Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 5 * QUAN NIỆM HIỆN ĐẠI 2

Nguyễn Kiến Giang

Một quan niệm về hiện đại hóa ở Việt Nam
1 2

Phần ba - Gợi ý về một số vấn đề hiện đại hóa vừa cấp thiết vừa cơ bản


1.

Trong công cuộc hiện đại hóa ở nước ta, chắc chắn có rất nhiều vấn đề hóc búa nảy sinh như những bài toán không dễ tìm được đáp số. Không những về cách hiểu hiện đại hóa nói chung (như đã trình bày trên đây), mà cả về vấn đề này, cần có những sự trao đổi ý kiến rộng rãi, thu hút được càng nhiều ý kiến càng tốt để cân nhắc, đối chiếu và tìm ra những giải pháp tối ưu. Xin nêu ra những gợi ý rất khái lược dưới đây để cùng suy ngẫm. (Tất nhiên, còn nhiều vấn đề khác như việc làm cho dân cư hoạt động, nông dân và nông thôn, tin học hóa, kinh tế tri thức v. v...).

(kinh tế)

Trước hết, vấn đề tăng trưởng kinh tế. Khái niệm tăng trưởng kinh tế giữ vai trò quyết định trong việc xem xét sự phát triển kinh tế và xã hội của mỗi nước, như một nốt nhạc chủ đạo. Sự tăng trưởng kinh tế thường được đo bằng mức tăng GDP đầu người/năm, phản ánh tác động tổng hợp của những nhân tố căn bản của một nền kinh tế: tiền vốn, lao động và tiến bộ kỹ thuật. Cơ cấu của các nhân tố này trong sản phẩm quốc dân cho biết trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của nó tương đối chính xác. Ở nước ta, cả ba nhân tố ấy đều ở trình độ thấp, thuộc nền kinh tế tiền công nghiệp (có lúc ta tưởng có lợi thế về lao động, nhưng đó chỉ là về số lượng, còn về chất lượng thì lại quá yếu kém, không đủ đáp ứng những nhu cầu lao động lành nghề ngay ở trong nước).

Trong thập kỷ vừa qua, có những năm mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 8 đến 10% (không biết chính xác đến mức nào nhưng dù sao cũng đạt những mức tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới). Điều đó khiến cho một số người có ảo tưởng rằng, với những mức tăng trưởng ấy, kinh tế nước ta chẳng bao lâu sẽ trở thành một con rồng mới ở châu á. Sự thật không diễn ra như vậy.

Trên thực tế những mức tăng trưởng lên xuống của một nền kinh tế quốc dân không phải là một chuyện hiếm hoi. Điều đáng bàn là nên giữ mức tăng trung bình ở mức nào thì có lợi cho sự phát triển cân bằng và của nền kinh tế nước ta.


Ngay trong những năm đạt mức tăng trưởng cao, đã có những chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm đưa ra lời khuyên nên giữ mức tăng trưởng 6 - 6,5%. Theo tôi, trong những năm tới cũng nên giữ ở mức đó làm chỉ tiêu chính thức. Trong những điều kiện thiếu tiền vốn, thiếu trình độ kỹ thuật - công nghệ cao, thì việc đặt mức tăng trưởng cao chỉ là cho nền kinh tế bị "nóng lên", tạo ra những mất cân đối nặng nề để phải mất nhiều công sức và thời gian khắc phục. Một mức tăng trưởng vừa phải (không thụ động chạy theo những nền kinh tế phát triển hơn, theo lối "đuổi kịp" và "vượt qua" của tư duy "tăng trưởng để tăng trưởng") sẽ giúp bố trí cơ cấu kinh tế một cách cân đối hơn và không bị ép quá mức của việc tìm kiếm tiền vốn bên ngoài với những hậu quả chắc chắn là xấu về lâu dài (nợ nước ngoài tăng lên quá mức chịu đựng của nền kinh tế và để lại một gánh nặng nợ nần cho các thế hệ kế tiếp).

Và quan trọng hơn, không bị sức ép của mức tăng trưởng cao đi tới huỷ hoại môi trường tự nhiên đã đến mức không thể chịu nổi. Giữ mức tăng trưởng kinh tế vừa phải ta sẽ tránh được những nguy cơ đã được UNDP cảnh báo, như tăng trưởng không tạo thêm việc làm, tăng trưởng chỉ làm lợi cho một số khu vực (chủ yếu ở đô thị), một số tầng lớp người (chủ yếu là những nhà giàu, những kẻ có đặc quyền đặc lợi); tăng trưởng không cần đến tương lai, nguy cơ tăng trưởng mất gốc (kéo theo những lai căng, những lối sống xa lạ từ bên ngoài, có hại cho bản sắc tâm lý và văn hóa dân tộc), cũng như nguy cơ tăng trưởng "thầm lặng", tuy có tăng trưởng kinh tế nhưng đời sống tinh thần thiếu cởi mở trong một chính thể độc đoán, thiếu dân chủ, không theo kịp văn minh vật chất.

2.
(công bằng xã hôi)

Thứ hai, về công bằng xã hội như mục tiêu và động lực phát triển xã hội. Chúng ta đã chiến đấu hàng chục năm cho công bằng xã hội và cũng đã đạt được những thành quả nhất định về mặt này. Nhưng dần dần, từ thời kinh tế quan liêu bao cấp đến thời kỳ đổi mới, người ta thấy hiện lên trước mắt những bất công xã hội không thể chịu đựng nổi. Mô tả và phân tích thấu đáo những bất công cũ và mới ấy đòi hỏi phải có những công trình điều tra và nghiên cứu ở những chiều sâu nhất để có thể hoạch định một chiến lược xã hội về mặt này. Không vạch rõ đến nơi đến chốn những bất công xã hội thì cuối cùng công bằng xã hội chỉ là khẩu hiệu suông mà thôi.

Nhưng cũng không thể có cách nhìn quá đơn giản về vấn đề này và trở về với những nhận thức cũ, bình quân chủ nghĩa. Không nói đến những bất công tự nhiên do cấu tạo cơ thể và trí tuệ bẩm sinh (theo một nhà nghiên cứu, năng lực thể chất và trí tuệ của con người nói chung có độ chênh nhau là gấp ba lần), ngay cả những cái gọi là bất công xã hội cũng phải nhìn theo từng trình độ phát triển xã hội. Có những bất công xã hội gần như khó tránh ở một trình độ xã hội nhất định, do những điều kiện sống khác nhau, những năng lực lao động và sáng tạo khác nhau...

Nhưng có những bất công xã hội rõ ràng đang trực tiếp ngăn cản và triệt tiêu những động lực phát triển xã hội. ở nước ta hiện nay, những bất công này còn rất lớn và đang lan mạnh đến mức nguy hiểm. Đó là những bất công gây ra bởi tệ tham nhũng, tệ buôn bán gian lận, cũng có nghĩa là bởi những nhóm xã hội đặc trưng: những quan chức tham nhũng và những kẻ làm giàu phi pháp. Những nhóm xã hội này ăn bám và đục khoét cơ thể xã hội như những tác nhân gây ung thư xã hội. Xã hội đang phải đối mặt với những chứng bệnh hiểm ác này. Chừng nào chưa huỷ diệt được những ổ bệnh ấy, chừng đó đừng nói đến bất cứ một sự phát triển xã hội bình thường và lành mạnh.


Vấn đề không chỉ là chiếm đoạt của cải xã hội về bản chất là lưu manh ấy (đặc trưng của tính lưu manh chính là ăn bám và phá hoại), điều quan trọng hơn là chúng triệt tiêu những nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội, làm chán nản mọi người muốn xây dựng đất nước bằng tất cả những năng lực có thể có của mình. Chúng tạo ra những mảnh đất rất thuận lợi cho sự gia tăng các thói xấu và các tệ nạn xã hội, mà không một biện pháp giáo dục và cải tạo nào có thể chặn đứng.


Bởi vì, ai có thể tin được những lời "giáo huấn" của những kẻ lợi dụng chức quyền để làm giàu vô tội vạ, ngồi trên những đống tài sản công khai và ngầm ẩn có thể nuôi tới mấy đời, với những khoản tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài, những biệt thự mua sắm cũng ở nước ngoài. Tâm lý hãnh tiến, giả dối, lừa bịp, ở một mức độ nhất định, chính là bắt nguồn từ đó. Làm gì và làm thế nào để thu hẹp và xóa bỏ những bất công xã hội lồ lộ trước mắt mọi người ấy? Các nghị quyết, các bài viết trên báo chí đã dùng đến những từ ngữ nặng nhất ("giặc nội xâm", "tội trạng quốc gia"...) để chỉ nạn tham nhũng và ăn cướp này. Nhưng gần như vô hiệu. Vì sao vậy? Một điệp khúc vang lên nhàm chán từ nghị quyết này đến nghị quyết khác: "tệ tham nhũng và buôn lậu có xu hướng gia tăng ..."




Bất lực ư? Một nhân dân kiên cường, dám hy sinh cho độc lập và tự do của đất nước lại đành bó tay! Nếu người dân được trực tiếp tham gia, nếu không đặt ra những "khu cấm" nào, nếu những phát hiện của người dân không bị che giấu đi, nếu những người tố cáo những vụ tham nhũng không bị "trả đũa", nếu báo chí được tự do trong lĩnh vực này, v.v.. thì vẫn có thể chặn đứng tệ tham nhũng. Trên thực tế, việc chống tham nhũng đang diễn ra rất chậm (hàng vạn vụ, chỉ mới xét xử được vài chục, vài trăm vụ). Ai phải chịu trách nhiệm về chuyện đó? Nếu tạo được bước ngoặt trong việc này, sẽ tạo được một không khí xã hội mới, rất cần cho sự nghiệp hiện đại hóa.

3.

(Công nghiệp hóa)
Thứ ba, vấn đề công nghiệp hóa. Thuật ngữ "công nghiệp hóa" rất thịnh hành trong những thập kỷ 60 - 80, gần đây không được bàn mấy, nhường chỗ cho một khái niệm mới hơn: hậu công nghiệp, tin học, kinh tế tri thức... Đó là một điều dễ hiểu vì nó phản ảnh khát vọng của những nước lạc hậu về kinh tế muốn theo kịp trình độ văn minh của các nước phát triển. Nó cũng phản ảnh một sự thật là trong thời đại văn minh hậu công nghiệp, muốn hay không cũng phải áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để tránh mang lại những sản phẩm mang hàm lượng nguyên vật liệu và lao động là chính trong khi những sản phẩm của các nước tiên tiến mang hàm lượng khoa học - công nghệ là chủ yếu.

Một điều có vẻ nghịch lý là chúng ta tiến hành công nghiệp hóa khi một số nước tiên tiến lại ở trong quá trình phi công nghiệp hóa (désindustrialization), mà thực chất là chuyển những ngành công nghiệp hao phí quá lớn về nhân lực và nguyên vật liệu, làm ô nhiễm môi trường sang những ngành công nghiệp mũi nhọn, có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều và tinh khiết hơn nhiều.

Nhưng công nghiệp hóa là một quá trình không thể bỏ qua được trong sự phát triển xã hội của nước ta. Vấn đề là rút ngắn đến mức có thể quá trình ấy mà không phải là "đốt cháy giai đoạn", như những tấm gương thành công của các nước công nghiệp mới cho thấy. Nếu ở các nước phương Tây, quá trình này phải tốn thời gian tới một - hai thế kỷ, thì ở các nước công nghiệp mới, thời gian ấy chỉ vài thập kỷ (rõ nhất là Hàn Quốc, từ đầu những năm 60 đến cuối những năm 80).

Nước ta tiến hành công nghiệp hóa như thế nào, đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng một điều chắc chắn là không thể đi theo con đường "công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa kiểu xô viết", với thành công rất nhanh chóng nhưng với những phí tổn kinh tế và xã hội quá mức chịu đựng của người dân: nông nghiệp bị tàn phá, công nghiệp nhẹ không đủ bảo đảm hàng tiêu dùng thiết yếu và có chất lượng cao, tạo thành một "nền kinh tế thiếu hụt" triền miên, đồng thời huỷ hoại môi trường tự nhiên một cách nghiêm trọng vì sự phát triển theo chiều rộng mà không phải theo chiều sâu, để rồi không vượt qua được những thử thách của sự chuyển đổi từ kinh tế công nghiệp sang hậu công nghiệp và cuối cùng, bị phá sản.

Cho đến nay, chưa có một cuốn sách hay một văn bản nào nói rõ nội dung của quá trình công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay. Thỉnh thoảng lại nghe thấy những lời lẽ đáng lo ngại. Một quan chức lãnh đạo bộ công nghiệp trong một bài phỏng vấn mới đây khẳn định rằng, đường lối công nghiệp hóa ở nước ta về căn bản vẫn đi theo đường lối cũ nhằm "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng". Cũng do chưa có một kế hoạch phát triển công nghiệp hóa thật rõ ràng và đầy đủ, bên cạnh một số cơ sở công nghiệp được xây dựng có hiệu quả kinh tế, người ta thấy lối xây dựng công nghiệp theo "phong trào" mà thực chất là theo những lợi ích và những tính toán cục bộ ở từng ngành, từng địa phương. Hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng được ném vào hàng loạt nhà máy xi măng "lò đứng" vừa lạc hậu vừa làm ô nhiễm môi trường. Hàng loạt nhà máy đường, nhà máy bia... không tìm được thị trường tiêu thụ. Ta chưa làm một tổng kết đầy đủ xem nền kinh tế còn yếu kém của nước ta phải gánh chịu những tổn thất ấy đến mức nào. Cách giải quyết thật dễ dãi: rút kinh nghiệm và đình chỉ.

Một kế hoạch công nghiệp hóa có hiệu quả, trước hết phải có định hướng rõ ràng: "thay thế nhập khẩu", "hướng về xuất khẩu" hay một định hướng trung gian, "vừa thay thế nhập khẩu vừa hướng về xuất khẩu". Kinh nghiệm các nước công nghiệp mới cho thấy định hướng thứ hai có hiệu quả kinh tế hơn định hướng thứ nhất. Nhưng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, phải chăng nên đi theo định hướng thứ ba?


Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa sâu rộng, công nghiệp hóa về thực chất gắn liền với sự chuyển giao công nghệ giữa các nước thuộc những trình độ khác nhau. Vì thế, công nghiệp hóa ở nước ta, vấn đề tiếp nhận công nghệ trở thành quan trọng nhất, có liên quan với những định hướng khác nhau nói trên. Không bao giờ được quên rằng sự chuyển giao công nghệ gắn chặt với những lợi ích giữa trung tâm tiên tiến và ngoại vi lạc hậu trong hệ thống kinh tế thế giới. Không một sự chuyển giao công nghệ nào là "cho không" cả. Ở đây thành công hay không cuối cùng là do những yếu tố nội sinh mà không phải do những yếu tố ngoại sinh. Việc đào tạo và chuẩn bị chuyên gia (nhất là chuyên gia quản lý) và nhân viên kỹ thuật có ý nghiã quyết định, vì xét đến cùng, vấn đề chuyển giao công nghệ là vấn đề đào tạo con người tại chỗ. Trình độ công nghệ càng cao, thì càng phải dựa vào nguồn nhân lực có trình độ phù hợp.

Tính toán cơ cấu nguồn lực bên trong và bên ngoài cho công nghiệp hóa cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Trong thời gian đầu, việc dựa vào những nguồn đầu tư bên ngoài ở mức độ quan trọng là không thể tránh khỏi, nhưng không thể coi đó là bảo đảm chủ yếu cho sự thành công của công nghiệp hóa. Nguồn đầu tư bên trong phải dần dần chiếm vị trí chủ đạo, cho dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư ở mức độ ngày càng cao. Tất nhiên phải huy động những nguồn lực bên trong đến mức có thể, nói chung phải đạt tới mức độ tích luỹ khá cao. Nhưng lại phải tính toán sao cho tỉ lệ tích luỹ ấy không giảm bớt tỉ lệ tiêu dùng, vì tích luỹ quá cao sẽ triệt tiêu sức tiêu dùng của dân cư và cuối cùng không thể tích luỹ được ở mức cần thiết.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm: việc mua thiết bị kỹ thuật và công nghệ nước ngoài. Theo tính toán, những thiết bị mua về phần lớn (khoảng 70%) là lạc hậu, và trong nhiều trường hợp giá mua lại rất đắt. Những hoạt động trục lợi bên trong cũng như bên ngoài (thường là có sự móc ngoặc của hai phía) đã bắt nền kinh tế nước ta, mà xét đến cùng là bắt mọi người dân phải trả. Chúng ta bị thiệt hại chung về mặt này đến mức nào, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời. Đây là một lỗ hổng rất lớn của nền kinh tế quốc dân, nếu không sớm lấp đi, thì việc chuyển giao công nghệ không những không giúp ta rút ngắn được tiến trình công nghiệp hóa mà còn kéo dài tiến trình này.




Trong thời gian gần đây, trước những bài học do công nghiệp hóa phiến diện đem lại (kỹ thuật và công nghệ là tất cả), nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh tới các mặt văn hóa. Người ta coi những nền tảng văn hóa của xã hội là một trong những chỗ dựa không thể thiếu được của công nghiệp hóa. Theo Pierre Gourou, một nhà nghiên cứu rất quen thuộc với Việt Nam, những "khung cảnh" thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp hiện nay là tính thống nhất dân tộc, thói quen sống thành các nhóm có cấu trúc, tính dễ biến hóa của các quan hệ xã hội, sự phổ cập rộng rãi về giáo dục và những thể chế nhà nước mạnh mẽ.


Paul Bairoch, một người chuyên nghiên cứu về cách mạng công nghiệp thế giới thứ ba cũng coi những nhân tố văn hóa giữ vai trò rất lớn, như là phương tiện có hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng lạc hậu. Theo ông, những truyền thống văn hóa sâu xa của các dân tộc trở thành những lợi thế đáng kể về công nghiệp hóa như chính kinh nghiệm các nước công nghiệp hóa mới ở châu Á cho thấy. Tính năng động nội tại của các nước đang tiến hành công nghiệp hóa có thể rút ngắn và xóa bỏ những khoảng cách tưởng chừng như không thể vượt qua được. Những nhận xét ấy có thể áp dụng vào nước ta một cách thích hợp.

Công nghiệp hóa, về mặt chính trị, đòi hỏi một nhà nước mạnh. Con tàu công nghiệp hóa phải có tay lái thật vững giữa biển cả đầy sóng gió của nền kinh tế thế giới. Nhưng không nên đồng nhất nhà nước mạnh với nhà nước độc tài. Vì sự nghiệp công nghiệp hóa đụng tới cuộc sống của tất cả mọi người dân, hôm nay cũng như ngày mai, nên nhà nước mạnh phải là một nhà nước được dân chúng ủng hộ ở mức cao, nghĩa là một nhà nước ngày càng dân chủ hơn. Công nghiệp hóa, do đó gắn liền với dân chủ hóa.


4
(đô thị hóa)

Thứ tư, vấn đề đô thị hóa. Đô thị hóa vừa là hệ quả của công nghiệp hóa, nhưng cũng vừa là tiền đề cho nó. Đô thị hóa theo phương hướng đúng có nghĩa là giải quyết mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn một cách hợp lý. Vấn đề đô thị hóa đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất, nhưng cũng phức tạp nhất trong tiến trình hiện đại hóa ở nước ta. Đã xuất hiện những xu hướng đáng lo ngại trong lĩnh vực này: đô thị hóa một cách tự phát, kéo theo rất nhiều hậu quả về môi trường xã hội và tự nhiên ngày càng khó giải quyết, và xu hướng đô thị hóa tập trung quá mức, với những hậu quả cũng rất tai hại về mặt văn hóa, xã hội và môi trường.

Trước hết, cần khẳng định rằng đô thị hóa là một xu thế ngày càng mạnh mẽ của loài người hiện nay và trong một thời gian dài nữa. Tổng thư ký liên hợp quốc Kofi Annan, vừa đưa ra một dự báo mạnh mẽ tại "Hội nghị về tương lai đô thị thế kỷ XXI" tháng 7 - 2000 rằng: "Chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ của đô thị" .Tốc độ đô thị hóa sẽ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Một nửa dân số thế giới đang sống ở đô thị và trong vòng ba thập kỷ nữa, tỉ lệ đó sẽ là 2/3. Cuộc cách mạng đô thị này chủ yếu diễn ra ở châu Phi, châu Á và một phần châu Âu vì ở châu Mỹ hiện đã có 2/3 dân số sống ở đô thị rồi. Theo nhận định gần như thống nhất của nhiều nhà nghiên cứu, thành phố ngày càng trở thành trung tâm tài chính, công nghiệp và đời sống văn hóa đa dạng, thể hiện sự năng động về chính trị, năng lực sản xuất to lớn, sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Giống như nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba, Việt Nam cũng đứng trước xu thế mạnh mẽ ấy. Hiện nay dân cư đô thị vẫn còn chiếm một tỉ lệ nhỏ (năm 1999 là 17.917.000 người trong tổng dân số 76.325.000 người, chiếm khoảng 25%). Trong những thập kỷ tới chắc sẽ tăng nhanh. Một chiến lược đô thị hóa, như một quá trình song sinh với công nghiệp hóa, sao cho các quá trình này thúc đẩy nhau, ít ra là không làm vướng nhau, ngăn cản nhau. Đô thị hóa là một quá trình lịch sử tự nhiên (không phải tự phát) với những biến đổi cơ cấu dân số gắn liền với những trình độ phát triển kinh tế - văn hóa ngày càng cao của dân cư. Chúng ta không cần thiết phải chạy theo mức độ đô thị hóa trung bình của thế giới. Đến năm 2030, ở Việt Nam, mức đó chỉ nên là 1/3, với kiểu đô thị hóa tại chỗ là chính.



Từ trước đến nay, khi bàn tới đô thị hóa, người ta thường nghĩ tới đô thị hóa tập trung trước hết. Phải có nhiều đô thị lớn, với đủ mọi tiện nghi sinh hoạt đô thị, cũng như cơ cấu hạ tầng hiện đại. Địa bàn đô thị ngày càng mở rộng và đương nhiên, địa bàn nông thôn ngày càng thu hẹp, nhất là ở vùng đồng bằng rộng lớn. Vấn đề cần bàn là đô thị hóa như thế nào để phù hợp với những khả năng đầu tư, nhất là để không huỷ hoại những vùng văn hóa cổ truyền ở nông thôn vì một khi đã mất đi thì không bao giờ khôi phục lại được.

Một cách hợp lý hơn là bên cạnh những qui hoạch đô thị hóa tập trung ở qui mô lớn, nên thực hiện đô thị hóa tại chỗ. Những vùng nông thôn chung quanh những đô thị lớn sẽ có những cơ sở sản xuất hiện đại, có điện, có nước sinh hoạt, có giao thông liên lạc thuận tiện, nghĩa là có mức sinh hoạt không khác gì mấy với các thành thị lớn, nhưng vẫn giữ được môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa.

Gần đây, xem qui hoạch đô thị hóa của thành phố Hà Nội, tôi rất băn khoăn. Cả những vùng văn hóa truyền thống chung quanh Hà Nội, trong đó có vùng được coi là "cái nôi" của người Việt cổ, với bao nhiêu di sản hữu hình và vô hình của nó sẽ bị mất đi. Nếu thực hiện đô thị hóa tại chỗ, những vùng này không những vẫn được bảo toàn, mà còn là những vùng bổ sung cho thành phố về nhiều mặt: tương lai thành thị và nông thôn không chỉ là sự khác biệt, mà phải là sự bổ sung hài hòa cho nhau. Chúng ta có nên nghĩ tới một kiểu đô thị hóa mang những đặc điểm riêng của mình không? Xin nhường câu trả lời cho những chuyên gia, các nhà xây dựng qui hoạch đô thị.

Thứ năm, vấn đề giáo dục. Bây giờ mọi người đều thừa nhận rằng trình độ giáo dục của dân cư là một trong những nhân tố quyết định đối với hiện đại hóa, thậm chí đó là nhân tố quyết định nhất. Vấn đề này nổi lên như là một phương tiện chủ yếu, đồng thời là cứu cánh của mọi biến đổi tiến bộ của xã hội, đặc biệt là của hiện đại hóa.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển nhất, giáo dục nước ta đang ở trong trạng thái biến đổi rất lớn, gắn liền với những biến đổi kinh tế, kỹ thuật, văn hóa của xã hội. Không ở đâu người ta bằng lòng với nền giáo dục của mình, vì nó không bắt kịp những đòi hỏi mới về nhận thức, tri thức và thực tiễn có liên quan với các mặt đời sống hiện hữu và tâm linh của con người. ở một số nước như Nhật Bản, nền giáo dục quá tải đang gây ra những trạng thái nhiễu tâm, thậm chí loạn tâm (psyychose) trong lớp trẻ một cách đáng lo ngại. Trong nhiều trường hợp đã đưa tới những vụ tự sát của học sinh do phải chạy đua quá căng thẳng về học vấn nhằm giành nhau chỗ đứng có ưu thế trong xã hội. Những hiện tượng này cũng bắt đầu thấy có ở nước ta.



5

(giáo dục)

Bình tĩnh mà nói, ngành giáo dục ở nước ta đã có những thành tựu không nhỏ, và có thời đã là một niềm tự hào chính đáng của chúng ta. Nhưng dần dần, do những khả năng bất cập của nó, do những nhiễu loạn về tâm lý xã hội trước những biến đổi lớn về định hướng nhân cách, do "thị trường hóa", "thương mại hóa" nhà trường một cách ồ ạt và những nguyên nhân khác nữa, chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng giáo dục thật sự, khiến mọi người rất lo ngại. Người ta kiếm tiền vô tội vạ trên lưng những gia đình có con em đi học. Người ta nhồi nhét đủ thứ cần và không cần cho học sinh.

Người ta buôn bán "bằng rởm", gieo rắc thói giả dối và cả thói hối lộ vào những tâm hồn non nớt. Những chương trình học quá tải đang hành hạ trẻ em chúng ta, và đó cũng là một nguyên nhân chính đưa tới việc kiếm tiền kèm theo sự trù úm của một số không ít giáo viên bằng "học thêm, dạy thêm" với những tác hại không thể lường được.

Những môn học nhân văn không được coi trọng, vị trí đáng có của chúng phải nhường cho những môn học "thời thượng", đưa tới những nhân cách lệch lạc. Rất nhiều chuyện chưa hay về giáo dục, nhưng hết cải cách giáo dục này đến cải cách giáo dục khác vẫn không làm biến chuyển được bao nhiêu, nếu không nói là ngày càng trầm trọng hơn, đến mức có người phải thốt lên "vô phương cứu chữa"!

Nền giáo dục của ta đang đi sai hướng. Đáng lẽ nhằm đào tạo ra những con người có nhân cách và trí tuệ, tình cảm và đạo đức, nó đang cho ra lò những nhân cách què quặt. Đáng lẽ nó chuẩn bị một cách có hiệu quả những hành trang cần thiết cho lớp trẻ bước vào cuộc đời hoạt động nghề nghiệp thì lại tạo ra những người kẻ sính từ chương theo lối học khoa cử rất cũ, "không ra thầy không ra thợ". Nó mất đi cả tính nhân văn lẫn tính thực dụng rất cần cho hiện đại hóa đất nước.

Một nền giáo dục như vậy không phải là con đẻ riêng của ngành giáo dục, nó chính là con đẻ của một xã hội rối loạn về những giá trị định hướng. Đã đến lúc toàn xã hội "xắn tay áo" lên để sửa sang, chỉnh đốn lại nền tảng giáo dục của mình, nếu không chúng ta sẽ mãi mãi bị lạc hậu về trí tuệ sáng tạo và bị xói mòn, lệch lạc về nhân cách. Để làm được công việc vô cùng hệ trọng này, cần có một định chế đủ thẩm quyền, gồm những nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất, những chuyên gia giỏi và có tâm huyết, dựa vào những tổ chức xã hội và dư luận xã hội rộng rãi đứng ra chủ trì và tiến hành một cuộc cải cách giáo dục tận gốc trong một thời hạn dứt khoát. Nên đặt cuộc cải cách này lên vị trí cao nhất trong chương trình nghị sự của quốc hội, chính phủ, coi đó là khâu then chốt để xoay chuyển toàn bộ đời sống xã hội theo hướng tích cực.


Cải cách giáo dục có liên quan mật thiết đến mọi gia đình, mọi công dân, vì nó là động lực chủ yếu của guồng máy xã hội, vì nó là cái bảo đảm lớn nhất cho sự nghiệp hiện đại hóa, nên tác động của cải cách giáo dục sẽ vượt ra khỏi lĩnh vực giáo dục, đụng tới tất cả các lĩnh vực của guồng máy xã hội, vì nó là cái bảo đảm lớn nhất cho sự nghiệp hiện đại hóa nên tác động của cải cách giáo dục đụng tới tất cả các mặt của đời sống xã hội. Có lẽ đó sẽ là cái "nút" đầu tiên cần phải bấm trong tiến trình hiện đại hóa.



Ở đây, có một vấn đề cần được quan niệm rõ ràng: vấn đề chi tiêu giáo dục. Hiện nay, những chi tiêu ngân sách cho giáo dục không còn là những "đầu thừa đuôi thẹo" của ngân sách nữa, nhưng còn xa mới đáp ứng với những nhu cầu của lĩnh vực này. Ở một mức độ nào dó, giáo dục vẫn còn được coi là một ngành phi sản xuất, và tất nhiên không bao giờ được đặt vào vị trí ưu tiên. Alain Touraine phân chia mọi hoạt động sản xuất trong xã hội hiện đại thành ba khu vực: công nghiệp mũi nhọn (tin học, không gian vũ trụ, công nghệ sinh học...), công nghiệp chế biến (tạo ra những hàng tiêu dùng về vật chất và tinh thần) và công nghiệp văn hóa (chủ yếu gồm giáo dục và y tế), hay còn gọi là "công nghiệp con người".

Sự phân chia ấy có thể còn bàn cãi, điều chủ yếu ở đây là giáo dục được coi như một lĩnh vực công nghiệp, lại là ngành công nghiệp trực tiếp đụng tới con người. Với một quan niệm như vậy, thì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho một ngành công nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu, cũng là cho sản xuất xã hội. Đó chính là đối tượng của môn kinh tế học giáo dục mới ra đời gần đây.

Với cách hiểu này, những chi tiêu cho giáo dục phải chăng nên coi như đầu tư xây dựng cơ bản? Để chậm lại việc xây dựng một con đường chưa thật cấp thiết nào đó, chi phí cho mỗi km đường bằng chi phí cho một trường học, nên chăng dành số tiền đó để xây dựng , trang bị cho hàng loạt ngôi trường "chẳng ra trường" (kể cả bậc đại học) không?

Như đã nói, còn có thể nêu lên những vấn đề nóng bỏng khác nữa, nhất là vấn đề môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn, nhưng xin hẹn những dịp khác.



Phần bốn - Tạo ra Những tiền đề ngoại sinh và nội sinh của hiện đại hóa



6.


Việt Nam giữa lòng thế giới

Việt Nam chúng ta sẽ giữ một vị trí thế nào trên thế giới vào đầu thế kỷ XXI? Sẽ nằm trong dòng chảy của văn minh loài người, hay bị gạt ra (nói đúng hơn, tự gạt ra một bên lề?) Sẽ trở thành một xã hội hiện đại và xa hơn nữa hay vẫn nhùng nhằng trong xã hội tiền hiện đại?

Để trả lời những câu hỏi này, có lẽ nên có một cách nhìn nhận bối cảnh thế giới hiện nay một cách gần đúng với hiện thực hơn. Tôi nói gần đúng vì hoàn toàn đúng là khó đạt tới, như kinh nghiệm của cả thế kỷ XX, nhất là những thập kỷ cuối cùng của nó cho thấy. Rất nhiều biến đổi trên thế giới là không thể tiên đoán được. Nhiều người (trong đó có tôi) đang say sưa nói tới một thế giới hai phe, và phần thắng tất yếu thuộc về phe xã hội chủ nghĩa, thì đùng một cái, một loạt nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu rồi đến Liên Xô sụp đổ không cứu vãn được. Gần đây nhất, khi nhiều người đang ca ngợi "những phép lạ" kinh tế của những con Rồng, những con Hổ châu Á, thì đùng một cái đám cháy khủng hoảng tài chính rừng rực bốc lửa, đưa tới sự phá sản của hàng loạt công ty lớn và nhỏ cuả khu vực Đông Á.

Dự đoán tình hình thế giới trong vài ba thập kỷ tới là công việc rất phiêu lưu. Nhưng nếu không làm điều đó, thì thật khó hình dung được xã hội Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, nước Việt Nam sẽ chiếm vị trí như thế nào trên trường quốc tế.

Trong số những dự báo được đưa ra, có lẽ lạ lùng nhất là sự báo của một số nhà lý luận của nước ta. Với những lời lẽ có vẻ uyển chuyển hơn, họ vẫn khẳng định rằng thời đại hiện nay của thế giới vẫn là "thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới". Dự báo này được đưa ra khi trên thế giới chỉ còn lại vẻn vẹn bốn nước tự coi là xã hội chủ nghĩa: Trung Quốc, Việt Nam, CHDCND Triều Tiên, Cuba. Nước lớn nhất trong số đó là Trung Quốc, với đường lối cải cách và mở cửa hai mươi năm nay, không còn giữ nguyên những định chế xã hội chủ nghĩa cũ nữa (nhất là trong lĩnh vực kinh tế) và đang đứng trước triển vọng phát triển theo "chủ nghĩa tư bản có màu sắc Trung Quốc" như nhiều nhà quan sát trên thế giới nhận định. Cho dù mấy nước nói trên tuyên bố vẫn kiên trì theo đuổi con đường chủ nghĩa xã hội theo cách giải thích của mình, nhưng liệu có xoay chuyển được sự vận động của toàn thế giới theo hướng "quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới trong thế kỷ XXI" không?

Ngày nay có lẽ trừ một số nhà lý luận Việt Nam, hầu như không thấy nói tới sự "quá độ" này. Người ta nói tới sự "cùng tồn tại" có thể kéo dài hàng trăm năm giữa các nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc), tới "sự vượt qua chủ nghĩa tư bản (depassement du capitalisme)" trong khi từ bỏ khái niệm "chủ nghĩa xã hội" (ĐCS Pháp)...



7.

Trong lịch sử của trào lưu xã hội chủ nghĩa thế giới, đã có một dự báo sai lầm. Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trước những biến đổi lớn của chủ nghĩa tư bản theo hướng lũng đoạn (độc quyền), một số nhà lý luận coi đó là sự "rẫy chết của chủ nghĩa tư bản", đánh dấu "thời đại cách mạng vô sản" của thế giới. Đúng là chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ này có những dấu hiệu đặc trưng mới so với thời kỳ cũ, cuộc xâu xé thị trường,giữa các nước tư bản chủ nghĩa diễn ra quyết liệt hơn, kèm theo đó là những cuộc xâm chiếm thuộc địa để phân chia lại các khu vực ảnh hưởng của các nước đế quốc cũng diễn ra bằng những phương tiện tàn bạo hơn đưa tới những cuộc chiến tranh thế giơí chưa từng thấy trong lịch sử.

Nhưng chủ nghĩa tư bản không rẫy chết, cách mạng vô sản không nổ ra hoặc nổ ra nhưng bị thất bại ngay, trừ ở nước Nga, và chủ nghĩa tư bản đã tự biến đổi để thích nghi với những hoàn cảnh mới, để tiếp tục phát triển đến trình độ hiện nay. Đúng là chủ nghĩa tư bản không thay đổi về bản chất, nhưng rõ ràng là khả năng thích nghi của nó rất lớn. Một số vấn đề lý luận thú vị được đặt ra: theo thuyết duy vật lịch sử, lực lượng sản xuất biến đổi đưa tới sự biến đổi quan hệ sản xuất, đi tới một phương thức sản xuất mới.

Trong trường hợp của chủ nghĩa tư bản, ta thấy quan hệ sản xuất của nó không những thích nghi với lực lượng sản xuất công trường thủ công, đại công nghiệp, mà còn thích nghi với cả lực lượng sản xuất gọi là hậu công nghiệp. Tất nhiên, chính bản thân chủ nghĩa tư bản đã phải trải qua những sự biến đổi tự thân để có thể thích nghi như vậy. Hiện nay người ta nói tới chủ nghĩa tư bản với một nền "kinh tế mới", tới sự thay thế "chủ nghĩa tư bản dựa vào chế độ làm thuê" (capitalisme salarial) bằng "chủ nghĩa tư bản dựa vào tài sản" (capitalisme patrimonial) hiểu theo nghĩa tài sản của chính người lao động. (Xin nhắc lại: trước sự xuất hiện của các doanh nghiệp cổ phần, Marx đã dự báo sự chuyển biến từ tư bản tư nhân" sang "tư bản xã hội", có điều khác là "tư bản xã hội" hồi đó chủ yếu là của các nhà tư sản góp lại, còn hiện nay, ở nhiều nước, một phần rất quan trọng, có khi là chủ yếu, đó là của những người lao động góp lại (các quĩ tiết kiệm, các quĩ bảo hiểm... trở thành những nguồn vốn đầu tư lớn hơn của chính các nhà tư sản). Chưa có gì báo hiệu sự diệt vong gần tới của chủ nghĩa tư bản cả.

Trong những điều kiện này, mà vẫn nói tới thời kỳ "quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới" thì thật không bình thường. Đây không phải là chuyện tranh cãi thuần tuý lý luận cốt để phân định "lập trường", như một thứ "Olympia trí tuệ" để tranh giành phần thắng cho một kiểu tư duy nào đó. Nhận thức về tính chất và những đặc trưng chủ yếu của thời đại hiện nay có ý nghĩa rất lớn đối với sự lựa chọn định hướng phát triển xã hội của nước ta.



8


Về vấn đề này, xin nói rõ một điểm để tránh hiểu lầm. Khi nói chủ nghĩa xã hội như một sự lựa chọn ở đây, tôi muốn nói tới một chế độ xã hội, hay theo ngôn ngữ mác-xít, một hình thái xã hội (như đã từng xuất hiện và tồn tại ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trưóc đây), mà không nói tới chủ nghĩa xã hội như một trào lưu tư tưởng lớn trong lịch sử thế giới. Chủ nghĩa xã hội như một hình thái xã hội trước đây ("mô hình xã hội Xô-viết", "chủ nghĩa xã hội hiện thực"...) đã mất đi mà chưa biết đến bao giờ mới xuất hiện, và sẽ xuất hiện dưới bộ mặt nào, còn "chủ nghĩa xã hội như một trào lưu tư tưởng” hướng tới công bằng xã hội thì vẫn tồn tại, và có lẽ còn tồn tại lâu dài cùng với khát vọng công bằng, nhưng khái niệm chủ nghĩa xã hội sẽ được hiểu theo những cách rất khác nhau.


9.

Trong thế giới hiện đại, nếu chỉ dừng lại ở cách tiếp cận theo lối hình thái (chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội), nói cách khác, theo lối hệ tư tưởng giai cấp, sẽ không lý giải được sự vận động hiện thực vô cùng phong phú của nó, và như vậy, không thể xác định được định hướng một cách phù hợp, chưa nói tới sự lạc hướng. Theo tôi cách tiếp cận theo tiến trình văn minh loài người tư trình độ thấp hơn đến trình độ cao hơn sẽ giúp ích được nhiều về mặt này. Những cách tiếp cận khác, như cách tiếp cận theo hệ tư tưởng giai cấp nói trên, hay cách tiếp cận văn hóa - tôn giáo v. v..., tuy vẫn có hiệu quả trong một số trường hợp nào đó, nhưng chỉ nên coi là cách tiếp cận riêng, thứ yếu, bên cạnh cách tiếp cận văn minh có giá trị phổ quát hơn.

Về đại thể, loài người đã và đang trải qua những giai đoạn văn minh khác nhau: văn minh nông nghiệp (tiền hiện đại) - văn minh công nghiệp (hiện đại) - văn minh hậu công nghiệp (hậu hiện đại), hay theo một cách trình bày khác, đó là văn minh dựa vào tự nhiên - văn minh dựa vào kỹ thuật - văn minh dựa vào tri thức, trí tuệ. Với sự phân định theo các giai đoạn văn minh như vậy, có thể phân chia các dân tộc, các quốc gia thành ba nhóm với những sự chuyển tiếp từ nhóm này sang nhóm khác: nhóm tiền công nghiệp (tiền hiện đại), nhóm công nghiệp (hiện đại) và nhóm hậu công nghiệp (hậu hiện đại). Và nếu muốn nói tới sự quá độ, thì đó là sự quá độ từ trình độ văn minh này sang trình độ văn minh khác cao hơn theo trình tự nói trên.


Nói chung phần lớn các nước đang ở trong những sự quá độ khác nhau (từ tiền công nghiệp sang công nghiệp, hoặc từ công nghiệp sang hậu công nghiệp, và trong giai đoạn văn minh sau vẫn thấy có những dấu vết sâu đậm của các giai đoạn văn minh trước đan xen vào, tạo thành hình thái vừa đứt đoạn vừa kế thừa nhau. Điều đó hiện rõ trong các lĩnh vực đời sống tinh thần (văn hóa, tôn giáo, phong tục v.v...) hơn là trong các lĩnh vực sản xuất vật chất. Vì thế, trong một xã hội hiện đại, có thể nhìn thấy rõ những nét truyền thống xa xưa còn rất đậm nét.

Những sự nghi ngại nảy sinh từ tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là điều rất dễ hiểu. Những sự nghi ngại này, một mặt, bắt nguồn từ ý thức khẳng định dân tộc rất mạnh sau một lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài, đặc biệt là sau ba mươi năm kháng chiến với biết bao hi sinh chỉ cốt để giành lại và giữ vững chủ quyền quốc gia. Mặt khác, cũng bắt nguồn từ tình trạng lạc hậu kinh tế của đất nước. Ý thức tự tôn dân tộc và tâm lý mặc cảm tự ti về trình độ phát triển kinh tế đang và sẽ làm cho tiến trình hội nhập khó suôn sẻ. Nhất là khi đứng trước những thách đố mới do tự do hóa thương mại khu vực và thế giới đặt ra.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa thôi, theo những hiệp định ký kết với các nước khác trong ASEAN và với Hoa Kỳ, sự mở cửa nền kinh tế gần như không hạn chế vừa tạo ra những thuận lợi mới cho nước ta, nhưng cũng vừa đưa lại những nguy cơ không nhỏ về sự phụ thuộc của thị trường nước ta đối với những nước có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Không có cách nào khác ngoài việc tận dụng những thuận lợi do hội nhập kinh tế đưa lại để hạn chế và triệt tiêu những nguy cơ ấy. Càng mở rộng và đẩy sâu sự hội nhập kinh tế, thì càng tận dụng được những thuận lợi do nó đem lại. Ngược lại, càng rụt rè do dự đi tới thu hẹp sự hội nhập, thì nguy cơ càng lớn.


10.


Trong tiến trình hội nhập, chắc chắn có những biến đổi lớn về cơ cấu kinh tế bên trong, đụng tới những khu vực từ trước đến nay vẫn được coi là bất khả xâm phạm. Vấn đề là chúng ta chủ động thực hiện những sự thay đổi cần thiết hay thụ động ứng phó một cách chậm chạp và không có hiệu quả mong muốn. Sẽ diễn ra một tiến trình hai chiều: phải thực hiện những biến đổi bên trong để đáp ứng với những yêu cầu của hội nhập, đồng thời cũng phải dùng những yêu cầu hội nhập làm những đòn bẩy để thực hiện những biến đổi bên trong. Cả hai mặt ấy đòi hỏi một sự chủ động lớn.

Thế còn chủ quyền quốc gia? Sự hội nhập kinh tế đòi hỏi phải có một cách hiểu mới về chủ quyền quốc gia. Ở các nước có trình độ phát triển kinh tế cao, tiến trình hội nhập ở mức độ cao, thậm chí đi tới nhất thể hóa kinh tế (như trong trường hợp của các nước châu Âu), là hệ quả của một sự phát triển gần như tự nhiên, do chính những yêu cầu nội tại của nền kinh tế các nước đó thúc bách. Họ đã vượt qua khái niệm chủ quyền quốc gia hiểu theo nghĩa độc lập, không lệ thuộc (indépendant), để chuyển sang các hiểu nó theo nghĩa "lệ thuộc lẫn nhau" (interdépendant) một cách hữu cơ.

Ở nước ta, cách hiểu thứ nhất vẫn còn bám rất sâu vào ý thức con người, vì như đã nói, chúng ta vừa mới giành được được độc lập dân tộc chưa lâu và chính bản thân trình độ phát triển của nền kinh tế cũng chưa có đầy đủ những nhu cầu nội tại về nhất thể hóa như những nhu cầu tự nhiên.


Nhưng, trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, khi toàn cầu hóa trở thành một quá trình chi phối tất cả các nước, không có ngoại lệ, dù ở trình độ phát triển nào, thì cách hiểu thứ nhất không thể không nhường chỗ cho cách hiểu thứ hai. Vì hoặc là chấp nhận một nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp, hoặc là chuyển dần sang một nền kinh tế hiện đại, mở cửa đón nhận những thành tựu của nền văn minh chung của loài người.


Như vậy, chủ quyền quốc gia phải được hiểu theo tinh thần mỗi nước tự quyết định con đường phát triển, những thể chế xã hội và chính trị của mình như một thực thể tự khẳng định, đồng thời tham gia những tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế toàn cầu hóa. Hiểu như vậy, chủ quyền quốc gia vẫn được bảo toàn ngay cả khi tham gia hội nhập kinh tế toàn cầu ở mức cao nhất (một nước như nước Pháp, chẳng hạn, không bị mất chủ quyền quốc gia khi trở thành một bộ phận hữu cơ của cộng đồng châu Âu).


Sự hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu nên là một tiến trình diễn ra từ từ, từ thấp lên cao, không thể vội vàng. Và sự hội nhập này không phải là công việc của một số khu vực kinh tế nào tách biệt, đó chính là - và phải là - công việc của tất cả các khu vực kinh tế, các vùng lãnh thổ, của toàn xã hội.


11.


Bài toán hội nhập là một bài toán khó, rất khó. Có thể giải đúng mà cũng có khi giải không đúng (đưa tới những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, như ở các nước Đông á năm 1997). Nhưng chính những nước này, sau khi vượt qua được khủng hoảng, lại càng vững vàng hơn trên con đường hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu của mình. Cũng như sự nghiệp hiện đại hóa, sự hội nhập kinh tế này không được dẫn tới chỗ chỉ có lợi cho một số bộ phận xã hội và hy sinh lợi ích của những bộ phận còn lại.


Dân chủ hóa và hiện đại hóa

Có thể nói ngay rằng, sự cố kết dân tộc cũng như vai trò hạt nhân của bộ máy nhà nước trong xã hội chỉ có thể có được bằng dân chủ hóa. Điều đó hầu như không còn phải tranh cãi nữa. (Khi đặt dân chủ thành một trong những mục tiêu của sự phát triển xã hội, thì đã có nghĩa là xã hội chưa có dân chủ thật sự và, do đó, dân chủ hóa là một điều tất yếu). Nhưng về vấn đề này, hiện có những quan điểm rất khác nhau, thậm chí ngược nhau. Lẽ ra cần thảo luận rộng rãi vấn đề này thì một số người lại muốn áp đặt quan điểm của mình lên toàn xã hội và coi những ai có quan điểm khác là "thù địch". Cái khó đầu tiên của dân chủ hóa là ở đó, bởi vì ngay từ đầu đã không dân chủ khi bàn tới dân chủ hóa rồi. Đây là một hiện tượng không bình thường.

Đối với những người dân Việt Nam, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã mang theo bản thân nó những nội dung dân chủ do Cách mạng tháng Tám 1945 mở ra. Không thể viện bất cứ một lý do nào để không cho phép bàn luận về dân chủ.

Hiện nay, ở một số nước Đông Nam Á có những chính khách đề xướng phương châm "độc tài để phát triển", và phương châm này chính là “chỗ dựa lý luận" cho việc duy trì chế độ độc tài của họ. Nhưng cuộc sống lại đi theo lối ngược lại. Chính các nước hiện đại hóa thành công cũng là những nước tiến hành dân chủ hóa thành công (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và ở một mức độ nào đó Thái Lan). Có thể lúc đầu, chế độ độc tài vẫn tồn tại ở những nơi có một nhà nước mạnh, một điều kiện hết sức cần thiết để tập trung những nguồn lực bên trong và bên ngoài vào hiện đại hóa. Như vậy, hiện đại hóa có thể và phải được mở đầu với một nhà nước mạnh, nhưng hiện đại hóa càng tiến bước, chế độ độc tài càng phải nhường bước cho chế độ dân chủ.

Dân chủ hóa, như vậy, là một nhu cầu nội tại của hiện đại hóa, nhất là ở nước ta. Thứ nhất, những tầng lớp xã hội hiện có và đang nảy sinh trong quá trình hiện đại hóa có những lợi ích khác nhau. Trong khi đó chỉ có sự đồng thuận mới có thể kết hợp những lợi ích khác nhau ấy thành sức mạnh thống nhất và có hiệu quả. Thứ hai, hiện đại hóa là một sự nghiệp to lớn và không đơn giản, có thể có những phương án chung và riêng từng lĩnh vực rất khác nhau mà chỉ có sự thảo luận, đối chiếu công khai và triệt để mới tìm được những phương án tối ưu, tránh tình trạng độc quyền của một phương án nào đó gây tổn thất cho xã hội, nhất là về mặt thời gian. Thứ ba, như trên đã nói, bộ máy quản lý xã hội ở nước ta hiện nay có quá nhiều khuyết tật (về năng lực cũng như về đạo đức), phải qua dân chủ hóa mới có thể trừ bỏ.

(dân chủ hóa)

Như vậy, vấn đề không phải là có dân chủ hóa hay không mà dân chủ hóa như thế nào cho phù hợp với những điều kiện hiện có. Theo tôi, con đường dân chủ hóa này phải qua nhiều bước, theo lối tiến hóa mà không phải bằng những đảo lộn xã hội. Xã hội Việt Nam hiện nay không chấp nhận những đảo lộn gây quá nhiều phí tổn. Những cuộc tranh chấp quyền lực, nếu xảy ra, sẽ đưa đất nước vào cảnh hỗn loạn không đáng có. Lúc này quan trọng nhất là có được nhiều ý kiến, nhiều phương án khác nhau về hiện đại hóa và về những vấn đề cấp thiết, có liên quan với sự sống còn của hàng triệu người dân, được đưa ra một cách công khai để xã hội lựa chọn. Nếu không có những phương án khác nhau để lựa chọn thì dân chủ hóa không có nội dung và có thể biến thành những "trò chơi chính trị".

Những cuộc thảo luận như vậy nên được tiến hành ở nhiều diễn đàn khác nhau: các câu lạc bộ, các báo chí, các cơ quan dân cử (nhất là quốc hội), các hội công dân...

Việc mở ra những trang "diễn đàn tự do" trên báo chí dành cho cuộc thảo luận này là hết sức cần thiết. Hơn nữa, theo tôi, sự ra đời và có mặt của một tờ báo độc lập, bên cạnh những cơ quan ngôn luận chính thức (hiện có tới trên 400 tờ), sẽ là một tín hiệu quan trọng của quá trình dân chủ hóa thật sự. Đó cũng là sự mở đầu tự do báo chí mà chính Marx đã nói: "Báo chí tự do - đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân..., là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và toàn thế giới". Không thể có tham vọng sớm có một nền báo chí tự do như đang có ở nhiều nước trên thế giới, chỉ mong có một bước đột phá để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội, trong khuôn khổ luật pháp (và luật pháp cần được sửa đổi theo quá trình này). Một bước đột phá như vậy chỉ có lợi cho sự vận động của xã hội, và cũng có lợi cho chính bản thân giới quản lý xã hội.


12.


Không có gì tạo ra được một sức mạnh tinh thần to lớn cho hiện đại hóa như sức mạnh do dân chủ hóa tạo nên. Nó giúp cho xã hội gạt bỏ được lực cản trên con đường phát triển của mình. Có thể khẳng định, không thực hiện dân chủ hóa để động viên ý chí của toàn dân tộc, mọi cuộc cải cách sẽ khó tiến hành triệt để.

Đồng thời, dân chủ hóa, như một phương tiện không thể thiếu để gạt bỏ những lực cản, cũng sẽ đưa tới sự đồng thuận xã hội ("cùng nhau") hết sức cần thiết cho hiện đại hóa, vượt qua những đối kháng xã hội ("loại bỏ nhau") từng diễn ra quá nhiều trên đất nước này và có thể bắt xã hội phải trả những phí tổn không cần thiết cho hiện đại hóa.

Nguồn: Những bài viết của Nguyễn Kiến Giang trong thập niên 90 được đăng rải rác trên báo chí trong ngoài nước, được chuyền tay hoặc chưa công bố, nay được tập hợp thành loạt bài “Suy tư 90” cho bản đăng chính thức trên talawas, với sự hiệu đính cuối cùng của tác giả.
bản để in Gửi bài này cho bạn bè

=

No comments: