Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 18

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

17

Vừa đến Moskva được vài tiếng đồng hồ, khi chúng tôi còn đang tay bắt mặt mừng, nói chuyện với Vladimir Popovic, đại sứ Nam Tư, thì chuông điện thoại reo: Bộ ngoại giao Liên Xô hỏi tôi có mệt không, Stalin muốn gặp tôi ngay chiều hôm đó. Sự vội vàng như thế là bất bình thường, những người cộng sản ngoại quốc luôn luôn phải chầu chực nên họ thường kháo nhau: Đến Moskva thì dễ nhưng về thì khó. Ngay cả nếu tôi có bị mệt, mà tôi mệt thật, thì tôi cũng phải đón nhận lời mời của Stalin bằng cả hai tay; tất cả các thành viên trong đoàn đều tỏ vẻ ngạc nhiên, có cả ghen tị nữa, Koca Popovic và Todorovic nhắc nhở tôi là đừng quên mục đích của họ, mặc dù trên suốt chuyến đi tôi đã tìm hiểu rất kĩ nhu cầu của họ rồi.
Tôi rất mừng vì được gặp Stalin, nhưng đồng thời cũng suy nghĩ rất lung về lí do của sự vội vã này. Đêm đó, tôi bị chi phối bởi cảm giác mừng lo lẫn lộn như thế trong suốt buổi gặp với Stalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô khác.
Như mọi khi, khoảng chín giờ tối thì có xe đưa tôi vào Điện Kremli. Stalin, Molotov và Zhdanov đã đợi sẵn, tôi biết Zhdanov là ủy viên Bộ chính trị, phụ trách quan hệ với các đảng cộng sản quốc tế.
Chào hỏi xong là Stalin vào việc ngay:
"Ở Albania các ủy viên Ban chấp hành trung ương tự bắn vào đầu! Không tốt, rất không tốt!"
Tôi bắt đầu giải thích: Spiru Naku chống lại mối quan hệ giữa Albania và Nam Tư, ông ta tự tách ra khỏi Ban chấp hành trung ương. Nhưng tôi chưa nói hết thì Stalin đã bất ngờ nói:
"Chúng tôi không có quyền lợi gì đặc biệt ở Albania cả. Chúng tôi đồng ý để Nam Tư nuốt Albania!", vừa nói ông vừa co những ngón tay của bàn tay phải lại rồi đưa lên miệng làm bộ như đang nuốt vậy.
Tôi vô cùng ngạc nhiên, gần như cứng lưỡi vì cách thể hiện và động tác của ông, nhưng tôi không biết điều đó có thể hiện trên nét mặt không vì tôi cố gắng biến câu đó thành một lời nói đùa và coi đấy là cách thể hiện tư tưởng bình thường, có phần thô nhưng đầy hình ảnh của Stalin. Tôi lại bắt đầu giải thích: chúng tôi không muốn nuốt mà là liên kết!
Nhưng Molotov đã nói chen vào:
- Thì thế là nuốt đấy!
Còn Stalin thì vừa lặp lại động tác vừa nói:
- Đúng, đúng, nuốt. Nhưng chúng tôi đồng ý: các đồng chí phải nuốt Albania, càng nhanh càng tốt.
Mặc dù cách nói như thế, không khí có vẻ rất chân thành và cực kì hữu nghị. Ngay Molotov cũng nói một cách vui vẻ, nhã nhặn, một điều hiếm thấy xưa nay.
Tôi luôn xem xét vấn đề xích lại gần nhau và hợp nhất với Albania với lòng chân thành và tình cảm cách mạng. Cũng như nhiều người khác, tôi cho rằng việc hợp nhất, nếu được ban lãnh đạo Albania tự nguyện, không chỉ đem lại cho Nam Tư và Albania những lợi ích trực tiếp mà còn đồng thời chấm dứt mối thâm thù và xung đột truyền thống giữa người Serb và người Albania nữa. Theo tôi, còn một điều quan trọng nữa, đấy là khả năng liên kết của nhóm người thiểu số Albania ở Nam Tư vào nước Albania thuộc liên bang Nam Tư - Albania. Mọi giải pháp khác cho vấn đề người thiểu số Albania ở Nam Tư, tôi nghĩ, đều không thực tế bởi vì chuyển giao lãnh thổ Nam Tư có người Albania sinh sống cho Albania sẽ gặp phải sự chống đối quyết liệt ngay trong Đảng cộng sản Nam Tư.
Tôi, lúc đó cũng như hiện nay, không thể bác bỏ quyền tự nhiên của người Albania trong việc liên kết với chính quốc của họ, hơn nữa, tôi còn đòi cho người Nam Tư cũng được quyền như thế, thí dụ, trong giai đoạn hiện nay là người Nam Tư sinh sống ở Ý. Thêm vào đó, tôi còn có tình cảm đặc biệt đối với nước Albania và người Albania: người Albania, nhất là ở phía bắc, có tính cách và nếp sống giống người Trernogornưi, đồng bào của tôi. Sinh lực và ý chí bảo vệ bản sắc của họ cao đến mức khó dân tộc nào trên thế giới sánh kịp.
Tất nhiên là tôi không nghĩ đến việc từ bỏ quan đểm của lãnh đạo nước mình và đồng ý với Stalin nhưng câu nói của Stalin lập tức tạo ra trong lòng tôi hai ý: Thứ nhất, chính sách của Nam Tư ở Albania chưa thực sự tốt. Thứ hai, Liên Xô đã nuốt các nước vùng Ban-tích, nhận xét của Molotov đã nói thẳng ra như thế.
Hai ý đó hoà quyện với nhau thành một cảm giác nặng nề.
Có thể chính sách của Nam Tư đối với Albania có gì đó không rõ ràng và không nhất quán, tôi nghĩ, nhưng dù sao cũng không thể nào gọi là "nuốt" được. Trong đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng chính sách đối với Albania không phù hợp với nguyện vọng của những người cộng sản Albania, mà một người cộng sản như tôi lại được xem như người phản ánh ý chí của nhân dân Albania. Tại sao Naku lại tự sát? Ông ta là cộng sản, là người mác-xít chứ đâu phải "tiểu tư sản" hay "dân tộc chủ nghĩa"? Nếu người Albania, cũng như chúng tôi, muốn có một nước độc lập với Liên Xô thì sao? Nếu lợi dụng sự cách li và nghèo khó của Albania để tiến hành hợp nhất trái với nguyện vọng của nhân dân, e có dẫn đến những khó khăn và xung đột không thể khắc phục được hay không? Người Albania là một chủng tộc lâu đời và có bản sắc riêng nhưng họ lại là một quốc gia tương đối mới, vì vậy, tình cảm dân tộc chủ nghĩa của họ còn rất cao. Liệu họ có coi hợp nhất là sự đánh mất độc lập, mất bản sắc không?
Tôi liên kết ý nghĩ thứ hai, về việc Liên Xô nuốt các nước Ban-tích, với ý nghĩ thứ nhất và nhắc đi nhắc lại với mình như sau: Người Nam Tư chúng ta không thể hợp nhất theo kiểu đó, ta không có quyền làm như thế. Còn nguy cơ về việc một nước đế quốc nào đó, như Đức chẳng hạn, xâm lược Albania và sử dụng làm bàn đạp chống Nam Tư là không thể xảy ra.
Nhưng Satlin đã hỏi:
"Theo đồng chí thì Hoxha là người thế nào?"
Tôi tránh trả lời trực tiếp, nhưng Stalin đã nói đúng như ban lãnh đạo Nam Tư nhận định:
"Ông ta là người tiểu tư sản, có xu hướng dân tộc chủ nghĩa phải không? Chúng tôi nhận định như thế đấy. Người kiên định nhất là Xoxe có phải không?"
Tôi trả lời khẳng định ý kiến của ông.
Stalin kết thúc câu chuyện, kéo dài chưa đến mười phút, về Albania như sau:
"Chúng ta không có bất đồng nào cả. Đồng chí thay mặt chính phủ Liên Xô soạn một bức điện nói về chuyện đó để gửi cho Tito và ngày mai đưa cho tôi xem".
Sợ không hiểu rõ, tôi phải hỏi lại. Stalin trả lời rằng tôi phải thay mặt chính phủ Liên Xô soạn một bức điện gửi chính phủ Nam Tư.
Đầu tiên, tôi nghĩ rằng đấy là sự thể hiện sự tin cậy tuyệt đối đối với tôi và mức độ đồng thuận cao nhất với chính sách của Nam Tư ở Albania. Nhưng ngày hôm sau, khi soạn thảo bức điện, tôi chợt nghĩ rằng một lúc nào đó, nó có thể được sử dụng để chống lại chính phủ của chúng tôi cho nên tôi viết ngắn và cực kì thận trọng, nội dung như sau:
"Hôm qua, Djilas đã đến Moskva, cuộc họp được tổ chức ngay sau đó cho thấy sự nhất trí hoàn toàn giữa chính phủ Liên Xô và chính phủ Nam Tư về vấn đề Albania".
Bức điện này chưa bao giờ được gửi nhưng cũng chưa bao giờ được sử dụng để chống lại chính phủ Nam Tư trong cuộc xung đột sau đó giữa Moskva và Belgrad.
Cuộc nói chuyện còn kéo dài thêm một lúc nữa xung quanh những vấn đề không quan trọng như đặt Cominform ở Belgrad, cơ quan ngôn luận của Cominform, sức khỏe của Tito và các vấn đề khác đại loại như vậy.
Lựa chọn lúc thích hợp, tôi đặt vấn đề về trang bị cho quân đội Nam Tư và công nghiệp quốc phòng. Tôi nói rõ rằng chúng tôi hay gặp trở ngại với các đại diện phía Liên Xô, họ từ chối giúp đỡ, khi thì việc này, khi thì việc khác, lấy cớ rằng đấy là "bí mật quân sự". Stalin đứng dậy và gào lên:
"Chúng tôi không giấu các đồng chí bất cứ chuyện gì. Các đồng chí là nước xã hội chủ nghĩa anh em, chúng tôi không giấu bất cứ bí mật quân sự nào".
Sau đó ông đi lại phía bàn viết, gọi điện cho Bulganin và hạ lệnh:
"Ở đây đang có mấy người Nam Tư, có đoàn đại biểu Nam Tư, phải nghe họ nói ngay bây giờ".
Cuộc nói chuyện ở Điện Kremli kéo dài chừng nửa giờ, sau đó chúng tôi đến nhà nghỉ của Stalin ăn tối.
Chúng tôi ngồi vào xe của Stalin, có cảm tưởng như đây chính là cái xe tôi đã cùng Molotov đi hồi năm 1945. Zhdanov ngồi ghế sau, bên phải tôi, còn phía trước là Stalin và Molotov. Lúc đang đi, Stalin thắp một cái đèn nhỏ trên tấm chắn đằng trước, bên dưới cái đèn có một chiếc đồng hồ đeo tay, lúc đó gần mười giờ đêm. Tôi nhìn thấy lưng ông đã so lại, cái gáy xương xẩu và lớp da nhăn nheo bên trên chiếc cổ áo nguyên soái là cứng. Tôi chợt nghĩ: đây là một trong những người có quyền lực nhất trong thời đại chúng ta, còn bên cạnh là những cộng sự gần gũi nhất của ông ta, nếu bây giờ có một quả bom nổ tung xe chúng tôi ra từng mảnh thì vụ thảm hoạ này sẽ giật gân đến mức nào! Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ không tốt bất chợt, nó xảy ra bất ngờ đến nỗi chính tôi cũng phát hoảng và tôi lại nhìn thấy trong Stalin hình ảnh một người suốt đời nghĩ đến thắng lợi và hạnh phúc của toàn thể những người cộng sản.
Trong khi chờ những người khác, Stalin, Zhdanov và tôi đứng gần tấm bản đồ thế giới treo trong phòng lớn. Tôi lại nhìn vào Stalingrad, được khoanh bằng bút chì màu xanh, Stalin lại nhận ra sự chú ý của tôi và tôi cũng thấy rằng ông cảm thấy thích. Zhdanov cũng bắt được ánh mắt của chúng tôi, ông ta nhận xét ngay:
"Khởi đầu chiến dịch Stalingrad".
Nhưng Stalin không nói gì.
Theo tôi nhớ thì Stalin bắt đầu tìm trên bản đồ thành phố vì thành phố này cần phải đổi tên thành Kaliningrad, trong khi tìm như thế, chúng tôi bắt gặp những địa danh gần Leningrad vẫn còn mang tên Đức như dưới thời nữ hoàng Ekaterina. Stalin tỏ vẻ không thích, ông bảo Zhdanov:
"Đổi tên! Thật là không ra gì, đến giờ mà vẫn còn mang tên Đức!"
Zhdanov lấy sổ tay và một cái bút chì ra ghi chỉ đạo của Stalin.
Sau đó, tôi và Molotov đi vào toilet bên dưới tầng hầm ngôi nhà, ở đây có mấy cầu tiêu và bồn tiểu. Vừa đi, Molotov vừa kéo phéc-mơ-tuya và bình luận:
"Chúng tôi gọi như thế này là xuất rồi mới nhập".
Mặc dù tôi đã phải ngồi tù nhiều năm, trong tù thì không còn gì xấu hổ nữa, nhưng tôi vẫn ngượng nên sau khi vào cầu tiêu tôi đóng cửa lại.
Sau đó, chúng tôi lên phòng ăn, Stalin, Malenkov, Beria, Zhdanov và Voznesensky đã đợi sẵn.
Zhdanov và Voznesensky là những người tôi mới gặp lần đầu.
hết: 17, xem tiếp: 18.

Sưu tầm: Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: