Monday, June 29, 2009

SUY TƯ 15 * HIỆN ĐẠI 3

Nguyễn Kiến Giang
Mấy ý nghĩ về hiện đại hóa và tâm lý xã hội ở Việt Nam hiện nay

Bài này viết để tham gia cuộc hội thảo về “Tâm lý dân tộc với con đường phát triển hiện đại”, do Trung tâm nghiên cúu tâm lý dân tộc (TPHCM) tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2000. Bài này được in trong tập san “Nghiên cứu tâm lý dân tộc” (TS Phạm Bích Hợp chủ biên), số Xuân (tháng giêng 2001). Sau đó không lâu, cả Tập san lẫn Trung tâm bị đình chỉ hoạt động.
Xã hội Việt Nam hiện đang ở trong những quá trình chuyển tiếp, ai cũng nói thế. Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Cách đây mấy năm, tôi ngẫu nhiên được gặp ông I. Licevich, một nhà triết học Nga, sang làm việc ở Việt Nam theo thỏa thuận trao đổi khoa học của hai nước. Khi tôi nói tới sự chuyển tiếp (transition) của xã hội Việt Nam, ông ngắt lời tôi với nụ cười hóm hỉnh: “Ở nước Nga chúng tôi, người ta cũng nói nhiều tới khái niệm này. Nhưng chuyển tiếp từ cái gì đến cái gì thì ý kiến còn rất khác nhau, nhất là ‘đến cái gì’...”.

Ở nước ta, có lẽ cũng chẳng sáng rõ hơn mấy. Nhưng nếu không hình dung được các quá trình chuyển tiếp này, thì không thể hình dung được bức tranh xã hội Việt Nam trước mắt và trong tương lai gần. Chắc không ai phản đối khi nói rằng nước ta đang ở trong quá trình chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Không coi nhẹ những nội dung xã hội - kinh tế của quá trình này, nói chung chúng ta chưa hình dung thật rõ quá trình này về mặt tâm lý xã hội. Có người tưởng rằng cứ tập trung sức lực vào xây dựng công nghiệp đi, xã hội hiện đại sẽ hiện ra, không hiểu rằng xã hội hiện đại không chỉ có mặt kinh tế, cũng không chỉ bắt nguồn từ trạng thái kinh tế, mà còn là một trạng thái văn hóa và tâm lý và cũng bắt nguồn từ cả hai yếu tố này. Nói rõ hơn, nếu chúng ta không tạo ra được những con người cá nhân ngày càng độc lập và chủ động, nếu chúng ta vẫn duy trì những cá nhân lệ thuộc, thì không thể có xã hội hiện đại, và cũng chưa có đủ tiền đề để đi tới xã hội hiện đại. Tất nhiên, con người cá nhân chưa thể hình thành và phát triển đầy đủ khi xã hội hiện đại chưa hình thành và phát triển, nhưng nói ngược lại cũng đúng.

Nhìn một cách đại thể, con người Việt Nam hôm nay đang ở trong sự giằng co giữa tâm lý lệ thuộc và tâm lý độc lập của cá nhân. Trong một thời gian rất dài, tính lệ thuộc chi phối đời sống cá nhân của con người ở những trình độ lớn, thậm chí tất cả. Trong xã hội gia trưởng ngày xưa, tính lệ thuộc gần như là một điều kiện sống của các cá nhân, khi chưa cắt bỏ được cái “cuống nhau” nối liền với cộng đồng (gia đình, làng xã, quốc gia), nói theo Marx. Từ trước đến nay, người ta bàn tới tính lệ thuộc về mặt xã hội - kinh tế nhiều hơn mặt tâm lý xã hội, mà đó mới là chiều sâu nhất của vấn đề.

Tâm lý học xã hội cho phép chúng ta hiểu rõ hơn tính lệ thuộc trong mối quan hệ của con người với chính bản thân nó, mà không chỉ là giữa người này với người khác (hay với cộng đồng). Ðây là tính lệ thuộc được con người nhập tâm (intérioriser, dịch theo Nguyễn Khắc Viện), thể hiện dưới hai dạng chủ yếu: theo khuôn phép và tuân phục, cũng là hai trình độ lệ thuộc khác nhau. Theo khuôn phép (của đại đa số người trong xã hội truyền thống) là khi con người tự thấy mình không thể sống và phát triển ở bên ngoài các hoàn cảnh, các bối cảnh áp đặt cho mình ít hay nhiều định hướng ứng xử, khiến con người bị đẩy tới chỗ lệ thuộc vào người khác. Nhưng đó không phải là sự lệ thuộc tuyệt đối, vì ngay từ trong xã hội truyền thống, con người với tư cách cá nhân, hay nói theo C. Jung, trong quá trình cá nhân hóa (individualisation), đã không ngừng “cựa quậy” để nới lỏng sự lệ thuộc của mình. Có thể nói, cá nhân nằm trong một sự vận động trái chiều, nó cảm thấy cần phải khác với người khác, tạo nên những xung đột công khai hoặc ngấm ngầm giữa cá nhân và cộng đồng, mà trong xã hội truyền thống không có cách giải quyết nào khác ngoài tính khuôn phép để con người có thể tồn tại một cách an toàn. Có lẽ nên hiểu tính lệ thuộc trong xã hội truyền thống ở nước ta ở trình độ theo khuôn phép như vừa nói là thích hợp với thực tế chăng? Cách hiểu này có thể lý giải một thực tế lịch sử, cả về mặt xã hội cũng như về mặt văn học nghệ thuật, là trong khi lệ thuộc vào cộng đồng, vào uy quyền chính trị và tư tưởng, đã có những người dám “nới lỏng” sự lệ thuộc để có những ứng xử khác với số đông, nghĩa là muốn tỏ ra “khác với người khác”. Thuật ngữ “nhà nho tài tử” do Trần Ðình Hượu đưa ra có lẽ nhằm để chỉ những cá nhân này. Thuật ngữ ấy là đúng, miễn là đừng hiểu đó là một tầng lớp người, vì thật ra đó chủ yếu là một phương thức ứng xử trong khuôn khổ tính khuôn phép mà thôi (một nhân vật tiêu biểu là Nguyễn Công Trứ, vừa là một triều thần mẫn cán và trung thành, một nhà nho lăn lộn nơi cửa Khổng sân Trình, vừa là một người công nhiên ca ngợi sự hành lạc). Tính khuôn phép, trong những điều kiện xã hội và lịch sử dễ thở, có thể dung dưỡng sự ra đời của con người cá nhân ngày càng ít khuôn phép hơn, để rồi dần dần trở thành các cá nhân ngày càng độc lập, các cá nhân vừa giống những người khác trong cộng đồng, vừa khác họ, để đi tới những cá nhân mang tính độc lập thật sự.

Nhưng cũng có những người mang tính lệ thuộc dưới dạng thuần phục, tuy số này nói chung không chiếm đa số. Về mặt tâm lý, đó là những người chịu lệ thuộc đến cùng, mà theo Milgram, một nhà tâm lý học xã hội, đó là những cá nhân tuyệt đối phục tùng những đòi hỏi của uy quyền, ngay cả khi họ biết rằng uy quyền ấy là sai lầm. Họ sẵn sàng thực hiện bất cứ mệnh lệnh nào phát ra từ người có uy quyền, thậm chí đi tới chỗ từ bỏ lương tâm và đạo đức để phục tùng mù quáng mọi mệnh lệnh của uy quyền. Số người này, tuy chỉ là thiểu số, chính là một lực cản rất lớn đối với những biến đổi tiến bộ của xã hội. Nhưng các nhà tâm lý học lưu ý rằng, ngay cả những người lệ thuộc dưới dạng tuân phục mù quáng như vậy, cũng trải qua những hoàn cảnh bi kịch, những xung đột nội tâm dữ dội và một số trong đó có thể trở thành không hoàn toàn phục tùng như trước, nhất là khi hiện thực xã hội cho thấy sự tuân phục mù quáng ấy không đem lại lợi ích và đặc quyền cho họ nữa.

Tôi đã đi xa quá rồi chăng? Không, tôi muốn nói lên cách hiểu của mình (thật ra là dựa theo các nhà tâm lý học xã hội) về một nét tâm lý cơ bản trong sự chuyển tiếp từ truyền thống sang hiện đại. Tình hình ở nước ta đang diễn ra theo hướng các cá nhân ngày càng từ bỏ tính lệ thuộc, nhất là dưới dạng tuân phục, để trở thành các cá nhân ngày càng độc lập. Cũng xin nói ngay rằng trong mọi xã hội, kể cả xã hội hiện đại hay hậu hiện đại đi nữa, không có một tính độc lập tuyệt đối của cá nhân. Tính độc lập cá nhân ở đây được hiểu là tự mình lựa chọn những hoạt động sống phù hợp với những thiên hướng và những khả năng có thể có của mình, tự mình tạo ra “chỗ đứng chân” của mình trong cuộc sống mà không xâm phạm lợi ích của người khác cũng như của cộng đồng.

Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời dần dần nhưng ngày càng rõ nét của con người cá nhân mang tính độc lâp trong những năm đổi mới. Trước đây, trong cái gọi là “chế độ quan liêu bao cấp”, sự lệ thuộc của các cá nhân đạt tới điểm tuyệt đối hay gần như thế. Con người chỉ có thể có những hoạt động sống của chính mình khi bám được vào guồng máy sản xuất vật chất và tinh thần của nhà nước hay của tập thể (cũng là một dạng nhà nước hóa), hoặc như người ta nói, khi bám được “bầu vú sữa nhà nước”. Tâm lý lệ thuộc, do đó thật nặng nề: “người nhà nước” được coi như mẫu người lý tưởng, chưa phải “người nhà nước” là chưa thành người, hoặc ít ra chưa thành người được người khác trọng thị. Hậu quả tai hại nhất của chế độ quan liêu bao cấp này chính là nó đã triệt tiêu khả năng trở thành con người cá nhân mang tính độc lập, mà nếu không có nó thì mọi ý định “hiện đại hóa” nghe tốt đẹp đến đâu cũng chỉ là giả tưởng.

Không có gì quá đáng khi nói rằng con người Việt Nam hiện nay, ở bất cứ lĩnh vực nào, đang hướng tới tính độc lập của mình không những về kinh tế mà cả về tâm lý. Như đã nói trên đây, người ta thường nói nhiều tới mặt kinh tế của vấn đề, mà ít nói tới mặt văn hóa và tâm lý, nhưng chính mặt này mới thể hiện đầy đủ hơn và là cơ sở lâu bền hơn cho những biến đổi xã hội. (Xin nhắc lời Lênin: chỉ có cái gì đi vào văn hóa mới bền vững, xin thêm vào câu nói ấy hai chữ tâm lý). Lấy một ví dụ: việc xây dựng lại gia phả. Trong một thời gian dài, hầu như người ta quên mất gia phả của mình. Không ai ra lệnh cấm cả, nhưng người ta thấy nó “cũ kỹ”, “lạc hậu”, không phù hợp với không khí tâm lý chung thế nào ấy. Những ai có tổ tiên mình là quan lại, địa chủ... chẳng hạn, còn giấu biệt gốc tích của mình đi. Ngày nay người ta đang đua nhau chép lại, bổ sung gia phả với tấm lòng thành đối với cha ông. Gia phả lại trở thành thiêng liêng. Hiện tượng này nói lên điều gì? Theo tôi, chính nó biểu hiện sự đi tới tính độc lập của con người cá nhân. Mỗi người đang tìm lại “căn cước” của chính mình. Vì khi đã có thể tự hỏi “tôi là ai”, người ta không thể không đụng tới nguồn gốc của riêng mình. Gia phả chính là nguồn cung cấp “căn cước” ấy. Ðúng là có những sự thái quá, những sự phô trương... trong việc khôi phục lại gia phả, nhưng tôi vẫn coi việc khôi phục đó là một hiện tượng có ý nghĩa tích cực, giúp cho các cá nhân khôi phục nguồn gốc cá nhân cụ thể của chính mình, làm cho mỗi người thấy mình không phải là một cái gì phi cá nhân (impersonnel), chỉ gắn với con người tập thể, cộng đồng. Gia phả ghi những tổ tiên của chính mình mà không phải của người khác. Việc xây lại mồ mả cha ông, cũng như việc khôi phục cúng giỗ tổ tiên cũng mang một ý nghĩa tương tự. Tất nhiên, chúng ta không thể đồng tình với những sự thái quá, những sự ganh đua theo lối phô trương (đã trở thành một gánh nặng đối với nhiều người), nhưng không vì thế mà phủ nhận ý nghĩa cá nhân hóa của những hiện tượng rất cũ mà cũng rất mới ấy.

Ðây cũng là một điều lạ so với sự hình thành xã hội hiện đại ở một số nước phương Tây. Ở đó, hiện đại hóa gắn liền với cá nhân hóa đã đành, nhưng cũng gắn liền cả với thế tục hóa (sécularisation) hiểu theo nghĩa bác bỏ những yếu tố thần linh (tín ngưỡng, tôn giáo). Còn ở nước ta, trên ngưỡng cửa đi vào hiện đại hóa lại xuất hiện việc quay trở lại với đời sống tâm linh của con người, điều mà các xã hội hiện đại phương Tây cũng đang đi tới (hay trở về), nhưng là sau khi xã hội hiện đại chuyển sang xã hội hậu hiện đại.

Tất nhiên, sự hình thành và phát triển tính độc lập trong mười mấy năm nay (từ lúc “đổi mới”) biểu hiện trước hết trong đời sống kinh tế của con người. Người ta tìm kiếm chỗ đứng chân và làm ăn riêng của mỗi người hay nói cụ thể hơn, tìm kiếm sở hữu riêng và những hoạt động sống riêng của mình. Người này thành đạt, người kia chưa thành đạt, nhưng rõ ràng đó là một hiện tượng mới, gắn liền với những chuyển đổi xã hội - kinh tế và tâm lý ở nước ta hiện nay. Nếu cách đây chưa lâu, chế độ tư hữu và tâm lý tư hữu (óc tư hữu) còn là một đối tượng phê phán không chỉ về xã hội mà cả về đạo đức - một vị lão thành cách mạng có lần nói với tôi: “Cái thời chúng mình đi làm cách mạng, “óc tư hữu” bị coi là một trong những tội nặng, cùng với “óc duy tâm” và “óc quốc gia”...” - thì hiện nay tình hình đã đổi khác rất nhiều. Người ta đang lao vào những thứ “của riêng”, từ nhà ở đến nơi hành nghề (một cửa hiệu, một “mặt bằng sản xuất”, một góc bán hàng, hợp pháp và cả bất hợp pháp). Về mặt này, cũng có những thái quá, những giành giật, những thủ đoạn... để có thể có những “của riêng”, nhưng hiện tượng coi trọng “của riêng” là một sự thật và có ý nghĩa tích cực, gắn với hiện đại hóa ở nước ta.

Về mặt đời sống chính trị, sự hình thành các cá nhân mang tính độc lập di theo một tiến trình chậm chạp hơn, nhưng không phải không có những biểu hiện mới, khá rõ. Ðúng là ở nước ta, truyền thống khuôn phép và tuân phục (của các cá nhân bị lệ thuộc) là một truyền thống lâu đời. Người dân Việt Nam rất giàu tinh thần đấu tranh dân tộc (chống ngoại xâm, giành độc lập) và sẵn sàng trả giá về của cải và cả tính mạng cho các cuộc đấu tranh này, nhưng không giàu mấy về tinh thần đấu tranh xã hội (chống bạo quyền, giành quyền sống). Trong lịch sử, hầu như không có cuộc cách mạng xã hội nào, thậm chí không có một cuộc cải cách xã hội triệt để nào cả. Nói cách khác, ở nước ta, người dân trong các xã hội truyền thống mang nặng tâm lý “thần dân” mà chưa bao giờ có được tâm lý “công dân”. Phục tùng uy quyền chính thống là một tâm lý quen thuộc. Nhưng tâm lý này cũng đang thay đổi, tuy chưa thật mạnh mẽ.

Cuối cùng, về đời sống văn hóa và tư tưởng, những thay đổi cũng đang diễn ra theo hướng ngày càng tăng thêm tính độc lập của cá nhân. Nếu trước đây, tính độc lập về mặt này chỉ thấy le lói ở một số ít người, thì ngày nay, nó đang trở thành một xu hướng ngày càng được khẳng định và thừa nhận. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính đa dạng ngày càng lớn, mà tính đa dạng chính là một biểu hiện của tính độc lập cá nhân trong sáng tạo. Người ta đang vươn tới những giá trị mới, không theo truyền thống và chính thống. Nhưng cũng như trong đời sống chính trị, tính độc lập trong đời sống văn hóa và tư tưởng chưa biểu hiện thật mạnh mẽ thành những trào lưu của số đông. Hàng thế kỷ sống theo những khuôn mẫu tinh thần truyền thống và chính thống (mọi biểu hiện phi chính thống đều bị coi là “chống đối”, có liên quan với sự an nguy của con người) thì tâm lý “phò chính thống” theo lối khuôn phép đã trở thành một tâm lý quá quen thuộc và không dễ gì từ bỏ. ít ra, người ta quen dần với những lối nghĩ và lối hành động “nước đôi”.

Kinh nghiệm của các xã hội phát triển cao hơn cho thấy nếu không có những biến đổi căn bản về mặt tư tưởng, thì không thể chuyển từ xã hội truyền thông sang xã hội hiện đại một cách triệt để. Các xã hội Tây Âu, phải mất hàng trăn năm, đặc biệt phải trải qua một thế kỷ Khai sáng, mới làm thay đổi được tâm lý lệ thuộc để đi tới tính độc lập về tư tưởng như một tiền đề không thể thiếu để từ giã xã hội và tâm lý lệ thuộc truyền thống.

Có lẽ ở các nước chậm phát triển hơn, cũng phải có những vận động tương tự, nếu không phải về hình thức thì cũng về thực chất chăng? Và may ra, trong một thế giới chuyển động mạnh mẽ như thế giới chúng ta đang sống, chúng ta sẽ trả giá về mặt thời gian cho tiến trình này ít hơn chăng? Xin hy vọng là thế.


*


vậy, trước mắt chúng ta đang diễn ra một quá trình lịch sử lớn về tất cả các mặt đời sống xã hội theo hướng hiện đại hóa. Về mặt tâm lý, điều đó có nghĩa là theo hướng từ bỏ tâm lý lệ thuộc và xây dựng tâm lý độc lập của các cá nhân.

Ở đây, chúng ta thấy có hai nét nổi bật: Thứ nhất, nói chung, các cá nhân chưa phát triển (và chưa thể phát triển) đến trình độ tính độc lập cao. Và, thứ hai, một số cá nhân “nhạy bén” dựa vào thế lực xã hội của mình đã và đang lợi dụng quá trình này để trục lợi riêng, để đầu cơ ăn bám, để sống theo lối hãnh tiến trên những khó khăn và nghèo khổ của toàn xã hội. Tôi gọi hiện tượng thứ nhất là sự yếu ớt tiên thiên (bẩm sinh) của các cá nhân, và hiện tượng thứ hai là sự loạn cương của một số cá nhân. Hai hiện tượng này tác động qua lại chặt chẽ với nhau.


1. Trong tiến trình tìm kiếm tính độc lập và từ bỏ tính lệ thuộc của mình, các cá nhân vấp phải những trở lực rất khó vượt qua, cả bên trong lẫn bên ngoài bản thân mình. Sống trong môi trường “cộng đồng trên hết” quá lâu đời, ý thức cộng đồng cho đến nay vẫn trội hơn hẳn ý thức cá nhân. Dù ý thức cộng đồng đã suy yếu so với trước nhiều, nó vẫn mạnh hơn sự khẳng định cá nhân. Không phải chúng ta không có ý thức về độc lập và tự do như những giá trị tinh thần lớn nhất (và cũng là những giá trị phổ quát của con người nói chung). Câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Không có gì quí hơn độc lập tự do” đã trở thành một châm ngôn sống của chúng ta trong nhiều năm qua. Nhưng trong cách hiểu của số đông người, độc lập và tự do - những giá trị được Hồ Chí Minh đưa lên hàng đầu ấy - không phải là những giá trị của cá nhân, cho cá nhân, mà là của tập thể, của Tổ Quốc và cho tập thể, cho Tổ quốc. Ðáng lẽ những giá trị này cũng phải là những giá trị của đời sống cá nhân, nhưng cho đến nay, chưa phải như thế. Thậm chí có người coi tính độc lập và tự do của các cá nhân như những gì trái nghịch. Người ta coi sự lệ thuộc cá nhân như một cái gì hiển nhiên. Vả chăng, sống với tâm lý lệ thuộc dễ dàng hơn sống với tính độc lập nhiều: không phải tự mình lo nghĩ, tính toán, xoay xở, cách tân gì hết. Mọi cái cứ theo lề thói cũ, và những vấn đề lớn của đất nước (“quốc gia đại sự”), có khi cả của cá nhân mình, đã có người lo hộ, nghĩ hộ. Nhất là trong thời bao cấp, con người được lo cho mọi cái từ mấy mét tã lót khi sinh ra đến cỗ quan tài khi chết đi, tính lệ thuộc đưa tới tính thụ động gần như hoàn toàn. Không phải không có lý khi có người ví kiểu sống đó với kiểu sống của “gà công nghiệp”. Sống với tâm lý lệ thuộc, thụ động, chắc chắn người ta chỉ có thể kiếm vừa đủ để tồn tại (kinh tế tiền hiện đại chính là kinh tế để tồn tại - économie de subsistance), chưa thể tính đến mức sống ngày càng tăng, đến cái được gọi là “lối sống tiêu dùng” thường được hiểu theo lối tiêu cực, trong khi xã hội hiện đại là đồng nghĩa với xã hội phúc lợi và tiêu dùng, với những đòi hỏi, những “giá trị tiêu dùng” ngày càng cao.

Kinh tế thị trường đã dần dần giúp cho, hay nói đúng hơn, đòi hỏi con người phải chủ động hơn, phải tự mình xoay xở việc làm và thu nhập, không thể trông chờ một “bầu vú” nào. Nhưng tâm lý lệ thuộc không thể bị trừ bỏ ngày một ngày hai. Do đó, tâm lý con người hiện nay nhìn chung đang nằm trong trạng thái giao nhau, xen cài nhau và cũng xung đột nhau giữa tính lệ thuộc và tính độc lập của cá nhân.

Lẽ ra quá trình này có thể rút ngắn hơn, nếu các cá nhân được bảo đảm hơn về tính độc lập. Nhưng như đã nói, sau một thời gian dài sống lệ thuộc và thụ động, các cá nhân bị suy yếu đi rất nhiều. Không có sở hữu, không có những điều kiện vật chất và pháp lý (chế độ “xin - cho” vẫn được duy trì khá bền vững) để có thể có một đời sống độc lập, nhiều người đang ở trong trạng thái suy nhược kinh tế bẩm sinh, khó lòng thoát ra, lại dễ bị lâm vào tình trạng lệ thuộc mới. Cứ nhìn hàng nghìn, hàng vạn “thợ xây dựng” từ nông thôn kéo ra các thành phố lớn, cũng đủ thấy rõ các hình thức lệ thuộc thay thế nhau như thế nào. Không còn sự lệ thuộc kiểu nông dân xã viên lệ thuộc vào hợp tác xã nông nghiệp nữa, nhưmg là sự lệ thuộc của những “đội quân làm thuê” vào những “chủ thầu”, những “đầu nậu”, với nhưng điều kiện sống và làm việc dã man. Có thể kể ra bao nhiêu hình thức lệ thuộc “mới” khác trong các lĩnh vực khác nhau, ở thành thị và nông thôn. Nhưng những người lệ thuộc “mới” này tìm đâu ra lối thoát và bao giờ mới thoát? Tính độc lập trong những trường hợp này nghe như một nốt nhạc nghịch tai, xa lạ.

Và, nói chung, hàng triệu người hiện nay đang lệ thuộc vào một thứ “kinh tế thị trường hoang dã”. Không những thế, đang sống trong một “xã hội thị trường hoang dã”, trong đó dạy học, chữa bệnh, xử kiện... đều trở thành những phương tiện đục khoét không thương xót đối với bao nhiêu người bất hạnh. Lẽ ra không thể có “xã hội thị trường” mà chỉ có “kinh tế thị trường”, lẽ ra không phải là “thị trường hoang dã” mà là một thị trường văn minh, trong đó các chủ thể thị trường tham gia một cách độc lập và bình đẳng với nhau, tạo điều kiện cho sự hình thành tâm lý độc lập, chủ động của mỗi cá nhân, thì những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta lại đi theo hướng ngược lại. Sự giằng co giữa tính lệ thuộc và tính độc lập đang kéo dài mà chưa thấy điểm kết thúc ở đâu.

Trong hoàn cảnh chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại ở nước ta hiện nay, trừ một số ít người có thể kiếm được những nguồn thu nhập độc lập, nói chung người ta vẫn đang phải lo lắng tìm chỗ đứng chân của mình, đặc biệt là những thanh niên đến tuổi lao động, kể cả những người được đào tạo đại học. Có thể nói rằng, nếu không có sự giúp đỡ của xã hội, của nhà nước, nhất là trong điều kiện nhà nước nắm giữ phần lớn những nguồn lực kinh tế, thì không hy vọng gì ở sự hình thành những cá nhân độc lập một cách lành mạnh và nhanh chóng. Trái với một số nước phương Tây, ở đó các cá nhân độc lập hình thành trước khi nhà nước có thể nắm được những nguồn lực dòi dào của quốc gia để tự biến thành “nhà nước phúc lợi”, ở nước ta, một điều thật nghịch lý là nhà nước phải đóng vai trò chủ yếu trong việc tạo ra những cá nhân độc lập. Bài toán nghe ra thật phi lý: nhà nước theo nguyên lý cộng đồng lại phải làm công việc tạo ra những cá nhân độc lập. Nhưng lúc này, chính nhà nước phải làm công việc đó như một nhiệm vụ hàng đầu của mình nếu thật sự muốn thúc đẩy quá trình chuyển tiếp từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Vì một lý do rất đơn giản: không có các cá nhân độc lập, không thể có xã hội hiện đại, hoặc nhiều lắm chỉ có một khu vực kinh tế hiện đại nào đó, cho một bộ phận xã hội nào đó, tạo thành một nền kinh tế, một xã hội “nhị nguyên” (dualiste), phân đôi, trong đó một số người hưởng thụ những thành quả của hiện đại hóa về kinh tế và khoa học - công nghệ, còn đại đa số dân cư bị gạt ra ngoài lề hiện đại hóa.

Sự hình thành và phát triển của các cá nhân độc lập đòi hỏi những định chế thông thoáng về luật pháp, đòi hỏi một nhà nước pháp quyền thật sự bảo đảm các quyền công dân một cách đầy đủ, xóa bỏ triệt để cách làm (và tâm lý) “xin- cho” của một nhà nước gia trưởng, để mỗi công dân có thể tự do làm tất cả những gì không bị luật pháp ngăn cấm. Ðiều đó cũng đòi hỏi xã hội và nhà nước thực hiện những biện pháp hỗ trợ về cơ sở vật chất, tín dụng, thông tin, liên hệ với bên ngoài cho các cá nhân.


2. Trong khi số đông đang nằm trong sự giằng co giữa tính lệ thuộc và tính độc lập của cá nhân, thì một bộ phân xã hội có vẻ như đã đạt tới “tính độc lập cao”. Trên thực tế, đó là những kẻ đang kìm hãm và phá hoại tính độc lập vừa manh nha của số đông và cũng đang hủy hoại nhân cách cá nhân của mình. Tôi muốn nói tới những kẻ ăn bám mới trong xã hội chúng ta hiện nay, những kẻ hãnh tiến, tạo thành hiện tượng loạn cương của xã hội. Từ điển xã hội học (Nguyễn Khắc Viện chủ biên, Nxb Thế giới, 1994) định nghĩa loạn cương (anomie) như “một xã hội không có qui tắc đạo đức và pháp lý để tổ chức nền kinh tế của mình, một trạng thái khủng hoảng về mối liên hệ của cá nhân với hệ thống giá trị, khiến cho xã hội mất tính cố kết. Ðiều đó xẩy ra khi xã hội bị xâu xé bởi mâu thuẫn giữa hợp tác và tranh đua, giữa cố kết và xung đột. Các mục tiêu và phương tiện bị cá nhân hóa, vì tổ chức xã hội không thể bảo đảm sự hài hòa xã hội được nữa”. Trạng thái loạn cương ấy không chỉ có ở nước ta, nó là một trạng thái xẩy ra ở khá nhiều xã hội khác trong thời kỳ chuyển tiếp.

Ðập vào mắt chúng ta trước hết là những kẻ làm giàu vô cùng nhanh chóng, sống một cuộc sống giàu có không kém gì những kẻ giàu có ở các nước phát triển nhất, với bao nhiêu của chìm của nổi không thể biết hết được. Nếu sự “giàu có” này là do tài năng trí tuệ thì không nói làm gì, nhưng hầu như mọi người đều biết đó là những của cải ăn cắp và ăn cướp. Trong một xã hội tập trung quyền lực cao, những kẻ đó tất nhiên là những kẻ có quyền lực hay có liên hệ mật thiết với những kẻ có quyền lực. Ở đây tôi không làm việc phân tích về nhóm người này, chỉ xin nói đôi chút về tác động của họ về mặt tâm lý học xã hội.

Tôi muốn dùng thuật ngữ “tâm lý hãnh tiến” để chỉ chung tâm lý của nhóm người này, không phải theo nghĩa “tiến thân một cách may mắn” như một cuốn từ điển định nghĩa, mà để chỉ tâm lý của những kẻ muốn thành đạt trong cuộc sống cá nhân bằng bất cứ phương tiện nào, không một chút ngại ngùng, như Từ điển Robert định nghĩa (xem chữ arriviste). Những thành đạt mà họ nhắm tới là những đặc quyền đặc lợi, những bảo đảm cho họ giành được một vị thế xã hội vượt trội cả về danh (thật ra là hư danh), quyền (thật ra là mua quan bán chức) và lợi (thật ra là những của cải chiếm đoạt phi pháp). Một nét tính cách chung của họ là “hợm”, tự cho mình có quyền đức hơn người khác, mà thật ra đó là sự chiếm đoạt quyền lực bằng những thủ đoạn gian dối hay bằng lối “cánh hẩu” (từ X.Y.Z. dùng trong Sửa đổi lối làm việc, 1948), trong khi cả tài lẫn đức đều không xứng đáng. Nhưng chính vì không xứng đáng nên càmg làm oai, càng sử dụng uy quyền (chức tước và tiền bạc) để áp đặt ý muốn độc tôn của mình. Về thực chất, cái họ có không phải là tính độc lập cá nhân, mà chính họ sống trong một sự lệ thuộc sâu sắc và hủy hoại nhân cách của họ.

Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là tâm lý hãnh tiến này đang lây lan ngày càng rộng, trở thành một nhân tố thuận lợi cho sự hoành hành của nhiều tệ nạn xã hội, nhất là nạn tham nhũng đã đạt tới trạng thái “ung thư”. Khi những kẻ muốn chiếm đoạt những gì không do chính năng lực của mình tạo nên, mà bằng những thủ đoạn phi pháp, kẻ đó dám phạm vào những tội ác và trên thực tế đã gây ra nhiều tôị ác xã hội. Khắc phục và ngăn ngừa tâm lý hãnh tiến, theo tôi, là một điều kiện không thể thiếu để cá nhân và xã hội tồn tại và phát triển một cách bình thường, để cho tính độc lập của các cá nhân hình thành và phát triển như một điều kiện của hiện đại hóa. Một xã hội hiện đại không thể là một xã hội của những nhân cách què quặt, bệnh hoạn, dù có xây được bao nhiêu cao ốc, xa lộ... thật to lớn như những gì chúng ta đang chứng kiến.

Nhóm hãnh tiến chính là cái ổ gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với đời sống xã hội hiện nay. Vấn đề không chỉ là sự đánh mất cá nhân và nhân cách của họ, đó còn là một sức mạnh tác động tai hại tới tâm lý con người nói chung, về hai mặt. Một mặt, nó làm cho nhiều người không thể sống yên tâm về những gì mình đang có và có thể có một cách chính đáng, vì người ta không thể sống yên ổn bên cạnh những tên ăn cắp ngấm ngầm và công khai, do đó một trạng thái tâm lý bất ổn nảy sinh, lan rộng và tồn tại dai dẳng ở nhiều người và trong toàn xã hội. Cảm giác sống trong những bất công xã hội nhiều khi thật trần truồng, có thể đẩy người ta đến những bùng nổ khó kiểm soát. Nhưng, mặt khác, cũng không kém phần quan trọng, đó là nhóm hãnh tiến trên thực tế đã và đang nêu lên những tấm gương phản diện nhưng rất hấp dẫn của một lối sống “trên tiền”, ăn bám, đòi hỏi tiêu dùng quá khả năng, hy vọng làm giàu nhanh chóng dù bằng những con đường bất chính. Xã hội hiện đại đúng là xã hội tiêu dùng, nhưng đó phải là sự tiêu dùng những của cải do chính bàn tay và khối óc của mình làm ra, hoàn toàn không giống với sự tiêu dùng của nhóm hãnh tiến.


*


Vấn đề tâm lý xã hội và hiện đại hóa không chỉ đóng khung vào sự biến đổi tâm lý từ tính lệ thuộc sang tính độc lập của cá nhân con người như đã trình bày trên đây. Có thể nói đụng vào lĩnh vực nào, chúng ta cũng đụng phải những vấn đề tâm lý xã hội hết sức phức tạp. Trong lĩnh vực công nghiệp hóa, chẳng hạn, chúng ta chuẩn bị cho con người như thế nào trong quá trình công nghiệp hóa đất nước hôm nay? Hoặc về đô thị hóa, chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào để cho người dân đô thị không phải sống giữa nhưng cái “làng cổ hủ”, với đủ thứ lề thói tản mạn và lạc hậu đè nặng lên các cá nhân, mà là được sống trong những đô thị có tổ chức cao, trong đó các cá nhân được tôn trọng và làm cho họ có thể hòa vào một đời sống công cộng vừa thoải mái, vừa chặt chẽ? Bao nhiêu vấn đề tâm lý xã hội được đặt ra mà, tiếc thay, chưa có những công trình nghiên cứu nào được tiến hành một cách nghiêm túc cả.

Bức tranh tâm lý xã hội ở ngưỡng cửa hiện đại hóa mà chúng tôi hình dung ra trên đây, dù chỉ đề cập một khía cạnh của nó, còn quá ư sơ lược, với những sắc màu tương phản cực độ mà thiếu đi những sắc màu “trung gian” hết sức phong phú và gần đúng với hiện thực hơn. Mục đích chủ yếu được nhằm tới ở đây là nhận diện (bước đầu) những nét tâm lý thuận và nghịch với hiện đại hóa. Rõ ràng đang có những nét thuận và nghịch ấy. Phải có những nghiên cứu sâu, dựa trên những cuộc điều tra rộng lớn ở nhiều địa bàn khác nhau, trong những lĩnh vực hoạt động sống khác nhau, mới có thể đánh giá được tỷ trọng thuận/nghịch này. Theo cảm nhận của tôi, cả hai mặt đang nằm trong một thế quân bình mong manh.

Niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta là ở tính độc lập cá nhân đã bắt đầu hình thành và đang tăng lên ở một bộ phận ngày càng lớn trong xã hội. Nhưng nhìn thật kỹ, tính độc lập ấy chưa vững chắc, vì bên trong mỗi con người và trên phạm vi toàn xã hội, sự giao tranh giữa tính độc lập và tính lệ thuộc đang diễn ra tuy âm thầm nhưng thật quyết liệt. Trong khi đó, những tâm lý xã hội tiêu cực vẫn đang hủy hoại đời sống tinh thần của con người ở mức độ đáng lo ngại. Nhất là khi những tâm lý tiêu cực ấy gắn với quyền thế của nhóm hãnh tiến. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng. Vì đứng về mặt tâm lý mà nói, xu hướng đi tới tính độc lập của cá nhân là không thể đảo ngược, và cũng vì thế giới chúng ta đang sống chuyển động nhanh chóng và mạnh mẽ chưa từng thấy, khi quá trình toàn cầu hóa thúc đẩy các quá trình hiện đại hóa (ở các nước dang phát triển) và hậu hiện đại hóa (ở các nước phát triển) theo nhịp độ gia tốc và dưới hình thái bện kết giữa các quá trình đó. Riêng một sự cảm nhận về tình trạng “tụt hậu” của nước ta hiện nay cũng đủ (tôi tin thế) để tất cả chúng ta - mỗi công dân cũng như toàn cộng đồng - huy động tất cá những năng lực cần có và có thể có nhằm tạo ra những biến đổi căn bản trong quá trình hiện đại hóa, nếu không muốn để đất nước bị đặt ra ngoài lề dòng chảy văn minh chung.


*


Cuối cùng, xin nói thêm một điều hết sức cần thiết. Trong quá khứ không xa, chúng ta không ít lần nuôi hy vọng về một “ngày mai ca hát” trên đất nước mình, để rồi sau đó thấy rằng cái “ngày mai” ấy không đến như mong đợi. (Ở đây, tôi muốn nói tới mặt biến đổi xã hội chứ không phải về mặt giải phóng dân tộc mà chúng ta đã đạt được những thành công to lớn với bao nhiêu hy sinh và nỗ lực). Bước vào hiện đại hóa, một nấc thang trên con đường phát triển của đất nước, tôi không nghĩ rằng chúng ta lại sẽ có được những “ngày mai ca hát” dễ dàng ấy. Hiện đại hóa chắc chắn không phải là “phép màu” để giải quyết mọi vấn đề cá nhân và xã hội. Kinh nghiệm nhiều nước đi trước chúng ta trên con đường hiện đại hóa (và cả hậu hiện đại hóa) cho thấy không ít những bài học thất bại, đổ vỡ, và ngay ở những nước được coi là thành công về mặt này, người ta thấy rằng hiện đại hóa theo lối họ đã làm không phải là tối ưu. Trong Phê phán tính hiện đại, A. Touraine đã nói tới kiểu hiện đại hóa phiến diện ở các nước phương Tây khi bỏ qua sự phát triển của cá nhân với tư cách chủ thể. Người ta đã tìm kiếm - và tìm kiếm khá thành công - những hiệu quả kinh tế và kỹ thuật, hay nói đúng hơn, những giá trị vật chất cao hơn cho đời sống con người. Nhưng người ta lại bỏ qua, bỏ quên chính bản thân con người, đặt con người vào tình trạng lệ thuộc mới vào những phương tiện tiêu dùng hơn là biến con người thành những chủ thể đích thực của chính mình. Một tác giả đã khái quát rất hay rằng xã hội phương Tây đang đứng trước sự biến đổi từ “xã hội tiêu dùng” (société de consommation) sang “xã hội tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống” (société de sens). Xã hội hậu hiện đại đang xuất hiện liệu có giúp cho sự chuyển biến này không? Có thể, ít ra là có thể hy vọng như thế. Ronald Inglehart, trong Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa, đã trình bày khá thuyết phục về những chuyển đổi hệ giá trị từ hiện đại hóa sang hậu hiện đại hóa. Nói một cách hết sức tóm lược, theo tác giả này, trong quá trình hiện đại hóa, thành tựu kinh tế cá nhân được coi là một mục tiêu then chốt. Ðược đặt lên hàng đầu là những ưu tiên, những giá trị vật chất (materialistic values). Còn trong xã hội hậu hiện đại, thành tựu kinh tế cá nhân, từng được coi là ưu tiên số một, đang nhường chỗ cho chất lượng sống. Những chuẩn mực hướng tới thành đạt về vật chất đang nhường chỗ cho sự lựa chọn lối sống cá nhân và tự thể hiện cá nhân. Các giá trị vật chất nhường chỗ cho các giá trị hậu vật chất (postmaterialistic values). Các giá trị này không được hiểu như những giá trị phi vật chất hay “phản vật chất”. Thuật ngữ “hậu vật chất” ở đây muốn nói tới những mục tiêu được nhấn mạnh sau khi con người đã đạt được sự an toàn vật chất, và còn vì con người đã đạt được sự an toàn này.

Trên thế giới, và ngay ở nước ta, đang diễn ra những chuyển đổi giá trị rất phức tạp, không theo đường thẳng mà theo những đường quanh co, gẫy gập, những vòng tròn giao nhau. Những giá trị truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại, trong khá nhiều trường hợp, tồn tại bên cạnh nhau, bện kết với nhau. Nhưng trên bình diện phát triển cá nhân và xã hội, đó là những nấc thang tiếp nối nhau, không thể bỏ qua một nấc nào cả.

Gần đây, trong các cuộc thảo luận về “kinh tế tri thức”, tức là kinh tế hậu hiện đại, có ý kiến đề xướng những bước “đi tắt, đón đầu” để nước ta có thể nhảy ngay lên trình độ này. Không coi nhẹ và phủ nhận những khả năng “nhảy cóc” nào đó trong một vài lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật nào đó (quá trình toàn cầu hóa cũng đang đòi hỏi phải làm như vậy), nhưng tôi vẫn nghĩ rằng trình tự chuyển đổi theo những nấc kế tiếp nhau là trình tự bắt buộc. Có thể rút ngắn thời gian cho từng nấc, nhưng không thể bỏ qua một nấc cơ bản nào cả.

Và ngay cả khi đạt tới trình độ hậu hiện đại, cũng không nên nghĩ rằng, đến đó, mọi vấn đề của con người sẽ được giải quyết trọn vẹn. Hậu hiện đại, cũng như hiện đại, đem lại cho sự phát triển cá nhân những khả năng mới, nhưng cũng đẻ ra không ít vấn đề của cá nhân con người ở những trình độ cao hơn, phức tạp hơn, và cũng làm nảy sinh những nguy cơ lớn hơn cho sự phát triển cá nhân con người.

Tháng mười hai 2000

No comments: