Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 28

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

5. Con người Stalin

Phụ lục tác phẩm: Nói chuyện với Stalin

Tôi đã cố gắng nhớ lại xem có nhân vật lịch sử nào, ngoài Stalin, lại có một đời sống thực tế khác biệt với huyền thoại được dựng lên xung quanh ông ta đến như thế, nhưng vô ích. Vừa nghe ông ta nói những lời đầu tiên là hình ảnh một triết gia nhiệt tình và quả cảm hay một người tốt bụng đến tức cười mà các bức ảnh, các bức chân dung hay các cuốn phim tài liệu dựng lên quanh ông bấy lâu nay lập tức biến mất. Bạn sẽ thấy đấy không phải là nhân vật đã được bộ máy tuyên truyền của ông ta dựng lên bấy lâu nay mà là một người hoàn toàn khác, một Stalin hoạt động giữa đời thường, nóng nảy, thông minh, một người nhận thức được rõ sự vĩ đại của mình nhưng cũng rất giản dị trong đời sống… Stalin tiếp tôi lần đầu tiên vào năm 1941, khi ông vừa khoác lên mình bộ quân phục dành cho nguyên soái, cũng là bộ y phục ông mặc hàng ngày về sau. Tác phong năng động, hoàn toàn không kiểu cách và cứng nhắc theo lối nhà binh đã lập tức biến bộ quân phục ấy thành bộ quần áo mặc hàng ngày. Tương tự như thế, những vấn đề phức tạp nhất đều được Stalin biến thành những đề tài thường nhật, dễ hiểu khi thảo luận…
Khi tiếp xúc trực tiếp, ta bỗng quên ngay rằng đấy là một người kín đáo, nham hiểm, mặc dù, theo ông ta, đấy là những phẩm chất bắt buộc của một nhà chính trị, chính ông không hề che giấu và còn khoe khoang, đôi khi đến độ khôi hài nữa. Thí dụ, trước khi chiến tranh kết thúc, trong khi nhắc nhở những người cộng sản Nam Tư nên tìm cách thoả hiệp với hoàng đế Peter II, Stalin đã nói: "Sau này, khi có đủ lực rồi thì cho hắn ta một nhát dao vào lưng!…". Những người cộng sản nổi tiếng, kể cả của các đảng ngoại quốc đều biết "thói quen" đó của Stalin, nhưng họ lại tỏ ra khâm phục chứ không lên án vì đây là vấn đề củng cố nhà nước Liên Xô, trung tâm của phong trào cộng sản thế giới.
Sự kín đáo và nham hiểm của Stalin tạo cho người ta cảm giác đây là một người lạnh lùng và khô khan. Nhưng thực ra, ông ta lại là một người rất dễ nổi xung, mặc dù điều đó dĩ nhiên là để phục vụ cho một mục đích đã được xác định nào đó. Stalin thường phản ứng một cách cuồng nhiệt, nhưng tôi nghĩ ông ta sẽ chẳng bao giờ "nộ khí xung thiên" khi không cần thiết.
Stalin có một trí nhớ siêu đẳng: ông nắm rất chắc bản chất của các nhân vật cả trong văn học lẫn trong cuộc đời thực dù đôi khi đã quên hẳn tên thật của họ, ông nhớ rất nhiều sự kiện, không hề lầm lẫn khi bình luận về mặt mạnh và mặt yếu của các chính phủ cũng như các nhà hoạt động nhà nước. Ông thường bám vào các vấn đề tưởng như nhỏ nhặt nhưng sau đó lại hoá ra là những vấn đề quan trọng. Trong thế giới xung quanh ông, cũng như trong nhận thức của ông, không có điều gì là quan trọng cả… Theo nhận xét của tôi thì ông nhớ những việc ác nhiều hơn việc thiện vì có thể trong thâm tâm, ông hiểu rằng chế độ mà ông tạo ra chỉ có thể sống còn trong trạng thái thù nghịch…
Thực ra, kiến thức của ông là do tự học mà có, nhưng ông khác hẳn những người tài năng khác, kể cả về những kiến thức cụ thể. Stalin nắm vững các vấn đề về lịch sử, về văn học cổ điển và dĩ nhiên là các sự kiện đương thời nữa. Không bao giờ thấy ông che giấu hay tỏ xa xấu hổ vì sự ít học của mình. Nếu khi nào đó, ông không nắm được bản chất câu chuyện đang được thảo luận thì bao giờ ông cũng tỏ ra sốt ruột và thận trọng chờ cho đến khi thay đổi đề tài.
Thái độ giáo điều không khoan nhượng của Stalin chính là cách ông ta tạo ấn tượng. Hệ tư tưởng, nghĩa là chủ nghĩa Marx, một hệ thống các quan điểm khép kín, thậm chí có thể coi là hệ thống các qui định, được ông ta coi là nền tảng tinh thần của chính quyền toàn trị; hệ thống các quan điểm đó làm cho quyền lực trở thành công cụ của xã hội phi giai cấp. Tuy tuân theo một cách kiên trì và không khoan nhượng lời văn của học thuyết nhưng Stalin không phải là nô lệ của lí thuyết: hệ tư tưởng là để phục vụ quốc gia và bộ máy quan liêu của đảng, mà đảng và nhà nước là để phục vụ ông ta. Stalin cho phép mình công khai phá bỏ huyền thoại von Clausewitz, người được Lenin coi là một lí thuyết gia quân sự lỗi lạc nhất, còn khi nói chuyện với những người thân cận, (dĩ nhiên là sau khi đã chến thắng nước Đức phát xít) ông ta còn chê bai cả Marx và Engels, cho rằng các vị này quá lệ thuộc vào nền triết học cổ điển duy tâm Đức… Tuy không thú nhận công khai nhưng ông có khả năng cảm nhận được những sai lầm của mình. Thí dụ, ta có thể nghe ông nhắc đến vụ này vụ nọ "ta đã bị lừa" ; trong Lễ kỉ niệm Chiến thắng, ông đã nói đến cả các sai lầm trong thời gian chiến tranh, còn đầu năm 1948, ông từng nhắc lại rằng những người cộng sản Trung Quốc đã đánh giá khả năng của mình chính xác hơn ông.
Khi nói chuyện với Stalin, ấn tượng ban đầu rằng đây là một con người thông tuệ và quả cảm không những không mất đi, mà ngược lại, càng sâu sắc thêm. Thái độ cảnh giác thường trực, đầy vẻ đe doạ của ông ta cũng làm gia tăng cảm tưởng như thế. Trong khi nói chuyện, ông không bỏ qua bất cứ một nhận xét nhỏ nào, ngay cả sự thay đổi ánh mắt của bất kì người tham gia nào cũng được ông chú ý tức thì.
Hiện nay, giới học giả phương Tây cho rằng Stalin có biểu hiện của một kẻ tâm thần, hơn nữa, của một tội phạm. Chỉ dựa vào những buổi gặp gỡ, tôi không thể khẳng định điều đó, nhưng cho phép tôi nhận xét rằng bất cứ một kẻ phá hoại hoặc tạo dựng đế chế nào cũng cực kì năng động nhưng đồng thời cũng dễ dàng rơi vào trạng thái tuyệt vọng khôn cùng. Những cơn giận dữ và những giây phút vui vẻ đổi chỗ cho nhau như những đợt sóng. Quả vậy, một kẻ khi đã tiêu diệt mấy thế hệ các chiến hữu, không tha ngay cả họ mạc của mình, mà vẫn có thể là một người bình thường, một người điềm đạm, không hề ngờ vực thì thật là chuyện lạ… Tôi cho rằng cội nguồn của sự "điên rồ" và "tội lỗi" của Stalin nằm ngay trong hệ tư tưởng và chế độ của ông ta: tư tưởng xây dựng một xã hội bất kì, chưa nói đến một xã hội không còn xung đột, xét cho cùng, chỉ là một huyền thoại thật xa lạ với lí trí bình thường, còn một chế độ dựa trên sự vô luật pháp thì bản thân nó đã là một tội phạm rồi.
Stalin là một người nhỏ bé, đôi tay rất dài, trong khi thân hình lại quá ngắn, chắc chắn ông ta phải cảm thấy đau khổ vì chuyện đó. Chỉ có khuôn mặt ông, một khuôn mặt hiền lành, "nhà quê", có thể được coi là hấp dẫn, thậm chí đẹp nữa. Đôi mắt sáng quắc, linh lợi, chứng tỏ ông có một trí tuệ rất năng động. Sau khi đã giết hàng triệu người và đưa hàng triệu người khác đến chỗ chết mà miệng còn hô tên mình, Stalin cho rằng cả hai việc đó đều là cần thiết, họ không để lại một dấu ấn nào, mặc dù ông căm thù đến tận xương tủy nhóm thứ nhất và ca tụng hết lời nhóm thứ hai… Bộ máy quan liêu đảng trị, tuy bị chèn ép và giết chóc, vẫn công nhận ông là lãnh tụ của họ. Những khi ở cạnh ông ta, tôi chưa bao giờ, dù chỉ trong giây lát, thấy ông ta có biểu hiện của một niềm vui trong sáng, một niềm hạnh phúc tự nhiên, không vướng bận bời tính ích kỉ: đấy là những tình cảm nằm bên ngoài thế giới của ông ta, ông không cần những tình cảm như thế vì đã tự coi mình là hiện thân của tư tưởng và chế độ rồi…
Khi coi tác phẩm Nói chuyện với Stalin là đã hoàn thành, tôi, cũng như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây, đã tự dối mình. Tôi đã từng hi vọng như thế khi viết xong tác phẩm Xã hội không hoàn hảo: từ nay trở đi, ta sẽ không còn bận tâm đến "các vấn đề tư tưởng" nữa.
Nhưng Stalin là một bóng ma đang lang thang trên thế gian và sẽ còn lang thang lâu nữa. Di sản của ông ta đã bị chối bỏ, tuy vẫn còn khá nhiều người coi đấy là cội nguồn sức mạnh của mình. Nhiều người đang bắt chước ông ta. Khrushchev lên án nhưng đồng thời lại thán phục ông ta. Hiện nay các lãnh tụ Liên Xô đã không còn thán phục ông ta nữa nhưng vẫn còn tận hưởng ánh hào quang của ông ta. Và Tito, sau mười lăm năm đoạn tuyệt với Stalin, lại cũng tỏ ra hâm mộ sự sáng suốt của ông ta. Chính tôi cũng đang dằn vặt khi tự hỏi: Stalin là ai? Phải chăng đấy là vì ông ta vẫn đang sống trong tôi?
Stalin là ai? Một nhà hoạt động nhà nước vĩ đại? "Một thiên tài mang bộ mặt quỉ"? Một nạn nhân của giáo lí? Hay một kẻ điên rồ, một tên tội phạm đã nắm được quyền lực? Hệ tư tưởng mác-xít có vai trò gì đối với ông ta, ông ta sử dụng tư tưởng cho mục đích gì? Ông ta nghĩ về mình, về những hoạt động của mình và vai trò của mình trong lịch sử như thế nào?
Đấy chỉ là một vài câu hỏi mà ông buộc ta phải trả lời. Tìm lời giải cho những câu hỏi đó, những câu hỏi liên quan đến số phận của thế giới, nhất là thế giới cộng sản, theo tôi, chính là tìm lời giải cho những vấn đề có ý nghĩa rộng lớn hơn, những vấn đề phi thời gian.
hết: 5. Con người Stalin, xem tiếp:

ưu tầm: Nguyễn Học ( Mõ Hà Nội )
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 10 năm 2006

No comments: