Thursday, June 18, 2009

NÓI CHUYỆN VÓI STALIN 13

Milovan Djilas

Nói chuyện với Stalin

Dịch giả: Phạm Minh Ngọc

12.

Nhưng dù sao, tôi cũng cảm thấy vui khi được mời dự bữa ăn tối thân mật tại nhà nghỉ của Stalin. Cố nhiên, tiến sĩ Šubašić không thể ngờ có chuyện như thế - chỉ có những bộ trưởng đảng viên người Nam Tư được mời mà thôi, còn phía Liên Xô thì có các cộng sự thân thiết của Stalin như: Malenkov, Bulganin, tướng Antonov, Beria và dĩ nhiên là Molotov nữa.
Như thường lệ, chúng tôi có mặt vào khoảng mười giờ tối, tôi đi cùng với Tito. Beria ngồi ở đầu bàn, bên phải là Malenkov, tôi và Molotov, sau đó đến Andreev và Petrovic, còn bên trái là Stalin, Tito, Bulganin và tướng Antonov, Tổng tham mưu trưởng.
Beria cũng không cao; trong Bộ chính trị của Stalin, có lẽ không người nào cao hơn ông ta. Beria đẫy đà, nước da xanh tái, hai bàn tay mềm và ướt. Vừa nhìn thấy đôi môi dày và đôi mắt ếch sau cặp kính, tôi đã giật mình vì trông ông ta rất giống Vukovic, một chỉ huy của cảnh sát Belgrad rất khoái hành hạ những người cộng sản. Tôi phải cố gắng lắm mới không nghĩ đến chuyện ấy vì sự giống nhau không chỉ bề ngoài mà còn ở cả cách thể hiện: tự tin, giễu cợt, xun xoe và thận trọng. Beria cũng là người Gruzia như Stalin nhưng nếu nhìn bên ngoài, ta không thể nói như thế vì người Gruzia thường có vẻ xương xẩu và có mái tóc đen. Có thể nghĩ ông ta là người Slav hay người Litva, mà cũng có nhiều khả năng là người lai.
Malenkov còn thấp và đẫy đà hơn, một người Nga lai Mông Cổ đặc trưng, với mái tóc đen bồng bềnh và những bắp thịt cuồn cuộn. Ông ta là người ít nói, chu đáo, không có nét gì nổi bật. Bên dưới những lớp mỡ dày kia dường như còn có một con người khác, một người năng nổ, nhanh nhạy với đôi mắt thông minh và ân cần, đang vận động. Trong một thời gian dài, ông được coi là người có thể thay mặt Satlin, dù không chính thức, trong việc giải quyết các vấn đề thuộc nội bộ Đảng. Công tác tổ chức của Đảng, việc thăng quan tiến chức cũng như hạ tầng công tác cán bộ gần như nằm trọn trong tay ông. Ông là người phát minh ra "danh mục" cán bộ, nghĩa là những bản lí lịch và lí lịch tự khai của tất cả các đảng viên và đảng viên dự bị, của một đảng gồm mấy triệu thành viên, được lưu giữ và xử lí một cách có hệ thống ở Moskva. Nhân buổi gặp này, tôi đã xin ông tác phẩm Bàn về đối lập do Stalin viết, một tác phẩm đã bị thu hồi vì trong đó có nhiều đoạn trích dẫn của Trotsky, Bukharin và những người khác. Ngày hôm sau, tôi đã nhận được cuốn sách đó, hiện nay cuốn sách vẫn còn nằm trong thư viện của tôi.
Bulganin mặc quân phục. Ông là một người cao lớn, đẹp trai, một người Nga chính cống với bộ râu khá kì lạ, ít nói. Tướng Antonov còn trẻ, đẹp trai, thân hình cân đối, tóc đen; ông chỉ tham gia câu chuyện khi vấn đề liên quan đến ông mà thôi.
Đối diện với Stalin, tôi bỗng cảm thấy tự tin hơn, mặc dù lần này ông nói chuyện với tôi không lâu.
Chỉ khi không khí đã sôi động nhờ có rượu và những lời chúc tụng, những câu chuyện khôi hài, Stalin mới quyết định kết thúc những chuyện bất hoà với tôi. Ông làm điều đó một cách nửa đùa nửa thật: ông rót cho tôi một li rượu và đề nghị uống mừng Hồng quân. Chưa kịp hiểu ngay ý tứ, tôi đề nghị uống mừng sức khoẻ của ông.
"Không, không", ông khăng khăng vừa nói vừa mỉm cười, mắt nhìn chòng chọc vào tôi : "Uống mừng Hồng quân! Đồng chí không thích uống mừng Hồng quân à?"
Dĩ nhiên là tôi uống; mặc dù trong những buổi tiếp của Stalin, tôi thường tránh rượu, chỉ uống bia thôi vì tôi cho rằng say sưa là việc không hay, tuy tôi không phải là người hoàn toàn phản đối việc uống rượu.
Sau đó, Stalin hỏi: "Hồng quân đã làm những chuyện gì?". Tôi giải thích rằng tôi hoàn toàn không muốn xúc phạm Hồng quân, tôi chỉ muốn nêu ra những sai lầm của một số chiến sĩ và những khó khăn về mặt chính trị chúng tôi gặp phải mà thôi.
Stalin ngắt lời:
"Vâng, hẳn là đồng chí đã đọc Dostoevski rồi chứ? Đồng chí đã thấy tâm hồn con người, tâm lí của con người là vấn đề rất phức tạp rồi chứ? Hãy tưởng tượng một người đi từ Stalingrad đến Belgrad, vừa đi vừa chiến đấu, hàng ngàn kilômet hoang tàn, bao nhiêu đồng chí, đồng đội hi sinh! Một người như thế có thể phản ứng bình thường được không? Sau bao nhiêu chuyện khủng khiếp như thế, anh ta có đùa bỡn người đàn bà một chút thì cũng có gì ghê gớm đâu? Đồng chí coi Hồng quân là đội quân lí tưởng. Nhưng nó không phải là đội quân lí tưởng, không lí tưởng ngay cả khi trong đó không có một số tội phạm - chúng tôi đã mở cửa nhà tù và cho đăng lính tất. Có một trường hợp như sau. Một viên thiếu tá phi công đùa bỡn một phụ nữ và một anh kĩ sư - hiệp sĩ đứng ra bảo vệ người phụ nữ ấy. Viên thiếu tá vừa rút súng vừa thét lên: "A, tên chuột cống ở hậu phương!" và bắn chết anh kĩ sư - hiệp sĩ kia. Viên thiếu tá bị kết án tử hình. Câu chuyện đến tai tôi, tôi đã dùng quyền Tổng tư lệnh Tối cao trong thời chiến tha chết cho anh ta và đưa anh ta ra mặt trận. Anh ta mới được phong anh hùng đấy. Phải thông cảm với các chiến sĩ. Hồng quân không phải là một đạo quân lí tưởng. Quan trọng là chiến đấu với quân Đức, mà nó chiến đấu tốt, những cái khác chỉ là thứ yếu".
Sau khi từ Moskva trở về một thời gian, tôi mới phát hoảng khi nhận ra mức độ "thông cảm" với những tội lỗi của Hồng quân. Khi tiến vào vùng Đông Phổ, binh lính Liên Xô, nhất là các đơn vị xe tăng, đã giết rất nhiều người Đức chạy loạn, cả đàn bà và trẻ con. Người ta đã báo cáo với Stalin và hỏi ông phải làm gì với những trường hợp như thế. Stalin trả lời như sau: "Chúng ta đã dạy dỗ chiến sĩ nhiều rồi, bây giờ hãy để họ phát huy sáng kiến!"
Stalin hỏi tôi:
"Thế tướng Korneev, trưởng phái đoàn quân sự của chúng tôi, anh ta là người thế nào?"
Tôi không muốn nói những điều không hay về Korneev và phái đoàn của ông ta dù có khối chuyện để nói. Stalin tiếp tục:
"Anh ta không phải là người ngu đâu, nhưng nghiện rượu, nghiện đến mức không thể nào chữa được!"
Sau đó, ông ta bắt đầu trêu chọc tôi vì tôi uống bia, thực ra tôi cũng đâu có thích bia.
"Này xem, Djilas uống bia như người Đức, như người Đức. Anh ta là người Đức, trời ơi, người Đức".
Trò đùa này không hạp với tôi: lúc đó, người Đức, ngay cả một số kiều dân cộng sản đứng về phía chúng ta, bị coi là những người chẳng ra gì, nhưng tôi không giận cũng không bất bình.
Có vẻ như cuộc tranh cãi về Hồng quân đã chấm dứt ở đây. Thái độ của Stalin với tôi trở nên chân thành như cũ.
Tình hình như vậy kéo dài cho đến khi xảy ra xung đột giữa Ban chấp hành trung ương Nam Tư và Liên Xô vào năm 1948, khi Stalin và Molotov, trong những bức thư của mình, đã lợi dụng và xuyên tạc cuộc tranh luận về "sự lăng mạ" Hồng quân của tôi.
Stalin cố tình trêu tức Tito bằng cách nhận xét rằng quân đội Nam Tư thì kém còn quân Bulgaria tỏ ra khá hơn. Mùa đông vừa qua, các đơn vị Nam Tư được bổ sung lực lượng mới, lần đầu tiên tham gia các chiến dịch chính qui và không thành công. Rõ ràng là Stalin đã có đủ thông tin. Ông nói:
"Quân đội Bulgaria tốt hơn quân đội Nam Tư. Người Bulgaria cũng có hạn chế, có cả kẻ thù trong quân đội. Nhưng họ đã bắn mấy chục tên và bây giờ thì ổn rồi. Còn quân Nam Tư vẫn là du kích, chưa có khả năng tham gia những trận đánh lớn. Mùa đông vừa qua, một trung đoàn Đức đã đánh tan một sư đoàn của các bạn! Trung đoàn đánh tan sư đoàn!"
Ngay sau đó, Stalin đề nghị nâng cốc chúc mừng quân đội Nam Tư, nhưng vẫn không quên nói thêm:
"Chúc cho đội quân đó có thể chiến đấu trên đồng bằng nữa!"
Tito thường tỏ ra kiềm chế trước các nhận xét của Stalin. Khi Stalin lấy chúng tôi ra để pha trò, Tito thường chỉ mỉm cười rồi ngước nhìn tôi, tôi cũng tỏ vẻ đồng tình và thông cảm với ông. Nhưng khi Stalin rói rằng quân đội Bulgaria tốt hơn Nam Tư thì Tito không kiềm chế được nữa và nói to lên rằng quân đội Nam Tư sẽ loại bỏ những hạn chế trong một thời gian ngắn.
Quan hệ giữa Stalin và Tito khá đặc biệt, dường như họ có xích mích với nhau nhưng vì lí do nào đó mà không ai chịu nói ra lời. Stalin tỏ ra thận trọng để không xúc phạm chính Tito nhưng đồng thời lại kiếm cớ chê bai tình hình Nam Tư. Tito kính trọng Stalin, coi Stalin như bậc tiền bối nhưng có cảm tưởng là ông có thái độ phản kháng, nhất là khi Stalin chê trách tình hình ở Nam Tư.
Bỗng nhiên, Tito nói rằng trong phong trào xã hội chủ nghĩa có những hiện tượng mới, chủ nghĩa xã hội đã có những biểu hiện khác trước. Stalin lập tức tuyên bố:
"Hiện nay, có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay cả dưới chế độ Hoàng gia Anh. Không cần làm cách mạng khắp nơi. Vừa rồi có phái đoàn Công đảng Anh và chúng tôi đã thảo luận chính vấn đề đó. Vâng, có nhiều cái mới lắm. Vâng, chế độ xã hội chủ nghĩa có thể được xây dựng ngay cả khi vua Anh vẫn còn cầm quyền" .
Như mọi người đều biết, Stalin không bao giờ công khai đứng về phía quan điểm này. Tại cuộc tuyển cử diễn ra không lâu sau đó, Công Đảng Anh đã nhận được đa số phiếu trong cuộc bầu cử và quốc hữu hoá 20% ngành công nghiệp. Nhưng Stalin không bao giờ coi những biện pháp đó là xã hội chủ nghĩa, cũng như không bao giờ coi Công đảng là đảng xã hội chủ nghĩa. Tôi cho rằng ông ta không làm như thế chủ yếu là do mâu thuẫn và xung đột với chính phủ Công đảng trong chính sách đối ngoại.
Trong khi nói chuyện, tôi bảo rằng ở Nam Tư thực chất là đã có chính quyền xô viết vì tất cả các vị trí quan trọng đều nằm trong tay Đảng cộng sản và gần như không có phong trào đối lập. Nhưng Stalin không đồng ý:
"Không, các bạn chưa có chính quyền Xô viết, các bạn nằm giữa nước Pháp của De Gaulle và Liên Xô".
Tito nói thêm rằng ở Nam Tư đang diễn ra những điều có thể coi là mới. Nhưng cuộc thảo luận bị bỏ dở ở đây.
Trong thâm tâm, tôi không đồng ý với quan niệm của Stalin và nghĩ rằng quan điểm của tôi không khác quan điểm của Tito.
Stalin trình bày quan điểm của ông về đặc trưng cơ bản của cuộc chiến tranh hiện nay:
"Khác với những cuộc chiến tranh trước, trong cuộc chiến tranh này, kẻ nào giành được lãnh thổ sẽ thiết lập hệ thống của mình. Không thể nào khác được".
Ông cũng trình bày thực chất chính sách Đại Slav của mình mà không giải thích lí do cụ thể:
"Nếu người Slav đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau thì trong tương lai, không kẻ nào có thể ngúc ngoắc ngay cả một ngón tay. Không ngúc ngoắc ngay cả một ngón tay!", ông nhắc lại như thế và chém mạnh ngón tay trỏ vào không khí.
Có ai đó nói rằng phải năm mươi năm nữa, người Đức mới hồi phục được. Nhưng Stalin có quan điểm khác:
"Không, họ sẽ hồi phục rất nhanh thôi. Đấy là một đất nước với nền công nghiệp phát triển cao, giai cấp công nhân có tay nghề và rất đông đảo, lực lượng cán bộ kĩ thuật hùng hậu, chỉ mười hai, mười lăm năm là họ sẽ phục hồi thôi. Vì vậy mà người Slav cần phải đoàn kết. Và nói chung, nếu người Slav đoàn kết thì không kẻ nào có thể ngúc ngoắc được ngay cả một ngón tay".
Đột nhiên, ông đứng dậy, kéo quần lên như đang chuẩn bị lao vào tranh đấu hay lao vào một cuộc đánh nhau tay đôi và gào lên như trong cơn say:
"Chiến tranh sắp chấm dứt rồi, sau mười lăm hay hai mươi năm nữa, chúng ta sẽ bình phục, rồi chúng ta sẽ tiếp tục!"
Khủng khiếp quá: cuộc chiến tranh thảm khốc vẫn còn chưa chấm dứt. Nhưng niềm tin của ông vào con đường sẽ phải đi, nhận thức cái tương lai tất yếu mà thế giới nơi ông sống, phong trào do ông dẫn dắt sẽ phải trải qua làm người ta phải kính phục.
Stalin còn nói nhiều chuyện nữa nhưng tôi cho rằng chẳng đáng ghi lại làm gì, chỉ xin nói thêm là chúng tôi ăn nhiều, uống còn nhiều hơn, nâng cốc nhiều lần và nói những lời chúc mừng vô nghĩa.
Molotov kể lại chuyện Stalin chọc Churchill: Stalin nâng cốc chúc mừng cơ quan tình báo và các nhân viên tình báo Anh, có ý ám chỉ thất bại của Churchill ở Gallipoly trong Đại chiến thế giới thứ nhất mà nguyên nhân là sự thiếu am tường của người Anh. Nhưng ông ta cũng vui vẻ nhắc lại sự hóm hỉnh của Churchill. Ở Moskva, sau khi đã uống một li vang ngon, Churchill nói rằng ông ta xứng đáng được nhận huân chương cao quí nhất của nhà nước Liên Xô và lời cám ơn sâu sắc nhất của Hồng quân vì trong thời gian tham gia cuộc can thiệp vào Arkhagelsk, ông đã dạy họ cách đánh nhau. Nói chung, có thể nhận thấy rằng Churchill, dù họ chẳng ưa gì ông, đã tạo được ấn tượng tốt đối với các lãnh tụ Liên Xô, họ coi ông là một "nhà hoạt động nhà nước" có tầm nhìn xa trông rộng và nguy hiểm.
Trên đường trở về nhà nghỉ, Tito cũng cảm thấy mệt vì uống nhiều rượu quá, đã nói ngay trong ô tô:
"Thật không hiểu nổi, quỉ tha ma bắt mấy cái anh Nga này đi, uống gì nhiều thế không biết, đúng là đồi bại!"
Dĩ nhiên là tôi đồng ý với nhận xét của ông, tôi đã nhiều lần thử tìm hiểu mà không thể giải thích nổi vì sao giới lãnh đạo tối cao Liên Xô lại uống nhiều, uống một cách tuyệt vọng và có hệ thống như thế.
Trên đường từ nhà nghỉ của Tito về thành phố, tôi đã tiến hành tổng kết kinh nghiệm của buổi tối hôm đó và nhận thấy không có gì đặc biệt cả: không có vấn đề khúc mắc nào nhưng khoảng cách giữa chúng tôi dường như đã tăng thêm, tất cả các vấn đề đều được giải quyết bằng chính trị như nhất định phải như thế trong các quan hệ giữa các nhà nước độc lập.
Chúng tôi có đến thăm Dimitrov vào buổi tối. Để cho không khí thêm vui vẻ, ông có mời hai hay ba nghệ sĩ Liên Xô tham gia, họ hát một số trích đoạn.
Dĩ nhiên là chúng tôi có nói đến chuyện hợp nhất giữa Bulgaria và Nam Tư nhưng chỉ nói chung chung, không đi vào chi tiết. Tito và Dimitrov kể lại những kỉ niệm thời họ cùng công tác ở Comintern. Nói chung, có thể coi đây là cuộc gặp của những người bạn chứ không phải là buổi thảo luận có tính chính trị.
Dimitrov lúc đó là người rất cô đơn vì tất cả kiều dân Bulgaria đã trở về nước cùng với Hồng quân rồi.
Dimitrov trông mệt mỏi và thiếu quyết đoán. Nguyên nhân hay một phần nguyên nhân thì ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói ra. Mặc dù Bulgaria đã được giải phóng nhưng Satlin không cho Dimitrov hồi hương vì cho rằng chưa đến lúc, các chính phủ phương Tây sẽ coi đấy là việc công khai đưa chủ nghĩa cộng sản vào Bulgaria. Làm như đường lối đó không hai năm rõ mười rồi vậy! Chuyện đó cũng đã được nói tới trong bữa ăn tối ở chỗ Stalin. Vừa nháy mắt, Stalin vừa bảo:
"Chưa phải lúc để Dimitrov trở về Bulgaria, ở đây cũng tốt chán".
Mặc dù không thể chứng minh, nhưng lúc đó người ta đã ngờ rằng Stalin sẽ không cho Dimitrov trở về trước khi ông ta ổn định được trật tự ở Bulgaria.
Chúng tôi mới nghi ngờ chứ chưa dám khẳng định rằng Liên Xô đang có xu hướng bá quyền nhưng chúng tôi đã có cảm giác như thế. Chúng tôi phải miễn cưỡng đồng ý với những mối ngờ vực tưởng tượng của Stalin rằng Dimitrov sẽ đưa Bulgaria quá nhanh về phía tả.
Dẫu vậy, thế cũng đủ, cho giai đoạn đầu.
Nhưng điều đó gợi ra một loạt câu hỏi: Stalin dĩ nhiên là một thiên tài, nhưng Dimitrov cũng đâu có phải là tay mơ, làm sao Stalin biết rõ các vấn đề của Bulgaria hơn Dimitrov? Việc giữ Dimitrov ở Moskva, trái với ý ông, có làm giảm uy tín của ông đối với những người cộng sản Bulgaria không? Và nói chung, trò chơi phức tạp xung quanh chuyến hồi hương của Dimitrov có ích lợi gì? Tại sao người Nga không nói cho ai biết, ngay Dimitrov cũng không biết?
Hơn ở đâu hết, trong chính trị, mọi sự thường bắt đầu từ sự xa lánh về mặt đạo đức và nghi ngờ về những dự định tốt đẹp.
hết: 12., xem tiếp: 13.

Sưu tầm : Nguyễn Học
Nguồn: Talawas
Được bạn: Ct.Ly đưa lên

No comments: