nhìn của mình, ít ra là về đại thể. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh tính phức hợp của cách nhìn đó. Vì như chúng ta thấy, đối với một thế giới chuyển động hết sức hỗn tạp hiện nay, trong đó nhiều quá trình và hiện tượng đan xen nhau, thâm nhập nhau, không thể có một cách nhìn giản đơn, chỉ dựa vào một tiêu chí nào đó. Mỗi cách nhìn như đã giới thiệu trong phần một chỉ phản ánh một bình diện, một kích thước nào đó của sự phát triển thế giới. Tính phức hợp là cái bảo đảm tốt nhất để có một cách nhìn gần đúng với sự vật.

Nhưng cái khó không phải ở chỗ liệt kê những cách nhìn khác nhau đó. Cái khó là phải đưa ra một tập hợp có tính hệ thống của những cách nhìn khác nhau. Mà trong mọi hệ thống, điều quan trọng nhất là xác lập vị trí của các yếu tố của nó cũng như xác lập mối quan hệ giữa các yếu tố ấy.

Theo chúng tôi, trong khi lấy sự chuyển biến của các giai đoạn văn minh của loài người làm chỗ dựa cơ bản, cần thấy thật rõ những quan hệ hữu cơ của nó với những quá trình và hiện tượng khác như hình thái xã hội - giai cấp, văn hóa - tôn giáo, v.v...

Trong cách nhìn phức hợp này, không thể lấy “những quy luật khách quan và tất yếu” nào đó, như những yếu tố có tính chất định mệnh, để lý giải những chuyển động của thế giới hôm nay. Bởi vì, ngay cả những “quy luật khách quan và tất yếu”, như đã thấy, cũng thường xuyên nằm trong quá trình nhận thức đi, nhận thức lại để đi tới chỗ làm các cho chúng phản ánh hiện thực ngày càng gần đúng hơn. Thậm chí, có khi phải từ bỏ một số “quy luật” trước đây tưởng là “khách quan và tất yếu”.


Nhưng không phải vì thế mà lại rơi vào thuyết bất định tuyệt đối, về thực chất là thuyết bất khả tri. Đúng là không thể phán đoán về sự phát triển của loài người trong một thời hạn dài, một hay vài thế kỷ chẳng hạn, vì rất nhiều yếu tố không thể nào đoán trước được, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ sáng tạo. Nhưng có thể căn cứ vào một số yếu tố xuất hiện hôm nay để phán đoán phần nào các căn cứ về ngày mai. Mác tỏ ra đúng khi nói rằng con người làm ra lịch sử của mình trong khi bị quy định bởi những điều kiện lịch sử hiện có. Không như thế thì mọi phán đoán, dự báo đều vô ích, mà con người, tiếc thay, hay may thay, bao giờ cũng hành động theo những phán đoán và dự báo của mình. Ít ra là trong những khoảng thời gian có thể nhìn thấy.

Thời gian sẽ kiểm nghiệm những phán đoán và dự báo ấy là đúng hay sai. Nhiều dự báo tỏ ra hoàn toàn sai, nhưng cũng có những dự báo tỏ ra là đúng, về cơ bản. Định hướng phát triển thường noi theo những dự báo nhất định, nhưng để cho việc định hướng không bị cứng nhắc, thì không được tự trói tay vào những dự báo được tuyệt đối hóa. Kinh nghiệm của gần một thế kỷ qua cho thấy các quá trình hiện thực diễn ra trên hành tinh chúng ta bao gồm cả những yếu tố có thể nhìn thấy trước lẫn những yếu tố bất ngờ.

Ai đoán trước được sự sụp đổ của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đã diễn ra nhanh chóng đến thế ở một loạt nước Đông Âu và ở Liên Xô? Hầu như không có ai, kể cả những người theo chủ nghĩa chống cộng cuồng nhiệt nhất. Ai đoán trước được sự thất bại quá nhanh của Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh cách đây gần ba năm, và bây giờ đến lượt nước Mỹ khổng lồ, siêu cường duy nhất trên thế giới hiện nay, lại phải chịu bó tay trước những đám quân tí hon của người Somali? Cũng không có ai cả.

Thập kỷ 90 mở đầu với nhiều bất ngờ. Chắc chắn nó còn chứng kiến nhiều bất ngờ nữa. Vậy thì, bức tranh thế giới hôm nay mà chúng tôi phác thảo cho thập kỷ này, như dưới đây, chắc chắn cũng bao hàm những điểm có thể không được thời gian kiểm nghiệm. May ra, chỉ có thể đúng phần nào về một vài xu hướng phát triển.


2. Mấy xu hướng phát triển của thế giới hôm nay

2.1. Có thể nói tới những xu hướng phát triển của thế giới hôm nay không? Đọc một số sách báo, thấy có một điểm chung: hầu như tất cả các tác giả đều nói tới những xu hướng đó, với những phạm vi rộng hay hẹp, với sự phóng chiếu vào tương lai ngắn hơn hay dài hơn, với sự tin chắc mạnh hơn hay yếu hơn. Và ngay cả những người coi sự phát triển của thế giới là bất định thì chính sự bất định ấy cũng được họ trình bày như một xu hướng.

Một số xu hướng đã và đang hình thành rõ nét. Chẳng hạn, không ai phủ nhận được xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa đời sống của các dân tộc, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và thị trường.

Một số xu hướng cũng đang và sẽ hình thành như những phản ứng không tránh khỏi đối với những xu hướng trên. Chẳng hạn, xu hướng khẳng định dân tộc (dân tộc hóa) xuất hiện ngày càng mạnh mẽ để phản ứng lại xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa.

Một số xu hướng có thể nảy sinh - và trên thực tế đã nảy sinh - dưới những hình thức khó nhận biết, như sự phá sản của chủ nghĩa duy lý cực đoan và sự quay lại khám phá đời sống tâm linh của con người, vân vân…

Như vậy, ít ra cho một tương lai gần, có thể nói tới những xu hướng phát triển của thế giới. Nhưng điều cần thiết là hiểu xu hướng như thế nào. Trước hết, đó không phải là những “quy luật thép” theo kiểu những định luật vật lý, chẳng hạn (mà ngay những định luật này, khi đụng tới những đối tượng hỗn loạn, cũng không còn giữ nguyên trạng thái thuần túy nữa) [1] .


Trong Tư bản, Mác có nói rằng xu hướng là sự thể hiện của quy luật, nhưng không thuần túy, vì các quy luật xã hội tác động thông qua ý chí và hành vi của con người, khiến cho sự tác động ấy bị biến đổi đi phần nào. Ngày nay, có thể đi xa hơn để nói rằng xu hướng có khi không mang tính quy luật, vì quy luật - dù là quy luật xã hội - thường tác động một cách khách quan và tất yếu trong một phạm vi không gian và thời gian khá phổ biến, còn xu hướng có thể nảy sinh và tác động trong một phạm vi hẹp hơn và có thể dựa vào sự tiếp nhận chủ quan của con người hơn là vào tính tất yếu khách quan của nó.

2.2. Các xu hướng không tồn tại tự thân. Mỗi xu hướng đều bắt nguồn từ mảnh đất hiện thực của nó (hiện thực ở đây không chỉ là hiện thực của một mặt đời sống nào đó của con người và xã hội, mà là hiện thực của những mặt đời sống khác nhau, trong đó có cả hiện thực của đời sống tinh thần). Theo cách hiểu đó, muốn nắm bắt những xu hướng của thế giới hôm nay, trước hết phải xem xét những quá trình hiện thực.

Thế giới đang trải qua những quá trình hiện thực nào? Những quá trình hiện thực của thế giới hôm nay phải là những quá trình bao trùm toàn thế giới, hay ít ra là những bộ phận cơ bản của nó, mà không phải là những quá trình diễn ra chỉ trong phạm vi một nước nào đó. Dưới đây là những quá trình hiện thực thế giới chủ yếu:

1. Quá trình chuyển từ giai đoạn văn minh công nghiệp sang giai đoạn văn minh hậu công nghiệp (hay văn minh tin học, hay văn minh trí tuệ, hay văn minh lấy con người làm gốc, theo cách gọi của các tác giả khác nhau, xem bài “Thử dò tìm một cách tiếp cận đối với thế giới hiện đại”). Đây là quá trình bao trùm toàn bộ các nước công nghiệp phát triển cao, chủ yếu thuộc thế giới phương Tây, như vẫn thường gọi.


Nhưng quá trình này không đóng khung ở các nước này. Nó còn tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới các khu vực còn lại, tuy các khu vực này ở vào một trình độ phát triển thấp hơn. Lấy ví dụ: toàn thế giới nằm trong một hệ thống thông tin hết sức chặt chẽ, không trừ một khu vực nào. Một sự kiện quan trọng xảy ra ở bất cứ đâu ngay lập tức được tiếp nhận ở bất cứ đâu, dù là ở những góc trời xa xôi nhất. Sự gia tốc tin học này đang làm cho mọi quá trình thế giới và dân tộc diễn ra theo những nhịp độ gia tốc.

Trạng thái trì trệ ở một nơi nào đó, trong những điều kiện gia tốc tin học hiện nay, không thể kéo dài hàng thế kỷ hay hàng thập kỷ như trước. Và điều đó không chỉ diễn ra trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, mà còn diễn ra ở lĩnh vực tiêu dùng vật chất và văn hóa.

2. Quá trình chuyển từ văn minh tiền công nghiệp sang văn minh công nghiệp ở những nước, những khu vực kinh tế kém phát triển. Trong những điều kiện hiện nay, có thể chuyển từ văn minh tiền công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp trong một hay vài lĩnh vực nào đó (chẳng hạn, vô tuyến viễn thông), nhưng nói chung, văn minh công nghiệp vẫn là một nấc thang bắt buộc phải trải qua để có thể chuyển sang văn minh hậu công nghiệp. Nói theo Diligenski, đó là quá trình chuyển từ “văn minh gốc tự nhiên” sang “văn minh gốc kỹ thuật” để sau đó chuyển sang “văn minh gốc con người”.

Cũng như quá trình trên, quá trình này không đóng khung vào những khu vực kém phát triển. Nó có liên quan mật thiết với sự phát triển của chính các nước phát triển. Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với nhau rằng các khu vực kém phát triển không chỉ là thị trường, chủ yếu là thị trường đầu tư, của các nước phát triển, mà vẫn là một trong những nguồn ổn định của các nước này.


Thử tưởng tượng xem: với một tình trạng nghèo đói và lạc hậu kéo dài của các khu vực kém phát triển, làm thế nào để có thể ngăn chặn những luồng di cư ồ ạt từ đó sang các nước phát triển với tất cả những hậu quả xã hội tệ hại của chúng, chưa nói tới những ảnh hưởng nguy hiểm khác của sự tàn phá môi trường sinh thái, của những nạn dịch bệnh... đối với đời sống của dân cư các nước phát triển. Quá trình chuyển từ văn minh tiền công nghiệp sang văn minh công nghiệp, do đó, không thể là “công việc riêng” của các nước kém phát triển. Ở một mức độ khá lớn, nó liên quan với vận mệnh của loài người nói chung.

Vậy là, trước mắt chúng ta, hai quá trình nói trên đang diễn ra trong những mối liên hệ xoắn xuýt nhau, không tách rời nhau, và cũng có những mặt mâu thuẫn nhau. Bởi vì, trong những lĩnh vực này (như công nghệ và thông tin), hai quá trình này có cùng véc-tơ, tuy ở những điểm xuất phát khác nhau. Nhưng lại có những lĩnh vực khác trong đó hai quá trình này diễn ra theo những véc-tơ ngược nhau.

Chẳng hạn, về tổ chức xã hội, do các nước chuyển sang văn minh công nghiệp phải huy động mọi nguồn lực, trước hết là nguồn lực con người, vì thế phải hạn chế những nhu cầu vật chất và văn hóa của dân cư, cũng như phải có những biện pháp cai trị, quản lý đất nước khá cứng rắn. Trong khi đó, ở các nước chuyển sang văn minh hậu công nghiệp, nhân tố con người lại phải được đặc biệt chú trọng để có thể phát huy tiềm năng trí tuệ sáng tạo của con người. Ở đây, phải có những biện pháp quản lý linh hoạt hơn, tạo ra những khoảng không ngày càng rộng lớn cho mọi hoạt động của con người cá nhân.

Trong lĩnh vực đời sống tinh thần, cũng thấy có những véc-tơ ngược nhau. Chủ quyền quốc gia, sự khẳng định dân tộc, dân tộc hóa - đó là những giá trị tinh thần được đặt rất cao ở các nước bắt đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (tất nhiên, những giá trị chung của loài người, có tính toàn cầu cũng được chú trọng đến mức cần thiết). Trong khi đó, ở các nước phát triển, tình hình về mặt này lại khác: những giá trị con người - cá nhân trong các quan hệ hòa nhập giữa các nước đó được đặt cao (tuy không loại bỏ, trái lại, có thể phần nào làm sống lại những giá trị dân tộc). Ở đó, những giá trị nhân bản được đặt lên hàng đầu.

Có khi, tuy có những biểu hiện giống nhau hay gần giống nhau, nhưng về thực chất, lại theo những véc-tơ khác nhau. Sự phục hưng tôn giáo là một ví dụ. Chủ nghĩa toàn thống (fondamentalisme) của các tôn giáo ở một số nước kém phát triển - như của Hồi giáo - đang cố đóng vai trò lãnh đạo dân tộc trong quá trình hiện đại hóa, đối lập với những giá trị văn hóa phương Tây và “lấp chỗ trống” do “chủ nghĩa xã hội khoa học” để lại sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước khác. Trong khi đó, sự phục hưng của các tôn giáo và sự ra đời của một loạt giáo phái ở các nước phát triển lại mang tính chất khác: con người trở về với đời sống tâm linh sau khi đã thất vọng sâu sắc với chủ nghĩa duy khoa học và mọi hình thức cực đoan của chủ nghĩa duy lý.

2.3. Căn cứ vào những quá trình hiện thực của thế giới nói trên, có thể nhận ra một số xu hướng chủ yếu của thế giới hiện nay.

1. Trước hết, đó là xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa các lĩnh vực cơ bản (kinh tế và văn hóa) của đời sống con người. Không một nước nào, dù ở trình độ phát triển cao hay thấp, có thể tiếp tục phát triển lên một trình độ cao hơn mà không cần phải có một cách nhìn đầy đủ mọi quá trình thế giới. Tất cả các nước, không trừ một nước nào, đều nằm trong những liên hệ phụ thuộc lẫn nhau. Khái niệm interdependence (lệ thuộc lẫn nhau) đều dần vượt lên khái niệm independence (không lệ thuộc, từ này thường được gọi là độc lập). Hiểu độc lập như một trạng thái không lệ thuộc là hoàn toàn không thực tế, thậm chí vô nghĩa. Chỉ có thể hiểu nó trong những liên hệ lệ thuộc lẫn nhau.

Những nhu cầu của sự phát triển, cũng như những nguy cơ đối với sự tồn tại của loài người nói chung, đang làm nảy sinh ý thức toàn cầu (conscience globale), ý thức hành tinh (conscience planétaire) ở con người thuộc các dân tộc khác nhau. Chưa bao giờ, ý thức về giống loài (conscience d’espèce) của con người có những biểu hiện mạnh mẽ như hiện nay. Con người đang trở về với toàn bộ giống loài của mình, với ý thức ngày càng đầy đủ. Mọi xu hướng đi ngược với xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, như chủ nghĩa chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan (chủ nghĩa sô-vanh, thanh lọc dân tộc, v.v...), đều đi tới chỗ phá sản tương đối nhanh chóng. Và nếu chưa bị phá sản, thì ít ra cũng bị đẩy ra ngoài lề (marginalise) của dòng chảy vĩ đại của sự phát triển loài người.

2. Sự khẳng định dân tộc (hay dân tộc hóa) cũng là một xu hướng nổi lên hàng đầu của sự phát triển thế giới hiện nay. Đã qua rồi thời kỳ coi dân tộc như một cái gì nhất thời trong tiến trình phát triển của loài người, như một hình thức cộng đồng đã lỗi thời của các tộc người. Lịch sử nhiều thế kỷ cho thấy dân tộc là một loại cộng đồng lâu bền, nếu không nói là vĩnh cửu. Ra đời như một hình thức cộng đồng cao hơn, kế tục và phát triển những hình thức cộng đồng tộc người trước đó (thị tộc, bộ lạc, bộ tộc), đáp ứng những nhu cầu phát triển về kinh tế, văn hóa và tổ chức xã hội của những cộng đồng người lớn hơn, dân tộc đem lại cho con người một sức mạnh tồn tại vô cùng lớn hơn, không chỉ về vật chất (lãnh thổ, kinh tế...) mà cả về tinh thần, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật, đặc biệt là ngôn ngữ.

Trong thế kỷ XX, với những phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn chưa từng thấy, nói chung các dân tộc trên thế giới, ở những trình độ khác nhau, đã giành được sự giải phóng khỏi ách nô dịch thực dân. Có thể nói thành quả lớn nhất của con người trong thế kỷ XX chính là sự giải phóng dân tộc. Nhưng vấn đề dân tộc chưa phải đã đi vào quá khứ. Trái lại thế, giải phóng dân tộc chỉ mới là bước khởi đầu của quá trình tự khẳng định dân tộc về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa và quan hệ quốc tế. Các dân tộc ngày càng tự khẳng định như những chủ thể của các quá trình thế giới. Ý thức dân tộc, do đó, càng được củng cố: không chỉ thể hiện ở chủ quyền quốc gia vừa mới giành được, mà còn thể hiện ở những vị trí thích đáng trong các quan hệ quốc tế, ở sự phát triển kinh tế và xã hội ngày càng cao hơn, ở sự khắc phục càng nhanh càng tốt tình trạng nghèo khổ và lạc hậu của mình.

Dường như con người ở khắp nơi, kể cả ở những nước phát triển, đang trở về với “cội nguồn dân tộc” của mình, đang tìm mọi cách bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mình, đặc biệt là bảo tồn ngôn ngữ của mình. Do đó, như nhiều sự kiện gần đây chứng tỏ, vấn đề dân tộc không chỉ nảy sinh trong quan hệ giữa các quốc gia mà còn xuất hiện ngay bên trong các quốc gia.

Sự tự khẳng định dân tộc đã và đang diễn ra theo những hệ tư tưởng khác nhau: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa toàn thống tôn giáo, v.v... Nó mang những hình thức khác nhau: ôn hòa hay hung hăng, tự vệ hay bành trướng, v.v... Những mâu thuẫn giữa các dân tộc cũng mang những nguồn gốc và tính chất khác nhau: do lịch sử để lại (nhất là do di sản của chủ nghĩa thực dân về hoạch định biên giới một cách tùy tiện) hay mới nảy sinh, v.v... Có thể nói, trong tương lai trước mắt, những xung đột dân tộc, gắn liền với những xung đột về tôn giáo, những xung đột giữa các nền văn minh, sẽ nổi lên thành những xung đột quốc tế phức tạp nhất. Trong thế giới hiện nay, những xung đột dân tộc ấy khó trở thành những cuộc chiến tranh hủy diệt lẫn nhau kéo dài, nhưng cũng không nên loại bỏ những cuộc chiến tranh hao phí nhiều về người và của. Không đánh giá hết xu hướng tự khẳng định dân tộc và không nhìn rõ những hệ quả tích cực và tiêu cực của xu hướng đó trong những trường hợp khác nhau, thì không thể hiểu đúng bức tranh thế giới hiện nay.

Như vậy, xu hướng toàn cầu hóa không loại bỏ xu hướng dân tộc hóa, và ngược lại. Cả hai xu hướng này kết hợp với nhau hết sức chặt chẽ và là tiền đề của nhau.

3. Sự phát triển về kinh tế và văn hóa của các nước trên thế giới, dù theo những nhịp độ khác nhau, ở những trình độ khác nhau, đang làm nảy sinh một xu hướng mới, ngày càng mạnh mẽ: xu hướng tự khẳng định cá nhân, hay cá nhân hóa. Dường như những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong thời đại chúng ta (cách mạng khoa học và công nghệ, cách mạng dân chủ) đều nhằm tới một điểm hội tụ: khẳng định con người - cá nhân với những năng lực và những quyền của nó như những chủ thể cơ bản nhất của đời sống xã hội. Không phải trước đây, vấn đề con người - cá nhân chưa được đặt ra.


Tất cả các cuộc cách mạng trước đây, từ cách mạng gọi là “tư sản”, hay cách mạng gọi là “vô sản”, đều đặt rất cao vấn đề giải phóng con người - cá nhân. Nhưng trong điều kiện của văn minh công nghiệp, của các quan hệ đối kháng xã hội, rốt cuộc con người - cá nhân vẫn chưa thể hình thành đầy đủ, thậm chí có thể nói nó được tạo ra một cách méo mó về hướng này (chủ nghĩa cá nhân cực đoan) hay về hướng khác (chủ nghĩa tập thể cực đoan, mà kết quả là con người - cá nhân hoặc trở thành bệnh họan, hoặc bị triệt tiêu, và “con người là kẻ thù của con người” như trước, hơn trước.

Với sự xuất hiện của nền văn minh mới, nhất là với những nhận thức đúng hơn về sự phát triển của xã hội và con người, xu hướng tự khẳng định cá nhân của con người đang được thể hiện theo những giá trị dân chủ và nhân bản ngày càng sâu sắc và triệt để. Xu hướng đó, như có thể thấy trong mấy thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, gắn liền với các quá trình dân chủ hóa và nhân bản hóa.

So với hai xu hướng trên (toàn cầu hóa và dân tộc hóa), xu hướng cá nhân hóa được thể hiện chậm hơn, kém phổ biến hơn, nhưng không phải vì thế mà kém mạnh mẽ hơn. Cùng với hai xu hướng kia, nó đã và sẽ dẫn tới những biến động xã hội to lớn ở nhiều khu vực trên trái đất: ở các nước theo chế độ độc tài và chuyên chế, ở cả các nước phát triển về kinh tế và xã hội, nơi đã có những hình thức dân chủ nào đó. Dự báo về những biến động xã hội theo hướng dân chủ và nhân bản trong tương lai trước mắt, theo chúng tôi, là hoàn toàn có cơ sở.

Có thể đi xa hơn một chút để nói rằng chính sự trưởng thành của con người - cá nhân, một khi nó đã tự khẳng định được về những năng lực và về các quyền của mình, cũng sẽ làm biến đổi cả những quan niệm dân chủ và nhân bản, những chế độ dân chủ và “nhân tố con người” hiện có. Xu hướng này sẽ đẻ ra những bài toán cực kỳ khó giải, trước hết là bài toán về quan hệ giữa tự do và bình đẳng, nhưng đồng thời sẽ cung cấp những dữ kiện cần thiết để giải những bài toán ấy, ít ra là từng phần. Và với xu hướng này, mọi hình thức độc quyền, độc tôn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và tư tưởng đều mất dần sức sống, nhường chỗ cho những quan hệ tôn trọng lẫn nhau, khoan hòa với nhau, cho sự tìm kiếm những quan hệ “đồng thuận”, “tương đồng” trong khi vẫn tồn tại những sự khác nhau.

Như vậy, con người sẽ tồn tại một cách đầy đủ trên cả ba cấp độ: giống loài (toàn cầu), dân tộc và cá nhân. Đó cũng là ba kích thước có tính chất bản thể của con người. Thế giới sẽ thuộc về con người có đủ ba kích thước ấy, thuộc về con người “tam vị nhất thể” ấy.

Xin nói thêm một điều hết sức quan trọng về sự tự khẳng định của con người - cá nhân. Ngoài đời sống hiện hữu (vie réelle), con người còn có đời sống tâm linh (vie spirituelle) của mình. Vì thế, sự tự khẳng định của con người - cá nhân bao giờ cũng được thể hiện trên cả hai bình diện ấy. Khi chủ nghĩa vật chất của xã hội tiêu dùng đè nặng lên lối sống của con người, khi những thành tựu khoa học - kỹ thuật trở thành những sức mạnh chi phối toàn bộ đời sống con người (chẳng hạn, kỹ thuật truyền hình thay thế hiện thực và mỗi con người cảm nhận được bằng một thứ “hiện thực” được nhào nặn và áp đặt từ bên ngoài, “hiện thực của màn ảnh truyền hình 24 trên 24 tiếng”), thì con người càng phải tự khẳng định mình một cách mạnh hơn, nhất là trong đời sống tâm linh.

Khoa học mở rộng sự lý giải của nó về thế giới xung quanh bao nhiêu, thì “khu vực không thể hay chưa thể lý giải được” càng rộng hơn bấy nhiêu. Con người phải đi tìm những lý giải về số phận của chính mình và của toàn vũ trụ, mà tôn giáo, tín ngưỡng là những phương tiện cần thiết để đi tới những lý giải đó. Vì thế, sự phục hưng của tôn giáo, tín ngưỡng là khó tránh khỏi. Người ta đang nói tới sự phục hưng của tôn giáo như một trong những xu hướng lớn trên thế giới, cũng chính vì thế.

4. Một xu hướng chủ yếu khác: quan hệ của con người đối với tự nhiên bắt đầu thay đổi căn bản. Qua những giai đoạn văn minh trước đây, con người lúc đầu tự đặt mình vào sự phụ thuộc tuyệt đối vào tự nhiên (“văn minh gốc tự nhiên”) sau đó lại chuyển sang chinh phục tự nhiên bằng những phương tiện kỹ thuật của mình (“văn minh gốc kỹ thuật”).

Trong bước chuyển sang giai đoạn văn minh mới, con người tìm kiếm những quan hệ mới đối với tự nhiên. Từ bỏ sự chinh phục tự nhiên, mà hậu quả của nó là tàn phá môi trường sinh thái và, do đó, tàn phá cơ bản chất tự nhiên của con người, ngày nay con người tìm cách hòa đồng với tự nhiên, bảo tồn môi trường tự nhiên. Quan niệm coi “con người là trung tâm của vũ trụ”, được đề xướng từ xa xưa (trong đó Kitô giáo góp phần đáng kể) và được khẳng định bằng chủ nghĩa duy lý, ngày nay được thay thế bằng quan niệm coi con người là một bộ phận hữu cơ của vũ trụ. Đó là bộ phận có trí tuệ, có ý thức của vũ trụ, vì thế càng phải gánh lấy sứ mệnh bảo toàn môi trường tự nhiên xung quanh mình.

Vấn đề sinh thái không còn là vấn đề riêng của khoa học, mà đã trở thành một vấn đề cốt tử của đời sống loài người. Các phong trào sinh thái (“xanh”) xuất hiện ở nhiều nước dưới những hình thức khác nhau. Những vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái được đưa vào chương trình nghị sự của các quốc gia và các tổ chức quốc tế (kể cả Liên hiệp quốc) như những ưu tiên hàng đầu. Xu hướng hòa đồng của con người và tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái chung của toàn bộ hành tinh là cơ sở để đi tới một sự thống nhất cao hơn của con người. Trong môi trường sinh thái chung ấy, không thể có sự chia cắt thành những khu vực riêng biệt. Bảo vệ môi trường sinh thái chung không phải là công việc riêng của mỗi quốc gia, mà là trách nhiệm chung của tất cả các nước. Những lợi ích ích kỷ của mỗi quốc gia - trước hết của những nước phát triển - phải nhường chỗ cho lợi ích chung của cả loài người.


3. Thế giới có mấy khu vực?

3.1. Những xu hướng chủ yếu của sự phát triển thế giới, như vừa trình bày trên đây, không thể hiện một cách đồng đều, giống nhau ở khắp nơi. Hàng nghìn năm nay, nếu không muốn nói lâu hơn nhiều, thế giới luôn luôn bị chia cắt thành những bộ phận khác nhau. Thế giới của thế kỷ XX lại càng như vậy.

Chỉ cách đây chưa lâu, người ta phân chia thế giới thành những khu vực, những “thế giới” khác nhau theo những căn cứ khác nhau. Đối với những người lấy chế độ xã hội - kinh tế (các hình thái xã hội kinh tế) làm căn cứ, thế giới chủ yếu chia thành “hai hệ thống” (trước đây gọi là hai phe): hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới. Những nước không nằm trong hai hệ thống này được coi như những nước chưa có định hướng rõ rệt, trong đó có nước được coi là nằm trong trạng thái “quá độ”.

Theo cách phân chia này, thế giới về cơ bản được chia thành phương Đông và phương Tây. Giữa hai hệ thống thế giới ấy diễn ra một cuộc đấu tranh “ai thắng ai” (dưới những hình thức khác nhau). Trong những văn kiện chính thức của mình, các đảng cộng sản xác định thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Về cơ bản, đó là cách phân chia thế giới theo cách tiếp cận “hình thái xã hội - kinh tế” lấy sự thống trị giai cấp của mỗi hình thái (giai cấp tư sản hay giai cấp công nhân) làm cơ sở.

Một cách phân chia khác gần gũi với cách phân chia nói trên, căn cứ vào sự vận hành của nền kinh tế: các nước theo kinh tế thị trường, các nước theo kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nước kinh tế hỗn hợp.

Còn có một cách phân chia khác nữa, được nhiều người sử dụng hơn, đó là cách phân chia theo trình độ phát triển kinh tế kết hợp với cách phân chia theo hình thái xã hội - kinh tế. Theo cách phân chia này, thế giới chia thành các loại nước phát triển và đang phát triển (hay kém phát triển). Các nước phát triển được chia thành hai: các nước phương Tây và các nước phương Đông. Còn các nước đang phát triển nói chung được gọi là “Thế giới thứ ba” (dựa theo cách gọi “đẳng cấp thứ ba” thời Cách mạng Pháp năm 1789). Có người còn gọi sự phân chia ấy bằng tên gọi “ba thế giới”.

Dựa vào cách phân chia này, người ta vạch ra hai trục chính trên thế giới: trục Đông - Tây (quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản) và trục Bắc - Nam (quan hệ giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển). Và trên cơ sở đó mà vạch ra những chiến lược và chính sách đối ngoại của mình.

Phải thừa nhận rằng, tuy có những chỗ chưa hợp lý nhưng những cách phân chia nói trên phản ánh được phần nào bộ mặt của thế giới trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ hai. Và trong ý thức nhiều người, cách phân chia ấy đã tạo nên những đường hằn khá sâu với những thiên kiến không dễ gì gạt bỏ. Có thể nói cách phân chia ấy - nhất là cách phân chia Đông - Tây gắn liền với “chiến tranh lạnh”, trong đó các quan hệ quốc tế chủ yếu mang tính chất đối địch.


Vì thế, cách phân chia ấy có tác dụng tiêu cực đối với sự phát triển chung của loài người, mà sớm hay muộn, chính sự phát triển ấy sẽ vượt qua nó. Và trên thực tế, nó đã bị vượt qua. Điều mà nhiều người, kể cả những nhà nghiên cứu và những chính khách nổi tiếng, không hình dung được, đó là sự phân chia Đông Tây bị xóa bỏ không phải bằng chiến tranh, bằng bạo lực, mà là bằng sự vận động tự thân của mỗi xã hội là chủ yếu. (Nói thật ra, nếu dùng những biện pháp chiến tranh hay bạo lực, thì không những không xóa bỏ được mà còn làm tăng thêm sự phân chia ấy). Có lẽ phải chờ đợi một thời gian dài nữa, mới có thể làm sáng tỏ quá trình xóa bỏ sự phân chia ấy một cách thật đầy đủ, nhưng ngay bây giờ cũng đã có thể nhận thấy sự phân chia ấy bị xóa bỏ như một điều tất yếu, bắt nguồn từ những nhu cầu phát triển của nền văn minh loài người trong thời điểm này (vào những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX). Về điểm này, chúng tôi đã phân tích trong bài “Thử dò tìm một cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại”, xin miễn nhắc lại.

3.2. Những biến đổi cuối những năm 80 - đầu những năm 90, nhất là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô, đã xóa bỏ sự phân chia thế giới theo trục Đông - Tây. Một cách sâu xa và ít nhìn thấy rõ hơn, sự phát triển kinh tế và công nghệ trong thời kỳ mở đầu của nền văn minh hậu công nghiệp cũng làm thay đổi sự phân chia phát triển - kém phát triển trước đây. Thế giới thứ ba không còn là một khối kém phát triển nữa, nó phân hóa thành những nhóm nước với những trình độ phát triển khác nhau.

Sự bộc lộ tình trạng lạc hậu về khoa học và công nghệ của các nước xã hội chủ nghĩa so với các nước phát triển phương Tây, tình trạng suy sụp, hỗn loạn kinh tế của các nước Đông Âu và Liên Xô sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa đã đặt các nước này vào một vị trí “đặc biệt” và có người gọi đó là “Thế giới thứ ba” mới (Liên Xô là “Thượng Volta có vũ khí hạt nhân”). Theo những thông số công nghệ và kỹ thuật, mức sống và văn hóa, rõ ràng các nước Đông Âu và Liên Xô không thể sánh được với một số nước công nghiệp mới (NICs) ở Đông Á. Nhưng cũng không thể xếp các nước đó vào nhóm các nước kém phát triển giống như phần lớn các nước Thế giới thứ ba.

Thế giới không còn là của “ba thế giới” như trước nữa. Sự phân chia các nhóm nước theo trình độ phát triển kinh tế và xã hội trở nên phức tạp hơn nhiều. Cho đến nay, chưa có một sự phân chia nào thật hợp lý, có tính chất khái quát cao và được mọi người chấp nhận. Gần đây, một số nhà nghiên cứu muốn đưa ra một cách phân chia vừa dựa vào trình độ phát triển kinh tế - công nghệ (theo chiều dọc), vừa dựa vào sự hình thành của các khu vực địa lý - kinh tế (theo chiều ngang). Xin giới thiệu một phương án phân chia theo kiểu này: đó là của Trung tâm Nghiên cứu Tương lai và Thông tin Quốc tế (Centre d’Etudes Prospectives et d’Informations Internationales, viết tắt là CEPII), với bản báo cáo Kinh tế thế giới 1900-2000: đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng (Economie mondiale 1990 -2000: l’inpératif de croissance), Ed, Economica, Paris, 1992).

Theo báo cáo này, những trao đổi kinh tế, theo hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa, được cấu trúc xung quanh Mỹ, Cộng đồng kinh tế châu Âu và Nhật Bản. Mỗi cực đang cố tự tăng cường và tạo ra một không gian khu vực với những nước lân cận hay nằm ở ngoại vi của nó, duy trì với các nước đó những sự trao đổi dày đặc vì cả mấy lý do sau đây:

* Địa lý, vì khoảng cách gần và các đường giao thông giảm được chi phí vận tải;
* Lịch sử và văn hóa, theo những liên hệ ưu tiên đặc biệt gắn kết một số nước với nhau;
* Kinh tế, với những cấu trúc cung và cầu gần giống nhau và kích thích những sự trao đổi trong từng ngành (sách đã dẫn, tr. 37).

Xuất phát từ quan niệm đó, các tác giả bản báo cáo chia thế giới thành 13 vùng sơ đẳng (zones élémentaires), tập hợp thành ba nhóm (groupes) và bảy nhóm nhỏ (sous-groupes) như sau:

Nhóm thứ nhất:

* Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canađa)
* Châu Mỹ La Tinh (kể cả Mexico)

Nhóm thứ hai:

* Tây Âu (12 nước thuộc cộng đồng kinh tế châu Âu, các nước khác thuộc Tây Âu)
* Đông Âu (Trung-Đông Âu, Liên Xô cũ)
* Châu Phi và Trung Đông (thế giới Ả-rập, châu Phi, nam Sahara).

Nhóm thứ ba:

* Các nước phát triển châu Á (Nhật Bản, các nước công nghiệp mới châu Á)
* Các nước khác thuộc châu Á và châu Đại dương (phần còn lại của châu Á, Australia và Tây Ban Nha).

Cách phân chia dựa vào những liên hệ theo chiều dọc (trình độ phát triển kinh tế và công nghệ) và những liên hệ theo chiều ngang (những quan hệ địa lý - kinh tế) này về cơ bản có vẻ hợp lý và có thể chấp nhận được, tuy rằng khi đi sâu vào từng nhóm nhỏ, người ta thấy vẫn còn có những điều chưa thỏa đáng.

Theo cách phân chia này, trục Đông - Tây không còn nữa, và trục Bắc - Nam thì được đưa vào từng nhóm nhỏ. Những điều đó cũng có thể chấp nhận được.

3.3. Nhưng, cách phân chia này có thể gây ra ấn tượng về tính phân tán của thế giới trong khi tính chỉnh thể của nó là một hiện thực không thể bỏ qua, nếu không nói đó là hiện thực nổi bật nhất.

Thật ra, thế giới vẫn được nhìn nhận theo chiều dọc là chủ yếu, (chẳng hạn, doanh số buôn bán của Nhật với Tây Âu và Bắc Mỹ cao gấp nhiều lần so với doanh thu buôn bán của nó với các nước trong nhóm).

Hiện nay, nhóm bảy nước (Mỹ, Canađa, Anh, Đức, Pháp, ý, Nhật) vẫn chi phối mọi quan hệ kinh tế và thương mại của toàn thế giới, và đó là bảy nước nằm trong cả ba nhóm nói trên.

Do đó, sự phân chia các khu vực của thế giới chủ yếu vẫn là sự phân chia dựa vào trình độ phát triển. Mà trình độ phát triển thì chủ yếu được đo theo những trình độ văn minh khác nhau: tiền công nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp. Tất nhiên, những trình độ văn minh ấy không thuần nhất: một nước công nghiệp, hay thậm chí tiền công nghiệp vẫn có thể có những yếu tố văn minh hậu công nghiệp, và ngược lại.

Xét về mặt này, thế giới có thể được phân chia thành nhiều tầng nằm với những ranh giới linh động:

* Tầng 1: những nước bước vào văn minh hậu công nghiệp (Mỹ, Canađa, Nhật, các nước Tây Âu, Australia);

* Tầng 2: những nước về căn bản đã công nghiệp hóa (những nước công nghiệp mới) có những yếu tố văn minh hậu công nghiệp (Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ);

* Tầng 3: những nước đang trong quá trình công nghiệp hóa (Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Mexico, Brazil, Ai Cập);

* Tầng 4: những nước về căn bản chưa công nghiệp hóa, hay tiền công nghiệp (phần lớn các nước châu Phi, một số nước châu Á).

Nói chung, những nước thuộc tầng 1 và 2 hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong các quan hệ kinh tế và thương mại trên thế giới. Các nước thuộc tầng 3 và tầng 4 vẫn còn giữ vai trò thụ động trong các quan hệ đó. (Như đã nói, không một nước nào trên thế giới hiện nay không bị lệ thuộc vào thị trường thế giới. Nhưng những quan hệ lệ thuộc này mang tính không đối xứng: những nước thuộc tầng 1 và 2 lệ thuộc ít hơn, những nước thuộc tầng 3 và 4 bị lệ thuộc nhiều hơn).

Giữa các tầng nói trên đang diễn ra một quá trình chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ tầng trên xuống tầng dưới. Quá trình này bao hàm những tác động qua lại tích cực giữa các tầng, nhưng cho đến nay những tác động từ tầng trên xuống tầng dưới vẫn mạnh hơn những tác động theo chiều ngược lại. Romain Franklin, trong bài “Những ‘con rồng’ bắt đầu khạc ra các ý tưởng” (Les “dragons” commencent a cracher des idées, Libération, 12 Novembre 1993, p. 12-13), mô tả quá trình này qua ví dụ các nước Đông Nam Á như sau: hiện nay, hãng Creative Technology (Công nghệ sáng tạo) ở Singapore được định trị giá tại Thị trường chứng khoán New York là 1,2 tỉ đôla. Hãng này do Sim Wong Hoo, một nhà sáng chế xuất sắc, thành lập cách đây chưa lâu. Nó chuyển sản xuất những máy multimedia (đa truyền thông), với công nghệ hợp nhất ba yếu tố: điện toán, hình và âm.

Nói cách khác, Singapore đang vượt qua giai đoạn lắp ráp những mặt hàng điện tử để bước vào giai đoạn sáng chế những mặt hàng đó, dựa vào những năng lực sáng tạo của chính mình. Nhật Bản đã đi theo con đường này trước đó và đã đạt được những thành tựu đáng kể, không để cho phương Tây giữ độc quyền về ý tưởng. Thế nhưng, cho đến nay, “phương Tây vẫn sản sinh ra tới 95% những ý tưởng mới”, như một chuyên gia Hồng Kông đánh giá. Trong lĩnh vực mũi nhọn của tin học, những doanh nghiệp lớn vẫn là của Mỹ. Phương Tây vẫn đứng ở bậc cao nhất trong chiếc thang công nghệ của thế giới. Và mặc dầu các “con rồng” đang hết sức cố gắng để tạo ra quá trình “di chuyển các ý tưởng”, từ phương Tây sang châu Á, nhưng chưa có đủ điều kiện cho quá trình này mang quy mô rộng lớn. Lý do: những người có tiền ở châu Á vẫn còn sợ rủi ro trong việc đầu tư vào “các ý tưởng mới”. Ở đây, người ta chưa quen với “tư bản - rủi ro” (capital - risque), nếu có tiền thì người ta muốn đầu tư vào bất động sản hơn là vào một phòng thí nghiệm. Theo đánh giá của chuyên gia nói trên, trong hai mươi - ba mươi năm tới đây, không một nước châu Á nào đe dọa được phương Tây về mặt cách tân công nghệ cả. Các phòng thí nghiệm chủ yếu vẫn nằm ở Mỹ và châu Âu. Nếu có sự di chuyển, thì đó là sự di chuyển của những nhà máy sản xuất từ nước có trình độ khoa học và công nghệ cao hơn tới các nước có trình độ thấp hơn. Và đây có thể là những sự di chuyển “dây chuyền”: Mỹ, châu Âu di chuyển công nghệ thế hệ thứ hai cho các nước công nghiệp mới châu Á, các nước này lại di chuyển công nghệ thế hệ thứ ba cho các nước thấp hơn. Công nghệ thứ nhất bao giờ cũng nằm trong tay các nước phát triển phương Tây. Nhưng như đã nói ở trên, đây không còn là quá trình theo một chiều từ trên xuống dưới, mà chiều ngược lại từ dưới lên trên có tác động ngày càng mạnh trong sự tranh đua quyết liệt về công nghệ trên thế giới. Bằng sự nhạy bén và tính năng động cao của mình, các nước châu Á đang làm thay đổi dần quá trình tạo ra “các ý tưởng mới”. Sự lạc hậu là có tính tương đối và không phải là một định mệnh.

3.4. Sự phân chia thế giới như vừa trình bày chỉ phản ánh được một mặt của sự phát triển thế giới hôm nay, dù đó là mặt cơ bản nhất. Để cho sự phân chia này bao quát được nhiều mặt khác nữa, thì phải đụng tới những chiều sâu xã hội - giai cấp, chính trị, văn hóa - tôn giáo... Nhưng cho đến nay, chưa có một nhà nghiên cứu nào làm công việc này một cách sâu sắc và có hệ thống. Ở đây, chúng tôi cũng chưa dám làm công việc vô cùng rộng lớn này, chỉ xin nêu lên một số ý kiến sơ lược.

Cách nhìn thế giới theo các giai đoạn văn minh khác nhau của loài người không hề loại trừ, trái lại, có thể và phải bao hàm cách nhìn theo hình thái xã hội - kinh tế, mà về thực chất là hình thái xã hội - giai cấp. Sự phân chia thành những giai cấp khác nhau, với những lợi ích và ý thức khác nhau, là một hiện thực trong đời sống mỗi quốc gia cũng như trong đời sống thế giới, có lẽ chỉ trừ một số bộ lạc ít ỏi nào đó ở những góc trời hẻo lánh mà thôi. Do đó, khái niệm xã hội - giai cấp chưa hoàn toàn mất ý nghĩa khi xem xét tình hình mỗi nước và tình hình thế giới. Chỉ có điều là cách hiểu khái niệm này không thể như cũ được, vì một lý do đơn giản: bản thân các giai cấp và các quan hệ giai cấp đã biến đổi nhiều trong những thập kỷ gần đây.

1. Ở các nước phát triển phương Tây, tuy vẫn còn những giai cấp giàu có và những giai cấp nghèo khổ, nhưng chúng không đồng nhất với giai cấp tư sản lũng đoạn và giai cấp vô sản như ở đầu thế kỷ này. Những biến đổi trong lĩnh vực lao động nói riêng và kinh tế nói chung, trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa, v.v... đã làm cho bộ mặt của những giai cấp trước kia biến đổi theo. Những mâu thuẫn giai cấp giữa các giai cấp này vẫn còn và nhiều khi vẫn quyết liệt, nhưng tính chất đối kháng, một mất một còn, đã giảm đi, dần dần nhường chỗ cho những thỏa hiệp trên cơ sở đồng thuận, có tính đến lợi ích của nhau.


Một mặt khác, cấu trúc xã hội - giai cấp ở các nước phát triển cũng biến đổi về căn bản: do khu vực lao động sản xuất (cả công nghiệp lẫn nông nghiệp) dần dần thu hẹp, và khu vực dịch vụ dần dần mở rộng, nên chính bản thân giai cấp vô sản cũng dần dần giảm bớt về tỉ trọng xã hội; chế độ sở hữu lớn của các nhà tư bản lũng đoạn, do những biến đổi về cấu trúc sở hữu, cũng dần dần được chia nhỏ hơn và tính chất lũng đoạn của nó giảm đi rất nhiều; đáng chú ý nhất là sự hình thành và gia tăng của giai cấp trung lưu (middle class), tạo thành nhân vật chính trị, kinh tế và văn hóa chủ yếu trong các xã hội phương Tây.


Nạn nghèo khổ vẫn còn, và trong nhiều trường hợp, những người nghèo khổ vẫn lâm vào tình cảnh tuyệt vọng, nhưng với những trợ cấp xã hội đáng kể và những biện pháp khác, tình trạng bần cùng hóa tuyệt đối ngày càng giảm đi. Sự nghèo khổ ở các nước đó về cơ bản là sự nghèo khổ tương đối (“sự nghèo khổ mới”). Những khó khăn về tăng trưởng kinh tế, những biến đổi về cơ cấu kinh tế (khi chuyển sang sản xuất hậu công nghiệp) đã và đang đẻ ra những đám người thất nghiệp lớn. Không chỉ người lao động kém thành thạo bị thất nghiệp, mà cả những người lao động thành thạo, có kỹ thuật cao cũng rơi vào thất nghiệp. Mà thất nghiệp, như đã biết, là nguồn gốc của nghèo khổ.


Thêm vào đó, những người di cư từ các nước phía Nam kéo lên các nước phía Bắc ngày càng đông đảo, tạo thành những tầng lớp nghèo khổ mới ở các nước phương Tây, họ thường rơi vào tình cảnh nằm ngoài lề xã hội, chỉ trừ một số rất ít có trình độ khoa học - kỹ thuật và nghề nghiệp cao (“nạn chảy máu chất xám” từ các nước kém phát triển sang các nước phát triển). Tất cả những điều đó vẫn là nguồn gốc nuôi dưỡng những mâu thuẫn xã hội - giai cấp không thể tránh khỏi, và hậu quả tất yếu là nguy cơ bùng nổ xã hội ở các nước phương Tây vẫn rất lớn. Dự báo về những cuộc cách mạng chống chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây trong tương lai trước mắt không phải hoàn toàn không có cơ sở.

Nhưng dù sao, khó lòng nghĩ tới những cuộc cách mạng vô sản theo kiểu cũ như trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Chắc chắn các quan hệ xã hội - giai cấp ở đó còn trải qua nhiều biến đổi khác, vượt qua mọi dự báo hiện có. Và cũng chắc chắn là những biến động xã hội ở đó không làm ngừng dòng chảy của nền văn minh mới là cái vừa đẻ ra những mâu thuẫn xã hội mới, nhưng lại vừa cung cấp những khả năng để giải quyết những mâu thuẫn ấy theo hướng ít bạo lực và đối kháng hơn.

2. Các quan hệ xã hội - giai cấp ở các nước công nghiệp mới và các nước đang công nghiệp hóa (tầng 2 và tầng 3) cũng có những biến đổi quan trọng trong quá trình chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Ở đây, sự phân hóa giàu - nghèo trở nên sâu sắc và lộ liễu hơn. Tình trạng chênh lệch về trình độ sản xuất và mức sống giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn hơn, tạo thành trạng thái nhị nguyên (dualite) trong xã hội. Sự xâm nhập văn hóa và thông tin của các nước phát triển phương Tây gây ra những phản ứng của dân cư bản địa nhằm bảo vệ bản sắc dân tộc ngày càng mạnh mẽ. Tất cả những điều đó đang dẫn tới những mâu thuẫn và xung đột xã hội ngày càng gay gắt.

Một số nước đi theo con đường “độc tài để phát triển” (Nam Triều Tiên, Singapore, Thái Lan, Đài Loan) đang chứng kiến những bùng nổ xã hội và chính trị khá quyết liệt. Trong thời gian ban đầu, chế độ độc tài có tác dụng tập trung các nguồn lực theo những chiến lược phát triển nhất định, nhưng đồng thời nó cũng dẫn tới chỗ tập trung quyền lực chính trị, do đó, cả quyền lực kinh tế, vào tay một nhóm người (thường được gọi là tầng lớp quan liêu hay quân phiệt tư sản hóa), nuôi dưỡng những ổ tham nhũng nguy hại cho sự phát triển kinh tế và sự ổn định xã hội. Sau đó, khi mức sống của dân cư nói chung tăng lên, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của các tầng lớp trung lưu ngày càng rộng lớn, thì những yêu cầu về dân chủ xuất hiện ngày càng mạnh mẽ. Xung đột giữa tầng lớp cầm quyền theo kiểu độc tài với những tầng lớp dân cư rộng rãi là không thể tránh khỏi (hầu hết các nước công nghiệp mới đã trải qua những xung đột giữa dân chủ và độc tài dưới những hình thức và mức độ khác nhau). Kết quả là các nước đó sớm hay muộn đều bước vào con đường dân chủ hóa.

3. Trong thời gian gần đây, với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa, một loạt nước Đông Âu và ở Liên Xô (cũng phải nói thêm của nước Mông Cổ ở châu Á), hình thái xã hội - kinh tế ở các nước này đã biến đổi về căn bản. Chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết (sở hữu nhà nước, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, một đảng duy nhất lãnh đạo) không còn nữa, thay vào đó là những chế độ mới (sở hữu đa dạng, trong đó sở hữu tư nhân được khôi phục và xác lập, kinh tế thị trường và chế độ đa đảng). Vấn đề đặt ra là, xét về mặt hình thái xã hội - kinh tế, những chế độ mới ấy thuộc hình thái nào. Có những ý kiến rất khác nhau về điểm này: có người cho rằng các nước đó tất yếu phải theo hình thái xã hội - kinh tế tư bản chủ nghĩa; có người lại cho rằng đó sẽ là một “hình thái thứ ba” vừa có những nét của chủ nghĩa tư bản, vừa có những nét của chủ nghĩa xã hội; cũng có người không khẳng định điều gì cả, cuộc sống sẽ trả lời...


Vấn đề quả là phức tạp. Ở các nước này, những bước chuyển sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã và đang vấp phải sự chống đối không chỉ của những lực lượng muốn quay trở lại với chế độ xã hội chủ nghĩa, mà của cả những tầng lớp lao động rộng rãi trước sự phân hóa giàu - nghèo nhanh chóng và trước tình trạng bấp bênh về đời sống. Nói như V. Togrin, trong bài “Hệ tư tưởng mới cho nước Nga: một bi kịch trong lịch sử hiện đại” (MEMO, số 16, 1993, Moskva), nếu như trong thời gian đầu, hệ tư tưởng dân chủ - tự do đã thắng thế khi đề xướng đi theo những chế độ của phương Tây, thì bây giờ, hệ tư tưởng ấy không được nhiều người ủng hộ. Trong số những người trí thức chủ trương hệ tư tưởng ấy, đã có những tiếng thở dài thất vọng. Nhà thơ E. Evtushenko là một ví dụ.


Ông nói: “Tôi cho rằng chúng tôi đã giành được những thắng lợi rất lớn. Chúng tôi đã bảo vệ những thắng lợi ấy vào tháng tám 1991. Nhưng có cái gì đó đã xảy ra với giới trí thức chúng tôi, trong đó có cả tôi. Bởi vì có thể nói rằng chúng tôi chưa hiểu được nói chung tự do là gì, chúng tôi đã lý tưởng hóa tự do. Chẳng hạn, chúng tôi trước đây nghĩ rằng tự do ngôn luận là chiếc chìa khóa kỳ diệu để đi tới phồn vinh. Hóa ra, không hoàn toàn như vậy, vì không thể ăn được tự do ngôn luận, không thể mặc được nó, không thể dùng nó để sưởi ấm nhà trong mùa đông lạnh giá.” (bài đã dẫn, tr. 15). Vậy thì đi theo hệ tư tưởng nào đây? Theo Sogrin, đó vẫn còn là một câu hỏi chưa được trả lời.

Sự sụp đổ của chế độ cũ kéo theo một biến đổi căn bản về các quan hệ xã hội - giai cấp ở các nước đó. Các quan hệ cũ bị phá vỡ, nhưng các quan hệ mới chưa hình thành rõ rệt. Trong bối cảnh ấy, những mâu thuẫn xã hội (giai cấp, dân tộc, tôn giáo...) có những biểu hiện gay gắt. Chưa thể đoán trước kết cục của cuộc đấu tranh xã hội ở đó, nhưng có thể chắc chắn rằng những chế độ xã hội cũ rất ít có (nếu không nói là không có) khả năng phục hồi.

4. Hầu hết những nước đang ở trong giai đoạn tiền công nghiệp cũng không có những hình thái xã hội - kinh tế định hình. Nói chung, đó không còn là những xã hội truyền thống nguyên vẹn (kinh tế tự nhiên, chính quyền kiểu phong kiến, v.v...). Từ lâu, chủ nghĩa thực dân cũ và mới đã phá vỡ từng phần những xã hội truyền thống ấy. Các quan hệ thị trường thế giới xâm nhập ở những mức độ khác nhau, làm cho nền kinh tế ở những nước này bị lệ thuộc vào các quan hệ ấy. Nhiều nhà nghiên cứu nói tới những sự quá độ ở các nước này, nhưng quá độ từ đâu đến đâu thì vẫn chưa rõ ràng.


Một số nước (chủ yếu ở châu Á và châu Phi) trước đây đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Gần đây, định hướng này cũng bị từ bỏ. Thay vào đó là những đề xướng dân chủ đa đảng và kinh tế thị trường, nhưng nói chung việc thực hiện những đề xướng ấy vấp nhiều khó khăn lớn, trong một số trường hợp còn lâm vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy (Algérie, Somali...). Những tranh chấp về tộc người (dân tộc, bộ lạc) diễn ra triền miên. Dưới ngọn cờ tôn giáo (chủ yếu là Hồi giáo), một số thế lực chính trị, với những màu sắc khác nhau, tìm cách thực hiện chủ nghĩa bá quyền.

Trên bình diện thế giới, những mâu thuẫn giữa các nước giàu (Bắc) và các nước nghèo (Nam) không những không giảm đi mà ngày càng bị đào sâu hơn.

Khoảng cách giữa hai loại nước đó trong mấy thập kỷ vừa qua ngày càng rộng hơn (nếu tính theo thu nhập đầu người, khoảng cách đó đã tăng từ hàng chục lần lên tới hàng trăm lần: các nước có thu nhập đầu người cao nhất là hơn 20.000 đôla/năm, so với dưới 200 đôla/năm ở các nước có thu nhập đầu người thấp nhất). Thị trường thế giới nằm dưới sự kiểm soát của một số ít nước giàu, từ thị trường hàng hóa đến thị trường vốn, từ thị trường thông tin đến thị trường du lịch, v.v...

Những nước sản xuất nguyên liệu và nhiên liệu bị lệ thuộc nặng nề vào những nước sản xuất những sản phẩm chế biến cao. (Một vài phản ứng của các nước CPEP, chẳng hạn, lúc đầu có làm cho các nước phát triển phương Tây lúng túng, nhưng sau đó lại bị các nước này làm trung hòa đi). Hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng những mâu thuẫn Bắc - Nam đang nổi lên hàng đầu trên vũ đài thế giới hiện nay. Nhưng nếu từ đó mà kết luận rằng sẽ có những cuộc chiến tranh Nam - Bắc, do các nước phía Nam phát động trong một tương lai nào đó, thì không khỏi sai lầm.

Tình trạng hết sức chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống giữa các nước Bắc và Nam, nhất là tình trạng các nước phát triển bóc lột tài nguyên thiên nhiên của các nước kém phát triển cùng với những quan hệ trao đổi ngày càng bất lợi cho các nước này, chắc chắn dẫn tới những căng thẳng và những xung đột gay gắt. Nhưng cũng chắc chắn sẽ không có một phía Nam dấy lên những “cơn bão táp cách mạng” đảo lộn thế giới, như vẫn có người tưởng. Con đường giải quyết những mâu thuẫn và xung đột ấy sẽ thông qua các quan hệ vừa đấu tranh vừa hợp tác giữa Nam và Bắc. Vả chăng, chính các nước phía Bắc - nhất là dư luận xã hội rộng rãi ở đó - sẽ ngày càng nhận thức rõ ràng rằng khắc phục tình trạng nghèo khổ và lạc hậu quá mức ở các nước phía Nam cũng đáp ứng những lợi ích của các nước phía Bắc.

Không phải ngẫu nhiên mà “chủ nghĩa Thế giới thứ ba” (nhấn mạnh tính chất đối kháng giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển, coi mọi sự nghèo khổ và lạc hậu của Thế giới thứ ba chỉ là do sự bóc lột của các nước giàu có phương Tây cũng như phương Đông) ngày nay không còn “ăn khách” như trước đây nữa. Không coi nhẹ những nguồn gốc ngoại sinh của tình trạng nghèo khổ và lạc hậu của các nước kém phát triển, ngày nay người ta còn nhìn thấy rõ cả những nguồn gốc nội sinh của tình trạng này. Nếu như trước đây, khi các nước kém phát triển còn bị chủ nghĩa thực dân thống trị, cách giải thích theo “chủ nghĩa Thế giới thứ ba” dễ được đồng tình, thì bây giờ, sau khi các nước kém phát triển nói chung đã giành được chủ quyền quốc gia - dù ở những mức độ chưa thật đầy đủ - thì cách giải thích ấy tỏ ra phiến diện và không chỉ ra những phương hướng thật đúng để giải quyết vấn đề.

Như vậy, trên bình diện từng nước hay thế giới, cách phân chia thế giới theo hình thái xã hội - kinh tế vẫn còn có cơ sở của nó không thể gạt bỏ. Nhưng để thích nghi với những hoàn cảnh lịch sử thế giới mới, nó cần có một “bộ khái niệm” mới vừa kế thừa vừa vượt qua những nội dung của chính nó. Thứ nhất, nó không thể là căn cứ chủ yếu (càng không phải là căn cứ duy nhất) để phân chia thế giới thành những khu vực khác nhau. Thứ hai, sự phân chia theo hình thái xã hội - kinh tế, dù đã được sửa đổi rồi, cũng chỉ có hiệu quả khi đặt nó vào bối cảnh chung của tiến trình biến đổi của các giai đoạn văn minh của loài người.

Nó trở thành một bộ phận quan trọng trong tập hợp tiếp cận đối với thế giới hiện đại lấy những biến đổi của văn minh làm cơ sở. Thứ ba, do những biến đổi về hình thái xã hội - kinh tế diễn ra một cách năng động hơn trước nhiều, nên sự phân chia theo cách tiếp cận này cũng mang tính năng động rất lớn. Ranh giới giữa các hình thái xã hội - kinh tế trong nhiều trường hợp không dứt khoát, rành mạch như trong những sơ đồ vạch sẵn.


3.5. Còn cách phân chia theo văn hóa - tôn giáo? Đó cũng là một cách phân chia quan trọng, không thể không tính đến. Nhưng những khác biệt về văn hóa - tôn giáo nằm ở chiều rất sâu trong đời sống các dân tộc và, trong thế giới hiện đại, đó không phải là những ranh giới của các chế độ xã hội - kinh tế hay xã hội - chính trị. Trong cùng một quốc gia, có thể có nhiều tôn giáo khác nhau, trong khi một số tôn giáo lại có tính chất liên quốc gia. Hiện nay, trên thế giới có ba tôn giáo mang tính chất thế giới: Kitô giáo (chia thành Gia tô giáo và Tin lành), Hồi giáo và Phật giáo. Tuy không phải là tôn giáo đích thực, Khổng học có ảnh hưởng lớn ở một số nước Đông Á. Các tôn giáo này có tác dụng rất quan trọng đối với con đường phát triển xã hội của mỗi quốc gia hữu quan.


Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, khi con người trở về với đời sống tâm linh một cách mạnh mẽ (như đã nói trong đoạn trên), các tôn giáo cũ và mới đóng một vai trò ngày càng tăng trong đời sống xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã lưu ý một cách có căn cứ về hiện tượng này. Nhưng từ đó mà coi những khác biệt về văn hóa - tôn giáo như căn cứ chủ yếu để phân chia thế giới thành những khu vực khác nhau, thì lại là chuyện khác. Thử lấy Hồi giáo, một tôn giáo có sức trỗi dậy mãnh liệt trong thời gian gần đây, cũng thấy rõ cái gọi là “thế giới Hồi giáo” (chủ yếu ở Bắc Phi, Tây Á và Nam Á) không phải là một khối thuần nhất. Giữa những nước Hồi giáo, có những khác biệt căn bản về con đường phát triển xã hội, thậm chí những xung đột quyết liệt bằng bạo lực (chiến tranh 10 năm giữa Iran và Iraq là một bằng chứng).


Trong khá nhiều trường hợp, Hồi giáo được sử dụng như một phương tiện bành trướng của những quốc gia nào đó. S. Huntington có lý phần nào khi nói rằng, trong tương lai, thế giới có những nền văn minh tôn giáo khác nhau và những nền văn minh ấy phải học cách chung sống với nhau. Nhưng J. Ioffe đúng hơn, khi nói rằng, thực chất của vấn đề không phải là ở cuộc chiến tranh giữa các văn hóa - tôn giáo, mà là cuộc đấu tranh nhằm phân bố lại phạm vi ảnh hưởng, giành quyền lực với nhau.


[1]Không đi sâu vào vấn đề này, chỉ xin nói rằng trong khoảng vài chục năm trở lại đây, môn học về hỗn loạn (chaologie) đã có những bước phát triển nhanh chóng, lúc đầu do nhà toán học Mỹ James Yorke khởi xướng và sau đó được hưởng ứng ở Mỹ và châu Âu. Ngày nay, nó không những được thừa nhận như một khoa học, mà còn như một triết học (philosophie du chaos). Nếu trước đây, hỗn loạn được coi là chỉ xuất hiện trong các hệ thống phức hợp, thì bây giờ người ta đã chứng minh được rằng hỗn loạn có thể xuất hiện cả trong các hệ thống đơn giản (tính đởn giản của cái phức hợp và tính phức hợp của cái đơn giản). Tính không định kỳ, tính phi tuyến là những thuộc tính của hỗn loạn.

Quy tắc không phải là cái thường xuyên, trậi tự không còn là cái chuẩn mực, nó là một “đảo nhỏ” ngoại lệ trong đại dương hỗn loạn. Hỗn loạn không phải do ngẫu nhiên gây ra, nó mang tính quy định, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có thể được dự đoán. Nói cách khác, dù một hệ thống hỗn loạn bị quy định hoàn toàn, cũng không thể dự đoán cách ứng xử tương lai của nó một cách chắc chắn. Khoa học về hỗn loạn không dung nạp chủ nghĩa thực chứng. Đó là một lý luận về cái toàn bộ, cái tổng thể. (Xin đọc một bài viết rất thú vị về vấn đề này: “La philosophie du chaos” của Alain Boutot, trong Revue philosophique de la France et de l’étranger, No 2, Avril-Juin 1991, Paris, tr. 145-176.

No comments: