Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 2 * KHỦNG HOẢNG & LỐI RA


 
Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội
(Mấy suy nghĩ về số phận lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học)
 1   2   3 
 
Mấy lời bộc bạch

Kể cũng vô duyên cho người viết những dòng này, vì có người đọc nó hay không, ai, ở đâu và bao giờ đọc, tôi không thể nào biết. Khi viết, tôi thường tự dặn lòng rằng đây chủ yếu là viết cho mình, nhưng sao vẫn nuôi hy vọng có người biết tới. Dù sao tôi cũng đã nhận được một vài lần khuyến khích, một số bài trong tập này được đón nhận không đến nỗi lạnh lùng... Chính điều đó phần nào đã giúp tôi tập hợp những bài viết trong những năm 1990 thành sưu tập này.

Hồi nhỏ tôi rất thích truyện ngắn “Người đi đường” của Lỗ Tấn. Một người đi đường không biết mệt mỏi, trời đã gần tối, vẫn mải miết đi, mặc cho lời can gián của những người không quen biết, nhất là của một em bé gái đầy thương cảm, khuyên anh ta hãy dừng chân nghỉ lại... Anh ta vẫn đi, vẫn mê mải đi tới một chân trời xa không bao giờ đi tới đang vẫy gọi mình. Hình như có một cái “nghiệp” nào đó khiến tôi phần nào giống với người đi đường kia. Và thật lạ, càng có tuổi tôi càng thích đi tới “chân trời” của mình, dĩ nhiên đây là “chân trời nhận thức”, nhưng không phải không có những chông gai và nguy hiểm.

Tôi không biết người đi đường kia có thỉnh thoảng dừng lại để nhìn lui đằng sau và ngó tới đằng trước không, còn tôi thì trên con đường khó khăn và chật hẹp của mình, tôi vẫn thường làm như vậy. Những bài viết của tôi (ít ra trong những năm 1990) là những lần dừng chân, ngẫm nghĩ chuyện đúng sai của mình... Để rồi lại đi, lại thỉnh thoảng dừng chân ngẫm nghĩ. Để rồi tự vượt mình không biết bao nhiêu lần khi sức lực cứ cạn dần. Để rồi cứ đeo đuổi những đường viền mờ ảo của chân trời xa...

Lẽ ra tôi phải làm các sưu tập của những năm 1970 và 1980 để tiện so sánh những chặng đường nhận thức khác nhau của mình, nhưng xét thấy mình không đủ sức. Đành bằng lòng với tập Suy tư 90 này. Một số bài trong sưu tập, viết xong tôi có đưa cho một số anh em bạn bè đọc (có lẽ qua con đường chuyền tay này, những bài viết ấy cũng được đón nhận ở nước ngoài và - ngoài sự mong đợi của tôi - được in trên một vài tờ báo và tạp chí, thậm chí được xuất bản thành sách). Một số bài khác, viết xong rồi để đó, bây giờ cũng đưa vào đây. Và, cuối cùng, có một số bài viết theo yêu cầu của các “đề tài nghiên cứu” (nghĩa là có đặt hàng chính thức) nhưng rồi bị xếp vào ngăn kéo, không ai đọc trừ người nhận bài...

Một chuyện cũ nhắc lại cho vui. Tại một cuộc hội nghị, một người phụ trách công tác tư tưởng, khi dẫn ra những tài liệu “chống đối”, có nói tới khoảng mười bài của tôi, nhưng một quan chức an ninh đã đính chính: tôi có những hai mươi bài kia! Hóa ra “bạn đọc” có bài của mình hơn chính mình nhớ.

Tất cả những bài có được trong tay, tôi đưa vào sưu tập này. Tôi để nguyên những bài đó, chỉ sửa lại một số chỗ sai sót “kỹ thuật”. Ở đầu một số bài, tôi có ghi lại những gì cần thiết, như một lời dẫn trước khi vào bài. Nói chung, khi xem lại những bài trong sưu tập này, tôi không cảm thấy xấu hổ lắm, tuy ở đây đó có những nhận định không phù hợp hoàn toàn với những diễn biến của tình hình sau đó. Nói chung, tôi vẫn thuộc loại người còn “quá lạc quan”, nhưng không đến nỗi “tếu”.

Tôi muốn gọi sưu tập này là “hậu mác-xít”, vì những bài trong đó nói chung in dấu một chuyển biến lớn về nhận thức của tôi cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990: từ bỏ hệ tư tưởng mác-xít, một sự từ bỏ mà tôi có lần đã viết, giống như một “cuộc lột xác không phải không đau đớn”. Một người bạn thân một hôm đến gặp tôi, hỏi với giọng bực bội và trách móc: “Nghe nói cậu từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin rồi phải không?” Tôi trả lời: “Mấy chục năm nay, tôi đội chủ nghĩa Mác-Lênin lên đầu, giống như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không. Bây giờ tôi tháo cái vòng kim cô ấy ra. Còn với Mác cũng như những nhà tư tưởng mác-xít lớn khác, tôi đặt họ bên cạnh và ngang hàng với những nhà tư tưởng lớn của loài người qua các thời đại. Thế thôi!”. Anh bạn dịu hẳn giọng: “Thì mình cũng đang làm điều đó!”.

ở một xứ sở đặt hệ tư tưởng chính thống lên trên hết, từ bỏ nó không phải là chuyện dễ làm. Phải trả giá rất đắt cho sự từ bỏ này. Suy tư 90 chính là hành trình của sự từ bỏ ấy. Nó có được in ra không, có được đón nhận với một sự cảm thông đầy đủ không, tôi không biết. Nhưng nó là con đẻ đứt ruột của tôi, tôi yêu quí nó và hy vọng nó sẽ sống - dù là âm thầm - cả sau khi tôi không còn trên mặt đất này. Còn sống, có lẽ cái “nghiệp” của người đi đường kia vẫn sẽ dành cho tôi...

Hà Nội, tháng Mười 2002




Có lẽ số phận của tôi được dành cho chủ nghĩa cộng sản. Bố tôi là một người cộng sản từ đầu những năm 1930. Hồi tôi mới được mấy tháng, mẹ tôi từng bế tôi tới nhà pha thăm bố tôi đang ngồi “tù cộng sản”. Những năm tôi còn nhỏ, các đồng chí của bố tôi thường bí mật lui tới nhà tôi, mà trong con mắt tôi đó là những người đáng kính trọng nhất. Năm 1945, tôi tham gia hoạt động Việt Minh và tự mình tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản qua sách báo và những đảng viên công sản bằng xưng bằng thịt. Đầu năm 1947, lúc mới 16 tuổi, tôi trở thành một người cộng sản chính cống. Và bây giờ, khi tuổi đã gần lục tuần, từ trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn tự coi mình là người cộng sản, hơn nữa, một người cộng sản kiên định, dù đã trả qua những thử thách mà chính tôi không hề lường trước. Nhưng đây không phải là chỗ kể lại những điều này.

Tôi nói như thế chỉ cốt để nói một điều: viết bản đề cương này không phải là kết quả của mấy giây phút suy nghĩ bất thần, một “cơn hứng” chốc lát, mà thật sự đây là kết quả của cả một đời người (gần như thế) thể nghiệm chủ nghĩa cộng sản bằng trí tuệ và hành động của chính mình. Nghĩa là kết quả của một cuộc “tự lột xác” không phải không đau đớn.

Để đi tới những nhận thức lý luận mới - xin tạm gọi như thế, vì chỉ có một hệ thống quan điểm được cuộc sống chứng minh thì mới đáng coi là lý luận - tôi đã trải qua nhiều chặng đường nhận thức khác nhau, tự hỏi và tự trả lời, cố tìm những câu trả lời từ những sách báo đọc được, từ những thông tin đa dạng và đối nghịch nhau, có hệ thống và không có hệ thống, cứ thế đi mãi cho tới cuộc “tự lột xác” triệt dể này.

Tôi không phải là một người được học nhiều, càng không phải là một nhà khoa học, dù ở bất cứ lĩnh vực nào. Cuộc đời không dành cho tôi sự may mắn ấy. Những gì được viết ra đây nhiều lắm cũng chỉ là những cố gắng của một người sống có thiện chí với cuộc đời, một người ham đọc, và cũng ham suy nghĩ. Nhưng tôi không thể không viết ra. Trước hết vì một “thôi thúc nội tâm”, như người ta thường nói. Không viết không chịu được, đơn giản có thế thôi. Viết để tự giải đáp, viết để ghi lại một nhận thức đã đạt tới ở thời điểm này.

Luôn luôn đi tìm chân lý, nhưng tôi không hề coi những suy nghĩ trong đề cương này là chân lý, dù chỉ là những chân lý thô sơ.

Những điều kiện sống và làm việc quá ngặt nghèo cũng không cho phép tôi trình bày những suy nghĩ của mình dưới một hình thức hoàn chỉnh hơn, một cuốn sách nghiên cứu, chẳng hạn. Để viết một cuốn sách như vậy, ít ra phải mất một - hai năm. Mà những suy nghĩ thì cứ thôi thúc phải được bật ra, phải được ghi lên những trang giấy, thành hình thù, thành đường nét rõ ràng, vào đúng thời điểm này.

Đề cương này, vì thế, được viết chỉ trong mười lăm ngày. Cũng vì viết trong một thời gian ngắn như thế, nên cũng chỉ ghi lại những gì có sẵn trong đầu mình. Những gì tiếp nhận được từ các tác giả khác, tôi cũng trình bày dưới dạng đã đọng lại trong đầu mình. Cái hay (nếu có) và cái dở (chắc chắn có) của đề cương này trước hết bắt nguồn từ việc “viết bộ” ấy.

Như vừa nói, tôi phải viết và chỉ có thể viết được mấy chục trang dưới đây chính là vào đúng thời điểm này. Thời điểm của những biến động dữ dội của thế giới xã hội chủ nghĩa, thời điểm của những biến động cũng dữ dội không kém trong tâm hồn của mỗi người cộng sản, tôi tin thế. Thời điểm của vô số câu hỏi. Thời điểm của những trả lời vô cùng khó khăn. Thời điểm mà mỗi người biết suy nghĩ phải chịu ơn. (Có lẽ trong lịch sử tiến hóa của loài người, không có nhiều thời điểm giống như thời điểm này).

Cuối cùng, tôi phải nói một điều cho thật rành mạch với chính mình: khi làm công việc xem xét lại vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội, khi đi tới kết luận phải từ bỏ học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi vẫn tự coi mình là một người mác-xít. Bởi vì, trong những yếu tố giúp tôi làm công việc này, yếu tố đầu tiên và chủ yếu vẫn là phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác. Một người mác-xít từ bỏ chủ nghĩa xã hội khoa học của chủ nghĩa Mác, một nghịch lý chăng? Một sự quái gở chăng? Xin bạn đọc cứ phán xét. Riêng tôi, khi làm như vậy, tôi cảm thấy mình càng trở thành mác-xít hơn.

Cơn đau đẻ đã qua. Đứa con tinh thần của tôi đã ra đời. Hình hài của nó có được chấp nhận không, nó sẽ lớn lên hay chết yểu đi, số phận của nó có may mắn hơn số phận của người đẻ ra nó không, hay còn tệ hại hơn, trong giây phút mệt mỏi sau cơn đau đẻ này, tôi không dám trả lời. Xin để cho cuộc sống làm việc...

Hà Nội, 21 giờ ngày 15 tháng Giêng 1990


1.

Thập kỷ 1980, nhất là nửa thứ hai của nó, đã đặt ra một cách nghiêm ngặt vấn đề vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa xã hội, về lý luận cũng như về thực tiễn. To be or not to be - đó là vấn đề.

Một số nhà tư tưởng và chính khách phương Tây đang dự báo sự cáo chung của chủ nghĩa xã hội về mặt lịch sử (Brezinski: “kỷ nguyên hậu cộng sản” - postcommunisme). Và ở ngay trong các nước xã hội chủ nghĩa, cũng có người coi chủ nghĩa xã hội như một “thử nghiệm lịch sử sai lầm” và tuyên bố từ bỏ không thương xót.

Vấn đề quả rất nghiêm trọng. Không chỉ đối với vận mệnh của chủ nghĩa xã hội, mà còn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người nói chung. Khi loài người chưa tạo ra được những hình thái xã hội nào cao hơn, khi sự lựa chọn vẫn chỉ là giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, thì sự không tồn tại của chủ nghĩa xã hội chỉ có nghĩa là sự độc tôn của chủ nghĩa tư bản. Và nó sẽ dẫn loài người tới đâu, không thể đoán trước được. Nhưng có một điều chắc chắn: sự giải phóng con người không thể nào thực hiện được với chủ nghĩa tư bản, dù nó có thể có những biến hóa nào khác đi nữa. Những nhà tư tưởng sáng suốt ở phương Tây trước đây và cả hiện nay đã nói rất thuyết phục về vấn đề này.

Nhưng, chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại như đã từng tồn tại hơn một nửa thế kỷ nay (kể từ khi Liên Xô tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội về cơ bản vào giữa những năm 30). Thực tiễn đã kiểm nghiệm nó qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau và, cuối cùng, đã bác bỏ nó. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nếu muốn tiếp tục tồn tại, nó phải tự vượt mình lên một trình độ mới về chất. Không chỉ tự vượt mình về mặt thực tiễn, thậm chí cũng không phải “đi tới một bộ mặt mới” như hiện đang nói. Chủ nghĩa xã hội phải được biến đổi tận gốc, từ những nhận thức lý luận cơ bản. Người ta đang kêu gọi trở về với nguồn gốc lý luận ở Mác, Ăng-ghen và Lênin, trong khi cũng đòi hỏi phải xuất phát từ những hiện thực lớn nhất của thời đại, từ trình độ văn minh hiện đại của loài người. Thoạt nhìn, cách đặt vấn đề như vậy có vẻ là đúng. Nhưng nếu nghiên cứu sâu hơn, một cách đặt vấn đề như vậy cũng chưa triệt để về nhận thức lý luận và, do đó, lại dẫn tới một sự bế tắc mới với những hậu quả có lẽ không kém gì những hậu quả của nhận thức lý luận cũ về chủ nghĩa xã hội.

Trở về với Mác, Ăng-ghen, Lênin - với học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học (đích thực chứ không phải bị xuyên tạc) của các nhà tư tưởng vĩ đại ấy là một chuyển biến trọng yếu để thay đổi bộ mặt của chủ nghĩa xã hội. Không thể phủ nhận rằng những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học của các nhà tư tưởng đó đã đánh dấu một bước phát triển về chất của tư tưởng giải phóng con người, giải phóng loài người. Trong di sản tư tưởng của họ, có nhiều cống hiến độc đáo, không thể thay thế được vào con đường đi tới những “chân lý tuyệt đối” không bao giờ đạt được của loài người. Và cho đến nay, về cơ bản, phép biện chứng duy vật của họ vẫn chưa có một lý luận và phương pháp luận nào vượt qua được [1] .

Nhưng chỉ trở về với Mác, Ăn-ghen, Lênin, dù với một tinh thần phê phán đến mức nào đi nữa, cũng không đủ. Học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học được sản sinh ra trong những điều kiện lịch sử hoàn toàn khác với thời đại hiện nay, chưa nói tới những gì sẽ diễn ra sau này. Nền tảng xã hội và lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học qui định những nội dung cơ bản của nó. Và một khi những nền tảng ấy thay đổi, thì những nội dung của nó không thể giữ nguyên vẹn giá trị như trước.

Tôi suy nghĩ một cách rất thành thật rằng, nếu Mác, Ăng-ghen, Lênin còn sống trong thời đại của chúng ta, thì với phép biện chứng duy vật của mình, họ cũng sẽ làm lại lý luận của mình như đã từng khởi đầu.


2.

Khi nói tới chủ nghĩa xã hội với bộ mặt hơn một nửa thế kỷ của nó, một số người cho rằng những bi kịch và thất bại của nó (bên cạnh những thành tựu không thể chối cãi) bắt nguồn từ chủ nghĩa Stalin. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng một nửa.

Với những quan niệm thô thiển về lý luận và những hành vi bạo lực thô bạo về thực tiễn của ông, Stalin đã làm biến dạng chủ nghĩa xã hội khoa học đã được các nhà kinh điển mác-xít đề xướng. Nói một cách khái quát, Stalin và những người theo chủ nghĩa Stalin (trong đó có tôi một thời gian khá dài trước đây) xuất phát từ một cơ sở xã hội và lịch sử thấp hơn chủ nghĩa tư bản, do đó khi phủ nhận chủ nghĩa tư bản để “xây dựng” một hình thái xã hội cao hơn - chủ nghĩa xã hội theo quan niệm của mình - thì trong thực tế đã kéo lùi xã hội về giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa. Tất cả những tiến bộ mà loài người đã đạt tới dưới chủ nghĩa tư bản (thị trường và kinh tế hàng hóa, giao lưu quốc tế, chế độ dân chủ và Nhà nước pháp quyền...) đều bị vứt bỏ cùng với chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Thay vào đó là những quan hệ kinh tế và xã hội thấp hơn (kinh tế hiện vật, chế độ độc đoán gia trưởng...) dưới cái mũ mới “xã hội chủ nghĩa”.

Chủ nghĩa xã hội khoa học, nếu thực hiện đúng như những dự kiến của các nhà kinh điển mác-xít, chắc chắn đã mang một bộ mặt khác hơn, hợp lý hơn và cao hơn chủ nghĩa tư bản dưới trạng thái cổ điển của nó. Tiếc thay, điều đó lại không xẩy ra do điều mà người ta thường gọi là “biện chứng của lịch sử”.

Không thể hình dung được một xã hội được tổ chức theo đúng học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học là thế nào, vì thế khó phán xét những mặt tích cực và tiêu cực của nó. Sự vận động lịch sử đã tước mất khả năng đó của chúng ta.

Và bây giờ, chính sự vận động lịch sử lại đặt ra vấn đề chủ nghĩa xã hội trên một bình diện hoàn toàn khác trước. Chủ nghĩa xã hội hình thành về lý luận vào giữa thế kỷ XIX - đầu thể kỷ XX rõ ràng là không còn thích hợp nữa. Nói cách khác, vấn đề không phải chỉ là “sửa sang” lại “chủ nghĩa xã hội hiện thực” theo hình ảnh của những quan niệm vốn có của chủ nghĩa xã hội khoa học, mà là phải xem lại chính bản thân học thuyết đó. Phải đổi mới học thuyết về chủ nghĩa xã hội một cách căn bản, không thể khác.

Cũng xin nói thêm một điểm không thể bỏ qua: chính Stalin và những người theo chủ nghĩa Stalin (trong đó có những người mang phẩm chất đạo đức tốt đẹp, những chiến sĩ cách mạng trong sáng, mà có lẽ số đông là như thế) đã dựa, ở một mức độ không nhỏ, vào một số luận điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học do Mác và Ăng-ghen đề xướng. Ví dụ nổi bật nhất là Nhà nước hóa toàn bộ đời sống kinh tế của xã hội mà Stalin đưa lên thành nền tảng và hình thức chung của chủ nghĩa xã hội; quan niệm đó ở một mức độ lớn, nếu không phải là quyết định, bắt nguồn từ một luận điểm trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản: “giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị chính trị của mình... để tập trung tất cả những công cụ sản xuất vào trong tay Nhà nước”, và về sau này Ăng-ghen còn nhấn mạnh lại: “Giai cấp vô sản chiếm được chính quyền và biến tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu của Nhà nước”. Những ví dụ như vậy có thể nhắc tới nhiều.


3.

Dưới hình thức một đối cực có thể thay thế cho chủ nghĩa tư bản cổ điển, chủ nghĩa xã hội đã phát sinh và phát triển ngay trong lòng xã hội tư sản. (Một sự ngộ nhận của không ít người là khi nói chủ nghĩa xã hội, chỉ nhìn vào các nước xã hội chủ chủ nghĩa hiện có, mà quên khuấy đi rằng chủ nghĩa xã hội dưới hình thức những tư tưởng, những quan niệm đã ra đời ngay trong xã hội tư sản và cả ngày nay vẫn tồn tại ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. (Chưa nói tới những hình thức nguyên thủy của tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra đời từ rất lâu, chẳng hạn trong cơ đốc giáo nguyên thủy, như Ăg-ghen từng chứng minh).

Tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa xã hội trong các thời đại khác nhau - từ chủ nghĩa xã hội không tưởng đến chủ nghĩa xã hội “khoa học” - là xóa bỏ chế độ tư hữu, nguồn gốc của mọi bất công xã hội, cơ sở của chế độ người bóc lột người, và thay thế vào đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Sự khác nhau căn bản giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội “khoa học”, như đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các sách giáo khoa về chủ nghĩa xã hội, là ở chỗ: chủ nghĩa xã hội không tưởng xuất phát từ những nguyện vọng tốt đẹp của con người về một xã hội công bằng, và nguyện vọng ấy được thực hiện hoặc bằng “tuyên truyền”, hoặc bằng “những thí nghiệm kiểu mẫu”, do đó không thể không rơi vào ảo tưởng; còn chủ nghĩa xã hội “khoa học”, theo chính lời những người sáng lập ra nó, dựa vào một trình độ phát triển xã hội nhất định, không chỉ phát hiện ra bản chất của các quá trình bóc lột tư bản chủ nghĩa về mặt khoa học, mà còn phát hiện được một giai cấp xã hội mang sứ mệnh lịch sử “đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”: giai cấp vô sản. Theo đó, chủ nghĩa xã hội khoa học đã được đặt trên “cơ sở hiện thực”, nắm được một “sức mạnh vật chất” chưa từng thấy.

Được đặt trên cơ sở “khoa học” và “hiện thực” (ở giữa thế kỷ XIX), chủ nghĩa xã hội đã tranh thủ được sự đồng tình của quần chúng vô sản ngày càng đông đảo. Phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa có những bước nhảy vọt về số lượng và chất lượng (nhất là với sự ra đời của Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai).

Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong những thành tựu của tư tưởng loài người. Nó mở ra những khả năng to lớn và mạnh mẽ để đi tới xóa bỏ chế độ ngưòi bóc lột người. Không có chủ nghĩa khoa học, không thể có những cuộc cách mạng vô sản làm lay chuyển chế độ tư bản chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhất là cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 chọc thủng một mắt xích quan trọng của hệ thông tư bản chủ nghĩa thế giới. Không có chủ nghĩa xã hội khoa học, không thể có hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và, như vậy, cũng không thể có bộ mặt hiện nay của thế giới với mấy đặc trưng: hòa bình được giữ vững, không có chiến tranh thế giới, dù có “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang; phong trào giải phóng dân tộc lan rộng và thành công ở nhiều nước Á, Phi và Mỹ latin; bản thân chế độ tư bản chủ nghĩa cũng phải tự điều chỉnh theo hướng làm dịu bớt những mâu thuẫn xã hội - giai cấp trong lòng nó.


4.

Phủ nhận vai trò của chủ nghĩa xã hội khoa học về lý luận và thực tiễn là không đếm xỉa tới một trong những hiện thực lớn nhất của rhế kỷ XX, và do đó, dẫn tới một chủ nghĩa hư vô mới.

Nhưng không thể không nhìn thấy những hạn chế của nó cả về lý luận và thực tiễn.

Hình thành như một đối cực của chủ nghĩa tư bản cổ điển, nó mang tính chất phủ định chủ nghĩa tư bản một cách máy móc. Các nhà lý luận lớn nhất của nó không phải không nhắc tới những thành quả văn hóa, khoa học và kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản khi xây dựng xã hội mới (điều đó thấy rõ nhất ở Lênin), nhưng về căn bản lại nhấn mạnh những đối cực tuyệt đối giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản do đồng nhất những trình độ tiến bộ mà loài người đã đạt được với hình thái tư bản chủ nghĩa của chúng.

Thị trường và quan hệ hàng hóa - tiền tệ phổ biến được nhận thức như sản phẩm của chế độ tư hữu. Xóa bỏ chế độ tư bản, do đó, cũng có nghĩa là xóa bỏ thị trường và các quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thay vào đó là một nền sản xuất và phân phối bằng hiện vật theo một kế hoạch thống nhất và tận từng chi tiết.

Chế độ tư hữu được coi là nguồn gốc của mọi bất công xã hội, do đó, việc xóa bỏ nó (tuy có phân biệt về thời gian và biện pháp) được tiến hành một cách tuyệt đối, và thay vào đó là chế độ công hữu phổ biến, do Nhà nước hoàn toàn kiểm soát và chi phối cũng một cách tuyệt đối.

Xã hội công dân mà cơ sở của nó, như Mác nói, là sự tự do của cá nhân, bao gồm sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn nhất định của lực lượng sản xuất, lấy cá nhân công dân làm chủ thể. Vì xã hội công dân phát triển ở trình độ cao cùng với giai cấp tư sản và chế độ tư hữu, nên với sự xóa bỏ giai cấp tư sản và chế độ tư hữu, cũng như sự tập trung tất cả lực lượng sản xuất vào tay Nhà nước, xã hội công dân cũng biến mất, thay vào đó là xã hội Nhà nước hóa, “xã hội chính trị”, các công dân chỉ còn tồn tại như một bộ phận của Nhà nước, mất địa vị chủ thể của mình.

Nhà nước trong xã hội tư sản được coi là chuyên chính của giai cấp tư sản, tất cả các thể chế dân chủ mà con người đã giành được qua hàng thế kỷ đấu tranh giải phóng khỏi chế độ quân chủ, độc tài, bị coi là những thể chế tư sản, bị giai cấp tư sản lợi dụng và lũng đoạn, do đó cũng bị xóa bỏ một cách tuyệt đối, thay vào đó là sự thiết lập chuyên chính vô sản với những thể chế riêng của nó mang tính chất dân chủ hình thức;

Các hệ thống tư tưởng trong xã hội tư sản bị coi là hệ tư tưởng tư sản (vì “hệ thống tư tưởng trong bất cứ xã hội nào cũng là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị”) nên với việc xóa bỏ giai cấp tư sản, cũng xóa bỏ toàn bộ các hệ thống tư tưởng trong xã hội tư sản và thay vào đó, đã thiết lập sự thống trị của “hệ tư tưởng vô sản” một cách phổ biến và tuyệt đối. Toàn bộ đời sống văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng đều được xem xét qua lăng kính hệ tư tưởng mang tính chất giai cấp hết sức chặt chẽ. Tính giai cấp (hay “lập trường giai cấp” được coi là giá trị tinh thần và tư tưởng cao nhất, chi phối tất cả. Những giá trị phổ biến của con người - nhất là những giá trị văn hóa và đạo đức - bị đưa xuống hàng thứ yếu; con người được đồng nhất một cách tuyệt đối với con người-giai cấp; vân vân và vân vân.

Tất cả những điều đó đi ngược lại với những sức mạnh bản chất của con người, với sự tồn tại của chính những cá nhân con người, cơ sở của mọi sự phát triển xã hội. Dù có tuyên bố lấy sự phát triển tự do của mỗi cá nhân làm điều kiện của sự phát triển tự do của toàn xã hội, thì trong nhận thức và thực tiễn, “cái xã hội”, “cái tập thể” vẫn đè lên trên “cái cá nhân”, tính chủ thể của xã hội và Nhà nước vẫn đè lên trên tính chủ thể của con người cá nhân, của cá nhân công dân.

Chủ nghĩa xã hội “khoa học” mất đi tính chất khoa học của nó (hay nói đúng hơn, phơi bày tính chất phi khoa học của nó). Vì sự tồn tại và phát triển của khoa học bao giờ cũng đòi hỏi những điều kiện dân chủ và tự do của các cá nhân, bao giờ cũng diễn ra trong những đối chiếu, tranh luận, chứng minh của những quan điểm đối lập nhau, thay thế nhau. Không có những điều kiện ấy, chủ nghĩa xã hội “khoa học” - cả về lý luận và thực tiễn - dễ trở thành (và trong thực tế đã trở thành) một thứ chử nghĩa xã hội giáo điều và độc tôn.


5.

Đó là nói chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn đối cực với chủ nghĩa tư bản cổ điển, trong giai đoạn văn minh công nghiệp của loài người (thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Một sự đối cực tuyệt đối, một sự phủ định máy móc như vậy đối với xã hội tư sản, đối với chủ nghĩa tư bản cũng đã phơi bày những điểm yếu của nó rồi. Nhưng dù sao, trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản cổ điển, trong giai đoạn văn minh công nghiệp, nó cũng có những lý do tồn tại ở chính sự đối cực tuyệt đối với chủ nghĩa tư bản. Bởi vì trong giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản mang theo nó những căn bệnh xã hội vô cùng trầm trọng, đe dọa sự tồn tại của tất cả những người lao động nghèo khổ và, do đó, đe dọa sự tồn tại của chính bản thân xã hội. Khủng hoảng, chiến tranh, bần cùng hóa, bóc lột thuộc địa tận xương tủy, suy đồi đạo đức và tinh thần... là những thuộc tính của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này. Do chủ nghĩa xã hội khoa học đề xướng thiết lập một chế độ xã hội thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo ấy của xã hội tư sản, nên nó đã có thể tồn tại và phát triển như một đối cực tích cực của chủ nghĩa tư bản, như một sự phủ định tích cực đối với chủ nghĩa tư bản. Nhưng, như đã nói trên, ngay trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa đã được thiết lập, đã có những biến đổi tích tụ lại ngày càng lớn, nên vai trò của nó trong sự phát triển xã hội bị hạn chế và cũng mất dần vì thường dự báo sai về triển vọng của chủ nghĩa tư bản.

Đáng lẽ chủ nghĩa xã hội, bằng sự phủ định của nó đối với chủ nghĩa tư bản trên cơ sở tiếp thụ và nhân lên những giá trị tiến bộ của loài người, phải đi trên “con đường lớn” của sự phát triển xã hội loài người, thì dần dần, nó lại tách khỏi “con đường lớn” ấy để trở thành một “đường nhánh” và cuối cùng lâm vào ngõ cụt.

Và một nghịch lý trớ trêu là nó lại trở thành cái đối cực đối với chính bản thân nó, nói đúng hơn, với chính những mục tiêu do nó đặt ra trong sự nghiệp giải phóng con người, thậm chí cả với những nguyên lý làm nền tảng của nó:

  • Nó nhằm giải phóng con người, nhưng lại đặt con người vào những hoàn cảnh phải tự giải phóng;
  • Nó tuyên bố lấy việc thay đổi và nâng cao đời sống vật chất làm nền tảng của đời sống xã hội nhưng kết quả là đời sống tư tưởng - tinh thần lại đóng vai trò đó (xã hội bị lộn ngược);
  • Nó chủ trương quần chúng nhân dân làm động lực phát triển lịch sử, nhưng kết quả là quần chúng nhân dân bị một số cá nhân chi phối;
  • Nó tuyên bố Nhà nước phải “tự tiêu vong” nhưng kết quả là Nhà nước càng phình lớn lên và “tự hoàn thiện” đến mức tối đa;
  • Nó coi Nhà nước và các tổ chức lãnh đạo quần chúng (trước hết là “đảng vô sản”) là những công cụ - không thể thiếu được nhưng chỉ là những công cụ, không hơn không kém - của sự nghiệp giải phóng con người, nhưng trên thực tế đã biến những công cụ ấy thành cứu cánh;
  • Và cuối cùng, nó đấu tranh để con người khỏi bị tha hóa, thì con người lại bị tha hóa dưới một dạng khác còn nghiêm trọng hơn.
Những nghịch lý ấy sớm muộn cũng dẫn nó tới khủng hoảng.

Giai đoạn văn minh mới của loài người (văn minh hậu công nghiệp, văn minh tin học, văn minh “lấy con người làm gốc”, giai đoạn “trí quyển” [noosphere]..., theo những cách gọi khác nhau) càng làm cho sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội bùng nổ sớm hơn và mãnh liệt hơn. Nhất là khi bên cạnh nó, cái đối cực của nó là chủ nghĩa tư bản lại chứng tỏ sức sống dai dẳng và ngày càng tăng, bằng những “sửa đổi”, “điều chỉnh” theo những yêu cầu của nền văn minh mới, thì khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội lại càng mang tính chất nặng nề vì nó không chứng tỏ tính hơn hẳn đối với chủ nghĩa tư bản, mà ngược lại, chủ nghĩa tư bản đang chứng tỏ tính hơn hẳn của nó ở những lĩnh vực cơ bản của đời sống con người và xã hội, mặc dầu chính chủ nghĩa tư bản cũng đang vấp phải những mâu thuẫn và khủng hoảng mới.


6.

Những hạn chế của chủ nghĩa xã hội khoa học là do những điều kiện lịch sử qui định. Giống như mọi học thuyết xã hội khác, chủ nghĩa xã hội khoa học không thể thoát khỏi những điều kiện lịch sử khi nó hình thành. Không những sự phê phán xã hội tư sản bị qui định như vậy, mà cả sự phóng chiếu (projection) về xã hội tương lai cũng thế. Những tiên đoán của các nhà sáng lập chủ nghĩa khoa học về xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa tuy hết sức táo bạo, nhưng cũng rất trung thành với những điều kiện xã hội đương thời. Mặc dầu các nhà sáng lập ấy không vẽ ra một cách cụ thể những đường nét của chủ nghĩa xã hội, mà chỉ đưa ra những dự đoán dè dặt (chủ yếu ở một số tác phẩm về cuối đời của Mác, Ăng-ghen và cả Lênin), nhưng, thứ nhất, đó là những ý kiến có tính hệ thống rất cao, do đó, mang tính chỉ đạo rất lớn, và thứ hai, những ý kiến ấy đã biến thành những giáo điều gần như bắt buộc đối với các thế hệ đi theo chủ nghĩa xã hội về sau này, tuy có những điều chỉnh nào đó.

Về đại thể, sự hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học bị qui định bởi những điều kiện lịch sử sau đây:

  1. Trạng thái phát triển của lực lượng sản xuất đương thời, mà theo cách nhìn ngày nay, đó là trạng thái “văn minh công nghiệp”, với tất cả những hứa hẹn và những hạn chế về phân công lao động cũng như về quan hệ giữa con người và hệ sinh thái của nó.
  2. Chủ nghĩa nhân văn cổ điển và trình độ phát triển của các khoa học nhân văn đương thời.
  3. Ảnh hưởng còn rất to lớn của các học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng, nhất là đối với sự phóng chiếu về tương lai.
Không phải Mác và Ăng-ghen bị qui định một chiều bởi những điều kiện đó. Trong khuôn khổ hoàn cảnh lịch sử hồi bấy giờ, Mác và Ăng-ghen đã làm được một cuộc cách mạng lớn về nhận thức mà cho đến nay có những mặt chưa ai vượt qua được.

(Nhân đây xin nói rõ: sự phê phán chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác và Ăng-ghen không đồng nhất với sự phê phán chủ nghĩa Mác nói chung, nhất là ở mặt phương pháp luận biện chứng duy vật của nó. (Và điều này có vẻ như một nghịch lý: chính phương pháp luận ấy cung cấp những căn cứ vững chắc để tiến hành phê phán chính bản thân chủ nghĩa xã hội khoa học. Một lần nữa, càng thấy rõ chủ nghĩa Mác là một hệ thống mở, cho phép loại bỏ những gì lỗi thời trong chính bản thân nó và bổ sung những gì mới mẻ của thời đại vào nội dung của nó).

Cũng từ đó, cần bác bỏ một luận điểm được lưu hành lâu nay coi chủ nghĩa Mác đồng nhất với chủ nghĩa xã hội khoa học, thậm chí còn qui thực chất của chủ nghĩa Mác vào nhận thức về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, hoặc vào chuyên chính vô sản. Luận điểm này làm nghèo nàn đi rất nhiều toàn bộ hệ thống của chủ nghĩa Mác và trong thực tế là “rút ngắn tuổi thọ” của nó. Điều này cũng thấy ở cả Ăng-ghen)

Mác là một thiên tài của loài người. Và cũng giống mọi thiên tài khác, Mác vừa vượt lên thời đại mình, vừa bị thời đại mình qui định.

Và nếu như ngày nay có thể nhận ra những hạn chế của chủ nghĩa xã hội khoa học (một điều chưa thể làm được trong các giới mác-xít cách đây chưa lâu), thì đó là nhờ ở những điều kiện lịch sử mới của loài người. Nói như Mác, loài người chỉ có thể đặt ra những vấn đề mới cho mình khi xuất hiện những điều kiện để giải quyết những vấn đề đó.


7.

Trước hết, về trình độ phát triển lực lượng sản xuất ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, về “văn minh công nghiệp”. Trên con đường phát triển xã hội, sự ra đời và phát triển của công nghiệp trên cơ sở giao lưu thế giới ngày càng mở rộng đã đưa xã hội loài người lên một trình độ cao hơn văn minh nông nghiệp (tiền công nghiệp) rất nhiều: năng suất lao động xã hội và cùng với nó là những khối lượng sản phẩm xã hội tăng gấp hàng trăm, hàng nghìn lần so với trước đó. Dưới con mắt của những người từng sống trong trạng thái văn minh ấy, của cải xã hội rõ ràng “tuôn ra như suối”. Thị trường và các quan hệ hàng hóa trở thành những phạm trù mang tính phổ biến và từ nay đã có thể nói tới một “nền kinh tế thế giới”. Chế độ tư hữu đã từng tồn tại lâu đời trước đó, bây giờ lại đạt tới trình độ hoàn chỉnh và tối ưu với một giai cấp tư sản chi phối mọi khâu của dây chuyền kinh tế, từ sản xuất, phân phối đến trao đổi, tiêu dùng. Nhưng đồng thời, sự phân hóa giai cấp càng được thúc đẩy nhanh chóng và bộc lộ những hình thức “trần truồng” của nó. (Chỉ cần đọc lại Tuyên ngôn của đảng cộng sản cũng đủ thấy bức tranh cô đọng nhất và cũng sâu sắc nhất về tình hình này).

Đối với sự hình thành chủ nghĩa xã hội khoa học, “nền văn minh công nghiệp” có một tác động trực tiếp và có thể nói có ý nghĩa quyết định. Chủ nghĩa xã hội khoa học rút ra từ đó những kết luận nền tảng của mình:

  • Đại công nghiệp, cơ sở của sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã tạo ra một sức mạnh xã hội mới, chưa từng thấy trước kia: giai cấp vô sản công nghiệp;
  • Giai cấp này vừa là người sáng tạo chủ yếu ra mọi của cải xã hội, nhưng cũng là giai cấp bị bóc lột nhiều nhất bằng giá trị thặng dư, bị đẩy vào tình trạng bần cùng hóa tương đối và tuyệt đối, bị tha hóa đến cùng cực, do đó nó được coi là cách mạng nhất trong xã hội, có sứ mệnh lịch sử là “kẻ đào huyệt chôn vùi chủ nghĩa tư bản”;
  • Chế độ tư hữu không tương dung với sản xuất công nghiệp, do mâu thuẫn căn bản giữa tính chất xã hội của lực lượng sản xuất và tính chất tư nhân về quan hệ sản xuất, mâu thuẫn đó sẽ dẫn tới những bùng nổ xã hội, những cuộc cách mạng xã hội mới, trong đó chế độ tư hữu sẽ bị thủ tiêu hoàn toàn và thay vào đó là chế độ công hữu phổ biến;
  • Với sản xuất công nghiệp có năng suất cao, có thể từ “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” lúc đầu để rồi tiến lên “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” sau này, trong xã hội cộng sản.
Mác và Ăng-ghen tuy không nói nền “văn minh công nghiệp” là hình thức văn minh cao nhất và cuối cùng của loài người, nhưng trong con mắt của các ông, nó tạo ra những điều kiện đầy đủ và chín muồi để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Cái vĩ đại của các ông là ở đó, nhưng cái ngộ nhận của các ông cũng chính ở đó.

Ngày nay, về cơ bản, loài người đã trải qua khá đầy đủ giai đoạn “văn minh công nghiệp”, do đó có thể nhận rõ hơn những ưu thế và những nhược điểm của nó, điều mà Mác và Ăng-ghen không thể nhìn thấy đầy đủ. Những nhược điểm đó là:

  • Con người - người lao động - tuy sử dụng các quá trình sản xuất công nghiệp để tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, nhưng người lao động công nghiệp vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc của mình vào các quá trình ấy. Người điều khiển máy, nhưng vẫn bị máy chi phối hoạt động lao động của mình;
  • Sự phân công lao động trong “văn minh công nghiệp” ngày càng chia nhỏ lực lượng lao động của tập thể lao động và cả những hoạt động lao động và sáng tạo của mỗi cá nhân; hoạt động sáng tạo tách khỏi hoạt động sản xuất, trở thành hai hoạt động đối lập nhau;
  • Nền “văn minh công nghiệp” đòi hỏi một sự tích tụ và tập trung cao độ về lực lượng sản xuất, do đó, cũng đòi hỏi một sự quản lý tập trung nghiêm ngặt nhất đối với quá trình sản xuất. Dù có phá vỡ cái vỏ “tư hữu” của sản xuất công nghiệp, thì nó cũng buộc những người trực tiếp lao động phải tuân theo những mệnh lệnh tập trung hóa cao độ từ các bộ máy quản lý và kỹ thuật, nói cách khác, sản xuất công nghiệp gắn liền với một sự quản lý chuyên chế, độc tài;
  • Sản xuất công nghiệp là sản xuất ra những sản phẩm hàng loạt cho những nhu cầu của “đám đông” mà chưa phải cho những nhu cầu của từng cá nhân; sự san phẳng cá tính con người bắt nguồn từ đó. Cần nói thêm: sản xuất công nghiệp chủ yếu là đáp ứng những nhu cầu của con người mà chưa phải tạo ra những nhu cầu ấy;
  • Trong quan hệ với thiên nhiên, sản xuất công nghiệp có xu hướng “khai thác”, “bóc lột” thiên nhiên ngày càng nặng nề, phá hủy dần những nguồn thiên nhiên và môi trường sinh thái (xu hướng ấy có thể hạn chế phần nào, nhưng không thể xóa bỏ được), nói cách khác, trong sản xuất công nghiệp, con người bị đặt vào những điều kiện đối lập, đối kháng với thiên nhiên, mà hậu quả là làm cho chính thiên nhiên (bản chất) của con người bị xói mòn và méo mó.
Tóm lại, sản xuất công nghiệp, “văn minh công nghiệp” đặt ra được vấn đề giải phóng con người, trước hết là người lao động, nhưng không thể đi tới sự giải phóng con người một cách triệt để. Nó có thể giải phóng con người về mặt này, nhưng lại đặt con người vào hoàn cảnh lệ thuộc về mặt khác.

(Tiểu luận này còn tiếp hai kỳ)



[1]Đây là ý kiến của tôi vào cuối những năm 1980 - đầu những năm 1990. Sự suy nghĩ của tôi không dừng lại ở đó. Năm 1995, tôi cũng từ bỏ luôn cả ý kiến này, sau khi đọc Biện chứng là gì? của Karl Popper qua bản dịch tiếng Nga đăng trên Những vấn đề triết học xuất bản ở Moskva tháng tư năm đó. Tôi đã dịch bài này từ tiêng Nga sang tiếng Việt ngay sau khi đọc xong. Rất tiếc, chưa có dịp nào để công bố bài dịch ấy.
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.























Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội
(Mấy suy nghĩ về số phận lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học)
 1   2   3 
 
8.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là một bước phát triển mới của chủ nghĩa nhân văn. Nói như Mác, chủ nghĩa cộng sản chính là chủ nghĩa nhân văn hiện thực. Riêng việc đặt chủ nghĩa nhân văn lên mảnh đất hiện thực đã là một bước nhảy về nhận thức rồi. Với Mác, chủ nghĩa nhân văn nhìn thấy những triển vọng sẽ được thực hiện trong thực tế, mà không chỉ dừng lại ở những lời tán tụng con người chung chung như trước đó.

Nhưng, chủ nghĩa nhân văn vào thời của Mác nói chung, cũng như chủ nghĩa nhân văn của Mác nói riêng, chưa thoát ra khỏi truyền thống cổ điển của chủ nghĩa nhân văn (hay chủ nghĩa nhân văn cổ điển), bắt nguồn từ thời Cổ Hy Lạp và được làm sống lại, được đề cao từ thời Phục hưng, thời Cải cách và thời Khai sáng. Từ chỗ con người cảm thấy mình bị lệ thuộc tuyệt đối vào những sức mạnh siêu nhiên, vào Thượng đế, con người đã tự nhận thức được vị trí tối thượng của mình trong thế giới. Thay thế cho Thượng đế trên bàn thờ là Con người. Con người được coi là mục đích tự thân của lịch sử xã hội (Kant). Thậm chí người ta nói tới một tôn giáo mới: tôn giáo con người (Robespièrre, Feuerbach...). Con người là chí tôn, vậy thì con người cũng phải là chí thiện. Sở dĩ con người chưa chí thiện là bởi những hoàn cảnh, những nguyên nhân bên ngoài, do giáo dục không đầy đủ hoặc do môi trường xã hội làm nó hư hỏng. Con người vốn là tốt từ chính bản thân nó (“nhân chi sơ tính bản thiện”), mọi cái xấu xa của nó là từ bên ngoài. (Gần đây, trong một cuốn sách bàn về con người, Trần Đức Thảo trình bày bản chất con người thành bản chất hàng một, bản chất hàng hai. Bản chất hàng hai của con người là đúng bản chất của nó, chỉ cần gạt bỏ bản chất hàng một đi, là con người lại trở về với bản chất nguyên vẹn của mình. Có thể coi sự trình bày của Trần Đức Thảo là tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân văn cổ điển).

Trong sự phát triển của nó, chủ nghĩa nhân văn cổ điển dần dần tách đôi. Một nhánh dựa vào triết học duy tâm đi tới chủ nghĩa duy linh và chủ nghĩa nhân vị, quay trở về với sự tu dưỡng đạo đức và tinh thần của con người, và cuối cùng lại rơi vào màu sắc tôn giáo, rơi vào những Thượng đế mới. Một nhánh dựa vào triết học duy vật, đi tới những tư tưởng cách mạng xã hội nhằm dọn sạch những mảnh đất sống của con người, từ đó con người trở thành tốt đẹp (“con người chí thiện”), thoát khỏi mọi tha hóa để trở thành con người nguyên chất (con người với “sức mạnh bản chất” của nó). Đối với những nhà cách mạng thế kỷ XVIII, trở lực chủ yếu của con người là ở chế độ quân chủ, ở đẳng cấp quí tộc thống trị xã hội. Đối với những người xã hội chủ nghĩa, trở lực đó nằm ngay ở chế độ tư hữu, ở giai cấp tư sản. Chủ nghĩa nhân văn của Mác thuộc dòng này, nhưng ở ông nó đã trở thành chủ nghĩa nhân văn hiện thực thể hiện thành chủ nghĩa xã hội khoa học. Chỉ cần xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chủ nghĩa xã hội bằng cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản và các tầng lớp lao động khác, chủ nghĩa nhân văn sẽ được thực hiện đầy đủ với sự ra đời của những “con người mới”, những “cá nhân phát triển tự do và toàn diện”. Công lao không thể mai một của chủ nghĩa xã hội khoa học (với tư cách chủ nghĩa nhân văn hiện thực) chính là ở chỗ đánh thức dậy niềm tin ở chính bản thân mình của tất cả những người nghèo khổ, những người vô sản đang nằm dưới đáy xã hội, từ đó dấy lên sức mạnh của chính họ để lật đổ mọi ách áp bức và bóc lột. Các cuộc cách mạng trong thế kỷ XIX và thế kỷ XX đã chứng minh sức mạnh to lớn ấy của chủ nghĩa xã hội khoa học với tư cách chủ nghĩa nhân văn hiện thực.

Nhưng đồng thời, thực tiễn của các cuộc cách mạng ấy và những xã hội được xây dựng sau đó lại phơi bày một sự thật khác: con người đã không trở nên “chí thiện” như đã tưởng, “con người mới” không xuất hiện một cách phổ biến; trái lại, con người trong các xã hội mới vẫn bộc lộ những yếu kém, những tật xấu, thậm chí những tệ nạn dưới những hình thức khác nhau.

Điều đó bắt nguồn từ tính phiến diện của chủ nghĩa nhân văn cổ điển mà chủ nghĩa nhân văn hiện thực, dưới hình thức chủ nghĩa xã hội khoa học, đã trực tiếp kế thừa.

Đối với chủ nghĩa nhân văn cổ điển, như đã nói, con người được đặt vào vị trí trung tâm, được đặt lên địa vị tối thượng, nhưng nó vẫn chỉ được nhìn nhận từ bên ngoài bản thân nó, trong mối quan hệ với thiên nhiên, với xã hội, nhất là với Thượng đế. Con người chưa được nhìn nhận từ bên trong bởi chính nó.

Vì thế, bản chất con người, “sức mạnh bản chất của con người”, vẫn là một phạm trù trừu tượng, được khái quát bằng tư duy triết học siêu hình mà chưa dựa vào những dữ kiện hiện thực, những nghiên cứu khoa học, do đó, bản chất con người là gì, tổng hợp từ những yếu tố nào, câu hỏi ấy không được trả lời rành mạch và có căn cứ vững chắc. Bản chất con người có phải là “chí thiện” không, nó có những xu hướng trái ngược nhau ngay trong bản thân nó không (chưa nói là tốt hay xấu), quan hệ giữa cái bẩm sinh (donné) và cái tiếp nhận được (acquis) là thế nào..., tất cả đều còn mù mờ dưới làn mây trắng đục chưa bị xua tan.

Và đó không phải do lỗi của chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Tính phiến diện, tính hạn chế của nó nằm ngay trong trình độ nhận thức của con người. (Dường như đây là một qui luật của nhận thức: trước hết là nhận thức những cái “ngoài ta”, rồi sau đó mới đi theo chiều ngược lại, từ “cái ngoài ta” đến “cái trong ta”?).

Nghịch lý chính là ở đó: chủ nghĩa nhân văn tuy đạt tới tính hiện thực với Mác, vẫn là chủ nghĩa nhân văn trừu tượng. Và khi còn dừng lại ở dạng trừu tượng, thì nó chưa thể đưa ra những lời giải chính xác (hay gần chính xác) cho những câu hỏi hắc búa về đời sống con người ở dạng quần thể cũng như ở dạng cá thể.

Phải nói rằng, trong những ý kiến của Mác về con người, có những luận điểm hết sức sâu sắc, khó tìm thấy ở những nhà tư tưởng lớn khác, có những dự cảm khoa học với sức mạnh phóng chiếu về thời gian mà chính những người mác-xít đã coi nhẹ trong một thời gian rất dài. (Gần đây ở Liên Xô, một số nhà khoa học nổi tiếng đề xướng phải trở lại và xuất phát từ những luận điểm của Mác về con người để xây dựng “một chủ nghĩa nhân văn mới”, nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn cổ điển nói chung ). Với tất cả sự kính phục, vẫn có thể dễ dàng nhận thấy tính chất trừu tượng của chủ nghĩa nhân văn hiện thực của Mác.

Xây dựng xã hội mới với con người “chí thiện” trừu tượng - dù đó là “con người - giai cấp” như học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học đề xướng - thì đó vẫn là “con người - giai cấp” trừu tượng. Và sự phóng chiếu về xã hội đó vẫn chỉ là kéo dài nhận thức trừu tượng về con người mà không phải là đi từ con người hiện thực cụ thể. Hơn nữa, con người được nhìn từ bên ngoài, nghĩa là con người-khách thể, con người đó chỉ có thể là đối tượng của một sự nhào nặn theo những mục tiêu lý tưởng trừu tượng mà không phải là con người-chủ thể, tự mình là chủ thể tự cải tạo theo những yêu cầu của cuộc sống mới với những khả năng và những giới hạn có thể. Không phải Mác không nói tới vai trò chủ thể của con người trong lịch sử (con người làm ra lịch sử trong chừng mực ngang như lịch sử tạo ra con người), nhưng một khi con người chưa tự nhận thức được mình từ bên trong thì khó có thể đóng vai trò chủ thể.


9.

Chủ nghĩa xã hội khoa học tự tuyên bố là khoa học, đoạn tuyệt một cách căn bản với các thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng trước đó. Trong lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa (và do đó, trong lịch sử tư tưởng loài người nói chung), đây là một bước nhảy lớn làm chuyển động toàn bộ sự phát triển xã hội một cách mạnh mẽ chưa từng thấy, vì nó huy động được các tầng lớp quần chúng “bên dưới” tham gia một cách có ý thức vào sự phát triển xã hội.

Phải nhận rằng nó mang tính khoa học khi phân tích và phê phán xã hội tư sản đương thời, chủ nghĩa tư bản cổ điển, mà trước đó chưa có một học thuyết nào làm được như thế. Phát hiện ra cơ chế bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản, như Ăng-ghen đánh giá, đó là một công lao vĩ đại của Mác.

Nhưng khi chuyển sang dự báo về xã hội cộng sản tương lai, thì tình hình lại khác đi, tính khoa học yếu hẳn. Mác đã dự kiến những bước đi lớn của xã hội cộng sản trên những mảnh đất được ông coi là hiện thực, chia xã hội đó thành hai giai đoạn (thấp và cao), trong đó giai đoạn thấp (chủ nghĩa xã hội) phải thừa kế không ít những nguyên tắc của xã hội tư sản (“pháp quyền tư sản” của nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” là một ví dụ). Đến Lênin, mảnh đất xuất phát hiện thực của xã hội tương lai được nói rõ hơn, khi ông coi chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước là “phòng chờ trực tiếp” của chủ nghĩa xã hội, giữa hai cái đó không có một sự chuyển tiếp kinh tế nào khác. Tiếc thay, những luận điểm sáng suốt, mang tính khoa học ấy về sau bị bỏ qua, gây những tổn thất lớn cho chủ nghĩa xã hội và trên thực tế đã kéo nó về các hình thái tiền tư bản chủ nghĩa.

Nhưng, bình tĩnh nhìn lại, người ta thấy rằng trong những dự kiến của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học về xã hội tương lai khi đạt tới trình độ cao của nó, nhiều cái đã không đứng vững trước tính khoa học nữa. Về thực chất, xã hội ấy được quan niệm gần như một xí nghiệp công nghiệp mở rộng ra phạm vi toàn xã hội: tư liệu sản xuất và, sau đó, cả tư liệu tiêu dùng, nằm dưới sự chi phối của một trung tâm quản lý thống nhất; toàn bộ đời sống kinh tế của xã hội từ sản xuất đến tiêu dùng được kế hoạch hóa cao độ trên cơ sở chế độ công hữu phổ biến và tuyệt đối; lao động con người trở thành lao động xã hội trực tiếp, do đó quan hệ phân phối của cải xã hội cũng được tiến hành trực tiếp bằng những “phiếu thời gian lao động” lúc đầu và bằng một chế độ cung cấp trực tiếp theo nhu cầu về sau... Trên cơ sở đó mà xóa bỏ xã hội có giai cấp, thiết lập xã hội không có giai cấp, trong đó mỗi cá nhân phát triển hài hòa và toàn diện, sự phân chia thành lao động chân tay và lao động trí óc mất đi, sự phân chia giữa thành thị và nông thôn cũng mất đi, v.v... Tóm lại, đó là một xã hội thực hiện tất cả những ước mơ cao đẹp nhất của con người.

Quan niệm ấy về xã hội tương lai là một sự tổng hợp nhiều yếu tố: những lý tưởng vĩnh hằng, “văn minh công nghiệp”, chủ nghĩa nhân văn đương thời. Nhưng trong quan niệm đó về xã hội tương lai, thấy rất rõ ảnh hưởng to lớn của các trào lưu chủ nghĩa xã hội không tưởng. Sự phóng chiếu về tương lai càng xa bao nhiêu, ảnh hưởng ấy càng lớn bấy nhiêu.

Có thể nói rằng quan niệm ấy là sự tiếp tục các dự án của chủ nghĩa xã hội không tưởng trên những đường nét cơ bản nhất. Chỉ có cái khác là các dự án ấy từ nay được coi là đặt trên một mảnh đất “hiện thực” hơn. Như đã nói, cái vĩ đại của chủ nghĩa xã hội khoa học so với các thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng chính là ở đó, nhưng tính hạn chế của nó cũng chính là ở đó. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội khoa học vẫn mang trong bản thân nó không ít chất không tưởng.

Xã hội là một cơ thể sống hết sức phức tạp, trong đó các cá nhân cũng phát triển theo những phương hướng và hình thái hết sức phức tạp. Do đó, không thể khuôn xã hội loài người vào những “mô hình” có tính phổ biến. Nhất là khi “mô hình” xã hội tương lai ấy lại không đi từ những điều kiện, những trình độ, những khả năng của sự phát triển xã hội hiện thực, luôn luôn vận động, đôi khi có những bất ngờ, những ngẫu nhiên (tức là những cái không thể dự đoán được, chẳng hạn văn minh tin học, cách mạng công nghệ - khoa học đang diễn ra), mà là từ lý trí trừu tượng của con người, cho dù lý trí ấy có sáng suốt đến đâu chăng nữa.

Đây là một nghịch lý: tính không tưởng trong trường hợp này lại là sản phẩm của chủ nghĩa duy lý. Chủ nghĩa duy lý là một trình độ cao của đời sống tinh thần và tư tưởng của con người, nó giải phóng con người khỏi những mê muội, những tín điều mà con người bị áp đặt vào. Nhưng nó lại bao hàm những nguy cơ tạo ra những tín điều mới khi lý trí được tuyệt đối hóa. Bởi vì, thứ nhất, không phải mọi cái xẩy ra ở con người và xã hội đều được lý trí dự kiến và nắm bắt (xã hội và con người là những tập hợp phức tạp của cái hợp lý và cái phi lý, và thứ hai, sự phóng chiếu của lý trí bao giờ cũng có những giới hạn nhất định về thời gian và không gian. Và như đã thấy, rất nhiều quá trình hiện đang diễn ra của nền văn minh loài người đã không thể dự kiến được (cả về những khả năng mới của con người cũng như những nguy cơ đe dọa nó).

Hậu quả của các dự án xã hội không tưởng là rất nguy hại, nhất là khi chúng được coi là duy nhất khoa học có thể có, nghĩa là khi chúng biến thành những tín điều. Khi đó, tính không tưởng biến thành một thứ duy ý chí, những dự án duy ý chí được đem áp đặt cho xã hội và con người, nhân danh sự giải phóng con người, để cuối cùng, trở thành một sự chuyên chế đối với con người cũng nhân danh con người. Sự vận động từ ý thức đến thực tiễn không thể tránh khỏi các khâu chuyển tiếp sau đây: không tưởng - duy ý chí - chuyên chế. Và nếu sự vận động ấy lại diễn ra từ khâu chuyên chế thì quá trình đó lại tăng thêm chất duy ý chí và chất không tưởng lên gấp bội, để rồi lại vận động theo chiều ngược lại, với hậu quả là sự chuyên chế cũng tăng lên gấp bội.

Những dự án xã hội không tưởng còn mang lại một hậu quả khác, cũng không kém nghiêm trọng: nhân danh tương lai để bắt buộc con người hy sinh hiện tại. Và khi cuộc sống hiện tại của con người bị hy sinh cho tương lai, thì chính cái tương lai ấy sẽ không bao giờ tới. Thay thế cho cái hiện tại bị hy sinh, cái tương lai không bao giờ tới là cái quá khứ mà con người muốn từ bỏ nhưng bây giờ lại chìm sâu vào đó.

Đây không phải là bác bỏ mọi dự đoán, những dự cảm về tương lai của Mác, một thiên tài. Trong những dự đoán, những dự cảm ấy, có nhiều cái phải được tiếp nhận một cách đầy đủ (chẳng hạn, dự báo của Mác về bước nhảy của con người từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do” trong xã hội tương lai). Nhưng không nên coi những cái đó là một hệ thống hoàn chỉnh, một thiết kế không thể thay thế được, như đã từng làm. Vả chăng, làm như thế là trái với chính Mác và những tư tưởng của ông.


10.

Chủ nghĩa xã hội đã cáo chung? Ngay việc đặt câu hỏi này ra, đối với nhiều tín đồ Mác-Lênin, có vẻ là phản động. Để trở lại với chủ nghĩa tư bản ư? - họ hỏi lại ngay. Nhưng không nên vội vã phán xét sự vận động của tư tưởng. Tất nhiên, không thể quay về với chủ nghĩa tư bản như một hình thái xã hội đã bị phủ định về mặt lịch sử, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi một nhận định khách quan và khoa học đối với sự tồn tại và phát triển đang đặt ra nhiều câu hỏi không đơn giản về chủ nghĩa tư bản (chẳng hạn câu hỏi sau đây: tại sao một hình thái xã hội dựa trên cơ sở chế độ tư hữu phát triển ở trình độ cao như vâỵ lại có thể thích nghi với các giai đoạn văn minh khác nhau của loài người: tiền công nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp?). Và dù cho không muốn từ bỏ những lý tưởng và những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội - thể hiện ở chủ nghĩa xã hội khoa học - cũng không thể không đặt ra những câu hỏi về vận mệnh lịch sử của nó một cách cũng khách quan và khoa học, vượt lên mọi tín điều và cảm xúc (như một tác giả Xô-viết gần đây đã tự đặt ra câu hỏi: tại sao gần một thế kỷ nay, trải qua những thí nghiệm lịch sử khác nhau, người Nhật trở thành những người châu Âu nhất giữa châu Á, còn người Nga thì lại trở thành những người châu Á nhất giữa châu Âu?). Xét đến cùng, đó không phải là những câu hỏi của các cá nhân riêng rẽ, mà là phản ảnh sự phán xét về sự vận động lịch sử của loài ngưòi. Câu trả lời trước tiên không phải tìm từ trong sách vở, mà là từ trong những hiện thực lớn nhất của thời đại hiện nay

Ở đây, xin nói một chút về khái niệm “thời đại”. Đó không phải là một khái niệm đơn trị mà là một khái niệm đa trị, tùy theo những nội dung căn bản, những tiêu chuẩn căn bản nào được dùng để phân định thời đại. Một định nghĩa quen thuộc về thời đại mà những người mác-xit hay dùng: thời đại được qui định bởi giai cấp nào chiếm địa vị trung tâm của nó, quyết định nội dung và phương hướng chủ yếu của nó. Với cách định nghĩa này, những người mác-xít khẳng định thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga. Cách hiểu đó về thời đại là cách hiểu dựa vào cách nhìn sự vận dộng lịch sử qua các giai cấp và đấu tranh giai cấp, do đó, khái niệm “thời đại” ở đây mang nội dung xã hội - chính trị trực tiếp. Nhưng ngoài khái niệm mác-xít ấy (mà các nhà nghiên cứu mác-xít cũng đang “điều chỉnh” nội dung của nó), còn có những khái niệm “thời đại” khác, dựa vào những nội dung và tiêu chuẩn khác Trong đó, nổi bật lên khái niệm “thời đại” lấy những biến đổi về chất của lực lượng sản xuất xã hội làm tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt. Và theo cách hiểu này, người ta phân biệt các thời đại: tiền công nghiệp, công nghiệp, hậu công nghiệp (hay điện tử - tin học, khoa học - công nghệ, v.v...).

Nếu trung thành với chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác, trong đó phép biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là nền tảng, thì ngoài khái niệm “thời đại” theo nghĩa xã hội - chính trị, phải chấp nhận cả khái niệm “thời đại” theo nghĩa biến đổi về chất của lực lượng sản xuất, theo nghĩa kỹ thuật - công nghệ. Hơn nữa, không thể không nghiên cứu mối quan hệ qua lại biện chứng giữa hai khái niệm “thời đại” này theo phép biện chứng của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Đây là một công việc lý luận hết sức nghiêm túc, không thể bỏ qua.

Nhưng dù kết quả nghiên cứu sẽ là như thế nào đi nữa, theo tôi, khái niệm “thời đại” hiểu theo nghĩa những biến đổi của lực lượng sản xuất phải là khái niệm cơ sở.

Rõ ràng, loài người đang nằm ở nơi tiếp giáp giữa hai thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp. Trong khi phần lớn các nước còn đang ở trong thời đại công nghiệp (văn minh công nghiệp), thậm chí nhiều nước còn ở trong thời đại tiền công nghiệp, thì các nước phát triển nhất đã bước sang thời đại hậu công nghiệp với cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới. Có thể khẳng định đó là một giai đoạn văn minh mới của loài người, tức là một cấp độ văn minh cao hơn. Nội dung và cả tên gọi của nền văn minh này còn phải bàn luận, nhưng rõ ràng nó đã xuất hiện như một hiện thực cơ sở của thời đại hiện nay. Trong nền văn minh mới này, tất cả các mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người thay đổi tận gốc. Ở đây chỉ xin nói tới một số điểm có liên quan trực tiếp với hệ vấn đề của chúng ta.

  • Với việc áp dụng các phương tiện tin học vào sản xuất, các quá trình sản xuất được điều khiển một cách tự động, người lao động không còn là một bộ phận nằm bên trong hệ thống “con người - máy móc” mà là đứng bên ngoài các thao tác của quá trình sản xuất để điều khiển nó;
  • Sản phẩm xã hội từ chỗ mang hàm lượng lao động và vật liệu là chủ yếu, chuyển sang mang hàm lượng khoa học - công nghệ là chủ yếu; từ chỗ sản xuất hàng loạt chuyển sang sản xuất những nhóm sản phẩm nhỏ, thậm chí từng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của cá nhân ngưòi tiêu dùng;
  • Qui mô sản xuất không nhất thiết phải là qui mô lớn của các xí nghiệp và liên hợp xí nghiệp, mà có thể là qui mô nhỏ với những thiết bị hiện đại (tin học) theo phương châm “small is beautiful” (nhỏ là đẹp); trình độ xã hội hóa của sản xuất không thể hiện chủ yếu ở “sản xuất lớn” theo kiểu đại công nghiệp, mà chủ yếu ở những liên hệ qua lại tinh vi và chằng chịt của một tổ hợp phức hợp;
  • Khoa học không chỉ tham gia các quá trình sản xuất như một yếu tố hỗ trợ, mà chính nó trở thành “lực lượng sản xuất trực tiếp” như Mác từng dự kiến; hơn nữa, bản thân khoa học cũng trở thành một ngành sản xuất (“sản phẩm tin học” chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong giá trị sản phẩm xã hội);
  • Sản phẩm xã hội không chỉ là do cách sản xuất những sản phẩm quen thuộc với con người ngày càng hoàn thiện, mà còn là những sản phẩm chưa hề quen thuộc, những sản phẩm đa chức năng, những sản phẩm tổng hợp cao (ranh giới giữa tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng trở nên linh hoạt hơn);
  • Các quá trình sản xuất được quốc tế hóa, thế giới hóa ở trình độ cao, kèm theo đó là các quá trình trao đổi và tiêu dùng cũng diễn ra tương ứng;
  • Quá trình sản xuất của con người không tách khỏi quá trình tự sản xuất và tái sản xuất cu tự nhiên mà trở thành một bộ phận của nó; các nguồn lực tự nhiên không bị khai thác cạn kiệt mà được bồi bổ, bảo dưỡng đến mức tối đa;
vân vân...

Tóm lại, trí tuệ con người trở thành nhân tố hàng đầu, chi phối các quá trình sản xuất xã hội, tạo ra giá trị chủ yếu của sản phẩm xã hội, do đó, trở thành tài sản cơ bản của mọi nền kinh tế quốc dân.

Trong nền văn minh mới, các quan hệ về lao động, về sở hữu, về giao lưu... của loài người sẽ mang một chất lượng mới.

Lao động trực tiếp sản xuất ngày càng giảm đi, lao động điều khiển và quản lý sản xuất ngày càng tăng lên, lao động chân tay có xu hướng giảm ngày càng nhanh và lao động sáng tạo có xu hướng ngày càng phổ biến hóa. Lao động tập thể (trong dây chuyền sản xuất) dần dần nhường chỗ cho lao động cá nhân. Khái niệm “giai cấp công nhân” hiểu theo nghĩa cổ điển không còn tồn tại nữa, dù với những biến thể của nó (như coi lao động trí óc là một bộ phận của giai cấp công nhân, hoặc trí thức hóa...), thay vào đó là khái niệm “người lao động” mang thuộc tính mới (sáng tạo, cá nhân, xã hội hóa linh hoạt...). Quan niệm về “sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân” trở nên lỗi thời.

Các quan hệ sở hữu cũng biến đổi căn bản. Trên cơ sở (và theo đòi hỏi) của cách mạng khoa học - công nghệ, của lực lượng sản xuất ở trình độ mới, sở hữu ngày càng đa dạng. Nếu trước đây, sản xuất nhỏ bị sản xuất lớn của văn minh công nghiệp phủ định, thì bây giờ, sản xuất lớn kiểu công nghiệp lại bị sản xuất đa dạng, hỗn hợp phủ định. Trong giai đoạn văn minh nới, các hình thức sở hữu khác nhau đều có thể tồn tại trên cơ sở kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Tùy theo những yêu cầu của sản xuất xã hội, mỗi hình thức sở hữu lớn và nhỏ xã hội và cá nhân, đều có vị trí trong mối liên hệ hữu cả với các hình thức sở hữu khác. Sở hữu cá nhân ở đây không còn là sở hữu tư nhân theo quan niệm cũ. Sở hữu tư nhân trước đây (dưới chủ nghĩa tư bản chẳng hạn) đi tới tách tư liệu sản xuất khỏi người lao động. Trong giai đoạn văn minh mới, sở hữu cá nhân là sự thống nhất của hai yếu tố đó. Sở hữu cá nhân trước đây (như kinh tế học chính trị về chủ nghĩa xã hội quan niệm) chỉ bó bẹp vào tư liệu tiêu dùng cá nhân. Sở hữu cá nhân mới cho phép bao hàm cả tư liệu sản xuất. Về đại thể, sở hữu xã hội (dưới các hình thức khác nhau của nó: toàn dân, tập thể, địa phương...) và sở hữu cá nhân nằm trong mối quan hệ tối ưu với sản xuất và tiêu dùng của xã hội, bổ sung nhau, thâm nhập lẫn nhau, thúc đẩy nhau. cơ sở hữu xã hội lẫn sở hữu cá nhân đều mất địa vị độc tôn. Trong xã hội sẽ tồn tại một hệ thống sở hữu đa nguyên.


11.

Nền văn minh mới của loài người không chỉ làm biến đổi đời sống kinh tế của con người. Nó còn làm biến đổi các mặt đời sống khác (chính trị, tư tưởng, văn hóa...) của con người. Xin nêu bật mấy điểm có liên quan trực tiếp với hệ vấn đề của chúng ta.

  • Những thành tựu ngày càng mới của con người về mặt nhận thức khoa học ở trình độ vĩ mô (vũ trụ, thế giới...) cũng như ở trình độ vi mô (tế bào, nguyên tử, phần tử...) đạt tới những ranh giới ngày càng xa, đẩy lùi dần những “bí ẩn” trong tự nhiên và trong bản thân con người, làm cho giới hạn tác động của con người ngày càng rộng và sâu hơn, và khả năng của nó ngày càng tăng lên (“sức mạnh bản chất của con người” mang những năng lực mới và những biểu hiện mới);
  • Sức mạnh của loài người tăng lên theo/do sức mạnh cá nhân con người tăng lên. Tính loài người chung và tính cá nhân con người làm thành một thể thống nhất hữu cơ, mỗi phía trở thành tiền đề và điều kiện của phía kia. Sự giải phóng con người vượt qua thời kỳ giải phóng “đám đông” để chuyển sang thời kỳ giải phóng “cá nhân”. Nếu trước đây, các phạm trù “giải phóng dân tộc”, “giải phóng giai cấp” là các phạm trù nền tảng, xuất phát, còn phạm trù “giải phóng cá nhân” là phạm trù phái sinh, thì trong nền văn minh mới, sẽ là ngược lại. Mỗi cá nhân không còn là “vật tế thần” cho sự giải phóng dân tộc và giai cấp, mà trở thành cứu cánh của nó. Và khi mỗi cá nhân được đặt vào vị trí cứu cánh, thì tính loài người chung sẽ được khôi phục toàn vẹn, không bị che lấp bởi những khâu trung gian nào khác, dù rằng những khâu trung gian này vẫn tồn tại, tất nhiên dưới những hình thức khác, do những đặc trưng khu vực, dân tộc, vùng văn hóa, tôn giáo... Sự kết hợp của các yếu tố “cá nhân - khâu trung gian - loài người” sẽ tạo thành một đời sống tinh thần, văn hóa đa dạng chưa từng thấy;
  • Tri thức khoa học và cùng với nó là chủ nghĩa duy lý, trong khi vẫn phát huy ngày càng sâu rộng những sức mạnh không có giới hạn để nhận thức và cải tạo thế giới, cũng ngày càng nhận thức được những giới hạn của mình. Khu vực “có thể nhận thức” càng mở rộng, thì “khu vực chưa thể nhận thức” cũng càng mở rộng. Chủ nghĩa duy lý cổ điển, hiểu theo nghĩa vạn năng, sẽ không thể tồn tại được nữa. Thay vào đó là một chủ nghĩa duy lý mới, khiêm tốn hơn với mấy hệ quả:

    1. Những câu hỏi sẽ nảy sinh nhiều hơn những câu trả lời, dù rằng khoa học và lý trí con người sẽ trả lời được ngày càng nhiều hơn. Thế giới không chỉ có những “cái hợp lý” (rationnels) mà còn có những “cái phi lý” (irrationnels). Chủ nghĩa duy lý mới phải thừa nhận sự tồn tại sóng đôi ấy trong những biến hóa của chúng (hợp lý - phi lý - hợp lý - phi lý...) theo đường xoáy trôn ốc (phải chăng cần suy nghĩ tới khái niệm “chủ nghĩa duy lý phi lý” (rationalisme irrationnel) của Edgar Morin?). Và nếu những cái hợp lý tồn tại dưới hình thức tri thức khoa học, thì những cái phi lý vẫn có thể tồn tại dưới những hình thức khác (tôn giáo, ngoại tâm lý...) mà người ta không thể loại trừ một cách vũ đoán.
    2. Sự chuyên chế chống lý trí không thể bị thay thế bằng sự chuyên chế của lý trí. Khi trong xã hội chỉ có một thiểu số lấy hoạt động lý trí làm nội dung và đối tượng chủ yếu, thì điều đó còn hiểu được. Nhưng khi mỗi cá nhân con người trong xã hội đều sống theo lý trí thì sự chuyên chế của lý trí là không thể chấp nhận. Không ai có quyền nhân danh lý trí để độc chiếm chân lý. Độc quyền về tư tưởng và khoa học là vô nghĩa.
    3. Chủ nghĩa duy lý mới, do đó, không thể đề xướng những dự án không tưởng về mặt xã hội. Nó mang tính hiện thực ngay từ đầu. Hiện thực con người, xã hội và tự nhiên tồn tại và phát triển một cách đa dạng với những biến thể khác nhau. Tính đa dạng, tính nhiều biến thể trở thành những thuộc tính không thể thiếu của chủ nghĩa duy lý mới. Chủ nghĩa không tưởng ngày càng bị thu hẹp mảnh đất của nó.
Trong đời sống tinh thần của con người, của xã hội, sự phân chia thành những hệ tư tưởng, những trường phái tư tưởng khác nhau vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không còn giữ thái độ thù địch nhau, loại bỏ nhau bằng bạo lực, bằng những sức ép tinh thần nữa. Đời sống con người sẽ mang tính đa nguyên ngày càng cao. Tranh luận sẽ tăng lên, nhưng sự tiêu diệt nhau vì lý do hệ tư tưởng sẽ không còn. Nếu trong Thời Khai sáng, sự khoan dung về tín ngưỡng (tolérance de conscience) được nêu thành một trong những phương châm lớn nhất của đời sống tinh thần xã hội, thì bây giờ nó phải được mở rộng ra mọi lĩnh vực khác (hệ tư tưởng, khoa học...).


12.

Chủ nghĩa nhân văn mới đang xuất hiện, nó kế thừa, phát triển và thay thế chủ nghĩa nhân văn cổ điển. Cái chung của chủ nghĩa nhân văn cổ điển và chủ nghĩa nhân văn mới là lấy con người làm điểm xuất phát và điểm tận cùng của đời sống xã hội, coi con người là giá trị tự thân, là mục đích tự thân của chính nó. Nhưng giữa hai thứ chủ nghĩa nhân văn này có những khác biệt căn bản, từ nhận thức chính bản thân con người đến việc đặt vị trí của nó trong tự nhiên.

Như đã nói trên, nhân văn cổ điển chủ yếu là nhận thức con người từ bên ngoài. Chủ nghĩa nhân văn mới, ngoài việc tiếp tục các nhận thức ấy ra, chủ yếu đi theo một đường hướng nhận thức khác: từ bên trong. Trước kia, không thể làm như vậy được vì trình độ phát triển của các khoa học chưa cho phép. Nhiều lắm, con người cũng chỉ được nhận thức từ bên trong từng mảnh, mang tính cơ giới (chẳng hạn nhận thức về từng hệ thống trong cơ thể: hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hormon...). Nói như Frolov, một nhà triết học Xô-viết, trong con người, cái gì cũng được người ta hiểu hết, nhưng con người trở thành con người như thế nào thì chưa thể hiểu được. Mấy chục năm qua, không những các ngành khoa học truyền thống (“cũ”) như y học, sinh học, vật lý, hóa học...) đã cung cấp thêm nhiều dữ kiện để hiểu rõ con người hơn, nhưng quan trọng nhất là những khám phá của các ngành khoa học mới và các khoa học liên ngành, đặc biệt là sinh học phân tử, di truyền học, vật lý sinh học, hóa học sinh học, tâm thần học, ứng xử học (bao gồm sinh học xã hội - biosociologie), v.v... Sự liên kết, hòa nhập của tất cả các ngành khoa học ấy thành một hệ thống khoa học thống nhất về con người đã được bắt đầu thực hiện (qua các trung tâm như Institut de l’homme của Jacques Monod ở Paris, Viện Nghiên cứu Con người của Frolov ở Moskva...), báo hiệu một giai đoạn mới về chất của việc nghiên cứu con người. Nhiều vấn đề nổi lên hàng đầu: chương trình sinh học, hệ di truyền, vô thức và siêu thức... (Chưa nói tới những nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi: ngoại cảm, ngoại tâm lý, tử vi, v.v... mà chúng ta không nên loại bỏ một cách đơn giản). Việc nghiên cứu con người từ bên trong gắn liền với việc nghiên cứu nó về mặt sinh thành cá thể, ngoài mặt sinh thành quần thể đã có. Số phận con người không chỉ được đặt trên bình diện cái chung, mà còn được đặt ra trên bình diện cái riêng. Những thành tựu mới về nghiên cứu con người chưa thật nhiều, nhưng đã bắt đầu có cơ sở để giải đáp một số vấn đề cơ bản của đời sống con người:

  1. Con người không phải vốn là tốt hay xấu, nó ra đời và tồn tại như vốn có;
  2. Con người không chỉ là một thực thể xã hội, mà còn là một thực thể sinh học - xã hội (biosocial), cái sinh học nền tảng của nó biến đổi theo cái xã hội ở những mức độ nhất định, nhưng cái xã hội cũng bị qui định trong những giới hạn sinh học, dù những giới hạn này không cố định;
  3. Sự cải tạo con người không thể có ý nghĩa tuyệt đối, cũng không phải không có giới hạn (theo Amosov, giáo dục hiểu theo nghĩa rộng nhất chỉ có thể thay đổi bản tính con người nhiều nhất là 50%).
Như vậy, một xã hội phù hợp nhất với con người, một xã hội có nhân tính không phải là một xã hội chỉ cần dọn dẹp môi trường chung quanh để thích hợp với “tính bản thiện” của nó, cũng không phải là một xã hội khuôn theo những công thức lý tưởng nào đó do ý chí tốt lành nào đó của một số người tự coi có sứ mệnh cứu thế áp đặt, và nếu con người không thích hợp với những công thức này thì chỉ có việc là “nhào nặn lại” cho thích hợp. Một xã hội có nhân tính là một xã hội được tổ chức sao cho những bản tính tự nhiên của con người tồn tại một cách tự nhiên, tạo ra những điều kiện tối ưu cho sự phát triển toàn diện và tự do cho mỗi cá nhân con người. Trong xã hội đó, cái ego không bị triệt tiêu, trái lại, còn được coi là đơn vị cơ sở của xã hội. Tính đồng loại, tính tập thể của con người là tất yếu (cũng giống như mọi quần thể sinh học khác) và cũng phải được coi là một giá trị cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa là triệt tiêu cái ego mà chính là phải tạo ra môi trường thuận lợi và tối ưu cho mỗi ego. Xã hội chỉ qui định ranh giới để cho ego này không làm tổn hại ego khác. Tất cả những giá trị vật chất và đạo đức do con người tạo dựng trong lịch sử phải trở thành tài sản riêng của mỗi ego, và bằng cách đó mà trở thành tài sản chung của toàn xã hội. Cái xã hội (cái chung) làm phong phú cho cái cá nhân (cái riêng),và ngược lại, cái cá nhân được phát triển sẽ làm cơ sở và điều kiện cho cái xã hội phát triển theo những nhịp độ gia tốc.

Cái ego trong những điều kiện mới không phải là chủ nghĩa cá nhân. (Trong các xã hội nguyên thủy, không có cá nhân tồn tại như vốn có, vì thế không có chủ nghĩa cá nhân. Trong các xã hội có chế độ người áp bức và bóc lột người, cá nhân bị triệt tiêu theo hai hướng: những người bị áp bức và bóc lột thì bị tước đoạt mất những điều kiện tồn tại với tư cách cá nhân, bị mất nhân tính, bị tha hóa; những kẻ áp bức và bóc lột người khác lại chiếm lĩnh nhân tính cho riêng mình, nhưng làm như thế họ cũng đánh mất nhân tính, vì nhân tính chỉ có thể tồn tại như một khái niệm loài (tộc loại) - trong các quan hệ giữa các cá thể cùng một loài - do đó, cá nhân họ cũng chỉ có thể tồn tại dưới dạng chủ nghĩa cá nhân, nghĩa là cá nhân bị tha hóa).

Mỗi ego được phát triển, tự phát triển dến mức có thể có (trong giới hạn không gây tổn hại cho các ego khác), do đó, tính đa dạng của con người cũng phát triển đến mức cao. Với những ego như thế, xã hội ngay trong bản chất của nó có tính đa nguyên.

Chủ nghĩa nhân văn mới dựa trên những cơ sở vật chất mới, đặc biệt là những phương tiện tin học. Con người có trong tay những phương tiện vật chất có hiệu quả để phát triển theo hai hướng: cá thể hóa và toàn cầu hóa (tộc loại hóa). Sự khẳng định về mặt cá thể ngày càng được đẩy sâu do được bảo đảm tính độc lập của mình trong lao động và các mặt đời sống khác. Đồng thời những phương tiện tin học giúp cho con người nắm bắt các quá trình toàn cầu một cách nhanh nhạy và sâu sắc, con người ngày càng cảm thấy mình là một tế bào hữu cả của tộc loại. Tác động giữa các cá nhân diễn ra không chỉ trong phạm vi từng nước, từng vùng, mà cả trên phạm vi toàn cầu. Tính toàn cầu trở thành một trong những nền tảng chủ yếu của tổ chức xã hội. Nó trở thành một thước đo của xã hội. Sự tiến hóa của xã hội không chỉ được đo theo chiều dọc thời gian, mà còn được đo theo chiều ngang không gian. Hai yếu tố thời gian và không gian của con người thâm nhập nhau, tạo thành một khái niệm “thời gian - không gian” thống nhất (chiều rộng không gian sẽ bù đắp cho những nhịp độ chậm chạp về thời gian, và chiều sâu thời gian sẽ bù đắp cho những chênh lệch, khập khiễng về không gian).

Chủ nghĩa nhân văn mới đặt con người vào đúng chỗ trong tự nhiên. Nhận thức của con người về bản thân mình càng sâu, thì nhận thức về tự nhiên của nó cũng càng sâu. Con người vừa tự coi mình là một thực thể sống cao nhất trong tự nhiên, vừa thấy rõ hơn mình là một bộ phận không tách rời và không đối lập với tự nhiên, Quan niệm coi con người là trung tâm (anthropocentrisme) của chủ nghĩa nhân văn cổ điển sẽ được thay thế bằng quan niệm hòa hợp, hòa nhập giữa con người và tự nhiên. Bản tính tự nhiên của con người được khôi phục và phát triển ngày càng cao, cùng với quá trình ấy sẽ diễn ra quá trình tự nhiên được người hóa, theo nghĩa được con người làm cho hoàn thiện hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây các trào lưu sinh thái học nảy sinh và tăng lên nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của mọi người. Chưa bao giờ con người cảm thấy nguy cơ thoái hóa, thậm chí hủy diệt của mình gắn liền với sự thoái hóa và hủy diệt môi trường tự nhiên như bây giờ. Bảo vệ tự nhiên đồng nghĩa với bảo vệ con người. Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, vì thế, là một đòi hỏi và cũng là một trong những nền tảng tổ chức xã hội trong nền văn minh mới.

Chưa nói tới những khả năng mới của con người trong các quan hệ của nó với vũ trụ. Những thám hiểm của con người về vũ trụ đang mở rộng tầm nhìn của nó để có thể đi tới một vũ trụ quan đích thực (dựa vào những dữ kiện hiện thực được khám phá ngày càng nhiều, mà không chỉ dựa vào những khái quát triết học, những dự cảm tôn giáo). Những nghiên cứu về các nền văn minh ngoài trái đất (đang được bắt đầu một cách dè dặt) có thể mang lại cho con người những biến đổi mới về nhận thức đối với sự tồn tại của chính bản thân mình. Trong trường hợp có những nền văn minh như vậy và có những giao tiếp với chúng, con người sẽ phải tư duy và sống khác đi để tạo ra một sự hòa hợp với những “người vũ trụ” khác. Trong trường hợp không có những nền văn minh ấy, con người cũng sẽ phải tư duy và sống khác đi để tự bảo tồn tộc loại của mình như sản phẩm cao nhất và độc nhất của tiến hóa vũ trụ một cách có trách nhiệm hơn nhiều.

Tóm lại, chủ nghĩa nhân văn mới không cần đến những “con người chí thiện”. Nó chỉ cần có những con người như vốn có với tất cả những khả năng và hạn chế và, do đó, cũng cần tới một tổ chức xã hội phù hợp với những khả năng và những hạn chế ấy.

(Tiểu luận này còn tiếp một kỳ)
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.


























Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 - Đi tìm lời giải mới của chủ nghĩa xã hội
(Mấy suy nghĩ về số phận lịch sử của chủ nghĩa xã hội khoa học)
 1   2   3 
 
13.

Nền văn minh mới của loài người, với hai nền tảng kết hợp hữu cơ với nhau: lực lượng sản xuất mới và nhận thức khoa học mới, đang cung cấp những điều kiện mới và đưa ra những đòi hỏi mới về tổ chức xã hội. Nhưng đó chỉ mới là những điều kiện và những đòi hỏi khách quan, chưa thể trở thành những hiện thực đầy đủ với tư cách một hình thái xã hội mới trong lịch sử loài người. Trong lịch sử, bất cứ hình thái xã hội mới nào cũng là sự kết hợp các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan (thực tiễn của con người). Nó chỉ có thể ra đời dưới dạng phủ định biện chứng từ trong hình thái xã hội trước đó. Do đó, hình thái xã hội mới phải là hành vi chủ quan của con người dựa trên những điều kiện và những đòi hỏi khách quan. Và, dưới dạng phủ định biện chứng, nó phải thoát thai từ những hình thái xã hội hiện có - xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa (được tổ chức theo học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học với những biến dạng và biến chất của nó).

Trước khi xem xét hai loại xã hội ấy có thể đi tới hình thái xã hội mới như thế nào (theo phương trình biện chứng: khẳng định - phủ định - phủ định của phủ định), xin nêu mấy đặc trưng có thể có của hình thái xã hội mới từ những phân tích nói trên. (hãy khoan đặt tên cho hình thái xã hội mới có thể có ấy, mà trước hết nêu ra một số đặc trưng chủ yếu của nó).

Thứ nhất, kỹ thuật và công nghệ sản xuất phát triển ở trình độ cao, luôn luôn tự hoàn thiện và có những bước nhảy do chính lôgic phát triển của khoa học và công nghệ qui định; do đó tạo ra những năng suất lao động xã hội rất cao, đủ sức thỏa mãn những nhu cầu xã hội và cá nhân ngày càng phát triển và đổi mới, thu hẹp dần “vương quốc tất yếu” và mở rộng dần “vương quốc tự do”, lao động sản xuất kết hợp hữu cơ với lao động sáng tạo thành một thể thống nhất, bằng cách đó biến lao động thành nhu cầu phát triển của chính con người;

Thứ hai, chế độ sở hữu là một tổng thể đa dạng, kết hợp sở hữu cộng đồng trong những lĩnh vực bảo toàn và phát triển của cộng đông, bảo vệ môi trường sinh thái, với sở hữu cá nhân dưới mọi hình thức (sở hữu tư nhân, sở hữu hợp tác của các cá nhân v.v...) trong những lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người;

Thứ ba, bảo đảm các quyền con người, các quyền tự do dân chủ của cá nhân, lấy sự phát triển tự do của cá nhân làm điều kiện và tiền đề cho sự phát triển tự do của xã hội; thực hiện chế độ tự quản xã hội ở tất cả các cấp quản lý xã hội, thống nhất các quyền và các nghĩa vụ công dân trong nhà nước pháp quyền, theo nguyên tắc “nhà nước cho xã hội và công dân”;

Thứ tư, đời sống tinh thần và văn hóa phát triển cao, dựa trên tính đa nguyên, sự dung thứ và tôn trọng lẫn nhau của các hệ tư tưởng, các tín ngưỡng, các học thuyết, các trường phái khác nhau; những giá trị đạo đức và tinh thần của loài người và của mỗi cộng đồng dân tộc được tôn trọng và phát huy; xóa bỏ những cơ sở và những biểu hiện của bạo lực giữa các cá nhân và các cộng đồng khác nhau.

Có thể thêm những đặc trưng khác, nhưng trong những giới hạn có thể có để tránh những ngoại suy có tính không tưởng.

Nói khái quát, đó là một hình thái xã hội tự phát triển, nhân bản và đa nguyên.

Đó không phải là một xã hội lý tưởng, mà là một nấc thang trên con đường tự giải phóng và tự hoàn thiện của con người. Bản thân nó không tránh được những mâu thuẫn nội tại và những xung đột gay gắt, thậm chí cả những khủng hoảng nguy hiểm chưa lường trước khi đứng trước những nguy cơ từ bên ngoài và từ bên trong có thể đe dọa sự tồn tại và phát triển của con người (kể cả loài người nói chung). Ngay trong lòng nó, có thể nảy sinh những xu hướng đi ngược với sự phát triển lịch sử tự nhiên của nó, có khi bắt nguồn từ những hình thái xã hội trước đó:

  • Xu hưóng kỹ trị, coi sự phát triển của kỹ thuật là giá trị cao nhất và là cứu cánh của sự phát triển;
  • Xu hướng tự nhiên nguyên thủy, coi việc quay trở lại với những lối sống ban đầu của con người là phương tiện và cứu cánh;
  • Xu hướng chuyên chế gắn liền với xu hướng vô chính phủ;
  • Xu hướng san bằng mọi đặc thù địa phương và cá nhân gắn liền với xu hướng ích kỷ địa phương và cá nhân;
...vân vân và vân vân...

Những hiện tượng thoái hóa về nhân cách, phi nhân tính và độc quyền vẫn có thể xuất hiện ở những mức độ không thể coi thường. Và cả trong mối quan hệ với tự nhiên, vẫn có thể xẩy ra những hiện tượng vi phạm cân bằng sinh thái do những tính toán sai lầm gây ra. Và, cuối cùng, những ảo tưởng vạn năng của con người đối với tự nhiên và đối với chính bản thân con người, vi tư cách một bộ phận của tự nhiên, cũng có thể dẫn tới những nguy cơ không nhỏ.


14.

Hình thái xã hội tương lai ấy không phải là hình thái xã hội chủ nghĩa, dù có thêm những tính từ “phát triển”, “hoàn thiện”, “có bộ mặt dân chủ và nhân đạo”, v.v... Và do đó, cũng không thể gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Những khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản” đã xuất hiện từ nhận thức và hiện thực trong quá khứ, như đã nói trên đây.

Trong bối cảnh thế giới hiện đại, khi loài người tiến bước vào nền văn minh mới với triển vọng mở ra một hình thái xã hội mới, thì những khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, “chủ nghĩa cộng sản” trở nên không thích hợp nữa. Trong đời sống hiện thực, những khái niệm ấy chưa mất hết giá trị của chúng, nhưng đứng về mặt triển vọng lịch sử mà xét, chúng đã bị vượt qua. Đây chắc chắn là điểm gây “choáng” mạnh nhất đối với những ai đã từng coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là lý tưởng của mình (trong đó có cả bản thân người viết những dòng này). Nhưng hãy thật tỉnh táo về nhận thức lý luận, đừng để cho bất cứ một khái niệm lịch sử nào đông cứng lại và không thể bị thay thế bằng những khái niệm khác, một khi đời sống hiện thực đòi hỏi phải làm như thế, dù rằng điều đó có gây ra những xúc cảm đau đớn như thế nào chăng nữa.

Sở dĩ không gọi hình thái xã hội mới trong tương lai có thể nhìn thấy của loài người (vào giữa thế kỷ XXI, chẳng hạn) là “chủ nghĩa xã hội” coi như một giai đoạn cần thiết để tiến lên “xã hội cộng sản”, là vì những khái niệm ấy không đủ sức chứa đựng những nội dung cơ bản của hình thái xã hội mới. Một số điểm nội dung của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chủ yếu những nội dung mang tính lý tưởng của chúng, vẫn có thể tồn tại trong khái niệm hình thái xã hội mới, nhưng nhiều điểm nội dung của chúng không còn thích hợp với khái niệm này nữa.

  1. Khái niệm “chủ nghĩa xã hội” lấy “cái xã hội” (le social) làm điểm xuất phát và nền tảng tổ chức xã hội. Điều đó có nghĩa là gì?

    • Sở hữu xã hội giữ vai trò thống trị và phổ biến trong toàn xã hội. Khái niệm này bắt nguồn từ trạng thái xã hội hóa sản xuất và lao động dưới những hình thức sản xuất đại công nghiệp. Dù sở hữu xã hội được hiểu một cách khác nhau (Nhà nước, tập thể...), thì tính xã hội của nó vẫn là thuộc tính chủ yếu và có thể nói là duy nhất. Trong “chủ nghĩa xã hội”, không thể tồn tại “sở hữu tư nhân” đã đành, mà cũng không có cả “sở hữu cá nhân” về tư liệu sản xuất. Còn hình thái xã hội mới dựa trên nền văn minh mới thì chấp nhận những chế độ sở hữu khác nhau, cả xã hội lẫn cá nhân (tư nhân), trong những quan hệ qua lại hữu cơ của chúng;
    • Một khi trong xã hội chỉ tồn tại chế độ sở hữu xã hội, thì dù có nhấn mạnh đến “cái cá nhân”, dù có “sắp xếp” mối quan hệ giữa cái “cá nhân” một cách “biện chứng” đến đâu đi nữa, “cái xã hội’ vẫn giữ địa vị hàng đầu, ưu tiên, còn “cái cá nhân” vẫn bị đẩy xuống hàng thứ hai. Bản thân tên gọi “chủ nghĩa xã hội” đã lấy “cái xã hội” làm tiền đề và cơ sở rồi. Trong khi đó, hình thái xã hội mới lại lấy các cá nhân trong các quan hệ xã hội của chúng làm điểm xuất phát và nền tảng, ít ra cũng đặt “cái cá nhân” và “cái xã hội” trong quan hệ ngang nhau, phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy nhau, cái này không đè bẹp cái kia;
    • Từ điểm xuất phát và nền tảng tổ chức xã hội là “cái xã hội”, mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội vẫn là “cái xã hội”, nhiều lắm cũng chỉ “dung thứ” cho “cái cá nhân” đến một mức độ nhất định, chứ không thể lấy “cái cá nhân” làm cứu cánh, dù rằng về lý thuyết có thể nói tới (và cũng đang nói tới) điều này. Trong khi đó, “cái cá nhân” được coi là “cứu cánh” của hình thái xã hội mới.
  2. Khái niệm “chủ nghĩa cộng sản”, cũng tương tự như thế, chỉ đẩy tới cùng những nội dung của chủ nghĩa xã hội. (Nhân đây, xin nói rằng, trong một số tiếng châu Á - như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam - thuật ngữ này được dịch không đúng. Không phải là “chủ nghĩa cộng sản” [tức không phải chỉ tính tới tập trung tài sản xã hội thành của chung] mà đúng ra là “chủ nghĩa cộng đồng”). Dù có nói tới “chủ nghĩa cộng sản văn minh” để phân biệt và đối lập với “chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy”, thì “cái cộng đồng” vẫn giữ địa vị thống trị, chi phối.
Trong một số trường hợp, việc tiếp tục sử dụng khái niệm “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa cộng sản” là có thể hiểu được trong một thời gian nhất định (sẽ nói trong một đoạn sau), nhưng thật ra những khái niệm này, nhất là khái niệm “chủ nghĩa xã hội”, trong những trường hợp ấy cũng đang dần dần mất đi nội hàm ban đầu của chúng, mà chủ yếu chỉ còn có ý nghĩa tâm lý - xã hội.

Ngay hiện nay, ở một số nước Đông Âu, khái niệm “chủ nghĩa xã hội” đã bị loại ra khỏi tên quốc gia, khỏi hiến pháp. Điều đó có thể cắt nghĩa một phần bằng thái độ phủ nhận chủ nghĩa xã hội trong các tầng lớp quần chúng nhân dân đông đảo (kể cả trong những tầng lớp lao động) do những thực tế đáng buồn của “chủ nghĩa xã hội hiện thực” đem lại cho họ trong hơn bốn mươi năm vừa qua. Nhưng không phải chỉ có thế. Điều đó cũng có thể được cắt nghĩa bằng sự phủ nhận khái niệm “chủ nghĩa xã hội” ở một bộ phận xã hội, chủ yếu là những nhà trí thức có tầm nhìn rộng lớn, như trường hợp viện sĩ Sakharôv dự thảo hiến pháp mới của Liên Xô trước khi ông mất, do nhận thấy khái niệm ấy không có triển vọng về mặt khoa học.


15.

Hình thái xã hội mới, phù hợp với trình độ văn minh mới của loài người, chưa xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh, thậm chí cũng chưa hình thành thật rõ nét ở bất cứ đâu. Nhưng những yếu tố này hay những yếu tố khác của nó thì đã hình thành từ trong các chế độ xã hội hiện có - tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, các chế độ hiện có, ở những mức độ khác nhau, đang chứa đựng những khả năng chuyển sang hình thái xã hội mới. Và sự chuyển biến này đối với những nước có trình độ phát triển kinh tế cao - hiểu theo nghĩa đã trở thành những nước công nghiệp - là có tính chất trực tiếp. Các nước tư bản chủ nghĩa phát triển phương Tây không cần phải chuyển thành xã hội chủ nghĩa để tiến tới hình thái xã hội mới. Cũng vậy, các nước xã hội chủ nghĩa không cần phải quay trở lại chủ nghĩa tư bản để tiến tới hình thái đó. Những trường hợp khác, chủ yếu là các nước đang phát triển, chưa đạt tới trình độ một nước công nghiệp, tình hình có thể khác. Ở đây, còn phải trải qua nhiều bước chuẩn bị cho bước chuyển căn bản đó, nhưng thời gian của những bước chuyển ấy không nhất thiết phải là hàng thế kỷ như sự vận động lịch sử trước đây, mà sẽ chịu tác động của “lực gia tốc” trong thời đại mới.

Trên kia có nói tới sự vận động theo phương trình biện chứng của lịch sử: chủ nghĩa tư bản (khẳng định) - chủ nghĩa xã hội (phủ định) - hình thái xã hội mới (phủ định của phủ định). Thật ra, cách nói ấy cũng không chính xác. Sự vận động biện chứng ấy sẽ không diễn ra bằng những “lát cắt lịch sử” rành rọt và kế tiếp nhau như vậy, hết “lát cắt” này dến “lát cắt” khác. Sự vận động biện chứng ấy cần được hiểu theo một cách khác. Những yếu tố phủ định nằm ngay trong hình thái khẳng định, để rồi trải qua phủ định của phủ định và chuyển thành hình thái khác, cao hơn. Chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó, không phải được hiểu là sự phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa với điều kiện bắt buộc phải trở thành một hình thái riêng, sau đó lại bị phủ định để trở thành hình thái xã hội mới. Ngược lại, chế độ xã hội chủ nghĩa cũng không phải bị hình thái tư bản chủ nghĩa phủ định, để sau đó lại bị hình thái xã hội mới phủ định. Sự vận động biện chứng diễn ra đối với cả hai chế độ hiện có, tư bản chủ nghĩa cũng như xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là, ngay trong lòng mỗi chế độ ấy (ở một trình độ phát triển nhất định) đều có những yếu tố phủ định để rồi bị phủ định một lần nữa bởi hình thái xã hội mới.

Từ quan niệm đó, hãy xét xem sự chuyển biến căn bản của mỗi hình thái xã hội hiện có sang hình thái xã hội mới sẽ có thể diễn ra như thế nào (tất nhiên, đây chỉ là những dự cảm trên những nét lớn).


16.

Trước hết, chế độ tư bản chủ nghĩa. Nói cụ thể và chính xác hơn, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đang bước vào nền văn minh mới của loài người.

Ở đây đã có một số tiền đề vật chất, kinh tế, xã hội, chính trị và tư tưởng cho sự chuyển biến ấy. (Trong đề cương này, không phân tích quá trình tiến hóa của chủ nghĩa tư bản từ cổ điển lên hiện đại, mà coi chủ nghĩa tư bản hiện đại là căn cứ xuất phát).

  • Về cơ sở vật chất (sản xuất vật chất của xã hội), chủ nghĩa tư bản hiện đại đang chuyển sang thời đại hậu công nghiệp theo những làn sóng kế tiếp nhau của cách mạng khoa học và công nghệ. Trình độ trưởng thành về cơ sở vật chất của nó chính là tiền đề vật chất, là cơ sở vật chất, của hình thái xã hội mới.
  • Về kinh tế, một số quá trình mới đang diễn ra là tiền đề kinh tế cho hình thái xã hội mới, trong đó nổi bật lên hai quá trình: quốc tế hóa, toàn cầu hóa các quan hệ kinh tế và “nhỏ hóa”, “cá nhân hóa” các quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa. Đó là hai quá trình ngược chiều - một quá trình có xu hướng vĩ mô hóa, quá trình kia có xu hướng vi mô hóa - nhưng đều nằm trong sự tiến hóa của loài người về mặt đời sống kinh tế, và đều đáp ứng với yêu cầu của con người với tư cách loài (tộc loại) và với tư cách cá thể (cá nhân). Về quá trình thứ nhất, người ta đã biết tới nhiều, nhưng về quá trình thứ hai, người ta chưa biết mấy vì nó chỉ mới bắt đầu và vì những định kiến có tính chất hệ tư tưởng.
  • Về xã hội, rõ ràng cũng đang xuất hiện những tiền đề cho hình thái xã hội mới, trước hết trong lĩnh vực lao động xã hội (tính chất lao động, cơ cấu lao động, v.v...). Trình độ phát triển sản xuất hiên đại, dựa trên cơ sở cách mạng khoa học và công nghệ, đang làm biến đổi sâu sắc và căn bản lĩnh vực lao động xã hội. Lao động chân tay bị thu hẹp và xóa bỏ dần, lao động trí óc tăng lên theo cấp số nhân (cả về số lượng lẫn chất lượng). Lao động trực tiếp sản xuất vật chất ngày càng giảm bớt, còn lao động phục vụ và dịch vụ xã hội ngày càng tăng lên. Giai cấp công nhân công nghiệp sẽ không còn chiếm đại đa số trong những người lao động, cũng tức là sẽ không đóng vai trò quyết định trong sản xuất xã hội và, do đó, trong đời sống xã hội, trong tiến bộ xã hội; thay vào đó là đội ngũ những người lao động sáng tạo, quản lý và điều hành (có thể gọi chung là “lao động có chất lượng cao” (travail hautement qualifié).
  • Những biến đổi về cơ sở vật chất, quan hệ kinh tế và xã hội ấy được phản ảnh ở những mức độ khác nhau vào đời sống chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Chế độ dân chủ dưới chủ nghĩa tư bản, thường bị gọi sai là “dân chủ tư sản”, đang trải qua những thay đổi lớn theo chiều hướng dân chủ hóa cao hơn với chủ nghĩa đa nguyên chính trị, trong đó các đảng truyền thống cũng đang trải qua những biến đổi về nội dung và hình thức, từ các đảng phái tả sang các đảng phái hữu. (Đây chính là điều chủ yếu cắt nghĩa tại sao các đảng cộng sản ở các nước tư bản phương Tây ngày càng bị giảm sút ảnh hưởng và tất yếu phải biến thành các đảng phái tả kiểu mới). Chế độ đa nguyên chính trị ở các nước này, tuy về cơ bản vẫn còn bị các thế lực tư bản chủ nghĩa lũng đoạn, nhưng cũng đang tạo ra những tiền đề tổ chức chính trị của hình thái xã hội mới.
  • Về đời sống văn hóa và tư tưởng, cũng có thể nói như vậy. Ở đây đã và đang hình thành những giá trị văn hóa và tư tưởng tiến bộ mang hai mặt gắn bó với nhau: những giá trị có ý nghĩa toàn nhân loại và những giá trị mang tính độc đáo cá nhân. Chủ nghĩa đa nguyên về văn hóa và tư tưởng tỏ ra có hiệu quả hơn đối với các quá trình sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Ở đây không có “chân lý tối thượng”, “cuối cùng” và mang tính áp đặt.
Tất cả những tiền đề ấy tạo ra mảnh đất thuận lợi để các nước tư bản chủ nghĩa chuyển sang hình thái xã hội mới. Nói cách khác, những yếu tố khác nhau của hình thái xã hội mới đã có sẵn ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại. (Nhớ lại một luận điểm của Stalin: trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa không có những yếu tố có sẵn cho chủ nghĩa xã hội. Một luận điểm rất siêu hình!).

Nhưng sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại sang hình thái xã hội mới chắc chắn sẽ phải diễn ra dưới trạng thái cách mạng. Cách mạng ở đây không phải được hiểu như một hay nhiều hành vi bạo lực, dù rằng không thể loại bỏ khả năng này một cách tuyệt đối, mà như những bước nhảy về chất trong các lĩnh vực đời sống xã hội, chủ yếu trong lĩnh vực quan hệ sở hữu kinh tế và quyền lực chính trị. Các tập đoàn tư bản lớn, các thế lực chính trị tư bản chủ nghĩa (và cả các mafia) không rời bỏ vị trí của chúng một cách êm thấm. Ý thức sùng bái tư hữu tuyệt đối và phổ biến cũng như chủ nghĩa cá nhân con đẻ của nó (đặc biệt là chủ nghĩa cá nhân cực đoan) không tự kết thúc một cách dễ dàng. Những cuộc đấu tranh xã hội sẽ diễn ra với những cường độ khác nhau, kể cả những hình thức quyết liệt của quần chúng đông đảo. Những phong trào xã hội (chống bóc lột kinh tế, chống hủy hoại môi trường sinh thái, chống bất bình đẳng nam nữ, chống phân biệt chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, v.v...) sẽ phát triển mạnh mẽ, bao gồm các tầng lớp nhân dân rộng rãi, trong đó trí thức đóng vai trò chủ đạo.

Không thể dự kiến sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản sẽ kéo dài đến bao giờ, nhưng sự kết thúc của nó để nhường chỗ cho hình thái xã hội mới là chắc chắn và, trong một số trường hợp, là có thể nhìn thấy về mặt lịch sử. Một số nước phát triển ở phương Tây hiện nay cũng đã báo trước điều đó (Thụy Điển là một ví dụ).

Cũng không thể khẳng định sự chuyển biến của chủ nghĩa tư bản hiện đại sang hình thái xã hội mới là một con đường thẳng, không có những khúc quanh và những bước giật lùi. Có thể xẩy ra những “thời kỳ phản động” ở nước này hay nước khác, nhưng những thời kỳ như vậy sẽ không kéo dài nhiều thập kỷ như trước đây. Nói chung, chủ nghĩa tư bản hiện đại sẽ chuyển sang hình thái xã hội mới qua các cuộc đấu tranh ngay trong bản thân nó giữa các lực lượng xã hội khác nhau, đối lập nhau, theo hướng dân chủ hóa và nhân đạo hóa.


17.

Vấn đề chuyển sang hình thái xã hội mới ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện có là vấn đề phức tạp hơn nhiều. Đối với các nước này, đó là một con đường vòng, tốn nhiều thời gian và phải trả nhiều phí tổn hơn. Bởi vì, như trên đã nói, với hình thức “chủ nghĩa xã hội Nhà nước”, các nước này đã tách khỏi “con đường lớn” của nền văn minh loài người trong một thời gian khá dài, do đó, phải mất một thời gian cũng khá dài nữa để trở lại với những thành tựu mà văn minh loài người đã đạt được (kinh tế thị trường, chế độ dân chủ, những giá trị tinh thần toàn nhân loại...). Quá trình này không thể không kết hợp với một quá trình khác cũng đòi hỏi không ít thời gian để chuyển sang nền văn minh mới của loài người mà các nước phát triển phương Tây đang bước vào. Hai quá trình này phải nhập chung lại làm một, được tiến hành đồng thời. Ở đây, một yêu cầu tất yếu được đặt ra: tiến bước theo những nhịp độ gia tốc. Nhưng dù có đạt được những nhịp độ ấy, cũng không thể quan niệm thời gian chuyển biến ấy sẽ ngắn. Sự chuyển biến sang hình thái xã hội mới ở đây phải tính bằng nhiều thập kỷ.

Vấn đề tuyệt nhiên không phải là quay trở lại quá trình phát triển tư bản chủ nghĩa. Bởi vì, không những chủ nghĩa tư bản dưới mọi hình thức của nó, kể cả hình thức hiện đại, đã lỗi thời về mặt lịch sử, mà vì ngay trong bản thân các nước xã hội chủ nghĩa cũng có một số tiền đề nhất dịnh cho sự chuyển biến này. Những tiền đề ấy không nhiều và không cao như ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, nhưng không phải không có.

Về cơ sở vật chất, nói chung các nước xã hội chủ nghĩa vẫn còn nằm trong trạng thái văn minh công nghiệp, nhưng cũng đã có những chuẩn bị nhất định về tri thức khoa học và phương tiện vật chất cho văn minh hậu công nghiệp, tin học.

Về mặt xã hội, cũng đã hình thành một số yếu tố cho sự chuyển biến này: một đội ngũ trí thức đông đảo, trong đó có không ít những người đạt tới tầm cỡ thế giới; một số cơ chế phúc lợi xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội và bảo hiểm xã hội đã được thiết lập khá vững chắc, dù vẫn còn có những bất hợp lý và biến dạng...

Về mặt chính trị, tình trạng mất dân chủ của “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” đã loại bỏ sự tham gia của quần chúng vào đời sống chính trị, làm cho các cá nhân công dân bị tách khỏi các quá trình quản lý Nhà nước và xã hội một cách phổ biến, nhưng chính nó, khi bị khủng hoảng sâu sắc và gay gắt, lại tạo thành mặt đối lập của nó: từ “phải chính trị hóa”, các công dân nói chung chuyển sang “chính trị hóa”. Như vậy, những tiền đề chính trị của hình thái xã hội mới, trong đó các cá nhân công dân tham gia đời sống chính trị một cách trực tiếp lại được tạo ra ở một trình độ khá cao.

Về mặt tinh thần và tư tưởng, có thể nói chủ nghĩa xã hội, bất chấp những biến dạng và biến chất của nó, đã và đang nuôi dưỡng những giá trị công bằng xã hội ở một chiều sâu không thể lay chuyển được. Chính những lý tưởng xã hội chủ nghĩa - những giá trị tinh thần cao nhất của chủ nghĩa xã hội đã ăn sâu vào ý thức của quần chúng nói chung, của các cá nhân nói riêng - có thể chuyển thành một sức mạnh xã hội, “sức mạnh vật chất” như Mác nói. Và có thể coi đó là tiền đề quan trọng nhất để chuyển sang hình thái xã hội mới. Tất nhiên, về mặt này, cũng phải làm những sự “thanh lọc” hết sức khó khăn để loại bỏ thứ “chủ nghĩa tập thể thô thiển”, “chủ nghĩa bình quân”... khỏi ý thức xã hội.

Nếu đem so sánh với những tiền đề chuyển sang hình thái xã hội mới ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa những tiền đề ấy có yếu hơn - và yếu hơn nhiều - về cơ sở vật chất, kinh tế và về các thể chế dân chủ, nhưng lại có thể mạnh hơn về ý thức chính trị và xã hội của quần chúng, với tư cách tập hợp các cá nhân công dân. Và trong lịch sử vẫn thường xẩy ra những trường hợp các nước đi sau về trình độ phát triển ở những mặt nào đó lại có thể vượt lên nhanh chóng bằng những biến đổi cách mạng, trong khi các nước có trình độ phát triển cao hơn vẫn còn chịu tác động của “lực ỳ”. Tình trạng kém phát triển hơn không phải là một định mệnh.

Điều này không có nghĩa là các nước xã hội chủ nghĩa có thể chuyển sang hình thái xã hội mới một cách dễ dàng. Không, sự chuyển biến này diễn ra, như thực tế đang chứng tỏ, một cách đau đớn và quyết liệt. Nếu ở các nước tư bản phát triển, sự chuyển sang hình thái xã hội mới vấp phải sức chống đối của những thế lực thống trị phản động, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa, tình hình cũng như thế, nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Những thế lực thống trị cũ trong xã hội theo “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” - có thể gọi chung đó là một tầng lớp quan liêu, thậm chí một giai cấp quan liêu, mang tính độc tôn, do đó cũng mang ý thức độc tôn, chỉ có thể so sánh với đẳng cấp quí tộc trước kia - sẽ chống phá quá trình chuyển sang hình thái xã hội mới với đủ thứ vũ khí trong tay, từ những tổ chức cảnh sát và quân đội còn nắm được để đe dọa tinh thần quần chúng, sự lũng đoạn tư tưởng đối với những bộ phận khá lớn trong xã hội, và bản thân những bộ phận quần chúng ấy, do ngập sâu vào sự tha hóa mà “chủ nghĩa xã hội Nhà nước” tạo ra bằng các hình thức bao cấp, cũng trở thành “cơ sở xã hội” cho thế lực thống trị quan liêu cũ. Dù bắt đầu bằng cách nào, sự chuyển biến này chỉ có thể thực hiện được bằng sức mạnh của đông đảo quần chúng trong xã hội, một sức mạnh phải đạt tới trình độ áp đo và tự giác cao.


18.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa, sự chuyển tiếp sang hình thái xã hội mới phải trải qua một “giai đoạn quá độ”, nếu có thể gọi như vậy. Trong giai đoạn này, những vận động “đổi mới chủ nghĩa xã hội” được tiến hành dưới những hình thức khác nhau (đổi mới, cải tổ, cải cách). Mục tiêu của những vận động này thường được nêu lên như để đem lại “bộ mặt mới” cho chủ nghĩa xã hội; những từ ngữ thường dùng là “chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ”... Và thuật ngữ được chấp nhận một cách khá phổ biến là “chủ nghĩa xã hội dân chủ” để đối lập với “chủ nghĩa xã hội Nhà nước, quan liêu, toàn trị ”. Thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội dân chủ” cũng được chính thức đưa ra trong tuyên ngôn mới đây của Quốc tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, có thể coi “giai đoạn quá độ” này là giai đoạn “chủ nghĩa xã hội dân chủ”.

“Chủ nghĩa xã hội dân chủ” vẫn tự coi là đi theo chủ nghĩa xã hội, được thực hiện trong khuôn khổ chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là khái niệm “chủ nghĩa xã hội” vẫn là khái niệm gốc. Điều đó có thể cắt nghĩa bằng hai lý do.

Thứ nhất, đối với không ít người mác-xít, tư duy triết học xã hội vẫn còn dừng lại ở học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học” được đề ra từ giữa thế kỷ trước (thế kỷ XIX), tuy có những “điều chỉnh”, “bổ sung” nhất định cho phù hợp với hiện thực mới. Những tiếng nói mang xu hướng xem xét lại một cách triệt để và từ bỏ học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học” mới chỉ là những tiếng nói lẻ tẻ, đơn độc trong những người mác-xít. (ngay trong khi viết những dòng này, tôi vừa đọc một bài viết ngắn rất thú vị của một nhà xã hội học theo xu hướng mới này: Vadim Bielotserkovski ở Munich, trong Nouvelles de Moscou số 52, 1989). Phải mất một thời gian không phải là ít xu hướng này mới có thể phát triển thành một trào lưu mới (hoặc bị cuộc sống bác bỏ, ai biết được!).

Thứ hai, từ gần hai thế kỷ nay, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một di sản tinh thần thấm sâu vào ý thức của các tầng lớp lao động nghèo khổ, hơn nữa, một bộ phận những người trí thức tiến bộ cũng coi nó là một giá trị tinh thần của tiến bộ xã hội, thậm chí là giá trị tinh thần cao nhất. Vì thế, nó mang một sức mạnh tâm lý - đạo đức rất lớn. Đặc biệt, ở các nước xã hội chủ nghĩa, nó trở thành lý tưởng và lẽ sống của số đông. Trừ bỏ giá trị tinh thần, giá trị tâm lý - đạo đức ấy không phải là một quá trình chóng vánh. ở đây quá trình ấy thường trải qua những bước kế tiếp nhau, theo lôgic của sự tự thể nghiệm. Lúc đầu coi những tật xấu dưới chủ nghĩa xã hội như là tàn dư của các chế độ xã hội cũ. Sau đó, như là hậu quả của những hư hỏng cá nhân của một số nhân vật lãnh đạo (“tệ sùng bái cá nhân”). Sau đó nữa coi đó là sự phá sản của một mô hình sai lầm của chủ nghĩa xã hội (“chủ nghiã xã hội Nhà nước”). Cuối cùng, từ bỏ “chủ nghĩa xã hội khoa học” nói riêng và chủ nghĩa xã hội nói chung, ngay ở những cơ sở lý thuyết của nó, nhưng đó là bước gay go nhất về mặt ý thức xã hội.

Vì hai lý do ấy, có thể chấp nhận “chủ nghĩa xã hội dân chủ” như một khái niệm cần thiết, nói đúng hơn, như một khái niệm chuẩn bị cho sự từ bỏ khái niêm “chủ nghĩa xã hội” khi “chủ nghĩa xã hội dân chủ” chuyển sang hình thái xã hội mới.

Nhưng đứng về mặt lý luận có thể coi “chủ nghĩa xã hội dân chủ” chính là giai đoạn tự phủ định của chủ nghĩa xã hội. Vì với nội dung nhân đạo, dân chủ, tự phát triển, tự hoàn thiện, nhất là với nội dung đa nguyên trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thì đó không còn là “chủ nghĩa xã hội” theo nguyên nghĩa. Không nhận rõ điểm này, thì những vận động “đổi mới”, “cải tổ”, “cải cách” đang được tiến hành ở các nước xã hội chủ nghĩa lại vẫn chỉ là quay về với điểm xuất phát trừu tượng và lại lâm vào ngõ cụt.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, cũng đã có một số người bắt đầu nhìn ra điều này và đã bắt đầu phát biểu công khai quan diểm của mình dưới những hình thức khác nhau. Không thể coi những tiếng nói ấy là “chống chủ nghĩa xã hội” theo cách nhìn quen thuộc. Nhưng rõ ràng những ý kiến ấy cũng chưa đủ sức thuyết phục vì “độ mỏng” về lý luận của nó.


19.

Trong đề cương này, khi nói tới “hình thái xã hội mới” trong giai đoạn văn minh mới của loài người, hình thái đó chưa được đặt tên. Và cũng không nên đặt tên trước cho nó để tránh tình trạng trói nó vào những “nguyên tắc” nào đó, khiến nó chóng xơ cứng và lại rơi vào số phận của chủ nghĩa xã hội như lịch sử cho thấy. (Có lẽ trong các chế độ xã hội của loài người đã tồn tại cho đến nay, chỉ có một chế độ xã hội được đặt tên trước: chế độ xã hội chủ nghĩa).

Một lý do nữa không kém phần quan trọng: không nên hiểu hình thái xã hội mới như một hình thái đơn nhất. Phải hiểu đó là nhiều hình thái khác nhau, có một số đặc trưng giống nhau nhưng lại có nhiều phương thức tồn tại và phát triển khác nhau. Xã hội loài người tương lai là một cộng đồng đa nguyên của các hình thái xã hội khác nhau.

Viết từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Giêng 1990
Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.



































Nguyễn Kiến Giang
Suy tư 90 -
Khủng hoảng và lối ra

Bài này viết đầu năm 1991, theo yêu cầu của một nhóm lão thành cách mạng, trước Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cụ rất tán thành những nội dung nêu ra. Nhưng vì những lý do nào đó, các cụ (trừ cụ Lê Giản) không muốn ký tên vào bản kiến nghị này. Tôi đành phi xin phép các cụ để tôi ký tên một mình và gửi đến những địa chỉ cần thiết.
Đặt vấn đề

1.

Tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài là hiện thực cơ bản, bao trùm toàn bộ đời sống xã hội nước ta, không ai không thừa nhận. Đất nước giống như một người ốm nặng, chưa gượng dậy nổi. Hơn thế nữa, căn bệnh lại có phần nguy kịch hơn và ngấm vào bên trong. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phải vượt qua tình trạng khủng hoảng càng sớm càng tốt. Chưa giải quyết được nhiệm vụ này, thì chưa thể nói tới bất cứ nhiệm vụ nào khác, càng chưa thể nói tới những triển vọng phát triển lâu dài của đất nước một cách cụ thể.

Nhưng trong nhận thức cũng như trong thực tiễn, nhiều vấn đề có liên quan với khủng hoảng vẫn chưa có một sự thống nhất: khủng hoảng này là khủng hoảng gì? Thực chất của nó là thế nào? Nguyên nhân chủ yếu của nó? Có khả năng ra khỏi khủng hoảng không? Thoát ra bằng lối nào?

Đề cương này góp phần phân tích và lý giải những câu hỏi đang làm day dứt tất cả những ai lo lắng tới vận mệnh đất nước lúc này. Trong đề cương, chỉ xin bàn tới những điểm chính, coi như những gợi ý để cùng nhau suy nghĩ và giải quyết.


Khủng hoảng

2. Khủng hoảng gì?

Trong các văn kiện chính thức, khi nói tới khủng hoảng, thường dùng mấy chữ “khủng hoảng kinh tế - xã hội”. Thật ra, đó là khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội, khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội: kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị. Khủng hoảng ở mỗi lĩnh vực vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của khủng hoảng ở các lĩnh vực khác.

(khủng hoảng kinh tế)

Khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế biểu hiện chủ yếu ở tình trạng lạc hậu kinh tế và kỹ thuật của đất nước. Trong khi nhiều nước trên thế giới đang bước qua giai đoạn văn minh hậu công nghiệp (điện tử - tin học), thì nước ta vẫn chưa ra khỏi giai đoạn văn minh tiền công nghiệp (văn minh nông nghiệp); sản xuất không đủ ăn (1.932 kilôcalo mỗi người mỗi ngày so với yêu cầu 2.300 kilocalo); không tạo được nguồn tích luỹ bên trong đáng kể, chưa đủ bảo đảm tái sản xuất giản đơn, chưa nói tới tái sản xuất mở rộng, trong khi sức ép dân số và thoái hóa môi trường sinh thái ngày càng tăng; lạm phát vẫn ở mức nghiêm trọng; mức tăng giá cả khá cao; tài sản quốc gia ngày càng giảm sút, không ít xí nghiệp đứng trước nguy cả bị mất dần tài sản, kể cả tài sản cố định; ngân sách thiếu hụt nghiêm trọng, dù mức chi ngân sách cho các hoạt động kinh tế và văn hóa rất thấp; nạn buôn lậu hoành hành, thị trường hỗn loạn...

Các quan hệ sở hữu ở nước ta hiện nay không phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, do đó vẫn tiếp tục kìm hãm và phá hoại những năng lực sản xuất xã hội. Rõ nhất là ở khu vực sở hữu nhà nước, khu vực này đang biến thành ổ chứa những tật bệnh hiểm nghèo đối với cơ thể toàn xã hội: tham nhũng, buôn lậu và lãng phí vô tội vạ. Trong khu vực sở hữu tập thể, tuy đã thực hiện “khoán 10”, nhưng người nông dân vẫn chưa thật sự làm chủ mảnh đất của mình một cách đầy đủ, tính tích cực của họ vẫn bị hạn chế. Và cả trong khu vực sở hữu tư nhân, vẫn chưa có luật pháp bảo đảm rõ ràng để mỗi công dân yên tâm làm ăn và đầu tư lâu dài.

Mấy năm vừa qua, kinh tế thị trường được khôi phục và phát triển khá, góp phần đáng kể vào việc giảm bớt những khó khăn về mua và bán, thúc đẩy phần nào các quá trình sản xuất và lưu thông. Đó là một phương hướng tốt, nhưng trong nền kinh tế thị trường của ta đang có nhiều yếu tố bệnh hoạn khiến cho các cơ chế thị trường lành mạnh (cạnh tranh và điều tiết) không hoạt động bình thường được, tạo diều kiện cho những thế lực đen tối lũng đoạn và phá hoại. Kết quả là sản xuất khó khăn và đình đốn, thậm chí có khi bế tắc, mức sống của người lao đông vốn rất thấp lại càng thấp hơn (nói riêng tiền lương, giá trị thực tế chỉ còn bằng 1/3 so với tháng Chín 1985), sức mua xã hội giảm sút nghiêm trọng, đời sống kinh tế chung của xã hội ngày càng khốn quẫn.

3. (khủng hoảng xã hôi)

Nhưng trong khi đa số nhân dân, trước hết là những người lao động lương thiện, lâm vào cảnh nghèo khổ chưa tìm thấy lối thoát, trì trớ trêu thay, một tầng lớp xã hội nhỏ bé lại chiếm đoạt của cải của đất nước một cách ngang nhiên. Tất nhiên, ở đây không nói tới những người do sức lực và trí tuệ của mình mà trở nên giàu có một cách chính đáng (đối với những người này, cần tạo thêm điều kiện thuận lợi hơn để họ có thể giàu có hơn, điều đó chỉ có lợi chung cho đất nước).

ở đây chỉ muốn nói tới những phần tử lợi dụng chức vụ và thế lực trong bộ máy nhà nước để hưởng đặc quyền đặc lợi, để kiếm bổng lộc, để tham nhũng, và những phần tử buôn gian bán lận, đầu cơ tích trữ, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân. Trong xã hội đã hình thành khá rõ một tầng lớp “tư sản không văn minh” mang tính chất lưu manh, về thực chất cả bọn này lẫn bọn kia đều ăn cắp của nhà nước và nhân dân (trong khi xã hội đang cần có một tầng lớp “tư sản văn minh” để có thể vượt qua tình trạng lạc hậu về kinh tế và kỹ thuật nhanh hơn). Điều không tránh khỏi đã xẩy ra: những phần tử thoái hóa biến chất trong bộ máy nhà nước móc ngoặc với những phần tử tư sản lưu manh trong xã hội, kết thành những mafia có thế lực khá lớn. Chế độ ta lâm vào thế hiểm nghèo vì sự phá hoại và lũng đoạn của c
húng.


Sự phân hóa xã hội không lành mạnh đang diễn ra. Một số người ăn tiêu xả láng, phè phỡn trên những đống của kiếm được bằng ăn cắp. Còn đại đa số dân ta, những người lao động lương thiện, ngày càng khốn khổ. Tiền lương thực tế không đủ nuôi bản thân. Hàng chục vạn vạn người “dư dôi”, thực chất là thất nghiệp. Nông dân đã kiệt quệ trong những năm “hợp tác” trước đây, tuy có khá hơn sau khi thực hiện “khoán 10”, vẫn sống nheo nhóc vì bị ăn chặn ở các khâu bán ra, mua vào (cả tư thương lẫn quốc doanh) và vì đóng góp quá sức. Trí thức không sống được bằng “chất xám”, bằng năng lực và tài năng, phải kiếm ăn bằng “tay trái”, phải “xuất khẩu lao động” để tự cứu.

Khủng hoảng ở nước ta hiện nay mang tính chất xã hội rõ rệt với những mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc. Nghèo khổ lạc hậu cộng với bất công xã hội làm cho tình hình xã hội rất ngột ngạt, căng thẳng.

4. (khủng hoảng tinh thần)

Trong hoàn cảnh đó, khủng hoảng về tinh thần và tư tưởng là không thể tránh khỏi. Số đông nhân dân - nhất là lớp trẻ - mất niềm tin vào những lý tưởng ban đầu của cách mạng và chế độ. Chưa bao giờ con người sống chông chênh và lo lắng như bây giờ. Chưa bao giờ đạo đức xã hội bị xói mòn và băng hoại như bây giờ. Tội ác xẩy ra ngày càng tăng, mang những hình thức nghiêm trọng hiếm thấy. Nạn mãi dâm lan tràn hơn cả dưới chế độ cũ. Trộm cướp, trấn lột, giết người, lừa đảo... là những hiện tượng phổ biến.

Các giá trị tinh thần của xã hội bị lật ngược: người ngay sợ kẻ gian, người lương thiện có năng lực sống khổ cực hơn kẻ cơ hội; xu nịnh trở thành “mốt” phổ biến. Tiếng nói của người dân không được nghe, những nỗi oan của người “thấp cổ bé miệng” không được giải, mọi ý kiến xây dựng chân thành bị coi là “xấu” chỉ vì khác ý kiến chính thống. Năng lực sáng tạo về khoa học và nghệ thuật vẫn bị kìm hãm nặng nề. Chán nản và dửng dưng với tình hình đất nước là nét chủ yếu của tâm lý xã hội hiện nay. Sức chống cự đối với những “tiêu cực xã hội” ngày càng suy giảm.


5. ( xu hướng thế giới dân chủ)
Khủng hoảng có khía cạnh quốc tế của nó. Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường văn minh ngày càng cao của loài người. Quốc tế hóa sản xuất và đời sống tăng lên nhanh chóng. Một loạt nước vốn lạc hậu đang vưn lên trình độ những “nước công nghiệp mới” (NICs). Xu thế dân chủ hóa phát triển rộng rãi và mạnh mẽ. Trong khi đó, nước ta vẫn sống trong thế cô lập với thế giới bên ngoài.


Khoảng cách giữa nước ta và các nước khác (kể cả các nước trong khu vực) tăng thêm một cách đáng lo ngại. Chưa có những biện pháp mạnh bạo, có hiệu quả để đưa nước ta hòa nhập với cộng đồng thế giới, nhất là về kinh tế và khoa học - kỹ thuật. Tính chất lạc hậu và, nói như một nhà nghiên cứu, tính chất lạc điệu của nước ta càng nổi bật lên, tạo thành một sức ép tinh thần lớn đối với nhân dân, nhất là lớp trẻ và giới trí thức. Nỗi nhục đất nước lạc hậu cũng nặng nề như nỗi nhục mất nước trước đây.

Những biến động ở một loạt nước trong “hệ thống xã hội chủ nghĩa” trước đây đặt ra những câu hỏi không dễ dàng giải đáp về triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội. Nhưng những phản ứng giản đơn hóa, theo tư duy cũ kỹ, đối với những quá trình mới mẻ ấy càng làm cho nước ta lạc điệu hơn, tự tách mình khỏi các quá trình chung của thế giới và, cuối cùng, làm cho nhiều người trong nước mất phương hướng trong công cuộc đổi mới hiện nay.

6.

Những mặt khủng hoảng nói trên tạo thành một cục rối khó gỡ, vì rất khó tìm thấy đầu mối. Nhưng ở một nước mà tất cả các mặt đời sống xã hội và cá nhân đều do một bộ máy lãnh đạo và quản lý chung chi phối như ở nước ta, thì tất cả các mặt khủng hoảng của xã hội đều được phản ảnh, kết tụ ở mặt chính trị. Khủng hoảng ở nước ta hiện nay tập trung nhất ở khủng hoảng chính trị.

Khi mọi mặt đời sống xã hội và cá nhân đều phục tùng một trung tâm là bộ máy “Đảng - Nhà nước”, thì rõ ràng bộ máy đó phải chịu trách nhiệm trước tiên và toàn bộ về tình trạng khủng hoảng (cũng như trước đây Đảng và nhà nước được dân chúng tôn làm người lãnh đạo tuyệt đối trong chiến đấu chống ngoại xâm).

Đảng duy trì địa vị độc tôn quá lâu, biến sự lãnh đạo của mình là một tất yếu khách quan trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành chế độ Đảng trị là một áp đặt chủ quan. Chủ trương hòa hợp dân tộc và thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân, như đã hứa hẹn trong những năm chiến đấu chống xâm lược, đã không được thực hiện, làm triệt tiêu sớm sự phấn khởi của nhân dân sau khi vừa giành được thắng lợi. Những thái độ biệt phái, độc tôn, kèm theo những biện pháp “chuyên chính” tràn lan, kể cả với những bạn đồng hành cũ cũng như với những người trong đội ngũ, đã biến sự lãnh đạo của Đảng thành một sự áp đặt độc đoán lên toàn xã hội. Tệ quan liêu, chuyên quyền có điều kiện lộng hành. Cộng thêm vào đó là trình độ thấp kém của không ít người lãnh đạo các cấp của Đảng, sự thoái hóa biến chất nhanh chóng của nhiều người trong bộ máy quản lý và lãnh đạo càng làm cho Đảng mất uy tín vốn có.

Trong khi đó, những nhân tố lành mạnh trong bộ máy và trong đội ngũ Đảng bị gạt bỏ hoặc bị vô hiệu hóa. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội chỉ còn là thuần túy hình thức. Tóm lại, từ chỗ Đảng là lãnh tụ được nhân dân thừa nhận, Đảng đã làm suy yếu vai trò đó trong thực tế. Đảng đứng lên trên nhân dân và không hề chịu sự kiểm soát của nhân dân.
Mất dân chủ trong Đảng và trong xã hội là nguồn gốc chủ yếu dẫn tới chỗ làm yếu sức mạnh của Đảng, làm khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn, càng khó tìm thấy lối thoát hơn (đặc biệt đối với số đông nhân dân vốn quen chờ đợi thụ động những quyết định của lãnh đạo).

Trong những điều kiện đó, không thể nói tới một nhà nước pháp quyền vì luật pháp được vận dụng một cách tùy tiện và các công dân không được bảo đảm bình đẳng trước pháp luật. Chưa nói tới luật pháp vừa thiếu, vừa không phù hợp với những chuẩn mực luật pháp quốc tế (đặc biệt về các quyền con người trong Hiến chương Liên hợp quốc về các quyền con người mà nước ta đã ký). Xã hội gần như sống trong trạng thái không có luật pháp. Chỉ cần nhắc tới một sự thật cũng đủ thấy: cho tới nay đã phát hiện hơn 10.000 vụ tham nhũng, nhưng chỉ mới đưa ra xét xử vài chục vụ và cũng không xét xử đến nơi đến chốn. Chính đó là một yếu tố tăng thêm tình trạng khủng hoảng của xã hội.

7.

Xem xét một cách khách quan, từ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong xã hội đã xuất hiện một số thay đổi theo chiều hướng tích cực. Lạm phát bị đẩy lùi, thị trường có nhiều hàng hóa, kinh tế thị trường bắt đầu phát huy những tác dụng có lợi cho sự ổn định và phát triển kinh tế, các thành phần kinh tế khác nhau bắt đầu được khuyến khích, việc mở cửa hợp tác với nước ngoài được chú trọng hơn. Không khí xã hội bắt đầu cởi mở hơn. Trong nhân dân bắt đầu nhen lên những hy vọng mới.

Nhưng những hy vọng vừa nhen nhóm ấy bị nguội lạnh dần vì lại xuất hiện những khó khăn mới trong đời sống kinh tế và xã hội và vì những chủ trương hạn chế dân chủ trở lại. Tình trạng khủng hoảng, do đó, càng trở nên trầm trọng hơn, nan giải hơn. Có thể nói khủng hoảng chỉ dịu bớt ở một vài biểu hiện của nó (lạm phát, thiếu hụt hàng hóa...), nhưng những biểu hiện chủ yếu của nó trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội đã nói ở trên vẫn nặng nề, thậm chí có chiều hướng tăng lên.

8.

Nguyên nhân của khủng hoảng là gì?
(Nguyên nhân của khủng hoảng)
Trong các văn bản chính thức, có nói nguyên nhân của khủng hoảng là do: “nguồn gốc lịch sử sâu xa để lại và hậu quả của nhiều năm chiến tranh, song nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta đã xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình mang nặng tính giáo điều, rập khuôn và chủ quan duy ý chí” (Dự thảo chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2000). Nói như vậy, đúng nhưng chưa đủ, chưa thật rõ.

(Gấp rút, tiến nhanh, tiến mạnh)
Vấn đề không phải là đã xây dựng chủ nghĩa xã hội theo một mô hình không đúng, mà đã phạm sai lầm cả khi đặt ra nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta sau năm 1954, khi vừa giải phóng miền Bắc, và sau đó mở rộng nhiệm vụ ấy ra cả nước sau chiến thắng 1975 giải phóng cả nước, với chiến lược chung là cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một ngộ nhận lịch sử: một đất nước vừa trải qua hàng chục năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chưa kịp bình thường hóa đời sống nhân dân, chưa thực hiện được bao nhiêu những nhiệm vụ cách mạng dân chủ, cũng chưa có những tiền đề cần thiết về vật chất và xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội; ở một đất nước như vậy mà chúng ta lại vội vàng đặt ra nhiệm vụ chiến lược “cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Nói cách khác, khi đặt ra nhiệm vụ này, đã xuất phát từ một sơ đồ lý luận trừu tượng (làm xong cách mạng dân tộc dân chủ, chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa theo lý luận “cách mạng không ngừng”), mà không xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể lịch sử của nước ta lúc đó. Đã thế, khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, lại theo một mô hình mà ngày nay chúng ta gọi là “chủ nghĩa xã hội nhà nước”, “chủ nghĩa xã hội tập trung quan liêu”, trong thực tế không dính dáng gì tới chủ nghĩa xã hội cả, mà là nhà nước hóa tất cả theo một kế hoạch và một sự lãnh đạo tập trung quan liêu.

Sau ngày giải phóng đất nước, nếu xuất phát từ tình hình thực tế lúc đó, đáng lẽ phải làm cho bằng được mấy nhiệm vụ sau đây:

Thứ nhất, bình thường hóa đời sống nhân dân và đời sống xã hội sau hàng chục năm chiến tranh. Sức dân đã cạn kiệt, phải khôi phục một cuộc sống bình thường cho nhân dân, bù đắp những hy sinh và thiệt hại của nhân dân trong chiến tranh và nâng mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân lên một trình độ cần thiết. Điều đó đã không được thực hiện. Cả di chúc của Hồ Chí Minh về mặt này cũng không được coi trọng. Nhân dân bị tiếp tục động viên quá căng thẳng vào những kế hoạch xây dựng mới, qui mô quá lớn và mang tính chất phiêu lưu. Xin nhớ rằng ngay hiện nay, gần 16 năm sau chiến tranh, những nơi bị chiến tranh tàn phá vẫn chưa được xây dựng lại bao nhiêu, có nơi các bà mẹ liệt sĩ vẫn chui ra chui vào những túp lều tạm bợ. Sức dân sau chiến tranh chưa được bồi dưỡng. Những thương tích chiến tranh trên cơ thể và tâm hồn người dân chưa lành lặn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng suy thoái giống nòi thật đáng lo ngại: khoảng một nửa dân số, nhất là trẻ em, bị suy dinh dưỡng, khoảng 10% dân số mắc các chứng tâm thần, trọng lượng trẻ sơ sinh dưới mức trung bình, năng lực trí tuệ của trẻ em giảm sút. Tất cả những vấn đề đó chưa được nêu lên và giải quyết tận gốc.

Thứ hai, phải xây dựng một xã hội công dân đúng theo nghĩa của nó. Xã hội Việt Nam, trong những chế độ phong kiến và thực dân trước đây là một xã hội “thần dân”, trong đó mọi người dân không có quyền gì, chỉ phục tùng bộ máy thống trị, phục tùng nhà nước phong kiến và thực dân. Nhân dân làm cách mạng và tiến hành kháng chiến lâu dài không chỉ để giành độc lập cho tổ quốc, mà còn giành dân chủ và tự do cho chính mình. Trong kháng chiến, người dân nén lại những yêu cầu về dân chủ, tự do lại, tập trung mọi lực lượng giải quyết nhiệm vụ giành độc lập dân tộc. Lẽ ra, sau khi kháng chiến thành công, phải chuyển một cách nhanh chóng sang xã hội công dân, trong đó mỗi người dân là người chủ thật sự của đất nước, mọi quyền lực là của nhân dân. Nhưng 45 năm sau cách mạng, quyền lực chỉ thuộc về nhân dân trên danh nghĩa, trong thực tế là thuộc bộ máy Đảng - Nhà nước. Xã hội chịu sự chi phối của một bộ máy cầm quyền vốn từ nhân dân mà ra, nhưng dần dần biến thành một bộ máy quan liêu, đứng lên trên nhân dân.

Nói cách khác, nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng khủng hoảng là sau khi giành được độc lập, nhân dân chưa có hạnh phúc và tự do, đúng như những tiêu ngữ ban đầu được đề ra trong Cách mạng tháng Tám 1945: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Năm xưa, khi cách mạng mới thành công, Hồ Chí Minh đã dự cảm rất sâu sắc: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập không có ý nghĩa gì”. Khủng hoảng bắt nguồn chính ở điểm này: những lý tưởng của cuộc cách mạng đã bị thực tiễn đi ngược lại, phản lại. Chiều sâu của khủng hoảng trước hết là ở sự hẫng hụt trong nhân dân, người làm nên thắng lợi của cách mạng và kháng chiến, đối với các mục tiêu tự do, hạnh phúc, dân chủ lẽ ra họ được hưởng, dù chỉ một phần.

9. Trong bối cảnh lịch sử thế giới, có thể xem xét nguyên nhân khủng hoảng hiện nay ở nước ta cả ở những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội đã được thực hiện như đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, chế độ sở hữu xã hội dưới hình thức nhà nước hóa, v.v... Khủng hoảng ở nước ta gắn với chính bản thân chủ nghĩa xã hội, và ở một mức độ nào đó, là một bộ phận của sự khủng hoảng đó. Vấn đề không phải ở những lý tưởng giải phóng lao động, giải phóng con người của chủ nghĩa xã hội, mà là ở những con đường, những phương tiện, những biện pháp đạt tới những lý tưởng đó. Khó có thể vượt qua khủng hoảng ở nước ta nếu vẫn giữ nguyên cách hiểu về chủ nghĩa xã hội như đã có cho đến nay. (Đây là một vấn đề vô cùng trọng yếu về lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội, có ý nghĩa quyết định vận mệnh lịch sử của nó, xin bàn ở một dịp khác).

10. Tóm lại, khủng hoảng ở nước ta hiện nay là khủng hoảng toàn diện, tổng thể của chế độ xã hội chúng ta, ở ngay những nền tảng của nó. Đó là điểm xuất phát chủ yếu để tìm lối ra.


Lối ra

11. Cuộc khủng hoảng này có lối ra không?

( giải pháp)
Xin trả lời: có. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn, phải trả giá ít hay nhiều. Trong những điều kiện của nước ta hiện nay, chỉ cần Đảng và nhân dân cùng nhau tìm kiếm một lối ra thích hợp, với tinh thần chủ động, có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng và xã hội khỏi phải trả giá nặng nề.

Nếu không làm được như vậy, cuối cùng sẽ phải trả giá đau đớn đối với nhân dân cũng như đối với chính bản thân Đảng. Trong triển vọng này, sẽ xẩy ra mấy khả năng:

* Hoặc là những bùng nổ không kiểm soát được chỉ có lợi cho những thế lực đen tối trong xã hội;

* Hoặc là đất nước rơi vào chứng hoại thư, đi tới sự sụp đổ nguy hiểm;

* Hoặc là khủng hoảng vẫn kéo dài triền miên, chế độ xã hội do cách mạng thiết lập bị dần dần biến chất, những lý tưởng của cuộc cách mạng nhân dân bị hoàn toàn phản bội.

Cần khẳng định: trong hoàn cảnh thế giới và đất nước hiện nay, chúng ta có đủ những tiền đề và điều kiện cần thiết để thoát khỏi khủng hoảng.

* Về mặt quốc tế, chúng ta đang chịu nhiều sức ép mạnh mẽ từ bên ngoài, nhưng đồng thời các quá trình quốc tế hóa kinh tế, tiến bộ khoa học - công nghệ, cũng như dân chủ hóa đời sống xã hội đang tạo ra những điều kiện chưa từng có để giúp ta nhanh chóng khắc phục khủng hoảng, vượt qua tình trạng lạc hậu, hòa chung vào những trào lưu văn minh hiện đại. Nước ta cần hợp tác với các nước khác, trong khi các nước khác cũng cần hợp tác với nước ta. Ngay cả những nước thi hành chính sách bao vây, cấm vận cũng đang dần dần từ bỏ chính sách lỗi thời đó, phù hợp với xu thế chung của thời đại chuyển từ đối đầu sang đấu tranh, đối thoại và hợp tác.

* Ở trong nước, những nhân tố mới đã hình thành ở một mức độ đáng kể: ý thức xã hội chuyển động mạnh mẽ theo hướng đoạn tuyệt với những sai lầm cũ về nhận thức và thực tiễn xã hội, đặc biệt nổi lên trong mấy năm đổi mới hai quá trình tiến bộ có liên quan mật thiết với nhau là sự hình thành từng bước một nền kinh tế thị trưòng và sự mở đầu dân chủ hóa các mặt đời sống xã hôị. Có thể nói trong lịch sử dân tộc, chưa có thời kỳ nào có những biến đổi sâu sắc, đụng tới những nền móng xã hội như hiện nay. Tuy có những bước đi khúc khuỷu, vòng vèo, gay go, nhưng xu thế đổi mới là không thể đảo ngược.



Hiệu quả kinh tế, đời sống ổn định và cải thiện, công bằng xã hội, các quyền dân chủ và tự do cá nhân, luật pháp và kỷ cương - đó là những nguyện vọng thấm sâu trong tất cả các tầng lớp nhân dân đông đảo. Những lực lượng ủng hộ đổi mới có ở khắp nơi, nhưng vì chưa có một sự động viên có hiệu quả, dựa trên những phương hướng và chủ trương đủ tin cậy, nên chưa phát huy được tác dụng quyết định, chưa đủ sức đè bẹp xu hướng bảo thủ đang tồn tại dai dẳng và đang cố bám lấy những vị trí chủ đạo trong xã hội (thậm chí có nơi còn phản kích quyết liệt chống các lực lượng đổi mới). Chỉ cần một sự lãnh đạo sáng suốt, có những chủ trương mạnh bạo nhưng không phiêu lưu, những biện pháp hợp lòng dân, là có thể dấy lên cao trào quần chúng rộng lớn thúc đẩy đổi mới căn bản các mặt đời sống xã hội.

12.


Có hai điểm cần làm rõ:

* Có người lo ngại nếu đẩy mạnh quá trình đổi mới, dân chủ hóa, thì sẽ dẫn tới hỗn loạn như ở các nước Đông Âu. Thật ra ở các nước đó, dân chủ hóa từ lâu đã trở thành một yêu cầu chín muồi của xã hội, nhưng do lãnh đạo không nhận thức ra nên đã lâm vào thế đối phó bị động, đưa ra những biện pháp nửa vời, không chủ động và triệt để trong việc lãnh đạo quá trình này. Bài học lớn của các nước Đông Âu không phải là bài học kìm giữ và bị động đối phó đối với dân chủ hóa và đổi mới, mà là bài học về tính chủ động trong việc thực hiện dân chủ hóa và đổi mới từng bước, vững chắc theo hướng triệt để.

* Gắn liền với điều đó, có người lo ngại Đảng sẽ bị tước bỏ sự lãnh đạo đối với xã hội. Thật ra, chỉ có đảng nào không gắn bó với nhân dân, biến sự lãnh đạo của mình thành chế độ đảng trị và cố bám giữ lấy nó, thì triển vọng sụp đổ là không thể tránh khỏi. Còn những đảng đã cùng với nhân dân chiến đấu và hy sinh trong hàng chục năm đấu tranh giải phóng, có uy tín lớn về mặt lịch sử - như Đảng Cộng sản Việt Nam - lại tự đổi mới căn bản về tư duy lý luận, về đường lối chính trị và về tổ chức đội ngũ của mình, từ bỏ chế độ đảng trị; những đảng như vậy có thể duy trì và tăng thêm vị trí và tác động của mình trong quá trình đổi mới và dân chủ hóa ngày càng triệt để.

13.

Khắc phục khủng hoảng là nhiệm vụ cấp bách nhất, đồng thời cũng là chuẩn bị mảnh đất tốt cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Chủ nghĩa xã hội được coi là định hướng phát triển của xã hội nước ta nhằm đi tới một xã hội bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển tự do và toàn diện của toàn xã hội. Nhưng chừng nào chưa xây dựng được những quan niệm rõ ràng và chính xác về nội dung của chủ nghĩa xã hội, về những yếu tố cấu thành của nó, về những con đường và biện pháp có hiệu quả để đi tới chủ nghĩa xã hội (sau khi mô hình “chủ nghĩa xã hội nhà nước” đã phá sản), thì chừng đó chưa nên đặt xây dựng chủ nghĩa xã hội thành nhiệm vụ trực tiếp, cũng chưa nên nói tới một thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội nếu không muốn tự mình trói tay mình.

Phải chăng như thế là bỏ mất phương hướng triển vọng? Không. Bản thân quá trình khắc phục khủng hoảng đã chứa đựng những yếu tố có ý nghĩa cơ bản đối với sự phát triển lâu dài của đất nước theo hướng chủ nghĩa xã hội. Bởi vì, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể nảy sinh và được xây dựng trên nền tảng một xã hội phát triển bình thường và lành mạnh, trên nền tảng những giá trị văn minh chung của loài người đã được lịch sử kho nghiệm: xã hội công dân, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ v.v...

14.

Một chương trình khắc phục khủng hoảng có hiệu quả phải là một chương trình toàn diện, tổng thể, đồng bộ. Không thể khắc phục khủng hoảng một cách riêng rẽ ở lĩnh vực nào. Có người quan niệm quá đơn giản rằng chỉ cần khắc phục khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế là có thể khắc phục được khủng hoảng nói chung. Không ai xem nhẹ lĩnh vực kinh tế, đó là lĩnh vực quyết định toàn bộ đời sống xã hội, xét đến cùng. Nhưng hiện nay, các lĩnh vực đời sống xã hội tác động trực tiếp lẫn nhau đến mức khó tách riêng ra. Hơn nữa, có khi phải giải quyết ở một khâu khác mới có thể giải quyết được ở khâu kinh tế (chẳng hạn, phải tách Đảng ra khỏi các chức năng nhà nước, phải tách nhà nước ra khỏi các chức năng quản lý và điều hành kinh tế, mới có thể có một sự vận hành có hiệu quả của guồng máy kinh tế xã hội).

15.

Chương trình khắc phục khủng hoảng có những mục tiêu rõ ràng của nó. Có thể hình dung những mục tiêu đó như sau:

1. Nền kinh tế quốc dân hoạt động bình thường, chặn được lạm phát và tốc độ tăng giá, thiết lập được kinh tế thị trường.

2. Kỷ cương xã hội được phục hồi, luật pháp được hoàn thiện và có hiệu lực vững chắc, nhất là nạn tham nhũng và buôn lậu và những tội phạm hình sự nghiêm trọng được trừ bỏ về cơ bản.

3. Công bằng xã hội được lập lại phù hợp với trình độ xã hội hiện có, theo nguyên tắc “sống bằng nguồn thu nhập chính đáng và hợp pháp của mỗi người” (do lao động, kinh doanh, lợi tức về vốn và các hoạt động hợp pháp khác).

4. Những nền tảng của xã hội công dân được thiết lập; quyền sở hữu của công dân được xác lập và tôn trọng; các quyền dân chủ và tự do cá nhân do Hiến pháp qui định được thực hiện nghiêm túc; công dân thật sự làm chủ nhà nước của mình.

5. Hòa bình của đất nước được giữ vững, các quan hệ hợp tác với các nước khác được thiết lập và phát triển theo tinh thần hòa hiếu, cùng có lợi.

Tóm lại, đó là một trạng thái bình thường và lành mạnh của đời sống xã hội mà chúng ta cùng nhau cố gắng đạt tới vào giữa những năm 90 này.

16.

Một chương trình như vậy phải là kết quả công sức, là kết tinh trí tuệ của mọi người, trước hết của những chuyên gia giỏi trog các lĩnh vực khác nhau mà ta không thiếu. Có những bài toán thật hóc hiểm (vốn, hòa nhập thị trường thế giới, ngăn chặn sự xuống cấp về y tế, giáo dục...) nhưng nếu biết tập hợp và tôn trọng đầy đủ những “bộ óc” lớn của dân tộc, ta sẽ có một chương trình khắc phục khủng hoảng với những biện pháp tối ưu. Có thể coi đó là một trong những bước đi quan trọng nhất của quá trình dân chủ hóa. Không ai một mình (một cá nhân hay một tập thể nhỏ) thay thế được trí tuệ chung của dân tộc. ở đây chỉ xin gợi ý một số điểm về kinh tế, xã hội, tinh thần và tư tưởng, quan hệ quốc tế và chính trị.

17.


Về kinh tế, tiếp tục xây dựng một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Có hai vấn đề cần giải quyết sớm để cho kinh tế thị trường hoạt động bình thường và lành mạnh:

1. Thay đổi các quan hệ sở hữu: Trước hết, sắp xếp và chấn chỉnh toàn bộ hệ thống sở hữu nhà nước. Trừ những ngành, những cơ sở kinh tế nhà nước có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân (ngân hàng phát hành, giao thông vận tải chiến lược, bưu điện, các trung tâm năng lượng lớn, công nghiệp quốc phòng...), cần thực hiện việc chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu cổ phần và sở hữu tư nhân đối với những phần còn lại. (Thật ra, sở hữu cổ phần về thực chất cũng là sở hữu tư nhân nhưng được xã hội hóa ở một mức độ nhất định). Làm như vậy để có những người chủ sở hữu thật sự, chấm dứt tình trạng vô chủ “cha chung không ai khóc” cũng như tình trạng lũng đoạn sở hữu nhà nước vì lợi ích riêng của những người điều hành nó. Đó chính là cơ sở để trừ bỏ tệ tham nhũng và lãng phí vô cùng nghiêm trọng hiện nay.


Theo tính toán, khu vực sở hữu nhà nước ở những nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm khoảng 25 - 30% tổng sản phẩm quốc dân, mới bảo đảm có hiệu quả. ở nước ta, với trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, có lẽ tỉ lệ ấy còn thấp hơn. Quá trình “phi nhà nước hóa” này được thực hiện sao cho cuối cùng những người lao động trong khu vực nhà nước (trừ những cơ sở quốc doanh còn duy trì) có quyền sở hữu của chính bản thân mình, trước hết là những người đã đóng góp nhiều cho chiến đấu và xây dựng đất nước nhưng hiện nay “tay trắng”. Một đạo luật về sở hữu là hết sức cần thiết để bảo đảm sở hữu tư nhân vĩnh viễn và không bị xâm phạm, tạo điều kiện thu hút vốn trong nước để phát triển kinh tế (các chủ sở hữu tư nhân sẵn sang bỏ vốn kinh doanh mà không sợ bị tước đoạt trong tưong lai).

Đối với nông dân, thực hiện quyền có (droit de possession) ruộng đất lâu dài, kể cả quyền thừa kế và chuyển nhượng, để nông hoàn toàn làm chủ mảnh đất của riêng họ. Giải thể các hợp tác xã cũ. Lập các hợp tác xã mới theo nhu cầu và nguyện vọng của nông dân (các hợp tác xã theo chiều dọc: tín dụng, mua bán, kỹ thuật... mà không phải theo đơn vị hành chính). Nhà nước hỗ trợ cho nông dân về tín dụng (lập ngân hàng tín dụng nông nghiệp cho các hộ nông dân vay vốn).

2. Sức lao động là hàng hóa được trả theo đúng giá trị của nó. Đối với những người làm công ăn lương, thi hành chế độ tiền lương theo đúng giá trị sức lao động. Bảo đảm tiền lương trung bình bù đắp được những hao phí lao động, những nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, nuôi con để tái sản xuất sức lao động.

Tạm thời có thể lấy mức lương khởi điểm qui định hồi tháng chín 1955 (88 kg gạo). Cải cách triệt để chế độ tiền lương theo nguyên tắc “gắn tiền lương với hiệu quả cuối cùng của lao động”. Chống chủ nghĩa bình quân. Trên cơ sở tính đúng tiền lương, sắp xếp lại lao động, giảm mạnh biên chế, tăng cường kỷ luật lao động nghiêm ngặt. Đối với những người không bố trí được việc làm ở nơi làm cũ, thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc ở mức họ có thể sinh sống độc lập với mức thu nhập tối thiểu cần thiết. Bảo đảm lương hưu theo mức lương chung, coi đó là sự đền bù xứng đáng đối với những lão thành trong chiến đấu và lao động.

Lấy đâu ra tiền để làm những việc này? Theo tính toán của một số chuyên gia, chỉ cần sắp xếp lao động hợp lý, loại bỏ các khoản “tiêu cực phí” (tiếp khách, quà cáp, phết phẩy...), loại bỏ tham nhũng và lãng phí, cộng thêm với sự hỗ trợ tín dụng của ngân hàng ban đầu, là có thể căn bản giải quyết được vấn đề. Kéo dài chế độ tiền lương như hiện nay, không thể nào bảo đảm hiệu quả kinh tế, không thể nào củng cố được kỷ luật và kỷ cương lao động, xã hội vẫn phi gánh chịu một khoản “trợ cấp xã hội” khổng lồ.

18. Về mặt xã hội, mấy điểm quan trọng nhất là:

1. Giải quyết việc làm cho những người thất nghiệp và những người đến tuổi lao động. Con đường chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm là phát triển kinh doanh sản xuất và dịch vụ theo kiểu cá thể và hợp tác (dựa trên sở hữu tư nhân dưới hình thức riêng lẻ, hợp tác hoặc góp cổ phần), được nhà nước hỗ trợ về phương hướng kinh doanh, đào tạo nghề nghiệp và tín dụng. Cần tính đến chiến lược xuất khẩu lao động theo nguyên tắc kinh doanh, do các công ty nhà nước và tư nhân đảm nhận, được nhà nước bảo trợ về pháp lý.

2. Bằng mọi cách khắc phục những vi phạm công bằng xã hội, đặc biệt chống tham nhũng, chống kinh doanh bất hợp pháp. Phá vỡ và trừ bỏ các mafia, trừng trị nhanh chóng và đúng luật pháp tất cả những kẻ tội phạm, coi tội phạm kinh tế là tội phạm quốc gia nghiêm trọng và nhất thiết tước đoạt lại tài sản của nhà nước và nhân dân bị chiếm đoạt.

3. Chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện cải cách về nhà ở thuộc nhà nước quản lý. Quỹ nhà ở phải được quản lý theo nguyên tắc dân chủ, chống đặc quyền đặc lợi. Nhà nước cấp quyền sở hữu về nhà ở cho những người lao động từng đóng góp xứng đáng vào kinh tế quốc dân, có tính đến công lao trong chến đấu và lao động. Công khai hóa việc phân phối nhà ở và tư nhân hóa nhà ở. Kiên quyết lấy lại nhà ở quá tiêu chuẩn chung từ những kẻ đặc quyền đặc lợi và chiếm dụng bất hợp pháp. Dành những nguồn lực cần thiết để xây dựng nhà ở cho các gia đình liệt sĩ, thương binh nặng chưa có nhà ở tử tế (trong thời hạn năm năm).

19. Trong lĩnh vực tinh thần và tư tưởng, điều quan trọng nhất là bảo vệ và phát huy năng lực trí tuệ của giới trí thức. Tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài phải là quốc sách hàng đầu. Bảo đảm quyền sở hữu về trí tuệ (công trình khoa học, tác phẩm nghệ thuật, phát minh sáng chế). Tôn trọng tự do tư tưởng và tự do sáng tác. Đặc biệt, phải tôn trọng tự do báo chí. Báo chí có quyền thông tin, bàn luận về tất cả các vấn đề của đời sống quốc tế và trong nước, trừ những điều bị luật pháp cấm (bí mật quốc gia thật sự). Bảo đảm tính độc lập của báo chí. Cho phép xuất bản những tờ báo do các tập thể côg dân chủ trương. Một không khí tự do tư tưởng lành mạnh sẽ là một lực thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả, một bảo đảm vững chắc để xây dựng xã hội công dân.

20. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trước hết phải bằng mọi cách phá thế cô lập của nước ta trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính sách đối ngoại xuất phát từ những lợi ích quốc gia và lợi ích an ninh trong vùng và trên thế giới, không xuất phát từ những quan niệm thuộc hệ tư tưởng, nhất là quan niệm “hai phe” theo kiểu đấu tranh giai cấp “ai thắng ai” (những quan niệm về hệ tư tưởng là của các cá nhân, các tổ chức chính trị và xã hội, mà không thuộc quốc gia), không để những bất đồng về hệ tư tưởng biến thành những trở ngại về quan hệ quốc tế của nước ta. Thực hiện chính sách đối ngoại hòa hiếu với tất cả các nước trên cơ sở cùng có lợi, đồng thời giữ vẹn tình nghĩa đối với nhân dân các nước đã từng giúp ta trong đấu tranh giải phóng và xây dựng đát nước. Không để ai can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, cũng không can thiệp vào công việc nội bộ của nước ngoài, kể cả Lào và Campuchia.

Chủ động tạo ra những tiền đề và điều kiện hòa nhập vào nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, thu hút các nguồn đầu tư và công nghệ hiện đại từ nước ngoài bằng nhiều hình thức: lập các “khu kinh tế tự do” (chẳng hạn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), đầu tư vốn, liên doanh, v.v... Nhưng cần nhớ rằng đầu tư nước ngoài phải có thời gian khá dài mới có hiệu quả và kèm theo đó là những khoản đầu tư đối ứng của ta về cô cấu hạ tầng, do đó, vấn đề không phải là thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt, mà là thu hút như thế nào cho hợp lý. (Nhân đây, xin nhắc lại kinh nghiệm đau xót là trong mười mấy năm qua, đã sử dụng không có hiệu quả những khoản đầu tư và tín dụng nước ngoài, kết quả là gánh những món nợ to lớn, không dễ gì trang trải).

21. Trong lĩnh vực chính trị, thực hiện bằng được hai yêu cầu sống còn đối với đất nước lúc này: hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân để phát huy sức mạnh mọi mặt của nhân dân, trước hết là sức mạnh trí tuệ và thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân.

Những biện pháp cần làm ngay trước mắt là:

* Xóa bỏ cừu hận trên một đất nước đã trải qua hàng chục năm chiến tranh, không phân biệt đối xử về nguồn gốc xuất thân, quá khứ chính trị của mỗi người. Tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và về cơ hội tiến thân. Thù địch chỉ được đáp lại bằng thù địch, khoan hòa sẽ được đáp lại bằng tin cậy. Tất nhiên phải hết sức cảnh giác đối với những hành vi phá hoại đất nước, nhưng không được kết luận ai là kẻ thù khi chưa bị tòa án chính thức kết án trên cơ sở những bằng chứng có giá trị pháp lý.

* Trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân phức tạp, đã xẩy ra nhiều vụ án oan, nhiều vụ trù dập không xét xử, làm cho không khí xã hội thêm phần căng thẳng. Tất cả những vụ án này phải được xem xét lại và xử lý đứng pháp luật, một cách công bằng và công khai. Ai có tội phải có án xác đáng, ai không có tội phải được minh oan và bồi thường, và ai lạm dụng luật pháp cũng phải bị xem xét về trách nhiệm.

* Cần hoàn thiện hệ thống luật pháp của nước ta theo hướng xây dựng một xã hội công dân, một nhà nước pháp quyền để đất nước được cai trị bằng pháp luật mà không phải bằng ý chí của bất cứ ai. Trong công việc này, cố gắng làm cho luật pháp nước ta theo sát những chuẩn mực luật pháp quốc tế, nhất là những hiến chương do Liên hợp quốc - mà ta là một thành viên - thông qua.

22.


D
ân tộc ta không hèn kém gì, năng lực trí tuệ và tiềm năng của cải rất dồi dào. Nếu xây dựng được một khối hòa hợp dân tộc thật sự, thì đất nước sẽ ra khỏi khó khăn hiện nay và vươn kịp trình độ văn minh chung của loài người. Con đường chủ yếu đưa tới đó là, và chỉ có thể là, tiến hành đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa những quan điểm và ý kiến khác nhau để cùng nhau tìm kiếm những thỏa thuận tối ưu về lối ra khỏi khủng hoảng và về sự phát triển lâu dài của đất nước. Tình hình đất nước và thế giới đòi hỏi những hiểu biết hoàn toàn mới mẻ để có thể thích nghi và hành động có hiệu quả. Mỗi người có chỗ mạnh chỗ yếu của mình. Không một ai, dù tài giỏi đến đâu, có thể tự mình nắm được những chân lý cuối cùng. Xóa bỏ độc quyền chân lý là một yêu cầu bức bách về chính trị. Cần tạo ra những điều kiện dân chủ, bình đẳng và công khai cho việc thảo luận, tranh luận những vấn đề thuộc quốc kế dân sinh, để người dân tự mình phân biệt cái đúng và cái sai, lựa chọn cái đúng. Như vậy, sẽ tập hợp được những nhân tố chính trị lành mạnh trong đời sống xã hội. Không một ý kiến nào bị bỏ quên cả - đó là mệnh lệnh của đất nước lúc này.


(bỏ độc quyền CS)
23.

Then chốt của việc khắc phục tình trạng khủng hoảng hiện nay là giải quyết đúng đắn vị trí của Đảng trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam có công lớn trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, công lao đó được mọi người thừa nhận. Nhưng điều tai hại cho Đảng cũng như cho cả dân tộc là do những hoàn cảnh lịch sử khách quan và do những quan niệm không đúng, Đảng tự đồng nhất với quyền lực nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng biến thành chế độ đảng trị.



Cần chuyển giao quyền lực chính trị từ các cơ quan lãnh đạo của Đảng sang các cơ quan đại diện quyền lực nhân dân. Quá trình này được thực hiện từng bước, tránh rơi vào “khoảng trống quyền lực” cũng vô cùng tai hại. Để thực hiện điều này, nên tuyên bố xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò của Đảng là “lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội”. Sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội chỉ được thực hiện bằng phương pháp thuyết phục.

24. Mặt trận Tổ quốc đứng ra triệu tập một Đại hội quốc dân mới (theo kinh nghiệm Đại hội quốc dân ở Tân Trào truớc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945) bao gồm đại biểu của các tầng lớp nhân dân, những xu hướng khác nhau trên cơ sở yêu nước, cùng nhau bàn bạc, tìm kiếm một lối thoát tối ưu ra khỏi khủng hoảng. Một chương trình khắc phục khủng hoảng được vạch ra và thông qua tại Đại hội này, coi như cương lĩnh chung khẩn cấp của toàn dân. Đại hội này nên mời những đại biểu các giới Việt kiều ở nước ngoài tham dự.

Quốc hội thảo luận và phê chuẩn Chương trình khắc phục khủng hoảng để văn kiện này có hiệu lực pháp lý đầy đủ. Căn cứ vào những đề nghị của Đại hội quốc dân, Quốc hội thành lập Chính phủ liên hiệp quốc dân bao gồm những người đủ năng lực và tín nhiệm để điều hành thực hiện chương trình. Thành viên chính phủ gồm cả đảng viên và những người không phải đảng viên.

Chuẩn bị và tiến hành bầu cử Quốc hội mới theo tinh thần hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân. Trong Quốc hội mới, Đảng chỉ cần bảo đảm cho mình một nửa số đại biểu, hoặc một đa số tương đối, để thể hiện đầy đủ tinh thần hòa hợp dân tộc.

Chính phủ liên hiệp và Quốc hội liên hiệp thật sự là trung tâm tập hợp mọi lực lượng yêu nước để khắc phục khủng hoảng và tiến tới xây dựng một nước Việt Nam với những lý tưởng ban đầu của cuộc cách mạng nhân dân là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Trong lịch sử, khi vận nước gặp hiểm nghèo ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng cũng đã từng thực hiện chủ trương liên hiệp rộng rãi như vậy và đã thành công tốt đẹp. Bài học quí báu đó của chính cách mạng Việt Nam ngày nay có ý nghĩa thực tiễn hơn bao giờ hết.

Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng, trước hết là ban lãnh đạo của Đảng, có một sự lựa chọn táo bạo và không phải không đau đớn, chủ động thực hiện những thay đổi căn bản của chính bản thân Đảng để cùng với nhân dân thoát khỏi khủng hoảng. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ Đảng từng có một bản lĩnh như vậy.


*


Khủng hoảng đã kéo quá dài. Tình hình đất nước không cho phép kéo dài thêm. Trong vòng 5 năm tới, nếu không ra khỏi khủng hoảng, một sự sụp đổ là không thể tránh khỏi. Ngược lại, nếu thoát ra được, thì sẽ có một đà tiến mới để phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước tới những triển vọng tốt lành.

Tháng Giêng - tháng Ba 1991

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.

No comments: